Print

TƯỞNG NHỚ NHÀ GIÁO

NGUYỄN NGỌC TRÁC (1943 - 2016)

Trần Thế Đức

Nhận được tin anh Nguyễn Ngọc Trác từ trần, tôi thật bàng hoàng.
Thế là lại thêm một người bạn từ giã cõi trần. Người rụng trước, người rụng sau. Rồi lúc nào đó sẽ tới mình. Tuổi âm lịch thì tôi bằng anh (quý mùi). Về dương lịch, tôi kém anh một tuổi: Trác sinh năm 1943. Dân Sử Địa đã rụng khá nhiều rồi. Riêng lớp tôi (khóa 7 – 64 - 68 ĐHSP SG) đã rụng mất 10 người. Trác học trước tôi một năm (Khóa 6, 1963-1967), nhưng dân Sử Địa thân nhau như anh em một nhà, có lẽ do những sinh hoạt của nhóm Sử Địa, những cuộc du khảo nhớ đời. Chúng tôi còn gắn bó với nhau khi cùng chia sẻ bài vở trong trường ĐHSP, cùng sát cánh ghi cua khi học ở ĐH Văn Khoa.

Anh bạn Trác Mập, Trác Đen lúc nào cũng cười hà hà, cuộc đời lúc nào cũng vui. Với tính năng hoạt động, thời sinh viên, anh tham gia nhiều hoạt động: phó chủ tịch ban chấp hành sinh viên ĐHSP, tổng thư ký nhóm Sử Địa. Ở vào vị trí nào, Trác cũng làm việc hăng say, hết mình, không mệt mỏi, làm vì làm, không vì danh lợi. Khi làm phó chủ tịch ban chấp hành sinh viên ĐHSP, Trác giữ vững vị thế của người quốc gia, chống lại sự thao túng của đám sinh viên cộng sản nằm vùng chuyên xúi bẩy biểu tình, bãi khóa, báo chí xách động...

Sau khi ra trường, anh nhận nhiệm sở, rồi nhận lệnh nhập ngũ. Nhà giáo giã từ phấn trắng bảng đen, cầm súng ra chiến trường. Thời đó chưa có chính sách “quân sự 9 tuần” nên anh phải học hết khóa huấn luyện sĩ quan và tốt nghiệp với cấp bậc chuẩn úy quân lực Việt Nam Cộng Hòa, không được biệt phái.
Tôi ra trường, dạy ở trường trung học Kiến Hòa một thời gian thì được thuyên chuyển về dạy ở trường trung học Kiểu Mẫu Thủ Đức, gặp lại Trác ở đây. Anh đã được biệt phái về dạy học. Lúc này, Trác đảm nhận chức vụ tổng giám thị, một nhiệm vụ mà nhiều người né tránh. Đây là một công việc nặng nhọc, phải đối phó với những học sinh phá phách, giữ gìn kỷ luật nghêm minh để việc dạy của thày và học của trò thuận lợi. Ở một số trường, học sinh coi tổng giám thị như một hung thần, đặt cho ông đủ mọi thứ biệt danh hắc ám. Nhưng ở trường trung học Kiểu Mẫu Thủ Đức, Trác không dùng quyền hành cứng ngắc, mà uyển chuyển để đạt kết quả: học sinh nhận ra lỗi lầm, không tái phạm, và tuân theo kỷ luật của trường. Một học sinh KMTĐ, khi đã trưởng thành, hồi tưởng lại “những ngày ngu ngơ của tuổi học trò” cho rằng các em bất mãn, quậy phá, là do văn hóa Á Đông, văn hóa Việt Nam: người lớn có khoảng cách với trẻ con. Khi lớn lên, các em mới thấu hiểu cách làm việc hăng say, đầy nhiệt huyết của các thày cô và tấm lòng thương yêu của các thày cô với học sinh, với trường, lớp.

Trác là một trong những trụ cột của sinh hoạt hiệu đoàn, một hoạt động mạnh, tạo nên sắc thái riêng của trường trung học Kiểu Mẫu Thủ Đức, nên không thể xa rời học sinh được. Các em gọi thày Trác là “Gấu Trác” (có lẽ do vóc dáng bệ vệ) thì ông tổng giám thị không giận mà lại thích được gọi đùa như thế. Từ mấy chục năm qua, học sinh nhớ đến thày Trác qua những sinh hoạt, chứ không phải ông tổng giám thị. Những dòng tâm sự của học sinh kể rằng thày Trác là người thân thiện,vui nhộn, dễ tính, dễ mến, nhiệt tình với học sinh, với trường.
Sau tháng tư đen, thày trò Kiểu Mẫu Thủ Đức mất trường, tan tác. Người cộng sản nghi kỵ đủ mọi thứ, nhìn đâu cũng thấy CIA, xiết chặt cuộc sống của dân miền Nam. Việc tụ tập một nhóm người, dù mục đích chỉ là thân hữu, vui chơi, cũng trở thành điều cấm kỵ, có thể bị chụp mũ phản động, CIA và vào tù. Thày trò ngậm ngùi, đau xót trong những ngày u tối. Anh Nguyễn Nhã chợt nảy ra sáng kiến: nhân đám cưới của một học sinh, thày trò làm một cuộc họp mặt “chui”. Anh Trác nhận nhiệm vụ liên lạc thày trò đang phiêu bạt tứ tán. Đám cưới – họp mặt KMTĐ thành công, thày trò thật mừng, đời vẫn còn chút ánh sáng. Từ đó, những cuộc họp mặt chui của thày trò KMTĐ cứ tiếp tục, thày trò có dịp gặp nhau, nối lại tình thân KMTĐ. Thày trò nhớ tới công lao liên lạc của thày Trác.
Trác là người năng động, đa năng, hăng say với sinh hoạt hiệu đoàn. Anh là một trong những trụ cột của sinh hoạt của trường, anh Nguyễn Nhã là chủ tịch nhóm Sử Địa, anh Phạm Văn Quảng là Thanh Niên Thiện Chí, anh Dương Văn Hóa, anh Huỳnh Văn Nhì, chị Dương Thị Kim Sơn là những trưởng hướng đạo. Những sinh hoạt của trường, những cuộc du khảo, cắm trại... là một trong những nét đặc sắc của trường trung học Kiểu Mẫu Thủ Đức, thắt chặt tình cảm thắm thiết của thày trò. Năm nào cũng vậy, buổi cắm trại tại trường (Về Nguồn) chuẩn bị đón tết là kỷ niệm nhớ đời của thày trò KMTĐ. Bên ánh lửa bập bùng của lửa trại, bên nồi bánh chưng sôi sùng sục, thày trò hào hứng với đủ mọi sinh hoạt của tuổi trẻ. Những miếng bánh chưng xanh nóng hổi, công lao của nhiều thày trò, nhưng khó nhọc nhất do “Ông Địa” tổ chức gói bánh chưng thật chu đáo. Các em không thể quên hình ảnh thày Trác và các thày khác còng lưng xách nước đổ cho nồi bánh chưng khổng lồ.

Sau tháng tư đen, Trác phải đi tù tập trung như hàng trăm ngàn sĩ quan và công chức Việt Nam Cộng Hòa khác, vì anh là sĩ quan biệt phái. Khi được thả về, thày Trác “mất dạy”. Cái máy chụp ảnh cùng với những gì học hỏi được từ nhiếp ảnh gia Phạm Văn Mùi giúp anh sống qua ngày. Khi Viện đại học Hùng Vương mở ra vào năm 1995, Trác nhận công tác sinh viên vụ, một sinh hoạt không hề có trong các trường đại học cộng sản miền Bắc. Anh phụ trách sinh hoạt thể thao và xã hội cho sinh viên:
- Tổ chức sinh hoạt thể thao và các cuộc thi đấu Hùng Vương Cup, có khi số đội banh tham dự lên tới 32 đội nam và 16 đội nữ.
- Tổ chức học việc cho sinh viên tại Khu Chế Xuất Tân Thuận.
- Tổ chức ngày nghề nghiệp.
- Tìm việc làm cho sinh viên.
- Tổ chức sinh viên tham dự gian hàng chất lượng cao tại Suối Tiên.
Anh cũng đảm nhận việc trông nom thư viện tại viện đại học này đến ngày sang Hoa Kỳ. Anh phải mang theo trong người nhiều bệnh tật trước khi qua đời.
Anh Nguyễn Nhã có bài thơ khóc anh như sau:
Anh Trác ơi, đã ra đi
Biết bao thương xót những gì biết chăng?
…………
Gương anh trầm lặng quá chừng
Đời anh quá đẹp như từng tháng năm
Gương anh tròn trịa trăng rằm
Chúng tôi cầu khẩn Vĩnh hằng Bình an
Về nước Chúa, bỏ thế gian
Cầu anh sớm đến Thiên đàng anh mong.
Cầu nguyện linh hồn anh về cõi Thiên Đàng.

Anh Trác ra đi, để lại xót thương cho gia đình, cho thày trò Kiểu Mẫu Thủ Đức và bạn bè. Những việc anh làm cho học trò, cho trường, cho nền giáo dục Việt Nam là những nét son mà không phải nhà giáo nào cũng làm được.Thời gian qua đi, các cô các cậu học sinh bé nhỏ nay đã trưởng thành. Một em cựu học sinh KMTĐ đã nhận xét: “Nền giáo dục Việt Nam thăng hoa chính là nhờ những người như các thày cô được huấn luyện ở trường Đại Học Sư Phạm và hoạt động tự do, hăng hái ở các trường trung học, đặc biệt là trường KMTĐ”. Nếu đề cao Nguyễn Ngọc Trác là tấm gương thì chắc anh không hài lòng, vì bản tính của anh không thích như thế. Ước mong những nhà giáo trong nước hiện nay có được một phần nào đức tính của anh để có ích cho thế hệ trẻ xây dựng nên nước Việt Nam tươi sáng.
Trần Thế Đức

nguyen ngoc trac 
Nguyễn Ngọc Trác là người thứ ba từ bên trái, hàng ngồi.
Ảnh chụp năm 1967, trong một cuộc du khảo của sinh viên Sử Địa - Đại Học Văn Khoa Saigon.


nguyen ngoc trac

 


Tôi vừa được giáo sư Trần Đức Tường ở Nam California báo tin buồn về giáo sư Nguyễn Ngọc Trác, một người bạn cùng khóa 1963-1967, vừa ra đi vĩnh viễn.
Tôi thực sự xúc động khi anh Tường gọi điện thoại kể lại vài kỷ niệm thời đi học. Cho đến khi tôi nói sẽ thu xếp để xuống thăm Tường Trác và các bạn ĐHSP thì Tường mới buông một câu thế này: "Trễ rồi. Trác vừa mất hôm qua!" Chúng tôi đã qua tuổi 70, việc ra đi cũng là bình thường, Nhưng mất bạn thì thật không bình thường!
Trác ơi, có thấy hình ảnh bạn ở Nam California lâu rồi. Cứ hẹn khi xuống sẽ thăm nhau, nhưng nay thì Tường nói "trễ rồi". Tường sẽ thay mặt người nơi xa để thầm thì với Trác những lời vĩnh biệt. Cầu chúc hương hồn Trác bình an nơi nước Chúa. Thay mặt gia đình tôi, xin thành thật chia buồn cùng chị Trác và các cháu.
RIP, Trác.
Tuấn

nguyen ngoc trac

Hình chụp sinh viên Ban Sử Địa ngành GSTHĐNC khoảng năm 1966. Trong hình có hai giáo sư về Sử là Carpentier hút pipe và giáo sư về Địa là Quách Thanh Tâm mặc áo dài. Trác là người ngồi thứ hai từ bên trái, đàng sau Trác là Gs. Quách Thanh Tâm (cũng đã mất tại Pháp). Người đứng nơi bìa trái là giáo sư Trần Đức Tường hiện ở Nam California, người báo tôi biết tin buồn về Trác.
Trần Anh Tuấn


Thành thật phân ưu cùng gia đình Anh bạn học cũ Nguyễn ngọc Trác năm Đệ Nhất B1 trường Trung học tư thục Hưng Đạo NK: 1962 - 1963.
Vừa đậu xong Tú Tài hai ban B khóa 1 là Anh ấy rũ tôi thi vào ĐHSP SG ban Sử Địa, ra làm công chức cao cấp, hạng A, chỉ số lương 470, cho chắc ăn, có tương lai làm lớn trong ngành giáo dục, tôi nghe Anh ấy nói thấy cũng có lý, nhưng tôi lại dở về môn Sử Địa, nên tôi không dám nộp đơn đi thi vào ĐHSPSG ban Sử Điạ tổ chức vào tháng 7 năm 1963 với Anh Trác. Anh Trác giỏi về môn Sử Địa (Anh thường dạy tôi cách vẽ bản đồ của các nước trên thế giới) nên đậu vào ban Sử Địa ĐHSP SG vào kỳ thi đó. Sau đó, tôi học ĐHKHSG. Đó là kỷ niệm của tôi với Anh Trác. Sau hơn 40 năm mất nước, tôi không có cơ hội gặp lại Anh Nguyễn Ngọc Trác trước khi Anh ấy qua đời.
Nguyễn Tấn Minh - ĐHKHSG


 Hình ảnh về anh Nguyễn Ngọc Trác

do các cựu học sinh trường Trung học Kiểu Mẫu Thủ Đức sưu tầm:

nguyen ngoc trac nguyen ngoc trac

nguyen ngoc tracnguyen ngoc trac

nguyen ngoc tracnguyen ngoc trac

 

https://photos.google.com/share

https://www.facebook.com/angelic.nguyen.75

 

Đăng ngày 30 tháng 11.2016