Print

Một mình...nửa bóng nhớ trường cũ lớp xưa

 

Cao Thoại Châu

     lopxua

Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ
(Vũ Đình Liên)

Từ Web daihocsuphamsaigon.org của trường ĐHSP Sài Gòn, người bạn cùng lớp cách nay đúng 50 năm hiện đang sống tại Canada đã nhận ra  và gửi thư về cho tôi. Đó là Lâm Vĩnh Thế, rời VN năm 1981 và là quản thủ thư viện cho một trường đại học bên đó. Thư thân tình dường như chúng tôi chưa xa nhau bao nhiêu dù từng ấy thời gian với bao nhiêu thay đổi có thể đã có sức mạnh xóa đi nhiều thứ. May là tình bạn cùng lớp thuở nào vẫn còn đó, có thể càng lớn tuổi chúng tôi càng nghĩ đến ngày xưa.

Trí nhớ của tôi thuộc loại kém nhưng những năm ở ĐHSP ấy khó lòng quên nổi… Khi thi vào, tôi đậu thứ nhì đồng hạng với Huỳnh Hữu Dụng người Bình Định, thủ khoa là Vũ Kim Toàn lớn tuổi hơn và đã có gia đình trong một lớp 35 đứa đa phần mới mười tám đôi mươi. Trưởng lớp là Nguyễn Hữu Phước rồi Nguyễn Thái Long, tôi còn nhớ được một số bạn sau. Vũ Ngọc Đạm, Hà Tường Cát tốt nghiệp ban Sử Địa kèm thêm…cử nhân toán, Lê Mộng Lân nhỏ con mê một cô ban Pháp văn đẹp và…to con. Nguyễn Trọng Hiệp, Nguyễn Văn Thước, Nguyễn Quang Nhạ, Nguyễn Công Nhã sau là giám đốc sở GD Cà Mau, Nguyễn Tử Dziệu, Tô Đức Hạnh sau là dân biểu Quốc hội Sài Gòn, Đỗ Xuân Thảo bên Thiếu sinh quân qua mang lon chuẩn úy khi đi học, Huỳnh Ngọc Ẩn, Nguyễn Hữu Long anh em gọi là Long đầu bạc, Lâm Vĩnh Thế cao nhưng không to con, Thái Hoàng Nhựt, Mai Khắc Bích, Nguyễn Hữu Lộc.

Lớp có hai cô gái Trần Thị Song Thu, Đặng Thị Thảo ra trường dạy ở Gia Long và Lê Văn Duyệt. Cả hai đều... ghét tôi nhưng vẫn vui vẻ cho mượn tập ghi bài mà không chờ tôi hỏi, ước sao hai bạn nhận được lời cám ơn sau 50 năm này. Tôi không quên Lê Thái Khương kính trắng người đẫy đà chắc nịch. Trần Văn Thể đã có vợ khi là sinh viên, Phạm Đình Lân hoạt kê. Lê Anh Kiệt khi ra trường dạy ở Rạch Giá, Lâm Quang Hồng cần cù giáo sư Trường Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho… Cũng không quên Huỳnh Tấn Nhàn thấp mà đi Lambretta to đùng và xin lỗi, Mạc Đĩnh Tài hay đánh lộn, Huỳnh Kim Thiên có chút máu đỏ đen và Đàm Khắc Hoàn, Lê Trọng Liên hiền lành dễ mến. Tôi chưa nhớ hết đủ 35 người là một cái lỗi của ký ức tôi nó bị thời gian và cuộc sống bào mòn khá dữ.

Lớp tôi dạo ấy học rất nghiêm chỉnh và chăm, phần vì đã vào nghề ai cũng mong mình là một thầy giáo giỏi, phần vì hồi ấy người ta cho chọn nhiệm sở theo thứ hạng tốt nghiệp. Bọn chúng tôi không ăn chơi dù học bổng 1.500 đồng/ tháng, mua được tới 3 chỉ vàng. Điều ân hận trong nhiều năm của tôi là khi thi vào thì đậu cao nhưng lúc tốt nghiệp chỉ ở hạng 18/35 là do tôi ham chơi, ham “ôm cầm thuyền khác” chở đầy những bất trắc và hệ lụy - văn chương! Tôi là kẻ trốn học...mãn tính của lớp! Thầy Teulières gọi tôi là étudiant de fantome và phản ánh với BGĐ, Thầy Khoa trưởng Bùi Xuân Bào kêu lên xạc cho một trận nhưng, nhờ tôi lẻo mép mà Thầy bỏ qua cho!

Vậy mà đã nửa thế kỷ kể từ ngày bọn tôi ra trường và tứ tán trong nhiều ngành nhiều hoàn cảnh nhiều không gian, không ít người đã chết, và cái già có lẽ đã đến với nhiều người. Nhớ lại lớp xưa tôi làm sao quên ngôi trường ấy? Cơ sở của nó nhỏ lắm nhưng giáo sư hầu như toàn là người giỏi. GS Trương Bửu Lâm dáng nghệ sĩ trang phục rất mốt có phu nhân người Nga và ông dạy một môn mà tôi rất mê là Phương pháp Sử. Quý Thầy Tăng Xuân An, Vương Hồng Sển, Huỳnh Văn Hai, Nguyễn Ngọc Cư… Có thể giờ này một số lớn các vị đã chỉ còn trong trí óc và tâm tưởng biết ơn của 35 đứa chúng tôi ngày nào. Những GS người Pháp sang vào đầu năm, về Pháp khi nghỉ hè. Cô Bourriot, Ô bà Teulières, GS Normand và một GS ở Pháp về tuổi đời không hơn chúng tôi nhiều nhưng kiến thức thì bái phục - Cô Quách Thanh Tâm, thạc sĩ một trường đại học Pháp. Có một vị người Hoa từ đại học Đài Loan qua, Chen Tsin Ho phiên theo tiếng Việt là Trần Kinh Hòa.

Thật khó lòng nhớ hết tên Thầy cô, bạn bè thuở ấy nhưng điều tôi không thế quên đó là ngôi trường nằm khiêm tốn phía sau trường Pétrus Ký, ngôi trường thật sự đáng tự hào, và nếu so sánh với ĐHSP bây giờ thì phải nói thật rằng có một khoảng cách dài không đo được.

Bọn tôi học "gạo" như cái máy xay lúa với một chương trình rất nặng từ Lịch sử phương Tây đến Lịch sử Đông Nam Á, Géograhie physique, Géograhie humaine, Kinh tế học với GS Nguyễn Bá Nhẫn ở Pháp về và cả hai ngoại ngữ trong suốt thời gian học cùng những môn tâm lý, xã hội, quản trị học đường, vệ sinh học đường...

Sáng nay được thư Lâm Vĩnh Thế, chợt nhận ra mình… một mình nửa bóng, bèn có những dòng này như tiếng chim gọi bạn, như nỗi nhớ với lòng biết ơn và tự hào về trường xưa, Trường Mẹ Đại học Sư Phạm Sài Gòn 1960 – 1963.

 Cao Thoại Châu
(ĐHSPSG, ban Sử Địa, 1960-1963)

http://caothoaichau.blogspot.com

 

 Đăng ngày 13 tháng 12.2013