Hỏi về việc cá chết là “gây tổn hại cho đất nước”

Vì sao thứ trưởng bộ TNMT tháo chạy?
 
vonhantuan

Hỏi về cá chết là “gây tổn hại cho đất nước” -Thứ trưởng bộ tài nguyên môi trường Võ Tuấn Nhân “nạt” phóng viên khi ...

Thứ trưởng bộ tài nguyên môi trường Võ Tuấn Nhân “nạt” phóng viên khi bị chất vấn về nguyên nhân dẫn đến thảm hoạ cá chết hàng loạt ở miền Trung. Trước đó, trong buổi họp báo tối ngày 27/4/2016, ông Nhân cũng đã lên tiếng bênh vực việc xả chất thải độc hại của tập đoàn Formosa khi tuyên bố: “Chưa có bằng chứng để xác định Formosa và cảng Vũng Áng có liên quan đến cá chết”,

Sau đó, trong cuộc phỏng vấn được phát hình trực tiếp trên facebook báo Thanh Niên, vị thứ trưởng này bèn tỏ thái độ tức giận, rồi bỏ đi khi một nữ phóng viên chất vấn về việc kim loại nặng Crom trong nước biển Lăng Cô cao gấp 9 lần mức cho phép.
Theo ông Nhân, câu hỏi này đã “gây tổn hại cho đất nước”, đồng thời yêu cầu các phóng viên phải tắt máy.
Dưới đây là nội dung đối đáp trong video trước khi ông thứ trưởng “tháo chạy”:
- Phóng viên: Thưa ông, trong kiểm nghiệm gần đây nhất của sở tài nguyên môi trường Thừa Thiên Huế, chỗ có hàng loạt bè cá bị chết, họ có nói là trong nước kiểm nghiệm có cả kim loại nặng như là crom…
Và vấn đề là trong khoảng thời gian tới, ở đây, ý chúng tôi muốn là mình cho một khoảng thời gian ngắn, vì mùa du lịch sắp tới rồi, và cá thì…
- Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân: Tắt máy nha. Xin lỗi.
- Phóng viên: Không không, em chỉ hỏi là mình có thể đưa ra một cái mốc thời gian…
- Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân: Không, không, để cho anh nói hết. Nói riêng với em, đừng hỏi câu đó, hỏi câu đó tổn hại cho đất nước của mình. Nhá.
- Phóng viên: Mình không đưa ra được mốc thời gian gần nhất…
- Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân: Em hỏi câu đó là tổn hại cho đất nước. Ra khỏi máy anh nói chuyện với em.
* Video: Facebook báo Thanh Niên.

 

 

 

 
Phó chủ tịch Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn được mời ăn cá và tắm biển Vũng Áng 

 

Việt Nam ra thông báo chính thức về vụ cá chết

Bộ trưởng Tài Nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà (phải) và Thứ trưởng Tài Nguyên & Môi trường Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp báo công bố nguyên nhân vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung. Ảnh: epa/Luong Thai Linh.

Bộ trưởng Tài Nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà (phải) và Thứ trưởng Tài Nguyên & Môi trường Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp báo công bố nguyên nhân vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung. Ảnh: epa/Luong Thai Linh.

Sau cuộc họp kín kéo dài nhiều giờ đồng hồ của các lãnh đạo ở 7 Bộ ngày hôm nay, giới hữu trách Hà Nội cuối cùng đã cho hàng trăm phóng viên của các báo đài Việt Nam vào hội trường cho buổi họp báo trực tiếp thông báo kết quả điều tra nguyên nhân vụ cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung trong những ngày qua. Khoảng hơn 8 giờ tối 27/4, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp báo.

Theo thông báo của giới chức Việt Nam, có 2 nguyên nhân chính gây ra cá chết hàng loạt: một là do tác động của độc tố hóa học của con người trên đất liên và trên biển; hai là do hiện tượng dị thường của thiên nhiên, kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng ‘tảo nở hoa’ hay ‘thủy triều đỏ’. Nhưng giới chức này cho biết chưa có bằng chứng khẳng định có sự liên hệ giữa nhà máy Formosa ở Vũng Áng – Hà Tĩnh với tình trạng cá chết hàng loạt.

Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân kêu gọi mọi người bình tĩnh, khách quan và khoa học, đồng hành với các cơ quan nhà nước để tìm ra nguyên nhân và biện pháp xử lý. Theo ông Nhân, việc điều tra có thể sẽ phải mất rất nhiều thời gian để có kết quả ‘bài bản’, ‘đúng luận cứ khoa học’. Giới chức này dẫn chứng có nhiều nước thậm chí phải mất ‘nhiều năm’ mới tìm ra nguyên nhân.

Cá chết trắng ven biển miền Trung (ảnh chụp từ trang vietnamnet)
Cá chết trắng ven biển miền Trung (ảnh chụp từ trang vietnamnet)

Một số nhà báo cho biết họ khá hụt hẫng khi buổi họp báo kết thúc quá nhanh sau thông báo của ông Võ Tuấn Nhân, trong khi họ đã phải chờ đợi nhiều giờ đồng hồ theo thông báo lúc đầu về buổi họp báo sẽ diễn ra vào lúc 3 giờ chiều, theo tin của phóng viên báo Thanh Niên.

Hiện tượng cá chết hàng loạt, liên tục trôi giạt vào bờ biển các tỉnh miền Trung bắt đầu xảy ra vào ngày 6/4 ở khu vực Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Sau phát hiện của một ngư dân về đường ống nước xả thải ngầm chôn dưới đáy biển nối với nhà máy Formosa Hà Tĩnh, dư luận nghi ngờ đây chính là nguyên nhân gây ra thảm họa về môi trường chưa từng có trước đây tại Việt Nam.

Mối nghi ngờ càng tăng khi có một thợ lặn biển của công ty làm hợp đồng Formosa đã đột ngột tử vong sau khi lặn xuống biển, trong khi 5 thợ lặn khác cũng phải nhập viện vì xuất hiện các triệu chứng tức ngực, khó thở…

Tin tức hôm nay (27/4) cũng cho biết hai tuyển thủ của Việt Nam là Công Vinh và Văn Hoàn vừa cho biết đã bị ngộ độc cá biển ở Đà Nẵng, với các triệu chứng nôn ói, choáng váng…sau bữa ăn của đội bóng, khiến thực đơn của đội phải được điều chỉnh lại và tuyệt đối không có cá biển.

http://www.voatiengviet.com


Vụ cá chết: Mối nghi Formosa là thủ phạm rất lớn

Khánh An - VOA

Hội nghề cá Việt Nam khuyến cáo người dân không dùng cá đánh bắt trong thời gian này. Kết quả phân tích mẫu nước tại Lăng Cô cho thấy cá chết do nước biển có chất độc cực mạnh và nước biển ở những khu vực này bị nhiễm kim loại nặng.

Tối 27/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết có 2 nhóm nguyên nhân chính gây ra cá chết hàng loạt: một là do tác động của độc tố hóa học của con người trên đất liền và trên biển; hai là do hiện tượng dị thường của thiên nhiên, kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng ‘tảo nở hoa’ hay ‘thủy triều đỏ’. Trước đó 1 ngày, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết cá chết ở khu vực biển Lăng Cô là do nước biển có chất độc cực mạnh và nước biển ở khu vực này bị nhiễm kim loại nặng. Trong khi đó, người dân ở khu vực gần nhà máy của Công ty Formosa Hà Tĩnh đa số tin rằng chính ống xả thải khổng lồ ra biển của công ty này là thủ phạm gây ra thảm họa môi trường chưa từng có tại Việt Nam trước đây.

Theo kết quả phân tích của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế, hàm lượng nitơ tính theo amoni (NH4+-N) và hàm lượng kim loại nặng crôm (Cr) trong nước biển ở khu vực có cá chết vượt mức giới hạn cho phép của quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước biển cũng như quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước mặt.

Cơ quan chức năng của tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng cho biết khả năng chất độc khiến cá chết tràn lan là từ vùng biển phía Bắc của tỉnh này.

Nghi ngờ ngày càng tăng

Formosa được cấp phép xả nước thải sau khi xử lý; thời hạn giấy phép 10 năm với 12 thông số và giới hạn nồng độ gây ô nhiễm. Ảnh chụp màn hình Vietnamnet
Formosa được cấp phép xả nước thải sau khi xử lý; thời hạn giấy phép 10 năm với 12 thông số và giới hạn nồng độ gây ô nhiễm. Ảnh chụp màn hình Vietnamnet

Thông báo chính thức trong cuộc họp báo tối 27/4 của các Bộ, ngành có liên quan về nguyên nhân khiến hàng chục tấn cá chết liên tục giạt vào bờ biển các tỉnh miền Trung những tuần qua, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết có 2 nhóm nguyên nhân chính gây ra cá chết hàng loạt: một là do tác động của độc tố hóa học của con người trên đất liền và trên biển; hai là do hiện tượng dị thường của thiên nhiên, kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng ‘tảo nở hoa’ hay ‘thủy triều đỏ’. Nhưng giới chức này cho biết chưa có bằng chứng khẳng định có sự liên hệ giữa nhà máy Formosa ở Vũng Áng – Hà Tĩnh với tình trạng cá chết hàng loạt.

VOA nói chuyện với anh Tuấn, người hiện đang có mặt tại khu vực Vũng Áng – Hà Tĩnh tối 26/4 về tình hình người dân tại đây. Anh Tuấn cho biết:

“Đa phần người dân ở đây tin rằng Formosa là thủ phạm, mặc dù dĩ nhiên họ không phải là nhà khoa học, người ta không thể có những kết luận có tính chất khoa học được, nhưng một số người làm thí nghiệm, họ lấy nước biển ở khu vực gần nhà máy lên và cho cá còn sống vào thì đa phần cá đều chết. Không chỉ cá mà các loại hải sản khác như khác như tôm, cua, ghẹ… cũng đều chết cả. Do đó mà mối nghi ngờ càng tăng lên. Cộng với cả chuyện những ngư dân lặn biển phát hiện ra đường ống xả thải của Formosa, đa phần sau khi lên bờ họ đều có những triệu chứng về mặt bệnh lý, chẳng hạn vàng da, tức ngực, khó thở… Tất cả những cái đó cộng lại khiến cho mối nghi ngờ đang rất lớn ở đây.”

Báo chí trong nước cho biết ngoài một người thợ lặn biển để thi công xây dựng đê chắn sóng ở Khu công nghiệp Formosa bị tử vong đột ngột sau khi lặn xuống biển hôm 24/4, có 5 thợ lặn khác của Công ty Nibelc, một nhà thầu của Dự án Formosa – cũng đã phải nhập viện vì có những dấu hiệu tức ngực, khó thở, ngứa ngáy bất thường tương tự như thợ lặn trên.

Rộ tin về khả năng mất dấu vết vì chậm trễ điều tra

Có thể suy đoán nguồn gây độc bắt đầu từ Hà Tĩnh, sau đó theo dòng hải lưu chất độc chảy đến đâu thì cá chết đến đấy.
Có thể suy đoán nguồn gây độc bắt đầu từ Hà Tĩnh, sau đó theo dòng hải lưu chất độc chảy đến đâu thì cá chết đến đấy.

Trả lời báo chí, chủ đầu tư Formosa cho biết mỗi ngày Formosa xả khoảng 12.000 m3 nước thải ra biển và các mẫu xét nghiệm nguồn nước xả thải của họ đều ‘đạt tiêu chuẩn’ của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Nhưng việc lấy mẫu nước thải của Formosa để kiểm tra chỉ được thực hiện mỗi quý một lần, các mẫu kiểm định trong những năm qua đều ‘đạt tiêu chuẩn’ trong khi đường ống xả thải lại đặt ngầm dưới biển đã khiến cho dư luận nghi ngờ và đặt câu hỏi về độ tin cậy của quy trình kiểm tra của các cơ quan chức năng.

Về việc nhập 300 tấn hóa chất gần đây bị cho là để súc rửa đường ống xả thải, Formosa cho biết số hóa chất trên được dùng làm mát hệ thống chứ không phải để súc rửa. Tuy nhiên, không có cơ quan chức năng nào giám sát việc sử dụng số hóa chất trên của Formosa.

Bên cạnh đó, việc chậm trễ và lòng vòng trong cách xử lý càng khiến cho dư luận thêm bất bình.

Ông Nguyễn Tử Cương – Trưởng ban Phát triển thủy sản bền vững, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – cho báo Vietnamnet biết “Có thể suy đoán nguồn gây độc bắt đầu từ Hà Tĩnh, sau đó theo dòng hải lưu chất độc chảy đến đâu thì cá chết đến đấy. Như vậy, tại vùng Hà Tĩnh có dòng hải lưu dẫn chất độc đi. Nếu làm ngay thì có thể tìm ra nguyên nhân, nhưng cho đến thời điểm này, hơn 10 ngày thì nguồn lây nhiễm có thể đã bị phi tang”.

Trong khi đó, một cư dân mạng cho biết những người làm việc cho Formosa đều biết về vụ thải chất độc hóa học và ống xả thải ngầm từ lâu nhưng họ không dám tố cáo vì sợ mất việc và sợ bị liên lụy vì có dính líu đến các quan chức.

Thiệt hại toàn dân

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ thị các địa phương hỗ trợ cho nông dân bị thiệt hại và nhanh chóng đưa ra kết luận để có biện pháp xử lý.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ thị các địa phương hỗ trợ cho nông dân bị thiệt hại và nhanh chóng đưa ra kết luận để có biện pháp xử lý.

Trước áp lực của dư luận, tân Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã ra lệnh phải nhanh chóng đưa ra kết luận điều tra về nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt, đồng thời hỗ trợ những người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại vì thảm họa này. Tuy nhiên cho tới nay, người dân địa phương cho biết vẫn chưa nhận được trợ giúp từ chính quyền, trong khi một số cá nhân và tổ chức dân sự đang kêu gọi và tìm cách huy động mọi nguồn lực tài chính để giúp đỡ cho người dân đa số chỉ sống bằng nghề biển ở khu vực miền Trung.

Chị Vẽ, một người kinh doanh nhà hàng hải sản gần khu vực Formosa Hà Tĩnh, cho VOA biết như sau:

“Ở vùng chị, cá chết hai ngày rồi sau đó mực cũng chết. Nói chung trước đây buôn bán khách khứa đông lắm mà giờ là kể từ hôm cá chết (ngày 6/4) còn bán được khoảng 10 ngày nữa, còn 10 ngày trở về đây là không có một người khách nào hết. Vắng tanh luôn! Nhà hàng của chị một ngày bán khoảng 15 đến 20 triệu (đồng). Không có khách là không có doanh thu luôn. Quán hàng giờ ngồi chơi. Dân họ cũng không đi làm nữa, nghỉ biển luôn. Chị buôn bán thì thiệt hại nhiều, còn người dân họ đi làm một ngày năm ba trăm ngàn thì cũng bị thiệt hại. Người ít, người nhiều. Nói chung thiệt hại toàn dân luôn.”

Người phụ nữ ở Hà Tĩnh này ước tính sẽ phải mất doanh thu ít nhất cũng vài ba tháng nữa và khả năng đi tìm công việc khác với chị là rất khó.

“Nếu kéo dài thì như chị ở đây phải nghỉ thôi chứ biết làm cái gì, trong gia đình chủ yếu làm về biển, với lại chừ nghề nông là nhà máy họ lấy hết rồi, không có đất đai làm nữa.”
Cũng như nhiều người dân ở Hà Tĩnh, chị Vẽ hy vọng không bị cắt ‘đường sống’ vì những thảm họa môi trường như hiện nay.
“Nếu nhà máy Formosa để xảy ra sự việc này thì đề nghị họ trước hết phải bồi thường cho người dân, sau đó phải đóng cửa không được hoạt động nhà máy, hoặc là làm sao chứ nếu mà để tình hình như hiện nay thì dần dần người dân sẽ không còn đường để sống nữa."

Một số người dân địa phương cho Báo Thanh Niên biết họ bất ngờ khi biết tin về đường ống xả thải ngầm của Formosa và cho biết chính quyền và công ty Đài Loan đã không hề hỏi ý kiến người dân về việc xây dựng đường ống này.
Formosa là một tập đoàn đa ngành của Đài Loan. Khu liên hợp Formosa Hà Tĩnh là một trong nhiều dự án được tập đoàn này đầu tư vào Việt Nam, trong đó có khu liên hợp sản xuất thép, nhiệt điện và cảng nước sâu Vũng Áng. Đã có đến 3.500 ha đất liền, 1.200 đất mặt nước được thu hồi và khoảng 15.000 hộ dân tại đây phải di dời khi dự án khu công nghiệp này được tiến hành xây dựng.

http://www.voatiengviet.com

 

Đăng ngày 29 tháng 04.2016