Tạp ghi sau 40 năm

Ngộ Không Phi Ngọc Hùng

tap ghi

Nếu bạn bắn súng lục vào quá khứ, tương lai sẽ bắn đại bác vào bạn.
Rasul Gamzatov

Bạn có thể từ bỏ được mọi thứ nhưng bạn không thể từ bỏ được quá khứ.
Abraham Lincoln


Kỳ 9

10 ngày cuối cùng của VNCH

Thứ Sáu 25-04-1975
Khi đoàn xe chạy qua khỏi văn phòng của hãng hàng không Air America, người lái xe trước tắt đèn, Frank Snepp chở ông Thiệu trên xe sau cũng phải vội vã tắt đèn theo. Bên ngoài trời quá tối, bỗng Frank Snepp chợt nhìn thấy trùm Polgar chạy ra cách xe chỉ chừng mấy thước, anh ta đạp thắng thật gấp và những người ngồi băng sau kể cả ông Thiệu đều bị dội vào băng ghế trước, tuy nhiên chẳng có ai bị thương tích gì. Polgar mở cửa xe và dẫn ông Thiệu đến phi cơ đậu cách đấy không xa. Ông Thiệu quay lại vỗ vai và cám ơn Frank Snepp, mắt ông ta long lanh và nắm tay người tài xế Mỹ khá lâu, nói mấy lời cám ơn rồi bước vội đến phi cơ.
Đại tướng Trần Thiện Khiêm và đoàn tuỳ tùng cũng theo chân ông Thiệu. Đại sứ Graham Martin và đoàn vệ sĩ của ông đang đứng dưới một chiếc phi cơ vận tải C118 bốn động cơ của không lực Hoa Kỳ, ông đại sứ cùng Polgar tiễn đưa ông Thiệu và phái đoàn lên phi cơ rồi sau đó phi cơ cất cánh rời phi trường Tân Sơn Nhất bay đi Đài Bắc.
(…)

Bên lề trận chiến
Một thời gian sau đó, bà Anna Chennault tuân hành lệnh của Tổng thống Hoa Kỳ Gerald Ford từ Hoa Thịnh Đốn qua Đài Bắc để gặp tổng thống Thiệu và đại tướng Khiêm.
Bà Anna Chennault là vợ của vị tướng anh hùng thời Đệ nhị thế chiến, Trung tướng Claire Lee Chennault, tư lệnh Không đoàn 14 của không lực Hoa Kỳ hoạt đông ở Trung Hoa lục địa.
Bà Anna Chennault sau nầy là một nhân vật quan trọng trong bộ tham mưu tranh cử của ông Richard Nixon, bà là người trung gian trong sự liên hệ mật thiết giữa tổng thống Nixon và tổng thống Thiệu trong thời gian đó.
Nhiệm vụ trong chuyến đi này của bà Anna Chennault là chuyển lời tổng thống Hoa Kỳ yêu cầu
cựu tổng thốngThiệu và cựu thủ tướng Khiêm đừng vào nước Mỹ.
(Những ngày cuối của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ở Sài Gòn - Nguyễn Tấn Phận)
- : Về sau, ông Nguyễn Văn Thiệu từ Anh sang Mỹ, ông sống lưu vong lặng lẽ suốt phần đời còn lại cho đến ngày 29-9-2001, và mất tại Boston.

Góp nhặt…ghi chép…
Sau khi Việt Nam Cộng Hòa thất thủ, vai trò của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu được đem ra phê phán. Vài ý kiến cho rằng vì ông quá tin vào người Mỹ nên miền Nam rơi vào tay cộng sản. Về vai trò lãnh đạo, một số ý kiến nói tại ông nắm giữ hết quyền hành, chỉ huy quân đội thẳng từ dinh Ðộc Lập, nên gây ra nhiều sự bất mãn cho các cấp tướng lãnh.
Tổng thống Thiệu có quá tin người Mỹ không?
Căn cứ vào những hồ sơ được giãi mật, ông chẳng những không tin người Mỹ, trái lại lúc nào ông cũng nghi ngờ và lo sợ về đường lối của Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Ông đã có thái độ e dè, nếu không nói là bất thiện cảm với người Mỹ. Trong một báo cáo về cá nhân tổng thống Thiệu do Nha tình báo quốc phòng (Defense Intelligence Agency/ DIA) viết vào tháng 7-1968, họ nhận xét ông là người chống cộng (anti-communist) nhưng đồng thời cũng “chống Mỹ.”
So với những những tài liệu phân tích về tâm tính tổng thống Thiệu mà người viết đã đọc qua, có thể nói Hoa Kỳ không hiểu nhiều về ông Thiệu: Phần lớn họ chỉ đoán hay dựa vào những bạn đồng ngũ trong quá khứ. Báo cáo đến từ CIA, DIA, và tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn, xử dụng nhiều tỉnh từ như khôn vặt, cáo già, mưu mô, cunning, intelligent, shrew, efficient…để tả cá tính ông. Nhưng sau cùng, họ kết luận họ không đoán được suy nghĩ và hành động của ông.
Trong một vài lần mặt đối mặt với nhiều thẩm quyền Hoa Kỳ, ông bỏ đi cá tính thông thường của ông là sự dè dặt khi được hỏi ý kiến, và nghe nhiều hơn nói. Qua những lần như vậy, giới hữu trách Mỹ thấy ông Thiệu biết nhiều chuyện họ làm nhưng ông làm như không biết. Dựa vào những tài liệu đã trích, chúng ta thấy ông không hoàn toàn tin vào người Mỹ và ông chỉ dựa vào người Mỹ để đạt được những mục đích ông muốn.
(Về Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu – Nguyễn Kỳ Phong)
: - Jay Veith một chuyên viên về sử liệu chiến tranh Việt Nam đã cung cấp tài liệu giải mật mới nhất về Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu mà “cáo già,” “khôn vặt” là từ nguyên thủy dùng trong báo cáo tháng 8-1971.

Góp nhặt… ghi chép…
(...trích lục lại)
Ngày 29 là ngày có nhiều góp nhặt… để ghi chép… như ngày 29-9-2001, ông Thiệu nằm xuống. Ngày 29-3-1975, ngoài Chuẩn tướng Nguyễn Văn Điềm tử trận, còn chuyện Đà Nẵng di tản với tướng Trưởng, tướng Khánh, tướng Thoại, tướng Lân, và tướng Hình…

Góp nhặt…ghi chép…
Sau khi ông Thiệu trở thành tổng thống, người Mỹ dồn mọi liên lạc để tìm hiểu thêm về ông. Nhưng tài liệu của CIA tự thú là họ thất bại. CIA không còn cách nào khác hơn là phải xử dụng phương tiện nghe lén. Trong tài liệu giãi mật mới nhất, CIA thú nhận đã dùng phương tiện nghe lén để tiên đoán về ý định của ông. Không gây ảnh hưởng được thẳng với ông, họ gây ảnh hưởng với hai cộng sự viên tin cẩn nhất của ông: Trung tướng Ðặng Văn Quang và Thủ tướng Trần Thiện Khiêm. CIA cho biết, đôi khi thẩm quyền Mỹ không thuyết phục được ông, nhưng khi họ dùng ông Khiêm và tướng Quang “chuyển lời” thuyết phục, thì ông lại nghe theo.
Ông biết CIA thâu âm, nghe lén bên trong dinh Ðộc Lập và một số nhân viên chung quanh ông làm việc cho CIA. Nhưng ông làm như không biết và lợi dụng những phương tiện đó để “chuyển lời” lại với Mỹ ý nghĩ thật của ông và đôi khi ý nghĩ giả dối để đánh lừa người Mỹ. CIA đi đến kết luận vì qua nhiều trường hợp, ông đã nói thẳng với thẩm quyền Mỹ những gì ông biết về hoạt động sau lưng của họ. Trong hai tháng cuối cùng năm 1972, ông nói thẳng vào mặt Cố vấn An ninh Quốc gia Henry Kissinger, là: “Tại sao tôi phải tin ông?” Và: “Một tên Việt Cộng giao liên địa phương còn biết nhiều về những chi tiết thương lượng ở Ba Lê hơn tôi”.
(Về Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu – Nguyễn Kỳ Phong)
: - Trưởng sở CIA Thomas Pogar nói lên sự vô lý về hành vi của Hoa Kỳ (ít ra là qua hành vi của Kissinger) trong cuộc thương nghị: Trong khi Hà Nội thông báo cho nhân sự ở hạ tầng cơ sở thấp nhất biết mọi chi tiết và diễn biến của cuộc thương lượng. Trong khi phía Hoa Kỳ thì chỉ có một số tối thiểu thẩm quyền tối cao mới biết được diễn tiến của cuộc thương lượng.

Góp nhặt sỏi đá
Tướng Kỳ cho đáp trực thăng xuống Bộ tổng tham mưu, không thấy tướng lãnh nào ngoài tướng Trưởng đang… trầm ngâm nhìn bản đồ và… hút thuốc lá. Tướng Trưởng nhờ tướng Kỳ chở xuống Vùng 4 gặp Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam. Tướng Kỳ bay một vòng chung quanh thành phố Sài Gòn rồi bay thẳng ra mẫu hạm Midway sau buổi trưa ngày 29-4.
Theo bà Nguyễn Tường Nhung, phu nhân cố Trung tướng Ngô Quang Trưởng:
- Nhờ tướng Kỳ nhà tôi mới đi được.
(Nguyễn Tường Tâm)

Góp nhặt…ghi chép…
Liên hệ với các tướng lĩnh VNCH
Một số tác giả Mỹ và Việt dùng tĩnh từ “khôn vặt” cho tổng thống Thiệu. Khảo sát cuộc đời ông, người viết không nghĩ ông chỉ khôn vặt. Sự khôn ngoan của ông cao hơn khôn vặt nhiều. Tổng thống Thiệu phải là một người khôn hơn “khôn vặt” khi ông loại trừ những đối thủ chính trị và quân sự, để nắm quyền lãnh đạo. Nhìn qua sự nghiệp chính trị của ông, chúng ta thấy ông có những đức tính cần thiết để “biết” mà sống.
Không nhiều thì ít, chắc chắn tướng Thiệu phải có ý kiến về số tướng lãnh bị ông cho lưu đày hay bị giải ngũ và tất cả các vị tướng đó đều thâm niên hơn ông về cấp bậc (lên cấp tướng trước, sau). Nguyễn Hữu Có, thâm niên cấp bậc cùng ngày với ông Thiệu, trong một chuyến công du ở Ðài Loan năm 1967, bị bỏ lại và sau đó cấm trở về nước. Ðể củng cố thế lực, năm 1968, ông triệu hồi tướng Trần Thiện Khiêm về nước, bổ nhiệm làm tổng trưởng nội vụ, rồi thủ tướng. Cùng năm, ông đưa tướng Ðỗ Cao Trí về làm tư lệnh Vùng III. Tháng 7-1970 ông ban hành một sắc lệnh, thay đổi cơ cấu quân sự trong tương quan giữa bộ Tổng tham mưu và Quân đoàn/Quân khu. Nói một cách khác, đến cuối năm 1970, các tướng lãnh đã “vào hàng” theo lệnh tổng thống Thiệu.
Để đề phòng những biến động có thể xảy ra, ông tập trung quyền lực trong tay. Sự lo sợ đảo chính khiến ông giữ lại một số tướng lãnh lẽ ra ông phải cho họ giải ngũ từ lâu. Cũng vì sợ đảo chính, ông có những liên hệ với một số tướng lãnh không có khả năng chung quanh ông. Ông bất cần hệ thống quân giai và chỉ huy quân đội thẳng từ dinh Ðộc Lập. Thay vì chỉ cần “đề nghị” với tổng tham mưu trưởng, hay tư lệnh vùng theo đúng tinh thần của hệ thống quân giai, ông Thiệu đích thân ra quân lệnh từ phủ tổng thống.
(Về Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu – Nguyễn Kỳ Phong)
: - Các buổi họp bất thường hay hàng tháng với các tư lệnh Quân đoàn, Quân khu, cùng với các tư lệnh binh chủng như không quân và hải quân được diễn ra trong dinh Độc Lập, thay vì ở bộ Tổng tham mưu như thường lệ. Từ đó tổng thống Thiệu hoàn toàn lấy mọi quyết định, và ra lệnh thẳng cho các nơi.
(Giao Chỉ)
: - Vai trò của bộ Tổng tham mưu trong những năm cuối cùng của cuộc chiến chỉ là một hộp thư liên lạc giữa tổng thống Thiệu và các tư lệnh quân đoàn.
(Những ngày cuối của VNCH, nguyên tác “The Final Collapse”
của cựu Đại tướng Cao Văn Viên – Dịch giả: Nguyễn Kỳ Phong)

Tháng Ba buồn… hiu!
(…tiếp ở bãi biển dưới chân núi Sơn Trà)

Mặt trời khuất bóng về hướng tây, cái váng vàng úa của buổi chiều tàn phản chiếu lại lên bầu trời một mầu ảm đạm thê lương! Hay tại tôi “lòng buồn cảnh có vui đâu bao giờ”!
Màn đêm bắt đầu bao phủ cũng là lúc tư lệnh TQLC đến rồi lần lượt các vị tư lệnh quân binh chủng khác đáp trực thăng về đây mở cuộc họp ngay tại TOC/HQ (Trung tâm hành quân hải quân). Ngồi ở cửa hầm TOC với Tr/úy Tạ Hạnh, chúng tôi nhận diện được quý tướng lãnh vào họp trong TOC là Trung tướng tư lệnh QĐ1 Ngô Quang Trưởng, Trung tướng tư lệnh tiền phương QĐ1 Lâm Quang Thi, Thiếu tướng tư lệnh TQLC Bùi Thế Lân, Thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh tư lệnh SĐ3 BB, tướng tư lệnh.HQ Hồ Văn Kỳ Thoại, tôi không biết rõ cấp bậc hải quân nên cứ gọi là…ông tướng cho chắc ăn
Cũng cần nói thêm là trong các vị tướng tư lệnh đến họp, tôi không thấy 2 vị tư lệnh “không quân”, (nói lại cho rõ là tôi không thấy chứ chưa hẳn là nhị vị này vắng mặt), Đó là tướng “không quân” tư lệnh SĐ1 BB (1), đại đơn vị của ông đã bị cái “cầu phao” lừa, còn tướng Khánh, tư lệnh không quân Vùng 1 chả nhẽ cũng…“không quân” nên không cần đến dự? Có cũng như không chăng? Vì mấy ngày này chẳng thấy phản lực bỏ bom đâu cả mà bỏ đi đâu! Chằng thấy chuồn chuồn chuyển quân, tiếp tế, tải thương đâu cả! Chẳng lẽ “mắng mí phí táy, thiểm zường tú lọoc tài zi?”, có nghĩa là chuồn chuồn bay mất thì mưa ngập bờ ao!
Trong khi các vị tướng lãnh đang họp trong TOC thì bộ đội nón cối bắt đầu pháo kích vào BTL/HQ, cường độ tăng dần, lúc đầu có những trái rớt ngoài vòng đai nhưng rồi tiền sát viên của chúng nằm gần đâu đây để điều chỉnh dần vào mục tiêu, nhiều trái nổ gần chỗ chúng tôi. Tài xế Ngọc báo cho biết xe jeep của tư lệnh bị pháo không còn sử dụng được nữa.
Cuộc họp chấm dứt, Trung tướng Ngô Quang Trưởng đi ra trực thăng trước, thiếu tướng tư lệnh TQLC ngoắc tôi và bảo mang máy theo trung tướng TL/QĐ1. A-lê-hấp, tôi quảy máy PRC25 lên lưng và tức tốc chạy theo, ra đến nơi trực thăng đậu, còn đang chờ một vị thiếu tá lên trước rồi tôi mới lên. Ngồi trên trực thăng ngó xuống, thấy tôi trung tướng hỏi:
– Chú đi đâu đây?
– Thưa trung tướng, thiếu tướng tư lệnh tôi bảo tôi mang máy theo trung tướng.
Suy nghĩ trong giây lát rồi ông tướng khoác tay bảo:
– Thôi, không cần, chú trở lại với tư lệnh đi, cho tôi gửi lời cám ơn ông.
Rồi tất cả mọi người trong phòng họp lần lượt bước ra và rời BTL/HQ, lúc đó vào khoảng gần 10 giờ đêm, bộ đội nón cối vẫn còn pháo lai rai vào sân cờ.
Thiếu tướng tư lệnh bước tới chỗ tôi và Tr/úy Hạnh, gương mặt tư lệnh đăm chiêu, suy nghĩ, Tr/úy Hạnh vội trình với tư lệnh:
– Thưa thiếu tướng, mình phải bám theo tư lệnh HQ thôi, vì tất cả phương tiện không còn nữa, xe trúng pháo hư rồi, trực thăng cũng hư…
Tư lệnh suy nghĩ đôi phút rồi gật đầu, Tr/úy Hạnh quay sang tôi:
– Tiểu Cần, chạy sang gọi tất cả anh em lên đường.
Đi vòng dưới chân núi Sơn Trà chừng 2 tiếng thì chúng tôi ngồi nghỉ, tư lệnh HQ làm tín hiệu bằng đèn pin cho tàu vào rước, có lẽ đến hơn 30 phút sau mà cá lớn cá nhỏ vẫn lặn mất tiêu, không có tàu nào vào đón cả nên tư lệnh HQ Hồ Văn Kỳ Thoại nhờ tôi liên lạc bằng hệ thống TT. Trời đất! Một giới chức đứng đầu Vùng 1 duyên hải mà không có một ATV hay hệ thống LL/TT đi theo? Cũng may là trưa nay, trong lúc rỗi rảnh chờ lệnh mới, và qua nhiều năm tháng trong nghề đã dạy cho tôi những kinh nghiệm và lanh lợi nên tôi đã xin được tần số nội bộ của HQ nên bây giờ tôi vô tình lại kiêm nhiệm thêm vai trò một ATV của tư lệnh HQ nữa, một ATV, hai tư lệnh! Chuyện hi hữu như các tướng lãnh họp hành quân mà không có (2) tướng KQ, như tư lệnh HQ mà phải hành quân bộ trong đêm bên bờ biển!
Sau khi liên lạc được với HQ, họ gửi vào 2 tàu chiến, không phải để chở quân, hình như là giang tốc đỉnh. Vì có nhiều đá ngầm và sóng biển nên tàu chỉ đậu cách xa bờ chừng 10 m nên chúng tôi phải bơi ra. Muốn giữ cho máy PRC25 khỏi ướt, tôi phải đội máy lên đầu, vì vậy chuyện bơi ra tàu khá vất vả và mệt nhọc, và tư lệnh cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng cuối cùng thì chúng tôi cũng an vị trên boong tàu. Thiếu tướng tư lệnh, Tr/úy Hạnh và tôi ngồi trên boong, cuối đuôi tàu, bộ quân phục ướt sũng, gió thổi mạnh, hơi nước biển, sương đêm phủ trùm càng làm tăng thêm cái lạnh suốt một đêm dài, ba thầy trò bó gối nhìn nhau. Người ta thường nói “bụng đói cật rét” nhưng chúng tôi bụng đói thì có, nhưng không phải cật rét, rét bên ngoài mà là rét từ trong, tự đáy lòng. Hai hàm răng lập cập vào nhau, cố mím môi cắn lợi để kềm lại mà không được, vậy mà tư lệnh luôn nhắc tôi phải cố giữ liên lạc với hải quân, với HQ 802, tư lệnh nói:
– Chú cố gắng giữ liên lạc với HQ 802, không có tôi họ không vào bốc anh em mình đâu.
Nhắc lại điều này chắc hẳn một số bạn lính biển không vui, nhưng sự thật nó là vậy mà. Điển hình là khi phó đề đốc TL/HQ phải nói rõ tên thì “tàu trưởng” mới tin và cho tàu vào đón. Điển hình là sau khi họp xong, tại sao phó đề đốc không đi ra hướng cầu tầu ngay trong BTL/HQ mà lại phải đi bộ, mò mẫm trong đêm dưới chân núi Sơn Trà? Vì cầu thì có mà tàu thì không!
Theo lời yêu cầu của TL/TQLC, chiếc tàu chở tư lệnh và anh em chúng tôi cứ ngược xuôi ngoài khơi trước cửa bãi biển Non Nước. Mãi tới 8 giờ sáng ngày 29-3-75, sau khi được biết đã có 2 tàu vào đón TQLC tại bãi biển Non Nước thì giang tốc đỉnh mới chuyển chúng tôi sang tàu lớn HQ 802, đậu ở ngoài khơi để đón các TQLC chuyển đến. Tới xế chiều không còn thấy tàu thuyền nào từ trong bờ chuyển quân ra nữa thì HQ 802 nhổ neo, trực chỉ hướng nam, nối đuôi nhau vượt trùng dương! Vĩnh biệt vùng đất địa đầu giới tuyến! Vĩnh biệt anh em LĐ147/TQLC nằm lại hay bị bắt trên bãi cát Thuận An!
Để chấm dứt ở đây những gì tôi chứng kiến, tôi xin được mượn lời của Đại tướng Cao Văn Viên khi được báo chí phỏng vấn:
– Mỗi người giải thích sự thật theo lối riêng, 100 chứng nhân có 100 sự thật (hoặc sai sự thật). Định kiến làm cho lịch sử sai lệch.
Vì thế tôi đã hết sức cố gắng loại bớt những chi tiết không cần thiết để tránh suy diễn bàn cãi mất thì giờ, nhưng cũng sẽ không thể tránh được một số sự kiện khác với cái nhìn của người khác. Nhưng cái chính xác không thể phản bác được mà ai cũng phải công nhận là SĐ1/BB đã bị tan hàng bất dắc dĩ một cách đau khổ. LĐ147 TQLC với hơn 3.000 quân đã bị lùa vào bước đường cùng, đã bị bỏ rơi một cách tàn nhẫn. Và cuộc lui binh này nếu dựa theo trục chính là QL1 thì hẳn sẽ tránh được những thảm họa và không có thảm họa tiếp theo ở Đà Nẵng.
Tiểu Cần tôi ước mong được đọc những sự thật về “Hell on Thuận An Beach” của Lâm tướng quân (3) trước khi (tôi) nhắm mắt…!
(MX Tiểu Cần)
MX Tiểu Cần tên thật: Nguyễn Thế Thủy. Tác giả là hạ sĩ quan truyền tin cho Thiếu tướng tư lệnh TQLC Bùi Thế Lân. (…trích lục lại)
(1) Chuẩn tướng Nguyễn Văn Điềm bay đi Quảng Ngãi, một ngày sau đó tử nạn máy bay.
(2) Chuẩn tướng tư lệnh Sư đoàn 1 KQ Nguyễn Đức Khánh, vì trực thăng hết xăng phải đáp xuống bãi cát ở Sơn Trà rồi lội ra tàu HQ 404 cùng trung tướng Trưởng về Sài Gòn.
(3) Trung tướng tư lệnh tiền phương QĐ1 Lâm Quang Thi.

Góp nhặt sỏi đá
Tướng Kỳ cho đáp trực thăng xuống Bộ tổng tham mưu, không thấy tướng lãnh nào ngoài tướng Trưởng đang…trầm ngâm nhìn bản đồ và…hút thuốc lá. Tướng Trưởng nhờ tướng Kỳ chở xuống Vùng 4 gặp Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam. Tướng Kỳ bay một vòng chung quanh thành phố Sài Gòn rồi bay thẳng ra mẫu hạm Midway sau buổi trưa ngày 29-4.
Theo bà Nguyễn Tường Nhung, phu nhân cố Trung tướng Ngô Quang Trưởng:
- Nhờ tướng Kỳ nhà tôi mới đi được.
(Nguyễn Tường Tâm)

Quân sử ngoại truyện
26-4-1975, Quân đoàn 2 có mặt trước cửa ngõ Sài Gòn ở một địa danh có tên là Rừng Lá.
5 giờ chiều 26-4, quân đoàn xin được nổ súng (sớm 1 ngày so với toàn mặt trận) trên hướng đông-nam của Sài Gòn. Từ các hướng F304 đánh Nước Trong, Long Bình, Thủ Đức… F325 tiến công Long Thành, Nhân Trạch… F3 nổ súng ở Bà Rịa, Vũng Tàu.
Vị tướng già tóc bạc hơi nghiêm nét mặt nói:
“Hiện nay có ý kiến sai trái cho rằng lúc này địch đã như trái sung chín rụng, không cần đánh cũng phải đầu hàng. Hoàn toàn sai. Sáng 30-4, chúng còn cố thủ quyết liệt tại cầu Sài Gòn và bắn cháy của chúng tôi 2 chiếc xe tăng… Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt đến phút chót”.
(Hồi ký “Đời chiến đấu” – Nguyễn Công Trang)
- :  Ký hiệu phân cấp của quân đội Bắc Việt:
A: tiểu đội. B: trung đội. C: đại đội.
D: tiểu đoàn. E: trung đoàn. F: sư đoàn.

Góp nhặt…ghi chép…
Sư đoàn 3 Sao Vàng thuộc Quân đoàn 3 từ Pleiku bôn tập xuống phối hợp với 2 trung đoàn của Sư đoàn 325 thuộc Quân đoàn 2 từ Đà Nẵng kéo xuống dọc ven biển và hợp lực đánh Phan Rang. Xong, hợp quân này theo Quốc lộ 1 xuyên qua Phan Thiết qua ngả Bình Tuy ngang Xuyên Mộc để đánh Biên Hòa và Sài Gòn. Vì họ không thể đi ngõ Xuân Lộc nên họ phải đi đường vòng về hướng đông của Sài Gòn bọc qua Vũng Tàu và Bà Rịa.

Ngày thứ 48: 26-4-1975
Bà Rịa
Ngày 26-4, khoảng 6 giờ Bắc quân pháo kích kéo dài 3 tiếng vào thị xã Bà Rịa, bộ chỉ huy tiểu khu Phước Tuy, tư dinh tỉnh trưởng, Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp.
Khoảng 10 giờ đêm, Bắc quân (1) tấn công theo 3 mũi vào tỉnh lỵ, 2 mũi do bộ binh và thiết giáp phối hợp đánh vào trung tâm tiếp vận tiểu khu và tư dinh tỉnh trưởng, 1 mũi vào khu vực dọc
theo xa lộ mới ở phía nam thị xã Bà Rịa.
Thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh, điều động 1 tiểu đoàn dù và đặt đơn vị này thuộc quyền chỉ huy của tiểu khu trưởng Phước Tuy để tổ chức các cuộc phản công đánh đuổi Băc quân ra khỏi
trung tâm thị xã. Tiểu đoàn dù đã bắn cháy 5 chiến xa Bắc quân ngay trong đêm 26-4.
- : Tại Bà Rịa, Thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh, tư lệnh SĐ3/BB từ Quảng Ngải vào đụng trận với Sư đoàn 3 Sao Vàng (1) thuộc Quân đoàn 2 của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo. Trung đoàn 141 của sư đoàn này và Đại đội xe tăng 4 có pháo binh yểm hộ đã đánh chiếm thị xã Bà Rịa chiều ngày 27-4-1975.

10 này cuối cùng của VNCH
Thứ Bảy 26-04-1975
Ngày 22-4-1975, Bộ chính trị của đảng cộng sản đã quyết định chấp thuận kế hoạch cuối cùng của cuộc tổng tấn công, và ngày 14-4-1975, “Chiến dịch 275” được chính thức cải danh là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”, tức là chiến dịch đánh chiếm thủ đô Sài Gòn.

tap ghi
Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh đặt ở Lộc Ninh soạn thảo kế hoạch đánh chiếm Sài Gòn: Khởi sự tấn công vào ngày 27-4.

Văn Tiến Dũng và bộ tham mưu sau đó đã soạn thảo kế hoạch (1) hành quân chớp nhoáng sử dụng các đơn vị chiến xa và cơ giới tiến chiếm 5 mục tiêu trong thành phố Sài Gòn:
Dinh Độc Lập, Bộ tổng tham mưu, Bộ tư lệnh biệt khu thủ đô, Bộ tư lệnh cảnh sát quốc gia và phi trường Tân Sơn Nhất.
Tướng Văn Tiến Dũng trình kế hoạch hành quân này cho 2 uỷ viên Bộ chính trị là Lê Đức Thọ và Phạm Hùng, nhân vật số 2 và số 4 trong bộ chính trị của đảng cộng sản. Cả hai nhân vật này chấp thuận kế hoạch và ra lệnh các cuộc tấn công vào vùng ven biên sẽ khởi sự vào ngày 27-4 và giai đoạn cuối cùng tấn công vào Sài Gòn sẽ khởi sự vào ngày 29-4-1975. Trong các kế hoạch của Bắc Việt cũng như chỉ thị của Bộ chính trị, không hề có một điều nào, một câu nào nói đến việc có thể thương thuyết với chính quyền mới của Dương Văn Minh (2)”.
(Trần Đông Phong)
(1) Kế hoạch hành quân trên đã có từ trước ở Hà Nội do tướng Võ Nguyên Giáp soạn thảo.
Xem Thâm u bí sử ở tiết mục Ngày thứ 52 – Sài Gòn ngày dài nhất: 30-4-1975.
(2) Cựu Đại tướng Cao Văn Viên sau này cho biết:
Tồng Thống Dương Văn Minh thú nhận ông bị Cộng sản lừa. Ông khuyên những cố vấn thân cận và con rể là Đại tá Nguyễn Hồng Đài nên rời Việt Nam. (*** Cao Văn Viên, trang 225).
- : Sau này ông Dương Văn Minh cũng qua Mỹ, ông sống chung với vợ chồng con rể Nguyễn Hồng Đài ở miên nam California và mất tại Rose Hill.

Góp nhặt…ghi chép…
Ngày 26-4, Bắc quân bao vây Sài Gòn bằng 5 cánh quân do 4 quân đoàn và Đoàn 232.
Đoàn 232 quân số tương đương với một quân đoàn gồm: 3 sư đoàn bộ binh 3, 5, 9 và Sư đoàn đặc công 27. Tổng cộng 16 sư đoàn. Ngoài ra Bắc quân còn có vào khoảng 15 trung đoàn độc lập tương đương với 4, hoặc 5 sư đoàn, toàn bộ chủ lực quân chính qui của Bắc quân vào khoảng 20 hoặc 21 sư đoàn bộ binh với trên 100 nghìn người chưa kể 20 trung đoàn pháo binh, thiết giáp và phòng không v.v...

Thứ Bảy 26-04-1975
Sáng ngày 26-4-1975, Văn Tiến Dũng cùng đoàn tùy tùng của ông rời Lộc Ninh di chuyển bằng quân xa về Bến Cát khoảng gần 50 cây số ở phía tây-bắc Sài Gòn, tại đó ông ta thảo luận với tướng MTGPMN Trần Văn Trà về những chuẩn bị cuối cùng cho chiến dịch Hồ Chí Minh. Cấp chỉ huy trực tiếp của Văn Tiến Dũng là Lê Đức Thọ và Phạm Hùng, hai ủy viên Bộ chính trị không đi theo bộ tư lệnh tiền phương của Văn Tiến Dũng mà ở lại Lộc Ninh để phối hợp mọi hoạt động cả chính trị lẫn quân sự trong giai đoạn cuối của chiến dịch.
Tại trại Davis trong phi trường Tân Sơn Nhất, tối 25-4, phái đoàn MTGPMN trong Ủy ban liên hợp bốn bên đã nhận được mật điện của Văn Tiến Dũng cho biết quân đội Bắc Việt sẽ khởi sự tấn công Sài Gòn, do đó Đại tá MTGPMN Võ Đông Giang đã ra lệnh cho tất cả các nhân viên trong phái đoàn Việt cộng phải đào hầm để tránh pháo kích. Bức mật điện của Văn Tiến Dũng kết thúc bằng câu chúc các đồng chí may mắn. Hẹn gặp các đồng chí tại Sài Gòn“.
Đúng 5 giờ chiều ngày 26-4, được lệnh của Lê Đức Thọ (1) qua Văn Tiến Dũng (1), tướng Bắc Việt Lê Trọng Tấn ra lệnh cho 6 sư đoàn dưới quyền chỉ huy của ông ta tấn công vào quận Nhơn Trạch thuộc tỉnh Biên Hoà cùng các vùng nằm về phía đông Sài Gòn.
(…)

Xuân Lộc tháng Tư
(…tiếp tục với TĐ82 BĐQ từ Long Khánh về Bà Rịa)
Nhiệm vụ được phân chia rõ ràng: Tướng tư lệnh chỉ huy toàn thể trận điạ. Đại tá Hiếu chỉ huy, cánh quân của TĐ82 BĐQ chịu trách nhiệm bảo vệ chuẩn tướng tư lệnh trên đường di chuyển.
Tôi cho đơn vị đi sâu vào hướng làng xã rồi dừng quân dưới một bụi tre làng. Tôi cho các đại đội bố quân, cắt người canh gác. Đầu dựa ba lô, mắt tôi nhíp lại rất nhanh.Mặt trời lên cao khỏi ngọn cây, tôi thức dậy bởi tiếng động cơ của trực thăng chỉ huy đáp bên căn cứ hỏa lực của dù. Ba người cao lớn nhảy xuống, chiếc tàu bay bay đi.Không rõ những người vừa xuống máy bay là ai, chỉ thấy sau khi trao đổi vài lời gì đó với những pháo thủ dù, họ quay sang tiến về phía TĐ82 BĐQ.Khi họ đến gần thì tôi nhận ra Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, tư lệnh Quân đoàn III. Tôi ra lệnh cho tiểu đoàn tập họp năm đại đội dàn chào.Sau khi bắt tay tôi, tướng Toàn đi một vòng, bắt tay từng người lính trong hàng.Rồi ông quay qua tôi nhỏ giọng,
- Thôi cho anh em giải tán đi Long, ở đây sát căn cứ Mây Tào, tụi nó pháo bất cứ lúc nào.
Trưa hôm đó tôi vào gặp chuẩn tướng Đảo trong hội đồng xã Bình Ba, ông cho biết Lữ đoàn 1 Dù đã thành công diệt xong những con chốt chặn và đang trên đường tập trung vùng bắc xã Bình Ba.Tôi mượn xe và tài xế của chuẩn tướng Đảo để ra Bà Rịa, vào trung tâm tiếp cư, dò tên gia đình vợ con tôi trên danh sách nạn nhân chiến cuộc, nhưng không thấy tin tức gì cả.
Khi tôi về lại hội đồng xã Bình Ba thì đại tá Hiếu cho tôi biết địch đã bôn tập truy kích đúng như dự đoán của tôi. Chúng chặn đánh quân bạn ngay tại ngã ba Xà Bang, Đại tá BĐQ Phạm Văn Phúc (K10 VB) tỉnh trưởng Long Khánh bị địch bắt ở địa điểm này.
Ngày hôm đó Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức trao quyền lại cho cụ Trần Văn Hương. Tiểu đoàn tôi rút vào nhà dân ngủ qua đêm. Đó là ngày 21-4-1975.
(Vương Mộng Long)

Góp nhặt sỏi đá
Chuẩn tướng Lê Minh Đảo được giao nhiệm vụ trấn giữ Xuân Lộc, với hy vọng có thể chặn được đà tiến quân như vũ bão của quân đội Bắc Việt. Ở Xuân Lộc, tướng Đảo có 12.000 quân chọi lại 40.000 quân của tướng Hoàng Cầm. Cũng may cho tướng Đảo, tướng Hoàng Cầm của Hà Nội là một vị tướng xoàng, nên ông Đảo có thể đối phó không khó lắm.
Dựa theo nhận xét của Hà Nội về tướng Hoàng Cầm:
(…) Nếu Hà Nội cứ tiếp tục để ông tướng xoàng Hoàng Cầm chỉ huy trận Xuân Lộc, thì có lẽ toàn bộ Quân đoàn 4 của ta bị cầm chân ở Xuân Lộc, thì có lẽ cục diện chiến tranh cũng sẽ có sự thay đổi lớn. (…) - (…trích lục lại: Chiến tranh Việt Nam toàn tập).

Lạc đạn
Nhưng “bếp Hoàng Cầm” thì không…xòang! Năm 1951-1952 khi trận Điện Biên Phủ đang tiếp diễn, có anh “bộ đội” ở Sư đoàn 308 sáng tạo ra bếp không có khói. Chuyện là bộ đội phải đào hầm trú ẩn, công sự chiến đấu, trong hầm phải nấu nướng nếu có khói thì lộ mục tiêu. Vì vậy trên bếp, anh bộ đội phủ cành cây trải một lớp đất mỏng rồi tưới nước để giảm độ khói của bếp nấu nướng. Khói len lỏi qua các rãnh cây ẩm ướt chỉ là một dải nước tan nhanh khi rời mặt đất. Vì bộ đội là “anh nuôi” tên Hoàng Cầm nên được gọi là… bếp Hoàng Cầm.
Còn “anh nuôi Hoàng Cầm” 1951-1952 có phải là tướng Hòang Cầm 1975 chăng thì không thấy….quân sử ngoại truyện nói tới?! Nhưng chỉ biết rằng với chuyện bếp núc, “bộ đội” học theo Hồng quân Trung Hoa thì tiểu táo: 1 hay 2 người ăn và đại táo: ăn tập thể.

Xuân Lộc tháng Tư
Tháng 3-1979 tôi được đưa từ trại cải tạo Phú Sơn 4, Thái Nguyên về trại Nam Hà A, Phủ Lý. Tôi là thành phần của toán bốn mươi người có tiền tích trốn trại, nên bị giải về đây với cái còng trên tay.Khi chúng tôi nhập trại, anh em tù cải tạo chào đón những kẻ mang còng, bằng những đợt vỗ tay hoan hô tưng bừng.
Hôm sau có người nhắn với tôi rằng chủ nhật tới Thiếu tướng Lê Minh Đảo chờ mời tôi ăn cơm ở buồng số 1. Trưa chủ nhật đó tôi tới buồng 1 gặp người chỉ huy cũ, ông ở đội lao động cùng tướng Sang, tư lệnh Sư đoàn 6 KQ, và đại tá Phúc, tỉnh trưởng Long Khánh.
Thời gian qua đã mấy năm không gặp, tôi rất vui khi bắt tay tư lệnh.
(…)

Tàn cuộc binh đao
Đa số các tướng lãnh VNCH bị giam giữ ở trại Hà Tây (Hà Nội-Sơn Tây), cách Hà Nội 25 km về phía tây, Sau các tướng Nguyễn Hữu Có, Lê Minh Đảo, Lý Tòng Bá và Phạm Ngọc Sang được chuyển về trại Nam Hà (Nam Định-Hà Nam) nằm về phía tây Phủ Lý 30 km.

30 tháng 4! Ký ức của một người chưa cầm súng
Từ ngày mấy ngày nay, lính nhảy dù đã có mặt nhiều trên các tuyến đường vùng Hố Nai, Biên Hòa. Vùng đất mấy tháng trước chỉ có mặt các đơn vị biệt động quân và Sư đoàn 18. Hai ngôi làng quê tôi vốn là hai giáo xứ Công giáo. Giáo xứ Lộ Ðức, qui tụ đa số là dân công giáo di cư gốc gác từ tỉnh Hòa Bình, Bắc Phần. Giáo xứ Ðông Hải, tên làng từ thủa xa xưa còn giữ lại vốn là một ngôi làng từ tình Bắc Ninh, Kiến An, Hải Phòng và Kẻ Sặt, Hải Dương.
Chiến cuộc đã ập đến sát với chúng tôi. Ngoài Quốc lộ 1, đoạn cây số 9 tính từ thị xã Biên Hòa ra hướng bắc, từ chiến khu D đã có đạn pháo cối ùng ục dội vào phi trường Biên Hòa, đường đạn bay qua làng tôi những buổi mờ sáng khét lẹt. Loại đạn cối này cho chúng tôi hiểu là thế thượng phong của lính chính qui miền Bắc đã hiện lên rõ rệt. Vì thông thường từ mấy năm nay, pháo kích từ chiến khu D rót vào phi trường Biên Hòa bằng hỏa tiễn, loại pháo giàn, phóng hàng loạt vài chục quả hỏa tiễn trong chỉ phút đồng hồ. Sau đó là trực thăng từ phi trường Biên Hòa lên quần thảo nhưng đương nhiên là không còn dấu tích gì nơi vách rừng chiến khu D, cách làng tôi chừng 4, 5 km. Nghe tiếng pháo cối dội vào làng, nhìn hàng đoàn lính rằn ri màu xanh đóng các chốt quanh làng, Thầy tôi nói với cả nhà:
– Thu gom gọn nhẹ những thứ cần thiết để chạy loạn.
U tôi hỏi lại.
– Giờ chạy đi đâu bây giờ? Ðây chỉ cách Sài Gòn có hai giờ xe máy. Sau Sài Gòn là bể rồi, đi làm sao được?
– Cứ thu xếp để đi. Ðến đâu biết đến đấy. Ra bể cũng đi …
Thầy tôi vừa nói vừa lẩm nhẩm đọc kinh. Tôi dáo dác nhìn mẹ. U tôi lật đật thu gom mớ quần áo. Bà lọng cọng nhấc cái này bỏ cái kia, cuối cùng cũng xong ba cái bao vải lính của quân đội Pháp mà thầy tôi còn giữ lại từ 1954.
Có tin lính chính quy Bắc Việt làm chủ tính từ bên này sông Sài Gòn, tức cầu Sài Gòn sẽ là điểm phân ranh. Thầy tôi bảo chị tôi thuê một xe tải để chở hết thóc gạo chạy loạn. Thuê xe tải lúc này là điều vạn nan nhưng chị tôi có quen biết một gia đình có xe tải và cũng cần chạy loạn vào Sài Gòn nên ý định của thầy tôi đã được thực hiện ngay. Chiều 27, các dàn pháo hỏa tiễn và pháo cối của lính chính qui Bắc Việt nã đạn vào phi trường Biên Hòa cực kỳ ác liệt. Làng tôi mịt mù khói pháo của hai phía bắn qua bắn lại. Trực thăng đã có vẻ rất e dè, bay thường là hai ba chiếc cặp kè nhưng không còn chúi sát xuống rừng nữa. Mẹ tôi cùng xe thóc lúa đã ra ngoài quốc lộ, đậu gần nhà thờ Kẻ Sặt đoạn cây số 7 Quốc lộ 1. Hàng xóm đã di tản hết. Thầy tôi quyết định ở lại cố thủ sau khi linh mục Nhật đi một vòng làng tới nhà tôi.
– Ði đâu bây giờ! Phải giữ làng chứ. Còn đi đâu được nữa mà đi.
– Thế thì con cũng ở lại.
– Ừ, cha cũng ở lại đây. Ðào xong “tăng-xê” rồi.
Thế là thầy tôi quyết định không đi. Tôi vơ nhanh cái xẻng chạy ra hiên nhà đào cái hố cá nhân hình chữ L, ba con chó lăng xăng cào cào bơí bới khi thấy tôi đào cật lực. Thầy tôi đào một hầm phía sau nhà, có chận nắp bằng những bao cát và gỗ vuông chắc chắn. Hố đào sắp xong thì một ông lính đến bên cạnh sân nhà tôi, hỏi vọng vào.
– Bộ muốn tử thủ hả?
Tôi đáp “Dạ”, vừa đáp vừa lúi húi đào. Người hạ sĩ quan này thường ngồi trước sân nhà tôi mỗi tối vừa đàn vừa hát. Ông hỏi thêm khi thấy thái độ của tôi là thái độ muốn “chơi tớí cùng”.
– Súng ống gì không thằng em?
– Dạ, “Cặc–bin”.
Ông ta phá ra cười ngặt nghẽo rồi hỏi.
– Biết chơi M16 không?
– Dạ biết.
– Vậy để lát tụi anh đưa cho, còn ba cây,…cặc bin chơi sao nổi.
Ðúng lúc ấy, trên đường có bốn năm người lính nhảy dù thúc súng đẩy một bóng người đàn ông bước sâm sấp trên đường cái dẫn về phía cuối làng. Tôi chợt dưng sởn tóc gáy. Năm Trình! Ông Năm Trình tay bị trói giật khuỷu, chiếc áo đen đẫm máu. Chắc chắn kiểu này là ông Năm sẽ bị bắn! Tôi bỏ xẻng bỏ cuốc, lặng lẽ bước theo sau bốn năm người lính và ông Năm Trình. Ông bước thấp bước cao đi theo hướng mũi súng của mấy người quân nhân mặc đồ rằn ri. Khoảng chừng 500 mét tính từ cổng cuối làng, những người lính nhảy dù nơí dây trói rồi bảo ông Năm Trình tự bắn mình sau khi đưa cho ông khẩu súng M16 chỉ có một viên đạn. Ông lắc đầu, quỳ hai gối xuống bờ ruộng. Hoàn toàn không thấy ông nói một lời nào, mắt nhìn về hướng ngọn núi Chùa phía gần bờ sông Trị An. Mấy ngưới lính lùi lại cách ông chừng 5 mét. Hai ngươì cầm súng cúi gập mình như chào ông Năm Trình. Khi hai cái đầu hất thẳng lên là đồng thời với một tiếng nổ chát chúa. Thân thể ông Năm giật lên rồi té sấp. Hai người lính cúi mình một lần nữa rồi quay lui, không xem xét xem ông Năm đã chết hẳn hay chưa.
Thấy tôi còn đứng lần khân gần đó, một ngườì bảo.
– Về thôi thằng em. Nó pháo bá thở bây giờ!
Tôi tần ngần, rất muốn đến xem ông Năm đã chết thật chưa. Cái dáng té sấp mặt của ông xuống mặt ruộng làm tôi xao xuyến lạ lùng. Bỗng tiếng quát sau như dựng cả hồn vía tôi dậy.
– Nằm xuống! Thằng nhóc!
Tôi còn đang quờ quạng thì một bóng người nhào đến tôi, một tay ôm ngang lưng vật tôi xuống bờ ruộng, đúng lúc hàng ngàn tiếng rít đinh tai nhức óc xẹt ngang qua đầu. Chưa bao giờ tôi ngửi thấy mùi thuốc đạn gần và nhiều đến như vậy! Một dàn pháo hỏa tiễn vừa bắn đi sát ngay phía đồi chuối bên bìa làng, tầm đạn bay qua đầu chúng tôi nhắm lên đồi Pháo Binh. Ðường đạn đi vun vút muốn rách màng tang. Người lính vật tôi xuống chính là người hạ sĩ quan ban nãy bảo đưa cho tôi cây M16. Dưới làn khói pháo mù đặc, ông túm áo tôi kéo chạy về đầu làng, vừa chạy vừa gào bên tai tôi.
– Coi chi ba chuyện giết người vậy thằng em!
– Em biết ông ấy!
– Quên đi! Chiến tranh là vậy! Sống nay chết mai. Ta không giết người thì người giết ta!
– Mà sao bắn ông ấy. Sao không nhốt lại?
– Giờ này, đến tụi mình còn không biết sống hay chết đêm nay, nói chi đến ổng. Số chả phải chết trước thôi…

Tôi và người lính dù về đến nhà, ông bỏ đi về phía nhà thờ, nơi đặt bộ chỉ huy tiền phương của lính dù. Trên gờ hố cá nhân một cây M16 bốn băng đạn, ba trái lựu đạn mini móc ở một dây ba chạc. Tôi ráp đạn kéo chốt cho bật ra ba bốn viên rồi lại tháo băng xếp lại đạn, cài chốt an toàn, ngồi vật ra, đầu đầy ắp hình ảnh ông Năm Trình với khuôn mặt úp sấp lên mặt ruộng. Mặt ruộng tháng tư khô nứt nẻ!
Ông bị bắt đâu hồi 11 giờ trưa. Hai cái làng này, ai cũng biết là ông hoạt động cho Mặt trận giải phóng miền Nam, nôm na gọi là Việt Cộng nằm vùng. Ông không tỏ ra ác ôn bao giờ. Ông dữ hay ông hiền, chẳng ai biết được vì ông không sống trong làng. Ông cất một cái chòi sát chân núi, nơi được coi là cửa ngõ để giao liên với trong bưng, lâu lâu đi vào làng mua dăm thứ lặt vặt hoặc đi qua làng ra vùng Hố Nai. Trưa nay, từ vọng canh rất cao, những người lính địa phương quân đã nghi ngờ khi ông từ lối núi Chùa đi thẳng vào đường làng. Những bước đi mang nhiều sự tần ngần. Từ rừng đi vào làng rồi đi qua khu trung tâm bộ chỉ huy tiểu đoàn tiền phương của sư đoàn dù, hướng ra Quốc lộ 1. Có lẽ người ta sẽ để cho ông đi ra phía quốc lộ nếu như ông giữ con đường bình thường ấy. Ðàng này ông lại quay trở lại bằng một ngõ xóm khác, sau khi đi qua bộ chỉ huy tiểu đoàn chừng 300 mét. Ông bị bắt. Bộ chỉ huy tiểu đoàn dù gọi trưởng ấp tên là Thái. Ngoài việc hỏi ông Thái, bên bộ chỉ huy tiểu đoàn còn hỏi bốn năm người khác. Ai cũng nói là ông Năm Trình từng được biết là một cán binh Vệt Cộng nằm vùng. Với kinh nghiệm trận mạc, bên bộ chỉ huy kết luận dứt khoát ông Năm Trình là một “đề–lô” chấm tọa độ cho đơn vị pháo! Thời cuộc đang nóng lên từng phút! Mặt trận Xuân Lộc thất thủ, Biên Hòa Sài Gòn nghìn cân treo sợi tóc! Số ông Năm Trình rơi vào tuyệt lộ ngay khi ngày chiến thắng của những người bên phía ông chỉ còn hơn 48 giờ đồng hồ!!!
***
Tiếng xe Honda cua rất gấp từ mặt đường quặt vào trong sân xi măng. Mùi khét của cao su từ lốp xe bốc lên hòa với khói pháo thật khó chịu. Ðó là xe của anh tôi. Tôi chưa thấy ông chạy như thế này bao giờ. Vừa chống càng xe anh tôi quát ngay.
– Thầy đâu?
– Thầy ở sau nhà – Tôi luống cuống.
– Sau nhà làm gì?
– Ðào hầm!
– Ðào cái con khỉ gì mà đào!
Quay nhìn tôi, nhìn mớ súng đạn lỉnh kỉnh. Ông gắt.
– Ðồ dở hơi! Mặc ngay quần áo vào. Ði!
Bố tôi rất nể anh tôi, nên đang lấm lem, anh tôi nói tắm rửa để chạy là bố tôi kéo nước giếng tắm ngay. Chừng chưa đến 5 phút, ba cha con tôi đã trên chiếc xe Honda 67. Anh tôi mặc đồ bay, mũ ca-nô nghiêm chỉnh, cũng là lần đầu tiên ông đeo súng tòn ten bên hông.
Chiếc Honda nhấc đầu phóng đi với ba con chó chạy theo sau.
Bàu trời kĩu kịt khói pháo. Ðàng sau là những những người lính dù đang tất bật với những hố công sự chiến đấu. Ðâu đó, những bàn tay giơ lên đầu, có lẽ để chào anh tôi, người phi công lạc lõng nơi chiến địa trong những giờ phút dầu sôi lửa bỏng gần như cuối cùng của một trận chiến đang ở những phút khởi đầu tràn ngập sát khí.
***
Quốc lộ 1 cơ man nào là người! Ðủ mọi thứ xe. Từ máy cày máy kéo bám đầy bụi đất đỏ của vùng Gia Kiệm, Long Khánh đến xe lam xa ba gác! Từ người đi bộ đến người thồ xe đạp. Từ những khuôn mặt cháy nắng đến những đôi môi nứt nẻ. Tất cả đều xốc xếch! Tất cả đều thảm thương! Tất cả như một đoàn người ma đi tìm thiên đường nơi xa lắc! Tuyệt không một tiếng cười trong đoàn người mênh mông ấy.
Anh tôi lạng lách, lúc đâm ngang, lúc xiên dọc, lúc leo bờ lúc thúc xe. Tôi nhìn đoàn người chung quanh, chỉ sợ những con chó của tôi bị thất lạc. Nhưng không. Có lẽ chúng cũng đã bị cộng hưởng với hoàn cảnh hoang mang cực độ của hàng trăm con người đang trong giờ cùng quẫn bi thảm. Chúng bám sát bên hông xe, miệng thè lưỡi nhọc mệt vừa chạy vừa nhìn bố con tôi. Ánh mắt chúng như nói lên sự van xin đừng bỏ chúng, lại như khuyến khích bố con tôi đừng sợ hãi. Thấy tôi có vẻ nhì nhằng với mấy con chó, anh tôi bắt đầu bực.
– Mày làm ơn ngồi cho ngay ngắn. Chó nó tự biết theo.
Tôi ngồi trên bình xăng vì Thầy tôi ôm nguyên một cái túi lính Tây chứa toàn những ảnh tượng chúa. Tôi biết anh tôi rất khó lái vì tôi 15 tuổi nhưng là dạng cao lớn hơn bình thường, ngồi lại quay trước quay sau vơi mấy con chó nên ông quạu cũng là phải. Dù bị ông quát nhưng lòng tôi rất biết ơn ông, vì ông biết tôi rất thương chó nên lúc bắt đầu rời nhà, tôi gọi chó theo mà ông không nói gì. Ông biết tôi rất khó thể xa chúng …
Chỉ có 2 km quốc lộ từ nhà thờ giáo xứ Hòa Bình đến nhà thờ giáo xứ Hà Nội mà bố con tôi vật lộn hơn tiếng đồng hồ với rất nhiều lần phải đâm vào những đường ngang ngõ tắt. Ðến nhà thờ Ðại Lộ là leo lên xe tải đã thuê khởi hành nhằm vượt cầu Sài Gòn ngay.
Trên xe, ba con chó và tôi nằm gọn ngay góc cửa đóng phía cuối xe.
Anh tôi rồ máy chiếc Honda 67 phóng ngược về phía phi trường Biên Hòa. Dáng áo bay nổi bật lên trong dòng người hỗn độn. Nhìn theo anh, tôi không cầm được nước mắt. Ra là anh đã rời phi trường cấp tốc, áo bay, súng ống còn vắt cả trên người khi nghe bảo rằng bố con tôi tử thủ nơi căn nhà đầy kỷ niệm. Anh tôi vượt ngược dòng người đang như thác lũ, phóng xe vào vùng đất đã báo động chiến sự sắp xảy ra trong gang tấc giữa bầu trời mịt mù khói pháo ven rừng chiến khu D. Giờ này anh lại phóng đi với những chuyến bay bất định, chơi vơi lời ca của đời phi công ra đi không tìm xác rơi.
Cực kỳ vất vả chiếc xe tải mới bò đến được cầu Sài Gòn. Xe nhích từng bước một. Lính trên cầu đủ mọi thứ binh chủng. Không khí sắt máu sát rạt. Anh rể tôi mặc quân phục với giấy chứng thực đặc biệt của Căn cứ Long Bình, xin đường để qua cầu. Một người lính mặc đồ đen đeo khẩu súng rất lạ yêu cầu mở cửa xe tải. Cửa mở, tôi và ba con chó ôm nhau sát ngay cửa, bên cạnh là u tôi và chị tôi. Người lính nhìn vào khoang xe rồi nhìn tôi, cuối cùng là nhìn ba con chó. Ông lấy tay cầm lấy tai của con chó bé nhất. Con chó không hề sợ cũng không hề làm dữ, ngẩng mặt lên liếm láp bàn tay xương xẩu đen đủi đầy mồ hôi của người lính đặc biệt này. Tôi im lặng không nói gì, phó mặc số phận đưa đẩy theo gia đình. Bỗng một loạt đạn bắn chiu chíu từ phía mặt sông thốc lên vọt qua sát mí nóc xe. Người lính lạ nhảy xuống hô kéo bửng cửa rồi chạy trước xe nhà tôi, tay vẫy vẫy cho xe vượt lên trước hàng trăm xe khác.
Xe nhà tôi qua cầu Sài Gòn. Cầu Sài Gòn như một nút thắt cổ chai kinh khủng, chỉ cần qua hết cầu là có thể dễ dàng đi lại. Xe chúng tôi nhắm về phía Hóc Môn, Trung Lương.
Sáng 28-4 (1975) gia đình tôi vào tới sát căn cứ Trung tâm huấn luyện Quang Trung, tá túc tại một xứ đạo qui tụ rất nhiều người cộng giáo gốc Kiến An, Hải Phòng. Xứ đạo có tên Chợ Cầu. Tôi sống quen với không gian rộng từ ngày bé tí nên không thể nào chợp mắt được trong hoàn cảnh này. Ba con chó từng bước không rời cậu chủ nhỏ. Ðời sống tỵ nạn chiến tranh đây là lần đầu tôi phải chịu đựng. Tuổi 15 nội tâm sớm, vơí tôi, đây là cú sốc rất nặng. Ngay đêm đầu tiên, tôi khóc thầm và trách sao mình đã bỏ nhà, bỏ làng mà đi.
Ðêm 29. Các đơn vị tăng của lính chính qui Bắc Việt tiến vào Sài Gòn ngang qua căn cứ huấn luyện. Cơ man nào là các lằn đạn bắn ra từ trung tâm huấn luyện, đặc biệt là M72, một lọai hỏa tiễn cầm tay chống tăng. Rất nhiều phát đạn bắn hụt xe tăng và bay sát các nóc nhà ở xứ đạo này. Tôi vốn đã quen với pháo kích từ ngày nhỏ nên không cảm thấy nao núng, nhưng những người chung quanh thì mặt cắt không còn giọt máu.
30.4. Ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Người hàng xóm mở radio khá lớn và ra bờ giếng sau nhà ngồi một mình. Tôi từ trong khoảng tối của căn buồng hẹp chăm chú quan sát ông. Mấy hôm nay tôi không thấy ông này, tuổi khoảng 60 mặt rắn rỏi tóc húi cua. Ông ngồi bên gờ bờ giếng, mặt cúi xuống, hai vai gồ cao. Tôi thấy vai ông rung lên. Tôi thật sự cô độc.
Chiều 30-4. Tôi đi một mình ra doanh trại Trung tâm huấn luyện Quang Trung. Trên đường vài ba chiếc tăng T54 cháy rụi nằm bổ ngửa. La liệt quần áo lính vứt ngổn ngang. Tôi đến sát cổng quân trường, mấy người bộ đội áo quần xanh lụng thụng dép râu, mình còn cài lá ngụy trang, răng mặt vàng lườm… bắt tôi đứng lại, không được đến sát cổng vì đoàn phim đang quay. Tôi nhìn theo hướng tay chỉ và thấy một đoàn khóa sinh tân binh từ trong trung tâm đi ra. Tất cả đều phải đứng lại trước các máy quay phim, khi được lệnh từ phía sau máy thì từng người cúi xuống lột hết giày và quần áo lính, chỉ mặc độc mỗi quần lót. Những đoàn lính bộ đội đứng cười cợt khoái chí, một số ít thay vì cười cợt sảng khoái thì quay sang nói chuyện với những người dân hai bên đường. Có những câu hỏi và trả lời khắc mãi trong lòng tôi mà sau này nhiều người lấy đó làm giai thoại.
Với tôi, ngay lúc bấy giờ, tôi không thể cười được. Có cô hỏi:
– Sao anh trẻ thế?
– Trẻ gì nữa. Mười sáu mà còn trẻ.
Cô đang cầm que kem, hỏi anh bộ đội:
– Anh thích ăn cà-rem không?
– Không?
– Thế Hà Nội có cà-rem không?
– Có. Khối gì. Còn phơi để dành nữa.
– Hà Nội có Ti-vi không?
– Khối gì. Tivi chạy đầy đường.
(Phạm Văn Thành)
- :  Tác giả Phạm Văn Thành không ở Hố Nai nữa mà đang ở… Paris.

Một cơn gió bụi
Thiếu tướng Đoàn Văn Quảng, chỉ huy trưởng trung tâm huấn luyện Quang Trung chết trong tù ở trại khổ sai Nam Hà ngày 6-3-1984.

Ngày thứ 49 : 27-4-1975
Tân Cảng – Sài Gòn
Ngày 27-4, Sài Gòn sôi động khi Bắc quân bắt đầu pháo kích vào vòng đai phi trường Tân Sơn Nhất, tiếp đó một đơn vị đặc công tấn công cầu xa lộ Tân Cảng và cầu xa lộ Biên Hòa. Lực lượng Biệt khu thủ đô đã được điều động khẩn cấp để giải tỏa áp lực địch.
Đến chiều ngày 27-4, Bắc quân phải rút lui sau khi bị tổn thất nặng.
(SQTB K10B/72)
- : Ngày 27-4 là ngày Bắc quân dự định 5 quân đoàn tấn công cùng một lúc và dự trù đánh chiếm Sài Gòn ngày 29-4-1975.

Chủ Nhật 27-04-1975
Rạng sáng ngày chủ nhật 27-4, vào lúc 3 giờ rưỡi, Bắc Việt pháo kích 5 trái hỏa tiễn vào Sài Gòn gây cho 6 người chết và 22 người bị thương, tuy nhiên tình hình vẫn yên tĩnh, không có vẻ gì là rối loạn. Theo ông Trần Văn Đôn thì vào lúc 3 giờ chiều, đại sứ Mérillon đã gọi điện thoại cho ông và báo tin cho biết rằng nếu đến 6 giờ chiều hôm đó mà chưa có gì thay đổi thì quân cộng sản sẽ pháo kích vào Sài Gòn bằng đại bác 130 ly.
Theo Jean Lartéguy trong cuốn L’Adieu à Saigon thì sau ngày 30-4, một sĩ quan Bắc Việt đã tiết lộ với ông Vũ Văn Mẫu rằng các đơn vị họ được lệnh bắt đầu pháo kích vào Sài Gòn bắt đầu vào lúc 11 giờ tối 30-4 nếu Sài Gòn tiếp tục chống cự và họ dự tính rằng họ sẽ chiếm Sài Gòn vào ngày 7-5 tức là ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ của họ 21 năm về trước.
Theo Frank Snepp vào ngày hôm đó, có nhiều phe nhóm đã chống lại việc Tổng thống Trần Văn Hương không chịu giao quyền cho Dương Văn Minh. Người đầu tiên là Thương tọa Thích Trí Quang, kế tiếp là cựu Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, Linh mục Trần Hữu Thanh. Cựu phó tổng thống Kỳ lên án những kẻ hèn nhát đã bỏ nước di tản theo người Mỹ và hô hào tử thủ bảo vệ Sài Gòn. Ông nói rằngông cũng sẽ ở lại để chiến đấu chứ không đi đâu cả, không di tản ra ngoại quốc vì ở bên đó làm gì có rau muống, mắm tôm mà ăn?
8 giờ 45 tối ngày 27-4, dân biểu và nghị sĩ bỏ phiếu thuận Tổng thống Trần Văn Hương trao quyền cho ông Minh để ông ta có thể tìm kiếm một con đuờng vãn hồi hòa bình cho Việt Nam?
(Trần Đông Phong)
- : Theo Frank Snepp, đại sứ Martin chỉ thị cho Polgar, trùm CIA Sài Gòn, đi đón những nhân vật thân cận và trung thành với ông Thiệu đưa lên phi trường Tân Sơn Nhất rồi họ được một chuyến bay đặc biệt đưa sang căn cứ không quân Clark tại Phi Luật Tân. Trong số những hành khách trên chuyến bay này có cựu Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn, cựu Tổng trưởng Hoàng Đức Nhã và cựu Thiếu tướng tư lệnh cảnh sát Nguyễn Khắc Bình. (*** Frank Snepp, Sđd, trang 448)

Những ngày cuối cùng của Sài Gòn
Ngày 21-4, Xuân Lộc thất thủ, pháo đài cuối cùng chận đường tiến quân vào thủ đô của các sư đoàn Bắc Việt từ phía đông. Tiếng “womp-womp-womp” của pháo binh, như Michael Herr sau này sẽ chuyển tải lại tiếng động đặc biệt đó một cách thơ mộng-to tiếng trong Dispatches, đã có thể nghe được suốt ngày đêm. Nhưng tiếng “dit-dit-dit” của súng cá nhân, ngoại trừ vài ngày trong lần tấn công vào dịp Tết (Mậu Thân) 1968, đã dung tha cho người dân của Sài Gòn. Cho tới bây giờ, người Sài Gòn đã sống qua được chiến tranh, cái mà bây giờ có nguy cơ bị cuộc chiến phá hủy. Về quân sự thì cuộc chiến đã ngã ngũ. Sau khi chiến dịch tấn công mùa xuân bắt đầu trên vùng núi, sau khi mất Ban Mê Thuột và Kontum, tổng thống Thiệu và bộ tham mưu của ông đã hạ lệnh rút lui, điều đã dẫn tới bỏ chạy và hỗn loạn.
Chỉ còn những phần nhỏ của một quân đội được trang bị hiện đại gồm hơn nửa triệu người là còn muốn đứng ra chiến đấu. Lần di tản hỗn loạn ra khỏi vùng đồi núi chỉ thể hiện rõ cuộc khủng hoảng trong nội bộ của quân đội Sài Gòn. Tinh thần chiến đấu của quân lính đã gãy gục trong những tháng trước đó. Người Mỹ vẫn còn chưa tỏ dấu hiệu, rằng họ đã sẵn sàng cho một cuộc di tản đông người. Phần lớn người dân trong phần còn lại của miền Nam Việt Nam, cái bây giờ chỉ còn bao gồm những vùng đất hẹp quanh Sài Gòn và các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, hy vọng vào một điều kỳ diệu: Hy vọng vào một tín hiệu đầy bí mật, cái có thể sẽ làm câm lặng pháo binh Bắc Viêt đã vào vị trí có thể bắn tới Sài Gòn từ lâu, và dừng xe tăng lại, để trao tiếng nói cuối cùng cho các chính trị gia và nhà ngoại giao. Rằng Phnom Penh đã bị Khmer đỏ chiếm trước đây vài ngày, rằng chiến tranh đã tới gần cho tới mức có thể cảm nhận được, những việc đó đã không thể bóp nghẹt niềm hy vọng đang nhú mầm. Nỗi lo sợ trước trận đánh cuối cùng đã để cho ảo tưởng nở hoa.
Kết cuộc của Sài Gòn là một chiến thắng của ảo tưởng.
Đội ngũ các nhà báo, những người bây giờ có thể thực hiện các chuyến đi ra chiến trường thật thuận tiện vào ban ngày, vì chiến tranh đã tiến gần tới mức có thể nghe được, được người Mỹ mời tới dự một cuộc họp trên quán rượu ở sân thượng của khách sạn cao tầng Caravelle. Thay cho các thông tin về chính trị và diễn tiến cuộc chiến là những chỉ thị “mật” cho trường hợp khẩn cấp, cho lần di tản bằng trực thăng. Có một chỗ tập trung được quy định trước cho các nhà báo, ở gần văn phòng UPI, gần cảng sông, có thể nhanh chóng tới đó được từ các khách sạn lớn Caravelle, Continental và Majestic. Tín hiệu, các nhà báo được thông báo, sẽ được phát qua radio vào ngày X. Trong trường hợp khẩn cấp, đài phát thanh của quân đội Mỹ, phát tin tức “every hour on the hour”, sẽ thêm vào câu: “The temperature is 105 degrees and rising”, tiếp theo sau đó là bài “I am dreaming of a white Christmas” của Bing Crosby. Người ta sẽ chờ nhà báo tại địa điểm tập trung với nhiều nhất là một món hành lý.
Chính sếp CIA ở Sài Gòn đã tự mình bắt liên lạc với các sĩ quan Hungary. Thomas Polgar xuất thân từ một gia đình Hungary đã di cư sang Mỹ. Từ người đồng hương, người ta tin cậy thông báo rằng Hà Nội quan tâm tới một “Giải pháp Lào”, để tránh một trận chiến trên đường phố ở Sài Gòn. “Giải pháp Lào”, đó là: Một chính phủ trung lập, bao gồm các nhân vật của “lực lượng thứ ba”, phe đối lập yếu ớt và bị coi thường cả một thời gian dài ở Sài Gòn, và tất nhiên là với sự hỗ trợ về ngoại giao của Liên bang Xô viết, Pháp và Liên hiệp Anh.
Nguồn thứ hai, dường như xác nhận các thông tin của CIA, bắt nguồn từ sứ quán Pháp mà trong đó Jean-Marie Merillon, trong tinh thần của de Gaulle, đã tự mình tin rằng “Grande Nation” thêm lần nữa sẽ nhận được một vai trò lịch sử trong khoảnh khắc chiến bại của Mỹ. Merillon thông báo cho đại sứ quán Mỹ và một nhóm nhỏ các nhà báo, mà tiêu chuẩn của họ là có khả năng sử dụng tiếng Pháp một cách thanh lịch, rằng Bắc Việt thông qua tiếp xúc với người Pháp đã đưa ra “Giải pháp Lào”: tước quyền “bè lũ Thiệu”, thành lập một chính quyền trung lập, muốn hòa bình, dưới quyền “Big Minh” và ngưng chiến trước cửa ngõ Sài Gòn, để tạo cơ hội cho một hội nghị bốn bên bàn thảo một trật tự chính trị mới ở Nam Việt Nam.
Vòng vây bao quanh Sài Gòn càng siết chặt lại bao nhiêu thì các cố gắng đàm phán ngừng bắn của các chính trị gia và nhà ngoại giao càng tuyệt vọng bấy nhiêu. Vào ngày 26-4, buổi chiều lúc ba giờ, Thiệu rời Sài Gòn tới Đài Loan. Đài phát thanh của Mặt trận giải phóng từ chối lời đề nghị ngừng bắn của Phó Tổng thống Trần Văn Hương. Hương đại diện cho một “chế độ Thiệu không có Thiệu”. Vào ngày 26-4, thứ bảy, vào cái ngày mà Thiệu rời bỏ đất nước, quốc hội đã họp biểu quyết yêu cầu Tổng thống Trần Văn Hương nhượng quyền lại cho tướng Dương Văn Minh. Đại sứ Pháp và Mỹ tin là đã giật dây để cho “Big Minh” bước ra hoạt động.
Vào tối ngày chủ nhật, Graham Martin thuyết phục thành công người tổng thống được bổ nhiệm, không cương quyết yêu cầu giới quân đội Mỹ rút quân ngay lập tức. Khoảng cùng thời gian đó, Jean-Marie Merillon vào gặp đại diện Bắc Việt, sau hiệp định ngừng bắn 1973 đang ở trong khu vực an ninh của phi trường Tân Sơn Nhứt, để tự mình thăm dò cơ hội của một “chính phủ hòa bình Big Minh” qua sếp của phái đoàn, Đại tá Võ Đông Giang, một con người khó tính, giống như một cái máy nói không có xúc cảm. Tuy vậy, viên đại tá bất thân thiện đó không trả lời cho câu hỏi mang tính quyết định: Liệu một chính phủ do Big Minh đứng đầu có được chấp nhận như là đối tác để đàm phán một giải pháp chính trị hay không.
Mặc dù không có được sự chắc chắn cuối cùng này, Martin, Merillon và những người đi theo “Big Minh” vẫn bắt đầu làm việc để cứu thoát Sài Gòn ra khỏi một cuộc chiến và cứu thoát phương Tây khỏi nỗi nhục nhã của một lần đầu hàng vô điều kiện.
Xe tăng Bắc Việt đã đứng trước cửa ngõ Sài Gòn, lúc này phần lớn các quốc gia phương Tây đã di tản các sứ quán của họ và quẳng các dự trữ rượu mạnh ra thị trường với giá vứt đi. Người Mỹ, dẫn đầu bởi Graham Martin và Thomas Polgar, vẫn còn tin có thể trì hoãn được chiến dịch di tản đường hàng không quy mô lớn đã được lập kế hoạch, vì một giải pháp chính trị bắt đầu hiện hình, cứu Sài Gòn thoát khỏi sự hoảng loạn của một cuộc chạy trốn.
Sáng chủ nhật, 2 giờ trước khi mặt trời mọc, Bắc quân bắn vài hỏa tiển vào thành phố, rơi xuống gần đại sứ quán Đức ở vùng ranh giới giữa Sài Gòn và Chợ Lớn, khu phố người Hoa, và gây ra một vụ cháy lớn kinh hoàng. Từ hơn ba năm nay, Sài Gòn không còn bị bắn phá trực tiếp nữa. Các hỏa tiển này, đi kèm theo đó là một tiếng nổ thật lớn, đã để cho người dân nhận thức được rằng màn cuối cùng của cuộc bao vây, đánh chiếm thủ đô, đã bắt đầu.
Chỉ các nhà ngoại giao có nhiều quyền lực và ảnh hưởng trong đại sứ quán Mỹ và Pháp là vẫn không muốn đọc những dấu hiệu đó. Các tín hiệu của phía bên kia cũng có thể được hiểu, rằng Hà Nội chỉ muốn thúc giục tăng tốc quá trình chính trị. Bắc Việt, Graham và Merillon cam đoan lẫn nhau như vậy, sẽ “mất thể diện”, nếu như họ cố tiến quân đánh chiếm thành phố Sài Gòn ba triệu dân trước con mắt của thế giới. Qua nhượng bộ chính trị, cả hai người đều có ý như vậy, có thể giành được một thỏa hiệp hợp lý từ Bắc Việt.
Sài Gòn, 21-4-1975. Lần bắn hỏa tiển đầu tiên là vào lúc 4 giờ 30 sáng, đánh vào trung tâm Sài Gòn và đốt cháy 150 căn nhà bằng gỗ. 14 người chết và hơn 40 người bị thương.
Các chính trị gia tiến hành sự việc với vận tốc của con ốc sên, trong khi tướng lãnh Bắc Việt, ở Sài Gòn ai cũng nhận thấy, rõ ràng là thúc giục một quyết định. Cả ngày lẫn đêm đều nghe được tiếng “womp-womp-womp” của đạn pháo. Bây giờ tiếng súng nổ lớn nhất là từ hướng phi trường, nơi những chiếc máy bay di tản của cái cầu hàng không nhỏ bé vẫn còn có thể hạ cánh mà không bị bắn phá. Người dân Sài Gòn dao động giữa hy vọng và tuyệt vọng. Cuối cùng thì người Mỹ có chở hết tất cả những người Việt nào muốn đi hay không? Có lẽ cuộc chiến sẽ chấm dứt với một thỏa hiệp chính trị.
Khi một phóng viên nổi tiếng từ giã bạn bè vào buổi tối, vì “Giải pháp Lào” cho phép ông bay về quê hương để hoàn thành một phim tài liệu rồi sau đó quay trở lại Việt Nam, thì một người bạn nói với ông ấy rằng hãy quên cái tên Sài Gòn trong lúc đó đi, vì cho tới chừng đó thì người cộng sản đã chiếm được thành phố, và đổi tên nó thành Thành phố Hồ Chí Minh rồi (?). Đó là “tuyên truyền của CIA”, người này rít lên vì giận dữ. Ý thức lịch sử của người Việt sẽ để cho một lần đổi tên như vậy trở nên vô lý. Cuộc thảo luận dường như tình cờ đã trở nên dữ dội cho tới mức buổi tiệc từ giã kết thúc sớm hơn dự định.
Công việc bàn giao chức vụ được tiến hành vào ngày thứ hai, 28-4, buổi chiều 17 giờ, trong dinh tổng thống, nằm trong một tam giác với sứ quán Mỹ và nhà thờ công giáo. Mây mưa nặng nề kéo đến trên thành phố. Trời đã tối. Đèn trong dinh được bật lên khi những người của “lực lượng thứ ba”, nhóm nhỏ những người trung lập, quốc gia chủ nghĩa và phật tử chiến đấu, những người cho tới lúc đó không được phép vào trong dinh tổng thống mới của năm 1964, bước qua cánh cửa mở rộng vào trong gian sảnh tiếp đón và tạm thời ngồi xuống ở hàng ghế thứ hai. Hàng ghế đầu dành cho phó tổng thống Hương và các bộ trưởng cho tới thời điểm đó. Có lẽ khoảng 100 người, cho tới 17 giờ hầu như chỉ làm đầy được một nửa gian sảnh. Tiếp theo ở phía sau đó là giới báo chí quốc tế. Trên các lối đi, cách bục diễn thuyết không xa, là máy quay của các đài truyền hình.
Chống gậy khập khiễng, phó tổng thống Hương bước vào gian sảnh, có “Big Minh” đi kèm, người mà người ta có thể nhận ra một vẻ hãnh diện nhất định cho vai trò mới này. Minh nhìn những người bạn và những người theo ông ở hàng ghế thứ nhì, những người dưới thời Thiệu đã bị gièm pha và bị các cơ quan nhà nước hành hạ nhiều năm trời; cuối cùng thì cũng đứng trước ngưỡng cửa của ảnh hưởng và sự công nhận của giới công khai: Nguyễn Văn Huyền, một luật sư mà sự hiểu biết về chuyên môn có nhiệm vụ bổ sung cho Big Minh, thượng nghị sĩ Vũ Văn Mẫu, một con người nhanh nhẹn, hiền lành, luôn mỉm cười lịch sự, một Phật tử sùng đạo và là người cầm cờ của các nhà sư xã hội chủ nghĩa ở chùa Ấn Quang.
Cuối cùng rồi Trần Văn Hương bước lên bục diễn thuyết có treo huy hiệu tổng thống ở mặt trước, một cơn mưa bắt đầu trút xuống, lớn tới mức trong Sài Gòn nhiệt đới cũng được xem là bất thường. Cơn mưa đầu tiên sau mùa khô kéo dài nhiều tháng trời rơi xuống như một trận ngập lụt từ trên trời. Mây đen phủ tối bầu trời; giống như màn đêm đã buông xuống Sài Gòn. Bài diễn văn của Hương được nhiều tia sét đi kèm, rồi tiếng sấm tiếp theo sau đó. Nhiều câu trong bài diễn văn ngắn của Trần Văn Hương bị cơn mưa đầy sấm sét này che phủ mất. Gió bão thổi màn che của những chiếc cửa sổ cao bay tung lên, đánh lạc hướng mối quan tâm của thính giả ra khỏi con người nói chuyện mờ nhạt này. Hương khiến cho khán giả phải chán ngán với tính bướng bỉnh của một người muốn giữ đúng một hình thức đã mất ý nghĩa của nó từ lâu. Người thị trưởng từng được mến chuộng của Sài Gòn trước đây đã đánh mất phần còn lại của sự tin tưởng trong lần hợp tác với Thiệu, người đã lợi dụng tiếng tốt của ông mà không giao quyền lực thật sự cho ông. Còn lại là một sự cứng đầu cứng cổ giả làm tính nguyên tắc. Người đàn ông già ốm đau này, cần dùng một cây gậy để đi lại, thật sự là một biểu tượng của trật tự đang sụp đổ.
Ông diễn thuyết độ mười phút. Các nhà báo không quan tâm và cũng bị trận mưa đánh lạc hướng cho tới mức hầu như không ai để cho phiên dịch bài diễn văn. Tất cả mọi người đều chờ “Big Minh”, chờ một chính phủ mới, một kế hoạch lập hòa bình mà người cộng sản muốn chấp nhận. Hương khập khiển trở về chỗ của mình. Cả gian sảnh im lặng. Mọi ánh mắt đều hướng tới “Big Minh”. Nhưng ông vẫn ngồi trên ghế của mình. Lần ngưng giữa chừng trong nghi thức mà không nhận ra được ý nghĩa của nó làm tăng sự căng thẳng.
Rồi cuối cùng người ta nhìn thấy một người lính, đeo thắt lưng trắng và dây đeo, đứng ở phía trước bên trái, cạnh cửa cánh, bước vào giữa gian sảnh tới bục diễn thuyết. Ông dùng hai tay cầm huy hiệu của tổng thống, giật nó ra khỏi móc treo, quay người với những cử động giật nhanh, tạo một vẻ buồn cười cho những người lính đang đi duyệt binh, bước ra hướng cửa và mang biểu tượng của tổng thống VNCH ra khỏi gian phòng với những bước chân khoan thai.
Giới chính khách và nhà báo giữ im lặng, một sự im lặng mà người ta có thể xem như phút mặc niệm cho một trật tự được mang một cách tượng trưng từ sân khấu chính trị sang đống rác của lịch sử. Khán giả chăm chú theo dõi những cử động long trọng của người lính vệ binh bây giờ đang tiến gần tới lá cờ Nam Việt Nam ở bức tường phía trước, nhấc nó lên khỏi giá cắm và mang nó một cách chậm chạp, lúc nào cũng đi thẳng, ra khỏi gian phòng. Ông đã tạo khoảng cách với một hệ thống đã được xóa bỏ một cách tượng trưng qua lần mang lá cờ đi ra ngoài.
Đối với tôi, lá cờ ít có ý nghĩa. Nhưng từ chuyến đi tường thuật đầu tiên của tôi trong cuộc chiến này, tôi đã trải nghiệm nó như là biểu tượng của một quốc gia mà nhiều trăm ngàn người Việt đã hy sinh cho nó. Hơn 500.000 lính Mỹ đã được gởi tới đây để củng cố cho Nam Việt Nam mà 50.000 người trong số đó đã tử trận. Lá cờ vàng đỏ này đã trang trí cho các quan tài khi trên nghĩa trang quân đội lớn ở ngoài Sài Gòn, trên đường đi Biên Hòa, khi mỗi năm một lần người ta tiến hành tưởng niệm những người đã hy sinh trong một buổi lễ quốc gia long trọng.
Hàng triệu người đã chết một cái chết vô nghĩa. Đối với tôi, đó dường như là một hành động cay độc, để cho lá cờ biến mất và qua đó mà trốn tránh một trách nhiệm lịch sử.
Người lính quay lại gian sảnh, cầm một dấu hiệu tổng thống mới trên hai tay. Với một cú đánh mạnh, ông gắn chặt biểu tượng của tổng thống “Big Minh” vào bục diễn thuyết. Hoa sen xanh nổi bật trên nền trắng. Chắc là một người nghiệp dư đã phải hấp tấp tạo ra kiểu mẫu này. Hẳn là không còn có thể tìm được một bản nào tốt hơn trong Sài Gòn. Chỉ những kẻ mơ mộng mới tìm được hy vọng trong lần thay đổi biểu tượng vào giờ chót này.
Chỉ sau khi người lính trở về chỗ ban đầu của ông, giống như qua đó mà quá khứ đã được xóa bỏ và con đường đi tới một tương lai tốt hơn được mở ra, “Big Minh” đứng dậy từ ghế ngồi của ông, khoan thai đi tới bục diễn thuyết và bắt đầu đọc một tuyên bố của chính phủ mà trong đó lời đề nghị ngưng bắn ngay tức khắc được đưa ra. Như đã thỏa thuận với đại sứ Mỹ Graham Martin, Minh không nhắc tới lời yêu cầu di tản ngay tức khắc tất cả các quân nhân Mỹ. Nhưng ông cũng không còn nói về “những người cộng sản” nữa, mà là về “những người bạn của chúng ta ở phía bên kia…Chúng tôi thật sự mong muốn hòa giải. Những ngày sắp tới sẽ hết sức khó khăn…Tôi không hứa hẹn nhiều.”
Lúc đó, tôi không nghe bài diễn văn của “Big Minh” cho tới khi kết thúc. Đối với tôi, nội dung lời tuyên bố của ông là hoàn toàn không có ý nghĩa gì trong sự so sánh với những cảnh tượng trưng cho một lần tự xóa bỏ nhà nước mà chúng tôi vừa quay xong. Nhà nước Sài Gòn thật sự đã hy sinh cái lớn nhất, để thúc đẩy Bắc Việt đi tới thỏa hiệp chính trị vào phút cuối cùng: Nó đã tự tan rã, từ bỏ những biểu tượng cho sự tồn tại của chính mình, tự sát vì sợ chết.
Để đưa cuốn phim lên chiếc máy bay chuyến tối sang Bangkok càng nhanh càng tốt, tôi đã cùng đội quay phim rời gian sảnh trước. Ở trước cửa, tôi trình bày một “dự thảo văn bản” cho ban biên tập. Vài phút sau đó, người quay phim và cộng tác viên người Việt lâu năm của chúng tôi đi xe ra phi trường. Đó là vào khoảng 6 giờ chiều, mưa đã giảm bớt đi rất nhiều. Tới khách sạn Continental có nhiều nhà báo sống ở trong đó chỉ tốn mười phút đi bộ. Hàng hiên, vào buổi chiều là điểm gặp gỡ cho giới báo chí, quân nhân Mỹ, giới ngoại giao và dân kinh doanh đủ các loại, bây giờ trông như bị bỏ hoang. Các nhà báo vẫn còn quan sát lần thay đổi quyền lực trong dinh tổng thống. Phần khách còn lại đã hiểu được những dấu hiệu của cuộc chiến và chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp. Cũng có không ít người đang theo dõi trực tiếp lần nhậm chức của “Big Minh” trước các màn hình. Những chiếc taxi màu xanh-nâu sáng đỗ trước Continental như thường lệ. Để giết thời gian, tôi thuê một chiếc cho một chuyến đi vào Chợ Lớn.
Sau hai kilômét, chúng tôi tới nhà ga. Bất chợt có những chiếc A37 bay ở phía trên chúng tôi, bổ nhào xuống tấn công. Người ta nghe được tiếng bom nổ ở hướng phi trường. Vài giây sau đó, hỗn loạn xảy ra trong thành phố. Ai có súng đều bắt đầu bắn lên trời. Người dân chạy, nằm xuống đất, tiếp tục chạy đi. Tiếng ồn của vũ khí tăng lên thành một nền âm thanh, càng làm cho người ta hoảng sợ, và hầu như không ai nhận biết được nguyên do nổ súng. Sài Gòn bắn lên trời vì sợ. Bốn chiếc máy bay chiến đấu hạng nhẹ kiểu A37 bị Bắc Việt tịch thu đã cất cánh từ Phan Rang Air Base, khoảng 200 kilômét đông bắc Sài Gòn, và được gởi tới phi trường Tân Sơn Nhứt dưới sự lãnh đạo của một phi công Nam Việt đào ngũ.
Hiệu ứng tâm lý của lần bỏ bom thủ đô Nam Việt vượt quá mọi sự mong đợi. Sau khi những quả bom đó rơi xuống và Sài Gòn đạt tới một trạng thái hoảng loạn, cái khiến cho người ta nhớ tới những cảnh đông người trên các bậc thang Odessa của (nhà đạo diễn) Sergei Eisenstein, thì ai cũng biết rõ rằng giờ của trận đánh đã bắt đầu. Lần bắn súng vô nghĩa mà dân cư vũ trang của Sài Gòn đã dùng nó để kết thúc lần tự phá hủy trật tự cho tới nay kéo dài cho tới khi trời tối, hơn một giờ đồng hồ. Giới nghiêm bắt đầu sau đó. VNCH đã chấm dứt tồn tại trước khi bị xâm chiếm. Tháo gỡ các biểu tượng nhà nước và phản ứng hoảng loạn của người dân Sài Gòn trước lần ném bom phi trường cho tới nay đã không được nhắc tới hay chỉ được đề cập sơ qua trong các tường thuật của nhân chứng và trong các diễn tả lịch sử.
Các cơ chế phòng vệ tâm lý đã đẩy cuộc di tản bằng máy bay đầy kịch tính, bắt đầu vào trưa ngày hôm sau đó, 29-4, vào trong trung tâm điểm. Những dịch chuyển trọng tâm như vậy cũng được quan sát thấy tại các chiến bại lịch sử khác của “người da trắng” ở châu Á. Trong văn học và trong điện ảnh, lần quân đội Mỹ đầu hàng ở Corregidor, tháng Tư 1942 trong vịnh Manila, đã bị che phủ bởi những sự tàn bạo của người Nhật trong “chuyến bộ hành tử thần Bataan” để đi tới các trại tù binh; và “Cầu sông Kwai” đã quan tâm tới sự tưởng tượng của phương Tây nhiều hơn là kết cuộc của doanh trại Anh tại Malaya và Singapore.
Thật sự là hoạt động chính trị-ngoại giao cuối cùng mà “Big Minh” đã đứng tại tâm điểm của nó, được khuyến khích và cố vấn bởi Graham Martin và Jean-Marie Merillon đã trì hoãn cuộc di tản Sài Gòn và qua đó đã gây hại nghiêm trọng về tâm lý và chính trị. Ngay sau bài diễn văn của “Big Minh”, đài phát thanh Hà Nội đã phát đi một tuyên bố với lời lẽ cứng rắn hết sức bất thường và với một yêu cầu dứt khoát, vượt quá tất cả các phát ngôn trong những ngày vừa qua. Đài phát thanh kêu gọi người dân Sài Gòn hãy “nổi dậy”.
Qua đó, Bắc Việt đã phá hủy ảo tưởng cuối cùng. “Giải pháp Lào” giống như một canh bạc. Mỹ và các đại diện của Sài Gòn đã đi nước cờ cuối cùng của họ. Họ đã đi tới kết cuộc. Lần ném bom phi trường vào lúc 6 giờ chiều ngày thứ hai thật sự đã là tín hiệu cho cuộc tấn công. Suốt cả đêm đó, Sài Gòn bị bắn phá bởi đạn pháo và hỏa tiển. Cuộc di tản bằng máy bay bắt đầu vào chiều ngày thứ ba: lúc đầu là từ một điểm tập trung trong khu vực phi trường, sau đó từ nóc nhà của tòa đại sứ quán Mỹ. Bốn giờ sáng ngày thứ tư, 30 tháng Tư, đại sứ Mỹ Graham Martin rời khỏi nước. Những người lính Mỹ cuối cùng, mười một lính thủy quân lục chiến, bay vào lúc 7 giờ 53 phút từ Sài Gòn ra hạm đội trước bờ biển. Vào lúc 11 giờ trưa, 30 tháng Tư, xe tăng Bắc Việt tới dinh tổng thống ở nội thành. Một người lính với lá cờ của “chính phủ cách mạng lâm thời” lao lên cầu thang, để gắn nó lên ban công như là dấu hiệu của chiến thắng.
Lá cờ cũ đã được lấy ra từ lâu rồi.
(Những ngày cuối cùng của Sài Gòn - Winfried Scharlau)
- : Winfried Scharlau là một nhà báo, sử gia người Đức. Ông là phóng viên chiến trường đã từng bị thương ở gần vĩ tuyến 17 vì chiếc trực thăng chở ông đáp trúng mìn.


 

Đăng ngày 08 tháng 01.2017