Khủng bố trong một nhà thờ

ở Rouen - Pháp


Nhữ Đình Hùng

Sáng hôm nay (thứ ba 26/07/2016) , khoảng sau 9 giờ, nhà thờ Saint-Etienne-du-Rouvray trong vùng ngoại-ô phụ-cận Rouen (Seine-Mariime) đã bị hai quân khủng-bố đột nhập, chúng bắt giữ một linh-mục, hai nữ tu và hai người khác làm con tin. Một nữ tu khác đã may mắn không bị bắt giữ đã báo động. Lực lượng cảnh-sát chống khủng-bố đã được huy-động tức khắc. Các tên khủng-bố đã xử dụng dao làm vũ khí.
Các tin tức sơ khởi cho biết người bị cắt cổ chết là một linh mục hồi hưu.

Diễn tiến sự việc:
Cuộc tấn-công khủng-bố diễn ra khi nhà thờ đang làm lễ buổi sáng lúc 9g30; Hai tên khủng-bố đã đột nhập từ phiá sau nhà thờ bắt giữ linh mục và 4 người đang làm lễ, trong số có hai nữ tu, làm con tin. Một nữ tu khác đã thoát được ra ngoài và báo-động. Lực lượng BRI và RAID đã được huy động ngay. Khu-vực bị phong-toả. Quân khủng-bố đã giết linh-mục và làm một người khác bị thương nặng. Sau đó, chúng xông ra khỏi nhà thờ nhưng đã bị lực lương bao vây bắn hạ.

Việc xác-nhận căn-cước hai hung thủ đang được thực hiện. Có tin một trong hai hung phạm bị bắn hạ đã có phiếu sưu tra 'S', đã từng tìm cách sang Syrie năm 2015 nhưng bị Thổ-nhĩ-kỳ chận bắt và tống xuất về Pháp, bị truy tố về tội gian nhân hiệp đảng có liên-hệ đến tổ chức khủng bố, bị tạm giam sau đó được tự do tạm với vòng đeo điện tử.

Tu sĩ bị cắt cổ chết là Jacques Hamel, thụ phong linh mục năm 1958. Năm nay ông được 86 tuổi, tuy đã hưu nhưng vẫn tiếp tục việc giúp lễ ở nhà thờ. Cái chết bi thảm của ông đã gây một xúc-động lớn đối với dân chúng trong vùng. Ngoài ra, còn có ba người khác bị thương trong số cómột người nguy-kịch!


Linh mục Jacques Hamel / hình internet

Ngay sau đó, tổng-thống François Hollande và tổng-trưởng nội-vụ Bernard Cazaneuve đã đến tận chỗ. Ông Hollande đã coi việc giết vị tu-sĩ Thiên-Chúa-giáo là 'một vụ khủng bố nhơ nhớp' và 'chúng ta phải làm một cuộc chiến chống Nhà Nước Hồi Giáo bằng mọi cách, trong sự tôn trọng pháp-luật... Ngày nay, chúng ta phải ý thức rằng bọn khủng bố không từ bỏ gì cả'.
Căn cứ trên cách hành xử của hai tên khủng bố, người ta nghĩ hai người này thuộc về tổ chức khủng-bố Hồi-giáo. Theo nguồn tin báo Le Point, hai tên khủng bố đã hô to 'Daesh' khi xông vào nhà thờ, France 24 nói là chúng đã hô 'Allahou Akbar'. Theo nữ tu chạy thoát khi có cuộc tấn-công, hai tên khủng-bố đã hô những câu có tính-cách tôn-giáo.

Sau việc giết hại một cách man rợ một tu-sĩ ở nhà thờ Saint Etienne-du-Rouvray, chánh giới Pháp đã có những phản ứng. Phiá đảng xã-hội, phản ứng khá chừng mực. Như tổng-thống François Hollande (đảng xã hội) nói đến việc phải làm 'một cuộc chiến chống Nhà Nước Hồi Giáo trong sự tôn-trọng pháp-luật'
Laurent Fabius (đảng xã-hội), chủ-tịch Hội-Đồng Bảo Hiến nói 'cuộc tấn-công khủng-bố ở Saint Etienne du Rouvray, thành-phố mà tôi biết rõ, là ghê tởm và phẫn nộ. Tôi bày tỏ sự liên-đới hoàn-toàn với các người thân của nạn nhơn, với cộng-đồng Thiên-Chúa-giáo và với mọi người dân ở Normandie'.
Pierre Laurent, tổng bí thư của đảng cộng-sản Pháp 'rụng rời trước sự ám-sát ghê tởm vị linh mục. Đối phó với sự thù hận, chúng ta hãy đoàn kết' (Twitter)
Về phiá hữu phái, các phản-ứng mạnh mẽ hơn.
Nathalie Kosciusko-Morizet, thuộc đảng LR nói rằng "không một Thượng-Đế nào khuyên bảo thù hận. Không một Thượng-Đế nào kêu gọi sự giết người. Những tên khủng-bố không tín ngưỡng phải trả nợ. Cho mỗi người chết trong chúng ta" (Twitter)
Bruno Retailleau (LR),nghị sĩ trưởng nhóm LR ở Thượng viện trong một thông-cáo nói "cũng giống như ở Irak và Syrie, những người Thiên-Chúa-giáo là một đích nhắm... Sự tiếp nối những kinh khiếp buộc chúng ta phải ra khỏi chiến lược phòng-vệ... Phải chống lại chính các nguyên nhân của chủ nghĩa khủng-bố và từ nay phải nâng nỗ lực của chúng ta".
Florian Filippot, một trong những phó chủ tịch của FN "cắt cổ một tu sĩ, Hồi-giáo đã vượt qua một chặng trong ghê tởm và nhắm vào một trong những trụ cột căn cước từ ngàn năm của đất nước chúng ta".
Eric Ciotti, dân biểu vùng Alpes Maritimes, nơi có vụ khủng bố xảy ra tối 14.07 ở Promenade des Anglais đòi phải quản-thúc những người bị ghi phiếu vì đã cực-đoan hoá và trục xuất lập tức những người nước ngoài cực đoan hoá.
Đối với Hervé Morin, chủ tịch vùng Normandie, "đằng sau vấn đề an-ninh của đồng bào chúng ta có một đe dọa có thể kết-cuộc xấu, đó là đi đến sự sôi sục của xã hội Pháp, một loại nội chiến".
Nicolas Dupont-Aignant cũng có một ý kiến tương-tự như thế "nếu chúng ta không thay đổi qui mô, tinh-thần, chúng ta sẽ thua trận này và đi vào sự rối bời ghê tởm của nội chiến".
***
Đã có những thay đổi thấy được trong các cuộc tấn công khủng-bố. Từ hành vi bất ngờ tấn công của một tên khủng bố được coi là đơn độc dần dần tiến sang những mục tiêu có hoạch định như vụ tấn công vào Charlie hebdo, cuộc tấn công vào Bataclan, vào gia đình một viên chức cảnh sát, vào một đám đông nhằm để gây sự khủng khiếp. Nhưng lần này, khi tấn công vào một nhà thờ Thiên-Chuá-giáo, khủng-bố Hồi giáo đã tấn-công vào một trụ cột, một định-chế văn-hoá của Pháp nói riêng và của cả Tây phương nhất là khi cuộc tấn-công xảy ra vào ngày khai mạc JMJ (ngày thế giới thanh-niên Thiên-Chúa-giáo) ở Cracovie với sự hiện diện của Giáo Hoàng. Trước sự leo thang khủng-bố của Daesh, chẳng những ở Pháp mà còn ở các nước khác (Bỉ và gần đây nhất là Đức), liệu rằng sẽ có một mặt trận chung chống khủng-bố Hồi-giáo và ngay ở từng nước, liệu rằng có thể ngăn ngừa các phong trào bài ngoại quá khích. Điều e ngại của Hervé Morin , của Nicolas Dupont-Aignant không phải là không có căn-cứ!
Nhữ Đình Hùng/tổng-hợp và bình-luận/26.07/2016

Nguồn:
http://www.linternaute.com/actualite/societe/1321050-attentat-pres-de-rouen-saint-etienne-du-rouvray-les-terroristes-se-reclamaient-de-daesh/
http://www.normandie-actu.fr/prise-d-otages-dans-une-eglise-pres-de-rouen-ce-que-l-on-sait_221416/
http://www.lefigaro.fr/actualite-france/2016/07/26/01016-20160726LIVWWW00086-prise-d-otage-en-cours-dans-une-eglise-de-saint-etienne-du-rouvray-pres-de-rouen.php


Ðối với dân Pháp, khủng bố nay là chuyện bình thường

Lê Mạnh Hùng

Bình thường, sau ngày 14 Tháng Bảy, ngày phá ngục Bastille, người Pháp bắt đầu đi nghỉ hè. Người ta về quê, ra biển hoặc lên núi nghỉ mát trong lúc các du khách ngoại quốc bắt đầu đổ đến các thành thị như Paris mà hầu như không còn dân bản xứ nữa.
Nhưng sau khi một tên khủng bố Hồi GIáo trên một xe vận tải hạng nặng giết chết 84 người tại Nice đúng vào ngày lễ phá ngục Bastille này, người Pháp bắt đầu phải tìm hiểu làm quen với một tình trạng bình thường mới: sống với khủng bố, như Thủ Tướng Manuel Valls công nhận: “Pháp nay phải sống với khủng bố.” Chỉ trong vòng 18 tháng nước Pháp đã thay đổi hầu như từ căn bản.
Cuộc sống của người Pháp có thể nói có ba tầng lớp. Tầng lớp thứ nhất là một sự hưởng thụ toàn vẹn trong cuộc sống thường ngày mà ta có thể thấy ngay từ một ly rượu vang thường trong một bistro bình thường tại một tỉnh lẻ. Người Ðức gọi đó là “tại Pháp, sống như là Thượng Ðế.” Tầng lớp thứ hai là trì trệ tắc nghẽn về kinh tế, một cảm giác vốn xuất hiện từ đầu thế kỷ 21 này cho rằng mô hình kinh tế mà nước Pháp theo đuổi từ trước đến nay đã tắc nghẽn. Vào Tháng Chạp năm 2014, một cuộc khảo sát ý kiến do tổ chức BVA-WIN thực hiện cho thấy chỉ có 17% dân Pháp nghĩ rằng năm 2015 sẽ tốt hơn là 2014. Ðiều đó đã dẫn Pháp đứng hàng thứ 60 trong số 65 nước về tinh thần lạc quan. Hơn thế nữa, Pháp đứng đầu trong các nước giầu có về sự bất mãn, một điều mà các nhà khoa học xã hội gọi là “nghịch lý Pháp.”
Nhưng những người Pháp bi quan năm 2014 là có lý. Năm 2015 mở đầu với vụ tấn công khủng bố vào tạp chí Charlie Hebdo và một siêu thị của người Do Thái tại Paris. Kể từ đó tầng lớp đầu tiên của cuộc sống người Pháp đã bị chi phối bởi nỗi e sợ khủng bố.
Nỗi e sợ này được thể hiện qua những cuộc thảo luận của phụ huynh về liệu khủng bố có thể xâm nhập vào trường của con mình hay không; trong những hội nghị khoa học mà bạn chỉ có thể tham dự nếu ghi danh trước với tất cả chi tiết trong thông hành; qua những sự hiện diện của những nhân viên an ninh canh gác khám xét túi bị bạn mang theo trước khi bạn có thể bước vào một phòng triển lãm hoặc một viện bảo tàng. (Ðiều mỉa mai là sự bột phát của tình trạng này đã tạo ra hàng ngàn công việc cho những người đàn ông Pháp ít học mà phần lớn là Hồi Giáo).
Người Pháp nay sống với một nỗi e ngại thường xuyên rằng một tại họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào, giống như chàng Obelix trong truyện tranh hoạt họa Asterix, sợ bầu trời có thể rớt xuống đầu họ. Trong suốt cuộc đấu tranh giải Euro 2016, một mối lo thường xuyên là một cuộc khủng bố sẽ xảy ra. Và khi giải này diễn ra một cách an toàn mọi người đều thở ra một hơi dài thoải mái. Nhưng khi sang Paris thăm bà chị tôi, trên xe điện ngầm Paris nhìn thấy một bích chương quảng cáo cuốn phim Bastille Day của James Watkins nói về một âm mưu khủng bố khổng lồ, tôi bỗng có một cảm nghĩ không hiểu chuyện này có thể xảy ra hay không.
Pháp đã trải qua nhiều giai đoạn khủng bố suốt kể từ sau Thế Chiến Thứ Hai, nhưng chưa bao giờ nó lại tồi tệ như hiện nay. Chỉ trong vòng bảy tháng quá người ta đã thấy hai cuộc tấn công khủng bố tàn bạo nhất trong lịch sử nước Pháp hiện đại: cuộc tấn công tại Paris khiến 130 người chết, và nay Nice.
Trước Nice, mọi quan ngại đều tập trung vào Paris. Hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống Pháp đều bị tập trung vào Paris và thủ đô này vì vậy đã phải chịu tai họa khủng bố mạnh nhất. Nhưng nay, khủng bố đã xảy ra tại một thành phố biển nơi mà hàng triệu dân Pháp còn có những ký ức hạnh phúc của những ngày nghỉ hè thì không còn một nơi nào mà người Pháp có thể cảm thấy an toàn nữa.
Giống như những hành động khủng bố gần đây, tên khủng bố tại Nice có vẻ như là hành động một cách đơn độc. Trong lúc al-Qaeda thường ưa thích tổ chức những cuộc khủng bố lớn phức tạp, ISIS có vẻ như đã “crowd sourced” sự khủng bố này cho những cảm tình viên của tổ chức tại tất cả mọi nơi. Và Pháp là nước đã có sẵn hàng chục ngàn những tên bất mãn khủng bố tiềm tàng.
Khủng bố mà chỉ đòi hỏi một việc đơn giản như đi thuê một chiếc xe vận tải thì hầu như không thể nào ngăn chặn được. Và chính phủ Pháp không thể nào biến toàn thể nước Pháp thành một thứ quốc gia công an trị mà mọi người nhòm ngó và báo cáo lẫn nhau. Có lẽ việc Pháp thua Bồ Ðào Nha trong trận chung kết giải Euro 2016 là một điều may. Nếu “Les Bleus” thắng thì những đám đông tụ họp phất lá cờ tam tài tại mọi quảng trường các thành phố của Pháp đều có thể trở thành những mục tiêu. Chỉ có một quốc gia khác trên thế giới là có thể so sánh với Pháp về mức độ nguy cơ khủng bố này: Hoa Kỳ với việc tự do cho mọi người kể cả những tên khủng bố mua và tích trữ súng đạn.
Cho đến nay, người Pháp vẫn còn giữ được nguyên vẹn tinh thần khai phóng mặc dầu khủng bố Hồi Giáo. Cuộc khảo sát thường niên của Ủy Hội Quốc Gia Nhân Quyền Pháp cho thấy sự kỳ thị chủng tộc đã giảm sút trong năm 2015. Trong cuộc bầu cử địa phương vào tháng chạp năm ngoái, ngay sau cuộc tấn công khủng bố tại Paris, cử tri Pháp vẫn bỏ phiếu cho các ứng cử viên đảng Xã Hội và đảng Cộng Hòa – hai đảng dòng chính – để ngăn chặn tổ chức cực đoan chống di dân Front National không cho đảng này thắng tại bất kỳ một vùng nào. Hy vọng rằng cử tri Pháp sẽ làm như vậy trong cuộc bầu cử tổng thống năm tới.
Mặc dầu vậy, nếu dân Pháp đã bi quan và bất mãn trước khi có những cuộc khủng bố này, ta có thể tưởng tượng tinh thần dân Pháp hiện nay ra sao?

http://www.nguoi-viet.com

 

Đăng ngày 26 tháng 07.2016