Tình hình rất căng thẳng

giữa Riyad & Téhéran

Nhữ Đình Hùng

 

Tình hình rất căng thẳng giữa Riyad và Téhéran sau việc Arabie Saoudite cho hành quyết giáo sĩ chiite Nimr Baqer al-Nimr.

Bị kết án tử hình vào tháng 10/2014 với các tội danh "khủng bố, mang vũ khí, li khai, không tuân hành vương quyền, lăng mạ các nhà thông thái về luật Hồi-giáo", chức-sắc Hồi-giáo chiite Nimr Baqer al-Nimr đã bị chánh-quyền Riyad đem hành-quyết vào ngày thứ bảy 02.01.2016 cùng với 46 tử tội khác, trong số đó có nhiều người thuộc nhóm khủng bố al-Qaîda thuộc bán-đảo Ả-rập (AQPA). Việc hành-quyết này đã khiến tình-hình bang-giao giữa Iran và Arabie Saoudite vốn dĩ đã căng thẳng càng trở nên căng thẳng hơn nữa.

Nhưng Nimr Baqer al-Nimr là ai?
Nimr Baqer al-Nimr trước tiên là một chức sắc của nhánh Hồi giáo Chiite tại Arabie Saoudite; nước này là một quốc-gia Hồi-giáo theo Sunnite- wahhabiste và nhóm Hồi-giáo Chiite chỉ chiếm khoảng 10%. Nimr Baqer al-Nimr, 56 tuổi, là một thủ-lãnh có uy tín và được cộng-đồng tín-đồ Chiite ở Arabie Saoudite mến mộ. Ông theo học giáo-luật Hồi-giáo tại Iran. Ông này là người tranh-đấu bảo-vệ quyền-lợi của nhóm người Chiite trong nước, chỉ-trích mạnh mẽ triều đại Al-Saoud, đã từng bị bắt giữ nhiều lần vì các bài giảng khích-động. Năm 2009, al-Nimr đã từng đe dọa nổi dậy chống lại vương-quyền wahhabite nếu như vương quyền không chịu phóng-thích các tù nhân chánh-trị và chấm dứt tình-trạng phân biệt đối xử với người Chiite.


Nimr Baqer al-Nimr - amnesty.org

Trong vương quốc "wahhabite", cái nôi của Hồi giáo sunnite "chánh-thống", nhóm người Chiite chỉ chiếm khoảng trên 10% thường ta thán việc bị coi là công-dân hạng nhì, bị phân biệt đối xử trong mọi việc từ việc học, việc làm, việc xây dựng nơi thờ phụng... Phần lớn người Chiite tập trung trong vùng Al-Oatif, một vùng có dầu hoả.

Uy tín của Nimr Baqer al-Nimr gia-tăng trong bối cảnh "muà xuân ả-rập" năm 2011. Cộng-đồng Chiite tại Arabie Saoudite đã có những cuộc tuần-hành chống lại việc Arabie Saoudite can-thiệp và đàn áp cuộc nổi dậy ở Bahrein. Nhân đó, Baqer al-Nimr đòi hỏi quyền bình đẳng cho người Chiite, chủ trương li-khai vùng đông nơi có nhiều dân Chiite và thống nhất với vương quốc Bahrein, nước có đa số dân theo Chiite, nằm giáp cạnh Al-Qatif! Tuy nhiên, Baqer al-Nimr không đưa ra các kêu gọi bạo-động, mặc dù các lời chỉ trích đôi khi rất nặng nề. Vào năm 2012, trong một vidéo được phổ-biến, al-Nimr đã có lời lẽ không tốt đẹp trước cái chết của tổng trưởng nội-vụ Nayef, một hoàng thân kế nghiệp của Arabie Saoudite. Al-Nimr đã nói "để cho sâu bọ ăn xác chết ông ta". Al-Nimr chẳng những kêu gọi việc làm sụp đổ vương-triều ở Arabie Saoudite và vương triều Bahrein mà còn cả cho chế-độ Assad ở Syrie. (coi link https://t.co/LtiXWQBdM — Daniel Wickham (@DanielWickham93) January 2, 2016 ).

Năm 2011, Baqer al-Nimr là khuôn mặt chánh trong cuộc phản-kháng của người Chiite thuộc tỉnh Hasa thuộc vùng đông Arabie Saoudite. Tại đây có đến một phần ba số người Chiite của Arabie Saoudite sinh sống và lại là vùng dầu lửa chánh của Arabie Saoudite. Baqer al-Nimr cũng còn phản kháng việc Arabie Saoudite can thiệp vào nội-tình Bahrein, một can-thiệp nhằm hỗ trợ vua Hamed ben Issa al-Khalifa chống lại các phản-kháng của người Chiite.
Al-Nimr đã bị bắt vào tháng bảy năm 2012 và bị kết án tử-hình vào tháng 10.2014, một bản án bị các tổ chức ONG bảo-vệ nhân-quyền phản-đối.

Việc hành-quyết Nimr Baqer al-Nimr vào ngày thứ bảy 02.01.2016 đã tạo ra một luồng căm phẫn trong thế-giới người Chiite. Tại Irak, có những đòi hỏi phải đóng cửa toà đại sứ Arabie Saoudite, trong khi tại Bahrein có những cuộc biểu-tình thù nghịch với hoàng-gia Arabie Saoudite. Tại Liban, nhóm Hezbollah coi việc giết Nimr Baqer Al Nimr là một sự "ám sát" và kêu gọi công đồng quốc-tế lên án tội ác này của Arabie Saoudite và coi chế độ này như là hình phạm quốc-tế và Hoa Kỳ và các đồng minh của Arabie Saoudite cũng có trách nhiệm trực tiếp và tinh-thần về việc này.
Iran là nước đưa ra phản-ứng mạnh mẽ nhất. Phát-ngôn-viên bộ ngoại-giao Iran, Hossein Jaber Ansari, nói rằng "một mặt, chánh-quyền Arabie Saoudite hỗ-trợ cho phong-trào khủng-bố và cực-đoan và cùng lúc dùng đến việc đàn áp và án tử-hình đối với những người đối-lập cuả nó ở trong nước... Nước này sẽ phải trả giá cao cho chánh-sách của nó".
Về phiá "ayatollah" Ali Khamenei, ông này nói rằng "máu của những người tử đạo đã bị đổ ra một cách vô lý sẽ mang đến những kết quả và bàn tay thiêng-liêng sẽ trả thù các nhà lãnh-đạo Saoud... Nhà thông-thái bị đàn-áp này đã không khuyến-khích người ta cầm võ-khí, cũng không âm-mưu một cách bí mật, ông ta chỉ đưa ra những chỉ trích công-khai.
Lực lượng Pasdarans của Iran cũng đưa ra những phản-ứng tương tự: "Một sự báo thù khủng khiếp sẽ giáng xuống gia tộc Al Saoud trong một tương lai gần đây, đưa tới sự sụp đổ của chế-độ thân khủng-bố và chống Hồi-giáo".


Không phải chỉ nói suông, Iran còn có những hành-động phản-kháng. Toà đại sứ Arabie Saoudite ở Téhéran bị tấn công trong ngày thứ bảy 02.01.2016. Đám đông biểu-tình hằng trăm người đã tràn vào trong toà đại-sứ Arabie Saoudite đập phá, ném coctail Molotov, nhân viên sứ quán đã phải di tản dưới sự bảo-vệ của cảnh sát Iran. Ngoài ra, một toà lãnh-sự của Arabie Saoudite tại Iran cũng chịu chung số phận. Trong ngày chủ nhật, hàng trăm người đã lại biểu tình và hô các khẩu hiệu chống đối Arabie Saoudite mặc dù toà thị chánh Téhéran đã yêu cầu không biểu tình trước toà đại sứ này! Tổng thống Hassan Rohani của Iran nói rằng "hành-động cuả một nhóm cực đoan chiều hôm qua chống lại toà đại sứ và lãnh sự quán của Arabie Saoudite, được đặt dưới sự bảo-vệ của Cộng-hoà Hồi-giáo về pháp lý và tôn-giáo, là điều hoàn toàn không có cơ sở".
Về phiá Arabie Saoudite, bộ ngoại giao nước này đã triệu-tập đại-sứ Iran để trao một thư phản-kháng "về những lời lẽ phản-kháng chỉ-trích các phán-quyết áp dụng hiện nay đối với những quân khủng-bố trong vương-quốc". Sau đó, trong một thông cáo , phát ngôn-viên bộ ngoại-giao nói rằng "chế-độ Iran là chế độ cuối cùng trên thế-giới có thể cáo buộc nước khác yểm trợ khủng bố trong chừng mực mà Iran tự nó ủng hộ chủ nghĩa khủng-bố".

Nhận-định về việc hành-quyết nhà lãnh-đạo Chiite Nimr Baqer al-Nimr, phát-ngôn-nhân bộ ngoại-giao Mỹ John Kirby việc này làm gia-tăng căng thẳng giữa các cộng-đồng vào lúc mà cấp thiết phải giảm nhẹ. Bộ ngoại giao Hoa-Kỳ cũng đòi hỏi Arabie Saoudite phải cho phép phát-biểu một cách hoà bình các điều phản-kháng.
Nhắc lại giữa Iran và Arabie Saoudite đang có căng thẳng về việc Arabie Saoudite can-thiệp vào Yémen để chống lại các nhóm người Chiite thuộc hệ giáo Houthis! Việc hành-quyết trưởng giáo Nimr Baqer al-Nimr đã làm bang giao giữa Iran và Arabie Saoudite trở nên căng thẳng hơn. Iran đã lợi dụng việc này để tự đặt mình vào vị-thế người bảo-vệ quyền-lợi của người Chiite trên toàn thế-giới. Và sau việc giải quyết vấn-đề nguyên tử Iran, sau việc Nga can-thiệp quân-sự ở Syrie, Iran "ơ vào vị-thế mạnh ở Trung-Đông. Trong khi đó, liên minh Á-rập do Arabie Saoudite lãnh-đạo vào hồi tháng ba 2015 để can-thiệp vào Yémen đang bị sa lầy và chưa thấy lối thoát. Trong viễn-tượng Mỹ không can-thiệp mạnh vào Trung Đông, tốt nhất là đối đầu với Iran khi Mỹ còn hiện diện tại đây và khi Iran chưa khôi phục tiềm lực kinh tế và quân-sự sau một thời gian dài bị cấm vận.
Lợi dụng cuộc khủng-hoảng ở Syrie, nhà cầm quyền Riyad đã tổ chức vào tháng qua một hội nghị giữa các thành-phần đối-lập quân-sự và chánh-trị đối với chánh-quyền Damas và hoàng thân Mohammed ben Salmane đã loan báo việc thành-lập một lực lượng "liên hiệp chống khủng-bố" gồm 34 nước có đa số dân Sunnite mà nước lãnh-đạo chính là Arabie Saoudite. Cho đến nay, Arabie Saoudite chỉ chống lại chế độ Damas.
Vào lúc cuộc khủng-hoảng Syrie có cơ giải-quyết, các hoạt-động của Arabie Saoudite xem chừng cốt để gây ra những khó khăn mới! Và chế-độ Damas cho đến nay vẫn nhận được sự ủng-hộ không suy suyển của Nga và Iran!
Để làm mệt mỏi Arabie Saoudite, Iran có thể tiếp tục hỗ trợ cho Yémen, khiến Arabie Saoudite bị mắc lầy ở đây, vào lúc giá dầu xuống thấp đưa đến việc suy thoái kinh tế nặng hơn ở nước này. Với Iran, việc giá dầu giảm không ảnh hưởng nặng vì nước này đã không thể bán dầu từ nhiều năm qua do việc bị cấm vận!


Ngày 03.01.2016, Arabie Saoudite tuyên bố cắt đứt bang giao với Iran. Hai mươi bốn giờ sau đó, đến lượt Bahrein, một đồng minh của Riyad, cũng tuyên-bố cắt đứt bang giao với Téhéran và kế đó là Soudan. Emirats Arabes Unis cho biết sẽ triệu hồi đại sứ và giảm thiểu số nhân viên ngoại giao. Về phiá khối người Chiite, nhiều cuộc biểu tình chống Arabie Saoudite đã diễn ra ở Irak, Yémen,ở Liban và cả ở Bahrein, ở Pakistan và Cachemire thuộc Ấn.

Trong khi nước Pháp kêu gọi xuống thang (nước Pháp sắp sửa tiếp đón tổng thống Iran Hassan Rohani), nước Mỹ kêu gọi "những biện pháp tích cực để làm dịu căng thẳng", nuớc Nga cho biết "sẵn sàng làm trung-gian cho Iran và Arabie Saoudite", điều này có thể hiểu Moscou có thể là nơi gặp gỡ cho trưởng ngành ngoại giao Iran, Javad Zarif, và trưởng ngành ngoại giao Arabie Saoudite, Adel al-Jubeir. Nước Đức cũng kêu gọi Téhéran và Riyad làm mọi việc để tái lập bang giao nhưng kèm thêm sẽ theo dõi các tiến bộ ở Arabie Saoudite và điều này sẽ được kể đến trong việc xuất cảng vũ khí sang nước này!

Nhữ Đình Hùng/tổng hợp/07.01.2016

Nguồn
http://fr.sputniknews.com/international/20160103/1020730249/protestations-devant-la-mission-diplomatique-saoudienne-en-iran.html#ixzz3wCs0ApAu
http://www.opex360.com/2016/01/03/vives-tensions-riyad-teheran-apres-lexecution-dun-dignitaire-chiite-par-les-autorites-saoudiennes/#AlM44FVf6d23CsPX.99
http://actu.orange.fr/monde/risque-d-escalade-entre-l-iran-et-l-arabie-afp_CNT000000hCp8c.html
http://www.lalibre.be/actu/international/tensions-entre-l-iran-et-l-arabie-saoudite-on-risque-la-creation-d-un-daech-chiite-568d1a8b3570b38a57ffb960
http://www.rtl.be/info/monde/international/graves-tensions-entre-l-arabie-saoudite-et-l-iran-une-division-des-musulmans-qui-pourrait-profiter-a-daesh-783525.aspx


Thâm thù sâu xa giữa Hồi giáo Sunni và Shia

Sự tranh chấp vị trí kế vị nhà tiên tri Muhammad giữa người Sunni và Shia đã trở thành cuộc xung đột giáo phái kéo dài hàng nghìn năm chưa có dấu hiệu kết thúc.
Saudi Arabia đã hành quyết 47 người về tội danh khủng bố. Trong số những người bị xử tử, giáo sĩ Sheikh Nimr al-Nimr là người Hồi giáo dòng Shia và cái chết của ông đã làm gia tăng căng thẳng vốn có trong thế giới Hồi giáo. Lãnh tụ tối cao Iran, Ayatollah Ali Khamenei ngày 3/1 cho biết, Saudi Arabia, được cai trị bởi chế độ quân chủ dòng Hồi giáo Sunni, sẽ phải đối mặt với sự “trả thù của Thiên chúa” cho việc giết hại giáo sĩ Sheikh Nimr al-Nimr và 46 người khác. Iran là nước có số lượng người đạo Hồi dòng Shia chiếm đa số. Giáo sĩ al-Nimr cùng những người khác đang đấu tranh cho quyền chính trị lớn hơn của người Shia ở Saudi Arabia và các nước láng giềng. Saudi Arabia cáo buộc vị giáo sĩ kích động bạo lực. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến sự thù hằn giữa người Hồi giáo dòng Shia và Sunni?

Tranh chấp vị trí kế vị
Năm 632 sau công nguyên, nhà tiên tri đạo Hồi Muhammad qua đời mà không chỉ định người kế nhiệm để lãnh đạo cộng đồng Hồi giáo. Điều này dẫn đến những tranh cãi chưa bao giờ nguôi về việc ai sẽ dẫn dắt tinh thần cho người Hồi giáo.
Người Sunni cho rằng, nhà lãnh đạo mới cần được lựa chọn trên cơ sở đồng thuận. Trong khi người Shia lại nghĩ rằng, chỉ con cháu của nhà tiên tri mới xứng đáng kế vị. Người kế thừa hợp pháp đầu tiên là Abu Bakr người Sunni, phụ tá thân cận của nhà tiên tri Muhammad. Còn người Shia tin rằng, ông Muhammad Ali, anh em họ và con rể của nhà tiên tri, mới là người kế vị. Abu Bakr làm giáo chủ được 27 tháng thì bị ám sát. Ông Ali là người kế nhiệm số 2 trở thành nhà lãnh đạo mới của thế giới Hồi giáo. Sau đó ông Ali cũng bị ám sát bởi thanh kiếm tẩm thuốc độc tại nhà thờ Hồi giáo ở Kufa thuộc Iraq ngày nay. Con trai ông là Imam Hussein tuyên bố trở thành nhà lãnh đạo mới. Nhưng ông Hussein và nhiều người thân của mình cũng bị ám sát vào năm 680 sau công nguyên ở Karbala, Iraq. Cái chết của ông đã trở thành giáo lý trung tâm cho những người tin rằng Ali xứng đáng kế vị nhà tiên tri. Sự ra đi của Hussein cũng được ghi nhớ hàng năm trong tháng Muharram của người theo đạo Hồi. Các tín đồ này thuộc dòng Shia, viết tắt của Shiat Ali, hay tín đồ của Ali.
Tuy nhiên, người Sunni cho rằng, chỉ có 3 nhà tiên tri trước Ali mới dẫn dắt các tín đồ đi đúng hướng và trung thành với Sunnah (giáo lý của Đạo Hồi) hay truyền thống của nhà tiên tri. Người Sunni sau đó đã bắt tay vào cuộc chinh phục mở rộng thêm các nhà nước Hồi giáo ở Bắc Phi và Châu Âu. Nhà nước Hồi giáo cuối cùng đã kết thúc với sự sụp đổ của Đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) sau Chiến tranh Thế giới thứ Nhất.

Vì sao niềm tin của hai dòng Hồi giáo khác nhau?
Bất đồng kéo dài hàng nghìn năm giữa người Sunni và Shia xung quanh người kế nhiệm nhà tiên tri Muhammad dẫn đến sự phát triển của những giáo phái. Các giáo phái dòng Sunni và Shia bao gồm nhiều học thuyết, quan điểm và trường phái tư tưởng riêng. Mặc dù các giáo phái vẫn dựa trên giáo lý của đạo Hồi nhưng có sự bất đồng lớn. Tín đồ của hai giáo phái đều cho rằng họ là những người kế tục chính thống.
Các tín đồ Shia coi Ali và những nhà lãnh đạo kế vị ông như các imam (lãnh tụ Hồi giáo). Hầu hết các tín đồ Shia tin vào 12 imam. Người cuối cùng trong số này, một cậu bé, được tin rằng đã biến mất vào thế kỷ thứ 9 tại Iraq, sau khi cha của cậu bị giết. Những tín đồ dòng Shia nhánh Twelver coi sự tái sinh của cậu như Mahdi, hay Messiah (đấng cứu thế). Vì những con đường khác nhau mà hai dòng lựa chọn, các tín đồ Sunni coi trọng sức mạnh của Chúa trời trong thế giới vật chất, đôi khi bao gồm cả khía cạnh quần chúng và chính trị, trong khi những người Shia đề cao sự xả thân vì đạo và đức hy sinh.

Sự phân chia địa lý
85% tín đồ Hồi giáo trên Thế giới là người Sunni. Họ sinh sống khắp nơi , từ Morocco đến Indonesia, và tạo nên tôn giáo thống trị ở Bắc Phi và Trung Đông. Trong khi phần lớn người Shia tập trung ở lran, Iraq, Azerbaijan và Bahrain. Một bộ phận đáng kể người Shia sinh sống ở Yemen, Lebanon, Kuwait, Syria và Qatar.
Tại Trung Đông, người Sunni và Shia đều tìm cách trở thành người lãnh đạo đất nước nhằm định hướng sự phát triển của đạo Hồi. Bahrain nơi người Sunni được xem là thiểu số từ lâu đã nắm quyền điều hành đất nước với sự hậu thuẫn của Saudi Arabia. Ông Saddam Hussein từng điều hành Iraq trong 20 năm là người Hồi giáo Sunni. Trong quá trình nắm quyền, ông đã đàn áp dã man người Hồi giáo Shia. Sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq xuất phát từ sự bất bình giữa chính phủ người Shia và cộng đồng Hồi giáo Sunni.
Cuộc xung đột hiện nay ở Syria được thúc đẩy bởi sự đối đầu giữa các giáo phái. Tổng thống Bashar al-Assad và các thành viên gia đình thuộc dòng Shia Alawite. Trong khi các nhóm nổi dậy bao gồm cả IS lại thuộc dòng Sunni.
Cuộc nội chiến ở Yemen trở thành cuộc xung đột giáo phái giữa Iran, cường quốc dòng Shia, và Saudi Arabia, cường quốc dòng Sunni. Iran đang hậu thuẫn cho phiến quân Houthi dòng Shia để lật đổ chính phủ dòng Sunni.

New York Times