Áo: Đảng cực hữu trở lại chánh trường

Đảng cực hữu FPÖ nắm ba bộ then chốt: nội-vụ, quốc-phòng và ngoại-giao

Nhữ Đình Hùng

Áo chỉ là một quốc-gia nhỏ ở Âu-châu nhưng đã từng được biết đến trong lịch sử qua "Saint Empire Romain" và trong đệ nhị thế chiến bên cạnh Đức Quốc Xã. Sau chiến-tranh thế-giới lần thứ hai, phong trào cực hữu vẫn tiềm tàng ở Áo. Trong những ngày sắp tới, người ta sẽ thấy vai trò của cực hữu trong chánh quyền mới của Áo xuyên qua các điều được thủ lãnh của phe bảo thủ Sabastian Kurz và lãnh-đạo của đảng FPÖ Heinz-Christian Strache cho thấy trong cuộc họp báo vào chiều ngày thứ bảy 16.12.2017 tại Vienne. Đó là việc đảng cực hữu sẽ trở lại chánh-trường một cách mạnh mẽ!

Cách đây hai tháng, vào ngày 15.10.2017, các cử tri của Áo đã đi bầu 183 đại biểu quốc-hội với nhiệm kỳ 5 năm. Các kết quả đã cho thấy nước Áo quay về phía hữu sau 10 năm cầm quyền của phe dân-chủ xã-hội. Về đầu trong cuộc bầu cử là phe bảo-thủ dân-chủ thiên-chúa-giáo ÖVP với Sébastian Kurz với hơn 31% và 62 ghế dân-biểu, về nhì là đảng dân-chủ xã-hội SPÖ vơi 26% phiếu bầu và 52 ghế dân-biểu, về ba là đảng FPÖ bình-dân hữu-phái (cực hữu) với 25% phiếu bầu và 51 ghế (hơn nhiệm-kỳ trước 11 ghế). Để có được đa số cầm quyền, một liên-minh cánh hữu được thành-lập giữ ÖVP và FPÖ. Trong cuộc họp báo chiều ngày thứ bảy 16.12.2017 tại Vienne, Heinz-Sebastian Kurz, thuộc đảng ÖVP, sẽ giữ vai chức vụ thủ tướng, và Heinz-Christian Strache, đảng FPÖ, giữ chức vụ phó thủ-tướng. Hai người cũng đã loan-báo một thành-phần chánh phủ cần được tổng thống (phe môi sinh) phê-chuẩn vào ngày thứ hai, trong đó đảng FPÖ nắm ba bộ then chốt là quốc-phòng, nội-vụ và ngoại-giao.

Vào ngày thứ hai 18.12.2017, tổng thống Alexander Van der Bellen đã phê chuẩn tân chánh-quyền Áo dưới sự lãnh-đạo của Sebastian Kurz, 31 tuổi, người lãnh đạo chánh-phủ trẻ tuổi nhất trên thế-giới. Ông Kurz đã tuyên-thệ nhậm chức ở Vienne.


Như vậy, sau tám tháng làm thủ lãnh đảng Dân-chủ Thiên-Chúa-giáo (ÖVP) Kurz đã trở thành thủ-tướng nước Áo, cầm đầu một chánh-quyền với 13 tổng-trưởng trong đó phe cực hữu nắm sáu bộ với ba bộ quan-trọng là quốc-phòng, nội-vụ và ngoại-giao.
Cũng do vai trò quan trọng của phe cực hữu trong chánh quyền, tổng thống Van der Bellen đã đưa ra lời kêu gọi "tôn trọng quyền của những nhóm thiểu số và của những người có suy nghĩ khác"; tổng-thống Áo cũng yêu-cầu tân chánh-quyền tôn-trọng lịch-sử cuả Áo, những trang rực rỡ cũng như những trang u ám, ông cũng cho biết có ý thức về việc một số người "chán nản" kể cả "thù nghịch" với phe đa số nhưng "đó là dân-chủ" (Cũng ghi nhận rằng không phải phe cực hữu chỉ mạnh lên ở Áo nhưng đây là một khuynh hướng chung ở nhiều nước Âu Châu trong số có Pháp, Đức, Hoà Lan dù rằng ở những nước này phe cực hữu chưa thành-công trong việc nắm chánh-quyền!).

Trong lúc ông Kurz làm lễ tuyên thệ tại phủ Tổng thống, bên ngoài có khoảng 2000 người biểu tình phản-đối với các biểu ngữ như "giết chết Phát-xít" hay "quốc-xã xéo đi". Đám đông này tụ họp tại công trường 'những anh hùng', một địa điểm mang tính cách lịch sử vì là nơi mà Hitler vào năm 1938 đã loan báo việc sát nhập Áo vào nước Đức! Nhưng phong trào chống cực hữu xem chừng không hữu hiệu vì mới cách đây một năm, Alexander Van der Bellen thuộc đảng Xanh đã đánh bại ứng cử viên cực hữu trong cuộc tranh cử tổng thống, vậy mà mười tháng sau, phe cực hữu về hạng ba trong cuộc tranh cử quốc hội trước hạn vào ngày 15 tháng 10, chỉ thua đảng dân-chủ xã-hội về nhì có một ghế dân biểu!
Thủ tướng và Phó thủ tướng Áo đồng thuận với nhau về việc không tổ chức trưng cầu dân ý về việc có thể rút ra khỏi Liên Âu nhưng chủ trương việc bảo vệ chủ quyền quốc gia!

Về tình hình chánh trị hiện nay của Áo, khuynh hướng chống di dân và bài Hồi giáo có gia tăng; bằng chứng là trong kỳ bầu cử tổng thống cách đây một năm, đảng Dân chủ Thiên-Chúa-giáo và đảng cực hữu chỉ được mỗi đảng 11% trong khi đảng xanh chiếm đa số, lấy được ghế tổng-thống vậy mà 10 tháng sau, chỉ vì chính sách nhận dân tị nạn Hồi giáo mà đảng xanh không có một dân biểu nào vào quốc-hội! Ngược lại, đảng cực hữu đã có thêm hàng chục dân biểu và trong chánh phủ liên kết được thành lập, đảng cực tả đã có đến 6 bộ trong số 13 tổng trưởng.

Những nhân vật cực hữu tham gia chánh phủ đều sáng giá. Như Herbert Kickl, 49 tuổi, nắm bộ nội vụ là người đã từng viết diễn văn cho thủ lãnh cực hữu Haider trước đêy và sau này cho Strache. Người nắm bộ Ngoại giao là Karin Kneissl, 52 tuổi, là một người học về ngoại giao. Ông này tốt nghiệp đại-học Georgestown ở Mỹ và trường Quốc-gia hành-chánh (ENA) ở Pháp, chuyên gia về Cận-Đông, nói được tiếng Do-thái và tiếng Ả-rập. Người sáng giá thứ ba của cực hữu tham gia chánh quyền là Norbert Hofer. Ông này từng là ứng cử viên tổng thống được lọt vào vòng hai nhưng đã thất cử với số phiếu chiếm 46,2%. Ông này nguyên là phó chủ tịch quốc hội, nay nắm giữ bộ giao thông và hạ tầng cơ sở. Ông này là chuyên-viên hàng-không không-gian.
Việc tham gia chánh-quyền của cực hữu tại A1o được các phe cực hữu ở Âu Châu ca ngợi. Trong một cuộc họp các thủ lãnh cực hữu Âu-châu tại Praguen Geert Wilders thủ lãnh cực hữu của Hoà Lan, đảng Hoà Lan tự do, đã hoan-hô ông Heinz-Christian Strache trong khi bà Marine Le Pen, thủ lãnh cực hữu của Pháp, phong trào quốc-gia (Front National) đã chào mừng "một biến-cố thực-sự lịch-sử"!
Năm 2000, khi cực hữu tham gia vào chánh-quyền, nước Áo đã bị Liên Âu trừng phạt nhưng điều này hiện nay khó có thể xảy ra. Ngay Liên Âu cũng đang xét lại về chánh sách nhập cư dành cho dân tị nạn và ở Đức, chánh quyền cũng đang gặp khó khăn trong việc thành lập chánh phủ. Mặt khác, mặc dù tại những nước ở liên-âu,khuynh hướng chống di dân và Hồi giáo có gia tăng nhưng khó có thể nói đã có một khối cực hữu ở Âu-châu, trên thực tế đây chỉ là những nhóm rời rạc, có những chánh-sách khác nhau về di dân và đối với Hồi giáo.

Nhữ Đình Hùng/tổng-hợp/22.12.2017



Khủng hoảng người tị nạn Rohingya

còn kéo dài

VOA Vietnamese

Khu tị nạn người Rohingya ở Cox's Bazar, Bangladesh.
Khu tị nạn người Rohingya ở Cox's Bazar, Bangladesh

Đã bốn tháng kể từ khi cuộc di cư của người Rohingya bắt đầu, tiếp theo sau những tin tức về các cuộc tấn công do quân nổi dậy thực hiện nhắm vào các tiền đồn của quân đội ở biên giới Myanmar. Phóng viên Steve Sandford của VOA phỏng vấn những người tị nạn và các nhân viên cứu trợ để tìm hiểu về hoàn cảnh của hơn 650.000 người tị nạn Rohingya.
Mùa đông đã đến và hơn 650.000 người tị nạn Rohingya đã trốn chạy để thoát chiến dịch đàn áp tàn bạo của các lực lượng Myanmar trong bốn tháng qua, sẽ phải chống chọi với giá rét.
Các nguồn cung cấp lương thực phẩm và lều tạm trú đang dần dà được tổ chức, nhưng dòng người xếp hàng chờ nhận hàng cứu trợ thì rất dài trong khi nguồn lương thực ít ỏi, không đủ ăn cho những gia đình hơn tám người.
Xếp hàng chờ thực phẩm ở Cox's Bazar, Bangladesh
Xếp hàng chờ thực phẩm ở Cox's Bazar, Bangladesh

Cô Fatima Noor, một người tị nạn mới đến, nói:
"Họ cấp cho chúng tôi từ 10 - 12 kg gạo, nhưng không đủ ăn. Đó lẽ ra là số lượng gạo cấp cho chúng tôi mỗi tháng. Nhưng cho đến nay tôi chưa bao giờ nhận được hơn 10 kg".
Chương trình Lương thực Thế giới đã phân phối hơn 20.000 tấn gạo cho 185.000 hộ gia đình, nhưng tổ chức này nói số lượng đó vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu.
Bà Shelly Thakral thuộc Chương trình Lương thực Thế giới, nói:
"Chúng tôi đang xem lại chính sách hỗ trợ cho các gia đình có nhân khẩu cao cho chính xác hơn. Chúng tôi đang cứu xét để tăng khẩu phần cho các hộ gia đình có 4 người lên thành 6 người, và lương thực dành cho các hộ gia đình có trên 8 người sẽ tăng gấp đôi. Chúng ta cần giải quyết nhu cầu của người tị nạn dựa trên những gì họ nói, như “Chúng tôi đang đói, chúng tôi không có có đủ thức ăn."
Một cuộc khảo sát do Tổ chức Y sĩ Không Biên giới (Medecins Sans Frontieres) thực hiện hồi gần đây nói có ít nhất 6.700 người Rohingya bị sát hại trong các cuộc tấn công ở Myanmar, và hình ảnh vệ tinh cho thấy 40 ngôi làng bị phá hủy trong tháng 11, nâng tổng số các ngôi làng bị phá hủy lên đến 354 làng.
Giữa lúc ngày càng có nhiều chứng cớ về tình cảnh của họ, quan điểm nói chung của các nhân viên cứu trợ có nhiều kinh nghiệm là họ không mấy ngạc nhiên.
Ông Aservatham Floring, thuộc Lực lượng Hòa bình bất bạo động, nói:
"Khi đã trải qua tất cả những tình huống đau thương như vậy, chứng kiến anh chị em, cha mẹ bị giết hại, hãm hiếp ngay trước mặt họ, thì quan điểm của cộng đồng là đây không phải là thời điểm thích hợp để trở về ngay trong lúc này".
Sinh hoạt tại tại trị nạn
Sinh hoạt tại tại trị nạn

Tính cho đến tháng 12 năm 2017, tổng số người tị nạn trong các trại đã tăng tới gần 860.000 người, gồm cả những người đã bỏ trốn trước cuộc đàn áp gần đây nhất. Và những người tị nạn như ông Muhamid Amar, không đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào là họ đang chuẩn bị để hồi hương.
Ông Muhamid nói: "Chúng tôi sẽ không dễ dàng trở về Myanmar, trừ phi chúng tôi được hưởng các quyền của mình. Nếu chúng tôi về đó, họ sẽ chém giết chúng tôi và bắn chết chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi chưa trở về được."
Chính phủ Myanmar từ lâu đã bác bỏ những cáo buộc về những hành vi tàn bạo xảy ra đối với người tị nạn Rohingya, nhưng vẫn chưa rõ khi nào, hoặc liệu nhóm thiểu số Hồi giáo này sẽ có thể trở về quê hương.
Trong khi chờ đợi, cuộc khủng hoảng nhân đạo trong các trại tị nạn có nhiều khả năng còn kéo dài trong năm 2018.

https://www.voatiengviet.com



Trung cộng: Ngoại giao bạo ngược

Vi Anh

Đã quá đủ rồi, đã đến lúc các nước trên thế giới tẩy chay ngoại giao bạo ngược theo luật rừng của TC. Như hai trường hợp, hai bằng cớ rõ rệt không chối cãi được sau đây.
Một là TC làm nhục TT Obama của Mỹ tại phi trường Hàng Châu ngày 3-9, nơi TC tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20 (khai mạc ngày 4-9). TC không cấp, không cho cầu thang cuốn ráp vào cửa chánh trước của máy bay US Air Force One, để TT Obama phải đi xuống bằng cửa sau. TC cũng không trải thảm đỏ, TT Obama phải đi khép nép theo lề cỏ tránh đường bùn. Còn phái đoàn viên chức Mỹ trong đó có Cố vấn của TT Obama và báo chí Mỹ bị mật vụ của TC quát tháo ầm ĩ, không cho đi gần tổng thống để làm nhiệm vụ lấy tin và hình theo thông lệ quốc tế khi tổng thống bước chân xuống lãnh thổ nước chủ nhà.

Theo tập tục ngoại giao quốc tế và Mỹ lúc phi cơ của nguyên thủ quốc gia như Air Force One chở Tổng thống Barack Obama hạ cánh xuống, thì các nhà báo quốc tế được phép đứng dưới cánh máy bay, sau hàng rào dây màu xanh do lực lượng an ninh dựng lên để theo dõi, chụp ảnh nguyên thủ quốc gia bước xuống bậc thang máy bay là vị trí rõ, đẹp nhất.
Nhưng theo tin thông tấn xã Reuters của Anh, lúc ấy một cán bộ an ninh TC tiến đến đuổi phái đoàn báo chí khỏi vị trí ấy, viện lẽ có thể gây cản trở cho công tác bảo vệ. Khi một giới chức Phủ tổng Thống Mỹ đến can thiệp với lời giải thích rằng đây là cách nhà báo quốc tế tác nghiệp quen thuộc để đón Tổng thống Mỹ thì cán bộ mật vụ của TC quát lại ngay: "Đây là đất nước chúng tôi. Đây là sân bay của chúng tôi!".
Sau đó, theo AFP, cán bộ mật vụ đó lại chặn đường, quát tháo Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice khi bà nhấc dây thừng chắn lên để đi bộ đến đoàn xe chở ông Obama. Bà Rice cũng có lời đáp trả, nhưng các phóng viên có mặt tại hiện trường không thể nghe rõ, theo Reuters. Sau đó bà Rice có kể với giới truyền thông rằng "họ (phía Trung Quốc) thường làm những việc mà chúng tôi không thể dự đoán được". Khi xảy ra mật vụ TC ngăn trở Bà Rice, các mật vụ bảo vệ yếu nhân của Mỹ tiến lên can thiệp và hộ tống bà Rice đến đoàn xe để đi cùng Tổng thống Obama.

Chưa hết thông tấn xã AP của Mỹ còn cho biết tại Nhà khách quốc gia Trung Quốc, nơi Chủ tịch Tập Cận Bình chuẩn bị tiếp đón TT Obama, còn có chuyện đụng chạm do mật vụ TC gây ra nữa. Phía an ninh Trung Quốc gây căng thẳng, lôi kéo người của phái đoàn quan chức của Toà Bạch Ốc tháp tùng giúp cho nghi thức tiếp đón TT Obama. Điều đó khiến cho một quan chức Trung Quốc có trách nhiệm lo cho đoàn Mỹ phải quát lại bằng tiếng Hoa với quan chức an ninh TC: "Anh không được xô đẩy người. Không ai cho phép anh có quyền lục soát hoặc xô đẩy người như vậy". Theo phóng viên hãng tin AP, hai quan chức Trung Quốc này căng thẳng đến mức suýt đấm vào mặt nhau. May thay một quan chức khác phải nhảy vào xen ngang giữa hai người với lời cảnh báo: "Xin ngừng tranh cãi ngay! Có các nhà báo ở đây".
Vài phút sau, quan chức Tòa Bạch Ốc của Mỹ lại tranh cãi với quan chức an ninh Trung Quốc về số nhà báo được phép vào phòng họp đưa tin cuộc gặp giữa hai lãnh đạo. Theo AP, rốt cuộc chỉ có 10 nhà báo được phép vào trong vì theo giải thích của quan chức Tòa Bạch Ốc là "chỗ phòng họp chật hẹp".

Hai, TC coi thường Tổng thống Hàn quốc, đánh bể mặt nhà báo Hàn Quốc nữa. Tin CNN của Mỹ, Tổng thống Moon Jae-in của Hàn Quốc đến dự cuộc họp ‘Quan hệ Thương mại và Kinh tế Hàn – Trung’ ở TQ, được coi là cơ hội củng cố mối quan hệ giữa hai nước sau thời gian bị ảnh hưởng lạnh nhạt vì vụ CS Bắc Hàn mà TC là đồng minh duy nhứt của CS Bắc Hàn. Nhưng TC tiếp đón quá tệ, có đấm đá, có máu chảy, xương gãy của nhà báo Hàn Quốc bị 14 mật vụ TC ‘bề hội đồng’.
Mật vụ của TC hơn mười người đã ‘bề hội đồng’ một nhà báo ảnh Hàn Quốc bi bể mặt, gãy xương mũi khi người này đi cùng Tổng thống Moon Jae-in đến lấy tin, hình của cuộc thương mại song phương.
Báo Yonhap News của Hàn Quốc cho biết, nhóm 14 nhà báo Hàn Quốc tham gia đưa tin tại sự kiện nhưng bị các bảo vệ Trung Quốc chặn lại không cho đi theo Tổng thống Moon. Khi phản đối việc chặn đường này, vào ngày 14-12, một nhà báo Hàn Quốc chụp ảnh bị nhóm mật vụ TC đẩy ra ngoài. Nhà báo bị hành hung tập thể đó là Lee Chung-woo đến từ tờ Doanh nhân Maeil tại Seoul. Trong đoạn video ghi hình, đám đông những mật vụ mặc đồ đen vây quanh tấn công ông Lee, xô đẩy, vật Ông ngã xuống đất rồi mọi người an ninh đá vào nhà báo bị vật xuống đất, bị đá liên tục vào mặt khiến mặt và tay ông Lee chảy máu khá nhiều xương mặt bị nứt và mạch máu mắt bị bể sau khi khám. Trong khi đó, nhà báo Hàn liên tục hét lên bằng cả tiếng Hàn và tiếng Anh kêu gọi họ không động vào máy ảnh và tìm người phụ trách lực lượng an ninh Trung Quốc. Theo CNN, ông Lee đã được đưa đến bệnh viện để điều trị.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngay sau đó yêu cầu mở cuộc điều tra về nôi vụ. Đảng đối lập của Hàn Quốc thậm chí còn yêu cầu Tổng thống Moon hủy chuyến đi đến Bắc Kinh. “Xâm phạm các thành viên báo giới đi cùng lãnh đạo quốc gia ngay trong chuyến thăm cấp nhà nước là một hành vi khủng bố chống lại Hàn Quốc” – ông Jang Je-won của Đảng Tự do nói. Phủ tổng thống Hàn quốc chánh thức yêu cầu Trung Quốc chính thức xin lỗi.
Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với các nhà báo: “Nếu có người thực sự bị thương, tất nhiên chúng tôi rất quan tâm.” Chỉ dùng chữ quan tâm, chớ không phải chữ xin lỗi, hay đáng tiếc.
Còn Hoàn Cầu Thời Báo của TC thì đổ thừa cho người Hàn Quốc gây nên cớ sự, nói "Tất nhiên, chẳng tốt đẹp gì khi một phóng viên bị đánh. Nhưng sự kiện được tổ chức bởi người Hàn Quốc và các nhân viên an ninh được thuê bởi một cơ quan của Hàn Quốc. KOTRA phải chịu trách nhiệm cho việc này và đưa ra lời xin lỗi chứ không phải Chính phủ Trung Quốc".

Hãng tin AFP ghi nhận công luận của báo chí quốc tế cũng như cư dân mạng ở Hàn Quốc đã nhập cuộc, khẳng định vụ này là bằng cớ rõ ràng nhất về thái độ của "gã khổng lồ" châu Á đối với những quốc gia láng giềng.
Chosun Ilbo, tờ nhật báo bán chạy nhất Hàn Quốc, đi tin hàng đầu: "Ngược đãi Tổng thống Moon và hành hung nhà báo Hàn Quốc - Đây là Giấc mộng Trung Hoa".
Dân chúng Hàn Quốc nhận định, những hành động ngoại giao bạo ngược rừng rú đó của TC "không hề vô ý", mà được tiến hành bằng "sự kiêu ngạo và bản chất bạo lực" của Trung Quốc. TC còn coi thường Hàn quốc thậm tệ. Chosun Ilbo và nhiều tờ báo Hàn Quốc khác nhấn mạnh vào điểm cho rằng ba bữa ăn đầu tiên của ông Moon tại Trung Quốc chẳng hề có bóng dáng một quan chức Trung Quốc nào cả. TC còn huỷ bỏ bữa trưa của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường với TT Hàn quốc.
Nếu năm rồi Ngoại trưởng TC Vương Nghị chào đón Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, thì báo Chosun Ilbo cho biết TC chỉ cho Phụ tá Ngoại trưởng Khổng Huyễn Hựu ra sân bay đón TT Hàn Quốc 13/12.

Một bình luận đơn cử trong làn sóng này là "Trung Quốc đã chà đạp Hàn Quốc và tất cả những người Hàn Quốc". Tờ báo Chosun Ilbo, lớn nhất Nam Hàn viết “Đối xử tệ với Tổng Thống Moon và đánh đập nhà báo Nam Hàn -- đây là hình ảnh của "Giấc Mơ Trung Quốc" do Chủ Tịch Tập Cận Bình hứa hẹn của với dân Trung Quốc về thịnh vượng và ảnh hưởng của TC với cả thế giới!/.
Vi Anh

https://vietbao.com


Dường như họ lại “đi đêm” với nhau

Thiện Tùng

Cách đây 45 năm (1972), với ý đồ kéo Trung Quốc ra khỏi Liên Xô nhằm làm suy yếu phe XHCN, Tổng thống Nixon và Bộ trưởng Ngoại giao Kissinger Mỹ “đi đêm” sang Trung Quốc diện kiến Mao Trạch Đông. Sau cuộc mật đàm của chuyến đi đêm này, hai nước Trung Mỹ trở thành hữu hảo; đảo quốc Đài Loan, vốn như đồng minh của Mỹ bị loại ra khỏi Liên Hiệp Quốc, trở thành bộ phận của Trung Hoa lục địa; Mỹ bỏ rơi Việt Nam Cộng hòa thân sơ thất sở, hết mất quần đảo Hoàng Sa về tay Trung Quốc đến thua cuộc ở Nam Việt Nam.

Như con dao hai ba lưỡi, cú ly gián này của Mỹ làm cho hai nước lớn trụ cột phe XHCN là Liên Xô và Trung Quốc đối kỵ nhau, phe XHCN bắt đầu suy yếu. Ngược lại, qua việc quan hệ Mỹ-Trung đi đêm này, khiến cho các nước vốn đồng minh và thân thiết với Mỹ căm tức, nghi ngờ, giảm lòng tin đối với Mỹ. Lúc bấy giờ, Trung Quốc như con cọp bịnh hoạn, ốm yếu, đang say ngủ, Mỹ đến đánh thức giấc nó, tiêm thuốc bổ dưỡng cho nó, khiến nó trở nên khỏe mạnh, quậy phá lung tung và hiện nay nó trở thành đối thủ đáng gờm của Mỹ.

Về Tổng thống Mỹ Donald Trump
Nếu nói người Mỹ theo triết lý Hiện sinh của chủ nghĩa Thực dụng thì, Tổng thống Mỹ Trump, vốn là đại gia bất động sản, ông này thực dụng hơn bất cứ Tổng thống Mỹ nào trước ông.
Khi chưa cầm quyền, ông Trump đặt lợi ích gia đình trên hết, sẵn sàng dẫm lên xác người để tiến thân; khi đã cầm quyền nước Mỹ, ông theo chủ nghĩa dân túy, đặt lợi ích nước Mỹ trên hết, hách dịch, tự tung tự tác, không coi ai ra gì.

Về Chủ tịch Tập Cận Bình
Khi chưa cầm quyền, ông Tập sống ẩn dật chờ thời. Khi gặp vận, Tập tranh quyền, sát phạt đồng đảng không nương tay, chiếm lấy quyền lực cao nhất nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tập nhơn danh gì có thể nhơn danh, lợi dụng gì có thể lợi dụng. Tập có đôi mắt him híp, nét mặt lạnh như tiền, khẩu Phật tâm xà… Tập phóng tầm nhìn vượt quốc gia xuyên ra quốc tế với “Giấc mộng Trung Hoa”.
Với mộng bá đồ vương, mộng gặp mơ: Tập bám “Giấc mộng Trung Hoa”, Trump bám “Giấc mơ Ấn Độ - Thái Bình Dương” tranh giành quyền bá chủ thế giới. Trong khi chưa thể làm gì nhau, dường như họ tạm hòa hoãn với nhau, đang lợi dụng nhau để thực hiện mưu đồ riêng.

Dường như họ lại “đi đêm” với nhau
Nhân dịp tham dự APEC, Tổng Trump dành 12 ngày viếng thăm 5 nước: Nhật, Nam Hàn, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. Mục đích chính yếu chuyến công du này của tổng Trump là để bàn luận: về hợp tác kinh tế song phương và chống gian lận thương mại; về vũ khí hạt nhân Bắc Hàn và việc tranh chấp biển Đông.
Qua thực tế cho thấy, nước trọng tâm của chuyến công du của Tổng Trump là Trung Quốc. Sở dĩ Trump ghé Nhật và Nam Hàn trước cốt yếu để tham kiến, thỏa thuận với 2 nước đồng minh trước khi đến Trung Quốc gặp Tập Cận Bình. Còn Việt Nam và Phi là chuyện lẻ tẻ, chỉ là những bước đệm.
Với con người chỉ biết tiền và nước Mỹ trên hết, Tổng thống Trump ngại gì không “đi đêm” với Trung Quốc để cùng có lợi. Trong chuyến đi vừa rồi, Chủ Tập tiếp đón Tổng Trump trọng thị hơn bất cứ thượng khách nào trước đó: ngoài 21 phát đại bác tiếp nghinh, còn làm việc tại sảnh đường Bắc Kinh, ăn sơn hào hải vị, nghỉ tại Tử Cấm Thành.
Để làm dịu các khiếu nại của Washington về mất cân bằng thương mại, phía Trung Quốc trao cho phái đoàn Tổng Trump một hợp đồng thương mại trị giá 253 tỷ USD, một hợp đồng lớn nhất trong lịch sử quan hệ giữa hai nước (theo Bắc Kinh SCMP).
Về kinh tế, thương mại giữa 2 nước Mỹ và Trung Quốc như thế tạm ổn, vấn đề còn lại là vũ khí hạt nhân Bắc Hàn và tranh chấp biển Đông. Về việc này, có lẽ Trump và Tập đã mặc cả qua lại với nhau: Trung Quốc khai thác cái nhược của Mỹ là vũ khí hạt nhân Bắc Hàn; còn Mỹ khai thác cái nhược của Trung Quốc về Biển Đông. Kết cuộc, dường như họ đã thỏa thuận ngầm với nhau: Trung Quốc gây áp lực với Bắc Hàn; còn Mỹ dàn xếp việc tranh chấp ở Biển Đông, chủ yếu với 2 nước Việt, Phi có bờ biển phủ kín hai sườn Biển Đông, theo hướng có lợi cho Trung Quốc.
Trump nói với Tập: Thắng lợi chính trị vĩ đại, đủ không gian cho 2 bên cùng phát triển – Xí xóa chuyện cũ, chơi lại từ đầu – Tôi không trách TQ – không lặp lại những sai lầm trong quá khứ.
Từ những gì vừa kể, chúng ta có quyền nghi ngờ rằng, Trump và Tập đang ngấm ngầm tính toán ván cờ địa chiến lược giữa 2 siêu cường, theo kiểu phân chia vùng ảnh hưởng, chia đôi thiên hạ.
Những việc lẻ tẻ nhưng không thể bỏ qua!

Trump nói những gì với Tập ?
“Thắng lợi chính trị vĩ đại, đủ không gian để hai bên cùng phát triển”. Nói thế với ý gì, nếu không phải: Tôi đã thắng cử ở Mỹ còn anh vừa thắng cử ở Trung Quốc, đó là thắng lợi chính trị vĩ đại ở 2 cường quốc, đủ không gian cho chúng ta chia để trị vì thiên hạ?
“Kềm chúng nó! Chúng ta chia nhau kềm chúng nó”. Chúng nó là ai, nếu không phải: thằng Bắc Hàn và các thằng lon con ở Đông Nam Á, nhất là những thằng có bờ biển tiếp giáp Biển Đông ?
“Xí xóa chuyện cũ, chơi lại từ đầu. Tôi không trách Trung Quốc…”. Nghĩa là sao, nếu không phải: Mỹ bỏ qua việc Trung Quốc gian lận thương mại, vì đó không phải cái lỗi do Trung Quốc mà do các ông Tổng tiền nhiệm của của Mỹ quá non yếu trong giao thương? Nói đến đây, người viết nhớ lại lời của Tổng Trọng nói về chống tham nhũng trong hội nghị đảng lần thứ 6: “Tay ai trót lỡ nhúng chàm thì tự gột rửa, từ đây về sau, ai sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm”.

-Tại sao bà Melania, phu nhân Tổng Trump không đến Việt Nam?
Nếu bà Melania đến VN, bà phải trả lời đơn thỉnh cầu của con gái Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, dính vào việc nhân quyền sẽ làm phật lòng nước chủ nhà APEC. Ở lại Trung Quốc vài ngày, ngoài được biệt đãi, còn đi du ngoạn Vạn Lý Trường Thành, Vườn thú, Vườn trẻ rồi về Mỹ là thượng sách.

Tại sao Exxon Mobil đột nhiên hoãn hợp đồng khai thác khí đốt với Việt Nam?
Do đâu, tại diễn đàn APEC, công ty Exxon Mobil Mỹ đột nhiên đơn phương tuyên bố dừng dự án khai thác khí tại dự án “Cá Voi Xanh” trong hải phận của VN? Đáng nói, Chủ tịch Công ty này lại là ông Rex Tillerson, đương kim Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ ? Dư luận nghi ngờ có sức ép của Trung Quốc qua Tổng thống Mỹ Donald Trump là có cơ sở.

Vụ 21 phát đại bác.
Chỉ cách vài giờ cùng một thời điểm, sao Việt Nam tiếp Tổng Trump không có 21 phát đại bác, còn tiếp Chủ Tập thì có? Về việc này có nhiều ý kiến luận bàn: “Bậy bạ quá, làm như thế là phân biệt đối xử với khách, thể hiện yếu về mặt ngoại giao”/ “Tập Cận Bình vừa là đồng chí vừa là anh em với VN phải đón tiếp long trọng như thế mới đúng, còn Tổng Trump dầu sao cũng chỉ là ‘đồng rận’”/“Tại ông Trump xem thường ông Trọng, chưa đến đã thông báo trước: đến VN ông chỉ bàn việc với Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc, sau đó sẽ viếng thăm và chúc sức khỏe ông Trọng, thế nên, ông Trọng không cho bắn đại bác khi đón tiếp ông Trump cũng là điều dễ hiểu”/ “Ông Trọng chỉ là đảng trưởng, còn ông Quang, ông Phúc mới chính là những người cai quản quốc gia”/ “Nhập gia phải tùy tục chớ, ít ra Tổng Trump cũng phải biết, ở VN ta, Đảng lãnh đạo Nhà nước và Xã hội một cách trực tiếp, toàn diện và tuyệt đối chớ, bởi vậy, ông Trọng ghét không cho bắn đại bác là phải”/“Cũng bởi vậy, ông Trump mới ghét đáp trả: "Chúng tôi tôn trọng nền pháp trị chớ không phải những lãnh đạo độc tài" – Việc này còn quá nhiều ý kiến có cả nghiêm chỉnh và cà rởn, xin không kể nữa (1).
- Khi đến Việt Nam, ông Trump hí hửng khoe: “Tôi rất ‘hợp gu’ với Tập Cận Bình, tôi có thể giúp Trung Quốc hòa giải với Việt Nam về vấn đề Biển Đông”. Ông ta còn nói với Chủ tịch Trần Đại Quang: “Tôi có thể giúp hòa giải hoặc phân xử. Tôi là một người hòa giải rất tốt và là một trọng tài rất tốt. Vì vậy, tôi có thể giúp ông, khi cần hãy cho tôi biết”. Tính bộc trực của ông Trump chẳng ai còn lạ gì, nói như thế để cho biết ông cùng ý tưởng với Tập Cận Bình. Còn việc ông Trump mớm ý làm trung gian hòa giải về biển Đông với ông Quang, biết đâu cũng là ý kiến của ông Tập – thận trọng không bao giờ thừa.
- Có người mừng híp con mắt về bản hợp đồng kinh tế 12 tỷ USD mà Việt Nam trao cho phía Mỹ. So sánh xem, nó là cái thớ gì so với 253 tỷ USD mà Trung Quốc vừa trao cho phía Mỹ tại sảnh đường Bắc Kinh? Hơn nữa, như Trump tuyên bố “Kể từ ngày nay, Mỹ chỉ hợp tác kinh tế song phương, bình đẳng và công bằng trong cán cân thương mại”. Như vậy Việt Nam nhập sản phẩm của Mỹ 12 tỷ USD thì cũng chỉ được xuất sản phẩm sang Mỹ 12 tỷ USD – trước đây hàng năm VN xuất sang Mỹ nhiều hơn con số đó, vậy thì có gì đâu mà mừng ?! Đó là chưa nói, dân VN còn nghèo làm sao với tới hàng chất lượng cao, giá ngất trời của Mỹ? Vậy thì, muốn cân đối cán cân thương mại với Mỹ, Việt Nam chỉ còn mua động cơ máy bay dân dụng hoặc vũ khí và phương tiện chiến tranh để chạy đua vũ trang. Không khéo “chuyển lửa về quê nhà” một lần nữa thì chỉ có chết ?! Thời đại ngày nay không cho phép ỷ mạnh rồi muốn làm gì thì làm, các nước nhỏ như Costa Rica, Qatar, Brunei chẳng hạn, họ dựa vào Liên Hiệp Quốc, Hội đồng Bảo an chớ không dựa vào vũ khí quân đội mà họ vẫn an toàn.
Chơi với Mỹ thời Tổng Trump “sớm nắng chiều mưa” này phải hết sức thận trọng. Ngày 12/11/2016, trả lời phỏng vấn của ký giả hỏi về Việt Nam, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump nói:
“Đảng Cộng sản Việt Nam ư? Tôi nói thật, Bao năm qua họ chỉ lợi dụng Mỹ, họ chơi trò nước đôi, đi dây giữa chúng ta và Trung Quốc! Họ kêu gọi Mỹ và các nước khác ủng hộ họ trong vấn đề Biển Đông và các vấn đề xung đột liên quan đến Trung Quốc, nhưng chính họ lại phục tùng, vâng lời Trung Quốc như một sứ giả chư hầu thời phong kiến. Tôi là người ngay thẳng và không ưa những kẻ "2 lưỡi"; những tay lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thậm chí còn có 3-4 lưỡi... Không có TPP gì cả, không có tạo điều kiện hay viện trợ gì cả, và không có cho nhập khẩu hưởng lợi từ Mỹ nữa... Và nếu họ còn chơi trò "Lợi dụng" nữa thì chúng ta nên rút quân khỏi Biển Đông... để cho "Anh em chúng nó xé xác nhau!". Cứ mặc xác nó, để cho anh em nó xé xác nhau!".

Nước nhỏ là nhỏ về diện tích và số dân, chớ không phải nhỏ về trí tuệ và sự thông minh. Chúng ta không lợi dụng ai và quyết không để ai lợi dụng.
Nghèo nhưng không hèn, phải biết tự lực tự cường. Phải biết xấu hổ, chừa cái thói sống dựa vào nước khác.
Chơi với nước lớn, phải coi chừng họ phổng tay trên! Không chỉ đối với Trung Quốc, ngay với Mỹ cũng vậy, hơn lúc nào hết, Việt Nam phải tự nhủ rằng: “Làm sao chúng tôi tin được các ông không bỏ rơi chúng tôi như các ông bỏ rơi Đài Loan, Việt Nam Cộng hòa - hai đồng minh của mình trước đây ?!”./.

--------------

(1) Còn có một lý do nữa, được xác nhận bởi nhiều nguồn tin, đó là, chính phía Mỹ muốn vậy. Những người vốn quen cách hành xử ở một nước dân chủ tự do không mặn mà gì lắm với những nghi lễ trang trọng nhưng phiền hà được các vị lãnh đạo ở những xứ sở độc tài hoặc còn nhiều dây mơ rễ má với ngai vàng phong kiến rất ưa thích – BVN.
(Bauxite VN)

 

Đăng ngày 29 tháng 12.2017