Print

 

NHẤT THỜI VÀ VẠN ĐẠI

Lê Quang Huy
(05.03.2013)

Dẫu người ta biết,

Chẳng ai sống được “muôn năm”

Cũng như chẳng có gì trên đời

Tồn tại “mãi mãi”

Và dù người ta nói dân là “vạn đại”,

Nhưng kẻ “nhất thời” lại muốn

Được người đời xưng tụng “muôn năm”

Để “mãi mãi” cưỡi trên đầu “vạn đại”

Nhưng sự đời chẳng có gì “mãi mãi”

Để đến lúc "lật thuyền mới biết dân như nước” (*)

(*) Dịch ý câu  “Phúc chu thủy tín dân do thủy”  của cụ Nguyễn Trãi


________________

TÌNH QUÊ TÌNH NƯỚC

Kiên Giang

Ai yêu nước Việt hơn người Việt,
Nhau rún chôn sâu giữa đất lành.
Bông trái muôn mùa không ngớt chín,
Sông đầy nước biếc, núi xanh xanh.

Luống cày mầu mỡ thơm mùi đất,
Vun bón rẫy vườn bông trái thơm.
No ấm cũng nhờ bông với trái,
Áo đời vẫn ấm, hột cơm ngon.

Kìa nước trường giang chảy uốn quanh,
Giữa giòng sông mát bóng dừa xanh,
Có cô gái trẻ nâu tà áo,
Chèo chiếc đò ngang trước bến đình.


Nào ai lăn lóc, xa quê cũ,
Mê chốn phồn hoa trắng bụi đường;
Giây phút chạnh lòng sao khỏi nhớ,
Nhớ nhà, nhớ đất, nhớ quê hương.

Nhớ quê có những đêm trăng sáng,
Sáng cả vườn xanh, cả ruộng vàng.
Con trẻ quây quần theo gót mẹ,
Lên chùa cúng Phật để dâng hương.

Nhớ tiếng võng đưa trầm điệu nhạc,
Hoà theo tiếng hát giọng ầu ơ ....
Từ môi người mẹ thân yêu quá,
Gợi lên bao tình thuở ấu thơ .

Tiếng chày nằng nặng nện không gian,
Cùng tiếng gà trưa gáy trễ tràng,
Tiếng tập đánh vần cùng nhịp thước,
Buồn như nước chảy giữa trường giang.

Ai quên cho được mái tranh nâu,
Luống đất bờ ao với nhịp cầu;
Mồ mả ông bà nằm giữa đất,
Lòng người lòng đất cảm thông nhau .

Quê hương là máu, là xương thịt,
Nước mắt mồ hôi của giống nòi,
Tranh đấu từ bao nhiêu thế kỷ,
Bảo tồn gấm vóc đến muôn đời .

Còn sống ngày nào trên đất nước,
Nếu ai xâm chiếm đến quê hương,
Tình quê sẽ hoá ra tình nước:
Tình nước đúc thành súng với gươm.

Lòng dân vũ trang bằng tình cảm,
Tay dân vũ trang bằng súng đạn.
Dân đứng lên siết chặt quân hàng:
Giặc vào đây giặc sẽ rã tan...

Kiên Giang
(1955)