Print

nguyen van tuan

 

Bs Nguyễn Văn Tuấn định cư tại Sydney - Úc.

Ông giảng dạy tại nhiều trường đại học Y khoa ở Úc, Mỹ, Na-uy, Thụy Điển, Hồng kông, Thái lan và VN.

 

 

Tệ nạn mua bán bằng cấp ở VN

Năm 2010, hai tác giả Pháp Philippe Papin và Laurent Passicousset có viết một cuốn sách (1) có tựa đề là "Vivre avec les Vietnamiens" (có nghĩa là "Sống với người Việt"). Phải công nhận là sau khi đọc qua những trang (dịch), tác giả rất am hiểu về người Việt, có khi còn am hiểu hơn các chính người Việt. Đọc những sách loại này không chỉ có hiệu quả biết người ngoài nghĩ gì về người Việt, mà nó còn giúp chúng chúng ta hiểu về chúng ta hơn. Tác giả dành ra một chương viết về nạn tham nhũng trong học thuật và giáo dục, cụ thể là chuyện mua bán bằng cấp. Đọc rất ... nhức nhối.
Ở Việt Nam, trong những câu chuyện "trà dư tửu hậu" thường thường dẫn về chuyện tham nhũng, kể cả chuyện mua chức và mua bằng cấp. Người ta nói cụ thể giá của mỗi loại bằng cử nhân, cao học hay tiến sĩ là bao nhiêu, thậm chí còn có khác biệt giữa miền Nam và miền Bắc. Mấy người từ miền Nam thường trả giá cao hơn (vì mấy người nhận tiền nghĩ rằng dân miền Nam làm ra tiền nhiều hơn). Dĩ nhiên, chỉ là những chuyện [nói theo tiếng Anh là] anecdote, chứ chẳng có chứng cứ có hệ thống nào cả. Mà, trớ trêu một điều là ở Việt Nam thì anecdote phần lớn lại là chuyện thật.
Trong trích đoạn dưới đây, Philippe Papin và Laurent Passicousset viết khá cụ thể về việc mua bán chức quyền ra sao. Người ta mua luôn cả chức đại biểu Quốc hội, và cũng có trả giá đàng hoàng. Một chức vụ trung bình ở Bộ Ngoại giao là 15000 EUR. Còn trang giáo dục thì hai tác giả này cho biết một chức vụ giáo viên trung học cấp tỉnh tốn khoảng 3000 EUR. Riêng cái giá một bằng tiến sĩ kinh tế là 12000 EUR (4000 cho người viết hay dịch mướn, 8000 cho ông thầy hướng dẫn luận án dỏm). Không thấy hai tác giả này nói trong các lĩnh vực khác như tướng tá trong quân đội có nạn mua bán hay không. Nhưng với "phong trào" này thì chắc việc mua bán chức quyền xảy ra ở khắp các ngành và các cấp (3).
Dĩ nhiên, không phải ai cũng mua bán bằng cấp; trong thực tế, tôi biết vẫn có những người học hành tử tế và họ không tham dự vào các thương vụ giáo dục. Nhưng trong một xã hội mà ngay cả cái đền thiêng giáo dục còn bị đồng tiền chi phối và biến thành một thương trường thì những người sống đàng hoàng cũng bị mang tiếng oan. Đúng như một bạn đọc hôm qua viết cho tôi "Trong thế giới người gù, thì người thẳng lưng bị coi là dị dạng."

Các yếu tố làm tình hình thêm trầm trọng : phân quyền và mua quan bán chức
Hơn nữa, tham nhũng đã mở rộng ra đến cả việc tuyển chọn công chức : phải chi một khoản lớn mới có được một chân trong bộ máy Nhà nước. Nói cách khác, một số vị trí là hoàn toàn do mua bán. Điều này không phải bí mật Nhà nước : ở Việt Nam ai cũng nói tới hiện tượng này và các báo miền Nam, bao giờ cũng táo bạo hơn, còn đăng những bức biếm hoạ xuất sắc về đề tài này. Một bức trong số đó cho thấy một chánh văn phòng gạt bỏ những hồ sơ xin việc ghi chữ “năng lực và bằng cấp” mà chỉ lấy hồ sơ chứa đầy đô la ; một bức khác vẽ một chiếc ghế ở tít trên cao một cầu thang làm bằng các phong bì chồng lên nhau.
Thông lệ này phổ biến nhanh chóng và từ đầu năm 2009 đến giờ, người ta nói về đề tài này khá thoải mái. Báo chí, lấy cớ ca ngợi các hình phạt do nhà chức trách ban ra, tha hồ kể chi tiết các trường hợp mua quan bán chức. Dần dà, độc giả hiểu ra rằng tính chất mua bán đã hằn sâu trong cả bộ máy Nhà nước, từ trên xuống dưới. Các nhà chức trách không thể không hành động. Hồi mùa thu 2010, một đại biểu quốc hội đã đặt câu hỏi về vấn đề này (nếu không được cho phép thì ông đã không thể liều mạng như vậy). Ngay trước hôm ông phát biểu, nguyên phó trưởng ban Tổ chức Đảng đầy quyền uy đã lên án tính chất mua bán đang gạt bỏ các nhân tài. Hai ngày sau, Bộ trưởng bộ Công Thương công khai chỉ trích căn bệnh mua quan bán chức đang “di căn”. Chính quyền chính thức công nhận hiện tượng này. Dưới sức ép dư luận, người ta bắt đầu nghe thấy nói về việc công khai tài sản mà các Bộ trưởng và Chủ tịch Hội đồng nhân dân phải làm trước khi nhậm chức, nhưng trên thực tế họ không bao giờ làm.
Việc mua quan bán chức này không hẳn là mới. Nó tồn tại từ giữa thập niên 1990. Người ta biết chuyện ông bộ trưởng nọ vừa mới được bổ nhiệm đã phải đợi 6 tháng để có đủ tiền trả cho cái ghế của mình trước khi được ngồi vào đó. Gần đây hơn, năm 2007, một nữ chủ doanh nghiệp một thành phố lớn phía Bắc đã đề xuất chi 80 ngàn EUR để được một chân đại biểu quốc hội : ít quá, nếu so với những đề xuất khác, nên bà này đã bị loại từ vòng sơ tuyển do Mặt trận tổ quốc tổ chức, mà lọt qua vòng này thì coi như được bầu. Trái lại, năm 2009, cũng khoản tiền ấy đã đủ để mua chức phó giám đốc một doanh nghiệp lớn của Nhà nước mà chúng tôi tránh không nói tên. Năm 2010, nghe nói ngay cả Ban chấp hành trung ương Đảng cũng không thoát khỏi hiện tượng này…
Khu vực đại học đặc biệt bại hoại từ năm 2009 khi Nhà nước triển khai đề án đào tạo hơn 2 vạn công chức trở thành tiến sĩ. Năm 2010, giá một luận án kinh tế là 12 000 EUR : 4.000 cho sinh viên viết thuê cho tiến sĩ tương lai (nếu cần thì dịch từ một khóa luận Liên xô từ đời nảo đời nào), 8.000 cho ông thầy hướng dẫn luận án rởm, thế là viên công chức nhà ta có được tấm bằng danh giá (dù sẽ chóng mất giá thôi) hanh thông quan lộ. Chúng ta hãy xem số tiền đó khủng khiếp đến mức nào : 8.000 EUR là ba năm dạy học của một giáo sư Việt Nam đổi lấy một con dấu. Để so sánh, có thể tưởng tượng một giáo sư Pháp nhận một vali 100 000 EUR miễn thuế…
Từ năm 2005, tệ mua quan bán chức lan nhanh đến cả những vị trí bình thường. Một nữ hiệu trưởng, một trưởng phòng bưu điện, một nhân viên địa chính, một công an hay một lái xe đều phải trả những khoản tiền lớn mới được nhận vào làm. Một vị trí trung bình ở bộ Ngoại giao, ít bổng lộc, được thương lượng với giá 15 000 EUR, nếu là vị trí có thể được cử sang các sứ quán Việt Nam ở nước ngoài thì còn cao hơn nhiều. Một chân công nhân doanh nghiệp Nhà nước ở Hà Nội có giá từ 600 đến 800 EUR. Một chân giáo viên tỉnh lỵ giá trung bình 3 000 EUR.
Chúng ta cùng lấy một thí dụ cụ thể : cô gái tên Phương chấp nhận nói chuyện với chúng tôi vì chúng tôi quen gia đình cô. Năm nay (2010), Phương 23 tuổi, tốt nghiệp marketing và tài chính tháng 6/2009. Cô mong tìm được việc làm trong cơ quan Nhà nước, ổn định hơn, có nhiều phúc lợi xã hội, được tổ chức cho đi nghỉ mát, giờ làm thoải mái hơn, và, cô nói với một sự ngây thơ đáng ngưỡng mộ : “có nhiều cơ hội kiếm tiền hơn trong tương lai vì ngân hàng quốc doanh kiểm soát tất cả”. Không do dự, tháng 1/2010, cô mua một chân nhân viên thường trong một ngân hàng quốc doanh ở Hà Nội, với khoản tiền còm là 16 000 EUR, cô trả bằng tờ xanh đô la Mỹ. Cô kể chúng tôi nghe điều này với giọng vô cùng tự nhiên, như thể đương nhiên là phải thế.
Khi cô kể chuyện gia đình cô bàn bạc quyết định chuyện mua chỗ làm như thế nào (vì bố mẹ cô mới là người trả tiền chứ cô chẳng có xu nào), chúng tôi hiểu là vấn đề không phải là việc mua chỗ làm ấy, mà là việc đầu tư vào đấy có tốt không, có hiệu quả không, chỗ ấy có đảm bảo không. Nếu bỏ ra 16 000 EUR, thì bao lâu mới thu lại được ? Liệu vài năm sau con bé có bị đuổi vì một lý do trời ơi nào đấy để dành chỗ cho một đứa khác cũng chấp nhận trả tiền không ?
Còn về đường đi của đồng tiền, chúng tôi không biết chính xác số tiền trong phong bì được chia chác như thế nào, dù đương nhiên là nó sẽ được chia nhỏ cho tất cả mọi mắt xích trong “đường dây tuyển dụng”, một đường dây dài và lên rất cao. Trái lại, chúng tôi biết đích xác một phó giám đốc chi nhánh quận của một ngân hàng quốc doanh ở Hà Nội kiếm được 40 ngàn EUR hối lộ mỗi năm, chủ yếu là từ các món quà nhỏ anh ta nhận được để dựng hồ sơ vay vốn ưu đãi. Dù Phương không phải là phó giám đốc, nhưng nhẩm nhanh thì cũng thấy số đầu tư ban đầu của cô sẽ chóng hoàn vốn thôi, cùng lắm cũng chỉ 2 năm. Cô chỉ có mỗi việc là làm sao đừng để bị sa thải trong hai năm ấy, nếu không thì mất hết. Nên thể nào cô cũng ngoan với các sếp, rất ngoan. Chu trình tham nhũng tạo ra kỷ luật…
Dù sao, trong khu vực công (khu vực tư có vẻ ít bị ảnh hưởng hơn), thường là một người mang nợ mới được đi làm. Để hoàn vốn, làm sao mà không rơi vào vòng xoáy tham nhũng cho được ? Một khi đã mua được chỗ làm rồi thì phải làm sao kiếm lại đủ số tiền ấy, trả cho bố mẹ, và trong nhiều trường hợp (không phải của Phương) thì còn phải trả nợ những người mình đã vay. Khách quan mà nói, làm sao tránh khỏi cám dỗ kiếm tiền bù lại số mình đã bỏ ra bằng cách tuyển cấp phó theo đúng cách ngày xưa mình đã được tuyển ? Bán dịch vụ của mình với giá cao ? Phổ biến thông lệ hối lộ để kiếm lại tiền một cách nhanh nhất ? Theo hệ thống, nạn hối lộ lây truyền ra khắp nơi, đến tất cả mọi người : vòng tròn đã khép kín.
Đầu tiên là tìm cách lấy lại tiền ; sau đó thành nếp rồi thì chuyển sang giai đoạn kiếm lời. Về chủ đề này, chúng tôi cảm thấy có một sự mỉa mai chua chát và đau khổ, rất đau khổ, trong những lời lẽ chán chường của một người bạn bác sĩ : “Suy cho cùng thì đây là một hệ thống tốt để tự gây tê sự liêm khiết của bản thân : giai đoạn lo kiếm đủ tiền bù lại số đã bỏ ra làm ta tỉnh táo mà làm quen dần với giai đoạn sau khi ta sẽ thu lời.” Việc hoàn vốn trở thành bước đệm để đến với nạn hối lộ trên diện rộng hơn. Tuy nhiên, không phải ai mua chỗ làm cũng nằm trong hoàn cảnh này. Một tỉ lệ lớn con em cán bộ và công chức cao cấp ở tỉnh lấy tiền của bố mẹ mà mua chỗ làm ở thành phố ; họ chẳng phải lo kiếm tiền trả lại gì cả, chỉ việc ngoan ngoãn mà phát đạt, mà ăn ở tiện nghi tại căn hộ gia đình đã đầu tư cho.
Lạm dụng quyền lực địa phương, bán chức bán quyền và tham ô lặt vặt hàng ngày : thách thức là to lớn và muôn hình muôn trạng. Việt Nam, một trong những nước thụ hưởng nhiều nhất viện trợ phát triển và hợp tác quốc tế, nằm trong một vùng cực kỳ cạnh tranh, ngay bên cạnh người hàng xóm khổng lồ Trung Quốc, hiểu rằng mình cần vượt qua bằng được thách thức này nếu không muốn làm xấu hình ảnh đất nước. Hơn cả những lời tuyên bố đức hạnh chả mấy người thấy lọt tai, lối thoát chính là ở chỗ phải xây dựng một hệ thống thu thuế hiệu quả và phát triển các giao dịch ngân hàng thay cho giao dịch bằng tiền mặt. Những thử nghiệm đầu tiên đã đem lại kết quả tích cực, thu được nhiều thuế hơn và kết thúc xì-căng-đan biển thủ tiền lương đã kéo dài suốt bao lâu. Một chương trình áp dụng rộng rãi thuế thu nhập đang được triển khai, có thể thấy phía sau các xe taxi ở thành phố Hồ Chí Minh đều có dán tờ tuyên truyền động viên các gia đình khai thuế. Trong lĩnh vực thương mại cũng vậy, việc chuẩn hóa và tự động hóa các thủ tục đã giúp mang lại cho nền kinh tế chính thống một phần những hoạt động trước đây không được khai báo.
February 20.2016

(1) http://www.amazon.fr/Vivre-avec-vietnamiens-Laurent-Passicousset/dp/2809803358 Một số chương của cuốn sách được dịch sang tiếng Việt và đăng nhiều kì trên trang Ba Sàm
(2)https://anhbasam.wordpress.com/2011/09/09/340-s%E1%BB%91ng-v%E1%BB%9Bi-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-vi%E1%BB%87t-1/
(3) https://anhbasam.wordpress.com/2015/02/10/3371-bao-nguoi-cao-tuoi-ban-ve-thi-truong-sao-va-vach/
Trích từ https://anhbasam.wordpress.com/2011/09/26/377-song-voi-nguoi-viet-5/

http://tuanvannguyen.blogspot.com



Vấn đề vùng miền

Dù có muốn nói thế nào thì sự thật vẫn là sự thật: Có sự mất cân đối nghiêm trọng giữa miền bắc và miền nam trong gần như mọi khía cạnh và ngành nghề. Không chỉ trong việc phân bố đảng viên, mà ngay cả trong kinh tế, cũng nghiêng hẳn về miền bắc, cho dù miền nam là nơi làm ra sản phẩm và có tài nguyên dồi dào và đóng góp tiền bạc cho ngân sách Nhà nước hơn hẳn miền bắc. Người nam không muốn nói ra vì sợ mang tiếng "chia rẽ vùng miền", nhưng tôi nghĩ tại sao không. Nói ra để tìm cách giải quyết, chứ không phải chia rẽ.
Thế là ông Ba Dũng đã chính thức rút khỏi cuộc "chạy đua". Kể ra thì ông rút ra trong danh dự. Cũng có thể ông biết cơ may được bầu chức TBT không cao. Tôi nói "cơ may" là vì trước đây nghe nói có người khẳng định rằng cái chức đó chỉ dành cho người miền Bắc và có trình độ lí luận (?!?) Câu này tưởng là ngẫu hứng, nhưng hình như cũng có chứng cứ. Tôi phát hiện vài con số thú vị dưới đây. Chẳng biết Bloomberg (1) làm sao có được mấy con số này, nhưng nó nói lên những khoảng cách giữa nam và bắc:
• 70% đảng viên đảng CSVN là ở ngoài bắc;
• 70% bộ trưởng hay tương đương là người miền bắc;
• 22/25 tổng hành dinh tập đoàn kinh tế ở ngoài bắc.
Nhìn hình này thì thấy đa phần đảng viên đúng là từ miền ngoài. Không thấy con số đóng góp cho ngân sách Nhà nước từ miền bắc và nam. Nhìn qua mấy con số này thì chắc cũng không khó hiểu khi có người đòi chức TBT phải là người miền ngoài.

Tôi nghĩ cái dư âm còn lại sau kết quả bầu bán trong đại hội vừa qua có vẻ là vấn đề mất cân đối vùng miền trong phân bố nhân sự chóp bu. Đọc bài trên BBC dưới đây (2) mới biết là trước đó đã có người trong nội bộ nêu vấn đề. Một bài luận trên Người Việt (3) cũng tỏ ra quan ngại cho tình trạng này, và nhà bình luận nói, sự mất cân đối đó chỉ làm lợi cho Tàu.

Giáo dục và khoa học
Thật ra, không chỉ trong chính trị, mà trong khoa học và giáo dục cũng xảy ra tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng giữa ba miền. Tôi thử đếm con số giáo sư được phong năm 2014 và 2015 thì thấy đa số ứng viên được phong là người từ miền Bắc. Chẳng hạn như năm 2015, có 52 người được phong hàm giáo sư; trong số này, 41 (hay 79%) là người từ các trường viện miền Bắc. Năm 2014, con số này là 73%. Phân bố cụ thể số giáo sư được phong như sau:

Năm 2015:
• Bắc: 41 người
• Trung: 3
• Nam: 8

Năm 2014:
• Bắc: 43 người
• Trung: 6
• Nam: 10

Trong khoa học cũng vậy. Tôi đếm thử số đề tài được Quĩ Nafosted tài trợ trong năm 2009 thì thấy trong số 321 đề tài được phê chuẩn, các trung tâm phía Bắc chiếm 285 đề tài (89%), còn các trường viện từ phía Nam chỉ có 21 đề tài (6%), và miền Trung còn thấp hơn nữa (15 đề tài) (4). Ở đây, tôi không nói người Bắc hay người Nam; tôi muốn nói nơi mà các trung tâm (trường, viện) đặt trụ sở.
Tôi nghĩ những sự kiện trên có liên quan nhau, và nó bắt đầu từ người đề ra “luật chơi”. Người miền Bắc nắm quyền chính trị thống soái, và thiết lập “luật chơi” theo cái nhìn và tầm nhìn của họ. Người trong Nam lo làm ăn kiếm tiền, không ham tham gia vào những trò phong hàm sư sãi; không có danh xưng sư sãi thì không xin được tài trợ; không có danh xưng sư sãi thì không được mở ngành đào tạo; không có trò và không xin được tài trợ thì khó có cơ may được phong sư sãi. Nói chung, nó là cái vòng tròn khép kín, mà kẻ đề ra luật chơi lúc nào cũng thắng.
Thành ra, không phải ngẫu nhiên mà có người nói rằng những gì xảy ra gần đây là ván bài của người miền Bắc (5). Còn kí giả người Nhật thì e rằng tình trạng mất cân đối trong nhân sự chóp bu "có thể gây khó khăn cho các chính trị gia cải tổ miền Nam và làm chậm lại phát triển kinh tế của đất nước" (2). Tôi thì nghĩ, nói theo tiếng Anh, là Northern Affairs.

Hám danh và ham học
Tại sao có sự mất cân đối giữa các vùng miền trong phân bố về các chức danh khoa bảng và tài trợ trong khoa họ? Có vài ý kiến cho rằng vì người Bắc ham học, nên ngoài đó có nhiều giáo sư là điều dễ hiểu. Đó là một ý kiến thú vị. Nhưng tôi nghĩ cần phải phân biệt giữa hám danh và ham học. Ở đây, tôi muốn đưa ra một giả thuyết khác để giải thích hiện tượng mất cân đối, hay nói thẳng là không công bằng.
Hám danh dĩ nhiên có nghĩa là muốn có danh vọng bằng mọi giá và trong mọi tình huống. Họ là những người đi đâu cũng kè kè theo những danh xưng trước tên. Chẳng những thế, họ còn bắt buộc người khác phải xưng hô với họ bằng những danh xưng. Họ là những người bằng mọi cách và mọi giá để có phẩm hàm, kể cả mua. Ngày xưa Nguyễn Công Trứ từng nói “Làm trai đứng ở trong trời đất / Phải có danh gì với núi sông”, và cái câu đó gần như là kim chỉ nam cho người Việt, đặc biệt là người ngoài Bắc.
Ham học rất khác với hám danh, và điểm khác biệt cốt yếu là thực học. Người ham học mong muốn thu thập kiến thức cho thật nhiều, và dùng những kiến thức đó để đem lại phúc lợi cho xã hội và cộng đồng. Khác với kẻ hám danh quan tâm đến những danh xưng phù phiếm, người ham học quan tâm đến thực học và phụng sự xã hội. Những anh chàng "Hai Lúa" là một ví dụ của thực học, vì các anh ấy ham học đây đó và "chuyển giao" kiến thức thành sản phẩm, các anh ấy chẳng cần danh xưng sư sĩ gì cả.
Tôi nghĩ cái cơ chế và xã hội ngoài Bắc làm cho người ta hám danh. Trong cái môi trường chật hẹp đó, trong cái xã hội gọi là "xã hội chủ nghĩa" đó, nơi mà thành tích được cân đo đong đếm, nơi mà nhu yếu phẩm cá nhân (ăn, uống, mặc) được định lượng từng kg và từng cm. Thậm chí khi chết, cái hòm cũng được định lượng theo chức vụ và chức danh. Những chỉ tiêu đó được định lượng hoá theo danh xưng của một cá nhân. Bệnh thành tích nảy sinh từ đây. Do đó, không ngạc nhiên khi thấy người miền ngoài rất hám danh. Không thể trách họ, vì đó là một cách thức để tồn tại, hay ít ra là để "ngoi lên" mặt đất xã hội để "có danh gì với núi sông".
Ngược lại, trong Nam, môi trường sinh sống thoải mái hơn, kinh tế phát triển hơn so với ngoài Bắc. Trong cái môi trường mở đó, người ta nghĩ nhiền đến việc làm sao cho xã hội và kinh tế phát triển hơn nữa, hơn là nghĩ đến danh xưng. Một anh kĩ sư có danh xưng đó, nhưng về mặt thu nhập thì chắc gì đã bằng một người làm kinh doanh nhỏ. Nhưng để phát triển tốt hơn, họ cần phải học, và đó chính là lí do tại sao ngay sau 1954, chính quyền ông Diệm cho mở hàng loạt trường cao đẳng và đại học trên khắp miền Nam. Chẳng những thế, các đại học và cao đẳng còn liên kết và tìm sự hỗ trợ từ các cường quốc khoa học như Mĩ và Pháp. Họ quan tâm đến thực học hơn là danh lợi.
Dù là người Bắc, hay người Trung, hay người Nam thì cái học lúc nào cũng là ưu tiên hàng đầu. Đó là một chân lí. Đơn giản là vì chúng ta xuất phát từ một văn hoá và một nguồn tổ tiên. Người Bắc và Trung có lí do để học vì trong môi trường kinh tế khắc nghiệt, học là con đường duy nhất để tiến thân. Người Nam cũng dành ưu tiên cho học, nếu họ có cơ hội. Hãy nhìn những người tị nạn ở Mĩ (đại đa số là từ miền Nam), họ ưu tiên cho cái gì trước, nếu không là đầu tư vào giáo dục. Và, họ rất quan tâm đến thực học. Con em họ chọn học các ngành nghề như y khoa, kĩ thuật, công nghệ, luật, thương mại, những ngành nghề thực dụng mà các nước tiên tiến rất quan tâm (chứ ít ai chọn những ngành mang tính lí thuyết). Do đó, tôi nghĩ cho rằng người Bắc ham học hơn các dân vùng khác thì tôi e rằng không phù hợp với thực tế.
Thế thì tại sao ở trong nước, người miền Nam lại vắng bóng trong các phẩm hàm khoa bảng? Tôi nghĩ câu trả lời nằm ở sự khác biệt giữa tính hám danh và ham học. Anh hám danh thì cứ chạy theo mấy phẩm hàm sư sĩ. Anh thực học thì chẳng bận tâm chuyện sư sĩ mà nghĩ đến chuyện sáng chế ra cái gì có ích cho đời và... làm ra tiền. Tôi quen rất nhiều bác sĩ trong Nam, khi nói đến chuyện sư sĩ, họ chỉ cười; họ nói họ bận tâm đến bệnh nhân hơn là sư sĩ. Nhưng trong cái xã hội mà kẻ dám danh đề ra luật chơi thì anh thực học đương nhiên là kẻ bị loại.

Một câu trả lời đơn giản khác là di sản của lịch sử để lại. Chúng ta nên nhớ và cần phải nhớ rằng sau 1975, chính quyền mới áp dụng một chính sách kì thị người miền Nam, đặc biệt là qua phân chia lí lịch thành 17 nhóm. Con em của các quan chức VNCH dù học giỏi cỡ nào cũng không được vào đại học, vì lí lịch thuộc nhóm thấp nhất. Trong khi đó, những con em của cách mạng dù kém cỡ nào cũng được ưu tiên vào đại học. Còn các chuyên gia và trí thức thời VNCH hoặc là bị đày đoạ trong các trại cải tạo (một số thì bị đày cho đến chết), hoặc vượt biên ra nước ngoài. Hệ quả là một thế hệ học thuật mới (từ con em cách mạng) kém cỏi hơn ngoài Bắc, và tệ hơn nữa, họ bị tẩy não phải lệ thuộc vào miền Bắc.
Người ngoài đó đặt ra luật chơi, thì dĩ nhiên họ phải là người chiếm ưu thế. Rất nhiều những qui định, thành văn hay bất thành văn, được thiết kế để có lợi cho người ngoài đó. Ví dụ như qui định đảng tịch, như lí lịch gia đình, như "nhân thân", v.v. Mấy năm trước, có người còn nói thẳng với tôi rằng chủ tịch hiệp hội chuyên môn phải là người Bắc, người Nam chỉ làm phó thôi! Và, đó là một qui định bất thành văn. Một ví dụ thực tế khác là qui định về chủ trì đề tài Nafosted là phải có bằng tiến sĩ, là do người ngoài đó đặt ra. Nhiều bác sĩ trong Nam có khả năng và lòng tự trọng, họ không muốn chịu nhục (và hối lộ) để học tiến sĩ, và thế là họ bị loại ra khỏi sân chơi. Thật ra, với qui định đó của Nafosted thì khối bác sĩ Mĩ và Úc cũng không xin được tài trợ! Đó là chưa nói đến những chiêu trò thấp (nhưng rất hiệu quả) để giảm tối đa những du học sinh từ miền Nam và miền Trung. Có thể nói rằng sự mất cân đối trong khoa bảng *ngày nay* giữa các vùng miền là có tính hệ thống và có tổ chức -- một dạng systematic & organized discrimination, chứ chẳng dính dáng gì đến truyền thống ham học cả. Một cộng đồng dân tộc kì thị là một cộng đồng yếu.
Chúng ta biết rằng không chỉ trong học thuật và khoa học, hầu như tất cả các lĩnh vực khác đều có sự mất cân bằng. Từ chính trị, quân sự, đến kinh tế, có thể nói là người miền Nam đều bị thiệt thòi. Từ hải quan, dầu khí, hàng hải, đến hàng không, tất cả đều chịu sự thống trị của người miền ngoài. Và, họ làm ăn lỗ lã kinh niên. Rất khó lí giải tại sao miền Nam đóng góp phần lớn cho ngân sách nước nhà, mà 22/25 tập đoàn kinh tế đặt ngoài miền Bắc. Rất khó hiểu tại sao cái uỷ ban sông Mê Kông lại nằm ở ... Hà Nội. Sự vô lí nhiều khi nó nằm ngoài sự tưởng tượng của một người bình thường.

Viết ra những sự thật trên đây rất dễ bị gán ghép cho cái nhãn “kì thị vùng miền”. Nhưng tôi đã nói là tôi không có cái tính đó, và thực tế đã chứng minh. Tôi nghĩ có những vấn đề chúng ta không nên giấu giếm, mà nên nói ra để tìm cách giải quyết cho ổn thoả. Vấn đề mất cân đối nam bắc là rất nghiêm trọng, vì nếu không giải quyết ổn thoả thì sẽ rất khó có hoà hợp dân tộc thật sự. Có thể nói là cái suy nghĩ kẻ bị trị và kẻ thống trị vẫn còn âm ỉ trong cộng đồng. Chúng ta là những người có học, chúng ta có nhiệm vụ phải nói ra sự thật, chứ không nên giấu giếm. Nói ra không phải để chỉ trích hằn học cho hả dạ, mà để tìm một phương cách để đem lại công bằng cho mọi người. Một giải pháp gần nhất là phải loại bỏ những qui định mang tính kì thị có tính tổ chức.
February 06.2016

(1)http://www.bloomberg.com/news/features/2015-12-23/vietnam-s-divide-slow-healing-fewer-prospects-for-children-of-u-s-allies
(2) http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/02/160208_vn_politics_north_and_south
(3) http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=221774&zoneid=7
(4)http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/20100705/thieu-can-doi-trong-tai-tro-cho-nghien-cuu-khoa-hoc/388382.html
(5) https://anhbasam.wordpress.com/2016/02/05/6906-van-bai-cua-nguoi-bac/

http://tuanvannguyen.blogspot.com



Việt Nam - cảm nhận từ đường phố

Tôi vừa có một chuyến đi gần 1 tháng ở bên nhà. Đó là một thời gian tương đối dài đối với tôi, một phần là vì công việc, và một phần khác là nghỉ hè. Chính vì hai việc này mà tôi có dịp đi đây đó, và có dịp quan sát quê hương -- không phải từ phòng máy lạnh, mà từ thực địa. Tôi e rằng những quan sát và cảm nhận của tôi hơi bi quan. Thú thật, tôi không thấy một Việt Nam sẽ "tươi sáng", mà chỉ thấy một đất nước sẽ tiếp tục tụt hậu và lệ thuộc, nhất là trong bối cảnh cộng đồng kinh tế ASEAN.

1. Một đất nước trên đà suy thoái
Cái ấn tượng chung và bao quát trong chuyến về thăm quê là đất nước này đang trên đà suy thoái hầu như về mọi mặt. Mặc cho những con số thống kê kinh tế màu hồng được tô vẽ bởi Nhà nước, trong thực tế thì cuộc sống của người dân càng ngày càng khó hơn. Hơn 70% dân số là nông dân hay sống ở miệt quê, nên chúng ta thử xem qua cuộc sống của một gia đình nông dân tiêu biểu, gồm vợ, chồng và 2 con. Gia đình này làm ra gạo để các tập đoàn Nhà nước đem đi xuất khẩu lấy ngoại tệ (và chia chác?) nhưng số tiền mà họ để dành thì chẳng bao nhiêu. Gia đình này có thể có 5 công đất (hoặc cao lắm là 10 công đất), sau một năm quần quật làm việc "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", cả nhà chỉ để dành khoảng 10-15 triệu đồng, có khi còn không bằng một bữa nhậu của các quan chức.
Cuộc sống của người nông dân là nợ triền miên. Đầu mùa thì vay ngân hàng để mua giống, mua phân, mua thuốc trừ sâu; thu hoạch xong thì phải trả nợ cộng tiền lời cho ngân hàng. Rồi đến mùa vụ kế tiếp thì cái vòng vay - trả nợ lại bắt đầu. Con của người nông dân đi học, thì mỗi đứa phải gánh ít nhất là 10 loại phí khác nhau, có khi lên đến 20 phí! Các trường, các uỷ ban nhân dân, các cơ quan công quyền, v.v. đua nhau sáng chế ra những loại phí để moi móc túi tiền người dân vốn đã quá ít ỏi. Họ không cần biết người dân có tiền hay không, phí là phí, và phải đóng phí. Không ít gia đình không có tiền đóng phí nên cho con nghỉ học. Đã có tình trạng người dân không đủ tiền trả viện phí nên tìm đến con đường tự tử.
Môi trường sống xuống cấp thê thảm. Sự gia tăng dân số gây áp lực cực kì lớn đến môi sinh. Mật độ dân số tăng nhanh, ngay cả ở vùng nông thôn. Có thể nói rằng hầu hết các con sông ở VN đang chết. Tất tần tật, kể cả heo gà và có khi cả người chết, cũng bị vứt xuống sông. Những con sông VN đang chết vì chúng đã biến thành những bãi rác di động khổng lồ. Đó là chưa nói đến sự xâm nhập của nước mặn vào các con sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long, một phần là do mấy cái đập lớn Tàu xây trên thượng nguồn của sông. Tôi cho rằng sự suy thoái về môi trường là mối đe doạ lớn nhất đến sự tồn vong của đất nước.
Ở đất nước này, chính quyền đã mắc cái bệnh vô cảm quá lâu, và bệnh đã trở thành mãn tính, rất khó cứu chữa. Cái bệnh vô cảm của chính quyền nó còn lan truyền sang cả xã hội, mà trong đó mọi người dùng mọi phương cách và thủ đoạn để tranh nhau ngoi lên mặt đất mà sống. Có thể nói cả xã hội đang chạy đua. Cái chữ "chạy" ở VN đã có một ý nghĩa khác. Dân chạy để đưa con cái vào đại học, vào cơ quan Nhà nước để hi vọng đổi đời. Quan chức cũng chạy đua vào các chức vụ trong guồng máy công quyền, và họ chạy bằng tiền. Tiền dĩ nhiên là từ dân. Thành ra, cuối cùng thì người dân lãnh đủ. Sự suy thoái ở VN diễn ra trên mọi mặt, từ kinh tế, môi trường, y tế, giáo dục, đến đạo đức xã hội.

2. Đất nước đang bị "bán"
Một anh bạn tôi vốn là một doanh nhân (businessman) thành đạt cứ mỗi lần gặp tôi là than thở rằng đất nước này đang bị bán dần cho người nước ngoài. Mà, đúng là như thế thật. Ở khắp nơi, từ Đà Nẵng, đến Nha Trang, tận Phú Quốc, người ta "qui hoạch" đất để bán cho các tập đoàn nước ngoài xây resort, khách sạn, căn hộ cao cấp. Một trong những "ông chủ" mới thừa tiền để mua tất cả của Việt Nam là người Tàu lục địa.
Chẳng những đất đai được bán, các thương hiệu của VN cũng dần dần bị các tập đoàn kinh tế nước ngoài thu tóm và kiểm soát. Chẳng hạn như các tập đoàn Thái Lan đã thu tóm những thương hiệu bán lẻ và hàng điện tử của Việt Nam. Tuy nhiên, người dân có vẻ "ok" khi người Thái kiểm soát các cửa hàng này, vì dù sao thì người Thái đem hàng của họ sang còn có phẩm chất tốt và đáng tin cậy hơn là hàng hoá độc hại của Tàu cộng.
Đó là chưa kể một loại buôn bán khác: buôn bán phụ nữ. Phụ nữ Việt Nam được quảng cáo ở các nước như Tàu, Đài Loan, Singapore và Đại Hàn. Chưa bao giờ người Việt Nam chịu nhục khi con gái VN được cho đứng trong lồng kiếng như là những món hàng để người ta qua lại ngắm nghía và trả giá! Thử hỏi, có người Việt Nam nào tự hào được khi đồng hương mình bị đem ra rao bán như thế. Xin đừng nói đó là những trường hợp cá biệt; đó là tín hiệu cho thấy một đất nước đang bị suy thoái về đạo đức xã hội.

3. Tham nhũng tràn lan
Không cần phải nhờ đến tổ chức minh bạch quốc tế chúng ta mới biết VN là một trong những nước tham nhũng nhất thế giới. Chỉ cần tiếp xúc với hải quan, hay bất cứ cơ quan công quyền nào, người dân đều có thể nếm "mùi tham nhũng". Tham nhũng từ dưới lên trên, từ bên này sang bên kia, từ cấp thấp đến cấp cao. Có khi tham nhũng công khai, và kẻ vòi tiền mặc cả cái giá mà không hề xấu hổ. Các cơ quan Nhà nước phải hối lộ các cơ quan Nhà nước khác, và họ xem đó là bình thường. Ngay cả những ngành dịch vụ tưởng như là "trí thức" như giáo dục và y tế mà cũng tham nhũng, và vì họ có học nên tham nhũng ở hai ngành này còn "tinh tế" hơn các ngành khác!
Có thể nói là tham nhũng (và hối lộ) đã trở thành một thứ văn hoá. Cái văn hoá này nó ăn sâu vào não trạng của cán bộ Nhà nước. Đã là văn hoá thì nó rất khó xoá bỏ một sớm một chiều. Ngay cả ông tổng Phú Trọng còn thú nhận rằng trạng tham nhũng như "ghẻ ruồi, rất ngứa ngáy, khó chịu", nhưng cho đến nay ông cũng không làm được cái gì để giảm tình trạng này.

4. Xã hội bất an
Có thể nói không ngoa rằng VN là một xã hội bất an. Đọc báo hàng ngày thấy tin tức về tội phạm dày đặc khắp nơi. Chẳng những sự phổ biến của tội phạm, mà sự manh động của các vụ án càng ngày càng táo tợn. Chưa nơi nào có những vụ giết người vô cớ như ở VN: chỉ một cái nhìn cũng có thể dẫn đến cái chết!
Đáng ngại nhất là tội phạm đã lan tràn về tận vùng quê. Ở quê tôi, nơi mà ngày xưa là một làng êm ả, ngày nay là một cộng đồng bất an vì những vụ chém giết xảy ra hầu như hàng tuần! Người dân dưới quê cảm thấy mệt mỏi, không muốn nuôi trồng gì nữa, vì nạn trộm cắp hoành hành triền miên. Nuôi cá chưa đủ lớn thì đã bị trộm câu mất. Trồng một cây mít, trái chưa chín thì đã có trộm hái dùm. Chưa bao giờ tình trạng trộm cắp phổ biến như hiện nay ở vùng nông thôn.
Đó là chưa nói đến tai nạn giao thông vốn còn kinh hoàng hơn cả trộm cắp. Ở VN, bước ra đường là chấp nhận rủi ro tai nạn, thậm chí chết vì sự hỗn loạn của hệ thống giao thông. Thật vậy, tai nạn giao thông ở VN đã và đang trở thành nỗi kinh hoàng của không chỉ người dân địa phương mà còn ở du khách.

Một dạng bất an khác là (mất) an toàn thực phẩm. Có thể nói rằng đây là vấn đề làm cho cả dân số quan tâm nhất (theo như kết quả của một cuộc điều tra xã hội chỉ ra). Đi đến đâu, ở bất cứ thời điểm nào, người ta cũng nói đến những loại hàng hoá độc hại được tuồn vào thị trường Việt Nam từ một cái nguồn quen thuộc: Tàu cộng. Ngay cả ở dưới quê tôi, người dân còn không dám mua trái cây có xuất xứ từ Tàu. Không có một nông sản nào của Tàu sản xuất được xem là an toàn. Ngày nay, ngay cả các bợm nhậu cũng e dè những món ăn ở nhà hàng, quán nhậu, vì không ai dám chắc đó là hàng hoá của VN hay của Tàu. Nhưng điều đáng buồn nhất là sự tiếp tay của các doanh nghiệp Việt Nam để cho hàng hoá Tàu hoành hành đất nước ta và dân tộc ta. Thật không ngoa khi gọi những doanh nghiệp này là "gian thương". Cũng không ngoa để nói rằng gian thương cấu kết với những cán bộ tham nhũng đang giết chết kinh tế nước nhà và người dân.

5. Trí thức không có tiếng nói, không có phản biện
Theo dõi báo chí ở VN, dễ dàng thấy sự trống vắng tiếng nói của giới trí thức. Trước một sự kiện tương đối quan trọng như đại hội đảng csvn, mà không hề có bất cứ một bình luận độc lập nào, không hề có một bài phân tích về các nhân vật chóp bu trong đảng, hoàn toàn không có một phát biểu mang tính viễn kiến của bất cứ một nhân vật "lãnh đạo" tương lai nào! Thay vào đó là những tiếng nói của những người mang danh "sư sĩ" nhưng cách họ nói và ngôn ngữ của họ thì chẳng khác sự "cò mồi" là bao nhiêu.
Trước hiện tình đất nước, giới có học nói chung có vẻ lãnh đạm. Họ không quan tâm. Họ thường chạy trốn thực tế bằng cách biện minh rằng "chỉ lo việc chuyên môn". Thật ra, cũng khó trách họ, vì nếu họ nói ra những ý kiến thì có thể sẽ bị phạt nặng nề, thậm chí tù đày. Ngay cả yêu nước là một tình cảm thiêng liêng mà cũng phải được tổ chức và ... cho phép. Một xã hội đối xử với giới trí thức như thế thì làm sao bền vững được.

6. Guồng máy quản lí bất tài
Thật ra, sự bất tài của quan chức Nhà nước không còn gì là bí mật. Vì bất tài, nên họ thường "sản xuất" ra những qui định hài hước, và có khi cực kì vô lí và phi khoa học. Chúng ta còn nhớ trước đây, họ cho ra qui định mang danh "ngực nở chân dài" để được lái xe ô-tô, gây ra một trận cười cấp quốc gia. Tưởng như thế đã là hi hữu, ai ngờ họ lạ tái xuất với một qui định "trời ơi": Xe ô-tô 4 bánh phải có bình chữa cháy. Qui định này làm trò cười cho cả thế giới và các hãng sản xuất xe hơi. Tưởng qui định như thế đã là vô lí, họ còn cho ra một qui định "trên trời" như xe trên 10 chỗ ngồi phải có găng tay và khẩu trang lọc độc! (Tất nhiên, không phải ai trong guồng máy Nhà nước là bất tài, vẫn có người tài đó, nhưng cái ấn tượng chung mà người dân có thì đó là một guồng máy gồm những người bất tài, ăn bám nhân dân).

7. Tuy bất tài, nhưng guồng máy đó rất giỏi trong việc hành dân
Sự hành dân của guồng máy quản lí & hành chính của Việt Nam phải nói là vô song trên thế giới. Đối với người dân, có việc đến cổng công đường là một nỗi sợ, một cơn ác mộng. Hầu như không có một việc gì, từ nhỏ đến lớn, mà trôi chảy lần đầu khi đến gặp các quan chức Nhà nước. Tôi về quê và nghe nhiều câu chuyện hành dân mà nói theo tiếng Anh là "incredible" -- không thể tin được. Chỉ cần cái họ viết sai dấu (như "Nguyển" thay vì "Nguyễn") là cũng bị hành và tốn tiền triệu! Những lỗi sai chính tả đó là của họ (quan chức, cán bộ), nhưng họ vẫn hành dân một cách vô tư. Họ tìm mọi cách, mọi lúc để "đá" dân từ cơ quan này sang cơ quan khác, và biến dân như những trái banh để họ làm tiền. Thực dân Pháp ngày xưa có lẽ cũng không hành dân như cán bộ Nhà nước ngày nay.
Năm 2016 này Việt Nam sẽ tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community hay AEC). Mục tiêu là hình thành một cộng đồng kinh tế có khả năng cạnh tranh cao, hàng hoá và dịch vụ, đầu tư sẽ tự do lưu chuyển giữa các nước thành viên. Tôi ghé thăm một đại học lớn ở Thái Lan vào năm 2013, và giới trí thức bên đó đã bàn rất nhiều về viễn cảnh này, họ tư vấn cho chính phủ để chuẩn bị hoà nhập vào AEC. Nhưng ngạc nhiên thay, ở VN rất ít thảo luận về AEC và những tác động của nó đến cuộc sống của người dân! Nhưng với tình trạng suy thoái, đất nước bị "bán", tham nhũng tràn lan, xã hội bất an, trí thức không có tiếng nói, guồng máy quản lí bất tài nhưng giỏi hành dân, thì không nói ra, chúng ta cũng biết là khả năng cạnh tranh của VN không cao trong AEC. Khả năng cạnh tranh không cao rất có thể dẫn đến nguy cơ lệ thuộc.

Tái bút: Nhiều người khi đọc những bài và ý kiến như thế này thường hỏi một cách hằn học rằng “ông có phải là người Việt Nam hay không mà phê phán đất nước như thế”, “ông đã làm gì cho đất nước này”, hay "nói thì hay, vậy giải pháp là gì", v.v. Tôi nghĩ những câu hỏi đó không tốt mấy, và có phần ... lạc đề. Vấn đề là cái xấu đàng hoành hành đất nước này, chứ đâu phải tôi là ai hay tôi đã làm gì cho đất nước. Chẳng lẽ chỉ có người có công và đóng góp cho đất nước mới được “phép” phê bình sao. Nghĩ như thế thì e rằng quá nhỏ mọn. Mà, muốn biết tôi đã làm gì thì cũng chẳng khó khăn gì trong thời đại google này. Giải pháp nó nằm ngay ở mỗi cá nhân chúng ta. Mỗi người cần phải làm tốt và sống tử tế là giải pháp tốt nhất để đẩy lùi cái ác, cái xấu, cái bất công, cái bất cập trong xã hội.
January 31.2016

http://tuanvannguyen.blogspot.com

 

Đăng ngày 25 tháng 02.2016