Print

Rừng và lũ lụt

Đỗ Duy Ngọc

Miền Trung lại lũ lụt. Con số người chết đã lên đến hàng trăm. Nước mênh mông, không còn xóm làng, không còn nhà cửa, chẳng còn ruộng đồng, không còn vườn tược cây trái. Tất cả chỉ còn là biển nước và tiếng kêu bi thương của những người dân. Đối với người dân miền Trung, lũ lụt không xa lạ gì với họ. Nó đến hàng năm, và hình như năm sau khốc liệt hơn năm trước. Ngày xưa, khi lũ lụt xong, đất được bồi thêm phù sa, ruộng đồng sẽ tốt tươi hơn dù những trận lũ lụt khiến cho nhà cửa, tài sản đôi khi cả sinh mạng con người bị đe doạ. Những cơn lũ lụt định kỳ nên người dân ngày xưa bình tĩnh, chuẩn bị đón nhận nó. Nhớ cơn lũ lịch sử năm Giáp Thìn 1964, nước ngập tràn các tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín đến Bình Định. Hồi đấy, đây là cơn lũ lụt kinh khiếp nhất nhưng nước cũng chỉ xấp xỉ hơn nửa nhà dù số người chết lên đến bảy ngàn người và tài sản mất hết tám mươi phần trăm. Những hình ảnh còn ghi lại cho thấy dù là cơn lụt lớn nhất nhưng nước về không dâng cao như bây giờ. Tốc độ nước dâng cũng không quá nhanh như bây giờ.

Bốn mươi năm trở lại đây, rừng Việt Nam bị khai thác vô tội vạ. Thập niên 80, các cơ quan nhà nước thi nhau đốn rừng làm củi cung cấp chất đốt. Nhiều ban ngành, nhiều đơn vị được lãnh bằng khen nhờ công tác đốn rừng này. Suốt một cuộc chiến tranh chống Pháp cho đến cuộc chiến tàn tệ Bắc Nam, rừng Việt Nam vẫn ngút ngàn và tươi xanh dù hứng chịu biết bao nhiêu bom đạn. Thế nhưng sau hoà bình, rừng càng lúc càng trơ trụi, cạn kiệt vì sự tàn phá và khai thác bừa bãi của con người. Hết đốn rừng làm chất đốt đến phá rừng mở nông trại và cao điểm là hàng loạt thuỷ điện ra đời. Người ta lập dự án thuỷ điện không phải để tăng thêm nguồn điện mà mục đích chính là để phá rừng, đốn gỗ. Cái đấy mới là mối lợi lớn. Bởi thế có nhiều dự án thuỷ điện từ quy mô cho đến cóc nhái sau khi triệt hạ rừng lấy gỗ, dự án đắp chiếu để đó. Tính đến thời điểm năm 2018, hiện tại có 205 dự án nhà máy thủy điện với tổng công suất 6.198,88 MW đang xây dựng và dự kiến đưa vào vận hành trong giai đoạn 2015-2017. Riêng bốn tỉnh miền Trung cùng hai tỉnh ở Tây nguyên là Kontum và Đắk Nông đã có gần 150 dự án thủy điện lớn nhỏ đã được phê duyệt. Là địa phương có số lượng các nhà máy thủy điện lớn nhất, Quảng Nam có đến 62 dự án thủy điện với tổng công suất lên tới 1.601MW.

Ở đâu có rừng, ở đó có thuỷ điện. Hàng đoàn xe gỗ nối đuôi nhau đi ra từ những cánh rừng. Rừng giúp những tay buôn gỗ, những cán bộ kiểm lâm, những quan chức trở thành tỷ tỷ phú. Rừng bị đốn trọc để biến thành những căn nhà đồ sộ tốn hàng trăm mét khối gỗ mọc lên của những trọc phú, những quan chức lãnh đạo. Những khối gỗ hàng chục, hàng trăm tấn biến thành bàn ghế, tủ giường, cột kèo chạm trổ cầu kỳ trang trí trong những căn nhà rộng bao la của các quan. Trên mạng đầy những cuộc đấu giá gỗ rừng, hình ảnh của các xưởng gỗ với nhiều thớt gỗ rộng mấy thước đường kính rao bán công khai. Cơ quan nhà nước cũng xài toàn đồ gỗ quý, chùa chiền cũng sử dụng những trang bị toàn là những thớt gỗ dày và rộng, nhà nhà xem xài gỗ quý là thể hiện giới quý tộc. Không lẽ miền Nam ít gỗ hơn nên cũng thấy ít nhà gỗ lớn, đa số từ Quảng Trị, Quảng Bình trở ra Bắc, người ta rất ưa chuộng và cho rằng ở nhà gỗ quý mới sang. Tui cho đó là do tư duy phong kiến mà ra. Nhưng mà nơi vua ở ngày xưa cũng không tốn gỗ như nhà các quan và đám trọc phú bây giờ. Nói thật mất lòng chứ với cái nhìn mỹ thuật thì nhà mà bày biện lắm ghế bàn to rộng, chạm trổ chằng chịt nhìn chẳng sang, chẳng đẹp chút nào.
Rừng đã bị bức tử.
Cây rừng bám chặt đất hàng trăm năm, những cội rễ giữ đất đã cản luồng nước lũ từ nguồn về. Giờ rừng đã bị xử tử, cây đã bị đốn sạch, nước tự do hung hãn đổ về đồng bằng, nước sẽ dâng cao, nước sẽ tuôn nhiều hơn ngày xưa gấp bội bởi không còn gì có thể cản đường đi của chúng. Dòng nước dữ đấy cộng thêm nước xả lũ của các đập thuỷ điện, nước dâng nhanh, chẳng ai chạy kịp. Bởi lý do đó, lũ bây giờ nước cao hơn vượt qua những mái nhà và dâng nhanh với tốc độ chóng mặt. Nếu không xả lũ, nếu các đập thuỷ điện vỡ, hậu quả sẽ kinh khiếp hơn. Câu hỏi được đặt ra là các dự án thuỷ điện có trách nhiệm gì trong cơn lũ lụt này? Những người ký cho phép các thuỷ điện mọc lên có tội không? Dân bị thiệt hại có quyền khởi kiện các đập thuỷ điện không? Từ trước đến nay chẳng có ai chịu trách nhiệm. Hậu quả thì dân gánh chịu nhưng khi công trình mọc lên chẳng có ai hỏi ý kiến của dân. Sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi. Những căn nhà gỗ, những bộ bàn ghế chạm trổ cầu kỳ, những tủ, những giường gỗ quý được làm ra từ những cây rừng, chủ nhân của chúng cũng là kẻ có tội góp phần làm rừng chết. Chẳng có ai bị phán xử cả, họ sống ấm êm trong những căn nhà gỗ như cung điện với những tiện nghi cũng từ gỗ làm ra trong khi hàng ngàn người phải hứng chịu hậu quả của chuyện phá rừng khai thác gỗ. Cũng chẳng ai có tội. Tất cả đều trang bị cho mình một cái giấy chứng nhận gỗ hợp pháp. Tất cả giấy phép ấy đều là đồ giả. Chỉ có nỗi đau và mất mát của những nạn nhân là có thật.

Khi chính phủ ra lệnh đóng cửa rừng, rừng thật sự chẳng còn để đóng cửa. Và khi thiên nhiên bị tận diệt đến tận cùng, cũng là lúc loài người chuẩn bị ghi tên vào sách đỏ. Thiên tai chỉ tàn phá một nhưng nhân tai đã hủy diệt mười. Nếu không thay đổi, lũ lụt năm sau sẽ kinh khiếp hơn năm trước và sức tàn phá cũng sẽ kinh khủng gấp nhiều lần. Chúng ta có Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hàng năm ngân sách chi cho uỷ ban này cũng không phải là ít, thế nhưng hình như tổ chức này chưa làm tròn trách nhiệm của mình và trước những biến cố vẫn chưa có những biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa và khắc phục. Bão, lũ lụt xuất hiện hàng năm, nhưng cũng chẳng thấy tổ chức nào của chính phủ có những kế hoạch để phòng tránh những hậu quả, cũng chẳng thấy dự án nào để dân có thể an tâm trong mùa lũ. Toàn là nước đến chân mới nhảy để lại những bi thương và mất mát. Thiên tai, dịch hoạ là mối lo âu của con người. Thế nhưng nhân tai mới là điều đáng lo lắng nhất.
20.10.2020
DODUYNGOC

https://www.facebook.com/doduyngoc



“Chỉ có loài cầm thú mới quay lưng

với nỗi đau của đồng loại"

Hiếu Chân

Ông tổ cộng sản Karl Marx từng nhận xét: “Chỉ có loài cầm thú mới quay lưng với nỗi đau của đồng loại để chăm chút riêng cho bộ da của mình”. Ông ta không ngờ sang thế kỷ 21, loài cầm thú mà ông nói lại là những môn đồ của chính ông, những con thú mang danh cộng sản!
Hơn tuần qua trên báo chí quốc nội và mạng truyền thông xã hội tràn ngập tin tức, hình ảnh gây xúc động mạnh về đại nạn lũ lụt ở các tỉnh miền Trung, từ Quảng Bình vào tới Quảng Ngãi. Những cảnh làng xóm chìm trong nước, người già em bé ngồi chơ vơ trên mái nhà trông cho nước rút, cảnh núi lở vùi lấp hàng chục công nhân thủy điện và cả chục người của một đoàn cán bộ quân đội trên đường vượt lũ vào nơi xảy ra thảm họa trước đó là những chuyện hết sức thương tâm, đọc không cầm nổi xúc động.
Những thảm cảnh tưởng như chỉ có trong quá khứ xa xôi mà nay vẫn hiển hiện trước mắt như chuyện người sản phụ bị lật thuyền trên đường tới bệnh viện sinh con và người chồng thất thần quỳ giữa nước lũ mênh mông khẩn nài thủy thần trả lại vợ con cho mình; chuyện hai mẹ con nhà nghèo loay hoay sửa nhà sau lũ bị điện giật chết; rồi một cặp vợ chồng đi ăn cưới trở về bị nước lũ cuốn trôi! Và biết bao nhiêu chuyện đau lòng nữa của phận đời dân nghèo trong lũ dữ!

Miền Trung trong lũ lụt.  Ảnh FB Võ Đắc Danh


Người đàn ông thất thần ở Thừa Thiên-Huế quỳ lạy thủy thần trả lại vợ con cho ông sau khi nước lũ lật thuyền cuốn trôi vợ ông đang trên đường đi sinh em bé!  - Ảnh FB TĐAS

Cũng trong tuần qua trên báo tràn ngập thông tin và hình ảnh các đại hội đảng Cộng sản Việt Nam ở khắp các tỉnh thành từ bắc chí nam, đến các ngành Công an, Quân đội, Giao thông… Cứ như đúc cùng một khuôn, đại hội đảng bộ nào cũng hoa hòe, cờ quạt lòe loẹt, cũng những “đại biểu” áo quần bảnh bao, mặt mày vênh váo ngồi ngay ngắn nhìn lên với ảnh chân dung ông Mác, ông Lê treo cao trên nóc sân khấu nhìn xuống đám môn đồ hậu sinh.
Theo một kịch bản chung đã diễn đi diễn lại suốt mấy chục năm nay, đại hội đảng bộ nào cũng có “báo cáo chính trị” ca ngợi “thành tích sáng chói” của “đảng bộ trong sạch, vững mạnh”, cũng có đại biểu trung ương tới “chỉ đạo” bằng những bài diễn văn được thư ký chép lại từ bài cũ, đầy rẫy những ngôn từ sáo rỗng, những khẩu hiệu nhai đi nhai lại đã mòn vẹt; và rồi tiết mục chính của đại hội là “bầu” ra lớp lãnh đạo mới của đảng bộ thực chất cũng chỉ là một cuộc chia chác chức vụ và quyền lợi giữa các nhóm mafia chính trị mà ai lên ai xuống đã được biết trước từ lâu!
Ấy vậy mà các ông bà cộng sản cố làm ra vẻ như đại hội của đảng họ quan trọng ghê lắm: họ cấm đường cấm xá, xua quân đi canh gác, ngăn chặn cửa nhà những người có dấu hiệu bất đồng chính kiến rồi còn sai tuyên giáo tổ chức những buổi liên hoan văn nghệ “chào mừng đại hội thành công rực rỡ” ngay cả trước khi hội họp diễn ra!

Liên hoan văn nghệ chào mừng đại hội đảng bộ thành phố Hà Nội trong lúc miền Trung bị lũ lụt trầm trọng. Ảnh FB

Trong hoàn cảnh cả nước đang oằn lưng chống dịch Vũ Hán, thiên tai bão lũ dồn dập gây bao tang thương thống khổ cho đồng bào mà cán bộ đảng viên vẫn thản nhiên tụ tập xưng tụng nhau trong những phòng họp sang trọng tràn ngập hoa và khẩu hiệu thì quả thật không còn gì để nói về cái đảng này.
Tai ương tang tóc mà người dân miền Trung đang chịu đựng có phần do thiên nhiên, nhưng phần lớn là do con người và xét cho cùng là do những chính sách tham lam và độc ác của nhà cầm quyền mà đảng cộng sản là “người lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối”. Tệ nạn phá rừng lấy gỗ xây biệt phủ cho các quan lớn kéo dài suốt mấy chục năm nay, nạn câu kết giữa chính quyền và giới làm ăn gian xảo phá rừng làm thủy điện đã tràn lan khắp dãy Trường Sơn – treo những quả bom nước trên đầu người dân mà cứ mỗi mùa mưa bão lại “xả nước theo quy trình” cuốn trôi bao nhiêu làng mạc ruộng vườn và cả những mảnh đời bất hạnh.
Nếu còn chút thiện lương thì những người lãnh đạo Việt Nam hiện nay phải tự nhận trách nhiệm cho những sai lầm đó và xin lỗi nhân dân, tìm biện pháp sửa chữa khắc phục, tổ chức cứu trợ người dân vùng lũ lụt; tổ chức quốc tang tưởng niệm những đồng bào xấu số và nhanh chóng có biện pháp hỗ trợ người dân bị thiệt hại do lũ lụt ổn định lại cuộc sống rách nát của họ…
Nhưng đảng đã không làm như vậy. Việc họ thản nhiên tổ chức rầm rộ và huênh hoang những đại hội đảng bộ vô ích nhưng tiêu tốn nhiều tỷ đồng tiền ngân sách cho thấy những người lãnh đạo này không thèm ngó ngàng gì đến đám dân đen xưa nay vẫn cần cù và nhẫn nhục dưới ách cai trị bằng nhà tù và súng đạn của họ. Không ai trong giới lãnh đạo chóp bu của đảng, của các đảng bộ, tỏ chút thương cảm với đồng bào đang vật vã trong hoạn nạn!
Có người cho rằng, nên tách riêng việc nào ra việc ấy, đại hội đảng đã được lên lịch từ lâu nên vẫn phải thực hiện theo kế hoạch; không thể vì đại dịch Vũ Hán hoặc bão lũ ở miền Trung mà đình hoãn hoặc hủy bỏ các đại hội đảng.

Đại hội đảng bộ đảng CSVN tỉnh Vĩnh Phú vừa diễn ra. Ảnh FB

Có thể như thế. Tai ương của đất nước và nhân dân có thể không cản trở được kế hoạch đại hội của đảng. Nhưng là một đảng cai trị độc nhất, đảng Cộng sản phải có trách nhiệm với nước, với dân. Trách nhiệm đó không cho phép đảng Cộng sản huênh hoang và phung phí hàng núi tiền của dân vào tổ chức đại hội, vào hoa hòe cờ quạt, vào những bộ quần áo và tặng phẩm đắt giá, vào những bữa liên hoan thịnh soạn, thậm chí vào việc thuê côn đồ canh cửa nhà dân một cách bất hợp pháp.
Vào lúc người dân vùng dịch chỉ mong có công việc tạm thời nào đó kiếm chút tiền sống qua ngày; vào lúc người dân vùng lũ lụt chỉ mong có chút gạo nước để cầm cự qua cơn thiên tai nhân họa, lẽ ra đảng Cộng sản phải biết hạn chế những tham vọng của mình, tổ chức hội họp một cách giản đơn và tiết kiệm, vì dù gì thì đây cũng chỉ là một sinh hoạt chính trị định kỳ của một đảng chính trị chiếm chưa tới năm phần trăm dân số. Nhất là khi đảng đó đang sống bám vào bầu sữa ngân sách quốc gia, do người dân đóng thuế mà có.
Ông tổ cộng sản Karl Marx từng nhận xét: “Chỉ có loài cầm thú mới quay lưng với nỗi đau của đồng loại để chăm chút riêng cho bộ da của mình”. Ông ta không ngờ sang thế kỷ 21, loài cầm thú mà ông nói lại là những môn đồ của chính ông, những con thú mang danh cộng sản!

Hiếu Chân

https://saigonnhonews.com/chi-co-loai-cam-thu/



“Ủng hộ bão lũ miền Trung”

Nhìn bức ảnh chụp ông thủ tướng và bà chủ tịch quốc hội cười tươi như hoa nở, tay cầm cái phong bì (có lẽ là đựng tiền) bỏ vào một cái hòm, mặt trước cái hòm là dùng chữ “ủng hộ bão lũ miền Trung”, sao mà buồn đến tê tái cả người. Định cho qua vì “kệ mẹ chúng nó. Chấp với thằng ngu, chả hóa ra mình cũng ngang hàng với thằng ngu hay sao?”. Nhưng rồi cầm lòng không đậu, đành phải viết mấy dòng.



Thưa ông thủ tướng và bà chủ tịch quốc hội.

Ủng hộ, ở đây là ủng hộ con người, chứ không ai ủng hộ trâu bò, không ai ủng hộ rừng núi sông suối, lại càng không ai ủng hộ bão lũ cả. Con người ở đây là hàng triệu đồng bào miền Trung đang chìm ngập trong mưa lũ và đá trôi, đất lở. Đã có gần trăm cái chết tức tưởi, bị dìm trong lũ hay bị vùi dưới đất rồi. Có gia đình 6 người đã bị tận diệt cả 6.
Vì vậy, ông bà có ủng hộ thì hãy ủng hộ đồng bào miền Trung bị bão lũ, chứ đừng ủng hộ bão lũ. Làm thế, khác nào khiến cho bão lũ có thêm động lực để hoành hành, khiến đồng bào miền Trung càng khốn khổ hơn nữa. Thôi đi ông bà, đồng bào miền Trung đã chịu đựng quá đủ rồi.
Vẫn biết việc chuẩn bị cái hòm đó là do bọn cấp dưới làm, cũng như ông thủ tướng nói cái gì trong mỗi dịp lễ lạt đều do bọn ấy soạn sẵn. Trong trường hợp này, cái thằng đề dòng chữ “ủng hộ bão lũ miền Trung” đích thị là thằng đại ngu rồi. Không biết thày cô, bố mẹ chúng nó dạy nó những gì, mà đến nỗi trong khi cả nước căm thù bão lũ thấu xương, thì chúng nó lại đi… ủng hộ bão lũ?
Nhưng những thằng làm hòm ngu đã đành, chẳng lẽ ông thủ và bà chủ, những người có trình độ cao gấp nghìn lần những thằng làm hòm, lại không thèm nhìn vào cái hòm lấy một lần, để biết mình đang ủng hộ thảm họa?
Về “phương diện quốc gia”, thì bất biết kẻ làm hòm là ai, người ta chỉ thấy ông thủ và bà chủ đang ủng hộ bão lũ. Và rất có thể người ta sẽ đặt câu hỏi: sao làm to đến vậy mà vẫn ngu đến thế? hay ở ta, muốn làm to thì phải ngu?

Vũ Hữu Sự
Nguồn: Internet


Hát trên những xác người…

Cánh Cò

*
 
“Nhà cháu đang thiếu nước uống! Có đoàn cứu trợ nào ghé ngang đội 5/2 Quy Hậu, Liên Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình gọi dùm sdt 0947531310, mình xin ít nước uống.”
Đó là dòng chữ xuất hiện trên facebook vào sáng 18 tháng 10. Nạn nhân không có khuôn mặt cụ thể nhưng lộ rõ cái khát khô của một con người, động vật được tiếng là thông minh nhất trong thế giới động vật trên quả đất. Cái khát được chia sẻ bởi những người từng vượt biển, từng đối mặt với cái khát kinh hoàng giữa đại dương. Cái khát lan từ dòng chữ kêu cứu tới từng sợi tế bào của người đọc, nó phảng phất hình ảnh của thần chết và dòng chữ đau đớn ấy chìm khuất trong hàng vạn hình ảnh khác cùng xuất hiện trong ngày.
Đó là hình ảnh trên tấm bảng treo trên sân khấu to lớn một cách kiêu hãnh: “Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam”. Đó cũng là tấm bảng chào mừng chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt với chủ đề "Sắt son niềm tin với Đảng" được tổ chức long trọng và hào hứng, được dàn dựng công phu, âm thanh, ánh sáng hiện đại, chia thành 3 chương với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ: Thanh Ngân, Trọng Hữu, Tạ Minh Tâm, Vân Khánh, Hiền Thục, Đàm Vĩnh Hưng, Võ Hạ Trâm…
Ngoài kia là Hải Phòng, cũng không chịu kém: tối 17/10, đảng viên, quan chức TP Hải Phòng tưng bừng tổ chức đại nhạc hội ăn mừng sự thành công của đại hội…

Trong khi đó nhìn đâu cũng thấy tràn ngập một màu tang tóc. Những mái nhà giữa biển nước mênh mông, những cây cột điện chỉ còn lại ngọn, những con vật run rẩy bám vào cành cây, gỗ mục như bám vào sự sống cuối cùng. Những gói mì tôm ướt sũng nước mắt, những thân hình co ro run rẩy dưới cơn mưa buồn bã….những hình ảnh ấy không thể phủ lên những tiếng hát hùng tráng ca ngợi công lao của Đảng. Không thể khỏa lấp sự bất tài của cái gọi là Hội Liên hiệp Phụ nữ dù đã qua 90 năm vẫn ngoan cường ngó lơ sự thảm hại của đồng loại. Một tổ chức vô dụng dám hãnh diện đứng ra nhận lãnh lời mơn trớn của đồng đảng trong khi đồng loại tang thương ngụp lặn trong biển nước mịt mù.
Những tiếng vỗ tay ca tụng sự thành công của đại hội Đảng tại Hải Phòng chừng như chào mừng sự hy sinh to lớn của 13 đồng chí vừa nằm xuống. Những vở kịch nhức nhối mà ngay cả kịch tác gia cao thủ của mọi thời đại như Molière cũng không thể nào nghĩ tới.
Thế nhưng người cộng sản lại làm được, và còn làm rất tốt.

Không phải lũ lụt mới xảy ra mà cơn bão Linda đã đổ bộ vào miền trung từ ngày 11 tháng 10 tức là cách đây 1 tuần lễ. Bảy ngày với biết bao sự dữ dội đổ lên đầu người dân các tỉnh khiến ảnh hưởng tới khoảng 136.000 hộ gia đình, làm 55 người thiệt mạng, 15 người bị thương và 29 người mất tích.
Lũ lụt cũng khiến khoảng 150.000 người phải sơ tán, gây tắc nghẽn hệ thống giao thông và sản xuất nông nghiệp của người dân. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Gia Lai. Đak Lak, Quảng Ngãi…tiếng kêu cứu dậy cả một vùng, tiếng kêu cứu làm cho người Việt khắp thế giới bàng hoàng nhưng những tiếng kêu cứu ấy không thể lọt vào khe cửa của các đại hội đảng trên toàn quốc. Hình như mọi tầng lớp đảng viên tham dự đại hội đều miễn nhiễm với lòng trắc ẩn đối với người dân, những kẻ bỏ từng hào vào cuộc ăn chơi mang tên Đại hội Đảng.
Sau khi lấy hàng chục ngàn tỷ trong ngân sách quôc gia vung vãi trong những trò chơi quyền lực ông Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lên tiếng yêu cầu kiều bào giúp đỡ nạn nhân lũ lụt! Một lời kêu gọi chí tình và đầy thống thiết cho vận mệnh của… chính ông ta.

Trên con đường diệu vợi hướng tới Chủ nghĩa xã hội chiếc xe lịch sử è ạch tiếp tục bị nhét đầy những bất công oan trái của người dân. Chiếc xe ấy vô tri nhưng người cầm dao thúc đẩy nó là những kẻ đã làm nên lịch sử giải phóng dân tộc này từ nghèo nàn sang kiệt quệ, từ mong manh áo rách sang cùng quẫn kiếp người.
Và họ, cứ xênh xang áo mũ, cứ lồng lộng tuyên ngôn. Cứ như đất nước này không ai là dân chúng cả mà chỉ rặt một khối dân đen không bao giờ biết khóc cho ra tiếng căm hờn.

Thứ Hai, 10/19/2020

Canhco's blog

* Hình ảnh của canhco


 

Nhà thơ Trần Đức Thạch đang ở trong nhà tù Việt Nam

được trao giải thưởng nhân quyền Nguyễn Chí Thiện

Đài Á Châu Tự Do (RFA) hôm 30/9 đã đưa tin giải thưởng mang tên tù chính trị  Nguyễn Chí Thiện sau 5 năm không trao giải cho ai, năm nay sẽ vinh danh nhà thơ Trần Đức Thạch.
Ông Thạch là một cựu chiến binh thuộc Sư đoàn 341, Quân đoàn 4, quân đội Bắc Việt, hiện bị tạm giam tại nhà tù Nghi Kim, tỉnh Nghệ An. Ông bị bắt với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” vào ngày 23/5 vừa qua. Trước đây, vào năm 2008, ông Thạch đã từng đi tù 3 năm, với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”.
Trong một thông báo gửi đi từ Paris (Pháp) ngày 28/9, Hội Pháp Việt Tương Trợ – đơn vị lập nên Giải thưởng Nguyễn Chí Thiện –  nói về quyết định trao giải cho nhà thơ Trần Đức Thạch như sau:  “Ông thuộc thế hệ những cánh chim đầu đàn trong phong trào dân chủ quốc nội từ những năm 2000 đến nay, nên đã phải chịu rất nhiều áp lực và thủ đoạn bắt bớ, đánh đập và sách nhiễu từ nhà cầm quyền. Cũng chính vì một nhà thơ chỉ cất tiếng nói lương tri trước chế độ nhiễu nhương, mà lại bị đối xử tồi tệ, nên càng thúc bách ông dấn thân trở thành nhân chứng sống động của một chế độ thối nát cần thanh lọc”. Thông báo của Hội Pháp Việt nói thêm: “Bài thơ “Đớn đau” của ông Thạch mô tả “nỗi đau Gạc Ma” và phán xét “Đất nước nếu còn cộng sản sẽ bị dâng cho giặc Tàu chỉ sớm muộn mà thôi’”.
Giải thưởng Nguyễn Chí Thiện được Hội Pháp Việt Tương Trợ lập ra hồi năm 2012 để vinh danh những người hoạt động vì nhân quyền ở Việt Nam. Nguyễn Chí Thiện là một thi sĩ, nổi tiếng với tác phẩm “Hoa địa ngục”, từng bị nhà cầm quyền Việt Nam cầm tù 27 năm, sau khi ra tù đã sang Pháp và mất ở đó.
Bà Nguyễn Thị Chương, vợ của nhà thơ Trần Đức Thạch, từ Nghệ An nói với RFA rằng từ tháng 7/2020, bà không được đến trại tạm giam gặp chồng mình và rất bất ngờ khi chồng nhận được giải thưởng. Bà nói thêm có lẽ thông tin về giải thưởng đã có tác động gì đó, khiến bên phía trại giam nhắn tin ông Trần Đức Thạch cần gặp bà.
Lâu nay thân nhân của những tù nhân được trao giải về đấu tranh cho dân chủ- nhân quyền cũng cho biết họ bị cơ quan an ninh làm khó, thậm chí bị cấm đoán không cho đi nhận giải. Dẫu thế theo ông Vũ Quốc Ngữ, giám đốc tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders)  nhận định những giải thưởng trao cho tù nhân lương tâm có thể tạo điều kiện giúp họ được nhà tù cộng sản đối xử nhân đạo hơn, cho dù tù nhân không biết họ sẽ được trao giải thưởng này.
Giải thưởng Nguyễn Chí Thiện chính thức làm lễ trao tặng vào ngày 6/12/2020, 4 ngày trước Ngày Quốc tế Nhân quyền, tại tư gia của đại văn hào Victor Hugo tại Place des Vosges, Paris.

Trần Đức Thạch là tác giả bài thơ “Sám hối”, “Đớn đau” và bút ký “Hố chôn người ám ảnh” kể lại sự việc lính Bắc Việt khi thực hiện chiến dịch Hồ Chí Minh đã thảm sát hàng trăm thường dân vô tội ở xã Tân Lập, bây giờ gọi là Xuân Lập, thuộc huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai ngay trước ngày 30/4/1975. Ông cũng là một thành viên của Hội Anh em dân chủ, một tổ chức tranh đấu cho dân chủ ở Việt Nam một cách ôn hòa không được nhà nước công nhận và đã có hàng chục thành viên bị bắt giữ và thụ án trong những năm qua. Ông bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bắt ngày 23/04/2020 ở tuổi 70 với nhiều bệnh của tuổi già…

SÁM HỐI!

Trần Đức Thạch

Mái đầu tôi mỗi ngày càng nhanh bạc
Với câu hỏi đất nước sẽ về đâu?
Thế hệ chúng tôi tội lỗi ngập đầu
Nhìn con cháu lòng muôn hổ thẹn…

Thế hệ chúng tôi một thời chinh chiến
Thắng lợi mang về là xua đuổi văn minh
Thắng lợi mang về là làm khổ dân mình
Để đểu cáng lên ngôi gây tội ác.

Thế hệ chúng tôi hoàn toàn lầm lạc
Quên dân tộc mình theo chủ nghĩa Mác Lê Nin
Bệnh hoạn tư duy méo mó cách nhìn
Gieo thù hận trong lòng con cháu.

Thế hệ chúng tôi đổ bao xương máu
Chẳng ý nghĩa gì khi dân tộc điêu linh
Chẳng ý nghĩa gì khi đất nước tanh bành
Lãnh thổ giang sơn bị ngoại bang gậm nhấm.

Thế hệ chúng tôi cuộc đời cay đắng lắm
Mất chính mình mang tội ác với tương lai
Gần đất xa trời mới thấy được cái sai
Không phải thơ mà những lời sám hối…

Xin ngàn lần triệu lần chịu tội
Trước băn khoăn đất nước sẽ về đâu???
__________

HỐ CHÔN NGƯỜI ÁM ẢNH


Tác giả chụp năm 1975

Tháng 04/1975, đơn vị chúng tôi (Sư đoàn 341 thường gọi là đoàn Sông Lam A) phối hợp với Sư đoàn khác đánh vào căn cứ phòng ngự Xuân Lộc. Trận chiến quyết liệt kéo dài 12 ngày đêm. Tiểu đoàn 8 chúng tôi do hành quân bị lạc nên được giao nhiệm vụ chốt chặn. Nhằm không cho các đơn vị quân lực Việt Nam cộng hoà tiếp viện cũng như rút lui. Phải công nhận là sư đoàn 18 của phía đối phương họ đánh trả rất ngoan cường. Tôi tận mắt chứng kiến  hai người lính sư đoàn 18 đã trả lời gọi đầu hàng của chúng tôi bằng những loạt súng AR15. Sau đó họ ôm nhau tự sát bằng một quả lựu đạn đặt kẹp giữa hai người. Một tiếng nổ nhoáng lửa, xác họ tung toé
giữa vườn cam sau ấp Bàu Cá. Hình ảnh bi hùng ấy đã gây ấn tượng mạnh cho tôi. Tinh thần của người lính đích thực là vậy. Vị tướng nào có những người lính như thế, dù bại trận cũng có quyền tự hào về họ. Họ đã thể hiện khí phách của người trai  nơi chiến trận. Giả thiết nếu phía bên kia chiến thắng chắc chắn họ sẽ được truy tôn là những người anh hùng lưu danh muôn thủa. Nhưng vận nước đã đi theo một hướng khác. Họ đành phải chấp nhận tan vào cõi hư vô như hơn 50 thuỷ binh quân lực Việt Nam Cộng Hoà bỏ mình ngoài biển để bảo vệ Hoàng Sa.

... Nghe tiếng súng nổ ran, tôi cắt rừng chạy đến nơi có tiếng súng. Đấy là ấp Tân Lập thuộc huyện Cao Su tỉnh Đồng Nai
bây giờ. ấp nằm giữa cánh rừng cao su cổ thụ. Đạn súng đại liên của các anh bộ đội cụ Hồ vãi ra như mưa. Là phân đội trưởng trinh sát, tôi dễ dàng  nhận ra tiếng nổ từng loại vũ khí bằng kỹ năng nghiệp vụ. Chuyện gì thế này? Tôi căng mắt quan sát. Địch đâu chẳng thấy, chỉ thấy những người dân lành bị bắn đổ vật xuống như ngả rạ. Máu trào lai láng, tiếng kêu khóc như ri. Lợi dụng vật che đỡ, tôi ngược làn đạn tiến gần tới ổ súng đang khạc lửa.
- Đừng bắn nữa! Tôi đây! Thạch trinh sát tiểu đoàn 8 đây!
Nghe tiếng tôi, họng súng khạc thêm mấy viên đạn nữa mới chịu ngừng.
Tôi quát:
- Địch đâu mà các ông bắn dữ thế? Tý nữa thì thịt cả mình.
Mâý ông lính trẻ tròn mắt nhìn tôi ngơ ngác. Họ trả lời tôi:
- Anh ơi! đây là lệnh.
- Lệnh gì mà lệnh, các ông mù à? Toàn dân lành đang chết chất đống kia kìa!
- Anh không biết đấy thôi. Cấp trên lệnh cho bọn em “giết lầm hơn bỏ sót”. Bọn em được phổ biến là dân ở đây ác ôn lắm!
- Tôi mới từ đằng kia lại, không có địch đâu. Các ông không được bắn nữa để tôi kiểm tra tình hình thế nào. Có gì tôi chịu trách nhiệm!
Thấy tôi cương quyết, đám lính trẻ nghe theo. Tôi quay lại phía hàng trăm người bị giết và bị thương. Họ chồng đống lên nhau máu me đầm đìa, máu chảy thành suối. Một cụ già bị bắn nát bàn tay đang vật vã kêu lên đau đớn. Tôi vực cụ vào bóng mát rồi dật cuốn băng cá nhân duy nhất bên mình băng tạm cho cụ. Lát sau tôi quay lại thì cụ đã tắt thở vì máu ra quá nhiều. Một chỗ thấy 5 người con gái và 5 người con trai bị bắn chết châu đầu vào nhau. Tôi hỏi người lính trẻ đi theo bên cạnh:
- Ai bắn đấy?
- Đại đội phó Hường đấy anh ạ!
Lại nữa, tôi ngó vào cửa một gia đình, cả nhà đang ăn cơm, anh bộ đội cụ Hồ nào đó đã thả vào mâm một quả lựu  đạn, cả nhà chết rã rượi trong cảnh cơm lộn máu. Tôi bị sóc thực sự. Hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ “Đi dân nhớ ở dân thương” mà thế này ư? Cứ bảo là Mỹ nguỵ ác ôn chứ hành động dã man này của chúng ta nên gọi là gì? Tâm trạng tôi lúc đó như có  bão xoáy. Mặc dù vậy, tôi vẫn nhận ra ngay những việc cần làm. Tôi tập trung những người sống sót lại. Bảo chị em Phụ nữ và trẻ con ra rừng tổ chức ăn uống nghỉ tạm. Cốt là không cho mọi người chứng kiến lâu cảnh rùng rợn này. Đàn ông từ 18 đến 45 tuổi có nhiệm vụ ra sau ấp đào cho tôi một cái hố. Trong ấp ai có xe ô tô, xe lam, máy cày phải huy động hết để chở người bị thương đi viện. Mọi người đồng thanh:
- Xe thì có nhưng dọc đường sợ bị bộ đội giải phóng bắn lắm!
- Không lo, có tôi đi cùng!
Tôi giao cho Nghê, một du kích dẫn đường vừa có bố bị bộ đội cụ Hồ sát hại:
- Việc lỡ như thế rồi, chú nén đau thương lại giúp anh. Thu hồi căn cước  tư trang của những người đã chết sau này còn có việc cần đến.
Thế là suốt chiều hôm đó, tôi lấy một miếng vải đỏ cột lên cánh tay trái. Lăm lăm khẩu AK ngồi trên chiếc xe dẫn đầu đoàn lần lượt chở hết người bị thương ra bệnh viện Suối Tre. Tối hôm ấy, tôi cho chuyển hết xác người bị chết ra cái hố đã đào. Không còn cách nào khác là phải chôn chung. Trưa ngày hôm sau người ta mới dám lấp. Đây là ngôi mộ tập thể mà trong hoàn cảnh ấy tôi buộc lòng phải xử lý như vậy. Trời nắng gắt, để bà con phơi thây mãi không được. Một nấm mồ chung hàng trăm người lẫn lộn, không hương khói, không gì hết. Tôi cho dọn vệ sinh sạch sẽ những chỗ mọi người bị tàn sát. Xong, mới dám cho đám phụ nữ và trẻ con ở ngoài rừng về. Tôi vượt mặt cả cấp trên để làm việc theo tiếng gọi lương tâm của mình. Bằng mọi lỗ lực có thể để cứu giúp đồng bào. Tưởng thế là tốt, sau này nghĩ lại mới thầy hành động của mình giống như sự phi tang tội ác cho những anh bộ đội cụ Hồ. Thú thật lúc ấy tôi vẫn còn một phần ngu tín. Cũng muốn bảo vệ danh dự cho đội quân lính cụ Hồ luôn luôn được ca ngợi là tốt đẹp. Tuy vậy tôi bắt đầu nghi ngờ “Tại sao người ta giết người la liệt rồi bỏ mặc. Chẳng lẽ họ mất hết nhân tính rồi sao?”


Bộ đội csBV về thành phố sau 30-4-1975

Công việc xong tôi gặp Nghê để chia buồn. Tôi không tránh khỏi cảm giác tội lỗi. Nghê đã đưa xác bố về chôn tạm ở nhà bếp. Tội nghiệp Nghê quá. Lặn lội đi theo cách mạng, ngày Nghê dẫn bộ đội về giải phóng ấp lại là ngày bộ đội cụ Hồ giết chết bố Nghê. Nghê “mừng chưa kịp no” đã phải chịu thảm cảnh trớ trêu đau đớn. Nghê buốn rầu nói với tôi:
Hôm qua nghe lời anh. Em thu được hai nón đồng hồ, tư trang và căn cước của những người bị giết. Sau đó có một anh bộ đội bảo đưa cho anh ấy quản lý. Em giao lại hết cho anh ấy để lo việc chôn ba.
- Em bị thằng cha nào đó lừa  rồi. Thôi quên chuyện đó đi em ạ. Anh thành thật chia buồn với em. Chiến tranh thường mang đến những điều không may tột cùng đau đớn mà chúng ta không thể lường trước được. Anh cũng đang cảm thấy có lỗi trong chuyện này.

* * *


Nhà văn- Nhà thơ bất đồng chính kiến Trần Đức Thạch. bị tuyên án 3 năm tù ngày 10 tháng 8 năm 2019

... Đã mấy chục năm qua, khi hàng năm, khắp nơi tưng bừng kỷ niệm chiến thắng 30/4 thì tôi lại bị ám ảnh nhớ về hàng trăm dân lành bị tàn sát ở ấp Tân Lập. Cái hố chôn người bây giờ ra sao? Người ta sẽ xử lý nó như thế nào hay để nguyên vậy? Tôi muốn được quay lại đó để thắp nén hương nói lời tạ tội. Vô hình dung việc làm tốt đẹp của tôi đã giúp cho người ta bưng bít tội ác. Không! Người dân ấp Tân Lập sẽ khắc vào xương tuỷ câu chuyện này. Nỗi đau đớn oan khiên lúc đấy chưa thể phải nhoà được. Còn những người tham gia cuộc tàn sát ấy nữa, có lẽ họ cũng vô cùng dằn vặt khi nhận những tấm huân chương do Đảng và Nhà nước trao tặng sau ngày chiến thắng. Ý nghĩ ấy giúp tôi dũng cảm kể lại câu chuyện bi thương này.
Sau ngày giải phòng Miền Nam 30/04/1975 tôi có chụp một kiểu ảnh đang cởi áo, lột sao dang dở. Tôi đem tặng cho một thằng bạn đồng hương chí cốt. Hắn run người, mặt tái mét:
- Tao không dám nhận đâu, họ phát hiện ra tấm ảnh này quy cho phản động là chết cả lũ!.   
Bạn tôi sợ là đúng. Vì cậu ta là Đảng viên. Nhưng điều bạn ấy không hiểu là tôi làm vậy vì cảm thấy hổ thẹn và nhục nhã cho anh bộ đội cụ hồ khi nghĩ tới vụ thảm sát ở ấp Tân Lập...

Trần Đức Thạch
Cựu phân đội trưởng trinh sát
Tiểu đoàn 8  - Trung đoàn 266 - Sư đoàn 341 - Quân đoàn 4

Nguồn: Internet

 

Đăng ngày 25 tháng 10.2020