Tạp ghi sau 40 năm

Ngộ Không Phi Ngọc Hùng

tap ghi

Nếu bạn bắn súng lục vào quá khứ, tương lai sẽ bắn đại bác vào bạn.
Rasul Gamzatov

Bạn có thể từ bỏ được mọi thứ nhưng bạn không thể từ bỏ được quá khứ.
Abraham Lincoln


Kỳ 5

Ngày thứ 13 : 22-3-1975
Trận địa từ Huế tới Đà Nẵng

Kịch chiến trên Quốc lộ 1 đoạn từ Huế đi Đà Nẵng từ 20 đến 23-3-1975.
Ngày 22-3, để ngăn chận cuộc di tản chiến thuật của Sư đoàn 1 BB và các lực lượng phòng thủ Huế có thể xảy ra và với ý đồ cô lập Huế, Sư đoàn 324 và 325 chận đánh Sư đoàn 1 BB phía nam Huế.
Ngày 23-3-1975, Viên đến gặp Thiệu vào buổi sáng ở dinh tổng thống, báo cho Thiệu biết những tin cuối cùng về Huế. Sư đoàn 1 đã hoàn toàn tan rã. Một giờ sau, Trưởng công nhận sự thật ấy bằng radio. Ông nói thêm Huế không thể chống đỡ được quá một ngày. Để giảm bớt sự đổ máu, ông ta xin phép bỏ ngay thành phố. Khi Thiệu nghe tin ấy, ông ta nổi giận lôi đình hơn bao giờ hết. Đi lại trong phòng làm việc, giữa các cố vấn, ông lên án tư lệnh Quân khu 1 phải chịu trách nhiệm về sự tan rã của Sư đoàn 1, sẽ bị nghiêm phạt.
Nhưng tất cả chuyện đó chỉ là đóng kịch. Thiệu biết rõ rằng mặc dù ông ta hy vọng không xảy ra, phải bỏ Huế ngay tức khắc.
(Decent Interval - Frank Snepp)

Trận địa từ Huế tới Đà Nẵng
Ngày 23-3-1975, Trung đoàn 51 BB còn đóng ở cây số 17 và các trung đoàn khác vẫn còn tại các căn cứ đóng quân của mình, nhưng qua ngày 24-3 thì…mạnh ai nấy chạy! Dân chúng và quân lính chen nhau tìm đường thoát nạn không còn hàng ngũ, không còn trật tự. Thậm chí còn bắn nhau để dành đường.
Ngày 24-3, Bắc quân đánh Truồi, Đá Bạc, khiến cho quân và dân chạy đến đây thêm rối loạn. Cũng ngày 24-3, Thiếu tướng Hoàng Văn Lạc, tư lệnh phó QĐ 1 dùng trực thăng bay ra Huế để quan sát tình hình. Khi đến Thừa Lưu, thấy binh lính bên dưới chạy hỗn loạn liền cho trực thăng đáp xuống và hỏi thuộc cấp là lệnh của ai cho rời đơn vị thì không ai trả lời được.
(Lê Hùng)

Bên lề trận chiến
Đại tướng Viên cho biết: Sau khi nhận chỉ thị của tổng thống, trung tướng Trưởng trở về Đà Nẵng trong ngày 19-3. Suốt trong 6 ngày tiếp theo, dù tình hình Quân khu I trở nên rất đáng ngại, nhưng trung tướng Trưởng vẫn muốn giữ Huế và một số vị trí trọng yếu tại Quân khu I. Sau khi suy nghĩ và phân tích tình hình, tướng Trưởng đã gọi điện thoại theo đường dây đặc biệt trình bày ý kiến với đại tướng Viên nhờ xin với tổng thống cho ông được tận dụng mọi cách để giữ Huế và Vùng 1. Cuối cùng tổng thống chấp thuận.
Được sự đồng ý của tổng thống, trung tướng Trưởng bay ra Huế họp với Trung tướng Lâm Quang Thi, tư lệnh tiền phương quân đoàn, về kế hoạch phòng thủ Huế. Tướng Trưởng ra lệnh phải giữ Huế thật vững.
Thế nhưng ngay chiều hôm đó, khi trở lại Đà Nẵng, tướng Trưởng nhận được mật lệnh do đại tướng Viên ký thừa lệnh tổng thống là…phải bỏ Huế.

Ngày thứ 14 : 23-3-1975
Trận chiến Huế
Sáng ngày 23-3, Trung đoàn 1 BB và Liên đoàn 15 BĐQ kịch chiến với Bắc quân trên Quốc lộ 1, thì tại Huế, Bắc quân bắt đầu tấn công một số vị trí trong thành phố Huế và vòng đai phụ cận.
Chiều 23-3, Trung tướng Ngô Quang Trưởng gọi Chuẩn tướng Nguyễn Văn Điềm, tư lệnh Sư đoàn 1 BB vào Đà Nẳng để duyệt xét lại tình hình phòng thủ Huế. Cuối cùng, trung tướng Trưởng buồn bã nói với tướng Điềm: Thôi đành phải cho rút khỏi Huế vậy.
Tướng Điềm trở lại Huế ngay chiều 23-3. Khi vừa ra khỏi văn phòng trung tướng Trưởng để ra trực thăng, ông gặp Thiếu tướng Bùi Thế Lân, tư lệnh thủy quân lục chiến. Tướng Lân cũng được tướng Trưởng mời đến để thông báo về việc rút quân khỏi Huế. Theo lời tướng Lân kể lại khi vào gặp tướng Trưởng, vị tư lệnh Quân đoàn I đã nói ngay cho tướng Lân biết là ông đã cho lệnh bỏ Huế theo chỉ thị của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Tướng Lân bàng hoàng khi nghe tin này và hỏi lại tướng Trưởng: Khi nào chúng ta sẽ rút khỏi Huế?.
Tướng Trưởng nghẹn ngào nói: Đêm nay. Rồi thôi, hai vị tướng nhìn nhau...
Huế lọt vào tay địch ngay đêm 23-3-2975.
- : Phát ngôn viên chính phủ (Nguyễn Văn Hiền?) tuyên bố Huế thất thủ ngày…25-3-1975.

Bên lề trận chiến
Nói những ngày cuối cùng của Vùng 1 và miền Nam, mỗi khi tôi ôn lại trong những năm tháng tù đầy, hoặc viết lại trong hồi ký, luôn luôn lại làm tôi xúc động một cách mạnh mẽ và có phần khó hiểu. Trở lại những tháng đầu năm 1975, tôi nhớ lại cái không khí lo âu, mơ hồ cứ lẩn quẩn thấm vào tâm trí mọi người, những lo âu sợ hải hình như không có nguyên cớ rõ rệt.
Sau cái lần Trung tướng Ngô Quang Trưởng đi phó hội với CINPAC về, trong bữa uống rượu ở vườn buổi chiều trước tư dinh của ông, khi được tôi hỏi ông đã thở dài nói chậm rải: Anh biết đấy, kỳ nầy mà địch tổng tấn công vào Vùng 1, Hoa Kỳ sẽ chẳng còn có thể yểm trợ mình về hải pháo hay phi cơ của hạm đội. Khi đó đương nhiên mình phải tự lực cánh sinh chiến đấu với những gì mình có và với tình trạng tiếp vận giảm sút đến gần 80% so với thời kỳ chưa ký hiệp định Paris. Sau đó chúng tôi đã ngồi lẳng lặng uống rượu tiếp và cũng chẳng trao đổi với nhau lời nào cả nửa tiếng đồng hồ.
Khi Đại tướng Trần Thiện Khiêm kiêm thủ tướng tới họp tại tiểu khu Quảng Trị, ông đã quay sang nói một câu ngắn ngủi với đại tá Kỳ, tỉnh trưởng Quảng Trị (1): Anh Kỳ hãy lo đưa tòa hành chánh và dân Quảng Trị di tản vào Huế. Một quyết định đã có sẵn và được ban bố không một lời giải thích về nguyên nhân chiến lược sâu kín và áp lực của địch, đã nổ ra như một tiếng sấm động trong một ngày trời đang quang đãng. Cả một hội trường, từ cấp cao đến cấp thấp đều ngồi lặng đi, trước viễn tượng của một thảm họa, vì trong thâm tâm, ai cũng có một ý nghĩ thế là đúng rồi: Trung ương đã quyết định rút quân ra khỏi Vùng 1 và như vậy là bỏ Vùng 1.
(Những ngày cuối cùng của Vùng 1 và miền Nam - Duy Lam)
(1) Tỉnh trưởng Quảng Trị trước đó là Đại tá Hà Mai Việt. Ông là đồng tác giả với Thiếu tướng Hoàng Văn Lạc, tư lệnh phó Quân đoàn I qua tác phẩm Nam Việt Nam 1954-1975.
Cuối tháng 3-1975, thiếu tướng tư lệnh phó Quân đoàn I đi công tác vài ngày ở Saigon rồi...
Xem Can trường trong chiến bại của Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại ở phần dưới.

Góp nhặt…ghi chép…
Ngày 19-3, tướng Trưởng về Sài Gòn họp lần thứ hai, trình bầy hai kế hoạch lui binh:
Kế hoạch Một:
- Các đơn vị sẽ theo Quốc lộ 1 từ Huế, Chu Lai về Đà Nẵng, trong trường hợp Quốc lộ 1 bị cắt thì sẽ theo Kế hoạch Hai.
Kế hoạch Hai:
- Các lực lượng quân đoàn sẽ tập trung tại ba cứ điểm Huế, Đà Nẵng và Chu Lai, tầu hải quân sẽ chuyên chở lính từ Huế, Chu Lai về Đà Nẵng. Trong cả hai kế hoạch Đà Nẵng vẫn là điểm tựa cuối cùng, tướng Trưởng đề nghị giữ cả ba cứ điểm để phân tán lực lượng địch.
Tướng Viên cho rằng kế hoạch của tướng Trưởng là hợp lý: Kế hoạch lui quân của Quân đoàn I soạn thảo rất hợp lý và đầy đủ, gồm kế hoạch dự phòng để đối phó với những bất ngờ do địch gây ra. Kế hoạch Hai dự trù các đơn vị của Quân đoàn I rút hết về Đà Nẵng, chúng ta chỉ còn hai hành động phải làm: Cố thủ tại chỗ hoặc rút bằng đường biển nếu tình thế bắt buộc.
(Trọng Đạt)

Quảng Trị - Huế - Đà Nẵng
Lữ Đoàn 258 TQLC di chuyển từ Quảng Trị tới đèo Phước Tượng, nằm giữa Huế-Đà Nẵng với nhiệm vụ rõ ràng: Bảo vệ lưu thông trên QL1. Chờ đợi và bảo vệ đạo quân tiền phương QĐ1 rút từ Huế-Quảng Trị về Đà Nẵng.
Từ ngày 18-3 đến ngày 23-3-1975 dân tị nạn Huế, Quảng Trị đi đầy đường chạy về Đà Nẵng, quân Bắc Việt muốn tái diễn một “Đại lộ kinh hoàng” năm 1972, nhưng thất bại vì phía tây QL1 có quân ta bố trí, chúng không thể tới gần QL1, mà chúng chỉ dùng đại bác đặt trong núi Trường Sơn bắn vào dân tị nạn, nhưng đa số đạn đại bác đã nổ trên vách núi hai bên QL1.
Sáng ngày 25-3, LĐ258 TQLC được lệnh của Trung tướng Ngô Quang Trưởng bỏ đèo Phước Tượng rút về Đà Nẵng, LĐ15 BĐQ đóng bên cạnh LĐ258 TQLC chia làm hai, một phần đi hướng bắc về Huế an toàn, còn một phần đi theo TQLC về phía nam, đi qua Phú Lộc. Sau khi qua Phú Lộc, được xe quân vận chở về Đà Nẵng an toàn cùng ngày…
(Phạm Vũ Bằng)

Góp nhặt…ghi chép…
Sau khi Quảng Trị và Huế bị bỏ ngõ, Quảng Tín và Quảng Ngãi thất thủ, Đà Nẵng đang bị những gọng kềm sau đây siết chặt: Sư đoàn 324, Sư đoàn 325 cùng với vài thành phần của Sư đoàn 304 từ Quảng Trị kéo quân về nam.
Đồng thời Sư đoàn 2, Lữ đoàn 52 (thuộc Quân đoàn 3 Tây Nguyên hay Quân khu 5) từ Quảng Tín và Quảng Ngãi xua quân lên hướng bắc.
(Wikipedia)

Huế - Chu Lai - Đà Nẵng
Ngày hôm sau, 20-3, tổng thống Thiệu lên đài phát thanh đọc lời hiệu triệu giữ Huế bằng mọi giá. Nhưng tối đêm đó, ông Thiêu đôi ý: Ông ra lệnh cho Bộ tổng tham mưu đánh cho tướng Trưởng một quân lệnh, cho biết Sài Gòn chỉ còn đủ phương tiện để yểm trợ cho 1 trong 3 cứ điểm kháng cự. Trong 3 cứ điểm Huế, Chu Lai, Đà Nẵng, tướng Trường phải chọn một. Dĩ nhiên, Đà Nẵng phải là cứ điểm ưu tiên. Tướng Trưởng ra lệnh di tản về Đà Nẵng.
Đại tướng Frederick Weyand, đang là tư lệnh lục quân Hoa Kỳ, trong tờ tường trình cho tổng thống Ford sau chuyến viếng thăm ở Việt Nam cuối tháng 3-75, cũng cho biết trong tuần lễ đó, tướng Trưởng đã nhận 3 quân lệnh trái ngược nhau từ tổng thống Thiệu.
(Nguyễn Kỳ Phong)

Đà Nẵng di tản
Ngày 25-3, trong hoàn cảnh hỗn loạn của Đà Nẵng, tướng Trưởng nhận thêm một tin không vui từ Sài Gòn: Đích thân Trung tướng Lê Nguyên Khang đang là tổng tham mưu phó bay ra Đà Năng đưa cho tướng Trưởng một quân lệnh yêu câu ông trả lại sư đoàn TQLC ngay lập tức.
Ngày 27-3, khoảng 9 giờ đêm, ông gọi tướng Viên báo cáo tình hình và yêu cầu cho phép ông di tản sư đoàn TQLC và những trung đoàn còn lại của Sư đoàn 1 và 3. Tướng Viên nói đó là quyết định của tổng thống Thiệu. Tướng Trưởng gọi dinh Độc Lập, nhưng tổng thống Thiệu không có mặt. 10 giờ đêm tổng thống Thiệu gọi lại …sau khi nghe tướng Trưởng báo cáo tình hình, ông Thiệu hỏi tướng Trưởng sẽ giải quyết rạ sao. Tướng Trưởng trả lời ông sẽ giải quyết theo sự biến chuyên của tình hình. Tổng thống Thiệu cúp điện thoại.
Ngày 27-3, vài phút sau đó, tướng Trưởng ra lệnh di tản khỏi Đà Nẵng.
Nhưng không, đến đó không còn di tản nữa. Vì chữ di tản có chứa đựng một khái niệm về sự thứ tự và trật tự trong lúc lui quân. Địch đã cắt nát Quốc lộ 1 ra từng đoạn và đang dùng pháo binh để hăm dọa các cửa khẩu từ biển đi vào bờ. Đến giờ phút dó, chữ bỏ ngõ có nghĩa và đúng nghĩa hơn chữ di tản.
Ngày 29-3, Đà Nẵng và Vùng 1 mất hai ngày sau đó...
(Nguyễn Kỳ Phong)

Ngày thứ 15 : 24-3-1975
Tam Kỳ
Ngày 24-3, đặc công đột nhập vào Tam Kỳ (thuộc Quảng Nam).
Tiếp đến Hội An, Chu Lai (thuộc Quảng Nam).
Địa giới tận cùng của Vùng 1 chiến thuật là Quảng Ngải sau đó cũng rơi vào tay Bắc quân.
Quảng Ngải mất ngày 29-3-1975.
(Wikipedia)

Tam Kỳ trong mắt bão
Tam Kỳ trở thành chiến trường đẫm máu. Địch tung lực lượng hùng hậu nhất của Quân khu 5 là Sư đoàn 2 Bắc quân với nòng cốt là Trung đoàn 31 và 38, cộng với Lữ đoàn 52 cùng một tiểu đoàn đặc công tăng cường.
Hai ngày 21 và 22-3-1975, cường độ giao tranh tại Quảng Tín đã lên đến cực điểm. Trong khi đó yểm trợ không quân bị hạn chế. Chỉ riêng pháo đội (4 khẩu 105 ly) của Liên đoàn 12 BĐQ vừa nhận tiếp tế ngày 22-3 thì buổi tối hôm đó đã gọi về bộ chỉ huy liên đoàn xin thêm đạn. Bộ tư lệnh tiền phương của Sư đoàn 2 BB (1) cũng rối rắm không kém khi ban 4 của LĐ12 BĐQ vào tận bản doanh để xin thêm đạn dược các loại. Mang tiếng là tăng phái cho Sư đoàn 2 BB nhưng phòng 4 của sư đoàn cũng rất công bằng trong việc phân phối tiếp liệu phẩm các loại, nhất là đạn dược cho BĐQ. Nhưng phải nói là cả hai đơn vị đang “đồng cam cộng khổ” vì tiếp liệu thì như mưa rào tưới ruộng khô, mà nhu cầu chiến trường thì đang bước vào giai đoạn xả láng của một canh bạc. Thật là buồn lòng khi mọi thứ đều phải tiết kiệm. Từng đơn vị của Sư đoàn 2 BB và BĐQ lần lượt bể tuyến.
Chủ nhật, 23-3, địch bày thế trận, chọn sân chơi. Ta lâm vào thế bị động ngay từ phút đầu lâm chiến. Địch chiếm đâu, giữ đó. Ta cạn láng lần hồi. Đất thuộc về người dân cùng đường lánh nạn nên một số phải ở lại nơi chôn nhau cắt rốn vì không thể theo chân của lính.
Trên đường lui quân vội vã, đã có nhiều tử sĩ phải nằm lại trên tuyến đầu. Trong giờ phút quyết liệt nhất của chiến trận, sự di tản của toàn thể thương binh đã là một cố gắng tột cùng của các đơn vị. Việc bỏ lại đồng đội các cấp tại mặt trận là việc chẳng đặng đừng, đó là chưa nói đến việc kêu gọi bỏ bom pháo binh ngay trên hố chiến đấu trong khi đã “cài răng lược” với quân địch. Sự quyết chiến và quyết tử này của Tiểu đoàn 2/5/SĐ2 BB đã chận đứng sự di chuyển của Bắc quân trong đêm 22-3. Nhờ đó mới có cơ hội chỉnh đốn lại đơn vị và dàn trận tuyến mới, chỉ cách Tam Kỳ chừng hơn một tầm đạn hiệu quả của súng cối 61 ly.
(Hùynh Văn Của)
(1) Chuẩn tướng Nguyễn Văn Hiếu, tư lệnh SĐ 2 đối đầu với sư đoàn của địch cùng tên là Sư đoàn 2 thuộc Quân đoàn 3 Tây Nguyên.

Một cơn gió bụi
Trung tá Nguyễn Văn An, liên đoàn trưởng Liên đoàn 12 BĐQ tử trận ngày 29-3-1975.

Tam Kỳ trong mắt bão
Ngày 23-3-1975, bỗng dưng tiếng súng vang trời từ hai tuần qua thưa dần rồi im hẳn vào buổi xế trưa. Các đơn vị tham chiến hối hả chấn chỉnh nhân lực. Việc tái phối trí cũng như di chuyển thương binh được thực hiện trong tình trạng khẩn cấp. Chỉ đáng buồn hơn hết là đạn dược đã cạn. Sau mấy ngày căng thẳng vừa qua, ai cũng đau lòng vì chuyện đánh đấm mà phải dè xẻn, tính toán!. Người lính VNCH chưa bao giờ lâm vào tình trạng bi đát như lúc này: Phi pháo đều hạn chế vì không phải chỉ có Quảng Tín mà toàn cõi quân khu từ Quảng Trị vào tới Quảng Ngãi đều có nhu cầu ngang nhau. Thì cũng đành tới đâu hay tới đó. Lính mà em!
Chiến trường lắng dịu không có nghĩa là tình hình đã yên ổn. Trong hoàn cảnh của Tam Kỳ chiều nay thì câu hỏi lảng vảng trong đầu mọi người là đối phương đang toan tính những gì. Địch cũng đang gom quân chuẩn bị cho cú tắp dứt điểm, hay đang say men chiến thắng và chỉ lo vơ vét chiến lợi phẩm, hoặc bận khoác lác với người dân hôm qua còn thuộc quốc gia, bây giờ đã nằm trong sự cai trị của nón cối và dép râu. Tam Kỳ đang sinh hoạt trong tình trạng người dân đã bỏ đi quá nửa. Trên gương mặt của từng người còn ở lại là nỗi bất an mặc dù quán xá vẫn bán buôn như thường lệ. Lính vẫn còn đây, dân chưa tuyệt vọng.
Chiều nay yên lắng nhưng ngày mai sẽ ra sao?! Tam Kỳ đang hồi hộp từng giờ và không khí ngộp thở không khác gì đang ở ngay trong mắt bão. Sự yên lặng rợn người trước khi cuồng nộ bủa vây càng chùng xuống khi hoàng hôn gác núi. Bóng tối dày đặc hơn thường lệ vì đã có nhiều nhà trống, sân không, và phố xá thưa thớt xe cộ. Đêm lại về trong đặc quánh thinh không. Đêm dài nhất của Tam Kỳ (1) đang bắt đầu với câu hỏi: Rồi mai sẽ ra sao?!
Câu trả lời chỉ biết dành cho định mệnh!
(Hùynh Văn Của)
(1) Tam Kỳ mất ngày 29-3.

Góp nhặt…ghi chép…
Ngày 26-3, Polgar báo cáo tinh thần chiến đấu của quân đội VNCH “như chúng ta từng biết” không còn nữa sau vụ rút khỏi cao nguyên và Hà Nội có thể kết thúc sự tồn tại của VNCH một cách nhanh chóng nếu họ muốn, ngoại trừ vận động Nga khuyên Hà Nội đừng hấp tấp.
Ngoại trừ có áp lực quân sự như Mỹ lợi dụng miền Bắc đang bỏ trống. (1)
(1) Theo những nguồn ở trên, Bắc Việt chỉ còn 2 sư đoàn trong số 7 sư đoàn tổng trừ bị trên toàn cõi miền Bắc đóng quân ở Thanh Hoá. Nhưng theo tướng Võ Nguyên Giáp chỉ có (1) một sư đoàn duy nhất là Sư đoàn 308 ở Hà Tây để bảo vệ Hà Nội .
Góp nhặt sỏi đá
Sau khi Bộ chính trị và Quân ủy nhất trí “giải phóng miền Nam năm 75”, tướng Giáp đi Ninh Bình, ông quyết định đưa vào Nam Quân đoàn 1, quân đoàn cuối cùng của miền Bắc.
Khi ấy Quần đoàn 1 đang giúp dân đắp đê ở Ninh Bình theo kế hoạch nghi binh, nhận lệnh báo động, nhanh chóng theo trục Quốc lộ 1 hành quân vào Nam. Chỉ để lại Sư đoàn 308 ở khu vực Hà Tây làm nhiệm vụ dự bị và bảo vệ Hà Nội.
(Huy Đức - Quyền bính)

Quân sử ngoại truyện
Ngày 24-3, Bộ chính trị và Quân uỷ thông qua kế hoạch lập “Mặt trận Quảng Đà” lấy mật danh là “Mặt trận 475” do Trung tướng Lê Trọng Tấn làm tư lệnh.
Sáng 25-4, ông cùng bộ phận chiến dịch đi máy bay vào Quảng Bình, sau đó chuyển tiếp bằng trực thăng vào Quảng Trị. Bộ tư lệnh 475 theo đường 72 ra Động Truồi định để chỉ huy đánh Huế và Đà Nẵng. Nhưng giữa đường được tin quân ta đã giải phóng Huế vào ngày 25-3.
Không còn phải đánh nhau ở Huế, Quân đoàn 1 được lệnh quay ngược về lại Quảng Trị. Chuyển trục hành quân từ Quốc lộ 1 sang đường Trường Sơn. Ba vạn người cùng với 1053 xe pháo các loại rầm rộ tham gia cuộc hành quân thần tốc, ngày 16-4 thì vào đến Đồng Xoài.
(Huy Đức - Quyền bính)

Chu Lai – Quảng Ngãi
Ngày 29-3 ở Chu Lai và Quảng Ngãi, Sư đoàn 3 (1) không còn có thề coi là một đơn vị chiến đấu. Binh lính và dân chúng vật lộn với những tàu đánh cá để ra khơi. Quá trưa, thị xã Quảng Ngãi và căn cứ không quân Chu Lai không còn gì để bảo vệ nên tự thất thủ.
Khi tướng Dũng được tin ấy, ông không nén được xúc động, ông viết trong hồi ký: Tôi châm lửa vào điếu thuốc. Tôi đã "cai" thuốc từ lâu, nhưng mỗi lần giải quyết được một vấn đề gì gai góc, giành được một thắng lợi gì lớn, được tin một chiến thắng thì hút một điếu cho vui.
Sự vui mừng của ông không ngăn cản ông chuẩn bị cho cuộc tấn công mới: Đà Nẵng.
Ông ở quá xa mặt trận Quân khu 2 (tức Quân khu 1 VNCH) để có thể trực tiếp chỉ huy, nhưng ông có những ý kiến rõ ràng về cách điều khiển chiến dịch. Ông đề nghị với Hà Nội (2) để tướng Lê Trọng Tấn, tổng tham mưu phó quân đội Bắc Việt làm tư lệnh mặt trận Đà Nẵng.
Bộ chính trị chấp nhận. Tướng Tấn rời Hà Nội bằng máy bay trực thăng, đặt sở chỉ huy ở phía tây Đà Nẵng. Những sư đoàn quân Bắc Việt của tướng Lê Trọng Tấn lúc này ở cách Đà Nẵng 3 cây số. Thành phố đã bị bắn phá dữ dội.
Mấy giờ trước họ đã chiếm Hội An. Đó là thị xã thứ 13 Bắc quân chiếm được từ ngày họ mở chiến dịch Đông-Xuân. (Decent Interval - Frank Snepp)
(1) Tư lệnh Sư đoàn 3 là Thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh.
(2) Từ Tổng hành dinh do tướng Giáp chỉ huy ở Hà Nội, tháng 3-1975, tướng Lê Trọng Tấn đã được tướng Giáp cử chỉ huy mặt trận Quảng Đà (Quảng Trị-Đà Nẵng).

Sử lịch với ngày tháng
Ông Dương Văn Minh giúp cho Mỹ rút ra khỏi Việt Nam ngày 29-4-1975 khi ông thay ông Hương. (trước đó một tháng, ngày 29-3-175 Đà Nẵng thất thủ)
Đúng 10 năm về trước, ông cũng đã gíúp cho Mỹ vào Việt Nam qua cửa ngõ Đà Nẵng (1) năm 1965 khi ông Minh lật đổ ông Diệm.
(1) 10 năm về trước, trong buổi họp giữa tướng Dương Văn Minh và tướng Lâm Văn Phát với tướng Westmoreland và tướng Throckmorton mùa hè năm 1964 tại phi trường Đà Nẵng.
Sau đó 2 tiểu đoàn TQLC Mỹ đầu tiên (1.500 TQLC) đổ bộ lên Đà Nẵng: Ngày 8-3-1965.

Quân sử ngoại truyện
Tướng Lê Trọng Tấn là tư lệnh mặt trận Quảng Đà. Ngay khi chiến sự ở Quảng Trị còn đang tiếp diễn, ông đã gửi điện cho Quân đoàn 2 yêu cầu chuẩn bị hỏa lực đánh Đà Nẵng. Theo cuốn hồi ký Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng của tướng Võ Nguyên Giáp, ngày 26-3-1975, tướng Tấn, tướng Cao Văn Khánh và một số sĩ quan cao cấp khác được triệu tập để bàn kế hoạch giải phóng Đà Nẵng. Dựa trên lực lượng địch dồn về Đà Nẵng, theo Lê Trọng Tấn: Thời gian chuẩn bị phải mất….5 ngày.
Tuy nhiên lúc đó Võ Nguyên Giáp cho rằng khả năng địch tử thủ thật sự khó xảy ra nên ông lệnh cho cục quân báo nghiên cứu nếu địch rút Đà Nẵng thì rút nhanh nhất trong mấy ngày. Ngày 27-3 cục quân báo báo cáo khả năng địch rút khỏi Đà Nẵng nhanh nhất là trong 3 ngày. Võ Nguyên Giáp quyết định phải chuẩn bị phương án đánh trong 3 ngày phòng trường hợp địch rút vào phía trong. Cũng theo hồi ký của tướng Giáp, tướng Tấn viết:
Đánh Đà Nẵng nên để cho tướng Nguyễn Hữu An đánh theo đường số 1 về Mỹ Khê (phía đông Đà Nẵng) bịt đường rút lui bằng đường thủy của địch.
(Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng - Võ Nguyên Giáp)
- : Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân đà thắng trận Buôn Ma Thuột, trực tiếp ra lệnh Trung tướng Lê Trọng Tấn gấp rút giải phóng Đà Nẵng trong 3 ngày. Chính ông đề xuất và ra quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh mà trong đó Văn Tiến Dũng làm tư lệnh, Lê Trọng Tấn, Lê Đức Anh, Trần Văn Trà làm phó tư lệnh, chỉ huy 5 cánh quân với sức mạnh của 20 sư đoàn đồng loạt tiến vào giải phóng Sài Gòn. (Hồi ký chiến trường - Nguyễn Hữu An)
- : Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tán thành đề xuất của Trung tướng Hoàng Minh Thảo chọn địa bàn Nam Tây Nguyên làm hướng tấn công chiến lược. Ông xin ý kiến Bộ chính trị và cử Đại tướng Văn Tiến Dũng vào Nam chỉ đạo đánh đòn "điểm huyệt" vào hệ thống phòng ngự của Việt Nam Cộng Hòa tại Buôn Ma Thuột. (Hồi ký chiến trường - Nguyễn Hữu An)
Ngày thứ 16 : 25-3-1975
Đà Nẵng di tản
Ngày 21-3 đến 23-3, Bắc quân mở các cuộc tấn công vào một số vị trí phòng ngự của các đơn vị VNCH tại Huế,
Ngày 25-3, các đơn vj VNCH tại Huế triệt thoái, rút về Đà Nãng.
Ngày 28-3, tại Đà Nẵng, Trung tướng Ngô Quang Trưởng họp khẩn tại bộ tư lệnh quân đoàn. Nhiều biện pháp được gấp rút tái tổ chức các đơn vị các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Tín, Quảng Nam rút về. Màn đêm vừa buông xuống, Bắc quân kéo pháo 130 ly từ đèo Mũi Trâu để bắn vào phi trường, căn cứ hải quân. Một thành phần pháo binh khác từ hướng thung lũng Phước Tường cũng bắt đầu pháo kích vào bộ tư lệnh Quân đoàn I và nhiều căn cứ quân sự khác. Bắc quân cũng đã pháo kích dồn dập vào khu vực dân cư Đà Nẵng.
(Trần Khiêm)
Trần Khiêm, vào thời điểm này là phóng viên làm việc cho hãng truyền hình ABC, là phóng viên duy nhất còn sót lại tại Đà Nẵng vào những ngày cuối cùng của tháng 3 năm 1975.

Một buổi sáng mùa Thu có nắng vàng rực rỡ
Một buổi sáng mùa Thu có nắng vàng rực rỡ, ba anh TQLC già ngồi nhâm nhi nước trà tại Factory Cafe là tôi, Trần Như Hùng và Cao Xuân Huy, trên bàn thấy một tờ báo cũ đăng bài “Tại Sao Tôi Bỏ QKI” mà tác giả là Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, chúng tôi chia nhau đọc, Tướng Trưởng phủ nhận tất cả tội lỗi của các tướng lãnh QĐ1 bị kỷ luật và đổ tội làm mất QKI cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Đọc xong tôi thắc mắc hỏi hai đồng đội:
- Quân Đoàn I có quân số tương đương với địch, không đánh một trận nào cấp trung đoàn mà lại tan hàng chỉ trong có năm ngày, vậy mà không ai có lỗi?
Cao Xuân Huy cười rồi nói:
- Chỉ có mấy thằng lính là có tội thôi!
Đây cũng là câu cuối cùng Cao Xuân Huy nói với tôi vì chỉ mấy tuần sau anh đã lên tàu suốt để trở về bãi biển Thuận An tìm lại khẩu súng đã bị gẫy tháng Ba năm 1975.
(Viết cho mùa đại tang của binh chủng TQLC - Phạm Vũ Bằng)

Chữ nghĩa của một thời chinh chiến
trong quán nhậu
Trước 75, miền Nam có những câu “thành ngữ”
về thuốc lá xuất xứ từ quán nhậu, như:
Bastos : Biết anh sầu, tôi ôm sát.

Góp nhặt…ghi chép…
Tại Vùng 1 ngoài Quân đoàn 2 với 3 sư đoàn 304, 324, 325 Bắc quân còn có…
- Vì không còn phải đánh nhau ở Huế, Quân đoàn 1 (từ Ninh Bình kéo vào) được lệnh quay ngược về lại Quảng Trị theo đường Trường Sơn vào nam đánh Sài Gòn.
- Sư đoàn 2 Bắc quân với nòng cốt là Trung đoàn 31 và 38, cộng với Lữ đoàn 52 cùng một tiểu đoàn đặc công tăng cường. Cánh quân này thuộc Quân đoàn 3 Tây Nguyên (hay Quân khu 5) từ Quảng Tín và Quảng Ngãi xua quân lên hướng bắc đánh Đà Nẵng.
- Khoảng tháng 3-1975, Trung đoàn đặc công 116, Lữ đoàn tăng 203 tăng cường 54 xe tăng đã vượt vĩ tuyến 17 qua sông Thạch Hãn, tiến vào Quảng Trị.

Lạc đạn
Năm 75, đại bác 130 ly của Liên Xô là súng hạng nhất trên thế giới, nhưng ưu thế pháo binh của Bắc quân thực tế không hẳn là đại bác 130 ly, mà là hỏa tiễn chiến thuật 122 ly và 107 ly (Katyusa). Trái hỏa tiễn 107 ly có thể bắn xa 6 cây số, 122 ly 9 cây số. Hỏa tiễn Katyusa rất tiện lợi đối với trận địa, trái đạn được đặt tại một vị trí mật, kích hoả tự động, khi trái đạn được bắn đi thì người bắn đã rời xa điểm đặt giàn phóng. Sau đó thì không còn gì nữa cả.
Từ năm 1972, ta phát hiện Bắc quân trang bị hỏa tiễn tầm nhiệt SA7. Loại hỏa tiễn này rất gọn nhẹ, ống phóng có cỡ nòng 57 ly được người xạ thủ vác trên vai, khi xạ thủ bấm cò thì trái hỏa tiễn rời ống phóng đi với tốc độ 1,25 lần âm thanh. Do đó máy bay với tốc độ dưới tốc độ âm thanh sẽ bị hỏa tiễn dò theo luồng hơi nóng rượt theo và phát nổ trong ống xả khói máy bay.

Vì sao tôi bỏ Quân đoàn I
(…) Ngày 13-3-1975, được lệnh vào Sài Gòn họp, tôi (Ngô Quang Trưởng) vào đến Sài Gòn nhưng với sự ngạc nhiên là chỉ có mình tôi vào gặp tổng thống và thủ tướng mà thôi. Ngoài tôi ra, không có ai khác. Thường lệ, khi được lệnh về Sài Gòn họp thì đều có đầy đủ mặt các vị tư lệnh quân đoàn và tư lệnh các quân binh chủng khác. Tôi thắc mắc lo lắng. Nhưng khi tổng thống Thiệu cho biết ý định của ông là phải rút bỏ Quân đoàn I ngay hôm nay thì tôi mới vỡ lẽ, vì lệnh ra quá đột ngột ngoài sức tưởng tượng của tôi. Thật ra, lúc đó tình hình tại Huế và Đà Nẵng tuy có hơi nặng nề vì địch tấn công liên tiếp, tuy nhiên tôi đủ sức chống giữ và sẽ tăng cường sư đoàn dù cùng với thủy quân lục chiến ra những vùng đó để lấy lại ưu thế. Tôi trình bày cặn kẽ những ý kiến cũng như dự định của tôi lên tổng thống và thủ tướng nhưng không được chấp thuận. Lệnh bất di bất dịch là: Phải rút Quân đoàn I càng sớm càng hay. (…)
(Lê Bá Chư)

Can trường trong chiến bại
Qua tác phẩm Can trường trong chiến bại, dường như tác giả Hồ Văn Kỳ Thoại là người đầu tiên đề cập rất chi tiết đến biến cố cách đây 32 năm tại miền Nam Việt Nam trong tác phẩm của mình, một biến cố làm tê liệt một cách vô lý những bộ phận chỉ huy của những binh chủng trong một thời gian đủ nguy hiểm cho việc phòng vệ Vùng 1 chiến thuật. Cái khéo của cựu Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại là ông tường thuật ngắn gọn và mạch lạc và loại bỏ được cảm tính của chính ông đối với các sự kiện, theo lối ghi nhận của ông.
Ông đã để cho người đọc tự tìm lấy kết luận của họ.
Cách đây 32 năm, tôi cho rằng vào thời điểm chênh vênh đó một phần lớn là do tình hình quân sự biến đổi khá nhanh. Sự thất thủ Phước Long, rồi một chuỗi những sai lầm của vị tổng tư lệnh quân đội đương thời là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu khi ông ra lệnh cho Quân đoàn II và Quân đoàn I rút lui khỏi Pleiku, Kontum và Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng đã khiến các con cờ domino lần lượt ngã theo.
Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại đã để từ trang 197 đến những trang cuối của cuốn sách để mô tả tình hình rối loạn trong vùng trách nhiệm của ông: Vùng 1 duyên hải. Biến cố ở Quân đoàn I trước khi miền Nam Việt Nam rơi vào tay Hà Nội đã được nói tới nhiều, nhưng phần đông tác giả viết hồi ký chỉ lục tìm đống dữ kiện liên quan để mong đưa ra những huyền thoại. Ngoại trừ Hồ Văn Kỳ Thoại, chưa có tác giả nào chịu khó lục săn đuổi, hệ thống hóa và để mắt sâu vào chi tiết hiện thực của tình hình lúc đó ở Vùng 1 chiến thuật. Tuy nhiên, cũng chính vì lối làm việc kỷ luật, tỷ mỉ và kiên nhẫn dựa trên nhật ký hải hành, những điều ông viết ra có thể làm cho một số nhân vật được nêu tên không hài lòng, nhưng tác giả cho rằng ông cần phải trả sự thật về cho lịch sử. Lịch sử có tiếng nói riêng của nó. Chính trong dữ kiện mà tác giả đề cập trong tác phẩm, người đọc có thể tìm thấy nhiều con người còn trái tim nồng ấm với đất nước và ngay cạnh đó không thiếu những người vì quyền lực, công danh dễ biến thành tượng đá.
(Vũ Ánh)

Bên lề trận chiến
Tướng Trưởng rất ít nói, chính bà Trưởng cũng cho tôi biết ông chưa bao giờ viết bài báo nào. Mới đây, sau tang lễ tướng Trưởng, tôi hỏi bà về bài báo “Tại sao tôi bỏ Quân đoàn I” có phải ông viết không? Bà Trưởng cho biết bài đó không phải của tướng Trưởng!
Bà cho biết bài đó do nhà báo Lê Bá Chư ở Washington D.C. viết rồi đề tên tướng Trưởng vào. Bà tiếp: “Sau khi bài đó được đăng (1), ông Lê Bá Chư đã viết thư xin lỗi tướng Trưởng.
Bà cho hay tiếp: “Lá thư chị còn giữ ở nhà đây này”.
(Nguyễn Tường Tâm)
Nguyễn Tường Tâm là con Nguyễn Tường Cẩm, bà Trưởng con Thạch Lam.
(1) ÔngLê Bá Chư đăng trong Tạp chí Sóng Thần 1999, kỷ niệm 45 năm thành lập Thuỷ quân lục chiến VNCH.

Can trường trong chiến bại
em>Can trường trong chiến bại ở trang 248 và 249, tác giả Hồ Văn Kỳ Thoại viết về giây phút trước khi tư lệnh Quân đoàn I, tướng Ngô Quang Trưởng rời bỏ chiến trường.
“Tướng Thi (Lâm Quang Thi) đề nghị với tướng Trưởng cho ông ra một chiến hạm lớn để thành lập bộ chỉ huy hành quân lưu động cho Quân đoàn I. Tướng Trưởng chấp thuận. 10 giờ 45 phút (1) ngày 28-3, tướng Thi và đại tá Sơn rời căn cứ bằng trực thăng bay ra đáp trên dương vận hạm ngoài vịnh. Ðó là lần chót mà tướng Trưởng thấy mặt và nói chuyện với tướng Thi cho
đến khi hai người gặp lại nhau tại Tổng y viện cộng hòa ở Sài Gòn”
Người đọc có cảm nhận gì khi đọc lại ghi nhận này? Tác giả bỏ ngỏ kết luận về những hồi tưởng của ông và để cho người đọc tác phẩm đưa ra những nhận định riêng của mình. Tướng Thoại tránh sự lên án và trách cứ. Ông lại càng không muốn hướng dẫn những suy nghĩ của độc giả vào những ý định, điều thường thấy trong rất nhiều cuốn hồi ký ra đời tại hải ngoại. Ðây chính là điểm lôi cuốn người đọc đi sâu vao những chi tiết nhiều khi rất nhỏ nhưng phản ảnh được tình hình thực sự ở Quân đoàn I lúc đó.
Ðây, chúng ta hãy đọc một đoạn khác của hồi ký Can trường trong chiến bại:
Trong lúc tướng Trưởng còn đang ngồi trong văn phòng tôi thì đại úy Bá, chánh văn phòng của tôi đi vào phòng và nói nhỏ vào tai tôi rằng có Thiếu tướng Bùi Thế Lân và đoàn tùy tùng hiện đang ở dưới ban quân xa của căn cứ hải quân Vùng 1. Tôi chỉ thị đại úy Bá mời tướng Lân vào văn phòng tôi. Vài phút sau đó, đại úy Bá trở vào văn phòng tôi nói Thiếu tướng Lân từ chối lời mời của tôi. Tướng Lân đã cho tham mưu trưởng của ông là Ðại tá Quế, người đã có mặt tại trung tâm hành quân của bộ tư lệnh Vùng 1 duyên hải từ cả tuần lễ trước để bảo đảm rằng hải quân không bỏ quên thủy quân lục chiến.
Vài phút sau, tôi nhận được điện thoại của Chuẩn tướng Nguyễn Văn Ðiềm. Vì quyết định bỏ Huế xảy ra quá đột ngột, tướng Ðiềm đã cho lệnh toàn bộ Sư đoàn 1 tan hàng. Tướng Ðiềm nói với tôi một cách tuyệt vọng: Anh Thoại, tôi đã mất hết sư đoàn, bây giờ chỉ còn gia đình tôi, vợ và mấy đứa con, tôi xin anh cho tôi gửi gia đình tôi nhờ anh lo hộ. Tôi nói với ông, cứ đưa gia đình qua căn cứ hải quân để gặp tôi. Ðộ một tiếng đồng hồ sau thì đại úy Bá vào văn phòng báo cáo là gia đình tướng Ðiềm đã vào căn cứ và hiện đang ở ban quân xa...
(…)
(1) Buổi họp của Quân đoàn I ở căn cứ hải quân Tiên Sa chấm dứt: 10 giờ 30 tối ngày 28-3.

Vì sao tôi bỏ Quân đoàn I
(…) Hôm sau trong buổi họp tại Bộ tổng tham mưu, tôi có nói rằng: Việc phạt tướng Thi cùng hai tướng Thoại và Khánh và không đúng, họ chỉ là thuộc cấp của tôi, họ chỉ làm theo chỉ thị của tôi mà thôi. Họ không có tội gì cả, nếu có phạt thì xin phạt tôi đây này. (…)
(Lê Bá Chư)

Can trường trong chiến bại
Ở trang 247, tác giả Hồ Văn Kỳ Thoại mô tả về buổi họp cuối cùng quyết định rút lui toàn diện quân lực VNCH ra khỏi Quân khu I. Quyết định này diễn ra trong hầm chỉ huy của bộ tư lệnh Vùng 1 duyên hải:
Vì hầm chỉ huy chỉ chứa khoảng 10 người có thể làm việc được, nên tôi ra lệnh ngoài các tướng lãnh và Ðại tá Nguyễn Thế Lương (TQLC, bị thương), tất cả những sĩ quan khác phải sang hầm bên cạnh. Có mặt các Trung tướng Ngô Quang Trưởng, Lâm Quang Thi, Bùi Thế Lân, Nguyễn Duy Hinh và tôi. Vắng mặt trong buổi họp gồm tướng Ðiềm tư lệnh Sư đoàn 1 được tướng Trưởng chỉ định làm tổng trấn Ðà Nẵng đang ở tại đặc khu, Tướng Khánh, tư lệnh Sư đoàn 1 Không quân không rõ ở đâu vì phi trường Ðà Nẵng đang bị pháo kích, Thiếu tướng Hoàng Văn Lạc tư lệnh phó Quân khu I đi công tác vài ngày trước ở Saigon rồi ở lại đó luôn.
Khi các tướng lãnh vào hầm xong, trung tướng Trưởng tóm lược tình hình và chỉ thị như sau:
- Thiếu tướng Bùi Thế Lân cho xuống tầu Lữ đoàn 468 TQLC đang đóng ở đèo Hải Vân vì vậy phải chuyển xuống Nam Ô đúng 6 giờ sáng hôm sau. Lữ đoàn 369 ở Ðại Lộc rút về để lên chiến hạm cùng Lữ đoàn 258 tại Non Nước.
- Thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh trở về Sư đoàn 3 BB sắp xếp việc rút sư đoàn về bố trí tại vùng Horseshoe gần Thu Bồn.
Tướng Hinh rất ngạc nhiên, vì ông không nghĩ rằng ông được gọi đến để nhận lệnh rút quân vì thâm tâm ông nghĩ rằng sang họp là để bàn về việc phòng thủ Ðà Nẵng. Cho nên ông suy nghĩ một hồi lâu rồi nói: Xin trung tướng cho tôi 72 tiếng đồng hồ mới chuẩn bị kịp. Trung tướng Trưởng làm thinh. Các tướng lãnh khác chau mày để báo cho tướng Hinh biết là điều đó không thể được. Tướng Hinh mặc cả xuống còn 48 tiếng. Tướng Trưởng làm thinh. Sau cùng tướng Hinh xin 24 tiếng. Không ai nói gì hết.
Tôi thấy bối rối quá, nên chỉ vắn tắt với thiếu tướng Hinh để ông hiểu rõ càng sớm càng tốt: Thiếu tướng hãy sắp xếp công việc sư đoàn rồi thiếu tướng cùng bộ tham mưu bay ra bãi Bắc lúc 4 giờ sáng mai, tôi sẽ cho tầu vô đón thiếu tướng. Vị tư lệnh Sư đoàn 3 BB nhìn tôi sững sờ biết là tình hình tuyệt vọng. Ông chào tướng Trưởng và ra trực thăng về bộ tư lệnh Sư đoàn
3 ở Hòa Khánh.
Phó đề đốc Thoại ra lệnh cho các chiến hạm trực thuộc thi hành việc rút sư đoàn TQLC và phối trí yểm trợ bằng hỏa lực cần thiết cho việc rút quân này. Cuộc họp trong hầm chỉ huy tại căn cứ hải quân Tiên Sa chấm dứt vào lúc 10 giờ 30 ngày 28-3-1975...
(…)

Bên lề trận chiến
Trong một cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Tường Nhung, phu nhân cố Trung tướng Ngô Quang Trưởng cho hay: Về đến Bộ tổng tham mưu, Trung tướng Trần văn Đôn, tổng trưởng quốc phòng cho bắt nhốt tướng Phú, tướng Thi, tướng Thoại và tướng Khánh.
Riêng tướng Trưởng không bị nhốt như ông tự nguyện vào ở chung với các tướng trên.
(Nguyễn Tường Tâm)

Can trường trong chiến bại
Sau cuộc họp tướng Trưởng và đại tá Phước, không đoàn trưởng không đoàn trực thăng bay lên đài kiểm báo Sơn Chà. Tại đây ông gặp một số sĩ quan trong đó có tướng Khánh, tư lệnh Sư đoàn 1 Không quân. Tướng Trưởng tóm tắt quyết định của ông cho các vị này nghe. Tác giả Hồ Văn Kỳ Thoại viết ở trang 254 và 255 nói về điều gọi là “cuộc tự thoát” của tướng Ngô Quang Trưởng như sau: Ðến Non Nước, sau khi rời trực thăng, tướng Trưởng và tướng Khánh vào văn phòng khoảng 1 tiếng đồng hồ, rồi tướng Khánh trở ra sân trực thăng nói lại với các vị đại tá là tướng Trưởng nói: Các anh không còn nhiệm vụ gì nữa, các anh tùy nghi tìm phương tiện ra tàu. Tướng Khánh và các vị này sử dụng chiếc trực thăng duy nhất còn lại.
Tướng Trưởng quyết định ở lại một mình trong trại TQLC ở Non Nước. Ông đưa phương tiện di chuyển (trực thăng) duy nhất còn lại của ông cho tướng Khánh. Sau đó tướng Trưởng lấy xe jeep có tài xế và quân cảnh hộ tống đi ra khỏi doanh trại đến tòa Tổng giám mục địa phận Ðà Nẵng để thăm Ðức Cha Phạm Ngọc Chi và trở về khoảng 1 tiếng đồng hồ sau đó...
Sáng lại, 3 hải vận hạm HQ 401, 402 và 404 đến bãi biển Non Nước, vì không liên lạc được bằng truyền tin nên dùng đèn ra dấu lên bờ để đón Lữ đoàn 369 TQLC từ Ðại Lộc rút về. Ðại tá Trí tư lệnh phó dùng 2 xe jeep và dùng đèn xe để xác định vị trí cho chiến hạm ủi vào. Sau đó, vào khoảng 10 giờ 30 sáng ngày 29-3-1975, đại tá Trí mời tướng Trưởng ra bờ biển và đề nghị ông nếu quyết định đi thì nên bơi ra gấp chiến hạm ngay vì dân đã ào tới từ phía xa, sợ không còn phương tiện nào khác. Tướng Trưởng, sức khỏe lúc bấy giờ có vẻ yếu nhiều có lẽ vì bao nhiêu đêm mất ngủ, nên đại tá Trí tròng một áo phao vào người ông. Tướng Trưởng thốt ra một câu, không biết ông muốn nói với ai: Coi đây như là một cuộc tự thoát.
Rồi cả hai cùng bơi ra biển. Tướng Trưởng và đại tá Trí lên hải vận hạm HQ 401, rồi sau đó chuyển qua HQ 404. Tư lệnh quân đoàn và vị tư lệnh phó TQLC rời chiến trường cùng với 2 lữ đoàn TQLC từ bãi biển Non Nước...
(…)

Giã từ vũ khí
Năm 2009, anh mất, ý nguyện đó đã được gia đình thực hiện. Theo lời Nhung (con Thạch Lam, vợ tướng Trưởng) kể thì anh Trưởng có một người tài xế sống ở Việt Nam mà Nhung vẫn thường xuyên liên lạc và giúp đỡ từ nhiều năm nay. Chính chú tài xế ấy đã đón Nhung và các con Nhung tại phi trường Tân Sơn Nhất khi Nhung mang bình tro anh Trưởng về Việt Nam.
Thật là một điều lạ lùng là nhà chú tài xế đó lại ở trên đường Thạch Lam, một con đường mới mở sau này khá lớn và dài ở trong Chợ Lớn. Tôi có hỏi Nhung là chú ấy có biết Nhung là con của Thạch Lam hay không Nhung trả lời là chú ấy không biết và Nhung cũng không nói.
Rồi sau đó tất cả bay ra Huế thuê xe lên đèo Hải Vân. Đến gần đỉnh đèo nơi một khúc ngoặc nguy hiểm có một cái miếu nhỏ thờ những người bị tai nạn chết ở đó. Nhung quyết định chọn chỗ này để rải tro. Suốt ngày hôm đó trời âm u giông gió. Mấy mẹ con và chú tài xế khấn nguyện trước miếu. Một lát lâu sau khấn xong ngửng lên thì trời đất bỗng dưng quang đãng hẳn lên mây tan và trời trong xanh. Vợ con anh Trưởng từng người một kể cả người tài xế trung thành lần lượt rải tro theo gió, tro của vị tướng lừng danh của quân sử VNCH bay trên ngọn đèo hùng vĩ Hải Vân, nơi mà chú tài xế kia đã nhiều lần chở vị tướng ba sao qua lại trên trục lộ Huế-Đà Nẵng, ngọn đèo đã đưa vị tướng chấn lĩnh vùng địa đầu lên đỉnh vinh quang và
cũng là ngọn đèo đã kéo vị tướng ấy xuống chốn cùng thảm bại.

Rải tro theo gió... trên đỉnh đèo Hải Vân... ý nguyện của người đã khuất gợi lên trong tôi hình ảnh vừa bi hùng lại vừa lãng mạn, như là sự kết hợp tuyệt vời giữa mối tình của viên dũng tướng với cô con gái đầu lòng của nhà văn Tự lực văn đoàn.
(Rải theo gió - Nguyễn Tường Thiết)
- : Tướng Ngô Quang Trưởng mất ngày 22 tháng 1 năm 2009.

Can trường trong chiến bại
Ở trang 256, 257 và 258, tác giả tiếp tục tường thuật những diễn biến sau khi tướng Trưởng và
những tướng lãnh khác đã an toàn trên hải vận hạm HQ 404:
“...Bộ tư lệnh hải quân và tất cả các đơn vị đều nghĩ tư lệnh hải quân Vùng 1 duyên hải đang có mặt trên tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ 5) như sự thực thì tôi và tư lệnh TQLC Bùi Thế Lân đang còn tìm đường lên Sơn Trà để tìm cách ra bãi biển phía đông tìm phương tiện ra chiến hạm. Ngay khi đó, tại trung ương, phủ tổng thống đánh một công điện tối mật gởi cho tư lệnh Quân đoàn I qua hệ thống truyền tin của tuần dương hạm Trần Bình Trọng... Hạm trưởng (HQ5) cho hạm phó và sĩ quan truyền tin mang tay (bản dịch mã) sang hải vận hạm Hương Giang HQ 404 để trao tận tay cho tướng Trưởng bản công điện này. Khi lên HQ 404, Trung úy Hồ Hải, sĩ quan truyền tin của HQ 5 được sĩ quan trực của HQ 404 hướng dẫn xuống phòng ngủ đoàn viên và gặp tướng Trưởng ở đó. phòng ngủ dành cho từ cấp thủy thủ tới hạ sĩ nhất. Tướng Trưởng từ chối nghỉ tại phòng của hạm trưởng theo đề nghị của chính hạm trưởng. Ông
nằm giường treo, mặc đồ thủy thủ xanh, áo bỏ ngoài, không mang cấp hiệu.
Nội dung bản công điện từ phủ tổng thống như sau…
Lệnh của tổng thống: Lệnh tử thủ vẫn còn hiệu lực. Mọi sự bỏ tuyến đều qui trách cho tư lệnh và đơn vị trưởng. Trung tướng Trưởng vừa đọc vừa khỏ nhẹ cây viết trên bàn. Ðọc xong công điện, ông bỏ vào túi áo và bảo sĩ quan trực gọi điện thoại cho ông nói chuyện với hạm trưởng. Khi bắt máy nói chuyện với hạm trưởng, ông nói: Hạm trưởng, cho chiến hạm khởi hành đưa tôi về Sài Gòn ngay lập tức. Sau khi hạm trưởng báo cáo chỉ thị của tướng Trưởng thì HQ 404 nhận được một công điện từ bộ tư lệnh hải quân đặt HQ 404 dưới quyền điều động của Trung tướng Ngô Quang Trưởng...”.
Có lẽ những đoạn trên là những chi tiết đáng nhớ nhất của bi kịch tháng Tư cách đây 32 năm tại một trong những vùng chiến thuật quan trọng nhất của VNCH. Bi kịch đó vừa ngậm ngùi, vừa hùng tráng, bởi vì lẫn trong cơn gió lốc đó có những con người, can đảm thì nhiều nhưng hèn nhát, thiếu sáng suốt và mất bình tĩnh cũng không thiếu. Chỉ có những người lính trận, từ tướng cho đến quân, từng sống thực với khói lửa súng đạn, từng phải cắn răng chịu đựng những thương tổn đến từ bên ngoài hay từ đầu não của một guồng máy mới hiểu, mới thông cảm nổi những hoàn cảnh và điều kiện mà những đồng đội mình phải đối phó.
(…)

Bại binh chi tướng bất khả ngôn dũng
Vong quốc chi đại phu bất khả ngôn trí
Với bản tính thích tìm căn nguyên của lịch sử, người viết mạo muội hỏi tướng Trưởng về nội dung những đối thọai giữa ông và tổng thống Thiệu vào tháng 3-1975. Nhưng tướng Trưởng tránh không trả lời thẳng những câu hỏi đó. Ông chỉ nói: Cũng không có gì để nói, tất cả đã được nói hết rồi, những gì anh em chúng ta làm trong quá khứ đều có ý nghĩa. Vài phút sau người viết lại cố gắng “lái” về hai câu hỏi nguyên thủy. Lần này ông cũng tránh trả lời.
Nhưng lần này ông nói cho người viết nghe về triết lý của một người quan võ Á Đông. Đại khái tướng Trưởng muốn nói đến câu: “Bại binh chi tướng bất khả ngôn dũng. Vong quốc chi đại phu bất khả ngôn trí”(Tướng bại trận thì không thể nói mình anh dũng. Bậc trí sĩ đại phu khi đã mất nước thì không thể nói mình có mưu lược).
Với tất cả sự kính trọng của một hậu sinh đối với Trung tướng Ngô Quang Tr­ởng, người viết xin kính dâng lên vị tướng quá cố đôi dòng tưởng niệm này.
(Vị tướng của mùa hè đỏ lửa năm 1972 - Nguyễn Kỳ Phong)

Can trường trong chiến bại
Ðến đây, tôi muốn trích một đoạn này ở trang 262 của Can trường trong chiến bại nói đến hoàn cảnh của tướng Bùi Thế Lân và Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại vào lúc cả hai ông và đoàn tùy tùng đang loay hoay tìm đường ra bãi Bắc Tiên Sa để kiếm phương tiện lên chiến hạm:
Chúng tôi đi khoảng một tiếng đồng hồ thì không còn thấy lối đi nữa và mọi người có vẻ thấm mệt. Sự thật thì chúng tôi không còn biết chúng tôi đang ở đâu. Tôi xoay qua hỏi tướng Lân có địa bàn không để tôi định hướng mà đi ra bãi Bắc. Ông trả lời không ai có cả. Tôi bèn trêu ông một câu: Lạ nhỉ, TQLC đi đánh giặc mà không có địa bàn?. Tướng Lân thật nhanh trí đáp lại ngay: Ông là chỉ huy trưởng đặc khu Tiên Sa mà đi lạc trong đặc khu của ông mới là lạ...
Xin đọc một đoạn khác trên trang 264 nói về lúc tác giả và tướng Bùi Thế Lân được một hải thuyền đến cứu khi đã tuyệt vọng:
Một lúc sau có tiếng ghe máy chạy rất gần bờ dường như đang giảm tốc độ. Trời vẫn còn tối, Trung tá Huỳnh Duy Thiệp la lớn: Có phải hải quân không?. Ở ngoài phía hải thuyền có người trả lời: Phải. Trung tá Thiệp gọi ghe vào và nói có đô đốc Thoại trong bờ. Thiếu tá Hy (trên hải thuyền) nghĩ là lỡ tôi bị bắt và bị địch uy hiếp thì sao nên hét to: Yêu cầu tư lệnh lên tiếng để chúng tôi nhận diện. Lúc ấy, thật ra tôi bị khan tiếng từ ba bốn ngày rồi vì nói chuyện suốt ngày đêm trên máy truyền tin nên không nói lớn tiếng được. Trung tá Thiệp bèn nói ngay: Ông Hy ơi, ổng rồi đó, cứ vào đi, tôi là trung tá Thiệp đây. Thiếu tá Hy cho hải thuyền vào nhưng không vào sát được, trên ghe thẩy xuống một số áo phao và trung tá Thiệp đề nghị tôi và tướng Lân hãy lội ra hải thuyền trước để lo việc rút TQLC và bảo tất cả quân nhân còn lại nên chờ tại bãi để tầu khác vào bốc. Và để trấn an toán quân dân còn lại (trên bãi), ông Thiệp tình nguyện ở lại để đi với các anh em binh sĩ. Thiếu tá Hy phải dùng thêm ghe dân để ra vào tới 4 chuyến mới bốc hết thương binh và toán quân dân cùng đi theo tôi và tướng Lân. (…)

Lạc đạn
Nhà báo Alan Dawson, trong tập sách 55 ngày sụp đổ của miền Nam (The Fall of South Viet Nam, trang 175) viết: Khoảng 5 giờ chiều, tướng Trưởng mời các tướng Lân, phó đề đốc Thoại đến họp tại bộ tư lệnh TQLC ở Non Nước. Tại đây có cả ông Albert Francis, tổng lãnh sự Mỹ tại Đà Nẵng, bàn về việc rút các lữ đoàn TQLC còn lại (LĐ458 và 369) cùng bộ chỉ huy ra khỏi Đà Nẵng. Sau cuộc họp, tướng Trưởng tiếp tục dùng trực thăng bay đi thị sát, phó đề đốc Thoại bay về căn cứ hải quân có ông Francis cùng đi theo. Tại căn cứ hải quân, ông Francis cùng 2 nhà báo Úc đã dùng chiến đỉnh riêng của phó đề đốc Thoại để ra tàu HQ 5 ngoài khơi.

Can trường trong chiến bại
Khi đọc tác phẩm viết cho buổi giới thiệu sách Can trường trong chiến bạicủa tác giả Hồ Văn Kỳ Thoại.Tôi không bao giờ bỏ sót bất cứ một trang nào, ngay cả đến chú thích và mục lục tham khảo. Vì thói quen này tôi phát giác ra điểm khá lý thú. Có những lúc vì cố tránh để những cảm nghĩ vào tường thuật, tác giả Hồ Văn Kỳ Thoại đã đem lời của “người xưa” để giải tỏa cho những khắc khoải của mình, chẳng hạn nhưng trang 248, ông đem lời của Tôn Tử ra để nói về quyết định của vị tư lệnh Quân khu I mà ông quí mến: Một Tướng, mà khi tiến quân không có mục đích lấy tiếng cho cá nhân mình và khi rút lui không lo đến hình phạt sẽ dành cho mình, mà mục đích duy nhất chỉ để bảo vệ dân và Vua, vị Tướng đó là viên ngọc quí của quốc gia.
Hoặc ở trang 258:
Ðôi khi lệnh của Vua không cần phải được thi hành (Tôn Tử). Và trang 292, tác gỉa mượn một ngụ ngôn của người Ý. Ông đã dùng nguyên cả một trang chỉ để biến ý nghĩa của ngụ ngôn thành một thư pháp:
Sau một ván cờ
Tất cả các con cờ
Vua, tướng, sĩ, tốt
Đều trở vào năm trong hộp
Vì thế, tuy là một hồi ký viết lại những sự kiện trong muôn vàn sự kiện dẫn đến tấn bi kịch 30-4-1975, nhưng đọc hết những trang cuối cùng, khi gấp cuốn sách lại, thấy lòng mình thanh thản. Thanh thản vì cho tới nay, qua một hồi ký nữa, chúng ta đã có thêm những bằng chứng là trong nguy khốn và sau thất bại, trong quân lực VNCH vẫn không thiếu những gương quả cảm, những cấp chỉ huy bản lãnh, gan dạ, bình tĩnh và dám hy sinh trong cơn phong ba bão táp.
Tôi cũng không muốn nói ra những cảm nghĩ riêng của mình đối với các nhân vật đã được nêu trong Can trường trong chiến bại. Một số những nhân vật này, tôi đã từng biết trong 7 năm trời lặn lội để tường thuật các mặt trận ở Quân khu I. Cho nên, với cá nhân tôi, các tướng Trưởng, Khánh, Lân, Ðiềm, Hinh, Thoại... vẫn là những người lính mà tôi ngưỡng mộ. Cả một đời quân ngũ lừng lẫy như họ mà chỉ vì những quyết định chính trị sai lầm từ trên thượng tầng quốc gia mà một sớm một chiều họ vị đẩy vào cái thế của những bại tướng.
Những dữ kiện quan trọng trong Can trường trong chiến bại của cựu Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, tôi mới trích ra có một phần rất nhỏ. Cho nên nó chỉ phản ảnh được cái nền của một câu chuyện. Và nhất là ở chương “Sau cuộc chiến”, rất ngắn. Tôi chú ý đến chương này, vì coi nó là cảm nghĩ mà ông muốn gửi tới người đọc: Dù thắng hay bại, trong cuộc một cuộc chiến, tất cả các chiến sĩ hai bên đều làm nhiệm vụ của mình theo lý tưởng khác nhau. Sau cuộc chiến, những chiến sĩ dù hy sinh cho một lý tưởng nào đó, khi chết trong bộ quân phục đều là những anh hùng thì khi đã nằm xuống phải được sự kính nể của những thế hệ sau. Hai trăm năm nữa, con cháu chúng ta khi học lịch sử Việt Nam sẽ không khen người thắng, không chê kẻ bại, nhưng sẽ ghi nhận sự can trường hay hèn nhát của những người tham chiến.
Vì thế, những thế hệ mai sau sẽ không quên những anh hùng đã dũng cảm trên chiến trường Thiếu tá Hải Quân Lê Anh Tuấn (1) vào ngày cuối cùng của trận chiến: Ngày 30-4.
(Vũ Ánh)
- : Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, cháu gọi nhà văn Hồ Biểu Chánh là ông nội,
(1) Xem “Hai ngày cuối với Hải quân” của tác giả Phan Lạc Tiếp.
ở tiết mục Ngày thứ 52 – Sài Gòn ngày dài nhất: 30-4-1975.

Đà Nẵng, di tản buồn
Sau khi phi trường Đà Nẵng bị pháo kích và trở thành bất khiển dụng, các trực thăng còn lại đều về đáp tại phi trường Non Nước và không còn nhận được lệnh từ các cấp chỉ huy! Các phi công tùy nghi hành động và tự quyết định. Phi công Song Chùy ghi lại:
Cuối cùng mệt mỏi vì cả ngày chưa ăn uống gì, tôi đáp xuống phi trường Non Nước tắt máy, tìm giấc ngủ dưới bụng phi cơ trên bãi cỏ bên cạnh phi đạo. Sáng 29-3, sau giấc ngủ ngon lành, tôi thức dậy khi trời mờ sáng thì bạn bè đã bỏ đi hết. Trên phi đạo Non Nước còn mấy chục trực thăng xếp hàng dài như sắp cất cánh hành quân mà không có pilot.
Phi công Song Chùy sau đó tìm mọi cách đổ thêm xăng, kể cả dùng ruột xe làm ống dẫn và cuối cùng cất cánh rời kho dầu Chợ Mới lúc 5 gìờ chiều. Có thể nói đây là chiếc trực thăng cuối cùng của SĐ1/KQ, mang số 107, rời không phận Đà Nẵng.
Ngày 28-3, vì địch gia tăng pháo kích, Ch/tướng Khánh, sư đoàn trưởng SĐ1/KQ đã ra lệnh cho tât cả mọi phi cơ còn có thể bay được, rời Đà Nẵng càng sớm càng tốt. Trong ngày 28 và sáng 29, các phi công đã đưa được 130 phi cơ về TSN, tuy nhiên SĐ1/KQ đã mất đến 180 phi cơ (bị để lại hoặc bị rớt trong khi di tản) trong đó có trọn hai phi đoàn C7 Caribou đang đình động và một số A37. Theo phi công Phạm Văn Cầu, PĐ427, thì một số Caribou khả dụng đã về được Sài Gòn, trong đó có chiếc Caribou do chính ông điều khiển. Chiếc C7 này bay được về TSN hoàn toàn không có vô tuyến liên lạc vì phi hành đoàn không ai mang theo headset, phòng lái không có điện, đồng hồ xăng bất khiển dụng. Một chiếc C7 khác cũng không có vô tuyến nên đã phải lắc cánh khi bay xả qua trước trạm không lưu.

(trích Quân sử Không quân VNCH)

Lạc đạn
Frank Snepp trong Decent Interval đã viết theo óc “tưởng tượng”: Lúc trận pháo kích bắt đầu, Albert Francis, tổng lãnh sự Mỹ tại Đà Nẵng đang đi dọc bến cảng…Cùng với hai bạn người Anh, Francis vắt chân lên cổ chạy xuống bãi biển và bơi khỏi tầm súng. Họ bơi đến tàu tuần tra và được chuyển sang tàu HQ 5. Sáng 29 tháng 3, trời mưa và rất lạnh. Biển động hơn hôm trước, không rõ giờ nào, Francis thấy tướng Ngô Quang Trưởng, từng được coi là sĩ quan ưu tú nhất của quân đội Nam Việt Nam đang bơi và trôi giữa những con sóng nguy hiềm ở ngoài khơi Đà Nẵng. Ông không phải là người bơi giỏi, người ta phải vớt ông ta lên đưa lên tàu HQ 5. Trưởng ở trên tàu trong những ngày sau đó.

Đà Nẵng, di tản buồn
Tác giả Robert Mikesh trong Flying Dragons, The South Vietnamese Air Force, trang 143-44 ghi rõ hơn là SĐ1/KQ đã bỏ lại 33 chiếc A37, các phi cơ Caribou C7 (khoảng 40 chiếc) do thiếu cơ phận và bảo trì. Cũng trong tập sách này, Tr/úy Phạm Quang Khiêm, hoa tiêu phụ cho Đ/úy Nguyễn Văn Chuân, cùng bay 1 chiếc C130 từ Sài Gòn ra giúp di tản cho biết chuyến phi cơ của ông đã chở đến 350 người (trong khi con số dự trù tối đa là 200 người). Đ/úy Vĩnh Phổ, phi công của một AC119, thuộc Biệt đội 831, đang biệt phái công tác tại Đà Nẵng, ghi lại là phi cơ của ông khi rời bãi đậu phải lăn bánh qua cả 100 xác người, chết vì pháo kích, để ra phi đạo.


Trong lúc hỗn loạn, các phi công không thể cất cánh an toàn, phi cơ bị rơi trong khi bay thoát vì trục trặc kỹ thuật hoặc hết nhiên liệu. Trong khi di tản bằng trực thăng, một số sĩ quan cao cấp của SĐ1/KQ đã bị mất tích do phi cơ rơi hay do bị bắn hạ như Đ/tá Nguyễn Bình Trứ KĐ trưởng KĐ10 bảo trì & tiếp liệu. Trung tá Hùng, trung tâm hành quân SĐ1, tự bay 1 chiếc L19 cùng 2 con nhỏ về Nam.
Chiếc Chinook CH47 do Đ/úy Hoàng Bôi (PĐ247) làm phi công chinh và Tr/úy Nguyễn Văn Tám phi công phụ, chở theo 17 người không gặp may đã bị bắn hạ khi bay qua không phận Sa Huỳnh, phi cơ phải đáp khẩn cấp xuống xã Vĩnh Tuy, Phú Thạnh. Cả hai đã tự sát vì không muốn bị bắt làm tù binh.
Cũng tương tự vậy vì không muốn bị bắt làm tù binh:
Một chiếc Chinook khác do Đ/úy Phạm Văn Kiến làm phi công chính, Tr/úy Nguyễn Đình Hương phi công phụ, Đ/úy Nguyễn Anh Dũng, hoa tiêu chở theo gần 60 người, do trọng tải quá nặng, phải bay ở cao độ thấp, cũng bị trúng đạn khi bay qua vùng Sa Huỳnh, quận Đức Phổ.
Tr/úy Nguyễn Đình Hương phi công phụ bị thương nặng. Đ/úy Phạm Văn Kiến đã buộc phải hạ cánh. Đại Úy Dũng đã bắn Tr/úy Hương theo yêu cầu của Tr/úy Nguyễn Đình Hương và Đ/úy Nguyễn Anh Dũng đã tự sát sau đó.
(…)

Một cơn gió bụi
Sau 75, khoảng năm 2010, phần mộ thì hành phi đoàn chiếc Chinook được tìm thấy ở ven biển Sa Huỳnh, xã Phổ Châu. Anh em KQ quốc ngoại đã lo phần mai táng và lập bia mộ lại.

Đà Nẵng, di tản buồn
Theo Malcolm Brown của NewYork Times thì trong buổi sáng sớm 29-3, 10 chiếc UH1 cuối cùng của KQVN đã chở các nhân viên KQ còn kẹt lại bay khỏi Đà Nẵng, mỗi phi cơ chở ít nhất là 20 người bay về phi trường Non Nước để tìm xăng, nhưng đa số đã không gặp may: Một phi cơ hết xăng phải đáp xuống Cù lao Ré, một chiếc khác phải đáp xuống Chu Lai đã bị địch chiếm đóng từ 2 ngày trước, 4 chiếc khác bị trúng đạn phòng không của địch quân gần Chu Lai và chỉ 4 chiếc về được Sài Gòn.
(Trực thăng của tướng Điềm cũng hết xăng và rơi trong vùng Sa Huỳnh, tất cả mọi người trên phi cơ tử nạn ngoại trừ phi công Bình sống sót).
***
Trưa ngày 29, một phi cơ dân sự Hoa Kỳ, chiếc Boeing 727 của công ty World Airway do quyết định liều lĩnh của phi công và do may mắn đã bất ngờ đáp xuống phi trường Đà Nẵng, bốc được khoảng 268 người (trong đó có 150 binh sĩ thuộc ĐĐ Hắc báo SĐ1BB, đã dùng vũ khí để dành được chỗ trên phi cơ). Khi phi cơ cất cánh, súng bắn theo, cửa bánh đáp để mở vì có 4 người nằm bên trong, 1 đã chết khi phi cơ đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Chiếc 727 thứ nhì, bay vòng trên không phận Phan Rang đã không dám đáp xuống và đành trở về Sài Gòn.
(trích Quân sử Không quân VNCH)

Đà Nẵng trong mắt tôi
Tại phi trường Đà Nẵng, máy bay vừa đáp xuống, mặc dù chưa biết sẽ bay hay không, mọi người đã xô, đạp lên nhau, bắn nhau để tràn lên tàu. Máy bay bay không nổi, những người dân thường lại bị lôi xuống. Trong khi đó máy bay chạy trên phi đạo giữa hàng ngàn người khiến cho hàng chục người khác bị chết. 7 giờ 30 sáng ngày 28-3-1975, một Đ/úy chở gia đình trên một chiếc jeep vào phi trường. quân cảnh tại cổng chận lại xét hỏi. Vị Đ/úy bèn cự nự và hai bên cãi nhau. Cuối cùng vị Đ/úy kia bèn bắn chết một sĩ quan QC/KQ. Thế là phi trường đóng cửa từ đó và không một chiếc xe nào vào được sân bay.
Cũng chiều ngày 28-3 tình hình tại BTL/SĐ3 BB (đóng tại Hoà Mỹ) vẫn “tỏ ra bình thường” nhưng vào nửa đêm, lúc 12 giờ 30 một chiếc trực thăng đáp xuống ngay tư dinh của Th/tướng Nguyễn Duy Hinh, tư lệnh SĐ3 BB, và một lát sau bay vút lên không. Vì tư dinh cửa Th/tướng Hinh nằm trên đồi cao và tiếng trực thăng lại nghe rất lớn trong đêm khuya nên mọi quân nhân có mặt trong đêm đó đều đoán biết được chuyện gì đang xảy ra nên chỉ một lát sau là hàng đoàn xe đủ loại bật đèn pha chạy ra khỏi căn cứ. Lúc đó không ai bảo ai, không lệnh lạc gì, mạnh ai nấy ra đi. Ai có phương tiện gì thi dùng phương tiện đó. Không có thì quá giang. Chỉ trong một lát, cả căn cứ Hoà Khánh bỗng vắng hoe! Cổng chính của sư đoàn hàng ngày quân cảnh soát rất kỹ nhưng lúc đó mở toang và không một người đứng gác.
(Lê Hùng)

Một cơn gió bụi
Sáng ngày 29-3 Đà Nẵng bị pháo kích, Trung tá “Robert lửa” Nguyễn Xuân Phúc, và Trung tá Đỗ Hữu Tùng (VB16), lữ đoàn phó 369 TQLC lên trực thăng điều động cả lữ đoàn rút về căn cứ Non Nước. Trong cảnh hỗn loạn của Đà Nẵng di tản, mưa pháo 130 của địch từ đỉnh đèo Hải Vân bắn xuống. Trực thăng bị trúng đạn, rơi xuống, cả hai đều bị tử thương.

Đà Nẵng trong mắt tôi
Sáng ngày 29-3-1975, hàng ngàn người đủ mọi thành phần chen nhau qua cầu Trịnh Minh Thế để qua Tiên Sa, Sơn Trà hay Non Nước. Tất cả đều đổ xô ra biển nên mọi nẻo đường đều đông nghẹt, tắc nghẽn. Trong khi đó những chiếc xe nhà binh chạy ngược chạy xuôi như bầy kiến lạc đàn và tông cả vào những người đang chạy bộ trên đường. Tại ngã năm An Hải, 2 chiếc xe jeep tranh đường đã cán một người ngay giữa 2 xe. Trên đoạn đường gần nhà thờ Mân Quang, một chiếc M113 chạy từ hướng Tiên Sa xuống đã tông mạnh vào hông một cụ già đang đi cùng chiều khiến ông lão ngã lăn trên đường và bất động. Chiếc M113 vẫn chạy và mọi người vẫn đi qua ông lão như không có chuyện gì xảy ra.
Cũng tại An Hải (Quận 3) dân chúng đã ùa vào kho hàng quân tiếp vụ để dành nhau lấy thuốc và thực phẩm. Cả trăm người dành nhau, chen nhau và đè lên nhau. Một người lính đứng bên ngoài không làm sao vào được bèn thụt một qủa M79 ngay vào đám đông khiến đám đông văng ra tan tác. Số người chết và bị thương khá nhiều. Máu, dầu, sữa hoà với nhau lai láng.
Thế mà một lát sau đám đông khác lại ùa vào và tiếp tục tranh dành!
(Lê Hùng)
- : Tác giả kẹt lại ở Đà Nẵng cho đến khi đi tù cải tạo.

(còn tiếp)

Đăng ngày 05 tháng 09.2016