Print

Chung quanh phim “Terror In Little Saigon”

Mỗi khi Mỹ xoay trục, Mặt Trận lao đao!

Lữ Giang

Trong mấy tuần qua, cộng đồng người Việt hải ngoại, nhất là tại Hoa Kỳ, đã bàn tán sôi nổi về cuốn phim “Terror in Little Saigon” (Khủng bố tại Little Saigon) được chiếu trên đài truyền hình CPS của Mỹ ngày 5.11.2015 nói về vụ 5 nhà báo người Mỹ gốc Việt ở các thành phố trên nước Mỹ đã bị ám sát trong thời gian từ 1981 đến 1990.
Đảng Việt Tân, hậu thân của của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, thường được gọi là Mặt Trận Hoàng Cơ Minh hay Mặt Trận, đã dùng nhiều cách để thanh minh rằng Mặt Trận không dính líu gì đến các vụ ám sát này. Còn cộng đồng người Việt được chia ra hai phe, một phe lên án Mặt Trận, hô hào làm thỉnh nguyện thư yêu cầu FBI đưa nội vụ ra truy tố, còn một phe bênh Mặt Trận, cho rằng người biên soạn phim là Adam Clay Thompson và hai cơ quan thực hiện cuốn phim là Frontline và ProPublica đã mạ lỵ cộng đồng người Việt!
Đây là một vấn đề phức tạp, nhưng chúng tôi cố gắng trình bày vắn tắt và giản dị.

CŨNG CHỈ LÀ CÔNG CỤ
Chúng ta nhớ lại, trong thời gian còn chiến tranh lạnh, với sự yểm trợ của Mỹ, tại một đại hội đã được tổ chức tại Washinton DC ngày 1.9.1981, một số tổ chức của người Việt đã quyết định thành lập Mặt Trận Quốc Gia Thống NhấtGiải Phóng Việt Nam do Tướng Hoàng Cơ Minh lãnh đạo, để đi qua Thái Lan thành lập cứ điểm đưa quân xâm nhập vào Việt Nam lập chiến khu chống lại Cộng Sản.
Người Mỹ chỉ muốn dùng cộng đồng người Việt tỵ nạn để quậy phá, không cho Đảng CSVN ngồi yên, trong khi đa số người Việt vẫn tin rằng họ đang “giải phóng quê hương”!
Biết rõ bản chất của cộng đồng người Việt là không ai lãnh đạo được ai và ai cũng muốn làm lãnh tụ, nên muốn thi hành “sứ mệnh”, Mặt Trận cần có một cơ cấu tố chức giống Đảng CSVN. Nếu không làm như vậy mà theo phương thức “dân chủ đa ngôn”, Mặt Trận khó thực hiện được “sứ mạng” giao phó và khó tồn tại. Có lẽ do sự chỉ đạo của “Anh Hai chống cộng”, ngày 10.8.1982 một “Đại Hội Dựng Đảng” đã được triệu tập và hình thành một tổ chức có tên là Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng, gọi tắt là Đảng Việt Tân. Chủ Tịch Đảng Việt Tân đầu tiên cũng là Tướng Hoàng Cơ Minh. Từ đó Đảng Việt Tân đứng đàng sau điều khiển và yểm trợ Mặt Trận.
Dĩ nhiên, những người không được chọn đóng vai trò Hoàng Cơ Minh hay ban lãnh đạo Mặt Trận, nhất là khi thấy Mặt Trận có thể làm ra tiền bạc, đã đánh Mặt Trận bằng đủ 36 kiểu, mặc dầu trong thực tế Mặt Trận chỉ là con bài thí.

HOẠT ĐỘNG NGOÀI VÒNG LUẬT PHÁP
Những người suy nghĩ và nhận định theo cảm tính thường rất sợ Sự Thật, kể cả các quy định của luật pháp, vì sự thật thường trái với những điều mà họ “xác tín”. Tuy nhiên, hôm nay chúng tôi cũng phải đưa ra sự thật, đó là Mặt Trận đã được tổ chức và hoạt động ngoài vòng luật pháp.
Khủng bố (terrorism) được định nghĩa trong Bộ luật Liên Bang Hoa Kỳ là "xử dụng một cách bất hợp pháp vũ lực (force) hay bạo hành (violence) đối với người hoặc tài sản để đe dọa hay ép buộc một chính phủ, dân thường, hoặc bất kỳ bộ phận nào của họ, nhằm thúc đẩy các mục tiêu chính trị hay xã hội" (28 C.F.R. Section 0.85).
Tội khủng bố được quy định trong Chương 113B, Phần I, Tiết Mục 8 của Bộ Luật Liên Bang (United States Code) với hình phạt được áp dụng rất nặng, tối đa là tử hình.
Theo điều 2331, được coi là “khủng bố quốc tế” (international terrorism)các hoạt động liên quan đến các hành vi bạo hành (violent acts) hay các hành động gây nguy hiểm cho sự sống con người nhằm mục tiêu đe dọa (intimidate) hay áp lực (coerce) đối với dân chúng, hay gây ảnh hưởng đến chính sách của một chính phủ hay sự điều hành của một chính phủ. Điều 2332a quy định rằng những ai xử dụng, đe dọa hay âm mưu xử dụng những vũ khí phá hoại hàng loạt (use of weapons of mass destruction) ở trong hay ngoài nước, đều có thể bị phạt tù có thời hạn, tù chung thân hay tử hình.
Luật không hề phân biệt chính phủ bị xâm phạm có thiết lập bang giao hay không thiết lập bang giao với Hoa Kỳ.
Có người lại hỏi: Mặt Trận chỉ dùng bạo lực để chống cộng từ trên đất Thái Lan chứ có từ đất Mỹ đâu mà phạm luật?
Luật phân biệt chính phạm (principal) và tòng phạm (accomplice). Chính phạm là người thực hiện tội phạm, còn tòng phạm là người giúp đỡ thực hiện tội phạm (helpers in the crime). Theo luật pháp Hoa Kỳ, bạn có thể là chính phạm, tòng phạm, một người giúp đỡ, hay một người xúi giục hoặc kẻ đồng lõa căn cứ vào vai trò của bạn trong các tội phạm, nhưng thực tế bạn đã tham gia, dù ở cấp độ nào hoặc cách thức hoạt động nào hoặc ở trong thầm kín, làm cho bạn có tội.
(You may be the principal, the accomplice, an aider, or an abettor or accessory based on your role in the crime. But the fact that you participated–no matter at which level or how active or in-depth–makes you guilty).
Mặt Trận đã tổ chức, lập kế hoạch, vận động, tuyển dụng, quyên góp, hỗ trợ… từ Hoa Kỳ để đánh phá và lật đổ chính phủ CSVN nên bị coi là vi phạm luật pháp Hoa Kỳ.
FBI và CIA, nói chung là chính phủ Hoa Kỳ, biết rất rõ việc thành lập và hoạt động của Mặt Trận là bất họp pháp, nhưng làm ngơ để cho người Việt tỵ nạn làm vì mục tiêu chính trị. A.C. Thompson xác định sau khi điều tra ông thấy rằng “chính phủ Hoa Kỳ hồi đó hỗ trợ Mặt Trận không có gì là nghi vấn cả”.
Mặt Trận đã mở ba cuộc hành quân Đông Tiến I (5/1986), Đông Tiến II (12/1986 và 7/1987) và Đông Tiến III (8/1989), nhưng tất cả đều thất bại. Tướng Minh bị tử trận trong Đông Tiến II. Tổng kết, có khoảng 100 trong tổng số 240 kháng chiến quân của Mặt Trận đã hy sinh hay mất tích. Số còn lại bị CSVN bắt giam và phạt tù từ 3 năm tới chung thân.

MỸ “XOAY TRỤC” NĂM 1991
Tháng 12 năm 1989, bộ đội Việt Nam hoàn toàn rút khỏi Campuchia. Ngày 29.9.1990: Ngoại Trưởng Mỹ J. Baker và Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch đã gặp nhau lần đầu tiên tại New York để bàn về quan hệ giữa hai nước. Hoa Kỳ ra lệnh cho Mặt Trận hủy bỏ chiến khu tại Thái Lan và chuyển sang đấu tranh chính trị, nhưng Mặt Trận cứ chần chờ.
Ngày 9.4.1991 Mỹ đưa ra “Bản lộ trình” 4 bước về bình thường hoá quan hệ với Việt Nam. Ngày 22.4.1991, 5 nhân vật phụ trách về tài chánh của Mặt Trận là Hoàng Cơ Định, Nguyễn Kim Hườn, Phan Thị Hà (vợ Hoàng Cơ Định), Phan Duy Cần và Nguyễn Tấn Bình (em vợ của ông Hoàng Cơ Định) đã bị bắt, bị còng tay và đẩy lên xe cây chở đi vì các tội danh âm mưu khai gian thuế, trốn thuế, và không khai thuế. Các bị cáo bị truy tố trước Tòa Án San José, California, về 39 tội danh. Bản cáo trạng số CR 912005 ngày 1.4.1991 nói rằng Các bị cáo đã âm mưu che giấu Cơ Quan Thuế Vụ (IRS) kế hoạch của chúng để chuyển những sự đóng góp cho Mặt Trận thành sở hữu của chúng (their owns usebenifits)Các bị cáo phải đóng 100.000 USD tiền thế chân để được tại ngoại hậu tra.
Tuy nhiên, sau khi Mặt Trận đồng ý phá bỏ chiến khu tại Thái Lan và tuyên bố chuyển qua vận động chính trị,toà đã hủy bỏ (dismiss) vụ án này chiếu theo đạo luật “Speedy Trial Act” năm 1974. Đây là đạo luật ấn định thời hạn phải hoàn thành các giai đoạn khác nhau về việc truy tố tội hình sự liên bang.
Sau khi bị FBI và IRS hỏi thăm sức khỏe, Đảng Việt Tân đã thay đổi cả tổ chức lẫn chủ trương và đường lối hoạt động. Kể từ năm 2004 Đảng Việt Tân bắt đầu hoạt động công khai và thành lập các tổ chức ngoại vi để tham gia các sinh hoạt cộng đồng và vận động chính trị, chẳng hạn như Liên Minh Việt Nam Tự Do, Hội Chuyên Gia Việt Nam Hải Ngoại, Đoàn Thanh Niên Phan Bội Châu, Ủy Ban Vận Động Chính Trị Người Mỹ gốc Việt (VPAC), Mạng Lưới Tuổi Trẻ Việt Nam Lên Đường,....
Về chủ trương và đường lối, website viettan.org viết rõ: “Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng chủ trương tiến hành cuộc cách mạng bằng chính sức mạnh và trí tuệ của dân tộc Viêt Nam để chấm dứt ách độc tài cộng sản hầu có điều kiện tiến hành công cuộc canh tân đất nuớc. Chủ trương này được thực hiện với hai nỗ lực Chấm Dứt Độc Tài và Canh Tân Đất Nước.
Nói một cách tổng quát, kể từ năm 2004 Việt Tân bắt đầu lột xác, tổ chức và hoạt động theo mô thức các tổ chức vận động chính trị ở Mỹ. Đối với Việt Nam, Việt Tân đã bám sát chiến dịch “diễn biến hòa bình” của Mỹ. Vì có nhân lực và tài lực dồi dào, lại đi đúng đường lối của Mỹ, nên khó có doàn thể đấu tranh chính trị nào của người Việt hải ngoại có thể theo kịp Việt Tân.

MỸ “XOAY TRỤC” 2015
Như chúng tôi đã nói, trước khi Chủ Tịch Trương Tấn Sang đến Hoa Kỳ họp với Tổng Thống Obama ngày 25.7.2013 và đưa ra Tuyên bố chung về thiết lập “quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ”, các viên chức Hoa Kỳ và Việt Nam đã gặp nhau nhiều lần để thiết lập những thỏa thuận mà hai bên sẽ làm. Riêng Ngoại Trưởng John Kerry đã đi Việt Nam 17 lần. Qua các diễn biến của tình hình, chúng ta thấy có ba tổ chức chống đối Hà Nội đang hoạt động trên đất Mỹ đã bị Hà Nội lưu ý, đó là Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang, nhóm Tinh Thần Ngô Đình Diệm và Mặt Trận Hoàng Cơ Minh.
Về việc xóa bỏ Giáo Hội Ấn Quang, có nhiều dấu hiệu cho thấy Washington đã giao cho Võ Văn Ái, một người ăn Fund do Quốc Hội Mỹ cấp để chi phối Giáo Hội Ân Quang từ lâu. Về nhóm Tinh Thần Ngô Đình Diệm, ban Việt ngữ đài RFA của Mỹ do Nguyễn Văn Khanh cầm đầu, đã dùng văn công Việt Cộng viết những chuyện bịa đặt rồi phổ biến để hạ Ngô Đình Diệm xuống và đưa Hồ Chí Minh lên. Đây là chuyện chưa hề xảy ra trước đây, nhưng nay RFA đã làm. Riêng Mặt Trận hay Việt Tân, một tổ chức bị Hà Nội kết án nặng nề nhất, đang gây khó khăn cho Mỹ vì Việt Tân vốn là một trong các lá bài của Mỹ.
Tại hải ngoại, nếu mở Google hay Facebook ra, chúng ta sẽ thấy có hàng trăm bài kết án Việt Tân là Cộng Sản hay tay sai Cộng Sản được phổ biến. Có người hay tổ chức đã mở những trang Web để đăng toàn các bài tố cáo Việt Tân là Cộng Sản, chẳng hạn như tinparis.net, hon-viet.co.uk, dangchihung.blog, danchuleaks.blog conongviet.com, v.v. Buồn cười là trong khi "phe ta" tố Việt Tân là tay sai Cộng Sản, Ngày 29.5.2007 Tổng thống Bush đã mời đại diện của đảng Việt Tân đến tòa Bạch Ốc nói chuyện để hiểu thêm về chính sách chính trị đối nội của Việt Nam trước khi gặp gỡ Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vào ngày 22 tháng 6!
Còn Việt Cộng nói gì về Việt Tân?
Có rất nhiều cơ quan thông tin của Hà Nội như Thông Tấn Xã Việt Nam, Công An Nhân Dân, An Ninh Thủ Đô, vov.vn… đã lên án các hoạt động của Đảng Việt Tân ở trong nước và tường thuật các phiên tòa xét xử các đảng viên Việt Tân bị bắt. Một thí dụ cụ thể, báo An Ninh Thủ Đô của Công An Hà Nội viết về kế hoạch hoạt động của Đảng Việt Tân ở trong nước như sau:
Chúng lập ra cái gọi là “Ban phát triển quốc nội”, bí danh “Nhóm công tác C21” phụ trách công tác tuyển mộ và quản lý cơ sở nội địa do tên Nguyễn Quốc Quân, trực tiếp chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, “Việt Tân” đã đưa lực lượng về các địa bàn như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Bắc (Trung Quốc), Malaysia, là những nơi tập trung đông số du học sinh và lao động Việt Nam…
Tại đây, chúng đã tung ra những chiêu bài khác nhau dưới hình thức trợ giúp pháp lý, dạy nghề, thăm viếng, tặng quà, tổ chức ca nhạc miễn phí... nhằm rủ rê, lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin rồi tuyển chọn, tiến hành huấn luyện các kỹ thuật khủng bố, đợi thời cơ tung về nước hoạt động.
Vào cuối năm 2006, những kẻ cầm đầu của “Việt Tân” đã vạch ra kế hoạch mà chúng đặt tên là “kế hoạch sang sông” hay còn gọi là “Đông Tiến 07”, với mục tiêu trong năm 2007 sẽ công khai hóa bằng được tổ chức trong nước với mưu đồ châm ngòi nổ cho việc hình thành các tổ chức chính trị đối lập ở Việt Nam.
Để thực hiện mục tiêu nói trên, chúng cử các toán “Việt Tân hải ngoại”, trong đó có các tên cầm đầu xâm nhập về nướctrực tiếp chỉ đạo số cơ sở trong nội địa tiến hành các hoạt động phá rối an ninh…”
Dĩ nhiên, khi Mỹ đã ký hiệp ước đối tác toàn diện với Hà Nội và công nhận Đảng CSVN, Hà Nội không muốn Mỹ để cho Đảng Việt Tân có những hoạt động như thế nữa. Do đó, Mỹ phải dung cuốn phim "Terror in Little Saigon" để nói chuyện với Hà Nội và Việt Tân.
Mặc dầu trong các cuộc điều tra 5 vụ hạ sát các ký giả gốc Việt nói trên, FBI kết luận rằng cho đến nay, họ chưa có đủ bằng chứng để theo đuổi việc truy tố, nhưng đa số người Việt vẫn tin rằng Mặt Trận đã hạ sát những người này. Chắc chắn chính phủ Hoa Kỳ cũng biết như vậy, nhưng vì tình thế lúc đó, nếu không làm như vậy Mặt Trận rất khó có thể phát động cuộc kháng chiến, nên FBI làm ngơ.
Bản phúc trình của A.C. Thompson không có đầu, không có đuôi và không đưa ra được yếu tố nào mới có thể khiến phải tái phát động công tố quyền để truy tố thủ phạm. Thompson chỉ kết luận rằng tất cả những người bị hạ sát đều là những người chống Mặt Trận. Những chuyện được kể trong phim không phải là bằng chứng pháp lý. Tuy nhiên, với cuốn phim “Terror in Little Saigon” Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ có thể nói với Hà Nội rằng Hoa Kỳ đang có “biện pháp” đối với Mặt Trận, đồng thời nói với Việt Tân rằng phải điều chỉnh phương thức hoạt động cho phù hợp với tình hình mới.
A.C. Thompson nói rõ rằng cuốn phim này do Frontline tài trợ, và Frontline thì được Corporation for Public Broadcasting (CPB) tài trợ một phần. Tiền của CPB do Quốc Hội Hoa Kỳ cấp. Dĩ nhiên, Việt Tân phải gặp các viên chức Hoa Kỳ để biết phải điều chỉnh lại đường lối như thế nào.

PHẢI QUAN TÂM CHUYỆN MỸ “XOAY TRỤC”
Có thể nói trong cộng đồng người Việt hải ngoại hiện nay, không còn một tổ chức nào có đủ nhân lực và tài lực để vận động chính trị như hay hơn Việt Tân. Nhưng trong cộng đồng này, cứ thấy ai làm cái gì hơn mình là chụp cho nó cái Nón Cối! Vì thế, gần như đi đâu cũng thấy Nón Cối. Có thể nhại thơ của Trần Dần để mô tả tình trạng đó: “Tôi bước đi không thấy phố không thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên… đầu Nón Cối.”
Bà Hoàng Dược Thảo khi bị báo Người Việt kiện về tội mạ lỵ phỉ báng vì cho rằng báo này là của Việt Cộng, bà đã viện dẫn bản thông cáo nhận định báo Người Việt là “tay sai Cộng Sản” của 151 đoàn thể và nhân sĩ để chứng minh, nhưng khi tòa xét xử chẳng có đoàn thể hay nhân sĩ nào dám ra làm chứng! Cuối cùng bà phải lãnh án một mình. Vì vậy đừng quan tâm đến “Nón Cối” làm gì.
Nhưng chơi với Mỹ phải luôn quan tâm đến việc Mỹ “xoay trục”. Trước 30.4.1975, các nhà lãnh đạo VNCH chẳng biết gì đến chuyện Mỹ “xoay trục” nên miền Nam đã mất.
Nhân ngày lễ Tạ Ơn, xin ghi nhớ công ơn những người đã hy sinh cho chính nghĩa tự do.

Ngày 25.11.2015
Lữ Giang

http://nsvietnam.blogspot.com



K-9 LÀ GÌ VÀ VIỆT TÂN ỨNG XỬ RA SAO?

Nguyễn Quang Duy

Theo phóng viên A.C Thompson từ năm 1981 đến 1990 có 5 nhà báo Việt ở Hoa Kỳ bị một nhóm tên là K-9 ám sát. Nhóm K-9 này thuộc Mặt Trận nay là đảng Việt Tân.
Còn qua câu trả lời của 4 lãnh đạo đảng Việt Tân chúng ta có thể hình dung được phần nào K-9.

Trả lời của ông Hoàng Cơ Định
Được báo Người Việt phỏng vấn, ông Hoàng Cơ Định, em ruột của Tướng Hoàng Cơ Minh, Vụ Trưởng Vụ Tài Chánh Mặt Trận đã hoàn toàn phủ nhận sự hiện hữu của K-9. Ông xem K-9 như một trò đùa.
“K-9 chưa bao giờ là một bộ phận của Mặt Trận, đúng hơn đó chỉ là một danh xưng gọi đùa của ông Tổng Vụ Trưởng Phạm Văn Liễu dành cho mấy vị lão thành không tiện đặt dưới cơ cấu lúc đó của Mặt Trận, chia ra từ K1 tới K8…
… Có một số vị lão thành phải do đích thân ông Tổng Vụ Trưởng liên lạc, liên lạc thôi chứ cũng chẳng có chỉ huy gì, tôi còn nhớ tên hai vị là ông Cao Thế Dung và ông Đào Vũ Anh Hùng. Đại Tá Liễu gọi đùa là mấy vị này thuộc K9.”

Trả lời của ông Nguyễn Xuân Nghĩa
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa là vụ trưởng Vụ Tuyên Vận của Mặt Trận, người duy nhất trong giới lãnh đạo Mặt Trận đồng ý cho phỏng vấn. Tài liệu do Frontline phổ biến đã viết như sau:
“Trong những lần phỏng vấn sau, khi phải đối mặt với những bằng chứng về bạo lực của Mặt Trận, ông đổi giọng. Trong một cuộc phỏng vấn có thu hình, ông Nghĩa nói rằng ‘rất có thể’ là các thành viên Mặt Trận đứng đằng sau vụ ám sát ký giả (Nguyễn) Đạm Phong và có thể đã gây ra những tội ác khác.”
“Trong Mặt Trận, ông Nghĩa thừa nhận, có một nhóm rất hung bạo, và khi người quay phim tắt máy, ông Nghĩa thú nhận đã tham gia một buổi họp của Mặt Trận, trong đó các thành viên thảo luận việc ám sát biên tập viên của một nhật báo nổi tiếng ở Quận Cam. Ông Nghĩa nói, ông đã thuyết phục được chiến hữu của mình đừng giết người đó.”
Khi cuộn phim được phổ biến ông Nghĩa cho biết đã không nói như trên.
Được báo Người Việt phỏng vấn ông A.C. Thompson cho biết ba ông Joseph Sexton, Cliff Parker, và Richard Rowley, đều nghe những điều ông Nghĩa nói. Họ có ghi chú và sau đó bàn luận với nhau, rồi họ gọi điện thoại ngay cho cấp trên của họ.
Báo Người Việt đã nhận được email của ba đồng nghiệp của A.C. Thompson, gồm Joseph Sexton, Cliff Parker, và Richard Rowley, xác định là ông Nguyễn Xuân Nghĩa có nói với họ như thế.

Trả lời của ông Lý Thái Hùng
Được ông Nguyễn Xuân Nam đài truyền hình calitoday phỏng vấn ông Lý Thái Hùng Tổng Bí Thư Việt Tân công nhận ở hải ngoại Mặt Trận có một đơn vị gọi là K-9. Ông cho biết K-9 gồm các đoàn viên “đạo cao đức trọng” hay sống ở các thành phố xa xôi không có cơ sở để sinh hoạt. Các đoàn viên K-9 trực thuộc văn phòng Tổng Vụ Trưởng.
Ông Lý Thái Hùng nhấn mạnh Mặt Trận không bao giờ có chỉ thị, có một tổ chức hay một nhóm đặc trách ám sát như phóng sự đã đề cập.

Trả lời của ông Hoàng Tứ Duy
Trong lá thư ngỏ của Phát ngôn nhân đảng Việt Tân ông Hoàng Tứ Duy gởi Phóng Viên A.C. Thompson, Chương trình Frontline, ProPublica và PBS nhắc đến K-9 đã nói rõ hơn:
"Mặt Trận quả thật có một phân bộ đánh số là K-9… Khu 9 (viết tắt là K-9) bao gồm những thành viên sống rãi rác ở những nơi không có cộng đồng người Việt hoặc chưa chính thức trực thuộc vào một phân bộ nào. Cũng như mọi khu bộ khác, thành viên của K-9 giúp huy động quần chúng, quảng bá tin tức, và hỗ trợ cho phong trào.”
“Tóm lại, Mặt Trận không bao giờ có một đội sát thủ và “K-9” đơn thuần chỉ là một phân bộ trong tổ chức.”

K-9 là gì?
Qua lời của 3 lãnh đạo Việt Tân thì K-9 là một đơn vị gồm các đoàn viên không sinh hoạt cơ sở mà trực thuộc văn phòng Tổng Vụ Trưởng. Như thế họ phải nhận chỉ thị trực tiếp từ Tổng Vụ Trưởng hay từ người chỉ huy của họ.
Trước đây thường nghe nói đoàn viên “áo nâu” chỉ những đoàn viên cơ sở, còn đoàn viên “áo trắng” có lẽ để chỉ các đoàn viên K-9.
Sinh hoạt đảng Việt Tân rất bí mật. Cả những đoàn viên gia nhập Mặt Trận từ đầu, ít người biết họ được lãnh đạo bởi một đảng gọi là đảng Việt Tân.
Còn về đơn vị K-9 thì mãi đến sau phóng sự và qua lời các lãnh đạo Việt Tân chúng ta mới biết đến.
Từ K-9 đã tạo ngạc nhiên cho cả những người tham gia Mặt Trận (có thể) họ chưa bao giờ nghe đến. Các vai trò và công tác của K-9 vẫn là bí mật.
Cách hoạt động trực tiếp giữa đoàn viên K-9 với Tổng Vụ Trưởng hay Tổng Vụ, nghĩa là ngay cả giới lãnh đạo Mặt Trận chưa chắc đã rõ vai trò của các đoàn viên “áo trắng”, nói chi đến giới lãnh đạo trẻ của đảng Việt Tân ngày nay.
Mặt trận có hai Vụ Trưởng. Người đầu là Đại Tá Phạm Văn Liễu. Năm 1983 ông Liễu tách khỏi Mặt Trận đứng ra thành lập một Mặt Trận khác. Mặt Trận của ông Liễu chỉ tồn trong một thời gian rất ngắn.
Ông Nguyễn Kim từ chiến khu trở về nhận trách nhiệm Vụ Trưởng cho đến khi Mặt Trận trở thành đảng Việt Tân.

Nhận xét về phóng sự
Trong khi đó vì thiếu thông tin Phóng viên A.C Thompson lại đặt tiền đề K-9 là nhóm đặc trách ám sát bên trong Mặt Trận.
Ở Hoa Kỳ ai hành động, ai ra lệnh khủng bố phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Hoa Kỳ và trước lịch sử định cư của người Việt tại Hoa Kỳ. Tựa đề “Terror in Little Saigon” làm nhiều người Việt tự do xem là có ác ý và sinh ra ác cảm với tác giả. Ngay cái tên Little Saigon cũng chỉ được dùng sau này.
Thế nhưng mục tiêu của phim là khán giả người Mỹ. Khán giả Mỹ lại đòi hỏi phóng sự phải hấp dẫn, phải khách quan và phải chuyên môn. Khán giả Mỹ không hề bị vấn vương tình cảm với hai chữ Sài Gòn.
Phóng viên A.C. Thompson cũng đã cho biết: “Muốn nhật báo Người Việt chuyển lời xin lỗi của tôi. Tôi thật tình không muốn làm buồn lòng cộng đồng người Việt, không muốn vẽ lên một hình ảnh xấu cho cộng đồng người Việt. Chỉ là chúng tôi rất nóng lòng trong việc tìm công lý cho những ký giả gốc Việt, mà chúng tôi xem là đồng nghiệp, bị giết.”
Được Luật sư Nguyễn Hoàng Duyên đài truyền hình calitoday phỏng vấn, phóng viên AC Thompson cho biết không có ý làm tổn thương cộng đồng người Việt và xin lỗi những người không thích cái tựa đề của cuốn phim.

Nhận xét về phản ứng của Việt Tân
Cuốn phim tập trung vào K-9 và cho rằng tổ chức này thuộc Mặt Trận nay là đảng Việt Tân.
Qua cuộc phỏng vấn BBC, phóng viên A.C Thompson cho biết ông đã công bố thông tin thu thập được từ các cuộc nói chuyện với một đại diện của Việt Tân từ lâu trước khi cho chạy bài và phát hành bộ phim. ông khuyến khích đảng Việt Tân phản bác thông tin mà ông đã chia sẻ. Nhưng đảng Việt Tân đã không làm; thay vì thế, Việt Tân lại ra thông cáo báo chí công kích.
Đã được xem trước nếu đảng Việt Tân xét thấy tài liệu là vu cáo Mặt Trận, thì đảng Việt Tân có thể xin trát tòa để được xem cuốn phim trước khi cuốn phim được mang ra công chúng. Việt Tân cũng có thể sửa soạn thông tin để hướng dẫn dư luận Mỹ và Việt. Và nếu Việt Tân làm thế thì ảnh hưởng của cuộn phim đã được giảm thiểu rất nhiều.
Còn các vụ án ngay cả khi đã bị FBI truy tố, thì cá nhân hay tổ chức bị truy tố vẫn được xem vô tội. Và chỉ có tòa án mới có quyền quyết định có tội hay vô tội.
Mục tiêu của cuộn phim là người Mỹ, nên thay vì tập trung giải thích và vận dụng người Việt, đảng Việt Tân cần chuyển hướng xác minh với người Mỹ đó chỉ là sự vu cáo.
Qua đài truyền hình calitoday ông Lý Thái Hùng cho biết đã làm việc với luật sư của đảng Việt Tân. Đã chính thức tuyên bố bị vu cáo thì đảng Việt Tân cũng nên xem xét và tiến hành đưa cơ sở truyền thông ProPublica và hệ thống truyền hình PBS ra tòa.
Đưa các cơ quan truyền thông ra tòa không phải để thắng thua, mà để đảng Việt Tân có thêm cơ hội được trình bày trước dư luận chính mạch Hoa Kỳ, đảng Việt Tân không hề có dính lứu đến việc ám sát các nhà báo.

Cộng sản đứng đằng sau
Trước đây có dư luận chính cộng sản đã sát hại các nhà báo rồi tung tin gán ghép cho Mặt Trận. Đến nay người ta đã quên đi giả thuyết này.
Trong cuộc phỏng vấn với báo Người Việt, phóng viên A.C. Thompson, cho biết một trong những nhà sản xuất phim tên Tony Nguyễn. Người này đã cùng làm việc với A.C. Thompson từ những ngày đầu tiên, và đóng vai trò định hình cho cuốn phim.
Báo Người Việt cho biết “vào năm 2011, Tony Nguyễn đã làm cuốn phim có tên “Enforcing the Silence” nói về việc ký giả Dương Trọng Lâm, 27 tuổi, chủ bút tờ Cái Ðình Làng, bị bắn chết vào tháng 7 - 1981, tại San Francisco, California. Trong cuốn phim này, Tony Nguyễn cũng kết luận rằng Mặt Trận là thủ phạm giết chết Dương Trọng Lâm.”
Trên diễn đàn BBC, tác giả Bùi Văn Phú cho biết “Thám tử Hendrix và Sanders của Sở cảnh sát San Francisco không tìm ra manh mối và kết luận vụ án mạng liên quan đến tiền bạc, chứ không mang mầu sắc chính trị.”
Ông Phú cũng cho biết: “Thực ra lúc đó cũng đang có tranh giành quyền lợi tài chánh qua các dịch vụ chuyển tiền và gửi hàng về Việt Nam giữa các tổ chức Việt kiều Yêu nước ở Mỹ và Canada và Lâm có thể là nạn nhân của những tranh chấp này.”
Điều lạ là đảng Việt Tân không tiến hành pháp lý đối với Tony Nguyễn nhằm xác minh đã bị vu cáo bắn chết ký giả Dương Trọng Lâm.
Có luồng dư luận cho là cộng sản đứng đằng sau cuộn phim. Việc cộng sản vẫn tiếp tục lợi dụng là do đã có người hay tổ chức khủng bố ám sát nhiều nhà báo. Khi các vụ án chưa được đưa ra ánh sáng thì cộng sản vẫn còn cơ hội tiếp tục lợi dụng.
Được biết cuộn phim đã được phát hình liên tục trên các đài truyền hình và phổ biến trên mạng thu hút đến hằng chục triệu người Mỹ xem. Nhiều tờ báo Mỹ đã có những bài viết về phim phóng sự.
Dư luận Mỹ đang chờ phản ứng của đảng Việt Tân. Vì thế đây là một thách thức lớn cho đảng Việt Tân mà cũng là một cơ hội để đảng Việt Tân xóa hồ sơ bị tình nghi là có dính lứu đến các vụ án.

Lời cuối
Tôi là một chuyên viên chuyên mở hồ sơ và cố vấn các kiểm toán viên Văn Phòng Thuế Vụ Úc (Australian Taxation Office) để họ điều tra và kiểm tóan các đại công ty Úc.
Ở Úc khi các đại công ty bị truyền thông báo chí Úc đưa tin là gian lận thuế vụ, họ có thể tự nguyện xin sở thuế mở cuộc điều tra để xác minh hồ sơ thuế vụ của họ là minh bạch. Có thế họ mới tạo được niềm tin với các cổ đông viên và yên tâm tập trung vào doanh nghiệp.
Phương cách này cũng được các sở cảnh sát Úc cho phép trong một số trường hợp.
Không biết ở Hoa Kỳ FBI có chấp nhận phương thức này không?
Và nếu đảng Việt Tân tự tin Mặt Trận không bao giờ có chỉ thị, có một tổ chức hay một nhóm đặc trách ám sát, đảng Việt Tân có thể thử phương cách này.

Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi


 “TERROR IN LITTLE SAIGON”,

MỘT ĐIỀU TRA HÌNH SỰ HAY ĐÒN PHÉP CHÍNH TRỊ?

Định Nguyên

ĂN CƠM MỚI NÓI CHUYỆN CŨ
Phim phóng sự “Terror In Little Saigon” xuất hiện mấy tuần nay gây xôn xao dự luận trong các cộng đồng người Việt. Nội dung của nó là chuyện cũ, khơi lại vụ năm nhà báo Việt Nam bị ám sát tại Mỹ vào thập niên 80 thế kỷ trước. Theo tuyên bố, những người làm phim muốn tìm công lý cho những nạn nhân bị ám sát cùng gia đình của họ. Nhưng sau gần một tiếng đồng hồ trình chiếu, cuốn phim không chứng minh được ai là kẻ sát thủ, ai là người ra lệnh mà chỉ nói một cách chung chung rằng năm người bị giết đều là những người chống đối Mặt Trận Hoàng Cơ Minh”, tiền thân của Đảng Việt Tân hiện nay. Như vậy, nếu cuộc “điều tra” của PBS chỉ có thế thì sẽ không có ai bị truy tố mà chỉ có Đảng Việt Tân là chịu ảnh hưởng chính trị nặng nề nhất.
Sống ở những xứ văn minh, dân chủ không ai chấp nhận những hành vi ám sát man rợ các thành phần đối lập chính trị cả. Nếu, vì công lý, PBS muốn tìm thủ phạm ám sát năm nhà báo Việt Nam, chúng ta nên hoan nghênh và ủng hộ họ. Nhưng khi lật lại một hồ sơ tội ác cũ vừa có tính cách hình sự lẫn chính trị như thế, PBS muốn gì? Có chắc họ chỉ muốn điều tra tội phạm không, hay vì động cơ chính trị? CSVN có thể chi tiền, vận động để PBS giúp họ đánh người Việt hải ngoại (như họ đã làm để có Việt Nam Thiên Lịch Sử Truyền Hình, cũng do truyền hình Mỹ thực hiện để xuyên tạc cuộc chiến Việt Nam, có lợi cho cộng sản). Hoặc, PBS được chính phủ Mỹ bật đèn xanh thực hiện “Terror In Little Saigon” cho mục tiêu chính trị theo thời của họ? Mọi chuyện đều có thể, nhưng giả thiết thứ nhất “khó nói” lắm, cho nên bài nầy chỉ bàn nghi vấn thứ hai.
Nếu muốn điều tra hình sự (Criminal Investigation) thì khả năng thành công của họ bao nhiêu? Không bao nhiêu cả! Việc xẩy ra đã trên ba chục năm, những thành phần điều tra tội phạm chuyên nghiệp như FBI và cảnh sát Mỹ đã thất bại, không tìm ra thủ phạm nên đã đóng hồ sơ từ lâu rồi. Bây giờ một cơ quan truyền thông như PBS nhảy ra điều tra lại theo kiểu tài tử? Chuyện như đùa! Muốn điều tra có kết quả thì phải có chứng cứ, đặc biệt là chứng cứ tại hiện trường. “Để lâu cứt trâu hoá bùn”, thời gian đã quá lâu rồi làm sao có được những chứng cứ rõ ràng để buộc tội? Làm sao tái dựng hiện trường “nóng”, làm sao có được dấu tay, làm sao có được những nhân chứng khách quan tại chỗ…? Nếu không có những thứ đó mà chỉ căn cứ vào lời khai (của bất cứ ai) thì làm sao đủ yếu tố để buộc tội? Nếu quả thật PBS muốn điều tra để tìm ra những CÁ NHÂN “chủ mưu” và “chủ ác” trong việc ám sát năm ký giả Việt Nam thì thật tiếc công sức cho họ. Đó chỉ là một “MISSION IMPOSSIBLE”!

POLITICAL SCHEME
Tôi tin là họ cũng biết như vậy. Nhưng tại sao họ lại bỏ công sức và tiền bạc để thực hiện cuốn phim “Terror In Little Saigon”? Rất có thể đó chỉ là một đòn phép chính trị, một “Political Scheme” mà hệ thống PBS thực hiện để đánh Đảng Việt Tân nói riêng, triệt hạ sinh hoạt chống cộng của người Việt tỵ nạn nói chung. Nếu chỉ muốn tìm kẻ đã giết hại năm ký giả Việt Nam, đâu cần đưa hình ảnh sinh hoạt của các hội đoàn cựu quân nhân QL/VNCH với binh phục, súng ống, cờ vàng và với lời bình “Họ vẫn còn dùng quân phục của một quân đội đã biến mất hơn bốn chục năm”, hoặc “Họ muốn mở một cuộc chiến thứ ba”…Nếu muốn tìm ra thủ phạm người Việt Nam đã ám sát năm nhà báo người Việt Nam tại Hoa Kỳ đâu cần qua tận Thái Lan và biên giới Lào để tìm hiểu hoạt động của Tướng Hoàng Cơ Minh và Mặt Trận QGTNGPVN. Việc ám sát xẩy ra ở Mỹ thì phạm trường phải là trên đất Mỹ, đâu phải đất Thái hoặc Lào mà qua đó để tìm? Hành động Thái du nầy của ký giả A.C Thompson đã tự tố cáo mục đích của ông ta khi thực hiện “Terror In Little Saigon”. Mục đích đó không phải là “tìm công lý cho các nạn nhân và gia đình của họ” như đã rêu rao mà tìm hiểu về “Mặt Trận” với ý đồ khác. Nếu cho rằng “Mặt Trận” là thủ phạm ám sát năm ký giả ấy nên ông Thompson qua Thái để tìm hiểu thêm cũng vô lý. Tướng Hoàng Cơ Minh đã hy sinh và “Mặt Trận” đã tiêu tùng từ lâu, còn ai ở đó nữa mà điều tra dò hỏi? Tất cả đã trở thành hồn ma bóng quế rồi, dấu tích tội phạm có ở đó đâu mà tìm? Hơn nữa, tìm hiểu ai là hung thủ người Việt Nam (?), giết năm ký giả cũng người Việt Nam trên đất Mỹ sao lại hỏi các cựu viên chức Thái? Sao lại hỏi những người dân Thái sống dọc biên giới, nơi Tướng Hoàng Cơ Minh và “mặt Trận” đã từng có mặt? Hiểu được điều nầy thì sẽ thấy PBS, qua “Terror In Little Sai gon” không hề có mục địch điều tra để tìm những CÁ NHÂN thủ phạm đã ám sát năm ký giả ấy. Mục đích của họ là hạ bệ Mặt Trận Hoàng Cơ Minh. Mặt trận nầy không còn, đích nhắm thực sự của họ là Đảng Việt Tân hiện nay, hậu thân của Mặt Trận. Dó là một âm mưu chính trị, một “Political scheme” của PBS do A.C Thompson thực hiện.

Hãy nhìn về tình hình Biển Đông, hãy quan sát sự quan hệ chồng chéo giữa Việt Nam, Trung cộng và Mỹ. Với tuyên bố đường Lưỡi Bò, với hành động cơi nới các hòn đảo nhỏ trên Thái Bình Dương để làm các căn cứ quân sự, ai cũng thấy Trung cộng muốn độc chiếm Biển Đông, đe doạ sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước trong vùng, tước đoạt sự tự do lưu thông đường biển tại vùng nầy. Hoa Kỳ đang công khai chống lại. Phần nhiều các nước ở Đông Nam Á sẵn sàng đứng bên cạnh Hoa Kỳ, nhưng Việt Nam? Chưa ai biết thái độ của tập đoàn CSVN trước hiểm hoạ nầy như thế nào. Theo lệ thường, nếu đất nước mình bị đe dọa thì mình phải chống lại, chống không nổi thì tìm đồng minh chung sức để chống. Với tình hình Biển Đông, Việt Nam tuy là một nạn nhân trực tiếp nhưng không có hành động chống sự xâm lăng của Trung cộng một cách dứt khoát và mạnh mẽ. Họ lấp lửng giữa quyền lợi dân tộc và quyền lợi đảng. Với quyền lợi dân tộc, họ chỉ lên tiếng phản đối Trung cộng một cách chiếu lệ. Với quyền lợi đảng, họ trải thảm đỏ đón Tập Cận Bình, lãnh tụ của Trung cộng, kẻ thù số một của dân tộc Việt Nam. Hoa Kỳ là cường quốc số một, với lực lượng quân sự và khoa học kỷ thuật vô địch đang cố gắng lôi kéo Việt Nam để cùng chống Trung cộng. Thế mà tập đoàn CSVN lại làm eo! Lý do của sự làm eo nầy có thể là phía Mỹ chưa thoả mãn được những yêu sách của CSVN. Trong cuộc Mỹ du vừa qua của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư Đảng CSVN, không ai biết chính xác hai bên đã mật hứa điều gì với nhau. Người ta chỉ thấy phía Mỹ đã có những việc làm và tuyên bố lạc quan. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Ted Osius khi viếng các cộng đồng Việt Nam tại Mỹ đã tuyên bố “Việt Nam sẽ sớm có nhân quyền và tự do dân chủ”. Bên cạnh đó, Tổng thống Obama đã nhận lời thăm viếng Việt Nam vào tháng 11 năm 2015. Nhưng hiện nay Việt Nam chưa có dấu hiệu nào về nhân quyền và tự do dân chủ như tuyên bố của ông Ted Osius cả. Tổng thống Obama đã huỷ chuyến viếng thăm Việt Nam như đã hứa. Để có thể theo làm “đồng minh chiến lược”, như mong muốn của Mỹ, CSVN chắc đã có những điều kiện trao đổi/áp lực nào đó đối với Mỹ. CSVN chẳng có thực lực nào để có thể áp lực Mỹ, ngoại trừ TINH THẦN CHỐNG CỘNG của người Việt Nam tại đất nước Hoa Kỳ. CSVN muốn mượn bàn tay Mỹ để tiêu diệt những lực lượng chống cộng tại Mỹ mà họ không làm được. Muốn là “bạn” của nhau, anh không thể dung dưỡng và hổ trợ kẻ thù của tôi ngay trong nhà anh được. Đó là ý đồ, là thâm ý của CSVN.

Mỹ có nghe theo CSVN không? Tôi nghĩ là có.
Chuyện ông Đại sứ Mỹ Ted Osius từ chối không đứng dưới cờ vàng là một dấu hiệu. “Terror In Little Saigon” là dấu hiệu thứ hai. Cờ vàng đã hiện hữu tại Mỹ trên dưới 40 năm nay, đã được nhiều tiểu bang và thành phố công nhận. Bỗng dưng ông đại sứ “trở chứng” không “chơi với cờ vàng” là sao? Thật ra, đứng dưới biểu tượng của của một sắc dân trong cộng đồng dân tộc không đi ngược lại luật pháp và truyền thống của Mỹ. Thế thì tại sao ông đại sứ lại dị ứng với cờ vàng, biểu tượng chung của người tỵ nạn Việt Nam trên đất nước Hoa Kỳ? Không có cách giải thích nào khác ngoại trừ ông ta đã bị áp lực chính trị. Áp lực chính trị đó đến từ đâu? Đến từ chính phủ Mỹ theo yêu cầu của CSVN chứ không đâu cả! “Terror In Little Saigon” lật lại hồ sơ cũ, chỉa mũi dùi vào Đảng Việt Tân với mục đích chính trị gì? Thì nó vẫn thế, có vẻ như người Mỹ đang muốn “thịt” Việt Tân để “tế” VC chứ không có gì khác. Phen nầy Việt Tân sẽ tứ bề thọ địch, khó mà làm ăn suông sẻ được. Trong nước, VC tố Việt Tân là “khủng bố”; ngoài nước Mỹ cũng tố Việt Tân là “khủng bố” (terror), những thành phần người Việt chống Việt Tân nhân cơ hội nầy cũng lên án “Mặt Trận”/Việt Tân một cách gay gắt và đồng loạt thì rõ ràng là Việt Tân đang gặp đại nạn. Việt Tân sẽ chống đỡ như thế nào, hiệu quả của sự chống đỡ đó ra sao tuỳ khả năng của họ, chưa ai nói trước được. Nhưng hiện nay, CSVN là kẻ hoàn toàn hưởng lợi qua cuốn phim “Terror In Little Saigon” mà PBS thực hiện.

Với người Mỹ, quyền lợi của họ là chính, không có ai là bạn muôn đời, chả có ai là kẻ thù truyền kiếp. Một quốc gia “đồng minh” như VNCH khi cần họ cũng “bán” huống gì một “Mặt Trận”/Đảng Việt Tân chưa có thực quyền, chưa có đất dụng võ, cho dù một thời họ đã ngầm ủng hộ (?). Tuy Việt Tân sẽ gặp khó khăn, nhưng liệu Mỹ có thành công trong việc cấm đoán người Việt tỵ nạn chống cộng không? Không thể được. Mỹ là nước tự do, mọi phát biểu chính trị đều được tôn trọng. Họ có thể cấm Đảng Việt Tân hoạt động chính trị chống nhà nước CSVN tại đất nước họ, nhưng họ không có quyền cấm người Việt Nam bày tỏ lập trường chính trị, kể cả loại chính trị chống cộng, qua hình thức hội họp, hội thảo, biểu tình, meetings…Nói tóm lại, Mỹ chỉ có thể thoả mãn yêu sách của CSVN trong một chừng mực nào đó thôi. Và CSVN có thể vin vào đó để đu giây, vừa tiếp tục mượn tay Mỹ để vô hiệu hoá mọi hoạt động chính trị chống lại họ, vừa che đậy âm mưu theo Tàu, bảo vệ đảng, bảo vệ “thành trì Chủ Nghĩa Xã Hội” của họ.
13/11/2015
ĐỊNH NGUYÊN
Mùa Thanksgiving 2015

http://www.ttdq.de


Ông Lý Thái Hùng:

Phim "Terror In Little Sài Gòn" đầy ác ý và xúc phạm danh dự cộng đồng

CaliTodayTV

Xin mời quý vị theo dõi phần phỏng vấn ông Lý Thái Hùng, Tổng bí thư Đảng Việt Tân trên đài truyền hình Cali Today về phim "Khủng bố tại Little Saigon".

 


Nhìn vào sự thật qua các vụ nhà báo gốc Việt bị giết

Đinh Từ Thức

Điều tra phóng sự truyền hình Terror in Little Saigon đã gây sôi nổi ngay từ trước khi công chiếu vào ngày 3 tháng 11, 2015. Sau mười ngày, cuộc tranh cãi đã phân định thành nhiều phe tương đối rõ nét. Nhưng hầu như lập luận của phe nào cũng bị vẩn đục bởi những định kiến sẵn có, khiến cuộc thảo luận chỉ quanh quẩn, người nọ lập lại ý kiến của người kia cùng phe, khiến tình trạng ngày càng tù mù thêm. Giống như một sân quần ngựa, càng nhiều ngựa quần, bụi đất càng mù mịt.
Muốn nhìn rõ vấn đề, trước hết, cần loại bỏ mọi định kiến, nghi vấn, suy đoán theo tưởng tượng. Cần gạt bỏ mọi tình cảm thiên lệch sẵn có như bênh ai, chống ai...Hãy bắt đầu từ số không, và chỉ nhìn vào những sự việc có thật, rồi từ đấy mới có thể có cái nhìn rõ ràng.

Sự thật không thể chối bỏ
Trước hết, những người chống lại nhóm làm phim đưa ra lập luận: Nội vụ đã xẩy ra hai ba chục năm rồi, giới hữu trách đã có gắng nhiều, vẫn không tìm ra thủ phạm, không ai bị truy tố, tại sao làm sống lại chuyện này? Nhằm mục đích gì? Có âm mưu gì? Ai chi tiền? Đằng sau có ai? Và đằng sau ai có ai nữa? Tại sao lúc này?... Trong khi ấy, những người có thành kiến với Mặt Trận [Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam của Tướng Hoàng Cơ Minh – gọi tắt là Mặt Trận], cũng như với chính đảng kế tục Mặt Trận là Việt Tân, đều nhấn mạnh về nghi vấn Mặt Trận là thủ phạm. Nội dung cuốn phim gây tranh cãi cũng thiên về khuynh hướng này, và cũng không nêu được sự thật mới nào.

Vậy sự thật ở đâu? Bắt đầu từ chỗ nào?
Dù chưa bắt được thủ phạm, chưa ai bị truy tố, nhưng có một sự thật không ai chối cãi được, là có những người bị giết. Sự thật này không ai có thể né tránh, không thể thay đổi, không thể xoá bỏ. Dù nhắc tới nó hay không, dù can đảm đối diện hay hèn mạt chối bỏ, nó vẫn còn đó. Chưa có ai bị truy tố, không có nghĩa là không có thủ phạm, không có người chết. Có nhiều người bị giết mà chưa bắt được thủ phạm, rất nhiều nguy hiểm; vì thủ phạm vẫn thong dong sống trà trộn với người lương thiện trong xã hội, “đã quen mất nết đi rồi”, có thể tái phạm tội ác bất cứ lúc nào; là mối đe dọa thường trực cho mọi người. Hơn nữa, có người chết, thì phải làm cho sáng tỏ. Không làm được là bất lực, vô trách nhiệm, vô cảm.
Theo những tài liệu rõ ràng, không ai chối cãi được, là trong mười năm, từ 1981 đến 1990 thế kỷ trước, có nhiều vụ khủng bố mà nạn nhân thuộc thành phần người Việt tại Mỹ. Kẻ bị đe doạ, bị hành hung, người bị đốt nhà, nhiều người bị bắn chết, có người chỉ bị thương, thoát chết. Nội dung cuốn phim gây tranh cãi chỉ nói tới năm người bị giết, nên ở đây, cũng chỉ đề cập tới những người này.
Năm người bị giết không phải chỉ là những con số đơn độc vô tri vô giác. Mỗi người không phải chỉ là một phân số 1/5 của một tổng số. Họ là những con người bằng xương bằng thịt, có tên tuổi, diện mạo, có sở thích, chí hướng, có gia đình, bạn hữu và nguồn gốc. Đó là sự thật.
Sự thật khác là cả năm người khi bị giết đều cùng đang sống trên lãnh thổ Hoa Kỳ, là cường quốc dân chủ số một trên thế giới, là “thành phố ánh sáng trên đồi cao” cho cả thế giới noi theo về tinh thần trọng luật, và tôn trọng nhân quyền. Sự thật kế tiếp là những người này đã bị giết hai ba chục năm, mà chính quyền Hoa Kỳ vẫn chưa tìm ra thủ phạm để đem ra trước công lý. Nếu đây là một vết nhơ, một điều đáng xấu hổ, đáng nhục thì, ai xấu hổ, ai nhục? Có người nói: khơi lại nội vụ là làm nhục cộng đồng người Việt. Sự thật, có phải vậy không?
Một sự thật khác liên hệ tới nhà báo bị giết không thể bỏ qua: Ngày 7 tháng 1 năm 2015, hai sát thủ xông vào tuần báo châm biếm Charlie Hebdo ở Paris, bắn chết 12 người. Cả thế giới phẫn nộ. Tổng Thống Pháp từng bị tờ báo này mạ lỵ thậm tệ nhiều lần, ra lệnh treo cờ rủ, cả nước Pháp để tang, hàng triệu người xuống đường đeo huy hiệu, tự nhận “Tôi là Charlie” (Je suis Charlie). Tổng Thống Mỹ Obama lên án vụ tấn công là “horrific shooting” (vụ bắn khủng khiếp), hứa giúp đỡ mọi sự cần thiết để đưa bọn khủng bố ra trước công lý. Tổng Thư Ký LHQ Ban Ki-moon tuyên bố: “Đó là một tội phạm máu lạnh, kinh hoàng không thể biện minh được. Nó cũng là cuộc tấn công thẳng vào nền tảng của dân chủ, vào truyền thông và vào tự do phát biểu”. Thủ Tướng Anh Cameron bầy tỏ trên twitter: “Những vụ giết người tại Paris là bệnh hoạn. Chúng tôi sát cánh với dân tộc Pháp trong trận đánh chống lại kinh hãi và bảo vệ tự do báo chí”.
Khác nhau giữa các nhà báo Pháp bị giết ở Paris, và nhà báo gốc Việt bị giết ở Mỹ là ở chỗ, một đằng bị giết cùng một nơi, cùng lúc, một đằng bị giết lẻ tẻ, rải rác nhiều nơi, trong nhiều năm. Thủ phạm giết nhiều người một lúc, là phạm pháp một lần. Thủ phạm giết người nhiều lần, mỗi lần một vài người, dù tổng số người bị giết ít hơn, nhưng là phạm pháp nhiều lần, có yếu tố tái phạm. Một yếu tố khiến tội phạm nặng thêm.
Vậy, vụ các nhà báo gốc Việt bị giết ở Mỹ phải được coi là nghiêm trọng hơn vụ Charlie Hebdo. Tuần báo Charlie Hebdo là một cá thể trong cộng đồng dân Pháp, dù nhiều người không ưa cá thể này, nhưng từ tổng thống trở xuống, cả dân Pháp đã đau buồn, cùng nhau chịu tang, thế giới chia buồn.
Các nhà báo Việt bị sát hại tại Mỹ, dù có người không ưa họ – chẳng ai được mọi người cùng ưa – trước hết, họ là những cá thể trong cộng đồng người Việt, cùng lúc, họ cũng thuộc về cộng đồng tất cả mọi người sống trên đất Mỹ. Trước hết, cái chết của họ là nỗi đau chung, là tang chung cho cả cộng đồng người Việt. Và theo cách đối xử của dân Pháp trước vụ Charlie Hebdo, họ cũng đáng được dân Mỹ chia sẻ niềm đau, chính quyền Hoa Kỳ giúp đỡ, và thế giới quan tâm.
Bây giờ, xin nhìn thẳng vào sự thật, trước những cái chết của họ, cộng đồng người Việt đã làm gì? Chính quyền Hoa Kỳ đã làm gì? Thế giới đã làm gì?
Nói theo Nguyễn Ngọc Lan, trước tội ác xẩy ra cho thành viên của mình, Cộng đồng người Việt đã “làm thinh”! Nói “làm thinh” là đã nhẹ bớt quá nhiều. Sự thật còn tệ hơn nữa. Trả lời nhóm làm phim ProPublica, người đã bắn Trần Khánh Vân, chỉ vì ông này chủ trương đối thoại và giao thương với Việt Cộng, Trần Văn Bé Tư, sau bảy năm ngồi tù, vẫn còn hãnh diện: “Tôi bắn, hắn đổ xuống như một cái cây”. Và cho biết thêm: “Dân chúng ở Orange County coi những ngừơi giết những kẻ bị coi là Cộng Sản như anh hùng”. Ông còn nói đã được tuyển mộ gia nhập K-9 nhưng từ chối, tuy vậy, ông thán phục việc làm của họ.
Còn chính phủ Hoa Kỳ, Tổng Thống Obama hứa giúp nước Pháp “đưa bọn khủng bố ra trước công lý”, nhưng đối với bọn khủng bố giết người trên nước ông, ông cũng làm thinh luôn. Còn thế giới? Cộng đồng Việt như vậy, chính quyền Mỹ như vậy, hà tất thế giới phải quan tâm.

Sự thật đáng buồn
Một sự thật đáng buồn hơn cả thái độ làm thinh: Sau khi điều tra phóng sự Kinh hoàng tại Little Saigon công chiếu, đã có cuộc vận động trong cộng đồng chống lại nỗ lực của nhóm người làm sống lại vụ án này, với lý do âm mưu làm xấu hình ảnh cộng đồng. Như đã trình bầy, những người bị giết là nạn nhân, cộng đồng người Việt là tang gia. Ở đâu có chuyện lạ đời, nhiều thành viên trong gia đình bị giết mà tang gia bị nhục? Cộng đồng không bao bọc thành viên của mình, và làm thinh, hay còn vui mừng trước hoạn nạn của thành viên, cái đó mới đáng nhục. Và nhục nhã nhất ở đời là không biết nhục.
Phía chống đối ProPublica còn nêu nghi vấn: Có thể những nhà báo bị giết là do bàn tay Việt Cộng, để tạo nghi ngờ và chia rẽ trong cộng đồng Việt tị nạn. Nếu vậy, nội vụ càng cần làm sáng tỏ, thay vì bỏ qua. Bởi vì, cái nước Mỹ số một thế giới, cùng với cộng đồng Việt chống cộng nổi tiếng hoàn cầu, mà để Việt Cộng gửi sát thủ sang đây hoành hành như chỗ không người, thỉnh thoảng giết một nhà báo để bịt miệng, kéo dài cả chục năm, vẫn không bắt được thủ phạm. Nhục nào bằng?
Chính quyền Mỹ có trách nhiệm bảo vệ an ninh cho mọi cư dân. Để cho người dưới trách nhiệm bảo vệ của mình bị giết là một cái nhục. Nhục kế tiếp là bó tay, không tìm ra thủ phạm. Nhóm làm phim đánh động dư luận, làm sống lại nội vụ, trước hết là góp phần tìm ra thủ phạm để bộ mặt Hoa Kỳ không bị nhem nhuốc, sau là đem lại một kết thúc bình an cho gia đình các nạn nhân. Thế mà, điều đáng ngạc nhiên, một nghị sĩ gốc Việt tại Viện Lập Pháp Tiểu Bang California đã vội vàng lên tiếng phản đối. Nghị sĩ Janet Nguyễn có một vai trò kép, vừa là đại diện dân Mỹ, vừa là một thành viên cộng đồng Việt. Đáng lẽ bà phải vui mừng gấp đôi trước việc làm của ProPublica, vì cố gắng của họ vừa làm đẹp cho nước Mỹ, vừa đem lại lợi ích cho cộng đồng Việt. Một tuần sau ngày công chiếu phóng sự điều tra, trong lá thư ngày 10 tháng 11 gửi ProPublica, bà tỏ vẻ bất bình và yêu cầu tổ chức này phải xin lỗi cộng đồng Việt. Lý do bất bình, bà viết: “Trái với những gì được trình bầy xuyên tạc trong phóng sự của ông, trên 1.7 triệu người Mỹ gốc Việt là những công dân tôn trọng pháp luật đã cống hiến cho sự thịnh vượng của xã hội Hoa Ky”. (Contrary to what was portrayed in your slanted reporting, the more than 1.7 million Vietnamese Americans are law abiding citizens that contribute to the rich tapestry of America’s society).
Nghị sĩ Nguyễn nói mà không cần để ý tới thực tế. Sự thật là sắc dân nào, cộng đồng nào cũng vậy, đều có một số do thiếu hiểu biết, hay cố tình vi phạm pháp luật. Vì thế mới cần có hệ thống tư pháp. Trên nước Mỹ, năm nào cũng có những người Việt phạm pháp, bị truy tố ra toà. Đó là chuyện bình thường. Nếu tất cả trên một triệu bảy trăm ngàn người gốc Việt đều là những công dân tôn trọng pháp luật, vậy những người bị truy tố hay đang thi hành án trong tù, họ ở đâu ra? Nghị sĩ Nguyễn còn trẻ, tương lai con nhiều hứa hẹn, không nên phát biểu giống như những người phát ngôn từ Bắc Kinh hay Hà Nội, lúc nào cũng gân cổ tuyên bố “chúng tôi không có tù chính trị”, nhưng trong “kho dự trữ” luôn đầy ắp, sẵn sàng đem ra làm quà mở đường cho một chuyến công du, hay đổi lấy chữ ký cho một thoả hiệp béo bở.

terror
“Bản án tử hình” dành cho Dương Trọng Lâm (tài liệu trên ProPublica)

Ngoài ra, khi có những người, hay nhóm người gốc Việt phạm pháp, đó là chuyện cá nhân hay băng đảng riêng, họ làm họ chịu. Một người hay một nhóm phạm pháp không phải cả cộng đồng phạm pháp. Uy tín cộng đồng không bị suy giảm khi có một cá nhân, hay một nhóm trong cộng đồng phạm pháp. Chỉ khi nào cộng đồng cố tình bao che cho một cá nhân hay một nhóm trong tập thể của mình, lúc ấy, uy tín cộng đồng bị thương tổn. Ngược lại, khi cộng đồng tham gia việc tìm ra kẻ phạm pháp trong tập thể của mình, là góp phần rửa sạch bộ mặt mình, càng làm cho uy tín của cộng đồng lên cao.
Để Nghị Sĩ Nguyễn dễ phân biệt giữa vinh với nhục, và giữa cá thể với cộng đồng, chẳng cần tìm đâu xa, có thể nhìn ngay vào lịch sử hiện đại của Hoa Kỳ. Năm 1972, Tổng Thống Nixon bao che cho một nhóm tay chân bộ hạ ở Bạch Ốc đột nhập trụ sở Đảng Dân Chủ ở chung cư Watergate. Hai nhà báo trẻ của The Washington Post, được sự đồng ý của chủ bút, cố truy tìm nguồn gốc của việc làm phạm pháp này. Lúc đầu. vì chưa đủ bằng chứng, nhà báo gặp rất nhiều khó khăn. Họ cũng bị đe doạ, nhưng nhà báo đã cố làm việc vì công tâm, để bảo vệ những giá trị cao đẹp của Mỹ, không phải để bôi nhọ nước Mỹ. Trong trường hợp này, truy nguyên để chứng minh ông tổng thống phạm pháp, là cố gắng can đảm, đáng trân trọng, không phải là việc làm cần ngăn chặn.
Khi ông Nixon hết đường nói quanh, phải từ chức, tuy ông là đương kim tổng thống, đại diện cho cả nước Mỹ, nhưng hành vi sai trái của ông chỉ riêng ông phải chịu. Mình ông xấu mặt. Nước Mỹ chẳng những không xấu, còn được cả thế giới kính phục. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhà báo chỉ với cây bút trong tay, làm cho một ông tổng thống quyền lực hàng đầu thế giới, nắm chìa khoá nguyên tử trong tay, phải từ chức.
Một trùng hợp khá hy hữu, trong cùng ngày Nghị sĩ Nguyễn viết thư cho ProPublica, nói tất cả người Việt ở Mỹ đều là những công dân tôn trọng pháp luật, ông Nguyễn Xuân Nghĩa, một cựu lãnh đạo cao cấp của Mặt Trận cho biết: K-9 có thật, do ông Phạm Văn Liễu điều động, mục tiêu ám sát đầu tiên là chính ông (Nguyễn Xuân Nghĩa), mục tiêu thứ nhì là chủ báo Người Việt Đỗ Ngọc Yến, nhưng cuối cùng, ông Trần Khánh Vân lãnh đạn! Kẻ bắn ông Vân vẫn còn đó, sau khi mãn án tù vẫn hãnh diện về hành vi bắn người của mình. Nếu cho đây là niềm hãnh diện chung của cộng dồng, terror chính là đấy, phải tìm đâu xa?

Ngoài ngạc nhiên về nội dung thư phản đối của Nghị sĩ Janet Nguyễn, là ngạc nhiên về câu nói của một nhà lãnh đạo Mặt Trận vốn nổi tiếng khôn ngoan, ông Hoàng Cơ Định. Trong cuộc phỏng vấn do Hà Giang báo Người Việt thực hiện ngày 6 tháng 11, ông Định tuyên bố: “Nhưng nếu trong một cộng đồng, cứ một người cầm bút tử nạn là lập tức cho là họ bị đàn áp vì sự nghiệp viết lách thì cộng đồng đó có đáng cho là đã trưởng thành hay chăng.” Nếu chỉ là câu nói vô tình, đó là sự đáng tiếc. Nếu cố ý, đó là câu nói nhằm mục đích đánh lạc hướng dư luận. Nói chung, ông nêu một nhận định đúng. Nhưng nó không đúng với trường hợp các nhà báo bị giết. Từ trước tới nay, có nhà báo từ trần do nguyên nhân không bình thường, nhưng tên tuổi không nằm trong danh sách những người bị đàn áp vì sự nghiệp viết lách. Trong khi ấy, qua bằng chứng còn lại, tất cả những người bị giết, trừ một người là chuyên viên kỹ thuật, đều là những nhà báo cương quyết bầy tỏ lập trường của họ, bất chấp áp lực. Họ đích thực là nạn nhân của những vụ giết người để bịt miệng. Trong số này không có ai là nhà báo ra đường bị xe cán, rồi cộng đồng hô hoán lên là họ chết vì sự nghiệp viết lách.

Diện mạo các nạn nhân
Theo thứ tự thời gian, nạn nhân đầu tiên là Dương Trọng Lâm, 27 tuổi, chủ bút báo Cái Đình Làng, bị giết 1981, tại San Francisco, CA. Theo “bản án tử hình” bằng tiếng Anh đề ngày 7 August 1981, được thi hành bởi “Tổ Chức Người Việt Diệt Cộng Phục Quốc” (VOECRN). Tóm tắt tội trạng liệt kê: Lâm được VNCH cho đi du học năm 1971, thay vì phục vụ Quốc Gia lại theo Cộng Sản, làm báo Cái Đình Làng để tuyên truyền cho cộng sản. Sau khi Terror in Little Saigon công chiếu, một nhân vật uy tín trong cộng đồng Bắc Cali là cựu Đại Tá Vũ Văn Lộc cho biết thêm, cha Lâm là Trung Tá VNCH Dương Văn Lạng, nay cũng đã qua đời. Vẫn theo ông Lộc, xác Lâm lúc đầu đã được chôn trong nghĩa trang cộng đồng, nhưng có một số quý vị phản đối. Tuy không ép buộc, gia đình tự ý mang Lâm đi chôn nơi khác, để tránh bị phá hoại.
Chỉ cần riêng sự thật trên đây, một sự thật không ai chối cãi được, và chỉ cần một vụ này thôi, có cần thế lực nào, có cần âm mưu nào, có cần ai làm thêm gì nữa để bôi xấu cộng đồng Việt?

terror
Dương Trọng Lâm khi là sinh viên trường Oberlin. (Courtesy of Oberlin College Archives)
(Ảnh lấy từ ProPublica)


Hỏi lý do tại sao bỏ nước chạy sang Mỹ, có lẽ bất cứ ai trong cộng đồng Việt tị nạn, dù đang ngủ mơ, cũng có thể trả lời trôi chảy: “sang đây để có tự do dân chủ”. Tự do có phải muốn lên án tử ai cũng được, dân chủ có phải người dân nào cũng có thể tự mình làm quan toà, kiêm đao phủ? Và giết người rồi, còn không muốn cho chôn! Lời tuyên bố của Tổng Thư Ký LHQ Ban Ki-moon sau vụ Charlie Hebdo rất phù hợp cho ở đây: “Đó là một tội phạm máu lạnh, kinh hoàng không thể biện minh được. Nó cũng là cuộc tấn công thẳng vào nền tảng của dân chủ, vào truyền thông và vào tự do phát biểu” (It was horrendous, unjustifiable and cold-blooded crime. It was also a direct assault on a cornerstone of democracy, on the media and on freedom of expression).

Người thứ nhì là Nguyễn Ðạm Phong, 45 tuổi, bị ám sát Tháng Tám, 1982, tại nhà ở Houston, Texas. Đạm Phong làm báo từ thời ở Sài Gòn, sang Mỹ, làm chủ nhiệm tờ Tự Do ở Houston. Những bài báo còn lại cho thấy Đạm Phong công kích Mặt Trận khá nặng nề, qua những bài báo chiếm đầy trang nhất. Theo thân nhân công khai kể lại, Đạm Phong đã sang tận Thái Lan tìm hiểu về “chiến khu” của Mặt Trận, từng bị Mặt Trận mua chuộc, áp lực và liên tục đe doạ.
Qua vụ chiếu phim Terror in Little Saigon, và những lên tiếng tiếp theo của con trai, dư luận được biết khi bị ám sát, Đạm Phong có tới 10 con. Số con mồ côi đông đảo này của Đạm Phong, dù khi bố chết hãy còn bé, đến nay chắc đã biết rõ bố chết như thế nào, và tại sao. Nhưng mấy chục đứa con của các con Đạm Phong, những đứa trẻ không có ông như các bạn cùng trang lứa, những đúa trẻ không bao giờ được ông đưa đón ở cửa trường hay dắt ra công viên, những đứa cháu không bao giờ được gặp ông. Bố mẹ các cháu sẽ giải thích như thế nào, để các cháu hiểu được: Tại sao ông đưa cả nhà sang Mỹ để có tự do, rồi lại chết vì làm báo Tự Do?

terror
Đạm Phong (dứơi cùng bên phải) với vợ và 8 trong số 10 con
(Hình ProPublica)

Nạn nhân thứ ba là Phạm Văn Tập (tức Hoài Ðiệp Tử), 45 tuổi, chủ nhiệm tạp chí Mai, chết ngộp khi văn phòng của ông bị đốt Tháng Tám, 1987, tại Garden Grove, California. Người viết không biết nhiều về nhà báo này. Chỉ được biết, trước khi chết, ông đã từng bị cảnh cáo, vì báo Mai đăng quảng cáo cho những dịch vụ làm ăn với Việt Cộng. Nếu còn sống, bây giờ, chẳng những đăng quảng cáo, ông còn có thể mang tiền về Việt Nam làm ăn, du lịch và du hí, cùng với hàng trăm ngàn khúc ruột ngàn dặm mỗi năm. Làm báo đi trước thời cuộc, thường là ưu điểm, nhưng sống giữa cộng đồng Việt mà đi trước thời cuộc, mất mạng như chơi!

Người thứ tư bị giết là ông Ðỗ Trọng Nhân, 56 tuổi, chuyên viên kỹ thuật cho tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong, bị bắn chết trong xe, tại Fairfax, Virginia, Tháng Mười Một, 1989. Ông Nhân là cựu sĩ quan cấp Tá, quân lực VNCH. Không phải là nhân viên toà soạn, không viết bài, nên ông không bị đe doạ, hay gây tranh cãi gì liên hệ tới bài vở của tạp chí. Ông sống một mình nên chẳng có ai thắc mắc khi không thấy ông trở về vào cuối ngày làm việc. Ông rời sở làm chiều Thứ Hai, phu đổ rác phát giác ông chết ngồi trước tay lái trong xe sáng Thứ Tư. Không biết ông bị bắn bao giờ. Báo VNTP chỉ loan một tin nhỏ, chẳng mấy ai chú ý, nói ông bị giết vì chuyện riêng. Nội vụ rơi vào lãng quên. Không hiểu nhà báo căn cứ vào đâu để loan tin như vậy? Không bắt được thủ phạm, sao biết được chết vì lý do riêng tư.
Ít lâu trước khi bị giết, ông Lê Triết, một cây viết quan trọng của VNTP, và cũng là tham vấn cho Chủ Nhiệm Nguyễn Thanh Hoàng, nói với người thân rằng: “Anh Nhân đã chết thay tôi. Người ta đã giết anh ấy, vì tưởng lầm là tôi”. Lê Triết giải thích thêm: Anh ấy không viết bài, chẳng thù oán với ai, đi làm rất chăm chỉ. Vẫn theo Lê Triết, anh và anh Nhân xấp xỉ tuổi nhau, cả hai cùng tầm vóc, hơi gầy, cùng đeo kính và cùng đi xe mầu xanh. Chỉ có một khác biệt: Lê Triết tới toà soạn bất thường, phần vì có thể viết bài ở nhà, phần vì lý do an ninh, để tránh bị theo dõi. Anh Nhân đi làm theo giờ nhất định, dễ bị theo dõi, bị nhận lầm là Lê Triết, và bị bắn khi ra về. Sau này, người nghe truyện cảm thấy hối hận, vì chỉ “nghe rồi bỏ”; tưởng Lê Triết muốn “quan trọng hoá” cá nhân mình. Bỏ qua vì nghĩ rằng, cùng người Việt chống cộng với nhau, ai nỡ dã man thế.

Nạn nhân cuối cùng là Lê Triết, 61 tuổi, và vợ là Đặng Trần Thị Tuyết, 52 tuổi. Cả hai cùng bị hạ sát tại chỗ đậu xe ở đầu nhà, khoảng gần nửa đêm 21 rạng 22 tháng 9, 1990. Qua bút hiệu Tú Rua trên mục “Ngày Lại Ngày” của VNTP, Lê Triết gây sóng gió trên tờ báo này trong một thập niên, danh vang khắp nơi, oán thù cũng lắm. Đe doạ cũng nhiều.
Khi Mặt Trận ra đời, Lê Triết và VNTP nói chung rất phấn khởi, và tích cực ủng hộ. Toà báo đã cử ký giả Hoàng Xuyên đi “chiến khu” của Mặt Trận để làm phóng sự. Nhưng từ khi những thầm kín nội bộ của Mặt Trận dần dần lộ diện, nhà báo thành kẻ thù, bị đe doạ, qua thư cũng như điện thoại. Lê Triết không phải là người dễ chịu áp lực. Càng bị đe doạ, anh càng cương quyết, càng chứng tỏ con đường anh theo đuổi là đúng. Thay vì khuất phục, anh đề phòng, mua súng tự vệ, lắp camera bốn góc nhà, cộng với con chó Bobby do Nguyễn Thanh Hoàng mua cho.
Tại party của gia đình một người bạn, mừng con trai hoàn tất chương trình y khoa bác sĩ, vào tối Thứ Bảy 21 tháng 9, Lê Triết tâm sự với bạn hữu: Qua Mỹ từ 1975, anh không muốn vào quốc tịch, vì còn mẹ già ở quê cũ, không muốn cắt đứt chút liên hệ pháp lý còn lại. Chẳng lẽ mẹ người Việt, con công dân Mỹ, như người ngoại quốc. Mãi đến cuối thập niên 80, trước tình hình khối cộng sản Liên Xô sụp đổ, anh xin về hưu sớm, và xin nhập quốc tịch Mỹ, để dễ dàng xin thông hành đi Nga. Cả gia đình là nạn nhân cộng sản, rất phấn khởi trước tình hình mới, anh khoe: “Tôi làm xong mọi thủ tục đi Mạc Tư Khoa rồi. Chỉ mấy tuần nữa, tôi sẽ chụp một tấm hình đứng giữa Công Trường Đỏ, gửi về cho mẹ tôi, không cần nói gì cả, Cụ sẽ mừng và hiểu là tôi đã thoả chí bình sinh”.
Rời party khoảng 11 giờ đêm, anh chị về đến nhà quãng 11:30, lái xe vào chỗ đậu thường lệ ở đầu nhà. Cũng là nơi sát thủ chờ sẵn, ra tay ngay, gọn lẹ và chuyên nghiệp. Lê Triết chưa kịp mở cửa xe, chết gục trước tay lái. Chị Triết đã mở được cửa xe, người nửa trong nửa ngoài, chân co chân duỗi, chết nằm trên sàn xi măng carport.
Trong vòng vài ngày sau, nhà người thân Lê Triết, điện thoại reo liên hồi. Khi nhấc lên, thay vì tiếng nói, chỉ là những tràng cười, như thích thú, như chế diễu, như đe dọa, lạnh lùng, ghê rợn! Gia đình Lê Triết ở Việt Nam giữ kín, không dám cho thân mẫu anh biết tin dữ, vì không biết cách giải thích thế nào cho cụ bà 90 tuổi hiểu được, tại sao con mình bỏ mẹ chạy lấy người, để khỏi bị chết vì tay Cộng Sản, bây giờ lại chết giữa tập thể đồng hương chống cộng, ở Mỹ!
Ngày giỗ đầu, các con đem phim cũ ra chiếu. Khi hình ảnh ông bà Lê Triết xuất hiện, con Bobby đang ngồi ở góc nhà, vừa vẫy đuôi, vừa sủa, chạy tới hít hít vào màn hình, như mừng chủ đi xa về. Mừng cho nó, có vẻ an phận, nhờ không ý thức được thế nào là terror. Nhưng người có mặt đã không cầm được nước mắt. Nó cũng đã đi theo chủ, lâu rồi.

Kinh hãi trái khoáy
Cuốn phim Terror in Little Saigon (Kinh hãi tại Little Saigon), như mọi người đã biết, có nội dung nói về cái chết của những nhà báo gốc Việt bị giết tại Mỹ từ 1981 đến 1990. Nhưng thực tế, nó đã tạo một hiệu ứng trái ngược trong cộng đồng Việt: Hầu như chẳng ai cảm thấy “kinh hãi” khi các nhà báo bị giết. Như đã trình bầy, cả cộng đồng và làng báo Việt hồi đó đều “làm thinh”. Trái lại, đã có một không khí “kinh hãi” trong cộng đồng, trước và sau hôm công chiếu ngày 3 tháng 11. Nhiều cá nhân và đoàn thể trong cộng đồng khắp nơi trên đất Mỹ nhảy dựng, thảo luận, kết án, chống đối, hội họp, tìm cách đối phó... ngay từ trước khi xem phim. Và sau khi xem phim, mức độ kinh hãi càng tăng. Hoạt động đối phó cũng tăng: mời họp, thông cáo, kiến nghị, thư phản đối, họp báo, cả kế hoạch biểu tình trước PBS.
Trong khi cộng đồng sôi nổi như vậy, lại bị các nhân vật rất gần gũi với cộng đồng chê bai. Ông Hoàng Cơ Định nghi ngờ về trình độ trưởng thành của cộng đồng, trong khi ông Nguyễn Xuân Nghĩa viết: “chỉ mong rằng cộng đồng chúng ta không mắc bệnh câm, điếc hay mù!” Người viết không tin quý vị trong cộng đồng thiếu trình độ. Cũng không tin quý vị mắc bệnh câm, điếc, hay mù. Thật ra, quý vị là những người rất năng động và nhậy cảm, nhưng không đúng lúc, thành ra đôi khi lẫn cẫn. Lúc đáng lẽ cảm thấy kinh hãi, như khi có người bị giết vì bất đồng chính kiến, hay để bịt miệng, thì quý vị im lặng. Khi đáng phấn khởi hay vui mừng, như khi nhà báo tìm hiểu quá khứ, đánh động lương tâm để giúp tìm ra thủ phạm, thì lại cảm thấy hãi hùng, lo sợ. Tình trạng này, có thể tạm gọi là bệnh “kinh hãi trái khoáy” (improper terror).

Ngoài kinh hãi vì những vụ giết người, có thế nói, qua cuốn phim “terror”, còn có thể thấy cả kinh hãi ngay trong đời sống cộng đồng:
Tại Cali, hàng năm cộng đồng Việt đều có tổ chức lễ giỗ và tưởng niệm Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Một trong những đức tính hàng đầu của Tổng Thống Diệm được nêu ra hàng năm, là sự quý trọng mạng sống con người. Bằng chứng: Hà Minh Trí, sát thủ Việt Cộng toan ám sát Tổng Thống tại Ban Mê Thuột ngày 22 tháng 2 năm 1957, và phi công Phạm Phú Quốc, bỏ bom Dinh Độc Lập sáng 27 tháng 2 năm 1962. Cả hai người này, một là Việt Cộng, một là sĩ quan phản loạn, xử đúng luật, đều đáng án tử hình. Nhưng ông Diệm đã không giết họ. Dù yêu hay ghét ông, đó là sự thật, không thể chối cãi. Trường hợp này, ông Diệm còn nhân từ, rộng lượng hơn Charles de Gaulle. Ngày 22 tháng 8, 1962, có cuộc ám sát hụt Tổng Thống Pháp de Gaulle ở Paris, do Trung Tá Không Quân Pháp Jean Bastien Thiry chủ mưu. Ông này bị toà án Paris kết án tử hình ngày 4 tháng 3, 1963, không được de Gaulle ân xá, và bị xử bắn chỉ một tuần sau đó, ngày 11 tháng 3, 1963. Một tên Việt Cộng, một sỹ quan phản loạn, chủ tâm giết, đã ra tay và giết hụt Tổng Thống. Mặc dầu có đầy đủ quyền hành hợp pháp để xử tử họ, nhưng ông không làm. Ông trọng mạng sống của họ, dù họ đã cố tình giết ông. Cứ giả tỉ Dương Trọng Lâm là Cộng Sản, anh ta chưa hề giết ai, không có âm mưu giết ai. Vậy mà có người tự tiện giết anh ta, còn nhân danh cái này cái nọ, và công bố “bản án”. Trước sự việc khủng khiếp như vậy, có đáng gọi là “kinh hãi”, terror? Lúc xẩy ra chuyện thực sự kinh hãi, quý vị không làm gì. Chẳng những thế, giết người vô cớ còn không muốn cho chôn! Đáng kinh hãi hơn nũa! Trong khi đề cao Cụ Diệm, vẫn thản nhiên làm ngược lại những đức tính tốt của cụ, có phải là tình trạng đáng kinh hãi không?
Ai chưa cảm thấy kinh hãi đủ, người viết xin trình bầy tiếp: Trở lại vụ ông de Gaulle không ân xá cho tử tội Thiry. Thật ra, lúc đầu ông đã định ân xá, nhưng sau khi suy nghĩ, ông đã đưa ra 5 lý do để bác. Trong số này, hai lý do đầu và cuối rất đáng lưu ý:
- Lý do đầu, hung thủ đã xả súng vào xe trong đó có chở một người đàn bà vô tội; đó là Bà Yvonne de Gaulle, vợ ông, ngồi chung xe với ông.
- Lý do cuối, các hung thủ xử dụng võ khí tấn công, chính họ đối diện với hiểm nguy khi hành động, họ được giảm án. Nhưng người chủ mưu Thiry, không trực tiếp hành sự, mà ngồi chỉ huy ở một nơi an toàn, không đáng được ân xá.
Cả hai lý do trên, đều có thể áp dụng cho vụ ám sát ông bà Lê Triết, với mức độ trầm trọng hơn; vì ông de Gaulle và người đàn bà vô tội vợ ông đều thoát chết, trong khi ông Triết và người đàn bà vô tội của ông không may mắn như vậy. Đồng thời, theo hồ sơ cảnh sát, hung thủ là kẻ giết người chuyên nghiệp; nghĩa là kẻ chủ mưu cũng chỉ huy từ một nơi an toàn, như Thiry.
Người vô tội bị giết, kẻ đáng tử hình vẫn ngoài vòng pháp luật, trong một phần tư thế kỷ. Đủ kinh hãi chưa?
Còn nữa: Sau khi chống đối A.C. Thompson, một phần sinh hoạt nhộn nhịp trong cộng đồng rọi đèn chiếu vào Tony Nguyễn: Eureka! Nó đây rồi! Lại một thằng cộng sản nữa! Nó là bạn của Dương Trọng Lâm, lấy tiền của cộng sản để bôi nhọ cộng đồng! Nếu quả thật Tony Nguyễn là cộng sản, hay thân cộng, thì thật đáng kinh hãi. Không phải kinh hãi vì anh ta là cộng sản, mà kinh hãi cho cộng đồng. Tất cả mọi người trong cộng đồng Việt tị nạn, kể cả người viết bài này, xưa nay chống cộng, vì tin rằng tất cả những gì liên hệ tới cộng sản đều xấu. Nếu Tony Nguyễn là cộng sản, và ngày nay anh ta xả thân cố làm sáng tỏ cái chết của người bạn tên Lâm sẩy ra từ 34 năm trước, như vậy là tình bạn của những người cộng sản hay thân cộng đối với nhau rất sâu đậm. Trong khi ấy, những người quốc gia có chính nghĩa sáng ngời, không lo làm sáng tỏ cái chết của những thành viên chống cộng như Đạm Phong, Lê Triết, mà trước nỗ lực truy tầm thủ phạm của nhà báo, lại cảm thấy “terror”, như chính mình là thủ phạm sắp bị hành quyết. Còn kinh hãi nào hơn?
Vẫn chưa hết: Trong khi trả lời phỏng vấn trên đài Cali Today ngày 6 tháng 11, một nhân vật uy tín trong cộng đồng Bắc Cali đã phát biểu ý kiến, giống như một số người khác, về cuốn phim Terror in Little Saigon, rằng đây là chuyện cũ, xẩy ra trong lúc lòng người còn giao động, không nên nói tới nữa. Trong khi ấy, từ trước tới nay, cộng đồng chống cộng vẫn nhắc tới, vẫn đòi cộng sản phải làm sáng tỏ những vụ giết người từ thời Cải Cách Ruộng Đất, thời Mậu Thân, thời Tù Cải Tạo, và những vụ bịt miệng thời Nhân Văn, Giai Phẩm, vụ Xét Lại... Tất cả terror này đều cũ hơn những terror trên đất Mỹ. Chỉ nhìn thấy lỗi ở người mà không nhìn thấy lỗi ở mình, căn bệnh này có đáng kinh hãi không?
Lại nữa, Đại Tá Lộc chê cuốn phim “đầu voi đuôi chuột”, chưa đưa ra được những bằng chứng thuyết phục. Ký giả và cơ sở truyền thông tư nhân không phải là cảnh sát hay FBI. Họ đã cố gắng, và họ mới làm được đến thế thôi. Cộng đồng gốc Việt là tập thể có liên hệ, nêu thấy còn thiếu sót, nên tiếp tay họ để làm tốt hơn, thay vì coi họ như kẻ thù. Họ mới đem lại được cái “đuôi chuột”, cộng đồng đã hoảng loạn lên. Nếu họ đem lại cái đuôi voi? Terror!
Ngoài chuyện terror, nhóm làm phim còn bị công kích về việc dùng chữ “Little Saigon”, nói rằng địa danh xuất hiện sau các vụ giết người, và có những vụ ám sát sẩy ra ngoài Cali, như ờ Virginia, hay Texas. Little Saigon đã trở thành tượng trưng cho tập thể người Việt tị nạn tại Mỹ. Nếu bảo tên này chỉ dành riêng cho một nơi nhất định nào, tại sao đã có Little Saigon ở Nam Cali, Bắc Cali cũng đòi y hệt cho San Jose? Sau vụ khủng bố tại Paris hôm Thứ Sáu 13 tháng 11, nhiều người nước khác đã đeo biểu hiệu “Je suis Paris”. Sao không ai nói với những người này là khủng bố tận bên Pháp, anh đang ở Mỹ, anh là (cái chó) gì mà tự xưng Je suis Paris?

*
Từ đầu bài, người viết chỉ nhìn vào những gì dựa trên sự thật. Để đổi khẩu vị, xin thay lời kết bằng một mẩu truyện giả tưởng, thật ngắn:
Cuối năm Con Dê (2015), Ngọc Hoàng Thượng Đế mở com pú tờ, vào gú gồ tìm chuyện lớn, để hỏi táo quân các nơi trong buổi tiếp kiến tất niên. Thấy nổi bật:tin khủng bố làm nổ máy bay Nga ở Sinai; công an giết người và hành hung luật sư ở Việt Nam. Lại thấy nhiều bài nói người Việt giống người Do. Thiết triều ngày 23 tháng Chạp, Ngọc Hoàng hỏi Táo Do Thái:
- Sa mạc Sinai hẹp, sao dân Do Thái xưa mất 40 năm để vượt qua?
Táo Do Thái thưa:
- Tâu Ngọc Hoàng, vì một người trong đám dân di tản đánh rơi một quarter.
Ngọc Hoàng vuốt râu cười hiền: “I see”! Rồi hỏi Táo Việt Tị Nạn:
- Thái Bình Dương rộng, nay chỉ cần một ngày để vượt qua, sao 40 năm vẫn chưa về giải phóng quê hương?
Táo Việt Tị Nạn thưa:
- Bẩm Ngọc Hoàng, chúng con còn bận cắm cờ, và...
- Và gì? Ngọc Hoàng hỏi tiếp.
- Rước cờ, và...
- Gì nữa? Ngọc Hoàng hỏi thêm.
- Phủ cờ!
Ngọc Hoàng vẫn giữ vẻ uy nghi, lẩm bẩm một mình: “Đéo hiểu”!

Đinh Từ Thức

http://damau.org


Báo Thương Mại Miền Đông Phỏng Vấn TS. Nguyễn Đình Thắng

TMMĐ: Xin được hỏi ông có nhận định tổng quát gì về phim này? Phim có những lợi/ bất lợi nào cho cộng đồng?
Ts Nguyễn Đình Thắng:
Xin cảm ơn quý báo đã hỏi ý kiến về một đề tài nóng trong cộng đồng của chúng ta.
Về nhận xét tổng quát thì tôi khen toán thực hiện phim làm đúng lương tâm chức nghiệp của những nhà báo chân chính. Đó là đi tìm sự thật đằng sau hồ sơ khủng bố ngay trên đất Mỹ mà đã trở thành nguội lạnh từ cả chục năm nay, để rồi đòi công lý cho những đồng nghiệp đã bị hạ sát khi hành xử quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí. Và đó là mục đích của phim “Terror in Little Saigon”.
Với mục đích ấy thì phim đã thành công bước đầu khi khuấy động được dư luận, ở Hoa Kỳ và rộng hơn, để bảo đảm rằng các hồ sơ án mạng không bị rơi vào quên lãng. Hôm phim được trình chiếu trên hệ thống PBS ở Hoa Kỳ thì tôi đang dự Hội Nghị lần thứ 8 của Phong Trào Thế Giới Cho Dân Chủ được tổ chức ở Seoul, Nam Hàn. Nhiều nhà đấu tranh dân chủ đến từ các quốc gia khi gặp tôi đã hỏi han và cho ý kiến về cuốn phim. Điều này cho thấy phim có ảnh hưởng không nhỏ lên công luận vượt ra khỏi biên cương của Hoa Kỳ.
Tuy không là mục đích của phim, nhưng hậu quả phụ của nó là cuộc tranh luận đang diễn ra công khai trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, với sự theo dõi chăm chú của nhiều đồng bào ở trong nước. Cuộc tranh luận này đang khơi lại nhiều tâm tư, lý lẽ, quan điểm... mà trước đây cũng đã có một số người nêu lên nhưng lẻ tẻ vì thiếu sự tham gia của khối đông. Phim “Terror in Little Saigon” đã góp phần khởi động cuộc tranh luận rất sôi nổi và rộng rãi trong cộng đồng chúng ta, một cuộc tranh luận mà tôi cho là cần thiết và lẽ ra đã phải xảy ra từ mươi, hai mươi năm qua. Nhưng trễ còn hơn không. Tôi cám ơn toán làm phim về điều này.
Còn câu hỏi là phim có lợi hay bất lợi cho cộng đồng thì tôi xin trả lời thế này. Trong một tình huống khó xử, chúng ta cần lấy lẽ phải làm chỉ tiêu để quyết định thái độ. Trong trường hợp của 5 nhà báo người Việt bị sát hại, lẽ phải chính là công lý cho nạn nhân trước và trên hết, là sự thật phải được phơi bầy, là thủ phạm phải bị xử trị. Lẽ phải ấy, chúng ta phải thực hiện. Còn bất lợi nếu có thì chẳng qua là giá phải trả cho lương tâm được trong sáng.
Thực ra, tôi tin rằng chúng ta sẽ hưởng lợi rất nhiều khi hành xử theo lẽ phải. Nỗi uất nghẹn của nhiều gia đình trong cộng đồng sẽ được giải toả. Gánh nặng lương tâm của mỗi chúng ta sẽ nhẹ đi. Cộng đồng của chúng ta, vì sống đúng lý tưởng tự do và nhân phẩm, sẽ được nể trọng bởi công chúng Hoa Kỳ và quốc tế. Tấm gương nhân bản của chúng ta sẽ là mẫu mực để đồng bào ở trong nước đối chiếu với chế độ đương quyền.
TMMĐ: Có hai điều mà VT đang cố gắng vận động cộng đồng: dùng tựa "Terror in Little Sài Gòn" là sai và phim chiếu các cảnh cựu quân nhân là nhục mạ quân lực VNCH. Xin ông cho nhận định?
Ts Nguyễn Đình Thắng:
Quan trọng là nội dung của cuốn phim chứ không phải cái tựa của nó.
Và ngay cả cái tựa thì cách một số người dịch và diễn giải cũng không đúng. Nghĩa chính của “terror” là “nỗi kinh hoàng” chứ không phải “khủng bố”. Còn “Little Saigon” ám chỉ các cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản, theo phép hoán dụ, chứ không phải là nói về địa danh ở Quận Cam hay ở San Jose. Như vậy, tựa của cuốn phim có ý diễn tả nỗi kinh hoàng do một nhóm khủng bố reo rắc trong các cộng đồng người Việt tị nạn. Và đó là một sự thật khách quan, không mảy may xúc phạm đến ai khác ngoài thành phần bị cáo buộc là tổ chức khủng bố.
Toàn bộ nội dung phim chỉ rõ đâu là tổ chức khủng bố. Thông điệp rất rõ ràng, không hề nhập nhằng gì đến cộng đồng người Việt hay quân lực VNCH. Hơn nữa, tôi biết rằng các nhà làm phim đã phỏng vấn, lấy ý kiến và nhận được sự hỗ trợ và hợp tác từ khá nhiều cựu quân nhân VNCH trong quá trình thực hiện phim. Do đó toán làm phim không có lý do để đánh đồng nhóm khủng bố với tập thể quân lực VNCH.
TMMĐ: Trong một trả lời phỏng vấn, ký giả Thompson nói rằng, “Tôi phải viết bài tường trình, viết email giải thích, trình bày những gì mình có thể làm và không thể làm. Các sếp của tôi ở ProPublica cũng tốn một thời gian khá lâu mới quyết định đây có phải là một dự án họ muốn theo đuổi hay không. Rồi bên Frontline cũng phải đi qua những tiến trình như thế. Phim này do Frontline tài trợ, và Frontline thì được Corporation for Public Broadcasting (CPB) tài trợ một phần. Tiền của CPB do Quốc Hội Hoa Kỳ cấp”. Bao nhiêu % sự thật qua phần trình bày này?
Ts Nguyễn Đình Thắng:
Đó là thủ tục rất thông thường và cần thiết đối với các tổ chức có hoạt động quy củ và ở tầm vóc bề thế như là ProPublica, tổ chức thực hiện phim “Terror in Little Saigon” và PBS, đài truyền hình công cộng đã chiếu phim này.
Tôi xin chia sẻ một kinh nghiệm nhỏ. Mới đây, BPSOS cùng với 3 tổ chức quốc tế về nhân quyền soạn một bản tuyên bố chung chỉ vỏn vẹn hai trang rưỡi, thế mà đã phải mất gần một tháng để mỗi tổ chức rà soát nội dung, xem xét tính pháp lý của các từ ngữ sử dụng, và kiểm tra sự thích hợp của từng câu từng chữ.
Một đề án làm phim chắc chắn phải qua thủ tục nhiêu khê hơn, với nhiều khâu xét duyệt và kiểm tra tới lui giữa hai tổ chức ProPublica và PBS. Thủ tục lâu lắc trước khi phim được “bật đèn xanh” để thực hiện không có gì lạ.
Tôi nghĩ là chúng ta cũng nên biết đôi điều về hai tổ chức thực hiện phim để hình dung tầm vóc của chúng.
ProPublica là tổ chức phi chính phủ bất vụ lợi. Họ nhận ngân khoản từ các tổ chức tư nhân gọi là foundations và từ những đóng góp của người dân. Trong số các foundations tài trợ cho ProPublica có những tên tuổi được nhiều người biết đến như Open Society Foundations, Sandler Foundation, Knight Foundation, MacArthur Foundation, Hewlett Foundation, The Ford Foundation... Ngân sách của ProPublica khoảng 10 triệu Mỹ kim mỗi năm.
Còn chương trình Frontline thì thuộc về PBS tên chính thức là Public Broadcasting Service, một bộ phận của Corporation for Public Broadcasting (CPB). CPB là tổ chức phi chính phủ bất vụ lợi được thành lập theo quyết định của Quốc Hội năm 1967. Trong 340 triệu Mỹ kim tổng ngân sách hàng năm của PBS, CPB cấp khoảng 27 triệu Mỹ kim mỗi năm, tương đương 8%. Số 92% còn lại đến từ phí thu từ các đài truyền hình chi nhánh, cấp khoản của các foundations, tài trợ của một số công ty, và đóng góp của người dân.
Tôi có nghe một lập luận từ một số người Việt rằng PBS nhận tiền của Quốc Hội Hoa Kỳ cho nên chương trình Terror in Little Saigon có thể là do chủ trương của chính phủ Hoa Kỳ. Khi thành lập CPB thì Quốc Hội đã ấn định rằng tổ chức này,và các bộ phận truyền thông của nó như PBS, có hoạt động độc lập với chính quyền. Bởi vậy, PBS đã không ít lần phanh phui những khuất tất trong chính sách của chính phủ Hoa Kỳ. Mới tháng 5 vừa rồi, chương trình Frontline đã chiếu phóng sự điều tra về việc cơ quan CIA sử dụng tra tấn đối với những nghi phạm khủng bố. Điều này cho thấy tính độc lập của PBS đối với chính quyền.
TMMĐ: Ông Lý Thái Hùng, đảng Việt Tân, cho rằng phim đã đưa ra hình ảnh sai lạc về quân đội VNCH. Vì thế, cộng đồng phải có trách nhiệm “lấy lại chính nghĩa”. Ông nhận định thế nào? ( trích nguyên văn câu Lấy lại chính nghĩa từ buổi phỏng vấn của Calitoday)
Ts Nguyễn Đình Thắng:
Lý luận như vậy là không có căn cứ và đánh lạc trọng tâm của cuốn phim.
Như đã trình bày ở một phần trước, phim “Terror in Little Saigon” chỉ tập trung vào một tổ chức mà họ cho là đứng đằng sau các hành vi khủng bố nhằm bịt miệng các nhà báo người Việt. Đánh giá quân lực VNCH không thuộc nội dung của phim.
Tuy nhiên, tôi nhận xét rằng toán thực hiện phim có thể tinh tế hơn khi dùng một số từ và hình ảnh để tránh gây ngộ nhận, dù hoàn toàn là vô tình. Chẳng hạn, họ nên dùng các thước phim về một “chiến khu” kháng chiến nào đó ở Thái Lan thay vì hình ảnh sinh hoạt của một tổ chức cựu quân nhân VNCH ở Hoa Kỳ. Hoặc, họ nên bỏ đi chữ “legitimate” khi nhắc đến chính quyền cộng sản Việt Nam. Legitimate là chính danh, ý là đã được quốc tế công nhận, nhưng khán giả người Việt có thể hiểu lầm là “có chính nghĩa”. Tôi đã chia sẻ nhận định này với vị thanh tra của PBS.
Nhưng đấy chỉ là những chi tiết phụ, rất nhỏ. Trọng tâm của phim là truy tìm thủ phạm ở đằng sau cái chết tức tưởi của 5 nhà báo người Việt. Chúng ta không nên hoán chuyển tiểu tiết thành trọng tâm và ngược lại.
Về câu hỏi, “liệu cộng đồng có phải lấy lại chính nghĩa?” thì tôi thấy rằng chúng ta có mất chính nghĩa đâu để mà phải lấy lại? Chính nghĩa của chúng ta vẫn trước sau như một. Đó là lý tưởng về tự do, nhân phẩm, công lý, hạnh phúc cá nhân, công bằng, bác ái, sự thật... Quân dân miền Nam đã chiến đấu cho chính nghĩa ấy trong suốt cuộc chiến. Vì chính nghĩa ấy mà cả triệu người Việt đã bỏ nước ra đi, trong đó có chúng ta may mắn sống sót. Và cũng vì chính nghĩa ấy mà cộng đồng người Việt tị nạn tranh đấu không ngưng nghỉ trong suốt 40 năm qua cho một ngày mai tươi sáng trên quê hương.
Quyết tâm đòi công lý cho các ký giả người Việt đã bị sát hại ngay trong lòng cộng đồng, trên đất nước pháp quyền là Hoa Kỳ chính là cách thể hiện chính nghĩa trước sau như một ấy.

TMMĐ:Ông có mặt tại Hoa Kỳ khoảng 1980. Như thế ông hẳn đã chứng kiến sự việc các ký giả Mỹ-Việt, đặc biệt ÔB Lê Triết ở VA bị ám sát chết vào 1982. Ông nhận định thế nào về những “điều tra của Thompson” mà kết quả thì như ký giả này trả lời trong một phỏng vấn rằng, hầu như “chỉ về một hướng”?
Ts Nguyễn Đình Thắng:
Tôi không chứng kiến nhưng biết về các vụ ám sát này. Riêng về trường hợp của vợ chồng Bác Lê Triết thì tôi biết rất rõ vì bác trai là bạn thân với bố mẹ của tôi từ khi còn ở Việt Nam. Bố mẹ tôi xem em gái của bác ấy như người em kết nghĩa trong gia đình – cô ấy đang ở Nam California. Con gái của bác lại là vợ của một người cùng hoạt động với tôi từ thời còn sinh viên và đã từng là thành viên Hội Đồng Quản Trị của BPSOS. Bác gái là dì ruột của người bạn “nối khố” với tôi từ lớp 1 cho đến hết đại học. Ngày an táng, tôi chứng kiến cảnh tang tóc và cảm nhận nỗi đau đớn cào da xé thịt của đại gia đình cả bên nội và bên ngoại. Bố mẹ của tôi cho đến ngày hôm nay vẫn rùng mình mỗi khi nhắc đến hai vợ chồng bác Lê Triết và cái chết quá bất ngờ và vô cùng thảm khốc của họ cách đây hơn 3 thập niên.
Sự hoài nghi nhắm vào một tổ chức là khó tránh khi một số thành viên của tổ chức ấy đã nhiều lần hăm doạ và thậm chí hành hung những ai nói lên những điều phật ý họ, và rồi cũng chính tổ chức ấy lại thường xuyên tường thuật trên cơ quan ngôn luận của chính họ những hành vi ám sát thực hiện ở Việt Nam. Ráp hai yếu tố này lại thì người ta dễ suy luận rằng tổ chức ấy chính là thủ phạm ám sát các nhà báo đã lên tiếng tố giác họ. Đó là cách suy diễn bàng quan. Đối với các tổ chức tầm cỡ như ProPublica và PBS thì tôi tin rằng họ có nhiều thông tin hơn, và các thông tin đó đã phải được kiểm chứng kỹ lưỡng về độ chính xác và mức khả tín. Đó là lý do đã phải mất một thời gian dài trước khi phim được “bật đèn xanh” để thực hiện.
Tuy nhiên, chúng ta phải công bằng. Tối quan trọng trong xã hội nhân bản là nguyên tắc “lợi ích của sự hồ nghi” -- benefit of the doubt trong tiếng Anh. Nói nôm na, một người vẫn là vô tội cho đến khi bị chứng minh là có tội vượt qua mức hồ nghi hữu lý. Do đó, phim “Terror in Little Saigon” chỉ có thể kết luận bằng một sự suy diễn, dù với những luận cứ vững chắc, chứ không thể kết tội. Kết tội là công việc của toà án.
Để đem công lý cho các nhà báo đã bị thảm sát và tránh hàm oan cho tổ chức bị tình nghi, những người Việt có lương tri và công tâm cần đòi hỏi cơ quan điều tra mở lại các hồ sơ án mạng và khuyến khích mọi người trong cộng đồng tiếp tay cung cấp vật chứng và nhân chứng nếu có.
TMMĐ: Nếu PBS không chấp thuận yêu cầu[gỡ phim xuống], theo ông thì VT có nên kiện không? Nếu có thì vì sao và nếu không thì vì sao?
Ts Nguyễn Đình Thắng:
Bị tố giác tội khủng bố bởi các tổ chức truyền thông có uy tín quốc tế không là chuyện nhỏ. Tổ chức bị tố giác chắc chắn chịu thiệt hại nặng về uy tín trong mọi đối tác với quốc tế. Trong khung cảnh toàn cầu chống khủng bố hiện nay, hầu như không cơ quan chính quyền hay Liên Hiệp Quốc, không tổ chức nhân quyền quốc tế nào muốn dính líu đến một tổ chức như vậy. Và họ cũng sẽ so đo hơn về việc lên tiếng can thiệp cho những người ở Việt Nam nếu liên can đến tổ chức bị tình nghi khủng bố. Cách duy nhất để rũ sạch ấn tượng tai hại ấy là kiện ra toà các tổ chức đứng đằng sau phim về tội vu khống.
Kiện các tổ chức có uy tín lẫy lừng như ProPublica và Frontline không dễ và triển vọng thành công rất thấp.
ProPublica là tổ chức hàng đầu thế giới về phóng sự điều tra với 2 giải Pulitzer và 1 giải MacArthur. Frontline là chương trình nổi tiếng lâu đời của PBS với 75 giải Emmy và 17 giải Peabody – năm nay PBS được bình bầu là tổ chức toàn quốc có uy tín nhất Hoa Kỳ. Nhờ uy tín đó mà họ nhận được những đóng góp tài chánh từ các tổ chức có uy tín và từ khán giả mến mộ. Họ đạt và giữ được uy tín là nhờ cách làm việc quy củ, cẩn thận và tuân thủ những tiêu chuẩn và nguyên tắc chuyên nghiệp rất khắt khe.
Nhưng không chỉ có thế. Khi đã kiện thì cũng phải kiện luôn Uỷ Ban Bảo Vệ Các Nhà Báo, tức Committee to Protect Journalists. Đây là một trong hai tổ chức quốc tế với uy tín hàng đầu về bảo vệ quyền tự do báo chí. Năm 1994 tổ chức này đã có bản báo cáo với tựa là “Silence in Little Saigon”. Đây là tài liệu điều tra vụ ám sát 5 ký giả người Việt với cùng nội dung và nhận xét như cuốn phim “Terror in Little Saigon” về nghi phạm. Khi so sánh tài liệu của CPJ với phim “Terror in Little Saigon”, tôi thấy là 90% nội dung tương đồng với nhau. Có những chỗ tài liệu của CPJ còn mạnh mẽ và chi tiết hơn cả phim.
Kiện cả 3 tổ chức này không là chuyện đơn giản. Nhưng tôi thấy không có cách nào khác hơn để hoá giải những tác hại đang ngày càng lan rộng không những cho tổ chức bị cáo buộc mà cho tất cả những ai liên can đến họ.
TMMĐ: Ông còn muốn chia sẻ điều gì nữa về bộ phim này? Cộng đồng chúng ta nên có hành động gì?
Ts Nguyễn Đình Thắng:
Nếu được phép, tôi xin chép lại dưới đây phần kết của bài viết của tôi với tựa đề “Chúng ta phải hành xử như một cộng đồng trưởng thành và có lý tưởng” đăng trên Mạch Sống ngày 11 tháng 11, 2015:
Nếu quả thực chúng ta là một cộng đồng của những người đi tị nạn vì lý tưởng tự do, nhân quyền, và công lý thì đây là lúc chúng ta nhất thiết phải chọn thái độ và phải hành động. Chúng ta không thể làm ngơ trước những tội ác đã xâm phạm đến tất cả các giá trị nhân bản mà chúng ta từng đeo đuổi cho chính mình và đang mưu cầu cho đồng bào và quê hương.
Có 3 việc mà chúng ta có thể và cần làm ngay:
1. Giới làm báo, cùng với nhau hay một cách riêng rẽ, mạnh mẽ lên án các hành vi sát hại và hăm doạ nhắm vào các nhà báo Việt Nam và bày tỏ quyết tâm bảo vệ quyền tự do báo chí ở mọi nơi, trong mọi cảnh ngộ.
2. Các tổ chức và đoàn thể trong cộng đồng và các nhà hoạt động nhân quyền người Việt đồng loạt áp lực chính quyền Hoa Kỳ mở lại hồ sơ điều tra các vụ sát hại các nhà báo người Việt trên đất Mỹ.
3. Một hay nhiều tổ chức người Việt, cùng với nhau hay một cách riêng rẽ, thành lập quỹ để trao giải thưởng cho những ai cung cấp thông tin dẫn đến thủ phạm.
Đấy là những việc phải làm vì lương tâm và trách nhiệm. Chúng sẽ làm sáng ngời lý tưởng của chúng ta về tự do, nhân quyền và công lý. Chúng sẽ thể hiện bản lĩnh của cộng đồng người Việt tị nạn sau 40 trưởng thành trong thế giới tự do, văn minh và nhân bản.
Cứ hành xử đúng với lương tâm và trách nhiệm thì tự khắc chúng ta sẽ nhận được sự nể trọng của quốc tế và lòng tin tưởng của đồng bào ở trong nước. Chẳng thế lực đen nào có thể bôi bẩn thanh danh của chúng ta, hoặc cản trở bước tiến của chúng ta trên hành trình đem lại dân chủ và tự do cho quê hương và dân tộc.
Tuần báo Thương Mại Miền Đông VA thực hiện

http://chinhnghia.com


"Khủng bố ở Little Sàigòn" có giá trị không?

Lê Quỳnh (BBC  Vietnamse) phỏng vấn

Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, từ Quận Cam, California, giáo sư Sử và Nhân học tại Đại Học Pepperdine.
Dù người ta phản ứng thế nào về nội dung phim, tôi cho rằng cần ngợi khen nhà sản xuất và phóng viên vì cố gắng mở lại các vụ án bỏ ngỏ này với hy vọng đưa kẻ giết người ra công lý. Đặc biệt, A.C. Thompson, phóng viên và người dẫn chuyện, cần được khen ngợi vì sự kiên trì khi tìm kiếm câu trả lời, và anh đã đi khắp nước Mỹ và sang Thái Lan.
Nhưng có những vấn đề nghiêm túc với phim này, bắt đầu là tựa đề. Thật không may khi họ đặt “khủng bố” và “Little Saigon” chung như thế. Chữ “Terror” đã mang ý nghĩa bi thảm hơn từ ngày 11/9. Mặc dù “terror” và “terrorism” không phải là một, tôi cho rằng với người Mỹ gốc Việt, đặc biệt những người chỉ xem tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, họ xem chúng là một. Đặt cùng với “Little Saigon”, nó ám chỉ một cộng đồng tham gia hoạt động vô đạo, phi pháp.
Sự sụp đổ nhanh chóng của Sài Gòn đem lại cơn sốc nặng cho người Việt gắn bó với Việt Nam Cộng Hòa. Cơn sốc đó tạo ra nhiều phản ứng: đau khổ, suy nhược, buồn bã, và cả khao khát đảo ngược sự mất mát, phục quốc. Hậu quả của cơn sốc này, là chủ đề tôi đang nghiên cứu, là một giấc mơ ngược về tâm lý, rằng Việt Nam có thể thoát khỏi cộng sản nhờ bạo lực.

Image caption Trận Xuân Lộc: Cần hiểu giấc mơ giành lại Miền Nam sau 1975 của các cựu quân nhân VNCH

Giấc mơ giải phóng Việt Nam khỏi cộng sản là sâu rộng, không chỉ trong vài cựu sĩ quan, lính của quân đội miền Nam cũ. Hiểu được bối cảnh lớn hơn này dĩ nhiên không để tha thứ cho các vụ tội ác. Nhưng nó giúp giải thích các hoạt động không hợp pháp đằng sau các vụ đó.
Bộ phim này tình cờ cũng chứng tỏ nhu cầu cần hiểu rõ hơn lịch sử của người Mỹ gốc Việt. Bối cảnh mất nước và tính bạo lực, chưa nói đến lịch sử phi cộng sản lâu dài ở Việt Nam và sự sụp đổ Sài Gòn, hoàn toàn không có trong phim.

Vũ Đức Vượng, Chủ biên trang trongnguoi.net.
Khi chiến tranh ở Việt Nam chấm dứt năm 1975, tôi đã xong bằng cao học ở Mỹ và cơ quan International Institute ở St. Louis, Missouri, mời tôi về lo chương trình định cư cho người tỵ nạn từ Việt Nam. Tôi bắt tay vào việc hồi đầu tháng 7/1975. Từ năm 1983 tới 1997, với chức vụ giám đốc Trung Tâm Định Cư Người Tỵ Nạn Đông Nam Á (Center Southeas Asian Refugee Resettlement) đặt trụ sở tại San Francisco với 4 văn phòng trong vùng Vịnh, kể cả San Jose, California, tôi đã tổ chức Trung Tâm thành một cơ quan xã hội phục vụ người tỵ nạn tại Mỹ, với mục đích chính là giúp đồng bào hội nhập vào mọi khía cạnh của xã hội Mỹ.
Hai thập niên 80 và 90 là thời gian cộng đồng người Việt tại Mỹ còn trải qua nhiều thăng trầm: thuyền nhân và các em lai, sau đó là các cựu tù chính trị, được Mỹ đón nhận khá nhiều; tương lai những người đã tới Mỹ chưa được ổn định; chính phủ Mỹ còn cấm vận đối với Việt Nam; trong khi một thế hệ mới đang hội nhập vào nước Mỹ thì thế hệ cha mẹ họ còn phân vân sẽ ở đây mãi hay còn hy vọng trở về...
Trong bối cảnh này, có nhiều luồng dư luận, nhiều chính kiến, cũng như nhiều hội đoàn, cơ quan truyền thông mọc lên trong cộng đồng. Mặt Trận của ông Hoàng Cơ Minh cũng phát sinh trong bối cảnh này, và thời gian đầu đã thu hút nhiều chú ý cũng như đóng góp của cộng đồng. Tôi còn nhớ có những người nhận trợ cấp xã hội của chính phủ (welfare), tuy số tiền không được bao nhiêu, nhưng cũng nhịn ăn nhịn mặc đóng góp một phần cho Mặt Trận.

Image caption Thuyền nhân Nam Việt Nam phải liều mình bỏ nước ra đi sau 1975

Cơ quan của chúng tôi –Trung tâm Tỵ nạn—là một tổ chức thiện nguyện, bất vụ lợi, nên không có liên hệ gì với Mặt trận. Hơn nữa chúng tôi định hướng là người Việt ở Mỹ cần hội nhập càng sớm càng tốt để bảo vệ những quyền lợi chính đáng của mình, nên chúng tôi cũng không đồng ý với chủ trương lấy lại Việt Nam bằng vũ khí, vì nó không có lợi cho cộng đồng người Việt ở Mỹ.
Vì thế, sau hơn 20 năm, và nay đã chuyển sang nghề dạy học, tôi cũng tò mò muốn biết PBS và Pro Publica có thêm tin tức gì giúp giải quyết những vụ án từ ba thập niên trước.
Tôi đã xem phim này, cũng như đã đọc bài đi kèm của ký giả A.C. Thompson, và cảm tưởng chung là PBS & Pro Publica đã mất một cơ hội quý báu để làm sáng tỏ những khúc mắc cơ bản mà chúng tôi, những người Việt ở Mỹ thường xuyên theo dõi các diễn tiến trong cộng đồng, đã hy vọng là hai cơ quan truyền thông bất vụ lợi này, sau thời gian dài nghiên cứu và điều tra, có thể mang lại cho người xem khắp thế giới.
“Terror in Little Saigon” không đem ra được những chứng cớ gì mới về những vụ án mà họ điều tra. Họ không tìm được nhiều tài liệu chính thức (tài liệu từ FBI bị đục bỏ đi quá nhiều, hồ sơ vụ Mặt Trận kiện bỗng dưng biến mất; vụ chính phủ Mỹ kiện lãnh đạo Mặt Trận bị “bỏ cuộc” một cách ngớ ngẩn; cũng như không có một nhân chứng nào đưa ra những dữ kiện một cách thẳng thắn, công khai và nghiêm túc...) và ký giả Thompson chỉ ám chỉ, chứ không khẳng định được là Mặt Trận được một phần chính giới Mỹ bao che.
Tuy nhiên, xem chương trình này cũng không phải là hoàn toàn mất thì giờ. Cá nhân tôi cũng xác định được vài điều chính trong vấn đề này:
1. Cảnh sát địa phương ở Mỹ, hoặc là lười, hoặc là thiếu khả năng, hoặc là coi thường nạn nhân người Việt, hoặc là có lệnh từ trên đừng điều tra kỹ quá, v.v… nhưng ở nơi nào cũng lơ là các vụ án mạng này. Chỉ một việc tối thiểu như kiểm tra các cú điện thoại hăm dọa nạn nhân hay người nhà nạn nhân mà cũng không có sở cảnh sát nào làm. Và tôi chắc chắn là trong thời điểm đó, cũng như ngày nay, cảnh sát không có khả năng về ngôn ngữ hay văn hóa để điều tra đến ngọn ngành. Như vậy, các vụ án này vẫn xếp xó là phải rồi.

Image caption Mỹ dưới thời tổng thống Reagan (1981-1989) từng vi phạm chủ quyền của Nicaragua

2. FBI cũng lười và vô tích sự không kém. Trước đó vài chục năm, họ đã điều tra được tổng thống Kennedy ngủ với những ai, hay mục sư King ngoại tình như thế nào, nhưng việc theo dõi các dấu vết rõ ràng ngay trước mắt thì lại làm lơ.
3. Quan trọng hơn là, sau khi xem phim, tôi có cảm tưởng mạnh hơn về việc chính phủ Mỹ muốn dùng Mặt Trận (MT) trước hết như một con cờ gây rối cho phía Việt Nam, lúc đó đang tham chiến ở Campuchia cũng như đang bị cấm vận. Ở thời điểm đó, việc Mỹ để cho Mặt Trận rảnh tay hoạt động cũng đi cùng hướng với việc Trung quốc ủng hộ hết mình phe Khmer Đỏ để cầm chân Việt Nam.
Hơn nữa, dưới thời tổng thống Reagan (1981-1989), chính phủ Mỹ đã từng vi phạm chủ quyền của Nicaragua bằng cách bán vũ khí cho Iran để lấy tiền giúp loạn quân Contra ở nước này. Mỹ còn đặt mìn ở cảng Managua, và bị Nicaragua kiện ra tòa án quốc tế. Tòa xử Mỹ thua năm 1986, nhưng Mỹ chơi xấu không thừa nhận thẩm quyền của Tòa.
Và cũng không ai lạ gì vụ Cuba. Fidel Castro lật đổ chế độ Batista thân Mỹ năm 1959, sau đó bị cấm vận tới năm nay, 2015, mới được bình thường lại.
Nhưng trong nửa thế kỷ trước, Mỹ đón nhận vô điều kiện người tỵ nạn từ Cuba, cũng như giúp “kháng chiến quân” Cuba tổ chức để lấy lại nước mình. Họ thất bại, nhưng trong vài thập niên khoảng 70-cuối 90, những người Cuba chống Castro này cũng đã có một biệt đội ám sát, có tên là Alpha-66, chuyên để duy trì “kỷ luật” trong cộng đồng người Cuba.
K-9 và Alpha-66 chắc phải có những điểm khác nhau, nhưng sang thế kỷ này, chúng tôi muốn biết sự thật.
4. Còn Neutrality Act để ở đâu? Rõ ràng là Mặt Trận đã vi phạm luật này, nhưng không bị hề hấn gì. Nếu không có người che chở, liệu Mặt Trận có dám công khai quyên tiền trên đất Mỹ để nuôi quân, mua vũ khí chống lại chính quyền Việt Nam?
Cách đây vài năm, tướng Vang Pao, một thời cũng là “con cưng” của tình báo Mỹ, đã lọt vào một bẫy đặt mua vũ khí ở Sacramento, Cali, cho chí nguyện quân Hmong ở Lào, và bị lôi ra tòa. Ông mất trước khi phải hầu tòa, tiện việc cho mọi bên.

Image copyright BBC World Service Image caption "Tướng Vàng Pao từng đặt mua vũ khí ở Sacramento, Cali, cho chí nguyện quân Hmong ở Lào.

5. Sau cùng, cũng có một điểm được minh xác: Việt Tân là hậu duệ của Mặt Trận, theo như khẳng định của ông Hoàng Tứ Duy, phát ngôn nhân Đảng Việt Tân.

Daniel C. Tsang, Quản thủ thư viện Đại học California, Irvine
'Terror in Little Saigon' là phim tài liệu quan trọng, cùng với phần tường thuật báo chí trên mạng. Từ quá lâu, im lặng và thuyết âm mưu đã có trong cộng đồng người Việt hải ngoại về những tội ác này.
Chương trình không chỉ lên án giới chức địa phương vì không điều tra các vụ đe dọa và giết người. Nó còn đụng đến cả chính phủ Mỹ vì “ôm ấp” lãnh đạo của Mặt Trận và lờ đi trong khi Mặt Trận mở hoạt động du kích từ Thái Lan và Lào.
Tôi hy vọng việc này khơi lại sự quan tâm để có điều tra các vụ vi phạm luật liên bang, thậm chí luật hình sự về cáo buộc K9 liên quan việc ám sát. Đó sẽ là sự hòa giải được hoan nghênh với Việt Nam.

Tiến sĩ Francois Guillemot, nhà nghiên cứu tại Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học (CNRS) phụ trách kho tư liệu Việt Nam của Viện Nghiên cứu Đông Á (IAO, Pháp) tại Lyon.
Như nhiều người quan tâm lịch sử và nghiên cứu về người Việt ở hải ngoại, tôi rất mong đợi giờ phát bộ phim này. Chủ đề rất hấp dẫn vì liên quan một chương bí mật, tương đối ít được biết tới, về chuyện của người Mỹ gốc Việt. Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam là một tổ chức bí mật từ lúc thành lập đến khi giải thể năm 2004. Khi làm luận văn thạc sĩ năm 1997, tôi từng đụng chạm chủ đề này. Khi đó tôi gọi đây là “cuộc kháng chiến thứ ba”, chống lại chính thể cộng sản sau 1975 ở Việt Nam.
Đánh giá của tôi về phim tài liệu này là tiêu cực. Có nhiều vấn đề: thiên kiến trong việc thu thập thông tin, cách điều tra của cảnh sát và những khoảng trống đáng kể trong câu chuyện.

Image caption Phim cố tình đặt tựa đề gây sốc về Little Saigon

Phim này cố tình gây chú ý bằng tựa đề gây sốc về Little Saigon, quảng cáo bằng hình ảnh máu, súng, những hình ảnh không liên quan trực tiếp cuộc điều tra.
Thứ hai, quan trọng hơn, bộ phim không được đặt trong văn cảnh phù hợp. Khán giả không rõ mặt trận này là gì, mục tiêu, tổ chức, lãnh đạo của nó, từ đâu nó xuất hiện. Không thấy nói gì về lịch sử, những thay đổi nội bộ từ một tổ chức quân sự thành đảng mới thân dân chủ. Không thấy nói gì về lịch sử Việt Nam: sự sụp đổ của Sài Gòn, hiện tượng Thuyền nhân, thực tế của việc chống lại cộng sản cả về mặt vũ trang và dân sự, số phận những người bị đưa vào trại cải tạo.
Nó cũng không nói về bối cảnh quốc tế của Chiến tranh Lạnh: câu hỏi về “những tay súng tự do” dưới thời Reagan, vấn đề người Mỹ mất tích, ngoại giao với Việt Nam, bối cảnh Chiến tranh Đông Dương lần ba từ 1979 đến 1989.
Thứ ba, buồn nhất là việc truy tìm tội phạm hóa ra chẳng đi đến đâu. Vẫn là những gì chúng ta đã biết suốt 20 năm qua, bằng lời chứng của các cựu thành viên như Phạm Văn Liễu, Phạm Ngọc Lũy, Cao The Dung hay những người trẻ hơn đã tham gia kháng chiến chống cộng sản như Phạm Hoàng Tùng, Al Hoàng (Hoang Duy Hung).
Thay vì bảo vệ cho nghề báo và sự thật, các tác giả lại gây hiệu ứng ngược lại: tạo ra căng thẳng trong cộng đồng người Việt.
Ngoài ra, theo tôi, Việt Tân cũng nên thừa nhận sự thật là vào thời kỳ đó, Mặt Trận là một tổ chức chính trị-quân sự có mục tiêu lật đổ chính thể cộng sản bằng đấu tranh vũ trang. Sau nhiều lần thất bại xâm nhập vào Lào, và sau khi Chiến tranh Đông Dương lần Ba kết thúc, phương thức vũ trang được bãi bỏ.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, Mặt trận thay đổi bằng các phương thức hòa bình hơn. Trên thế giới, có nhiều ví dụ về các tổ chức kháng chiến đã đi từ hành động vũ trang sang hòa bình sau Chiến tranh Lạnh (IRA/Sinn Féin ở Ireland…). Sở dĩ tôi nói như vậy là vì tôi nhìn sự biến đổi từ góc độ người quan sát bên ngoài và một sử gia quan tâm các câu hỏi này.
Chúng ta cần xem xét lịch sử của Việt Tân từ góc độ toàn cầu. Đó là một tổ chức nhắm đến cuộc đấu tranh lâu dài để đem lại đổi thay dân chủ ở Việt Nam. Khi nhìn như thế, sự đoàn kết của các lực lượng thân dân chủ người Việt trong và ngoài nước là điều cần thiết. Ví dụ Miến Điện là rất hay. Khi nào sẽ có Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ ở Việt Nam? Câu hỏi này sẽ còn được tranh luận bên trong Đảng Cộng sản và trong các nhóm của xã hội dân sự.

http://www.bbc.com/vietnamese

 

Đăng ngày 25 tháng 11.2015