Print

Nếu "chiến tranh Việt Nam" có hội đàm Paris làm cơ sở pháp lý cho Mỹ rút quân, bỏ rơi VNCH, thì chiến tranh Afghanistan có thỏa thuận Doha làm tiền đề cho Mỹ rút quân về nước. Với thỏa thuận đó, Mỹ (do Donald Trump làm đạo diễn) thừa biết rằng Afghanistan sẽ sụp đổ (cũng như họ thừa biết rằng sau hiệp định Paris thì VNCH sẽ sụp đổ) nhưng các quan chức Mỹ từ Tổng thống trở xuống đều tuyên bố là "bất ngờ và đề đổ lỗi cho chính quyền bù nhìn Afghanistan. Còn Joe Biden thì "giả nai" đổ lỗi cho Trump đã ký kết thỏa thuận Doha với Taliban.
Kịch bản "chiến tranh Việt Nam" và kịch bản "Afghanistan" có cùng một tác giả và người Mỹ sẽ đem kịch bản ấy đến những quốc gia khác, thuê những diễn viên khác để công diễn.
Vở kịch ấy sẽ được lưu diễn xoay vòng tại bất cứ nơi nào có khán giả.
Nhiều người sẽ hổi:
- Mỹ được lợi gì trong các cuộc chiến ấy? Chỉ thấy họ tốn hàng ngàn tỷ đô la viện trợ và hàng trăm ngàn sinh mạng lính Mỹ? Bộ họ điên sao mà cứ tiếp tục cái kịch bản tai hại ấy?
Mời các bạn đọc trích đoạn sau đây:

Ai sẽ được lợi

khi Mỹ mở các cuộc chiến tranh trên khắp thế giới   

Đào Hiếu

Trích chương 16 hồi ký Lạc Đường của Đào Hiếu:
(……)
Trước khi làm tổng thống, Bush từng là sĩ quan cận vệ. Lúc ấy ông ta có một người bạn thân là James Bath là sĩ quan cùng đơn vị. Về sau này, gia đình Bin Laden thuê James Bath làm quản lý tài chánh cho các công ty của  họ tại Hoa Kỳ. James Bath đã bí mật giúp đỡ tài chính cho Bush trong suốt quá trình hoạt động chính trị và tranh cử.
Khi Bin Laden cho máy bay đâm vào hai tòa nhà WTC tại New York thì tổng thống Bush đang viếng thăm một trường mẫu giáo và đang ngồi nghe một học sinh kể chuyện cổ tích. Lát sau cận vệ vào báo chiếc máy bay thứ hai đâm vào tòa nhà thứ hai. Bush chỉ nhíu mày và lại tiếp tục nghe, như thể là ông ta đã biết trước những việc đó.
Ngày 13/9 tức là hai ngày sau vụ tấn công, tổng thống Bush đến tòa đại sứ Saudi Arabia (quê hương của Bin Laden) ăn cơm trưa với ông đại sứ. Bush đến để trấn an ông đại sứ rằng “Chúng tôi đã thu xếp mọi thứ, ông đại sứ cứ yên tâm”.
Ngay hôm sau vụ tấn công, tất cả các phi trường tại Mỹ đều bị đóng cửa và các máy bay đều bị cấm cất cánh. Nhưng vẫn có 12 chiếc máy bay chở toàn bộ gia đình Bin Laden rời khỏi nước Mỹ.
“Cuộc di tản này nhằm tránh cho gia đình Bin Laden khỏi bị FBI thẩm vấn. Cùng lúc, tại Saudi Arabia, gia đình những kẻ khủng bố trong vụ 11 tháng 9 cũng được chính quyền bảo vệ, không cho tiếp xúc với báo chí.
GIA ĐÌNH BIN LADEN ĐÃ ĐẦU TƯ 860 TỲ USD VÀO CÔNG NGHỆ CHẾ TẠO VŨ KHÍ TẠI MỸ, BẰNG 7% NỀN KINH TẾ MỸ.
Bush ngăn cản quốc hội điều tra về vụ 11/9 và lập một ủy ban điều tra riêng.
Gia đình Bush ngoài dầu hỏa còn đầu tư vào công nghệ chế tạo vũ khí hiện đại với công ty mang tên Carlyde.” (Trích lời bình trong phim FARENHEIT 11/9 của Michael Moore, giải thưởng Cành Cọ Vàng liên hoan phim Cannes 2004)
-Phần lớn những lính Mỹ bị đưa sang chiến trường Iraq và Afghanistan đều là con em nhà lao động nghèo, thất nghiệp, nhất là người da màu. Một đoạn phim ghi lại hình ảnh và lời nói của các thanh niên Mỹ khi tiếp xúc với những người đi tuyển mộ lính. Họ là những người thất nghiệp và không còn sự chọn lựa nào khác ngoài chiến trường Iraq và Afghanistan.
-Đạo diễn Michael Moore đích thân đến trước cửa thượng viện Hoa Kỳ để phỏng vấn các thượng nghị sĩ. Tất cả các vị này không ai có con em đi chiến đấu tại Iraq. Một số thượng nghị sĩ chạy trốn khỏi cuộc phỏng vấn.
Sản xuất vũ khí và khai thác dầu mỏ là hai nền công nghiệp hàng đầu của Mỹ. Giới tài phiệt Mỹ trở nên giàu có nhờ vào hai nền công nghiệp khổng lồ này. Vì thế họ phải mở các cuộc chiến tranh để chiếm lấy các mỏ dầu và bán vũ khí.

Vũ khí Mỹ được bán như thế nào?
- Vũ khí được bán cho chính phủ Mỹ.
- Chính phủ Mỹ dùng tiền của ngân sách, tức là tiền thuế của dân để mua vũ khí.
- Vậy thì ai hưởng lợi? Trả lời: Các công ty chế tạo vũ khí hưởng lợi, các quan chức chính phủ hưởng lợi từ “huê hồng” khi ký các hợp đồng mua bán vũ khí hàng trăm tỷ đô la. Các quan chức Mỹ (cụ thể là tổng thống Bush) có phần hùn trong các công ty chế tạo vũ khí, do đó tiền lời được chia cho họ.
- Ai bị thiệt hại? Trả lời: Nhân dân Mỹ bị thiệt hại vì tiền đóng thuế của họ bị chảy vào túi một nhóm người. Vì con em của họ phải chết cho các hợp đồng mua bán vũ khí ấy.
- Có ai bị thiệt hại nữa không? Trả lời: Có. Đó là nhân dân Việt Nam, nhân dân Iraq, nhân dân Afghanistan. Họ đã phải chịu cảnh tan thương chết chóc vì chiến tranh.
Và còn một sự thật hết sức quan trọng nữa là: Trong bất cứ cuộc chiến tranh nào mà chính phù Mỹ tiến hành, nước Mỹ có thể thắng hoặc thua nhưng các công ty chế tạo vũ khí của Mỹ và các quan chức chính phủ có phần hùn thì LUÔN LUÔN THẮNG vì mục tiêu của họ là BÁN ĐƯỢC HÀNG còn chiến cuộc kết thúc thế nào không quan trọng.
(Trích một đoạn trong chương 16 của hồi ký LẠC ĐƯỜNG, tác giả Đào Hiếu)



Chú thích ảnh:
1/Thỏa thuận Doha
2/Quân Taliban chiếm dinh Tổng thống Afghanistan ngày 15/8/2021.
3/Dân Afghanistan tháo chạy, bám vào thân máy bay một cách tuyệt vọng.
4/Đạo diễn Michael Moore và giải thưởng Cành Cọ Vàng cho phim Farenheit 9/11 tại liên hoan phim Cannes 2004
5/Bush khi làm sỹ quan cận vệ.
6/James Bath, quản lý tài chánh cho gia đình Bin Laden, bạn thân của Bush.
7/Hồi ký  LẠC ĐƯỜNG của Đào Hiếu.

https://www.facebook.com/daohieuwriter



Sài Gòn, Kabul

và Nồi canh chua của Má

Minh Lý



Má tôi nấu canh chua cá kho tộ ngon nhất đời… chúng tôi. Ăn gì ăn, đi đâu đi, rồi cũng lại thèm canh chua cá kho Má nấu. Má là “dân miền Nam” thứ thiệt, con gái Long An, lấy chồng Sài Gòn, sống nửa đời ở Sài Gòn rồi qua nửa vòng Trái đất đến Sài Gòn Nhỏ (Little Saigon) sống ở miền Nam California tới giờ.
Mà ở đâu Má cũng nấu canh chua.
Canh chua cũng là món Ba chúng tôi ưa thích. Hồi trước 1975, mỗi lần nghỉ phép về lại Sài Gòn, ông sĩ quan ấy chỉ mong sà vào mâm cơm của vợ với món canh chua nóng hổi ngào ngạt, sà vào cái tình gia đình chồng vợ ấm áp giữa tháng năm chiến tranh sống chết điêu linh. Tháng Tư năm 1975, ông đã từ chối những cơ hội di tản mà một sĩ quan cấp tá như ông có thể có được. Ông nghĩ đến cha mẹ anh em dòng họ, người Mỹ bỏ đi nhưng mình làm sao bỏ đi, nhà mình đây, vợ con mình đây, canh chua cá kho mình đây…

Ngày 30 Tháng Tư chúng tôi ngơ ngác trước những ồn ào thay đổi ngoài đường, nhưng trong nhà lại vui vì đã có Ba về. Ba về hẳn. Chúng tôi luôn thèm Ba, những đứa con của lính trận xa nhà luôn thèm có Ba. Tôi đi theo hít hà mùi áo Ba. Ba mặc áo sơ mi quần tây, đeo mắt kính, nhìn như thầy giáo, đó cũng là mơ ước lớn nhất của ông, sẽ có ngày được giảng dạy ở trường quốc gia hành chánh.
Ngày 30 Tháng Tư 1975 đó, chúng tôi đã không ra đi, khi người Mỹ cuối cùng rút khỏi Sài Gòn.


Ngày 30 Tháng Tám 2021 này, Má ngồi trước màn hình tivi ở nhà đứa con trai út ở North Carolina, như hàng tỷ người trên thế giới đang theo dõi những giờ phút cuối cuộc rút quân “khó khăn và đau đớn” của quân đội Mỹ ở sân bay Kabul. Chiến dịch quân sự kéo dài 20 năm của quân đội Mỹ tại Afghanistan đã kết thúc với hình ảnh Thiếu tướng Christopher Donahue trong quân phục dã chiến, xách súng carbine M4, bước lên chiếc vận tải cơ C-17 cuối cùng rời sân bay Kabul lúc 15:29 ngày 30 Tháng Tám.
Chín năm trước, con trai út của Má, Trung tá Nhựt Lý, cũng từ sân bay Kabul này rời Afghanistan, sau chín tháng đóng quân ở đây. Chín năm trước, má cũng tiễn con đi và đón con về từ chiến trường Afghanistan bằng bữa cơm canh chua cá kho của Má. Còn Má trong chín tháng con trai ở Afghanistan đó, bà chỉ ăn chay, và niệm Phật hàng đêm. Để cầu mong con và đồng đội của con được nguyên vẹn trở về.
Nên hôm nay khi nhìn những người lính Mỹ cuối cùng rời sân bay Kabul, Má nhớ ngay cái cảm giác của chín năm trước. Má đã mừng tủi thế nào khi nhận được tin Nhựt đã trở về Mỹ an toàn, vào cái năm thứ 12 của cuộc chiến đã lấy đi sinh mạng của 2,000 lính Mỹ ở thời điểm ấy. Ngày hôm đó, Má đến trước tấm ảnh Ba, thầm thì: Anh à, con đã về!


Con về với Má, nhưng Ba thì không về nữa sau cái ngày xách túi nhỏ với mấy bộ đồ tập trung lên phường đi “học tập cải tạo” vào Tháng Sáu 1975. Hai năm sau, năm 1977, Ba mất trong trại tù cải tạo ở vùng rừng núi Hoàng Liên Sơn. Mãi một năm sau đó giấy báo tử mới đến nhà. Ngày Ủy ban phường gọi lên “có việc”, Má dắt theo Út Nhựt, Má đã linh tính chuyện không lành (vì họ không nói rõ lý do gọi). Đi tới đầu hẻm thấy có con mèo nằm chết, bỗng nhớ ra Ba tuổi Mão, Má thất thần, đến lúc nhận giấy báo tử của Ba thì bà ngất luôn. Thằng Nhựt lúc ấy mới năm tuổi. Sau ngày đó, nó nhất định không bao giờ chịu đi ngang Uỷ ban phường nữa: “Chỗ đó người ta giết ba con!”
Ba chúng tôi đã vĩnh viễn không thể về ăn những tô canh chua Má nấu sau ngày hòa bình, khi tiếng súng đã ngưng. Ông nằm lại trong một gò đất hoang vu ở một nơi rất xa Sài Gòn, trên giải đất hình chữ S đã được nối liền. Bảy năm sau đó, má con tôi cũng phải ra đi khỏi giải đất hình chữ S thân thương ấy, vì không thể nào tiếp tục sống ở đó. Bởi tôi chắc chắn không bao giờ vào được đại học với cái lý lịch “nguỵ quân” xếp hạng tận cùng thứ 15, thằng út em tôi có những ngày bị đói đến lả người. Má tôi gầy gò như một nhánh cây khô trĩu nặng năm đứa con thơ tương lai mờ mịt. Nước Mỹ, sau cuộc chiến 20 năm ở Việt Nam, đã đón nhận chúng tôi, vợ con một cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa.
Nước Mỹ hôm nay, một lần nữa, lại vừa rút ra khỏi cuộc chiến 20 năm ở Afghanistan, cuộc chiến được coi là dài nhất lịch sử Mỹ. Cũng trong những ngày cuối Tháng Tám, chúng tôi nhìn lên màn ảnh tivi, nhìn những gương mặt người trong cơn di tản, những cột khói bốc lên, những chuyến bay cuối cùng rời khỏi đường băng.
Nhớ 30/4, nhớ Ba, nhớ cả hành trình của gia đình, nhớ cả oan khiên của dân tộc.

Má bây giờ vẫn nấu canh chua cho thằng Út, một trung tá quân đội, trong những bữa cơm chiều ở nhà nó. Thằng Út của Má ngày 30 Tháng Tư 1975 chỉ mới vừa ba tuổi. Lúc Ba chúng tôi mất, nó còn chưa kịp có ký ức nào về Ba ngoài cái trụ sở Ủy ban phường ngày nó theo Má lên đó nhận giấy báo tử. Thế rồi sang đây nó lại theo nghiệp nhà binh. Nó học rất giỏi, vừa đi lính vừa lấy bằng đại học về ngôn ngữ rồi lấy bằng bác sĩ. Nó hiền như củ khoai, chưa bao giờ nghe nó nói một lời thù hận nào, không biết nó có còn nhớ cái Ủy ban phường đó không, bởi không thấy nó nhắc gì trong những lần về Sài Gòn cùng đoàn thiện nguyện “Project Vietnam” có ghé thăm nhà cũ ở khu chung cư Nguyễn Thiện Thuật…
Năm tháng qua đi, những cuộc chiến qua đi, chỉ còn lại Má tôi, với nồi canh chua, ngồi lại. Cuộc chiến Việt Nam, rồi cuộc chiến Afghanistan, bà đều tiễn chồng rồi tiễn con đi vào nơi khói lửa, với nồi canh chua ấy. Cái dáng cần mẫn gọt bạc hà, lặt ngò ôm, dằm me, rửa cá… chuẩn bị cho nồi canh chua trong bữa cơm đưa tiễn của một người vợ, một người mẹ – giá mà tôi có thể vẽ lại được, tạc lại được. Như tạc về một thân phận Việt Nam trong cơn biến loạn lịch sử từ cuối thế kỷ trước đến đầu thế kỷ này.
May mắn là tôi đã kịp lưu lại tấm ảnh chụp bữa cơm gia đình trong ngày tiễn Nhựt chuẩn bị sang Afghanistan (Tháng Ba 2012) từ Yahoo Blog. Tô canh chua giữa mâm, bàn tay cầm đũa của Nhựt, và mái tóc trắng phau của Má nơi góc bếp, ở đó, mãi đó.
2 tháng 9, 2021
Mình Lý  
Sài Gòn Nhỏ (Muôn Nẻo Đường Đời)

Người Mẹ (bìa trái) trong bữa cơm gia đình với canh chua trước ngày cựu trung tá Nhựt Lý (áo thùng trắng) sang Afghanistan tháng Ba năm 2012 (ảnh gia đình cung cấp)



Ai ra lệnh ông?

Đỗ Văn Phúc

Ngày 7 tháng 10 năm 2001, sau khi nhóm cảm tử al-Qaeda cướp các phi cơ hàng không tấn công vào Tòa Tháp Đôi ở New York, Ngũ Giác Đài ở DC gây ra biến cố 9 tháng 11 làm chết hàng ngàn người, cựu Tổng Thống George Bush thành lập liên quân đồng minh khởi đầu cuộc chiến ở Afghanistan, lật đổ nhà cầm quyền Taliban là người chứa chấp tên khủng bố Osama Bin Laden và nhóm al-Qaeda.
Đúng hai mươi năm sau, Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở Kabul cuốn cờ và bắt đầu một cuộc di tản bằng không vận  qui mô bắt đầu từ ngày 16 tháng 8, và chấm dứt vào đêm 30 khi những người lính Mỹ cuối cùng đã bước lên chiếc phi C-17 rời phi trường Kabul chấm dứt sự có mặt sau hai mươi năm chiến tranh không thành công.
Mở đầu bài diễn văn lúc 2:30 (CT) ngày 31 tháng 8 ở Bạch Cung, ông Biden ca ngợi việc di tản hơn 114 ngàn người là một thành công vượt bực (extraordinary success) mà chưa hề có nước nào trên thế giới có khả năng thực hiện. Thời giờ còn lại, ông biện bạch việc Hoa Kỳ phải chấm dứt can thiệp quân sự để khỏi hao tốn xương máu con em và tài nguyên đất nước. Ông khoe rằng ông thực hiện được lời đã hứa khi tranh cử là chấm dứt chiến tranh ở Afghanistan. Có ba lần, ông đổ trách nhiệm lên cựu Tổng Thống Donald Trump về việc ông Trump hứa hẹn rút quân vào tháng 5 năm nay, mà ông Biden còn kéo dài đến cuối tháng 8. Ông còn hân hoan khoe rằng từ nay, sẽ là giai đoạn hoà bình. Chúng ta sẽ không phải dự cuộc chiến nào!
Tóm lại, ông cố nói thật nhiều về những công lao di tản, chấm dứt chiến tranh mà hoàn toàn không đề cập đến việc hỗn loạn khi di tản, việc bỏ rơi hàng trăm công dân Mỹ và hàng ngàn người Afghan từng hợp tác với Mỹ, và nghiêm trọng hơn là việc để lại gần 90 tỷ chiến cụ tối tân vào tay quân khủng bố. Ông cũng không nói tới cuộc rút lui diễn ra trong hỗn loạn vì quân Taliban đã chiếm hết lãnh thổ Afghanistan và cả thủ đô Kabul, chỉ chừa phi trường dân sự cho Hoa Kỳ sử dụng nhưng vòng đai bên ngoài sát phi trường lại do Taliban kiểm soát hoàn toàn.
Chúng tôi xin lần lượt phân tích từng điểm quan trọng:

1. Chấm dứt chiến tranh
Đúng, ông Biden có thể kể công chấm dứt chiến tranh. Mà thật ra, việc này manh nha từ thời Tổng Thống Trump vì ông Trump có chủ trương không phung phí máu xương, tài sản dân mình để đi xây dựng quốc gia và trợ chiến cho nước khác. Hai mục tiêu này như chúng tôi đã viết trong bài các đây hai tuần, là sự thất bại trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ từ sau Đệ Nhị Thế Chiến. Vì thế, ông Trump đã đàm phán với Taliban để rút quân nhường việc nội bộ Afghanistan lại ch người Afghan tự giải quyết với nhau. Ông Biden không thể đổ lỗi cho ông Trump. Ngay trong tuần lễ đầu tiên sau khi nhậm chức, Biden đã ký gần 40 lệnh hành chánh để đảo ngược những việc ông Trump làm; thì nay, ông cũng có thể làm theo ý riêng của ông chứ!
Nhưng việc rút quân của ông Trump rất có bài bản. Ông đặt diều kiện với Taliban để thi hành từng bước và có sự răn đe sẽ dùng biện pháp mà theo ông “tàn khốc như chưa từng xảy ra” nếu Taliban vi phạm. Chúng tôi tin rằng một cuộc rút quân như thế sẽ tuần tự từ việc vận chuyển những chiến cụ hay phá hủy nếu không chuyển được. Kế đó là di tản hết công dân Mỹ và đồng minh, những người bản xứ hợp tác với mình và sau hết là viên chức chính quyền hay dân chúng bản xứ nào muốn ra đi.
Trong khi đó, ông Biden đã không có kế hoạch nào. Ông đã đơn phương ra lệnh di tản mà không thông báo cho các nước đồng minh. Lúc cần thì mời gọi hợp tác, khi hết cần thì phủi tay ra đi không nới một lời! Quân đội các nước này bị một vố khá nặng khi bị đồng minh Mỹ lừa gạt. Quốc Hội Anh hôm 19 tháng 8 đã họp và lên án Biden là đã coi thường họ (contemp). Các nhà ngoại giao cũng bày tỏ thất vọng về Hoa Kỳ và nói rằng họ sẽ không còn tin tưởng và khó mà hợp tác trong tương lai.
Do sự thiếu chuẩn bị, các ông Bộ Trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin, Chủ Tịch Ủy Ban Liên Quân Mark Milley, Phát Ngôn Viên Ngũ Giác Đài John Kirby có nhiều lần phát biểu trái ngược nhau trong cùng một vấn đề. Và cũng do sự thiếu chuẩn bị mà đã xảy ra vụ đánh bom làm thiệt mạng 13 quân nhân Hoa Kỳ và gần 150 thường dân Afghan!
Sau này có sự tiết lộ rằng ông Biden đã được cho chọn một trong hai điều: Để cho Taliban kiểm soát thủ đô Kabul hay chính Hoa Kỳ làm việc này trong thời gian di tản. Biden đã dành cho Taliban quyền kiểm soát!

2. Di tản công dân Hoa Kỳ
Trong 112 ngàn người được di tản khỏi Kabul thì hơn 106 ngàn là dân Afghan và các nước khác; chỉ có khoảng 5400 công dân Hoa Kỳ mà theo Biden còn 10% tức là khoảng hơn 500 người còn kẹt lại.
Con số công dân Hoa Kỳ tại Afghanistan đã không được Bộ Ngoại Giao công bố rành mạch, chính xác. Có khi loan báo trên 10 ngàn người và gần cuối thì lại rút xuống 6000. Việc di tản những người này cũng rất luộm thuộm. Khi thì kêu gọi họ tìm cách vào phi trường; khi thì yêu cầu họ cứ ở nguyên vị trí mà chờ hướng dẫn. Khi có người nêu ra sự nguy hiểm khi rời nhà vào phi trường thì chính Biden loan báo là đã thương lượng với Taliban để cho những ai đưa trình thông hành được qua các trạm kiểm soát. Điều nguy hại nhất là Biden đã trao cho Taliban danh sách những người Mỹ và Afgan làm việc cho mình. Người ta coi đó là trao bản án tử hình. Có vài người khi đến được cổng thì bị đẩy lùi ra ngoài và kẹt luôn. Ông Anthony Blinken, Bộ Trưởng Ngoại giao nhiều lần đổ thừa là có nhiều công dân Hoa Kỳ không muốn ra đi!
Rất nhiều lần, chính miệng ông Biden, ông Binken, hứa rằng sẽ di tản hết công dân Mỹ rồi mới chấm dứt chương trình. Việc này lại cũng mâu thuẫn với hạn định 31 tháng 8. Khi ký giả Peter Doocy của Fox News đề cập việc người Mỹ còn kẹt lại, cô Tuỳ viên Báo Chí Bạch Cung là Jen Psaki còn trách rằng nói như thế là vô trách nhiệm (it’s irresponsible to say Americans are stranded; they are not). Cô còn khẳng định “Chúng tôi sẽ không bỏ sót lại những công dân nào nếu họ muốn đi. Chúng tôi sẽ  đem họ về”
Nhưng cuối cùng, còn khoảng 500, 600 công dân còn kẹt lại mà trong số này từng gọi điện thoại kêu cứu từ nơi họ ẩn nấp. Trong khi quân đội các nước đồng minh tổ chức các toán quân ra tận nơi tìm đưa công dân họ vào phi trường thì Hoa Kỳ đã  không làm gì mà còn yêu cầu các đồng minh đừng làm thế vì sẽ bỉ mặt Hoa Kỳ! Chính các viên chức Mỹ còn tìm cách cản trở những người cựu chiến binh biệt kích Mỹ từ Hoa Kỳ tình nguyên đến Kabul để giải cứu công dân mình.
Hoa Kỳ trong lịch sử, có truyền thống không bỏ rơi công dân mình dù trong tình thế nguy nan đến đâu. Truyền thống này bị phản bội khi bà Hillary Clinton, khi đó là Bộ Trưởng Ngoại Giao của Obama đã làm ngơ không giải cứu ông Đại Sứ Christopher Steven và nhân viên Mỹ khị họ bị vây khổn ở Benghazi, dẫn đến cái chết oan ức của 4 người này trong tay bọn khủng bố Libya. Và lần này, sự phản bội này do ông Biden mà ra.

3. Tài sản chiến cụ khổng lồ
Trước ngày di tản, Tổng Thống Biden đã ra lệnh đóng cửa và bỏ rơi phi trường quân sự lớn nhất Bagram, là nơi còn chứa một khối lượng khổng lồ những chiến cụ tối tân nhất mà giá trị lên đến gần 90 tỷ đô là (nhiều hơn ngân sách quốc phòng của Pháp và Đức cộng lại). Những vũ khí này đáng kể là 208  phi cơ trong đó có 33 chiếc trực thăng Black Hawk, hơn 22 ngàn xe bọc thép Humvee, 169 thiết vận xa M113, 634 thiết vận xa MI-117, 42 ngàn xe vận tải nhẹ, 8 ngàn xe vận tải nặng, 155 xe bọc lưới thép chống mìn, gần 360 ngàn súng tiểu liên xung kích, 32 ngàn lựu đạn, bom và hoả tiễn, 30 triệu viên đạn các loại, 16 ngàn ống kính nhìn xuyên đêm tối (night vision goggles), 162 ngàn máy và dụng cụ truyền tin vân vân (Sở dĩ chúng tôi kê khai chi tiết để thấy tầm mức nguy hiểm trong tương lai đối với an ninh Hoa Kỳ và thế giới khi các vụ khí tân tiến này lọt vào tay các nhóm khủng bố Hồi cực đoan, hay lọt vào tay Nga, Trung Cộng…)
Rất nhiều lần cô Jen Psaki né tránh câu hỏi rằng từ nay, Hoa Kỳ sẽ an toàn hơn hay nguy hiểm hơn?
Với một nhà nước Hồi Giáo cực đoan ở Afghanistan, tiếp giáp với Pakistan, Iran, vài nước Trung Á cựu Liên Sô cũng là các nước Hồi thù ghét Tây Phương; rồi lại giáp với Trung Cộng ở một góc phía Đông Bắc; cộng với sự tái phát của nhóm al-Qaeda mà có hơn 5000 tên khủng bố vừa ra khỏi nhà tù ở Afghan và đặc biệt nhóm The Islamic State Khorasan, viết tắt là ISIS-K với số quân khoảng 2200 tên (nhóm này có từ nhiều năm trước và là thành viên của ISIS), thì rõ ràng hoà bình an ninh thế giới lại bị đe dọa nghiêm trọng hơn chứ khó có thể ngủ yên như ông Biden hân hoan tuyên bố.
Giờ này, chắc chắn Trung Cộng đang mon men chen vào Afghanistan là nơi có nhiều khoáng sản quý cho công nghiệp điện tử. Trung Cộng cũng nhắm vào kho vũ khí Hoa Kỳ để lại nhằm trang bị cho quân đội hiếu chiến nhiều tham vọng của họ. Nếu xảy ra chiến tranh thì Hoa Kỳ sẽ phải đối đầu với các lực lượng hung hãn, mà không còn ở thế thượng phong vì địch quân được trang bị bằng vũ khí tối tân của chính Hoa Kỳ.
Tóm lại, bài diễn văn của ông Biden không che đậy được những thảm hoạ ông đã gây ra cho Hoa Kỳ là đất nước của chính gia đình ông. Chúng tôi không tin rằng một người lãnh tụ, dù ngây ngô, khờ khạo, vô tài, vô trách nhiệm đến đâu mà có thể có những hành vi như ông; chưa kể những việc làm nguy hại trong 8 tháng qua như mở cửa biên giới cho gần 2 triệu dân nhập cư bất hợp pháp mang theo bao mầm bệnh, tệ nạn buôn bán ma túy, buôn người, băng đảng giết người; và phải kể đến việc chuẩn chi những ngân sách hàng ngàn tỷ đô la cho những chương trình phi sản xuất, làm ngân sách thâm thủng, chắc sẽ đưa đến nạn suy thoái nghiêm trọng.
Một lãnh tụ đúng nghĩa nhận phần trách nhiệm dù việc sai trái là do nhân viên dưới quyền làm ra. TRong khi chỉ có những kẻ hèn mới đổ trách nhiệm cho người khác ngay cả việc sai của chính họ.
Vậy đằng sau ông là ai? Một câu hỏi mà nhiều chính trị gia đã nêu lên trong các chương trình truyền hình là “Ai ra lệnh cho ông, hả ông Biden?” (who instructed you?)
Đỗ Văn Phúc
September 1,2021

https://tienglongta.com/2021/09/01/ai-ra-lenh-ong/
 



Chiếc ghế lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ chỉ còn 3 chân!

Nhân vụ Afghanistan, xét qua vị trí tương lai của Mỹ trên thế giới

Đỗ Văn Phúc

Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc, người hùng Hoa Kỳ trở nên một cường quốc vô địch vừa về quân sự vừa về kinh tế.
Là một nước công nghiệp tiên tiến, với nền kinh tế tiêu thụ đại chúng, hàng hoá vật chất sung mãn, người dân Mỹ sống một cuộc sống như trên thiên đàng. Hoa Kỳ trở thành miền đất trong mơ của hàng triệu người trên thế giới.
Do đó, với tinh thần khai phá, với tính tự mãn, từ sau 1945, Hoa Kỳ quyền lực vô song và tham vọng lớn lao, tự đặt cho mình hai sứ mạng lớn trên bình diện quốc tế: (1) vai trò “Cảnh Sát Toàn Cầu” (Global Policeman) để theo dõi và cưỡng chế, giúp giải quyết các tranh chấp các khu vực trên năm châu, duy trì trật tự thế giới; và (2) vai trò “Xây dựng Quốc gia” (Nation Builder) nhằm đem mầm mống dân chủ tự do gieo rắc đến những đất nước còn lạc hậu.
Sau Thế Chiến 2, thế giới bị chia làm hai cực Tư Bản và Cộng Sản, cuộc chiến tranh lạnh bắt đầu hình thành. Học thuyết Truman do Tổng Thống Hoa Kỳ Harry Truman đề ra hứa hẹn giúp đỡ các quốc gia phe thế giới tự do ngăn chặn làn sóng đỏ từ Liên Sô “…it was an era of aggressive peacetime policy which marked the beginning of America’s role as global policeman”. Hơn nửa thế kỷ, Hoa Kỳ và Liên Sô cùng miễn cưỡng chấp nhận vai trò của đối thủ nhằm giữ cho thế giới không bị rơi vào hỗn loạn đưa đến chiến tranh nguyên tử mà chắc sẽ hủy diệt nhân loại. Đến năm 1991, thời cực thịnh của Hoa Kỳ dưới quyền Tổng Thống Reagan với công đầu xoá sổ Liên Bang Sô Viết và khối Đông Âu. Hoa Kỳ nắm độc quyền và chuyển mũi dùi qua kẻ thù mới là các lực lượng khủng bố Hồi Giáo.
Trong cả hai giai đoạn này, lúc nào cũng có gần hai trăm ngàn quân Mỹ ở hơn 100 quốc gia để trấn đóng và có khi can thiệp trực tiếp  vào chiến cuộc. Vào thời điểm ngày hôm nay, có 131,462 quân Mỹ đóng ở Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương, 64,190 ở Âu Châu, hơn 23 ngàn ở các nước Trung và Nam Mỹ, 11,217 ở Nam Á, Trung Á, Tây Á, Nam Á và Ấn Dộ Dương. Các nước có đông quân sĩ Hoa Kỳ được kể là: Đức (25,486), Nam Hàn (26,326 người), Anh Quốc (9,515), Bahrain (4008), Spain (3,256), Turkey (1808), Saudi Arabia (1520), Belgium (1170), Kuwait (1146).
Hoa Kỳ đã trực tiếp nhúng tay vào chiến cuộc tại trên dưới 50 nước; có khi là nội chiến, có khi là chiến tranh ý thức hệ, hay chống khủng bố, và cũng có khi là chiến tranh chống găng tơ mua bán ma túy…  Trong suốt hơn 70 năm qua, quân số tham chiến của Hoa Kỳ cao nhất là trong chiến tranh Việt Nam với hơn 2.7 triệu binh sĩ lượt tham chiến và ở mức cao nhất trong một thời điểm là hơn 543 ngàn quân vào tháng 9 năm 1969.

Những thất bại của Hoa Kỳ
Nhưng đáng nói là trong đa số những cuộc chiến đó, Hoa Kỳ đều gánh lấy thảm bại. Hoa Kỳ đã nhiều lần rút quân, bỏ rơi đồng minh sau hàng chục năm có mặt với hàng chục tỷ đô la viện trợ, hàng chục ngàn ngàn thanh niên Mỹ hy sinh hay thương tật, bội ước bao lần những lời hứa sắt đá…Nơi nào còm bám lại thì cũng nhượng bước cho các lãnh tụ độc tài hay gánh lấy sự thù ghét của dân chúng bản địa. Hậu quả đau đớn nhất là mất hết niềm tin nơi các đồng minh còn lại và làm cho kẻ thù có thêm cơ sở để lấn tới. Mới đây nhất là sự rút quân đột ngột ở Afghanistan sau hơn 20 năm can thiệp, chi tốn cả ngàn tỷ đô la, mất đi 2448 sinh mạng lính Mỹ, 3846 sinh mạng nhân viên dân sự Mỹ, và khoảng 2000 binh sĩ, dân chính các nước đồng minh khác. Đổi lại là con số không to tướng và sự sụp đổ uy tín và niềm tin trước cộng luận quốc tế.
Đi đôi với thất bại về quân sự, Hoa Kỳ cũng không đạt được thành công trong sứ mạng “Xây Dựng Quốc Gia”.
Họ đã quá hãnh tiến và tự cho mô hình dân chủ của mình là tối ưu để có thể áp đặt lên bất cứ quốc gia nào! Họ quên rằng mỗi nước có những đặc thù riêng về văn hoá, xã hội, kinh tế… mà bất cứ mô hình nào cũng phải được xem lại, sửa đổi sao cho phù hợp với hoàn cảnh từng nơi.

Lấy Việt Nam làm thí dụ
Năm 1954, Hoa Kỳ bước chân vào Việt Nam thay thế Pháp để giúp xây dựng nền Cộng Hoà mới mẻ tại miền Nam. Nước ta đang ở trong tình trạng lạc hậu vừa về kinh tế, vừa về chính trị. Có thể nói Việt Nam lúc đó còn ở trạng thái kinh tế nông nghiệp với 80% dân số sống ở nông thôn, chưa hề quen với ngọn đèn điện, hay công cụ cơ giới; chưa có chút điều kiện nào cho sự chuyển tiếp lên nền kinh tế phát triển.
Về tâm lý chính trị, Việt Nam thời đó vừa qua khỏi hàng ngàn năm quân chủ mà ảnh hưởng Nho Giáo đã thâm nhập sâu xa vào đời sống. Họ chỉ có một tâm lý tôn trọng tuyệt đối vương quyền, an tâm với số mệnh do trời định đoạt. Trình độ dân trí thì rất thấp. Đa số không biết chữ. Vì thế khái niệm về dân chủ, cộng hoà là những gì xa vời mà họ chưa từng nghe đến. Ngay trong số 20% còn lại sống ở thành thị, thì cũng chỉ có số rất ít ỏi người hấp thụ nền học vấn Tây Phương để hiểu sự vận hành của các chế độ dân chủ! Một trăm năm dưới sự đô hộ của Pháp cũng chỉ đào tạo ra một tầng lớp thư lại để phục tùng, phục vụ quyền lợi của chủ Tây.
Người Mỹ đem vào môi trường lạc hậu này nào là tự do cá nhân, tự do báo chí, nào là tam quyền phân lập, dân chủ trong bầu cử, ứng cử… và cho rằng dân Việt Nam sẽ hân hoan đón nhận ngay. Họ quên rằng Việt Nam chưa có nền móng cho những thứ xa xỉ đó. Trẻ sơ sinh trước khi bước đi, thì phải qua các giai đoạn lật, bò…
Vào những năm cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960 mà có được những lãnh tụ như ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu thì thật là hiếm hoi. Các ông dù tân tiến đến đâu, dù từng có thời gian quan sát, học hỏi ở ngoại quốc, cũng chưa thoát ra khỏi những khái niệm truyền thống sót lại từ ngàn năm. Khi ông Diệm về nước chấp chánh ngày 7 tháng 7 năm 1954; rồi được bầu làm Tổng Thống đầu tiên của nước Cộng Hoà sơ khai; chung quanh ông chẳng có mấy bạn bè, đồng chí, mà chỉ toàn là kẻ thù hăm hẹ triệt hạ ông để dành quyền bính bảo vệ các đặc quyền đặc lợi bất chính của họ. Ông phải tin dùng ai nếu không phải là người em có nhiều kiến thức chính trị cấp tiến? Ông sẽ đặt vào các chức vụ then chốt những ai nếu không phải là người ông từng biết qua và có phần tin tưởng vào họ?
Việc xây dựng hạ tầng làm nền tảng cho chế độ dân chủ đã được ông tiến hành từ từ, có lớp lang chứ không thể nóng vội. Trước hết là lập hiến, lập pháp, lập quy. Nâng cao dân trí, giáo dục chính trị căn bản, đào tạo cán bộ hạ tầng, tu nghiệp công chức thượng tầng… Hoa Kỳ không có kiên nhẫn chờ thực hiện diễn trình này. Họ cứ coi chính quyền Ngô Đình Diệm là trở lực chính của sự phát triển dân chủ.
Chưa nói tới vấn đề chiến lược quân sự khi chính quyền ông Diệm, vốn hiểu biết về Cộng Sản Đông Dương và cuộc chiến mà Mao Trạch Đông gọi là Chiến Tranh Nhân Dân. Ông Nhu đã đề ra thuyết Cần Lao Nhân Vị để dối phó với thuyết Mác Xít; đã áp dụng quốc sách Ấp Chiến Lược để ngăn cộng quân xâm nhập vào dân chúng; đã mời những nhà quân sự kinh nghiệm để huấn luyên quân đội những chiến thuật chống du kích thay vì chấp nhận cho quân Mỹ tham chiến trực tiếp làm mất chính nghĩa quốc gia để Cộng Sản có cơ hội tuyên truyền lừa gạt dân chúng và quốc tế! Những chương trình này đang chứng tỏ sự thành công thì người Mỹ bất bình vì khó thuyết phục ông Diệm làm theo ý họ. Họ phụ hoạ với kẻ thù ông Diệm mà ai cũng biết là có bàn tay Cộng Sản dính vào, la toáng lên nào là gia đình trị, nào là độc tài rồi nhẫn tâm bật đèn xanh cho đám tướng lãnh hạ bệ và sát hại ông để đưa lên những đám vô tài chỉ biết xâu xé tranh quyền và ngoan ngoãn, dễ bảo. Việt Nam Cộng Hoà phải mất 2 năm sau mới ổn định để tiếp tục các chương trình củng cố dân chủ, cải cách dân sinh.
Nhưng rồi cuối cùng sau hai mươi năm can thiệp, vì chia chác quyền lợi giữa các siêu cường, Hoa Kỳ đành bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa sau khi chỉ tay vào chê trách chính phủ miền Nam tham những, quân đội miền Nam không chịu chiến đấu! Hình như đó là hai lý do nằm lòng mà Hoa Kỳ luôn viện dẫn ra mỗi khi bỏ cuộc tháo chạy khỏi chiến trường.

Hoa Kỳ không chịu tự học những bài học diễn ra quá nhiều lần trong quá khứ: Hoa Kỳ không thắng được các cuộc chiến vì nhiều lý do mà chính yếu là:
1. Họ không thực lòng muốn thắng, dù lúc ban đầu tuyên bố hung hăng lắm. “I am not going to lose Vietnam. I am not going to be the president who saw Southeast Asia go the way China went.” (President Lyndon Johnson, 24 tháng 11, 1963)  Cho đến khi chiến cuộc đi đến hồi quyết liệt, hao quân tổn tướng, Hoa Kỳ bắt đầu bị dư  luận quốc nội la ó, phản đối, và phần lớn do như cầu tranh cử, hứa hẹn, các chính trị gia Mỷ bắt đầu đổi giọng, thay màu.
2. Chiến lược của Mỹ vì thế thiếu nhất quán mà thay đổi đảo qua, đảo lại tùy theo mỗi nhiệm kỳ tùy đảng nào nắm hành pháp hay nắm đa số ở Quốc Hội. Trong khi đó, thì kẻ thù từ nhiều năm vẫn trước sau như một với quyết tâm dứt khoát phải chiến thắng, dù hy sinh đến người cuối cùng!
3. Hoa Kỳ tham chiến, nhưng quyền điều khiển là từ ở Toà Bạch Cung, Quốc Hội và Ngũ Giác Đài, đa số nằm trong tay các chính khách dân sự chưa hề cầm súng nói chi đến kiến thức về quân sự!
4. Và một điều rất quan trọng: Khi xảy ra chiến tranh giữa một nước văn minh dân chủ với một kẻ thù độc tài man rợ thì xác suất cao là phe văn minh rất khó thắng. Phe văn minh dân chủ bị ràng buộc nhiều bởi luật pháp quốc tế, bởi tính nhân đạo trong khi bọn man rợ xem mạng người là cỏ rác, áp dụng sự khủng bố triệt để và sẵn sàng dẫm lên các hiệp ước, hiệp định và công pháp quốc tế. Tất cả là do nhược điểm của chế độ dân chủ tự do! Dân chúng điều gì cũng muốn biết, dù là bí mật hành quân. Báo chí thì luôn để mắt dòm ngó, phanh phui bất cứ điều gì mà họ coi là vi phạm nhân quyền. Các nhà lãnh đạo quân sự coi như bị trói tay!

Trật tự thế giới mới
Thế giới ngày nay đi vào tình trạng mất trật tự hoàn toàn. Có hai khảo hướng: (1) Duy trì vai trò Cảnh Sát Toàn Cầu dựa trên luật pháp, trật tự và thẩm quyền; (2) Để cho các quốc gia trong mỗi vùng đưa ra sáng kiến để cùng hợp tác với nhau. Một nền chính trị cân bằng quyền lực là cần có để dung hoà hai khảo hướng trên.
Chắc chắn sẽ có một sự phối trí phân chia quyền lực mới. Vai trò của Hoa Kỳ, sau quá nhiều thất bại, đang bị xét lại và cạnh tranh bởi các thế lực đang lên.
Vào lúc này đây, bên phía Thái Bình Dương thì Trung Cộng đang gia tăng áp lực. Hoa Kỳ đã hớ hênh tạo ra quá nhiều cơ hội cho Cộng Sản Trung Hoa học hỏi áp dụng khoa học kỹ thuật mà Tây Phương phải bỏ ra hàng chục năm nghiên cứu phát triển. Với tham vọng bành trướng và giành quyền bá chủ từ tay Mỹ, Trung Cộng đang ráo riết thực thi kế hoạch “một vành đai, một con đường”. Họ từng bước lấn sân chơi của Mỹ ở biển Đông, ở Phi Châu, mon men nhảy vào Âu Châu và ngày nay, nới vòi bạch tuộc ra Afghanistan sau khi đã có căn cứ rất lớn ở Pakistan.
Bên Âu Châu thì Nga phục hồi sức mạnh sau khi trì trệ vì sự sụp đổ của chủ nghĩa Cộng Sản. Mười năm qua họ từng lấn lướt Mỹ ở Crimea, Ukraine và nay thì cũng thừa thắng xông lên khi gần 30 nước Liên Âu này phải lệ thuộc ống dẫn khí đốt của Họ. Hai thế lực Nga, Trung Cộng và thêm khối Liên Âu đang đứng vững trên đôi chân mình, chắc sẽ không chịu để Hoa Kỳ độc quyền làm Cảnh Sát Toàn Cầu đâu. Cơ hội vàng đã tới khi uy tín của Hoa Kỳ đã quá sa sút nhất là sau biến cố Afghanistan.
Ngoài ra, thế giới cũng đang nhìn thấy sự trỗi lên của những thế lực bậc trung ở từng điạ phương như Nhật Bản, Ấn Độ, Brazil, Nam Hàn, Turkey, Iran, Canada … Các nước này cũng ý thức quyền lợi của mình mà sẽ đòi chia phần trách nhiệm. Và nguy hiểm nhất là khi một nước Afghanistan Emrirate ra đời sẽ đưa đến sự kết hợp của thế lực Hồi Giáo quá khích gồm Taliban, al-Qaeda, ISIS với số lượng vũ khí tối tân khổng lồ trị giá hàng trăm tỷ đô la do Hoa Kỳ bỏ lại ở các căn cứ quân sự tại Afghanistan mới đây.
Không biết chúng tôi có bi quan không khi thấy xã hội Hoa Kỳ cũng đi vào sa sút, bế tắc bởi các thế lực đen đang ra sức tàn phá. Họ áp lực vào giáo dục theo chiều hướng phi đạo đức, đòi cải tổ an sinh xã hội theo hướng liberal, socialist, dùng chiêu bài BLM để tạo ưu quyền cho một nhóm người bất xứng mà bịt miệng những người công chính; và ngay cả chính quyền cũng góp vào sự tàn phá qua việc mở toang biên giới, và sự vung tay quá mức chi ra những ngân sách khổng lồ cho những chương trình vô lý thay vì đầu tư vào phát triển quốc gia. Nợ quốc gia đã lên đến mức hơn 28.657 ngàn tỷ. Tăng 6 ngàn tỷ trong một năm rưỡi từ khi có đại dịch Covid-19 (các năm trước covid, mức tăng là 1 ngàn tỷ mỗi năm).
Một xã hội với đầy vấn nạn và suy thoái kinh tế thì không thể đảm đương nổi vai trò lãnh đạo quốc tế của mình!
Nếu Hoa Kỳ không có sự thay đổi lãnh tụ có khả năng, có bản lãnh và tầm nhìn chiến lược để xét lại các chính sách can thiệp cho phù hợp thì e rằng quy luật tạo hoá sẽ áp dụng ở đây: Điều gì, cái gì lên cao đến tận mức thì sẽ bắt đầu rơi xuống. Và rơi thê thảm.
Đỗ Văn Phúc
August 19,2021
https://michaelpdo.com/2021/08/chiec-ghe-lanh-dao-the-gioi-cua-hoa-ky-chi-con-3-chan/

 

Đăng ngày 08 tháng 09.2021