Chỉ một điều duy nhất

 

Vũ Lưu Xuân

Tôi mới đọc “Thư gửi ông Vũ Lưu Xuân” của cô Thảo An. Vì bài trước tôi viết: “cô đã bảo : « nếu ai không đọc thơ TTY,thì đừng bàn thi ca với họ », bởi thế tôi chỉ thưa chuyện với cô một lần này mà thôi, dù cô có viết tiếp, tôi cũng xin phép không trả lời ». Thái độ của tôi không thay đổi, do đó bất cứ lập luận phản bác nào liên quan tới cá nhân tôi, cho dù thế nào đi nữa, tôi cũng không trả lời, xin để cho đồng môn phán xét.

Tuy nhiên, đọc bài viết, có một điều duy nhất tôi cần lên tiếng, đúng ra là để thưa chuyện với đồng môn. Lý do, tôi không muốn bị xem là người viết cho giới độc giả, thuộc thành phần nhà giáo, bằng những chữ « tục » và « bẩn » (chữ của cô TA). Đó chính là sự tôn trọng cần thiết đối với anh em cùng chung mái trường.

Tôi viết : « Thưa cô, một người đã tự đeo chiếc lá đa trên mắt « con ngựa già của chúa Trịnh », để chỉ thấy có một nguồn ánh sáng duy nhất phía trước, đó là TTY, còn xung quanh là cảnh tối tăm, u ám, thì còn gì để nói ».

Và cô kết luận : « Trong bài “Xin trả lời...” ông cũng kết luận bằng hình ảnh chiếc lá đa... Thường theo tâm lý phụ nữ thấy tục, thấy bẩn thì... bỏ chạy ». Không hiểu các đồng môn, đặc biệt là các sư tỉ, sư muội, đọc mấy chữ của tôi có cho rằng tôi viết « tục » và « bẩn », tới mức phải bỏ chạy không ? Nếu đúng vậy, dù bị hiểu lầm, tôi cũng thành thật xin lỗi.

Thưa anh chị em đồng môn, sự thật, tôi chỉ dùng lại chữ của Phùng Cung trong truyện ngắn « Con ngựa già của chúa Trinh », đăng trên Nhân Văn số 10, năm 1956, cũng vì truyện ấy, Phùng Cung bị tù 12 năm, không có án. Trong truyện, để chỉ “miếng da bịt mắt ngựa”, ông nhắc lại từ « lá đa » ba lần :

Khi mã phu buông tay: lạ lùng lắm, nó thấy hai vật gì to bằng hai cái lá đa che ngang hai bên mắt khiến nó chỉ có thể nhìn thẳng phía trước mà thôị

Kìa hai lá đa che mặt ta có khác gì hai cánh mũ của vị đại thần

Hai cái lá đa đã được cất đi.

Nhắc tới nhóm Nhân Văn giai phẩm, tất phải nhớ tới Phùng Cung, nhắc tới Phùng Cung, tất phải nhớ tới “Con ngựa già của chúa Trịnh” và “Dạ ký”, và nhắc đến “Con ngựa già của chúa Trịnh” tất phải nhớ tới mục đích của ông khi viết truyện: phê phán bọn văn nô đã bị chủ bịt mắt bằng “cái lá đa”, để chỉ biết tung hô. Như vậy một khi đã đọc truyện ngắn này, không ai có thể quên điểm mấu chốt là “cái lá đa”.

Riêng thưa với các đồng môn, nếu anh chị em nào có hứng thú muốn góp ý, tôi vẫn cố sức « tiếp chiêu », trong tinh thần tương nhượng .

Vũ Lưu Xuân
(SV ĐHSPSG, ban Việt Hán, khóa 1964-1968)