Print

Đụng chạm trên không giữa Thổ-nhĩ-kỳ và Nga

Nhữ Đình Hùng

Từ tuần qua, Nga đã mở một chiến-dịch trên không tại Syrie nhằm chống lại Nhà Nước Hồi Giáo (EI hay Daesh); theo các nguồn tin từ giới truyền thông dòng chính (mainstream) của tây phương, các cuộc không tập của Nga nhằm chống lại mọi nhóm võ-trang chống lại chế-độ Damas hơn là chỉ nhắm vào Daesh. Và trong thời gian này, đã có hai đụng chạm có thể làm 'cái xảy nảy cái ung'!
*Việc đụng chạm thứ nhất xảy ra vào ngày 03.10. Một phi-cơ chiến-đấu Nga, Su-30 SM, đã vi-phạm không-phận của Thổ thuộc vùng phiá nam Yayladagi thuộc tỉnh Hatay, nằm cạnh biên-giới Syrie; phi-cơ Nga rõ ràng là đang thực-hiện một phi-vụ oanh-tạc ở Syrie.

Hai phi-cơ F-16 của Thổ đang tuần-tiễu trong vùng đã lập tức thực-hiện việc nghênh cản và đã 'buộc phi-cơ Nga phải ra khỏi vùng'. Chánh-quyền Thổ đã triệu-tập đại sứ Nga tại Thổ để phản-đối mạnh mẽ, yêu cầu Nga tránh lập lại các biến-sự như thế, nếu không, sẽ coi Nga phải chịu trách-nhiệm về các biến-cố không mong muốn này. Ngoại-trưởng Thổ Feridun Sinirlioglu cũng đã điện-thoại cho ngoại-trưởng Nga Segueï Lavrov để chuyển lời phản-kháng ở Ankara.
Trong quá khứ, đã có những đụng chạm giữa Syrie và Thổ-nhĩ-kỳ. Một phi-cơ F-4 Phantom của Thổ đã bị phòng-không Syrie bắn hạ và trong tháng ba 2014, một phi-cơ Mig-25 của Syrie đã bị một phi-cơ F-16 của Thổ bắn hạ.
Được biết Thổ-nhĩ-kỳ là một thành-viên của OTAN và sẽ đem việc đụng chạm ngày 03.10.2015 ra thảo-luận với Jens Stoltenberg, tổng-thư ký của OTAN. Ngày 04.10, Erdogan, tổng-thống Thổ-nhĩ-kỳ, đã mạnh mẽ chỉ-trích việc can-thiệp quân-sự của Nga ở Syrie, coi đó là điều không thể chấp nhận được và là một sai lầm to lớn! Ngoài việc là thành viên của OTAN, Thổ hiện là thành-viên của liên-quân tây-phương chống Nhà Nước Hồi Giáo và đòi Bachar al Assad phải ra đi, trong khi đó, Nga hậu-thuẫn cho al-Assad! Thổ-nhĩ-kỳ cũng có những cuộc oanh-tạc chống lại quân khủng-bố ở Syrie nhưng các cuộc oanh-tạc của họ chánh-yếu là nhắm vào quân kurde của tổ chức PKK có mặt trong khu vực bắc Irak.

*Biến-cố thứ hai xảy ra ngày hôm sau, 04.10.2015. Một phi-cơ Mig-29 'không xác-nhận căn-cước được' đã quấy nhiễu hai phi-cơ F-16 của Thổ trong vòng 05 phút 40 giây, phi-cơ này đã định hướng radar về phiá hai phi-cơ của Thổ.Được biết hai phi-cơ này thuộc nhóm 10 phi-cơ đang bay thành đoàn trong không phận Thổ-nhĩ-kỳ!. Cho đến nay, chỉ có Syrie có phi-cơ loại này, về phiá Nga chưa thấy nói đến việc có dàn trải phi-cơ loại này ở Syrie hiện nay!

Trước các sự việc này, ngoại-trưởng Mỹ John Kerry đang công du ở Chili đã bày tỏ sự quan ngại, coi đây là điều đã được báo-động và đã có những cuộc nói chuyện với Nga để chắc chắn là không thể xảy ra các tranh chấp bất chợt.
Nga cho biết đã thực hiện các cuộc oanh-kích nhắm vào 9 mục tiêu của quân khủng-bố, phần chính là nhắm vào Front al-Nosra, nhánh al Qaïda của Syrie cũng như các nhóm phiến quân khác, vì trong vùng Nga oanh-kích sự hiện diện của Nhà Nước Hồi Giáo không đáng kể. Phát ngôn viên của điện Kremlin, Dmitri Peskov, nói rõ là cuộc oanh-tạc này nhằm 'hỗ-trợ quân-đội Syrie' chống lại 'các nhóm khủng bố', trong khi đó, bộ quốc-phòng Nga giải-thích việc can-thiệp này nhằm 'làm rối loạn hệ-thống chỉ-huy và làm hư hại hệ-thống tiếp-liệu của quân khủng-bố!

Việc đụng châm giữa phi-cơ Nga và phi cơ Thổ-nhĩ-kỳ cũng là mối lo ngại của OTAN. Tổ-chức này kêu gọi Nga phải ngưng ngay các cuộc tấn-công chống phe đối-lập ở Syrie và các thường dân và bày tỏ sự quan tâm về việc các cuộc oanh-tạc ở Hama, Homs và Idlib đã khiến có các nạn nhân dân sự và không nhắm vào Nhà Nước Hồi Giáo. Tổng thư ký của OTAN, Jens Stoltenberg trong ngày 04.10 đã tiếp ngoại-trưởng Thổ-nhĩ-kỳ Feridun Sinirlioglu, đã lên tiếng tố-cáo 'việc vi-phạm không thể chấp-nhận được của các phi-cơ Nga vào không-phận Thổ và nói rằng 'những hoạt-động của Nga không đóng góp vào an-ninh và ổn-định trong vùng' và đòi hỏi Nga phải có những biện-pháp cần-thiết để đi đúng với cộng-đồng quốc-tế trong nỗ lực chống Nhà Nước Hồi-Giáo.

Bộ quốc-phòng Nga ngày 05.10 thừa nhận một phi-cơ Su-30 SM xử dụng trong cuộc oanh-tạc quân khủng-bố ở Syrie đã vi- phạm không phận Thổ trong một khoảng thời gian ngắn 'do điều-kiện thời-tiết xấu'., nhưng nói không dính dáng gì đến việc một phi-cơ Mig-29 'không xác định căn-cước được' nhắm radar vào hai phi cơ F-16 của Thổ bởi lẽ Nga không có dàn trải phi-cơ này ở Syrie, theo lời tướng Igor Konachenkov, phát-ngôn-viên bộ quốc-phòng Nga.
Một biến-cố tương tự lại xảy ra vào ngày 05.10. Vẫn do một phi-cơ Mig-29 không xác-định được căn-cước. Phi-cơ này đã dùng radar 'bám vào' 8 phi cơ F-16 của Thổ trong một thời gian kéo dài 4 phút 30 giây. Nếu như Nga nói họ không dàn trải loại phi-cơ này ở Syrie thì hẳn đó là phi-cơ của Syrie vì Syrie có loại phi-cơ này!
Được biết từ một tháng qua, Thổ chủ trương lập vùng cấm bay dọc biên-giới Thổ và Syrie, điều này cũng có nghĩa là không có oanh-kích trong vùng biên giới Thổ-nhĩ-kỳ và Syrie, cũng có nghĩa đây là một khu an-toàn cho quân nổi dậy chống Bachar al-Assad, dù thuộc 'thành-phần ôn-hoà' hay quân khủng-bố hay quân thuộc Nhà Nước Hồi-Giáo. Dĩ nhiên lý lẽ đưa ra để biện minh cho việc này mang một tính-cách khác, đó là việc lập một vùng 'trái độn' dành cho người tị-nạn Syrie, theo lời tổng-thống Thổ, Tayep Recip Erdogan. Và ý-kiến này đã được chuyển đến chủ-tịch hội-đồng Âu-châu Donald Tush. Vế phiá Nga, Mikhail Bogdanov, thứ trưởng ngoại-giao, đã cho biết Nga bác bỏ ý-kiến này vì phải 'tôn-trọng chủ-quyền quốc-gia'. Việc phi-cơ Mig-29 'bám sát' radar vào phi-cơ F-16 của Thổ có thể diễn-dịch như coi chừng,chớ lọt vào không phận của chúng tôi với hiểm tai sẽ bị bắn hạ! Và không phải chỉ là việc cảnh cáo dành riêng cho Thổ!

Về phần Thổ-nhĩ-kỳ, thủ-tướng Ahmet Davutoglu cho biết sẽ ' kích-hoạt các qui-tắc ứng-chiến nếu không-phận của họ bị vi phạm', nói thêm là không-lực Thổ đã nhận lệnh ngăn chặn 'ngay cả một con chim'
Về phiá Pháp, lập trường cũng có đôi chút thay đổi, trước đây tổng-thống Hollande nói là phải tấn-công Daesh và chỉ tấn công Daesh mà thôi, nhưng nay ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius sử lại thành ' tấn-công Daesh và các nhóm bị coi như khủng bố, nói khác đi các nhóm đã có tên trong danh sách của Liên Hiệp Quốc, trong số này có Front al-Nosra!


Phi cơ F16 của Thổ-nhĩ-kỳ.
Trong các vidéos do bộ quốc-phòng Nga phổ biến về các chiến-dịch đang xảy ra ở Syrie, người ta ghi nhận việc các phi-cơ thi-hành sứ mạng trở về đều không có hiệu kỳ. Đối với Nga, hiệu kỳ này là một ngôi sao đỏ. Như thế, người ta có thể nói Nga không tham chiến ở Syrie bởi vì các phi-cơ không có hiệu-kỳ, không cho phép người ta xác nhận căn cước!



Phi-cơ Nga loại được đưa sang Syrie

Theo nghị-định-thư phụ đính của công-ước Genève ngày 12.08.1949 có việc cấm không được dùng hiệu-kỳ, quân-phục, biểu hiệu hay phù hiệu của phe đối phương trong các cuộc tấn công để dấu giếm,tạo thuận lợi, bảôvệ hay làm ngăn trở các cuộc hành quân; Ngoài ra, cũng không có việc dùng các dấu hiệu của các tổ chức y-tế, nhân đạo hay các chuyến bay thương mãi để thực hiện các chiến-dịch. Nhưng không thấy điều nào nói về hiệu-kỳ của phi cơ. Và dù cho phi-cơ của Nga không mang hiệu-kỳ, điều này cũng không phải là việc Nga muốn dấu diếm tung tích, Nga đã nói rõ việc họ đã dàn trải ở Syrie hơn 50 phi cơ và trực thăng, một lực lượng thủy quân lục chiến, nhảy dù và lực lượng đặc biệt. Mặc dù Nga không nói rõ các loại phi cơ có mặt ở Syrie, các nguồn tin tây phương cho biết Nga có ở Syrie 16 oanh-tạc-cơ ( 4 Su-34 Fullback và 12 Su-24 Fencer), 12 phi-cơ tấn-công Su-23 Frogfoot và 4 phi-cơ đa năng Su-30SM.
Ngoại trừ Su-34 chỉ có Nga mới có, các loại phi-cơ Su-25 hay Su-24 có trang bị cho Iran và Syrie. Nếu như những phi cơ này cũng không mang hiệu kỳ? Hiện thì Hoa-kỳ cảnh cáo Syrie không được lẫn lộn vào các hoạt động của các quân nổi dậy ở Syrie trong các cuộc hành quân chống Nhà Nước Hồi Giáo. Nhưng nếu các phi-cơ do Nga cung cấp đều không mang hiệu kỳ - dù là của Iran hay Syrie - vấn đề xác nhận căn cước các phi cơ sẽ là một vấn đề khó cho liên quân tây phương khi hoạt động trên không phận Syrie! Đối với Syrie, việc phi cơ Nga, Iran hay Syrie có hay không mang hiệu kỳ không thành vấn đề; vấn-đề là có sự đụng chạm giữa phi-cơ của liên-quân tây-phương và phi-cơ không mang hiệu-kỳ, lỡ đụng nhằm phi-cơ Nga thì phiền phức. Có lẽ cách tốt nhất là phân vùng oanh-tạc, liên quân tây-phương chống Daesh oanh-tạc phiá bên Irak còn phía Nga, Syrie, Iran oanh-tạc trong vùng lãnh-thổ Syrie. Nhưng điều này cũng hàm-ý việc tây-phương để mặc số-phận phe "chống đối ôn-hoà', trừ phi một thoả-hiệp chánh-trị đạt tới cho việc thành-lập một chánh-quyền chuyển tiếp!

Hiên, giữa Hoa Kỳ và Nga đang có những thảo luận giữa các giới chức quân-sự về việc phối-hợp hành-động trong việc chống Daesh để không gây trở ngại lẫn nhau.

Nhữ Đình Hùng / 07.10.2015

Nguồn:
http://www.opex360.com/2015/10/05/incidents-aeriens-en-turquie-lotan-denonce-comportement-irresponsable/
http://www.opex360.com/2015/10/05/deux-f-16-harceles-par-mig-29-non-identifie-ankara-hausse-le-ton/
http://www.opex360.com/2015/10/06/encore-incident-des-f-16-turcs-mig-29-non-identifie/
http://www.opex360.com/2015/10/05/deux-f-16-turcs-ont-intercepte-avion-de-combat-russe/
http://www.opex360.com/2015/10/02/syrie-des-avions-de-combat-russes-sans-cocardes/
http://fr.sputniknews.com/international/20151007/1018642791.html

 

Đăng ngày 19 tháng 10.2015