Print

Bạch thư Quốc phòng Trung Cộng năm 2013

Nhữ Đình Hùng -

 Cho đến gần đây, Trung Hoa chưa bao giờ cho biết các chi tiết về quân lực của họ. Nhưng vào ngày 16 tháng tư 2013 vừa qua, Bắc-Kinh đã cho công-bố bạch-thư về quốc-phòng với các chi tiết về quân số của các quân chủng  lục quân, hải quân, không quân, các trang bị.. 
 Mary-Françoise Renard
 Theo Mary-François Renard, một chuyên-gia về Trung Hoa và là Giám Đốc Viện Nghiên Cứu Về Kinh Tế Trung Hoa (IDREC) "đây là lần đầu tiên Trung Hoa công bố các dữ kiện số liệu khá chi tiết về quân số". Nghệ-thuật của Trung-Hoa là trình bày một cách trong suốt những gì họ không cần giữ kín : nhà cầm quyền không trình bày các mục tiêu thực sự hệ-thống quốc phòng của họ , những điều trình bày trong bạch thư chỉ là những điều phù hợp với mong muốn của chánh quyền muốn đưa ra cho trong nước và ngoài nước về hình ảnh của quân đội nhân dân Trung Hoa và  những điều mọi người đều đã biết! " Dẫu sao,Trung Hoa biết rất rõ là các cơ quan tình báo Mỹ hay Nga biết nhiều về khả năng quân sự của họ và việc nói dối về những số liệu hay dấu diếm chẳng giúp chi nhiều " theo xác nhận của Daniel Schaeffer với FRANCE 24.  Schaeffer là chuyên gia về Trung Hoa và là thành viên của nhóm  suy tư Asie 21..
 Daniel Schaeffer
 

 Như thế, việc công bố bạch thư của quốc phòng Trung Hoa  là một hành vi chánh trị nhiều hơn là việc công bố thực lực và nhiệm vụ của quân đội nhân dân Trung Hoa. Nhất là khi bạch thư không do bộ quốc phòng thực hiện mà lại do phòng báo chí của hội đồng Nhà Nước - tức chánh phủ - đưa ra!  Mary- Françoise Renard còn đưa ra nhận xét là bạch thư này đã được dịch toàn bộ ra tiếng Anh cho thấy việc nhắm phổ biến bạch thư quốc phòng Trung Hoa ra nước ngoài và ben ngoài điều gọi là trong suốt đó có chứa đựng mục tiêu tuyên truyền. Dĩ nhiên bạch thư không nói hết các mục tiêu cũng như trang bị của quân đội nhân dân giải phóng! 
 Sĩ quan không quân Trung Cộng diễn hành
 Về việc này, người ta có thể hiểu được. Học thuyết quân sự gối đầu giường cũa Trung Hoa vẫn là binh thư Tôn Tử trong đó vấn đề "hư hư, thực thực", "binh bất yếm trá" là điều thường xử dụng. Hơn thế, với những yếu kém về kỹ thuật của Trung Hoa, việc che dấu hay cho thấy khuyết điểm, yếu kém của quân đội nhân dân giải phóng Trung Hoa (APL) là một điều mang tính cách chiến-thuật nhằm phục vụ cho một mục tiêu vạch ra (như để biện minh cho nhu cầu tăng quân phí để hiện-đại-hoá quân đội  hoặc biện minh cho các võ khí nguyên tử của Trung Hoa chỉ có tính cách răn đe, mặt khác cho thấy tiềm năng quân sự  Trung Hoa nhằm tạo áp lực cho việc đòi hỏi chủ quyền Trung Hoa trong các vùng tranh chấp...)

Tuy vậy, bạch thư quốc-phòng lần thứ 8 của Trung Hoa  cũng đã cho thấy một số chi tiết như lực lượng bộ binh của quân đội giải phóng nhân dân (APL) lên tới 850.000 quân đồn trú trong bảy quân khu, ở mỗi quân khu có sự hiện diện của không quân mà tổng số lên tới 398.000 quân.  Ngoài ra, một lực lượng hải quân lên tới 235.000 quân được phân phối cho ba hạm đội Bắc, Đông và Nam Trung Hoa. (Với quân số này, Trung Hoa có số quân đông gấp bảy lần quân lực Pháp nhưng chỉ mới tròm trèm với Hoa Kỳ. Nhưng, trang bị có tối tân không lại là chuyện khác!).  Ngược lại, lực lượng pháo binh chỉ được thoáng qua, không cho biết các chi tiết về quân số cũng như căn cứ! Đây là lực lượng trung tâm của Trung Hoa gồm các đơn vị hoả tiễn chiến thuật ( hoả tiễn đạn đạo đối không, đối địa, đối hải) và hoả tiễn chiến lược (hoả tiễn liên lục địa mang đầu đạn thường hay đầu đạn nguyên tử) loại Dong Feng hay  Chang Jian. Đương nhiên, căn cứ, quân số và trang bị của đơn vị này được 'bảo mật' để đề phòng mọi tấn công và để dành ưu thế 'bất ngờ' nếu có xảy ra chiến tranh.
 
Vấn đề bảo vệ chủ quyền của Trung Hoa đương nhiên là nhiệm vụ của quân đội nhân dân giải phóng (APL) với việc xử dụng các lực lượng liên quân di động và các binh đoàn độc lập. Điều  suy diễn ở đây là 'chủ quyền'  như là được dùng để xác nhận cho các vùng đang có tranh chấp (Diaoyu, vùng tranh chấp Hoa và Nhật), vùng quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa ( tranh chấp Hoa và Việt ; Hoa và Phi luật Tân).  Việc nói đến lực lượng di động và độc lập cho thấy ý định tung các lực lượng ra ngoài lãnh thổ Trung Hoa!

 Các lực lượng di động này thực hiện được nhờ việc phát triển không-quân của lục-quân, các đơn vị cơ giới có thể không vận được, các lực lượng đặc biệt với các đơn vị nhỏ  có thể điều chỉnh quân số, có khả năng thi hành nhiều nhiệm vụ, có khả năng được không vận đi xa để làm các cuộc đột kích hay hành quân đặc biệt.
 
Ngoại trừ việc nói đến việc trang bị hoả tiễn di hành hay đạn đạo Dong Feng, bạch thư quốc phòng Trung Hoa không đề cập đến các trang bị khác, không nói đến ngân sách quốc phòng, chỉ nói đại khái đến việc tối tân hoá các trang bị...


 Hỏa tiễn  di hành của Trung Cộng

Sau khi nhấn mạnh đến các đe dọa như chủ nghĩa khủng bố,chủ nghĩa li khai, chủ nghĩa cực đoan -điều đã từng được nói tới trong các bạch thư quốc phòng trước - bạch thư quốc phòng lần này còn nói đến hiểm tai bất ổn nội bộ và các phong trào độc lập Tân Cương, Tây Tạng và Đài Loan và nhất là nhận dạng các đối thủ trên diễn trường Á Châu như Hoa Kỳ và Nhật Bản.  Hoa Kỳ và Nhật Bản đã bị cáo buộc là có những khiêu khích về quân-sự! Bạch thư quốc phòng Trung Hoa cho thấy quyết tâm đáp ứng trong trường hợp bị tấn công nhờ vào chiến lược 'phòng vệ tích cực' mặt khác tiếp tục xác  nhận Trung Hoa theo đuổi mục tiêu hoà bình!

Quân đội giải phóng nhân dân không phải chỉ để bảo vệ tổ quốc mà còn can thiệp vào những vấn đề duy trì ổn định nội bộ và hoà hợp xã hội, kể cả ở Hồng Kông và Macao, không những cấp quốc gia, vùng mà còn ở cả cấp quận! Nhiều công việc dân sự đã do quân đội đảm trách như trồng rừng, xây dựng hạ tầng cơ sở, vẽ bản đồ...
 
Bạch thư quốc phòng Trung Hoa lần 8 (2013) cũng đề cập tới những thao diễn quốc tế của QĐNDGP trong nỗ lực tối tân hoá và chuẩn bị cho chiến đấu nhưng nói rằng những cuộc diễn tập này không mang ý nghĩ thù nghịch đối với bất cứ ai, trong tinh thần hợp tác song phương và bình đẳng; kể từ 2002, QĐNDGP đã có 28 cuộc thao diễn, 34 cuộc thực tập và huấn luyện với 31 nước khác nhau trong mục tiêu thúc đẩy sự tối tân hoá các lực lượng, phát triển sự tin tưởng hổ tương, duy trì sự an ninh và ổn cố trong vùng.

Trung Hoa có những thao diễn chung với nhiều nước:
 
 - trên bộ với nhiều đề tài khác nhau như duy trì hoà bình, chống khủng bố, cứu trợ nhân đạo
 - trên biển với các đề tài cứu người, cất cánh và đáp trực thăng cùng lúc, thực tập tiếp tế nhiên liệu
 
 Các thao diễn trên bộ và trên biển được thực hiện với nhiều nước như Ấn Độ, Anh, Pháp, Thai Lan, Hoa Kỳ, Lỗ Ma Ni, Mong Cổ, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, Tân Tay Lan..
 
 - trên không, các thao diễn phần lớn với Pakistan vì nước này trang bị một phần không lực bằng phi cơ Trung Hoa, ngoài ra Trung Hoa còn thao diễn với Bielorussie và Venezuela. Việc Trung Hoa thao diễn không quân chung với ít nước có lẽ do sự trang bị kém của không lực Trung Hoa!
 
Từ năm 2005, Trung Hoa đã có những thao diễn chung với các nước thuộc tổ chức hợp tác Thượng Hải  và thao diễn với Nga nhưng khó có thể nói là có một liên minh quân-sự Nga Hoa!
 
 Mặc dù bạch thư quốc phòng Trung Hoa không nói hết các khả năng cũng như trang bị của qiân đội nhân dân giải phóng, các người 'quan-tâm' đến tình hình Trung Hoa cũng biết nước này đã bỏ 49 tỉ đô la đầu tư cho một dự án 20 năm về việc phát triển động cơ dành cho Xi'an Aero Engine. Ngoài ra, Trung Hoa cũng đang phát triển hoả tiễn chống chiến hạm DF-21 có tần bắn xa 1500 cây số, có khả năng bắn trúng một mục tiêu nhỏ cỡ một hàng không mẫu hạm! Ngoài ra, lực lượng nguyên tử của Trung Hoa cũng không được nói tới, điều khiến các nước láng giềng  e ngại; có những đồn đoán là lực lượng này vượt qua sự dự đoán của các chuyên gia tây phương.
 
 Vào năm 2012, Ngũ Giác Đài lượng định đệ nhị quân-đoàn pháo binh đã bố trí từ 50 đến 75 hoả tiễn liên lục địa (ICMB) và 89 đến 120 hoả tiễn tầm ngắn và tầm trung nhắm vào Đài Loan. Trong khi Nga và Mỹ có thoả hiệp để giới hạn vũ khí nguyên tử, Trung Hoa coi kho vũ khí nguyên tử của họ không thể chịu bất kỳ một hạn chế nào. Một nghiên-cứu Georgetown University năm 2011, theo J.B Cabestan, ước tính là Trung Hoa đã có 3000 vũ khí nguyên tử, được tồn trữ trong một hệ thống địa đạo kéo dài 4800 cây số. Ngoài ra, chưa chắc Trung Hoa đã tôn trọng không tấn công nguyên tử đầu tiên bởi vì theo nguồn tin của thông tấn xã Nhật Bản Kyodo, QĐNDGP dự trù giáng trả đòn nguyên tử đầu tiên  trong trường hợp bị tấn công bằng vũ khí qui ước vào các điểm chiến lược (đập nước, Trung tâm nguyên tử khu vực tồn trữ hoả tiễn...)
 Yao Yunzhu
 Trung Hoa, qua lời của Yao Yunzhu, giám đốc Trung tâm quan hệ quốc phòng Trung Hoa và Mỹ thuộc  viện khoa học quân sự, đã trấn an các nước bằng cách nhắc lại các tuyên bố chánh thức về việc tôn trọng không tấn công đầu tiên bằng nguyên tử  (tuyên bố ngày 27.03.2012 cuả Hu Jintao,chủ tịch nước Trung Hoa, tuyên bố của Pang Sen ngày 27.03.2013 trưởng phái đoàn Trung Hoa ở Hội nghị chuẩn bị việc xét lại thoả ước không phát triển nguyên tử) . Tuy nhiên, ông Yao thừa nhận việc này được giới truyền thông đề cập tới nhưng đỗ lỗi cho Hoa Kỳ đã chẳng những đã đưa ra một hệ thống chống hoả tiễn ở cao độ mà còn trang bị các chất nổ cổ điển có khả năng tấn công trực tiếp kho vũ khí chiến lược của QĐNDGP qua chỉ thị của Obama cho bộ tư lệnh chiến lược (strategic command)  "việc nghiên cứu các hệ thống địa đạo Trung Hoa có chứa vũ khí nguyên tử và sự khả dĩ vô hiệu hoá các vũ khí này bằng các phương tiện cổ điển". Trung Hoa nói rằng sẽ không tấn công các quốc gia không có võ khí nguyên tử và sẽ không phải là quốc gia đầu tiên xử dụng đến hoả lực nguyên tử.
 
 Một cách công khai, bạch thư quốc phòng Trung Hoa cho thấy thiện chí của Trung Hoa muốn đóng góp vào các chiến dịch nhân đạo hay duy trì hoà bình. Nhưng một cách kín đáo, đó là việc nói khéo cho Mỹ biết về phản ứng của Trung Hoa trước ý đồ của Mỹ muốn giữ vai trò hiến binh khu vực ở Á Châu! Không công khai nêu đích danh Mỹ, bạch thư quốc phòng Trung Hoa chỉ gợi ra : 'một số nước muốn tăng cường liên minh chiến lược trong vùng và gia tăng sự hiện diện quân sự của họ"

 Nhưng liệu rằng Trung Hoa có khả năng kình chống với Mỹ ? Theo Mary-Françoise Renard, Bắc Kinh đã đầu tư mạnh từ thập niên 80 để tân tiến hoá quân đội. Từ hai mươi năm qua, ngân sách quốc phòng gia tăng trên 10% mỗi năm.
 
Bạch thư quốc phòng đã được đưa ra ngay sau khi Xi Jinping làm chủ tịch nước, vào lúc tinh thần quốc gia Trung Hoa lên cao do việc đụng chạm với Nhật Bản, cho thấy vấn đề quốc-phòng là ưu tiên hàng đầu của Trung Hoa.
 Với bạch thư quốc phòng Trung Hoa, không cần phải do thám, người ta được biết các lực lượng Trung Hoa  là một trong những lực lượng quan trọng trên thế giới! 
 
 Nếu như lực lượng lục quân lên đến 850.000, nhiệm vụ phòng vệ lãnh thổ cũng như khả năng tấn công một quốc gia khác rất giới hạn. Những bài học của Nga, của Mỹ trong việc tấn công ở Afghanistan, của Mỹ ở Irak cho thấy việc xử dụng bộ binh để kiểm soát một nước khác không phải là điều dễ dàng và việc rút ra dù dưới chiêu bài hoà bình vẫn bị coi là một thất bại. Vì thế, lực lượng lục quân Trung Hoa đông đảo không phải là điều đe dọa được nước khác và cũng không phải là cốt để bảo vệ chống xâm lược mà thực sự là nhằm vào mục tiêu nội an!

 Còn lại là lực lượng không và hải quân. Hai lực lượng này  hiện nay chưa được phát triển để trở thành một đe dọa cho các nước trong vùng. Trung Hoa mới chỉ có  hàng không mẫu hạm 'Liao Ning' và cứ cho như số hàng không mẫu hạm sẽ được tăng lên trong những năm tới, trong bao lâu Trung Hoa có kể bắt kịp Hoa Kỳ? Trung Hoa muốn có mặt trong khu vực Thái Bình Dương và Ấn độ Dương, nhưng đâu là phản ứng của Hoa Kỳ và Ấn Độ?
 
Nhữ Đình Hùng/tổng hợp/23.07.2013
 
  • Nguồn:
 -http://french.peopledaily.com.cn/Chine/8237019.html
 -http://french.peopledaily.com.cn/8338213.html 
 -http://strategika51.wordpress.com/2013/04/25/la-chine-rend-public-un-livre-blanc-sur-ses-forces-armees/
 -http://www.questionchine.net/livre-blanc-sur-la-defense-entre-ambiguite-et-transparence