Cà phê muối

Phí Ngọc Hùng

Đất sinh cỏ già sinh tật, càng có tuổi càng đốc chứng không đâu, như nghe hơi nồi chõ chỗ này chỗ kia có cây Nhật lùn già cỗi, cái đĩa cổ tự trăm năm, là thế nào cũng lần mò tới săm soi, sờ mó. Sau đấy tính về ngủ cho béo mắt, nhưng người cứ thủng ra vật vờ với những thôi thúc, cuối cùng đành khuân cái của nợ ấy về giữ như giữ mả tổ cho chật nhà chật vườn. Đâu đó lại thêm cái bệnh cóc đòi leo thang mà các cụ gọi là cơm chúa múa tối ngày. Như thấy bằng hữu có cuộc tình nào lềnh bềnh nổi trôi một chút, cái đầu lại chộn rộn với buồn trông con nhện giăng tơ, để rồi ôm rơm rặm bụng với giấy trắng mực đen, quều quào đào xới dăm trang ao nghiên ruộng chữ cùng trường xưa bạn cũ để thành chuyện.
Để rồi, nhớ lại một khúc mươi hàng của bài viết mốc meo năm nào:
“…Sau ba mươi mấy năm, không hẹn mà gặp, thằng bạn học xưa cũ thuộc diện thâm căn cố cựu, nhẹ cánh phiêu bồng tạt qua Thạch trúc gia trang. Ngồi ngòai vườn, nhìn những chiếc lá vàng lác đác, u hòai với bóng câu qua song cửa, khui chai rượu tao ngộ để tửu lạc vong bần trong một ngày cuối đông đầy thê lương và ảm đạm. Bất chợt, thằng bạn đời trong cơn mê chiều, say bạn say tình. Mặt đỏ cay đỏ cợi, bốc nhằng cái điện thọai cầm tay ới người tình cũ như gọi đò sang sông qua men rượu và lè nhè…em tan trường về, đường nưa nho nhỏ mà chả quặc cựa được gì hết…Tôi hiểu rằng thằng này chuột quá, như định mệnh đã an bài, đã được đời cho đi vào quên lãng cho một cuộc tình không tên có…tên là tình buồn, tình chết.
Nhìn mái tóc bồng bềnh muối tiêu mà muối nhiều hơn tiêu của bạn bèn chợt cảm hòai tuổi trẻ bao lâu mà đầu bạc, trăm năm thân thế bóng tà dương và cũng để chợt động tình động não, hay là hãy đốt lò hương cũ qua vài ba trang giấy. Hãy thương vay khóc mướn cho chuyện tình của hai đứa mà một thời tôi đã có mặt. Chả phải dệt chuyện gì bởi lẽ người tình một thời của nó nom cũng ngọt nước lắm, chả bịa tạc tí nào chứ trông đẹp một cách…điêu đứng, người ngợm đầy…ứ hự. Ấy vậy mà sau đó mấy đêm, tôi vẫn nằm mơ thấy hồn ma bóng quế người tình một thưở của bạn mà vẫn chưa dám đụng bút tới. Kiểu hồn vía vẫn bay lượn đâu đó mà chưa thấy hình hài mà nhập vào, chắc phải đợi một “cơ duyên” nào đó…Cuối cùng tôi đành buông lơi vì thiếu cảm hứng, không có những rung động của người trong cuộc…”.
Chuyện là tất cả những gì đã qua, sau khi chui rúc trong cái đám mờ mịt của mảnh tình đầu, và...cũng là mảnh tình cuối đã thành tro bụi trong quá vãng của thằng bạn số ruồi. Thế nên tôi không có hứng thú trở về thăm lại nơi nơi chốn, cảnh cũng như người đã bỏ đi sau những mùa thu chết. Tôi chả thích cho mấy những vùng kỳ bí chưa từng nếm trải để được lôi cuốn, và nhắm mắt lao vào trong đó. Bởi thế tôi không thể viết những gì chưa hiểu rõ. Nói thật tình, tôi cũng chẳng biết cái vùng âm u ấy ra sao? Mà cớ sự gì phải ngụp lặn trong những chuyện tình ngập ngụa những u mê ám chướng, sao không tìm những cuộc tình dễ thở, dễ chịu và cũng dễ viết hơn?

***
Ừ thì chuyện là thế đấy, với già hay đái tật chẳng chừa cái tật mồ cha không khóc đi khóc cái tổ mới. Số là trong một ngày dài suông đuột, lớ quớ thế nào chả biết nữa, lại nghe như một thóang mây bay rằng thằng bạn cùng trường khác lớp với mươi năm tình dài ngoằng ngoãng. Thế là lại cứ táo tác cả lên như gà mở cửa mả, vì cả hai đều về một bến mơ, tận cùng là một cái đám cưới, hiểu theo nghĩa là một chuyện tình có thật. Để rồi lòng dạ lại óc ách những cảm hòai mênh mông, như mang nặng một thiên chức, trộm nghĩ rằng nên đắp chữ vá câu về một sự thể gì ấy để có một món quà tao ngộ cùng thằng bạn ngày nào năm ấy. Bạn nay đang ở cái tuổi lá vàng èo uột, rồi gặp ngày nắng vàng ngẩn ngơ giăng mắc ngòai vườn như người viết lúc này đây, ai đấy chợt bồi hồi một ngày tóc đã nhuộm mầu quan san, dăm mùa thu chết nữa là đến cái tuổi quy khứ lai từ với cỏ cây. Hoặc giả như bạn đang ngồi lấp lửng ở một thành phố hắt hiu nào đó, và ngẫm chuyện nhân sinh rằng khi già rồi, khi không quên đi mình đã từng một lần…nói dối, qua những ngày tháng còn lại lãng đãng chỉ là sương khói. Thế nên bạn đang cong lưng cắm đầu làm thơ có cái tựa đề Bài hành 60…
Mà ”nói dối” có dây mơ rễ gì đến bài hành. Nhưng ấy là chuyện sau, thưa bạn đọc.
Thế nhưng chuyện dây cà ra dây muống có gì để mà viết, vì yêu nhau, lấy nhau là hết chuyện. Mà không viết thì chân tay ngứa ngáy, làm như có cái gì vướng mắc, nào có khác gì hạt sạn nằm trong chiếc giầy. Nên đành cào cấu vay mượn qua thơ văn, nhón chỗ này, véo chỗ kia và cuối cùng cũng kéo dài được năm sáu trang giấy cứ nhoay nhoáy những chữ là chữ. Mà đã lỡ nghịch ngợm với chữ nghĩa, không ít thì nhiều, người viết chỉ mong mỏi một điều, rằng cứ cho là truyện tình này có hậu đi…Để mỗi người mỗi nhìn qua lăng kính khác nhau, đơn thuần chỉ là mẩu chuyện được nghe kể lại, quanh một ly cà phê, trong một ngày có nắng và sau đó là mưa.
Thêm một lần, để có một truyện ngắn….với “Chàng”“Nàng”
Thực tình người viết chúa ghét hai chữ “chàng”“nàng”, rằng chàng 20 trẻ trung, nàng 18 xuân tình. Thường thì cả hai hẹn hò rủ nhau sáng lên núi, chiều xuống biển để…”độc thọai”, ngập tư duy siêu hình, siêu thóat cứ như ông già năm mươi bất nhi hoặc, nghe nó chướng tai thế nào ấy. Tuy nhiên đây là chuyện kể để thành truyện viết, không ít thì nhiều là hư cấu, chẳng hẳn có nghĩa là không tưởng, hư hư thực thực, giữa mê và ngộ với có đấy và cũng không đấy…

***
Ừ thì trời không nắng cũng mưa…thôi thì đừng khó khăn với chính mình quá. Người đọc cũng như người viết, hay là cả hai hãy cùng nhìn ra ngòai, trời xanh, mây trắng, nắng vàng, chẳng ở biển hay núi mà đằng một góc phố có một chàng trai và một cô gái và tất cả xẩy ra tại một nơi chốn, không có bóng thời gian và không gian.
Và chuyện bắt đầu như thể như thế này đây:
“…Ở một ngã ba đường có một quán nước nhỏ, một quán nước như bất cứ quán nước nào trong thành phố. Quán vắng chiều hôm chỉ có mái vải bố từ bờ tường nhà nhô ra, vài ba cái bàn xô lệch và mấy cái ghế thấp tè, dễ hiểu hơn một chút là quán nghèo và buồn. Nơi đây, hàng ngày có một chàng trai ngồi uống cà phê không đường và trời đất dường như cũng một ngày như mọi ngày, như trên vẽ vời với…trời xanh, mây trắng, nắng vàng. Trời chợt nắng rồi chợt mưa, mới đầu ngỡ mưa bóng mây, chỉ nặng hạt trong giây lát. Nhưng chính trong những giây lát bất chợt đầy ngẫu sự này, đằng ngã ba đường, thường là khúc rẽ của định mệnh cho bất cứ ai, trong một quãng đời nào đó. Nào có khác gì truyện Bích câu kỳ ngộ với bức tranh Giáng Kiều đầy kỳ tích, bởi bỗng dưng có một cô gái vào trú mưa, với tháng bẩy mưa Ngâu, se ngọn chỉ hồng, và như định mạng đã an bài:
Những gịot mưa lất phất vô tình đẩy đưa cô gái ngồi gần với chàng trai.
Nếu có ai lơ đãng nhìn thóang qua sẽ thấy cô gái có một dáng dấp kín đáo, chàng trai thâm trầm ít nói giống một người câm, lúc nào cũng nhìn đâu đâu vào khỏang không…Thế đấy, thế nhưng trong đầu chàng trai đang vấn vương tà áo dài mầu hồng của cô gái, mầu hồng nhạt của những cánh hoa đào năm ấy còn chờ gió đông. Thường thì các cô hay đong đưa với áo nàng vàng, anh về yêu hoa cúc của miền Nam mưa nắng hai mùa. Để rồi với mầu áo, chàng trai đang lay lắt về một cô gái Bắc kỳ nho nhỏ, trong đám đông, giữa đám đông….rằng em có nhìn thấy anh không….
Và tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt nên không phải là mưa bóng mây, mà cũng chẳng phải là mưa rào, mà là mưa bụi lất phất…Như ở đâu, ở đâu xa lắm lạc về, với những hạt mưa nhẹ, thật nhẹ, bay bay theo gió mây và tạt vào quán nhỏ để thêm một lần đẩy đưa cô gái phải ngồi gần với chàng trai hơn. Mưa thì buồn, bầu trời ngòai kia thì mông lung, ở dưới cái bạt vải bố, cả hai cũng tư lự trong ắng lặng cũng khá lâu. Bất chợt chàng trai lững lờ hỏi với cô gái: “Tôi có thể mời cô một ly cà phê?”.
Giọng trầm và ấm và hình nhưng hơi nhanh, như cố gắng lắm mới diễn đạt hết được câu nói của mình. Cô gái lắc đầu. Chàng trai gọi thêm cho mình một ly cà phê, đây là lần đầu tiên trong ngày, chàng trai uống hai ly cà phê. Vì như khách qua đường đã thấy, đây cũng là những giây phút ban đầu, nên chàng trai cũng không quên gọi cho cô gái một ly nước chanh. Tại sao lại là ly nước chanh? Không ai biết, chẳng ai hay. Nhưng cũng có thể là âm hưởng của con đường Duy Tân, cây già bóng mát, và cả hai vẫn đang ẩn mình trong bóng mát của hoang vắng.
Mỗi người mỗi theo đuổi một ý nghĩ riêng tư…
Mặc dù đang mưa lạnh và gió lùa, nhưng chàng trai như Quang Dũng cuối năm trên đường đi Bố Hạ, tháng Chạp mùa cam lửa đốm vàngBởi cũng như bất cứ ai chẳng một lần tri giao quái ngã sầu đa mộng, thiên hạ hà nhân bất mộng trung, để nổi trôi thả hồn về đường lên biên giới…Và cũng không xa lắm, dưới thung lũng, tháng này chưa có hoa đào, mận mới nẩy lộc xinh xinh mầu hoa lý, trà chửa ra hoa, mộc chưa hé nụ. Nhưng hoa chẩu, sang đến giữa tháng này, nở rực cả một góc rừng và thỉnh thỏang có một cơn gió nhẹ, những cánh hoa chẩu trắng như tuyết bay lả tả, phủ một lớp mỏng trên thảm có xanh ẩm ướt và đâu đây, giữa lưng đèo nơi triền dốc, cũng có một quán nhỏ và lữ khách bên đường, đang dùng dằng nửa ở nửa đi…Như cô Bắc kỳ này đây:
Tiền nước trả em rồi nắng ấm
Đường xa choáng váng núi và mây
Hồn ai vấn vương vài sợi tóc
Tôi thương mà em đâu có hay
(Quang Dũng)

***
Cô gái cùng những giây phút trống trải, cũng vẩn vơ một thóang trong ngày:
Chuyện là trước khi đi ngang qua đây, cô cũng vừa đi qua một căn nhà sân rêu tường mốc có khu vường nhỏ gần như hoang phế, chơ vơ chỉ có một tảng đá thô. Cô nghĩ chủ nhà đã nước non ngàn dặm ra đi, chuyện đổi thay, vượt biên, vượt biển, vượt lên những biến dịch vô thường qua hòn đá ở lại, để rồi cứ ám ảnh cô mãi…Cô lại lẫn đẫn đến mảnh vườn thiền vuông vức của người Nhật, thiếu vắng mầu xanh của cỏ cây hoa lá, mà chỉ trải sỏi tòan một mầu trắng mênh mang, cùng những gợn sóng như “sóng biển” và giữa là một hòn đá cô tịch, biểu tượng cho trầm luân. Cô đắm chìm trong khỏang vườn tĩnh lặng ấy, để đi tìm bản ngã của chính mình, để rồi cô mường tượng, hòn đá nhập thế như hệ lụy, giữa “biển sỏi”, để rồi cô tự hỏi, đâu là bến giác…? Để chẳng một ai, trừ cô, đang hình tượng đến hòn đá hóa thân trong hư không, đắm mình với cơn mưa trong cơn mê chiều, như ngày hôm nay, cùng mê với ngộ:
Thà như giọt mưa
Vỡ trên tượng đá
Thà như giọt mưa
Khô trên tượng đá
Có còn hơn không
(Nguyễn Tất Nhiên)

***
Mãi đến lúc bác chủ quán mang nước uống ra, chàng trai lơ đãng nhìn quanh quẩn trên cái bàn mộc và hình như có một cái gì đó thiếu vắng. Hiểu theo nghĩa là không có mặt và chẳng hiểu nghĩ sao chàng trai lùi xùi hỏi:
- Bác cho…chút muối.
Bác chủ quán ngạc nhiên vì biết chàng trai hàng ngày uống cà phê không đường, nhưng bác lẳng lặng không nói, vì đó là không phải là chuyện của bác vì bác cũng đang tất bật với hai, ba người khách mới đến....Riêng cô gái, làm như không dằn được tò mò, chúm chím cười phá tan bầu không khí cô đọng:
- Anh uống cà phê với…muối?
Chàng trai hơi đỏ mặt, múc một thìa muối vừa khuấy vừa chậm rãi trả lời, giọng nói không được tự nhiên lắm:
- Khi tôi còn nhỏ, gia đình tôi sống ở ven biển…
Nhấp một ngụm cà phê, chàng trai thở ra. Như thở dài và kể lể:
- Từ những ngày ấy, buổi sáng cũng như buổi chiều, khi tôi chơi ở ngòai biển, tôi có thể cảm thấy vị mặn của nước, giống như cà phê cho muối vào vậy. Nên bây giờ mỗi khi tôi uống cà phê với muối, tôi lại nhớ tuổi thơ và nơi chốn xa xưa của mình.
Khẽ quậy tách cà phê, chàng trai miên man tiếp về những ngày tháng, nhưng bóng mát của cái tuổi ấu thời, như ngõ trúc trăng lên rong chơi hội hè, tiếng sáo diều lang thang theo nhau về biển…Cô gái lắng nghe và trong tâm tư cũng lan man, những người bạn trai cùng lớp đến với cô thường vu vơ về những chuyện trời trăng mây nước, thì riêng…“tượng đá” này lại lang thang về nơi mình đã sinh ra đời, nơi mình hiện hữu và vụn vặt gắn bó với làng trên chạ dưới trong hàng huyện cùng tình tự dân gian…

***
Và cô gái chợt ngoay ngoắt đến chuyện nhà, chuyện ông anh cả của cô, gà trống nuôi con cũng đã mấy năm nên chiều ý gia đình, đi xem mắt một người con gái, nghe nói cũng cùng làng cùng nước mãi tận đâu đâu. Rồi hai người gặp gỡ, đi lại bình thường và ông anh cô, như bắt đầu lại từ đầu với những bước chân dọ dẫm, cho đến một ngày…Ông anh cô tới nhà chơi, cũng vừa lúc hai cụ thân sinh của chị dâu cô đang to tiếng, lúc ấy hai người chưa lập gia đình. Người con gái mới quen ấy vào can gián hai bậc sinh thành và đằng sau cánh cửa khép hờ, ông anh cô chỉ nghe được đúng bốn chữ và không hơn: “Thôi mà, bố mẹ”. Sau này, anh cô kể lại, người con gái nói năng hiền lành như thóc với khoai và với chỉ bốn tiếng ấy không thôi, ấm, nhẹ, và cam chịu, tiếp đến là đám cưới. Chỉ vì một câu nói đầy luyến lưu tha thiết. Lúc này ông anh cô đang có một mái ấm gia đình, bình dị và ấm êm với mộng bình thường, bằng lòng và an phận với những gì mình đang có, tất cả chỉ có vậy và không hơn.
Để rồi…Ai chẳng một lần với…mộng và mơ.
Cô gái hơi nhíu mày như tìm kiếm…vì hình như vang vọng đâu đây, có âm hưởng cũng thiết tha và luyến lưu, nhẹ và ấm…
Bỗng chàng trai lại hỏi cô:
- Có bao giờ cô nghĩ…
Ngần ngừ trong giây lát, như cố gắng bầy tỏ:
- Một ngày nào đó, cô đi hết biển…
Cô gái chơi vơi trông thấy, vì chẳng bao giờ cô nghĩ như vậy cả, và cũng không hiểu tại sao…“tượng đá” này lại hỏi óai oăm như thế, và cô mím môi khẽ lắc đầu. Chàng trai trả lời như trong khoảng không, giọng nói quyện vào nhau, như cơn gíó thỏang:
- Nếu đi…và đi mãi…, vượt qua biển mênh mông, cùng đất liền bát ngát, và đi nữa thì cuối cùng lại trở về quê mình, làng mình, cô ạ.
Cô gái như chóng mặt, ngất ngây như vướng mắc trong vòng tục lụy. Cô lại đong đưa, mới bước vào quán đây, cô mang theo mảnh vườn thiền cùng “biển sỏi” và chẳng biết đâu là “bến giác”, thì lúc này, “tượng đá” lại đưa cô ra biển…Đi và đi mãi, cuối cùng thì ngừng chân lại quê nhà. Chỉ có sự khác biệt là, cái vườn thiền trong tâm tư của cô thì nhỏ bé, trong tầm tay, vùng biển của “tượng đá” thì viễn mơ hơn, xa vời hơn. Để cô hình dung thấy có một điều khác lạ là, sáng này đi qua căn nhà hoang vắng, cô nhớ mông lung hòn đá ấy, thóang như có nhửng lớp rêu phong xanh ẩm ướt, ẩn hiện chỗ đậm chỗ nhạt như một bức tranh ấn tượng. Trong cô, đang có cảm nhận về cái đẹp của một hình tượng, mặc dù chưa rõ nét, qua một hòn đá đơn độc, hoang dã trong một buổi chiều ngập hoang lạnh trong nắng hanh.
Cả hai đều nhìn về một khỏang không, gần hay xa, khỏang cách không hơn một gang tay, cô gái thu hẹp, thật gần, qua…một hòn đá. Còn chàng trai lãng đãng để người phiêu lãng quên mình lãng du về một làng quê hẻo lánh, có tiếng võng kẽo kẹt giữa trưa hè, cùng tiếng ru con ạ ơi qua những điệu ca dao mộc mạc, bình dị và êm ả trong u tịch. Và xa vắng hơn một chút nữa trong một ngày tàn, qua lũy tre làng, qua những cánh đồng chiêm ngai ngái mùi mạ non, mơn mởn và dung dị như những cô gái đất Bắc. Tất cả như bàng bạc ngủ yên trong tâm khảm, từ đời này qua đời khác. Nhưng bỗng dưng, chiều nay, như người về tự trăm năm với nghìn năm mây bay qua hỡi cô tát nước bên đàng, sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi. Rồi chợt tỉnh cơn mê trần, không hẹn mà gặp, để cùng cảm nhận trong một khỏanh khắc, gió mưa là bệnh của trời, đường mưa ướt đấtngười ơi, người ở đừng vềvà ngòai kia, như vẫn còn mưa rơi.
Chàng trai chợt bắt gặp cô gái cầm ly nước chanh và nhấp từng ngụm nhỏ.
Và cô gái thóang nhẹ nhăn mặt…như một cơn gió thỏang.
Để rồi chỉ có một mình chàng trai thầm hiểu…trong câm lặng.

***
Sau đấy hai người quen nhau, yêu nhau, bình thường như ăn với ngủ, lâu lâu họ cũng trở về quán cũ trong những ngày có mây u ám nón lá áo tơi ra quán chợ , trơ vơ trên bến nước sông đầy cùng ôn lại những ngày mưa gió cũ qua ly cà phê muối. Thỉnh thỏang chàng cũng sầu nghiêng mái quán mưa tong tả (thơ Nguyễn Bính) qua ngấn mắt ăm ẵm ướt, qua ly nước chanh đường của người tình chợt nắng lại chợt mưa. Nhưng bây giờ không còn là “chàng trai” lặng lờ nữa, quán vắng bên đường, những giây phút sụt sùi, ngắn dài, đã soi mòn chàng trai thành…“gã”.
Gã bắt đầu làm thơ, thơ gã tong tả theo con đường tình ta đi, cùng nước mắt của người tình như những hạt mưa trên đá. Với gã, thơ và tình yêu như sống và thở, không ngừng nghỉ, không biết bắt đầu từ đâu và ngừng lại ở chỗ nào..
Giống như chuyện của cụ bạn của ông cụ gã vậy…

***
Cụ một thời là tri huyện xưa, một tay chơi thanh lịch của đất Hà Thành, ăn đình ngủ quán ở Ngà Tư Sở, bởi ăn chơi bốc giời nên cũng tom chát như ai. Vào Nam cụ ăn dầm ở dề vòm Tư Cao trong hẻm Trương Minh Ký để…”bắn khỉ”. Bởi bẩy mươi chưa già chớ khoe rằng trọn vì cụ không biết làm thơ, năm ấy, sau 75, cụ nghe qua đài giọng ngâm của một ngâm sĩ Bắc Hà thời danh bấy giờ, tên Kim Dung, và sau đó cụ mê mẩn người kỹ nữ này lúc nào không hay. Cô còn có thêm một tiểt mục là: Con tằm nhả tơ phải có người quay tơ, vì vậy cô ngâm thơ cho thi nhân mặc khách với một chút thù lao nho nhỏ để làm duyên. Cụ làm thơ để được nghe giọng ngâm trong ban Tao Đàn, như ru hồn cụ vào lòng người, lại là người của đất ngàn năm văn vật, quê nhà một thời của cụ ngày nào ai ra bến nước trông về Bắc, chỉ thấy mây trôi, chẳng thấy làng.
Thơ cụ dầy theo năm tháng, một lần trong bữa cơm gia đình, gã đọc thơ cụ, và cụ như người mộng du để chẳng nhớ đó là chữ nghĩa của chính mình. Vì cụ còn đang hòa nhập với “Tình Già” cùng cụ Phan Khôi: “Thương được chừng nào hay chừng nấy, chẳng qua ông trời bắt đôi ta phải vậy…Ôi ! Đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng, mà lấy nhau hẳn là không đặng”. Chưa hết, nhà thanh bần gần như trống trải, một lần, cụ phải bán bức tranh quý của Nguyễn Gia Trí, bạn cụ, để có tiền duyên nợ với nàng thơ, người tình cuối đời, một chuyến đò nên duyên qua làn sóng của đài phát thanh bên kia là núi bên này là sông, mỗi chiều mây trắng giăng giăng cuối phố.
Bởi cái đẹp của tục vật và cái hương của đời, để rồi một chiều cuối năm, cụ về Bắc, cụ chẳng về thăm quê cha đất tổ mà cụ mò mẫm tới căn nhà gần làng Ngọc Hà. Theo cụ kể lại thì từ cái lúc trời đất vẫn chưa đỏ đèn, đứng dưới gốc cây gạo, thân già vác dùi nặng, tay cụ khư khư ôm lọ nước hoa Channel no.5 còn rơi rớt lại của cô con gái. Chán rồi cụ thả rong bước một, đi qua đi lại cái cổng mà đằng sau là mận hỏi thì đào xin thưa, vườn hồng rộng mở nhưng chưa ai vào... Nhưng cụ chừa dám vào vì cứ ngần ngừ và băn khoăn mãi, lý do dễ hiểu là…”mận” nay đã khọm, đã cũ kỹ như một món đồ cổ. Thế nên cụ đã lỡ úp mở, dối già với tuổi cụ đâu đó mới khỏang nhi bất hoặc. Cuối cùng thì cụ cũng đành kéo chuông “kính coong”, đằng nào cũng một lần và vội vã tú hụ rằng: Thằng con hẻo mọn tôi, có món quà gửi cô”. Và cũng vội vàng rời Hà Nội ngay sáng tinh sương hôm sau, cũng chẳng ít lâu thì cụ mất, trống vắng và buồn tênh.

***
Gã và cô gái, hai người yêu nhau cùng ngày rộng tháng dài, để rồi đằng sau một cuộc tình thì hai người lấy nhau cho hợp lẽ trời đất với sinh tồn, sinh con đẻ cái và không phải cứ lấy nhau là hết chuyện như trên đã đan lồng nhốt kiến. Vi câu chuyện có hậu không ngừng ở đây, vì mỗi sáng, một ngày như mọi ngày, vợ gã đều pha cà phê muối và gã đều cám ơn vợ gã vì đã pha ly cà phê thật đậm đà cùng những ngọt bùi, như chưa một lần trong đời. Mặc dù mỗi năm Nước mất nhà tan tứ tung thất tán với ba phương bốn hướng, với thế sự thăng trầm…Biển như gắn bó không rời với vợ chồng gã, một ngày tay bế tay bồng xuống thuyền, nhớ ngày nào, như mới đâu đây, bố mẹ gã gồng gánh giắt gã xuôi Nam theo vận nước nổi trôi. Và bây giờ đến lượt gã, dẫn vợ con, đi…đi mãi…về một nơi vô định, không phải quê mình, làng mình. Cuối cùng thì mệt mỏi ngừng chân ở một vùng đất tận miền Bắc Âu xa vời vợi, xa vắng như một ốc đảo và gia đình gã nhận nơi này là quê hương thứ hai, đất ấm tình nồng đâu không thấy, chỉ thấy quê ta xa mãi bên kia biển, chỉ thấy tơi bời mây trắng vương.
Lên non tuốt một bộ sào
Xuống thuyền Bá Vọng, qua ao Ngũ Hồ
Ai đưa ta đến chỗ này
Bên kia là núi, bên này là sông
Gã không tìm thấy quê nhà đâu cả. Mặc dù đã đi hết biển…

***
Cuối xuân sang hạ và hôm nay đánh dấu ngày gã oe oe chào đời, ra quán ngồi một mình. Trời đất loay hoay không có một chút nắng vàng, trên dưới chỉ một mầu xám chì như mùa thu đất Bắc, với nỗi buồn da diết khôn nguôi...
Từ lâu khép kín lòng u uẩn
Đâu ngờ dấu vết của tang thương
Đã hằn lên mặt người như thế
Mỗi nếp nhăn nheo một nhỡ nhàng
(Bài hành 60 - Cung Vĩnh Viễn)
Gã ngồi trong lắng đọng và lặng lờ với “Bài hành 60”, gã viết về phiên chợ chiều qua một vũng tang thương nước lộn trời. Với cái tuổi lục tuần nhi nhĩ thuận để chợt u hòai đến cụ bạn của ông cụ gã mỗi nếp nhăn nheo một nhỡ nhàng. Cụ đã bị dằn vặt, giằng co trong những buổi hòang hôn cuối đời, vì dối già nên đã không nói thật…
Và, như một thóang mây bay, gã cũng đã sáu mươi, tóc trắng da mồi cùng những day dứt từ lâu khép kín lòng u uẩn, gã lật qua trang giấy khác, lúi húi viết, không phải làm thơ, cũng không phải là viết thư trần tình, nghe lao xao, rệu rạo quá. Có lẽ, ý từ nên hiểu như một lời xưng tội, vì vô hình chung, xưng tội gần như đồng nghĩa với…tha thứ và cũng gần gũi với vợ gã hơn:

"Mùa xuân Skjetten, năm 2004
Gửi vợ yêu của anh,
Xin em tha thứ cho lời nói dối suốt đời của anh. Đó là lời nói dối duy nhất về cốc cà phê muối. Em có nhớ lần đầu tiên anh mời em ly chanh đường không? Anh định xin ít đường cho ly đá chanh của em, nhưng vì rối ren và bối rối nên anh gọi nhầm ra là…muối.
Và anh đã bắt gặp em thóang nhẹ nhăn mặt. Vì em đang uống ly nước chanh…không đường. Để anh bần thần trong câm lặng, bởi lẽ chỉ có một mình anh thầm hiểu…
Anh cũng quá lúng túng và không thay đổi được nên đành phải tiếp tục lấy muối cho vào cốc cà phê của anh và nghĩ ra câu chuyện tuổi thơ ở gần biển để được nói chuyện với em. Anh đã định nói thật với em rất nhiều lần, nhưng rồi anh sợ em giận và sẽ không tha thứ cho anh. Và anh tự hứa với chính mình, sẽ không bao giờ nói dối em một lời nào nữa, để chuộc lại lời nói dối ban đầu.
Bây giờ anh sáu mươi, mai này, một ngày nào đó anh sẽ đi thật xa, ở một nơi chốn vô cùng, nên anh đành nói sự thật với em: Anh không thích cà phê muối.
Nhưng mỗi sáng được uống cốc cà phê muối từ ngày lấy em, anh chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc vì mình đã phải uống cả.
Nếu anh có thể làm lại từ đầu, anh vẫn làm như thế, để có được em và anh sẽ uống cà phê muối suốt cả đời….
Chồng yêu của em"

***
Đã mấy ngày nay, ngày ấy mới làm quen với người tình chữ nghĩa, tôi thường ra quán cuối phố để tìm những giây phút yên sĩ phi lý thuần. Chiều nay viết xong bài viết này, ly cà phê cũng vừa mới hết, cảm thấy thống khoái để tự thưởng cho mình những giây phút nhân sinh quý thích chí. Quán vắng chiều hôm, dòm trên bàn thấy lọ muối.
Để có một chút lãng đãng phiêu bồng với sương khói, tôi gọi thêm một ly cà phê…
Thạch trúc gia trang
Đông tận, Giáp Thân 2004
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

*Nguồn :
Bài viết Cà Phê Muối nguyên bản trong tuyển tập truyện cực ngắn ngoại quốc với tựa đề “Những Mẩu Chuyện Sưu Tầm của Latdat”.



Đăng ngày 17 tháng 07.2016