Chuyện trong nhà ngoài vườn

Phí Ngọc Hùng

Bạn từ quê nhà sang chơi. Bạn già rồi, đã cũ kỹ trở thành cổ kính như món đồ`cổ, tôi cũng vậy, cũng đã “cóc cụ” như bạn già. Với bạn già quá cảnh qua đây mang cái tâm tư chẳng ăn cũng thiệt, chẳng chơi cũng già. Chơi đây là chơi…bia bọt trong cái tâm thái sĩ tử Văn Miếu của một thời văn học trăm năm bia đá cũng mòn, ngàn năm bia rượu vẫn còn trơ trơ. Vì vậy tôi mời bạn già qúa bộ ra…vườn trước nhòm ao sâu, sóng cả, khôn chài cá; vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà đã rồi…vào nhà sau để thấy đã bấy lâu nay bác tới nhà, trẻ thì đi vắng, chợ thời xa. Còn mục sắp đến sẽ là mục khách đến nhà chẳng gà thì gỏi thuộc về hậu sự.
Bạn quá đọa rằng từ ngày cáo lão về hưu có gì trái nắng trở trời chăng?
- Bạn già hỏi thì xin thưa rằng ngày trời tháng Bụt cũng căng óc nặn chữ vặn óc véo câu để dối già đấy. Thế nhưng đụng đầu với bà Phạm Thị Hoài dậy: “Nếu tôi đọc cái tựa đề hay ba bốn dòng đầu biêt tác giả viết gì. Tôi quẳng vào thùng rác”.
- Vậy chứ bác định viết gì?
- Chuyện chả có gì thưa bác Chuyện là tiện nội cứ nhành mồm ra rằng “Vợ chồng ăn ở với nhau hơn nửa đời người rồi mà không viết nổi một chuyện cho ra hồn sao?”.
- Hơ! Bà Phạm Thị Hoài nói vậy cũng đúng thôi, thưa bác. Chuyện này ối người đã viết rồi, chuyện nào cũng “Con gì càng già càng khó tính”. Trả lời ngon như óc chó :”Con vợ chứ con gì nữa”. Vì vậy bác có hành ngôn hành tỏi cách mấy thì chó nó đọc.
- Nhưng tôi không viết về tiện nội tôi.
- Hả! Nhà bác nói nghe hay chửa?
- Khổ lắm bác ạ, một lần con gái hỏi: “Chó khôn hay người khôn? Bố”. Tôi ú ớ chưa kịp trả lời cháu đã tiếp: “Con nói chó hiểu. Còn chó nói con không hiểu! Vậy thì chó không hơn người phải không bố”.
- Các cụ ta dậy cấm chả sai bao giờ: “Con hơn cha là nhà có phúc”. À mà chuyện bác viết sẩy ra ở đâu. Ở quê nhà hay ở đây.
- Chuyện chỉ loanh quanh từ trong nhà ra đến ngoài vườn thôi, thưa bác.
- Chuyện trong nhà ngoài vườn.
Rồi bạn già lẫn đẫn:
- Bà Phạm Thị Hoài đọc cái tựa đề khó hiểu một cách vưa phải bà ta chả hiểu gì sất.
Và tiếp:
- Chuyện trong nhà ngoài vườn có gì hay hớm chăng.
Cóc cụ tôi thưa rằng một ngày như mọi ngày, sáng tinh mơ, tay cà phê, tay thuốc lá cù rũ như con cò ốm đằng góc vườn ngồi trong bóng tối đợi nắng lên. Chiều đến, cũng ở chỗ ngồi thân quen này, tay điếu thuốc, tay ly rượu câm lặng như một chiếc bóng đợi thời gian tới. Một ngày như mọi ngày…Tiếp đến, với ngày này cũng như ngày khác…
Sau đấy, bạn già gật gừ chuyện ngoài vườn có bấy nhiêu thôi ư! Còn chiều đến thì sao? Sao trăng khỉ gì, vì còn mải nhòm “bà sề” săn sóc…Bạn già vặc sao gọi vợ bằng vào cái tên đồng bái quê mùa ấy! Bởi chồng gọi vợ là “con sề nhà tôi” đã đi vào quá vãng từ thời ông tằng bà tổ sau lũy tre làng. Cóc cụ tôi đùm đậu chả là vợ nhà quanh năm buôn bán ở mom sông, nuôi đủ đàn con với một chồng. Thế nên mới gọi vợ nhà cái tên nỗi riêng riêng cả đến tình chung ấy (Tú Xương). Bất giác bạn già bâng khuâng nhìn trời đất về chiều lặn lội thân cò khi quãng vắng, eo sèo mặt nước buổi đò đông (Tú Xương). Làm như rách giời rơi xuống và lậu bậu tiếp…trai thương vợ nắng quái chiều hôm. Bạn già được thể nói vãi thì lại nói vơ nắng quái chiều hôm là nắng cuối ngày, ám chỉ tuổi xế chiều của đời người. Các cụ ta xưa lo việc nông tang nên không có thì giờ gần gũi. Chỉ khi về già, sức tàn lực kiệt các cụ mới được nghỉ ngơi, chăm lo cho nhau.
Rồi bạn già đổng đểnh hỏi ắt hẳn cóc cụ tôi mải nom nhòm vợ nhà chăm lo ba món bắt mồi đưa cay chứ gì? Tôi được cái thật thà như đếm là tiện nội mang cơm thừa canh cặn nuôi…mèo hoang. Nghe vậy, bạn già buông tuồng vợ nhà đúng là chân tu, là tu chùa chẳng bằng tu nhà, ăn ở thật thà mới thật là tu. Chả lẽ cho bạn già hay biết dạo này tôi tu tỉnh rồi, mỗi ngày tôi tu…
Nhưng ấy là chuyện sau…nằm ở khúc kết. Vì cóc cụ tôi cứ ngỡ thơ Đường luật mới có “mở, thực, luận, kết”. Té ra làm văn xuôi cũng vậy thôi. Bởi “kết” mà chỉ đơn giản là “kết thúc” thì quá tầm thường. “Kết” làm sao để người đọc thấy “mở” ra một cái gì đó có chiều sâu hơn, như…mở chai Cognac chẳng hạn.

***
Chuyện ngoài vườn chỉ bấy nhiêu đó và không hơn, trộm nghĩ đến lúc mời bạn già thả bộ vào nhà. Vừa rót hai cối cognac đầy, vừa thề trước bóng đèn hột vịt…lộn với bạn già là tôi không thác loạn ngôn ngữ với “to be or not to be” nữa. Dễ hiểu là: có…”hiểu”, nhưng không có…”biết”. Vì biết nhiều chỉ tổ điên cái đầu. Bạn già gãi gãi đầu và nhe răng cười hoẻn rằng lại giở thói triết Đông, triết Tây hay thiền giả, thiền thật với không là có, có là không chứ lạ gì. Ừ thì bằng vào những người viết khác vay mượn câu nói của Socrate “Tôi chỉ biết một điều: Tôi không biết gì cả”. Hoặc giả ăn mày chữ nghĩa người Khổng Khâu qua Luận ngữ tri vi tri, bất tri vi bất tri, thị tri, nôm na với biết nói là biết, không biết nói là không biết, đó là biết. Từ những ngẫu hứng ấy, cóc cụ tôi thề độc với bạn già trèo lên cây ớt, rớt xuống bụi hành, ai chẳng lòng thành, hành đâm lủng ruột là tôi…biết chết liền. Và bạn già “hừm” một cái rõ to…nghe hết biết.
Nghe hết biết…thì tôi cho bạn già biết hết luôn. Vào đến trong nhà, cóc cụ tôi buông xả với bạn già rằng hãy đợi ngày mai, để tự hiểu rằng ngày mai sẽ là quá khứ của hôm nay. Vào cuối ngày tàn, lại lầm lũi đi vào căn nhà quen thuộc, để lại quá vãng ở sau lưng với cố hương nan khứ hậu nan quy. Thế là xong một ngày…Bạn già búng lưỡi lâm râm rằng chả biết quái gì cả. Mà chỉ biết nan khứ, nan quy gì mà nhì nhằng quá thể vậy! Nhào, ắt hẳn là hoài cổ, hoài đồng vọng nữa đây? Bèn hết dạ đến thưa với bạn già, là không ngoài đi loanh quanh trong nhà như đèn cù, mà phải bước từng bước một để níu kéo thời gian đừng cho ngày tháng qua mau. Chả vô tri bất mộ quá lắm, đâu đó lặng lờ ngắm ba cái bát điếu, tẩu thuốc phiện ấy mà, thì…thì va vào mắt có…
Có con chuột đang nằm chết ngay cu đơ giữa nhà.
Vừa ngắm món đồ cổ, bạn già vừa làu nhàu làm gì mà hoắng lên vậy. Bạn già bảo sao? Lấy cái hốt rác hốt con chuột vào thùng rác ấy à? Dạ! Nhưng cũng xin thưa với bạn già về cơ ngơi thổ quán của tôi trước đã. Chuyện là một trăm năm trước, một trăm năm sau nữa quê hương thứ hai tôi đang tạm cư đây là…cánh đồng chuột. Và chuyện cố hương nan khứ hậu nan quy như cụ cố ngỗng, cụ cố bướm ở phương bắc, cứ đến mùa đông chúng di dân về phương nam. Mấy thế hệ sau, lũ cháu chắt lại nhắm mắt bay về cố hương như đàn cá hồi vậy. Nào khác gì bạn già từ miền đất lạnh tình nồng xuống đây sưởi ấm dăm bữa nửa tháng. Chuột đây cũng thế, mùa đông chúng “ri cư” vào nhà tôi, thành thử mới có truyện Đêm tan nguyệt tận, gặp ngày bị bếnh già nó hỏi thăm:
“…Đúng là giời đi vắng, thật là quá quắt lắm rồi, giời ạ, ai đời chình ình giữa nhà hai vợ chồng thằng chuột chẳng mời mà rủ nhau tới…thăm lão. Không chủ không khách, chẳng đứng chẳng ngồi: Mụ vợ thản nhiên nằm ngửa tênh hênh lên trời, bốn chân ôm sát sạt quả trứng gà to hơn cả người ả, che cả cái bụng, chỉ lòi cái mõm tí tẹo và hai con mắt trong veo. Còn thằng chồng, mõm ngậm đuôi vợ, cong lưng vừa lùi vừa hì hục kéo. Đúng lúc lão vừa ngả lưng nên gây tiếng động, thằng chồng ngừng lại nghe ngóng thăm chừng. Cái mõm với mấy sợi râu ngắn cũn cỡn rung rung, mắt nhìn lão lơ láo như thể muốn hỏi han, nhưng mặt mũi thì vẫn tỉnh queo. Còn ả vợ vẫn nằm kềnh ra đấy, làm như không phải chuyện của ả và vẫn khư khư ôm quả trứng của lão…”.
Ừ thì hãy trở lại với con chuột nằm chết giữa nhà. Như bạn già dậy khôn, thế là cóc cụ tôi lấy cái chổi lùa xác con chuột vào cái hốt rác thì…thì nó vùng dậy chạy mất tiêu. Ha! con chuột nó giả chết để lừa cóc cụ tôi, thưa bạn già. Đang nặn óc nghĩ không ra ông thiên nào chỉ đường cho hươu chạy đây, vừa lúc “bà sề nhà tôi”…Hơ! Xin lỗi nói lộn, tiện nội tôi đi ra và ba điều bốn chuyện rằng thấy con chuột con mới sinh lạc bầy trong nhà chứa xe. Tiện nội tôi cho nó uống sữa, sau nó hóa thân thành con chuột nhắt. Cơm niêu nước lọ mấy cữ, nó tú hụ bằng ngón chân cái mò vào thăm thú gia cang nhà tôi. Ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối với bạn già thì chuyện là thế đấy, như thế đó.
Ăn như cũ, ngủ như xưa thấy cũng nên mời bạn già ra trước cửa nhà để hồi nhớ lại một vũng tang thương nước lộn trời năm xưa. Số là khâm mươi niên trước gặp lúc khó khăn, chó hoang chạy rong ngoài đường năm, sáu con…Bạn già cười hun hút là “sự cố” này ở quê nhà khí hiếm đấy. Vì chó nhà, chó vườn còn bị thòng lọng quấn cổ mang lên xe đưa tới quán cầy tơ, cờ tây với lá mơ, củ riềng nữa là. Dạ! Thưa ấy là chuyện láng riềng, láng tỏi ở bên nhà, còn chuyện ở nhà tôi với một câu nói ngay bằng ăn chay cả tháng. Nói cho ngay, tiện nội tôi hết mang cơm thừa canh cặn nuôi báo cô lũ mèo hoang sau vườn, nay lại hầu lũ chó hoang trước cửa nhà để thành chuyện…

Chuyện là một buổi cả nhà đang sơi cơm, tiện nội tôi đũa có đôi, nồi có rế rằng con chuột nhắt về với cánh đồng chuột rồi. Hôm nay tiện nội mới rước một con chó lạc bầy và đang giữ như giữ mả tổ ngoài nhà xe. Nói xa nói gần chẳng bằng nói thật: Thật ra tiện nội tôi muốn thay con chuột bằng…con chó. Nghe sự thể vậy, cóc cụ tôi cũng đành rằm cũng ừ, mười tư cũng gật chứ làm khỉ gì đây. Bạn già cười te…”cũng tốt thôi”. Tốt thế quái nào được bởi nhẽ ít lâu sau con chó bụng mang dạ chửa từ hồi nào không hay. Đến ngày dọn ổ, con xù nó nhè tủ quần áo của tôi làm nơi sinh bồn. Bạn già giọng bỉ thử, ra cái điều chuyện chả ra chuyện như chuyện chó nhai giẻ rách. Dào! Bạn già cứ nói thế, thế nhưng sau đó, tiện nội lôi ra cửa trước chỉ trỏ rõ mồn một là chả hiểu thằng chồng chó nào tha về để ngay trước cửa một tấm thảm chứ chả phải…giẻ rách để vợ nó làm ổ. Tôi vặn óc nghĩ không ra thằng chồng chó nào đây?
Ba bốn ngày sau xù mẹ sinh con đẻ cái, tiện nội tôi phải giúp nó bằng cách lấy kéo cắt từng bọc nước để lấy chỗ cho con nó chui ra. Tôi đang lom lom xem tiện nội tôi làm bà mụ cho bà đẻ bỗng nghe tiếng chó tru từng hồi dài ngoài cửa. Vội ra ngoài thì…thì: Bố mẹ ơi! Nói không ai tin! Chả phải thề cá trê chui ống mà thề chẻ rách đồng tiền là…là: Ngay trước mặt cóc cụ tôi lố nhố bầy chó hoang đang xúm xít, lao xao trước cửa nhà để chào đón con, cháu ra đời. Trong đó có một con: Chó đen giữ mực.
Hừm! Bạn già kêu um thiên địa lên cóc cụ tôi có biết chó đen giữ mực là giống giuộc gì chăng? Không để trả lời. Bạn già nhồi nhét rằng…rằng các cụ ta xưa vì chó đen dĩ nhiên màu lông phải đen để khỏi lẫn lộn với con chó khác. À ra thế! Bạn già đúng là hâm hấp, mà những ông hâm hâm đều rình rình có dịp là mang “cái tôi” vào chuyện qua nhiều dạng, hình thái khác nhau. Như thể trình diễn sự hiểu biết, hoặc biểu diễn chữ nghĩa chẳng hạn. Ngoài ra, nhằm vào giờ thư 25 này có ông còn chơi bạo, còn mang cả quá khứ vị lai ra khoe của nữa. Nói cho cùng, những ông già hay đái tật đây đông như ruồi, cóc cụ tôi gặp hàng ngày, kể không xuể đếm không hết. Thế nên học bạn già nói vãi thì lại nói vơ, tôi vơ bèo vạt tép nghĩa bóng của chó đen giữ mực là chuyện rành rành như canh nấu hẹ. Ý đồ tôi là con mực tới trước cửa thăm hỏi vợ con là có thật chứ chả bịa tạc gì. Thêm nữa, tiện nội tôi lại khuân đồ ăn thức uống dư thừa cho chúng nữa. Nhưng quái một nhẽ, chỉ có con chó đen giữ mực như chó lại chê cứt, vì nó không ăn. Nó cứ chồm chồm vào khung cửa sắt như muốn…vào thăm vợ con.
Đám con nó, cóc cụ tôi giữ lại con bốn chân có đốm trắng vì nghe các cụ dậy là khôn tổ sư. Nhưng chỉ tội một nỗi nó xấu gái, mặt như mặt Chư Bát Giái, mắt lợn luộc, nên tôi gọi nó là “Thằng Chí Phèo”. Tôi gọi Chi Phèo để hồi cố nhân một thằng bạn đời vì thằng này ma bùn, ma gà như nó. Bạn già cười khùng khục như chó gặm xương là không chỉ tôi đặt tên người cho chó. Vì trong tình ảo hôm nay ở Thăng Long nghìn năm văn vật, người ta yêu nhau hiện thực với Đặt tên anh cho chó như thế này đây:
Trên chiếc giường tây
Em cầm cây bút
Chấm chấm mút mút
Viết thư cho anh
Hỡi anh thân yêu
Từ ngày anh đi
Ở nhà vắng vẻ
Con chó nó đẻ
Được bốn đứa con
Mặt nó to tròn
Giống anh như đúc
Em lấy tên anh
Đặt tên cho chó
Mỗi lần gọi nó
Em nhớ đến anh
(Khuyết danh)
Thơ thẩn thẩn thơ, thẩn thẩn thơ thơ cho lắm, cũng phải trở lại xù mẹ với chồng con.
Sau đấy hai ba ngày, da thịt xù mẹ nóng hôi hổi, người mềm như cọng bún, và lả dần. Bế lên ghế, xù mẹ khi thở hồng hộc, lúc đứt quãng, lưỡi thè ra, mắt lạc thần nhìn vợ chồng tôi như van xin. Làm như gửi gấm nếu có mệnh hệ nào trông nom đàn con dùm. Đang bù đầu tóc rối, ngoài đường lại có tiếng chó tru, mở cửa đúng là chó đen quen ngõ: Vì đó là thằng chồng. Như hôm nảo hôm nào, nó đang chồm chồm vào mấy song sắt. Quay vào, vừa lúc bắt gặp xù mẹ với sức kiệt hơi tàn đang cố lăn mình xuống sàn nhà. Để mình rơi xuống sàn rồi, xù mẹ lê lết vào tủ quần áo cho đàn con bú. Sáng hôm sau, tiện nội tôi đưa ra phòng mạch thú y. Hóa ra xù mẹ cho con bú, mất “calcium”.
Ừ thì cũng nên đảo qua con mực một tí.
Chuyện cũng thường thôi, đôi khi đang ở trong nhà, cửa đóng then gài, nghe tiếng xù mẹ sủa ầm ĩ. Vì nhiều lần như vậy nên tôi biết ngay thằng chồng đến. Và lần nào cũng vậy, thằng chồng ở ngoài, con vợ ở trong, cách nhau là khung kính cửa sổ. Hai vợ chồng chồm lên nhìn nhau nào khác gì chồng thăm vợ qua song sắt…nhà tù.
Và chẳng quên cô con.
Ấy vậy mà các cụ ta xưa dậy cấm chả sai bao giờ với chó bốn chân có đốm trắng thì khôn, thảo nào xù con khôn như rái cá. Chả là tối tối: Cóc cụ tôi nằm dài trên ghế học đòi ông Khổng Khâu đọc sách thánh hiền cho mặt mày đỡ nhăn nhó khó coi. Như một thói quen, xù con nhẩy lên người cóc cụ tôi và lấy “tay” khều khều tay tôi đòi gãi. Thế là cô ả đê mê, mặt mày đờ đẫn hẳn ra. Một bữa, cô ả lăng quăng ở đâu không biết, xù mẹ mò lên ghế, đang vuốt ve xù mẹ thì cô ả đi tới trông thấy. Mặt mày cô ả buồn thấy rõ, lủi thủi về ổ nằm vì tủi thân. Tôi phải bế cô ả lên vuốt ve và thấy mắt cô ả nước mắt vòng quanh. Vì vậy tôi không ngạc nhiên với chuyện con bò…khóc!
Có mặt xù con thì chẳng thiếu vắng xù mẹ.
Cóc cụ tôi kể cho bạn già nghe một ngày đang ngồi ở nhà, đang bận bịu ngất ngư với “Ta nghiêng tai nghe lại cuộc đời…” chợt khám phá ra xù mẹ…đi hoang từ sáng đến giờ. Bạn già lụng bụng rằng sao ở nhà biết ma đau mắt. Bèn ớ ra vì…ma đau mắt hồi nào đâu có hay! Bạn già lại có dịp mang cái vốn chữ nghĩa dân gian của mình để góp chuyện rằng xưa nay nhiều người nói chuyện ma nhưng chưa thấy ma bao giờ. Ấy vậy mà có người ở nhà biết mà đau mắt vì cái tính… phét lác. Hơ! Nào dám khóac lác gì với bạn già, bởi nom nhòm vườn tược, vì cửa nẻo cũ nên cánh cửa hở bốn năm đốt ngón tay. Bèn bóp trán không hiểu nổi xù mẹ to bằng bắp vế người ta lại có thể chui ra được.
Mặt mày tôi tâng hẩng như chó bị mất dái. Bèn bộc bach với bạn già ngẫu sự ấy, bạn già vặn vẹo tôi tâng hẩng như chó bị mất dái là khỉ gì. Tôi thật thà ngay đơ là không biết, lâu lâu thấy thành ngữ hay hay nên nhồi nhét vào bài viết hú họa bạn đọc thế thôi. Bạn già bừng chửng chó bị thiến thì hiền, nhưng gặp chó cái vẫn nhẩy đực nhưng cụt hứng chạy về nhà, mặt ngơ ngẩn như vừa đánh mất một cái gì nên…tâng hẩng.
Chả rỗi hơi với bạn già chữ tác đánh chữ tộ, chữ ngộ đánh chữ quá nên cóc cụ tôi một thưa hai gửi rằng: Khi xưa nghe các cụ ta ví von chó tháng ba gà tháng bảy là ngon ăn như chó ăn trứng luộc, hoặc ngon như óc chó. Vì theo các cụ tháng ba là mùa động tình của chó, thảo nào dạo này tôi thấy xù mẹ cứ phởn phơ ra. Thế nhưng cua cáy vào mùa trăng tròn lại khác, chớ có dại mua về lai rai ba sợi, vì cua cái tóp hẳn đi: Vì chúng mải mê làm tình với nhau suốt đêm dưới trăng. Bạn già dấm dẳng như chó cắn ma rằng cua đực, cua cái gai góc đầy người, mai như mai rùa, như xe tăng bọc thép T54 thì động đực thế quái nào được. Bạn già ấm oái thêm cóc cụ tôi ăn càng cua nhưng chẳng thông hanh con cua có cái càng để làm khỉ mốc gi. Để bồi bổ kiến thức đóng hộp cho cóc cụ tôi, bạn già chỉ bảo cóc cụ tôi còn sống còn phải học. Chứ chả phải đợi đến bẩy mươi chưa què chớ khoe mình tốt. Bạn già được thể cắp nắp con cua, cũng như con tôm hùm dùng càng để moi…thịt ốc trong vỏ ra ăn. Và bạn già kết cấu đầu chày đít thớt ngay: Vậy thì cua cáy vào mùa trăng tròn, chớ có dại mua về lai rai ba sợi. Không phải chúng làm tình mà tóp lại. Mà vì mùa trăng, chúng không dám ra ngoài sợ bị bắt làm…cua rang muối. Chúng trốn trong hàng, nhịn đói, nên tóp đi là thế.
Gia dĩ bạn già là người chữ nghĩa đầy bụng chưa kịp chịu tiêu hóa nên vỡ bọng cứt như thế. Như mấy ông chữ nghĩa như trấu trát cứ để trong bụng nên óc ách, gặp bạn bè là xả, và giành nói cho bằng được. Nhiều khi bạn mới mở miệng, không cần biết bạn định nói gì? Bất kể mưa hay nắng họ nói trước cái đã. Họ chả cần biết người đối thoại muốn nghe hay không. Như ngay lúc này đây, cóc cụ tôi đang tâm viên ý mã chuyện người với chó, chó với chó thì bạn già lưỡi đá miệng chuyện…chó với người.
Ấy là chuyện con chó Hachiko mỗi buổi sáng đều ra nhà ga để tiễn chủ đi làm. Buổi chiều nó trở ra đón chủ ở cổng nhà ga và ngày nào cũng vậy. Một ngày chủ nó chết ở sở làm vì bệnh tim. Thời gian sau đó ròng rã chín năm trời, mỗi ngày không sót một ngày nào, sáng chiều con Hachiko đều có mặt ở nhà ga Thấy vậy, cư dân thành phố dựng tượng con Hachiko ở nhà ga: Ngày khánh thành, Hachiko cũng có mặt.
Đó là chưa kể mục ăn nói chả ăn nhậu khỉ gì với chuyện hai người đang…đàm trường viễn kiến nên cóc cụ tôi chả dại cưỡng từ đoạt lý với bạn già cho tổn thọ. Bởi nhẽ theo thiển ý cóc cụ tôi, mỗi con vật đều có một cái gì đó hơn…con người. Như kiến, chuồn chuồn, cóc nhái đều trên thông thiên văn, dưới thuộc lòng địa lý với nắng mưa. Như con người hì hục làm đồng hồ đục, đẽo con cu thò đầu ra kêu “cúc cù cu” để nghe giờ, con gà cứ đúng giờ là kêu toáng lên. Thêm với đời sống tâm linh với nhện sa, cú gọi thì con người chỉ có…từ chết đến bị thương. Nói dại chứ…chứ con người ta cứ thiên thượng địa hạ duy ngã độc tôn với sinh ra đời không là cây cỏ, loài vật mà là con người…Lại còn là cây sậy biết suy nghĩ thì quá đã. Cứ theo cóc cụ tôi thì…sai bét!
Hết chuyện con Đốm ở Trung Chánh, Bà Điểm đến con Hachiko tại nhà ga xe lửa Shibuya ở Tokyo. Với nhiễu sự trên, chuyện dưới đây cóc cụ tôi kể cho bạn già ở ngay trước cửa nhà với chuyện người và chó, chó dại từng mùa, ..người dại quanh năm:
Tôi đi tìm xù mẹ từ đầu đường cuối ngõ để mang về. Nói cho ngay cóc cụ tôi chả phải là người yêu chó. Ngắn gọn và dễ hiểu tôi là người…ăn thịt chó. Cóc cụ tôi đi tìm xù mẹ vì tiện nội, một phần vì eo sèo mặt nước buổi đò đông, một duyên hai nợ âu đành phận, năm nắng mười mưa dám quản công. Phần khác nữa vì mất con xù, tiện nội lại ỡm ờ cha mẹ thói đời ăn ở bạc, có chồng hờ hững cũng như không (Tú Xương). Thế nên ngay khi bắt gặp thằng chó, trông mà ngán ngẩm vì nó du côn, du kề sao ấy. Thấy tôi từ xa, xù mẹ bỏ thằng người tình, bò rạp xuống chậm chạp tới chân tôi, nằm bẹp xuống đất, mặt cúi xuống như mặc cảm phạm tội. Tôi ôm vào lòng thấy xù mẹ run rẩy vì sợ hay vì…sướng chả biết nữa. Tôi vừa ôm vừa vuốt ve xù mẹ vì những hưng phấn mà phải trốn nhà đi hoang. Như ai đấy, ít nhất hơn một lần trong đời để hồn đi hoang theo dòng nhạc để người phiêu lãng quên mình lãng du. Vì cóc cụ tôi hong hanh trộm nghĩ chó cũng có những đòi hỏi ấm ức như người, chỉ khác một nhẽ chó dại từng mùa, người dại quanh năm. Dại hơn nữa với chuyện mèo mả gà đồng của cái giống đàn ông như cái nơm, thấy cái hom chòm chọp úp xuống cầu may ấy mà thì ối ra cả đấy. Đại loại như thê bất như thiếp, thiếp bất như tì, tì bất như đạo, đạo như đạo bất đạoấy thôi.

***
Ít lầu sau…Tối khuya, thằng Chí Phèo mà gần đây tiện nội tôi đặt tên là xù con đến bên cạnh rên hử hử. Vẫn cái mửng cũ, lấy tay gãi gãi tay tiện nội tôi và lùi lũi đi vào phòng…Tiện nội sinh nghì đi theo, nhìn vào tủ quân áo thấy xù mẹ đang lâm bồn. Tối khuya hôm ấy tiện nội thức canh chừng, sáng hôm sau hí hửng mẹ tròn con vuông sáu mống. Trong mộng mị của một buổi sáng đầu ngày, cóc cụ tôi lại được thể…ta nghiêng tai nghe lại cuộc đời, chợt hãi hùng hoàng hôn chờ tới.
Sáng hôm ấy, xù con có mặt trong tủ quần áo, nó tiến tới trước mặt mẹ nó, chúi mũi vào cà cà mũi mẹ xù ra cái điều hỏi han. Như năm nào bố ghẻ nó hỏi thăm mẹ nó trước cửa nhà. Đồng thời xù con lù rù nhòm sáu nhô con đang nhắm tịt mắt, đang ngọ nguậy âm ỉ rên. Xù con ngó chăm chăm lũ em với con mắt lạ lẫm. Vì lũ nhô tì, nhỏ nhít này nào có khác gì mấy con chuột nhắt ở bếp tại phòng ngoài. Chiều đến, xù con ra ngoài phòng tha vào con ếch bằng vải, mà hàng ngày xù con vẫn chơi như trẻ con chơi búp bê. Xù con cho rằng tha con ếch vào tủ quần áo để lũ em nhai, nhá như mình vậy…
Cóc cụ tôi hiểu ra chuyện thằng chồng tha về cho con vợ tấm thảm hồi nào.
Nãy giờ quên tuốt không kể chuyện xù con bắt…chuột. Như mới hôm nào nó vớ được chú chuột con, vần cho một hồi cho ngắc ngư rồi tha ra giữa nhà cho tiện nội tôi có việc làm. Ấy thế mà hôm qua, nhằm vào cái ngày nhòm ngó mấy đứa em nhỏ nhít…Cứ theo tiện nội kể lại xù con bắt gặp con chuột nhắt tỉnh bơ chạy qua. Và làm như không nhìn thấy, xù con “tha tào”…Ha! Hay là tiện nội vun chuyện chăng?
Dám lắm ạ! Bởi đàn bà ngồi trong xó bếp chỉ thích luộc cả con trầu trong nồi. Như gần đây với con trê cũng tiếc con diếc cũng ham nên cứ ham hố sao tôi không mang chuyện nhà lên giấy trắng mực đen kể lể cho bạn đọc thưởng lãm. Nói sau lưng vợ nhà chứ…chứ mang chuyện nhà ra kể lể với bạn đọc thì thối thật. Ấy là chưa kể lẵng nhẵng với “vỡ bọng cứt”, với “chó chê cứt” thi còn thối hoăng hơn nữa. Thế nhưng nếu như có kể lể thì liệu oản đọc kinh… tôi muốn hoạ xà thiêm túc, nôm na là vẽ rắn thêm chân như ở khúc vào chuyện để góp nhặt sỏi đá, để cóc cụ tôi ngộ chứng ra chó cũng có Bụt tính như con người ta vậy. Hay nói khác đi, đồ tể buông dao cũng thành Bụt ấy thôi.
Hơ! Chả biết đúng hay sai? Vì sai hay đúng, với thiền chỉ cách nhau một sợi tóc.
Ừ thì bây giờ kể lể cho bạn già nghe. Ít nữa ăn khan nằm khàn viết cho bạn đọc để dối già…thì thế nào tiện nội tôi chả thêm thắt chuyện nhà bằng vào một lần tiện nội thấy xù mẹ cho con bú. Xong, chạy ra vườn đi tìm cái thú thứ nhất quận công, thứ nhì ỉa đồng. Tiện nội vào thăm lũ cún con và mặt ngay như cán thuổng vì dòm thấy trước khi ra vườn, xù mẹ đã kéo khăn đắp cho lũ con gọn gàng ngay ngắn như…người vậy.
Với tiện nội tôi, sau này trên giấy khô mực nẻ chữ nghĩa dày đặc như ruồi bu nên chẳng thể thiếu chuyện con giun nó đùn con dế, con dế nó bế con giun…Ấy là chuyện xù mẹ cho con bú, xù con bao giờ cũng có mặt, ngồi chồm hổm liếm liếm mấy đứa em như một người chị cả. Và còn hơn chị cả nữa, làm như với bản năng làm mẹ hay sao ấy, có lần xù con lôi một đứa em cho bú. Trong khi ấy, mặt mũi xù con quờ quạng trông thấy. Lần khác, xù con nằm dài người ra như xù mẹ và cho sáu đứa em bú cùng một lúc. Nhưng tất cả không lạ lẫm bằng vào bất cứ khi nào mẹ ra phòng ngoài để ăn uống, hay ra vườn đuổi ong bắt bướm thì ở trong này, xù con ôm mấy đứa em vào trong lòng làm như giỗ cho ngủ...Khi không bạn già lại bỉ thử nữa…Bạn già dở dom là chuyện xù chị cho lũ em bú nào khác gì tu hú đẻ nhờ, hoặc giả như gà nuôi con vịt.
Với bạn già thì già thì…già tóc già tai, già răng già lợi, đồ chơi không già để cóc cụ tôi chẳng quên ngẫu sự có hai anh già ngồi búng ghét đuổi ruồi với nhau ở ngoài vườn. Ngoài chuyện bạn già đây gia dĩ thiên thượng địa hạ duy ngã độc tôn. Hiểu theo nghĩa là bất kể nắng hay mưa, đều cho mình là…biết hết. Vì bạn già mang cái tâm thái dậy khỉ leo cây, nên đều cho người khác là…biết khỉ gì. Thế nên tôi không kể thêm những mẩu chuyện nhà với mấy con vật làm như không ít thì nhiều có những nét, những dạng giống con người ta. Mà cóc cụ tôi hỏi sư mược lược chuyện tác giả Dế mèn phiêu lưu ký đứng bên cạnh hòn non bộ quan sát anh khỉ già gãi đầu gãi tai ra sao, bắt chí bắt rận thế nào, Thế nhưng chuyện tu hú là cứ theo Nguyễn Tuân kể lại, Tô Hoài bỏ ra cả giờ không phải ngắm khỉ bắt chí bắt rận ra sao. mà là quan sát con khỉ đực thủ dâm. Ấy là giai thoại chữ nghĩa làng văn cóc cụ tôi mới đọc được của cụ Ngộ Không gần đây.
Bóp véo với chữ nghĩa, với triết lý củ khoai, cóc cụ tôi muốn lêu bêu với bạn già là cũng có những sự thể để kể thành chuyện đấy. Bởi chưa đâu vào đâu đang lễnh đễnh đến đây, tiện nội khẽo khọt cho hay có môt cún con vì giành bú với anh chị không được nên èo uột trông thấy. Bỏ giở bữa cơm, tiện nội tôi vừa ấp ủ cún con trong lòng vừa cho cún con ăn sữa bằng thìa nhỏ. Thấy cún con liếm láp được, nghĩ chẳng đến nỗi nào. Tôi đi ngủ. Nửa đêm tiện nội gọi dậy cho hay cún con không còn nữa. Tôi không biết nói gì hơn là làm thinh. Sáng hôm sau dậy trễ, nghe tiện nội chôn cún con ngoài vườn dưới gốc cây đu đủ. Ra vườn, thấy một nhúm đất mới vừa đào có một nén nhang. Tôi ngần ngừ một hồi lâu, rồi khẽ khàng đặt lên một viên gạch thẻ cho giống nấm mộ nhỏ. Nhìn nấm mộ trống vắng, tôi tìm một viên đá cuội để làm mộ bia…

***
Chuyện kể nếu như thành truyện viết thì đầu bài đã hong hanh ở trên. Còn thân bài, vừa lúc bạn già qua chơi. Thêm một lần tôi thật thà như đất thó là may nhờ bạn già thêm mắm thêm muối nên mới kéo dài được đến đây. Đến khi cún con chết, tôi thưa với bạn già, với kết cấu thì chuyện nhà đến đây là hết. Bạn già sắm nắm rằng chuyện trong nhà cũng chật chội như nêm cối đấy, còn chuyện ngoài vườn chả lẽ chỉ có vậy sao?
Thấy cóc cụ tôi im thin thít như thịt nấu đông, bạn già ư hử…
Sống ở dương gian đánh chén nhà
Chết về âm phủ cấp kè kè
Diêm vương phán hỏi rằng: chi đó?
Be!
Cóc cụ tôi thưa với bạn già đợi đốt điếu thuốc xong, tiện nội sẽ chăm bón ba món bắt mồi đưa cay đại thể như sống được miếng dồi chó, chết được bó vàng tâm, sống không ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ không có mà ăn. Nghe vậy, bạn già buông tuồng là tu chùa chẳng bằng tu nhà, ăn ở thật thà mới thật là tu. Cóc cụ tôi cứ ngay đơ cho bạn già hay biết, dạo này tôi cũng tu tỉnh rồi, mỗi ngày cóc cụ tôi tu…một, hai chai. Vì đồ tể buông dao thành Phật nên món mồi đưa cay hôm nay là…giả cầy. Bởi chưng như hồi nãy, ban già dậy “Con gì càng già càng khó tính”. Cóc cụ tôi đành thật thà như đếm thì còn ai trồng khoai đất này: “con sề nhà tôi” chứ ai. Bạn già ăn mòn bát vạt đũa thiên hạ rằng xưa thật là xưa, các cụ ta vào rừng bắt con cáo, con cầy làm…giả cầy thì có sao đâu. Bạn già mắt đảo tít như lạc rang thế nhà có riềng với lá mơ chăng.
Dào! Giống giuộc ấy vườn nhà thiếu giống.
Thạch trúc gia trang
Tháng giêng, Giáp Ngọ 2014
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 

Đăng ngày 19 tháng 10.2017