Những viên gạch lẻ trên hè phố

Phí Ngọc Hùng

Chớm nửa đời người tôi mới lụi cụi với cái thú chơi đồ cổ, rồi lung tung trống kèn từ cái ché, cái nậm được nhà Tây Sơn mang từ Thăng Long về Bình Định, đến đồ gốm Lý, Trần đào xới tại hoàng thành Thăng Long. Tiếp là những cổ vật được vớt từ các con tàu chìm ở Vũng Tàu, Cù Lao Chàm, từ đồ sành Bát Tràng thời Lê, đồ gốm Chu Đậu thời Nguyễn. Vô hình chung, một phần nào biểu tượng, biểu hiện một giai đoạn ngắn, dài nào đó trong sử sách.

Năm 1999, về lại Sài Gòn, tôi ngồi ở đường Lê Công Kiều…
Trong một khoảnh khắc hoà nhập vào trên dưới 300 năm Sài Gòn có mặt qua vỉa tầng văn hóa trầm tích khiến tôi như đi vào đất Thục. Trong ngõ nhỏ thâm u của ký ức, tôi muốn nhặt nhạnh Những những viên gạch lẻ trên hè phố qua trí nhớ hạn hẹp của mình hoặc vay mượn những bài viết của những người đi trước. Vì gần như có thể nói, tàng thư lịch sử miền Nam trải dài trên vỉa hè qua những món đồ cổ từ đầu đường đến cuối đường Lê Công Kiều. Ngồi ở quán bên đường, tôi cỏ hoa lạc lối với một người miền Nam qua Chuyện đời của phố, theo tác giả thì cụ Vương Hồng Sển và con đường Lê Công Kiều là cái gạch nối từ quá khứ đến hiện tại. Vì chưng theo tác giả, đường Lê Công Kiều vẫn là một trong những con phố đậm chất Sài Gòn nhất để nhớ về, cho những khách vãng lai ghé đến rồi đi, khi đã xa Sài Gòn.
Ấy vậy mà cái tên Sài Gòn như một huyền hoặc để cụ họ Vương lây dây với Thầy Ngôn từ cây bông gòn để có tên Sài Gòn. Trong khi sử nhà Nguyễn đã ghi chép: “Năm 1674 Thống suất Nguyễn Dương Lâm (…) phá vỡ Luỹ Sài Gòn>". Vào thời Lê-Trịnh, qua Phủ biên tạp lục (1776) cụ Lê Quý Đôn cũng đã giải thích tên Sài Gòn với chữ Hán và chữ Nôm rồi.

***
Thế nên tôi chỉ đi tìm những dấu vết của Sài Gòn qua những dấu tích đang mai một thuộc dạng “cóc cụ” với dăm viên gạch lẻ bóc lên từ vỉa hè. Vì thế tôi quay quả trờ về năm 54…
Gia đình tôi vào Nam trước hiệp định đình chiến mấy tháng. Để tìm họ hàng hang hốc, bà cụ và tôi leo lên chiếc taxi con cóc, chạy đôn chạy đáo hết trại Học sinh Di cư Phú Thọ, đến khu lều vải dựng trên nền đất Khám Lớn Sài Gòn cũ, tới nhà Hát Tây. Khi rày, gia đình tôi tạm trú tại trại gia binh có ông chú đóng “quan một” ở đây, trại gia binh. Đầu năm 1955, trại gia binh được sửa chữa để sinh viên Hà Nội làm nơi trọ học và đổi tên là Đại học xá Minh Mạng.
Nhóc tì tôi đi học có tên gọi là“Bắc kỳ ăn cá rô cây - Ăn nhằm lựu đạn chết cha Bắc kỳ”. Giờ ra chơi tôi quắn đầu với đá bào xanh đỏ mà người Nam gọi là đá…nhận, là đá bào...nhấn vào cái ly rồi đổ ra một cục. Trước khi lè lưỡi…liếm. Tôi đưa ông bán hàng giấy bạc một đồng hình Nam Phương hoàng hậu. Rồi đợi…Ông xé toạc làm hai, giữ một nửa, là 5 cắc của người Nam, đưa tôi một nửa, là 5 hào của người Bắc. Nếu ông giữ luôn là tiêu…bà Nam Phương.
Đến cái ly mà tiếng Bắc kỳ tôi gọi là cái cốc làm nhóc tì tôi láo quáo thêm, thì…
Thì bà cụ tôi chả hay hớm gì hơn nhóc tì tôi, thề trước đèn hột vịt lộn, đang đêm nghe tiếng rao hàng lanh lảnh: “Ai…vật lộn hôn”, bà cụ tôi nghe xanh máu mặt. Cụ cứ ngỡ trong Nam cũng có tẩm quất như ngoài Bắc, nhưng tẩm quất ngoài Hà Nội hì hục leo lên…lưng để bẻ…tai nghe “cóc cóc” như bẻ đốt ngón tay là hết đất (theo bà Phạm Thị Hoài trong truyện Ám thị với tẩm quất). Nhưng đây vừa…vật lộn vừa…hôn nên cả đêm bà cụ tôi hãi quá thể. Sáng hôm sau dò la mới ngã bổ chửng ra là: “Ai hột vịt lộn không”. Ấy vậy mà dàng dênh đến mấy năm sau tôi mới hiểu được tiếng rao hàng của người miền Nạm. Thảng như tiếng rao hàng giữa trưa hè nghe như tiếng ru con ngủ: “Ai ngủ hôn?” nên hiểu là: “Ai tàu hũ hôn” của chị bán…tàu hũ. Hoặc giả sế trưa về chiều có giọng đàn ông rao rất thao thiết: “Chưn đạp gai tét giò đây”, thì phải hiểu cho ra ngô ra khoai ấy là: “Bánh chưng, bánh đập, bánh gai, bánh tét, bánh giò đây”.
Sáng hôm sau nhóc tì tôi vào “chuồng xí” mới ớ ra chuồng xí Sài Gòn khác xa Hà Nội. Vì ở Hà Nội đổ thùng nên bên trong trống trơn ngoài hai cái bệ gạch, dưới là cái thùng phân. Còn ở đây trên đầu, gắn vào tường là cái gì ấy như cái nồi ba mươi, có giây xích nhỏ móc tòng teng như trêu ngươi. Bèn lấy tay giật một cái xem sao thì…Thì bố mẹ ơi, nó rống lên một tràng “ồm ồm” như bò rống. Nước chẳng biết ở đâu ào ra xối xả như vỡ đê…Thế là không kịp kéo quần, bung cửa chạy ra ngoài la toáng lên như cha chêt mẹ chết, thế là…“tịt” đi cầu mấy ngày.
Đi học, nhóc tì tôi thích nhất xem xi nê thùng…
Xi nê thùng là một cái thùng dài phía trên nhô lên một bộ phận gì đấy phủ vải đen kín mít. Cái thùng có ba cửa để dòm vào. Một dành cho ông xi nê dòm, hai cửa kia dành cho hai nhô con. Cái thùng chả khác gì cho mấy cái hòm, cái rương đựng quần áo nhưng hơi bự sự một chút. Khi ghé mắt vào thì giời ạ. Một thế giới sống động hiện ra trên màn hình nhỏ chỉ bằng hai bàn tay chập lại. Sự sống động càng tăng lên trong khi máy quay phim chạy…“tách tách” hoà lẫn tiếng “phụ đề Việt ngữ” giọng khào khào của ông xi nê: “Tắc Giăng đang đuổi cá sấu. Cá sấu giờ tức mình quay lại đuổi Tắc Giăng. Chạy nhanh. Chạy nhanh. Vậy là không đớp được chân Tắc Giăng rồi”. Nhóc tôi đang hồi hộp xem, có nhô con khác tới, ông đẩy vai ra: “Thằng này hết giờ rồi. Thằng kia vào đi”. Máy quay phim lại chạy…“tách tách” tiếp với: “Tắc Giăng bắt được cá sấu rồi. Bắt được rồi”...Thế là đi tướt vì nhóc tôi không xem được chữ…The End.
Ngày là lá tháng là mây, giã từ con đường Minh Mạng có tiếng rao đêm, dọn nhà về phố Trần Hưng Đạo có đường xe điện…Sáng chủ nhật tôi đạp xe đạp xuống trại di cư Tân Chí Linh ở ngã ba Ông Tạ theo bà bác dẫn đi nhà thờ để tin có Chúa ở trên giời. Giời ạ! Nói cho ngay, tôi không nhớ trại “ri cư” nằm ở hóc hẻm nào ở ngã ba Ông Tạ, mà chỉ nhớ mài mại đi vào trại có con lộ ngập ổ gà như con đường làng. Vào trong trại di cư là cả một khung trời cách biệt của người Bắc di cư Công giáo với áo chùng đen, chùm khăn mỏ quạ đen và…răng đen đi đi lại lại như…ma trong đêm Haloween. Khi rày ở Sài Gòn có hai trại di cư nghịt Bắc kỳ là trại di cư Xóm Mới và trại di cư ngã ba Ông Tạ. Nếu như trại di cư Xóm Mới ở Gò Vấp có thịt chó luộc gánh trong hai cái thúng. Thì trại di cư ngã ba Ông Tạ thịt chó treo nguyên con ở xe bán thịt chó và cái ao cá tra có dàn cầu tre để…đi cầu. Nhờ năng ngắm cá tra to bậm, tôi bòn mót được mối tình đầu với một cô Bắc kỳ nho nhỏ người ngợm nức nở như con cá trắm. (tên tuổi…người nức nở góp nhóp trong truyện tình: Đêm tàn nguyệt tận)

***
Năm ngoái, năm 2016 tôi lụm cụm hồi cố quận lần nữa và ghé thăm căn nhà cũ của vợ chồng tôi gần ngã ba Ông Tạ. Đến tuổi này tôi mới hay biết cái tên của địa danh: Trước năm 54 không lâu, nghe đồn ở ngã ba Tân Sơn Hoà có ông thương toạ chữa bệnh. Bảng hiệu ghi tên Trần Thái Đường, Đông y sĩ Thủ Toạ. “Thủ” ở đây nghĩa là xem mạch bằng…tay “Tọa” là …thượng toạ. Dân cư trong vùng gọi tắt là “Thủ tọa”, biến âm thành ông “Thủ Tạ”, và dần dần là…Ông Tạ. Sau đó ngã ba Tân Sơn Hoà được gọi là ngã ba Ông Tạ. Để chẳng quên con đường tình ta đi tới Xóm Mới để ăn thịt chó gánh rao ơi ới: “Ai…chó không”
Trên con đường tình ta đi, nhè ở cái tuổi thất thập cổ lai hy nên chẳng kiêng cử gì sất, để không thể không động mồ động mả đến đất địa linh nhân kiệt của…chị Tình. Ít ai biết nguồn cội giang sơn gấm vóc với cái tên ngã ba Chú Ía, huyễn sử cho là “ngã ba chó ỉa” mới là…chính sử. Với văn học sử, nhà văn Thanh Tâm Tuyền đã đưa chị Tình vào văn học vào thập niên 60 qua truyện ngắn “Tư”thì phải. Riêng đám học trò trung học tụi tôi ai chẳng dấu diếm chuyền tay nhau đọc dưới gầm bàn tập kinh thư Bảy đêm ngà ngọc. Từ tập cổ thư nay dắt díu nhau tới ngã ba Chú Ía để sau đó mặt xanh như đít nhái, miệng “một tiếng kêu cha, hai tiếng kêu…chú” rồi dẫn xác tới gặp danh sư “Hoa Đà” ở bệnh viện hoa liễu tên…bà Huyện Thanh Quan.
Lúc này tôi đã lớn bộn, đã ngồi chồm hổm như cóc nhẩy ở quán cóc trước cửa nhà, húp cà phê đĩa, móc túi 1 đồng 3 điếu Ruby nhả ra khói để ngẫm nguội phải chăng ngồi như cóc nhẩy nên gọi là…quán cóc chăng?. Và phải đợi đến tam toạng 3 đồng 4 điếu Ruby tôi bị Nam hóa hồi nào không hay. Vơi Bắc là “gầy”, Nam “ốm”, Bắc “ốm”, Nam kêu…“bịnh”. Mà bịnh ”thiệt”, nói theo người Nam, bộ quởn sao mang vào đây “thủ” là…quả đấm “tọa” là bàn tọa chả văn chương, văn học gì sất. Ấy là chưa kể theo Bình Nguyên Lộc chuyện ông Tạ chỉ là giai thoại.
Qua giai thoại, lại đang ở bờ mê bến lú bên Gia Định, nên tạt vào lăng Ông Bà Chiểu ngắm hai nấm mộ hình mai rùa mà theo nguồn nào đó là: Mộ của ông Lê Văn Duyệt và phu nhân. Thế nhưng dón chuyện thì ông ái nam ái nữ không lẽ Gia Long gả công chúa cho. Vì có hiềm khích với Minh Mạng, sau khi Lê Văn Khôi nổi loạn, mồ mả của ông Lê Văn Duyệt bị vua cho san bằng, xiềng lại bằng xích sắt, đánh trên mộ 100 roi, dựng bia khắc 8 chữ “Quyền yểm Lê Văn Duyệt phục pháp xử”, bởi “yểm” là hoạn quan (Thiệu Trị cho phá bỏ xiềng xích và đắp lại mộ). Mới đây đọc sách Gia Định xưa của ông Huỳnh Minh ghi chép: “Theo già làng, mộ chôn hình bằng sáp, còn mộ thật đưa về Tiền Giang, nơi ông sinh đẻ vì quê gốc ở Quảng Ngải. Vì vậy hai nấm mộ ở Gia Định là mộ gió, không có xác. Cư dân ở đây đọc trại là lăng Ông Bà Chiểu vì ở gần chợ Bà Chiểu”.

***
Từ Gia Định trở lại Sài Gòn thăm căn nhà cũ ở đường Trần Hưng Đạo.
Hồi nhớ lại những năm trung học đệ nhị cấp ngồi trên gác họ bài, nghe giọng hát liêu trai ma quái của Thanh Thúy giữa đêm khuya từ phòng trà Anh Vũ vọng qua.
Thời kháng chiến khoảng năm 1945, Kiến trúc sư Võ Đức Diên lập ban kịch lấy tên là Anh Vũ và tái lập năm 1955, tiếp tục theo đuổi hoạt động văn nghệ. Quán Anh Vũ là nơi gặp gỡ giới nghệ sĩ sáng tác và trình diễn. Quán Anh Vũ là phòng trà có bề ngang chừng 10 m, sâu khoảng 30 m, khoảng 400 chỗ ngồi và một ban nhạc. Quán được mở ra trước tết năm 1960, ban ngày, nơi đây là quán cơm. Mỗi bữa cơm chỉ có hai mức giá 5 đồng và 10 đồng. Quán mở đến 7 giờ tối, lúc nào cũng đông nghẹt khách. Buổi tối, phòng trà mở cửa. Ban đầu, ông Võ Đức Diên mời Phạm Duy về giới thiệu chương trình, còn nhạc sĩ Lê Thương (nhà ở ngay đường Bùi Viện) phụ trách sân khấu ca vũ kịch. Ngoài ra còn có hai vũ sư nổi tiếng Lưu Bình và Lưu Hồng. Lớp ca sĩ tiên phong của phòng trà này có Lệ Thanh, Thanh Thúy, Minh Hiếu. Quán còn được sự góp mặt thường xuyên của các ca sĩ như Bạch Yến, Mai Hương, Duy Trác, Cao Thái, v…v…Thanh Thúy trình diễn tác phẩm đầu tay “Ướt mi” của Trịnh Công Sơn. Năm 1962, Khánh Ly bắt đầu sự nghiệp ca hát tại phòng trà Anh Vũ lúc mới 18 tuổi.
Quán cơm Anh Vũ và phòng trà Anh Vũ chỉ còn trong tâm tưởng lớp người sống ở Sài Gòn một thời đã xa, những người lớp tuổi bảy mươi tám mươi. Họ hoài niệm nó, như trong một đoạn thơ không rõ tác giả: “Sài Gòn ta gởi cho em, quán Anh Vũ, phố đèn Tự Do….”.
Cửa sau nhà tôi thông qua đường Bùi Viện và Đề Thám.
Ừ thì hãy trở về lại cái tuổi nhô tì 12 tuổi, nhô tì tôi “dế mèn phiêu lưu ký” băng ngang qua căn nhà số 43 Bùi Viện, khi rày quán Anh Vũ chưa có. Đi dăm bước nữa là tới đường Đề Thám (còn gọi là ngã tư Quốc Tế). Sài Gòn nhiều phố không vỉa hè, như đường Đề Thám đây chẳng hạn: Vỉa hè rộng độ tám tấc, nhưng đã lì xuống bằng với mặt đường, ô tô tha hồ leo lên và người đi bộ lắm khi phải nhảy bổ vào nhà người ta la bải hải. Thành ra qua đường Đề Thám y xì như như qua cầu đoạn trường, lên lề thì đoạn tâm, còn xuống thì…đoạn cẳng.
Đang qua cầu đoạn trường, đậu vào mắt một bà đầu đội cái thúng to đùng. Hai tay bà vung vẩy theo nhịp địệu miệng rao, ai không hiểu…chết liền: ”Ai…vật lộn hôn”. Lát sau ông bán bánh tráng kẹo người xứ Quảng, ông rao ai không hiểu thì…chết luôn: “Ai…chén kiểu không”. Y xì như phố Lê Công Kiều bán chén sứ,…chén kiểu. Với tiếng rao không thể không nhắc tới ông Berges viết về đường phố Sài Gòn 77 năm trước. Những trang viết của ông thật hiếm hoi: Sáng bửng, Sài Gòn thức dậy trong tiếng rao vang vọng từ Chợ Lớn đến chợ Mới (chợ Bến Thành) qua chợ Cũ, từ chùa chiền tới…nghĩa trang. Dưới ánh mặt trời miền Nam hay dưới cơn mưa tầm tã, họ cứ đi, đòn gánh trên vai hay đội rổ trên đầu, rao như ve sầu hát dưới gốc me hay phượng vĩ. Ông Berges tả cô hàng bán mía ghim cất giọng lúc này lúc khác: “Ai ăn mía không”. Đã 5 giờ chiều, góc lề đường Pellerin (Pasteur) thời ấy lát gạch đỏ nâu sậm, ông bán hàng rong để xuống hai cái nồi, bày đĩa chén trên mâm tre ở giữa hai nồi xáo măng vịt, quạt lửa hong nóng nồi. Ông Berges luôn luôn quan sát bằng đôi mắt hóm hỉnh, như bất thình lình ông bán hàng ngước mặt lên ngơ ngác nhìn và rao to như gọi ai đấy…“Ai ăn tiết canh vịt không”.
Ngược xuôi với những người buôn thúng bán mẹt, tôi lại sáng mưa chiều tối với miền Nam hai mùa mưa nắng qua bài Quà đêm trên rạch Tàu Hủ của Bình Nguyên Lộc: “Ai ăn bột khoai… đậu xanh…, bún tàu…, nước dừa…, đường cát hôn!”. Theo ông điều ngộ nghĩnh là người rao kể rõ những thứ có trong món chè đó, rất thật thà, bộc tuệch. Tiếng rao dù câu chữ giống nhau nhưng mỗi lần rao âm điệu khác nhau. Có khi vui, có khi buồn. Nghe tiếng rao biết chị hôm nay bán ế, hay bán đắt, trong nồi còn chè ít, hay nhiều. Trong tiếng rao, chị bán chè hình như gửi cả tâm trạng và tâm hồn mình vào đấy. Khi thì ngân nga như hát cải lương, khi thì đủng đa đủng đỉnh như câu chuyện tình trong truyện nhiều kỳ trên nhật báo. Nghe nhiều riết rồi thuộc luôn tiếng rao của chị mãi đến bây giờ, khi tóc đã bạc màu thời gian. Tiếp với nước chẩy qua cầu, qua một người trong bộ quần áo bạc màu, đầu đội nón lá sờn cũ, tay ôm chồng báo lầm lũi đi, lầm lũi mời mọc, lầm lũi bán, cứ thế mà lầm lũi hết một đời người, hết một giai đoạn lịch sử của Sài Gòn. Chợt nhớ dòng nhạc Võ Thiện Thanh thấy mà thấm: “Có tiếng rao nghe sao lạc lõng giữa phố chiều lao xao. Có tiếng rao ngơ ngác xanh xao khuất sau hàng phố cao cao...”.
Từ nhà tôi len lỏi trong hai ba con ngõ nhỏ thông qua đường Bùi Viện tới Đề Thám là nhà ông bạn phán quan. Để có cớ rọ mồm về ông bạn phán quan ở đất Trích bí rị: “Ở Sài Gòn không sống trong ngõ hẻm chưa phải là người Sài Gòn”. Sài Gòn có nhiều ngõ, thậm chí ngõ nối hẻm, trong hẻm còn có ngách. Có ngõ ngách ngoằn ngoèo như một mê cung. Nhìn thấy phía trước thống thoáng, tưởng ngõ đến đó là hết thì thấy…một cái mộ: Ngõ là nơi ẩn chứa những bất ngờ mà khách vãng lai ít ai biết. Như trên đường Phan Thanh Giản hay Yên Đỗ có nhiều con ngõ không tên, số nhà theo tên đường, xây theo kiểu Tây nên như…phố Tây. Ngõ đây là mảng sân lát gạch, nhà gạch mái ngói, êm đềm, yên ắng với không gian riêng.
Xuôi Bùi Viện về hướng Cống Quỳnh có dăm ba quán nhậu như lẫu dê, tiết canh vịt, gần đây tôi đọc ai đó viết còn có cả thịt chó nữa. Sau 75, con đường Đề Thám khuất nẻo trở thành phố Tây Ba Lô với mấy ông Tây ngồi kiểu nước lụt bên lề đường, trên lưng “cắm” mấy…hũ giác hơi và chẳng thể thiếu tẩm quất. Nhưng tôi không…”hồi cố quận” để như Từ Thức về trần, vì tôi muốn cất giữ những mẩu ký ức trong tâm khảm để lâu lâu lôi ra gặm nhấm như chó gậm xương. Tôi cũng không nhúc nhắc trở về “Sông kia rày đã nên đồng - Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai” là…là ngã ba Chú Ía, vì tôi muốn cất giữ một địa danh, êm ả của thập niên 60. Tôi không muốn “gà cỏ trở mỏ về rừng” vì tránh đi theo bước chân chim của Hạ Chí Trương…trẻ lãng du, già về cố xứvì gặp con cháu chị Tình cười hỏi ta…
Nếu như Hà Nội có tẩm quất, có bánh mì ủ trong chăn, có “đậu phụng rang húng líu” của ông Tàu già ở tháp Hoà Phong gần hồ Gươm. Sau này nhiều người học nghề ông Tàu già rao lang thang khắp phố phường: “Phá xa, húng lìu nóng ròn đây”.... Thì Sài Gòn cũng có “Chú chệt bán đậu phọng rang”. Bởi từ câu thơ trong tập thơ rất xưa Hoa trái mùa từ năm 1943…
Quần chằm khiếu, áo lang thang
Trên đầu đội cái nón rách
Đi khắp quanh đường tắt
Làng trên xóm dưới reo vang
Tàu phọng rang
Cũng như đậu phụng rang, nếu Hà Nội có xe điện, Sài Gòn cũng có vậy…
Qua tập biên khảo tên Sài Gòn trong mắt tôi của ông Phụng Nghi Sài Gòn có xe điện từ năm 1914 nhưng bị bỏ không từ thời ông Diệm sau di cư. Xe điện có nhiều tuyến đường như tuyến đường chính từ ga Chợ Lớn có hình…cái xe bồ ệch. Ga Nancy có hình…con khỉ. Ga Arrat Cống Quỳnh có hình…cây cào cỏ. Tới ga Sài Gòn hình…con cò trắng.
Người Sài Gòn gọi là…xe lửa vì năm 1912, chạy bằng đầu máy hơi nước. Tới 1914, chuyển qua điện, xe điện màu sắc sơn đẹp hơn. Hai bên thành xe có biển quảng cáo phổ biến nhất là: Một viên Cửu Long Hoàn bằng 19 viên thuốc bổ của nhà thuốc Võ Văn Vân. Hoặc Thuốc dưỡng thai Nhành Mai, dầu Khuynh Diệp của bác sĩ Tín. Hay Kem đánh răng Hynos với anh Bảy Chà răng trắng bóc. Đầu xe là…Hòm Tobia danh tiếng nhất. Nếu ai đấy hòm hõm rằng vác cái xe điện vào “ký ức” làm gì cho nhọc sức. Ăn ngay nói thật một là tôi ngỡ kem đánh răng anh Bảy Chà mới có từ thập niên 60. Hai là hòm Tobia, tôi tưởng của ông Louis Chức ngoài Hà Nội vào thập niên 40. Thế nên chả biết đâu mà lần với những nhà biên khảo hôm nay.
Với chuyện ngoài Hà Nội, khi này tôi đeo ông cụ đi húi tóc ở ngã tư Hiền Vương-Hai Bà Trưng. Tôi hóng chuyện ông cụ tôi hoài cố nhân với ông phó cúi tên Đàm về bánh mì ủ trong thúng có chăn dạ phủ nên nóng hôi hổi với chả lụa và muối tiêu ngon kể gì. Ông Đàm hua cái kéo lách cách qua bên kia đường cũng có….xe bánh mì Hà Nội. Thế là tôi băng qua đường…
Anh bán bánh Tây (sau có bài báo viết tên anh tên Tự), mặt mũi Bắc kỳ đặc chẳng nói chẳng rằng lấy trong rổ ủ khăn nguyên ổ banh Tây to bằng bàn tay. Dòm bánh Tây hơi cháy vàng đã thấy giòn thơm. Anh Tự dùng dao soẹt một cái, xẻ một cái rãnh ở giữa, bửa khúc bánh ra làm hai, nhét miếng chả lụa xắt to vào, nhồi thêm miếng dưa chuột (?) bự sự. Chả thơm, dưa tươi, chút muối tiêu là xong. Lần về kỳ này, anh biến mất không để lại dấu vết.
Đành lọ mọ đi tìm…bánh mì thịt nguội jambon, xúc xích, patê tên Hoà Mã…
Hòa Mã cũ kỹ, bảng hiệu phai màu theo năm tháng vì đã tồn tại hơn 50 năm. Theo bánh mì niên biên sử, năm 1958, cửa hàng bánh mì thịt nguội Hoà Mã (tên một làng ở ngoại ô Hà Nội) có mặt ở đường Phan Đình Phùng. Năm 1962 dời về Cao Thắng cho đến nay. Hòa Mã nổi tiếng đến độ tên tiệm trở thành tên hẻm Hòa Mã. Chỗ ngồi có 5, 6 bàn nhỏ dọc theo vách tường bên hông tiệm, trong tiệm chỉ 2 bàn để khách ngồi ăn.
(ảnh chụp Hoà Mã 1960)
Cùng thời với Hòa Mã, bánh mì Hà Nội nằm trên đường Nguyễn Thiện Thuật gần đó. So với Hòa Mã, bánh mì Hà Nội có mặt tiền với cửa kính khang trang hơn. Sau 75 đến bây giờ bánh mì Hà Nội chỉ bán bánh mì thịt nguôi gọi rồi mang đi. Trong khi đó Hoà Mã bé nhỏ phong sương với dấu vết thời gian tiêu điều, già lão vẫn cứ trơ gan cùng nắng bụi Sài Gòn.
Tính gọ gạy ngồi ở Hoà Mã nhưng lại “đứng” ở bánh mì Hà Nội. Vì tôi đã ngồi ở đây với thằng bạn đời từ thập niên 60. Có một dạo, tôi và nó thuê căn gác của chị chủ quán bánh mì Hà Nội làm “tổ quỷ”. Thêm ông bạn phán quan ở đất tạm dung rấm rẳn: “Tôi gần gũi với Sài Gòn vì từng con phố, con hẻm đã đùm bọc tôi từ cái tuổi mới lớn…”. Sài Gòn đầu mùa mưa, vẫn những cơn mưa chiều nũng nịu, lúc dài lúc ngắn, đẩy đưa tôi ngắn, dài nơi đất khách, thỉnh thoảng đi đây đó, tôi bắt gặp những quyển sách mang tên “The Lost City” (Apache Death, Mỹ – Pompeii, Ý) Người viết sách hồi tưởng và “hồi phục” lại một thành phố đã mai một. Hay một nhà sử học Hà Nội đã buông bút: “Cái tên Sài Gòn đã thuộc về cổ sử”. Vì những nhiễu sự ấy, “đứng” ở (bánh mì) Hà Nội tôi cứ đi tìm Sài Gòn mập mờ nhân ảnh mịt mùng gió mây với nhà không số phố không tên nào đấy đã…thuộc về cổ sử. Hay ngày tháng đắp đổi với quán cà phê nào đó đã chìm khuất trong…The Lost City, để mai này căng óc nặn chữ vặn óc véo câu đưa vào bài viết. Đang “đứng” hồi tưởng thì hồi nhớ ra ngày nào ngồi ở bánh mì Hà Nội thì…đi Tây.
Đi Tây nhưng lại thích mặc quần áo lính cho…ngầu. Bèn táp vào khu Dân Sinh.
Bởi chưng nghe nói ở đây có thể mua áo “treillis”; “botte-de-saut” chính hiệu Mafe in USA, gọi là giày MAP, và ngay cả lưỡi lê nữa v.v… Khu Dân Sinh nằm giữa 4 đường bao quanh: Yersin-Nguyễn Công Trứ-Ký Con-Nguyễn Văn Sâm. Lối vào mặt trước ở đường Yersin.
Mới đầu chỉ cách rách khu Dân Sinh là chợ trời bán đồ “lạc xon”, quần áo cũ này nọ. Hoá ra ngoài quán bi-da, banh bàn, quán bar, quán ăn, v…v…Mà còn có rạp chiếu phim thường trực, tiếng Tây tiếng u ngày ấy gọi là “cinéma permanent”.
Vì cũng giống Eden Sài Gòn ở giữa những lối hành lang nên gọi là Passages Eden Dân Sinh. Rạp chiếu phim là trung tâm của khu này thường chiếu phim miền Viễn Tây với cao bồi cưỡi ngựa, bắn súng cả hai tay từ đầu đến cuối…không hết đạn. Lụi đụi như phim thùng năm 54 lại hiện về, thế là khóm róm vào xem. Và lịch sử là một cuộc tái diễn không ngừng với máy quay phim kêu “xè xè” thay vì “tách tách” như phim thùng. Đang chiếu bị đứt phim, màn ảnh hiện lên hai chữ “Cáo lỗi”, hoặc để thay than cho máy chạy phim, màn ảnh hiện lên dòng chữ “Tạm nghỉ 5 phút để thay than”. Cuối cùng tôi cũng tậu được cái Jacket 4 túi mầu cứt ngựa có cầu vai để đi Tây diện cho oách. Thề đứa nào nói láo ông Táo đội nồi cơm, nom ròm thấy quả lựu đạn (không biết thật hay giả) mà Bắc kỳ gọi là quả na, Nam kỳ kêu là trái mãng cầu có khía (MK3) dòm cũng rất…gồ ghề. Lại quan hoài ngày nào 54 là “Bắc kỳ ăn cá rô cây - Ăn nhằm…lựu đạn chết cha Bắc kỳ” nên cũng muốn thủ một quả để mưa thương nắng nhớ. Nhưng lạiquái ngại cảnh sát gác đường thổi tu huýt bắt đi lính thì bỏ bu
Mùa hè đỏ lửa 1972, đi lính…thật vì có giấy của Nha động viên gọi, vợ nhà lái xe đưa xuống Trung tâm huấn luyện Quang Trung. Mải nói chuyện mai này anh về tặng em viên đạn đồng đen…xe chạy tuốt luốt tới chợ Hóc Môn. Ở đây có bến xe thổ mộ có tới cả trăm chiếc.
Nhưng trước đó những chiếc xe thổ mộ này đã quen thuộc với tôi trên đường Lê Văn Duyệt, ngã tư Bảy Hiền, chợ Ông Tạ. Chiếc xe một ngựa chở gà, heo bó trong cái bu đan bằng tre, rau quả trong giỏ cần xé buộc hai bên, treo bên thành xe là cái đèn chai lập loè như ma trơi khi trời đất chưa đỏ đèn…Theo tôi hình ảnh biểu tượng cho Sài Gòn từ nửa đêm về sáng đến tối mịt là những chiếc xe thổ mộ rong ruổi trên hè phố như những viên gạch lẻ với một nhớ hai quên.
Ấy vậy mà ông Vương Hồng Sển gọi cái xe này là…“u mê” vì xe chạy lóc cóc trên đường phố đầy ổ gà nên các bà, các cô ngồi nhấp nhổm đến…”ê mu”. Nhưng ông họ Vương giỡn chơi vậy thôi vì trên sách báo, ông viết nghe câu người ta chửi thề: “Mả cha mày chạy chứ mả ai chạy!”. Ổng giải thích thổ là đất, mộ là nấm mộ, xe thổ mộ như…nấm mộ lùm lùm chạy trên đường phố. Nhưng thổ mộ là cách đọc của mình theo âm Quảng Đông là “tủ mỏ”, tức độc mã. Bởi những dấu ấn ấy, theo tôi chiếc xe thổ mộ là quá khứ, là hình ảnh của Sài Gòn trong dĩ vãng vì nhưng chiếc xe thổ mộ nay không còn…Mãi mãi chẳng còn nữa sau ngày 30 tháng tư.
Ấy là chưa kể vào cái tuổi nhô tì va vào mặt là chiếc xe ngựa đánh trống, đánh xèng xình tùng xình. Hai bên thành gỗ gắn tấm "pa-nô" vẽ những "ắc-sân" của phim đang chiếu, chẳng hạn như Tặc-Dăng nổi giận...nói tiếng Việt Nam. Thế là ù té chạy theo xe xin mấy tờ "prồ-gram". Sau đấy "a dua" theo đám nhô con "cô-lếch" mấy tờ "pốt-tơ" tài tử màn bạc.
Với quá khứ vị lai, bỏ xe ngựa đánh trống, đánh xèng lại đằng sau…Tôi đeo theo chiếc xe ngựa với bu gà, giỏ cần xé, mấy bà quấn khăn, mặc áo bà ba và một hai cậu học trò ngồi vắt vẻo trên ấy…Ấy có thể một hai "cậu" là bạn học tôi ở miệt xa lắc xa lơ Hoà Hưng, Chí Hoà
Vì vậy tôi bật rật tới một di tích của Sài Gòn dường như bị lãng quên…
Đó là Đồn Chí Hòa là đồn lũy lớn nhất miền Nam mà triều đình Huế xây dựng trong hai năm 1860-1861 ở làng Chí Hòa (trong thôn Tân Hưng, năm 1836 đổi tên là Hòa Hưng). Đồn Chí Hòa (người Pháp gọi là Đồn Kỳ Hòa) lớn gấp 15 lần thành Gia Định, đồn dài 3 km, rộng 1 km do Nguyễn Tri Phương trấn giữ với khoảng 10.000 lính. Ngoài ra nhà Nguyễn còn lập đường thiên lý (dấu tích đường thiên lý trước 75 là đường Công Ly) đễ vận chuyển lương thực. Năm 1861, trong 2 ngày, Đồn Chí Hoà bị liên quân Pháp-Tây Ban Nha đánh chiếm và phá hủy.
Sau này nghĩa địa Ông Tạ bị giải tỏa, khi đào xới người ta tìm thấy xương người đã ngả màu vàng, lấy lên một lát khô ráo ngay chứ không trắng và ẩm như xương người mới chết vài chục năm. Những người thợ bốc cốt ở đây nói: "Xương khô cỡ này thì xưa hàng thế kỷ rồi". Ngoài ra đám trẻ con khu Ông Ta thỉnh thoảng nhặt được nhiều súng cũ loại nòng không xẻ rãnh, cái tét nòng, cái gãy đôi vì vậy người ta cho là xác những người lính của đồn Chí Hoà. Lấy dài nuôi ngắn thì ở đây đã có “một nghĩa địa cổ” có những người áo bào thay chiếu anh về đất (Quang Dũng) để sống chết với Sài Gòn (ít nhất 700 người). Như Sài Gòn ngày 30-4-1975.
Bạn đọc quái ngại nhòm tôi…Tôi đồ là bạn quá đọa hồi nãy tôi tha ma mộ địa bạn trong ngõ ngách, hẻm hóc như một mê cung rồi cấu vào mặt bạn là…cái mộ. Chuyện là cấu véo theo cuốn Những bước lang thang trên hè phố của Bình Nguyên Lộc. Ông nhà văn khủng khẳng rằng người ta sống gần, sống quanh, và sống...trên các mồ mả. Ngay như người bán hàng rong và con nít thường xúm xít hồn nhiên bên mả. Mồ mả ở Sài Gòn thân mật quá chừng. Người ta sinh hoạt giữa mồ mả như quen biết với ma dữ lắm. Ở bên hông nhà thuơng Từ Dũ có hai ngôi mộ khá to. Trên mộ có cây mọc. Người ta treo võng dưới tàn cây vào những trưa hè, người ta đong đưa kẽo kẹt rất an nhàn. Ngộ nghĩnh nhứt là tấm bảng hiệu "Hớt tóc" cắm trên cây, cạnh võng. Khách hớt tóc cứ ra vào cái tiệm lộ thiên ấy mà không chút sợ sêt, e dè.

***
Trước ngày về một ngày, khi không tôi lụi đụi tới bài viết của một tác giả Petrus Ký …
“…Vào cuối thập niên 60, khi học đến các lớp đệ nhị rồi đệ nhất, đám học sinh trường Pétrus Ký, Chu Văn An tụi tôi ít nhiều đã có vẻ người lớn hơn cùng những ưu tư mơ hồ về tương lai, đa số tụi tôi thời đó bắt đầu tập hút thuốc lá và uống cà phê. Đối với nhiều học sinh các lớp lớn của trường Pétrus Ký, Chu Văn An thời đó, có ít nhất là hai quán “cà phê vớ” ở gần trường là quán “ruột” để tụ tập cà phê, thuốc lá, đó là Cheo Leo và Năm Dưỡng….”.
Thế mà tôi không hay mới…hay. Vì Năm Dưỡng, Gió Bắc, Gió Nam, nhất là cà phê Phong (đúng ra là Foóng, vì ông này bắn khỉ) trong ngõ đường Nguyễn Thiện Thuật mà tôi đã ngồi rách đít. Riêng quán Cheo Leo thì chưa, vì quán…cheo leo quá chăng. Đang ngồi cà phê vườn dòm cái nồi ngồi trên cái cốc, thằng em nón cối thuộc thể loại cà phê tí tách hỏi: “Anh ngồi cà phê vớ Cheo Leo chưa?”. Leo lên xe, tôi cõng theo ông Chu Văn An Nguyễn Đạt với bài viết Cheo Leo quán cà phê “xưa” nhất Sài Gòn:
“…Cheo Leo là tên quán cà phê “xưa” nhất Sài Gòn, ở căn nhà số 36, hẻm 190, đường Nguyễn Thiện Thuật. Chúng tôi được biết quán Cheo Leo hình thành từ năm 1938, trước cả thời gian xảy ra Ðệ nhị thế chiến, 1939-1945. Tồn tại đến hôm nay, quán Cheo Leo đã 75 năm, đặc biệt quán Cheo Leo vẫn pha cà phê bằng vợt, còn gọi là cà phê bít tất. Ông Vĩnh Ngô, người lập nên quán Cheo Leo cách đây 75 năm, thuở đó vùng Bàn Cờ này còn hoang sơ heo hút, không khác chốn đèo heo hút gió, nên khi mở quán ông Ngô đặt tên là quán Cheo Leo.
Sau biến cố 30-4-1975, không còn bóng dáng cà phê Phong. cà phê Năm Dưỡng nữa. Hầu hết quán cà phê nổi tiếng của Sài Gòn mà chúng tôi biết từ thuở học trò đã biến mất. Duy nhất quán Cheo Leo vẫn ngày ngày mở cửa, với cà phê vợt của Sài Gòn gần như tuyệt chủng…”
Tới quán Cheo Leo, thằng nón cối mồm miệng như tép nhảy “thuyết minh” với chị chủ quán tôi là Việt Kiều, học Chu Văn An, uống cà phê Năm Dưỡng…như máy. Nó nổ như pháo xiết:
Hồi đó chưa có cà phê ta mà chỉ có cà phê Tàu. Vì thế uống cà phê Tàu phải có phong cách Tàu tàu như Lão tử. Cà phê được mang ra dân“sành điệu củ kiệu”hồi đó ngồi chân đi dép gác lên bàn. Sau khi khuấy nhẹ cho tan đường đổ ly cà phê ra cái đĩa phía dưới. Chưa uống vội, khách chậm rãi mồi điếu thuốc rê Vàm Cỏ rít vài hơi để…“ngửi” cà phê nguội chưa. Tay nhón lấy cái đĩa đưa lên miệng và uống chăm chút mới ngon như ông Nhật uống Trà đạo.
Biết thằng em đây bông phèng, chị mỉm cười, nhỏ giọng: “Ít khi có khách từ xa tìm tới như mấy chú. Chẳng thể so sánh với thuở trước, thời Việt Nam Cộng Hòa đó. Tía tui biểu thời đó quán Cheo Leo đông nhứt là giới sinh viên học sinh. Bây giờ tui còn gặp lại mấy người vào quán là khách từ thuở đó, khi là học trò trường Pétrus Ký, khi là học trò trường Chu Văn An. Nay mấy người đó đều là những ông già trên dưới sáu bảy chục tuổi.”. Qua chuyện cà phê, chị chủ quán nói: “Sài Gòn ngày xưa, mấy ông già chở nhau tới tiệm mì rồi tới đây cà phê”.
Bỗng nhớ lại năm 54, cả nhà hay đi ăn mì ở gần cư xá Đại Học Minh Mạng. “Ông già” nhờ thằng em đưa về chốn cũ trong một chiều không có mây sao có mưa…Số là gần đây nghe nói quyển Petrus Trương Vĩnh Ký, nỗi oan của thế kỷ của ông Nguyễn Đình Đầu, dầy hơn 600 trang, dự định xuất bản năm 2016 vậy mà đến nay chưa thấy gì hết. Lại nghe nói bức tuợng Petrus Trương Vĩnh Ký đã bị phá bỏ đi thì phải? Bèn nói thằng em đi qua đường Thống Nhất.


Petrus Trương Vĩnh Ký, nỗi oan thế kỷ - Tác giả Nguyễn Đình Đầu
Bỗng có cơn mưa bóng mây ập xuống, đất trời lất phất một màu sương khói nên tôi thấy thấp thoáng bóng ông trắng quá nhìn không ra ẩn hiện sau rặng cây. Trong giây phút hoài tưởng, tôi tâm sự vụn với thằng em nỗi “oan khiên” của ông là có công phát triển Quốc ngữ ở miền Nam, nhưng bị người miền Bắc kết tội thân Pháp như cụ Phan Thanh Giản. Nghe thủng rồi thằng nón cối ngoác mồm lên mà rằng sao lại hỏi nó. Sao không hỏi người Hà Nội rước tượng ông Lê-Nin về “cắm” ở vườn hoa Ba Đình? Nó vặc tôi vậy chứ ai thân ai? Rồi thằng nón cối phun ra câu thơ “Ông Lê Nin quê ở nước Nga - Cớ sao lại đứng vườn hoa nước này”.
Tiếp nó nói lái xe…lái xe xuống đường Nguyễn Tri Phương ăn mì.
Ngồi trong xe con, với tâm hồn ăn uống, tôi dón chuyện với nó về một địa danh ở ngã sáu Chợ Lớn ắt không còn nữa. Đó chợ nghêu nằm trên đường Nguyễn Tri Phương, giữa Trần Quốc Toản và Minh Mạng. Dọc bên đường có những hàng quán bàn ghế xanh, đỏ thấp tè. Thập niên 60 chỉ 30 đồng là có thau nghêu hấp bốc khói…nghêu ngao. Tôi nguých ngoác, theo thời gian vỏ nghêu phủ bên đường in hịt như vỉa hè lát “mosaic” hay khảm trai. Những vỏ nghêu ấy, với tôi như một dấu ấn, những viên gạch lẻ trên…phố đông người qua. Sau chuyến đi này khi về lại đất Trích, đợi một ngày ngoài trời mưa bụi bay, tôi sẽ…lá vàng bay trên giấy.
Vừa lúc về đến chốn cũ, “cư xá Đại học Minh Mạng” không còn nữa thật mà thay vào là Ký túc xa Ngô Gia Tự. Đường Minh Mạng cũng thay da đổi thịt là đường Ngô Gia Tự. Tôi hỏi ông họ Ngô có phải Tàu không. Thằng nón cối “năng nổ” cho hay ông đây là…người Việt, đầu Tàu. Ông theo cách mạng qua Quảng Châu. Về`Sài Gòn, ông làm công nhân xưởng Ba-Son, nhờ ông “khuyến mãi” nhân công theo cách mạng nên…cụ vua Minh Mạng bị soán ngôi.
Qua một cuộc đổi đời cũng vừa lúc tới chợ Lacaze-Nguyễn Tri Phương.
Ngồi xuống ghế, tôi bòn vót với nó ngày ấy không là tiệm như bây giờ mà là xe mì. Phần trên được trang trí những tấm kính tráng thủy vẽ những nhân vật trong truyện Tam Quốc, Thủy Hử. Với ông Lưu Bị cứ rình rình là…khóc, với ông sư Lỗ Trí Thâm…ăn thịt chó cả con. Ấy vậy mà đã tạo nên nghĩa khí cho người miền Nam. Họ có tâm thái “kiến nghĩa bất vi vô dõng giả”, “trọng nghĩa khinh tài”, ghét thói “coi đồng tiền to như bánh xe bò”, “làm ăn chụp giựt không có trước sau”. Cái đầu tôi như cục vôi sống kỳ óc ra với thằng em nón cối đã hơn 40 năm sau hậu chiến, con người Hà Nội với “văn hoá Kẻ Chợ”, với văn hoá chụp giựt gào thét như mèo đêm động đực, không ngoài chỉ làm độc một việc đánh vật với tiếng kêu gào của dạ dầy. “Bún mắng cháo chửi (phố Ngô Sĩ Liên) là truyền thống văn hoá Hà Nội hôm nay. Thăng Long với thành quách gió bụi với truyền thống bao đời ấy dần dần “giao lưu” với chửi móc máy sau lưng là giỏi. Vốn dĩ “Văn hoá Kẻ Chợ” là đất quan lại vốn thế, chứ chẳng anh minh thần dũng khỉ gì đâu.
Gặp buổi mây chiều gió sớm với tâm hồn ăn uống, tội nổi cơn đồng thiếp với văn hoá ẩm thực, tôi lăng ba vi bộ theo ông nhà văn miệt vườn Bình Nguyên Lộc thì trong những tên đường của Sài Gòn, tên đường Tản Đà…thơm nhất vì toàn tiệm…cao lâu (người Quảng Đông phát âm “Tản Đà” nghe na ná là…tham ăn). Tôi bấm búi hết chuyện cụ Tản Đà giang bạt kỳ hồ vào Sài Gòn nấu phở là chuyện…lơ mơ lỗ mỗ, đến chuyện phở Bắc vào Nam còn…lờ mờ hơn nữa.
Vì theo ông Tàu tên Lý Lược Tam người Tiều (Triều Châu), thập niên 40, phở theo chân người Bắc làm phu cao su ở Lộc Ninh, phở xe lăn bánh theo đường đất đỏ tới Lái Thiêu. Rồi từ Lái Thiêu về “ngụ cư” ở cái hẻm bên cạnh rạp hát Casino trên đường Pasteur. Lúc đầu chỉ có phở tái nêm nước mắm, bán thịt tái không hết, họ luộc thịt làm phở chín mang ra Bắc cho…cụ Nguyễn Tuân sơi. Trộm thấy thằng em cán ngố…ngố thật vì chả hiểu sao tôi bê phở vào đường phố như người Hà Nội vác phở Bát Đàn qua quán cà phê bên kia đường! Nên tôi quại luôn…hủ tíu từ người Tiều ở miền Nam vào cuối thế kỷ 19 nên mới có hủ tíu Nam Vang, hủ tíu Mỹ Tho. Riêng mì “gõ” do dân nhập cư từ Quảng Nam, Quảng Ngãi vào Sài Gòn.
Ăn chơi sợ gì mưa rơi, tôi văng mạng với nó mì vịt bây giờ ăn như rơm, như rạ, thịt vịt khô như củi phơi nắng ba giăng. Tôi bàu bạu có thể vì cái khẩu vị của tôi nó “khôn” ra, hay cái lưỡi tôi nó “điềm đạm” hơn. Khỉ gió cắn răng gì đâu chẳng biết nữa, tôi lại lây lất tới ông bạn cũ trường xưa chuyên nghề nấu phở và tôi mạo muội “nhuậc sắc” đoạn văn phở Bát Đàn của ông:
“…Tôi thấy lỗi tại tôi trăm bề. Tôi đã đổi, đã thay chứ Sài Gòn của tôi vẫn thế, vẫn là Sài Gòn của ngày trước. Nơi đây, thời gian ngưng lại. Tôi nhìn lại gốc cây me được quét vôi trắng. Nó vẫn y như cây sấu của tôi ngày xưa. Tự nhiên tôi phá ra cười. Ngày xưa, ông Sartre nhìn thấy gốc cây xù xì mà phát hiện ra chủ nghĩa hiện sinh. Tôi vừa nhìn thấy gốc cây me, đã phát hiện ra là ở Sài Gòn yêu dấu của tôi, thời gian ngưng lại mà đôi khi lại còn đi giật lùi….”.
Tối về không ngủ được, hẳn là hồi chiều uống cà phê Cheo Leo …
Nằm không thao thức tới cụ Tú đất Vị Xuyên “Sông kia rày đã nên đồng - Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai” để lay lắt tới ông Cheo Leo cách đây gần 100 năm, vùng Bàn Cờ còn hoang sơ heo hút, không khác chốn đèo heo hút gió…Rồi chập chờn với hồn ma bóng quế ông Bình Nguyên Lộc qua bài viết Hồn ma cũ viết về cà phê đĩa của một thời xa vắng có câu thơ…
Đâu đây đồng vọng cõi xa xưa
Thổ ngơi thơm phức; hồn ma cũ
Về khuya lại vật vờ đến ông Tây cách đây cũng gần 100 năm tả cô bán mía ghim rao hàng từ đầu đường đến cuối ngõ: “Ai ăn mía không”. Hình như cô bán mía gửi cả tâm trạng và tâm hồn mình vào đấy. Giọng lúc này, lúc khác, khi vui, khi buồn…

***
Sáng hôm sau trong khi chờ ra phi trường. Và tôi ngồi…đợi. Tôi đã ngồi trước cửa nhà thằng em cả tháng trong con ngõ vắng. Ngày nào cũng vậy, khoảng 10 giờ, có một ông lão vác bó chiếu đi ngang qua rao âm ỉ: “Ai chiếu đây”. Con ngõ im ắng…không trả lời. Đến khoảng 11 giờ, có bà cụ với cái đòn gánh đầu này buộc bó chổi, đầu kia buộc bó quạt. Bà cụ rao âm ử: “Ai mua quạt nan, chổi lông gà đây”. Tiếng rao len lỏi từ ngoài phố vào con ngõ sâu và mất hút.
Về lại nhà, trong một ngày nắng thủng thỉnh, mây lang thang. Ngôi trước cái bàn gõ với trí nhớ lờ mờ như khói như sương…Tôi gõ lóc cóc ra chữ đi tìm thời gian đánh mất còn rơi rớt lại trên hè phố mà cái tên đã thuộc về dĩ vãng, đã nằm ngủ yên trong ngõ ngách thâm u của ký ức.
Thạch trúc thảo lư
Xuân phân, Bính Dậu 2017
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Nguồn:
Phạm Công Luận, Trung Sơn, Đoàn Thanh Liêm, Phạm Nga, Tường Vũ Anh Thi, Phúc Tiến, Đặng Mỹ Hạnh, Lê Văn Nghĩa.

 

Đăng ngày 08 tháng 05.2017