Đằng sau những cuộc Cách mạng


Nguyễn thị Cỏ May

Xưa nay tấm mề-đai nào cũng đều có bề trái của nó. Cách mạng dĩ nhiên không thể ngoại lệ. Lịch sử Cách mạng luôn luôn đẹp, hào hùng thì bề trái của nó lại ẩn khuất những dối trá, bất lương.
Nói đến cách mạng, không ai không nhớ Cách mạng Dân chủ và Nhơn quyền 1789 của Pháp. Người cộng sản ở Việt nam thì thuộc nằm lòng Cách mạng mùa Thu 1945 cướp chánh quyền ở Hà nội. Họ ca ngợi cách mạng, gắn liền cách mạng với sự nghiệp của Hồ Chí Minh và đảng cộng sản.
Năm nay, Chánh phủ Pháp tổ chức Quốc khánh 14 tháng 7 rình rang, với hơn 3000 quân nhơn diễn hành trong đó có 200 quân nhơn Úc và Tân Tây-lan tham dự nhơn kỷ niệm một trăm năm trận La Somme (tỉnh miền Bắc nước Pháp) trong Đệ I Thế chiến. Đặc biệt chương trình diễn binh nhằm biểu dương đầy đủ lực lượng quân sự nói lên sự cam kết mạnh mẽ của Chánh phủ bảo đảm an ninh cho nước Pháp dưới mọi hình thức.

Quốc Khánh và quốc ca Pháp
Bản La Marseillaise của Rouget de Lisle sáng tác năm 1792 cho đạo quân sông Rhin của Pháp ở Strasbourg đánh với Áo được Quốc Dân Đại hội chấp nhận lần đầu tiên ngày 26 messidor an III, tức ngày 26 tháng 7 năm 1795, làm bản Quốc Ca. Lưu hành 9 năm. Tới năm 1879 được Đệ III Cộng Hòa chấp nhận vĩnh viễn. Tuy nhiên bản văn lúc đầu đã bị sửa đổi nhiều lần trước khi trở thành bản Quốc ca của ngày nay.
Do hoàn cảnh Pháp tuyên chiến với Áo, Marseillaise vốn là môt bài hát chiến tranh cách mạng, ca ngợi sự tự do, là lời kêu gọi yêu nước động viên toàn dân Pháp xung phong ra trận chống lại chế độ tàn bạo và sự xâm lăng ngoại quốc.
Dưới Chánh phủ Vichy, bản Quốc ca vẫn đưọc hát nhưng thường kèm theo bài hát ca ngợi Thống chế Pétain "Nous voilà!". Trong vùng bị Đức chiếm đóng, Quốc ca Marseillaise bị cấm hát.
Hiến Pháp Đệ IV và Đệ V Cộng hòa đều nhìn nhận bản Marseillaise là bài hát yêu nước.
Nhơn lễ kỷ nìệm một trăm năm Cách mạng, tro của tác giả Rouget de Lisle được đưa vào Bảo tàng viện quân đội Les Invalides cất giữ.

Cách mạng 1789 và sự thật cướp ngục Bastille
Ngày 14 tháng 7 được Cộng Hòa Pháp chọn làm ngày Quốc khánh, tưởng niệm việc cướp ngục Bastille, biểu tượng chế độ quân chủ chuyên chế, để trả tự do tù nhơn. Biến cố cướp ngục Bastille, tiến hành cách mạng, được phủ đầy huyền thoại đẹp đẽ, tưởng muốn chọn lọc đúng sai, giả thiệt của biến cố này không phải là việc làm đơn giản.
Xưa nay, sách giáo khoa vẫn dạy Bastille là biểu tượng của chế độ quân chủ chuyên chế, nơi nhốt những tù nhơn chánh trị nguy hiểm, chống nhà vua trong những hầm tối, sống với điều kiện cực kỳ kinh tởm. Thế mà thực tế lại hoàn toàn khác hẳn. Vì ngục Bastille chỉ giam giữ rất ít tù nhơn, và điều kiện sanh sống của tù nhơn khá tốt về mặt sức khỏe và nhơn phẩm. Khi dân chúng Paris tiến vào cướp ngục thì nơi giam giữ tù nhơn không đóng cửa. Số tù nhơn lối 7 người.
Hầu tước Launay, Quản đốc ngục Bastille, để cho tù nhơn tự do đi lại. Vả lại, vua Louis XVI đã dự định đóng cửa nhà tù vì tốn kém mà không cần nữa, không có nhiều tù nhơn để giam giữ nữa.
Về 7 tù nhơn có mặt trong khám ngày 14 tháng 7 năm 1789, có 4 người thường phạm bị tù vì đã ngụy tạo giấy tờ gian lận tiền bạc. Người thứ năm ở tù lâu năm hơn vì liên can trong vụ âm mưu ám sát Louis XV. Nhưng nhà vua thấy đây là hành động riêng rẽ của một người tâm lý bất thường nên cho đó là trường hợp mắc bịnh tâm thần nên không phạt. Bị tù do Quốc hội buộc tội.
Hai người cuối cùng thuộc quí tộc. Bị vào Bastille do gia đình yêu cầu, với lý do hư hỏng hoặc mắc bịnh tâm thần.
Những người này, khi cướp ngục Bastille, họ được chuyển qua trại tâm thần ở Charenton. Sau ngày phá ngục Bastille, tất cả 7 tù nhơn không có ai được trả tự do vì kẻ bị ở tù trở lại do tiếp tục vi phạm tội trộm cắp hoặc, người mắc bịnh tâm thần cần an dưỡng ở nơi khác. Không có một người nào ở tù dài hạn hay chung thân hết cả.
Thực tế cướp ngục Bastille đã không khỏi làm kinh ngạc đám dân Paris nổi lên làm cách mạng xóa bỏ chế độ quân chủ.
Vậy làm sao việc cướp ngục Bastille phải mang ý nghĩa hành động cách mạng ? Thế là họ bèn sáng tạo ra một tù nhơn tiêu biểu. Công tước de Lorges. Người này bị “tù từ hơn ba mươi năm nay, nhốt trong một hầm tối kinh khiếp”. Dân chúng, nhờ cướp được ngục Bastille nên mới thả ra, cõng người tù của chế độ quân chủ chuyên chế đưa cao lên như một chiến lợi phẩm cách mạng.
Còn tên những tù nhơn thật sự của ngày phá ngục Bastille thì đều bị ký ức tập thể quên lãng hoàn toàn.
Động cơ dân chúng phá ngục Bastille còn thảm hại hơn vì hoàn toàn không vì thanh toán một biểu tượng chế độ quân chủ chuyên chế tàn bạo. Thật sự, dân chúng chỉ muốn xông vào cướp lấy thuốc súng và đạn dược, nơi họ nghe nói có cất giữ nhiều, sau khi họ đã xông vào cơ sở quân sự Invalides để tìm vũ khí.
Chơn lý cách mạng từ muôn thuở là tạo ra lịch sử của cách mạng và cho cách mạng !

Cách mạng mùa thu
Với người cộng sản chỉ có cướp chánh quyền. Họ xem “cướp” là một thành tích chánh trị cộng sản to lớn, anh hùng. Nhưng “Cách mạng Tháng Tám cướp chánh quyền” thì hoàn toàn không có. Một sự dối trá, lừa đảo lịch sử trân tráo nhưng phần lớn dân chúng ở Việt nam vẫn tin vì ngay từ nhỏ đã bị bộ máy tuyên truyền đầu độc. Sự thật là không có “Cách mạng Tháng Tám” mà cũng không có “Cướp chánh quyền”.
Về cách mạng mùa thu, thì ngày 07/08/1945, Tổng Hội Công chức tổ chức biểu tình trước Phủ Toàn quyền. Người biểu tinh, tay cầm cờ vàng 3 sọc đỏ, miệng hát lớn “Này thanh niên ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng” để ủng hộ chánh phủ Trần Trọng Kim. Bỗng một nhóm lối 60 người xuất hiện với lá cờ đỏ sao vàng thật lớn và nhiều lá cờ nhỏ bằng cái quạt mo đem phân phát cho người đang đứng biểu tình. Thế là cuộc bìểu tình của Tổng Hội Công chức được tuyên truyền của cộng sản biến thành “Cách mạng mùa thu, Tổng khởi nghĩa cướp chánh quyền”.
Còn cướp chánh quyền? Sau khi Nhựt đảo chánh Pháp ở Đông Dương, Đại sứ Yokohama tới yết kiền Hoàng Đế Bảo Đại tại Đìện Thái Hòa sáng ngày 11/03/1945 để trình Ngài là Nhựt có “nhiệm vụ dâng nền Độc lập” lên Hoàng Đế Bảo Đại, đồng thời kêu gọi Vìệt nam và các nước Đông Nam Á gia nhập khối Đại Đông Á do Nhựt lãnh đạo.
Bảo Đại họp Cơ Mật viện, ủy nhiệm Trần Trọng Kim thành lập chánh phủ. Chiều ngày 11/03/1945, Bảo Đại đọc Tuyên Ngôn Độc lập :
Chiếu tình hình thế giớ nói chung và tình hình Á Châu nói riêng, chính phủ Việt Nam long trọng công khai tuyên bố, kể từ ngày hôm nay hiệp ước bảo hộ ký với Pháp [năm 1884] được bãi bỏ và đất nước thu hồi chủ quyền độc lập quốc gia …”.
Ngày 05/08/1945, Trần Trọng Kim xin phép Bảo Đại từ chức. Hoàng Đế Bảo Đại chấp thuận nhưng yêu cầu Trần Trọng Kim thành lập chánh phủ mới để duy trì chánh phủ lâm thời trong một thời gian. Vẫn không lập được chánh phủ, sau cùng, để tự giải tán, Trần Trọng Kim tuyên bố chánh phủ đã hoàn thành hai việc hệ trọng cho đất nước là «thống nhứt đất nước, đặt nền tảng hành chánh cho Việt nam». Tức Việt nam thật sự là một nước độc lập sau hơn sáu mươi năm bị thực dân Pháp đô hộ.
Chính trong tình hình «vô chánh phủ» này, cộng sản tuyên bố «cướp chánh quyền». Họ làm cho mọi người hiểu là họ cướp chánh quyền từ tay Nhựt và Pháp vậy, chớ không phải lúc đó, Nhựt không còn, Pháp chưa tới.

Sự thật của cách mạng mùa thu
Từ sau ngày Độc lập 2/9/1945, máu đồng bào bắt đầu đổ, nhứt là máu của những người yêu nước lương thiện như Tạ Thu Thâu, Trần văn Thạch, Hồ văn Ngà,… và những người trí thức tiểu tư sản theo Việt Minh làm kháng chiến đánh Tây giành độc lập mà không theo cộng sản,… Ít nhứt 500000 nông dân Miền Bắc là nạn nhơn cộng sản trong vụ cải cách ruộng đất do Hồ Chí Minh vâng lời Mao Trạch-đông thực hiện.
Trường hợp Bà Năm Cát Hanh Long là nạn nhơn điển hình của chánh sách tàn bạo và dối trá của Hồ Chí Minh.
Và «cướp» là bản chất cộng sản, nên khi đã cướp được chánh quyền thi cộng sản chỉ biết lo tổ chức cướp tài sản của nhơn dân để làm giàu. Khi tài sản của nhơn dân vơi cạn thì họ tổ chức bán nước cho ngoại bang.

Nguyễn thị Cỏ May

Đăng ngày 16 tháng 08.2016