Người cộng sản Nam kỳ

qua “Lời ai điếu” của Lê Phú Khải

Nguyễn thị Cỏ May

« Lời ai điếu » của Lê Phú Khải phát hành đã khá lâu (Người Việt Books, mua qua Amazon London in, 12/2016) nên đã có nhiều người đọc, giới thiệu hoặc phê bình. Nay Cỏ May tôi không làm thêm công việc đó, mà chỉ lược qua, ghi lại vài chuyện nho nhỏ, thú vị, lìên quan tới những nhơn vật Nam kỳ, trí thức, tiểu tư sản, hăng say chạy theo cộng sản để phục vụ lý tuởng giành độc lập dân tộc, đất nước không còn bóng ngoại xâm, xây dựng một xã hội công bằng, người không bóc lột người Nhưng mộng không thành! Đến lúc được hưu trí sớm hoặc già, phần nhiều chọn sống im lặng ở Việt nam hoặc đi ra ngoại quốc.

Nguyễn Khắc Viện giữ THƠ, bỏ NGÂY
Chuyện Nguyễn Khắc Viện theo cộng sản hết mình, người ta chỉ biết ông có thể chết sống với cộng sản, nhưng ít ai biết, từ 1942-1945, ở Paris, ông từng chạy theo Hitler, tuyển sinh viên Việt nam gởi qua Berlin học, ông cho rằng có tương lai hơn ở Pháp vì Pháp là xứ thua trận. Những năm, Việt nam cơ hồ như sắp sụp đổ do kinh tế kiệt quệ, dân đói kém, Nguyễn Khắc Viện dâng sớ yêu cầu thay đổi. Quốc Hội lờ đi, ông gởi sớ thẳng tới Lê Duẩn và cũng không nhận được trả lời. Nhưng ông vẫn vui vẻ sống với tư tưởng vĩ đại của ông, và nhờ đó mà ông sống được ngoài 80 tuổi với cộng sản «Nóng không quạt, ngứa không gải, chọc không tức». Không biết ngày nay Nguyễn Phú Trọng và TW đảng có học tập nhuần nhuyển tư tưởng này hay không mà thấy họ vẫn an nhiên tự tại, chạy ôm đít Tàu, giữ đảng, hốt bạc, ai đòi thay đổi thì lùa công an tới đánh đập thẳng tay?
Theo ông, cộng sản nên chống Mỹ tới cùng. Ông nhận xét kinh tế tư bản «Thử tưởng tượng nếu 6, 7 tỷ ngưòi trên trái đất này đều có mức sống như người Mỹ hiện nay, mỗi người một chiếc ô-tô , 50 đến 60 bộ quần áo, hằng năm đi du lịch khắp thế giới, thì năng lượng và tài nguyên của trái đất này còn gì nữa? ». Và lẽ ra ông đã phải hô hào đào mồ chôn tư bản để cứu trái đất này chớ?
Sau khi Liên–xô sụp đổ, Lê Phú Khải hỏi Nguyễn Khắc Viện, được Khải tôn kính như thầy «Bây giờ Liên-xô sụp đổ, cụ tính sao?».
Viện trả lời «Tôi đi theo chủ nghĩa tư bản văn minh. Chơi hẳn với phương Tây, không chơi với bọn tư bản man rợ mới ngoi lên ở châu Á như Đài Loan, Hồng Kông, Nam Triều Tiên, Singapore”
Nguyễn Khắc Viện vốn là người học giỏi có tiếng, thế mà ông vẫn không thấy sự chênh lệch về mức phát triển giữa Việt nam với “bọn tư bản man rợ mới ngoi lên” lúc đó. Bây giờ thì phải ít lắm 30 năm nữa may ra Việt nam bám gần đít họ.
Ông Nguyễn Khắc Viện trước giờ có tiếng là người yêu nước chân thành, yêu đảng chân thành. Vậy mà tới Đại hội đảng kỳ VII, ông lại dâng sớ một lần nữa đề nghị TW hảy giải tán đảng:
“Nỗi thống khổ, và thời gian không cho phép chúng ta trù trừ làm thỏa thuận mãi được. Đảng nên tự giải tán, trao chức năng quản lý cho nhà nước, quyền làm chủ tập thể cho nhân dân ”(Lê Phú Khải trích Báo Đất Việt, Bỉ, số 273, 1988).
Năm 82 tuổi, ông tâm sự “Đời tôi là một đời “ngây thơ”. Thơ là đi kháng chiến cứu nước, tôi giữ nó lại. Ngây là đi theo chủ nghĩa xã hội, tôi vứt nó đi. Nhưng nếu phải sống lại, tôi vẫn đi con đường đó!”.
Nhưng ông không phải là người “ngây thơ” mà là người nằm mơ giữa ban ngày. Chẳng lẻ ông đi làm “kháng chiến cứu nước” tại Paris và Hà nội?

Cộng sản sai từ bao giờ?
Nhà báo Nguyên Ngọc kể với Lê Phú Khải: “Một hôm bà Nguyễn thị Bình triệu tập một nhóm trí thức hơn 10 người lại, đặt câu hỏi: chúng ta sai từ bao giờ?
Mọi người đều nói: Sai từ năm 1951, khi Đại hội lần thứ II, đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lê và tư tưởng Mao trạch Đông làm kim chỉ nam cho mọi đường lối chính sách của mình. Riêng tôi nói: sai từ đại hội Tours. Bà Bình không đồng ý. Vây mà sáng hôm sau, bà bảo tôi: chị đã suy nghĩ suốt đêm qua. Em nói đúng đấy!”.
Thật ra, hội nghị Tours chỉ mới là cơ hội để Hồ Chí Minh được mang hia mảo trình làng và nhờ đó lọt vào mắt của Lê-nin. Qua tháng3/1923, Hồ Chí Minh mới rời Paris, qua Nga làm gián điệp cho Staline. Và từ đây, Hồ Chí Minh mới thật sự làm người cộng sản hết mình hoạt động cho cộng sản. Vốn ít học lại tham vọng quá lớn, chỉ muốn làm quan, phục hận cho cha và bản thân gian khổ, Hồ Chí Minh chỉ biết say mê vũ lực cướp chánh quyền để cầm quyền. Khi nắm được quyền lực bằng mọi thủ đoạn thì chỉ lo giữ chặt chánh quyền bằng bất cứ giá nào, giết hại nửa triêu nông dân vô tội, dìm xã hội xuống đáy vực thẳm cũng làm không chút ngần ngại. Vụ vừa giết vừa bêu riếu Bà Năm Cát Hanh Long, người đóng góp lớn cho Việt Minh, là tấm gương chiếu rọi bản chất gian ác của CB, tức Hồ Chí Minh. Đám cầm quyền cộng sản đều ít học hoặc vô học, gốc nghèo đói, khi có quyền hành trong tay thì việc gì cũng dám làm nên hủy hoại văn hóa dân tộc, cướp bóc, vơ vét của dân đến cọng rau muống cuối cùng là thực tế ngày nay trên đất nước Việt nam. Cũng đều bắt nguồn từ Hồ Chí Minh từ sau hội nghị Tours.
Cho Hồ Chí Minh sai từ Hội nghị Tours là đúng nhưng bà và cả nhiều người cộng sản khác vẫn giữ im lặng tiếp tục phục vụ đảng cho tới chết! Có ai bất chợt suy nghĩ tại sao lại như vậy không?

Trên đời dễ có mấy ai
Số Nam kỳ tập kết ra Bắc sau 1954, phần lớn được cho đi các nước Đông Âu thuộc phe xhcn anh em để học nghề chuyên môn về khoa học kỷ thuật. Những người có học Trung học trong Nam rồi thì dễ học tiếp để trở thành kỷ sư thật sự. Vì cũng không thiếu bác sĩ “chẻ củi nấu cơm” ở bệnh viện hoặc kỷ sư “cầu đường” chuyên làm WC 2 ngăn theo Trung cộng. Hỏi tại sao thì được trả lời rất biện chứng “trong chế độ xhcn, công tác nào cũng là công tác phục vụ đảng”.
Thầy Bảy, tức Nguyễn văn Trân và người con trai Nguyễn Hồng Đăng là trường hợp điển hình về mẫu người Nam kỳ thiếu “ lý luận”, như Nguyễn Phú Trọng nói, nên theo cộng sản chỉ có tan xương nếu không, thì cũng sớm thân bại danh liệt mà thôi.
Bảy Trân không phải Nguyễn văn Trấn tuy hai người đều quê Cần giuộc, tỉnh Chợ lớn (trước 1954). Nguyễn văn Trân sanh quán ở Bình Đăng trên tỉnh lộ đi Gò công, vừa qua khỏi Cầu Nhị Thiên đường chừng 3,4 km là tới. Đi thêm 16, 17 km nữa là tới Quận Cần giuộc, cũng là quê hương của Cụ Nguyễn Đinh Chiểu, quê ngoại của Nguyễn An Ninh. Bình Đăng là cái nôi của Bình Xuyên. Bảy Viễn quê ở Phong Đước, cách Bình Đăng chừng 3,4 km nữa, về phía tay mặt cùng tỉnh lộ, hướng đi Cần giuộc (7 Trân đặt tên con là Hồng Đăng – Đăng để nhớ sanh quá “Bình Đăng”, Hồng là để nói mình là người cộng sản từ bên Tây lúc đi học).
Nguyễn văn Trấn, tác giả hồi ký “ Viết cho Mẹ và Quốc hội ”, quê ở Chợ Đệm, cũng thuộc Quận Cần giuộc nhưng nằm phía quốc lộ đi về Miền Tây qua ngã Phú Lâm. Cùng ở vùng này, có hung thần Trần văn Giàu chủ trương giết hết những người kháng chiến thật sự yêu nước nhưng không cộng sản để giành độc quyền lãnh đạo kháng chiến cho cộng sản.
Trở lại với Thầy Bảy, với giai thoại của Thầy và Ba Đăng. Ra Hà nội, ông theo học lớp bồi dưởng chánh trị việt nam ở trường đảng Nguyễn Ái quốc để chuẩn bị vào Trung ương đảng, đi làm Đại sứ ở Liên-xô. Tổng Bí thư Trường Chinh gìảng về lịch sử kháng chiến Nam bộ năm 1945 “ Tổ chức Thanh Niên Tiền Phong ở Nam Bộ trước kia là tổ chức phản động thân Nhật ”. Thầy Bảy đứng dậy nói: “Thanh Niên Tiền Phong ở Nam Bộ lúc đó do tôi cử Trần Văn Giàu đi gặp Phạm Ngọc Thạch để tổ chức ra nó. Tuy cái vỏ bên ngoài là của Nhật , nhưng cái ruột bên trong là của ta. Đồng chí không biết lịch sử Nam Bộ thì đừng nên giảng như thế ”.
Chỉ ít lâu sau , Bảy Trân nhận được quyết định về hưu lúc mới ngoài 50 tuổi” ( Lời Ai điếu, trg 213 -214).
Thầy Bảy có viết hồi ký về Nam kỳ kháng chiến. Thầy viết rất đúng sự thật của phong trào ở Nam kỳ từ cuộc khởi nghĩa năm 1940 nhưng không có nhà xuất bản nào dám xuất bản.
Sau 1975, Hồng Đăng có đem về Sài gòn tập hồi ký nhưng bây giờ hai người đều không còn nữa. Muốn tìm lại, không biết hỏi ai đây.
Ba Đăng làm Phó Chủ nhiệm Ủy Ban kế hoặch tỉnh Tây ninh, đi họp về cải tạo tư sản ở dinh Thống Nhứt, nghe Đỗ Mười định nghĩa “Cải tạo tư sản là cướp đoạt lại tài sản của giai cấp tư sản ”, Ba Đăng phản ứng “Người cách mạng không cướp của ai cả!”.
Thế là anh Ba phải về vườn như cha của anh đã cải lại Trường Chinh năm xưa ở Hà nội.
Cũng trong một Hội nghị Trung ương, một dân Nam kỳ khác là Dương Bạch Mai, học Luật ở Paris, theo cộng sản, về nước hoạt động cho cộng sản, phê bình “ Mao Trạch-đông là tên thổ phỉ, không thể nghe ông ta được ” trong lúc Lê Duẩn đi theo Mao vì, theo Duẩn, chỉ có Mao mới có vũ khí và dũng khí cách mạng chống lại Mỹ, và đủ trình độ lý luận để chống chủ nghĩa xét lại. Và Dương Bạch Mai lại không chấp hành nghị quyết 9 thì chỉ có chết mà thôi.
Về cái chết của Dương Bạch Mai, 2 ông Hoàng Minh Chính và Nguyễn văn Trấn tiết lộ, Trần Đĩnh kể lại trong “Đèn Cù, trang 225:
Nguyễn Văn Trấn rất kính trọng Dương Bạch Mai. Nói học Mai nhiều lắm. Học nhiều cả tiếng Pháp. Trấn cũng nói với tôi như Hoàng Minh Chính đã nói: Họ cho anh Mai uống bia có thuốc độc , chết chưa kịp buông cốc , ngay tại Quốc hội.
Lúc ấy , Hoàng Minh Chính nhờ Mai đưa lên Quốc hội thư ta nên tham gia vào lưới điện toàn phe của Comecom. Mai đưa xong thì phó chủ tịch Hoàng Văn Hoan chỉ ngay tay vào mặt phó chủ tịch Mai chửi “thằng phản động“. Sau đó, Hoàng văn Hoan trốn qua Tàu tỵ nạn và chết luôn ở bên quê hương cũ.
Ta lúc ấy đang hăng hái quyết một lòng nghe Trung quốc mà, ông chắc nhớ quá. Viết gì thì viết, thế nào cũng phải có đoạn nói về xét lại các ông, Trấn nói. Anh Mai bị mưu sát là cái chắc. Tuân Nguyễn ở Đài phát thanh làm bài thơ khóc Mai thì rồi bị bắt luôn. Có lẽ là người tù xét lại đầu tiên ở ta”.
Còn cán bộ người Bắc theo Liên-xô như Hoàng Minh Chính, Nguyễn Kiến Giang... bị đi tù, được Lê Đức Thọ gắn huy chương “ Các cậu ở tù cũng là tham gia chống Mỹ cứu nước”.
Năm 74 tuổi, đang nằm trên giường bịnh nghe Lê Đức Thọ nói, Nguyễn Kiến Giang giận dữ đã phải chửi thề.

Triệt tiêu Nam kỳ vốn là chủ trương của Hồ Chí Minh
Người trong cuộc biết cái bí ẩn của Nam Kỳ Khởi Nghĩa (22/11/1940). Không phải bỗng nhiên nhóm Thường vụ Trung ương đảng lẫn trốn ở Hóc Môn, Bà Điểm mà Pháp biết được và bắt trọn ổ. Đó chính là miền Bắc "chỉ điểm cho Pháp", vì muốn thanh toán sạch cái Trung ương đảng miền Nam để chỉ có Trung ương đảng Bắc Kỳ lãnh đạo. Họ mượn tay người Pháp để tiêu diệt cấp lãnh đạo gốc Nam Kỳ, như Võ Văn Tần, người Đức Hòa, Tân An, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ...
Từ đó, Hội nghị thứ 7 Ban chấp hành Trung ương đảng CS Đông Dương đưa Trường Chinh lên làm Tổng Bí thư Lâm Thời và đầu não cộng sản dĩ nhiên nằm tại Bắc Kỳ. Các đảng viên Bắc và Trung Kỳ chia nhau nắm giữ các chức vụ then chốt trong kháng chiến cũng như sau khi hòa bình. Đó là chủ trương thầm kín của Hồ Chí Minh. Sau khi Nhật đầu hàng, các phần tử trí thức Nam kỳ như Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Trấn, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo, Huỳnh Văn Tiểng, Ngô Tấn Nhơn, Phạm Ngọc Thạch,.. lập ra Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến Nam Bộ, muốn tách ra khỏi sự khống chế của nhóm đảng viên Trung và Bắc Kỳ để thành lập một quốc gia cộng sản Nam Kỳ. Không ngờ Hồ Chí Minh biết thâm ý này nên sai Cao Hồng Lĩnh, Hoàng Quốc Việt vào Nam bắt cóc Trần Văn Giàu, Dương Bạch Mai đem về giam lỏng ở Hà Nội.
Nhờ Nhựt đầu hàng, Duẩn ra tù Côn Đảo, được Hồ Chí Minh gọi ra Hà Nội nhận chỉ thị. Khi cuộc chiến tranh Việt - Pháp lan rộng ở Nam Kỳ, Hồ cử Lê Duẩn với chức vụ Bí Thư Xứ Bộ Nam Kỳ đi vào Nam. Đi theo Duẩn có Lê Đức Thọ. Hồ muốn Duẩn vào Nam để lãnh đạo cuộc kháng chiến. Những người Trung và Bắc từ trước đến nay sống ở miền Nam như Trần Văn Trà, Võ Quang Anh, Phan Trọng Tuệ, Nguyễn Kim Cương... được Hồ cất nhắc lên cấp chỉ huy. Năm 1951, khi Trung Ương Cục Miền Nam thành lập, Duẩn được cất nhắc lên làm Bí Thư Trung Ương Cục Miền Nam. Từ đó, Hà nội qua Duẩn nắm trọn miền Nam trong tay.
Vậy dân Nam kỳ khi làm cộng sản phải biết khôn, phải biết gột bỏ đi cái chất “Nam kỳ quốc”, và nếu còn muốn có chức có quyền, thì nên học lấy tư tưởng vĩ đại của Nguyễn Khắc Viện “Nóng không quạt, ngứa không gải, chọc không tức” mới mong may ra được yên thân vả thêm vài đồng bạc lẻ!
Nhưng sướng hơn hết là bán đất, bán nhà nếu còn, rút về quê, cất cái chòi lá ở cho mát mẻ, tì tì ba-xi-đế, sáng say, chiều xỉn. Nhớ chuyện thế sự, chửi thề vài ba tiếng rồi đi ngủ!

Nguyễn thị Cỏ May


 Lời ai điếu

Hồi ký Lê Phú Khải 

Tháng Năm 30, 2016 Tháng Chín 25, 2016 Báo chí
Đọc bản đầy đủ tại đây: Lời Ai Điếu

Lời ai điếu - Lê Phú Khải

Lời nói đầu

Có lần, bác sỹ Nguyễn Khắc Viện bảo tôi:
– Nhiều người khuyên Nguyễn Khắc Viện nên viết hồi ký. Nhưng tôi nghĩ, mình chưa một lần bị đi tù. Chưa một lần cầm súng ra trận thì có gì để mà viết hồi ký…
Cứ như lời ông Viện thì đời tôi, không đáng một xu, vậy có gì để mà viết hồi ký, hồi ức cho thiên hạ cười chê (!)
Nhưng bạn bè nhiều người lại khuyên Lê Phú Khải nên viết một cuốn hồi ký, không thì phí đi (!)
Chả là, trong lúc vui vẻ, tôi thường kể cho bạn hữu nghe những chuyện “cười ra nước mắt” của dòng họ tôi, hoặc những nhân vật mà suốt cuộc đời 40 năm làm báo tôi được tiếp cận, làm việc. Toàn là những “nhân vật lịch sử”, những chuyện đáng ghi lại. Mà những nhân vật đó lại không thích hoặc không có điều kiện để ghi lại. Bạn bè khuyên tôi nên viết lại những chuyện mà tôi biết…
Chẳng hạn, như chuyện ông nội tôi làm vaguemestre (nhân viên bưu chính) cho Toàn quyền Đông Dương như thế nào? Ông nội tôi theo Toàn quyền Maurice Long và vua Khải Định đi hội chợ Marseille năm 1922 và phiên dịch cho Khải Định trong chuyến đi ấy như thế nào? Hay là, chuyện chú tôi, tướng Lê Hữu Qua (Lê Phú Cường) có thời gian lái xe và làm garde-corps cho cụ Hồ những năm đầu Cách mạng Tháng Tám như thế nào? Hoặc, một người chú khác của tôi là nhà báo Lê Phú Hào làm phiên dịch cho ông Lê Đức Thọ và Kissingertại hội đàm Paris như thế nào? Hoặc chính tôi, từng tháp tùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong những chuyến đi công cán tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sau này, ông Kiệt thường kêu tôi đến nhà riêng khi ông đã thôi làm Thủ tướng, để nói chuyện, tạm gọi là “tâm sự” như thế nào? Hoặc chân dung những nhà đấu tranh dân chủ mà tôi có dịp tiếp kiến, giao du như Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Kiến Giang, Nguyễn Thanh Giang, Hà Sỹ Phu…
Những truyện trên không ai hay cả, nhưng là “những tư liệu quý” như bạn bè tôi nói, cần cho hậu thế đọc và suy nghĩ về một thời kỳ đáng nhớ của đất nước tươi đẹp nhưng đau khổ này! Bạn tôi, toàn những người khó tính, vậy mà họ lại thích thú nghe thì có lẽ cũng nên ghi lại thật. Và cũng chỉ người “quen tay” cầm bút mới đủ kiên nhẫn để ghi lại những trang viết này trong lúc thiên hạ đua nhau đi kiếm tiền bằng đủ mọi cách, kể cả các nhà văn chửi bới nhau để tranh một cái giải thưởng… vài trăm triệu lúc này! (5/2012)
Tôi thử kể một đoạn “hồi ký” dưới đây để bạn đọc yêu mến của tôi coi có được không? Bằng không thì hãy vứt ngay cuốn hồi ký này vào sọt rác… để khỏi rác nhà!

Trích:
… Tôi nhớ, vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, khi tổng bí thư (TBT) Lê Duẩn vô thăm tỉnh Tiền Giang. Ban thường vụ tỉnh ủy lúc đó đứng đầu là bí thư tỉnh ủy Chín Hải (tức Lê Văn Phẩm), và chủ tịch tỉnh Sáu Bình (Nguyễn Công Bình) dẫn TBT Lê Duẩn vô thăm vùng Đồng Tháp Mười thuộc địa phận Tiền Giang (90.000 ha). Đứng trước cánh đồng bao la bát ngát của vùng Đồng Tháp Mười, TBT Lê Duẩn chỉ tay về cánh đồng trước mặt, hỏi:
– Trồng những cây gì thế kia?
Bí thư tỉnh ủy Chín Hải lễ phép trả lời:
- Thưa tổng bí thư, đó là rừng tràm ạ. Bỗng mọi người sửng sốt khi nghe TBT quát:
- Ngu! Ngu! Sao không trồng lúa!!!
Trước cơn giận dữ của TBT vì sao tỉnh lại không trồng lúa ở Đồng Tháp Mười mà lại trồng tràm… thì mọi người chỉ còn biết chết lặng mà thôi. Ai dám cãi lại? Ai dám cả gan giải thích cho đồng chí TBT rằng, đất Đồng Tháp Mười là đất phèn nặng, chỉ trồng tràm là hợp nhất mà thôi. Từ lúc TBT quát tháo như thế, không khí của đoàn trầm lặng. Hầu như không ai nói gì cả. Khi TBT Lê Duẩn đi rồi, tôi nghe rõ tiếng than của bí thư tỉnh ủy Chín Hải:
- Ông Ba (tức Lê Duẩn) quay cờ rồi(!)
…Tướng Lê Hữu Qua là một người cương trực, mỗi lần tôi có việc gia đình phải lên Bộ Công An gặp ông, nhằm lúc ông vui vẻ, thường được ông kể cho nghe về những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám, mà theo lời ông, lúc đó tình thế cách mạng “nghìn cân treo sợi tóc”!
Ở Bộ Công An, tướng Qua là người ghét cay ghét đắng thứ trưởng Lê Quốc Thân. Theo ông, đây là một phần tử hèn nhát, cơ hội và gian manh. Chính ông Vũ Quốc Uy, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban văn hóa đối ngoại của Việt Nam cũng từng nói với tôi về sự hèn nhát của Lê Quốc Thân mà ông được chứng kiến khi Pháp tấn công quân ta đang cố thủ trong nhà hát lớn Hải Phòng hồi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông Uy kể: “Khi tất cả anh em tự vệ đang quyết chiến đấu với Pháp thì Lê Quốc Thân ngồi khóc và sợ quá… đái cả ra quần!” Vậy mà sau này ông ta leo lên đến chức ủy viên trung ương Đảng, thứ trưởng Bộ Công An.
Tướng Qua kể, lúc trúng ủy viên trung ương, thứ trưởng Lê Quốc Thân mỗi lần đến cục tôi làm việc (tức Cục Cảnh sát, Cục Trại giam mà tướng Qua từng làm cục trưởng) thường hoa chân múa tay nói huyên thuyên như “quan điểm” của tôi thế này, “quan điểm” của tôi thế kia… Lúc ấy, tôi nóng mắt lắm. Một hôm không chịu nổi nữa nhưng vẫn giữ sĩ diện cho “đồng chí thứ trưởng” nên lúc tan cuộc họp rồi, mọi người đã giải tán, chỉ còn tôi và thứ trưởng Thân do tôi mời lại. Tôi nói thẳng với ông ta: “Ngày còn ở An toàn khu khi thằng Đỗ Nhuận nó mới sáng tác được bài “Du kích sông Thao”, tối đến nó tập hợp anh em lại để hát thử. Khi nó xướng lên… “Hồng Hà”… thì mọi người ở dưới đều đồng thanh… “mênh mông”… Lúc đó anh chỉ bốc ngô rang ăn, đến nỗi thằng Đỗ Nhuận phải chỉ vào mặt anh nói Lê Quốc Thân “mênh mông” đi chứ, cứ bốc ngô mà ăn mãi thế!!! Chắc anh còn nhớ chuyện đó chứ…? Cái lúc anh bốc ngô rang trong chiến khu sao tôi không thấy anh có “quan điểm” gì… sao bây giờ mới được vô trung ương, anh lắm “quan điểm” thế! Lê Quốc Thân đỏ mặt rồi quay ngoắt đi thẳng. Từ đó y không bao giờ đến Cục tôi để nêu “quan điểm” nữa(!)”.
Tướng Qua là như thế. Tính nóng nẩy, cương trực, nên hay làm mất lòng cấp trên mặc dù công trạng đầy mình. Ông từng phá “Vụ án phố Ôn Như Hầu” nổi tiếng, cứu chế độ cộng hòa non trẻ sau CM Tháng Tám thoát hiểm trong gang tấc. Vậy mà sau này, từ chức vụ Cục trưởng Cục cảnh sát ông phải miễn cưỡng nhận chức Cục trưởng Cục lao cải – tức cục quản lý các trại giam, một chức vụ bị “cách ly” với các vấn đề an ninh ngoài xã hội, không còn liên quan đến toàn bộ hệ thống pháp luật, đến sự minh bạch, công tâm, trách nhiệm cao, thâm niên nghiệp vụ cao của người đứng đầu ngành cảnh sát quốc gia như chức vụ cũ của ông. Vậy mà cũng không yên. Tướng Qua kể khi ông Phạm Hùng làm phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Công An, một lần ông đến Cục trại giam và ra lệnh cho tôi thả một nữ tù nhân đang mang án chung thân. Tôi thưa với đồng chí Bộ trưởng, đây là chuyện pháp luật, tôi không dám. Ông Phạm Hùng nói “pháp luật do ta làm ra chớ(!)”. Tôi đành thưa, xin phép để cho tôi họp Đảng ủy Cục, xin ý kiến Đảng ủy. Ông Phạm Hùng trừng mắt hỏi “đồng chí bao nhiêu tuổi?” Tôi biết không xong rồi, và sau giây phút suy nghĩ , tôi đã trả lời một cách kiên quyết, chấp nhận mọi hậu họa “tôi ít tuổi hơn đồng chí”! Thế là hơn tháng sau, tôi nhận được quyết định nghỉ hưu (!)
Ông Phạm Hùng từng là một người anh hùng như tôi đã biết. Ông từng bị thực dân Pháp kết án tử hình. Trong khám tử hình, ông tỏ ra vô cùng anh dũng, được kính nể. Vậy mà khi có quyền lực không giới hạn thì tha hóa như thế. Đó là con đường của tất cả các lãnh tụ trong một chế độ toàn trị, mà trường hợp Phạm Hùng chỉ là một ví dụ nhỏ. Cả dòng họ Lê Phú của tôi, chỉ có mình tôi là được biết về lý do bị cho nghỉ hưu đột ngột của tướng Qua, vì ông chỉ kể cho có một mình tôi nghe trong một chiều “gió tím mưa xanh”.
Cuốn sách này là những mẩu chuyện như thế!

Nguồn: http://vanviet.info/van/hoi-k-l-ph-khai-loi-ai-dieu/

Đọc thêm:

Hồi ký Lê Phú Khải – Lời ai điếu (kỳ 2)

Hồi ký Lê Phú Khải – Lời ai điếu (kỳ 3)

Hồi ký Lê Phú Khải – Lời ai điếu (kỳ 4)

Hồi ký Lê Phú Khải – Lời ai điếu (kỳ 5)

Hồi ký Lê Phú Khải – Lời ai điếu (kỳ 6)

Hồi ký Lê Phú Khải – Lời ai điếu (kỳ 7)

Hồi ký Lê Phú Khải – Lời ai điếu (kỳ 8)

 
 
 

https://phanba.wordpress.com

 

Đăng ngày 10 tháng 03.2017