Print


Nguyễn Văn Phiên tốt nghiệp Kiến trúc Sư tại ĐH Kiến Trúc Sài Gòn.
Nguyên Giảng viên ĐH Kiến Trúc TP HCM (1976-1979).
Định cư và làm việc trong ngành Xây Dựng tại Canada và Hoa kỳ từ năm 1980.

 

 

Nhà xưa

Nguyễn Văn Phiên

"Những ngày gần đây, các chuyên gia về kiến trúc và văn hóa ở Huế tỏ ra tiếc nuối khi chứng kiến biệt thự hơn 100 năm tuổi tọa lạc ở số 5 Lý Thường Kiệt TP Huế (5) bị phá bỏ. Biệt thự mang kiến trúc Pháp, xây dựng đầu thế kỷ 20. Đây là một kiệt tác đặc trưng nền văn hóa,chính trị hay kiến trúc thời đó...".
Tình cờ đọc được bản tin trên, có lẽ không có gì đặc biệt đối với nhiều người nhưng nó đã làm tôi xúc động vì đó là ngôi nhà thời thơ ấu của tôi và của các anh em của tôi.Chủ nhân của ngôi nhà này là Ba tôi, người đã dựng nên sự nghiệp bằng hai bàn tay trắng.
Nếu nói Ba tôi xuất thân từ một anh thợ may ngoài chợ Đông Ba có lẽ không ai tin nhưng đó là chuyện có thật và Ba tôi đã vươn lên từ thấp kém nhọc nhằn nhất để đi đến thành công...muốn được vậy cái chìa khóa mà Ba tôi đã sử dụng là "không bao giờ bỏ cuộc khi thực hiện ước mơ của mình"
Ngôi nhà tọa lạc trên đường Lý Thường Kiệt TP Huế(1). Đường này hình thành vào cuối thế kỷ 19, cùng thời với việc người Pháp xây dựng Tòa Khâm sứ Huế, năm 1908 sát nhập vào thành phố. Từ 1945 trở về trước là đường Chaigneau (Rue Chaigneau). Dân gian quen gọi là đường Mù U. Sau năm 1956 đổi, đặt lại tên mới là đường Lý Thường Kiệt cho đến ngày nay. Đường Lý Thường Kiệt hiện trồng nhiều cây bằng lăng, đến mùa hoa tím nở tuyệt đẹp, nên cũng được gọi là đường Bằng Lăng.
Con đường LT Kiệt nối dài về phía sông Hương thì sẽ băng qua đường Hà nội (2) và nếu tiếp tục thì sẽ đỗi thành đường Hoàng hoa Thám và dừng lại ở đường Lê Lợi.
Đường Hà Nội hình thành vào cuối thế kỷ 19, cùng thời với việc người Pháp đóng Tòa Khâm sứ tại Huế. Trước 1945, đường mang tên Henri Rivière (Rue Henri Rivière); trước năm 1976 là đường Lê Thánh Tôn.
Đường Lê Lợi có từ đầu thế kỷ 19, cùng thời với việc lập các trại thủy sư nhà Nguyễn đóng ở bờ Nam sông Hương. Từ 1943 trở về trước, người Pháp đặt tên là đường Jules Ferry (Rue Jules Ferry), dân gian thì gọi là đường Thủy sư; giữa năm 1943, cắt đoạn từ cầu Trường Tiền đến Đập Đá đặt tên đường Graffeuil (Rue Gaffeuil); đoạn còn lại vẫn mang tên Jules Ferry. Năm 1956 gộp hai đoạn làm một đặt tên là đường Lê Thái Tổ. Sau năm 1965, đổi thành đường Lê Lợi cho đến ngày nay. Dân gian vẫn gọi là đường Tòa Khâm. Đường Lê Lợi có vị thế đẹp nhất của thành phố Huế, với gần 60 cây cổ thụ còn lại của Huế xưa.
Cách nhà xưa của tôi không xa là cửa hàng bách hoá Chaffanjon,sau đó là Trung Tâm Sinh Viên Xavier, nằm trên đường LTK và đường Hà Nội bây giờ.


 
Cửa hàng bách hóa Chaffanjon ở Huế năm 1950, một chi nhánh trong chuỗi cửa hàng thực phẩm - đồ tiêu dùng nổi tiếng của anh em nhà Chaffanjon ở Việt Nam thời thuộc địa. Ảnh: Aavh.org. Các số 1,2,3,4,5 là các vị trí liên quan đến bài viết.

Năm 2000 khi về thăm lại Huế,em tôi đã mướn phòng cho tôi tại một khách sạn ở An Cựu. Một buổi sáng,theo thói quen tôi thường chạy bộ, nhất là trong thời gian này tôi tự huấn luyện chạy bộ 10 cây số để tham dự "Bolder Boulder " được tổ chức chạy đua đường trường (Marathon), ở Boulder, tiểu bang Colorado vào dịp lễ "Memorial Day". Tôi quyết đinh chạy qua ngôi biệt thự 5 Lý Thừơng Kiệt Huế.
Lúc này nơi đây đã biến thành khách sạn nhỏ nhưng vẫn chưa có gì thay đổi nhiều. Khi tôi xin được vào thăm thì rất may ngừơi điều hành khách sạn vui vẻ chìu ý tôi, mừng quá tôi vội đi xem khắp nơi, từ đằng trước đến đằng sau rồi vào trong nhà, lên lầu qua mọi phòng...
Mỗi nơi là một kỷ niệm. Phía trứơc nhà là đại sảnh với những cây cột Dorique mà thầy PV Thăng, KTS Giáo sư giảng dạy tại ĐH Kiến Trúc Saigon, đã đề cập đến trong Kiến Trúc Cổ Điển.
Phía trên là một ban công rộng với lan can màu trắng, kế đó là một phòng rất rộng, trước đây Ba tôi dựng lên bàn thờ Phật rất trang nghiêm như một cái chùa nhỏ. Ôn Nội tôi đã dạy tôi cách tụng kinh, đánh chuông và gõ mõ ở đây.
Phía sau là một hành lang dài nối liền tòa nhà chính và bếp và phòng ngủ cho người giúp việc và cuối dãy phòng đó là chỗ ở của gia đình anh chị tôi. Gần bếp là một sân nước, O Gấm người cùng làng, phụ giúp việc nấu ăn hay ngồi ở đây để bằm ớt đỏ cho mấy con nhồng (parrot) ăn, không hiểu sao ớt càng cay, nhồng càng nói nhiều.
Tôi đã được mẹ tôi dẫn đi học trường Jeanne D'arc và tiểu học Lê Lợi không xa nhà cho lắm. Bên cạnh nhà là sân chơi tennis(4) và một lò bánh mì Pháp(3) nổi tiếng ở Huế.
Tôi học trường Jeanne D'arc này một thời gian ngắn, chỉ vài năm của thời thơ ấu. Cái thuở nói còn lắp bắp, đi đứng chạy nhảy còn chưa vững. Thế nhưng kỷ niệm về ngôi trường ngày ấy vẫn luôn quay về trong trí nhớ của tôi. Tôi đã được các Soeurs săn sóc rất chu đáo,lo từng buổi ăn và giấc ngủ trưa.
Mỗi ngày tôi được thưởng thức mùi thơm từ lò bánh mì sát bên cửa hàng bách hóa Chaffanjon, lò bánh mì sản xuất nhiều loại bánh Tây nhưng tôi thích nhất là bánh Croissant có lạp xưởng bên trong. Ôi mùi bơ Tây, mùi bột nướng, rồi mùi thơm của những lát lạp xưởng bên trong Croissant thật là tuyệt cú mèo.
Mỗi lần nhìn lại tờ khai sanh của tôi thấy địa chỉ 5 Lý Thường Kiệt Huế làm cho tôi bồi hồi xúc động với những kỷ niệm của thời ấu thơ.
Ngôi biệt thự cổ ngoài 100 tuổi đó đang được chủ nhân là Công ty CP đầu tư kinh doanh nhà Thành Đạt cho tháo dỡ để mở rộng quy mô cho khách sạn Heritage.


 
Ngôi biệt thự khi chưa phá dỡ. Ảnh: Thanh Niên

Việc tháo dỡ này đã gây sự quan tâm của người dân Huế, bởi một năm trước (tháng 5-2016), khi chủ đầu tư có công văn đề nghị cho tháo dỡ thì đã có nhiều ý kiến đề nghị cần phải nâng cấp để bảo tồn, vì ngôi nhà này có nhiều giá trị về kiến trúc và lịch sử.
Sở Xây dựng Thừa Thiên - Huế cho biết theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Huế đến năm 2030 thì ngôi biệt thự này không nằm trong danh sách các công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu, và đường Lý Thường Kiệt không nằm trong các tuyến du lịch kiến trúc Pháp.
Công trình này cũng không phải là di tích lịch sử, lại xuống cấp nặng nề. Trung tâm kiểm định xây dựng Thừa Thiên - Huế đã kết luận: Công trình hết tuổi thọ, xếp loại nhà nguy hiểm cấp C, không đảm bảo cho việc cải tạo. Vì vậy, Sở Xây dựng nhận thấy việc tháo dỡ công trình này là phù hợp nhằm đảm bảo an toàn sử dụng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và góp phần chỉnh trang kiến trúc cảnh quan khu vực đô thị.


 
Biệt thự cổ hơn 100 năm bị phá bỏ. Ảnh: T.L.

Trong khi đó, TS.KTS Trần Đình Hiếu, Trưởng Khoa kiến trúc Đại học Khoa học (Đại học Huế), cho rằng, biệt thự hơn 100 năm ở đường Lý Thường Kiệt là một kiệt tác thời kỳ Pháp thuộc, đặc trưng cho nền văn hóa, chính trị hay kiến trúc thời đó.
"Ngôi biệt thự như vậy mà đập bỏ đồng nghĩa với việc dấu ấn lịch sử bị phai mờ. Nét đặc trưng thời kỳ đó mà công trình ghi giữ không còn nữa, đặc biệt ở Huế", ông Hiếu nói.
Tuy nhiên, đó chỉ là số rất ít công trình được quan tâm tu bổ, hiện còn rất nhiều công trình kiến trúc Pháp bị xuống cấp và đứng trước nguy cơ mai một. Theo thống kê, năm 2000 trên địa bàn TP Huế có khoảng 240 công trình kiến trúc Pháp. Thế nhưng, con số này đang giảm dần và giảm khá nhanh. Năm 2017, một biệt thự kiến trúc Pháp tại số 5 Lý Thường Kiệt cũng bị đập bỏ dù công trình này chưa xuống cấp nghiêm trọng. Sự việc đã khiến nhiều nhà nghiên cứu, các chuyên gia cũng như cộng đồng địa phương “tiếc nuối”. Việc bảo tồn và phát huy giá trị các công trình kiến trúc Pháp vẫn chưa được chú trọng. Chính điều đó đã đặt ra vấn đề cần phải bảo tồn hệ thống công trình này như thế nào trong tình hình phát triển đô thị hiện nay.
17 năm trước, báo Tuổi Trẻ đã lên tiếng báo động về số phận hết sức mong manh của quần thể kiến trúc Pháp mà người Huế bao đời vẫn quen gọi là khu phố Tây. Một đô thị được xây dựng theo kiểu phố phường của châu Âu (Quartier Européen) với đủ năm phong cách kiến trúc của Pháp ở Đông Dương, gồm một hệ thống công sở, dinh thự, nhà thờ, ngân hàng, bệnh viện, trường học, bưu điện, trại lính, sân vận động... ở Huế, với gần 60 cây cổ thụ còn lại của Huế xưa.
Riêng tôi, nếu nói rằng "công trình hết tuổi thọ,xếp loại nhà nguy hiểm cấp C," thì 95% ngôi nhà Pháp ở Phố cổ Hà Nội phải được tháo dỡ từ lâu... hơn thế nữa phải hiểu rằng công trình gia cư khác hẳn với công trình khách sạn, đem gia cư làm khách sạn để rồi xếp loại nhà nguy hiểm cấp C cấp F là không hợp lý.
Hơn nữa sự phát triển rầm rộ của ngành du lịch trong đó việc xây dựng khách sạn được ưu tiên hàng đầu nên vấn đề phá bỏ các công trinh Pháp vì xuống cấp chỉ là một cái cớ mà thôi.
Hy vọng sự đổi mới,sự phát triển làm cho Huế giàu thêm nhưng trong số khách du lịch, hơn 50 phần trăm là người con của Huế, họ sống tha hương khắp trên thế giới vẫn còn giữ những kỷ niệm của Huế xưa, không khỏi bàng hoàng thất vọng khi về thăm lại Huế và chứng kiến sự phá bỏ những kiến trúc, những di tích lịch sử bao nhiêu đời của Huế.

Nguyễn văn Phiên



Đăng ngày 10 tháng 05.2020