Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng...

le tan loc

Lê Tấn Lộc

Đã thấy xuân về với gió đông
Với trên mầu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong…

Thuở ấy… Juliette Xuân tuổi chưa đến độ trăng tròn, Roméo Linh vừa chập chững bước ra khỏi lứa tuổi bẻ gẫy sừng trâu. Qua khung cửa sổ đặc biệt hình “mắt bò”(oeil de boeuf), Juliette đang “ngước mắt nhìn trời”, thầm đếm nầy trăng, nầy sao…Cùng lúc, bên dưới lầu vọng nguyệt Roméo cũng đang ẩn mình sau giàn dạ lý hương, ngây người ngắm nhìn “đôi mắt trong” của thiếu nữ trông trăng!
Coi nhau như “hàng xóm” cũng được: Hai trẻ cùng học trường Nguyễn Đình Chiểu Mỹ tho, cùng “ở trọ, ăn cơm tháng” tại biệt thự số 8 đường Hùng Vương, con đường lúc bấy giờ chạy ngang cổng sau trường chúng đang theo học. Tuy chung trọ, chỉ cách nhau một trần nhà, nàng tầng lầu, chàng tầng trệt, nhưng gia chủ là một ông thầy quá nghiêm khắc, “nam nữ thọ thọ bất thân” nên Juliette đương nhiên bị liệt vào hàng công nương “kín cổng cao tường”, được canh giữ cẩn mật. Roméo mặc nhiên bị gò bó, canh chừng như một “chủng sinh” (séminariste). Và pension nuôi-học-trò nầy sinh hoạt như một “tiểu chủng viện”, cửa đóng then gài! Nhưng rồi giậu thấp rào thưa, làm sao ngăn được gíó đưa hương tình, nhứt là những lúc gió mùa xuân tới? ”Balcon” hàng xóm, cô hàng xóm…

Mùa xuân năm ấy… tôi bàng hoàng chạnh nhớ đã năm mươi hai năm qua! Mùa xuân năm ấy, sau hai lần học sinh bãi khóa, để tránh xáo trộn và tránh mọi mưu toan xách động chính trị khó lường, trường NĐC quyết định đóng cửa cho đến khi có lịnh mới. Roméo và Juliette bỗng nhiên, nhờ thời cuộc, được tháo cũi sổ lồng! Nỗi thương, niềm nhớ ấp ủ bấy lâu được dịp cùng nhau bày tỏ trong gió xuân về trên xứ sở của ruộng muối, của biển nhãn, của đồng lúa cò bay thẳng cánh Bạc Liêu, quê cha đất tổ của đôi thanh thiếu niên đang bỡ ngỡ trước ngưỡng cửa tình yêu thơ mộng, kỳ diệu. Nhưng hỡi ơi…Cuộc tình vừa chớm nở đã bị vợ chồng gia chủ ngôi biệt-thự-nuôi-học-trò lạm dụng uy thế làm thầy, làm cô chen vào bức tử, phân cách, chia xa đôi trẻ trong trắng yêu nhau. Bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu khổ nhục, đọa đày!...
Không rõ Roméo và Juliette có cùng “dìu nhau sang bên kia thế giới” chăng, nhưng họ tuyệt tích giang hồ từ đó. Cho đến…

Bốn mươi năm sau, nhân dịp “tìm dấu” Nguyệt Yến, một cố-nhân-văn-nghệ thời Collège de Vĩnh Long (tiền thân trường Tống Phước Hiệp), với sự trợ giúp của Kiệt-em tôi, cũng là một cựu C.V.L và cựu NĐC- bất ngờ, hết sức bất ngờ Roméo ngỡ ngàng trực diện với Juliette tại một quán cơm đường Monge dành cho sinh viên Việt Nam du học, từ giữa thập niên 50, một quán ăn mà có thời hai anh em Linh thường lui tới! Dưới đây là trích đoạn nhật ký, ngày 13 tháng 5 năm 1993 của Roméo Linh tại Bagnolet, vùng ven đô Paris:

«…Tôi bước vào quán ăn, nhìn dáo dác. Thực khách phần lớn là kiều bào VN, làm sao nhận ra cố nhân. Nàng chắc gì nhận ra tôi? Một thiếu phụ từ cuối quán bước tới, mỉm cười dang tay ôm tôi, rồi ôm Phước, người bạn đồng hành suốt đời của tôi :
-Tôi chưa nhận ra anh, thiếu phụ nói, nhưng nhìn ra chị Phước liền, dẫu tôi chỉ gặp chị một lần duy nhứt, hôm đám cưới anh chị… ba mươi mấy năm về trước!
Cố-nhân-văn-nghệ Nguyệt Yến dẫn chúng tôi đến bàn đặt trước giới thiệu với chồng mình, anh Trung.Tôi và Trung là bạn học cùng trường ở Mỹ tho, năm 1952. Sau đó, anh đi Pháp. Lúc qua Paris du học, tôi không có dịp gặp anh. Bốn mươi mốt năm bặt tin nhau.
Nhà hàng đãi chúng tôi một chầu Porto mừng anh em tái ngộ. Nghe đâu ông quản lý cũng là bạn chí thân với chồng Yến. Trung gọi thức ăn kèm một chai Bordeaux. Phước đạp chân tôi ngầm cản ngăn. Yến nói Phước cứ để tôi uống thoải mái vì hôm nay là ngày chót của tôi ở Paris. Yến đã cắt đi một phần ba bao tử mà Yến vẫn uống rượu như thường. Trung xác nhận ở nhà Yến thường uống rượu giải sầu. Trung không thường uống, chỉ uống khi thích uống hoặc khi có bạn bè.
Yến nói chỉ nhận ra tôi khi tôi cười. Tôi cũng nhận ra Yến khi nàng cười. Chưa nghe ai nói chỉ nhận ra nhau qua cái khóc! Trung cười nhắc chuyện vui lúc còn học ở Mỹ tho. Yến cho biết lúc tôi gọi điện thoại mà không gặp là đang lúc Yến bị sưng phổi, phải nằm bịnh viện. Tưởng đã vĩnh viễn ra đi nhưng số phần chưa tới. Ta nợ nần gì nhau…chăng?
- Cái choàng ôm khi nãy là cái ôm đầu tiên giữa Yến và tôi. Tôi nói với Trung và Phước.
Yến xác nhận từ lúc mới quen cho tới khi kẻ lấy vợ, người lấy chồng, tôi chỉ có viết thư chớ chưa hề nắm tay Yến, dù Yến và tôi đã nhiều lần đóng tuồng chung trên sân khấu học trò. Mà đó cũng chẳng phải là những tình thư. Cho tới bây giờ chắc Yến cũng chẳng rõ tôi muốn nói gì qua những lá thư đó: Chuyện trăng sao, mưa nắng, trích dẫn thi ca, lời hát hàm ý gợi nhớ kỷ niệm trình diễn trên sân khấu Collège de Vĩnh Long…Chẳng thấy dòng nào tỏ tình. Đời tôi là cả một bài thơ, Cả một bài thơ rũ bụi mờ, Cả một bài thơ không đầy ý, Là đời nghệ sĩ sống vì mơ… Tỏ tình kiểu nầy thì Yến đành chịu thua.Và tác giả thơ thẩn nầy cũng từ chết tới bị thương luôn!
Lúc nghe kể có lần quá tuyệt vọng vì mối tình câm, muốn tình nguyện đi lính, tôi đến giã từ Yến với cái đầu húi gần nhẵn thín,Yến cảm động cúi mặt :
-Tới giờ Yến mới nhớ lại và cố gắng tìm hiểu tình cảm của Yến đối với anh lúc đó…
Yến gợi lại nhiều kỷ niệm văn-nghệ-phát-thưởng-học-đường, đặc biệt nhắc nhớ lần nàng thủ vai Liễu Nhi, tôi, Ngô Quyền trong một đoạn kịch dã sử trình diễn trên sân khấu Miễu Quốc Công Vĩnh Long. Lúc nhận được bản thảo Gối rơm của tôi, liên tiếp mấy tháng nàng đã sống lại quãng đời chỉ có thơ, nhạc trọn chiếm tâm hồn nàng.
-Hôm nay gặp lại anh, Yến đột nhiên vỗ đầu mình nói, có một chuyện rất quan trọng muốn thông báo mà tự nãy giờ xúc động quá Yến quên tuốt. Anh đi theo Yến!
Nàng dẫn tôi đến gặp cô thâu ngân, hỏi tôi có nhớ cô đây là ai chăng. Thấy cô quen quen tôi đoán chừng có thể cô là một trong những mầm non văn nghệ năm xưa ở Vĩnh Long, có thời ngưỡng mộ mình, nên hỏi chận đầu cô có nhớ Nguyễn Trãi, vai tôi thường đóng lúc còn học Collège de Vĩnh Long chăng. Cô chỉ mỉm cười, lắc đầu. Yến quay sang cô thu ngân hỏi cô có nhớ anh chàng đang đối diện với cô là ai chăng. Cô tiếp tục mỉm cười, lắc đầu. Yến chỉ tôi,nói với cô:
-Là anh Linh đó!
Tôi thấy cô sững sờ giây phút. Yến chỉ cô, nói với tôi:
-Là chị Xuân đó!
Tôi ngửa cổ lên trời, vỗ trán, lắp bắp :
-Trời hỡi! Rồi gục mặt xuống quầy thâu ngân, ôm đầu thinh lặng thật lâu…
Khi tôi ngẩng mặt lên, miệng cười của Người Hoa không còn rộng mở nữa. Yến đã lặng lẽ rút lui cho Lan và Điệp lệ sầu tuôn mấy lượt! Tôi hỏi lại nàng:
-Là Xuân, là Juliette Xuân đây sao?
Nàng hỏi lại tôi:
-Là Linh, là Roméo Linh đây sao?
Cả hai chúng tôi đều không còn nhận ra nhau được nữa sau bốn mươi năm bị cưỡng bách bức rời!
Trước đây, Kiệt cho tôi biết hình như Xuân đang ở Paris. Hôm nay hẹn với Yến, ngoài mọi dự tính, tình cờ Xuân và tôi lại…trùng phùng! Sao tôi cứ bị rơi vào tình thế khó xử thế nầy mãi? Nơi bàn ăn một cố nhân đang đợi. Sau quầy hàng một cố nhân khác đang chờ...Chưa kể “cố nhân” Phước hiện diện rõ nét dưới dáng dấp nha-sĩ-chuyên-cà-răng-ông-chồng hư đốn! Chẳng còn biết đường nào mà lần!
Xuân-cố-nhân ngày xưa cùng học trường NĐC và cùng trọ với tôi tại pension thầy Kiết. Thuở ấy nàng mới mười bốn, tôi vừa mười tám, chỉ biết hồi hộp len lén nhìn nhau. Cũng có thư qua thư lại, nhưng có tỏ tình hẵn hòi nhưng chưa hề nắm tay nhau. Rồi thầy Kiết bắt được thư trao đổi. Ông áp lực Ban Giám đốc buộc tôi phải chuyển sang trường Phan Thanh Giản (CầnThơ) và thúc ép gia đình Xuân đem nàng về Bạc Liêu, tiếng là để đày đọa!
Hoa tình vừa hé nụ đã bị bàn tay xương xẩu của gia chủ pension đoạn đành chém đứt phăng, cho giẫy chết tức tưởi dưới móng vuốt bén nhọn của giai-nhân-mắt-ươn-ướt, phu nhân của ông thầy “kính yêu”, vốn được tôn sùng như rất ư là đạo đức kách mệnh! (quả thật, sau Tết Mậu Thân, ông theo VC, giữ chức Tổng trưởng Giáo dục cho MTGPMN. Ai ai cũng bất ngờ; tôi thì không).
Rời Xuân, tôi đến với Yến. Rời Yến, tôi trở lại với Xuân. Phước dõi mắt theo tôi như theo một quả banh tennis bay qua lượn lại trên lưới chắn sân quấn vợt. Dám trặt cổ lắm!
Cuối cùng Xuân đến ngồi với chúng tôi khi hết giờ giữ két. Tôi đỡ mỏi chân, Phước đỡ nhức mắt. Nhưng bây giờ tôi phải đối đầu với tam nương! Trung rất tâm lý : khi tôi nói chuyện với Yến, Trung gợi chuyện với Phước và Xuân; lúc tôi bắt chuyện với Xuân, Trung tìm cách thu hút sự chú ý của Yến và Phước về mình. Với Yến tôi có nhiều hồi ức văn nghệ nhẹ nhàng nhưng sâu đậm. Với Xuân tôi tích tụ vô số hoài niệm thương động về mối tình thơ mộng đột ngột chấm dứt trong xót xa dai dẳng: Một trong những cuộc tình không tới đã lưu lại vài nếp nhăn li ti như vết chân chim trong tiềm thức thương đau luôn đánh động tâm can tôi mỗi lần gợi nhớ; những chuyện tình học trò hồn nhiên lãng mạn, thanh trong thơ ngây, chưa đủ lớn để biết khôn vặt hầu…toan tính chuyện lọc lừa !
Tôi nhắc lại những lần Xuân và tôi, mỗi đứa đạp xe đi một hướng để đánh lạc hướng sự theo dõi của thầy Kiết và đám đệ-tử-trung-kiên-chuyên-rình-rập-báo-cáo của ông, rồi rón rén vòng xe lại gặp nhau ở điểm hẹn chùa Vĩnh Tràng, đứng xa xa nhìn nhau năm ba phút, vẫy tay chào nhau. Xong, lại đạp xe mỗi đứa một hướng trở về nhà trọ.
Xuân ở lầu trên với ông thầy, bà cô. Tôi, tầng dưới với Thứ và các nam trọ sinh khác. Ngoài Hoa, biệt lệ, những nữ trọ sinh còn lại, tuy ở cùng tầng với phái nam vẫn được “nhốt riêng” trong một phòng, bế môn tỏa cảng nghiêm nhặt! Mỗi lần muốn trao thư cho nhau, Hoa bỏ thư nàng vào “ca” đánh răng của tôi và tôi bỏ thư cùa mình vào ca đáng răng của nàng. Tất cả ca đánh răng của trọ sinh được tập trung trên một cái kệ treo gần hồ chứa nước rửa mặt.
Cho tới khi bị phát giác, những lá thư tôi viết, trên chữ ký bao giờ cũng có câu: “Kính cẩn quỳ dưới chân Hoàng hậu và xin được phép hôn tay Nàng”…Một câu viết hết sức romantique như vậy lại là cái cớ để thầy Kiết tra vấn tôi suốt cả tháng, hăm he truy tố tôi ra tòa về tội dụ dỗ gái vị thành niên! Một câu viết đã được tôi ghi lại trong nhựt ký và đã ảnh hưởng sâu xa đến Kiệt: khi còn nhỏ, cậu em út của tôi đã học thuộc lòng với ý định lớn lên sẽ theo gương anh mình đi tìm “Hoàng hậu của lòng anh”, quỳ xuống kính cẩn hôn tay…
Sau nầy, khi đã “lão-thành-thành-lão” trong tình trường, hai anh em vẫn còn nhiễm cái bịnh “quỳ dưới chân” nhưng là dưới chân “yêu nữ” lúc vừa ngà ngà. Và thay vì hôn thì…”gậm nhấm” tay người đẹp khi đã chếnh choáng! Cái tật gậm tay nầy khá phổ quát trong lớp tuổi sồn sồn vẫn còn thích ga-lăng…
Với Xuân-thuở-trăng-tròn-mộng, tôi chưa hề dám chạm tay nói chi tới nắm, chưa hề nắm nói chi tới hôn tay. Thế mà vì một câu hôn tay (tưởng tượng) viết trong tình thư tôi đã suýt thân bại danh liệt!
Bọn chúng tôi cười hả hê với cái màn gậm nhấm tay mỹ nhơn. Kỷ niệm nầy lôi hoài niệm khác. Mãi lo ôn dĩ vãng chúng tôi quên ăn. Vào quán một giờ trưa, bây giờ đã bảy giờ tối! Tôi đọc cho Xuân một đoạn thơ tôi viết lúc ngồi tù cải tạo về mối tình hai đứa tan vỡ trong uất ức. Xuân ứa lệ, tôi lặng lẽ cúi đầu.
-Bây giờ, mỗi lần nhắc kỷ niệm xưa chúng ta phải lấy chục năm làm đơn vị, tôi nói. Xuân có vẻ mạnh khỏe hơn Yến đấy. Nầy Yến, có một bài thơ mà tôi nghĩ Yến chưa chắc đã đọc qua vì tôi ghi trên tấm lá chắn kẹp trong quyển sách mượn đọc xong đem trả lại Yến. Tấm lá chắn “đề thơ” có lẽ vẫn nằm yên trong quyển sách đó hơn bốn mươi năm, nếu Yến vẫn còn giữ nó. Thôi thì để tôi đọc cho Yến nghe vậy: Thư không nói hết nỗi niềm, Rượu không quên được càng thêm tủi sầu. Nhạc buồn dăm đứa cúi đầu, Nghe đau kỷ niệm nhớ câu ân tình. Đêm đêm mình lại với mình, Ôn trong dĩ vãng những hình bóng xưa…

Lúc chia tay, choàng ôm Yến tôi nói với Trung:
-Lần thứ hai!
Yến, Phước, Trung cũng quyến luyến ôm nhau hẹn ngày tái ngộ. Ra tới cửa, tôi dừng lại ở quầy thâu ngân nắm tay Xuân nói:
-Lần đầu nghe Xuân! Rồi choàng ôm nàng từ biệt
-Cũng là lần đầu, phải không Xuân?”
Anh Hữu, phu quân của Xuân, quản lý quán ăn bắt tay tôi, nói đùa:
-Vậy anh và tôi là tình địch rồi!
Tôi cười, hỏi:
-Nếu vậy, Trung và tôi, Xuân, Yến, Phước cũng là tình địch sao? Không đúng. Kẻ đến trước, người đến sau thì đâu thể là tình địch!
Mọi người đều vui vẻ cười rồ. Xuân nói với Phước:
-Anh Linh có phước gặp được chị và ăn ở bền lâu. Chị có phước gặp anh Linh vì tới giờ ảnh vẫn ở bên cạnh chị. Dạo nầy ảnh còn đa sầu đa cảm không hả chị?
Phước mỉm cười trả lời:
-Lúc ở tù cải tạo ảnh có lén lút viết thư cho mấy nàng. Ra tù ảnh còn đi tìm cố nhân. Từ lúc bỏ nước qua đây tới nay, ảnh tu!
Tôi cười thầm: “Đúng. Tu…chai!”

Tôi ôm Xuân lần thứ hai, như sẽ chẳng bao giờ còn ôm nàng lần nữa. Cho anh hôn nhẹ triền môi ấy, Đời hết yêu thì thôi thương đau. Tôi ôm Yến lần nữa, như lần cuối, với ý nghĩ nàng có thể vĩnh viễn ra đi bất cứ lúc nào. Anh không cất tiếng mà nghẹn ngào dâng nước lụt, Anh nghiêng mình nguyệt bạch vỡ trên vai, Ôm em vào lòng tình ái nát trong tay, Anh thèm khát mê điên hằng hà sa mạc…
Nắm nuối, bịn rịn, bước đi nhưng chưa nỡ rời…

Rồi từ đây xa nhau bốn phương, Người tình ơi thôi hết mong chờ, Người tình ơi thôi hết đớn đau, Lệ sầu rơi tuôn ta cố ngăn, Tấm can tràng đành chịu nát tan... Tôi hát nhỏ bài ca thuở mới biết yêu, người lâng lâng…Đột nhiên tôi thấy lồng ngực bên trái đau nhói, mọi vật chung quanh như đang quây cuồng. Tôi lảo đảo, toát mồ hôi lạnh, hoa mắt…cố hết sức leo con dốc dẫn tới một cao ốc mười lăm từng trong khu chung cư Bagnolet. Đường về Kiệt Tấn sao mù mịt, Ngày cuối Paris, lạc lối về… …»

Tôi ngủ thiếp lúc nào không hay biết trên chiếc võng mắc trước patio.Tôi choàng tỉnh theo tiếng chim ríu rít vỗ cánh đuổi bắt nhau, lay động những ngón tay hường đan vào nhau của hai rặng anh đào chạy dọc hai bên lối đi dẫn tới cửa vào chung cư “Ven Sông”. Mùa hè vẫn còn nguyên vẹn đó. Vài con ong theo cửa sổ mở bay lạc vào nhà. Cây trong nhà đã trổ bông. Nắng hực nóng.
Tôi nhủ thầm: “Anh đào hai bên đường trổ bông đặc gật. Pierrefonds hay Bagnolet?” Hình như tôi đã qua một giấc mơ thật dài…
trời sẽ tối tiếc thương rồi sẽ hết
trời tháng giêng tháng bảy buồn như nhau
hãy nằm im
và đừng hỏi tại sao
hình như là chiêm bao…

Thôn trang Rêu-Phong, Xứ Tuyết, cuối thu…
Lê Tấn Lộc

 

Đăng ngày 12 tháng 08.2015