KHÂU ĐÍT CHUỘT

Từ Thức

Tôi nhớ suốt đời một buổi ngồi coi TV với một gia đình người Pháp. Một phóng sự về ẩm thực VN. Một ông đầu bếp cầm dao, rạch bụng con rắn quằn quại, lấy máu, uống và mời khách.
Ông ta cười cợt, hãnh diện như vừa thực hiện một kỳ công , trước con mắt hãi hùng của người làm phóng sự. Ông chủ nhà người Pháp nhăn mặt, bà chủ nhà che mắt không dám nhìn . Nếu nền nhà không bằng xi măng, tôi đã đào một cái hố chui xuống cho đỡ xấu hổ. Lại thêm một cơ hội muốn chối không phải là người Việt.
Những cảnh bạo lực trong xã hội VN càng ngày càng nhiều trên Internet, trên Facebook . Những cảnh ẩu đả tàn nhẫn, trẻ em bị đối xử dã man, bị bắt nhịn ăn, phơi nắng, học sinh kéo bầy đánh đập một cách hung bạo một em nhỏ yếu ớt hơn, công an tàn nhẫn với dân thấp cổ bé miệng, người ta chửi nhau thậm tệ, thượng cẳng tay, hạ cẳng chân, sau một tai nạn lưu thông hay một chuyện bất đồng.
Ở các nước Tây phương, thỉnh thoảng người ta đưa những vidéo về cảnh súc vật bị đối xử dã man trong các nhà hoả lò. Những vidéo này chiếu trên TV, gây phẫn nộ, hoả lò bị đóng cửa, ban giám đốc bị cách chức.
Ở VN, người ta đưa những hình ảnh tàn bạo, dã man, không phải chỉ giữa người với vật, mà giữa người với người. Và đưa lên Internet, ít khi để tố cáo, nhiều khi để khoe khoang một hành động vẻ vang, anh dũng. Cảnh một tên lỗ mãng, cầm gậy đập đầu con chó dẫy đành đạch, cắt tiết, uống máu trước máy quay phim. Cảnh một đàn xúm lại đạp vào đầu, vào mặt một cô bé, một chú bé gầy yếu. Cảnh ông chủ nắm tay đấm mặt một cô bé sưng vù, trước sự hỗ trợ, tán thưởng của gia đình, vì cô bé ăn trộm tiền, đưa lên facebook, với dòng chữ: "hãy nhớ mặt con chó này". Và thiên hạ chuyển đi, thú vị như chuyển một bài thơ, một tác phẩm nghệ thuật.
Ở những xứ có văn hóa, luật pháp cấm đưa hình, đưa tên những vị thành niên trên báo, dù tội nặng tới đâu. Để đương sự có cơ hội làm lại cuộc đời. Ở VN, người ta đưa hình những cô gái, nhiều khi vị thành niên, bị bắt về tội mại dâm lên báo, lên mạng, với những lời bình phẩm độc ác, thô bỉ, khiến gia đình nhục nhã và nạn nhân phải tự vẫn. Những cô gái bán mình để nuôi thân, nuôi gia đình ở cái tuổi, tại một xứ khác, chắc chắn còn cắp sách đi học, đi coi hát, đi du lịch, chạy nhẩy, cười đùa với bạn bè
Những người đã rời quê hương từ nhiều năm không tưởng tượng đất nước mình sa đọa đến như vậy. Người Việt có nhiều khuyết điểm, nhưng người ta vẫn nghĩ người Việt bản chất hiền lành, từ tâm, chất phác. Ngay cả cái tính tốt cuối cùng ấy cũng đã mất ? Người ta nói đến một xã hội vô cảm. Ghê rợn hơn cả một xã hội vô cảm, đó là một xã hội bất nhân.
Bất cứ một người bình thường nào, ở một xứ bình thường nào, cũng không có can đảm nhìn những video man rợ trên Internet, facebooks VN, nhưng người Việt ta coi, dửng dưng, thích thú, đồng lõa. Đối xử với nhau như vậy, trách gì người Tầu đối xử tàn bạo với anh em mình?
Lần đầu tôi có cái cảm tưởng ngỡ ngàng khi tiếp xúc với một nhóm học sinh du học. Một nhóm nữ sinh viên khả ái, thông minh, có kiến thức, có kiến thức hơn là tôi nghĩ , với cái thành kiến của những người đứng từ xa nhìn về. Tôi hỏi : các cô nghĩ VN sẽ có thay đổi gì không. Một cô bé, rất dễ thương, rất lễ độ, trả lời: "thưa chú, cháu nghĩ đéo có gì thay đổi. Đâu lại vào đó". Hai người sững sờ là tôi và một ông bạn đã xa nhà từ lâu. Những cô bạn của người phát biểu không bày tỏ một chút khó chịu. Đó là chuyện tự nhiên. Chữ "đéo" trở thành một chữ hàng ngày, rất bình thường, như chào ông, chào bà...
Sự bạo hành bắt đầu bằng ngôn ngữ. Tôi không chê trách cô bé. Tôi rùng mình. Nếu sống trong xã hội đó, giờ này tôi cũng ăn nói như vậy. Cũng nói với khách: Dạ, cám ơn, đéo muốn ăn cơm, còn no bụng quá. Tôi nhìn cô bé, rất dễ thương, ái ngại. Chúng ta chỉ là sản phẩm của xã hội, của môi trường sống.
Nhưng đó là chuyện nhỏ, so với cái văn hoá man rợ, người này trèo lên cổ người khác để sống. Hay chỉ để chứng minh mình hiện diện. Đạp mặt người khác chứng tỏ tôi hiện diện. Je cogne donc je suis (1).Tại sao có thể mất nhân tính đến như vậy? Bởi vì sống trong một xã hội độc tài, suốt đời bị chèn ép, bị áp bức, bị đối xử như con vật, người ta không có cách gì giải tỏa hơn là quay lại hành hạ những người yếu hơn mình. Lại càng kính nể hơn nữa những người sống trong xã hội chụp dựt đó nhưng vẫn giữ cái thiện, giữ lòng nhân ái.
Tất cả những nghiên cứu xã hội đứng đắn đều đi tới kết luận: những người có hành vi bạo hành thường thường đã là nạn nhân của bạo hành. Là nạn nhân, người ta có một trong hai thái độ. Hoặc đứng về phe kẻ yếu, tranh đấu chống bất công, nhưng rất hiếm. Hiếm, bởi vì phải có nghị lực và lòng bao dung phi thường. Hoặc để trả thù đời, trút lên đầu những người yếu hơn mình những cái mình đã phải chịu đựng.
Đó là cái vòng di truyền luẩn quẩn, bệnh hoạn ( cercle vicieux ) trong một gia đình. Trên tầm vóc quốc gia, một đại họa. Mỗi người theo hay chống chủ nghĩa CS vì những lý do khác nhau. Tôi từ chối chủ nghĩa CS trước hết vì lý do đó : nó làm tiêu tan cái đẹp của một xã hội tử tế. Nó đưa chúng ta lại gần với thú vật. Ở một xã hội văn minh, người ta kính trọng, lễ độ với mọi người, kể cả, nhất là, những người yếu hơn mình.
Trên Internet, người ta dạy cách trừ chuột hữu hiệu nhất, không cần thuốc độc, không cần bẫy. Mổ đít con chuột, cắt tinh hoàn của con vật, thay vào đó hai hạt đỗ tương, rồi khâu lại. Dần dần hạt đậu chương lên, con chuột đau quá, phát khùng, cắn đồng loại như điên dại. Đám chuột sợ quá, bỏ chạy, nhà hết chuột. Trước đây có một truyện ngắn, rất hay, tựa là "Khâu đít chuột", quên tên tác giả, nói bóng nói gió về một xã hội như vậy.
Người Việt ta là những con chuột bị thiến, bị khâu, nổi khùng, cắn nhau chí choé. Viết mấy giòng này, tôi nghĩ cả tới những người quá khích, chống bạo lực thì ít, chống nhau, hại nhau, chụp mũ nhau thì nhiều.
Chúng ta đều là những con chuột điên cuồng. Bao giờ mới ý thức được mình bị khâu, những người chung quanh cũng chỉ là nạn nhân bị khâu như mình. Và nhận diện những người khâu đít chuột, thực sự là những kẻ làm khổ mình, biến đời mình, đất nước mình thành địa ngục?

Từ Thức
Paris, 05 /2017

( 1 ) Je cogne donc je suis. Tôi đánh đập vậy tôi hiện hữu. Nhại câu nổi tiếng của Descartes, "Je pense donc je suis". Tôi suy nghĩ, vậy tôi hiện hữu.

 


Đây là loại vũ khí được Mỹ bán cho Việt Nam, dùng cho tàu Kiểm ngư hoặc cảnh sát biển. Nhưng nó xuất hiện trên xe 37 A tại Diễn Châu. Dùng vào việc gì? Khi Mỹ bán cho Việt Nam thì có hợp đồng và các nguyên tắc sử dụng vũ khí không? Mời anh Ted - Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho biết ý kiến nha!
Minh Giang

Không nên sử dụng loa LRAD trấn áp biểu tình bởi vì nó có thể làm thủng màng nhĩ người vô tội.
Loa LRAD do Mỹ sản xuất và không phải dễ bán cho bất cứ ai, rất nhiều nước muốn mà không mua được. VN được chuyển giao 20 bộ (nếu không lầm) để trang bị cho tàu cảnh sát biển. (chẳng biết trong thỏa thuận có chấp nhận dùng vào việc chống biểu tình không).
Điều này các người Mỹ gốc Việt có quyền yêu cầu Tổng lãnh sự hoặc chính phủ Mỹ trả lời, giải thích cho rõ.

* * *

Khám phá vũ khí đặc biệt của Mỹ

trên tàu cảnh sát biển Việt Nam

Ly Vy  (03/01/2014)


Với LRAD, các tàu cảnh sát biển của Việt Nam có thể phát âm thanh cảnh báo hoặc tấn công ở mức phi sát thương với các tàu đang xâm phạm trái phép.
Trong nhiệm vụ tuần tra trên biển, lực lượng cảnh sát biển luôn đối mặt với những tình huống phát hiện tàu nước ngoài xâm phạm trái phép vùng biển của quốc gia hoặc vi phạm pháp luật trên biển. Những trường hợp đối đầu như vậy đòi hỏi phải có các thiết bị phát thanh thông báo đến các tàu đang xâm nhập trái phép hoặc vi phạm pháp luật và ở mức cao hơn là phát đi tín hiệu cảnh báo mạnh mẽ nhằm ngăn chặn hành vi.

Vũ khí âm thanh LRAD 1000Xi

Thiết bị âm thanh tầm xa LRAD đóng vai trò như một thiết bị truyền phát âm thanh và vũ khí phi sát thương, được phát triển bởi tập đoàn LRAD của Mỹ. LRAD được sử dụng để phát đi thông điệp, lời cảnh báo hoặc chùm âm thanh gây hại hay gây đau đớn ở khoảng cách xa hơn so với các loại loa thông thường. Hệ thống LRAD được sử dụng cho nhiều nhiệm vụ như: tuần tra trên biển, chống cướp biển, giải tán biểu tình...
Điểm đặc biệt của LRAD là nó có thể truyền âm thanh một cách to và rõ ràng đến một vị trí mà không bị lẫn vào âm thanh xung quanh. Điều này giúp hạn chế mức độ nguy hại đến những người đang vận hành hoặc những người không có liên quan nhưng ở gần mục tiêu.

Thiết bị điều khiển của LRAD trên tàu CSB 8001 (Ảnh: FB GDQP)

Hiện nay, trên một số tàu cảnh sát biển Việt Nam đã được trang bị mẫu LRAD 1000Xi. LRAD 1000Xi có khối lượng khoảng 40kg, có thể phát chùm âm thanh định hướng ở khoảng cách lên đến 3000m tuỳ vào điều kiện môi trường. LRAD 1000Xi có thể phát ra mức âm hưởng tối đa 150dB với góc 30 độ, đây là mức âm hưởng vượt qua khỏi giới hạn, gây đau đớn cho con người (130dB) và đủ để gây thủng màng nhĩ.

LRAD 1000Xi được bố trí ngay trước ca bin của tàu CSB

Với việc được trang bị loại vũ khí âm thanh đặc biệt này, các tàu cảnh sát biển Việt Nam có thể phát âm thanh cảnh báo hoặc tấn công ở mức phi sát thương với các tàu xâm phạm trái phép vùng biển quốc gia.


Sự tàn nhẫn và vô nhân đạo

Bs Đỗ Hồng Ngọc

alt

Tôi không có dịp đi nước ngoài nhiều, nên không biết ở ngoài người ta có hệ thống chăm sóc sức khỏe cho lãnh đạo hay không. Nhưng nhìn từ góc độ y đức tôi thấy chuyện dành ra một tài khoản và ban bệ chỉ để lo chuyện sức khỏe cho lãnh đạo thật là vô minh.
Thời còn làm trong bệnh viện nhà nước tôi chứng kiến nhiều cảnh đau lòng. Thường dân không có thuốc phải nằm chờ chết. Cán bộ cao cấp thì được lệnh mua thuốc ngoại, giá bao nhiêu cũng được duyệt.
Thường dân nằm la liệt hành lang bệnh viện. Cán bộ nằm phòng có máy lạnh. Đó là thời 79-85. Nhưng thời nay cũng chẳng có gì khác. Cũng như giữa giàu và nghèo, khoảng cách giữa dân và quan càng ngày càng lớn. Quan thì giàu, dân thì nghèo.
Người ta nói một chuyện làm một chuyện khác. Nói xóa bỏ giai cấp, nhưng lại tạo nên một giai cấp ăn trên ngồi trước. Nói là đầy tớ nhân dân, nhưng trong thực tế là cha mẹ nhân dân. Ngôn ngữ dưới thời XHCNVN không còn ý nghĩa thật của nó nữa!
Sài Gòn có bệnh viện Thống Nhất dành cho lãnh đạo. Nhưng ít ai biết rằng bất cứ tỉnh nào cũng có một khu trong bệnh viện chỉ dành cho lãnh đạo. Phải bao nhiêu tuổi đảng mới được nằm ở các khu đặc trị đó.
Tôi không có vinh dự điều trị cho các vị lãnh đạo vì tôi đoán lý lịch của mình không “sạch” mấy (do học y thời trước 75). Nhưng tôi được biết đồng nghiệp điều trị cho các lãnh đạo than trời lắm. Họ nói các vị lãnh đạo coi bác sĩ chẳng ra gì, đối xử với bác sĩ như là cấp trên và cấp dưới. Chán lắm. Bực tức lắm. Nhưng nhiệm vụ và y đức thì phải làm, chứ chẳng ai ham làm trong các khu đặc trị cho lãnh đạo cả.
Thật ra, mấy khu đặc trị là những khu nguy hiểm trong bệnh viện. Dù trang bị tốt hơn các khu khác, nhưng tử vong vẫn cao trong mấy khu đặc trị. Lý do đơn giản là bác sĩ chẳng dám quyết định gì cả. Cái gì cũng hỏi cấp trên.
Có lẽ nhiều người không biết, nhưng có ca phải hỏi ý kiến… cấp ủy. Không có hệ thống y khoa nước nào quái đản như nước ta, bác sĩ xin ý kiến cấp ủy để điều trị!?!
Có cụ bị để nằm cho đến chết vì chẳng ai dám quyết định, ai cũng sợ trách nhiệm. Có lần tôi tham dự hội chẩn về một trường hợp và bị ám ảnh lâu dài về hệ thống y tế dưới thời XHCN. Ông cụ không phải là cán bộ cao cấp, nhưng là bố của một ông thứ trưởng, nên cũng được nằm khu dành cho lãnh đạo. Ông cụ bị cao huyết áp và tiểu đường, bệnh rất hay gặp.
Người ta hội chẩn mãi, xin ý kiến mãi, thậm chí ông thứ trưởng bay vào Sài Gòn thăm bố. Chẳng ai dám làm gì! Ba tuần sau, ông cụ qua đời. Chính cái hệ thống phân biệt đối xử và giai cấp làm cho ông cụ chết.
Chính cái hệ thống đó đang giết người dân nữa. Đọc blog thấy có tin Thanh Hóa “đầu tư xây dựng trụ sở Ban Bảo vệ – Chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh Thanh Hóa“. Có cái gì ghê tởm ở đây. Chúng ta biết rằng người dân Thanh Hóa đang đói. Gần 250.000 người đói. Vậy mà người ta thản nhiên xây tập trung tiền bạc vào việc chăm sóc sức khỏe cán bộ!?!
Đâu chỉ Thanh Hóa mới lo chăm sóc sức khỏe cán bộ. Trung ương cũng thế. Chẳng những huy động, mà còn huy động toàn hệ thống. Thử đọc bản tin Huy động sức mạnh của toàn hệ thống trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ thì biết người ta muốn gì. Đọc bản tin đó gần chục lần tôi vẫn không giải thích được tại sao người ta lại vô cảm, ngạo mạn, ngang nhiên, trắng trợn như thế.
Trong khi bệnh viện các cấp quá tải, trong khi hai ba bệnh nhân phải nằm chung giường, trong khi bệnh nhân nằm ghế bố la liệt ngoài hành lang, mà có một giai cấp ngang nhiên huy động toàn hệ thống để chăm sóc cho một nhúm cán bộ đảng viên.
Họ xem bệnh viện, bác sĩ, y tá, chuyên gia như là tài sản của riêng họ, muốn làm gì thì làm. Không hiểu trong lịch sử nước nhà, đã có một giai cấp thống trị nào chẳng những bất tài mà còn tàn nhẫn với người dân như hiện nay. Tìm hoài trong cổ sử mà chưa thấy.
Tạm thời có thể nói đảng viên là giai cấp tàn nhẫn nhất với người dân trong lịch sử Việt Nam???

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc (viết từ Việt Nam)


Không còn gì để bán chỉ bán... thân

Trần Nhật Phong (Danlambao)

Thân xác của mẹ Việt Nam đang bị những kẻ cai trị xẻ ra bán từng phần và được nhân danh “phát triển” nhưng thực tế là bán để chia chát lợi nhuận của những kẻ cầm quyền. Nếu hôm nay các bạn tiếp tục "cam chịu" hay "không phải chuyện của tôi" thì liệu ngày mai sẽ đến ngôi nhà của các bạn, mảnh đất của các bạn sẽ được thu hồi vì đó là đất “được qui hoạch” hay đất thuộc “bộ quốc phòng”. Trong một xã hội, mà đất đai, tài sản có thể bị “cướp” bất cứ giờ phút nào thì các bạn liệu có “an toàn” hay “yên bình” hay không?

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đã có một thời gian khá dài làm nghề lồng tiếng cho các phim bộ Hong Kong và Đài Loan, gần 19 năm làm nghề này, có thể nói tôi đã xem và học được khá nhiều điều hay từ những nhà viết kịch bản của Hong Kong hay Đài Loan, do cơ chế tự do, sức sáng tác của họ thật dồi dào và đôi khi mang đậm những triết lý nhân sinh của người gốc Á.
Tôi nhớ có một lần, phòng chuyển âm phim bộ nhận lồng tiếng cho một loạt 2,3 vở kịch diễn sân khấu, được thu hình và phát hành, có một vở kịch mà tôi nghĩ thích hợp với câu chuyện hôm nay với các bạn, đặc biệt là các bạn đang sinh sống trong một xã hội đang có dấu hiệu bùng phát mãnh liệt có thể dẫn tới sự đổ máu vì những bất công.
Đại khái câu chuyện đó nói về một nhân vật được hư cấu, vốn là một nhà ngôn ngữ học kiêm một soạn giả nổi tiếng ở Thượng Hải, được xem là một thiên tài, về ngôn ngữ ông có khả năng nghe người đối diện nói chuyện qua âm điệu thì biết ngay là người sinh sống ở vùng nào, làng nào tại Trung Quốc.
Bên cạnh đó ông còn là một nhà soạn kịch nổi tiếng, trong một ngày làm việc của ông, ông có thể soạn một lúc 4,5 vở kịch khác nhau, vừa có thể đọc đối thoại cho kịch bản này, vừa có thể tạo ngay bố cục cho kịch bản khác, sức sáng tác dồi dào của ông khiến cho các nhân viết viết tuồng chạy không kịp với các vở kịch được ông viết.
Được sự kính trọng của hầu hết giới thượng lưu của Thượng Hải, có nhiều bạn bè tốt, nhưng đến cuối đời ông lại trở thành một ông già khùng khùng, điên điên và chết trong sự cô độc trên đường phố ở Hong Kong ở thập niên 60, sau khi trải qua hàng loạt những biến cố theo sự thăng trầm của dòng lịch sử Trung Hoa.
Tôi thích câu chuyện này, vì nó mang đậm tính triết lý về cuộc sống, đặc biệt là thời hoàng kim của nhà soạn giả ở Thượng Hải, lúc đó ông tự tin là có thể làm bất cứ điều gì như một nhà phù thủy đa năng.
Trong một cuộc ăn nhậu với bạn bè, ông đánh cá với họ rằng, sẽ biến cô gái bán hoa bên ngoài nhà hàng sang trọng nơi ông ăn nhậu, rằng chỉ trong vòng 3 tháng, ông có thể biến cô trở thành một minh tinh siêu việt nổi tiếng khắp Thượng Hải.
Và ông làm thật, kết quả đúng như lời ông cam đoan, chỉ vài tháng dưới sự nhào nắn của ông, cô gái bán hoa đã trở thành một trong những người đẹp được tung hê, được chào đón vồn vã của giới thượng lưu ở Thượng Hải.
Đương nhiên câu chuyện tránh không khỏi những tình cảm nảy sinh ra giữa ông và cô gái bán hoa, và rồi thời cuộc, ghen tuông và cái tôi to lớn đã khiến hai người hợp rồi tan, tan rồi hợp trong bối cảnh nhiễu nhương của nước Trung Hoa thời cận đại.
Một trong những lần cãi nhau gay gắt dẫn đến chia tay, cả ông và cô gái bán hoa đã có những lời gây tổn thương nặng nề cho nhau nhưng mang đậm triết lý cuộc sống:
- Không có tôi, thì giờ này cô chỉ là cô gái bán hoa ở ngoài đường thôi, làm gì được như bây giờ, được săn đón nhiệt tình của các tài phiệt Thượng Hải.
- Đúng, không có ông tôi vẫn chỉ là cô gái bán hoa, nhưng ít ra ngày xưa tôi còn có hoa để bán, bây giờ tôi chả có gì để bán nửa ngoại trừ bán… thân.
Lời nói cay đắng của cô gái từ thân phận bán hoa biến thành một thứ gái điếm hạng sang ở Thượng Hải, khiến tôi liên tưởng đến hoàn cảnh của Việt Nam ngày hôm nay, nó không khác gì với câu đối thoại trên cả các bạn ạ.
Trước năm 1975, miền Nam Việt Nam tuy chưa là một cường quốc trong khu vực, nhưng ít ra được sự kính trọng của các quốc gia và vùng lãnh thổ lân bang, tương tự như cô gái bán hoa, có được sự kính trọng thương mến của những bạn bè xe kéo, bán hàng rong, những con người lam lũ chung xóm.
Và sau năm 1975, tuy mang danh là một quốc gia thống nhất, nhưng dưới sự cai trị của đảng cộng sản, con dân Việt Nam cầm passport CHXHCNVN đi đến đâu thì bị khinh khi đến đó, và khi không còn gì để bán thì chỉ còn “cướp” đất để bán, nó cũng không khác gì cô gái bán hoa, khi trở thành gái điếm hạng sang, không còn gì để bán chỉ có bán... trôn nuôi miệng, và bị bạn bè xa lánh.
Khi nợ công chất cao như núi, không còn gì để xuất cảng, thì những kẻ cai trị chỉ biết tăng thuế, cướp đất để bán, nghĩ đến chuyện..., lách nợ, mà không đủ khả năng để nghĩ ra giải pháp.
Hàng dệt may xuất cảng thì Indonsia, Malaysia và Trung Quốc đè đến ngợp thở, nếu có dịp ra nước ngoài đến những khu shopping lớn, người ta chỉ thấy các mặc hàng quần áo đều xuất phát từ những quốc gia này, hiếm hoi lắm mới nhìn thấy hàng chữ Made In Viet Nam.
Nông, thủy sản thì trước đây chỉ thua cho Thái Lan, nay thì thua luôn cho cả Lào, Cam Bốt và Miến Điện, khi các mặc hàng này liên tục bị trả về từ khắp nơi trên thế giới vì nhiễm độc thủy ngân, nhiễm độc kim loại.
Dầu thô thì liên tục lỗ lã, giá dầu trên thế giới sụt giảm, từ lổ tới lổ.
Rừng bị tàn phá, biển bị ô nhiễm, đồng bằng sông Cữu Long bị nước mặn xâm nhập, sông Hồng thì bị hút cát khau thác vô tội vạ. tài nguyên quốc gia không còn lấy một cái gì gọi là rừng vàng biển bạc.
Việt Nam hôm nay còn gì để bán ra nước ngoài? Không, không còn gì cả ngoại trừ ….. đất đai.
Và do đó càng lúc càng có nhiều vụ “cướp” đất diễn ra khắp nơi trên toàn cỏi Việt Nam, từ bắc chí nam, nơi nào cũng có quan chức địa phương, công an, quốc phòng “cướp” đất đai để bán quyền sử dụng cho nhà đầu tư “nước ngoài” mà thực chất hầu hết là nhà đầu tư “Trung Quốc”.
Hoàn cảnh này có khác gì cô gái bán hoa biến thành bán…trôn trong câu chuyện mà tôi kể ở trên đây các bạn?
Thân xác của mẹ Việt Nam đang bị những kẻ cai trị xẻ ra bán từng phần và được nhân danh “phát triển” nhưng thực tế là bán để chia chát lợi nhuận của những kẻ cầm quyền.
Nếu hôm nay các bạn tiếp tục "cam chịu" hay “không phải chuyện của tôi” thì liệu ngày mai sẽ đến ngôi nhà của các bạn, mảnh đất của các bạn sẽ được thu hồi vì đó là đất “được qui hoạch” hay đất thuộc “bộ quốc phòng”.
Trong một xã hội, mà đất đai, tài sản có thể bị “cướp” bất cứ giờ phút nào thì các bạn liệu có “an toàn” hay “yên bình” hay không?
Chạy!!!
Cơ hội chạy của các bạn đã chậm rồi, vì con cái của những quan chức, kẻ cầm quyền đã chạy trước, chúng ôm tài sản chạy qua xứ “tư bản giãy chết” rồi các bạn ạ, nếu các bạn có may mắn chạy thoát, ra đến bên ngoài cũng chỉ đi làm công cho con cháu của chúng vì chúng có tiền hơn các bạn, nếu các bạn không có khả năng chuyên môn, không có khả năng ngôn ngữ ở xứ sở các bạn chạy đến, thì các bạn cũng sẽ tiếp tục làm “thân cu li” cho con cháu của những kẻ cầm quyền hiện nay mà thôi.
Giải pháp duy nhất cứu các bạn đã có từ lâu, vấn đề là các bạn có dám dùng giải pháp đó để thay đổi số mạng của các bạn hay không, thay đổi vận mệnh của mẹ Việt Nam hay không thì tùy các bạn nhé, chúng tôi bên ngoài đã cạn lời, không can đảm một lần chịu đau để đục bỏ khối ung thư, thì các bạn chỉ chờ ngày vào quan tài mà thôi.
23/5/2017

Trần Nhật Phong
danlambaovn.blogspot.com

 

Đăng ngày 31 tháng 05.2017