Print

Lá thư Canada

Giải nhất: Vợ đang ngủ

Trà Lũ

Mấy tiệm tạp hóa gần nhà tôi đang bắt đầu bán hoa cúc. A, mùa thu đang tới. A, mùa khai trường đang bắt đầu. Mọi năm nhìn cảnh các bà mẹ âu yếm dắt con tới trường, nhìn những em bé tung tăng cắp sách đi học, tôi thấy những cảnh này đẹp làm sao. Năm nay thì những hình ảnh đó không có nữa vì cái con Cô Vít 19 của Tàu vẫn còn đang đe dọa khắp nơi. Suốt ngày nghe nói chích ngừa, suốt ngày nghe nói giãn cách. Làng An Lạc của tôi tiếp tục họp đã được mấy lần, và lần họp nào cũng không thèm nhắc tới con Cô Vit nữa vì ngấy và chán nó quá rồi. Bây giờ chuyện mà phe các nhà quân tử chúng tôi còn nhắc tới là Thế Vận Hội Tokyo mới bế mạc ngày 8/8 vừa qua. Ai cũng vui mừng là đoàn Hoa Kỳ đã đứng đầu danh sách với 113 huy chương, đè đoàn của Tàu xuống bậc hai, Tàu chỉ được 88 cái. Đoàn Canada đứng hạng 11 với 24 huy chương. Đặc biệt môn túc cầu nữ, đội nữ Canada đã hạ đội Thụy Điển và đọat huy chương vàng, các cụ đã nể đội nữ Canada chưa ! Không thấy tên đoàn VN đâu cả. Thương nước Nhật chủ nhà quá, tốn 15 tỷ mỹ kim mà chả thu lại được gì và cả thế giới phải xem các nghi lễ và các cuộc tranh tài qua màn ảnh.
Ông Từ Hòe của làng tôi góp thêm ý kiến: Khi nói về những người tranh tài trong thế vận hội, nhiều nhà báo nhiều phóng viên đã gọi họ là các ‘vận động viên’. Ông bồ chữ Từ Hòe bảo dùng từ "vận động viên" là sai, vận dộng là cổ võ bên ngoài, còn ở đây là những người thi đấu thực sự, họ đâu có đứng bên ngoài. Tôi thấy nhà văn nhà báo Đỗ Thông Minh dùng từ "tuyển thủ" là đúng nhất và hay nhất, các cụ độc giả thấy sao cơ?
Ngoài chuyện thế vận hội, làng tôi đang bàn tới biến cố Taliban và Kabul ở Afghanistan còn đang nóng hổi. Mỹ đóng quân ở đây 20 năm, nay rút quân đi, gây ra bao nhiêu tan tác. Nhiều người bảo biến cố Kabul, khi đồng minh tháo chạy tháng 8 vừa qua, giống y như biến cố 30/4 ở Saigon năm 1975. Nhưng lại có nhiều người bảo không giống. Chuyện này còn dài, chưa thấy rõ. Hình như việc Mỹ rút quân này cũng làm Nam Triều Tiên và Đài Loan suy nghĩ. Mỹ vừa rút quân đi thì Trung Cộng nhảy vào ngay và bắt tay với Taliban. Chuyện gì sẽ xảy ra đây?

Đấy là tin thế giới. Còn Canada thì có 2 tin đặc biệt: Canada đã mở biên giới cho khách Mỹ sang du lịch tự do nếu đã chích ngừa đầy đủ, và thủ tướng Trudeau báo tin Canada sẽ tổ chức bầu cử liên bang vào ngày 20 tháng 9 này để hy vọng tân chính quyền sớm đưa dân tộc ra khỏi cơn đại dịch. Hoa Kỳ có 2 đảng tranh đua với nhau, Canada có những 5 đảng lận: Đảng Tự Do hiện chiếm 155 ghế trong Hạ Viện, Đảng Bảo Thủ 119 ghế, Đảng Bloc Québécois 32, Đảng Tân Dân Chủ 24 và Đảng Xanh 2 ghế. Tháng sau Canada sẽ có chính quyền mới. Viết đến đây thì tôi chợt nhớ tới việc bầu cử ở quê hương. Việt nam hiện nay chỉ có một đảng CS, nên bầu cử là đảng CS cử rồi bắt dân bầu, ai nói khác làm khác thì bị đem ra tòa án, và bao giờ cũng bị tòa kết vào 2 tội này, nặng là phản quốc, nhẹ là có ý lật đổ chính quyền.
Cụ B.95 nghe tới đây thì kêu chuyện khô quá. Ông bồ chữ Từ Hòe nhảy vào ngay. Ông kể rằng sau 1975, VC vào miền Nam chỗ nào cũng có loa tuyên truyền, tường vách chỗ nào cũng viết khẩu hiệu, chỗ nào cũng Bác Hồ muôn năm, bởi vậy có một tên ngụy kia đã viết lên vách chợ câu này: "Cao Đài có tiên, Nhà chùa có sư, Nhà thờ có cha, nước VN có Bác Hồ". Mấy anh cán bộ có vẻ thích câu này lắm vì cho là dân Miền Nam tiến bộ. Nhưng rồi có kẻ xấu mồm nói nhỏ vài tai cán bộ: Cái câu đó là câu đểu, bọn ngụy chửi chúng mình đấy. Đoạn này có 4 câu, 4 chữ cuối câu ghép lại thì ra câu chửi rõ ràng: Tiên sư cha Bác Hồ!
Chưa hết, ở chợ bên cũng có một tên ngụy viết câu đối này: "Thanh Niên Xung Phong thù giặc Mỹ, Phụ Nữ Cứu Quốc quý Bác Hồ".
Rõ ràng câu này chửi Mỹ và ca tụng Bác, thế nhưng dân Miền Nam đọc xong câu này thì đấm nhau cười hề hề. Hỏi ra mới biết bọn ngụy hỗn láo, chúng nó dám hiểu "Cụ Hồ" ở đây chỉ "cây súng" của liền ông. Than ôi, thương Bác quá!

Nghe tới chuyện Bác Hồ thì Cụ B.95 kêu nhúc đầu ngay. Ông Từ Hòe liền chuyển sang đề tài khác. Ông đoán cụ già Bắc Kỳ đặc này thích nghe chuyện về ăn uống ở Miền Nam. Liền có ngay. Ông bảo bây giờ tháng Chín bắt đầu mùa cưới hỏi làm ông nhớ các chuyện tiệc ăn cưới trước 1975 và ở hải ngoại ngày nay. Sở dĩ ông nhớ rõ là vì trung bình mỗi năm ông phải đi dự chừng 10 tiệc. Tiệc nào cũng có những cái giống nhau. Đại để như thế này: Xưa thì cô dâu chú rể đón chào khách ngay tại cửa, nay thì cha mẹ cô dâu chú rể đón chào khách rồi mời khách làm thủ tục. Bàn đầu tiên có người hỏi tên rồi cho khách biết sẽ ngồi bàn tiệc số mấy, rồi mời khách qua bàn số hai để ký tên vào sổ lưu niệm. Rồi bàn số ba có cái thùng kết hoa và vẽ 2 trái tim, khách tự động bỏ bao thư có nhân vào thùng. Chưa xong. Khách được mời xếp hàng để lần lượt tiến lên chụp hình với cô dâu chú rể, đôi trẻ đã đứng sẵn bên vòm hoa giấy. Chụp hình xong khách mới được dẫn vào bàn tiệc.
Thiệp cưới ghi 6 giờ, nhưng khách được mời uống trà và nói chuyện vãn với các khách mời cùng bàn cho tới 8 giờ. Sau đó ông MC mới thử máy cộc cộc rồi giới thiệu tên tuổi cha mẹ cô dâu chú rể và họ hàng kèm các chức tước, lý lịch rất huy hoàng hiển hách. Rồi hai ngôi sao chính mớt xuất hiện. Cô dâu áo trắng đuôi áo dài lê thê, đầu đội khăn trắng với vương miện như hoa khôi, tay ôm bó hoa, tay choàng chú rể từ dưới đi lên. Các phù dâu phù rể xếp thành hàng rào danh dự, khi cô dâu chú rể tiến tới thì tung cao những cánh hoa hồng, và dàn nhạc trổi lên ầm ầm. Nghi lễ chẳng khác lễ đăng quang các bậc vua chúa. Thật là sang trọng và quý phái.
Rồi diễn văn chào mừng của bố mẹ hai bên. Vì có khách ngoại quốc da trắng, nên vị MC nói xong phần tiếngViệt lại diễn tỏa sang tiếng Anh tiếng Pháp, đây là dịp rất tốt để các MC khoe cái vốn ngoại ngữ của mình.
Mãi 9 giờ thức ăn mới được đem ra. Khách vừa ăn xong món thứ ba thì chương trình văn nghệ bắt đầu. Các người trình diễn ai cũng được giới thiệu rất trang trọng, ai cũng là văn sĩ, thi sĩ, ca sĩ nổi tiếng. Tôi thấy hình như khách mời đã quá quen với hoạt cảnh này nên các danh nhân trên cứ việc trình diễn còn phe ta thì vừa ăn vừa nói chuyện ào ào. Về phe trình diễn thì thỉnh thoảng lại có màn trình diễn tặng hoa. Có lần ông bạn ngồi bên tôi nói nhỏ: Cái mợ xồn xồn tiếng như vịt đực kia lúc nãy đã tự mua hoa rồi nhờ một em bé đem lên tặng đấy. Việc này là tôi nhớ tới một bữa tiệc cưới khác có một anh chàng hát không ra cái gì, sau bài thứ hai thì có thực khách khó chịu không muốn nghe anh ta hát nữa bèn nói to lên "thôi! thôi!" Anh chàng kia bèn đáp ngay: Vâng, để đáp lại lời thỉnh cầu của quý vị, tôi xin hát tiếp bài "Thôi, thôi, tôi không còn yêu em nữa…"
Cứ thế, thực khách bị làm phiền về phần văn nghệ này khá lâu, ai muốn nói gì cứ phải thét to lên thì người cùng bàn mới nghe rõ. Và trong phần tiệc này cô dâu thường thay áo nhiều lần, áo nào cũng đẹp hết. Có lần tôi thấy cả mẹ cô dâu cũng đi thay áo nữa! Thay những 7 lần, mỗi lần một màu áo khác nhau. Có bà bạn hỏi sao chị thay nhiều thế, mẹ cô dâu trả lời ngay: Tôi thay nhiều màu nhiều kiểu như thế cho cháu nó hên!
Rồi đàn địch trống phách đang ầm ầm thì tự nhiên im bặt cái rẹt. Ông MC loan báo tới giờ cô dâu chú rể đi chào bàn. Đám nào mà phần mở đầu không có cái phần "thủ tục đầu tiên" thì cuối tiệc có phần đi chào bàn. Vì các bàn tiệc kê sát nhau nên cha me cô dâu chú rể gặp nhiều khó khăn trong việc dẫn hai con đi chào. Vẫn bằng ấy lời sáo ngữ. Sau khi vị đại diện cả bàn nói lời chúc mừng thì đến phần mừng bao thư. Một cô phù dâu đã đem sẵn cái túi để đựng quà các bác cho. Trông thì hơi ngứa mắt nhưng nghĩ lại thì thấy không còn cách nào tốt hơn. Đôi trẻ cũng cần có tiền trả nhà hàng chứ. Tiệc cưới VN thì thường không lỗ vì có nhiều bao thư chào bàn này.
Khi ăn đến món tráng miệng thì đa số thực khách cao tuổi tự động lẳng lặng ra về. Nhưng đây cũng là bắt đầu thời gian sung sướng của giới trẻ và giới yêu văn nghệ: phần khiêu vũ bắt đầu. Tôi là người già và cổ hủ, không thích múa đôi, nên thường tìm cách biến trong im lặng, ấy thế mà nhiều lần về tới nhà thì đã quá nửa đêm.
Rồi ông Từ Hòe kết luận: Không biết trong tương lai tiệc cưới lối VN này có khác đi không. Đa số dân làng đều đáp: sẽ khác chứ vì con cháu chúng ta sau này là dân Canada thuần túy, ngay thức ăn trong bàn tiệc cũng sẽ thay đổi.
Cụ Chánh tiên chỉ làng kể: Lão sợ nhất phải đi ăn tiệc cưới ở nhà hàng, vừa hát lâu chầu mỏi, vừa đinh tai nhức óc, vừa món ăn không vừa miệng. Ngồi ăn mà lão cứ nhớ các món có rau thơm ở nhà, nhớ lá ngò, lá hẹ, lá tía tô kinh giới. Sở dĩ lão còn đi tiệc cưới là vì lão mong còn gặp các bạn già, nói các chuyện xưa. Nhưng thôi, lễ cưới là lễ tình yêu, lễ của lớp trẻ. Anh John đâu, mời anh nói về những cái khác vui hơn, như những cái hay của tiếng VN, những cái đặc biệt của quê vợ anh đi.

Bao giờ anh John trong làng tôi cũng sẵn chuyện về đề tài này. Anh nói: Ngôn ngữ nước nào cũng gắn liền với hai từ CÓ và LÀ, Avoir et Etre, To Have and To Be. Thế nhưng tiếng Việt lại ít dùng hai từ căn bản này mà dùng từ ĂN nhiều nhất. Động thái nào cũng bắt đầu bằng từ Ăn. Sống ở đời là ăn thua, ai thắng là có ăn, vợ chồng thì ăn ở, ăn nằm. Nói chuyện là ăn nói, ăn ý, ăn ảnh, ăn khớp. Chửi nhau thì cho nhau ăn các thứ dơ. Rủa nhau thì mày là đồ ăn mày, ăn cắp, ăn giật. Cái gì cũng ăn hết, có lẽ vì đói quanh năm nên ta bị ám ảnh vì tiếng ăn. Nghe đến đây thì ông H.O. gật gù rồi nói người bạn ông kể rất hay về con cháu bác Hồ ăn như sau: Nhờ ăn cắp, ăn cướp, ăn có, ăn ké, ăn may, ăn mày, ăn bẩn, ăn vụng, ăn gian, ăn vụng, ăn quỵt, ăn mảnh, ăn trộm, ăn chận, ăn lường, ăn giựt mà anh chị cán bộ CS nào bây giờ cũng béo tốt, nhà lầu, xe hơi… Bác Hồ bảo cán bộ là đầy tớ nhân dân, mà sao nay nhân dân là chủ mà đói khổ bò lê bò càng, còn cán bộ là đầy tớ thì béo tốt xênh xang, các cụ có xem cảnh dân nghèo ở Saigon trong cảnh dịch Cô Vít này không.

Cụ B.95 lại lên tiếng xin ngưng chuyện CSVN kẻo đêm cụ khó ngủ. Ông H.O. liền ngưng rồi nói: Thế bây giờ ngưng mấy chuyện xấu này, cụ có bằng lòng cho cháu nói về những chuyện tốt không? Cháu xin nói về chuyện tình yêu, tình Bắc duyên Nam nha. Cụ bỏ miền Bắc sang đây năm 1995, cụ có thấy con gái Miền Nam đẹp hơn con gái Miền Bắc của cụ không? Cụ B.95 đáp ngay: Câu hỏi này lớn quá, tôi là bà già nhà quê ở miền bắc, quanh năm quần khâu áo vá làm sao mà biết được, Bác ODP và Bác Từ Hoè ơi, xin trả lời giúp tôi với.
Ông ODP nhảy vào ngay. Ông nói: Sau 1954, bao nhiêu con gái đẹp miền Bắc đã theo tàu há mồm vào miền Nam hầu hết, những người đẹp ở lại phải theo gương các cán bộ nữ từ chiến khu về, phải dấu hết áo dài màu sắc với quần trắng quần đen. Chứ trước 1954, trong đầu tôi hình ảnh người đẹp Miền Bắc xinh lắm: Khăn vấn đuôi gà, ngực mang yếm thắm, áo tứ thân ôm sát vòng eo, răng đen nhánh như hạt huyền hạt na, em nhai trầu nên hồng đôi má đôi môi, đôi mắt bồ câu, da trứng gà bóc, bàn tay búp măng, giọng oanh vàng thỏ thẻ, một điều bẩm một điều thưa, dáng đi tha thướt như sen vàng lãng đãng...
Cụ B.95 nói ngay. Bác tả đàn bà chúng tôi đẹp và hay quá, đúng như các cụ tôi vẫn nói như vậy. Thế còn các cô gái Miền Nam thì sao cơ?
Ông ODP liền đáp: Tôi không cần tả gì, chỉ xin đọc câu thơ của dân gian: Con gái Cần Thơ Vĩnh Long, Đất gạo trắng nước trong, Người mơn mởn như xoài, Da trắng như bông bưởi, Mắt đen như hạt nhãn, Tóc thơm như mùi hoa cau…
Cả làng vỗ tay khen ông ODP tả đúng quá. Ông nói: Trong bài thơ dân gian tôi vừa đọc chỉ nhắc tới các cô gái Cân Thơ Vĩnh Long miệt vườn, chứ ở trên này miệt Saigon Biên Hòa có bao nhiêu là người đẹp khác chưa kịp nói tới. Kìa Chị Ba Biên Hòa ngay trước mắt chúng ta đây, chị không đẹp làm sao anh John người hùng của Anh Quốc mê ngay từ giây phút vừa gặp, kìa 3 vua cuối cùng của Triều Nguyễn đều lấy vợ Miền Nam: Vua Vua Minh Mạng cưới Hồ Thị Hoa người Biên Hòa, Vua Thiệu Trị cưới Từ Dũ người Gia Định, Vua Bảo Đại cưới Nguyện Hữu Thị Lan người Gò Công…

Ông Từ Hòe xin góp chuyện Bắc Nam. Rằng ông có một người bạn Bắc Kỳ lấy vợ Nam Kỳ. Anh ấy kể: Hồi đang kén vợ, khi anh đem cô gái Bắc Kỳ về, cô chào bố anh xong thì ông bố đáp ngay: Cháu vào nhà chơi, bố mẹ cháu khỏe không? Còn hôm nào anh mời một cô Nam Kỳ về thì bố anh đáp tỉnh bơ: Không dám, chào cô! Bữa ấy cô bồ Nam Kỳ nói nhỏ với anh: "Ba anh coi ngầu quá hén". Khi ông bố thấy anh nhất định xin cưới cô Nam kỳ này thì cũng phải chiều nhưng ông tâm sự: Dân Nam Kỳ được ông Trời cho sống trên mảnh đất mầu mỡ phong phú, không làm vẫn có ăn mà lại ăn ngon nữa, nên có tính lè phè và hoang phí, không chăm chỉ cần kiệm như dân Bắc kỳ, mong con biết rõ điều này. May mà bà mẹ chấp nhận cô con dâu Nam Kỳ ngay từ đầu.
Rồi Ông ODP kết luận: Người Bắc coi con dâu là con và coi con rể là khách, còn người Miền Nam thì coi con dâu và con rể đều là con hết, không có ai là khách cả, nên bạn tôi sống rất sung sướng. Ông ODP kết câu chuyện về hạnh phúc gia đình bằng câu chuyện này: Rằng năm xưa Đại Học Oxford tổ chức một cuộc thi về ngữ pháp: Bạn hãy dùng một câu ngắn mà nói lên được thông diệp về "hòa bình, bằng an và hạnh phúc". Có hơn 800 thí sinh dự thi. Kết quả: câu ngắn chỉ 3 chữ sau đây được chấm hạng nhất: "Vợ đang ngủ". Ngày trao giải thưởng, ông chánh chủ khảo đứng bên vợ, mắt ngấn lệ, giọng run run cảm động tuyên bố: Đây là lời của một thiên tài.
Vừa nghe đến đây thì làng tôi bỗng hóa ra cái chợ, Phe liền ông thì vừa vỗ tay vừa đập bàn vừa hô to: Đúng vô cùng! Phe các bà thì vừa nhìn nhau vừa cười hắc hắc vừa đấm nhau thùm thụp. Chị Ba Biên Hòa thì kêu lên: Lạy Chúa tôi! Còn cụ bà B.95 thì ngơ ngác: Nghĩa là sao hở các bác?
TRÀ LŨ

 

Đăng ngày 15 tháng 09.2021