Print

Bồ Tùng Linh tân biên liệt truyện II

Ngồi ở quán nghĩa địa (2)

Phí Ngọc Hùng

Sau 50 năm trở lại Paris, lão không biết đi đâu…?
Ngụp lặn trong cõi người ta với 50 năm thấy ngắn, nhưng dàng dênh tới nửa thế kỷ lại quá dài. Chả nhẽ học thói tha ma mộ địa với quân tử hiếu cổ, chả là lúc này đây người Việt lưu vong tại Paris thuờng mò tới mộ vua Hàm Nghi ở làng Thoniac. Hay phi cổ bất thành kim, tìm đến mả vua Duy Tân ở nghĩa địa Passy trên đồi Trocadero. Họ tha thẩn ở nơi chốn u tịch ấy để hoài cố nhân qua giấc hương quan mơ luống mẫn canh dài cùng một kiếp phù sinh. Cùng một cõi đi vê với người Âu Tây, khởi nguồn từ người Đức. Họ có đường hướng mở quán cà phê không ở bên đường mà ngay…nghĩa địa để tìm về một cõi nhân sinh hữu hạn, vô hạn. Thế là sau nửa đời người thì lão: “Người trong cõi dương gian” đã hiện hữu, hiện hình tại quán cà phê nghĩa trang Montparnasse để đi tìm nhân bản, nhân sinh với thực thể và hư vôqua người Jean Paul Sartre.
Lát sau “người garcon” đi tới hỏi uống gì?
Làm ra vẻ người Mỹ gốc Việt với hơn 200 năm lập quốc, người trong cõi dương gian búng tay một cái “tách”, kêu một tách cà phê Starbucks sủi bọt tên Latte. Có cà phê lại bắt thèm một hơi thuốc nhưng nhớ ra để quên bao thuốc ở Hotel Lutèce. Tại nơi đây, nửa đời người về trước người trong cõi dương gian đã tầm sư học đạo và ăn quán ở trọ ở quán xá mà xưa kia có tên Việt-Pháp là “Cư xá Lutèce”. Hơ! Với cái tên Lutèce, người trong cõi dương gian bỗng bật ra là tên một hòn đảo giữa sông Seine, là nơi người Tây lập quốc, từ mảnh đất Lutèce bé con con mới có Paris, có nước Pháp ngày nay. Người trong cõi dương gian co củm mắc chứng gì mình bêu rêu với cội nguồn người Gaulois. Hay là lại phi cổ bất thành kim với quân tử hiếu cổ chăng?

Trong một chiều mây xám âm u, ngập u mê ám chướng, người trong cõi dương gian hóng mắt ra ngoài ngắm những mộ bia. Đâu đây lẩn khuất nấm mồ của Jean Paul Sartre và Simone de Beauvoir trước mảng tường gạch nâu vàng võ, rõ mồn một bốn hàng chữ: Jean Paul Sartre 1905_1980 và Simone De Beauvoir !903_1986. Qua hiện sinh và hiện thực, người trong cõi dương gian chìm đắm trong cái tâm linh, tâm thái tận cùng của Lão Trang. Rằng triết lý, triết nhân cho lắm với nhân sinh, nhân bản cùng một dòng sinh mệnh, sinh phần thì Đông và Tây cũng gặp nhau ở…sinh ký tử quy.
Đang đắm chìm cùng sống gửi thác về, chợt từ cuối nghĩa địa lóe lên hai đóm lửa bay lầng quầng về phía quán xá. Giữa ban ngày ban mặt, chứ đâu là đêm khuya để hư cấu, hoang tưởng ma mãnh này kia. Hơ! Hai cái bóng sương khói kia thoạt đầu nhỏ như con đom đóm. Rồi lớn dần bằng viên sỏi, to dần bằng hòn đá cuội. Chưa kịp bằng núi Tu Di, mới chỉ bằng hòn đá tảng đập lúa, lớn như bóng mây giăng giăng đầu núi thì…thì hai bóng mây thảnh thơi chui tọt xuyên xuốt qua dàn cửa kính để…vào quán.
Người trong cõi dương gian sợ vãi đái ra quần vì hay là…ma. Ngoái cổ tìm người garcon hỏi cho ra nhẽ, lấy cái pipe ra khỏi miệng, người nói: “Oui”. Nhưng mắt lóng ngóng về phía hai cái ghế trống như ngóng đợi một người đi xa trở về nơi chốn cũ.
Quay lại, người trong cõi dương gian không thấy ma, mà vẫn chỉ là hai cái bóng.
Hai bóng mờ nhân ảnh vừa ngồi lửng lơ trên ghế, vừa toát ra ánh sáng mầu xanh trắng mờ nhân ảo. Bỗng hai cái bóng không ai bảo ai, rùng mình nhùng nhằng lay động, hiện dần…nhùng nhằng rõ dần…Một lần nữa, người trong cõi dương gian ngoái cổ lại với mắt chấm hỏi để…hỏi người garcon chuyện gì lạ quá thể?! Người chỉ tay về phía hai cái ghế, miệng không còn cái pipe nên nói một tiếng rõ to: “Voilà”. Người trong cõi dương gian quay lại, hai cái bóng mờ nhân ảo không ảo nữa mà hiện thực…
Hiện hữu là…người ta! Rõ như đêm giữa ban ngày là người Tây phương: Một ông Tây già tay cầm khúc bánh mì baguette. Một thằng Tây con vai khoác ba lô. Nhưng lạ một nhẽ, cả hai lất phất có khuôn mặt phương Đông, nhưng vì mắt một mí nên người trong cõi dương gian chẫu chuộc không biết họ là giống giuộc gì? Ha! Với chính danh định phận của người Khổng Khâu ở bên Tàu thấy cũng nên nhập gia vấn húy lắm chứ. Nhưng thấy đây là quán cà phê ở nghĩa địa chứ chả phải là…nhà mồ nên thôi.
Vừa lúc người garcon đi tới nói: “Bonjour” với khách dường như là người muôn năm cũ của quán thì phải. “Ông Tây baguette” kêu một ly trà Lipton, “Thằng Tây ba lô” gọi café au lait truyền thống. Người garcon mang trà và cà phê ra. Thằng Tây ba lô nói: “Merci”, người trong cõi dương gian nhẩm chừng là người Tây. Còn ông Tây baguette nói: “Thanks” nên đoán chừng là người Ăng-lê vì uống trà Lipton với sữa dê. Làm như không hay biết người trong cõi dương gian đang hiện diện trong chốn nhân gian này.
Ông Tây baguette khụng khiệng với thằng Tây ba lô:
- “Toa” có đọc ký sử, địa chí Việt không?
Người trong cõi dương gian ngớ ra thấy rõ vì ông Tây baguette nói tiếng Việt. Vì giọng ộ ệ, nên chắc như cua gạch ông không là người của sông nước bến bãi cũng là dân Kẻ Chợ của Thăng Long nghìn năm văn vật. Ấy là chưa kể ông còn biết sử ký, địa lý của người mình nữa. Trong khi ấy thằng Tây ba lô như không nghe tiếng Việt giọng mũi của ông Tây baguette, vẫn cặm cụi tìm cái của nợ gì đó trong cái túi thổ tả.
Người trong cõi dương gian chắc như đinh đóng cột thằng Tây ba lô “bụi đời” ở khu phố Tây đường Phạm Ngũ Lão chứ còn khỉ gì nữa. Thấy tay thằng Tây ba lô xâm hình con rồng mầu xanh xám cứ loay hoay với cái túi vải mầu xám cứt ngựa.
- Theo “moa”, với cả nghìn năm trước người Việt lấy gì để căn cứ nói rằng họ là một trong nhóm Bách Việt và dẫn chứng bằng hình dáng, tính tình, phong tục và văn hóa để ấn định nguồn gốc và dòng giống ẩy. Như xâm mình và ăn trầu chẳng hạn.
Úi chà gay thậ! Khi không ngồi ở quán nghe Tây….nói chuyện Ta.
Và tiếp đến, ông Tây baguette ngỏa nguê:
- Nhưng ở Nam Đảo miệt dưới Úc Châu cũng có sắc dân ăn trầu, xâm mình vậy.
Nghĩ cũng quái, khi không có ông Tây đội mồ sống dậy nói chuyện nguồn gốc tộc Việt, theo người trong cõi dương gian ông Tây lạng quạng ăn ngay nói thật chứ chẳng chơi. Chả là người trong cõi dương gian ăn mày chữ nghĩa qua một sử gia Việt thì không lẽ cứ ăn trầu, xâm mình là người Việt? Theo sử gia này chỉ vì người Việt ta vọng ngoại, dựa vào sử Tàu để viết sử Ta. Bởi nhẽ ấy, bấy lâu nay vẵn có người cứ muốn bắt quàng làm "con cháu" họ. Nói cho ngay, người Việt mình chả có họ hàng hang hốc gì với người Tàu cả. Bởi nhẽ Tàu ăn xì dầu, Ta ăn nước mắm. Đang lạc đường vào lịch sử với…nước mắm đến đây, vừa lúc thằng Tây ba lô tìm ra cái muốn tìm.
Ông Tây baguette lại ồ ề nhăng cuội với nó:
- “Toa” có biết ai là phi hành gia đầu tiên lên mặt trăng?
Thằng Tây ba lô óc ách:
- Ai? Thưa quan bác.
Người trong cõi dương gian nghệt ra trông thấy vì…thấy thằng Tây ba lô mũi tẹt nói giọng Bắc kỳ đặc, lại lai giọng Marsheille. Chả nhẽ nó là con lai. Đang lõng bõng như soup bouillabaisse, thì nghe ông Tây baguette…đáp phi thuyền và…đáp rằng:
- Người đầu tiên trên thế giới lên mặt trăng và hiện còn ở đó là chú Cuội.
Ha! Với văn chương thiên cổ sự này, người trong cõi dương gian chả lấy đó làm lạ lẫm cho nhắm. Bởi cụ Nguyễn Khuyến đã có câu thơ: “Đầu đường ngang có một chỗ lội, có miếu ông Cuội cao vòi vọi?. Và cụ tiếp: “Cho nên làng ấy sinh ra người, sinh ra rặt những thằng nói dối!". Thế nên chuyện thằng cuội nói dối là chuyện trong văn sách, làm gì mà ông Tây baguette hoắng lên vậy! Trong khi thằng Tây ba lô nhởn nha móc trong túi ra…một văn bản. Nhân lúc nó đang lâm nhẩm tụng, người trong cõi dương gian nhón một điếu thuốc Gaulois của nó và mồi lửa. Ngốn xong văn bài…Hệt như ông Tây baguette, làm như người Lại nữa, làm như có giác quan thứ sáu sao ấy, nó lẫm đẫm với ông Tây baguette:
- Quan bác đâu có hay ngoài nói dối như cuội! Người Việt còn tham lam nữa!
Bậy thật! Hay là vì mình vừa “cầm nhầm” điếu thuốc mà nó vơ đũa cả nắm người mình tham lam? Thế nhưng không, như không có chuyện gì, nó nhìn “bài nói” và…nói:
- Theo một tác giả người Việt ở Đông Âu kể lại chuyện như vầy, thưa bác…
“…Tôi có điều kiện đi công tác nước ngoài, thấy nước nào họ cũng có những tác giả và tác phẩm nổi tiếng nói lên những thói hư tính xấu của dân tộc mình. Người Mỹ ưu tư, Người Mỹ trầm lặng, Lịch sử những thói hư tật xấu của người Pháp, Người Nhật Bản ghê tởm, Người Trung Quốc xấu xí. Trong khi người Việt chỉ thích tự khen mình: Người Việt cao quý (1), Người Việt đáng yêu (2) …”.
Úi chà gay đây! Tự dưng ngồi ở quán nghe Tây nói chuyện Tàu về…Ta.
Ừ thì hãy liệu oản đọc kinh vì vừa nghe đến “Người Trung Quốc xấu xí”, người trong cõi dương gian nghĩ ngay đến tác giả Bá Dương (Bo Yang) viết Người Trung Quốc xấu xí (Chõu lòu de Zhong Guó rén) và người dịch là Nguyễn Hồi Thủ. Nhưng khốn khổ cho người dịch vì hồn ma nát thần tính, ông cứ ngờ ngợ tác giả Bá Dương nói về người Việt chứ chả phải người Tàu. Chính dịch giả viết trong "Lời người dịch" là quá nhiều bóng dáng người mình trong đó. Cũng vì vậy ông Nguyễn Hồi Thủ tới Paris quận XIII không dám vào...tiệm phở. Cũng như tác giả Bá Dương ông cho biết lý do 10 năm ngồi tù: ‘’Vì tôi đã nói lên vài sự thật‘’. Thêm một "cái tôi’’ nữa với dịch giả họ Nguyễn: "Bản thân tôi trước kia mỗi lần đọc phải những quyển sách kiểu "Người Việt cao quý", "Người Việt đáng yêu" chỉ toàn thấy bốc nhau thông minh hơn người với người Việt là nhất.
Không cần biết tôi bương trải gì. Thằng Tây ba lô bương bả chuyện của nó:
“…Trong một cuộc nói chuyện bạn bè thân, tôi đã hỏi một người Anh và yêu cầu trả lời trung thực: “Nếu phải lột tả người Việt, mày sẽ nói thế nào?”. Không ngần ngại, bạn tôi nói luôn: “Mày là người đầu tiên hỏi tao câu này không với ý định muốn nghe một lời
khen, nên tao nói thật là: Greedy Vietnamese, là: Người Việt tham lam!”.
Tôi hỏi thêm: “Mày nói người Việt tham lam, cái gì cũng muốn, cái gì cũng khôn lỏi hơn người phải không”. Hy vọng lần này tôi mời nó uống bia được nghe nó khen. Câu trả lời là: “Tricky Vietnamese!, là: Gian! Người Việt gian!. Tôi choáng người, bạn tôi cười: “Mày nói đúng, người Việt chúng mày cái gì cũng muốn cho được, buôn bán phải có thủ tục đầu tiên, hợp đồng thì lắt léo”. Nó tiếp: “Vì lắt léo bọn mày không bao giờ nói thật. Chúng mày luôn nghĩ rằng mình khôn hơn người”. Tôi điếng người và cố uống tiếp vại bia tự nhiên đắng ngắt. Từ đó tôi “tắt ngấm” nắng hạ là Thằng Tây ba lô nói gì thì nói, bụng dạ người trong cõi dương gian hết lụng bụng chuyện tham lam, nói dối là cá tính do “cha mẹ sinh con trời sinh tính” đến bốn khuyết điểm Bá Dương tiên sinh viết trong người Trung Quốc xấu xí: “Thứ nhất dân Trung Quốc không còn lòng tự trọng, cái tự trọng còn lại chẳng qua chỉ là cái tinh thần tự dối mình như A Q trong truyện của Lỗ Tấn. Thứ hai là 4000 năm chiến tranh liên miên chỉ vì bần cùng, giết chóc, đố kỵ một cách lâu dài thành ra lòng dạ người Trung Quốc hẹp hòi. Thứ ba là chế độ khoa cử, quan trường, tạo ra một tầng lớp quan liêu chỉ tận tâm, tận lực với kẻ cất nhắc họ lên làm quan. Thứ tư vì tinh thần Nho giáo bảo thủ khiến người Trung Quốc mất hết sức sáng tạo, mất tập quán tự tìm hiểu’’
Lúc này ông Tây baguette mới khủng khẳng chuyện kể của thằng Tây ba lô:
- Ấy là “toa” theo tác giả Việt viết về người Việt. Còn “moa” đọc được bài viết của người Nhật tên Tomita Kenji ở Đại học Ngoại ngữ Osaka, khi giới thiệu về người Việt đã có một nhận định khá độc đáo. Ông cho rằng phong hoá của người Việt là cái miệng. Với cái miệng, người Việt có một lối ăn nói riêng. Ông cho rằng phong cách ăn nói của người Việt đôi khi còn mang tính dân tộc hơn cả ngôn ngữ nữa.
Hơ! Nghe nói đến người Việt “khôn lỏi” với “khôn hơn người” như đấm vào tai! Ấy thế nhưng nghe ra lại rất quen thuộc, gần gũi chả xa lạ gì mấy. Còn văn hóa gì ư? Gân đây người trong cõi dương gian có nghe động dao động thớt đến “văn hoá chửi”. Nay thêm ông Tomita Kenji cho rằng phong cách ăn nói của người Việt đôi khi còn mang tính dân tộc hơn cả ngôn ngữ. Nói cho lắm tắm cởi truồng với cái miệng, người Việt có một lối ăn nói riêng bằng vào chuyện đầu đường cuối ngõ của một nhà văn ở Sài Gòn…
“…Suốt buổi sáng chúng tôi bát phố Hà Nội, bác xe ôm đưa chúng tôi tới quán phở này vì nó vắng, anh bạn tôi, theo thói quen, nói rất dõng dạc: "Cho xin chén giá chụng". Ông chủ quán quay lại nhìn chúng tôi như nhìn người hành tinh, rồi bảo: "Địt mẹ! Giá chụng hả? Vào Sài Ghềnh mà đớp". Chiều hôm đó, nghe nói bia hơi Hà Nội ngon lắm, chúng tôi gọi uống thử, thấy nhạt thật. Bỗng có anh uống bia xong, anh trả tiền, rồi càu nhàu: "Bia với bọt nhạt đéo chịu được, nhạt như nước nồn, chua noen noét, nàm mẹ nó be rượu cho xong". Chị chủ quán bình thản: "Như lước lồn thì mới nghìn rưỡi, còn muốn không như lước lồn thì những ba nghìn rưỡi cơ. Đéo mẹ, nghe sốt cả ruột".
Trước kia, chúng tôi nghe nói người Hà Nội ngàn năm văn vật họ nề nếp lắm, nói năng phải thưa gửi đàng hoàng. Nhưng cả chuyến đi…đi đâu chúng tôi cũng gặp toàn “phở mắng, cháo chửi”, thế mà thiên hạ cứ gầm mặt xuống mà ăn. Chỉ có người Sài Gòn chúng tôi mới nói “cám ơn”, còn người Hà Nội ấy à, tuyệt không bao giờ nói hai chữ “cám ơn” và “xin lỗi”, chỉ có văng tục và chửi thề thôi….”
Với "văn hoá chửi" lạ hoắc trên, nay thêm "văn hoá cám ơn", người trong cõi dương gian có mồm thì cắp, có nắp thì đậy với Bá Dương tiên sinh đã ‘’nói lên vài sự thật‘’ bằng vào đã chê dân Tàu có cái dân tộc tính lạ lùng đến quái đản: Nghe khen không vui, nghe chửi không buồn, miễn lấy được tiền là được. Thế nên khi tiếp xúc, giao tế, không trọng khách hàng, thiếu lịch sự, không biết nói cám ơn, xin lỗi. Ừ thì chuyện đầu hãy còn đó…vì thằng Tây ba lô đâm ba chày củ như thế này đây:
- Để em kể thêm cho quan bác nghe chuyện này nhá…
“…Ngày đầu năm đi ra phố Bolsa uống cà phê, gặp người nào nhìn tôi cũng cười cười...Hỏi đầu năm có chuyện gì vui vậy, họ lại cười và nói: “Cua Mỹ và cua Việt”! Hoá ra nhiều người đã đọc bài “Vì bản chất dân tộc Việt?” của tôi, trong đó tôi có kể lại chuyện “Người Việt xấu xa’” của Dan Huynh nói về bản chất người Việt…
Chuyện do Dan Huynh kể như sau: Có hai người đi bắt cua, họ bỏ cua Việt và cua Mỹ vào hai thùng khác nhau. Một người bảo người kia chỉ cần đậy nắp thùng cua Mỹ, không cần đậy nắp thùng cua Việt. Được hỏi tại sao, người này giải thích: Cua Mỹ khác cua Việt vì nó biết cách nằm chồng lên nhau, cho các con khác bò lên người để ra khỏi miệng thùng. Còn cua Việt Nam thì con nào vừa định ngoi lên đã có con bên cạnh níu chân kéo xuống nên không bao giờ lên đến Đến đây, người trong cõi dương gian động não rằng phải chăng ông Dan Huynh muốn nói vãi thì lại nói vơ chuyện “con cua” ở trong nước có vấn đề tế nhị và nhậy cảm với đảng và nhà nước. Họ bò qua đây làm kiếp lưu vong bị “con cua” ngoài nước níu chân kéo xuống để không quơ càng múa may được nữa. Một phần vì đất có thổ công sông có hà bá, một phần vì cái bệnh nghi kỵ, kèn cựa. Dám lắm ạ.
Bó mo thì thiếu, bó chiếu thì vừa nên một người Việt viết tạp ghi ở ngoài nước đọc báo trong nước: Hôm nay, ai đó đã gởi cho tôi bài viết với nhan đề: “Người Việt xấu xí”. Bài “Người Việt xấu xí” chỉ ghi nguồn từ báo Thanh niên chứ không ghi tên tác giả…
“…Cái tính (cách) có một phần yếu tố di truyền, song một phần lớn khác ảnh hưởng môi trường xã hội tác động mà thành, mà có. Do đó, “cái tính” ấy không thể bất biến được. Sau 40 năm thống nhất, quê hương tôi bây giờ: Cái cần không có là “nói thật”. Cái có không cần là “nói dối”. Điều cơ bản với xã hội chủ nghĩa là...nói dối! Mọi người, mọi nhà đều…nói dối để sống còn, lâu rồi thành nếp sống giả dối, cả một thế hệ hoặc lặng câm, hoặc nói dối. Chính từ cái xã hội “không có gì thật, toàn điều giả dối” đã tạo ra hệ lụy, đã tạo nên một lớp người mới: Con người trong xã hội đã biến chất từ một dân tộc có bề dày lịch sử, truyền thống văn hoá, nay đầy đường, đầy rẫy những kẻ háo danh, sĩ diện, và giảo hoạt, thủ thân, tùy tiện. Nếu như trong một xã hội được thắt chặt kỷ cương với sự thật, thì những thói xấu ấy sẽ khó có đất mà tồn tại…”.
Hơ! Với “tùy tiện”, của ngồi hổng người ra vì chả hiểu là lý sự gì? Ngồi đồng hoá Bụt lại nát bàn tới ông Trần Quốc Vượng cũng ở trong nước…Mọi sự bằng vào đầu năm 2001, ở hải ngoại có cuốn Tố quốc ăn năn của Nguyễn Gia Kiểng:. Ngay sau đấy, Hà Nội vội vàng loan tin: nhà phê bình văn học Trần Quốc Vượng sẽ xuất bản cuốn sách về Những thói hư tật xấu của người Việt Nam. Thế nhưng mới đây nhất, trong cuộc phỏng vấn với đài BBC Luân Đôn, Trần Quốc Vượng cho biết cuốn sách ấy có thể gặp khó khăn trong việc được xuất bản trong nước. Qua cuộc phỏng vấn, người trong cõi dương gian được biết: “Chúng tôi không viết khen, bởi người ta khen quá nhiều rồi. Cũng không phải để chê bai, bài xích. Viết về cái xấu là để nhìn thẳng vào những yếu kém của người mình nhằm tìm cách thay đổi. Vì cáh đây mấy trăm năm, vua Tự Đức đã có bài phú viết về những thói tật của người Việt. Hoặc thi sĩ Tản Đà, nhân vật sống qua 2 thế kỷ cũng bảo: "Dân hai lăm triệu ai người lớn - Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con...". Với Trung Hoa ngoài "Người Trung Quốc xấu xí" họ còn có Người Trung Quốc tự trào lên án những tính xấu của dân tộc họ rất nặng nề và gay gắt. Quyển này với ẩn dụ để thay đổi tuỳkhả năng tự nhận thức của mỗi người là quan trọng nhất”.
Đụng đến Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con của cụ Tản Đà, người trong cõi dương gian được thể lay lắt qua nhà văn Nhược Trần ở ngoài nước. Nhà văn phóng bút:
“…Con người, xã hội và văn hóa Việt Nam có vấn đề, lấn cấn rất nhiều vấn đề. Tôi ví nó như một lọ mắm nêm, vừa ngon, vừa đậm đặc lại vừa có cái mùi thum thủm khó ngửi (tệ hại hơn cả cái hũ tương của ông Bá Dương bên Đài Loan). Ở đây, những điều được xem là “bản sắc”, là “cá tính dân tộc” hay “đặc thù văn hoá” cần phải được xét lại toàn bộ. Thử xem, sẽ trải bao thế hệ nữa, dân Việt mới thôi không còn ngửa mặt ngạo nghễ về những tự hào về các ý niệm mơ hồ như “bốn ngàn năm văn hiến”, “con rồng cháu tiên”, “dân tộc anh hùng”, “rừng vàng biển bạc” đã thật sự thiếu cơ sở và trở nên vô cùng lố bịch. Việt Nam sẽ muôn đời không thể ngóc đầu lên được, nếu chúng ta mãi cứ tự mãn về cái nguồn gốc rồng chim của mình. Một dân tộc thấp kém mới phải bám víu vào huyền thoại, tự kỷ ám thị để làm cuộc “phong vương” cho mình…”
Dậu đổ bìm leo với cuốn "Tổ Quốc Ăn Năn" của ông Nguyễn Gia Kiểng, thì đã có ông Đỗ Thông Minh đã nhận định: “Cuốn sách đào sâu nhiều khuyết điểm trong văn hóa, lịch sử nhưng có nhiều dữ kiện khó xác định và đi quá đà gây ra nhiều tranh luận. Thí dụ như câu "Phải nhìn nhận một sự thực đau lòng: Chúng ta là một dân tộc không biết đọc, không biết viết và không biết nói." (Tổ Quốc Ăn Năn, trang 107).
Riêng với ông Đỗ Thông Minh qua bài viết dầy chữ “Tự vấn: Người Việt mạnh yếu chỗ nào?”. Cứ theo ông thì: Người Việt có những tính tốt nào? Người Việt hiếu học ư, cũng hiếu học đấy, nhưng kiến thức tổng quát của họ là một mớ hời hợt qua những buổi trà dư tửu hậu, chứ không qua sách vở nghiêm túc. Người Việt có những tính xấu gì? Có thể nói là nói dối quanh, ít nhận lỗi, ỷ lại, thù dai, mau chán... Nhưng đáng kể nhất là thói ích kỷ và nhất là đố kỵ.Cũng như ông Trần Quốc Vượng với Tự Đức, Tản Đà, ông đưa ra học giả Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu trong cuốn Ðất lề quê thói (Phong tục Việt Nam) trang 68 cũng nhận xét rằng: "Người mình phần đông thường ranh vặt, qủy quyệt, bộ tịch lễ phép mà hay khinh khi nhạo báng. Tâm địa nông nổi, khoác lác, hiếu danh...". Và ông đúc kết: “Ðã có hằng trăm cuốn sách khen người Việt rồi, nếu chúng ta tự mãn với những điều đó, liệu chúng ta khá lên không, hay từ bao trăm năm qua vẫn thế!?”.
Làm như cùng một giuộc luôm nhuôm với người trong cõi dương gian, thằng Tây ba lô lực đực tiếp cũng chẳng đâu vào đâu:
- Quan bác nghĩ sao về “bản sắc dân tộc của người Việt?”.
Làm như đợi dịp này từ lâu lắm rồi, rồi ông Tây baguette bậm bạch:
- “Toa” hỏi cho có chuyện để nói chuyện ấy thôi, chuyện là nguời Việt bị Pháp đô hộ cả 100 năm, tiếp thu nền học vấn mới của phương Tây, nhưng họ vẫn giữ lại bản sắc của nền văn hóa Trung Hoa. Nhiều mê tín, hủ tục người Trung Hoa đã bỏ đi. Vậy mà người Việt vẫn cố giữ lại. Thời đại Bắc thuộc cả 1000 năm, dân tình thế tục nhiễm cái văn hóa, văn minh của Trung Hoa. Cái ảnh hưởng ấy lâu ngày đã trở thành cái quốc hồn, quốc túy của họ. Trong khi người Việt nghe người Trung Hoa dậy khôn qua sách vở hãy theo quan trường để làm quan thì người Trung Hoa lại buôn bán, ra hải ngoại họ thành công nhờ cần cù, tiết kiệm, không khoa trương bề ngoài với Mercedes, Lexus.
Ta với Tàu như nằm trong cái vòng lẩn quẩn nhất thổ công nhì ông táo. Người trong cõi dương gian được thể giầy thừa dép thiếu với ông Tây baguette luận về quan, hôn, tang, tế…để bắt quàng qua Bá Dương tiên sinh:
"...Hôn lễ không ra hôn lễ mà biến thành một loại phường chèo. Mọi người đến không phải để chúc mừng đám cưới, mà để tìm gặp bạn bè, gặp mặt nhau tụ tập hàn huyên, thăm hỏi tin tức, bàn luận thời cuộc. Cũng vậy, tang lễ trở thành bản sao của "đám cưới", ngay ở hội quán quàn xác chết hiển nhiên thành chỗ "xa nhà gặp người quen" thì nét mặt tươi cười rạng rỡ, ăn nói ồn ào như đám cưới".
Từ Tàu sang Ta, thằng Tây ba lô buông tuồng:
- Quan bác dậy sao em nghe vậy. Nhưng theo Viện nghiên cứu xã hội học Hoa Kỳ đã nói lên một số đặc tính căn bản của người Việt là mượn tiếng người, chữ người học thì xuất sắc. Nhưng làm thì không có gì đặc sắc, chỉ học lóm những việc nhỏ mọn. Một người có thể hoàn thành một nhiệm vụ xuất sắc; 2 người làm thì kém, 3 người làm thì…hỏng việc. Vì quan bác là người Hòa Lan, em xin tạm dịch như sau: 1 person can complete a task excellently; 2 people do it poorly, and 3 people make a mess of it.
Làm như trùng hợp thật! Người trong cõi dương gian lẫn đẫn rằng chuyện này dịch giả Nguyễn Hồi Thủ cũng đã thấy trong Người Trung Quốc xấu xí: ‘’Nếu ba người người Trung Quốc hợp lại với nhau, ba con rồng này biến thành một con heo. Vì dân tộc Trung Quốc hay ’’chia rẽ’’ nên hay đấm đá nhau. Đang ngẫn ngẫn vậy, vậy mà thằng Tây ba lô này nói phải củ cải cũng phải nghe. Vì vừa trộm nghe lóm ra ông Tây baguette là người Hòa Lan chứ không phải là người Ăng-lê mặc dù ông ta uống trà Lipton với sữa.
Đang “thì, mà, là” thế đấy, bỗng thằng Tây ba lô nói xuôi nói ngược thế này…
- Dạ thưa quan bác, Viện nghiên cứu xã hội học Hoa Kỳ cho biết thêm người Việt cần cù làm việc. Họ có tiết kiệm đấy, nhưng nhiều khi hoang phí vì những việc vô nghĩa, vì sĩ diện hay muốn phô trương. Họ cởi mở và hiếu khách nhưng sự hiếu khách của họ không kéo dài. Họ cũng có tinh thần đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. Nhưng chỉ trong những tình huống khó khăn, còn trong điều kiện tốt hơn, đặc tính này hiếm khi có.
Với đặc tính hiếm có của người Tàu hay gấu ó, đấm đá nhau được Bá Dương tiên sinh nói thẳng mực tàu đau lòng gỗ:
"....Ngay cả đối với những người Hoa sống tại Mỹ cũng vậy, chia rẽ và đầy kỳ thị, nào cánh tả, cánh hữu, trung lập, độc lập, thiên tả trung, trung thiên hữu, hữu thiên trung, v…v.., chẳng biết đường nào mà mò. Người này đối với kẻ nọ đều mang mối cựu thù như nó giết bố mình không bằng. Thật không hiểu là thứ dân tộc gì?...".
Khiếp! Người này đối với kẻ nọ đều mang mối cựu thù như nó giết bố mình thì có hơi quá đáng! Người trong cõi dương gian mượn dịp ăn đong ăn vay theo dịch giả Nguyễn Hồi Thủ vì hồn ma nát thần tính với có quá nhiều bóng dáng người mình trong đó. Thảng như trên báo bổ hôm trước kêu gọi đoàn kết. Hôm sau vặc nhau như mổ bò chỉ vì ngẫu sự trông lên thì chẳng bằng ai trông xuống chẳng ai hơn mình chăng?
Ha! Riêng vấn nạn đoàn kết là…chia rẽ. Là cái tội tổ tông đã có từ thời lập quốc đến giờ. Chưa kịp rị mọ thêm đã thấy ông Tây baguette lại hỏi đáp với thằng Tây ba lô:
- Người Việt có nhiều cái nhất lắm “toa”.
Thằng Tây ba lô đáp:
- Là sao? Thưa quan bác.
Được thể, ông Tây baguette ngay ngớn:
- Vụ ly dị lớn nhất và đầu tiên trong lịch sử người Việt là Lạc Long Quân và Âu Cơ. Sau đó 50 người con theo cha lên rừng, 50 người con theo mẹ xuống biển.
Ừ thì như đã bảo ông Tây baguette như đi guốc trong bụng người trong cõi dương gian vì chia rẽ là…cái tội tổ tông có từ thời lập quốc: “50 người con theo cha lên rừng”, hiểu là người miền núi, tức người Mường mà tiếng Việt hôm nay gọi là…người dân tộc. “50 người con theo mẹ xuống biển” vì không phải là…người dân tộc nên được gọi là người Kinh. Kinh hơn nữa sau này có những chia rẽ và đánh nhau túi bụi vì cơ ngơi thỗ quán với tiếng nói khác nhau nên không hiểu nhau. Nào khác gì Hội chứng Babylone của người phương Tây, theo thánh kinh: Từ thưở khai thiên lập địa, cả nhân loại nói một thứ tiếng và vì nói xấu thượng đế nên nên ngài bắt mỗi dân tộc nói một thứ tiếng. Bởi ngôn ngữ bất đồng mới có tới 8 cuộc thánh chiến “Thập tự chinh”.
Đột dưng cái máy đĩa thổ tả hiệu Béka của quán cà phê nghĩa trang Montparnasse bật lên câu hát: Một trăm năm đô hộ giặc Tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày....
Xuôi dòng lịch sử, người trong cõi dương gian ngược xuôi với Bá Dương tiên sinh:
"...Người Trung Quốc có tâm địa hẹp hòi, đưa đến với một đằng tuyệt đối tự ty, một đằng tuyệt đối tự kiêu. Lúc tự ty thành ra tôi tớ, nghĩ mình không bằng đống phân chó. Lúc tự kiêu xem mọi người đều là cứt chó hết. Lại ưa làm quan, khi phán xét, không dùng lý trí mà nặng về cảm tính, từ thời phong kiến hủ nho...".
Nhúc nhắc với tự ty, tự kiêu của Bá Dương tiên sinh đưa đẩy người trong cõi dương gian vắt vẻo qua Keith Weller Taylor. Ông là giáo sư giảng dạy môn lịch sử Việt Nam tại đại học Cornell, Hoa Kỳ và đã ở Việt Nam 5 năm để nghiên sử Việt. Ông luận chứng trong sách sử Việt của ông viết thì quan lang Hùng Vương là…người Mường. Phải chăng ý tại ngôn ngoại ông Mỹ đây góp nhặt sỏi đá qua cụ Ngộ Không trong cổ thư Chữ nghĩa làng văn: Tiếng nói của người Việt xưng “tôi”, tiếp là “tôi tớ”, mà “tớ” đây là tiếng Mường cũng có nghĩa là tôi. Hai chữ tôi tớ ghép chung là kẻ dưới hầu phục người trên.
Qua Bá Dương tiên sinh thì lúc tự kiêu xem mọi người đều là cứt chó hết. Từ đấy dịch giả họ Nguyễn đào sâu chôn chặt với cái tôi to bằng cái đình của người Việt ta, hoá ra cũng cá mè một lứa với cứt đầu gối thì thơm, cứt hàng xóm thì thối. Bệnh chứng này là chả ai nhận mình là chĩnh mắm thối. Thua kém người khác thì biến chứng là đố kỵ với chẳng ưa thì dưa có giòi. Cái tôi với thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn từ huyệt thiên ứng, tức á thị huyệt ngay tại nhân trung nẩy sinh ra bệnh giời bò là…thành kiến với nắng không ưa mưa không chịu. Ha! Bỗng dưng học đòi a dua theo dịch giả Nguyễn Hồi Thủ, người trong cõi dương gian bốc nhằng làm thầy lang bốc thuốc như thế đấy, chả hiểu có…mát tay không đây? Úi chà gay thật chứ đâu có đùa!
Tất cả vì ngồi ở quán nghe Tây nói chuyện Ta với…Tàu.
Bởi nhẽ theo dịch giả họ Nguyễn: Người Trung Quốc xấu xí đẻ ra Người Việt xấu xí như voi đẻ trứng. Vì vậy ông không dám dẫn xác vào tiệm phở là thế! Thế nhưng cuối năm Giáp Ngọ, với chuyện ngựa sống chung với lừa đẻ ra…la. Thì mắc mớ gì người dịch giả họ Nguyễn…la làng lên vậy. Chuyện dây cà ra dây muống là dám người Việt ta vọng ngoại lắm ạ! Vì cứ “của ngoại” là ta vơ bèo gạt tép vào mình: Đại thể như vừa rồi theo ông Taylor: Cụ vua Hùng bỗng dưng hoá thân thành người Mường, thế là ta nhận vơ vào sử thi ngay. Ngoài ra nhiều nhà làm văn học quơ cào ông Thái Lân trong “Bách Việt tiên hiền chi”, và cụ vua Thần Nông ở bên Tàu là…người Việt ta. Vì vậy con cụ vua Thần Nông là Lộc Tục, tức Kinh Dương Vuơng cũng là người Việt ta nốt. Hoặc giả như trong chốn trường văn trận bút có những nhà biên khảo, nhà biên chép…chép gẫy gọn rằng phở phải gốc gác từ Tây, từ Tàu, với “pot au feu”, với “ngưu nhục phấn”. Với vọng ngoại, người trong cõi dương gian lại không quên nhà văn Nhược Trần: “Người Việt thường bắt chước rất nhanh những cái dở của người khác với tinh thần vọng ngoại. Trong tâm trạng mất nền tảng cùng sự hụt hẫng đó, những luồng tư tưởng đã lỗi thời từ các nước phương Tây tràn vào, họ chịu khó... học đòi “tây còn hơn cả người Tây”.
Trở lại với Viện nghiên cứu xã hội học Hoa Kỳ qua chuyện người Việt học vì cái danh. Thằng Tây ba lô lại được thể như xẩm vớ được gậy:
- Người Việt thích kiến thức, hiểu biết nhanh, nhưng ít học sự việc từ đầu đến cuối, nên kiến thức không có hệ thống hay căn bản. Ngoài ra, người Việt không học vì lợi ích cho trí tuệ, lúc nhỏ học vì gia đình, lớn lên học vì cái danh hay vì những công việc tốt. Chuyện này ai đó đã đả động đến từ thế kỷ 17 là người Việt học để làm quan. Nhưng em cũng võ vẽ tiếng Tây tiếng u với quan bác nhá: When small, they study because of their families; growing up, they study for the sake of prestige or good jobs.
Từ thế kỷ 17…?! Nào ai biết quan mót đái mà hạ võng, nhờ thằng Tây ba lô hé lộ…ai đó?. Người trong cõi dương gian cào cấu đến ông Samuel Baron, bố người Hòa Lan, mẹ người Bắc kỳ. S. Baron sinh tại “Ca-cho” (Kẻ-chợ, tức Thăng Long). Năm 1856, ông viết sử ký, địa dư, văn hóa, tập tục, và quan trường nước ta thời vua Lê chúa Trịnh. Sách có tên A Description of the Kinhdom of Tonkin, là một trong những quyển sách đầu tiên viết về người Việt ta. Thời ấy, S. Baron nhận xét người Việt như sau:
“….Người Việt tính tình ưa ganh tị, ưa khoác lác, hay mê tín dị đoan. Họ hiếu học, chẳng phải ham hiểu biết mà vì cái danh, vì muốn đạt mục đích ra làm quan. Không thấy rộng nhìn xa, lại tự cao tự đại cứ cho người Việt mình là nhất...”
Đụng đến “cái danh”, người trong cõi dương gian bèn thân già vác dùi nặng khuân cụ Hoa Bằng trong “Hiếu thượng” ở báo Tri Tân từ năm 1943 vào đây làm chứng từ: “Cái hiếu thượng tức cái bệnh hiếu danh, bon chen của số đông người mình lộ rõ ở từ ngôn ngữ đến cử chỉ. Người ta chơi câu đối? Phần đông không phải là vì thích chữ tốt văn hay nhưng vì muốn sĩ diện ở mấy cái tự đề tên họ chức tước ở một góc câu đối. Người ta in danh thiếp! Không phải Thế là người trong cõi dương gian bèn rị mọ qua mấy ông bạn rách giời rơi xuống với cái danh hão, đất sinh cỏ giời sinh tật, cái tật của mấy ông đây chỉ thích giao du với những người có tí danh còm cho nó oách. Mấy ông này lại mang cái hội chứng khoác lác, bởi “cấm giả lịnh giả thị, ai cấm người mang cái bị nói khoác”. Ấy là chưa kể mấy ông tướng đây thích lê la ở quán nhậu văn chương để bốc nhằng với những sự hiểu biết, kể cả những gì mình…không biết nữa mới rách chuyện. Rách chuyện hơn nữa trong chốn làng văn xóm chữ có người viết truyện chữ nghĩa, thảng như về bà Hồ Xuân Hương chẳng hạn, họ đèo bòng theo cái “danh vị” bác sĩ với luật sư. Với danh vị này chả ăn nhậu gì đến một lỗ sâu sâu mấy cũng vừa, trừ khi là…bác sĩ đỡ đẻ. Hoặc với phình ra ba góc da còn méo, khép lại đôi bên thịt vẫn thừa thì…luật sư thừa là cái cẳng.
Đang lọng cọng tới…con ruồi, nghe thằng Tây ba lô vo ve…
- Chẳng dấu gì quan bác vì quan bác đâu có hay giáo dục người Mỹ thực tiễn, suy nghĩ thực tế, triết học không giảng dậy ở trung học, chỉ là môn nhiệm ý ở đại học. Không có văn nhân, triết gia, chỉ có kinh tế gia, kỹ thuật gia. Nhưng người Việt lại ưa triết lý, ưa bàn luận lý thuyết, triết lý với Kant, Hegel, Nietzsche, Heidegger, Albert Camus, Jean Paul Sartre với hiện sinh qua cái nhìn vọng tưởng ngồi trên tháp ngà nhìn xuống.
Ngoài ra họ thích bàn luận chính trị theo cảm tính xúc động nhất thời, lãng mạn hơn là thực tế với những biến chuyển đã xảy ra rồi. Sau đó họ ưa diễn dịch tổng quát hoá, lý luận bàn bạc kiểu Tam Quốc Chí. Họ thiếu những khả năng suy tư dài hạn và linh hoạt, lúc nào cũng kỳ vọng hồn thiêng sông núi lan tỏa khắp bốn biển năm châu.
Mãi bây giờ ông Tây baguette mới đủng đỉnh nói như Tây:
- “Toa” cũng đừng quên là: Người Việt cần cù lao động nhưng hay dấu nghề. Vì ai đấy đã nói chuyện này từ thế kỷ 19.
Từ thế kỷ 19…?! Trăm sự nhờ ông Tây baguette hé mở…ai đấy? Thế là người trong cõi dương gian lại cấu véo đến ông nhô con Michel Đức Chaigneau, sinh năm 1803, con của Jean Baptiste Chaigneau, và vợ người Việt là Hồ Thị Huề. Ông Jean Baptiste Chaigneau này là một trong hai người Pháp làm quan dưới thời cụ vua Gia Long sau khi giúp cụ vua thắng nhà Tây Sơn. Michel Đức viết quyển Souvenir de Huế miêu tả: “An Nam sở dĩ không có thợ danh tiếng vì hễ người nào tay nghề khéo là bị sung công làm cho triều đình cho đến già. Nên họ thường hay dấu tàikhông truyền nghề cho người ngoài. Trong sách ông nhô con Michel Đức câu đọng chữ thừa: Người Việt hay ganh tị, khoác lác, thích làm quan. Và cũng chả thiếu cái hóm hỉnh: “Nhưng lại ở bẩn”.
Ha! Đến trần ai khoa củ này, nhằm vào cái thời buổi ăn cơm Tây, ở nhà Ta, lấy vợ Tàu. Phải gió cắn răng gì đâu chả biết nữa, mấy ông Tây cứ ăn như cũ ngủ như xưa hết mê tín dị đoan, học nghề, dấu nghề đến ở bẩn. Lọt sàng xuống nia với ưa ganh tị, khoác lác, tự cao tự đại thì may ra. Bởi chuyện người Việt ngôn sử cổ sự, các cụ ta xưa đã ghi vào sử xanh và chất đầy vào ba xe sách từ đời tám hoánh nào rồi.
Vẫn cứ ăn như cũ ngủ như xưa, ông Tây lại đĩnh đạc với chuyện xưa tích cũ:
- Vừa rồi “moa” dẫn chứng qua Tomita Kenji với cái miệng, người Việt có lối ăn nói đầy dân tộc tính. Trong khi người Pháp “toa” nói chuyện bằng cả cơ thể, hễ mở miệng là đầu gục gặc, là hai tay múa máy như làm... ảo thuật! Trong khi người Việt nói bằng khuôn mặt, nhưng bộ mặt người Việt diễn cảm đến độ vô cảm không thể hiểu nổi. Với dân tộc tính thể hiện qua bản sắc, Pierre Huard phụ họa: Người Việt…nói bằng mắt. Ông còn phụ diễn thêm: “Vẻ mặt vẻ người, triết lý hiện hình qua…một trời cảm xúc”.
Hơ! Gì mà hết ông Tomita Kenji với người Việt…nói bằng miệng, bằng mặt đến ông Pierre Huard người Việt…nói bằng mắt. Lại nữa, người trong cõi dương gian vặn óc không…cảm nổi triết lý hiện hình qua…một trời cảm xúc là nghĩa lý gì. Với bộ mặt người Việt vô cảm đến độ không thể hiểu nổi, nói cho ngay các cụ ta xưa qua dân gian truyền khẩu đã bóc ngắn cắn dài như thế này đây: mặt muội mày tro, mặt tam mày tứ... Với mắt thì mắt lăng mày vược, mắt rắn ráo ngày…,Thế nhưng “mắt trông tay chỏ đủ mười” đủ nói lên cái tướng ”mặt tái mét nói phét thành thần” của một số người. Vì vậy cái tính cũng như cái tướng đây chả phải là dân tộc tính như ông Tomita Kenji bốc nhằng. Người trong cõi dương gian “diễn cảm” vậy chả biết có xuôi tai mát mặt chăng?
Đang rối rắm như bùi giời, vừa lúc thằng Tây ba lô móc túi trả tiền, người garcon lò dò như cò bắt tép đến, lẽ dĩ nhiên tiếp đến có mục bắt tí ti pourboire cho phải phép. Ngỡ người về lại quầy, nhưng người lại ngồi bẹt xuống ghế của người trong cõi dương gian. Người trong cõi dương gian như tan vào sương khói trong hư không.
Khi không ông Tây baguette dậy đĩ vén váy cho người garcon:
- Ngồi ở quán có ba người uống cà phê, hút thuốc lá chùa, nói chuyện thiên trời, địa đất, tử mất, tồn còn. Còn chuyện trả tiền cà phê thì người này cứ đùn cho người kia thì “vous” nên biết là…người gì không?
Tri nhân tri diện bất chi tâm, người trong cõi dương gian chả biết tâm địa ông Tây baguette thế nào khi nói câu ấy! Đợi thằng Tây ba lô trả tiền rồi...

***
Rồi Michel Đức Chaigneau, Samuel Baron vật vờ bước qua khung cửa kính và hai cái bóng đang khoác vai nhau đi về hướng nghĩa địa. Người trong cõi dương gian há hốc mồm vì ắt hẳn họ đồng tính luyến ái như bà Simone de Beauvoir không đây? Hốt nhiên hồn ma bóng quế bà de Beauvoir hiện về, người trong cõi dương gian bỗng ớ ra vì mình vào nghĩa địa đi tìm Jean Paul Sartre nhưng từ nãy giờ chả thấy đâu? Bất chợt người garcon toát ra ánh sáng mầu xanh trắng, nhùng nhằng, lay động. Bóng mầu xanh trắng bằng hòn đá tảng đập lúa, nhỏ lại bằng hòn đá cuội, rồi nhỏ dần... Trước khi bay vào cõi vô cùng, rất hiện hữu trong hư vô, cái bóng ngoái cổ lại, miệng không ngậm cái gì nữa nên nói một tiếng rõ to: “Au revoir”.
Ngẫn ngẫn lặng nhìn đám mồ mả ngoài kia đang ẩn khuất vào u u minh minh, nghĩ người mà ngẫm đến ta, cụ sử thần cuối trào Nguyễn (3) đã cô vọng ngôn chi rằng người Việt ta hay tin ma tin quỷ, hay có tính khi quỷ quyệt, tâm địa hay khoe khoang thấy mà chán. Đất trời đang lụi đụi vào đêm! Chán thì cầm tách cà phê Latte uống cho hết chán.
Bỗng đập chát vào mặt là cái Dunhill nằm chỏng ngọng trên bàn!? Ấy mà như các cụ ta xưa đã dậy cấm chả sai bao giờ với “tinh cây đa, ma cây gạo” là cây đa, cây gạo có cả trăm năm, có tinh hay có ma chả ai…nhìn thấy. Trộm hiểu là chuyện không có thật, không…tin được. Nhìn trước nhìn sau rõ ràng không có ai…nhìn thấy thật. Chả phải khoe khoang gì, người trong cõi dương gian nhét vội cái tẩu thuốc vào túi.
Ừ thì đã bảo: Người Việt ta ngoài hiền như Bụt, lành như đất, còn tinh như…ma.
Hơ! Tin hay không? Tùy…
Tuy nhiên ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối với hóng hớt chuyện ngồi ở quán nghĩa địa, chuyện người Việt ngôn sử cổ sự, tất cả chỉ là huyễn tưởng, thưa bạn đọc.

Thạch trúc gia trang
Giáp Tết Ất Mùi 2015
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Nguồn:
Phạm Văn Sơn, Trần Thành Nam, Hoàng Huy, Võ Phiến, Vương Văn Quang, Nguyễn Thị Chân Quỳnh, Phạm Văn Tuấn, Vương Trí Nhàn, Tạ Chí Đại Trường, Nguyễn Hưng Quốc, Hạ Long Bụt Sĩ.
Chú thích:
(1) Người Việt cao quý, Vũ Hạnh viết giả danh một người Ý (Pizza).
(2) Người Việt đáng yêu, Doãn Quốc Sỹ viết để “phản cảm” lại Vũ Hạnh.
(3) Về tính tình thì người Việt Nam có cả tính tốt và các tính xấu. Đại khái có tính hiếu học, trọng sự học thức, mến điều đạo đức: lấy sự nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, làm năm đạo thường cho sự ăn ở. Tuy vậy, vẫn hay có tính khi quỉ quyệt, và hay bài bác nhạo chế. Tâm địa hay khoe khoang và ưa trương hoàng bề ngoài, hiếu danh vọng. Kiêu ngạo và hay nói khoác. - Trần Trọng Kim (“Việt Nam sử luợc”, 1925)

Đăng ngày 19 tháng 02.2016