Print

TIẾT THÁO

chan dien muc 
Chân Diện Mục

Các nhà Thạc Nho xưa khi ca tụng một người thì người đó phải: "Phú quí bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất". Tôi thấy người có tiết tháo hầu như có đủ các đức tính ấy. Tôi không thích từ Quân tử. Khổng Tử nói: Đức người quân tử như gió, đức kẻ tiểu nhân như cỏ. Người ta giải thích hầu như Quân tử là ông lớn, kẻ Tiểu nhân như là nông nô tôi đòi. Tôi nghĩ người có tiết tháo là người có chí khí, và dù cuộc đời xoay chuyển, nhiều phong ba bão táp, thì người có tiết tháo cũng không thay đổi chí mình. Khác với những người hỉ nô ái ố gặp đâu xâu đấy, những người lục lục thường tài! (nói theo bây giờ là những người có lập trường khác với những người không lập trường)
Như Chu văn An là một người có tiết tháo. Ông dâng sớ, vua không nghe, ông về nhà, nghỉ chơi với những người lục lục tầm thường. Người tiết tháo không cần phải tìm nơi ẩn dật không ai biết đến nữa. Người tiết tháo vẫn sống giữa đời, thậm chí vua đến nhà ông vẫn tiếp, không cần phải lánh mặt.
Nguyễn Du vẫn ra làm quan nhưng không bàn nhăng, nói cuội, không nịnh hót. Nguyễn Thông không bàn sàm như tụi vẹt ở kinh đô (Đàn Anh Vũ)
Xã Hội càng tiến bộ (!) thì người giữ được tiết tháo càng khó lắm (!)
Như Nguyên Hồng, Lê Đạt thì không sánh được với Hữu Loan. Nguyên Hồng chê chức quan ở Hải Phòng, lên Thái Nguyên ở ẩn, nhưng khi cần vẫn phải nhờ vả quan địa phương. Lê Đạt khi con không được hanh thông học hành thi cử, ông cũng phải nhờ người xin giúp! Trái lại, Hữu Loan trần vai áo kéo xe chở đá vất vả cực nhọc không hề than van xin xỏ!
Khi vụ Nhân Văn Giai Phảm nổ ra: Trần Dần, Phùng Quán đã đổ hết tội lên đầu bà Thuỵ An để được nhẹ tội (mặc dù trước đó hai ông này đã thần tượng bà) trái với Nguyễn Hữu Đang không nói một lời. Ừ thì đi Cổng Trời cũng được, nào sợ gì ông Trời:
Bắt ở trần phải ở trần
Cho may ô mới được phần may ô!
Ông Phan Khôi nào sợ các quan lớ. Các con vẹt chửi ông thì ông cũng coi như nơ pa! Hình như ông yếu đuối và nghiện thuốc phiện. Nhưng dù nghiện ông cũng không để người ta nắm lấy nhược điểm này để sai khiến như Hoàng Cầm đã từng bị nắm huyệt này nên nhiều khi cũng chiều ý quan trên.
Nguyễn Tuân và Thanh Tịnh cũng là những người khá. Nguyễn Tuân không nịnh nhưng sợ! Cuộc sống của ông vẫn bình thường vì ông biết chia véc bờ: Tôi sợ, anh sợ, chúng ta sợ…!
Thanh Tịnh không nịnh lắm và cũng biết cách giúp người khác, cho người mượn tên để đăng bài trên báo.
Điểm lại những tên mà tôi thích ở trên: Nguyễn hữu Đang, Phan Khôi, Hữu Loan… tôi thích nhất là Hữu Loan. Vì giữ chí mình dù cực khổ, nghèo đói, đàn con nheo nhóc… ông nhất định không nịnh ai. Đúng là bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất! Trong cơn "động đất" ông vẫn:
Ngọc dù tan vẻ trắng nào phai
Trúc dẫu cháy tiết ngay vẫn để.
Đáng quí thay! Con người cao quí này! Đọc "Mầu tím hoa sim" tôi cảm động một thì biết nhân cách ông tôi cảm động mười. Một gương tiết tháo đáng cho đời sau ngưỡng mộ!

02 tháng 11.2016
Chân Diện Mục


THƠ CON CÓC

Thơ con cóc là thơ làm đại. Làm trong thời gian ngắn. Tác giả có học hay không có học. Không tình cảm lai láng. Không ý nghĩa cao xa.
Có lẽ thơ con cóc ra đời sau thơ bẩy bước, sau thơ phúng thế, thơ thách đố… hay chê người ít học làm thơ…
Thơ cái chổi, cái cối xay, người ăn mày, con cóc của Lê thánh Tông không bị gọi là thơ con cóc. Thơ Hồ xuân Hương như khóc Tổng Cóc, bà Lang khóc chồng, kiếp chồng chung cũng thế… Ngay cả những bài vịnh trái mít, vịnh con ốc nhồi… nặc mùi con cóc nhưng cũng chằng ai liệt những bài này vào thơ con cóc.
Đặc biệt là người ta ít khi nghĩ tới tác giả của những bài này. Có lẽ thơ con cóc được định danh từ khi ba chàng uống rượu vịnh “con cóc“
Chàng 1: Con cóc trong hang
Con cóc nhẩy ra
Chàng 2: Con cóc nhẩy ra
Con cóc ngồi đó
Chàng 3: Con cóc ngồi đó
Con cóc nhẩy đi
Nhưng nổi tiếng nhất là dưới thời Đại Hoàng Đế Quang Trung, các vị Đại Thần trong buổi họp triều đã làm thơ con cóc:
Nghiến răng lừng biển Bắc
Tắc lưỡi dậy trời Nam
Ấy nó là con cóc
Chẳng phải trái bàm bàm
Cái hay của thơ con cóc là thoát vận bí một cách tài tình. Cũng niêm cũng luật tuy không hay ho, sâu xa nhưng lại làm người ta bật cười một cách dân giả. Thơ vịnh con chó mà:
Khi nằm với vợ thì phải đứng
Quanh năm chẳng được chén chè Tầu
Ôi! Bất ngờ ở chỗ vô lí. Phải tìm một chữ có vần “gâu“ cho chú chó. Thế thì chữ Tầu là ổn rồi, là đạt rồi, mà cũng nên thơ nên người ta mới cười (không phải cười như chó đâu)
Cũng có thể gọi thơ con cóc là thứ thơ mì ăn liền. Ừ, đó là một thứ tình ăn liền, tình cảm chất phác, ngớ ngẩn… mà nên thơ… 
Ông Lê trung Đình, thầy đi vắng, ở nhà các trò nhìn ngó con gái thầy… rồi cười ầm ĩ. Thầy về cầm roi vút vút dọa đánh. Lê trung Đình ứng khẩu một bài thơ tạ thầy, chứ không đợi lát sau thầy nguôi giận mới đem bài thơ lên trình thầy. Bài thơ mì ăn liền đã làm thầy nguôi giận ngay khi thầy bừng bừng nổi giận. Tuy chữ nghĩa điển tích rổn rang, nhưng bài thơ con cóc này đã làm thầy huề cả làng với tụi cóc nhái này:
Khoan khoan con nói để thầy nghe
Con chỉ coi thôi chứ chửa đè
Đôi cánh Hồng Môn còn khép kín
Ngọn cờ Xích Xí chửa lo le
Cái sự làm thơ lâu mau này không ai có thể coi giờ tính phút để nói rằng tác giả thông minh mẫn tiệp. Nào ai đếm từng bước để đến bước thứ bẩy Tào Thực làm xong bài thơ? Một bước của ông lâu… mấy giây hay… mấy phút! Một vị thi sĩ ở Huế làm bài thơ “Răng cắn lưỡi“ bắt chước chuyện Tào Thực để ám chỉ việc vua Tự Đức không dung cho Hồng Bảo. Vị này làm bài thơ trong mấy ngày??? Ôi! Dù là Văn hào, dù là Quí tộc nhưng nói chuyện tầm thường, nói chuyện sàm sàm thì tôi vẫn coi đó là thơ con cóc!
Thơ Bút Tre nổi như cồn:
Anh đi công tác Plei
Cu dài dằng dặc biết ngày nào ra
Rất nhiều người nhái giọng, mạo tác… nhưng các nhà hàn lâm vẫn gọi đó là thơ con cóc.
Thi sĩ Bùi Giáng được người ta ca tụng lên mây xanh … gọi là Thi hào… đề nghị giải Nobel. Nhưng nếu ai gọi thơ ông là thơ con cóc thì ông sẽ vồ vội mà rằng: Ừ, Ừ, Ừ… tớ là con cóc nên thơ tớ là thơ con cóc thì phải rồi!!!
Em về giũ áo mù sa
Trút quần phong nhuỵ cho tà huy bay
Ôi! Thi hào Bùi Giáng đã có lời thơ trên cả tuyệt vời, khiến ngàn năm sau người ta còn nhắc tới!
Một điều nữa là con cóc thì phải ở trong hang. Thơ chui, thơ càng chui thì càng xứng danh con cóc. Người ta đăng báo lớn, huênh hoang chém gió đọc trong hội nghị lớn không phải thơ con cóc. Trong hội nghị, các chàng cóc ngồi dưới, xé giấy bao thuốc lá, viết thơ chuyền dưới gầm bàn thì đích thị là thơ con cóc rồi! Các ông lớn là Nhà thơ có Hiên thơ, Đình thơ, Đài thơ, Lều thơ thì thi sĩ cóc có “Hang thơ“.
Cách đây không lâu, khi ghé Huế, thăm Khiêm Cung. Tôi ngồi trầm ở Điếu Ngư đài mà cám cảnh xưa nay, tôi có làm một bài thơ con cóc để tặng nhà Vua:
ĐIẾU NGƯ ĐÀI
Buồn lịm chết người Hoàng Đế ơi
Non sông gấm vóc vẫn bên người
Mà sao trốn biệt ngồi câu cá
Cây ngả bên hồ nước biếc vơi.

02 tháng 11.2016
Chân Diện Mục

 

Đăng ngày 20 tháng 12.2016