Print

LÀNG XƯA

Chân Diện Mục

Nói đến làng xưa là người ta nghĩ đến đây là nơi định cư của một tập thể người Việt (lâu lâu cũng có di cư , nhưng thường là ít, và lại càng ít vụ di cư cả làng). Đây là nơi lưu giữ hồn Việt, tập tục, tín ngưỡng, nơi có mồ mả ông bà tổ tiên và bao nhiêu kỷ niệm thân thương thời thơ ấu, và cả những người trưởng thành, đứng tuổi…
Ai mà không nhớ khi còn bé… bắt chuồn chuồn, đuổi bướm, chơi tổ kiến coi kiến tha mồi, hái lá chuối, lá mít làm đồ chơi, lấy gốc rơm, gốc rạ làm kèn, nặn đất làm pháo!
Khi xa quê thì nhớ day dứt. Lòng rộn lên khi về quê thấy cổng làng, cây đa, bụi tre làm ta lâng lâng, nhẹ người. Nhìn mái đỏ đình chùa làm ta ấm áp. Những cánh cò trên đồng, những đàn trâu lững thững về nhà. Những tiếng sáo diều vi vu. Những đêm trăng chơi ú tim, thả đỉa ba ba… Ôi! Ai mà không thấy làng mình tuyệt vời. Ai mà không kể về làng mình là nơi thơ mộng. Ôi! Thiên đường của tuổi thơ!

Ngày nay những bước chân rầm rập của văn minh (!) những bước chân oang oang của kỹ thuật làm người ta choáng váng! Điều tất yếu là người ta phải chạy theo văn minh. Đó là cuộc cạnh tranh sinh tồn mà!
Thời mới có tân học, nếu ông Hoàng Đạo nói: Theo mới! Theo mới không chút do dự. Theo mới là Âu hóa. Thì các nhà nho có tân học như Phan kế Bính, Phạm duy Tốn, Nguyễn bá Học chủ trương lấy cái ngọn xum xuê của Âu Mỹ tiếp lên cái gốc bền vững ngàn năm của ông cha để xây dựng một nền văn minh riêng cho Việt Nam. Nhưng bánh xe lịch sử ngày càng quay nhanh và người ta chẳng còn biết cụ Phan kế Bính là ai nữa!
Tôi không muốn nói tới những đổi mới sai lầm như Hợp Tác Xã, Sản Xuất Tập Thể, chỉ nói tới những đổi mới bình thường thôi cũng đủ giết chết làng xưa rồi. Cái hay thì khó học, cái xấu thì dễ theo, thậm chí còn theo một cách thích thú nữa. Ngày nay những tính xấu tràn về nông thôn như tầm ăn dâu, thậm chí như nước vỡ bờ!
Ngày nay làng nào mà không đầy quán nhậu (chưa nói tới những quán cực sang, chỉ những quán thường thôi người ta đã đổ đi biết bao nhiêu đồ ăn dư thừa). Làng nào mà không có vi tính, chơi game, Karaoke. Thậm chí có những cô gái ăn sương tính phí bằng lúa (lấy ngay hoặc tới mùa mới lấy). Bởi vì tiền trên hết, Tiện nghi trên hết, nên người ta sẵn sàng ngửa tay xin tiền, níu kéo người lạ, du khách. Vì tiền người ta sẵn sàng lấy chồng (!) xứ lạ, kể cả cái nước man mọi phía Bắc (!). Có cô gái trả lời phỏng vấn là cô ta lấy chồng ngoại là sẽ được đi máy bay!!!
Trước tình trạng đó người ta hô hào (thực hay giả vờ) bảo tồn truyền thống, bảo tồn cái hay cái đẹp xưa, bảo tồn luân lí phong tục xưa. Bảo tồn nếp sống xưa (trong đó có nếp sống làng xã). Nhưng hỡi ôi! Nói một đàng làm một nẻo. Chỉ thấy bày vẽ gia đình văn hoá, thôn làng văn hoá. Bảng hiệu, thu tiền và làm khó dân. Những di tích làng cổ, phố cổ (!). Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây), làng cổ Phong Nam (Đà Nẵng). Cái Hội An chỉ là một làng nghèo (trừ một số người Hoa buôn bán) từ khi người Pháp tới mới nhiều nhà gạch. Mà các cụ ơi! Nhà hình ống: mặt tiền 4m, chiều sâu 20 m thì tôi hỏi nó “Cổ “ ở cái chỗ nào? Mà đã mang danh là cổ thì sửa chữa cũng không được, nói gì xây mới! Người ta còn đặt ra nhiều phương án (!) chắc còn lâu mới thi hành! mà sẽ có hàng trăm thứ giấy tờ thủ tục (lại có ăn nữa!)
Tôi thấy nhiều nơi cần có một chương trình gì đó, nhưng chưa kịp nhận danh hiệu thì nó đã dần dần chuyển bước tới văn minh hiện đại! Những khu như Cồn Lu, Cồn Ngạn Cồn vành, Cồn thoi ở Thái Bình Nam Định . Khu phía Tây Nghệ An, Bình Định. Khu biên giới Tân An, Đồng Tháp. Khu Cái Mơn, Cù Lao Ông Chưởng, Trà Sư – Lạc Quới – Tịnh Biên, khu Mũi Cà Mau… Tất cả đều có bước chân rầm rập của Văn minh. Nếu bạn muốn tìm hiểu về Phong Điền (Cần Thơ), bạn sẽ thấy làng Nhân Ái, làng Giai Xuân chẳng còn vết tích một làng xưa nữa.

Ôi! Những người 100 năm cũ, hồn ở đâu bây giờ!
Một lần về quê tôi thấy lạc lõng, bơ vơ quá, có mấy câu thơ rằng :
QUÊ NHÀ
Dạ thưa tôi tới quê nhà
Xôn xao bỡ ngỡ những là lạ quen
Ngó buồn mây trắng triền miên
Hững hờ ngớ ngẩn gọi tên quê mình
C.D.M.

Ngâm đi ngâm lại hoài, thấy thơ mình không hay bằng thơ ông Trịnh Hoài Giang. Tôi xin phép đăng bài thơ của ông lên đây:
ƠI CÁNH ĐỒNG QUÊ
Bây giờ ruộng đã bê tông
Cây đa đã cụt giòng sông đã què
Mái đình đã thẳng đường xe
Còn đâu cánh võng mà nghe chuông chùa
Hội làng thì đã ngày xưa
Thôi anh đừng có tiễn đưa làm gì
Em chào thầy mẹ em đi
Làm ô sin chẳng biết khi nào về
Heo may thổi dọc triền đê
Nghe câu dự án mà tê tái lòng
Người đi thì đã ngàn trùng
Người về đất có còn không mà về
Giật mình nửa tỉnh nửa mê
Cánh đồng quê, cánh đồng quê,cánh đồng
Trịnh Hoài Giang

28-12-2015
C.D.M.



TINH THẦN DÂN TỘC và TINH THẦN SÔ VANH

Chân Diện Mục

Trên thế giới này có lẽ không có dân tộc nào mà không có tinh thần sô vanh .
Ở Tây Nguyên Việt Nam có trường ca Đăm San cho ta thầy Bộ Lạc này rất hãnh diện mình có nguồn gốc linh thiêng. Coi khinh các bộ tộc chung quanh, muốn đánh bộ tộc nào thì đánh.
Việt Nam bị ăn hiếp trường kỳ bởi các triều đại khác, các nước lớn. Ấy thế mà thời Đông Kinh Nghĩa Thục, ta vẫn được đọc những câu ca :
Giống vàng giống trắng tinh anh
Giống đen, giống đỏ, giống xanh ngu hèn (!)
Hồi đó mấy người đọc lấy làm thích thú lắm (Ta vẫn còn văn minh, ưu việt hơn mấy nước Phi Châu chán!). Riêng tôi, tôi thấy đa số người ta có tinh thần sô vanh một cách phi lí, hợm hĩnh, láo khoét!

Người da trắng nói họ văn minh từ hơn 2000 năm trước. Cái này… tôi nghĩ… cần phải xét lại! Thời cổ lỗ sĩ đó mà họ có thể đứng trên đỉnh núi, dùng cái kính lúp (dân gian gọi kính hiển vi) lấy sức nóng từ ánh sáng mặt trời đốt cháy hàng trăm thuyền địch sao!!! Ấn Độ từ 10.000 ngàn năm trước có thể dựng cái cột cao mười mét bằng một thứ sắt không gỉ (?) Trung Quốc từ thời nhà Tần đã có thể đào con kinh thẳng, rộng trăm mét, dài trên 200 km sao ???
Chính vì tinh thần này mà người ta sửa sử… sửa sử… khiến cho bây giờ nó chẳng còn bao nhiêu sự thật! Ôi cái ông Quách Mạt Nhược có nói: Cố sự (Lịch Sử) chỉ đúng được 1% mà thôi.
Ở Việt Nam từ khi có sử cho tới thế kỷ 21 này, tôi chỉ thấy có ông Tạ Chí Đại Trường dám viết lịch sử theo sự thật. (Các nhà khảo cứu Hà nội đã từng phản bác lẫn nhau: Nhiều người viết sử không như là nó có mà như là mình muốn)
Các sử gia Âu Mỹ khi nói về Nga thì phán rằng: Người Nga mà viết sử thì thật là Thảm Họa! (Một thí dụ tức cười là ngày 6-8 Nhật ăn trái bom nguyên tử thứ nhất, ngày 8-8 ăn trái thứ hai. Ngày 8-8 Nga tuyên chiến với Nhât. Tuyên chiến nhưng đã trực thăng vận quân sĩ tới… Harbin ngay đâu! Khi Nga tiến sâu vào Mãn Châu thì quân Nhật đã bó giáp rồi! (15-8 Nhật Hoàng đầu hàng). Ấy thế mà người Nga viết họ đã đánh tan đạo quân Quan Đông, đạo quân tinh nhuệ nhất của Nhật (!)

Cái chiến thuật Biển Người là chiến thuật của một dân tộc văn minh, ưu việt, giầu lòng yêu nước chăng? Mà hình như người sử dụng chiến thuật này đầu tiên là Tưởng Giới Thạch chứ không phải Mao Trạch Đông!. Tưởng đem một số quân gấp nhiều lần quân Nhật quyết đánh đồn ở Đài Nhi Trang, một thị trấn nhỏ ở Sơn Đông) Dĩ nhiên là Tưởng thắng, chiếm được! Nhưng tôi e rằng quân Tưởng chết gấp mười, gấp trăm lần quân Nhật. Nhưng Tưởng cho đăng báo ở Nam Kinh rầm rộ về chiến thắng Đài Nhi Trang! Phải thế chứ, một dân tộc 6000 năm văn minh lẽ nào thua những tên rợ Đông Di mới lập quốc sau này!

Để bành trướng đế quốc, phủ dụ Tứ Di, cái ông ba Tầu này đã khoa trương quá mức! Chết chóc, đói khổ, bệnh tật nói chiến thắng vẻ vang! Đi gần thôi, nói là đi xa.
Tôi mắc cười khi nghe đế quốc Hán đã tới bắc Việt Nam (sau này), đã tới Vân Nam, tận phía Nam gần biên giới Miến Điện! Thử mở Hán Thư ra coi: Chế độ gọi lính “một năm một người phải đi lính ba ngày“. Người lính đi bộ tới Vân Nam mất một năm, ở đó làm việc quân ba ngày, rồi đi bộ trở về quê mất một năm! Người ta thấy cực kỳ vô lí! mới phang đại một khúc sử là: một trăm người bị gọi, hùn tiền mướn một người đi lính thế, người đó sẽ ở Vân Nam một năm đủ điểm cho một trăm người kia (như vậy người vợ lính đó ở nhà sẽ lĩnh một mớ tiền bộn, ăn tiêu mệt nghỉ. Tôi đọc đến đó cười đến đau bụng, mà sao người ta vẫn viết, vẫn đọc thản nhiên như chuyện bình thường!)
Đi đánh xa thì vận chuyển lương thực như thế nào? Tôi đọc bản tâu của một viên quan thời Minh can vua đừng đánh An Nam. Tới mục vận tải lương thực thì tôi giựt mình: Phải huy động bò và xe bò như thế nào! huy động bao nhiêu cái sọt (hồi đó người ta bê vác từng sọt chứ chưa phát minh quang gánh). Dưới thời Minh mà còn thế, thì thời Hán người ta mần ăn ra làm sao???. Có nhiều người viết như là vua ban chiếu chỉ và phát lệnh phù cho các quan ở xa bằng những tờ giấy có đóng ấn triện. Ôi! Lệnh phù là một khúc tre vua sai chặt vát làm 2 khúc rồi đưa cho quan một khúc trước khi lên đường. Sau này có lệnh mới thì vua sai một người cầm một nửa ở nhà đi. Tới nơi, vị quan đem ra thấy khớp thì theo lệnh miệng của người đem tới! vì thế mới nói “Chặt Phù“, “Khớp Phù“

Người ta mở đồn điền ở những nơi xa xôi cũng là chuyện mắc cười, như đồn điền ở Tây Vực! Tôi mở tài liệu khí tượng ở vùng này ra coi thì lượng mưa từ 50 tới 200 mm mỗi năm. Mưa thế thì chăn nuôi còn khó khăn nói chi tới trồng tỉa. Tôi rà lại tên mấy ông làm đồn điền hoặc đi sứ Tây Vực thì đều có tên là: Khiên, Đằng, Dũng… nghĩa là vượt qua, nhẩy vọt qua… nghĩa là mấy ông qua khe bằng cách chống con sào nhẩy qua, đu giây qua, cỡi cây chuối qua!!!
Tôi đã đọc kỹ sơ yếu lí lịch của tên Mã Viện. Làm sao trong vòng một năm hắn có thể đánh Giao Châu, tới tận Thanh Hóa, trở về báo cáo thành tích, rồi qua đánh đất Thục (Tứ Xuyên), trở về báo cáo thành tích, rồi lên phương Bắc đánh rợ Hồ .
Những trận đánh Cao Câu Ly, Tân La (Triều Tiên) dưới thời Tuỳ khiến cho quân lính dầm mình dưới nước quanh năm, dòi bọ đầy người, đói rét, chết hàng triệu người mà cứ ghi là mình thắng!
Thật là tức cười khi sử viết nhà Ngô ở Kim Lăng và nhà Đường ở Trường An đã được thưởng thức chuối tươi, trái vải tươi từ Giao Châu triều cống! ( Viết thế cũng như ở Việt Nam người ta viết Nguyễn Huệ sai đem cành đào từ Thăng Long về Huế cho Ngọc Hân! Không hiểu người ta vận chuyển bằng trực thăng hay xe lửa! Sao người ta ngu lâu thế nhỉ! Thế kỷ 21 này vẫn còn sách báo nói chuyện cành đào. Người ta phi ngựa trạm hộc tốc hết mấy ngày! Người ta cắm cành đào vào một cái bình lớn, cho vào một viên thuốc tươi lâu, chung quanh bó lá chuối hay bao ni lông để tránh nắng gió!. Có lẽ người ta ngu lâu như thế nên được phong nhà văn ưu tú chăng?

Nói đi nói lại tôi vẫn thích nói chuyện về cái đất nước vĩ đại 6000 năm văn minh.
Người Tầu cứ nói mãi chuyện họ phát minh ra vải, lụa. Xin thưa rằng các rợ phương Nam lấy vỏ cây sui đập dập ra cho mềm rồi bện ra để che cái rất cần che như các ca sĩ thời nay ấy, còn người tầu mặc “áo“ cừu tức ăn thịt cừu, thịt dê thì lột da để cả lông rồi buộc rồi treo vào người (hồi xửa hồi xưa khi chưa có sà bông, thuốc tẩy, cách hấp thì e rằng “áo“ da dê da cừu sẽ bẩn và không đẹp bằng vỏ sui! Chính người Việt dạy người Tầu mặc quần áo bằng Bố. Tất cả các chữ Nho ghi các loại vải của Tầu đều có bộ Bố bên trái!. Tầu nói ta phải cống Cát Bá (Khiến mấy ông Việt ngớ ngẩn nói vải cát bá Việt Nam dệt bằng thứ bông Cát Bá rất mịn, rất đẹp!) Chúa ơi! Cát Bá chính là Cổ Bối, Cát Bố, Bố đấy! Nó là một loại đay, gai đấy!. Người miền Nam ngày nay còn gọi đay, gai là Bố và cái bao dệt thô sơ để đựng đồ còn gọi là bao bố. Người Pháp khi mới tới đã cho trồng quanh Sài gòn 4000 hecta đay gai để dệt vải. còn cái bông dệt vải đẹp ở VN sau này được gọi là bông Hoa Kỳ. Chính những người rợ Tây Nam đã dạy cho người Tầu biết đến Bông. Tôi đọc sách Phật thấy nói đẹp như tơ trời Đâu La Miên thuở trước, tưởng là gì ghê gớm lắm, ai ngờ Đâu La Miên là cây Bông Gòn! (Trời trong xanh, sợi bông gòn bay đầy trời cũng thơ mộng lắm chớ bộ) .
Miên mới là bông, Còn tra tự điển thấy dịch Nhứ là Bông, thực ra nhứ là sợi bông, những sợi nhỏ giống như sợi bông:
Liễu nhừ nghinh nhân vũ đảo điên
(là của cây ti liễu múa trước gió đón khách thơ)
cũng giống như Xuân Diệu viết: Những luồng run rẩy rung rinh gió! Tóm lại là cái ông Tầu học Bố và Miên ở các rợ Tây Nam .

Sao các cụ lại đi ca tụng Tầu:
Muốn ăn đậu phụ tương Tầu
Mài dao đánh kéo gọt đầu đi tu
Các quan Tầu hay sứ Tầu khi đi tới miền rợ Tây Nam được đãi ăn món Củ Tướng hay Câu Tương mà họ nói là tuyệt vời. Các nhà khảo cứu khi gặp từ này cũng… Nô biết! Đâu ai biết rằng nó chính là Tương! vì hồi đó các rợ Tây Nam chúng ta còn nói song âm hay âm song tiết! Các cố đạo Tây phương khi tới VN còn nghe nói Mlí, Mlẽ (lí lẽ) và “Ta cầu có ũ (cùng) đức chúa Blời (Trời) cho ta được só ũ (sống) lâu. Cái chai nước tương bây giờ gọi là xì dầu (si yếu) hay đề chữ là tương vị du phải chăng là dầu có mùi vị tương! Rau muống luộc mà chấm cái thứ nước này thì… chán ngắt, sao bằng chấm cái tương mà người miền Nam kêu là tương Bắc (tức tương Bắc Kỳ)
Ngày nay mà còn có người Tầu làm món cá nói rằng do đầu bếp của Tần Thuỷ Hoàng bí truyền lại. Ôi! Tần Thuỷ Hoàng mà biết ăn cá sao? Có mà ăn thịt người thì có !
Sao họ cứ lải nhải mãi chuyện họ phát minh ra kim chỉ Nam, La bàn nhỉ?. Kim chỉ Nam của họ chỉ bậy đến nỗi dắt họ đi qua (đi bộ) nuớc Phù Nam, nuớc Lâm ấp để tới Việt Nam! Mãi đến cuối thời Minh mà thuyền bè của họ đã nên cơm nên cháo gì đâu! Họ không đánh nổi giặc biển nên đã có một thời gian dài bắt dân chúng ven biển phải dời vô trong 30 dặm! Đầu đời Thanh kỹ thuật hải hành của họ đã ra cái ôn dịch gì đâu! Con cháu Trịnh Thành Công không phục nhà Thanh đã trôi dạt về phương Nam làm cướp biển! Mấy ông giặc Tầu Ô này chơi không lại người Bồ Đào Nha nên phải tấp vào bờ làm rẫy và buôn bàn nhỏ ven biển, cửa sông .
Cơn cớ gì mà họ nói mấy ngàn năm trước họ đã phát minh ra những máy Toàn Cơ và Ngọc Hành để… đo trăng sao! Nói vậy mà không biết mắc cỡ sao? Toàn cơ thì tôi chẳng cần biết nó là cái gì? Nhưng Ngọc Hành há chẳng là dương vật sao? Theo thuyết âm dương ngũ hành… thì Toàn Cơ Ngọc Hành chính là Âm Dương vật, người ta lấy mô hình hai cái này lồng vào nhau để âm dương hoà hợp, mùa màng tươi tốt (!?). Ở Bắc Ninh và Vĩnh Phúc ngày nay vẫn còn những lễ hội kiểu đó! Một người hát: Cái nạo thế sừ là cái sự thế nào. Người kia cầm hai vật đâm vào nhau và hát: Cái nạy thế sừ là cái sự thế này!. Hoặc ở Lễ hội khác người ta vừa đâm vừa hát: “ linh tinh tinh tình phọc!“
Tôi chẳng tin cái ngũ hành: Kim mộc thuỷ hỏa của văn hóa xưa. Thí dụ coi tuổi một đôi Nam Nữ muốn kết hôn 12 con giáp thuộc mạng gì? Các cụ đặt ra ba câu thất ngôn cho dễ nhớ :
Tí ngọ ngân đăng giá bích câu
Tuất thìn yên mãn tự chung lâu
Dần thân hán địa siêu sài thấp
Tôi thấy ba câu đó cũng hay hay nên tặng luôn các cụ một câu cho đủ bài thất ngôn tứ tuyệt :
Chớ tính lăng nhăng kẻo vỡ đầu
Tôi chẳng cần biết tuổi tôi mạng thuỷ hay hoả… cũng chẳng cần biết có tiền hung hậu cát gì không? Có lẽ tuổi tôi tiền hun hậu hít nên vợ chồng tôi đã sống hạnh phúc tới già. Cái ngũ hành trong y học cũng chẳng đáng tin. Năm mầu sắc cũng ngũ hành, năm mùi vị cũng ngũ hành. Ngũ tạng con người cũng ngũ hành! Mầu đỏ, vàng… chữa bệnh gì? vị cay, đắng chữa bệnh gì?

Người ta nói Hoàng Đế, Kỳ Bá, Thần Nông phát minh ra cách chữa bệnh, tìm ra các vị thuốc… Láo khoét cả! Thần Nông giáo dân nghệ ngũ cốc. Có thuyết giải là năm thứ lúa: Nếp, tẻ, kê, đậu, mè… có tới năm, bẩy cách giải ngũ cốc! Tôi theo thuyết: Hành, tỏi, hẹ, tiêu, ớt vì ông Thần Nông ăn vào thấy bớt đau bụng sau khi ăn thịt sống quá nhiều. Vâng, thưa quí vị, tra tự điển thì thấy Cốc có nghĩa là MỌC chứ chắng có nghĩa là quả hay hạt gì cả. Ông Thần Nông đã chỉ cho người ta bứt hay nhổ những cây mọc hoang để ăn. Một vị tổ sư nghề y trước ông Hoa Đà là ngài Biển Thước. Biển Thước còn có tên là Tần Việt Nhân, nghĩa là người Tần hay Việt chứ không phải người hoa hạ. Tần chữ Nho có nghĩa là trồng tỉa. Người Tần biết trồng tỉa trong khi người Hoa còn hái lượm. Trong Kinh Thi (một thứ như ca dao ở VN), bài thơ Thất Nguyệt có nói: Tháng nào ăn nho, tháng nào ăn sơn tra… Tôi nhấn mạnh là ĂN chứ không phải TRỒNG. Còn Châm cứu là người ta lấy hòn đá nhọn đâm vào chỗ mưng mủ cho toé mủ ra, thế là hết đau!
Trong Bản Thảo liệt kê các vị thuốc tôi thấy nhiều tên dài dòng đền bốn, năm, sáu từ chẳng có nghĩa gì cả (người ta ghi là : Cổ Tịch Biệt Danh) đó là tên mà các tộc người nói tiếng đa âm đặt!

Cụ Lỗ Tấn, một văn hào Đại Tổ Trảng đã từng chê Cương mục bản thảo của Lí thời Trân (một danh y lớn tổ bố) là chẳng hay ho gì. Ôi nhiều vị thuốc của ông Tầu thật là quái đản trên mọi sụ quái đản!. Cứt chó cũng thuốc. Cứt chuột cũng thuốc. Kinh nguyệt con khỉ (hầu kinh) cũng là thuốc khiến người ta sợ hãi. Nhân trung bạch là chất muối trắng đọng lại ở dáy lu nước đái, người ta nậy lên làm thuốc! Nhân trung hoàng được người ta bào chế bằng cách lấy cam thảo gọt làm nút để nút lên cái lọ không, rồi thả vào hố xí, một thời gian sẽ cho ta một thứ nước mầu vàng dùng làm thuốc! Hãi chưa!!! Ôi y học của một dân tộc có 6000 năm văn minh rực rỡ (!)

Trời ạ, người ta nói dân tộc Trung Hoa rất là minh triết, thấy đời có 100 năm quá ngắn. Buồn mà chi! nên Trang Tử có cách chơi rất phóng khoáng, đạt đạo (!) Vợ chết không khóc mà gõ chậu… chơi! Người ta há khộng biết rằng xưa chẳng có dân tộc nào biết khóc, biết thương. Vợ chết thì Trang Tử và những người bộ tộc gõ chậu, gõ chĩnh, nhẩy múa xung quanh xác để gửi gấm linh hồn người chết cho quỷ thấn!

Người ta nói người xưa biết cách hưởng thụ 100 năm ngắn ngủi, chơi ngày chưa đã, đốt đuốc chơi đêm (cổ nhân bỉnh chúc!)Thế thì người ta lại không biết “cổ nhân" sau khi săn thú về, đốt lửa nhẩy múa chung quanh con vật đang bị thui để… chơi!!!
Ha! Ha! Ha!
Cái đất nước có 6000 năm văn minh rực rỡ này khiến tôi tò mò muốn tìm hiểu rồi viết bậy mấy trang để các bạn đọc chơi cho vui!
Ồ! vui quá xá là vui!
He He He!!!

Chân Diện Mục
19-12-2015


* Chủ nghĩa Sô vanh (chauvinism) là một chủ nghĩa sùng bái tinh thần bè phái cực đoan, mù quáng trên danh nghĩa của một nhóm (thường là một quốc gia hoặc một dân tộc), nhất là khi tinh thần bè phái đó có bao gồm cả sự thù hận chống lại một nhóm địch thủ. Thuật ngữ này có nguồn gốc từ tên của Nicolas Chauvin, một người lính cuồng tín của Napoléon Bonaparte mà sự tôn thờ cuồng loạn của anh ta đối với Hoàng đế đã khiến anh ta liên tục chiến đấu cho nước Pháp ngay cả khi đã bị thương 17 lần trong các cuộc chiến tranh xâm lược của Napoléon. Tương truyền, trong trận đánh quyết định tại Waterloo khi quân Pháp đã bị đập tan tác, anh ta đã thét lên rằng "Đội Cựu Cận vệ có chết nhưng không đầu hàng!", hàm ý một nhiệt huyết mù quáng đối với Tổ quốc hay một hội nhóm của mình.
Chủ nghĩa Sô vanh là một hình thức cực đoan của chủ nghĩa dân tộc, dẫn đến chủ nghĩa dân tộc lệch lạc, dân tộc nước lớn, dân tộc hẹp hòi, bài ngoại, tự cho dân tộc mình là dân tộc siêu đẳng có sứ mệnh lãnh đạo các dân tộc khác.
Trong bài Imperialism, Nationalism, Chauvinism (Chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa Sô vanh), đăng tại tạp chí The Review of Politics 7.4, (tháng 10, 1945), tr. 457, Hannah Arendt mô tả khái niệm này như sau: Chủ nghĩa Sô vanh gần như là một sản phẩm tự nhiên của khái niệm quốc gia khi nó xuất phát trực tiếp từ quan niệm cũ về 'sứ mạng quốc gia'... Sứ mạng của một quốc gia có thể được hiểu là mang ánh sáng của nó đến cho các dân tộc kém may mắn hơn mà vì lý do nào đó đã bị lịch sử bỏ lại. Khi khái niệm này chưa phát triển thành hệ tư tưởng Sô vanh chủ nghĩa và nằm yên trong lĩnh vực khá là mơ hồ về niềm tự hào dân tộc, nó thường dẫn đến kết quả là một tinh thần trách niệm cao đối với chất lượng cuộc sống của những người mà theo ý của nó là "tụt hậu"
Miêu tả trên không đánh giá một người theo chủ nghĩa Sô vanh là đúng hay sai, chỉ là người đó đã mù quáng khi đến với chủ nghĩa đó và lờ đi các thực tế có thể làm thay ćà quyết định của mình. Tuy nhiên, trong cách dùng hiện đại, người ta thường có ý rằng người theo chủ nghĩa Sô vanh vừa mù quáng vừa sai lầm.
Trích Wikipedia

 

Đăng ngày 04 tháng 01.2016