Print

Đậm màu ngàn nỗi nhớ

Trần Thúy Phương

Đang loay hoay lựa cắt những cọng khô trong chậu hoa nhài, dì Út bỗng ngừng tay, đứng thẳng lên, nhìn cây ngọc lan. Cây ngọc lan cao bằng cột đèn ngoài đường, lá rậm rì, chiếm một góc sân rộng. Dì nhủ thầm, “Mùa thu về rồi đó… Tiếng lá trong gió nghe lạ quá chừng…”
Bỏ chậu hoa nhài, dì bước đến săm soi mấy bụi cúc và trạng nguyên trồng dọc theo tường. Chưa thấy nụ nhiều đâu, vậy chứ tháng tới là hoa cúc vàng rực cả sân… Cái giống trạng nguyên này nữa, Noel mới đúng mùa nhưng vườn nhà dì tụi nó ra sớm. Mỗi mùa thu ra vườn, nhìn hoa nở dọc mấy bức tường, dì lại nhớ câu thơ
Nắng thu hoa cúc vàng lưng giậu
Sắc đỏ huy hoàng áo trạng nguyên…
Nơi đây đủ xuân hạ thu đông trong khi Saigon chỉ hai mùa mưa nắng. Bốn mùa ấy nghe như chẳng có điểm nào giống với thời tiết quê nhà, vậy mà quanh năm lúc nào cũng có thứ đem dì bay vụt về quá khứ… Vạt nắng mùa hè, chút mưa mùa đông, cây cối cỏ hoa… điều gì cũng gợi lên muôn vàn hình ảnh thuộc về cái đời sống dì đã trải qua, nơi quê cũ.

Mới đó mà lại sắp hết năm. Dường như mới hôm qua, tháng ba, dì bắt đầu đi bộ trở lại. Những tháng trước đó dì không đi bộ mỗi chiều vì từ sở làm về đã tối mịt lại thêm lạnh lẽo. Mùa đông nào dì cũng tính sẽ đi bộ vào buổi sáng, nhưng năm nào cũng thế, chưa lần nào dì ra khỏi nhà vào sáng sớm như dự định. Năm nay vùng dì ở mưa nhiều. Lá mơn mởn và hoa nở tưng bừng. Dọc các lối đi, sân nhà nào cũng đầy hoa lá đủ màu đẹp đẽ. Cây của thành phố trồng hai bên lề đường cũng trắng xóa bông. Những buổi chiều tháng ba đó, đi trong xóm, dì ngửi thấy mùi đồ ăn từ trong các căn nhà bay ra, mùi thịt nướng, mùi lò sưởi nhiều nhà còn đốt bằng củi… “Trời, sao nhớ nhà kinh khủng!”.  Những buổi chiều ấy, dì lại rưng rưng với câu
Khói rơm, cơm chiều đỏ lửa
Tôi ra gọi em về
Nhưng chỉ thấy bốn bề hư vô giăng mắc…  (NH)

Dì Út nhớ lúc bé xíu còn ở Huế, ngày ngày chạy tứ tung trong khu vườn rộng mênh mông. Chiều, hoàng hôn xuống, mấy chị giúp việc gọi về tắm rửa, ăn cơm. Mấy chị ấy ưa dọa ma vì cuối vườn là nghĩa trang giòng họ… Dì nhớ mình không hề sợ ma vì được dạy dỗ bởi mẹ dì là người công giáo có đức tin vững mạnh. Bà chẳng bao giờ xem bói toán, không tin dị đoan. Dì nhớ mình cứ nằm lăn trên các thành xây quanh mộ ông bà tổ tiên. Mấy cái thành đó rộng, thấp, mát rượi… Dì nhớ, dì nhớ…
Mới đó, bây giờ đã tháng 10. Ngày xuống dần, trời thấp. Cũng mùi hoa, mùi than củi, mùi thức ăn… bay trong không khí. Trời, dì nhớ cha mẹ mình đến nẫu ruột.  Dì nhớ chữ buồn da diết ngày nay không mấy ai còn dùng… Dì nhớ mùi khói các chị giúp việc gom lá đốt mỗi chiều. Đôi lần dì hỏi vài người quen, “Có biết bài Đốt Lá Trên Sân, Thái Hiền hát không?”  Trả lời dì là những cái lắc đầu. Một người bạn gặng hỏi, “Thì sao?” Dì im lặng, nghĩ mình có thể bật khóc được nếu hát lên câu “Ngày còn mẹ cha những chiều đốt lá…”

Dì Út ngước nhìn bầu trời đang sập tối. Bỗng nhiên dì hát một câu theo điệu cải lương
Chờ ai bạc áo chốn xa xăm…
Chờ ai bạc áo chốn xa xăm…à a a á…  
Hôm qua khi dì đang đi qua đi lại trong chợ, chưa biết sẽ nấu món gì cho bữa ăn tối, thì chợt câu hát đó vang dội vào tai, và nó cứ chạy loanh quanh trong đầu dì cho tới hôm nay. Thực ra, suốt ngày, cái chợ này cho phát thanh liên tục đủ loại bài hát vui buồn cũng như cả những bài vọng cổ mùi mẫn. Mọi âm thanh trôi tuột đi sau khi thoảng qua tai dì, chúng chẳng hề để lại một dấu vết… Ngay cả bài vọng cổ hôm qua, dì không nhớ nó nói về điều gì. Chỉ riêng câu hát đó, với giọng ca đàn ông não nuột, bỗng nhảy phóc vào đầu dì và chạy loanh quanh trong ấy. Thoạt tiên, dì hơi mỉm cười, nhớ đến các câu thơ, câu hát cũng nói về áo, về nỗi nhớ thương… “Em đi áo mỏng buông hờn tủi” hoặc ít ra cũng “Áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau”…  Một hồi sau, dì không cười nữa. Dì hơi lẩn thẩn tự hỏi cái người ấy đợi ở đâu? Nơi đầu ngõ? Tại một ngả ba đường, hay ở một bến sông? Trời, nghe sao thảm quá! Dì hình dung một lưng áo bạc màu vì mưa nắng, vì chờ đợi mỏi mòn… Những bài ca vọng cổ với thứ ngôn ngữ vừa chân chất vừa hoa hòe, nhưng trên tất cả là tình quê hương dân tộc, những năm sau này thường làm dì bâng khuâng chứ không còn cười cợt như lúc nhỏ.  

Dì nhớ năm lớp 10, lớp dì nằm trong góc kẹt của dãy hành lang nhìn ra hồ bơi, sát bệnh thất.  Những hôm thầy cô nghỉ dạy, dì và bạn kéo nhau ra dãy nhà để xe phía cổng Ngô Thời Nhiệm. Ở đó có giàn hoa hoàng hậu màu hồng thơm dìu dịu. Muốn bạn chú ý nghe, Hằng thường tằng hắng nhiều lần trước khi hát những bài hát tiếng Pháp mà cả dì lẫn Hằng đều thích, như Capri C’est Fini, La Maritza, La Maison Où J’ai Grandi…, Kim và Ly thì ưa tranh luận các vấn đề triết học mà tụi dì đều biết là hai đứa nó cũng chẳng hiểu gì. Nhưng dì nhớ nhất là Trân. Trân lớn hơn bạn cùng lớp hai tuổi, có đôi mắt ướt, và tà áo dài luôn bị châm lủng lỗ bằng đầu thuốc lá. Chính Trân kể rằng bạn trai Trân hút thuốc rất nhiều và ưa dụi đầu điếu thuốc cháy đỏ vào tà áo dài của mình. Trân gục gặc, “Thì cũng như thêu áo ấy mà!” Dì ít khi chuyện trò với Trân; chỉ nghe trong lớp bàn tán về Trân như một cô gái “nổi loạn”, có bạn trai sớm, và gia đình không để ý đến các sinh hoạt của Trân mấy… Trân thường ca cải lương mỗi khi được ra nhà để xe ấy. Cái giọng nửa Bắc nửa Nam, mái tóc ngắn cố tình cắt nham nhở, vạt áo dài lủng nhIều lỗ vì đầu thuốc lá… tương phản biết bao với các câu ca não nề tha thiết.  Dì mơ hồ thấy Trân vượt qua những e dè, những rào cản thường nhật của xã hội, không sợ những câu dè bỉu của bạn bè và không cần những bình phẩm thầm thì sau lưng…  Rồi Trân bỏ học khi vừa lên lớp 11; cũng từ đó, mỗi khi nghe các câu vọng cổ, dì lại nhớ đến đôi mắt ướt và vạt áo dài đầy lỗ thủng của Trân.

Dì lại nhớ, năm 20 tuổi, dì đang học năm thứ ba Đại Học Sư Phạm. Mấy tháng cuối năm là thời gian “lao động” của sinh viên. Dì phải đi về Hóc Môn, một vùng thuộc ngoại ô thành phố. Thuở ấy xăng khan hiếm, xe đò chạy bằng than, qua các ổ gà xe bị dằn, những cục than đỏ rơi xuống dọc đường trông vừa buồn cười vừa thảm hại. Khoảng cách vài chục ki-lô mét dạo đó phải mất gần hết cả buổi cho việc di chuyển; với một đứa chưa hề bao giờ xa nhà một mình như dì, khoảng cách kia càng xa thăm thẳm.  Những ngày đó, đám sinh viên ăn nhờ ngủ đậu nhà dân, những người miền quê vẫn còn chất phác, đơn sơ. Sáng sáng kéo nhau ra đồng, “cán bộ lớp” chỉ đâu làm đấy. Dì và bạn bè lội bùn, cuốc cuốc đắp đắp… Mồ hôi vã, miệng khô, mắt mờ vì nắng chói chang… Chẳng ai hiểu mục đích các việc mình phải làm là gì, chỉ mong xong “chỉ tiêu”, xong một tháng “thực tế” theo chương trình nhà trường đã định.
Những buổi trưa trở về nhà ông Sáu — một ông già khỏe mạnh, “gia đình tiên tiến,” nhận sự phân công của địa phương cho đám sinh viên thành phố ở nhờ - dì và bạn bè lê lết dưới mấy gốc cây ngoài vườn… Dì nhớ làm sao cái không gian vắng lặng của các buổi trưa ấy. Thời gian như ngừng lại, mặt trời đứng im trên cao… Mấy con chó chui vào gầm tấm phản, nơi ông Sáu dành cho dì và năm cô bạn cùng lớp được ưu tiên ngủ tối trên đó, lim dim mắt. Gà vịt cũng không xao xác. Hai mươi tuổi, cái tuổi còn bé nhỏ làm sao. Thế nhưng giữa những buổi trưa im lìm đó, dì đã có lắm nỗi lo cất kín trong lòng. Dì nhớ đến hôm nói chuyện với “trưởng ban giáo dục chính trị và tư tưởng” của trường tháng trước. Dì nhớ ánh mắt sắc và cái giọng lạnh lẽo đã nói cho dì biết việc dì không khai cha mình là “tù cải tạo” đang lưu lạc giữa núi rừng miền Bắc là một cái tội rất lớn. Dì nhớ mình đã phân vân không biết có nên tự ý bỏ nửa chừng công việc dang nắng lội bùn này hay cứ đợi họ quyết định số phận của mình… Dì lại nhớ các chị đã đi xa, chỉ còn dì sớm hôm với mẹ. Dì đã ngàn lần từng tự hỏi mình sẽ còn níu giữ cuộc sống này đến khi nào…

Dì Út nhớ, những buổi trưa tĩnh lặng đó, âm thanh duy nhất phá vỡ sự im lìm là các bài ca vọng cổ phát ra từ vài căn nhà trong xóm. Những âm thanh ấy đã ở lại trong dì, có lẽ vì cái chất thê lương trong các làn điệu kia thích hợp với sự u uất trong lòng cô thiếu nữ tuổi hai mươi. Giữa những căn nhà mái tranh vách đất ngày ấy, dì lại nhớ mình đã đọc bài thơ mở đầu cuốn Hương Rừng Cà Mau cho mấy cô bạn cùng lớp nghe. Những câu thơ của Sơn Nam nói về những người đi khai phá miền Nam. Những con người can trường mà hành trang chỉ là “chiếc độc huyền, cùng câu thơ Lục Vân Tiên”. Dì đã cảm thương vô kể với cảnh
Thân không là lính thú
sao chưa về cố hương
chiều chiều nghe vượn hú
hoa lá rụng buồn buồn
Và chính hai câu
Hơi vọng cổ nương bờ tre cao vút
Điệu hò ơ theo nước chảy chan hòa
thấm đẫm tình đất nước đã làm cho dì càng mến yêu miền Nam, đã khiến dì lân la lại gần làn điệu cải lương, đã xô dì đi tìm đọc thử những bài vọng cổ. Rồi dì Út tập ca, nhưng dì không làm sao giữ trọn được các câu dài dằng dặc mà không bị đút hơi. Cái giọng nửa Bắc nửa Trung của dì góp thêm phần thất bại trong việc hò vọng cổ. Bạn dì can, “Thôi, thôi mà…”  Tới bây giờ dì Út vẫn chưa chịu đầu hàng. “It’s a challenge!” Dì cười ngỏn ngoẻn…

Dì Út quyết định đi bộ trong xóm như thường lệ dù hôm nay đã hơi trễ. Ra khỏi khu dân cư im vắng, dì nhìn qua bên kia con đường lớn.  Chiếc xe đạp nhỏ màu trắng vẫn còn dựa vào cột điện. Ngay chỗ đó nhiều năm trước có một cậu bé bị xe tông, qua đời. Suốt cả năm, lúc nào cũng có hoa, thú nhồi bông, bong bóng… Mãi mới thấy dọn hết. Thế rồi cứ ít lâu, chiếc xe đạp lại được đem đến dựa vào cột đèn, có hoa, bong bóng, đồ chơi. Dạo đó dì nghe nói cậu bé độ 13, 14 tuổi. Từ đó đến nay cả chục năm rồi. Mỗi khi thấy cái xe đạp dựng chỗ đó, dì bùi ngùi nhủ, “À, ngày giỗ cậu nhỏ kia”. Lòng dì chùng xuống, buồn bã. Dì tưởng tượng cha mẹ cậu ấy, đến ngày giỗ con lại lúi húi đem chiếc xe đạp và các thứ nho nhỏ kia ra chỗ đó. Họ buộc chiếc xe vào cột điện để gió không làm bay ngã. Họ thầm thì nói chuyện với con. Cả chục năm, tóc họ bạc ra, da họ nhăn đi…  Chỉ có cậu bé không bao giờ lớn và tình thương của cha mẹ cậu thì không hề phai nhạt. Xe cộ chung quanh thì cứ chạy ầm ầm, cuộc sống cứ thế vội vàng trôi, chỉ có cậu bé và cha mẹ cậu qua lại đoạn đường đó, nhớ thương nhau.  Hơn một tháng rồi, mấy chiếc bong bóng đã xì hơi, đổ gập xuống trên xe đạp từ lâu. Nhìn cảnh đó, cổ dì Út cứ nghèn nghẹn. Dì vụt nhận ra rằng, những năm gần đây, cái chết của những người thân yêu, ngày càng khiến dì đau đớn và nuối tiếc một cách tái tê. Dì biết mình chưa đủ “trình độ” như những người “thiền” hoặc những người “đạt tới đỉnh giác ngộ” để nói về sự sống và cái chết với cõi lòng bình an, thanh thản. Không đâu, dì đau xé lòng; dì bị dằn vặt vì sự cách trở, vì những thiếu sót mình đã chưa chu toàn…

Dì Út lại nhớ mình cũng có chiếc xe đạp nhỏ cỡ chiếc xe đang dựa cột điện kia. Xe đạp mini là thời trang của lứa tuổi 15-16 như dì ngày ấy.  Nó màu xanh lá cây, hơi ngả sang màu ngọc thạch, cha dì dắt đi mua.  Cũng như cha đã từng mua cho dì cái áo manteau (thuở đó dì và bạn toàn xài tiếng Tây - manteau, pardessus…) khi dì mới 10 tuổi; cái áo khoác hai lớp, một mặt màu xanh da trời đậm, một mặt in hoa màu đỏ và đen trên nền xanh dương, có thể lộn qua lại để mặc cả hai mặt. Cũng là cha đã mua cho dì chiếc đồng hồ Citizen năm dì 14 tuổi. Cái đồng hồ với dây stainless steel, mặt to tròn, ngày ấy là niềm hãnh diện của dì. Nhớ tới cha, lòng dì quặn thắt. Ôi, mỗi khi chị em dì muốn gì, luôn luôn có cha ở đó, dong dỏng cao gầy, mặc bộ đồ bốn túi… Trời, ngày thơ ấu cha từng là bóng cây che chở dì mà dì không để ý. Khi cha già yếu, bước đi run rẩy, vấp té, thì dì vẫn chỉ là một đứa con vô tình, xa xôi, đầy thiếu sót…

Nước mắt dì Út tràn đầy, nhòe hết cảnh vật xung quanh. Đường xá, xe cộ, cây cối… trộn lẫn vào nhau, cũng như quá khứ và hiện tại trong đời sống dì cũng cứ luôn trộn lẫn vào nhau. Đã 32 năm sống trên xứ người trong khi cuộc đời non trẻ ở quê nhà lại ngắn hơn nhiều, tại sao cán cân luôn chĩu nặng, luôn nghiêng về đoạn đời ngắn hơn kia? Nhìn chiếc bóng chao đổ trên mặt đường, dì Út thở dài, “Mình cũng đã già rồi…”

Trần Thúy Phương
12C2/1975

(ĐHSPSG, ban Việt văn, 1976-1980)

(Trích Đặc san Gia Long Nam California "Thoáng Hương Xưa" - tháng 12.2019)

 

 

Đăng ngày 12 tháng 12.2019