Print

Cha Mẹ nuôi của Vi

 

 thuyphuong

Trần Thúy Phương

“Vi?  This is B.  Mom passed away the last month…  Oh, car accident.  Don’t cry, Vi.  She did not suffer much…”
Đó là một buổi chiều tháng 10 năm 2008.  Trời chớm thu, lạnh và mưa đã nhiều ở Oregon.  B tiếp, đại khái, gia đình biết tháng 9 học trò đã trở lại trường, và gia đình Sagert quyết định chỉ báo cho Vi biết sau khi mọi sự đã xong xuôi, vì “ Dad knows that you’re so busy, you cannot leave the school for Texas when the school year just started…”

Tháng 11, trường của Vi cũng như nhiều trường high school khác, nghỉ lễ Thanksgiving một tuần.  Bỏ qua một bên những tiệc tùng, họp mặt gia đình, không chần chờ thêm nữa,Vi bay đi Danton, Texas.  Suốt chuyến bay, lòng bồi hồi, Vi nhớ lại cuộc sống và công việc đã cuốn hút mình ngày càng xa gia đình Sagert như thế nào… 

Khi Vi đến nơi, trời đã sập tối, mưa nhẹ. Đêm ấy, ngồi bên cạnh cha nuôi, Vi buồn bã nhìn mái tóc trắng xóa của ông, bàn tay xương xương vẫn to lớn nhưng thực sự đã run run khi cầm ly nước.  Cái vóc dáng cao lớn đã nhiều năm là bóng cây che chở cho Vi, nay đã mất đi sự vững chãi, bước đi ít nhiều đã vấp váp.  Nhưng giọng nói của ông vẫn đầy sự ân cần săn sóc, ánh mắt ông vẫn dịu dàng nhân hậu.
Qua ánh đèn vàng trong phòng khách, giữa những cái bóng bất động của đồ đạc, quá khứ từng trang giở ra trước mắt Vi.

Ngày đó bố Vi đang là Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Dục Mỹ.  Đời sống quân nhân trong thời chiến tranh đem bố Vi đi xa , như bao người lính khác.  Khi anh Thuận rời Saigon đi du học mùa hè 1974, Vi trở thành đứa con lớn nhất trong gia đình, là chị của bầy em 4 đứa.  Mẹ Vi cũng như phần lớn các bà mẹ miền Nam Việt Nam của nhiều thập niên tiếp nhau, suốt đời là người nội trợ quanh quẩn trong nhà lo cho chồng và con.  Mười tám tuổi, Vi trở thành người cùng mẹ quyết định mọi việc trong nhà, thay bố đang ở xa.

Vi vẫn nhớ rõ đó là ngày chủ nhật, 20 tháng tư năm 1975, Manz đến kêu cửa nhà cô-- Manz là một người Đức, trước đó Vi đã gặp ông ta một lần khi bố Vi về phép có Manz đi cùng-- Manz cho Vi biết ông ta giữ lời hứa với bố Vi là sẽ đem gia đình Vi ra khỏi Việt Nam, và đã tới lúc phải ra đi…  Vi nhớ mình đã hoảng hốt như thế nào.  Trong nửa giờ đồng hồ Manz dành cho gia đình Vi thu xếp, Vi luýnh quýnh thúc dục bầy em mỗi đứa lấy một túi xách nhỏ đeo vai và bỏ vào đó “những gì cần thiết”…  Chính Vi cũng không biết cái gì sẽ là “cần thiết” cho mình.  Bỗng nhiên  bị rứt bỏ ra khỏi cái tổ ấm đang che chở mình bao nhiêu năm, biết đem theo cái gì?  Biết bỏ lại cái gì?  Vi chụp đôi vớ, bộ pyjama, và cuốn tự điển Anh-Việt Việt-Anh bỏ vào túi của mình, trong khi mẹ Vi không đứng nổi trên đôi chân nữa.  Bà ngồi bệt xuống sàn nhà, rền rĩ, “Nhưng còn bố con, mình đi thế này…”  Manz hiểu, ông nói với Vi, “Bố cô ở trong chiến dịch Phượng Hoàng, ông không thể nào kẹt lại đây, cô hiểu không?  Cứ đi rồi sẽ gặp lại ông.”

Vi ôm lấy U già, người đã theo bố mẹ Vi từ ngày di cư vào từ miền Bắc.  Vi lắc vai U, “U đóng cửa nhé, giữ tiền này này…  Nếu bố gọi về hay gặp bố, bảo mẹ và tụi con đi thăm anh Thuận…  U ơi…”  Vi nghẹn giọng.  U già cũng hiểu lờ mờ, U sụt sịt.  Vi nhìn Manz, dò hỏi, “Đây là người thân, rất thân của gia đình tôi, có thể nào…”  Manz lắc đầu, giọng cũng khàn đục, “Ô không!  Tôi rất tiếc…”

 Lúc ấy khoảng 2-3 giờ chiều.  Cả nhà Vi dồn lên chiếc xe jeep dân sự và Manz đưa họ đến một căn nhà lớn trên đường Công Lý.  Khi trời tối hẳn, một chiếc xe bus lớn vào sân  Lệnh chuyền tai nhau, mọi người theo chỉ dẫn, lên xe, nằm xuống sàn xe, không trò chuyện…  Từ đó Vi không gặp lại Manz nữa, và tất cả diễn ra như một giấc mơ rất nhanh, rất ngắn: vào phi trường, lên một máy bay nhỏ loại chở đồ, không phải để chở hành khách, đến Guam, mẹ và Vi và lũ em lơ ngơ láo ngáo, hoang mang, nhớ nhà, nhớ bố, lo sợ về tương lai sắp tới…  Rồi một giấc mơ khác nữa, cũng rất nhanh, rất ngắn:  gia đình Vi được đưa đến Hawaii.  Vi còn nhớ cô Kim Vui—một thời từng là diễn viên điện ảnh trong nước, và dạo đó chồng của cô đang là governor của Hawaii—ra đón và an ủi những người tị nạn vừa được đưa đến Hawaii.  Cái hình ảnh ấy mới đẹp làm sao!  Nó vẫn rõ nét trong Vi cho đến bây giờ. 

Đến Hawaii, Vi cũng như mọi người, bị nhốt một chỗ. Thì phải vậy chớ sao: không ai có passport, không ai có immunization card, không ai nói tiếng Anh (giỏi), và có lẽ có những người không biết mình là ai nữa…  Khi Hội Hồng Thập Tự đến săn sóc và lập hồ sơ cho dân tị nạn, Vi mắc phải một lỗi lầm tai hại.  Theo thói quen, điều gì mình đồng ý thì trả lời “da phải”, khi được hỏi, “You don’t have TB, do you?”  Vi đã gật đầu, “Yes!”  Thế là thêm bao nhiêu thủ tục, xét nghiệm, thuốc phải uống dù các hình chụp cho thấy phổi Vi hoàn toàn sạch…

Chính quyền Hoa Kỳ đã tìm cách nhanh chóng ổn định đời sống của đám người vừa mất quê hương này.  Dân bản xứ cũng dang rộng cánh tay nhân ái của họ ra đón nhận những người như Vi.  Vợ một ông đại tá marine đã đón gia đình Vi về ở chung với tư cách là người bảo trợ.  Tuy nhiên chỉ hai ngày sau ông đại tá nhận lệnh thuyên chuyển đi nơi khác.  Không chần chừ, họ liên lạc ngay với một người bạn, hỏi ông ta và gia đình có thể thay họ tiếp tục vai trò của một sponsor?  Cho đến bây giờ Vi vẫn không biết họ nói gì với nhau,  nhưng ngay ngày kế đó, gia đình Vi từ Pearl Harbor được chở bằng xe hơi băng qua suốt bề ngang của đảo, đến một nơi khác…  Lạ, thì chỗ nào chẳng lạ, đã có nơi nào là quen thuộc đâu.  Nhưng ý nghĩ cuộc sống sẽ là một viễn ảnh lang thang như suốt thời gian qua đã khiến cho mẹ Vi khóc ngắn khóc dài, lũ con bé dại cũng ùa theo khóc sụt sịt suốt đường đi…

Khi xe ngừng lại cho gia đình Vi lục tục xuống, thì hình ảnh đầu tiên (Vi còn giữ tới bây giờ) là một cặp vợ chồng người Mỹ tuơi cười với vẻ mặt đôn hậu đang bưng một khay táo đứng đợi ngay cổng ra vào.  Bà vợ cầm từng quả táo đặt vào tay từng người, kèm theo lời thăm hỏi dịu dàng.  Ông chồng vẫn giữ khay táo bằng hai  tay, cười với Vi bằng cả mắt.  Đó là ông bà Sagert, cha mẹ nuôi của Vi.

Nếu có ai đề cập đến những chữ như cao cả, rộng lượng, nhân hậu, luôn luôn trong đầu Vi bật ra tiếng gọi “Sagert”.  Ông bà Sagert không những đã đón nhận gia đình Vi với lòng tốt của người đối với người, với tình yêu thương chân thành xuất phát từ những tâm hồn đẹp đẽ, mà còn tự mang lấy trọng trách giáo dục, dạy dỗ những đứa bé xa lạ với nhân cách vô cùng cao cả.

Phải rất nhiều năm về sau Vi mới biết gia đình Sagert thuộc giai cấp “thượng lưu” trong bối cảnh dòng họ, nghề nghiệp, trong cách sống, cách giao tiếp, bạn bè họ giao du… Còn lúc ấy, trong mắt một cô bé 18 tuổi mà chỗ xa nhất được đi ra khỏi Saigon chỉ là Vũng Tàu và Nha Trang, thì ai cũng giống ai…

Khi nhìn lui, Vi luôn cảm phục sự giản dị và thanh bạch của gia đình Sagert.  Lúc ấy ông đang trong quân đội và đã lên cấp tướng, đồng thời dạy học tại trường đại học địa phương hai môn physics và aerospace.  Nhà Sagert rộng nhưng chỉ có ba phòng ngủ, đủ cho ông bà, cô con gái C và cậu con trai B.  Khi nhận gia đình Vi về , C dọn qua ở chung phòng với cha mẹ, B sang phòng làm việc của cha.  Hai phòng ngủ của C và B được dành cho mẹ Vi, Vi, Phan, Mẫn, An và Huy.

Ông bà Sagert bỏ hẳn ra ba ngày để đưa gia đình Vi đi xem hầu hết mọi nơi trên đảo.  Ngày thứ tư, với tác phong của một vị tướng, Sagert tập trung 5 chị em Vi lại và tuyên bố, “Các con sẽ bắt đầu việc học ngay bây giờ”.  Nói là làm.  Ông bà Sagert chia nhau việc:  Phan vào lớp 10 phải đi high school, Mẫn lớp 8, An lớp 6, cả hai sẽ cùng học chung một trường middle high school.  Huy bé nhất, vào lớp bốn tiểu học gần nhà… Hầu như không phải làm gì cả, bỗng nhiên các em Vi thấy mình mỗi ngày ngồi chễm chệ trong lớp học với những đứa bé cùng trang lứa, được đối xử ngang hàng, và học hành trong những điều kiện tốt nhất mà một người Mỹ sinh trưởng trên đất nước này cũng chỉ hưởng được như thế mà thôi.

Phần Vi, từ cái gật đầu nói “Yes” khi trả lời câu hỏi “You don’t have TB, do you?” đã kéo theo bao nhiêu lần ông bà Sagert phải đưa Vi đến bệnh viện để chụp hình X-ray, khám sức khỏe theo dõi định kỳ, và uống cả thuốc trong nửa năm trời.  Khi đã ở lâu trên đất Mỹ, thỉnh thoảng Vi nghe người ta kháo nhau những chuyện như người bảo trợ nhận tiền từ chính phủ, người bảo trợ ăn chận tiền chính phủ cho kẻ đi tị nạn vừa chân ướt chân ráo đến xứ sở  này và chẳng biết gì…  Vi không biết sự thực thế nào, chỉ biết với bản thân Vi và gia đình, ân nghĩa của gia đình Sagert là điều Vi không bao giờ trả nổi.  Sống mãi trong Vi hình ảnh những lần ông bà Sagert đem Vi đi chụp X ray, thử máu, theo dõi định kỳ…luôn luôn họ là người móc ví trả tiền, lôi cuốn check ra ký.  Các em Vi đứa nào cũng phải chình lại hàm răng, chính ông bà Sagert đưa từng đứa đi tham khảo với nha sĩ, rồi nhổ bớt răng, niềng răng,tất cả đều rất tốn kém và nơi duy nhất trang trải cho các dịch vụ ấy cũng chỉ là ông bà Sagert.  Nhiều năm sau nữa, Vi biết rằng phải đến khi luồng sóng người tị nạn trở thành một vấn đề của các nhà làm luật, thì mới có chính sách rõ ràng về các trợ cấp xã hội của chính phủ dành cho dân tị nạn, còn những ngày đầu tiên ấy, dang rộng tay bảo bọc gia đình Vi hoàn toàn là lòng tốt tận tụy của gia đình Sagert.

Chạy ra khỏi quê hương khi sắp xong lớp 12, Vi vào đại học ngay khi về ở với ông bà Sagert.  Phải nói rằng cái bằng đại học của Vi là của cha nuôi Sagert đem đến.  Việc đầu tiên là dắt Vi vào trường đại học nộp đơn, xin thi xếp lớp.  Tiếp theo,với kinh nghiệm của một giáo sư dạy physics và aerospace trong trường đại học, ông đã ngồi xuống vạch ngay cho Vi cái thời khóa biểu.  Ông hướng dẫn Vi những lớp nào phải lấy trước, lớp nào nên lấy sau.  Không những tiếng Pháp là sinh ngữ chính khi học trung học, các môn khoa học tự nhiên còn là mặt yếu của Vi vì cô theo ban C ngày xưa, chú trọng nhiều về văn chương, triết, và ngoại ngữ. Luôn luôn Vi kè kè cuốn tự điển bên mình, thôi thì cũng tạm được đi, nhưng các lớp chuyên về toán và khoa học tự nhiên, nếu không có cha nuôi Sagert kiên nhẫn ngồi kèm mỗi đêm, giảng đi giảng lại, chắc chắn Vi khó mà thành đạt trên đường học vấn ngày ấy.   Một thời gian sau Vi còn biết thêm trường mình đang học là trường tư nổi tiếng, chính Sagert trả tiền cho cô khóa học đầu tiên trong khi đợi xin sự giúp đỡ tài chính của trường (financial aid).  Anh Thuận đi du học tự túc mới được một năm, mất hẳn nguồn tài chính từ bố mẹ, cũng đang lao đao, không làm gì được cho các em, từ tiểu bang Colorado…

Những tháng đầu tiên của gia đình Vi trên đất Mỹ, ông bà Sagert luôn bận rộn chở mấy chị em cô đi đến trường, đi nhà thờ, tham gia các sinh hoạt trong trường và trong vòng nguời quen của họ. Ông bà áp dụng kỷ luật đồng đều cho 5 chị em Vi cũng như cho hai đứa con ruột C va B:  trách nhiệm phải nhận lãnh, giờ giấc đi về…  Nhìn lại, Vi luôn luôn nghe lòng bồi hồi cảm động cũng như biết ơn vô ngần đối với gia đình Sagert.

Mọi người cũng lo lắng sốt ruột tìm tung tích bố Vi, nhưng ngày gặp lại bố vẫn còn là một hình ảnhmơ hồ làm nhói đau lòng mẹ con Vi. 

Ngày nọ ông bà Sagert đưa Vi và các em đi dự lễ khánh thành một ngôi nhà thờ mới.  Choir director cũng là pastor của nhà thờ mới, vốn có mối thâm giao với vợ của cựu tổng thống Carter, vì thế bà Carter đã đến chủ tọa lễ khánh thành nhà thờ.  Báo chí địa phương không bỏ qua một dịp vui, đã có những bài tường thuật và một số hình ảnh về buổi lễ ấy. 

Bố Vi, trong những ngày tan tác của đất nước, cũng đã ra đi.  Những tháng đầu tiên của đời lưu lạc, trạm ngừng chân đầu tiên cũng là đảo Guam.  Như bao kẻ khác, mỗi ngày ông ngược xuôi khắp đảo, lật từng mẫu giấy nhỏ người người cuống quit nhắn gởi cho nhau:  con tìm cha, vợ tìm chồng, anh em tìm nhau…  Không tìm được chút tông tích nào về vợ và bầy con năm đứa, thất vọng, lo lắng, ông từ chối những đề nghị cho đi định cư sớm.  Ông nấn ná xin ở lại Guam, giữ chân phụ bếp của một nhà hàng lớn trong nỗi thất chí, đau buồn.  Cũng may, bên cạnh ông còn người sĩ quan trẻ tuổi dưới quyền.   Hai người chia xẻ buồn vui, người này nâng đỡ người kia khi tinh thần sa sút.  Trong giờ nghỉ, họ cùng chia nhau tờ báo, bữa ăn.  Một hôm người cựu sĩ quan chạy đi tìm ông, gặp ông đang rửa chén đĩa trong bếp.  Anh hít một hơi thở nhẹ, gọi ông theo thói quen, “Đại tá, đọc tờ báo này coi…  Em thấy mấy người giống chị và mấy cháu lắm…”  Đó là tờ báo tường thuật buổi khánh thành nhà thờ ở Hawaii, tấm hình gia đình Vi cạnh những viên chức tham dự buổi lễ ấy…

Bố Vi đến Hawaii vào những ngày cuối năm.  Có bố, cả gia đình dọn ra khỏi nhà ông bà Sagert, thuê một căn nhà gần đó.  Bố Vi lăn ngay vào công việc của một người làm vườn, cắt cỏ.  Mẹ cũng vẫn quanh quẩn trong nhà lo bếp núc.  Mỗi ngày ông bà Sagert vẫn ghé vào xem Vi và các em học hành ra sao, cuộc sống như thế nào, có những giấy tờ gì không hiểu, những công việc gì cần họ chỉ dẫn…  Mỗi tối Vi vẫn sang nhà Sagert để được ông kèm học, chỉ dẫn thêm về homework.

 

Vi lao vào cuộc sống mới như một mũi tên bị bắn ra khỏi cây cung.  Cô học toàn thời gian, và làm tới 3 việc bán thời gian.  Sau này, mỗi khi ngồi ôn kỷ niệm, Vi vẫn không hiểu dạo đó sức lực ở đâu ra để Vi chạy suốt ngày từ trường đến nơi này nơi khác, hết học thì quay sang làm việc, hầu như không có giây phút nào gián đoạn.  Vi còn nhớ chỗ làm lâu nhất và nhiều giờ nhất trong 3 việc làm bán thời gian là việc làm ở Honolulu Airport.  Nhiệm vụ của Vi là gỡ các đinh bấm (remove staples) trên các tài liệu để có từng trang giấy rời, sau đó chụp microfiche.  Lãnh lương lần đầu tiên, cha nuôi Sagert dắt Vi đi nhà bank mở một account cho chính mình.  Và lần đầu tiên tự mình đi shopping: Vi vào Payless Shoes mua cho mình đôi giày mới…  Ôi kỷ niệm, kỷ niệm…

Vi còn nhớ hoài các em Vi đã nhanh chóng thích hợp với đời sống mới như thế nào.  Chúng đã có bạn rất nhanh, và khá nhiều.  Vi nhớ một lần gia đình cô nhận được một bao thư làm bằng giấy rất đẹp, có gắn seal vàng trông … sang trọng lắm.  Thư của mayor of Honolulu.  Mở thư ra đọc, bố mẹ và Vi cũng vẫn không hiểu mấy, cho đến khi Phan về.  Con bé cười, ngón tay chỉ vào trong thư, “Gina là con nhỏ bạn con đã đến đây mấy lần…  Bố mẹ có nhớ tháng trước bố mẹ cho con đến dự tiệc sinh nhật nó và được ngủ lại đêm ở nhà nó không?  Đây là thư cám ơn của bố mẹ nó, cám ơn bố mẹ đã cho con ở lại buổi tối với Gina…  Vâng, bố nó là mayor của Honolulu…”

Qua đầu năm 1976, bố mẹ Vi quyết định dọn đi Oregon, sau một thời gian bắt lại liên lạc với một vài người bạn ngày xưa.  Cái hình ảnh miền đất “mát mẻ và êm đềm như Đà Lạt” cọng với các mối thân tình xa xưa khiến bố mẹ Vinh hăng hái đi “định cư lần thứ hai” trên đất Mỹ.  Sợ mất những tín chỉ đã lấy được trong trường đại học, Vi xin bố mẹ để mình ở lại Hawaii.  Bố mẹ Vi đã phản ứng dữ dội với quyết định của cô, vì Vi vẫn chì là một con bé mới 19 tuổi, sao lại có thể tách xa gia đình như thế được?  Phải có sự can thiệp, hứa hẹn sẽ chăm nom Vi kỹ lưỡng của ông bà Sagert, Vi mới được đi tiếp con đườn cô chọn, ở Hawaii.

Vi lại trở về ở trong căn nhà của gia đình Sagert.  C không phải sang ở với cha mẹ nữa mà cho Vi ở chung phòng.

Bắt đầu từ mùa hè 1975 cho đến tháng 12 năm 1977, học luôn mùa hè, tất cả là hai năm rưỡi miệt mài vừa học vừa làm, Vi xong bằng cử nhân bốn năm với chuyên môn là Toán.  Vi luôn nói với mọi người rằng cái bằng của cô thực sự là của Sagert.  Không có Sagert, không bao giờ cô có thể theo đuổi việc học như thế.  Luôn luôn Sagert sẵn sàng ở đó mỗi khi Vi có khó khăn, từ việc di chuyển những tháng đầu tiên, đến ngôn ngữ, đến các phương trình toán, đến các công thức hóa học, từ học phí đến tiền mua sách vở giấy mực trước khi tự mình có thể lo liệu…  Trời, Vi hiểu mình sẽ không bao giờ đền đáp được tấm lòng bao la của ông bà Sagert.

Không nhớ từ bao giờ, ông bà Sagert luôn luôn dung chữ “my daughter” để chỉ Vi khi nói chuyện với người khác.  Mọi người quen ở Hawaii đều biết ông bà Sagert “have two daughters”.  Quà cáp luôn luôn được tặng đồng đều cho “hai cô con gái”.  Mua sắm cho C món gì, họ luôn luôn mua cho Vi giống y như vậy. Với giáo dục và đạo đức vững chắc, hai chị em C và B chưa bao giờ nói câu gì có thể làm cho Vi tủi thân hoặc nhớ đến thân “ăn nhờ ở đậu” của mình.

Với Vi, một cô gái tị nạn vẫn còn rất xa lạ với văn hóa Mỹ, thì việc tốt nghiệp hay làm lễ ra trường là điều “xa xỉ” không cần thiết.  Nhưng với ông bà Sagert đó là một biến cố lớn, rất quan trọng.   Họ nhất quyết Vi phải tham dự “graduation ceremony” của trường đại học.  Và một ngạc nhiên khác họ chuẩn bị dành cho Vi…

Việc đầu tiên phải lo là bà Sagert đem Vi đi mua áo cho lễ ra trường.   Những cái áo đầm đi xem những hôm đầu tiên giá cả trăm  đồng (giá của năm 1977), Vi không dám nghĩ mình sẽ mặc những cái  áo đắt tiền như thế, nên chỉ lắc đầu.  Tưởng Vi không thích, bà Sagert dắt Vi đi ngày nọ qua ngày kia, tới những department stores sang trọng mà giá những cái áo càng ngày càng cao…  Suốt 4-5 cái weekend như thế, cuối cùng Vi đành nói thật với mẹ nuôi, rằng những cái áo đầm đắt tiền như thế sẽ không bao giờ Vi dám nhận.  Cuối cùng rồi Vi cũng mua được một cái áo đẹp không quá đắt nhờ đã biết ý Vi, mẹ nuôi Sagert đem Vi trở lại một trong những nơi đã xem lúc đầu…

Cha mẹ nuôi của Vi hãnh diện và sung sướng về thành quả việc học của Vi hơn chính cô rất nhiều.   Bất cứ ở đâu, lúc nào, hễ gặp người quen là ông bà đều khoe, “Vi, my daughter, is so smart.  She finished her BA degree in 2 years and a half!”

Lễ ra trường của Vi bố mẹ không bay sang Hawaii được vì nhiều lý do.  Vi cũng không thấy buồn mấy vì lớn lên bên Việt Nam, những chuyện như sinh nhật, ngày của Cha, ngày của Me, ngày của Tình Nhân, thậm chí lễ ra trường, đối với Vi, không phải là những “big event” như người Mỹ.  Dĩ nhiên Vi vui sướng với thành quả mình đạt được, nhưng bao giờ cũng thế, những niềm vui thầm lặng chỉ đủ cho mắt Vi sáng rỡ thêm lên…

Món quà ngạc nhiên mà cha mẹ nuôi dành cho Vi là một bữa tiệc thật sự sang trọng, lộng lẫy được tổ chức ở Country Club trong vùng.  Cũng lại phải vài năm sau Vi mới biết cái club đó chỉ dành cho hội viên của nó, và hội viên của cái Country Club đó phần lớn là những người địa phương có địa vị, có tên tuổi và tài sản.  Bữa tiệc ấy chỉ dành riêng cho Vi—Vi là nhân vật chính.  Cô bé tị nạn 20 tuổi đón nhận bao nhiêu lời chúc mừng và quà tặng từ bạn bè của cha mẹ nuôi.  Lúc ấy Vi cũng đã được University of California, Berkley, nhận vào học tiếp để lấy bằng master về khoa sư phạm.  Vi sẽ rời Hawaii để bắt đầu học ở Berkley ngay khóa mùa xuân tiếp đó.  Vì thế, ngoài sự hãnh diện về thành quả học hành của Vi, ông bà Sagert còn có thêm sự tự hào khác, rằng Vi không chỉ ngừng lại ở đó, rằng Vi luôn cố gắng tiến tới…

Một trong những người bạn thân của cha mẹ nuôi Vi là ông bà O’Keefe.  Vào những năm 70, họ đã có máy bay riêng và nhiều thứ nữa mà (lai) sau này Vi mới rõ.  Hôm ấy, để thưởng cho Vi, ông bà O’Keefe đã tặng Vi 1000 dollars “để con có thêm chút tiền khi mới sang Berkley”.  Dáng vẻ giản dị, điềm đạm, và ân cần của họ làm Vi xúc động.  Từ đó về sau, mỗi năm Vi đều gởi thư thăm hỏi ông bà vài lần…  Luôn luôn họ viết thư tay, trả lời Vi rất thân thiết.  Cho đến năm 1988 thì ông bà O’Keefe không tự viết thư được nữa:  Vi nhận được thư trả lời của ông bà O’Keefe, ủy quyền cho luật sư riêng của họ, viết gởi Vi.  Người luật sư ấy cho Vi biết ông là Assistant của Vice President của Transamerica, một tổ chức thương mại tiếng tăm ai cũng biết.  Và O’Keefe là người Vice President ấy…

Hoàn tất master degree ở UC Berkley xong, Vi về Oregon ở gần bố mẹ và các em.  Đã hơn 34 năm qua, Vi làm việc trong ngành giáo dục. Vi đã đi qua rất nhiều trường học, khi thì làm cô giáo, khi thì làm hiệu trưởng, có một thời gian làm superintendent, dưới cô là cả một staff đến 770 người và cô “in charge” những budget của học khu có khi lên hàng trăm triệu.  Vi từng được cử đi đến những ngôi trường “bê bối” không đạt tiêu chuẩn để “chỉnh đốn” sinh hoạt và thành quả học hành của học sinh.   Có những lần Vi phóng qua bàn ghế hay cả một thùng rác chỉ để kéo những cậu học trò đang gây gỗ nhau ra, trong giờ chơi hoặc giờ ăn trưa—những cậu bé tuổi teen, cao hơn Vi cả …2 cái đầu và to gấp hai, gấp ba Vi …

Các em Vi cũng đều tốt nghiệp đại học.  Phan là  một pathologist làm việc ở Mayo Clinic, Mẫn và Hùng bên engineering, An về business…  Ộng bà Sagert tự hào về tất cả chị em Vi, nhưng Vi vẫn là “daughter” đặc biệt của họ.  Hai người con của ông bà Sagert—C và B đều học thành tài và có địa vị trong xã hội.  Họ tiếp nối truyền thống đạo đức và rộng lượng của cha mẹ, đóng góp nhiều cho các công tác xã hội thiện nguyện.  Đôi khi Vi nghĩ rằng, thành quả của cô sở dĩ được cha mẹ nuôi đánh giá cao có lẽ vì cô đã vật lộn với cuộc sống trong những điều kiện khó khăn, từ ngôn ngữ cho đến tài chánh…  

 Sau nhiều năm về hưu, năm 2002 cha mẹ nuôi Vi rời Hawaii trở về Texas vì đó chính là quê của họ.  Không những đám cưới của Vi, mà đám cưới của các em Vi, luôn luôn có mặt ông bà Sagert.   Cả hai lần Vi sinh con, cả hai lần cha mẹ nuôi đều gói ghém từng cái áo, cái chăn, từng món đồ chơi, gởi tặng cho con Vi.

Năm 2013 này cha nuôi Sagert của Vi đã 96 tuổi. Ông vẫn nhớ tên từng người trong gia đình Vi, chuyện xưa nhắc lại ông vẫn không hề quên.  Bố Vi qua đời đã gần một năm.  Mẹ Vi cũng già yếu.  Một thế hệ mới gồm những đứa bé sinh ra trên đất Mỹ đã trưởng thành từ lâu trong gia đình Vi và các em.  Vi mường tượng một ngày nào đó, cha nuôi mình cũng phải giã từ đời sống, lòng Vi hụt hẫng như 38 năm về trước khi cô tựa một thân cây bị nhổ lìa khỏi lòng đất, không biết bám vào đâu.

Càng ra đời, càng sống lâu, Vi càng gặp nhiều kẻ tự cao tự đại, dương dương tự đắc chỉ với một sự nghiệp bình thường như bao người bình thường khác.  Càng ra đời, càng sống lâu, Vi càng gặp nhiều kẻ giả dối và ác độc, sẵn sàng dùng đồng loại làm bàn đạp để đi tới, đi lên.  Càng ra đời, càng sống lâu, Vi càng biết nhiều kẻ đạo đức giả, thích nói những chữ như nghĩa tình, tự trọng, nhưng lại là những kẻ phản bội và hèn hạ…  Ngày nay, phần lớn bạn bè của ông bà Sagert cũng đã lìa đời hoặc không còn xông xáo ngoài xã hội nữa vì già yếu.  Nhớ đến họ, từng khuôn mặt, từng cử chỉ, từng lời nói của họ hiện ra trong trí nhớ của Vi.  Một thế hệ mà Sagert là đại diện, sắp sửa biến mất.  Cái thế hệ không nói tới chữ luân thường đạo lý như nhiều người khác thích nói, nhưng cách sống của họ là vị tha, là hy sinh, là ngay thẳng, là tròn bổn phận người công dân trong một quốc gia, là người vợ người chồng chung thủy, là công bằng, là bình đẳng, là muốn cho mọi người quanh mình cùng được hưởng các điều kiện tốt đẹp của đời sống…

Bởi cuộc đời được nâng đỡ, được tin tưởng, và được yêu thương từ những người như thế, Vi luôn luôn cố sống như họ:  ngay thẳng, công bình, làm đầy đủ bổn phận người công dân, giúp đỡ bất cứ ai trong khả năng của Vi…  Với Vi, đó chính là sự đáp lại phần nào ơn nghĩa của cha mẹ nuôi.  SAGERT, Vi luôn muốn viết cái tên ấy thật lớn, thật đẹp và mang theo đến hết cuộc đời mình.

Trần Thúy Phương

Viết thay bạn thân, Lan V.
Hè 2013

 

(Bài đã đăng trong "Đặc san mùa thu 2013" - Gia Long Nam California)