Print

Có thể kiện Xi và nhà cầm quyền Bắc kinh

về dịch Vũ hán?

Nguyễn thị Cỏ May

Đại dịch Vũ hán do virus cộng sản Bắc kinh gây ra chưa dứt thì nhiều tổ chức, nhiều nước đã lập hồ sơ kiện
Xi và đảng cộng sản trung  quốc về tội dấu sự thật. Trong lúc đó, chánh phủ một số các nước khác cũng bị dân chúng khiếu kiện về tội không bảo vệ hũu hiệu sức khỏe và đời sống dân chúng.

Một tòa án Pháp hôm 3-7 cho biết sẽ mở cuộc điều tra cựu Thủ tướng Pháp Edouard Philippe về cách xử lý dịch Covid-19 chỉ vài giờ sau khi ông tuyên bố từ chức. Công tố viên cao cấp Francois Molin nói thêm là cả bà Agnès Buzyn, người đã từ chức Bộ trưởng Y tế vào tháng 2 và người kế nhiệm bà là ông Olivier Veran cũng có tên trong danh sách điều tra.

Tòa án đã nhận được 90 đơn kiện từ các cá nhân nhiễm Covid-19, bác sĩ, cảnh sát, người dân và thậm chí là các tù nhân. Tòa đã kiểm tra 53 đơn, cho biết trong số đó, có 9 đơn có thể thụ lý. Đây cũng là cơ sở để tòa tiến hành điều tra về cựu thủ tướng Pháp cùng hai quan chức nói trên.
Tổng cộng có 9 người bị điều tra. Cựu Thủ tướng Philippe, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran và cựu Bộ trưởng Y tế Agnes Buzyn cùng các quan chức khác bị cáo buộc tội "không đối phó thảm họa" và có thể phải ngồi tù lên tới hai năm nếu bị xét xử và kết án.

Tiểu bang Missouri của Huê kỳ kiện Xi, cáo buộc nhà cầm quyền cộng sản Bắc kinh đã dấu nhẹm tầm quan trọng của dịch Vũ hán làm thiêt hại khủng khiếp, không thể phục hồi, về sanh mạnh con người và kinh tế, không chỉ riêng bang Missouri, mà còn cho cả thế giới. Hồ sơ kiện do công tố viên Éric Schmitt nạp, nhằm kiện chánh quyền, đảng cộng sản Tàu, giới chức lãnh đạo và các cơ quan liên hệ. Hồ sơ buộc tội Trung quốc đã dấu thông tin về dịch bịnh ngay từ buổi đầu, bắt  giam những người báo động dịch bịnh, chối bỏ đặc tính truyền nhiễm nguy hiểm của virus.
Tổng thống Huê kỳ Donald Trump cũng đưa ra những  cáo buộc Xi và nhà cầm quyền trung quốc tương tợ nhưng Xi bác bỏ.
Đảng cộng sản Bắc kinh đã làm điều mà tất cả các chế độ độc tài làm. Họ dấu sự thật để giữ «thể diện», tức uy tín để còn giữ đảng cầm quyền, giữ mạng sống của họ! Thượng Nghị sĩ Cộng hòa Ben Sasse của Nebraska tuyên bố «Khi Mỹ thanh toán xong con virus Vũ hán dơ bẩn này, chúng tôi sẽ tính sổ với nhà cầm quyền Bắc kinh».
Nhưng đặc biệt hơn hết, có lẽ là lần đầu tiên ỏ Tàu, một cán bộ kiện nhà cầm quyền Hồ bắc đã quả quyết virus Vũ hán không truyền nhiễm giữa người với người và dấu sự thật về tầm nguy hại của dịch Vũ hán. Liền sau đó, cán bộ Tan Jun bị công an mời tới làm việc. Tan Jun phải cam kết hủy bỏ vụ kiện, giữ im lặng và chấp hành đường lối của đảng.

Một nước có thể kiện Trung quốc được không?
Tiếp theo phản ứng của nhiều quốc gia chống lại Trung quốc về vụ gây ra đại dịch Covid-19, hai luật sư đưa ra những trường hợp mà luật pháp có thể đòi hỏi Trung quốc phải đền thiệt hại và quyền lợi cho các nước nạn nhơn.
Bịnh dịch do coronavirus gây ra ở thành phố Vũ hán vào cuối năm 2019. Covid-19 được biết lần đầu tiên ngày 17/11/2019 nhưng cho tới ngày 30/12/2020 mới có báo cáo phát hiện con virus gây ra bịnh. Vì cố ý che dấu sự thật dịch bịnh, chánh quyền Bắc kinh có trách nhiệm về sự lây lan bịnh ra khắp thế giới ngày nay.
Truyền thông, các Tổ chức phi chánh phủ (ONG) và nhiều giới chức y tế công bố một báo cáo chi tiết, ghi rõ về thời gian, đều cho rằng nếu Trung quốc đã lương thiện thông tin, kịp thời, đúng sự thật, về tình hình bịnh dịch thì các nước ngoài Trung quốc chắc chắn đã không có người chết.
Riêng một bản nghiên cúu của Đại học Southampton quả quyết nếu Hồ bắc đã có biện pháp cô lập sớm hơn 3 tuần thì việc truyền nhiễm đã được giới hạn 95%.
Tổng thống Donald Trump phản ứng ngay, sẽ cắt khoản tài trợ hằng năm lối 500 triệu đô-la cho Tổ chức Y tế Thế giới vì ông tố cáo ông Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế là quá lệ thuộc Bắc kinh.

Bắc kinh trách nhiệm gây ra đại dịch Vũ hán là rõ ràng. Nhiều nước sửa soạn kiện Trung quốc. Việc làm hoàn toàn cần phải làm. Nhưng làm thế nào?

Làm thế nào buộc tội nói dối và cố tình trì hoãn? Và thưa kiện trước Cơ quan thẩm quyền nào?
Theo Think tank Henry Jackson Society, thân cận với đảng bảo thủ Anh, thì có nhiều ngã pháp lý để đòi hỏi Trung quốc phải trả tiền thiệt hại cho các nước nạn nhơn. Nhiều người Anh và Mỹ đã yêu cầu chánh phủ của họ kiện nhà cầm quyền Trung quốc trước tòa án. Tiểu bang Missouri đã khởi xướng đầu tiên hôm 21/4/2020 vừa qua.
Lập luận để kiên có thể dựa theo bản «Qui định quốc tế về y tế». Các quốc gia có quyền ngăn ngừa sự lây lan bịnh truyền nhiễm nhằm bảo vệ sức khỏe cho dân chúng.
Theo điều 6 và 7 của bản Qui định, quốc gia thành viên phải thông báo nhanh chóng, chính xác và trung thực bịnh truyền nhiễm xảy ra. Nhưng Vũ hán và đảng cộng sản đã ngăn chận hai điều khoản này, không công bố những dữ liệu cho biết bịnh có thể  truyền nhiễm giữa người và người, mà phải mất 3 tuần mới làm việc này. Nhưng bản Qui định lại không nói về những hình phạt đối với quốc gia không thi hành hai điều 6 và 7.
Trong các Cơ quan thẩm quyền xét sử, có Toà án Quốc tế Công lý thuộc LHQ có thể can thiệp. Nhưng Tòa án chỉ xét sử quốc gia nào tự nguyện chấp nhận luật quốc tế này. Mà Trung quốc liệu có chịu nhìn nhận thẩm quyền của Tòa án Công lý hay không? Vậy việc đưa Trung quốc ra Tòa cũng sẽ không đi đến đâu mà thôi.

Còn Tòa án hình sự quốc tế xét xử tội chống nhơn loại có thể xét xử tội Trung quốc gây ra hàng trăm ngàn người chết và cả tỷ người bị bịnh đau đớn hay không? Hiện nay, luật hình sự quốc tế đang cứu xét hai khiếu nại liên quan tới quốc gia thành viên LHQ trong đại dịch Covid-19: nhằm vào những giới chức quyết định Trung quốc và Tổng thống Ba-tây Jair Bolsonaro.
Hai tố cáo này dựa trên điều 7 của Công ước Rome định nghĩa tội chống nhơn loại «tấn công tổng thể hay có hệ thống nhằm vào dân chúng dân sự hoặc những «hành động vô nhơn đạo cố ý  gây ra đau đớn cùng cực». Nhưng khi Tòa xét xử, việc chứng minh nhà cầm quyền Trung quốc cố ý giết hàng loạt sanh mạng trong vụ dịch bịnh Vũ hán không phải là điều đơn giản.
Trong mọi trường hợp, Trung quốc sẽ không thật thà mà qui phục theo pháp lý quốc tế. Trái lại, họ sẽ tìm mọi cách để né tránh trách nhiệm về những hành động giết người của họ. Có lẽ vì vậy mà Trung quốc được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ từ hồi tháng 3 năm nay.
Điều rõ ràng nhứt là Huê kỳ yêu cầu ghi nguồn gốc coronavirus là của Trung quốc trong các văn kiện chánh thức, ngay lập tức bị Đại diện Trung quốc bác bỏ, mặc dầu đó là sự thật hiển nhiên!
Sự từ chối trách nhiệm của Trung quốc trước quốc tế một cách tự nhiên, không bị một phản ứng nào gây khó khăn, cho thấy luật lệ của LHQ có đang trên đà suy thoái theo ảnh hưởng kẻ mạnh hay không? Ngoài ra còn sự liên kết giữa Trung quốc và Nga sô, hai quốc gia trong Hội đồng Bảo an, thì thẩm quyền của LHQ giờ đây chỉ còn đưa ra những tuyên bố mà thôi, hoàn toàn bất lực về chế tài.

Làm thế nào có thể xử lý Trung quốc từ nhiều năm nay vẫn từ khước gia nhập hay để bị chi phối bởi luật quốc tế?
Chỉ còn dựa vào thế ngoại giao, mối giao thương, thuế quan nhưng thế giới phải giữ thế đoàn kết và cô lập nước du côn Bắc kinh. Nhưng liệu các nhà tài phiệt có đủ can đảm nghĩ tới quyền lợi đất nước hay không?

Nguyễn thị Cỏ May


 

Kiện Trung Quốc vì COVID-19:

Ai kiện, kiện ai?

 
TTO - Hôm 21-4, Missouri là tiểu bang đầu tiên của Mỹ nộp đơn kiện Chính phủ Trung Quốc liên quan đến những thiệt hại về người và kinh tế do dịch COVID-19 gây ra tại bang này.
Sau đó một ngày, tổng chưởng lý bang Mississippi tuyên bố cũng sẽ kiện Chính phủ Trung Quốc với lý do tương tự.
Trước đó, có ít nhất bảy vụ kiện tập thể của công dân Mỹ với Trung Quốc liên quan đến COVID-19. Các vụ kiện thu hút nhiều sự chú ý của công chúng, báo chí, giới chuyên môn ở Mỹ và các nước. Dù mới ở những bước đầu tiên, và theo nhận định của nhiều chuyên gia, sẽ có nhiều rào cản pháp lý, nhưng đây là những vụ kiện rất thú vị từ góc độ pháp lý, chưa hề có tiền lệ.

Ai kiện, kiện ai, đòi gì?
Trừ đơn kiện của Missouri có nguyên đơn là chính quyền bang do tổng chưởng lý đứng tên, các đơn kiện tập thể khác đều của các nhóm dân cư ở Mỹ. Chẳng hạn như hai vụ ở Florida, một do bốn người dân và trung tâm dạy bóng chày đứng đơn nhân danh bệnh nhân COVID-19, vụ kia nhân danh các nhân viên y tế Mỹ. Rồi đơn kiện tập thể ở bang Nevada của một số công ty nhân danh hơn 1 triệu doanh nghiệp nhỏ trên toàn nước Mỹ.
Các nguyên đơn này đều nhắm đến chính phủ và một số cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc Chính phủ Trung Quốc.

Các đơn kiện có chung một điểm là cáo buộc bị đơn phải chịu trách nhiệm pháp lý về những hành động của họ liên quan đến COVID-19 được cho là đã gây ra thiệt hại về người và của cho các nguyên đơn.
Mặt khác, các đơn kiện có nội dung chi tiết khác nhau về lý do kiện và lập luận tại sao Chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm, căn cứ đòi bồi thường, các khoản bồi thường… Ví dụ như cáo buộc Trung Quốc cất giấu trang thiết bị bảo hộ y tế cá nhân, làm thiệt hại cho công chúng của bang (public nuisance).

Các nguyên đơn ở Florida yêu cầu tòa ra lệnh áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, nhưng không nêu rõ loại biện pháp nào. Còn đơn ở Nevada nói các doanh nghiệp nhỏ đã bị giảm nhiều doanh thu và lợi nhuận do COVID-19, yêu cầu bồi thường thiệt hại tính ra bằng tiền, cộng với việc trừng phạt nêu gương.

Bang Missouri thậm chí đòi áp dụng chế độ "trách nhiệm ngặt nghèo" (strict liablity) đối với những hành vi "hết sức nguy hại" của bị đơn. Số tiền đòi bồi thường của mỗi vụ kiện có thể lên đến hàng tỉ đôla.
Các nguyên đơn viện dẫn thông luật liên bang và của từng bang về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (torts law) để đòi các khoản bồi thường nói trên. Họ cũng dựa trên quy định của luật miễn trừ đối với chủ quyền nước ngoài (Foreign Sovereign Immunities Act, tức FSIA) và một số án lệ để lập luận rằng hành động của Chính phủ Trung Quốc trong đợt dịch nằm trong số ngoại lệ của FSIA, không được miễn trừ.

Nhiệm vụ bất khả thi?
Các giáo sư và chuyên gia luật uy tín của Mỹ trong những bài viết hoặc phỏng vấn đều cho rằng các vụ kiện sẽ gặp phải trở ngại pháp lý rất lớn, thậm chí có người còn khẳng định đó là "nhiệm vụ bất khả thi". Họ đều nhắc đến quy định của FSIA về quyền miễn trừ của chính phủ nước ngoài, không bị triệu ra tòa án Mỹ và cho rằng lập luận của các nguyên đơn dựa trên ngoại lệ của quyền miễn trừ là không phù hợp.

Theo các chuyên gia luật học, những hành động không đúng mực của Chính phủ Trung Quốc như các đơn kiện cáo buộc không phải là căn cứ để tước bỏ quyền miễn trừ, vì không phải là hành vi thương mại.
Hơn nữa, những hành động đó, nếu thực sự diễn ra, là hành động của nhà nước có chủ quyền, diễn ra ở Trung Quốc, chứ không phải trên lãnh thổ Mỹ.
Nhiều giáo sư luật của Mỹ chỉ ra theo quy định FSIA về các trường hợp ngoại lệ (mà các nguyên đơn viện dẫn), hành động của bị đơn phải diễn ra tại Mỹ, ở Missouri, chứ không phải ở Vũ Hán, chẳng hạn như một doanh nghiệp do Chính phủ Trung Quốc sở hữu đổ chất thải ra sông hồ ở Mỹ.
Hơn nữa, đã có án lệ năm 2018 của Tòa phúc thẩm liên bang khu vực 9 từ chối thụ lý vụ kiện liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. Theo đó, tòa không xem xét hành động của một chính phủ nước ngoài được thực hiện trên lãnh thổ nước đó. Vì vậy, khả năng cao là các tòa sơ thẩm liên bang cũng sẽ phán xử như vậy với các đơn kiện lần này.
Hơn nữa, tòa án ở các nước thông luật như Mỹ thường rất cẩn trọng trong các vụ kiện liên quan đến quyền miễn trừ dựa trên chủ quyền quốc gia. Tòa tối cao Mỹ giải thích khá rộng về quyền này. Ở đây tồn tại nguyên tắc có đi có lại, được ngầm hiểu với nhau, chúng tôi không để công dân mình kiện nhà nước khác thì nhà nước khác cũng không để công dân kiện nhà nước chúng tôi.

Khả năng rất cao là các thẩm phán sẽ không thụ lý đơn với lý do tòa không có thẩm quyền xét xử tranh chấp giữa chính quyền một bang của Mỹ với một quốc gia có chủ quyền. Hơn nữa, một giáo sư luật hiến pháp khác cho rằng một nguyên tắc quan trọng của luật hiến pháp sẽ "bắt chết" vụ kiện ngay từ khởi đầu.
Theo đó, "đối ngoại là lĩnh vực độc quyền của chính quyền liên bang, và hầu như toàn bộ quyền lực về chính sách đối ngoại thuộc về tổng thống". Áp đặt chế tài đối với Trung Quốc, nếu có, là việc của các định chế tổng thống và Quốc hội, tức một quyết định thuộc chính sách đối ngoại.

Vấn đề còn phức tạp ở chỗ bất kỳ tòa án nào thụ lý đơn kiện cũng đồng nghĩa mở ra chiếc hộp Pandora, tức "thả gà ra đuổi". Nếu bất kỳ tòa án nào ở Mỹ thụ lý hay tuyên Chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm pháp lý về những hành động liên quan đến COVID-19, điều đó sẽ mở đường cho công dân các nước khác kiện Chính phủ Mỹ, ít nhất là đối với hành động chậm trễ của các bang như Missouri và chính quyền Trump khi đối phó đại dịch.
Thậm chí, giáo sư luật quốc tế Joe Trachtman nói nếu Chính phủ Trung Quốc có thể bị kiện vì lý do như vậy, không có lý do gì Chính phủ Mỹ lại không bị kiện vì những thương vong dân sự trong chiến tranh Iraq, hay tình trạng biến đổi khí hậu gây ấm lên toàn cầu vốn gây thiệt hại cho người dân nhiều nước khác sau khi chính quyền Trump rút khỏi Thỏa thuận Paris.

Trung Quốc khá chắc chắn sẽ từ chối hợp tác nếu bất cứ vụ kiện nào trong số trên được thụ lý, khả năng cao là họ sẽ không công nhận tính hợp pháp của các vụ kiện tại tòa án Mỹ. Ngay cả khi được thụ lý, các vụ kiện này sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu thập chứng cứ tại tòa, ví dụ chứng cứ về nguồn gốc virus hay hành động sai trái của Chính phủ Trung Quốc...

Thẩm phán Andrew Napolitano đặt câu hỏi: "Một thẩm phán liên bang làm sao mà xác định được virus đến từ đâu, tại sao lại lây lan như vậy? Thẩm phán không thể dựa vào các bài báo, mà phải nghe chứng cứ trực tiếp tại phiên tòa. Điều đó hầu như bất khả thi vào lúc này".

Các cơ chế kiện tụng quốc tế
Theo báo cáo mới đây của Henry Jackson Society, một viện nghiên cứu ở Anh, Trung Quốc có thể phải chịu trách nhiệm về những tổn thất do những hành động của họ lúc dịch mới xảy ra. Cụ thể, việc cố ý giấu thông tin đối với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu chứng minh được, sẽ là vi phạm Quy chế y tế quốc tế 2005 (International Health Regulations), bộ quy chuẩn về ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh ràng buộc pháp lý mà Trung Quốc là thành viên.

Báo cáo kiến nghị các vụ kiện có thể tiến hành qua 10 kênh khác nhau, nhưng ở tầm quốc tế, như WHO, Tòa án Công lý quốc tế (International Court of Justice - ICJ), Tòa Trọng tài thường trực (Permanent Court of Arbitration - PCA), các tòa án ở Hong Kong và ở Mỹ.

Hôm 20-4, 22 nghị sĩ Mỹ đã ký đơn yêu cầu chính quyền Trump kiện Trung Quốc ra ICJ vì những thông tin sai sự thật về tính chất của virus và quy mô của đại dịch. Trong đơn có đoạn viết: "Nếu Trung Quốc không chịu trình diện ở phiên tòa của ICJ, Hiến chương Liên Hiệp Quốc đã có hướng dẫn với các bên bị tổn thất. Các nước có thể áp dụng các điều từ 49 đến 51 để tạm ngưng thực hiện nghĩa vụ đối với Trung Quốc nhằm thúc ép Bắc Kinh chịu trách nhiệm về những thiệt hại to lớn đối với thế giới".

Bên cạnh đó, luật tập quán quốc tế về "trách nhiệm quốc tế" với những thiệt hại gây ra cho nước khác từng được áp dụng ít nhất là trong một vụ xét xử bằng trọng tài những năm 1920. Nhà máy luyện kim ở British Columbia, Canada đã xả khói độc gây thiệt hại với các khu rừng và cây lương thực ở vùng xung quanh, lan sang cả bang Washington của Mỹ.
Một cơ quan trọng tài được cả Mỹ và Canada cùng thành lập để giải quyết tranh chấp. Cuối cùng Chính phủ Canada đồng ý bồi thường. Các nhà nghiên cứu luật học so sánh vụ này với trách nhiệm của Trung Quốc trong vụ COVID-19.

Tuy nhiên, theo David Fidler - giáo sư thỉnh giảng của Trường Luật thuộc Đại học Washington tại St. Louis, cựu cố vấn pháp lý cho WHO, các nước, bao gồm Mỹ, có lẽ sẽ không kiện Trung Quốc ra các diễn đàn quốc tế. Bởi lẽ một dịch bệnh có thể xảy ra bất kỳ nơi đâu, nên các nước sẽ không mạo hiểm chơi trò "ném boomerang", vì nó có thể quay lại rơi trúng đầu bất cứ ai! Tất cả các chính phủ đều có lợi ích chung trong việc không áp dụng pháp luật quốc tế một cách máy móc. Hơn nữa, chính quyền Trump vốn không ưa kênh tài phán quốc tế có tính chất bắt buộc thi hành.
09/05/2020

Tuổi Trẻ Online





Kiện Trung Quốc về Covid-19:

Triển vọng đến đâu?

Ngọc Lễ - VOA

Các nguyên đơn ở Mỹ ‘có đủ cơ sở pháp lý và căn cứ’ để kiện các thực thể ở Trung Quốc đã ‘cố tình che giấu và trì hoãn công bố thông tin về dịch’ khiến Covid-19 có điều kiện bùng phát và tàn phá nước Mỹ, luật sư thụ lý vụ kiện này nói với VOA.

Dịch Covid-19 do virus corona chủng mới gây ra khởi phát từ thành phố Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc hồi cuối năm 2019 trước khi lan ra khắp châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Phi. Mỹ hiện là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 1,7 triệu ca nhiễm và trên 100.000 người đã chết tính đến ngày 26/5.

Ngày 12/3, Berman Law Group, một hãng luật tại thành phố Boca Raton, bang Florida, đã khởi sự một vụ kiện tập thể (class action) để đòi chính phủ Trung Quốc phải có trách nhiệm pháp lý và bồi thường cho điều mà họ cho là ‘sự lơ là và xử lý tệ dịch Covid-19’. Các nguyên đơn trong vụ kiện tập thể này là ‘tất cả các nạn nhân bị dịch bệnh tác động trực tiếp, bao gồm chủ các doanh nghiệp và thân nhân các nạn nhân tử vong’, theo thông cáo của công ty luật Berman.
Đến ngày 8/4, hãng luật này thay mặt cho các bác sỹ, y tá ở Mỹ tiếp tục đệ đơn cho vụ kiện tập thể thứ hai với cáo buộc chính phủ Trung Quốc đã đầu cơ và thao túng thị trường trang thiết bị bảo hộ y tế giữa đại dịch.

Kiện ai?
Cả hai vụ kiện này đều được đưa ra tòa án liên bang Hoa Kỳ tại Quận Nam Florida (Southern District of Florida)
VOA đã liên lạc với ông Jeremy Alters, chiến lược gia trưởng của Berman Law Group, để tìm hiểu về tiến triển vụ kiện, và được ông cho biết là theo yêu cầu của hãng luật, tòa án đã đồng ý dời phiên xử đầu tiên từ ngày 1/5 sang ngày 4/9 để họ có đủ thời gian phục vụ cho tất cả các bên liên quan, bao gồm nguyên đơn và bị cáo, trong đó có việc dịch tài liệu vụ án sang tiếng Hoa cho phía Trung Quốc và yêu cầu họ phúc đáp trước ngày 31/8.

Luật pháp Mỹ không cho phép khởi kiện một nước nào đó vì các quốc gia được hưởng quyền ‘miễn trừ quốc gia’ (sovereign immunity). Về vấn đề này, ông Alters cho biết bị đơn trong các vụ kiện là Đảng Cộng sản Trung Quốc và các thực thể trong Chính phủ Trung Quốc.
“Đảng Cộng sản Trung Quốc là một đảng chính trị, không phải là một nhà nước có chủ quyền, do đó họ không được hưởng bất kỳ hình thức miễn trừ quốc gia nào,” ông giải thích và nói rằng cho dù Đảng Cộng sản nắm quyền kiểm soát đất nước Trung Quốc đi nữa thì họ vẫn không được xem như là một nhà nước để hưởng quyền miễn trừ.
Ngoài ra, ông cho biết vụ kiện cũng vận dụng ‘Ngoại lệ về Hoạt động Thương mại’ mà theo đó hoạt động mang tính thương mại của một nước khác trên lãnh thổ của Mỹ không được hưởng quyền miễn trừ quốc gia.

Về phản ứng của phía Trung Quốc đối với vụ kiện, ông cho biết đến nay ‘họ chỉ đưa ra những tuyên bố rằng vụ kiện là nực cười và rằng không phải họ mà chính Mỹ mới phải chịu trách nhiệm’.
“Họ chưa đưa ra phản hồi chính thức về vụ kiện và họ có thời gian cho tới ngày 31/8 để trả lời,” ông nói thêm.
Trong trường hợp Trung Quốc bác bỏ toàn bộ vụ kiện và không tham gia, ông Jeremy Alters nói rằng phiên xử vẫn có thể diễn ra và đưa ra phán quyết mà không cần sự tham gia của bị đơn. Khi đó, các bị đơn Trung Quốc tự làm mất đi quyền biện hộ của mình trước tòa và nếu các nguyên đơn ở Mỹ được xử thắng thì Tòa án sẽ cho phép họ tịch thu tài sản của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Mỹ.
Ông cho biết đã từng có tiền lệ về những vụ kiện như thế này ở Mỹ, chẳng hạn như vụ kiện chính phủ Libya bắn rơi máy bay của hãng Pan-Am giết chết 270 người vào năm 1988 và cuối cùng phía Libya phải bồi thường 2,7 tỷ đô la, theo lời ông, và những vụ kiện nhằm vào Cuba nhưng nước này không tham gia để tự biện hộ để cuối cùng Tòa ra phán quyết cho phép tịch thu tài sản của họ để bồi thường cho nguyên đơn ở Mỹ.

Kiện vì lẽ gì?
Về việc tại sao kiện Trung Quốc đối với những gì xảy ra trên đất Mỹ, chuyên gia của hãng luật Berman giải thích: “Virus corona xuất phát ở Trung Quốc. Họ đã không kiểm soát được nó. Họ đã không cảnh báo thế giới đàng hoàng để cho con virus đó tấn công người dân Mỹ. Do đó, thiệt hại đã xảy ra ở đây, trên đất Mỹ. Chính vì vậy các công dân Mỹ đã bị ảnh hưởng bởi hành động của Trung Quốc.”
Theo nhận định của người đại diện hãng luật Berman này thì ‘Trung Quốc biết’ về mức độ nguy hại của sự lan truyền virus corona nhưng ‘thay vì cảnh báo Mỹ và thế giới thì họ lại che giấu’. Bằng chứng mà ông đưa ra là việc Trung Quốc trừng phạt bác sỹ nhãn khoa Lý Văn Lượng, một trong những người đầu tiên đưa ra cảnh báo về những ca bệnh bí hiểm ở Vũ Hán, và kiểm soát các cuộc bàn luận trên mạng xã hội về dịch bệnh cũng như không chia sẻ chuỗi gien của virus mãi cho đến ngày 10/1.

Phía Trung Quốc cho đến nay vẫn một mực bác bỏ những cáo buộc che giấu thông tin. Họ khẳng định rằng đã thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới ngay từ những ngày đầu có ca bệnh và Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã thông báo ngay với người đồng nhiệm Mỹ Donald Trump sau khi Bắc Kinh ý thức được mức độ nguy hại của dịch. Khi đó, Tổng thống Trump còn lên Twitter ca ngợi Trung Quốc ‘đã làm rất tốt’ trong kiểm soát dịch.
“Vấn đề đặt ra là tại sao họ làm như vậy? Họ làm vậy để bảo vệ lợi ích kinh tế của riêng họ,” ông Alters lập luận. “Họ cần phải ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Mỹ. Và chỉ sau khi ký xong thỏa thuận họ mới công bố dịch bệnh với thế giới. Nếu họ công bố sớm hơn thì hàng chục ngàn người Mỹ và người dân khắp thế giới sẽ không chết.”

Khi được hỏi tại sao có thể đổ lỗi Trung Quốc làm lây bệnh đến Mỹ khi mà Tổng thống Trump đã ra lệnh cấm các chuyến bay từ Trung Quốc đến Mỹ khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, ông Alters nói ngay trước khi có lệnh phong tỏa ở Vũ Hán thì ‘đã có rất nhiều người ở đây tỏa đi khắp Trung Quốc và khắp thế giới vào dịp Tết Nguyên đán’.
“Không nghi ngờ gì dịch bệnh phát xuất từ Trung Quốc. Mà nếu Mỹ có bị lây từ châu Âu thì nhìn vào các chuyến bay chúng ta sẽ thấy đã có hàng ngàn người đến châu Âu từ Trung Quốc (trong tháng 1),” ông lập luận.

Cố tình?
Theo phân tích của ông Alters thì ‘sự cố tình’ của Trung Quốc mà vụ kiện nêu ra ‘không phải là cố tình làm lây lan dịch bệnh gây hại cho Mỹ và phương Tây’ mà là ‘cố tình che giấu dịch vì lợi ích riêng của chính quyền và điều này vô tình làm lây lan dịch bệnh khắp thế giới’.
“Tôi không nói là Trung Quốc lấy con virus đó ra từ phòng thí nghiệm rồi cố tình lan truyền nó khắp thế giới. Ý tôi là họ có đầy đủ thông tin về dịch bệnh mà đáng lẽ ra họ nên thông báo cho thế giới biết sớm hơn một tháng. Chính sự không chia sẻ thông tin đó là cố tình,” ông giải thích.

Về việc ‘Trung Quốc có đầy đủ thông tin’ về dịch bệnh ngay từ đầu, nhất là với một chủng virus corona quá mới mà thế giới chưa biết gì nhiều, ông dẫn ra việc bà Thạch Chính Lệ, phó giám đốc Viện Virus học Vũ Hán, phòng nghiên cứu cấp độ 4 duy nhất của Trung Quốc chuyên nghiên cứu các mầm bệnh đặc biệt nguy hiểm, đã ‘nghiên cứu một loại virus tương tự ngay từ năm 2013 mà bà tìm thấy trên một loài dơi hang động nằm cách Vũ Hán hơn 1.800 cây số’ và chủng virus này giống đến 96% chủng virus corona gây dịch Covid-19. Bà Thạch đã thừa nhận việc này trên tạp chí chuyên ngành The Nature hồi tháng 2.

Khi được hỏi có thể dồn hết trách nhiệm lên Trung Quốc hay không vì nếu Trung Quốc có che giấu dịch bệnh đi nữa thì nếu chính quyền Mỹ cảnh giác, không chủ quan, phản ứng đầy đủ và kịp thời thì cũng không để đến tình trạng như hiện nay, ông nói: “Trách nhiệm phải bắt đầu ở nơi dịch bệnh xuất hiện. Tất cả những gì xảy ra sau đó đều có nguyên nhân từ đó.”
“Nếu Trung Quốc hành động đàng hoàng và ngăn chặn được dịch bệnh kịp thời thì Mỹ đã không phải đương đầu với nó,” ông giải thích.
Ông cũng cho rằng không nên so sánh giữa dịch Covid-19 hiện nay với dịch H1N1 vốn khởi phát ở Mỹ vào năm 2009 rồi sau đó lan ra gây thiệt hại khắp thế giới, trong đó có Trung Quốc. Ông cho rằng Trung Quốc ‘không thể quy trách nhiệm cho Mỹ về dịch H1N1’.
“Hai trường hợp hoàn toàn khác nhau. Toàn bộ thông tin về virus H1N1 đã được Mỹ chia sẻ đầy đủ và kịp thời với Trung Quốc,” ông nói. “Nếu Trung Quốc muốn kiện Mỹ thì cứ việc. Nhưng tôi chắc rằng nếu họ làm như vậy thì hậu quả kinh tế đối với họ sẽ nặng nề.”

Trung Quốc trả đũa?
Về khả năng Trung Quốc sẽ trả đũa nếu Tòa ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc, ông Jeremy Alters nói: “Tôi cho rằng nền kinh tế của họ sẽ bị tàn phá bởi vì tất cả chúng ta đều biết là nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào xuất khẩu đi thế giới và nhất là Mỹ.”
Tuy nhiên, ông cho rằng nếu Trung Quốc trả đũa thì Mỹ cũng sẽ ‘gánh chịu thiệt hại nặng nề’ nhưng những gì kinh tế Mỹ đang trải qua hiện nay vì dịch bệnh ‘cũng đã là quá nặng nề rồi’. “Kinh tế Mỹ không thể bị tồi tệ hơn nữa so với những gì đã xảy ra hiện nay mặc dù xuất khẩu hay nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng.”

Trong trường hợp Trung Quốc không chịu bồi thường thiệt hại cho Mỹ nếu như Tòa ra phán quyết, ông nói các nguyên đơn có thể tịch thu tài sản của Trung Quốc ở Mỹ như đã từng làm với các vụ kiện nhằm vào Cuba, ông nói và cho biết số tiền mà ông nhắm đến cho thiệt hại của Mỹ là ‘hàng ngàn tỉ đô la’.

Với vụ kiện tập thể thứ hai về tích trữ vật tư y tế, ông Alters chỉ ra rằng ‘khi dịch bệnh nổ ra ở Trung Quốc, họ đã đi khắp thế giới để mua trang thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) và ‘không cho phép các công ty Mỹ sản xuất khẩu trang ở Trung Quốc như 3M và Honeywell xuất khẩu hàng hóa đi Mỹ’.
“Khi dịch đã lắng lại ở nước họ và bùng phát trên thế giới họ lại đem vật tư y tế đó đi bán khắp nơi để thu lợi nhuận khổng lồ. Đó là hành vi trục lợi từ việc cố tình che giấu thông tin về dịch của họ,” ông phân tích.
“Vì lẽ đó mà Mỹ và phần còn lại của thế giới phải chịu hậu quả,” ông nói.

27/05/2020
https://www.voatiengviet.com/

 



Đăng ngày 12 tháng 08.2020