banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Hòa-lan, đất thấp tình nồng

 

Nguyễn thị Cỏ May

hoa lanHòa-lan là xứ của Nữ Hoàng, gọi cho đúng tên theo Hiến pháp phải là Vương quốc Đất Thấp. Nhưng từ 30 tháng 4 năm 2013, Vương quốc Đất-Thấp do vua Willem-Alexander Van Oranje ngự trị, nối ngôi mẹ, Nữ Hoàng Beatrix 75 tuổi. Vua Willem-Alexander là vị vua đầu tiên của Vương quốc từ năm 1890, sau khi vua Willem III băng hà.
Ngày vua Willem-Alexander lên ngôi là ngày “Lễ Hội Nữ Hoàng”. Amsterdam và tất cả các thành phố, làng mạc Hòa-lan đều biến thành hội chợ vĩ đại như để chào mừng tân Nữ Hoàng, tức Hoàng hậu Willem-Alexander dưới tên Maxima. Từ đây, bà hoàng Willem-Alexander, đẹp và tóc vàng, trở thành bà hoàng bình dân nhứt của Hòa-lan có lẽ nhờ bà thuộc giai cấp thứ dân gốc Á-căn-đình (Argentine).
Bà được dân chúng ngưỡng mộ dần dần làm cho bóng dáng chồng mờ nhạt. Vua Willem-Alexander làm phi công chiến đấu, chuyên viên về quản trị thủy lợi, say mê thể thao. Trước đây, trong những năm 80, ông còn được thần dân biết đến dưới một biệt danh hào hoa là «Hoàng tử Pils» vì ông thích uống bia. Mà thích bia vẫn là sở thích chung không riêng gì của dân Hòa-lan, mà của đàn ông trên toàn thế giới. Nhứt là đàn ông Việt nam. Mà dân Hòa-lan nếu không thích bia thì làm sao có Heineken bán ra khắp thế giới?
Phụ thân của Nữ hoàng Maxima là cựu Tổng trưởng Canh nông dưới thời nhà độc tài Videla của Á-căn-đình, bị cáo buộc đã thanh toán những người đối lập nên ông không tới dự lễ cưới của con gái năm 2002 ở Hòa-lan. Và ông cũng vắng mặt trong lễ lên ngôi của chàng con rể.
Tân Quốc vương Willem-Alexander chọn đem lại một hình ảnh mới và trẻ trung cho vương quốc quá già nua của ông. Ông không lấy vương hiệu Guillaume IV mà vẫn giữ tên của mình một cách đơn giản. Nhạc tấu lên trong lễ đăng quang cũng mới, hòa lẫn điệu hip-hop nên đã không tránh khỏi bị giới bảo thủ phê bình.
Từ nay, nhà vua không tham dự vào việc lập Chánh phủ nữa, mà chỉ đọc diễn văn giới thiệu ngân sách quốc gia và ký các luật lệ.
Đối với hoàng gia, dân chúng không đòi hỏi bỏ chế độ quân chủ mà chỉ yêu cầu tiết giảm mức chi tiêu để làm nhẹ sự đóng góp của dân chúng. Riêng nhà vua lãnh 825000 euros lương hằng năm. Giới quí tộc ở Hòa-lan ngày nay không còn được trọng vọng, ngoại trừ Nữ hoàng.

Hòa-lan, Thiên đường của màu sắc
hoa lanDu khách muốn tìm màu sắc, tưởng không đâu bằng Hòa-lan. Trên bờ kênh, trước nhà, ở công viên... trồng đủ loại hoa đẹp. Vì Hòa-lan còn là Vương quốc của hoa. Vào tuần lễ đầu tháng 8, Varend Corso ở Westland tưng bừng tổ chức chợ nổi hoa quả.
Đây là một lễ hội lớn diễn hành trên mặt nước với hơn 60 ghe thuyền tham dự phủ kín hoa quả nhưng được trình bày một cách vô cùng ngoạn mục theo chủ đề chọn lựa hằng năm. Suốt 3 ngày lễ hội thu hút không dưới 300 000 người tới xem.
Westland được xem là động cơ kinh tế hàng thứ ba của Hòa-lan, sau Thành phố cảng Rotterdam và Phi trường Schiphol. Westland trồng hoa quả nên lễ hội ghe thuyền diễn hành là để giới thiệu thổ sản của Westland. Cùng tham dự lễ hội còn có chương trình hòa nhạc, những vũ điệu dân gian, những đoàn người đi xe đạp, … Chợ nổi Westland chạy dài tới ngang qua vùng phụ cận La Haye.
Chợ nổi có ở nhiều nơi như Bangkok, Cần thơ, cả Paris vào cuối tháng 9 hằng năm. Nhưng chợ nổi ở Hòa-lan là một thứ lễ hội nhằm giới thiệu và cổ võ ngành nông nghiệp quốc gia hơn là buôn bán như một thứ chợ bình thường.
Ngoài ra, năm nay 2015 còn là năm kỷ niệm lần thứ 125 ngày nhà danh họa Van Gogh mất. Thành phố Keukenhof sẽ tổ chức lễ hội hoa quả dưới chủ đề Van Gogh. Và chơn dung Van Gogh sẽ được kết bằng hằng chục ngàn bông tulipes, chiếm một diện tích 250 m2.

Hòa-lan nổi tiếng Coffee Shop
Lễ Hội hoa màu, chợ nổi thu hút nhiều trăm ngàn du khách thì Coffee Shop cũng là một thứ « đặc sản » của Vương quốc Đất-Thấp có sức quyến rủ mãnh liệt du khách ngoại quốc và cả bản xứ, không phân biệt tuổi tác và thành phần xã hội.
Một Coffee Shop ẩn mình trong một toà nhà gạch đỏ cũ kỷ nằm trên bờ kênh thẳng tắp của Amsterdam, mỗi ngày, đón nhận 300 khách hàng: thanh niên, lớn tuổi, trưởng giả, thợ thuyền, …Mọi người tới mua cần sa đem đi hoặc hút tại chỗ một cách thoải mái.
Một ngày trời mưa, gió lạnh - thời tiết bình thường của Hòa lan - trước Coffee Shop đã có mươi người bình tĩnh đứng xếp hàng chờ 2 giờ mở cửa. Cho tới lúc đóng cửa 12 giờ khuya, không thấy lúc nào quán vắng khách. Bên trong, khung cảnh rất đơn giản: 3 phòng khá rộng gồm 1 bar bán cà-phê và nước trái cây và một bàn flipper. Ở phòng trong cùng, một nhóm thanh niên trai gái đang chơi vidéo trên một màn ảnh lớn, cười đùa thoải mái.
Quán chỉ có vài mặt hàng quen thuộc đó mà xử dụng tới mươi người làm. Trông vào, ai cũng thấy mọi việc đều bình thường. Nhờ chủ quán biết giữ quan hệ tốt đẹp với đại diện chánh quyền. Cứ mỗi 3 tháng, hai bên có buổi gặp gỡ làm việc với nhau.
Nhưng khi mặt biển yên không có nghĩa là sẽ không có bão tới. Ở Hòa lan, ai cũng biết bán và hút cần sa là tự do. Luật pháp chỉ cấm trồng cần sa làm thương mãi. Vậy cần sa bán ở Coffee Shop từ đâu tới? Nếu hỏi chủ quán thì họ sẽ trả lời «Từ trên Trời rớt xuống! Và nó tự vào quán bằng ngã sau”.
Coffee Shop chỉ được phép dự trử cần sa không quá 500 grs. Để thỏa mản nhu cầu của khách, chủ quán phải chạy hàng nhiều lần trong ngày. Cách làm ăn này đã như vậy từ nhiều thập niên vì chánh quyền chọn thái độ “không thấy” gì cả. Nhưng từ vài năm nay, tình hình đã thay đổi khi xuất hiện phong trào cực hữu và phe bảo thủ vào chánh phủ. Nhiều Coffee Shop bị khám xét vì nghi dự trữ số lượng hàng quan trọng, vượt quá mức cho phép. Đồng thời, 5000 cơ sở trồng cần sa bị phá hủy.
Trước giờ, có ít người lớn tuổi, hồi hưu, trồng vài mươi cây trong vườn với mục đích giúp ngân sách gia đình trang trải đủ tháng. Nay họ bị cấm. Thay thế họ là những băng đảng xuất hiện.
Những người này cung cấp cho thị trường nhưng không quan tâm tới phẩm chất của món hàng vì họ không hút, chỉ biết kiếm tiền mà thôi. Trong lúc đó, có vài người chọn cách trồng theo phương pháp Bio và chỉ cung cấp cho những Coffee Shop hợp pháp nhưng cũng bị cấm.
Phản ứng lại những biện pháp mạnh của chánh quyền, giới chức chánh trị ủng hộ cho phép bán cần sa có kiểm soát, hợp nhau soạn thảo luật đệ nạp Quốc Hội. Rất tiếc dự luật không được thông qua vì phe phản đối chiếm đa số. Nhưng họ vẫn giữ lập trường và chuẩn bị cho kỳ bầu cử lập pháp vào năm 2017.
Cần sa thuộc loại ma túy nhẹ nhưng nếu lạm dụng sẽ không tránh khỏi nguy hại cho sức khỏe.
Trong lúc đó, ở Úc, thanh thiếu niên đang đắm mình vào cơn say với thứ ma túy mới “crystal meth” độc hại hơn nhiều thứ khác. Dĩ nhiên độc hại hơn cần sa nhiều lần. Theo kết quả điều tra của “Cục bài trừ ma túy và tội phạm LHQ” năm 2014 thì Úc đứng hạng 3 về sử dụng ecstasy, hạng 4 về bạch phiến, hạng 7 về cần sa. Năm 2013, Úc có 200000 dân ghiền crystal meth, tiếng lóng là “ice”. Thảm nạn này đang phủ kín xứ Úc tuy rộng mênh mông như vậy, từ thành phố tới tận những vùng xa xôi. Thổ dân bị ảnh hưởng rất nặng do thiếu giáo dục về phòng vệ sức khỏe.
Bà Jacqui Lambie, Thượng Nghị sĩ của Tasmanie, đã phải công khai về hoàn cảnh của bà trước Quốc Hội “Tôi có đứa con trai 21 tuổi đang bị ghiền“ ice ”mà tôi đành phải bó tay. Ở đây hiện có hằng ngàn cha mẹ lâm vào hoàn cảnh như tôi. Phải làm sao đây ? ”.

Đất thấp, Tình nồng
Nói Hòa-lan Đất Thấp vì 1/3 đất xứ Hòa-lan thấp hơn mặt biển. Hòa-lan đẹp dưới mắt du khách, ngay cả du khách khó tánh. Amsterdam nên thơ nhờ người dân di chuyển bằng xe đạp đông hơn xe hơi và những con kênh xẻ dọc, xẻ ngang Amsterdam.
Người mới tới Hòa lan, ở chơi vài ngày, sẽ có nhận xét người Hòa-lan thứ thiệt không quá khô khốc như người Đức, không quá phớt tỉnh như người Anh và cũng không quá ồn ào như người Bỉ nói tiếng Pháp. Dĩ nhiên lịch sự hơn du khách bắc-kinh và hà-nội rất nhiều.
Người Việt nam tới Hòa-lan tỵ nạn cộng sản từ đầu thập niên 80. Họ phải bắt đầu học ăn, học nói. Sau một thời gian vất vả, đã có không ít người thành công về mặt học thức. Còn thành công về mặt kiếm tiền, thì mọi người ai cũng có nhà cửa khang trang, con cái thành đạt khả quan.
Từ lúc tới Hòa-lan, người Việt tỵ nạn chỉ có chung một Hội để sanh hoạt văn hóa xã hội. Anh em độc thân, khi hữu sự, bà con tận tình giúp đỡ. Cả việc cưới hỏi, vì không có gia đình, bạn bè hợp nhau lại tổ chức lễ cưới, linh đình không thua ở quê hương thời bình. Có thể nói, người Việt nam tỵ nạn ở Hòa-lan là một gia đình lớn, một cộng đồng xã thôn thật sự.
Nhưng chỉ được một thời gian. Khi có người làm “kháng chiến” xuất hiện, có người “chống cộng sản kiểu hòa hợp để chờ cộng sản bắt tay” chen vào, tìm cách kéo mền về phía mình thì Hội Người Việt nam tỵ nạn cộng sản ở Hòa-lan bắt đầu suy yếu. Một hôm, nhơn một buổi sanh hoạt chánh trị, lãnh tụ hòa hợp tuyên bố “Con đường của chúng tôi dứt khoát dẫn thẳng về Việt nam. Ai không cùng đi với chúng tôi sẽ bị loại khỏi… ”. Lập tức, từ trong cử tọa, một nhóm kháng chiến quân nhảy ra, tiến tới hành hung lãnh tụ. Tưởng như đang ở chiến trường trên đất Thái-lan chớ không phải đang ở xã hội văn minh.
Thấy không ai can thiệp khi có nạn nhơn bị thương, Anh Đ. bèn chở lãnh tụ tới nhà thương để nhờ may vết thương ở miệng. Nhưng chỉ may vết thương thôi nên lãnh tụ vẫn còn nói được. Và từ đây, Hội Người Việt ở Hòa-lan bắt đầu tan rã do nhiều người chán nản. Nhưng tình thương nhau, đùm bọc nhau vì cùng cảnh ngộ vẫn còn tốt đẹp.
Hôm rồi, Cỏ May tôi được một anh bạn đưa đi thăm bà con ở Hòa-lan. Anh NVT sống một thân một mình từ lúc qua Hòa-lan nay bị bịnh nặng. Anh em báo tin nhau để thay phiên tới thăm anh ấy thường xuyên. Và vài anh em thân đang nghĩ phải lo hậu sự cho bạn vì bạn không có thân nhơn ở đây. Anh đi tù cộng sản vì là sĩ quan của Chánh phủ Sài gon. Về, bước vào nhà, thấy nón cối máng trên giá. Đêm đó, bà má vợ bảo anh ngủ ngoài mái hiên. Sáng ra, lối xóm khuyên anh nên lánh xa nơi đây. Vài hôm sau, anh được bà con thương giới thiệu cho anh vượt biển và tới Hòa-lan. Anh học hành đổ đạt khoa bảng, có việc làm tốt và có quan hệ với chánh giới Hòa-lan khá quan trọng nhưng anh không lãnh con qua đoàn tụ vì lÃnh con thì phải lãnh luôn cái nón cối. Con còn nhỏ phải đi theo mẹ.
Suốt tuần qua, Cỏ May tôi có dịp thăm bạn ở miền Nam, vào vườn mua bầu, bí, đậu đủa, mùng tơi, táo, mận. Chủ vườn là ngưởi Hòa-lan thứ thiệt hoặc người gốc Nam-dương nhưng họ nói tiếng Việt–nam để gọi tên hoa quả. Qua hôm sau, đi ngược lên mìền Bắc, thăm vài bạn bịnh.
Cảm động nhứt là Anh T. nằm một chỗ do tai biến mạch máu não, không nói được. Khi con báo tin các bác tới thăm, anh em nói tên ra, anh nghe tên bạn, bật khóc rưng rức.
Tới thăm nhà nào, chúng tôi đều được mời cơm nước, cả bửa trưa và bửa chiều.
Cách ứng xử của bà con ở Hòa-lan cho tới nay vẫn còn đầy ắp tình đồng bào ruột thịt. Hôm đi thăm Anh T. có cả 8 người đều ở xa và cùng tới qua lời nhắn từ hôm trước.
Nước đã mất, chỉ còn chút tình với nhau. Nay đã được 40 năm. Tại sao không giữ cho trọn được? Phải được chớ! Hòa-lan là xứ đất thấp nhưng tình nồng mà!

Nguyễn thị Cỏ May

Đăng ngày 30 tháng 08.2015