Print

Đảng cộng sản Tàu 100 tuổi:

tội ác thế kỷ?

Nguyễn thị Cỏ May

Thách thức của Tàu ngày nay đối với thế giới, nhứt là Âu châu và Huê kỳ, không chỉ là ý thức hệ, mà còn là kinh tế và công nghệ cao. Vậy các nước Dân chủ chấp nhận lệ thuộc Tàu vì tiền hay phải liên kết ngăn chận? Ông Tổng thống Joe Biden của Huê kỳ tuyên bố sẽ tổ chức một Diễn Đàn Dân chủ vào cuối năm để chống Tàu bành trướng!
Hôm đầu tháng 7/2021, Tàu tổ chức lễ lớn kỷ niệm 100 năm đảng cộng sản, thành lập ở Thượng hải ngày 23/07/1921, trước hết là để long trọng hóa Xi, Chủ tịch đảng cho tới chết, người kế nghiệp Mao Trạch-đông và Đặng Tiểu-bình.
Đại hội khai sanh ra đảng cộng sản ngày nay, ngày họp lúc đó phải thay đổi nhiều lần để tránh cảnh sát ở vùng nhượng địa Pháp, qui tụ được 13 Đại biểu tham dự, có Mao dĩ nhiên, dưới sự kiểm soát của Sneevliet và Nikolsky, Đại diện Đệ  III Quốc tế (Kominterne) người Nga. Chúng ta thấy lúc đầu đảng gồm chỉ lèo tèo mấy chú chệt gốc du thủ du thực, thế mà theo thời gian nó biến thành cái đảng cộng sản thật sự. Đúng là nước lã mà khuấy nên hồ!
Rồi nội chiến chống lại Quốc Dân đảng, khựng lại bởi chiến tranh với Nhựt bổn, kết thúc bởi chiến thắng của đảng cộng sản và ngày 1 tháng 10 năm 1949, Mao tuyên bố nước «Cộng hòa Nhơn dân Trung quốc» ra đời.
Ngày nay, đảng cộng sản vừa phục hồi được uy thế nước Tàu trước thế giới và vừa nâng nền kinh tế Tàu lên hàng thứ nhì  (nói thứ nhứt nếu tính theo sức mua) nên muốn tiến chiếm quyền lãnh đạo thế giới, trễ lắm, vào năm 2049. Và để thực hiên điều này, Xi phải duy trì chế độ với một đảng duy nhứt và độc tài toàn trị. Năm rồi, trong lễ kỷ niệm lần thứ 75 chiến thắng Nhựt bổn, Xi nhắc lại «Nhơn dân Trung quốc sẽ không bao giờ cho phép một cá nhơn hay một lực lượng nào bóp méo lịch sử đảng cộng sản hoặc xuyên tạc bản chất và sứ mạng của đảng. Nhơn dân Trung quốc sẽ không bao giờ cho phép một cá nhơn hay một lực lượng nào chia rẻ đảng với nhơn dân Trung quốc hoặc đem đảng chống lại nhơn dân Trung quốc».
Năm 1655, trước Đại biểu Paris, Vua Mặt trời Louis XIV của Pháp, tuyên bố «Nhà Nước, chính là trẫm». Câu nói của vua Louis XIV ngày nay hãy còn lưu hành. Vậy tại sao Xi không nói như vua Louis XIV «Nhà nước-đảng, chính là ta»?
Hơn nữa Xi vẫn có thể nói như vua Louis XIV «Nhà nước, chính là trẫm»? Vì «trẫm» có nghĩa là «tôi», là «ta»! Xi có khác gì vua Tàu ngày xưa, thời quân chủ? Nước Tàu trong lịch sử, thật sự, không có gì thay đổi về mặt chuyên chế và độc tài. Một thứ chế độ độc tài toàn trị liên tục và nhuần nhuyễn, chỉ thay thế ông vua bằng Chủ tịch đảng mà thôi. Mao và Đặng làm Chủ tịch cho tới chết. Nay Xi cũng tự ban cho mình quyền làm Chủ tịch nước Tàu cho tới chết!
Nhơn đây, ta thử nhắc lại lịch sử tiếng «trẫm». Trước đời Tần, tiếng «trẫm» được dùng rất phổ biến trong dân gian, không phảỉ chỉ dành riêng cho nhà vua, mà như một đại danh từ (pronom personnel). Từ khi Tần Thủy Hoàng gồm thâu lục quốc, lập ra nhà Tần, đại danh từ «trẫm» do kỵ húy nên bị cấm xử dụng trong dân chúng cả nước.
Lưu Bang lật đổ nhà Tần, lập nên nhà Hán. Hán Cao Tổ vốn là người của giai cấp công nông, ít chữ nghĩa, nên vội bắt chước theo Tần Thủy Hoàng xưng "trẫm". Có đại thần nhận ra sai sót, tâu lên nhưng đã lỡ rồi nên Lưu Bang giữ luôn cách xưng theo ngôi thứ nhứt này. Từ đó trở đi, vua Tàu các triều đại sau đều bắt chước xưng hô «trẫm».

100 năm cộng sản Tàu còn lại gì?
Lễ kỷ niệm đảng 100 tuổi được Xi cho tổ chức hoành tráng nhưng nội dung không gì khác hơn là tuyên truyền về dân tộc chủ nghĩa và tôn thờ cá nhơn lãnh tụ Xi, người kế nghiệp Mao và Đặng. Lễ kỷ niệm còn để nhắc lại quá khứ huyền thoại của đảng và đề cao thành tích hiện tại của đảng  qua việc sớm ngăn chận thành công dịch Vũ hán, sớm phục  hồi kinh tế, giữ được mức tăng trưởng 9% trong năm nay (2021) trong lúc cả thế giới còn lao đao, củng cố sự đoàn kết dân tộc.
Nhơn cơ hội này, Xi không quên nhấn mạnh quyết tâm đem Hông-kông trở về sớm, khoe chiếm biển Đông không tốn một viên đạn và sẽ lấy Đài loan trong gần đây, nếu cần, cả bằng vũ lực.
Sau cùng Xi khoe sức mạnh thời đại của Tàu vừa phóng thành công trạm vũ trụ «Thiên cung» (le Palais céleste) và phát hành máy tin học đời mới Jiuzhang.
Sau 100 năm dài, nay đảng cộng sản Tàu có trở thành đảng tư bản không? Năm 1979, Đặng Tiểu-bình bắt đầu làm cải cách kinh tế, bốn mươi năm sau, dân Tàu có được 800 triệu người thoát ra khỏi cảnh nghèo đói. (Nên hiểu cái nghèo đói của Tàu là không có cháo hoa ăn với ca-la-thầu, không có quần áo mặc vừa đủ ấm). Khi làm kinh tế thị trường và nổ lực gia tăng mạnh phát triển thường khó tránh nảy sanh những bất bình đẳng xã hội nghiêm trọng. Ngày nay, dân Tàu vùng quê, vùng núi vẫn còn sống dưới mức nghèo trong lúc đó nước Tàu có nhiều tỷ phú nhứt thế giới, 992 tỷ phú, hơn năm rồi 253 người sau khi sát nhập bằng khủng bố Hồng Kông vào lục địa! (Nhựt báo Le Parisien)
Sự cải tổ này làm bùng lên khu vực tư nhưng Nhà nước-đảng vội duy trì việc kiểm soát đại bộ phận kinh tế, biến nước Tàu trở thành một mô hình mới phát triển kinh tế, đó là «tư bản-Nhà nước». Đồng thời đảng cộng sản tuyển làm đảng viên những phần tử ưu tú từ nền kinh tế tự do này, tuy nhiên vẫn giữ ý thức hệ cộng sản và hình thức tổ chức theo lê-nin trong quan hệ Nhà- nước và tư bản.
Đảng cộng sản từ Đặng Tiểu-bình tới nay, đảng viên tăng mạnh và mau, nay có 92,3 triệu người, chiếm 6,6% dân số Tàu. Họ đa số trở thành đảng viên «áo cổ trắng» (col blanc), tức thành phần tiểu tư sản trí thức. Giai cấp cốt cán «công nhơn, nông dân và quân nhơn» của đảng trước đây nay trở thành thiểu số và thứ yếu. Năm 2013, Xi muốn tuyển dụng một số lớn doanh nhơn để đào tạo trở thành lực lượng kinh tài có khả năng quyết định để cùng lãnh đạo đảng cộng sản. Ai cũng biết Hiến pháp Tàu ghi rõ «Cộng hòa Nhơn dân Trung quốc là một Nhà nước xã hội chủ nghĩa,... lãnh đạo bởi giai cấp thợ thuyền trên nền tảng liên minh với giai cấp nông dân». Hiến pháp Tàu chẳng những không phù hợp với thực tế, mà còn quá cách biệt với thực tế. Nước Tàu ngày nay, vẫn dưới sự lãnh đạo toàn diện của đảng cộng sản, nhưng nó lại là một thứ «biến thề của tư bản» (variante du capitalisme – như Delta là biến thể của virus Ấn độ): lao động trở thành hàng hóa, tiêu thụ là sức mạnh bảo đảm sự ổn định xã hội và động cơ của phát triển. Cái hố ngăn cách giữa Hiến pháp và thực tế ngày nay đã trở thành đặc tính của lịch sử đảng cộng sàn Tàu.
Dưới thời Mao, vào đảng là để phục vụ lý tưởng cộng sản. Ngày nay, trái lại, động cơ gia nhập đảng làm người cộng sản là để được tiến thân, được làm giàu. Nếu là nhà giàu, để có điều kiện làm giàu thêm, giàu lớn. Người ta thấy, qua những chương trình đào tạo đảng viên, đảng cộng sản không gì khác hơn là một Ban Giám đốc điều hành cái xí nghiệp khổng lồ là nước Tàu theo «chủ thuyết kinh tế tân tự do»!
Nhưng vì đảng vẫn nắm vai trò lãnh đạo toàn diện xã hội nên đảng gởi từng toán đảng viên tới xí nghiệp hoạt động theo dõi nhơn viên, công nhơn. Đây là cơ sở đảng. Mọi vấn đề liên quan tới công nhơn, như tuyển dụng, sa thải, kỷ luật, tăng lương, thưởng phạt… đều phải qua ý kiến của đảng bộ ở xí nghiệp. Cách kiểm soát của đảng không chỉ riêng với xí nghiệp nhà nước, mà cả xí nghiệp tư. Nó trùm lên Sở hay Phòng nhơn viên đã có xưa nay.
Đảng ngày càng tuyển thêm nhiều người thuộc giới tư sản vào hàng ngũ lãnh đạo đảng và xí nghiệp. Lực lượng mới này sẽ hoạt động ngoài biên giới Trung quốc, trong chương trình «Một vành đai, một con đường» để đẩy mau tiến trình quốc tế hóa những công ty nhà nước và tư nhơn, cùng đi theo có cả đơn vị đảng để theo dõi lãnh đạo xí nghiệp và công nhơn. Ngày nay nếu đảng cộng sản Tàu không đi theo đúng đường lối Đệ Tam Quốc tế như Mao nữa, thì nó cũng đang xuất cảng cách tổ chức kiểm soát xí nghiệp và những công cụ áp dụng kỷ luật.

Một thứ Đệ Tam biến thể của Xi?
Thật ra, kinh tế Tàu phát triển nhưng không vì có đảng lãnh đạo, trái lại đảng chen vào gây khó khăn trong không ít trường hợp, mà hoàn toàn do tính năng động, lòng ham kiếm bạc cắc từ muôn thuở của dân Tàu. Xin nhắc lại một câu chuyện xưa để thấy điều này đúng. Trong thế chiến II, trên chiếc tàu di tản, rủi một người đàn ông Do thái rớt xuống biển. Anh ta nhắm mắt chờ chết. Nhưng anh ta thấy sao mình thoải mái, thở dễ dàng, nên cứ bước tới nhè nhẹ và nghe ngóng. Như đang ở trong một không gian lạ. Anh vội nghĩ biết đâu mình đang rơi vào một thành phố nào đây? Nếu vậy mình sẽ có cơ hội làm ăn không còn bị cạnh tranh nữa. Anh lần bước tới. Bỗng trước mặt anh, một chú Ba bụng phệ đang ngồi đếm bạc cắc! Và anh biết anh đang ở trong bụng con cá mập khổng lồ!
Đối với các nước Dân chủ Tự do, lễ kỷ niệm 100 năm cộng sàn của Tàu phải là cơ hôi cùng nhau thiết lập một chính lược nhuần nhuyễn nhằm ngăn chận Tàu đang bành trướng, thực hiện giấc mộng làm chủ thế giới.
Tây phương hãy rủ bỏ ảo tưởng Tàu là một chế độ toàn trị, trái lại nó là một Nhà nước toàn trị đang xóa bỏ Tự do trong xứ Tàu và tiến tới xóa bỏ Tự do của các nước nơi nó tiến chiếm hoặc ảnh hưởng. Nó sẽ thay đổi thế giới theo mô hình Tàu! Không còn nữa thứ thế giới Tự do, Dân chủ và Nhơn quyền. Sức mạnh của nó ngày nay phải cần một liên minh chống lại, chớ riêng Huê kỳ sẽ khó thắng.
Nên nhớ hễ ai phản đối hay chống lại nó, chắc chắn sẽ bị nó tiêu diệt không nương tay. Bản chất hung ác dã man của Tàu do văn hóa du mục hun đúc cả ngàn năm qua.
Lịch sử nhắc ta đừng quên từ khi có đảng cộng sản cầm quyền, Tàu đã giết hơn 80 triệu chính dân Tàu. Thì đối vói người ngoại quốc nó sẽ giết bao nhiêu cho đủ?
Cứ nhìn Tây Tạng, Duy Ngô-nhĩ, người Tàu theo Pháp luân công thì biết bản chất muôn thuở của Tàu.
Nguyễn thị Cỏ May



Đăng ngày 17 tháng 07.2021