Print

Mảnh đời H.O.

Điệp Mỹ Linh

Mặc dù đó là quyết định của chính mình sau suốt thời gian dài suy nghĩ, Thùy-Giang cũng quặn thắt trong lòng khi Duy thì thầm với nàng bằng giọng trầm, không còn tí mô là giọng Huế nữa:
- Em gắng giữ gìn sức khỏe. Sang đến bên đó anh sẽ tìm mọi cách để bảo lãnh em và các con sang sớm.
Thùy-Giang cố nén nhưng nước mắt cứ đầm đìa. Khi thấy Duy cùng với Thắm và hai cậu con trai của Thắm tiến ra cổng để vào sân bay, Thùy-Giang cảm thấy khó thở vô cùng; vì tiếng nấc bị nàng nén lại, nghẹn ngang cổ.
Với đôi mắt đỏ hoe, cụ Tịnh, Mẹ của Thùy-Giang, lựng chựng bước đến bên nàng, cầm tay nàng:
- Thôi, nín đi, con. Con ăn ở nhân hậu như rứa Trời Phật sẽ phù hộ cho con.
Hai người con của Thùy-Giang cũng đứng cạnh Thùy-Giang, âm thầm quẹt nước mắt. Cả gia đình đứng yên như vậy cho đến khi Mẹ, cậu Bảy và chị của Duy đến cạnh, rủ đi về, tất cả mới choàng tỉnh. Cụ Tịnh nhìn cụ Phấn – Mẹ của Duy – than:
- Răng ở đời lại có nhiều chuyện éo le như ri không biết!
Cụ Phấn điềm nhiên đáp nho nhỏ để gia đình Thắm không thể nghe được:
- Lo chi, qua bên nớ một thời gian, thằng Duy sẽ ly dị con Thắm rồi bảo lãnh mụ Giang qua chứ có chi mô.
Cụ Tịnh thố lộ niềm xâu xé trong hồn Cụ:
- Ly dị cái chi, con Thắm còn trẻ quá mà!
Đó là niềm lo sợ của cụ Tịnh và của Thùy-Giang chứ không phải của cụ Phấn; vì cụ Phấn đang suy nghĩ, cố tìm nơi an toàn để chôn giấu mấy lạng vàng, nếu không, con và các cháu của Cụ sẽ ăn cắp.
Cụ Tịnh và cụ Phấn vừa đi vừa nói chuyện trong khi các con, cháu âm thầm đi theo, mặt ai cũng buồn xo. Đi được một đoạn ngắn, cụ Tịnh chợt nhận ra sự vắng mặt của Thùy-Giang, vội nhìn lui.

Thùy-Giang khoanh tay trước ngực, đứng dựa tường, mắt đăm chiêu nhìn ra khung cửa kính. Bên ngoài khung kính, trong khoảng không gian rộng lớn, chan hòa ánh nắng, không biết bao nhiêu lần Thùy-Giang nhìn Duy đến và đi. Những lần Duy đến, thấy chiếc phi cơ sơn màu lá cây rừng, nghe tiếng động cơ gầm gừ và nhìn cách đáp rất “cao-bồi” của mấy chàng phi công C-130, Thùy-Giang cảm thấy niềm vui dâng lên rộn rã trong lòng. Những lần Duy đi, cũng bằng những chiếc phi cơ quen thuộc ấy, Thùy-Giang gửi theo tất cả yêu thương cùng những lời cầu nguyện. Bây giờ Duy ra đi bằng chiếc phản lực tối tân và đồ sộ để đến một khung trời đầy ước mơ, nhưng sao Thùy-Giang lại cảm thấy bất an! Thùy-Giang không thể phân định được niềm bất an ấy là do sự có mặt của Thắm bên cạnh Duy hay là do những chứng bệnh ngặt nghèo Duy mang theo.
Những căn bệnh ngặt nghèo này, sau khi Duy được thả về, Duy và Thùy-Giang đã được nhiều bác sĩ xác nhận rằng không thể chữa được tại Việt-Nam. Cho dù nếu có thể điều trị được tại Việt-Nam đi nữa, cả Duy và Thùy-Giang đều biết rằng không thể nào gia đình đủ điều kiện tài chánh để lo cho Duy; vì lẽ đó, cả gia đình chỉ mong chờ hồ sơ H.O. của Duy được cứu xét sớm.
Trong thời gian chờ đợi, mỗi khi đi thăm mộ Cha và mộ của người anh, hoặc những chiều thấy cụ Tịnh lặng người bên cửa sổ và những đêm nghe tiếng thở dài não nuột của cụ Tịnh, lòng Thùy-Giang rối bời! Nếu muốn chu toàn bổn phận làm vợ và trách nhiệm làm Mẹ thì đạo làm con Thùy-Giang trút cho ai? Câu hỏi này cứ lởn vởn trong trí Thùy-Giang cho nên tâm nàng không yên. Đến khi bộ nội vụ thông báo rằng hồ sơ của Duy nộp sau ngày ban hành luật mới cho nên không hợp lệ, buộc Duy phải điều chỉnh vì hai người con của Duy và Thùy-Giang đều trên 21 tuổi, thì Thùy-Giang mới cảm thấy đỡ ray rức; vì nàng nghĩ cụ Tịnh sẽ ở lại, tá túc với hai đứa cháu ngoại. Nhưng nghĩ lại, Thùy-Giang cảm thấy không ổn. Ai lìa quê hương cũng vì tương lai các con; nay hai con của nàng không được đi Mỹ, cụ Tịnh lại đau yếu luôn, nàng đành lòng bỏ Mẹ và hai con để chọn Duy hay sao? Hơn thế nữa, thời gian dài Duy đi tù, hai con đã cùng nàng chia xẻ biết bao tủi nhục, cay đắng của kiếp nghèo; bây giờ, nếu Thùy-Giang bỏ hai con lại, hai con sẽ nghĩ như thế nào về nàng? Lòng Thùy-Giang có yên vui khi nàng sống trong chăng êm nệm ấm mà hai con lại không biết sống với ai; vì Ngoại thì đau bệnh liên miên; còn Nội cùng cô đều gần như xa lạ kể từ khi hai con mới chào đời! Cuối cùng Thùy-Giang chọn giải pháp ở lại Việt-Nam, để Duy sang Mỹ chữa bệnh, rồi về.
Sau khi biết được quyết định của Thùy-Giang, Duy không phản đối mà cũng chẳng ép nài. Duy cứ lầm lầm lì lì suy nghĩ suốt mấy tuần lễ. Cuối cùng Duy quyết định:
- Hơn mười ba năm anh ở tù, em và hai con đã hết lòng tận tụy với anh. Bây giờ không lý do gì anh có thể lìa bỏ em và hai con để đi tìm cuộc sống sung túc cho riêng anh.
Thùy-Giang xúc động và cảm thấy bồng bột thương yêu Duy như ngày xưa, lúc nàng gặp lại Duy nơi tiệm sách nghèo, thuộc quận Gò-Quau, tỉnh Chương-Thiện. Nhưng, liền khi đó, Thùy-Giang chợt nhớ đến tình trạng sức khỏe của Duy:
- Còn bệnh của anh thì răng? Khi anh vui, nhiều người cùng cười với anh. Khi anh buồn, đôi khi vợ con của anh có thể chia xẻ ít nhiều. Nhưng khi anh bệnh không ai có thể bệnh thế cho anh mô. Thôi, anh qua bên nớ, chữa lành bệnh rồi về.
- Anh tin vào số mệnh.
Sau những xúc động và áy náy về quyết định của Duy, nếp sống cơ hàn của vợ chồng Duy gần như trở lại bình thường trong vùng kinh tế mới này; dù rằng vấn đề sức khỏe của Duy lúc nào cũng ám ảnh Thùy-Giang nặng nề.
Bất ngờ, một buổi sáng, cậu Bảy của Duy đưa cụ Phấn từ Saigon ra thăm. Chính tay cụ Phấn tặng Thùy-Giang một xấp lụa nội hóa để may đồ bộ mặc ở nhà. Thùy-Giang ngẩn ngơ, không hiểu lý do nào cụ Phấn lại tỏ ra thân thiện với nàng! Thắc mắc này cứ lớn dần, nặng dần, tỷ lệ thuận với thời gian cụ Phấn, cậu Bảy và Duy ngồi thì thầm dưới gốc cây mít.
Lâu thật lâu, Duy đứng lên, đi vòng vòng quanh khu vườn hẹp, giả vờ tìm trứng gà đẻ lang để xem có ai rình nghe hay không. Biết chắc không có ai, Duy vào nhà, gọi Thùy-Giang ra. Sau khi nghe Duy tóm tắt sự việc, Thùy-Giang cúi mặt, khóc. Duy sốt ruột:
- Chuyện quan trọng, em phải bình tĩnh và sáng suốt để suy xét và quyết định chứ khóc cái gì? Nước mắt có giải quyết được gì không?
- Tự anh quyết định đi.
- Nếu anh quyết định được, anh đã không gọi em ra đây.
- Em nghĩ không một người vợ nào có thể quyết định một vấn đề oái ăm như ri mô.
Cụ Phấn dỗ dành:
- Có chi mô mà oái ăm. Hắn ở tù hơn mười ba năm, mụ sống nghèo đói mà mụ vẫn chịu được thì nay hắn qua bên nớ, người ta đưa cho mụ số vốn lớn để mụ sống nhàn hạ. Đến khi hắn lãnh tiền “ráp-pen” của Mỹ, hắn tậu nhà, tậu xe, còn lại bao nhiêu tiền hắn gửi về cho mụ, mụ sống đời đế vương. Rồi hắn sẽ ly dị người ta, làm giấy tờ bảo lãnh mụ qua, rứa không sướng như tiên à?
Thùy-Giang khóc rấm rức, không trả lời. Duy hỏi cậu Bảy:
- Căn cứ vào đâu mà cậu biết Mỹ sẽ trả “ráp-pen” cho những người như cháu?
- Trời! Căn cứ vào cái lổ tai chứ căn cứ vào đâu. Mỹ nó phải trả, nó không trả, cháu kiện nó. Cháu có nghe vụ Biệt-Kích thắng kiện ở Mỹ chưa? Mẹ! Mấy “thằng” Biệt-Kích mà Mỹ nó còn trả cả bạc triệu huống chi cháu. Cháu cũng Hải-Tuần, Hải-Kích, Xung-Phong, Tuần-Thám, Thủy-Bộ chứ giỡn sao.
Duy nhìn Thùy-Giang:
- Nếu đúng như cậu Bảy nói thì tại sao vợ chồng mình không cùng đi, em hè?
Thùy-Giang chưa kịp đáp, cụ Phấn đã lên tiếng:
- Mụ Giang đi rồi bà Tịnh nay đau mai bệnh ai nuôi được? Vô lẽ bắt hai đứa cháu Ngoại nuôi? Mẹ mình mình không nuôi, bắt con hắn nuôi, không những thiên hạ cười cho thúi đầu mà Trời đất cũng không dung tha những đứa con bất hiếu như rứa mô.
Thùy-Giang không ngại ai cười. Thùy-Giang cũng chẳng sợ những hình phạt của Trời đất. Thùy-Giang ở lại với Mẹ vì nàng nhận thấy rằng không có nàng bên cạnh, Duy vẫn sống được, như thời gian dài Duy phục vụ ở những đơn vị chiến đấu mãi tận Năm-Căn; như những ngày Duy lênh đênh trên biển với con tàu; như hơn mười ba năm đằng đẳng Duy ở trong tù. Nhưng nếu không có Thùy-Giang bên cạnh, không thể nào cụ Tịnh sống được với căn bệnh tâm thần và nỗi cô đơn lúc nào cũng bủa vây Cụ.
Thấy Thùy-Giang vẫn lặng yên, cậu Bảy xoay sang Duy, “tấn công” tiếp:
- Duy! Cháu nên biết, khi một H.O. mới sang, tụi Mỹ chỉ phát cầm chừng mỗi tháng một ít để đủ sống trong thời gian tụi C.I.A. điều tra. Sau khi C.I.A. điều tra, biết đích xác về cấp bậc và thời gian phục vụ của cháu rồi thì chính phủ Mỹ mới trả số tiền truy lãnh. Trong khi chờ C.I.A. điều tra, bên ni mấy đứa con của cháu lấy chi sống? Bà Ngoại của các cháu lấy tiền mô mà thuốc than? Bởi rứa, giải pháp cháu đưa ra không ổn tí mô hết.
Duy im lặng. Là một sĩ quan ngành chỉ huy, một lần tu nghiệp về Thủy-Bộ tại San Diego, hai lần lãnh tàu tại San Francisco và một lần đưa chiến hạm sang đại kỳ tại Phi-Luật-Tân, vậy mà chỉ hơn mười ba năm trong tù, Duy trở thành một người gần như lạc hậu, không hề biết bất cứ biến chuyển thời sự nào cả! Trong khi đó, cậu Bảy học lực trung bình, vậy mà giờ đây cậu thông suốt nhiều vấn đề chính trị, kể cả thời sự từ bên kia bán cầu. Có lẽ nhờ cậu không bị tù và nhờ cậu sống ở thành phố. Duy thở dài như thương cho thân mình và thầm phục ông cậu.
- Sao cháu nghe nói nhiều người sang Mỹ chán quá, xin trở về Việt-Nam?
- Bậy! Ai khùng rứa, cháu? Chỉ mới tới Hồng-Kông hoặc Thái-Lan thôi mà khi bị cưỡng bách hồi hương, nhiều người còn biểu tình, rạch bụng để phản đối mà cháu nói chi lạ rứa?
Lúc này cụ Phấn mới chợt nhớ một câu chuyện:
- A, con nhớ cậu mô tên Tuân, hồi nớ làm việc với con ở Năm-Căn không?
- Dạ, sao, Mạ?
- Cậu Tuân đi H.O. 14, qua Mỹ chỉ vài năm mà thành công lắm. Cậu nớ đến nhà tìm thăm con. Cậu Tuân bảo mới sang Mỹ chỉ mười tám tháng là cậu mua ngay cái biệt thự, thảm trải từ nhà trên xuống nhà bếp, vô tuốt nhà tắm. Hai vợ chồng hai chiếc xe và mua cho bốn đứa con mỗi đứa một chiếc. Xe điện (xe hơi) chứ không phải xe gắn máy mô, con. Còn mụ vợ, diện dễ sợ, cái mũi sửa nhọn hoắc như mũi đầm; cẩm thạch, chao ơi, răng mà nhiều, đeo xanh cả người. Chuyến về thăm nhà kỳ rồi, chỉ tiền máy bay cho sáu người thôi là cũng gần hai mươi ngàn đô-la, đó là chưa kể tiền ăn, tiền uống, tiền khách sạn và tiền cho bà con họ hàng.
Vợ chồng Tuân đã kể những điều như cụ Phấn thuật lại; nhưng vợ chồng Tuân không hề đề cập đến số tiền lớn do hãng bảo hiểm xe hơi trả cho gia đình Tuân sau khi gia đình Tuân bị liên quan trong một tai nạn xe cộ. Vì vậy, sau khi nghe cụ Phấn thuật lại, Duy và Thùy-Giang đều hoang mang. Đây không phải là lần đầu tiên Duy và Thùy-Giang nghe “huyền thoại” của những kẻ đi xa về khoác lác. Nhưng khi câu chuyện khoác lác đó xuất phát từ một người mà vợ chồng Duy đều thân thiết – như Tuân – thì mứt độ khoác lác của câu chuyện giảm thiểu rất nhiều.
Cậu Bảy tiếp lời cụ Phấn:
- Đó, cháu thấy không? Có rứa dân nhà giàu mới đổ xô đi “mua” mấy ông H.O. chứ.
Duy phân vân:
- Nhưng làm thế nào hồ sơ hợp pháp được khi mà tên, họ, năm sinh, mặt mũi của Thùy-Giang và bà đó hoàn toàn khác nhau?
- Chao! Cháu lo chi mấy chuyện nớ cho mất công. Miễn rằng cháu đồng ý và cháu có mặt tại Saigon vào ngày giờ họ ấn định thì mọi việc người ta lo hết.
Im lặng một chốc, cụ Phấn xoay sang dỗ dành Thùy-Giang:
- Kệ nó, con à. Mình làm vợ thì phải hy sinh. Con xem như hắn đi chữa bệnh mà con và các cháu lại được số tiền lớn để sống trong khi hắn xa nhà.
Thùy-Giang gục mặt, cảm thấy tê tái trong lòng:
- Dạ, tùy anh Duy chứ con có biết chi mô.
Duy tìm cách trì hoãn:
- Má với cậu để vợ chồng con bàn tính lại.
Cụ Phấn lắc đầu, dứt khoát:
- Không bàn tán chi hết. Nhận thì nhận, không nhận thì thôi, người ta tìm mối khác. Người ta có tiền, mình cần người ta chứ người ta không cần mình mô.
Thấy Duy và Thùy-Giang không có vẻ xiêu lòng, cụ Phấn giáng đòn tâm lý cuối cùng:
- Mạ ăn chay niệm Phật, nguyện làm điều phước đức, bởi rứa, từ khi nớ chừ Mạ chỉ nói về những băn khoăn, lo lắng của Mạ về cụ Tịnh, mụ Giang và hai đứa cháu nội của Mạ thôi; chừ Mạ mới nói về phần con. Duy à! Với căn bệnh tim đập không đều và áp huyết cao của con, nếu không được chữa chạy, con sẽ chết; với đôi mắt gần như lòa của con, nếu không được giải phẫu, con sẽ bị mù. Khi con bị mù hoặc con chết thì lòng chung thủy của con hôm nay chỉ đáng giá có vài dòng nước mắt thôi, con.
Đó chính là niềm ray rức lúc nào cũng dày vò Thùy-Giang kể từ khi Duy quyết định ở lại Việt-Nam. Bây giờ nghe cụ Phấn nêu ra, Thùy-Giang chỉ biết cúi mặt, khóc!

* * *
Lần đầu tiên nghe Duy kể lại mối tình của chàng và Thùy-Giang, cụ Phấn lộ vẻ không vui: “Đàn bà con gái mà đờn ca, xướng hát là không được mô, con. Con chơi qua đường thì không hề chi, chứ cái thứ…’vô loại’ nớ mà lấy về làm vợ răng được, con.” Hết sức ngạc nhiên trước lời kết tội của cụ Phấn, Duy chưa kịp bào chữa cho Thùy-Giang thì Duyên, chị của Duy, tò mò: “Rứa cụ mi (em) có đem hình của o nớ về không?” Duy hớn hở mở ví lấy tấm ảnh của Thùy-Giang trao cho Duyên, với hy vọng Duyên sẽ có cảm tình với Thùy-Giang. Không ngờ, sau khi nhìn ảnh, thấy Thùy-Giang trội hơn nàng về mọi phương diện, Duyên thầm buồn và bực bội trong lòng: “Đời Hải-Quân nay đây mai đó, cụ mi lấy mấy o như o ni thì chỉ khổ cho cụ mi thôi.”
Hơn hai mươi năm sau, không những tình cảm của cụ Phấn và Duyên dành cho Thùy-Giang không hề suy suyển mà còn trở nên tệ hơn – nhất là khi chồng và em trai của Duyên vượt biên, bị mất tích, rồi Duy đi Mỹ và Mẹ con của Thùy-Giang có tý vốn, dời về Saigon mở quán bán kem.
Sự phát đạt khá nhanh của quán kem là nhờ sự xinh đẹp, sự dịu dàng của đứa con gái của Thùy-Giang. Nhưng Duyên lại cứ quả quyết rằng sự khá giả của Thùy-Giang và hai đứa cháu là do tiền Duy gửi về, cho nên Duyên cứ hậm hực trong lòng. Vì vậy, khi nghe cậu Bảy nói xong, Duyên có vẻ vui:
- Tưởng chi chứ viết cái thư như rứa thì dễ òm. Để cháu viết.
Cậu Bảy và cụ Phấn trầm ngâm một chốc, cụ Phấn bảo:
- Viết răng mà thằng Duy tin, cái nớ mới là khó.
Cậu Bảy đưa ý kiến:
- Tui nghĩ chị viết thì thằng Duy tin hơn; hoặc là con Duyên viết, chị ký rồi chị viết bên dưới một câu ngắn: “Chị con viết theo lời của Mạ”.
Cụ Phấn nhìn cậu Bảy:
- Rứa cũng được. Nhưng tại răng cậu không kỳ kèo với con Thắm thêm mà lại nhận có hai “cây”? Nếu công việc xong xuôi Mẹ con tui cũng phải chia cho cậu, cậu tính phần cậu răng đây?
Sự thật thì cậu Bảy đã kỳ kèo và ngã giá với Thắm là ba “cây”; cậu Bảy ăn chận một cây, nhưng cậu lại đáp:
- Từng nớ mà chị còn chê, đòi nhiều quá tiền mô hắn trả? Thằng Duy chưa lãnh “ráp-pen” mà.
- Xì, phiền cậu ni quá! Ở đó mà lo bò trắng răng.
- Rứa thôi, chị em, chị cho em không hết, có mô…
Cụ Phấn lắc đầu, chận ngang:
- Không được mô. “Mất lòng trước, được lòng sau”. Tui với cậu răng cũng được chứ với mụ Bảy, tui phiền lắm.
- Chết cha! Em quên dặn chị với con Duyên, đừng cho mụ vợ em biết. Cái “áp-phe” ni em làm riêng, kiếm tý tiền còm để còn đi bia ôm, bia ấp. Chị cho mụ vợ của em biết là mụ nớ trị em trắng máu.
Cả ba người cùng cười vang. Duyên dặn dò:
- Mạ với cậu mần răng cho kín đáo chứ mụ Giang mà biết được là chết!
- Chỉ có ba người mình với nhau, mần răng mụ Giang biết được, cháu? Mà nếu mụ nớ biết thì mình cứ chối bừa chứ ai dại chịu cha ăn cướp.
Cụ Phấn cười khẩy:
- Con ni vô duyên tệ. Mụ Giang biết được thì biết chứ chứ bộ hắn dám giết mình răng…
Cụ Phấn nói chưa dứt câu thì phải dừng lại, vì chiếc Honda đột ngột ngừng ngay trước sân. Đứa con trai của Thùy-Giang chống chân trái xuống đất, nhìn vào nhà trong khi Thùy-Giang từ yên sau bước xuống. Cụ Phấn có vẻ lúng túng:
- Chao! Không biết động chi mà đang không Mẹ con hắn tới nhà tui. Cậu Bảy ra nói chuyện với hắn để tui với con Duyên đẩy cái TV vô buồng, không thôi hắn thấy, hắn viết thư qua mách với thằng Duy, phiền lắm.
Sau khi giấu TV xong, cụ Phấn bước ra tươi cười:
- Chao ơi! Mấy lúc ni đi mô mất biệt bữa ni mới qua. Vô nhà chứ đứng ngoài nớ chi cho nắng nôi, con.
Thùy-Giang và cậu Bảy đi vào. Cụ Phấn xoay ra sau, tiếp:
- Con Duyên mô rồi? Có mụ Giang tới thăm nì. Ra mà đấu hót chứ không thì cứ nhắc hoài, làm hắn sổ mũi.
Nói xong cụ Phấn bước ra sân, ngoắt đứa cháu nội, giọng ra vẻ thương yêu:
- Vô chơi chứ răng ngồi trên xe rứa, con?
Thùy-Giang đáp thay con:
- Thưa Mạ, con và cháu sang thăm Mạ với chị Duyên một tý là phải về ngay; vì tiệm đông khách lắm, một mình em của cháu coi không xuể mô.
Ba người ngồi trên đi-văn. Duyên từ nhà bếp bước ra, cười vồn vã như không hề có một âm mưu nào đang được bàn thảo:
- Đi mô mà diện đẹp rứa?
Thùy-Giang cười. Vì bận buôn bán và cũng vì biết gia đình Duy không thích nàng, Thùy-Giang ít khi tiếp xúc. Bây giờ nghe giọng điệu thân mật của cụ Phấn và của Duyên, Thùy-Giang ngỡ tình cảm của hai bà dành cho nàng đã thay đổi, vì nàng đã thỏa thuận để Duy đi Mỹ với Thắm, theo sự thuyết phục của cụ Phấn. Vì vậy, Thùy-Giang đâm ra áy náy là nàng đã không đến thăm cụ Phấn và Duyên thường xuyên.
- Em thiệt… bậy ghê. Bận bịu với cái quán nên em không qua thăm Mạ và chị được. Chừ thấy Mạ với chị khỏe em cũng mừng. Các cháu khỏe không, chị?
- Tụi hắn cũng rứa thôi. Còn mụ, răng? Chàng viết thư về chắc da diết lắm, hỉ?
- Dạ, mô có. Em qua hỏi thăm Mạ với chị xem địa chỉ của anh Duy có chi thay đổi mà thư Mẹ con em gửi sang anh Duy không nhận được.
Cậu Bảy ngạc nhiên:
- Không nhận được cái mô hết à?
- Dạ, anh Duy chỉ nhận được vài thư đầu, lúc anh ấy mới qua thôi.
Cụ Phấn hỏi dò:
- Rứa hắn có gửi thư về cho mụ thường không?
- Dạ, lúc mới đến Mỹ, anh ấy viết nhiều; nhưng càng về sau càng thưa. Thư nào anh Duy cũng hỏi tại răng cháu và hai đứa nhỏ không viết thư cho anh ấy.
Đến lúc này cụ Phấn và Duyên mới chợt nhớ rằng trong những mẫu nhắn tin kèm theo mỗi lần gửi tiền về cho hai bà, Duy cũng hỏi hai bà những câu tương tự. Nhưng, cũng như hầu hết những người có thân nhân ở ngoại quốc, hai bà nhận được tiền rồi im luôn; khi nào thích xin tiền thêm thì viết lá thư khác. Bây giờ nghe Thùy-Giang đề cập đến sự việc, cụ Phấn tò mò:
- Rứa mụ với hai đứa nhỏ có viết cho hắn thường không?
Là một người đàn bà ngay thẳng, chân thật, Thùy-Giang có ghen, có buồn, có tủi thân nhưng không bao giờ Thùy-Giang nghi ngờ ai cả:
- Dạ, dạo chưa mở quán, con rãnh, con viết nhiều. Từ khi ra làm ăn, con bận quá, lại thấy thư gửi không đến mà anh Duy cũng ít gửi thư về cho nên con buồn, con ít viết.
Không hẹn nhưng cụ Phấn, cậu Bảy và Duyên cùng đưa mắt nhìn nhau, thầm hiểu ai là người đóng vai chính trong sự việc thất lạc thư từ. Cụ Phấn lại hỏi dò để phỏng đoán xem Duy gửi tiền về cho Thùy-Giang nhiều hay ít:
- Rứa những lần hắn gửi tiền về cho mụ hắn không kèm lời nhắn à?
- Dạ, từ khi anh Duy đi đến chừ anh ấy chỉ gửi về cho Mẹ con của con một lần hôm Tết thôi.
Nhìn nét mặt của Thùy-Giang, cụ Phấn và Duyên hiểu Thùy-Giang nói thật; và cả hai bà cũng hiểu rằng Duy không gửi nhiều tiền về cho Thùy-Giang vì Duy biết Thùy-Giang có số vốn của Thắm để lại. Số vốn của Thắm “mua ông H.O. Duy” đã bị cụ Phấn và cậu Bảy cắt xén ngay từ đầu, nhưng Thùy-Giang và Duy không hề biết, cho nên Duy cứ nghĩ Mẹ và chị thật sự thiếu thốn như những lời than vãn trong thư của hai bà. Do đó Duy gửi tiền về cho cụ Phấn và Duyên nhiều và đều đặn hơn là gửi cho vợ con. Vậy mà bây giờ cụ Phấn nói khác đi:
- Mụ được hắn gửi về một lần còn đỡ; bên ni Mẹ con tui không có xu teng mô hết thì răng.
Giọng Thùy-Giang nghe cay đắng, não nùng:
- Răng anh Duy tệ dữ rứa hè? Chắc hồi nớ anh Duy đi tù cực khổ nên anh ấy nhớ gia đình; chừ ở Mỹ sung sướng, lại có bà Thắm một bên, thì giờ mô mà ảnh nghĩ đến ai nữa!
Nghe giọng mỉa mai, sầu não của Thùy-Giang, Duyên vui thầm. Duyên muốn nhân cơ hội này làm cho Thùy-Giang khổ tâm hơn:
- Chao! Đàn ông biết mô mà nói. Nhiều mụ vợ theo sát bên đít chồng mà vẫn không giữ được chồng; huống chi chừ hắn ở bên nớ, mụ ở bên ni, xa nhau cả nửa trái đất. Chao! Đây rồi đến khi cậu Duy lãnh được “ráp-pen”, mụ Thắm tha hồ…
Thùy-Giang cướp lời Duyên:
- Dạ, không có vụ truy lãnh mô. Anh Duy đã viết về như rứa mà.
Duyên cười lớn:
- Mụ ni dại dễ sợ! Vô lẽ hắn viết cho mụ là hắn đang ôm trong tay cả trăm ngàn đô-la và trên giường hắn có một mụ đàn bà trẻ đang nằm?
Thùy-Giang bị tổn thương nặng nề. Nàng cảm thấy choáng váng, nhổm người, muốn cáo từ, nhưng cậu Bảy đã vội đứng lên:
- Mấy mụ ni tố khổ đàn ông quá, thôi, để tui đi cho rồi!
Duyên bước theo cậu Bảy ra sân. Cậu Bảy vỗ vai đứa con của Thùy-Giang rồi xoay sang dặn nhỏ Duyên:
- Tối ni cháu viết đi; viết răng cho khéo rồi đưa Mạ ký. Mai sáng cậu qua, cậu đem đi gửi bảo đảm.

* * *
Cứ mỗi lần đọc lại lá thư được gửi bảo đảm, do Duyên viết, cụ Phấn ký tên, Duy lại đăm chiêu, nghĩ ngợi. Duy thường nghe nói “Xa mặt cách lòng”, “Loin des yeux, loin du couer” hoặc là “Out of sight, out of mind”. Thời gian bị tù đày, nghe người bạn này bị vợ bỏ, vợ người bạn kia lấy cán bộ, Duy cũng hơi hồi hộp, vì ngày Duy vào tù Thùy-Giang còn rất trẻ và đẹp. Khi mãn tù, thấy Thùy-Giang vẫn một lòng chờ đợi chàng trong cảnh nghèo túng, Duy vui sướng và hãnh diện ngầm. Nhưng giờ đây, Duy xa nàng chỉ mới gần một năm và Thùy-Giang có một số vốn để sống tạm thì tại sao nàng lại phản bội chàng? Vừa nghĩ đến đây Duy bỗng nghiệm ra được lý do. Thời gian đi tù, Duy đói khổ và sống với bạn tù. Bây giờ đời sống vật chất của Duy đầy đủ, bên cạnh lại có Thắm, thử hỏi người đàn bà nào có thể tin được rằng Duy sẽ không san sẻ tình yêu? Ý nghĩ này khiến Duy cảm thấy áy náy và khó chịu trong lòng. Nhưng Duy vội biện hộ: Chàng có san sẻ gối chăn chứ chàng không san sẻ tình yêu, với Thắm. Suy nghĩ một lúc nữa Duy lại nghi rằng Thùy-Giang đã phản bội chàng từ trước khi xảy ra câu chuyện của Thắm; vì lúc đó Thùy-Giang cứ tìm hết lý này đến lẽ nọ để ở lại Việt-Nam. Và sau khi Duy sang Mỹ chỉ một thời gian ngắn, Thùy-Giang đem hai con vào Saigon. Từ đó, mọi liên lạc vơi dần, vơi dần và bặt luôn. Đôi khi buồn và chán nản, Duy tự hỏi không biết “tình địch” của chàng là một trong những người đã từng say mê Thùy-Giang trước kia hay là một anh nón cối!
Cả Duy, gia đình Duy và Thùy-Giang đều không hề biết rằng, mỗi ngày, Thắm bảo con lên hộp thư nơi văn phòng của chung cư, nhận thư; thấy thư nào không phải do gia đình của Thắm gửi sang thì thiêu hủy hết. Mục đích của Thắm là muốn cắt đứt mọi liên hệ giữa Duy và gia đình Duy, để khi Duy lãnh “ráp-pen” Duy sẽ không chia xẻ cho ai khác, ngoài Thắm. Sở dĩ lá thư Duyên viết, cụ Phấn ký, rồi cậu Bảy gửi bảo đảm, đến tay Duy là vì đã có sự dàn xếp giữa Thắm và cậu Bảy – bằng điện thoại – và Thắm phải “chi” thêm cho cậu Bảy ba “cây” nữa.
Vì mưu chước của Thắm, sau một thời gian thấy Thùy-Giang và gia đình không ai liên lạc với chàng nữa, Duy chỉ buồn. Duy nghĩ rằng cụ Phấn ít chữ nghĩa, Duyên ham chơi tứ sắc và Thùy-Giang cùng hai con đều bận buôn bán chứ không bao giờ Duy nghĩ rằng Thùy-Giang phụ bạc chàng. Nhưng bây giờ “sự thật” đã đến, hồn Duy tái tê! Duy thở ra thật mạnh cho vơi bớt uất hờn. Từ sự uất hận người vợ bạc tình, ý tưởng chắp nối với Thắm chợt lóe lên. Duy dự tính chiều nay sẽ đưa mẹ con của Thắm đi mua sắm và đi ăn để gây cảm tình với hai cậu bé và cũng để trả thù người vợ lăng loàn bên quê nhà.
Cho rằng đó là giải pháp hay, Duy muốn tự thưởng chàng một điếu thuốc. Nhưng nhìn quanh, thấy nơi nào cũng có bản cấm hút thuốc, Duy thất vọng. Duy muốn ra ngoài “làm” một điếu rồi trở vào; nhưng nghĩ lại, nhỡ đến phiên mình, họ gọi, mình không có mặt, họ xếp hồ sơ, mình lại phải mất thêm một ngày nghỉ làm nữa để đến đây chầu chực, Duy bỏ ngay ý định. Vừa khi ấy, Duy nghe tiếng gọi tên chàng một cách ngọng nghịu. Duy tiến về phía cửa phòng. Cô Mỹ đen cười:
- Làm ơn theo tôi.
Duy theo cô ấy đến chiếc bàn nhỏ. Cô trao cho Duy vài mẫu giấy với cây bút, hỏi:
- Ông có thể đọc, hiểu và viết Anh ngữ hay không?
Duy cười, gật đầu “Yes”. Cô ấy tiếp:
- Làm ơn điền vào những khoảng trống và ký tên vào chỗ tôi đã tô màu. Tôi sẻ trở lại trong giây lát.
Sau khi trở lại, nhìn lướt qua mấy mẫu đơn, cô hỏi:
- Ông có đi làm hoặc là nhận hiện kim hay quà cáp của bất cứ người nào biếu ông không?
Duy đang làm việc sổ sách cho một siêu thị của người Tàu, lãnh tiền mặt, nhưng bạn bè dặn Duy đừng khai, cho nên Duy lắc đầu: “No”. Cô Mỹ đen lại hỏi:
- Nếu chúng tôi có chung cư nào trống mà không thuộc nơi ông cư ngụ hiện tại, ông có muốn dời đi hay không?
Được những người bạn sang trước cho biết, những chung cư còn trống là những chung cư quá tệ, không nên nhận, Duy lại lắc đầu:
- Không. Cảm ơn cô.
Cô ấy trao Duy một bản sao, dặn:
- Ông giữ giấy này. Chúng tôi sẽ cứu xét hồ sơ của ông và thông báo cho ông bằng bưu điện. Đây, điện thoại của tôi, bên góc này. Trong vòng từ năm đến mười ngày làm việc, nếu ông không nhận được phúc đáp từ chúng tôi, ông làm ơn gọi số này, nhé.
Duy cảm ơn và vui vẻ cáo từ, ra bến xe buýt, ngồi đợi. Khi xe buýt dừng lại, nhìn mấy ông bà cụ lụm khụm rời xe buýt, Duy chợt nhớ đến cụ Phấn và những lời phán xét khi xưa của Cụ về Thùy-Giang. Duy đâm ra hối tiếc. Phải chi ngày đó Duy nghe lời cụ Phấn và Duyên, đừng thành hôn với Thùy-Giang, thì bây giờ Duy đâu đến nỗi phải tan nát cả hồn! Càng giận người vợ bạc tình Duy càng thương cụ Phấn và càng nhớ một câu trong thư cụ Phấn nhờ Duyên viết rồi Cụ ký tên: : “…Trước sự phản bội trắng trợn của mụ Giang, Má đứt từng đoạn ruột! Má chỉ biết khóc và cầu nguyện cho con từng đêm…”
Cũng may, trước khi Duy rời Việt-Nam, Thùy-Giang trao Duy một lạng vàng để dằn túi. Duy không nhận nhưng Thùy-Giang cứ năn nỉ, nài ép, cuối cùng Duy nhận. Nhưng khi ngồi đợi máy bay tại phi trường Tân-Sơn-Nhất, Duy đã lén Thùy-Giang “dúi” lạng vàng đó vào tay cụ Phấn. Hành động ấy đem đến cho Duy niềm ấm áp mỗi khi nghĩ đến Mẹ.

Khi chiếc buýt dừng trước trường đại học Nha-Khoa, thấy vài người bước xuống, Duy mới chợt nhớ rằng tuần sau Duy cũng phải đến trường Nha-Khoa để thử hai hàm răng, xem có vừa vặn hay không.
Nghĩ đến hai hàm răng Duy còn bực mình, dù sự việc xảy ra đã mấy tháng nay rồi. Lúc ấy, chỉ mấy cái răng cấm của Duy mới rụng, còn răng cửa không đến nỗi nào. Nhưng khi đi khám, nha sĩ bảo những người dùng “thẻ vàng”, (Thẻ khám bệnh và xin thuốc do chính phủ cấp cho những người không có lợi tức hoặc lợi tức quá thấp), nếu muốn làm răng, nha sĩ sẽ làm toàn hàm chứ không làm từng phần. Duy muốn từ chối. Duy dịch cho Thắm nghe, Thắm bảo: “Thôi, làm đi trông cho trẻ một chút chứ không có răng cấm, hai má cóp vào trông già lắm. Em không chịu đâu.” Duy nghe lời Thắm, vì, không những Thắm chăm sóc cho Duy suốt thời gian Duy chầu chực tại bệnh viện công cộng để được giải phẩu mắt, chữa trị căn bệnh tim và áp huyết cao mà Thắm còn lo việc nhà và ân ái với Duy như một người vợ. Sau khi ân ái, Thắm thường thủ thỉ: “Anh thương em, nha. Để em hỏi thăm xem tiệm vàng chỗ nào, em bán ít vàng, mua cho anh cái xe cũ anh lái. Thấy anh đi xe ‘bớt’ (bus) hoài em thương quá hà”. Trong bóng tối, Duy mỉm cười, không nghĩ gì hết, chỉ xoa nhẹ lưng Thắm, mắt khép hờ, chờ giấc ngủ đến.
Lý do Duy không nghĩ gì hết vì Thắm nói câu đó hoài mà Duy chẳng thấy xe đâu cả. Đến khi Thắm xin được việc phụ bếp tại một nhà hàng, hai mươi lăm đồng một ngày, trả tiền mặt, thì Thắm nhờ Duy đọc quảng cáo để tìm mua một chiếc xe cho “hai đứa mình dùng chung”.
Thắm mua xe rồi, nhưng Duy tự ái và cũng vì không muốn thọ ơn Thắm quá nhiều, Duy bảo rằng mắt chàng còn kém, chưa lái xe được.
Thời gian đó, vì lòng còn vướng bận hình ảnh Thùy-Giang, Duy cố không để tình cảm chi phối. Bây giờ, biết được sự “phản bội” của Thùy-Giang, Duy tự nhủ là chàng sẽ đáp lại những săn đón, ân cần của Thắm một cách nồng nàn và cuồng nhiệt hơn.
Bằng lòng với thái độ đã chọn, Duy huýt gió một điệu nhạc vui khi đi từ bến xe buýt, dọc theo sân chung cư để về nhà. Vừa đến bên chiếc xe “Van” của người hàng xóm, bất ngờ Duy thấy Thắm đang vội vã bưng đồ đạc ra xe. Duy chưa kịp lên tiếng, chợt nghe Thắm cằn nhằn một mình:
- Mả mẹ nó! Phải chi mình biết sớm hơn một chút thì đâu có mất thêm mấy cây “dàng” nữa!”
Duy nhíu mày, chẳng hiểu gì cả. Thắm trở vào nhà. Giữa lúc Duy đang hoang mang, chưa biết Thắm đang làm gì và chàng có nên xuất hiện hay không thì hai đứa con của Thắm vừa ỳ à ỳ ạch khiêng tấm nệm cũ đi ngang vừa càu nhàu:
- Tưởng bán nhà bán cửa qua Mỹ làm gì, ai dè qua Mỹ đi làm bồi, làm bếp.
- Vậy không đỡ hơn hồi mới qua, ba giờ sáng ông với tui đã bị ổng dựng dậy, bắt theo ổng đi bỏ báo sao?
- Tại tao với mày đâu phải con của ổng.
- Tui nghĩ ổng lãnh “ráp-pen” rồi mà ổng giấu Má.
- Lãnh cứt đó. Tao hỏi kỷ rồi. Má cũng biết rồi.
Duy muốn quát to: “Tôi đã nói sự thật với Má hai em nhiều lần rồi mà Má hai em, cũng như Mẹ và chị tôi, đâu chịu tin!” nhưng Duy không nói được. Duy chỉ bậm chặt hai bàn tay để chống lại sự thật kinh khiếp đang xâm nhập vào chàng với tốc độ cực nhanh! Duy bỗng đâm ra sợ hãi tất cả mọi người. Lúc xế chiều, khi nghĩ rằng chàng sẽ được sở xã hội trợ giúp trả tiền thuê căn chung cư này, Duy vui thích bao nhiêu thì bây giờ, sau khi hiểu rõ bề trái của con người, Duy hãi sợ bấy nhiêu!

Đợi hai cậu bé trở vào nhà xong, Duy bước nhanh dọc theo dãy chung cư để đến chỗ đón xe buýt; dù rằng Duy không biết chàng đón xe buýt để đi đâu, vì trời đang tối dần!...

ĐIỆP MỸ LINH
http://www.diepmylinh.com

 

Đăng ngày 24 tháng 01.2016