Print

Một cái chết cần thiết

Nguyễn Văn Sâm

Tối nay Thanh khó ngủ kỳ cục. Anh trằn trọc đến hơn nửa khuya trên tấm nylon giờ đây đã rin rít mồ hôi. Bực mình, Thanh ngồi dậy lấy miếng lá chuối khô lau những chỗ ướt rồi nằm xuống, cố vỗ giấc. Tại sao đêm nay mình như thấy có gì bứt rứt? Mỗi đêm hễ ngả lưng xuống là vùi giấc vì ban ngày quá cực nhọc. Không phải Thanh luôn luôn ngủ theo tiếng kẻng. Nhiều đêm anh nằm mắt mở trao tráo để sáng thức dậy đầu như búa bổ, mắt cay xè, chân đứng muốn không vững. Nhưng những bữa đó đều có lý do. Hoặc quá đói, hoặc quá buồn bã, tức giận vì ban ngày chứng kiến nhưng chuyện não lòng.
Còn nhớ tháng trước cũng vào cuối tháng âm lịch này, anh đã nằm im nhìn sao qua kẽ hở của vách vừng, vì đi làm về trễ, bị quản giáo bỏ đói với lý do không nghiêm chỉnh thi hành công tác giáo phó. Bữa đó Thanh tức tối vô cùng. Thấy mình bị đối xử tàn tệ cách vô lý. Người ta nhân danh nầy kia để làm khổ những người thất trận. Anh đã phải bụng đói đi bộ hơn 10 cây số, chặt hàng ba chục cây tre với con dao làm bằng sắt ấp chiến lược lụt nhách. Rồi phải rọc mắt, chặt cành, phải kiếm dây rừng bó lại; kéo lê về trại trên con đường giờ đây đã trở thành thăm thẳm. Tre nhỏ là bị chê, tỉa không sạch là bị phê bình; cố gắng tìm tre lớn thì phải đi xa, mang nặng, đường dài. Thế mà về trễ còn bị giảm khẩu phần. Đêm đó anh nằm ruột gan cồn cào vì đói, mệt và tức. Bọn anh giờ chẳng khác nào những tên nô lệ già, chủ vắt sức được lúc nào hay lúc nấy, rồi một bữa nào đó buồn tình họ cho một tràng súng hay bỏ đói đến khi trút hơi thở cuối cùng để khỏi tốn cơm…
Cũng có nhiều đêm anh không ngủ được vì phải nghe, phải thấy, phải biết những chuyện đau lòng. Chuyện đau lòng với người ở trại như anh không đáng nói, xảy ra thường như cơm bữa thôi, nhiều như lá rừng rậm mùa Xuân. Phải chấp nhận. Đó là cái giá phải trả cho lý tưởng đấu tranh. Đó là hình phạt đối với phần tử yêu nước thương nòi theo cách thế nhân bản không theo đường lối kéo bè kéo cánh tham nhũng thối nát. Từng vào sanh ra tử, từng đối đầu với gian nguy nhọc nhằn, Thanh không sợ cực nhọc, cũng không đau lòng cho chính bản thân và bạn bè cùng số phận. Bọn anh từng tranh đấu hào hùng tiêu diệt những tên xâm lược bây giờ sa cơ anh phải cam chịu hành hạ mà thôi. Đó là luật chơi “luật của kẻ thua người thắng”. Anh chỉ đau lòng khi chứng kiến những khổ đau của người thân thuộc. Mỗi lần như vậy anh ứa nước mắt và trằn trọc suốt đêm.
Tiếng cựa mình của người bạn nằm kế bên kéo Thanh về thực tế. Cũng có người ngủ không được sao! Anh nằm im lặng nghe. Định bụng sẽ cố gắng vỗ giấc ngủ. Bỗng người bạn hỏi nhỏ:
- Thanh, Thanh đã ngủ chưa?
Thanh đáp thật khẽ, hơi chỉ thoát ra cổ họng, nhưng không thành tiếng. Luật lệ ở đây cấm nói chuyện nửa khuya.
- Chưa, không hiểu tại sao không ngủ được.
- Đã an ủi Nghĩa chưa?
- Đã! Mình giải thích tường tận rồi. Bất cứ người đàn bà yêu chồng nào đều có thể gặp hoàn cảnh tương tợ. Lỗi không ở chị ấy. Lỗi ở chúng nó, lỗi ở hoàn cảnh. Anh biết đó, chúng ta ở đây chịu cực khổ. Cố gắng sống sót là nhờ vào một vài điểm tựa tinh thần. Nghĩa nó thấy việc nầy như một sự phản bội lớn không thể nào chấp nhận được. Anh em mình phải dành thì giờ giải thích khuyên lơn nó kẻo nó xuống tinh thần làm bậy thì…-
Thanh không nói hết. Tánh Nghĩa nóng nảy và bộc trực. Nghĩa có thể làm những việc mà ít người dám làm. Hậu quả không thể nào đoán trước được.
Im một lúc Thanh hỏi:
- Hồi chiều Nghĩa có nói gì không?
Người bạn chồm vào tai Thanh thì thào: “Vượt trại.”
Thanh thở dài:
- Cũng phải, nhưng phải hiểu rõ nó muốn làm gì…
**
Đứng trong hàng Thanh nôn nao nhìn đám đàn bà già trẻ tay xách nách mang, mắt dáo dác tìm người thân. Hôm nay anh hy vọng Hồng cũng có mặt. Lúc ra đi, Hồng đã an ủi nhiều rằng nàng sẽ gắng quán xuyến cửa nhà đợi anh về, rằng khoảng thời gian độ một tháng vắng anh tuy dài đối với một người vợ nhưng rồi cũng sẽ qua, lúc đó vợ chồng sẽ bắt tay vào cuộc đời mới, trong một khung cảnh thanh bình, vợ chồng gần gũi.
Giờ đây đã một năm qua, một năm với hai lần thăm nuôi, mỗi lần gặp nhau nửa tiếng đủ để nắm tay, khóc ấm ức, than thở rồi thì một người nức nở nhìn theo, một người lủi thủi vào hàng tiếp tục cuộc sống tủi hờn.
Tiếng tên cảnh vệ gọi đến tên Thanh. Phản ứng tự nhiên anh buột miệng “Dạ có em” rồi bước ra khỏi hàng đến đứng bên cạnh tên nầy. Hắn nhìn anh từ đầu đến chân một cách hách dịch để chứng tỏ uy quyền. Cách nhìn của hắn như một kẻ cả đối với đứa đàn em ngu xuẩn để tìm xem nó có sai lầm gì không. Anh như cảm thấy mình có tội. Một năm qua, mặc dầu trong lòng mọi người đều ghét bọn này, nhưng phản ứng tự nhiên của người yếu, trước kẻ địch có súng ống đã khiến bọn anh có những cử chỉ khép nép, một thái độ sợ sệt mà nhiều khi nhớ lại Thanh và các bạn lấy làm bực tức với chính mình.
Anh nhìn xuống bụng mình. Bộ quần áo tươm tất nhất đã được mặc theo theo chỉ thị từ trên xuống mấy ngày trước. Cũng đã tắm rửa sạch sẽ từ hôm qua, cũng đã sửa soạn bộ mặt tươi tỉnh nhứt. Hết rồi, chỉ có bấy nhiêu thôi, còn gì nữa đâu để bày hàng hòng lấp che tính chất dã man của chế độ! Mà dầu có che giấu đến đâu đám đàn bà kia cũng sẽ qua sự sai biệt của hình vóc của người thân mình trước đây và bây giờ mà đoán biết được người chồng, người con, người cha mình đã chịu đựng những cực hình nào trong những tháng ngày gọi là học tập.
“Đứng thẳng lên! Chỉ có nửa giờ thôi đấy! Nhớ nhé! Không được trao đổi thư từ. Không được mất lập trường. Phải giữ tác phong cách mạng, Bác Hồ có dạy…”
Thanh như mỉm cười. Nụ cười bề ngoài cố cho tên nầy biết rằng anh hiểu và nhất trí nhưng bên trong anh cho đó là một loại khôi hài cù không cười.
Ai chẳng thấy hắn nhìn đám đàn bà của những người trong tay hắn với cặp mắt thèm muốn, lấm lét? Tác phong cách mạng gì mà như muốn nuốt chửng những hình ảnh đang diễn ra trước thị giác hắn?
Anh cố không nghe ý nghĩa của những lời hắn nói. Anh lơ đãng để trí tiếp thu nội dung những âm thanh đáng bực mình đó. Anh chỉ dạ dạ khi thấy hắn lên giọng hay xuống giọng thôi. Đến chừng nghe hắn ra lệnh đi anh như thoát nợ, cười chào rồi đi thẳng ra con đường hẹp giữa hai hàng rào dẫn đến đám người thăm nuôi đang đứng lố nhố dõi mắt kiếm tìm.
Còn đang dáo dác tìm Hồng thì Thanh thấy Nghĩa, người bạn thân cùng đội mặt mầy buồn thiu đang tất ta tất tưởi lách đám đông ngược chiều đi trở về trại. Ngạc nhiên anh chận Nghĩa lại:
- Sao chưa gì hết anh đã vô rồi? Còn đồ tiếp tế đâu? Bộ không gặp chị ấy hả?
Nghĩa không trả lời, anh lắc đầu chỉ về phía những người đàn bà đang chỉ chỏ. Mắt Nghĩa đỏ và đầy vẻ u uẩn.
Thanh nhìn ngang. Một người đàn bà còn trẻ, quần áo tương đối lành lặn nhưng rất xốc xếch, đầu tóc rối bung, nước mắt ràn rụa, sâu thẳm, một tay xách hai giỏ thực phẩm, một tay cầm cái nón lá đương lách đám đông đi vội vàng về phía hai người. Nghĩa nói mau:
- Anh ra đi, tôi thấy chị ngoài đó, chị đang chờ anh đó. Tôi vô.
Rồi đi thẳng.
Tiếng người đàn bà kêu trong nghẹn ngào:
- Anh Nghĩa! Anh Nghĩa! Cho em nói! Cho em nói!
Nghĩa không quay lại, anh đi mau vào cổng chia cách trại và chỗ thăm nuôi. Tên cảnh vệ nhìn anh ngạc nhiên nhưng không nói gì. Dáng Nghĩa vội vã và quyết liệt. Anh xâm xâm vào văn phòng T 4.
Thanh chưa biết tính sao thì người thiếu phụ đã chận anh lại năn nỉ:
- Xin anh kêu anh Nghĩa ra cho em nói chuyện. Em là vợ anh ấy.
Thanh chối từ:
- Tôi đi vô thì không trở ra được. Đâu chị thử xin nó coi.
Anh liếc mắt chỉ về tên cảnh vệ gác cổng, người thiếu phụ tất tả chạy đến chỗ tên này. Thanh ngó theo. Tiếng hai người đối đáp với nhau, Thanh không nghe rõ nhưng Thanh cũng đoán biết được đó là những lời năn nỉ đẫm lệ của người thiếu phụ đáng thương và sự từ chối chai đá của một con người không còn tình cảm, sự thương xót đã vắng mất từ lâu trong tâm hồn. Thanh thấy dường như có gì bất ổn xảy ra cho gia đình Nghĩa. Lúc này chưa biết bất ổn đó là gì vì đầu óc anh còn bị chi phối về việc tìm Hồng, Nhưng anh thấy sự nao nức gặp Hồng đã vơi đi. Anh chầm chậm tiến ra phía trước, đầu óc lung tung vì nhiều ý nghĩ. Cả sáu tháng trường vợ chồng mới gặp nhau sao Nghĩa lại bỏ vô. Sao vợ nó có vẻ hớt hơ hớt hải như vậy?
Tiếng Hồng kêu mừng rỡ bên tai anh:
- Anh Thanh, em đây nè!
Thanh quay lại, một chút ngỡ ngàng chen lẫn với hoài nghi chạy lẹ vào óc anh. Hồng đây sao? Hay là chị Hai của Hồng? Hồng sao mà già quá vậy, đen đúa, má hóp, khi cười để lộ nhiều nếp nhăn quanh miệng và những dấu chân chim ấn sâu trên khóe mắt. Hồng đó, hình ảnh tươi mát ngày xưa đã mất, chỉ còn phảng phất trong nụ cười. Thanh chớp chớp mắt và lắc đầu để giữ lại những giọt nước mắt sắp trào ra vì thương cảm, nhưng không thể; hai giọt nước mắt sống vẫn ứa ra. Anh đã hiểu, sự chờ mong, nỗi nhọc nhằn đã để lại những thành tích tai hại lên khuôn mặt người vợ trẻ của anh.
Tiếng Hồng vui:
- Em cứ tưởng còn lâu mới tới tên anh chớ! Em chờ hơn một tiếng đồng hồ rồi, người học tập đông quá anh hé! Chắc tới hai ngàn người chớ ít sao!
Thanh đưa tay xách giỏ tiếp tế giùm vợ:
- Mình xích ra ngoài kia nói chuyện đi em!
Đám đông bỗng láo nháo, có tiếng khóc như cha mẹ chết của một giọng đàn bà. Thanh quay lại. Người vợ của Nghĩa đang nằm lăn dưới đất bù lu, bù loa:
- Anh ơi tội em lớn lắm! Nhưng mà em đâu có ý xấu. Tất cả là vì anh, cho anh. Anh ơi, hãy tội nghiệp em! Em đâu có muốn như vậy!
Thanh chau mày, một cục gì đó bỗng nhiên chận ngang ngực anh. Nỗi vui mừng được gặp vợ giờ đây tan biến hẳn. Chân Thanh yếu như cọng bún, hình như hết chống đỡ nổi thân mình anh, Thanh nửa muốn bỏ đi, nửa muốn quay lại hỏi chuyện. Dầu sao Nghĩa và anh cũng là đôi bạn thân. Có gì thì mình an ủi, giúp đỡ…
Tiếng Hồng bên tai giọng thực tế của đàn bà:
- Đi anh, chuyện chị đó tội nghiệp lắm, nhưng mà mình không giúp được gì đâu!
**
Lúc Hồng bước lên xe đò thì chỗ bên cạnh đã có một thiếu phụ trạc tuổi nàng ngồi rồi. Hồng liếc mắt về phía người bạn đồng hành. Chị này sao mặt mầy có vẻ lo âu và buồn bã một cách lạ thường. Không để ý đến hoạt cảnh chung quanh, mặt cúi xuống, hai tay luôn luôn vân vê vành nón lá đặt trên đùi. Dưới chân nàng cũng hai giỏ xách có vẻ như đồ tiếp tế cho người đi học tập. Hồng hiểu đây cũng là một người đồng cảnh nên muốn làm quen để quên đoạn đường dài, nhưng ngặt người đàn bà này có vẻ gì xuất thần nên đành ngồi yên. Xe đến ngã ba vào Tòa Thánh, nhiều người xuống. Hồng quên bẵng người bạn đồng hành yên lặng của mình, lo tìm xe lam để đi lần về trại Trảng Lớn. Xe đầy, người thiếu phụ ban nãy đứng gần xe ý như muốn xin đi. Bất nhẫn Hồng nhích vô trong một chút và nói:
- Chị lên đi.
Rồi nàng như nói với mọi người trên xe:
- Mình ngồi chật chật chút xíu nhe bà con cô bác. Để chị này đi xe sau thì có khi trễ giờ hết thăm nuôi được, tội nghiệp!
Rồi bằng một giọng thật vui, Hồng nói lớn để lung lạc người tài xế:
- Với lại để bác tài kiếm thêm một chút đỉnh nuôi con!
Người thiếu phụ nhìn Hồng tỏ dấu cám ơn nhưng không nói gì. Nàng lên xe ngồi vào chỗ trống ít oi Hồng đã nhường và cố gắng nhích mình tìm thêm một khoảng không gian vừa đủ. Đôi mắt nàng vẫn buồn bã, lo âu.
Hai người như quen nhau từ đó. Xe chạy trên con đường đá lổm chổm, bụi đỏ bay mịt mù. Thỉnh thoảng xe xụp những lỗ gà làm mọi người nhăn mặt. Nhưng rồi mọi người cũng đến bến! Bến đây là đoạn cuối của con đường mà xe lam không thể đi được nữa. Cả bọn phải đi bộ. Đường dài và mệt, Hồng áy náy hỏi thiếu phụ:
- Bộ anh mới bị bắt đây hả chị?
Bây giờ mới nghe người bạn đồng hành của nàng mở miệng:
- Đâu có, lâu rồi, cả năm nay lận, một lượt với tất các các sĩ quan khác.
Hồng nhíu mầy, nàng nói trong trí: “Cả năm sao mà…”. Nàng liếc về bụng của người bạn gái mới quen. Thiếu phụ hiểu ý. Sự lo âu càng lộ trên khuôn mặt bất thần: Bộ dòm thấy rõ lắm sao chị?
Hồng cố gắng an ủi để người đối thoại vững bụng:
- Đàn bà thời biết, chớ đàn ông chắc họ không biết đâu.
Rồi nói lảng sang chuyện khác:
- Cha, phải họ chạy thêm một đỗi nữa thì đỡ mình chị hả, đi mỏi cẳng quá!
Thiếu phụ vẫn thắc mắc:
- Mới dòm sơ qua biết không chị?
- Hơi lớn đó, chị phải cẩn thận.
Người đàn bà bỗng bật khóc. Nàng đứng khựng lại, để hai giỏ xách xuống nức nở:
- Em nhớ ảnh quá nên phải đi thăm. Em biết nếu ảnh hay chuyện này thì ảnh buồn lắm, ảnh có thể nổi điên lên!
Ngưng một lúc thiếu phụ thở dài:
- Mà không đi thăm thì tội ảnh!
Rồi nàng tiếp tục như để trút bớt tâm sự vốn từ lâu chết giấu trong lòng.
- Cả tháng nay khi thấy giấy phép cho đi thăm nuôi em tính hoài mà hổng biết làm sao. Nó nói, nó chỉ cần làm giấy chứng nhận ảnh học tập tốt, biết hối cải, rồi đưa bạn nó đề nghị thả ảnh về thì ảnh được về. Em nghĩ thôi “cho” nó để cứu ảnh. Quý thì quý thiệt đó, nhưng không bằng sanh mạng của chồng mình. Mình chịu nhục một chút mà cứu được chồng. Ai dè! Sáu tháng nay chưa thấy gì! Em gặp nó trong lần về chuyến đi thăm trước. Bây giờ em không biết tính sao. Chắc em chết quá!
Mắt Hồng cay xè. Kết quả của một sự nhẹ dạ và một sự lợi dụng bỉ ổi! Chuyện rất dễ xảy ra, mà biết đâu mình gặp trường hợp đó mình cũng bị như vậy thôi! Không cho sợ nó ám hại chồng mình, cho thì quá bẽ bàng! Chuyện của một người không quen mà mình sao thấy đau đau trong tim.
**
Đêm nay, Thanh khó ngủ. Hồi chiều Nghĩa nói nội tuần này Nghĩa sẽ vượt trại. “Tôi không thể ở đây lâu. Tôi phải ra để an ủi vợ tôi. Chậm ngày nào tôi lo ngày ấy, nó ngu lắm. Chờ được gởi thơ đến nơi biết đâu nó tự tử chết rồi. Tôi phải ra để nó yên lòng là tôi không giận. Rồi tôi đi, tôi trả thù, thù riêng và thù chung. Trả thù sự đày ải của chúng mình, trả thù sự lường gạt ép bức tất cả người dân chúng ta. Nếu không liên lạc được anh em tôi sẽ làm theo cách riêng. Tôi còn đồ chơi giấu ở chỗ bí mật trước ngày rã ngũ. Chuyện vợ tôi chỉ là một cái cớ cho tôi quyết định hành động sớm hơn thôi. Tôi tức sao nó không chịu nhìn thấy bài học. Lời hứa của bọn này luôn luôn bay theo gió. Không thể tin chúng được. Tại sao vợ tôi lại chấp nhận một sự đổi chác mà nó biết chắc rằng là tôi không bao giờ chịu? Danh dự của tụi mình đâu? Mình thà chết chớ không thể để vợ con trao đổi thiệt thòi nhiều như vậy. Mà nó lại lường gạt nữa! Tôi phải ra. Tôi ra để chứng tỏ tôi muốn hành động và tôi chấp nhận mọi hậu quả”.
Trước sự quyết tâm của bạn, Thanh không biết nói sao. Anh chỉ lung lạc Nghĩa về phương diện hiểm nguy của hành động để bảo Nghĩa chờ lúc thiệt thuận tiện. Nghĩa có nghe nhưng qua ánh mắt Nghĩa, Thanh thấy đó chỉ là một sự nể vì. Thanh nói thầm “Nó cả quyết quá”…
“Thôi, để rồi mình nói nữa. Lâu lâu dần dần nó sẽ thấm…”
Đêm cuối tháng, trời tối như bưng. Vách lá tuy rải rác vài chỗ hở nhưng ánh sáng không rọi vào vì không có ánh trăng. Thanh nghĩ vẩn vơ, Nghĩa nói sẽ vượt trại tuần này. Nếu nó làm đêm nay thì tuyệt quá: “Trời tối om. Nhưng vái trời nó bỏ lỡ cơ hội để mình có dịp thuyết phục nó. Chưa điều nghiên, chưa biết bên kia hàng rào là gì. Xóm bên cạnh người ta có can đảm bao che sĩ quan vượt trại không? Nó mà làm ẩu thì nguy quá!”
Chó sủa văng vẳng trong xóm đêm. Chó sủa hơi nhiều… Thanh chìm vào giấc ngủ mơ màng… Thanh chợp mắt được một lúc thì chợt giật mình tỉnh giấc vì tiếng tu- huýt như thét lên bên tai cùng với tiếng ồn ào của các bạn cùng trại. Thanh chồm dậy, xếp lại tấm nylon. Các bạn xì xào: “Không biết chuyện gì mà tụi cảnh vệ đánh thức mình dậy lúc nầy? Trời còn tối quá. Đâu mới hai giờ sáng. Chắc lại di chuyển sang trại khác”.
Một luồng hơi lạnh chạy trong xương sống Thanh. Có chuyện bất tường. Mỗi lần di chuyển trại là một lần cực nhọc và hao hụt một số bạn bè. Rồi phải thích nghi với đời sống mới sau một thời gian cực nhoc, san cỏ, cắt tranh, chặt tre đắp nền, dựng nhà, đào cầu. Mỗi lần ra đi là mỗi lần vào sâu hơn trong rừng, mỗi bước đi là mỗi tách rời với người thân bên ngoài.
Mà sao bọn cảnh vệ nhiều như vậy? Lại có súng ống và lựu đạn nữa. Đứa nào đứa nấy mặt mầy hung dữ lầm lầm lì lì. Chuyện gì đây? Hay là nó đem một ít bọn mình đi xử bắn? Bao nhiêu câu hỏi không lời giải đáp bay nhảy trong đầu óc Thanh. Hai tay anh em dọn dẹp cho mau, gói lại quần áo, xếp đặt gọn ghẽ những thứ cần dùng nhưng mắt láo liên nhìn ra bên ngoài. Người bạn làm tổ trưởng bước vào nghiêm trọng nhìn khắp mọi người rồi hối thúc.
- Anh em lẹ lẹ lên rồi tập họp ở sân học tập.
Một người bạn không dằn được thắc mắc:
- Chuyện gì đó, anh biết không?
- Không biết rõ, nhưng chắc quan trọng lắm. Chắc chuyện gì đó liên quan tới trại.
Thanh bỗng dáo dác tìm Nghĩa. Tiếng chó đêm qua, lời xác quyết của Nghĩa, đêm tối trời, sáng hôm nay Nghĩa vắng mặt. Tất cả đủ để đặt một phương trình rõ ràng. Anh hớt hải hỏi vội tới anh tổ trưởng:
- Đầu kia, anh em thức hết chưa?
- Ai mà không thức cha!
- Anh có thấy Nghĩa đằng đó không?
- Tôi không để ý. Nhưng nếu không có, chắc nó đi tiểu, đi tiêu gì đó.
Anh tổ trưởng bỏ đi.
Thanh cố nhón gót ngó về chỗ Nghĩa nằm. Chiếc chiếu rách của nó vẫn còn ở đó. Gói đồ vẫn còn trên chỗ đầu nằm. Nó đi đâu vậy cà? Đi đâu thì đi cũng phải xếp đồ đạc lại cho gọn ghẽ kẻo không thôi bọn quản giáo vào ngó thấy thì lôi thôi.
Một hồi còi nữa ré lên. Tiếp theo là tiếng tên cán bộ trên liên đoàn mà Thanh phân biệt được dễ dàng qua giọng nói:
- Đồng chí cho chúng khẩn trương lên. Tôi phải tìm đồng bọn của nó nữa. Bọn này chắc là cấu kết nhiều tên chớ không phải một mình bản thân nó đâu!
Thanh ngồi chết điếng. Anh không nhìn ai hết. Anh lắng nghe tên thủ trưởng L1 để biết sự tình như thế nào và cố đoán chừng chúng sẽ có biện pháp gì với Nghĩa.
“Tên Nghĩa đã phạm tội rất lớn với nhân dân. Xin lỗi anh em tôi phải gọi bằng tên Nghĩa vì hắn không còn xứng đáng để ta tôn trọng. Hắn đã cấu kết với bọn phản động để vượt trại. May mà nhân dân đã phát hiện cộng tác với bộ đội để bắt hắn lại… Hắn không chịu sự giáo huấn khoan hồng của Đảng! Hắn không nhìn thấy sự sai lầm của hắn trước đây. Hắn không chịu thấy nợ máu với nhân dân và cách mạng mà hắn đã phạm phải trong thời gian phục vụ cho Mỹ Ngụy. Đảng và nhân dân nuôi cơm cho hắn ở đây để hắn học tập và suy nghĩ để trở nên người công dân tốt của một nước thuộc XHCN. Hắn không biết đó là một hy sinh của nhân dân cho hắn. Trái lại…”
Thanh không muốn nghe thêm. Nhàm chán và trơ trẽn. Mỗi bên đều có những lập luận và lý do riêng. Cái khác là bên các anh đã cưỡng đoạt bên tôi phải nghe theo lập luận của các anh. Với súng đạn và quyền hành anh cố bắt tụi tôi thành những con cừu. Ai không muốn biến thành cừu sẽ trở thành phản động, có tội với nhân dân. Thôi im đi, giải quyết gì thì giải quyết lẹ lên.
Nghĩa bị bắt buộc đứng kế bên tên này. Hai tay anh bị trói quặt ra sau. Đầu tóc rối bù, mặt mầy sưng húp, và nhiều chỗ bầm tím. Chỗ hai đầu gối rách bươm và máu vẫn còn theo đường cắt chảy chầm chậm xuống chân. Nghĩa không tỏ vẻ gì sợ hãi. Dường như anh đang mỉm cười. Cái cười chịu đựng và thỏa mãn.
**
Sau một tuần bị nhốt “cô-nếch” với quả mìn chống chiến xa cùm vào chân mà mỗi khi di chuyển, Nghĩa đều phải ôm theo; hôm nay, Nghĩa được giải quyết số phận mình. Anh em cả trại Trảng Lớn chỉ có 5 người được đi chứng kiến. Thanh không hiểu sao mình có trong đó.
Ra đến cuối phi đạo, chỗ làm pháp trường Thanh đã thấy lợm giọng. Bọn cán bộ, quản giáo, cảnh vệ đều đã có mặt hầu hết, vợ con của chúng cũng tề tựu đông đủ và đương chỉ chỏ bàn tán. Họ nói cười vui vẻ như đương được xem một màn xiệc đặc biệt. Cái chết của một người để làm trò mua vui cho một số người. Thanh nuốt nước miếng khô. Anh và các bạn được lịnh phải đứng ở hàng sau cùng, sao cho tù tội không nhìn thấy!
Nghĩa chưa có mặt ở cây cột pháp trường mà hàng lính hành quyết đã dàn hàng chữ nhứt và sẵn sàng súng ống. Tên Thượng úy dẫn Nghĩa ra, hai tay anh vẫn bị trói quặp sau lưng. Hôm nay, Nghĩa đã được bận bộ đồ tây. Áo sơ mi trắng tay dài, quần tergal Anh, bộ quần áo anh bận ngày trình diện trước đây, Nghĩa nói nhỏ với tên thượng úy trong khi vẫn tiến về cây trụ. Tên này nhăn mặt nhưng cũng gật đầu. Nghĩa được dựa lưng vô cột. Tên thượng úy rút trong túi ra một sợi dây luột dài nhưng hắn vẫn cầm ở tay chứ chưa cột Nghĩa liền. Nghĩa bỗng nói lớn:
- Xin các anh cho tôi nói.
Mọi người im phăng phắc. Tên thượng úy bây giờ mới lên tiếng:
- Anh nói mau lên, đây là đặc ân lần cuối. Mong anh trước khi đền tội đừng gây thêm tội nữa!
Thanh âm của tên này, Thanh nghe như có vẻ xúc động. Hắn nói giọng Nam của một người ở miệt đồng bằng Cửu Long. Chắc chắn thuộc thành phần MTGPMN hay là người tập kết gì đó. Nếu hắn thuộc bộ đội Bắc Việt thì đã không cho phép tử tội nói.
Nghĩa hỏi:
- Tôi tội gì?
- Anh vượt trại và hành hung cán bộ.
- Vượt trại và hành hung cán bộ đâu đủ để lãnh án tử hình. Ai xử án. Tôi có ra tòa bao giờ đâu. Ai kết án tôi?
- Nhân dân và luật lệ của Đảng và Nhà Nước.
- Đây là trại học tập. Tôi không muốn học tập thì bỏ tù tôi sao lại xử tôi?
Tên thượng úy kiên nhẫn đáp:
- Trại học tập nhưng có luật lệ của trại. Anh hành hung bộ đội là anh đã chống lại chế độ. Anh đáng nhận lãnh bản án.
- Tôi đánh cán bộ vì cán bộ đánh tôi sau khi tôi đã chịu để bị bắt. Tôi đánh cán bộ chớ có đánh chế độ đâu. Cán bộ không là chế độ. Cán bộ là người, chế độ là chánh sách, là định chế. Không thể đồng hóa người với chánh sách.
- Anh nói xong chưa, để chúng tôi làm phận sự. Anh nên biết dầu anh nói gì đi nữa cũng không thể thay đổi gì được, quyết định đã ra, chúng ta chỉ có thi hành thôi.
Nghĩa cay đắng:
- Thôi tôi hiểu rồi, anh cũng chỉ là một thứ thiên lôi, anh không giải quyết gì được. Nhưng tôi muốn nói rằng vượt trại học tập không đáng để lãnh án tử hình, trừ phi đây là một trại tù binh. Chỉ tù binh vượt trại mới bị tử hình mà thôi. Xin anh đề nghị họ sửa lại rằng đây là một trại tù binh. Bọn Duẩn Đồng đừng xí gạt người ngoài bằng danh từ nữa…
Một báng súng AK quạt vào quai hàm Nghĩa. Đầu anh bật ra sau, tai tay bị trói làm anh mất thăng bằng và quỵ xuống. Mọi người nín thở chờ đợi chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo đó. Nhưng tên thượng úy lại đứng yên. Thanh ngoài nầy biết chúng chưa giết Nghĩa vội vì chưa cột Nghĩa vô cột. Nghĩa lạng quạng sửa lại thế quỳ; bỗng anh xụp lạy hai lạy về phía Nam, phía Núi Bà Đen và nói lớn:
- Xin Mẹ tha tội bất hiếu cho con. Xin em tha tội cho anh. Xin Tổ Quốc tha tội cho đứa con bất lực.
Anh đứng dậy, mắt ráo hoảnh:
- Tôi sẵn sàng, xin các anh làm phận sự. Nhưng các anh nên biết rằng tôi không cần phải nói nữa chớ không phải tôi đuối lý hoặc ngán súng đạn của các anh. Anh nên biết quân nhân của QLVNCH không hèn đâu!
Thanh đưa tay quệt mắt. Anh đã hiểu. Nghĩa đã tính sẵn hết. Thoát, anh hành động, không thoát anh đem chính sự sống của mình chứng tỏ rằng đây không phải là trại học tập, không có gì liên quan đến học hành hết. Đây là một trại tù binh rõ rệt. Chiến tranh đã hết trên quy mô quy ước nhưng chiến tranh vẫn còn tiếp diễn theo một hình thức khác. Sự có mặt của chúng ta trong các trại học tập kiểu này thể hiện một trong những bộ mặt mới của chiến tranh.
Mắt Thanh mờ đi qua những giọt nước mắt lưng tròng. Bóng Nghĩa nhòe nhoẹt trước cột trụ. Tiếng lạch cạch lên cò của tiểu đội hành quyết không làm Thanh đau lòng nữa. Anh đã trui lòng mình khi tìm ra ý nghĩa cái chết mà Nghĩa phải chịu. Một tràng súng nổ dài. Mơ hồ Thanh nghe tiếng” VIỆT NAM CỘNG HÒA MUÔN NĂM” và tiếng cười mãn nguyện. Thanh nhắm mắt lại. Cái chết của mầy không vô ích đâu, Nghĩa ơi. Nó rất cần thiết đó. Nó mở đường cho tao và nhiều người khác nữa. Nó góp phần đánh đổ một huyền thoại, nó lật tung lên sự che đậy bỉ ổi của một chế độ không lương tâm, dối trá qua những danh từ. Mầy yên lòng yên nghỉ đi, Nghĩa ơi!
Nguyễn Văn Sâm
(Để nhớ tuần lễ Lao Động Xã Hội ở Củ Chi, 1976
Riêng nhớ về hương hồn bạn Trần Quang Huy.
Trích lại trong tạp chí Việt Nam Hải Ngoại với vài chỉnh sửa nho nhỏ. NVS)



Có khi biển lặng

Nguyễn Văn Sâm


Biển Ba Động (Trà Vinh)

Sáng sớm tàu qua khỏi chòi đáy cửa Ba Động hướng về phía Đông. Cả ngày lênh đênh trên biển nhắm hướng mặt trời. Biển láng trơn như tờ giấy trải trên bàn. Lấp lánh ánh nắng càng lúc càng dịu lần, rọi một lằn đỏ lợt lăn tăn chạy song song với con tàu, xuất phát ra từ mặt trời vàng ối núp nửa mình dưới đường giao tiếp giữa không gian và mặt nước. Ngoài xa kia minh mông một màu xanh lờ lợ đẹp vô song. Thỉnh thoảng từng đàn cá nhám lội đua, phô bày những cái lưng gù, cong quá độ. Ngó chúng phóng nhảy bơi đua, cả bọn ai nấy đều không nháy mắt, tưởng chừng như nắm bắt được sự thảnh thơi của đàn cá mà dân đất liền không dễ gì có dịp thưởng thức. Tiếng máy tàu xình xịch trầm trầm vẫn hồn nhiên phát ra âm thanh cố hữu của mấy ngày ru đoàn người vô giấc ngủ vật vờ.
Khi tàu quay mũi về hướng Nam chừng một giờ đồng hồ thì chỉ còn bốn người, không say sóng, tương đối khỏe, trụ trên nóc tàu, thưởng thức cảnh hoàng hôn.
Rốc, trẻ nhứt bọn, đương nằm, tay lót dưới ót làm gối, hơi ngóc đầu dậy, nói chõ vô ba người ngồi.
- Người ta đi biển sóng gió, mưa bão, hải tặc, đói khát; tàu mình đi như ngao du. Thiệt là may vô cùng. Bữa nay là mùng bảy Tết coi như còn Tết, mình đặt tên cho buổi chiều đẹp hôm nay là "Biển Xuân Bình Yên"  để sau nầy nhớ lại nha anh em?
Ông Cường, bạn già ngồi bên tay trái của Thãnh điều chỉnh:
- Không phải chiều nay thôi mà là nguyên cuộc hải trình nầy là Biển Xuân Bình Yên. Biển Xuân Bình Yên đã hỗ trợ cho tàu Trà Vinh chúng mình và những con tàu khác đương linh đinh những ngày gần đây.
Thãnh quay qua khều vai người bạn ngồi bên mặt:
- Xuân bình yên thì có nhạc, quý bạn đương thưởng thức nhạc của máy Kobuta 4 blốc đầu bạc. Trầm hùng hết biết thấy không! Đây là tiếng nhạc tiễn đưa, cùng một điệu đó nhưng tàu có phước thì được tiễn vô đất hứa, đất tự do. Còn tàu vô phước…
Già Cường, hích nhẹ vô vai Thãnh:
- Phủi, phủi, ông nội ơi đừng nói gở! Ai có mặt trên tàu cho tới giờ nầy đều có phước hết. Bao nhiêu người mất tiền mà lỡ chuyến, biết bao người bị bắt lại mất hết tiền bạc còn bị vô tù. Chúng ta sắp tới nơi rồi chẳng phải có phước là gì?-
Thãnh gật gật đầu chấp nhận sự phát biểu của người đồng hành nhưng anh vẫn tiếp tục miên man với ý nghĩ mình:
- Có phước chăng, anh chàng ba hoa tuyên bố với bạn mới thân rằng tao tới Mỹ được thì thằng chủ tàu đừng hòng lấy được thêm một cắc, thiếu mấy lượng hả, tin đi, ngu sao trả, nó chủ tàu lời biết mấy! Có phước chăng, thằng cha xồn xồn lợi dụng đêm tối mò con nít? Có phước chăng người nào đó trên tàu lượm được vàng của bạn đồng hành yểm luôn khiến họ khóc sưng mắt? Có phước chăng cái gia đình giàu kia, ỷ đi đông người chi tiền nhiều luôn luôn càu nhàu là tàu xui vì cho đàn bà - mang mển-  theo khiến cho có người bốn mắt trên tàu? Có phước chăng mấy cha còn mạnh mẽ mà hễ cần tát nước thì làm bộ say sóng nằm vật vờ như gà mắc toi.
Đức, anh chàng ngồi bên mặt triết lý:
- Sống chết cả tàu là do cộng nghiệp tất cả người trên tàu, không phải phước hay hung của một vài lời nói. Cộng nghiệp tức là tổng số phước trừ đi tổng số hung của từng người trên tàu. Trừ qua trừ lại còn nhiều phước thì cả đoàn thoát, còn nhiều hung thì họa tới cho cả đoàn…
Lại cái hít vai lần nữa của già Cường, lần nầy mạnh hơn khiến Thãnh như muốn ngã chúi:
- Phủi, phủi nữa. Cứ nói gở. Anh Đức không nói hết câu đâu ai nói anh không thông minh đâu.
Lại cái ông già mê tín tin nhảm. Còn cái ông trời Đức nữa, từ cõi trên xuống trần không bằng! Nắm bắt nguyên lý của vũ trụ cộng cộng trừ trừ phước phước họa họa. Làm như thiên nhiên có cái máy tính nhiệm mầu ghi lại mọi chuyện lớn nhỏ của cả chục tỷ người trên trái đất. Tuy nghĩ vậy nhưng Thãnh và cả bọn không ai phản đối. Cữ kiêng cũng là lo lắng cho toàn thể trên tàu thôi. Tội gì chống chế cho mích lòng mích bề.
Thãnh nhích ra mé ngoài rìa mui tàu, bỏ chưn xuống đong đưa để nhận được vài giọt nước từ dưới bắn lên mát mát thoải mái. Anh ngó ra trước mũi tàu, nó xé nước thấy thương luôn. Ngọt sớt. Tội nghiệp nó coi dềnh dàng vậy nhưng cốt không phải tàu đi biển mà chỉ là một chiếc ghe cui, chở hàng đi sông được cơi mui đóng ván thành ghe lồng nhưng ghe vẫn huờn là ghe. Gắn máy bự chạy ngon lành vậy thì kêu là tàu nhưng be ghe đi sông đâu có cao hơn mặt nước bao nhiêu như be tàu đi biển. Tất cả phó thác cho Trời Phật thôi. Cũng gần tháng Ba rồi. Tháng Ba biển lặng bà già đi biển. Anh ngó theo đàn cá phóng đua ngoài xa, tránh ý nghĩ bi quan chợt xuất hiện trong đầu, chậm rãi thọc tay vô túi quần lấy bao thuốc móc hai điếu cong queo ẩm ẩm trao cho hai người ngồi kế, chuyển đề:
- Rốc không hút thuốc khỏi mời! Tức quá bên phe mình hùng dũng, nhân bản, khôn ngoan, cái gì cũng hay ho vậy mà thua tụi nó, một bọn chuyên môn bắt chước bọn Tàu phù dơ dáy…
Không ai góp ý, chuyện quá hiển nhiên. Im lặng. Thời gian trôi qua chừng 5, 7 phút. Biển sóng lăn tăn, vũ trụ như ngủ gục, chỉ có tiếng máy tàu, tiếng gió thổi lướt nhẹ vô mang tai và tiếng ngáy đều của anh chàng Rốc đương êm đềm bước vô giấc ngủ.
Vò vò điếu thuốc trên tay cho ngay ngắn, Thãnh tiếp:
- Nầy nha: Tân nhạc của Ngụy mình thì hay không chỗ chê. Tân cổ giao duyên mới nổi lên chưa bao lâu nhưng cũng hết xẩy con cào cào. Nhạc của họ hả? The thé điệu nhạc Tàu, văn chương thì toàn là xúi trẻ con nhảy vô lửa, giả tạo tới láo lếu… đọc không vô. Tiểu thuyết của mình thì mở rộng về mọi phía cạnh của đời sống, không sắt máu là điều rất đáng ngưỡng mộ lại còn tự do đưa ra những khía cạnh bất toàn của xã hội. Hay biết là bao nhiêu! Đọc Bếp Lửa của Thanh Tâm Tuyền hả, mỗi hàng làm cho mình khôn ra mỗi hàng. Đọc truyện của lính trận miền xa như Y Uyên, Trần Hoài Thư… hả, thấy biểu lộ rõ ràng ruột gan thầm kín nhưng họ vẫn để bổn phận lên trên. Có ai chỉ đạo bày mưu độc xử gì đâu…
Mùi cơm chín bay thoát ra từ cửa sổ tàu quẹt vô mũi bốn người. Anh thanh niên Rốc mới nghe ngáy đó đã lẹ làng ngồi dậy lên tiếng:
- Phải xuống phụ anh chị Sáu dọn cơm ăn. Cơm trắng với xì dầu sống qua ngày nhưng mà vui đáo để… Mấy ông nói chuyện trời ơi đất hỡi gì đâu không, nghe nhức óc quá tui chẳng hiểu mô tê gì hết. Thực tế đi mấy ông! Sống qua con trăng nầy rồi tính sau, nói chuyện xưa chi cho mệt. Xuống ăn một lượt cho vui!
Ba người đều lắc đầu một lượt.
Đức bỗng nhiên nổi hứng, nói hơi lớn tiếng:
- Hồi ở nhà tôi dự định là nếu có dịp ra ngoài thì tìm cách qua Mỹ ám sát ông Thiệu để trừ cái tội ra lịnh rút quân mà không chuẩn bị làm mất nước vậy mà còn cuỗm theo 16 tấn vàng để hưởng một mình.
Không khí trở nên nặng nề mặc dầu lúc nầy gió đổi chiều thổi phần phật vô mặt mọi người. Già Cường quay qua Thãnh chép miệng rồi chậm rãi nói từng câu như muốn điều mình sẽ nói được nghe cẩn thận:
- Cũng không biết nói sao về chuyện quân sự vì tôi là dân civil, nhưng là phụ tá hành chánh cho ông Uyển tôi biết cho tới hết hai tuần đầu tháng 5 thì vàng vẫn còn trong kho. Muốn mở kho vàng phải cần ba chìa khóa mà ba ông lớn đó có bao giờ có mặt đủ đâu. Triệu tập báo trước 2, 3 ngày còn chưa chắc đã được. Nghe đâu như ông tổng giám đốc Ngân Khố mấy bữa chót không ai thấy ông ta.
- Ông Uyển là ai?
- L. Qu. Uyển, thống đốc Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam, học bên Tây về, có vợ đầm.
Thãnh và Đức đều lõ mắt ngó người nói chuyện với mình.
- Chuyện mở kho nếu có thì tôi sẽ biết trước hơn ai hết. Già Cường nuốt nước miếng lấy hơi, tiếp.
- An ninh toàn thể khu ngân hàng, nhứt là bên ngoài hầm vàng là nhiệm vụ tổng quát của tôi. Lấy vàng chuyển đi làm sao tôi không biết chớ. Tụi nó lấy sau nầy đó, có thể là cuối tháng 5, lúc đó thì tôi đã bị cho ngồi chơi sơi nước rồi. Họ phóng tin đồn để trút tội cho người khác. Cái đòn bá đạo đó coi vậy mà có kết quả.
- Thù hằn làm mình nặng nề tâm lực.
Đức nói sau khi rít một hơi thuốc dài rồi búng mạnh tàn xuống biển như liệng đi sự hằn học từ lâu chất chứa trong lòng. Những tia lửa nhỏ nhoi bị trùng dương nuốt chửng không để lại dấu vết.
- Bao nhiên năm nay tôi thù truyện mất tư cách đó của ông tổng thống nhà mình nên lòng không lúc nào thấy nhẹ nhàng. Bây giờ nghe anh Cường nói cảm tưởng như mình lật được trái núi Thái Sơn xuống khỏi trái tim. Tôi lên tàu với lòng nung nấu căm hờn kẻ làm mất tương lai của mấy chục triệu người thế hệ chúng mình… Và biết bao lớp con cháu nối tiếp sau đó… Bây giờ thì…"  
Người nói chép miệng mỉm cười như chữa thẹn.
- Tôi đã liệng cái lòng hận thù trật chìa đó xuống biển cho trôi theo sóng rồi. Để thần cá trùng dương xử lý. Tôi lờ mờ hiểu rằng bạn cũng như thù, vì quyền lợi, họ phóng ra nhiều độc chiêu mình không tưởng tượng được và dễ dàng mắc bẫy…

"Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi, Đường trường mịt mùng em không đến nơi.Mây nước buồn cơn lửa binh, hết chuyện chung tình,Khóc than riêng em một mình… Trời ơi, bởi sa cơ chiến trường thọ tiễn nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu… Hà..."
Tiếng Hà xuống hò ư ư ngọt lịm như giọng Út Trà Ôn phát ra giữa biển minh mông, làm nổi gai ốc người thưởng thức. Cả ba người quay mặt về sau khi những câu nói lối vừa cất lên, tới khi tiếng hát quê hương quyện trong bầu trời thì họ đẩy thực tế qua một bên để sống với thế giới ảo Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà của Giọt Máu Chung Tình.
Thì ra nãy giờ anh chàng Rốc ngồi dậy rồi nhưng chưa chịu xuống ăn cơm, lặng lẽ hóng chuyện, đợi tới lúc cao điểm của câu chuyện mới cất tiếng ca hóa giải.
Già Cường bỗng nhiên hào hứng chỉ ra xa, chỗ năm bảy con chuồn chuồn quần quần bay lấy nước:
- Mình sắp khỏe rồi nha anh em. Gần tới đất liền nên mới có chuồn chuồn ra biển. Loại nầy không bay được xa, chừng vài chục hải lý là cùng, tàu mình chạy chừng 6, 7 giờ là tới nơi…
Mọi người đều phấn khởi đổi lại thế ngồi ngó ra chung quanh tàu, nhưng tiếng bi quan của Đức làm không khí trở lại bình thường ngay:
- Cái khó là không biết mấy trự nầy từ hướng nào tới, thôi thì cứ nhắm hướng Nam như lâu nay cho chắc ăn. May ra chừng giữa khuya thì tới đảo. Tha hồ mà hít thở không khí tự do.
Tiếng tới đảo và tự do như nước cam lồ rót vô cổ họng mọi người. Họ vui lên trông thấy…
Vài giọt mưa lác đác rơi, tạt vô mặt mọi người, kéo theo từng cơn gió mạnh lắc lư con tàu và những thùng nước bất tận bắt đầu đổ xuống từ trời cao. Lục đục chui vô khoang. Tiếng càu nhàu nho nhỏ của ai đó:
- Ông Trời thiệt kỳ cục, mưa mà không báo trước gì hết, làm mình loi nhoi như chuột mắc lũ.
Thãnh đặt chưn lên bệ cửa sổ, đu mình vô trong, cười thầm. Trời báo trước chứ sao không. Chuồn chuồn bơi thấp thì mưa ông bà mình nói có sai đâu. Thôi thì có nước ngọt dự trữ cũng yên chí nếu đi lạc đường.
Mưa càng lúc càng mạnh, bầu trời đen tối, màu âm u của đêm và của cơn mưa lớn hòa hợp với sóng dữ thét gào. Tàu chòng chành đánh thức tới những đứa nhỏ vốn mê ngủ nhứt. Tiếng lườn tàu từng hồi đập lên nước sau khi được nâng lên kêu răng rắc ai cũng rùng mình liên tưởng tới tình trạng bi đát có thể xảy ra.
Giọng già Cường lầm thầm cầu xin:
- Vái cho cộng nghiệp của tàu lớn. Vái cho trên tàu không có thằng nào đâm cha giết chú, bán nước buôn dân. Nguyện cầu Phật Bà Quan Âm cứu khổ cứu nạn. Cầu Chúa Kitô thương tình chúng con…
Thãng nhắm mắt suy nghĩ tới điều xui nhứt xảy ra cho con tàu. Cái thằng Rốc chết bầm miệng nói đặt tên buổi chiều nay là Biển Xuân Bình Yên mà nó lên giọng như câu hỏi khiến cho có điềm chẳng lành. Lại còn ca bài ca chết chóc "đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu Hà… à…". Anh nhắm mắt ôn lại những kỷ niệm xa xưa trong quá khứ đời mình, những mối tình đẹp còn vương vấn trong trí thấy vui đời khi nhớ về, vài ba mối tình một chiều thoáng qua không để lại nhiều dấu vết.

Gió vẫn rít răng. Mưa vẫn phong ba. Trời vẫn tối đen. Âm thanh va chạm tàn bạo của lườn tàu lên sóng nước vẫn tiếp tục từng cơn như báo hiệu Tử Thần đương đứng chực đâu đây đợi chờ thời điểm. Tiếng khóc của đám nít nhỏ trong khoang tối biểu lộ nỗi hãi hùng càng lúc càng nhiều hòa với tiếng sóng gió thành giai điệu đặc trưng của chết chóc. Giọng ù ơ vỗ về trấn an của những bà mẹ nghe rụt rè bi thiết của thất vọng chán chường.
Trong bối cảnh đó Thãnh chìm vô giấc ngủ. Mệt nhọc.
Alexandria, LA, Nov. 22-30-2017
(Kỷ niệm hai chuyến hải trình lén lút 78, 79)
Nguyễn Văn Sâm

 

Đăng ngày 03 tháng 03.2021