Print

vlx

 

 

   Vũ Lưu Xuân

 

Tấm lòng và “Bàn tay”

Đây không phải là một bài phóng sự - cần khoa học và khách quan, nhưng lạnh lùng – Đây chỉ là ghi nhận đôi điều đã thấy và đã cảm, nhân có cơ may tiếp xúc với “Gia đình Đức Ái, cơ sở 2”, của cô Lê Thị Kính.

“Có bệnh thì vái tứ phương”. Và quả thật chúng tôi đã “vái tứ phương”, tìm “chỗ nương thân lúc cuối đời” cho một người bạn học, gặp nhau đúng năm chục năm về trước. Bạn chúng tôi, tín hữu Tin Lành sùng đạo, tuổi cổ lai hy + 3, sống độc thân, không nhà cửa, không thu nhập (nghỉ dạy từ 1979). Đúng là vái tứ phương: trước hết nhờ một Mục sư Tin Lành, không được, vì Giáo hội Tin Lành Sài Gòn chưa có cơ sở nuôi người già (trừ một cơ sở người Hoa, Chợ Lớn). Thứ hai, nhờ các Nữ tu Nữ tử Bác ái cầu Bình Lợi, không được, vì đương sự không đủ điều kiện (còn một người cháu). Thứ ba, cầu viện cha Khi, giáo xứ Tân Thông, Củ Chi, không được, dù cơ sở rất quy mô, bề thế, nhưng hết chỗ (đã nuôi 76 cụ), hiện có 5 cụ đã xác minh, nhưng vẫn phải chờ.

bantayCuối cùng cơ may đưa đẩy, nhờ cha Khi giới thiệu, chúng tôi tới với cô Kính, người sáng lập một cơ sở ở vùng heo hút: Ấp Đức Hạnh II, Đức Lập hạ - Đức Hòa – Long An. Khi gần tới nơi, thấy cảnh vắng lặng, bạn chúng tôi nằng nặc đòi về, lấy cớ xa xôi quá (xa nhà thờ Tin Lành Sài Gòn). Năn nỉ mãi chị mới chịu vào. Sau khi thấy “phần ruột” của trung tâm, và trò chuyện với cô Kính, chị vui lòng ở lại. Chị nói riêng: “cô Kính là người chân tình”. Bạn tôi kê khai đủ thứ bệnh: đau tim nặng, áp huyết, tiểu đường, dẫn tới chân tay yếu, đi lại khó khăn, lại có triệu chứng ung thư tử cung. Cô Kính mặt nghiêm: “Mệt đấy, nhưng không sao”. “Không sao”, tốt rồi, cô sẽ gánh cho, nhưng “mệt đấy”, thưa cô.

Mái ấm hiện có 13 cụ (hai lão ông), là một cơ sở hoàn toàn miễn phí ăn ở, thuốc men. Cô Kính chỉ yêu cầu, để lo hậu sự, nếu có xin góp 5 triệu đồng, vì có lúc năm cụ lần lượt ra đi, cô xoay xở không kịp. Cô Kính hiện còn cơ sở 1 ở quận 8, chính thức mua đất, lập cách đây 13 năm. Nghe nói cô đã bán nhà để mua miếng đất lập “Gia đình Camillo” quận 8, “lượm” các cụ bệnhbantay hoạn, cùng khổ về nuôi. Khi gặp trục trặc, cô lại mua miếng đất 750 m2 ở Đức Hòa, lập cơ sở 2. Cô tâm sự, muốn “ở với các cụ cho vui lúc tuổi già”, câu nói thật đơn giản, thốt ra từ cửa miệng của một người coi việc thiện như bổn phận của mình, đặc biệt bổn phận một tín hữu, luôn đặt niềm tin ở Chúa. Một mình cô lo hai cơ sở, “thân này ví xẻ làm hai được”, và cô đã xẻ, nửa tuần ở quận 8, và nửa tuần về Đức Hòa. Có lẽ vì vậy, cơ sở được tổ chức theo lối tự quản, cụ khỏe giúp cụ yếu, tạo không khí hòa thuận, ấm áp như một gia đình, có một “cụ” 57 tuổi, lúc vào đủ thứ bệnh, tiểu đường, ghẻ lở, èo uột, nay khỏe mạnh, hồng hào, cụ giống như quản gia, như cánh tay mặt của cô Kính. “Phần ruột” cơ sở gồm: một phòng cầu nguyện, có thánh lễ thứ bảy, một phòng sinh hoạt, có tivi, một phòng ăn, một nhà bếp, một dãy nhà vệ sinh và 5 phòng ngủ, rộng, có cửa sổ lớn, mỗi phòng kê bốn giường, với đầy đủ chăn, gối, mùng, màn. Cảm giác đầu tiên là thoáng mát, gọn và rất sạch. Hàng tháng, có bác sĩ thuộc Quân y viện Củ Chi tới khám bệnh, phát thuốc. Vậy là phần hồn, phần xác, cô đều lo cả.

Một điều có thể coi là may mắn, chiều chủ nhật ngày 15/9, nhân dịp ghé mái ấm, người viết có cơ hội gặp gỡ nhóm Công tác xã hội “Bàn tay ấm”, với khoảng hai chục thanh niên, trên dưới hai mươi, cùng lắm là ba mươi, tức là còn rất trẻ. Nên gọi các bantaycháu là gì nhỉ, xin tạm gọi đơn giản là những người trẻ “có lòng”, thứ phẩm chất rất hiếm, đôi khi bị coi là xa xỉ, giữa lúc một số không nhỏ thanh niên, thật buồn, hoặc thực dụng và vị kỷ, chỉ có thể thành công chứ không thể thành nhân, hoặc nhắm mắt, hùa nhau tung hô những thần tượng đất sét nửa vời, để biến mình thành kẻ chung thân vị thành niên. Các bạn trẻ “Bàn tay ấm” chạy xe gắn máy từ Sài Gòn, khoảng trên bốn chục cây số, tới vùng heo hút để tổ chức “tiền Trung thu” giúp vui cho các cụ, có lồng đèn, có ăn uống, có ca hát, có trò chơi, đạm bạc đó, nhưng lòng thì lớn và đầy. Một cô bé nói với người viết “cháu mới tham gia lần đầu, nhưng rất vui”. Này cháu, hình như niềm vui đến từ một việc làm cảm thấy có ích và thiết thực? Và niềm vui hiện lên trong những ánh mắt, những nụ cười.

Nghe nói đúng đêm trung thu, còn một đoàn thanh niên khác, tới tổ chức vui chơi cho các cụ và khoảng năm chục cháu bé, dân địa phương, các bé “trước khi cô (cô Kính) đến, chúng cháu chưa biết trung thu là gì”.

Ai – Sartre – nói “tha nhân là địa ngục”. Ai – Nietzche – nói “người là lang sói của người”, riêng tôi vẫn nghĩ: người là điểm tựa để chúng ta gượng dậy, tiếp tục cuộc hành trình, cho dù biết là rất gian nan và đắng cay. May quá, nhờ điểm tựa ấy, chúng ta không đến nỗi tuyệt vọng trong nỗi cô đơn. Tấm lòng của cô Kính, và “Bàn tay” của các cháu đủ mang lại đôi chút ấm áp cho cuộc đời vốn rất lạnh. Tiếc rằng trong xã hội này, trên đất nước này, cô Kính và các cháu còn hiếm quá, giá mà…

 

Vũ Lưu Xuân

(Cựu SV ĐHSPSG, ban Việt Hán, 1964-1968)

 

 

 

 a