Print

Chữ nghĩa làng văn

01 tháng 11.2016

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.


Bắn sẻ
Do chữ “xạ tước”, nghĩa là bắn…con chim sẻ.
Do tích Đậu Nghi vẽ con chim sẻ trên tấm bình phong và hứa ai bắn được trúng chim sẻ gả con gái cho. Lý Uyên, tức vua Đường Cao Tổ sau này, bắn trúng và…được vợ.
Cung oán ngâm khúc có câu “Làng cung kiếm rấp ranh bắn sẻ - Khách công hầu ngấp nghé mong sao”.
Sau này người ta dùng chữ “bắn sẻ” để nói việc…kén rể.
Người trong nước “bắn sẻ” là…bắn tỉa (cho chết luôn).

Khem
Khem ; kiêng cữ
(ăn khem)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Văn mình vợ người
Tố Mai kể rằng nhà thơ Hà Thượng Nhân viết bài khen bài Bát Phở Đầu Đời của Nguyễn Tử Đóa như sau: “Chỉ với bài thơ nhỏ tôi dám nghĩ rằng Nguyễn Tử Đóa có cái phong cách của Bạch Cư Dị lẫn Đỗ Phủ. Bạch trong sáng và Đỗ thẳm sâu”.
Nghe đã thấy mê ly ngây ngất chưa?
Trong Đêm Giữa Ban Ngày, Vũ Thư Hiên kể Kim Lân có một truyện ngắn nhan đề Thằng Câm và so sánh Kim Lân với văn hào Nga Tourgueniev cho rằng nhà văn Nga này khó vượt nổi được Kim Lân. Nếu không lầm thì hình như Kim Lân chỉ có một tác phẩm khá là Vợ Nhặt. Bây giờ mới thấy Vũ Thư Hiên ca tụng Kim Lân với truyện Thằng Câm viết…nhưng chưa bao giờ đăng báo, còn ở trong vòng bí mật.
Khi viết lời giới thiệu cho tập truyện mới xuất bản, Trần Bích San cũng liên hệ tới nhà văn Nga Chekhov và viết: “…Anton Chekhov để lại cho nhân loại những truyện ngắn hoàn hảo đến độ một ngự sử văn học danh tiếng Tây phương cho là không ai có thể thay đổi một chữ, dù chỉ một chữ thôi, trong các đoản thiên của ông…”.
Thói quen dẫn chứng quá nhiều bằng văn học ngoại quốc, vọng ngoại, ít tự tin vào văn tài của mình, mà thích dựa vào bóng một cây cổ thụ sẵn. Khi không muốn dẫn chứng bằng văn phẩm ngoại quốc để so sánh, lại chủ quan thổi phồng giá trị tác phẩm.
(Đặng Trần Huân – Cũng đủ lãng quên đời)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Tình trong như đã mặt ngoài còn lâu.
Vừa quen nhau đã ôm nhau làm bừa.

Âm và ý
Ông Ðàm Quang Hậu đã chú ý đến khả năng gợi tả của các âm trong Việt ngữ. Tóe, xòe, loe, toe, toét, loét, khoe...:
Âm oe đọc lên gợi ra hình ảnh một cái gì mở rộng. Eo, teo, quắt queo, cheo leo, lèo khèo v.v.: Âm eo diễn tả cái gì thắt lại. Khi đọc âm ong thì môi phải cong miệng phải phồng; nên tiếng quả bóng, cái lọng, cái nong, chiếc vòng v.v. đều ngụ ý cong và phồng.
Khi đọc âm oi thì phải hắt hơi ra; cho nên các tiếng thòi (ra), lòi (ra), cái ngòi, cái vòi, nhoi (lên) v.v... đều ngụ ý ngoi ra.
Các tiếng quát, quạt, quất, quật, quăng, quẳng v.v... đều hàm ý cứng cỏi, không phải là không liên quan với phụ âm nổ qu.
Các tiếng mềm mại, mịn, mượt, mướt, mơn mởn, mỡ v.v... đều hàm ý mềm, không phải là không liên hệ với phụ âm lỏng m.
(Võ Phiến - Chúng ta qua tiếng nói)

Càn khôn
Càn: trời. Khôn: đất. Nghĩa trời đất.
Thơ Nguyễn Đình Chiểu:
“Làm người trung nghĩa đáng bia son – Đứng giữa càn khôn tiếng chẳng mòn”.

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Theo tự điển tiếng Viêt ở Hà Nội (Văn Tân Nguyễn văn Đạm):
Liệt: là nói

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Năm 1954 hai vợ chồng tôi cùng hai đứa con gái đầu lòng và cô em gái – năm người cả thảy – ra phi trường di cư vô Nam. Danh từ thời thượng mệnh danh là Bắc Cờ Năm Mươi Tư
Thuở đó tôi còn là sinh viên, gặp Trần Thanh Hiệp, sinh viên Luật Khoa, chúng tôi bèn thành lập đoàn thể Đoàn Sinh Viên Hà Nội Di Cư (ĐSVHNDC), Trần Thanh Hiệp đứng ra làm chủ tịch. Để giới thiệu ĐSVHNDC nhân dịp chào mừng mùa Xuân năm đó, chúng tôi cho in tập Xuân Chuyển Hướng. Tôi còn nhớ trước 1954 - thuở còn ở ngoài Bắc – tôi sớm có khuynh hướng viết văn, hoàn tất được một truyện ngắn đầu tay dưới dạng một truyện cổ tích mang tên là “Sợ Lửa”. Di cư vô Nam năm 1954, may sao tôi có mang theo bản thảo Sợ Lửa và cho đăng vào tập Xuân Chuyển Hướng này! Thế là như lửa gặp gió, tôi tiếp tục . . . tiếp tục sang tác để chính thức đi vào nghiệp cầm bút của nhà văn bên cạnh sự nghiệp cầm phấn của nhà giáo sau này. Sau tập Xuân Chuyển Hướng tôi đứng ra làm chủ nhiệm tờ tuần báo Người Việt nhưng cũng chỉ được vài số là đình bản. Sau đó gặp thêm Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, hai họa sĩ Duy Thanh và Ngọc Dũng nữa, thế là chúng tôi xúm lại chủ trương nguyệt san SÁNG TẠO – vào năm 1956 thì phải, nếu tôi nhớ không lầm! Toà soạn Sáng Tạo ở đường Ký Con. Truyện dài đầu tay Dòng Sông Định Mệnh của tôi đăng trên Sáng Tạo trước khi in thành sách. Sáng Tạo ra được tới số 30 hay 31 thì đình bản. Các văn hữu từ đó vẫn gọi nhóm chúng tôi – Mai Thảo - Nguyễn Sỹ Tế - Ngọc Dũng – Duy Thanh là nhóm Sáng Tạo – Tòa soạn ở đường Ký Con!
(Nhìn lại một thời – Doãn Quốc Sỹ)

Kheo khảy
Kheo khảy: thanh cảnh, mỏng manh
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)
Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Lễ vấn danh
"Lễ vấn danh" là lễ nhà trai đến nhà gái để hỏi tên tuổi cô gái, ngày nay gọi là lễ "Chạm ngõ" hay là lễ "Dạm" (có nơi kiêm cả lễ dạm và hỏi cùng một lúc gọi là lễ dạm hỏi). Truyện Kiều có câu "Tiện đưa canh thiếp trước cầm làm ghi". "Canh thiếp" là giấy ghi họ tên, tuổi, quê quán, con ai.
Trước 1945, ở nhà quê, con gái từ khi sinh đến khi lấy chồng vẫn chưa đặt tên, nếu như gia đình không cho con gái đi học. Con gái không cần vào sổ họ, sổ làng, không đi học nên cũng không cần dặt tên vội. ở trong nhà con gái mới sinh ra được gọi là con Hĩm, con Mực, con Chắt em... Đến làm lễ vấn danh, ông bác hoặc bố mới đặt cho cái tên để ghi trong giấy hôn thú, có khi chính người mang tên cũng không biết mình mang tên gì trong giấy hôn thú, vì khi về nhà chồng lại gọi theo tên chồng, khi có con gọi theo tên con, có cháu đích tôn gọi theo tên cháu. Lễ vấn danh không phải để hỏi tên mà chủ yếu là hỏi tuổi, để hai họ quyết định đôi nam nữ hợp tuổi nhau thì lấy được nhau, tuổi xung khắc thì thôi.
Trong hôn nhân xưa chỉ chú trọng có môn đăng hộ đối hay không, có hợp tuổi hay không, gia đình nào thận trọng mới tìm hiểu kỹ "Công, dung, ngôn, hạnh" (thường là các gia đình gia giáo). Chẳng những các chàng trai, trước khi cưới chưa biết mặt vợ, mà có những ông bố chồng là người chủ động đi hỏi dâu cũng không biết mặt con dâu, do đó trong gia đình sau này mới xảy ra nhiều chuyện oái oăm:
- "Cảm ơn ông bà thương đến, tôi xin đồng ý gả, nhưng xin thưa chuyện trước: con tôi mồm mép chẳng bằng ai!"
Tưởng như vậy là mình tìm được con dâu hiền hậu, không đanh đá chua ngoa, ai ngờ cưới về mới biết con dâu sứt môi!. Nhưng đã nhỡ việc, biết tính sao?
Lại có trường hợp đánh tráo: Khi đi hỏi thì cho thằng em nhanh nhẹn và "sạch mặt" hơn đóng vai chàng rể, đến khi cưới thì lại cưới cho thằng anh đần độn, xấu xí.

Giai thoại làng văn
Một lần tôi đến thăm Nguyên Hồng. Không thể tưởng tượng được nhà ở của một cán bộ giảng dạy đại học mà lại khốn khổ đến thế. Như một cái lều vịt, dựng trên một bãi rác, sau lưng là một dãy nhà xí, cái nào cũng mất cửa.
Nguyên Hồng đang ngồi uống rượu. ông nhắm rượu với một đĩa rau củ cải luộc (ngọn rau, lá rau chứ không phải củ cải). Vậy mà ông cũng nhắm nháp ra vẻ đắc ý lắm. Nguyễn Đình Thi còn nói với tôi, có lần còn bắt gặp ông nhắm rượu với cơm nguội. Ấy là cái hồi ông phụ trách trại bồi dưỡng nhà văn trẻ ở Quảng Bá. Ông dặn mọi người, sau 10 giờ tối, ông đóng cửa phòng, làm việc riêng, không tiếp khách. Hôm ấy, Nguyễn Đình Thi có việc gì đó khẩn cấp cần gặp ông. Anh đẩy cửa phòng Nguyên Hồng sau 10 giờ tối, thấy ông đang nhắm rượu với cơm nguội.
Nguyễn Đình Thi cười: “Đấy, nhà văn Việt Nam ăn chơi thế đấy!”
(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Những sai lầm trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân
Ba đào 波濤
Soạn giả giải thích: ba = sóng; đào = dậy sóng; và, ba đào = chìm nổi gian truân. Theo chữ Hán, ba 波 là sóng (nghĩa là mặt nước bồng bềnh nhấp nhô), đào 濤 là sóng lớn (danh từ) chứ không phải là dậy sóng (động từ). Ba đào nghĩa là sóng nước, chỉ cảnh chìm nổi lên xuống trong cuộc đời. Ðã soạn từ điển thì phải tra cứu thật cẩn thận rồi mới nên viết ra, vì từ điển là sách tra cứu cho mọi người, góp phần đào tạo con em chúng ta “nên người”.
(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Tôi cũng thường đọc trên đài một Thư Hà Nội gửi nhà văn Quan Sơn ở Sài Gòn. Chẳng mấy ai biết bút hiệu ấy của Doãn Quốc Sỹ ngày trước trên tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Năm. Doãn Quốc Sỹ người Cầu Giấy, gần làng tôi. Chúng tôi quen nhau khi mới cầm bút. Một trong những truyện ngắn đầu tiên của Doãn Quốc Sỹ, Đôi mắt của Hiền, cô Hiền ấy, con gái bác Tú Mỡ. Bức thư tình đăng báo mà rồi nên nhân duyên. Doãn Quốc Sỹ theo nhà vợ tản cư ra Bắc Giang ít lâu rồi vào Hà Nội, rồi di cư vào Nam. Báo chí và các nhà xuất bản ở Sài Gòn in sáng tác của Doãn Quốc Sỹ, lại biết Sỹ dạy học ở Hà Tiên, được tu nghiệp ở Mỹ mấy năm. Chẳng biết cách mạng có nợ tiền, nợ máu gì với cái gia đình công chức còm ở một làng làm nghề dệt nghề giấy ngoại ô này không, tôi tin là không, thế mà Doãn Quốc Sỹ viết chửi cộng sản hăng thế. Chắc chẳng khi nào Doãn Quốc Sỹ nghe bài của tôi để biết đến những tiếng nói cùng quê của anh.
(Doãn Quốc Sỹ như tôi biết – Tô Hoài)
Thành ngữ và danh ngôn
Cha ông xưa đúc kết được kinh nghiệm sống và truyền khẩu cho đời con cháu mai sau qua ca dao và thành ngữ...Nay con cháu mai sau đời sau chế tác "lung tung, trống kèn" những thành ngữ, danh ngôn cho riêng họ :
• Không phải người đàn bà nào cũng đẹp và không phải người đẹp nào cũng là đàn bà.

• Không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ...không đẹp.
• Bạn đừng bao giờ nên tán tỉnh 1 người phụ nữ đang....đi với chồng cô ta
• Nếu bạn mặc quần áo ra đường mà bị chê xấu thì tốt nhất bạn không nên mặc quần áo nữa.

Trích…“Tập làm văn”
Đề: Tả anh bộ đội
Anh bộ đội cao khoảng 1,20m, súng AK dài 1m rưỡi.

Chữ Việt gốc Tầu
Có thể nói đa số những chữ trong tiếng Việt là tiếng Hán Việt. Hiện nay cho đến đầu thế kỷ 21, trong bộ môn nghiên cứu và biên khảo, tiếng Hán Việt chiếm 30%, truyện 9%, và báo chí 29%...
Còn chữ Việt gốc Tầu (hay tiếng Việt gốc Tầu) là những chữ, những âm mà ta dùng thẳng từ của người Tầu hiện tại và dùng âm của mẫu tự quốc ngữ viết lại (có khi hơi nói trại đi một chút vì không có chữ tương đương). Và khi ta nói lên tiếng đó, người Tầu “liên hệ” có thể hiểu được.
Thí dụ hai chữ xíu mại là chữ Việt gốc Tầu Quảng Đông.
Nhưng xí lắt léo là chữ Việt gốc Tầu. Chữ nguyên thủy Hán Việt là “tử liêu”. Tiếng Triều Châu có nghĩa là…”chết”.
Ta đọc trại đi là…xí lắt léo.
(Nguyễn Hữu Phước – đặc san Phù Sa Sông Cửu)
úp ngoại tôi hàn gắn được những vết nức nẻ để ngày hôm nay

Cá mè đè cá chép
Trong tiếng Việt, bên cạnh những câu tục ngữ chỉ có một nghĩa là nghĩa đen (Ví dụ: Trời nắng, cỏ gà trắng thì mưa) hoặc nghĩa bóng (Ví dụ: Gió Sơn Tây trúc cây Hà Nội) là những câu có hai nghĩa, tức cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Như:
Nghĩa đen: Cá mè ăn nổi ở tầng trên, cá chép sống ở tầng giữa.
Nghĩa bóng: - Cùng họ hàng, đồng loại mà đè nén, chèn ép nhau.
(Phan Trọng Hoa - Tính nhiều nghĩa hay đa nghĩa của tục ngữ)

Lão bạng sanh châu
Bạng: con trai. Châu: ngọc.
Ý già (như ngao, trai) rồi mà vẫn còn có con.

Nhà Nho
Năm Ất Mão (1075), Lý Nhân Tông (Càn Đức) mở khoa thi tuyển “Minh kinh bác học” - Bắt đầu khảo thí học trò bằng ba kỳ thi. Trước đó, khi chưa có khoa cử, những người được cất nhắc, bổ dụng ra làm quan đều phải tiến thân bằng con đường Phật giáo. Đây là khoa thi đầu tiên trong lịch sử khoa cử nước ta.
Đỗ đầu khoa đó (trong số hơn 10 người trúng tuyển) là Lê Văn Thịnh người xã Đông Cứu, huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh. Sau khi đỗ, ông được vào cung hầu vua (lúc đó mới 7 tuổi) học tập. Hơn một năm sau – Tháng Chạp năm Bính Thìn (1076) - Từ chức Nội cấp sự, ông được phong làm Binh bộ thị lang. Trong cuộc đời 21 năm làm quan dưới triều Lý Nhân Tông, Lê Văn Thịnh đã có một đóng góp to lớn trong lịch sử bang giao. Đó là lần ông được cử đi sứ sang nhà Tống vào tháng 6 năm Giáp Tý (1084) để bàn định về việc cương giới.
(Phùng Thành Chủng - Người khai khoa nền khoa cử nước ta)

Chữ nghĩa làng văn
Trước kia có giai thoại học trò xứ Quảng ra Huế thi mang theo con “cá gỗ” để chấm với nước mắm ăn cơm.
Sau người miền Nam có thành ngữ “Bắc Kỳ ăn cá cá rô cây” chỉ người miền Bắc nghèo nàn cũng chấm với nước mắm ăn cơm.
Từ con “cá gỗ” để có “cá rô…cây”?

Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao
Từ điển thuật ngữ văn học gọi chơi chữ là "lộng ngữ" và giải thích: người sáng tác sử dụng những chỗ giống nhau về ngữ âm, ngữ nghĩa, văn tự, văn cảnh tạo ra sự bất ngờ thú vị trong cách hiểu, trong dòng liên tưởng của người, người nghe. Các hình thức của lộng ngữ rất phong phú, trong đó có:nói lái, dùng từ đồng âm hoặc gần âm, dùng từ gần nghĩa, tách một từ thành các từ khác nhau. Nhiều khi cách chơi chữ đồng âm này tránh được cái tục, một sự nói tránh hết sức tinh tế:
Sáng trăng em nghĩ tối trời
Em ngồi em để sự đời em ra
Sự đời em bằng lá đa
Đen như mõm chó chém cha sự đời
Cái sự đời mà câu ca dao đề cập bằng việc dùng nghĩa lấp lửng nước đôi như trên chắc chắn rằng ai cũng biết đó là cái gì rồi!
(Trần Minh Thương - Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao Việt Nam)

Chữ nghĩa làng văn
Lỗ Ban, còn gọi là “cung ban” là thợ mộc danh tiếng người nước Lỗ thời Xuân Thu, sau được tồn làm tổ nghề mộc.
Tương truyền khi làm nhà cho ai, Lỗ Ban thường dán bùa trừ tà cho gia chủ hay ngược lại, ếm nhà gia chủ cho điên đảo sau này.
Bùa ấy gọi là bùa Lỗ Ban.
(Bút Chì – Hiểu đúng thành ngữ, tục ngữ, điển tích)

Chữ và nghĩa
Văn học trong nước, chúng ta cũng có thể tìm thấy những kết cấu theo dạng "… như nó đã là." hay "như nó đã từng." để chấm dứt một câu văn. Kết cấu này chính là từ cụm "… as it was."
Hoặc "… as it had ever been.", một đặc điểm trong lối viết của cú pháp Anh, Mỹ. Như trong: "Hãy trả ngôn ngữ về vị trí độc lập như nó đã từng." , hay "Cần phải trả ngôn ngữ về với ngôn ngữ, về đúng vị trí và chức năng của nó, như nó đã từng."
So với kết cấu "được mô tả là" đã nói ở trên, kết cấu này có nhiều phần xa lạ hơn. Hiện tại, nó chưa có nét Việt lắm.
(Bùi Vĩnh Phú – Trên những đường bay của chữ)

Sự phát triển của tiếng Việt
Trong bài Miền Nam Khai Phóng, chúng tôi đã đề cập đến Thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản, cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ cũng như một số khai phá tiên phong về văn học báo chí mở đường cho nền văn học bằng chữ quốc ngữ như ngày nay.
Sau đó chúng tôi khám phá thêm công trình nghiên cứu Lục Châu Học, dựa vào Văn, Sử bằng chữ quốc ngữ xuất bản ở miền Nam Việt Nam 1860-1930, tìm hiểu con người vùng đất mới.
Trong bài này, chúng tôi sẽ giới thiệu cuốn Sấm Truyền Ca, cuốn sử Ðại Nam Việt Quấc Triều Sử Ký và Truyện Ông Gioang Ngô Kim Thạch cũng như một vài khám phá khác về những đóng góp văn học và văn hóa của miền Nam; từ đó chúng tôi sẽ nêu một số ý kiến về sự phát triển của tiếng Việt.
(Nguyễn Vy Khanh - Tiếng Việt một số tác phẩm mới phát hiện)
(còn tiếp)

Đăng ngày 08 tháng 11.2016