Print

Chữ nghĩa làng văn

01 tháng 10.2016

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.


Chữ nghĩa biên khảo
Cái quần, cái váy
Với chữ Hán thì quần chỉ đồ mặc để che phần dưới thân thể của đàn bà Việt Nam ngày xưa, dịch Nôm là cái váy để khỏi nhầm lẫn với cái quần đàn ông.
Điều này đã được tranh dân gian Oger (1909) chứng minh rõ ràng hơn qua một tấm vẽ đàn bà mặc váy. Tranh được ghi chú bằng chữ Hán-Nôm "dã phụ y thử quần, tục danh quần đùm" (váy buộc túm cạp lại gọi là váy đùm). Người đàn bà trong tranh mặc váy, do đó chữ quần (Hán) phải được dịch (Nôm) là váy.
Trong bài “Chỗ lội làng Ngang” Nguyễn Khuyến có nói đến cái quần đàn bà:
Đầu làng Ngang có một chỗ lội
Có đền ông Cuội cao vòi vọi
Đàn bà đến đấy vén quần lên
Chỗ thì đến háng chỗ đến gối
Ông Cuội ngồi trên mỉm mép cười
Cái gì trăng trắng như con cúi
Đàn bà khép nép đứng liền thưa
Con trót hớ hênh ông xá tội ...


cai váyChuyện đàn bà vén quần lên đến háng không thôi mà đã hớ hênh, để lộ cả cái gì trăng trắng như con cúi?. Nghe không thuận tai, vì vậy các nhà quan sát có thẩm quyền kết luận rằng người đàn bà trong câu chuyện mặc váy. Quần hai ống vén đến gối hay đến háng thì vẫn còn kín đáo, chưa để lộ bí mật.
Nguyễn Khuyến đã dùng chữ quần theo nghĩa chữ Hán, để chỉ cái váy của các bà. Hình ảnh vén váy để hở cả cơ đồ còn được thấy qua tấm tranh dân gian Hứng dừa dí dỏm. Qua thí dụ kể trên thì thấy rằng từ thế kỉ 15 (Hồng Đức quốc âm thi tập) đến đầu thế kỉ 20 (Nguyễn Khuyến) chữ quần đã được văn học Việt Nam dùng theo nghĩa của chữ Hán, để chỉ đồ che nửa dưới thân thể. Quần của đàn bà (miền Bắc) Việt Nam ngày xưa là cái váy, chứ chưa phải là cái quần hai ống ngày nay.
Thế nhưng không phải chuyện cái quần hay cái váy mà…“cái cúi” là gì đây? Có người cho là cái cúi là vật dụng của nghề dệt, để cuộn sợi, cuộn chỉ.
Có người lại nghĩ rằng có cúi xuống mới thấy được ấy chứ. Nên gọi là…cái cúi.
Tất cả chỉ vì…cái váy.
(Nguyễn Dư – Chimviet.free.fr)

Tiếng ta tiếng Tầu
Hồi còn nhỏ xuống xóm Bình Khang, nhiều người nói “có kiêng có lành” vì gặp “Quảng ngỡi” thì sui tận mạng hay nghèo lõ đít. Nói cho ngay, oan cho “Quảng Ngãi hay co” cũng như “dữ như sư tử Hà Đông” là chuyện của người Tàu.
Thật ra câu danh ngôn “có kiêng có lành” truyền tử thế tôn ấy có từ đời nhà Chu bên Tầu:
“Âm hộ vô mao bần chí tử”

Làm giàu tiếng Việt
Tôi cũng biết đã là sinh ngữ tất không tránh khỏi vay mượn do "văn hóa giao lưu", huống chi vay mượn để "làm giầu" cho tiếng Việt thì còn đắn đo gì nữa ? Nhưng qua số sách báo tôi được đọc thì hình như câu chuyện không hẳn diễn ra như thế. Lấy một thí dụ : Trên sách báo bây giờ người ta hay ví "giống nhau như hai giọt nước" ("Ils se ressemblent comme deux gouttes d'eau") chứ ít thấy ai ví "giống nhau như đúc", "giống nhau như in, như lột", v..v..Tại sao ta có ít nhất tới ba câu ví mà còn phải "mượn" thêm một câu ví của người Pháp ? Có phải vì nghe nó lạ tai, đỡ nhàm chán ? Song đây chỉ là một vấn đề tương đối. Có thể với một người Việt sống ở Việt-Nam hay xứ khác ngoài Pháp ra thì nghe là lạ, song với những người sống ở Pháp thì thấy rất chán tai, mà lại nghe "giống như lột, như in, như đúc" thích thú hơn nhiều.
Không những thế, những câu "như lột, như in..." bị xếp xó không dùng tới, lâu ngày sẽ bị quên đã đành phận rồi, song những câu "giống như hai giọt nước" dùng mãi tất rồi cũng hóa nhàm, cũng phải theo luật đào thải tự nhiên, liệu khi ấy chúng ta có moi "giống như in, như lột..." ra dùng, hay ta lại thay thế bằng những câu "lạ tai" khác, kiểu "giống nhau như hai hột đậu" ("like two peas") mượn của tiếng Anh hay một câu tuơng tự, mượn của tiếng Ý, tiếng Nga, tiếng Ðức ? Người Việt ngày nay sống ở khắp năm châu, nói thông thạo đủ mọi thứ tiếng, há chỉ vay mượn của Trung quốc, của Pháp, Anh, Mỹ ? Song "vay mượn" là một chuyện mà "làm giầu" cho tiếng Việt lại là một chuyện khác.
Ta vay mượn chữ mới, bỏ xó chữ cổ truyền, là thêm một chữ lại vứt đi một chữ, vẫn chẳng thấy "giầu" hơn. Không "giầu" hơn mà lại "nghèo" đi thì có. Tiếng nói không giống tiền bạc, vật dụng mà sợ càng tiêu, càng sử dụng càng hao mòn, trái lại, những từ ngữ mà ta không dùng nó sẽ biến mất. Những từ ngữ mới vay mượn của ngoại quốc đã không có những nét đặc thù của dân tộc Việt, lại chỉ có một số người hiểu được, như thế thì "đổi mới" là "làm nghèo" chứ không phải là "làm giầu" cho tiếng Việt.
(Nguyễn Thị Chân Quỳnh – Dân “Bách Việt” tiếng “Bách ngữ)

Tâm viên ý mã?
Có người giải thích câu thành ngữ trên là “tâm ý khó câu thúc, không khác gì ngựa và vượn thích chạy nhẩy phóng túng”.
Nhưng “tâm viên ý mã” còn có thể suy diễn là…tâm viên ý mãn.

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Đinh Hùng vì quảng giao, anh em, đệ tử nhiều, vác “bazoka” đi bắn nhiều nơi, nhiều chỗ nên hay bị phú lít hỏi thăm sức khoẻ. Vũ Đức Vinh, Thái Thủy và tôi đã hơn một lần tới các quận Cảnh Sát “lãnh” đàn anh ra. Sau này, có tuổi một chút, anh mới ít đi giang hồ vặt, nằm hít ở nhà. Bàn tĩnh ở giữa, chung quanh là từng chồng sách, báo.
Nhà anh đường Trần Văn Thạch, cạnh chợ Tân Định, trèo một cái cầu thang bằng gạch mới lên tới nơi. Anh càng có tuổi, người càng nhỏ lại. Nhiều khi khó tìm thấy anh trong đống sách, báo càng ngày càng rậm rạp. Vì phải viết nhiều, cho Tao Đàn, cho các báo nên anh vừa nằm vừa viết của anh.
“Bạn hít của anh là ai?” một bữa tôi mới hỏi Thái Thủy. Thư ký của ban Tao Đàn trả lời:
“Tôi nói chuyện này, ông tin hay không tùy ông nhưng đó là chuyện thật. Khi anh Đinh Hùng mất được vài tháng (1967) chị Đinh Hùng mới bảo tôi tới dọn dẹp hộ đống tài liệu, sách báo nơi anh Đinh Hùng thường nằm viết ngày xưa; vất vả lắm mới xong. Khi dọn dẹp, rũ từng chồng sách vở, tôi thấy hằng mấy chục con thạch sùng chết khô từ đó rơi ra.
Đó là những bạn hít không biết nói của đàn anh đấy”…
(Chia tay “Tao Đàn” - Phan Lạc Phúc)

Thành ngữ và danh ngôn
Cha ông xưa đúc kết được kinh nghiệm sống và truyền khẩu cho đời con cháu mai sau qua ca dao và thành ngữ...Nay con cháu mai sau đời sau chế tác "lung tung, trống kèn" những thành ngữ, danh ngôn cho riêng họ:
• Bạn có biết ai mà bạn ghét nhất và căm thù nhất không. Ðó chính là...kẻ thù của bạn.
. Khi bạn gặp con rắn độc hay con gái thì bạn hãy đứng yên để cho nó cắn. Vì đằng nào chạy thì nó cũng.... cắn.
• Vịt là loài có 2 chân, chạy nhanh hơn...rùa, bay cao hơn...chuột, tuy nhiên lại bơi kém...cá.

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Kẻ viết bài này đang phụ trách biên tập cho tờ Tiền Tuyến cơ quan ngôn luận của Quân Lực. Một buổi sáng đầu mùa thu năm 1967, Huy Quang hốt hoảng gọi cho tôi: “Anh Đinh Hùng mất rồi, tôi cho xe sang đón; chúng ta phải tới nhà thương Bình dân ngay”. Chúng tôi tới bệnh viện hồi 10 giờ sáng, cái nắng cuối mùa hè vẫn còn gay gắt. Anh đã được chuyển từ phòng bệnh xuống “nhà xác”. Chúng tôi đang đi bộ tìm đường bỗng nghe một tiếng khóc ré lên: “Chú Vinh ơi, chú Phúc ơi, anh Hùng anh ấy chết rồi”.
Từ một gốc cây, chị Đinh Hùng đầu tóc rối bù, áo quần sốc xếch chạy ra, vừa khóc vừa chỉ tay: ”Anh ấy nằm ở trong kia kìa”. Lại phải đi tìm ông “gác gian” lấy chìa khóa nhà xác. Lúc ấy có một người anh em, cựu thành viên Tao Đàn tìm đến, bạn Thiếu Lang.
Mở cửa bước vào thấy trên một cái bệ xi măng có một “brancard” sắt, trên brancard có thi thể anh Đinh Hùng nằm đấy. Năm xưa ở nhà Phạm Đình Chương anh đã nhỏ bé rồi, bây giờ anh còn ngót lại nhiều hơn nữa, nằm không đầy nửa cái brancard. Thiếu Lang quay sang hỏi chị Đinh Hùng và chúng tôi: “Đã có ai đem tiền đi đường cho anh ấy chưa?” Không ai hiểu câu hỏi của Thiếu Lang. Anh vội nhìn xuống, nhìn vào miệng Đinh Hùng còn mở hé mà nói rằng: “Giúp tôi một tay”. Bằng một chiếc đũa Thiếu Lang cạy miệng người vừa mất để vào ít đồng tiền kẽm mà nói: “Để anh đi đường tới cõi siêu sinh tịnh độ”. Thiếu Lang có mang theo một bó nhang nhưng trên bệ xi măng không có chỗ nào thắp hương cả. Anh nhìn quanh quẩn thấy ở góc phòng có một vỏ chai xá xị; anh liền bật lửa thắp nhang cắm vô vỏ chai xá xị vừa khấn vừa vái: ”Xin anh sống khôn chết thiêng phù hộ cho gia đình, cho anh em, bè bạn”.
Tôi cúi cuống chiếc brancard, như năm trước gỡ một vài ngón tóc vừa xõa xuống mặt anh vừa nói: “Xưa anh ngủ một giấc trưa, bây giờ xin anh ngàn thu an giấc”.
(Chia tay “Tao Đàn” - Phan Lạc Phúc)

Khác thứa
Khác thứa: khách khứa
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền
Âm dương ngũ hanh
Theo thuyết duy vật cổ đại, tất cả mọi vật chất cụ thể được tạo nên trong thế giới này đều do năm yếu tố ban đầu là nước, lửa, đất, cây cỏ và kim loại. Tức năm hành thuỷ, hoả, thổ, mộc, kim. Để giúp các bạn dể nhớ ngũ hành tương sinh và tương khắc, chúng tôi nêu thí dụ mộc mạc đơn giản theo vần thơ như sau:
Ngũ hành sinh: thuộc lẽ thiên nhiên.
Nhờ nước cây xanh mọc lớn lên (thuỷ sinh mộc)
Cây cỏ làm mồi nhen lửa đỏ (mộc sinh hoả)
Tro tàn tích lại đất vàng thêm (hoả sinh thổ)
Lòng đất tạo nên kim loại trắng (thổ sinh kim)
Kim loại vào lò chảy nước đen (kim sinh thuỷ)
Ngũ hành tương khắc: lẽ xưa nay
Rễ cỏ đâm xuyên lớp đất dày (mộc khắc thổ)
Đất đắp đê cao ngăn nước lũ (thổ khắc thuỷ)
Nước dội nhiều nhanh dập lửa ngay (thuỷ khắc hoả)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mõ
Chồng em không thích ăn quà
Đi đâu cũng thích về nhà ăn cơm
Con bò trọn kiếp nhai rơm
Chồng em trọn kiếp…“nhai” cơm ở nhà

Viết văn phê bình
Ngược lại, người đọc rất chán khi bài viết cứ lặp đi lặp lại một ý “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Văn viết phải rất súc tích. Nếu viết nửa câu mà người đọc hiểu được rồi thì chỉ viết nửa câu. Kỵ nhất là lời văn cứ tãi ra một cách thừa thãi. Và cái gì cũng giảng giải làm như người đọc là những học trò của mình vậy.
Viết phải có văn, có nghệ thuật, nhiều khi cũng phải dùng hình ảnh. Nhưng hình ảnh của văn nghiên cứu phê bình khác với hình ảnh trong văn sáng tác. Hình ảnh của văn nghiên cứu, phê bình phải diễn đạt được những khái niệm, những phạm trù. Ngoài ra, cũng như văn sáng tác, văn nghiên cứu phê bình cũng phải có giọng điệu, cũng phải tạo được không khí. Tuỳ theo nhu cầu này mà chọn từ, đặt câu cho thích hợp. Nói chung văn phê bình gần với văn sáng tác hơn, hành văn phóng túng hơn. Có khi phải dùng từ thật chính xác, có khi lại phải dùng những khái niệm mơ hồ. Có khi phải đặt câu ngắn, có khi phải viết câu dài. Để tạo giọng điệu, có khi phải viết những câu thiếu thành phần ngữ pháp, giống như khẩu ngữ vậy – “khẩu ngữ là máu của câu văn xuôi”. Biết dùng khẩu ngữ, đúng lúc, đúng chỗ, câu văn sống động hẳn lên.
Viết văn ai chả muốn viết cho hay. Nhưng tự đánh giá văn mình có dễ đâu. Dễ chủ quan lắm, “Văn mình vợ người” mà. Nhưng các nhà phê bình lớn tuổi thường khiêm tốn. Cứ phải đợi xem phản ứng của độc giả mới biết văn mình có xem được hay không. Trong tiểu thuyết Anna Karinine của l..Tolstoi', tôi nhớ có chi tiết này: một danh họa nọ triển lãm tranh. Ông rất hồi hộp chờ đợi ý kiến đánh giá của bọn quý tộc đến xem, tuy biết bọn này chẳng hiểu gì lắm về nghệ thuật.
Thế đấy, muốn hiểu văn mình thế nào cũng phải soi vào dư luận độc giả. Ai chả muốn được khen. Độc giả tầm thường khen cũng thích. Tất nhiên được loại độc giả cao cấp khen thì khoái hơn nhiều và mới biết được cái giá thật của văn mình.
(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Ăn trông nồi, ngồi trông người bên cạnh

Chữ và nghĩa
Rất nhiều từ ngữ mà chúng ta cho là của người trong nước sau 75, thực ra là của Việt Nam trước đó. Vậy tiếng nào là tiếng của người Việt trước hay sau 75?
Chất xám - được dùng tại Miền Nam (môn vạn vật lớp đệ tứ và đệ nhị) với cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng (trí thông minh). Cả hai đều được dùng tại Miền Nam trước 75. Bảo “chất xám” chỉ được người trong nước sau 75 dùng, là sai.
(Tâm Thanh – Chiêu hồi ngôn ngữ)

Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao
Từ điển thuật ngữ văn học gọi chơi chữ là "lộng ngữ" và giải thích là một biện pháp tu từ có đặc điểm: người sáng tác sử dụng những chỗ giống nhau về ngữ âm, ngữ nghĩa, văn tự, văn cảnh để tạo ra sự bất ngờ thú vị trong cách hiểu, trong dòng liên tưởng của người, người nghe. Các hình thức của lộng ngữ rất phong phú, trong đó có:nói lái, dùng từ đồng âm hoặc gần âm, dùng từ gần nghĩa, tách một từ thành các từ khác nhau.
Công dụng của nét chơi chữ "thanh cao" nhưng không tránh khỏi cái bản năng bình thường của con người, dân gian chơi chữ "đồ" để mỉa mai thâm thuý trong bài ca dao sau đây, nhưng gợi lên một ý nghĩa khác "tục" mà thanh:
Nhân lúc đồ ngồi nhàn hạ
Ra hồ sen xem ả hái hoa
Ả hớ hênh ả để đồ ra
Đồ trông thấy ngắm ngay tức khắc
Đêm năm canh đồ nằm khôn nhắp
Những mơ màng đồ nọ tưởng đồ kia
"Đồ nọ" tưởng "đồ kia" là hai từ đồng âm nhưng một từ với nghĩa là thầy đồ - một hạng người trong xã hội, và một từ "đồ" cũng là danh từ nhưng để chỉ sinh thực khí của phụ nữ!
(Trần Minh Thương - Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao Việt Nam)

Văn hóa thể hiện qua tiếng nói
Theo Đào Duy Anh, ta có tiếng nói nhưng không có văn tự nên ta lấy một chữ Hán làm “gốc” rồi ghép một chữ Hán khác để “làm mốc” thành chữ Nôm. Rồi phát âm như tiếng Việt của ta.
Thí dụ 1: Ta lấy chữ Hán “thiên” (trời), ghép thêm chữ “thượng” (trên) và đọc là giời.
Thí dụ 2: Ta lấy chữ Hán “thiên” (trời), ghép thêm chữ “khẩu” (miệng) và đọc là lời.
(Mặc Giao – Văn hóa Việt)

Chữ nghĩa làng văn
Trong văn chương hiện đại, ta cũng thỉnh thoảng gặp những từ ngữ mới được sáng tạo khá tài tình. Trong thơ văn ít nhiều đã có những đóng góp trong lĩnh vực này, mở rộng đất đai sử dụng, thổi thêm sinh khí cho một số từ ngữ và như thế cũng có thể gọi là sáng tạo ngôn từ.
Còn nhớ, khi đọc tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của nhà văn Nguyễn Khắc Trường tôi có bắt gặp một từ lạ: "hấp hoảng", liền hỏi anh Trường nghĩa là gì thì được trả lời:
Nghĩa của nó là chỉ trạng thái dưới "hốt hoảng" một chút!
Tôi không rõ ở quê nhà văn có ai dùng từ này thật không, nhưng tôi thì từ bé chưa nghe qua bao giờ. Hay là ông ấy đấu "hốt hoảng" và "hấp tấp" lại mà thành? Chịu.
Có điều là đọc một cuốn sách mà học thêm được một từ lạ cũng thấy sướng. Như từ nói "vóng" lên (gốc từ "vống") mà đẻ ra "vóng vót" (liên tưởng đến "chót vót") hoặc "vóng véo" (liên tưởng đến "véo von"), rồi thì cứ đà ấy mà kéo thành "vóng vánh", "vóng vít", "vóng víu”... .
(Anh Ngọc – Tản mạn về từ mới)

Kham
Kham : khổ
(kham khổ)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Giai thoại làng văn xóm chữ
Ngọa sơn
Một buổi trưa nọ, Quỳnh vào nội phủ Chúa chơi. Chúa vắng nhà, Quỳnh tạt sang dinh Bà Chính cung. Tên quan thị cho Quỳnh biết là bà Chúa đang ngon giấc, sẵn bút mực, Quỳnh đề lên vách hai chữ "Ngọa Sơn".
Ít lâu sau, Chúa và bà Chính Cung đi thăm phố phường, thấy hai chữ "Ngọa Sơn" xuất hiện la liệt trên các vách tường. Chúa và bà Chính Cung không hiểu dân chúng viết hai chữ đó có ý nghĩa gì.
Chúa truyền gọi một người đến hỏi nguyên cớ. Người kia thưa:
- Chúng con là kẻ hèn mọn dốt nát. Việc này chẳng qua chỉ tại Trạng Quỳnh đấy ạ !
Bà Chính Cung dỗ ngọt:
- Trạng bảo thế nào? Cứ tâu thật, ta sẽ xin Chúa tha tội cho.
- Tâu lệnh bà! Trạng Quỳnh có lần vào nội phủ, về mách với chúng con là bà Chúa đang bận "Ngọa Sơn", rồi giải thích rằng: Ngọa là nằm, nằm lâu thì phải ngủ, ngủ thì phải ngáy. Sơn là núi, mà núi thì phải có đèo.
Mà "Ngáy Ðèo" nói lái lại thì..., con không dám nói ra đâu…
(trích Giai thoại về Trạng Quỳnh)

 

(còn tiếp)