Print

Chữ nghĩa làng văn

tháng 03.2017

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.


Chữ Hán
Trong một buổi nói chuyện với bằng hữu, Mai Thảo cho hay ông rất tiếc không biết chữ Hán. Vì theo ông: Viết văn không biết chữ Hán như ngồi ghế không có…cái tựa lưng.

Chữ Việt cổ
Từ cổ tiếng Việt trong "Đại Nam quốc âm tự vị" của Huỳnh Tịnh Paulus Của
Những cứ liệu khảo sát từ cổ rất đa dạng và phong phú, nhưng do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại.
Bi: bia
(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)

Ca dao cổ phong
Cổ phong là thể thơ lâu đời ở Trung Hoa. Khi mượn chữ viết của họ, ta tìm hiểu văn hóa của họ. Thể thơ trong Kinh Thi rất giản dị, nó chỉ là những câu dài bằng nhau được đặt kế tiếp nhau, không đòi hỏi phải có vần. Nhà nho ta dựa theo thể làm thơ chữ Hán, rồi sau đó làm thơ tiếng Việt, sau đấy để có những bài ca dao giản di, kế tiếp là sự xuất hiện của những bài đồng daohát ru em. Như dưới đây:
Con vỏi con voi
Cái vòi đi trước
Hai chân trước đi trước
Hai chân sau đi sau
Còn cái đuôi đi sau rốt
Tôi xin kể nốt cái chuyện con voi
Con vỏi con voi (…)
Ta có cả thảy 118 bài ca dao cổ phong, trong đó có:
Ca dao : 76 bài. Đồng dao và hát ru em : 42 bài
(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao dân ca)

Ca dao lơ mơ lỗ mỗ
(…trích lục lại)
Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục vẫn là…cái ao

Khoa cử
Giới nho gia thời ấy nhao nhao đòi cải tổ khoa cử gồm Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ, Trần Quý Cáp, Trần Bích San, Hùynh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu…
Đặc biệt nhất là Phan Chu Trinh, xuất thân nho học, đỗ tiến sĩ, mà lên án Hán học rất nặng nề: “Bất phế Hán tự, bất túc dĩ cứu Nam quốc”, nghĩa “không bỏ tiếng Hán, không cứu được nước Nam”.
Hùynh Thúc Kháng tuy kết tội khoa cử, nhưng công nhận phần lớn lỗi ở người học đạo không đến nơi: “Lối học Tống Nho chính là chỗ hư, chỗ hở của người Tàu mà mình bắt chước”.
(Nguyễn Thị Chân Quỳnh – Lối xưa xe ngựa…)

Lạc
Lạc : chuông nhỏ buộc cổ ngựa
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Cái trâm
Chàng rể qua mấy ngày đêm lo lắng, chạy ngược chạy xuôi, bận rộn, vất vả, đêm tân hôn là đêm xao xuyến, rạo rực nhất, lại thêm mấy chén rượu ngà ngà say, đến một thời điểm cảm xúc quá đà, nếu người có thể chất và tâm thần suy tổn nhiều thì lúc xuất tinh, thần kinh từ trạng thái hưng phấn quá độ chuyển thành ức chế quá độ, dễ bị phạm phòng, nếu người vợ không biết xử lý kịp thời có thể người chồng chết trên bụng vợ. Hầu như không có trường hợp người phụ nữ bị phạm phòng.
Trong lúc giao hợp, cửa buồng đóng kín, thân thể loã lồ, lại thêm tâm lý e thẹn xấu hổ, sợ hãi, nếu người vợ thả người chồng ra, để dương vật thoát ra ngoài, mất sự điều hoà khí âm khí dương thì khó lòng cứu chữa.
Lúc đó, sẵn có cái trâm cài trên đầu hoặc mấy chiếc kim đính ở vành khăn, người đàn bà một tay vẫn ôm riết lấy phía dưới lưng chồng một tay lấy chiếc trâm hoặc kim chích vào phía dưới hố xương chậu, phía trên hậu môn, kích thích đến lúc nào người chồng tỉnh lại. Người con trai nào có lông ở đít thì giật lông. Nếu chưa tỉnh thì tiếp tục châm kim, lấy mùi xoa trắng hoặc lấy giấy bản chấm thử, hễ thấy có máu chảy là chữa được. Trong phòng đôi tân hôn nên để ngọn đèn con nhằm tạo thêm khoái cảm, mặt khác cũng vì mục đích đó nữa, nhưng vẫn chú ý phải ôm riết chồng trên bụng. Đi sâu vào lĩnh vực y dược, song có phương thuốc được lưu truyền trong dân gian:
Cứt chuột và lá hẹ giã nhỏ, vợ ngậm rồi trúm vào miệng chồng, vì lúc đó người chồng đang nằm sấp rất khó đổ thuốc.

Tục ngữ, ca dao
Tục ngữ (...) là những câu nói gọn ghẽ và có ý nghĩa lưu hành tự đời xưa, rồi do cửa miệng người đời truyền đi (...) Ngạn ngữ (...) chữ ngạn nghĩa là lời nói của người xưa truyền lại. Còn phương ngôn (...) là tục ngữ chỉ thông dụng trong một vùng (...)
Thành ngữ (...) là những lời nói do nhiều tiếng ghép lại đã lập thành sẵn, ta có thể mượn để diễn đạt một ý tưởng của ta (...)
Sự khác nhau của tục ngữ và thành ngữ là ở chỗ này: một câu tục ngữ tự nó phải có một ý nghĩa đầy đủ (...) còn như thành ngữ chỉ là những lời nói có sẵn để ta tiện dùng mà diễn một ý gì hoặc tả một trạng thái gì cho có màu mè (...)
Ca dao (...) là những bài hát ngắn lưu hành trong dân gian, thường tả tính tình phong tục của người bình dân. Bởi thế ca dao cũng gọi là phong dao (...)
( Dương Quảng Hàm - Việt Nam văn học sử yếu)

Triết lý củ khoai
Lúc bé, tưởng yêu là tất cả, là mọi thứ, lớn rồi mới biết sau yêu còn có chia tay.

Chữ Hán trong ca dao (1)
Các hàn nho tránh từ chương, đề tài liên quan đến đời sống thực tại với đời sống bình dị của dân làng. Thế nhưng họ cũng không quên nghệ thuật làm thơ, chơi chữ của người Hán qua Kinh Thi. Như chiết tự như dưới đây với hỏi và đáp:
Hỏi chàng đọc sách kinh thi
Hai ngang hai phảy chữ chi hỡi chàng?
Đáp:
Hai ngang hai phảy chữ thiên
Em cho chấm chút cho liền chữ phu
(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao dân ca)

Chiều hôm nhớ nhà
Thơ bà Huyện Thanh Quan:
Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn,
Tiếng ốc xa đưa vẳng trống đồn.
Gác mái ngư ông về viễn phố,
Gõ sừng mục tử lại cô thôn.
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi,

Dặm liễu sương sa khách bước dồn.
Kẻ chốn Chương Ðài người lữ thứ,
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn.

***
Ốc:
tù và làm bằng vỏ ốc lớn.
Viễn phố
: bến xa.
Cô thôn:
xóm vắng.

Ngàn mai: rừng mai.
Dặm liễu: dặm đường có trồng liễu, ý nói đường xa.
Kẻ chốn Chương Ðài:
người vợ đang ở nhà.
Lữ thứ:
nhà trọ; người lữ thứ: người đang ở xa quê.
Hàn ôn:
lạnh ấm; nỗi hàn ôn: chuyện tâm tình.

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Việt Tide: Không phải là theo tiếng gọi của đảng cộng sản Việt Nam?
Dương Thu Hương: (cười khẩy) Đó là cái điều lầm lẫn lớn nhất của các nhà báo nước ngoài cũng như nước trong (cười). Tại vì những người ấy có chịu lắng nghe đâu. Các ông ấy toàn nghĩ theo kiểu các ông ấy thôi. Cứ hàm hồ chụp lên đầu người khác suy nghĩ của mình.
Tôi chả coi đảng cộng sản Việt Nam là cái gì cả. Đối với một gia đình như gia đình tôi, bố tôi từng là đại đội trưởng Đội Bá Vụ, phụ trách vấn đề liên lạc vô tuyến và làm trực tiếp dưới quyền ông Võ Nguyên Giáp, nhưng bố tôi không bao giờ được vào đảng vì bà của tôi là địa chủ. Bố tôi chịu nhiều bất công, vì ông cống hiến rất nhiều mà chả được gì cả. Khi tôi lớn lên thì tôi không được thi vào đại học bởi vì lý lịch của bố tôi và gia đình tôi không thuộc thành phần cốt cán. Tôi vào trường Lý luận Nghiệp vụ vì lúc đó họ tuyển năng khiếu diễn kịch, hát múa; và tôi vào được vì do cơ may tôi có một người họ hàng làm thầy giáo của trường.
Tôi còn nhớ lúc xẩy ra chiến dịch Cải cách Ruộng đất, ngay trước cửa nhà tôi là một người bị chết treo và lúc 8 tuổi, tôi đã phải đi theo các đoàn học sinh để chứng kiến các cuộc đấu tố địa chủ. Sau lưng nhà tôi, ngay đường xe hỏa, một người khác bị vu là địa chủ nên tự tự bằng cách đặt cổ vào đường ray cho xe lửa cán chết. Thật khủng khiếp. Khi 8 tuổi, buổi sáng khi đi tưới rau, tôi thấy cảnh những người chết như thế và điều đó làm cho tôi vô cùng khủng khiếp. Cho nên tôi nhắc lại, năm 68 tôi vào tiền tuyến là vì tôi tuân thủ truyền thống cứu nước của dân tộc Việt Nam chứ không vì đảng cộng sản.
(Tôi khóc ngày 30 tháng Tư 75 …- Việt Tide phỏng vấn)

Sự phát triển của tiếng Việt (V)
Sấm Truyền Ca (1670)
Là một trong bốn linh mục Ðàng Trong đầu tiên được thụ phong tại Kẻ Chàm (Quãng Ngãi) năm 1676, Lữ Y Ðoan đã Việt hóa tên người tên địa dư của nguyên tác cũng như dịch rất văn hóa tựa Kinh Thánh Cựu Ước là Sấm Truyền Ca. Ðoạn diễn ca truyện Tháp Babel kể chuyện con cháu ông Nô Ê sau trận hồng thủy ngạo nghễ rủ nhau xây tháp cao chạm trời. Chúa đã trừng phạt bằng cách làm cho họ ngôn ngữ bất đồng không hiểu được nhau và hết đoàn kết với nhau; cuối cùng họ phải bỏ dở và phân tán đi khắp mặt đất thành nhiều chủng tộc khác nhau.
Trời rằng:
"Hiệp nhất vi cường, đại công...
Phải cho ngôn ngữ bất đồng
Mỗi chi một ngả là xong ý đồ !
Thế là nhứt hữu cửu vô
Thế nhân bỏ cuộc, trở cờ chống nhau
Hỗn Lầu (Ba Bên) danh gọi về sau
Kể từ việc ấy, ngũ châu người tràn
..."

Tóm lại, Sấm Truyền Ca là một tác phẩm thuộc di sản văn chương cổ điển của dân tộc hiếm hoi còn sót lại sau bao chiến tranh, khủng hoảng. Sấm Truyền Ca là dấu tích sáng tạo đồng thời là dấu tích của tiếng nói và viết của người xưa. Lâu nay vì nhiều lý do đã bị bỏ quên, ngay bởi người Công giáo (…)
(Nguyễn Vy Khanh - Tiếng Việt một số tác phẩm mới phát hiện)

TTKH lơ mơ lỗ mỗ
Nếu biết rằng em đã lấy chồng
Anh về bắt vịt nhổ sạch lông
Tiết canh làm đại vài ba đĩa
Mượn rượu cho nguôi vết thương lòng

Chữ Việt gốc Tàu
Chữ Việt gốc Tàu là một đặc thù của văn hóa Đồng Nai – Cửu Long, là những chữ, mà ta dùng thẳng từ của người Tàu và dùng âm của mẫu tự quốc ngữ viết lại.
Như:
Thồi là bàn tiệc. Người Bắc hay dùng từ “thồi”. Người Nam thường dùng chữ bàn.
Phổ ky là người hầu bàn. Tiếng Hán Việt là “hỏa ký”, liên quan đến bếp núc.
Phàn là cơm. Hán Việt là “phạn” để có phạn điếm. Từ phàn qua phạn tơi phay là những miếng thịt thái mỏng. Như…gà xé phay.
Hộp là…cái hộp đựng đồ ăn dư mang về. Nguyên chữ là lượng cơ hộp, là hộp đựng đồ ăn.
(Lê Ngọc Trụ – Tầm nguyên tự điển Việt Nam)

Chữ nghĩa làng…nhậu
Trăm năm sông núi vẫn còn
Nghìn năm bia rượu vẫn còn như xưa

Rượu ty (1)
Năm 1858, khi những người Pháp đặt chân đến Việt Nam, vẫn chưa có sản xuất rượu ở quy mô công nghiệp. Chính phủ bảo hộ khuyến khích người Việt nấu rượu, uống rượu để thu thuế. Kể từ khi sản xuất rượu công nghiệp ra đời, chính quyền bảo hộ ra sắc lệnh cấm dân tự nấu rượu, ngừng cấp giấy phép nấu rượu cho gia đình đã từng kinh doanh bằng nghề nấu rượu, chỉ duy trì một số làng nghề tập trung để dễ thu thuế. Việc cấm dân nấu rượu ngày càng được kiểm soát chặt chẽ đi đôi với đẩy mạnh sản xuất rượu công nghiệp, một số tổ chức thanh tra riêng do người Pháp trực tiếp chỉ huy đã được thành lập chuyên đi bắt phạt những gia đình nấu rượu không phép, những đối tượng mà dân Việt thường gọi là "Tây đoan”.

Bõ già
Theo họ đạo, bõ già là người trọng tuổi trông coi việc đạo ở một nhà thờ. Xưa, xưa lắm, bõ già chỉ quan thái giám, thường được gọi là… hoạn quan.

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Những sai lầm tai hại trong hai quyển Từ điển từ và ngữ Việt NamTừ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.

bị cáo 被告
Bị cáo là người bị tố cáo và bị toà án đem ra xét xử. Soạn giả đã hiểu đúng nghĩa của từ này, nhưng thật đáng ngạc nhiên khi thấy ông giải thích rằng, cáo nghĩa là báo cho biết! Nếu đúng như vậy thì từ bị cáo chẳng liên quan gì với việc báo cho biết. Ðành rằng, chữ cáo 告 cũng có nghĩa là báo cho biết, nhưng nó còn có một số nghĩa khác nữa, mà cụ thể ở đây làbuộc tội, vạch tội.
(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)

Chữ quốc ngữ
Đến thế kỷ 17, với mục đích truyền bá đạo Thiên Chúa giáo ở Việt Nam, các giáo sĩ người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha được sự giúp đỡ của các giáo sĩ người Việt đã La tinh hóa chữ viết để truyền giáo, đồng thời tách người Việt ra khỏi khuôn viên của chữ vuông và văn hóa Khổng giáo.
Quá trình xây dựng chữ viết trên cơ sở chữ La tinh mà ngày nay gọi là chữ quốc ngữ đã lặp lại quy trình sáng tác chữ nôm. Alexandre de Rhodes (Bá Đa Lộc) và các giáo sĩ người Âu phải giải quyết hai vấn đề: một là thêm những dấu phụ để phù hợp với cách đọc của người Việt khác với tiếng La tinh, tiếng Bồ Đào Nha..., hai là ghi riêng biệt từng tiếng khác với cách viết liền như tiếng châu Âu đa tiết.
Quá trình này được hình thành qua ba cuốn từ điển:
An Nam - Bồ Đào Nha (Gaspar de Amaral);
Bồ Đào Nha - An Nam (Antoine de Barbosa) và
An Nam - Bồ Đào Nha - La tinh (A. de Rhodes - 1651).
Vì tôn trọng cách phát âm của người bản ngữ nên A. de Rhodes đã ghi các âm "ph" thay cho "f", "tl" thay cho "tr", ngaoc (ngọc), thaoc (thóc), bvua (vua); bvui (vui)...
Chính vì địa vị không chính thức và tính không chuẩn hóa của chữ nôm mà chữ quốc ngữ dễ dàng thay thế. Hơn nữa hệ chữ La tinh lại rất dễ đọc và tiện lợi. Vì vậy, lúc đầu các cụ đồ Nho đã hết sức sỉ vả, coi nó là thứ chữ con giun, con dế. Sau này khi thấy nó dễ thì chính các cụ Đông kinh Nghĩa thục trong khi chống "cựu học", cổ vũ "tân học" đã phát động việc truyền bá chữ quốc ngữ.
(Phạm Đức Dương - Vietreader.com)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Ngâm thơ: Không phải là mang bài thơ vào chậu nước ngâm mà là đọc và…kéo từng chữ cho dài ra, cho người ta nghe…hay hay.
(Nguồn: từ sổ tay của một người Mỹ học tiếng Việt)

“Từ điển” của một người Bắc vào Nam sau 75
(Chữ nghĩa làng văn giữ nguyên chữ và câu cú,
không…”nát bàn” với lời bàn Mao Tôn Cương)
Ăn hàng = ăn uống
(sau này trộm cướp cũng xài từ ăn hàng, tức là đi giựt dọc, cướp bóc B4-1975)
Âm binh = Cô hồn, các đảng, phá phách
(mấy thằng âm binh = mấy đứa nhỏ phá phách),…
(Nhớ đâu viết đấy… - Nguyễn Văn Trường)

Tạo hóa
“Tạo” từ sáng tạo, “hóa” từ hóa sinh. Tức chỉ ông trời.
Thơ bà Huyện Thanh Quan có câu:
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương”.

Giai thoại làng văn xóm chữ
Hoặc khi ông Vũ Bằng lột tả đời sống Vũ Trọng Phụng:
".. Phụng có một cái tài đặc biệt là không hề biết đánh bạc là gì mà tập phóng sự đầu tiên viết cho báo " Nhựt Tân " anh dám đề cập đến vấn đề bạc bịp.Thực ra anh cũng chưa hề quan sát một vụ " đánh bờ " bao giờ nhưng anh viết như người đánh bạc thông thạo nhất, đó là nhờ một người anh là ông Trưởng Tạo, cũng ở phố Hàng Bạc nói chuyện lại để cho anh viết. Cũng thế, đọc chuyện " Số Đỏ" ai cũng tưởng Phụng là một tay ăn chơi sành sỏi khét tiếng mà lại " đểu " là khác nữa.nhưng sự thực trái ngược hẳn; trong tất cả anh em quen biết Phụng có lẽ là người " chân chỉ hạt bột " nhất, hiền lành nhất mà tương đối cũng là đạo đức nhất.Tiêu pha hay chơi bời gì, anh tính toán từng đồng xu, không phải là vì " kẹo" nhưng chính vì anh phải đứng mũi chịu sào lo cho cả nhà, trong đó có một bà nội góa và một bà mẹ góa, đồng thời lo sao để dành dụm được ít tiền lấy vợ, hầu có con nối dõi.
Về sau này, Phụng mòn mỏi đi, một phần lớn cũng vì thức đêm thức hôm để viết cho nhiều báo như " Tiểu Thuyết Thứ Bảy", " Tiểu Thuyết Thứ Năm", " Hà Nội Tân Văn" lấy tiền, nhưng cuộc sống của anh ở bên ngoài đối với những người lạ, không có vẻ gì vất vả; trái lại anh còn ra cái dáng nhàn nhã ung dung là khác. Dù bận rộn viết lách đến mấy chăng nữa tuần nào anh cũng đọc hàng chục tờ báo Pháp để học thêm. Trong anh em có thể nói anh là người hiểu rõ tinh thần của giọng văn " Canard Enchainé" nhất, mà anh cũng am hiểu nhất chính trị thế giới lúc bấy giờ..."
(Nguyễn Mạnh Trinh – Những hồi ký làm báo)

Văn hóa người Việt xưa
Michel Đức là con của Jean Baptiste Chaigneau 1769 làm qua lâu dài và lấy vợ Việt (Nguyễn Thị Sen) dưới thời vua Gia Long sau khi giúp vua thắng nhà Tây Sơn.
Michel Đức viết quyển Souvenir de Huế miêu tả: “Nhà của người Việt Nam thì lụp xụp, tối tăm, lâu đài kiến trúc chẳng có gì đồ xộ. Việt Nam sở dĩ không có thợ danh tiếng vì hễ người nào tay nghề khéo là bị sung công làm cho triều đình cho đến già. Nên họ thường hay dấu tài và không truyền nghề cho người ngoài”.
(Nguyễn Thị Chân Quỳnh – Lối xưa xe ngựa…)

(còn tiếp)

 

Đăng ngày 19 tháng 03.2017