Print

Tác giả & Tác phẩm

01 tháng 06.2016

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Dẫn nhập: Với cái nhìn chủ quan của người biên soạn, tuyển tập 300 tác giả và tác phẩm đơn thuần chỉ là công việc góp nhặt sỏi đá những tác phẩm tiêu biểu một thời của những tác giả tiền chiến, hậu chiến, trước hay sau 75 của hai miền Nam Bắc, trong nước cũng như ngoài nước, già hoặc trẻ, cũ hoặc mới. Tác giả và tác phẩm được góp mặt mỗi tuần theo thứ tự họ hoặc tên qua mẫu tự A, B, C… Xin thành thực cám ơn những tác giả có mặt trong tuyển tập nhưng vì trở ngại thông tin, chúng tôi đã không thể xin phép quý vị trước khi đăng tải.
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


Nguyễn Xuân Hoàng (I)

Tiểu sử
Sinh ngày 7.7.1937 tại Khánh Hòa.

Tác phẩm
Mù Sương, Sinh Nhật, Khu rừng hực lửa

nguyen xuan hoang nguyen xuan hoang

Mục lục
Vài hàng về tác giả
Trò chuyện với Mai Thảo
Hồi ký viết sớm
Viết một cuốn đọc nghìn cuốn – Võ Phiến
Những trang văn xuôi lương thiện và giản dị về con người
Vòng hoa và quên lãng
Nguyễn Xuân Hoàng người và văn – Bùi Văn Phú

Phụ đính:
Tạp chí Văn
Hành trình của Tạp Chí VĂN & VĂN Số cuối cùng trước tháng 4/1975
Tủ sách của Trần Phong Giao
Tạp chí Văn, một thời tôi tới
Trần Phong Giao, người gác cửa văn học, tạp chí Văn
Văn và Trần Phong Giao
Tạp chí Văn từ lòng đất

_______________

Vài hàng về tác giả

nguyen xuan hoang

Học sinh Võ Tánh Nha Trang
Học sinh Petrus Ký, Saigon
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, Khoa Triết Đà Lạt (1958-1961)
Giáo sư Triết, Ngô Quyền, Biên Hoà (1961-1962)
Giáo sư Triết, Pétrus Trương Vĩnh Ký – Sài Gòn (1962-1975)
Tổng thư ký tạp chí Văn, Sài Gòn (1972-1974)
Tổng thư ký nhật báo Người Việt, California (1986-1997)
kiêm Tổng thư ký tạp chí Thế Kỷ 21, California (1989-1994)thuộc công ty Người Việt.
*Chủ nhiệm, chủ bút tạp chí Văn từ tháng Chín, 1996 / Tổng Thư ký tuần báo Việt Mercury trực thuộc Nhật báo San Jose Mercury News của Hoa Kỳ (từ tháng 11, 1998 đến tháng 11, 2005).
*Giảng viên [lecturer] môn Văn Học Việt Nam đương đại tại Đại học Berkeley (09-2001-04-2003)
Hiện định cư tại San Jose, Bắc California.

Sách đã xuất bản:
Trước 1975:
Truyện ngắn: Mù Sương, Sinh Nhật, Bất Cứ Lúc Nào Bất Cứ Ở Đâu
Tùy bút, Tạp ghi: Ý Nghĩ Trên Cỏ
Truyện dài: Khu Rừng Hực Lửa, Kẻ Tà Đạo
Kịch: Sự Đã Rồi của Jean-Paul Sartre (Les Jeux sont Faits, dịch chung với Trần Phong Giao)
Sau 1975:
Người Đi Trên Mây (truyện dài), Sa Mạc (truyện dài); Căn Nhà Ngói Đỏ (truyện-tùy bút); Bụi Và Rác (Người Đi Trên Mây II); Bất Cứ Lúc Nào ... (tái bản)
Sẽ in:
Lửa (Người Đi Trên Mây III); Ai Cũng Cần Phải Có Một Bà Mẹ (Tùy bút); Sổ Tay Văn Học.

nguyen xuan hoang nguyen xuan hoangnguyen xuan hoang 

_____________

Trò chuyện với Mai Thảo

nguyen xuan hoangNhà văn Mai Thảo, một trong những tác giả lớn của văn chương Việt Nam, là chủ nhiệm tạp chí Văn [từ tháng Chín, năm 1996, ông đã giao tờ báo cho Nguyễn Xuân Hoàng trông coi], một tờ báo văn nghệ phát hành hàng tháng tại Hoa Kỳ. Tác giả của Tháng Giêng Cỏ Non, của Đêm Giã Từ Hà Nội...đã từng một thời làm say mê người đọc Việt Nam trong thập niên 50 và 60.

Giờ đây trên một "bàn viết lữ thứ", trong một căn phòng nhỏ nằm tại trung tâm Little Saigon, nơi ông vừa dùng làm tòa soạn vừa dùng làm nơi ăn chốn ở của mình, Mai Thảo đã cầm bút trở lại. Sức sáng tạo của ông tuy không còn mạnh như xưa, nhưng điều đó không có nghĩa là ông chịu vứt bút, nghỉ tay.
Trên tạp chí Văn tại hải ngoại qua mục Sổ Tay hàng tháng, Mai Thảo đã ghi chép lại nhũng biến cố liên quan đến sinh hoạt văn học ở hải ngoại, một cách đều đặn và bằng một chủ quan mạnh mẽ của một người cầm bút thận trọng. Những người viết văn học sử Việt Nam khi ghi lại giai đoạn 1954-1975 không thể không nói đến dòng văn học đã tách ra khỏi "triều đại Tự Lực Văn Đoàn".

Người ta nói khi những người Bắc di cư vào Nam, và khi tạp chí Sáng Tạo ra đời, một dòng văn học mới cũng bắt đầu chảy vào dòng văn học của Việt Nam. Nhà văn Mai Thảo lúc đó là một trong những người dựng nên bảng hiệu Sáng Tạo, đã thổi vào văn học nghệ thuật Việt Nam một hơi thở mới, một đời sống mới. Từ ấy đến nay, sau những thăng trầm của thời thế, nhà văn Mai Thảo vẫn tiếp tục "ở" với văn chương Việt Nam chúng ta. Ông đã đến Hoa Kỳ như một thuyền nhân, và ông sống tại miền Nam Calinhư một văn nhân thời thế.

Chúng tôi đến thăm ông vào buổi sáng Chủ Nhật [năm 1993]. Cái quán ăn quen thuộc Song Long nằm trên đường Bolsa, giữa hai con đường Bushard và Magnolia, là "cổng vào" nhà trọ của ông. Căn phòng của một người đàn ông cầm bút, lớn tuổi, độc thân, sao mà ngăn nắp, gọn gàng đến thế! Một chiếc giường đơn, một bàn viết, một kệ sách, mấy tấm ảnh treo trên tường, ảnh của tác giả, ảnh của Vũ Hoàng Chương...

Chúng tôi ngồi bệt xuống sàn nhà, tựa lưng vào giường. Mai Thảo rót rượu vào cái ly thủy tinh, uống một ngụm nhỏ. Ông nhắc lại thời chúng tôi [ông và tôi] làm báo Văn tại Sài gòn. Thời chủ nhiệm Nguyễn Đình Vượng còn sống, thời Trần Phong Giao làm thư ký tòa soạn, và sau đó là thời Nguyễn Xuân Hoàng...
***
NXH: Ông có thể nói đôi chút về việc làm của ông hiện nay?
MT: Sau khi Cộng sản Hà Nội vào Sài gòn, ít lâu sau thì tôi vượt biên đến Mỹ và tôi đã tục bản trở lại tờ báo Văn ở California từ năm 1982. Cho tới nay [1993], tờ báo đã sống được 11 năm với trên một trăm số báo phát hành đều đặn và liên tục không bị đứt đoạn một tháng nào. Đó là do nơi tôi đã làm quen với tờ báo từ khi còn ở bên nhà và cái công việc của tôi ở Mỹ về tờ tạp chí thì được sự hỗ trợ rất tốt đẹp rất nhiều mặt của bạn đọc khắp nơi cũng như của các thân hữu hợp tác.
NXH: Trên tạp chí Văn có một mục mới mà ở quê nhà trước năm 1975 tờ báo này không có, đó là mục Sổ Tay Mai Thảo. Ông có thể cho biết ông đã viết Sổ Taytrong chiều hướng nào?
MT: Các bài Sổ Tay Hàng Tháng mà tôi viết chỉ có một mục đích rất là đơn giản, như là một tấm gương để soi vào những sự việc đã xảy ra trong tháng, ghi chép những sự việc đó, chủ yếu là sinh hoạt văn học nghệ thuật. Chỉ có vậy mà thôi. Tôi thấy điều gì, biết được điều gì thì tôi ghi lại những điều đó trong Sổ Tay. Thường thường, nó chiếm một chỗ nhất định, nó có một chỗ để tôi luôn luôn nhắc tới bằng hữu khắp nơi qua những chuyến đi của tôi về các địa phương, tôi thích nhắc tới những sinh hoạt địa phương như tại San Jose, hoặc Texas, hay là Hoa Thịnh Đốn chẳng hạn. Mục đích của Sổ Tay là chỉ cho người đọc thấy được một phần nào của sinh hoạt nghệ thuật của chúng ta ở ngoài nước.
NXH: Nhân ông nói đến những chuyến đi và những thành phố nơi ông đến nó thường phản ảnh được trong Sổ Tay của ông. Ông có thể cho biết thêm về những chuyến đi xa hàng năm của ông. Thời gian ông đi là bao lâu và các chuyến đi đó có ảnh hưởng gì trong việc viết lách cũng trong việc điều hành tờ Văn?
MT: Hồi ra khỏi nước tới giờ, nhịp viết của tôi không còn được mạnh mẽ, phong phú như thời kỳ còn ở quê nhà. Tôi cũng viết và làm những công việc mà tôi phải làm chứ không còn viết ngày này qua ngày khác như là lúc tôi còn viết văn, còn làm báo ở Việt Nam. Cho nên cái việc đi đến các địa phương, chỉ là những cuộc thăm viếng bằng hữu mà tôi có rất đông ở Mỹ cũng như ở Châu Âu và các nơi khác. Thường là anh em đón tôi tới chơi, mà tôi đi sang chơi thì cũng không có chỗ nào là ở lâu cả. Một tuần, quá lắm là mười ngày thôi, thời giờ để làm báo Văn cũng bị cản trở bởi những chuyến đi đó. Và những chuyến đi đó cho tôi thấy được sinh hoạt của từng địa phương mà tôi sẽ không thấy rõ nếu không tiếp xúc với anh em của từng địa phương một. Tôi thích nói về chuyến đi này vì trong đó có tình bằng hữu, có sự quen biết, phần lớn là đã có rất từ lâu, từ ba, bốn mươi năm về trước ở quê nhà và sự gặp lại nhau trên quê người là một cái điều không phải chỉ riêng tôi mà tôi nghĩ tất cả mọi người đều yêu thích.
NXH: Ông có biết những chuyến đi xa của ông là sự ao ước của biết bao nhiêu người cầm bút tại hải ngoại. Họ muốn được đi như ông, muốn được đến những nơi có bạn bè cũ như ông, nhưng vì đời sống của họ khó khăn, công việc của họ còn bề bộn, sự ao ước đó chỉ là những mơ tưởng mà thôi. Ông có nghĩ là ông hạnh phúc không?
MT: Nếu mà tự tôi, tôi đã không đi được nhiều như đã đi trong mười mấy năm qua. Nhưng phần lớn có thể nói là có nhiều bạn hữu ở vùng này hoặc vùng khác gọi điện thoại nói cho tôi biết là họ muốn mời tôi đến chơi và đài thọ tất cả những chi phí chuyển dịch như máy bay, ăn ở. Bởi vậy tôi mới có thể đi một cách dễ dàng như thế được. Chứ nếu tôi bỏ tiền túi ra, thì cũng không thể đi bất cứ lúc nào muốn đi là được. Về tờ báo Văn, trong 11 năm nay, đã được làm tại nhà in có thể gọi là một nhà in ở nhà, mặc dầu tôi không phải là chủ của nó nhưng mà nhà in nó rất thân thiết, đó là nhà in Kim Printing bây giờ ở Los Angeles. Nhà in đó đã làm tờ báo Văn 11 năm nay. Họ rất biết công việc của tờ báo được thực hiện như thế nào và tôi chỉ có việc chọn lựa bài vở rồi gởi lên cho họ đánh máy, rồi in, gần như mọi chuyện có thể nói là tôi làm lấy một mình rất nhàn hạ. Do vậy mà tháng nào tôi cũng có thể đi vắng mươi ngày mà tờ báo vẫn được ra đúng thời hạn.
NXH: Hiện nay ông có dự trù cho ra một tác phẩm mới nào không?
MT: Tôi có hai truyện dài viết cho một tờ báo mà người chủ nhiệm như một em gái của tôi. Đó là tờ Sài Gòn Nhỏ do Hoàng Dược Thảo làm chủ nhiệm. Hai truyện đó viết đã xong, tôi đã nhận lời bán cho hai nhà xuất bản ở đây nhưng họ chưa in và tôi cũng chưa đưa bản thảo chung kết cho họ. Bởi vì nếu đưa thì phải sửa chữa lại những chương, những đoạn ở trong hai tiểu thuyết đó. Ngoài ra, các truyện của tôi in ở hải ngoại, so với ở quê nhà thì không có nhiều vì ngày xưa khi còn ở Việt Nam thì nhiều lắm. Ở đây, từ hồi sang được mười mấy năm, mới có năm, sáu tập truyện ngắn và một tập thơ được in mà thôi. Còn hai truyện dài như tôi vừa nói, vì tôi đã nhận lời bán cho hai nhà xuất bản thì thế nào cũng phải giao cho họ, sau khi đã sửa chữa lại một ít.
NXH: Ông vừa nói đến một tập thơ, với tư cách là người đọc, chúng tôi thấy tập thơ Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền được rất nhiều người yêu chuộng. Một số nhà phê bình cho rằng thơ ông trội hơn văn ông. Ông nghĩ sao? Ông có thể nói tại sao từ một người viết tiểu thuyết ông đã nhảy sang làm thơ?
MT: Thời kỳ còn trẻ tuổi, tôi làm rất nhiều thơ nhưng khi vào tới miền Nam Việt Nam, viết văn, làm báo, trở thành một người tiểu thuyết gia thì tôi ngưng làm thơ lại. Tới khi sang đến nước Mỹ, đời sống ở Huê Kỳ có những lúc nó trống vắng quá, không biết làm gì cả, thì trong những khoảng trống, tôi làm ít thơ để chơi thôi. Hoặc là ở trên những chuyến xe buýt hoặc là trong những buổi chiều một mình, tôi làm thơ theo thể tứ tuyệt, thể bốn câu hai mươi tám chữ. Những đoạn thơ ngắn như vậy cũng đã có nghĩa là làm những đoạn thơ đó để chơi thôi. Chứ tôi không phải là một thi sĩ toàn phần. Thí dụ như nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, nhà thơ Tô Thùy Yên, hay nhà thơ Nguyên Sa. Tôi không phải là những người đó. Thế nhưng không ngờ những bài thơ của tôi lọt mắt xanh của anh Đỗ Đình Tuân, giám đốc nhà xuất bản Văn Khoa. Anh ấy rất thích những đoạn thơ của tôi và nằng nặc đòi tôi phải thâu thập lại để cho anh xuất bản thành một tập sách. Do đó mới có tập thơ được in ra. Chứ nếu không có nhà xuất bản hỏi thì ý định in tập thơ không bao giờ đến với tôi hết.
NXH: Trong thời gian ông sống tại Hoa Kỳ, ông đọc và thích tác giả nào nhiều hơn cả. Tại sao? Và qua tạp chí Vănhải ngoại những tác giả nào đã được ông khám phá ra khi ông chọn tác phẩm họ để giới thiệu cho người đọc và những người viết đó hiện nay có còn tiếp tục cầm bút hay không?
MT: Tờ tạp chí Văn từ đầu tới bây giờ, khi có tôi đứng coi sóc là một điểm khởi hành cho những người viết mới và nó đã làm công việc từ ở Việt Nam cho tới bây giờ. Nói rằng là tôi thích một nhà văn nào hoặc là đã thành danh hoặc nằm ở trong những người viết mới, thì miễn cho tôi câu trả lời đó bởi vì người nào tôi cũng quý trọng ngang nhau hết. Nhưng tôi đặc biệt yêu mến một lớp nhà văn trẻ khởi viết từ ở hải ngoại bởi vì đó là một điều rất bất ngờ đối với tôi. Thoạt đầu, tôi nghĩ là những người trẻ tuổi cũng có ở trong đời sống hải ngoại với dòng mưu sinh chật vật bây giờ và với những chân trời mới của những người trẻ tuổi, nó không phải là cái chân trời của văn chương, mà chân trời đó đã có một cách rất tốt đẹp với những lên đường số nhiều, ở trong đó có một đặc điểm là rất nhiều những nhà văn phái nữ. Họ viết rất được, họ là những người chưa từng viết ở Sàigòn bao giờ. Sang đến bên này, chẳng những họ không hề quên ngôn ngữ của tiếng Việt mà lúc viết ra thành văn, trở thành nhà văn thì họ trở thành một nhà văn mới rất là xuất sắc với văn chương của họ, không thua gì những người viết ở nhà hồi trước. Đó là tôi nói chung chứ nói riêng biệt ra một người nào thì tôi không muốn kể ra ở đây, bởi vì kể thì tôi phải kể rất nhiều người trong cùng một lúc. Còn những người đã cùng, từng làm văn học nghệ thuật với tôi ở bên nhà thì bây giờ tôi rất là vui thích có nhiều người tuổi đã cao nhưng vẫn còn làm văn học nghệ thuật khiến cho cái dòng văn học nghệ thuật ở hải ngoại chúng ta có cả lớp người trước, có cả lớp người mới đã là một điều rất là đặc biệt.
NXH: Ông có đọc hay theo dõi đời sống văn học trong nước không?
MT: Cái đọc một đời của tôi ưu tiên là đọc những bằng hữu của tôi trước đã. Những bằng hữu đó, trong suốt mấy chục năm vừa qua, đã phải đi vào con đường khổ hình gọi là đi tù. Cộng sản bắt đi tù, họ không còn viết được gì nữa, hoặc là những điều họ viết ra đều không được nhắc, in ra, không được phép phổ biến. Bây giờ thì một phần lớn đã sang đây, tôi đã gặp lại họ. Còn văn chương ở ngoài Bắc thì tôi chỉ đọc một số sách, báo mà người đem đến cho tôi mà thôi, chứ không có chuyện tìm đọc những sách, báo đó. Mặc dầu tôi biết ở Pháp, ở Canada, có chỗ phổ biến những sách báo của Hà Nội. Chỉ bởi vì tôi không thích. Trong một chế độ như chế độ vô sản chuyên chính ở Hà Nội tôi coi văn chương có ở trong chế độ đó là thứ văn chương phục tòng chế độ, không có tự do. Cho nên nếu nói chung, thì những sách báo của Hà Nội tôi đọc ít thôi, không có nhiều. Đọc lại những cái của Nguyễn Bính, của Quang Dũng, của Văn Cao, là những người tôi đã yêu mến họ từ thời kỳ Tiền chiến, đọc tôi còn thấy thích, thấy lại họ sau bao nhiêu năm với văn chương, chữ nghĩa của họ. Còn những người sau này thì tôi đọc rất ít, mà tôi cũng không có ý kiến gì cả. Bởi vì cái đọc của tôi đã như vậy thì những nhận xét của tôi cũng không thể nào tới nơi tới chốn được.
NXH: Ông nói ông ít có dịp đọc những tác phẩm trong nước, điều này cũng có thể hiểu là ông đã có đọc qua đôi cuốn. Xin ông cho biết ông đã đọc những cuốn nào và nếu có thể ông cho biết ý kiến của ông?
MT: Tôi có đọc mấy cuốn tiểu thuyết của Dương Thu Hương, một hai cuốn của Phạm Thị Hoài, một vài truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Đó là những người đang được ở trong nước và cả ngoài nước, nhắc đến họ như là những nhà văn có một tinh thần đối kháng nào đó đối với chế độ. Một số những sách của những tác giả vừa kể tôi thấy cũng là được thôi. Chứ không có gì là xứng đáng để gây một chấn động hết. Và tôi chỉ thích có mỗi một điều là những lúc được ở trong văn của họ thì rất giống với văn chương, mà họ gọi là "văn chương ngụy" của miền Nam Việt Nam. Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài..., cái lúc được nhất của họ là cái lúc họ ở gần chúng ta nhất... Tôi không nghĩ rằng mình nói như vậy là hơi quá, nhưng tôi nghĩ một phần như vậy là vì họ đã bắt chước cái cách viết tiểu thuyết, cách viết truyện ngắn của những nhà văn ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975.
NXH: Theo ông, có một thứ văn chương trong nước và văn chương ngoài nước hay không? Và có chăng một dòng văn chương phản kháng trong nước?
MT: Ở ngoài nước, trong thời gian gần đây thôi, chứ trước không có chuyện ấy, có một số tạp chí, tờ báo, đã đề xướng một chủ trương như là không còn có biên giới, không còn có biên thùy giữa trong nước với ở ngoài nước nữa, và đưa ra cái gọi là trình bày và phổ biến một số các bài báo, hoặc là một số các tác phẩm của những người ở trong nước. Nói cho rõ là của những người chuyên làm báo ở Hà Nội. Công việc đó, tôi không làm và tôi cũng không đồng ý. Bởi vì tôi cho rằng công việc đó chưa tới lúc làm được, chưa đem lại được một kết quả tốt cho ở trong nước lẫn ở ngoài nước. Bởi vì chế độ chúng ta không thể chấp nhận được. Và những khi nói về Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, hay Phạm Thị Hoài, nói đó là những tác phẩm chống đối chế độ, thì sự chống đối đó chưa được rõ rệt. Điều thứ hai sự chống đối đó, theo như tôi thấy, bây giờ lại gần như là bị ngưng đọng lại rồi. Bởi vì nó không đến đâu, hoặc là những nhà văn đó không còn có bản lĩnh, một bản lĩnh chống đối tới cùng, hoặc là những sự chống đối đã bị đè bẹp bởi chế độ. Nhưng việc làm của những tờ báo ở đây, ở trên chiều hướng đó, tôi cũng không có ý kiến gì. Mỗi người làm một việc, thực hiện một diễn đàn thì phải chịu trách nhiệm với công việc của mình. Mà những anh em làm báo đối với tôi là quen biết hết cả. Tôi chỉ có nói với họ như vậy mà thôi. Nghĩa là làm một điều gì, chủ trương một chủ trương nào, thì phải suy nghĩ cho kỹ về cái hơn thiệt cho công việc chung. Tôi nhắc lại điều đó, tôi cho rằng các trao đổi, các giao lưu ở trong nước với ở ngoài nước phải ở trong một không khí mới, là một không khí cởi mở rõ rệt. Ở trong nước cũng như ở ngoài nước, phải có tự do cho con người, phải có quyền sống, quyền làm người cho con người mới được. Chứ còn các chữ nghĩa của Hà Nội, họ cho phép được in ra, thì nhiều khi do một mục đích ngắn hạn của họ để họ tạo ra một ảo tưởng đã có cởi mở hay cởi trói gì đó. Họ tạo ảo tưởng đó mà thôi, chứ họ dẹp đi là họ dẹp, chứ không phải là đã có các thay đổi hoặc đã có những cởi mở đích thực. Điều đó tôi không hề tin, cho đến giờ phút này, tôi thấy không hề có.
NXH: Ông vừa nói đến mấy suy nghĩ về người viết tiểu thuyết trong nước, ông có thể đưa ra một cái nhìn về văn chương Việt Nam hải ngoại. Ông bi quan hay lạc quan, về những ngòi bút mới mà họ vừa xuất hiện trong những năm ở hải ngoại. Ông nghĩ họ sẽ đóng góp như thế nào trong nền văn chương Việt Nam?
MT: Thời gian mấy năm trở lại đây, có một số anh em ở Mỹ và ở các nơi có viết những bài nói về sự bế tắc của những người làm văn học nghệ thuật Việt Nam ở hải ngoại, gióng lên những tiếng chuông báo động về sự bế tắc đó. Tôi không hề đồng ý với chuyện đó bao giờ. Tôi thấy rằng từ 1975 ra đến nước ngoài, văn học nghệ thuật hải ngoại của chúng ta dẫu chưa làm được tất cả những điều mà nó muốn làm, nó đã tạo dựng những điều chính là có một nền văn học nghệ thuật hải ngoại đích thực ở đây. Chúng ta coi thường văn học nghệ thuật của Hà Nội, của chế độ ở nhà là có lý do để coi thường nó, bởi vì chúng ta có một nền văn học nghệ thuật ở đây, tôi cho là hơn nhiều đối với nền văn học nghệ thuật phát đi từ Hà Nội. Tôi không có bi quan gì hết, tôi hiểu những khó khăn của tất cả mọi người qua những trở lực của chính bản thân và tôi cho là chúng ta không nên đòi hỏi gì nhiều quá. Hãy để nguyên như vậy đi, rồi nó lên từ từ. Những người không biết nhìn không thấy là văn học nghệ thuật hải ngoại của ta mỗi một ngày một tốt đẹp hơn lên, đâu có điều gì là phải bận tâm hay phải báo động. Chúng ta không có một bế tắc nào cả. Nhưng ở đây, hoàn cảnh làm việc, hoàn cảnh sinh sống đều rất khó khăn, cho nên văn học nghệ thuật hải ngoại của ta trên từng địa hạt này, địa hạt nọ, có những lúc không phát triển được, bởi vì những người ở trong bộ môn đó đang gặp những khó khăn về mưu sinh, đang gặp những khó khăn về đời sống, nhưng đâu phải như vậy là văn học của ta ở ngoài nước là đi xuống, là bế tắc! Không, tôi không nhìn thấy điều đó bao giờ mà tôi cho là nói chung, rất được, rất đáng khen ngợi bởi vì hoàn cảnh và thị trường chữ nghĩa của chúng ta từ bao nhiêu năm nay ở ngoài nước, không thuận tiện cho công việc làm của tất cả mọi người mà chúng ta đã cố gắng làm tất cả những gì chúng ta có thể làm được.
NXH: Tôi chia sẻ sự lạc quan ấy của ông. Xin được trở lại chuyện những bài thơ của ông có thể đọc những câu thơ mới nhất, hay những câu thơ thích nhất của ông?
MT: Câu hỏi này cũng hơi kẹt cho tôi, bởi vì tôi tối kỵ đọc thơ của mình kể cả trong lúc sinh hoạt thân mật nữa. Bây giờ lại đọc thơ đó cho biết bao nhiêu người nghe nhưng tôi cũng nể anh tới đây, tôi đọc bốn câu thôi. Bốn câu thơ ở trong thơ mà tôi đã nói là những câu thơ làm chơi lúc cuối đời cho đỡ buồn, chứ không phải tôi là một thi sĩ toàn phần. Bốn câu thơ nằm ở trong tập Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền:
“Em đi vừa khuất trên đầu phố
Anh đuổi theo sau bóng đã nhòa
Đứng sững mới hay lìa cách đã
Sơn cùng thủy tận giữa đôi ta”
NXH: Xin được hỏi ông một câu sau cùng, ông có nhắn nhủ gì với những người viết mới hiện nay ở hải ngoại cũng như những người cầm bút ở trong nước?
MT: Những anh chị em mới viết ở ngoài nước và các anh chị em nếu còn viết được ở quê nhà, tôi chỉ muốn nói một điều duy nhất: ở với văn chương, ở suốt cuộc đời, không làm thơ, không viết văn nữa nhưng ở với văn chương thì ở hết cuộc đời của mình. Đó là một điều tuyệt diệu. Cố gắng ở với nó, sẽ thấy nó là một điều tuyệt diệu, nếu ta ở được với nó không phải chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, mà tôi nhắc lại là ở với nó đến suốt cuộc đời./.
California 1993

____________

Hồi ký viết sớm

Võ Phiến nhận thấy truyện Nguyễn Xuân Hoàng có “dáng dấp đặc biệt”: “(tác giả) cẩn thận kết cấu nên những công trình hững hờ mà kiểu cách” (xem Văn học Miền Nam).Hững hờ là không có nội dung. Kiểu cách là có một hình thức nhất định. Dĩ nhiên chính cái hình thức cố ý ấy nó cũng là một thứ nội dung. Văn “hững hờ mà kiểu cách” là văn không chứa gì khác ngoài cảm xúc mỹ thuật của nhà văn... (Thu Tứ)

Tôi gọi đoạn văn này là "Hồi ký viết sớm" theo như gợi ý của Nguyễn Hưng Quốc cho tạp chí Việt qua chủ đề: Họ Viết Văn Làm Thơ Như Thế Nào?
Tôi viết trong sự thúc bách trước một chuyến đi, mặc dù đã được dự trù trước, nhưng phút chót có một vài việc cần giải quyết trong toà soạn thành ra thời giờ dành cho bài viết này bị mất. Tôi chỉ ngồi trước máy sáng nay gõ những trang chữ này, trước giờ lên phi trường. Tôi biết đây không thể là một bài viết ưng ý, theo suy nghĩ của tôi. Tôi mong được viết lại sau chuyến đi, nếu Nguyễn Hưng Quốc chưa mang tạp chí Việt đến nhà in. Nhưng tôi cũng biết có lẽ đã là không kịp. Tôi không bao giờ chạy kịp sau một chuyến xe nào hết. Bài viết này không nhằm trả lời trực tiếp vào chủ đề mà tờ Việt đưa ra. Nhưng tôi nghĩ, dù sao nó cũng đáp ứng được tựa đề "Hồi ký viết sớm" của một người cầm bút. Tôi mong được các bạn tha thứ về những lời tự thuật hơi luộm thuộm chưa kịp hoàn chỉnh này.
Gia đình tôi, cụ thể là cha mẹ tôi, không phải là những người sính chữ nghĩa. Trong nhà tôi không có tủ sách. Nếu nói chuyện sách vở thì đó là những bộ truyện Thuỷ Hử, Tam Quốc Chí, Đông Châu Liệt Quốc... do mẹ tôi thuê để tôi đọc cho bà nghe mỗi buổi tối trước khi đi ngủ. Những cuốn tiểu thuyết dày cộm, giấy xấu, bìa ngoài thường là giấy loại dày màu xám không thấm nước, đóng bằng chỉ sợi lớn, lật ra rất khó. Những tiểu thuyết chương hồi này thực sự có khêu gợi trí tưởng tượng của tôi, khi tôi vừa đánh vần vừa đọc cho mẹ tôi nghe, nhưng tôi hoàn toàn không bị nó mê hoặc và nó cũng chẳng gợi trong tôi một ý niệm nào về chữ nghĩa. Ngay cả những nhân vật đầy tính chất truyền kỳ của nó tôi cũng không nhớ.
Lớn lên một chút tôi xa gia đình, đến ở nhà ông chú tôi. Tôi không còn cơ hội đọc truyện cho mẹ tôi nghe nữa. Ở nhà trường, tôi không phải là một học sinh xuất sắc. Mặc dù môn toán tôi thường đạt điểm cao, nhưng các bài luận văn tôi thường bị thầy dạy môn Văn là giáo sư Ph. Ng. mang ra phê. Sau khi đã đọc và hết lời khen ngợi những bài hay của các học sinh giỏi, thầy cũng đọc bài tôi cho cả lớp thưởng thức, vì... dở quá. Đôi khi thầy trích vài đoạn văn ngô nghê của tôi đọc to lên và cả lũ nhờ đó có được những trận cười thoải mái. Tôi thù ghét môn Văn. Và tôi hay trốn những buổi học có thầy dạy Văn để ra bãi biển ngồi một mình nhìn trời nước và nghe sóng biển.
Đó là thời gian trường tôi nổi lên hai “thi sĩ”: Duy Năng và Nguyễn Đức Sơn.
Thật ra, tôi không biết mình muốn gì? Tôi không biết mình sẽ sống ra sao?
Năm học sau cùng tôi vào Sài Gòn, được nhận vào trường Petrus Ký. Tôi học ban B, là ban Toán, như cách phân loại thời đó. Ở Petrus Ký hầu hết học sinh đều giỏi. Tôi chạy đua mệt nghỉ với các bạn cùng lớp. Ra trường, tôi ghi danh vào Đại học Khoa học, lớp PCB (viết tắt các môn học Physique, Chimie và Biologie). Tôi có ý định theo ngành y khoa.
Đó là năm đầu tiên tôi bắt đầu đọc truyện. Tôi đọc Võ Phiến, Nguyên Sa, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên, Doãn Quốc Sỹ, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc... Tôi cũng đọc Phạm Công Thiện và Nhất Hạnh. Rồi tôi đọc André Gide, St. Exupéry, Marcel Proust, Hermann Hesse, Francois Mauriac, André Maurois, Camus, Sartre, Dostoievsky, Tolstoi... Tôi đọc cả Hemingway, Faulkner, Tennessee Williams, Arthur Miller... Đọc bản dịch Việt ngữ lẫn bản tiếng Pháp... Gặp sách gì cũng đọc, ngấu nghiến. Có cuốn đọc hiểu. Có cuốn không hiểu gì cả. Tôi tìm kiếm mò mẫm để không bị lạc. Nhưng tôi bị lạc thật. Cuốn sách tôi thích lúc đó là Bếp Lửa của Thanh Tâm Tuyền. Và tôi thấy các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học ở nhà trường sao mà buồn chán.
Thế giới văn chương kỳ ảo và đầy hấp lực, mặc dù lúc đó tôi ao ước mình trở thành nhạc sĩ hơn là nhà văn.
Tôi mê âm nhạc Phạm Duy. Và thích nhạc bạn tôi: Trịnh Công Sơn.
Chưa hết niên học, tôi quyết định bỏ lớp, vì một lý do mà khi có dịp tôi sẽ viết lại dưới hình thức một truyện ngắn. Tôi ghi danh thi vào ban Triết, Đại Học Đà Lạt. Kỳ thi có khoảng 300 thí sinh, nhà trường tuyển 28 người. Và tôi là người đội sổ. Có hai đề thi để chọn. Tôi không nhớ đề kia, vì nó dính dáng đến một triết gia mà tôi chưa bao giờ nghe tên (vì có học hành gì đâu!), tôi chọn đề với câu nói của André Gide, tác giả La Porte Étroite. Bài luận văn của tôi phải là một bài dở nhất thế giới. Tôi nghĩ, mình thi chơi không đậu thì thôi, vì tôi cũng đã thi vào một trường khác và tôi đã được nhận. Buổi học đầu tiên Linh Mục giáo sư Alexis Cras sau khi chào mừng cả lớp, đã gọi tên tôi đứng dậy cho Cha biết mặt và Cha mỉm cười nói bài luận văn của tôi là một trường hợp đặc biệt. Cha không giải thích thế nào là đặc biệt, nhưng tôi biết đó là một bài viết được vớt vì người viết chẳng có chút kiến thức giáo khoa nào về triết cả.
Đà Lạt là một thành phố xa lạ. Tôi sống xa gia đình từ nhỏ, sẵn sàng thích ứng với mọi hoàn cảnh. Nhưng Đà Lạt là một thành phố đẹp quá. Tôi choáng váng trước vẻ đẹp của sương mù và nỗi cô đơn. Khi rời Sài Gòn ra đi tôi chỉ mang theo một bàn chải đánh răng, một cuốn sách, một cái áo len dày và một bộ quần áo để thay. Đêm đầu tiên, trong căn phòng ký túc xá rộng tôi thấy mình bơ vơ, trơ trọi, lạnh thấu xương.
Bài thơ đầu tiên tôi viết là một bài lục bát lấy tên là "Mang mang":
Từ xa phố chợ đến giờ
Chân quen bỏ lệ gõ bờ lộ quen
Hoang vu chín đến độ thèm
Lạnh tàn nhẫn rót vào đêm lên đường
Mùa sương phố núi mù sương
Nhịp buồn hút gió hồn nương sao rừng
Chuyện linh hồn với bản thân
Bàn tay thượng đế, mộ phần chiêm bao...
Tôi gửi bài thơ về Sài Gòn cho tạp chí Hiện Đại. Và may mắn sao được Nguyên Sa chọn đăng. Bài thơ viết đã lâu, tưởng đã quên. Thế mà ngạc nhiên làm sao, khi đến Mỹ, nhà văn Bùi Bảo Trúc là người đầu tiên (và có lẽ là người duy nhất,) cười cười đọc cho tôi nghe bài thơ đó và đố tôi tác giả là ai?
Sau bài "Mang mang", tôi viết "Mù sương", truyện ngắn đầu tay, đăng trên tạp chí Văn Học do Dương Kiền và Phan Kim Thịnh chủ trương.

Tại sao tôi làm thơ? Tôi không tìm thấy câu trả lời. Tôi đã viết như thế nào?
Tôi cũng không rõ.
Chưa bao giờ tôi đặt một câu hỏi như thế cho các bài viết của tôi.
Tôi viết không phải vì có điều gì cấp bách trong lòng, nếu không viết ra thì không chịu nổi. Tôi cũng không bao giờ có ý nghĩ ngông cuồng là đi cùng trời cuối đất như Tư Mã Thiên để viết cuốn Sử Ký. Hoặc đọc thiên kinh vạn quyển để làm một học giả như Nguyễn Hiến Lê. Tôi viết vì trước hết tôi muốn kể một câu chuyện, nhưng vấn đề là cách kể như thế nào. Chuyện của ai? Tại sao phải kể câu chuyện đó? Kể cho ai nghe? Kể làm gì? Có khi trả lời được, có khi ú ớ. Mấy tác giả tôi đã đọc có phải là những người kể chuyện không?
Tôi nhớ mới đây, nhân cái chết của nhà văn Morris West, một tác giả người Úc, Hoàng Ngọc-Tuấn viết trên Văn một bài rất đặc sắc về tác giả này. Theo Hoàng Ngọc-Tuấn, Morris West không phải là nhà văn ông hâm mộ.
Ông [Morris West] không phải là một biểu tượng tập trung của sự sáng tạo văn chương. Ông không nỗ lực xây dựng một hệ thẩm mỹ mới, không phát hiện những kỹ thuật viết mới, không mở rộng thêm định nghĩa về văn chương. Ông chỉ dùng cây bút để kể chuyện.[1]
Tôi rất thích cách đặt vấn đề của Hoàng Ngọc-Tuấn, khi ông phân biệt hai hướng văn nghệ ở các nước tiền tiến:
một hướng nhắm vào việc thí nghiệm, khám phá và thực hiện những ý niệm thẩm mỹ mới; một hướng nhắm vào sự ứng dụng những phong cách, kỹ thuật và phương pháp sáng tác sẵn có vào việc tiêu khiển quần chúng. Cả hai hướng đều cần thiết, và một xã hội lành mạnh phải phát triển đồng thời cả hai.[2]
Hoàng Ngọc-Tuấn cho Morris West là một cây bút tài ba suốt đời đã liên tục kể những chuyện hấp dẫn làm bao nhiêu người trên thế giới say mê, và cuối cùng ra đi với lòng yêu nghề trọn vẹn.[3]
Tôi chỉ là một người kể chuyện. Nhưng không phải là một người kể chuyện giỏi.
Ở Đà Lạt ba năm tôi chỉ viết được hai bài (một bài thơ và một truyện ngắn) và làm tờ báo Sinh Viên số 1. Nhà văn Huỳnh Phan Anh sau này là người làm tiếp tờ Sinh Viên đánh số 2. Người bạn trên tôi một lớp và là người nghiên cứu rất kỹ về tiểu thuyết Pháp lúc bấy giờ là anh Hoàng Ngọc Biên. Anh là người đã mang đến cho tôi những hiểu biết đầu tiên về “tiểu thuyết mới”, thứ tiểu thuyết “chống lại tiểu thuyết tâm lý học, chống lại cái thói hay đưa ra cho độc giả, thay vì những sự việc ý thức sơ khai (một loạt ấn tượng không lớp lang)” là một loat kể lể do sản phẩm của trí óc đầy luận lý và khô rỗng. Tiểu thuyết-phi-tiểu-thuyết với Alain Robbe-Grillet (nhà xuất bản Minuit) và Nathalie Sarraute, Michel Butor, Claude Simon... Alain Robbe-Grillet khẳng định trong truyện của ông “biến cố xảy ra ngoài vòng tâm lý học, vốn là thứ khí cụ quen dùng của những người viết tiểu thuyết trước đây.”
Tôi hiểu là tôi rất thích thú một cái nhìn về tiểu thuyết mới này.

Trở lại Sài Gòn, tôi vào dạy môn Triết ở trường học cũ: Petrus Ký. Đây là thời gian tôi viết một loạt truyện ngắn khác, được nhà xuất bản Thời Mới của Võ Phiến nhận in tập truyện đầu tay với tựa đề Mù Sương (nxb Thời Mới, Sài Gòn, 1966). Một tập truyện mỏng, trần trụi, không lời tựa lời bạt. Tôi viết theo những gì tôi nghĩ như một bước đi ra khỏi con đường tiểu thuyết tâm lý cũ của những tác giả đi trước. Tập truyện ngắn lấy tên là Sinh Nhật do Văn Uyển của Trần Phong Giao ấn hành (Sài Gòn, 1968.) Một tập tùy bút Ý Nghĩ Trên Cỏ, do nhà Nguyễn Đình Vượng in (Sài Gòn, 1971). Và một tập sách mỏng Bất Cứ Lúc Nào Bất Cứ Ở Đâu (Văn Uyển, Sài Gòn, 1970). Trên tờ Văn thời Trần Phong Giao làm Thư ký toà soạn, tôi cho in từng kỳ truyện vừa Khu Rừng Hực Lửa, chối bỏ thứ tiểu thuyết tâm lý trước đó. Khu Rừng Hực Lửa được nhà xuất bản Đêm Trắng của Huỳnh Phan Anh in lại, như một thứ tiểu thuyết thuộc nhóm những người viết “khác” của Sài Gòn giai đoạn này, với Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Quốc Trụ, Nguyễn Nhật Duật, Đặng Phùng Quân.
Mới đây, trong cuốn tạp ghi Nơi Người Chết Mỉm Cười, nhà văn Nguyễn Quốc Trụ, trong bài "Tiểu thuyết mới ở Việt Nam", có nhắc đến bài phỏng vấn của nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh, theo đó tôi có đề cập đến Huỳnh Phan Anh và Hoàng Ngọc Biên, cùng những người viết trong nhóm tiểu thuyết mới ở Miền Nam trước năm 1975. Tôi có trả lời Nguyễn Mạnh Trinh rằng tôi không “mặn” với món tiểu thuyết mới. Thế nhưng, theo Nguyễn Quốc Trụ thì trong những tác phẩm đầu tay của tôi, trong cuốn Sinh Nhật (thật ra là cuốn Mù Sương) chẳng hạn.
Ông [Nguyễn Xuân Hoàng] đã không chấp nhận nhân vật tiểu thuyết như một con người có cá tính, có một đời sống tâm lý, sinh lý, có một hoàn cảnh xã hội đặc biệt... Ông chọn một người không có cá tính, đại khái như vậy. Và như thế, vô hình chung ông đã chấp nhận, một cái gì đó, của tiểu thuyết mới, khi trào lưu này không thể nào quan niệm một thứ văn chương đồng hóa con người vào những tình cảm ỷ ôi, sướt mướt, con người như là một con vật bị “hãm hiếp” bởi thất tình, hỷ nộ ái ố...”[4]
Nguyễn Quốc Trụ nói đúng. Nhưng tôi nói tôi không “mặn” có nghĩa là tôi “không mặn” chứ tôi không hề chối bỏ cái nhìn mới trong cách thể hiện các sáng tác của mình. Tôi nhắc lại điều này để nói tại sao tôi viết cuốn Kẻ Tà Đạo (nxb Nguyễn Đình Vượng, 1972) như một cách trả lời cho người đọc nói rằng thứ văn chương mà bọn chúng tôi, qua nhà xuất bản Đêm Trắng của Huỳnh Phan Anh và các bạn tôi, là “thứ văn chương viết để không ai hiểu!” Cuốn Kẻ Tà Đạo lúc đầu tôi định ghi: “Cuốn sách này dành tặng cho những người cần thứ văn chương dễ hiểu.” Nhưng sau cùng tôi đã rút lại lời ghi đó vì một lý do riêng.
Sau năm 1975, mười năm ở lại Sài Gòn, tôi có dịp đọc những cuốn sách miền Bắc, những tác phẩm dịch của Nga. Tôi yêu thích Bông Hồng Vàng, Konstantin Pautopsky, bản dịch của Vũ Thư Hiên, yêu thích Dagestan Của Tôi của Raxun Gamzatov, thích những bài thơ của Xuân Quỳnh, kịch Lưu Quang Vũ... đó là những tác giả có vẻ như có khả năng đứng ra ngoài cơn lốc thời cuộc. Nhưng tôi vẫn thấy cầm bút sao mà khó. Tôi đọc Bertolt Brecht, và tôi khám phá ra ông đang nói giúp những người cầm bút những suy nghĩ trong một chế độ mới: Nói chuyện với cỏ cây cũng là điều tội lỗi. Người ta cần phải sống trước, tồn tại trước rồi sau mới nói tới nghệ thuật. Nghệ thuật trong một thời đại hỗn mang đồng hoá với một trò chơi xa xỉ. Nghệ thuật trước hết thuộc về những người được nói, được phát biểu, được trình diễn... và sau đó tiếng nói ấy có nghệ thuật hay không là một chuyện khác. Tuy nhiên đối với tôi, mười năm ấy rất quan trọng. Những ngày trong tù, hay những ngày ngoài đời ngày nào, giờ khắc nào cũng là một bài học cho tôi. Tôi hiểu giá trị của chữ nghĩa hơn, hiểu sự run sợ của lời nói, hiểu cái bóng tăm của những chiếc miệng câm, hiểu bầu trời sao hôm nay không xanh, sao nắng không vàng, sao gió không heo may. Tôi hiểu cái bóng mình đổ đàng sau lưng chính là nấm mồ của chính mình. Tôi hiểu cái bóng nắng ngã ra đàng trước chính là vết thẹo của quá khứ. Tôi cười nói như một người ngô nghê, phát biểu linh tinh như một tên láu cá chợ trời. Tôi là Tôn Tẫn. Tôi là Bàng Quyên.
Mười năm sau, đặt chân lên đất nước này, tôi đã không còn tuổi trẻ. Trong văn chương ở đây tôi gặp lại một nền văn chương ở đó. Người ta dụng văn như một phương tiện. Những chiếc áo ngụy bán trong kia, và những chiếc nón cối bán bên này. Những người chống đối nhau nhưng sử dụng chữ nghĩa giống nhau như hệt. Phỉ báng, lăng mạ, chửi rủa, buộc tội... Giống nhau cho cả người thua kẻ thắng. Văn học nghệ thuật đích thực chỉ còn là một vùng đất nhỏ, bên này cũng như bên kia. Tôi học rất nhiều bằng sự câm lặng.
Hiếm lắm, tôi mới đọc được những bài phê bình lý luận văn học của Nguyễn Hưng Quốc, Bùi Vĩnh Phúc. Và gần đây tôi đọc những suy nghĩ về nghệ thuật của Hoàng Ngọc-Tuấn. Tôi đọc Trần Vũ, Nguyễn Hương ngoài nước tôi đọc Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh... trong nước.
Tôi khám phá ra chữ nghĩa của tôi đã không còn Chàng và Nàng, tôi lược bỏ không thương tiếc những tĩnh từ trong câu văn tôi. Tôi sợ những chữ mình viết ra chưa ráo mực đã cũ, như tấm ảnh rửa bằng thứ nước thuốc xấu, bị ố vàng dưới ánh sáng. Nhiều cuốn sách viết trước 1975 giờ đọc lại đã thấy cũ. Những đề tài thời thượng nhanh chóng bị đào thải. Tôi sợ những trang chữ của mình. Tôi cố đơn giản cùng cực trong cách dùng chữ. Tôi tránh cái sướt mướt. Tôi muốn những câu văn khô. Tôi "không ưa một nhà văn nói lý quá nhiều. Họ chỉ làm như vậy khi họ không còn tin vào cái lực của ngòi bút họ. Khi một người đàn bà đã qua thời nhan sắc vẫn thường bình luận nhiều về tình yêu, ghen tuông nhiều hơn và chẳng chịu thừa nhận bất cứ sắc đẹp của ai." Ai đã nói câu đó vậy?

Trong một bài viết cách đây chín năm, dưới tựa đề "Khoảng trống ai lấp được trong tư tưởng nhà văn", Nguyễn Huy Thiệp viết:
Nhà văn nào mà chẳng bất lực trước trang giấy trắng? Giá trị đến như Truyện Kiều mà Nguyễn Du thiên tài cũng chỉ mơ ước “mua vui được vài trống canh.” Giá trị văn học thường chỉ được người ta nhắc đến khi người viết không còn nữa... Ai lấp đầy những khoảng trống trong tư tưởng nhà văn? Ai? Người nào? May ra chỉ có thiên nhiên. Thiên nhiên sẽ lấp bằng đất, như đã từng lấp mộ các bậc đế vương hoặc bất kỳ một kẻ vô danh không tuổi không tên, không quê hương, không sự nghiệp.
Xin tha lỗi cho những suy nghĩ luộm thuộm đầu Ngô mình Sở của một người đang chuẩn bị chuyến hành hương.

______________

Viết một cuốn đọc nghìn cuốn

Võ Phiến - Nguyễn Xuân Hoàng
(đàm thoại)

Nguyễn Xuân Hoàng (N.X.H): Lần trước ông đề nghị nên bắt đầu thảo luận về ý nghĩa các dữ kiện nêu ra...
Võ Phiến (V.P.): Có lẽ nên thế, ông ạ. Nếu không, lâu ngày ta quên mất đã nêu ra những gì. Rối lắm.
N.X.H.: Chúng ta đã nhận thấy:
– Ngày nay ít đọc sách hơn xưa,
– Ngày nay viết nhiều sách hơn xưa,
– Ngày nay đọc qua quít hơn xưa...
Ðơn giản thôi. Chưa có gì rối rắm. Dù sao, đưa ra cái gì, giải quyết ngay cái đó vẫn hơn.
V.P.: Tôi xin có mấy ý nghĩ về cái qua quít. Theo tôi, đọc mà nhảy lóc cóc, đọc một dòng nhảy một dòng, đọc vài đoạn nhảy một đoạn v.v..., đọc như thế tức là không phải đọc cuốn sách tác giả đã viết ra. Ðọc như thế là đọc một ấn bản đặc biệt, có đục bỏ nhiều khoảng trống. Một ấn bản như thế không phải là công trình nghệ thuật thể hiện phong cách của tác giả, mỹ quan của tác giả...
N.X.H.: “Ấn bản đặc biệt” là công trình hợp soạn giữa tác giả và độc giả!
V.P.: Không được thế đâu. Chữ “hợp soạn” giả thiết một suy tính, cân nhắc, một sửa đổi cố ý. Ðàng này, không có thế. Vừa đọc vừa nhảy, người ta chỉ có thể “thưởng thức” một tác phẩm ngẫu thành, đầy may rủi, xệch xạc, bôi bác. Tác giả thường thoạt tiên làm một bản phác thảo đơn giản, qua loa (hoặc trong trí hoặc trên giấy); từ đó ông ta cặm cụi dựng lên một công trình nghệ thuật. Công trình hoàn tất, được trao qua tay độc giả, tức khắc biến trở lại thành những phác thảo đơn giản qua loa. Cái biến thành ấy là do phép nhiệm mầu của thời đại: phép đọc nhanh. Cái biến thành ấy cũng có thể gọi là sự phá hủy tan tành cố gắng nghệ thuật.
Trong cố gắng ấy, mỗi chi tiết là một tử công phu. Trong phép đọc nhanh, mọi chi tiết đều là những vướng víu cần vượt thoát.
Bao nhiêu tác giả xưa nay đã nhiều lời tha thiết về chi tiết. Tôi không nhớ trong một bức thư nào đó của Tolstoi, ông so sánh văn với hoạ, văn với nhạc, và trong so sánh nào ông cũng nhấn mạnh vào tầm quan trọng sinh tử của cái “một chút xíu”. Trên bức vẽ kém cỏi của người học trò, lắm khi ông thầy chỉ cầm cây cọ phết vào một nét sửa chữa là bức họa có sinh khí. Trong cuộc trình diễn âm nhạc, một nốt nhạc kéo dài hơn hay dứt ngắn hơn, lên cao hơn hay xuống thấp hơn mức độ cần thiết một chút, thế là sức tác động của bản nhạc bị ảnh hưởng tai hại ngay.
Một tác phẩm nghệ thuật chỉ gây được tác động tâm lý mong muốn trong cái hình thức nhất định của nó. Mọi xô đẩy, sai lệch, làm méo mó cái hình thức ấy đều hại tác phẩm. Ông tưởng tượng xem: Một bức tranh xưa của Vương Duy bị dán cắn chỗ này nước mưa dậm chỗ nọ, trông thì vẫn còn nhận ra là chim đậu cành trúc hay đạo sĩ dạo dưới núi đấy, nhưng người xem có còn nhận được cái cảm xúc mà Vương Duy cố truyền vào tranh không? Một bức tranh bị xoá trắng đi chừng dăm ba khoảnh đã không còn là tranh, lẽ nào một tác phẩm văn chương bị xoá đi năm chục khoảng vẫn còn là văn phẩm? Ðối với họa phẩm, nhạc phẩm, không thể sửa đổi chút xíu nào; tại sao có thể bứng từng tảng, từng khối lớn của văn phẩm vất đi? Trong cuốn khảo luận nào về Truyện Kiều đều có phần tóm lược cốt truyện này; đọc xong bài tóm lược, các cô cậu học sinh có thể nào cho rằng mình đã được “thưởng thức” Truyện Kiều, đã biết tài nghệ của Nguyễn Du? Người đọc nhảy còn cẩu thả hơn kẻ soạn sách khảo luận nhiều chứ.
Ðọc truyện không phải là đọc cốt truyện; đọc thơ không phải là đọc ý thơ. Tác phẩm văn nghệ bây giờ bị hất hủi quá lắm. Nó không thể cúi đầu chịu cái nhục ấy mà vẫn còn xứng đáng là nghệ phẩm.
N.X.H.: Ông vừa nói đến cốt truyện và đến vấn đề chi tiết trong truyện. Tôi nghĩ đến Nhất Linh. Nhất Linh coi thường cốt truyện, không muốn gọi bằng cái tên thường gọi là cốt truyện: ông đặt tên nó là “Các việc xảy ra”! Theo ông thì trong một cuốn tiểu thuyết cái đó không quan trọng chút nào, vậy muốn viết nên cuốn tiểu thuyết hay tốt hơn là đừng bận tâm về cốt truyện. Quan trọng nhất là chi tiết. Theo Nhất Linh, các nhà văn hơn kém nhau ở chỗ tìm chi tiết.
Ông có cho rằng nói như thế là quá đáng không?
V.P.: Ối, tôi mà cho là thế này thế nọ thì có nghĩa gì đâu. Có lần trong một cuộc đàm thoại về tiểu thuyết, hai nhà văn lớn của Nhật bản là Yukio Mishima và Kenzaburo Oe cũng đi đến những ý kiến của Nhất Linh.
Thoạt tiên Oe bảo không nên chú trọng quá về chi tiết; Mishima hoàn toàn bác bỏ ý nghĩ của nhà văn đàn em, và cuối cùng đã thuyết phục được Oe. Họ đồng ý với nhau rằng đặc điểm của tiểu thuyết Nhật là sở trường về chi tiết, và đó là chỗ thành công của tiểu thuyết Nhật. Tiểu thuyết là một công trình hư cấu, giả tưởng. Cái giả ấy mà thành tuyệt diệu được là nhờ những chi tiết rất thực. Chi tiết mà thực thì công trình giả cấu hoá nên sống động.
Oe kể rằng ông vừa đọc một câu chuyện cấu trúc lỏng lẻo loạng choạng nhưng có nhiều chi tiết hay. Ông định chê, nhưng Mishima bênh vực. Mishima nói ngay là ông thích Oe cũng chính vì trong truyện Oe có những chi tiết hay, ông khen Oe thành công về chi tiết. Như vậy ở đây cũng lại cốt truyện không cần, chi tiết là nhất. Trong khi ấy, kẻ đọc nhảy đọc nhanh lại nhảy phóc qua đầu các chi tiết, chỉ lo rượt đuổi cái cốt truyện. Ông nghĩ coi: vậy có khốn khổ cho nghệ thuật, có tàn đời nghệ thuật không chứ?
Nhưng trình bày các quan niệm của nhà văn này nhà thơ kia, chuyện ấy làm tôi khổ sở quá. Tôi chẳng đọc được bao nhiêu, mà đọc xong lại chóng quên, mỗi lúc truy tầm tư tưởng của các vị ấy thật là vất vả. Xin phép ông cho tôi xả hơi một chút, bằng cách kể chuyện mình. Nói cái của mình thì về tư tưởng nhất định là nghèo nàn, nhưng về dữ kiện may ra chính xác. Tôi muốn kể với ông vài kỷ niệm, được chứ ạ?
N.X.H.: Ấy, ông cứ tự nhiên. Không nên giữ ý quá đáng, xin tự nhiên.
V.P.: Năm ngoái khi vào nhà thương chịu giải phẫu, tôi bỏ theo trong cặp vài tờ tạp chí và cuốn Kiếp người của Somerset Maugham do Nguyễn Hiến Lê dịch, để đọc lai rai trong khi chờ mổ. Bản dịch của ông Nguyễn đã in ở Sài Gòn, nhưng hồi đó tôi không có dịp đọc. Bây giờ nằm trên giường bệnh đọc gần hết cuốn sách, thỉnh thoảng thấy có điều ngờ ngợ, nhưng vẫn chưa nhận ra là sách quen, và quen từ bao giờ. Bỗng nhiên đến cái chết của mục sư Carey. Người bệnh nằm mê man đã lâu; trong gian phòng vắng vẻ chỉ có mình Philip ngồi canh chừng ông bác già, chờ đợi từ giờ này sang giờ khác. Một con nhặng xanh vo ve đâm đầu vào cửa kính. Bên ngoài trời nắng đẹp, không mây, khu vườn đầy bóng mát. Thình lình nghe có tiếng ọc ọc, ông già run bật bật rồi tắt nghỉ. Con nhặng xanh vẫn còn đâm đầu, đâm đầu hoài vào cửa kính.
Ðến đây tôi vụt tỉnh người. Không những tôi nhớ rõ ràng đã từng đọc cuốn truyện, dần dần lại nhớ đích xác đã đọc ở đâu, lúc nào, trong khung cảnh ra sao. Nhớ bấy giờ là vào khoảng 1944, bốn mươi tám năm trước, nhớ buổi sáng hôm ấy, mùa thu, trời lành lạnh, ở Huế, không hiểu sao tôi lại có mặt tại trường, trong lớp học không người ở tầng lầu một, một mình ngồi đọc cuốn truyện (bấy giờ trong bản tiếng Pháp). Sau gần nửa thế kỷ, một đêm trên giường bệnh ở Los Angeles tôi ngừng giữa trang sách, sống lại cái xao xuyến năm xưa khi gặp cái chết của ông mục sư già, tiếng ọc ọc, con nhặng xanh... Không những thế, không những nhớ cảnh trong sách, mà còn nhớ đến tâm trạng mình lúc bấy giờ. Bấy giờ tôi cũng ngừng đọc giữa trang sách, cũng thẫn thờ, nhìn ra bên ngoài. Trong buổi sáng của thành phố Huế vắng xe cộ, tai nghe từ đâu đó vang lại đều đều tiếng búa đập xuống sắt beng beng... Trí óc dần dần tách rời khỏi cái chết của ông cụ già, tôi chú ý đến tiếng búa nghĩ mãi không biết từ đâu. Và cái tiếng nọ cứ bám vào trí nhớ. Cách chừng ấy thời gian, tôi nghe lại rõ mồn một!
Bao nhiêu biến cố chìm nổi trong cuộc đời điên đảo phong ba của Philip kể lại ở tác phẩm dày cộm nọ đã mờ lạt hết, thế mà cái chi tiết về con nhặng xanh trong cái chết yên lành cứ ám ảnh mãi. Kỳ cục thật.
May quá, cả hai lần đọc tôi đều không nhảy qua chi tiết nhỏ mọn ấy, mặc dù sau này tôi cũng “bận” lắm.
N.X.H.: Xin lỗi. Tôi tò mò một chút. Có phải đó là cách đọc sách riêng của ông? Ý tôi muốn nói lúc nào đọc truyện có phải ông cũng chú tâm lục soát các chi tiết?
V.P.: Ấy, không biết đâu. Tôi không nghĩ mình có riêng một phương pháp, một kỷ luật nào. Vả lại tôi cũng chưa có dịp tự phân tích thói quen của mình. Bất thần bị hỏi, e không có câu đáp đúng đắn. Tuy nhiên có thể nói ngay rằng trường hợp vừa kể không phải chỉ xảy đến một đôi lần. Tôi đã gặp nhiều lần như thế.
N.X.H.: Xin ông vui lòng kể thêm đôi kỷ niệm nữa.
V.P.: Cuộc trao đổi tình yêu bằng mắt giữa Dũng và Loan một buổi trưa trên ngọn đồi ở Quỳnh Nê, tôi đã nói đâu đó rồi, giờ xin được nhắc lại. Những gì đã xảy ra giữa cặp trai gái ấy suốt cuốn Ðôi bạn (của Nhất Linh) khá loằng ngoằng, không phải lúc nào muốn ôn lại cũng dễ dàng. Thế nhưng mỗi lần nói đến Ðôi bạn tôi liền nghĩ ngay đến khoảnh khắc nọ. Nắng chan hoà, tiếng thông reo, thợ gặt nói cười văng vẳng trên cánh đồng dưới chân đồi, vài người bạn nằm ngủ bên cạnh, mắt Dũng gặp mắt Loan nhìn trộm mình, Loan vờ nhắm mắt lại rồi mở mắt ra, hai người nhìn nhau âu yếm qua những lá cỏ rung rung trong gió.
Có những mối tình diễn ra giữa những cuộc đấu hót ríu rít liên tu bất tận (trong Vợ thầy Hương, Chú Tư Cầu của Lê Xuyên v.v... chẳng hạn); có mối tình qua ánh mắt lặng lẽ. Có những đổ vỡ diễn ra giữa tiếng đĩa bát loảng xoảng, tiếng chửi rủa tru tréo, tiếng đay nghiến ác độc; có cuộc đổ vỡ xảy ra trong một tiếng ngáy, đột ngột, ngắn ngủi, phát lên khẽ khàng bên tai mà đủ khiến người nghe cảm thấy sự cách biệt vô phương hàn gắn...
Ánh mắt nọ, tiếng ngáy kia, nó loáng thoáng chợt hiện chợt tắt, khó bắt như một chi tiết nhỏ ở mấy dòng trong pho sách dày; và kẻ không bắt được những cái ấy tưởng chừng không bắt được cái thần của tác phẩm.
Trong cái đọc cũng lắm cơ duyên, ông ạ. Ðọc nhảy, mất hết cơ duyên.
N.X.H.: Ông vừa nói đến tiếng ngáy đổ vỡ...
V.P.: Ấy chết. Tôi nhảy lóc cóc từ chuyện nọ sang chuyện kia, không mạch lạc, không báo trước, khó theo dõi được. Xin lỗi ông. Chỗ này tôi muốn nói về một chi tiết trong cuốn Anna Karénine của Tolstoi. Kể ra, ngay cả cái này cũng đã từng viết ra rồi. Nhân tiện xin trở lại chút xíu thôi.
Lúc bấy giờ hình ảnh của chàng trai Wronski đã ám ảnh Anna Karénine, nhưng trong tâm hồn thiếu phụ còn những giằng co. Ðêm ấy, nàng trăn trở bên cạnh người chồng lớn tuổi. Ông vừa phát lên tiếng ngáy, bỗng vấp một một cái, ngưng nín một lát, rồi lại tiếp tục ngáy đều. Thiếu phụ một mình thao thức, đôi mắt long lanh trong đêm tối, nàng chợt cảm thấy rõ là mình đã đi xa, quá xa. Nàng ý thức rõ cái khoảng cách tuyệt vọng giữa vợ chồng...
Hiện thời tôi không có cuốn sách trong tay. Không biết tôi có nói gì sai lạc chăng, ông bỏ qua cho. Không chừng trí tưởng tượng của tôi đã vô tình xuyên tạc chi tiết của Tolstoi. Dù sao... Lạ chứ ông: Tất nhiên tôi thì làm gì có kinh nghiệm về cái tâm lý của người đàn bà ngoại tình, vậy mà tôi cứ đinh ninh là ông Tolstoi viết “đúng” quá! Còn ông Tolstoi nữa, ngay ông cũng làm gì có được cái kinh nghiệm u ẩn của một thiếu phụ trong trường hợp éo le như vậy? Vậy mà ông viết ra; sâu sắc quá trời. Thần sầu. Kẻ viết cũng như người đọc thấy đều... vô căn cứ! ông có thể bảo thế. Nhưng tôi vẫn có cảm tưởng làm nên giá trị của tiểu thuyết Tolstoi là những cái như vậy, chứ không phải những biến cố ngoạn mục như vụ tự tử của Anna Karénine.
Ông có nghĩ rằng phải cần đến một thiên tài như Tolstoi mới xô nổi thiếu phụ xinh đẹp nọ vào bánh xe lửa không? Hừm, nhiều tác giả còn dám tạo nên những chuyện động trời, gay cấn, khủng khiếp hơn nhiều chứ lại. Ngã vào xe thì nhằm nhò gì.
N.X.H.: Những chi tiết nhỏ nhặt có phải là then chốt thành công của tiểu thuyết hay không, có phải đó là điều kiện cốt yếu của giá trị không? chúng ta không có nhiệm vụ phải quyết định. Dù sao, nó phải có vai trò quan trọng...
V.P.: ... mà sự đọc nhanh phế bỏ hoàn toàn. Ông nghĩ coi: Khi người đọc nhảy thì họ nhảy bỏ những gì? Có ai bỏ qua được một vụ tự tử hay một trận đấm đá, một hành hung, một tai nạn chết người đâu. Chỉ toàn bỏ qua những đôi mắt trao đổi âm thầm lén lút, những tiếng ngáy đứt nối giữa đêm khuya thôi. Mà bỏ qua những cái đó đi! Trời ơi, những trường hợp vừa kể cho thấy khi vứt bỏ những cái đó đi là tiêu tan sức sống của tác phẩm nghệ thuật.
Nghệ phẩm là hư cấu, thì những chi tiết nọ lại rất thực. Chính những cái thực nhỏ thổi sinh khí vào cái giả lớn. Thế nhưng những cái thực nhỏ ấy chỉ trao sự sống, chỉ thổi được sinh khí khi nó được nhìn tới. Không nhìn thấy nó, không đọc đến nó, thì nó nằm đó đầy sách mà nó không hề có. Nó nằm ngổn ngang như rác như rến, lù lù, bẩn thỉu. Nó vô dụng và gây vướng víu. Gây vướng víu cho người đọc sách để biết chuyện, để giải trí.
Kẻ đọc bộ Chiến tranh và Hòa bình trong hai tuần, người đọc bộ sách ấy trong hai đêm, hai độc giả không cùng đọc một tác phẩm đâu. Tuy cùng nêu ra một nhan đề, họ đọc hai tác phẩm khác nhau. Và họ cảm xúc khác nhau xa, khác hẳn nhau. Từ vị trí một công trình nghệ thuật, bộ tiểu thuyết đọc nhanh bị kéo tụt xuống hàng một món giải trí rẻ tiền. Nó không bồi bổ, không làm phong phú cảm xúc của người đọc; nó chỉ giết giúp người ấy một số thì giờ (vốn đã eo hẹp).
Bộ Chiến tranh và Hòa bình vài nghìn trang chăm chút thận trọng từng chữ là tác phẩm nghệ thuật của Tolstoi, còn những bản Chiến tranh và Hòa bình chừng nghìn trang hay dăm bảy trăm trang do các nhà xuất bản rút ngắn hay những độc giả sốt ruột tự ý rút ngắn bằng cách đọc loáng thoáng, cũng gọi là tác phẩm của Tolstoi được sao?
Bản Truyện Kiều 3254 câu, lời lời châu ngọc, là tác phẩm của Nguyễn Du. Chỉ có bản ấy thôi. Giá dụ có những bản Truyện Kiều nghìn câu hay bảy tám trăm câu lưu hành, cũng gọi được là của Nguyễn Du sao? Tác giả những bản nọ chỉ có thể ký tên là “Kẻ đâm sau lưng Nguyễn Du” thôi, Trời ạ.
N.X.H.: Ông nổi dóa rồi.
V.P.: Ai cũng thế thôi, ông ơi. Cuốn Trăm năm cô độc của Gabriel G. Marquez được dịch sang Nga ngữ bị cắt bỏ chỗ này chỗ nọ. Người ta mời tác giả sang Mạc-tư-khoa, ông không sang, dù là sang để nhận tiền bạc, để hưởng tôn vinh mến mộ.
Ðáng thương là những kẻ đã qua đời, những tác giả của các thế kỷ trước viết sách để lại cho các thế hệ sau này: Họ không còn nổi doá được. Tolstoi, ông gom góp từng chi tiết quí báu, ông sửa chi chít bản thảo, ông bắt bà cụ chép đi chép lại những tác phẩm đồ sộ mấy nghìn trang, để rồi...
N.X.H.: Tolstoi, ông cụ ấy giàu sụ, thừa thãi thì giờ và tiền bạc, ông muốn sửa chữa bản thảo bao nhiêu lần, bắt thợ xếp chữ đi xếp lại mấy lần cũng được, giữ lại bản thảo bao lâu cũng được. Theo tôi, trường hợp Balzac mới thực là đáng phục. Ngày nào như ngày ấy, ông uống cà-phê đậm đắng, viết một mạch từ 12 giờ khuya tới 8 giờ sáng. Vậy mà dừng lại điểm tâm và tắm một cái xong, ông lại chúi đầu sửa chữa bản vỗ cho tới xế chiều. Ðoạn nào cũng sửa đi sửa lại năm, sáu lần, sửa chi chít làm điên đầu thợ in. Có những đoạn sửa lại đến mười sáu lần luôn. Sửa đến thế thì toà báo nào, nhà xuất bản nào chịu thấu, tác giả phải xuất tiền túi ra trả công thợ in. Có lần một ông chủ báo sốt ruột không chịu đựng nổi, đã cho in một đoạn truyện không chờ tác giả chữa lần chót và ký tên cho phép in, Balzac liền nghỉ chơi tức khắc, chấm dứt ngay sự cộng tác với tờ báo ấy. Nợ nần đầy đầu, phải viết hối hả tới kiệt lực như Balzac mà cứ nhất định chi tiền, chi thì giờ như ông cho sự toàn thiện toàn mỹ của nghệ phẩm, thật là can đảm dị thường.
V.P.: Balzac rất ý thức về sự can đảm của mình, biết đánh giá đúng mức thái độ cao cả của mình. Ông còn nhớ các cuốn sách đặc biệt tặng những người đặc biệt thân hữu chứ ạ? Ðối với những người như bà De Hanska, bà De Castries, như người chị thân thiết của mình – chị Laure – , như bác sĩ Nacquart vừa là tri kỷ vừa là người săn sóc mình v.v..., Balzac thỉnh thoảng tặng những cuốn sách dày gấp mười lần cuốn sách bày bán cho thiên hạ. Chẳng hạn ấn bản bày bán ngoài tiệm sách dày hai trăm trang thì, cũng chính tác phẩm ấy, bản Balzac tặng người thân dày chừng hai nghìn trang. Bởi vì ông đã cố tình cất giữ các ấn cảo những lần chữa đi chữa lại, rồi ông gom góp, cho đóng chung vào một tập với ấn bản cuối cùng.
Làm như thế, ông tự mình tuyên dương cái công phu miệt mài, cái thiết tha nghề nghiệp, sự hi sinh lớn lao của mình.
N.X.H.: Balzac dứt khoát bỏ một ông chủ báo muốn hạn chế sự sửa chữa của tác giả, là Balzac đã nổi dóa. Balzac nổi dóa thì được, còn chúng ta mà nổi dóa thì hỏng, vì không hợp thời, vì là một sự nổi dóa muộn màng. Muộn mất một thế kỷ.
Vào thời Balzac, ông ta nhất định đòi độc giả phải đọc đúng ấn bản tác phẩm tuyệt hảo, đã được sửa chữa đến nơi đến chốn của mình; bây giờ đâu có tác giả nào được phép đòi hỏi điều kỳ cục như thế. Thời Balzac kẻ nào không thoả mãn sự đòi hỏi ấy, tác giả nghỉ chơi; bây giờ không tác giả nào được phép nghỉ chơi với độc giả, vì đại đa số độc giả đều từ chối, không chịu đọc ấn bản chính. Bây giờ, tác giả cho lưu hành một ấn bản, thiên hạ xăng phú, cứ tha hồ đọc những dị bản linh tinh. Mỗi độc giả có một dị bản riêng của mình. Mỗi tác phẩm có muôn vạn dị bản khác nhau, tự thành rồi tự xoá trong trí mỗi độc giả...
V.P.: Trước hoàn cảnh ấy người cầm bút ngày nay hoàn toàn bất lực, vô phương phản đối; họ phải chấp nhận ngoan ngoãn. Ðó là điều kiện mới, luật mới dù là luật bất thành văn nhưng cứng rắn. Thế hệ sáng tác này phải liệu mà sửa mình chứ ông. Viết một đàng cho người ta đọc một nẻo: phải có cách viết khác, có quan niệm viết khác đi chứ ông.
N.X.H.: Khác ra sao?
V.P.: Ấy. Khoan, khoan đã. Nêu sự kiện; tìm ý nghĩa của sự kiện, ảnh hưởng của nó đến quan niệm sáng tác, lề lối sáng tác v.v... Thế đã là hai bước rồi.
Chưa xong, đã đặt ra vấn đề giải pháp: Giải quyết cách nào? đường lối nào thích hợp? v.v... Thế là vội vàng quá đấy.
5 – 1993

______________

Những trang văn xuôi lương thiện và giản dị

về con người

(Bạt của Nguyễn Xuân Hoàng cho Tháng Ba Gãy Súng – ấn bản đầu tiên)
LTG: Sau cuốn Tháng Ba Gẫy Súng ấn hành năm 1986, mùa hè năm nay Cao Xuân Huy vừa cho ra mắt tác phẩm thứ hai: cuốn Vài Mẫu Chuyện. Trước đó Huy đã gửi cho tôi pdf cuốn sách mới của anh và mấy tuần sau, trong ngày Đại Hội Thuỷ Quân Lục Chiến tổ chức tại San Jose, Huy đã mang theo bản in giấy cho tôi. Chúng tôi gặp lại nhau cùng với Trần Như Hùng, một bạn thân của Huy thời Thuỷ Quân Lục Chiến từ Úc qua cùng tham dự đại hội với Huy. Trong bữa gặp riêng, tôi gọi rượu nhưng Huy không uống, chỉ có Hùng, tôi và một bạn khác của Huy cạn ly thôi. Huy nói bác sĩ cấm anh uống rượu từ lâu rồi. Và Huy cho biết anh không còn khoẻ như xưa. Tuy vậy, tôi thấy Huy vẫn bình tĩnh, cười nói, như không có gì xảy ra cho anh. Cao Xuân Huy vốn là người can đảm và nhìn đời bằng một cái nhìn lạc quan – ít ra lạc quan và bình tĩnh hơn tôi nhiều. Tôi nói với Huy trong tập sách mới này tôi muốn viết về truyện Hành Phương Nam của anh. “Tại sao Hành Phương Nam mà không là truyện nào khác?” Tôi nói với Huy: “Chờ đó, rồi tôi sẽ cho cậu biết tại sao tôi thích truyện này.” Nhưng tôi chưa thực hiện lời hứa với Huy thì anh đã ra đi.
Xin gửi đến các bạn lời bạt tôi đã viết cho Tháng Ba Gẫy Súng, tác phẩm đầu tay của Cao Xuân Huy. Tôi muốn nói với Huy lời xin lỗi. Tôi vẫn còn nợ Huy một lời hứa.

Cuối tháng Giêng 85, cùng với một số đồng bào may mắn muộn màng khác ở đảo Bataan, chúng tôi có tên trong danh sách rời trại tỵ nạn Phi Luật Tân, lên đường đi định cư ở một thành phố miền đông bắc Hoa Kỳ, nơi tôi sẽ được gặp lại cô em út sau mười năm xa cách.
Cảnh vật mùa Đông ở Springfield đẹp mà buồn. Cây cối trụi lá trơ cành khẳng khiu in mờ nhạt trên một bầu trời xám xịt. Mặt đất phủ đầy tuyết trắng lạnh giá. Tuy vậy, tôi còn nhớ rõ trong lòng tôi tràn ngập một niềm hạnh phúc ấm áp. Giờ đây khi bước sang mùa Đông thứ hai, tôi nghiệm thêm một điều là không phải bao giờ tuyết cũng trắng sạch, cũng đẹp đẽ và cũng thú vị như cái cảm giác tôi đã có trong những ngày đầu. Dù sao, đó sẽ lại là một chuyện khác.
Tôi muốn nói, chính trong những tháng ngày thong thả tạm thời này, tôi có một niềm vui là được đọc những trang viết đầu tay của một tác giả mà tôi chưa hề quen biết: Tháng Ba Gãy Súng của Cao Xuân Huy.
Tháng Ba Gãy Súng. Hình như tên gọi của truyện kể là điều trước tiên lôi cuốn tôi. Tựa đề của một cuốn sách vốn đơn giản. Tháng Ba Gãy Súng là sự đơn giản quyến rũ. Tháng Ba là tháng thọ nạn của miền Trung, khi cơn lốc đỏ từ miền Bắc lao xuống địa đầu của chúng ta. Phải một thời gian sau nữa nó mới đổ ập tới Sài Gòn yêu dấu cái Tháng Tư Đen hãi hùng và thống khổ. Cao Xuân Huy đặt câu hỏi: Ai đã bẻ gãy súng của quân đội ta, những người lính dũng cảm, có thừa mưu trí và kinh nghiệm chiến trường? Ai đã làm cho người lính chúng ta bó tay, khi súng còn đó mà đạn đã hết ở trong nòng?
Tác giả cho thấy bên dưới những người và việc là sự mất niềm tin của người lính trận trước một số cấp chỉ huy, những đàn anh “khả kính” đã dứt bỏ hàng ngũ trong cơn quẫn bách để chạy lấy thân, còn thì sống chết mặc bay!
Tháng Ba Gãy Súng vẽ lại cơn hồng thủy của một cuộc chiến không thương tiếc, phủ chụp và vùi dập số phận của cả một dân tộc. Trên bờ cát lạnh lẽo của biến cố, người ta nghe thấy tiếng động của những vòng xích sắt nghiến lạo xạo trên sọ người.
Đó là cuốn sách chứa rất ít nụ cười nhưng rất nhiều máu và nước mắt; niềm vui thì khô cằn mà đau thương và bất hạnh thì màu mỡ phì nhiêu; tàn bạo và căm hờn là bình thường nhưng dịu dàng và thuận thảo là điều xa lạ.
Chữ nghĩa trong Tháng Ba Gãy Súng giản dị, tự nhiên và trong sáng. Nhưng người đọc biết rõ một cách mười mươi rằng để có được những dòng chữ “tưởng chừng như dễ dàng” đó, Cao Xuân Huy đã phải trả một giá khá đắt: sự thách đố của anh với tử thần trong những đường tơ kẽ tóc để đổi lấy phẩm giá làm người. Có thể nói Tháng Ba Gãy Súng đã được viết bằng một trái tim nóng bỏng trước khi được gọt dũa và trau chuốt bằng một bút pháp nghề nghiệp. Nhưng điều này không hề làm hạn chế sức sống của tác phẩm.
Những ai ham đọc sách đều biết rằng các nhà văn lừng danh trên thế giới như Flaubert, Hemingway, Dickens, Tolstoi… đều đã viết bằng một thứ ngôn từ tự nhiên và giản dị.
Trong một lần gặp gỡ tác giả, tôi hỏi anh tại sao lại xếp Tháng Ba Gãy Súng vào thể loại Hồi Ký mà không là Truyện Kể hay Truyện Ký, Cao Xuân Huy trả lời “Bởi vì tôi đã không lồng vào đấy bất cứ một hư cấu nhỏ nào. Tôi viết lại hoàn toàn sự thật những điều mắt thấy tai nghe. Chỉ tiếc một điều là tôi đã không đủ khả năng để viết được tất cả những gì tôi cần phải viết.”
Thật vậy, văn chương vốn cần hư cấu, nhưng hiện thực tự nó cũng thừa sự lớn lao và sâu sắc mà một trí tưởng tượng khiêm tốn đôi khi còn nghèo nàn và nông cạn hơn. Nói cách khác, hư cấu trong một tác phẩm tuy cần thiết, nhưng hiện thực bao giờ cũng là nền tảng để từ đó hư cấu có thể thành hình và đứng vững.
Chính cái hiện thực này đã khiến cho ngòi bút của Cao Xuân Huy có được cái sắc sảo đặc biệt, đồng thời cũng làm cho Tháng Ba Gãy Súng giữ được cái vẻ tươi mát nóng bỏng mà mọi thứ hư cấu rắc rối không sao đạt được. Và nghệ thuật của Cao Xuân Huy nằm ở chỗ làm cho tác phẩm của anh có được sức thuyết phục mạnh mẽ hơn cái nó vốn có trong thực tế.
Thích nhất là những mẩu đối thoại trong Tháng Ba Gãy Súng. Nó nguyên chất, nhưng không dư thừa và tầm thường. Nó chưa bị chảy qua cái máy lọc “văn chương triết lý” nào. Nó sống và chát. Và rất gần với chúng ta. Trả lời câu hỏi động cơ nào khiến anh viết Tháng Ba Gãy Súng, Cao Xuân Huy nói “Không ai là không quay lại nhìn chỗ mình vừa ngã, và cũng không ai là không quay lại nhìn đống phân mình vừa thải. Ngã là lỗi của chính mình và phân có thối cũng là phân của mình. Vậy mà tại sao cả chục năm nay vẫn không thấy ai dám quay lại nhìn cái lỗi đã làm cho mình ngã ngay trên đống phân của mình, ngoài những lời chửi bới và đổ lỗi cho người khác.”
Tất nhiên câu nói của anh còn có chỗ phải bàn thảo lại, suy nghĩ thêm, nhưng ở đây trong khung cảnh đặc biệt của Tháng Ba Gãy Súng, câu nói đó có cách lý giải riêng của nó. Trước khi cầm bút viết lại những ngày tháng của lịch sử một trận chiến mà mình là một chứng nhân, Cao Xuân Huy đã là một sĩ quan chiến đấu thuộc một binh chủng lừng danh chiến trường mà mọi người chúng ta đều nghe tiếng: Thủy Quân Lục Chiến.
Chiến trường, sống và viết, Cao Xuân Huy có đủ những yếu tố đó để viết những trang văn xuôi nóng bỏng của mình. Cao Xuân Huy nói: “Đất nước ta đâu phải là một bàn cờ mà hễ đánh thua ván này thì xóa đi xếp quân làm lại bàn khác, mà tướng vẫn là tướng, quân vẫn là quân, đâu phải những con xe, con mã, con chốt đã chết đều có thể dựng đầu dậy để làm lại một trận đấu mới!” Những suy nghĩ đó của anh không hề có ý định dừng lại ở chỗ chỉ là những điều viết ra để ngẫm nghĩ.
Khi trang cuối của Tháng Ba Gãy Súng được gấp lại, người đọc hình như vẫn cảm thấy còn một điều gì đó chưa xong chưa hết. Cái dấu chấm hết của mệnh đề sau cùng vẫn còn là một lời hứa hẹn sẽ mở ra một trang sách khác.
Dù sao những hình ảnh tàn nhẫn và khủng khiếp, những nỗi lo âu và hãi hùng vẫn còn đọng lại trong ta. Vẫn còn đọng lại trong ta những địa danh, địa hình, địa điểm quen thuộc của một vùng đất quê hương khô cằn, cả thời tiết của đất trời mà da thịt ta vốn từng chịu đựng, và nhất là vẫn còn đọng lại trong ta hình ảnh những con người – trong đó có chúng ta – với số phận hẩm hiu cô quạnh bị bủa vây trong cơn cuồng nộ của những biến cố bạo tàn… Tất cả những người và việc ấy chừng như mới xảy ra ngày hôm qua, vẫn còn luẩn quẩn đâu đây…
Với Tháng Ba Gãy Súng, Cao Xuân Huy đã viết được “những trang văn xuôi lương thiện và giản dị về con người”, điều mà Ernest Hemingway gọi là “trên đời này thật không có gì khó khăn hơn”.
Santa Ana, tháng Tư 1986

______________

Vòng hoa và quên lãng

Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên [30.05.52-03.08.92] là một hiện tượng trong thi ca Việt Nam, hiểu theo nghĩa trong thi có ca, trong thơ có nhạc. Vòng Hoa Và Quên Lãng là tên bài viết của Nguyễn Xuân Hoàng trên nhật báo Người Việt số ra ngày 6.8.1992, thời ông làm tổng thư ký nhật báo này. Tám năm sau, ngày 2.8.2000, ông đã phát triễn từ bài viết trước đây. Để tưởng niệm tác giả Thà Như Giọt Mưa.

1.
Sống trong sự quên lãng và chết dưới những vòng hoa, chuyện đó vẫn diễn ra thường ngày trên trái đất.
Ở đâu có con người, ở đó có sự quên lãng. Và, tất nhiên có cả những vòng hoa.
Cũng là điều dễ hiểu thôi, bởi vì không nợ nần gì nhau thì cần gì phải nhớ. Trí nhớ bao giờ cũng kén chọn. Nó chỉ nhớ những gì đáng nhớ hoặc sẽ chỉ nhớ những gì ta cố quên. Thế nhưng, khi mà hoa vẫn nở và người ta vẫn có khả năng kết được những vòng hoa thì rõ ràng đó là bằng chứng cho thấy con người không bội bạc.
Con người ta sống với nhau mà không bội bạc đã là quí. Đòi hỏi một cái gì khác hơn nữa có là điều quá đáng chăng?
Tôi hoàn toàn không nghĩ như vậy. Bởi vì theo tôi, không ai sống trên đời mà không nợ nần gì nhau. Cái máy chữ tôi đang gõ, trang giấy tôi đang viết, cái ghế tôi đang ngồi... có thứ gì mà tôi không nợ của người khác chứ!
Nếu chúng ta không thể quên được ơn của những người đã sinh ra ta, không thể quên ơn những người đã đổ mồ hôi mang đến cho ta những bữa cơm hàng ngày, những thực phẩm của trần gian, thì chúng ta càng không thể quên ơn những tiếng hát, những bài thơ, những bức tranh,... những thứ làm cho cuộc sống ta văn hóa hơn, người hơn. Thế mà trên thực tế có vẻ như người ta không mấy tử tế với những người đã làm ra các sản phẩm ấy.

2.
Có người sẽ bảo, thực phẩm trần gian là những gì nuôi dưỡng thân xác ta, cũng như khí trời, nếu không có nó thì ta chỉ có chết thôi, chứ còn văn chương với chữ nghĩa, hội họa với âm nhạc,... những thứ ấy thì ăn nhập gì! Trước cái chết của những người Nam Tư trong cuộc chiến hiện nay, liệu ông nhà văn, bà nhà thơ Serbia, Croatia nào có thể làm ngưng được tiếng súng? Đó là chuyện của những nhà chính trị. Nhà văn, thi sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ... chẳng qua chỉ là những người cung cấp cho chúng ta những thứ trang trí trong một ngôi nhà mà thôi. Những thứ ấy là một loại xa xí phẩm. Có cũng được, mà không có cũng chả sao. Nó đâu phải là khí trời. Nó cũng đâu phải là cơm áo.
Người ta cũng nói nhà khoa học làm cho đời sống tiện nghi hơn, nhà chính trị giải quyết những cuộc chiến đẫm máu bằng hòa bình hoặc bằng những... cuộc chiến đẫm máu khác. Văn chương nghệ thuật có làm được điều đó đâu.
Người ta bảo vậy, nhưng có lẽ người ta quên rằng thật ra có những tác phẩm đã làm biến đổi [xấu hay tốt, xét sau!] thế giới. Căn Lều Của Chú Tom của Harriett B. Stowe và nước Mỹ, Cuộc Chiến Đấu Của Tôi của Adolf Hitler và nước Đức, cuốn Le Prince của Niccolo Machiavelli và những thủ đoạn chính trị...Chiến Tranh và Hòa Bình của Lev Tolstoi, Vua Lear của Shakespeare, Truyện Kiềucủa Nguyễn Du,... Vâng, Truyện Kiều của Nguyễn Du từng sống với dân tộc ta bao năm tháng, qua bao thăng trầm của thời đại. Truyện Kiều đã mang đến cho chúng ta niềm hãnh diện của một dân tộc văn hoá. Truyện Kiều, và bao nhiêu tác phẩm văn học nghệ thuật khác của dân gian đã làm cho chúng ta ngững mặt lên mà đi chớ không phải cúi mặt xuống mà bước. Còn Cao Bá Quát, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Nhược Pháp, Nguyên Sa, Võ Phiến, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, ....những thứ ấy đã làm cho chúng ta vượt qua bao nhiêu đoạn đường của một con người.
Một nhà văn Nga có nói: Người ta đâu chỉ sống bằng bánh mì! có thể hiểu rằng ngoài bánh mì còn có những thứ khác không thuần vật chất cũng nuôi sống con người một cách... không thể thiếu được.
Người ta có thể nói nếu thế kỷ này không có một Einstein thì thế kỷ tới thế nào cũng có một Einstein khác, nhưng nếu trước đây chúng ta không có một Nguyễn Du thì không chắc gì thế kỷ sau này sẽ có một Nguyễn Du. Cho nên ta không thể không trân trọng những Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Võ Phiến, Nguyên Sa, những Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái,...
Chính những người đó dù còn sống hay đã qua đời bao giờ cũng đang sống giữa chúng ta, những người đã làm cho đời sống chúng ta có ý nghĩa hơn, đáng sống hơn. Những người đang cùng chúng ta thở chung một bầu không khí, đang cùng chia sẻ với chúng ta những hãnh diện và khổ đau của một dân tộc, những người nói cùng một ngôn ngữ với chúng ta, thế mà không những chúng ta không ngó ngàng gì đến nhau, không thuận thảo nhau, thậm chí còn nguyền rủa nhau... khi vắng mặt, thì nói làm chi chuyện một vòng hoa cho người nằm xuống.
Cái tội lạnh nhạt, thờ ơ với người sống, nhất là những người mà ta chịu nợ thật là một lỗi lầm khó tha thứ. Cái tội ấy làm cho trái đất ta đang ấm áp sẽ lạnh lẽo đi, và đang lạnh lẽo sẽ băng giá hơn. Nó làm cho những trái tim đang nồng nàn sẽ nguội lạnh và những trái tim cằn cỗi sẽ khô cứng hơn. Nó sẽ làm cho thế giới này chỉ còn nơi chứa những sinh vật chứ không còn là nơi ăn chốn ở của con người.

3.
Tôi nhớ những ngày sau cùng của Nguyễn Tất Nhiên ở Quận Cam. Phải thú thực, kể từ khi quen biết anh, cho đến ngày anh ra đi, tôi chưa bao giờ thấy thoải mái với anh. Tôi luôn luôn giữ một khoảng cách với anh, mặc dù bao giờ tôi cũng yêu mến những bài thơ của anh. Tại sao? Tôi không có câu trả lời. Cũng như tôi không thể trả lời được tại sao, lúc nào và bao giờ tôi cũng quý mến Nguyễn Hoàng Nam, bào đệ của Nguyễn Tất Nhiên.
Phải nói rằng thơ Nguyễn Tất Nhiên là một đóng góp hồn nhiên vào đời sống thi ca của chúng ta, mặc dù chữ nghĩa trong thơ anh - nhiều bài - vẫn còn ở thể quặng mỏ của ngôn ngữ. Nó là một thứ nham thạch ròng chưa bị tính bác học của ngoại lai xâm nhập, thẩm thấu và tác hại như một vài dòng thơ Việt Nam đã và đang chảy ra trong thi ca chúng ta.
Thơ Nguyễn Tất Nhiên làm cho đời sống chúng ta ấm áp, thế nhưng, những ngày sau cùng với chúng ta, anh đã sống trong sự lạnh lẽo.
Nguyễn Tất Nhiên bước vào đời như một nhà thơ và anh đã ra đi trong sân một ngôi chùa lặng lẽ như một thi sĩ.
Hoa đã ngập đầy nơi an nghỉ cuối cùng của anh. Người ta đã choàng cho người thi sĩ vòng hoa cuối cùng.
Không nên trách sự lạnh lẽo của người khác khi Nhiên còn sống, cũng chẳng ai trách sự vội vã của những người choàng vòng hoa lên Nguyễn Tất Nhiên khi anh đã ra đi. Bởi vì sống trong sự quên lãng và chết dưới những vòng hoa, chuyện đó vẫn diễn ra thường ngày trên mặt đất.
Nguyễn Tất Nhiên đã đến trong cuộc sống, đã rong chơi cùng chúng ta, và anh đã từ giã chúng ta.
Thà cứ như một giọt mưa đi nhé, Nguyễn Tất Nhiên...
Trước sau gì rồi chúng ta lại chẳng có dịp gặp nhau.
Vaya con Dios!
California [6.8.1992- 2.8.2000]

______________

Nguyễn Xuân Hoàng người và văn

Bùi Văn Phú

nguyen xuan hoang

Anh Nguyễn-Xuân Hoàng bệnh từ hơn một năm qua. Tôi quen anh Hoàng không qua văn học mà qua làng báo hải ngoại.
Tuy nhiên giáo sư Nguyễn-Xuân Hoàng đã là một cái tên quen thuộc từ những năm tôi học trung học đệ nhị cấp, tức cấp ba ngày nay, ở Sài Gòn vào đầu thập niên 1970.
Đường phố Sài Gòn thời đó tràn ngập băng rôn quảng cáo học luyện thi tú tài, nổi tiếng với các giáo sư toán lý hoá cho học sinh ban A và ban B.
Riêng môn triết có tên hai người thày thường được quảng cáo mà tôi còn nhớ là Vĩnh Để và Nguyễn-Xuân Hoàng.
Chương trình lớp 12 ban A có triết nên nhiều học sinh biết thày Nguyễn-Xuân Hoàng qua sách giáo khoa, qua những câu hỏi và trả lời ngắn về tâm lý học, luận lý học.
Tôi chưa được biết đến anh qua văn chương của tạp chí Văn vì ở tuổi đó, tôi mới bước từ Tuổi Hoa sang Tuổi Ngọc.
Quen biết anh ở Mỹ, thân hơn từ ngày anh về Thung lũng Hoa vàng làm báo.
Bên những ly cà-phê, được nghe anh nói ít nhiều về cuộc đời.
Gia đình gốc Xuân Trường, Nam Định, anh sinh ngày 7-7-1940 ở Nha Trang, con áp út trong số mười ba anh chị em.
Là cựu học sinh Võ Tánh Nha Trang và Pétrus Kỳ Sài Gòn, lên đại học có lúc anh học quốc gia hành chánh, dự bị y khoa nhưng cuộc đời không dẫn anh vào con đường hoạn lộ hay cứu nhân độ thế mà lại chệch hướng sang sư phạm với văn chương, triết học ở Đại học Đà Lạt.
Ngày đầu tiên anh bước lên bục giảng ở trường Ngô Quyền, Biên Hòa, rồi một năm sau về trường Petrus Ký ở Sài Gòn, nơi anh gắn bó hơn một thập niên cho đến ngày đứt phim.
Tôi cũng là thầy giáo, thuộc thế hệ đàn em và trưởng thành ở nước ngoài nhưng vẫn nhớ thời học sinh nên thường cùng anh chia sẻ vui buồn phấn trắng, bảng đen, về học trò tinh nghịch.
Nói chuyện toán, lý hóa, vạn vật anh cũng đầy kiến thức, nhưng đam mê là với Nietzche, với Sagan, với Satre.
Thỉnh thoảng anh kể cho nghe chuyện ở quán Cái Chùa nơi văn nghệ sĩ Sài Gòn tụ họp, cùng vài chuyện tình lãng mạn thời trẻ của anh.
Nhưng duyên số đưa đẩy anh Hoàng lấy chị Vy để dòng họ Nguyễn-Xuân và Trương-Gia trở thành sui gia.
Nên vợ chồng từ năm 1973, gia đình với một đàn con cháu và những buồn vui, tủi nhục cuộc đời, từ vượt biển, thăm nuôi cùng chăm lo cho đàn con dại sau khi bỏ phấn, bỏ bảng, bỏ triết đông, triết tây để ngột thở với triết học Mác-Lê không thích hợp với tư tưởng phóng khoáng của nhà văn.

Bụi, rác, mây và sa mạc

nguyen xuan hoang

"Dạy học hay làm báo để mưu sinh, văn học mới là đam mê của anh"

Sau tháng 4/1975 Việt Nam đổi đời. Sài Gòn đổi tên, trường Pétrus Ký thành Lê Hồng Phong và cho nữ sinh vào học.
Thầy Hoàng “mất dạy” sau một thập niên gắn bó với ngôi trường đã đưa vào đại học nhiều sinh viên giỏi để sau trở thành những trí thức đóng góp cho nền cộng hoà Việt Nam.
Cuộc đổi đời của anh, của người thân và cả đất nước là những hiện thân trong “Bụi và rác”, một trong ba quyển tiểu thuyết Nguyễn-Xuân Hoàng viết sau năm 1975.
Hai tác phẩm kia là “Người đi trên mây”, “Sa mạc”. “Bụi và rác (tức Người di trên mây II)” và “Lửa (tức Người đi trên mây III)” là bộ ba tập trường thiên tiểu thuyết về đất nước và những con người Việt Nam sau 1975. Hai quyển đầu đã xuất bản, tái bản.
Đã cho ra đời gần chục tác phẩm, một vài quyển nữa, trong đó có “Lửa” và một quyển viết về bạn văn mà anh đã cho tôi coi bìa mấy năm trước nhưng đến nay cũng chưa in.
Gia đình anh đến Mỹ định cư năm 1985 dưới sự bảo lãnh của một người em.
Qua Bataan, Philippines ít tháng rồi đi định cư ở tiểu bang Virginia. Không lâu sau anh dọn về nam California làm tổng thư ký cho nhật báo Người Việt từ năm 1986 đến 1998.
Tôi gặp anh Nguyễn-Xuân Hoàng lần đầu vào cuối năm 1995 ở tòa soạn báo Người Việt. Hôm đó tôi đưa anh Anatoli Sokolov, một nhà nghiên cứu Việt học từ Nga, đến thăm tòa báo và được anh cùng các anh Nguyễn Mộng Giác, Hoàng Khởi Phong đón tiếp.
Hân hạnh được gặp một giáo sư nổi tiếng từ hơn hai mươi năm về trước, nhưng trông anh còn rất trẻ so với những thày cô đã dạy tôi.
Anh thích những ký sự tôi viết từ châu Phi, từ Đông nam Á. Những bài viết vào thời điểm trước khi máy điện toán có dấu tiếng Việt ra đời được thư ký trong tòa soạn đánh máy từ bản thảo viết tay.
Khi nhận được báo in, cuối mỗi bài viết của tôi thấy có ký hiệu, thường là “ty” hay “tn” trong móc đơn, tôi hỏi, được anh giải thích đó là tên tắt của người rà soát bài đã đánh máy, làm như thế để họ có trách nhiệm nếu có những lỗi chính tả hay thiếu sót trong nội dung.
Không biết lối kiểm soát đó có phải là sáng kiến của anh Hoàng, nhưng sau này anh với Việt Mercury, rồi Việt Tribune cách thức này cũng được áp dụng.
Cuối năm 1998 anh bỏ tờ Người Việt, lên San Jose làm tổng thư ký cho tuần báo Việt Mercury, là tờ báo con của tập đoàn truyền thông Mỹ Knight Ridder với tờ San Jose Mercury News là báo mẹ.
Cuối năm 2005, Việt Mercury đình bản. Anh chị không về nam Cali mà ở lại San Jose, cho ra tờ Việt Tribune.
Chị Vy lo quản trị thương mại, anh Hoàng lo bài vở, đến nay đã được 427 số, mỗi số hơn 70 trang khổ vuông 31 cm với bài vở thường xuyên của Hoàng Ngọc Nguyên, Giao Chỉ Vũ Văn Lộc, Tưởng Năng Tiến, Bùi Văn Phú, Nguyễn Xuân Nghĩa, Đỗ Quý Toàn. Như thế anh chị đã thành công trong môi trường sinh hoạt báo chí hải ngoại.
Dạy học hay làm báo để mưu sinh, văn học mới là đam mê của anh. Nhiều năm anh đã chăm lo tạp chí Văn ở Việt Nam trước 1975, đến Mỹ anh tiếp tục cùng Mai Thảo lo khu vườn văn học cho đến khi tạp chí này đình bản năm 2008. Anh cũng đóng góp nhiều cho các tạp chí Văn Học, Thế Kỷ 21 xuất bản ở California.
Hiện anh có “Nguyễn Xuân Hoàng Blog” trên mạng voatiengviet.com và mỗi tuần Việt Tribune cũng dành một mảnh vườn để giới thiệu sinh hoạt văn học nghệ thuật.
Đến với Thung lũng Hoa vàng, anh Hoàng còn có một thời gian làm giảng viên lớp Văn học Việt Nam Hiện đại tại Đại học Berkeley.
Những dịp ghé trụ sở Việt Tribune trên đường Oakland Road ở San Jose, chúng tôi hay rủ nhau đi ăn phở Tàu Bay và uống cà-phê Starbucks gần tòa soạn.
Anh Hoàng và chị Vy giao thiệp rộng rãi, có nhiều bạn. Anh tránh làm mất lòng ai. Đôi khi trong bài viết tôi có nhắc đến một nhân vật nào đó không được tích cực, anh xin sửa đôi chút cho nhẹ nhàng.
Cũng có những bài viết anh không muốn đăng nhưng có thảo luận với tôi để cuối cùng dù đăng, theo ý tôi giải thích, hay không đăng theo cách suy nghĩ của anh, thì cả hai đều vui vẻ đồng ý, không có những căng thẳng hay giận nhau.

Nhà ga luân hồi

Từ ngày biết tin anh bệnh, nhiều bạn khắp nơi đến thăm. Hè năm ngoái tôi ghé thăm anh, gặp vợ chồng thi sĩ Hải Phương cùng hiền thê của anh Trương Vũ từ Washington D.C. sang thăm.
Lần khác có nhà văn Phan Nhật Nam, bác sĩ Phạm Đức Vượng. Khi đó anh còn đi đứng được và cùng ra ngoài ăn trưa với các bạn, tuy phải đẩy gậy có bánh xe.
nguyen xuan hoang

Hai tuần trước tôi ghé thăm anh tại căn nhà anh chị mới dọn qua từ đầu năm. Anh nằm trong phòng, vẻ mặt gầy đi nhiều. Có y tá ở đó trông coi, tiêm thuốc, cho uống thuốc theo thời khắc hay khi cần. Nếu muốn, anh có thể ngồi xe lăn ra phòng khách xem một vài trận World Cup trên ti-vi. Trên giường, bên cạnh anh có nhiều sách, trong đó có quyển Cuộc Sống Cuộc Chiến và Rồi… là bản dịch một tác phẩm của Oriana Fallaci và quyển Hơn Nửa Đời Hư của Vương Hồng Sển viết về đời sống Nam Bộ làm anh nhớ đến Hồ Biểu Chánh, một tác giả miền Nam mà anh yêu thích.
Giọng anh yếu, nhưng tỉnh táo, nhớ nhiều chuyện về bạn bè, về sinh hoạt văn học. Anh nói không biết còn sống được bao lâu, một tuần, một năm hay vài năm nhưng anh sẵn sàng rồi, chỉ lo cho chị Vy thôi.
Trong tạp chí Khởi Hành số đặc biệt về Nguyễn-Xuân Hoàng, tháng 5&6/2012, nhà thơ Viên Linh có chép lại một bài thơ:
từ xa phố chợ đến giờ
chân quen bỏ lệ gõ bờ lộ quen
hoang vu chín đến độ thèm
lạnh tàn nhẫn rót vào đêm lên đường
mùa sương phố núi mù sương
nhịp buồn hút gió hồn nương sao rừng
chuyện linh hồn với bản thân
bàn tay thượng đế mộ phần chiêm bao
đồi thông xanh tóc nghẹn ngào
ngập ngừng lạnh xuống từ bao lâu rồi
còn tôi, còn chỉ mình tôi
mây bay đầu núi kéo trời lên xa
bàn tay thoáng nổi da gà
thẳm sâu lòng đất nhà ga luân hồi
Bài thơ của tác giả Hoang Vu viết cách đây đã hơn nửa thế kỷ. Ít ai biết đó chính là bút hiệu của Nguyễn-Xuân Hoàng những ngày mới chập chững bước vào chốn văn chương, triết học.
Trong các thể thơ Việt, tôi thích nhất lục bát.
Chép lại bài thơ để bày tỏ lòng qúi mến đối với tác giả, một người anh, người bạn đã nhiều dịp chia sẻ với tôi buồn dạy học, làm báo và văn học trước khi chuyến xe luân hồi ghé bến để anh lên đường.

***
Phụ đính:

Tạp chí Văn

Bán nguyệt san Văn ra số đầu tiên vào ngày 1.1.1964 với chủ đề “Tuyển tập thơ văn”.
Số cuối cùng phát hành ở Sài Gòn mang tên Giai phẩm Văn có phần đặc biệt : “Văn học và nghệ thuật Việt Nam ở hải ngoại”.
Trong giai đoạn đầu, Văn do ông Nguyễn Đình Vượng làm chủ nhiệm, thư ký tòa soạn Trần Phong Giao. Năm 1972, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng thay Trần Phong Giao trong vai trò thư ký toà soạn. Một năm sau, 1973, Mai Thảo về Văn cùng với Nguyễn Xuân Hoàng trông coi Văn. Năm 1974, do nhu cầu đời sống, Nguyễn Xuân Hoàng rời Văn, một mình Mai Thảo làm tiếp đến 30.4.1975. Đến năm 1982, nhà văn Mai Thảo cho tục bản tạp chí Văn tại Mỹ. Năm 1996, sau số 158&159 tháng 1&2, 1996, do tình trạng sức khoẻ, Mai Thảo trao tạp chí Văn lại cho nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng làm chủ bút. Tháng 9, 1996, Nguyễn Xuân Hoàng ra tờ Văn số 161 cho đến Văn số 163 tháng 12, 1996. Đầu năm 1997, Nguyễn Xuân Hoàng ra Văn số 1, bộ mới. Năm 2008, tờ Văn số 125-129 cho tháng Giêng, Hai và Ba 2008 số đặc biệt về hoạ sĩ Thái Tuấn [tranh Đinh Cường] và bài vở đã tập trung lay out chuẩn bị đưa nhà in, nhưng vì lý do tài chánh và nhiều việc ngoài lề khác, Nguyễn Xuân Hoàng đành cho đình bản tờ Văn.

Một vài ghi nhận của Nguyễn Chí Kham
Số 1 Văn ra mắt đầu Xuân năm 1964. Số báo ra mắt qui tụ rất nhiều nhà văn nổi tiếng miền Nam qua các thế hệ, và đã bán hết số lượng phát hành ngay trong tuần lễ đầu. Độc giả đón nhận hết sức nồng nhiệt, nhất là giới sinh viên, học sinh.
Số 2, bắt đầu bình thường với số trang hơn một trăm. Số 2, tưởng niệm nhà văn Pháp Albert Camus. Trong số này, có một bài viết quan trọng của Jean Paul Sartre: Cắt nghĩa cuốn L'étranger (L'explication de l'étranger). Bài này, được ông Nguyễn Minh Hoàng dịch và chú giải đầy đủ. Hai truyện ngắn rất đặc sắc rút trong tập Lưu Đày và Quê Nhà. Truyện thứ nhất, Người khách trọ (L'hôte) Trần Phong Giao dịch, truyện thứ nhì Người đàn bà ngoại tình(La femme adultère) Vũ Đình Lưu dịch. Giáo sư Nguyễn văn Trung dạy trường Đại Học Văn Khoa viết bài Những tình bạn dang dở, trong bài này, giáo sư nói đến sự liên hệ rồi đoạn giao giữa Jean Paul Sartre với Albert Camus và Merleau Ponty. Một bài tiểu luận khác nữa rất sâu sắc của một nhà phê bình Pháp có tựa: Camus, kẻ đánh cá với cuộc đời.
...
Khi đảm nhận tờ Văn, anh Trần Phong Giao chủ trương dành cho lớp độc giả hiếu học ham đọc, ưa suy nghĩ. Rồi lần lượt, mỗi kỳ nửa tháng, những số tiếp nhau ra đều đặn và báo Văn luôn được độc giả đón nhận. Ở miền Trung, số lượng phát hành khá lớn đến 4000 số, mỗi gia đình công chức cũng đã chọn hai tờ Văn và Bách Khoa làm món ăn tinh thần hàng tháng trong gia đình. Đọc Văn, yêu thích thơ văn. Đọc Bách Khoa, mở mang thêm kiến thức tổng quát.
Số 6, tuyển tập những cây bút trẻ. Nói là trẻ ở đây, thực ra, các nhà văn ở lứa tuổi trên ba mươi cũng đã thành danh. Trong số này, nhiều truyện ngắn hay: Duyên Anh, Con Sáo Của Em Tôi. Lê Tất Điều, Vùng Đất Khô. Thế Uyên, Vấn Đề, đặc biệt một truyện vừa rất đặc sắc Hồi Chuông Tắt Lửa của Thế Nguyên. Truyện chiếm gần 42 trang báo in chữ véronèse thân 8. Nội dung rất đơn giản, chuyện kể một vị linh mục có đứa con hoang, nhưng cách kể chuyện kín đáo, bí mật, bằng một bút pháp lạnh, xám, đầy dục tính trong cơn mưa và bóng tối.
Số 14, tưởng niệm văn hào Nhất Linh trong ngày giỗ đầu. Số báo đặc biệt này đã gây xúc động cho văn giới và toàn thể độc giả qua những bài viết của Bác Sĩ Nguyễn Hữu Phiếm, nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, nhà văn Vũ Khắc Khoan, nhà thơ Vũ Hoàng Chương, và hồi ký Người Bác của nhà văn Thế Uyên là người cháu gọi Nhất Linh bằng cậu.
Số 17, giới thiệu nhà văn triết gia Jean Paul Sartre với sự đóng góp những bài tiểu luận và phiên dịch của giáo sư Trần Thiện Đạo, nhà văn Huỳnh Phan Anh, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng.
Số 18, đề tài chiến tranh trong văn chương.
Số 20, giới thiệu nhà văn phi công Pháp Saint Exupéry.
nguyen xuan hoang

 

 

 

 

Bìa một số Tạp chí VĂN

 

Chỉ mới qua một năm đầu vớ 24 số báo, tạp chí Văn đã tạo được uy tín và sự tin cậy cho lớp độc giả trung lưu, trí thức. Sự xuất hiện của Văn cũng còn được coi là đại diện cho văn học miền Nam, trên từng số báo này, mỗi năm càng có nhiều sự đóng góp lớn những tên tuổi làm nên văn học miền Nam. Quy tụ ở đây có đủ các nhà văn ba miền Vũ Hoàng Chương, Đông Hồ, Vũ Bằng, Lê văn Trương, Nguyễn Mạnh Côn, Võ Phiến, Linh mục Thanh Lãng, giáo sư Nguyễn Văn Trung, Mai Thảo, Doãn Quốc Sỹ, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Thảo Trường, Vĩnh Lộc, Văn Quang, Phan Du, Võ Hồng, Đặng Tiến, Trần Thiện Đạo, Tô Thùy Yên, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Minh Hoàng, Vũ Đình Lưu, Nguyễn Đình Toàn, Tuấn Huy, Viên Linh, Đỗ Quí Toàn, Phạm Công Thiện, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Xuân Hoàng, Hoàng Ngọc Biên, Dương Nghiễm Mậu, Thanh Nam, Phan Lạc Phúc, Phan Lạc Tiếp, Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Quốc Trụ, Nguyễn Mộng Giác, Tạ Ký, Trần Dzạ Từ... Về các nhà văn nữ, có Túy Hồng, Nhã Ca, Trùng Dương, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ.
Nhận định của nhà thơ Du Tử Lê:
"Tại miền Nam, sau giai đoạn mở đường, gieo những hạt mầm văn học vạm vỡ của các tạp chí Sáng Tạo, Hiện Đại, Văn Nghệ, Thế Kỷ 20..., là giai đoạn trồng, gặt những mùa gặt văn học sung mãn, bội thu, với các tạp chí Bách Khoa, Văn Học và Văn (tính từ thời điểm đầu thập niên 1960 tới tháng 4 năm 1975)".
Nhà nghiên cứu lý luận Vương Trí Nhàn đã có cái nhìn rất trung thực và xác đáng:
"Sự chia sẻ của chúng tôi với văn học đô thị miền Nam còn là ở hai điểm. Thứ nhất sự chi chút gia tài văn học quá khứ. Không có các anh trong ấy bao năm gìn giữ, Hàn Mặc Tử chẳng hạn, rồi Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương không thể trọn vẹn như ngày nay. Thứ hai, sự tiếp nhận văn học nước ngoài từ các lý thuyết văn học tới các tác giả cụ thể. Các tạp chí ở Sài Gòn đã làm công việc này một cách tự nhiên và cuộc hội nhập với thế giới mà các bạn trẻ đầu thế kỷ XXI này đang làm là tiếp tục đi theo cái mạch đó".
Và: "...nó mở ra cho chúng tôi một chân trời mới về kiến thức văn học và thức dậy những ham hố phiêu lưu".

"Có lẽ thế và còn hơn thế, vai trò của tạp chí Văn cũng như các tạp chí văn học nghệ thuật khác ở Miền Nam những năm trước 1975 trong việc gìn giữ và tạo dựng nên một nền văn học phong phú và đa dạng cần được nhìn nhận một cách chính đáng trong kho tàng văn học chung của một Việt Nam thống nhất."
Có thể nói chỉ trong hai mươi năm hiện diện, chế độ Miền Nam đã có những thành tựu rực rỡ, nhất là về mặt văn học với những tạp chí và tác phẩm lừng danh. Xét riêng về các tạp chí văn chương, nếu như Sáng Tạo đã làm công cuộc khai phá, gieo những hạt mầm vạm vỡ (chữ của Du Tử Lê) đầu tiên, thì Văn và Bách Khoa, Văn Học, Nghệ Thuật, Thời Tập... đã gieo trồng và có những mùa gặt bội thu. Điều này Miền Bắc đã không làm được. Và đây chính là niềm hãnh diện và tự hào của tất cả chúng ta.
Hành trình của Tạp chi Văn & Văn số cuối cùng trước tháng 4/1075

______________

Nguyễn & bạn hữu

(Nguồn: Hợp Lưu)

Chỉ trong vòng 10 năm hiện diện -từ tháng 1.1964 đến tháng 3. 1975, tạp chí Văn đã quy tụ và làm sáng giá hàng trăm cây bút trẻ, gồm những người vừa cầm bút vừa cầm súng trên khắp Miền Nam. Theo nhà văn Lưu Vân viết trên báo mạng Da Màu, thì "những người viết trẻ miền Nam thủa ấy, khi có bài được chọn đăng trên tạp chí Văn là có thể coi như đã khẳng định được mình, bởi chỉ có ở tạp chí Văn mới có một Ban tuyển đọc tác phẩm (có lẽ là ba nhà thơ hay nhà văn thành viên) đọc và chọn đăng các sáng tác của rất đông những người viết gửi về cộng tác."
Về tên tuổi của đông đảo các tác giả trẻ này, nhà văn Nguyễn Chí Kham ghi nhận:
"Từ tỉnh đầu giới tuyến đến Sài Gòn, đến miền Đông, miền Tây đã có:
- Quảng Trị: Phan Phụng Thạch, Thạch Nhân, Sương Biên Thùy
- Huế: Trần Doãn Nho, Hồ Minh Dũng, Trần Dzạ Lữ, Lê Bá Lăng, Thái Ngọc San, Lê Văn Ngăn, Lữ Quỳnh, Mường Mán, Ngụy Ngữ, Hoàng Hạ Lan, Hoàng Ngọc Tuấn, Huỳnh Hữu Ủy, Lê Nhược Thủy, Yên My, Trần yên Du, Trần Đình Sơn Cước, Võ Quê.
- Đà Nẵng: Nguyễn Nho Sa Mạc, Chu Trầm Nguyên Minh, Phương Tấn, Luân Hoán, Thành Tôn, Hà Thúc Sinh.
- Hội An: Thái Tú Hạp, Đinh Trầm Ca, Hoàng Thị Bích Ni.
- Tam Kỳ: Huy Tưởng, Tần Hoài Dạ Vũ, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Hoài Thư.
- Quảng Ngãi: Hà Nguyên Thạch, Mê Cung, Phan Nhự Thức, Vương Thanh.
- Qui Nhơn: Trần Phiên Ngung, Đặng Tấn Tới, Võ Chân Cửu.
- Tuy Hòa: Nguyễn Lệ Uyên, Trần Huyền Ân, Hoàng Đình Huy Quan, Mang Viên Long, Cảnh Cửu.
- Nha Trang: Phạm Chu Sa, Văn Lệ Thiên.
- Phan Rang: (không nhớ)
- Phan Thiết: Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Thị Ngọc Minh.
- Pleiku: Kim Tuấn, Lâm Hảo Dũng."
Thật ra, tạp chí Văn không chỉ là nơi xuất hiện và tinh luyện ngòi bút của lớp nhà văn trẻ, mà cả những nhà văn đã thành danh từ tạp chí Sáng Tạo cũng nhờ diễn đàn này mà trở nên hiển lộng. Ta có thể kể ra đây một số tên tuổi: Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ, Trần Thanh Hiệp nhờ có văn mà trở nên sáng giá và được nhiều người đọc, yêu mến. Điều này dễ hiểu: Thời Sáng Tạo, các tỉnh Miền Nam chưa có Trung Học Đệ Nhị Cấp thì lấy ai thưởng thức văn học mới, hiện sinh. Đúng như Nguyễn Chí Kham nhận định: "Tạp chí Văn đã xuất hiện đúng lúc, đáp ứng nhu cầu độc giả học sinh, sinh viên. Vào thời điểm của Văn, hầu hết các tỉnh lớn nhỏ ở miền Nam đã bắt đầu có trường trung học Đệ Nhị Cấp, Huế và Đà Lạt còn có thêm trường Đại Học nên số độc giả tăng và giá trị văn chương được xét đoán đúng tầm mức của nó."

Với tạp chí Văn, một thời đại văn học đã qua và còn ghi dấu. Sau đây, chúng ta sẽ cùng nhà thơ Vũ Trọng Quang nhìn lại tờ Văn số cuối cùng trước tháng 4. 1975. Bài viết hết sức đặc sắc, cho ta cái nhìn về một số tác giả thời báo Văn và cả sau này, do đó tỏa ra nỗi ngậm ngùi sâu lắng. Xin mời đọc bài của Vũ Trọng Quang:
"Tôi và nhà thơ Trần Hữu Dũng hiện lưu giữ khoảng 200 số tạp chí Văn, nói không phải "khoe", đó là một số lượng không phải nhỏ. Có người gạ mua với giá cao, nhưng tôi không bán, bạn tôi tiến sỹ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu yêu đồ cổ nói bán làm gì; dĩ nhiên có thể copy lại để lưu giữ, tuy vậy đọc bản chính vẫn sướng hơn.
Với số lượng tạp chí nhiều như thế, sẽ không điểm hết, nên tôi chọn số phát hành 26/3/1975 (tạp chí này không có số thứ tự, vì thời điểm ấy chế độ miền Nam, chỉ cho xuất bản Giai Phẩm), trước để biết dấu ấn về tọa độ thời gian, sau tò mò xem các tác giả bày tỏ gì trong ấy; đây là số cuối cùng mà Văn đã bị làm xong nhiệm vụ lịch sử. Bìa 1 trình bày toàn chữ rất đơn giản rõ ràng, màu thời gian tác động lên bìa sách chữ còn chữ mất, chữ đỏ phần đặc biệt Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam Ở Hải Ngoại khiêm nhường, không biết cố ý phong cách hay dự báo vội vã.
Nơi bìa trang 2 ghi: Sáng lập: NGUYỄN ĐÌNH VƯỢNG; Chủ trương: MAI THẢO; Quản lý: NGUYỄN THỊ TUẤN (lúc này nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng thôi làm thư ký tòa soạn ). Ở phần mục lục: Phần Đặc Biệt về Văn Học Nghệ Thuật VN ở Hải Ngoại: Phỏng vấn giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, nữ ký giả Minh Đức Hoài Trinh, nữ sỹ Mộng Tuyết, họa sỹ Trần Đình Thụy; Phần Văn Xuôi có văn của Mai Thảo, Võ Phiến, Trùng Dương, K.T. Mohamed, Lê Huy Oanh, Mường Mán; Phần Thơ có thơ của Nh. Tay Ngàn, Bùi Đức Long, Trần Hồng Châu, Ngô Cang, Tạ Hiền (tôi chú ý tới tay viết mới này); và các phần Sinh hoạt văn nghệ, Hộp thư, Ấn phẩm mới. Ở phần văn xuôi là Nhật Ký của Mai Thảo ghi mềm mại những sự việc từ 15.2.75 đến 20.3.75, đọc lại vẫn bùi ngùi, bút pháp đằm thắm đầy lãng mạn, xin trích phần cuối của nhật ký "... Đêm vẫn còn là nhiều so với thời kỳ giới nghiêm sau Tết Mậu Thân. Hệ thống kẽm gai cấm đường ném chi chít trên những mặt nhựa Sài Gòn hồi đó từ 6 giờ chiều. Phố xá vắng ngắt lúc chưa tàn nắng...". Còn Võ Phiến tiếp tục loạt bài Chúng Ta Qua Tiếng Nói với tiêu đề Tiếng Nói, Một Phương Tiện? Võ Phiến bao giờ cũng vậy, kỹ lưỡng, câu chữ chắc chắn chi tiết chắt lọc; nhà văn Trùng Dương có truyện ngắn Ngoài Bãi, bây giờ nữ văn sỹ đã ở ngoài bãi bên kia Thái Bình Dương; nhà văn Ấn Độ K.T. Mohamed với truyện ngắn Đôi Mắt Mùa Xuân do nhà thơ Hoàng Trúc Ly chuyển ngữ; nhà văn Lê Huy Oanh nhận định Bùi Giáng Nguồn Cảm Hứng trong Thơ Việt (sau khi đã nhận định hai cõi thơ Nguyên Sa và Nhã Ca): "Bùi Giáng đập phá bằng cách đùa cợt những tư tưởng cổ truyền, bằng cách đùa cợt chính ông, bằng cách bôi lem thơ, làm xô lệch ngôn ngữ..."; và truyện ngắn Mùa Sẽ Còn Dài của "nhà văn trẻ " Mường Mán, bây giờ nhà văn không còn trẻ nữa ấy vẫn tiếp tục cầm bút lại cầm thêm cọ vẽ kiêm chủ quán món Huế tại Phú Nhuận. Ở Phần Thơ thì khởi đầu là thơ của Nh. Tay Ngàn trải những bài thơ tự do dài viết ở Paris, vẫn ám ảnh hình bóng Liên Mà thương quá em Liên, năm 1988 Phạm Công Thiện viết cuốn Đi Cho Hết Một Đêm Hoang Vu Trên Mặt Đất nói bạn tôi ( tức Nh. Tay Ngàn) mất tháng 1/1978 tại Paris, bây giờ sau 33 năm Thiện cũng ra đi khỏi trần ai, không biết có "Đi cho hết một đêm hoang trên mặt đất" tại thế để vào cõi khác không? Có thể rời Ngày Sanh Của Rắn tiến hóa ngự trên mình Rồng vu vi vào cõi vô thường thời gian không? Ngày 8/3/2011 Phạm Công Thiện đi, tôi có mấy dòng:
Tự nhận thiên tài độc nhất của Việt Nam
không ai cạnh tranh
dám giao cấu mặt trời thủ dâm thượng đế
đám đông mở toang cánh cửa háo hức đứng nhìn
đập vỡ đôi kính cận thầy mô phạm khoa bảng
đọc Heidegger bằng máu và nước mắt
ta bà qua sông tìm vô ngã
bảy mươi mốt tuổi trẻ không về
bởi đó Phạm Công Thiện

(Thi Vũ cũng cho biết Tay Ngàn mất vào tháng năm ấy, có làm bài thơ tiễn: Tay Ngàn/Khua nhịp về đâu/Rừng thiêng vỡ một/ngấn/sầu/rụng/hai/Nay theo bước nhỏ còn ai/Ta hơ tro cũ/tay dài dìu em, không biết nơi vô cùng Ngàn có ngàn trùng đi tìm Nỗi Liên đen tối vô cùng không?). Kế đến là mười câu thơ lục bát của Bùi Đức Long, bài thơ này sau được tác giả chọn vào tập thơ in riêng; còn Trần Hồng Châu là một bài tự do dài đầy nhịp điệu liên kết với thơ vần, mang dáng dấp cổ phong Em đi đến uyển chuyển mộng vân đài; với Ngô Cang (nhà thơ gốc Huế, hiện nay đang lận đận sinh kế) cũng mười câu lục bát; và sau hết là một giọng thơ mới TẠ HIỀN, giới thiệu sáu bài thơ tự do, tôi rất thích và đồng ý với nhận định lời mở rất trân trọng của nhà văn Mai Thảo dành cho người viết mới: Những người trẻ tuổi bắt đầu làm thơ nên bắt đầu ngay bằng thơ tự do. Nghĩa là một bắt đầu mạnh bạo, đường hoàng, ở ngoài mọi kiến trúc tiền chế, hay là do tôi làm thơ tự do nên đồng cảm, bây giờ không biết Tạ Hiền ở đâu...
Phần Sinh hoạt văn nghệ: Thông tin Trùng Dương viết truyện phim; triển lãm tranh Đinh Cường tại Viện Văn Hóa Pháp Sài Gòn; đề cập đến cuốn Quần Đảo Gulag của nhà văn Nga Solzenitsyn bị trục xuất khỏi đất nước mình, và hồi ký của tướng độc nhãn Do Thái Moshe Dayan hồi ức chiến thắng cuộc chiến 6 ngày tại Trung Đông tháng 6-1967 cùng thất bại chua chát của Do Thái trong cuộc chiến 10-1967; tường thuật việc Duyên Anh, Hoài Bắc, Mai Thảo ra Đà Nẵng; giới thiệu đêm nhạc và thơ tại Cần Thơ. Phần Hộp thư, chú ý thấy dòng trả lời bạn mình "Trần Hữu Dũng: sẽ đăng một phần", nhưng cái gọi một phần ấy không bao giờ xuất hiện, vì sau cái ngày cuối tháng 4/75 tạp chí Văn không hiện hữu, mới đây hỏi Trần Hữu Dũng có giữ bài thơ làm kỷ niệm chăng? Dũng nói mất rồi; ngược lên trên thấy câu trả lời "Trần Hoài Thư: Nhận được báo và nhuận bút rồi chứ? Mùa Luân Lạc đã tới", nhưng luân lạc tới đâu rồi hở Trần Hoài Thư? Trong Phần giới thiệu Ấn Phẩm Mới thấy có giới thiệu Tập san văn nghệ Vỡ Đất do hai nhà thơ Nguyễn Thái Dương và Ban Bội Bỗng chủ trương, số 2 và đương nhiên là số cuối cùng, với sự góp mặt của nhiều tên tuổi : Trần Hoài Thư, Lương Thái Sỹ, Mang Viên Long, Đặng Tấn Tới, Mịch La Phong...Giới thiệu Vỡ Đất chợt nhớ ở mục Ấn Phẩm Mới số tháng 3/1973 có giới thiệu: " THƠ VŨ TRỌNG, thơ của Vũ Trọng Quang, Văn Nghệ Động Đất xuất bản, sách in roneo dày 50 trang, không ghi giá", nghĩ hồi ấy mình hồn nhiên sáo ngữ và sáo rỗng, lấy tên xuất bản cho kêu, giờ bàng hoàng thảm họa động đất sóng thần vừa qua ở đất nước mặt trời, khủng khiếp quá. Và ủa lạ vậy? tại sao chỉ có Thơ Vũ Trọng mà thiếu chữ Quang, không biết do người phụ trách sơ sót viết thiếu hay do thợ sắp chữ sắp đặt lơ đễnh lơ là, thấy cũng vui vui.
Từ giai phẩm Văn trước tháng 4/1975 tôi lại lan man chuyện nọ xọ chuyện kia suy nghĩ hội tụ về hiện tại, dòng sông thời gian có thể dài dòng thời gian vật lý tích tắc, kéo theo dòng chảy chuyển biến lịch sử, nhớ câu thơ của Chinh Yên "Cách nhau mỗi ngày là mỗi lạ"; có những việc không tưởng tượng nổi trục trái đất chao đảo trong vũ trụ giật mình, thảm họa tại Nhật Bản;văng vẳng câu nói của Jean Paul Sartre: "Trước cái đói của trẻ em Phi Châu, cuốn Buồn Nôn của tôi vô nghĩa"; trước sự việc địa chấn chấn động thế kỷ, những dòng này hạt cát nhỏ bé, rất vô cùng nhỏ bé."
Vũ Trọng Quang

_____________

Tủ sách của Trần Phong Giao

1.
Trong nhà tôi ở Sài Gòn hồi đó có một kệ sách nhỏ đặt trên gác lửng. Kệ sách là những thanh gỗ dài, bào láng, đặt trên những viên gạch đỏ xếp cao theo chiều đứng của sách. Sách mỗi ngày một nhiều, kệ sách cứ chồng thêm các thanh gỗ cao lên mãi, lên gần tới trần nhà. Đến lúc không đủ sức chứa, tôi bắt đầu cho sách vào thùng giấy, rồi cứ thế đánh số thùng theo thứ tự, thùng này chồng lên thùng kia.
Căn nhà quá nhỏ, sách lấn qua chỗ nằm, tôi đành phải nghĩ đến chuyện vất bớt những cuốn không cần đọc nữa. Vất nhưng tiếc, vì tuy không cần lúc này, nhưng biết đâu về sau có lúc cần tìm một đoạn, một câu. Một câu trích mà không có sách dẫn thì sao? Sách mang ra thùng rác rồi lại mang vô.
Làm cách nào để giữ được những cuốn sách mà lúc này chưa cần đến? Tôi hỏi Trần Phong Giao, lúc đó là thư ký toà soạn tờ Văn, cách giải quyết những cuốn sách của tôi. Anh hỏi lại tôi: “Cậu làm sao thế? Có chuyện gì vậy?” Chẳng có chuyện gì hết. Tôi nói với anh là tôi cần thanh toán mọi thứ trước nhất là sách vở.

2.
Trần Phong Giao là một người to lớn, vạm vỡ, khuôn mặt hơi lạnh và ít khi cười.
Với những người mới gặp anh lần đầu dễ cảm thấy khó chịu vì cái vẻ như là hơi “kênh kiệu thờ ơ” của anh. Thật ra, anh chỉ lạnh với người lạ trong giao tế buổi đầu, nhưng quen anh lâu mới thấy anh là người rất tử tế và nồng nhiệt. Tôi không biết những thư ký toà soạn các tạp chí văn học khác thế nào, chứ với Trần Phong Giao tôi có thể nói anh là một thư ký toà soạn đặc sắc nhất. Hơi bảo thủ, và khắt khe, có vẻ như anh chỉ tin vào những tài năng đã được xác nhận, nhưng không phải vì thế mà anh không sẵn sàng mở tay ra đón nhận những người viết mới.
Cách đây vài năm, một tình cờ may mắn tôi được nhà bình luận thời cuộc-kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa gửi tặng mấy số báo Văn cũ trước năm 1975, trong đó có số 164, ra ngày 15 tháng Mười, 1970, “Đi Giữa Mưa Thu” / Tuyển tập những cây bút trẻ.
Như tên gọi của nó, đây là một số báo Trần Phong Giao thực hiện, dành riêng cho những người mới đến với Văn. Mới từ người vẽ tranh bìa: hoạ sĩ Hồ Đắc Ngọc. Và tất nhiên cái mới chính là từ những người làm thơ viết văn: Lê Văn Thiện, Đặng Tấn Tới, Kinh Dương Vương, Nguyễn Đường-Thai, Nguyễn Lệ-Uyên, Hoàng Ngọc Châu, Hồ Minh Dũng, Lộc-Vũ, Mường-Mán, Hoài Tuyết Trang, Phạm Ngọc Lư, Nguyễn Lương Vỵ, Nguyễn Văn Ngọc, Lê Miên Tường, Phạm Thanh Chương.
Tôi không biết trong số những người viết trên số báo này [cách đây đã 35 năm] ai còn ai mất, ai vẫn cầm bút và ai đã thay tên đổi họ đổi nghề, nhưng tôi biết ít ra chúng ta còn Kinh Dương Vương [của truyện ngắn, ký Dung Nham khi làm thơ, và Rừng khi vẽ], Hồ Minh Dũng vẫn còn sáng tác mạnh mẽ ngoài nước, [Nguyễn Lương Vỵ vừa cho in tập thơ mới tại hải ngoại, California, 2009 - và trong nước vẫn còn Mường Mán vừa mới cho xuất bản tập thơ lục bát Dịu Khúc, Sài gòn, 2008]. Trong thư toà soạn, Trần Phong Giao thông báo sẽ còn thực hiện thêm nhiều số báo với những người viết mới khác.
Tôi không nhớ sau số này anh còn làm thêm được bao nhiêu số giới thiệu người viết mới, nhưng trong mục hộp thư tôi đọc được có nhiều người hiện có tên tuổi trong làng văn trong nước. Như Khuê Việt Trường là một. Tờ Văn thời Trần Phong Giao thực sự làm sống dậy một đam mê chữ nghĩa của nhiều người viết trẻ. Trong thời gian làm tờ Văn, Trần Phong Giao thực hiện nhiều số đặc biệt không những về các nhà văn nhà thơ tiền chiến hay đương đại mà còn giới thiệu nhiều khuôn mặt văn học đương đại thế giới.
Không mở đường và khai phá như Sáng Tạo, không bắt mắt với lối trình bày nghệ thuật và trẻ trung như Khởi Hành, Thời Tập, nhưng Văn có được một chỗ đứng đáng tin cậy nhờ thư ký toà soạn Trần Phong Giao.

3.
Trần Phong Giao là người khéo hỏi bài người viết và đối xử khéo sau khi đăng bài. Trong ngăn kéo anh bao giờ cũng có sẵn nhiều bài cho vài số báo. Chưa kể, anh còn đặt bài cho những số chuyên đề từ cả sáu tháng đến một năm trước. Có thể nói, tạp chí Văn thời Trần Phong Giao là một tạp chí văn chương hơi cổ điển và đặc biệt…ít lỗi chính tả nhất, bởi vì trước hết anh là người cẩn trọng, chăm sóc từng chữ, từng câu, từng trang bài, và sau nữa vì anh còn có một người phụ tá cần mẫn tỉ mỉ, giỏi chính tả ngữ vựng: Đàm Gia Tuấn. Đưa bài cho Trần Phong Giao, người viết có thể yên tâm nhiều mặt: bài không bị sai lỗi chính tả và, tiền nhuận bút có ngay sau khi báo ra.
Tôi nhớ anh đi chiếc mobylette cũ, một chiếc xe xấu xí, nhả khói tợn và máy kêu hơi to, chân đi dép thường hơn đi giày, áo sơ mi ngắn tay bỏ ra ngoài. Trần Phong Giao ít cười và hơi nghiêm. Tuy vậy cần ghi nhận, thời làm tờ Văn anh cũng bị nhiều trận đụng nặng. Như một lần với thi sĩ Nguyên Sa, và một lần với những độc giả miền Trung. Ở quán Cái Chùa, bọn tôi: Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Nhật Duật, Đặng Phùng Quân, đôi khi vẫn đề cập đến anh như một “đề tài”. Tuy vậy, tôi vẫn nghĩ, có một ông thư ký toà soạn như Trần Phong Giao, “bố già” chủ nhiệm Nguyễn Đình Vượng yên tâm lắm.
Thế nhưng, năm 1972, không hiểu vì lý do gì đã làm cho hai ông chủ nhiệm và ông thư ký toà soạn “cơm không lành, canh không ngọt” nữa. Trần Phong Giao phủi áo ra đi. Anh đứng ra làm một tạp chí khác, tờ Chính Văn với nhà văn Nguyễn Mạnh Côn. Nhà thơ Viên Linh nói “anh em lúc đó rất tiếc, phải chi Trần Phong Giao làm một tờ giống như tờ Văn có lẽ anh thành công ngay.” Tờ Chính Văn chỉ sống đến số thứ hai thì chia tay.
Đó là thời gian ông Nguyễn Đình Vượng kéo tôi về với tờ Văn thay chỗ Trần Phong Giao. Lời đề nghị của “bố già” Nguyễn Đình Vượng làm tôi phân vân và nghĩ ngợi. Thời gian đó ngoài giờ dạy học ở Petrus Trương Vĩnh Ký, tôi có nhận lời dạy thêm ở nhiều trường tư thục khác như Văn Học của anh chị Nguyên Sa, Trường Sơn của Nguyễn Sỹ Tế. Và trong những giây phút dư thừa hiếm hoi, tôi vẫn la cà ở quán cà phê nhiều hơn ở lớp học, tối nào tôi cũng ngồi ở Chợ Đủi với Tạ Ký, Tôn Thất Trung Nghĩa, Lê Tấn Lộc nhiều hơn nằm nhà. Nhưng trên tất cả các bạn tôi, ông Vượng là người lo cho tôi nhiều thứ khó khăn trong đời sống mà tôi đang vấp phải.
Tôi gọi ông Vượng là “bố già của tôi” vì quả thật không ai bỏ thì giờ và tình cảm nhiều cho tôi như ông, mặc dù sức khoẻ ông trong thời gian này đã không còn như xưa. Tôi là người chịu ơn ông quá nhiều. Nhưng tình cảm mà tôi có với Trần Phong Giao cũng lớn không kém.
Tôi hỏi ý Trần Phong Giao về lời mời của ông Nguyễn Đình Vượng, anh nói “thì cậu cứ nhận lời đi”. Tại sao? Tôi hỏi, anh trả lời “chẳng lẽ cậu cứ đi dạy học suốt đời sao? Bỏ bớt giờ đi dạy đi! Viết nữa đi! Tôi biết gia đình cậu có chuyện không vui, thử thay đổi không khí coi sao?” “Nhưng anh sẽ không giận tôi chứ?” “Tại sao?” Anh hỏi ngược lại tôi. Và đột nhiên, một buổi sáng Chủ Nhật, Trần Phong Giao đến nhà tôi, hỏi: “Có đi cà phê không?” Đối với tôi đây là một điều lạ.
Trần Phong Giao ít khi cà phê, anh chỉ thích rượu và là người biết thưởng thức rượu ngon mặc dù anh không phải là tay nhậu. Anh cũng không có tật lê la đầu đường xó chợ như tôi. Tôi trả lời ừ đi thì đi. Anh đứng giữa nhà nhìn quanh. “Nhà tôi đã chật mà nhà cậu coi bộ còn chật hơn. Sách báo đâu hết rồi?” Tôi chỉ tay lên gác lững. “Trên đó! Không còn chỗ nằm nữa.” “Cái phòng khách này ban đêm dựng chiếc lambretta của cậu vẫn còn có thể để một tủ sách nhỏ đấy.” Trần Phong Giao chỉ nói khơi khơi. Chúng tôi ra quán Cái Chùa. Tôi gọi cà phê, nhưng anh chỉ uống một hớp và xin lỗi có chuyện phải đi.
Chiều tối khi tôi về tới nhà thấy có gì lạ. Chiếc lambretta của tôi không còn chỗ đậu. Tôi thấy một tủ sách bằng gỗ đánh vẹc ni bóng có cửa kính kê sát vách phòng khách. Trong tủ chỉ có một cuốn sách, bản dịch bài diễn văn nhận giải Nobel văn chương của Albert Camus. Người dịch: Trần Phong Giao. Tôi biết anh sẽ không giận tôi, nếu tôi nhận lời “bố già” Nguyễn Đình Vượng về làm tờ Văn.
Sau đó tôi dọn nhà, nhiều thứ cồng kềnh phải bỏ lại. Tuy vậy, tôi không quên mang theo tủ sách Trần Phong Giao cho. Căn nhà ở Khu Mã Lạng – căn nhà mà “bố già” Nguyễn Đình Vượng dành cho tôi khi tôi về nhận vai thư ký toà soạn Văn – sách đã chất đầy tủ. Và cuốn Sứ Mệnh Văn Nghệ in bài diễn từ Nobel của Albert Camus do Trần Phong Giao dịch, không bao giờ thay đổi vị trí.
Thời gian này tôi rất ít khi gặp anh.
“Bố già” Nguyễn Đình Vượng thời gian này sức khoẻ sa sút nặng. Báo Văn từ bán nguyệt san chuyển qua Giai Phẩm và không đánh số. Tôi bận rộn với chuyện nhà trường nhiều hơn trước, nhất là sau ngày “Bố Già” ra đi vào ngày 31.3.1974. Số báo Tưởng Mộ Nguyễn Đình Vượng phát hành ngày 2 tháng Năm, 1974, Mai Thảo và tôi chia nhau viết bài và mời người viết. Đó cũng là số báo sau cùng tôi ngồi với Văn. Sau đó tôi dành toàn thời gian cho nhà trường.
Mỗi ngày, tôi vẫn chạm tay vào tủ sách Trần Phong Giao. Cho tới ngày 30 tháng Tư, 1975, tủ sách Trần Phong Giao bị một trận “hồng thủy” cuốn trôi hết, bất kể đó là tự điển hay sách triết học, là sách biên khảo hay lý luận nghiên cứu phê bình văn học. Cứ sách là người ta tịch thu tuốt luốt cho chắc ăn. Sách được những người trẻ tuổi “hăng hái, cuồng nhiệt, điên cuồng” đưa xe ba gác đến chở đi như chở xác chết của những tội đồ. Cái tình cảm vất tay này nhưng tay kia lấy lại ngày xưa không còn nữa. Căn nhà nhỏ của tôi đột nhiên trống trải gọn gàng một cách đáng sợ.
Cuốn Sứ Mệnh Văn Nghệ của Albert Camus, bản dịch của Trần Phong Giao cũng không còn – đương nhiên – và đầu óc tôi cũng trống rỗng như cái tủ sách trống trơn kia.
Thế rồi những năm tháng sau, chợ trời sách cũ dần dần xuất hiện rải rác nhiều nơi ở Sài Gòn. Tôi nhớ một hôm đi trên con đường Bùi Quang Chiêu, xem sách cũ, bất ngờ thấy sách Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Đình Toàn, Mai Thảo, Doãn Quốc Sỹ, Thảo Trường, Trùng Dương, Nhã Ca, Nguyễn Thuỵ Long và nhiều tác giả khác của Sài Gòn.
Tôi tha về một cuốn đóng bìa da đã từng “nằm trong tủ sách của tôi” trước đây, cuốn L’Être et le Néant của Jean-Paul Sartre ở trang đầu có mấy ghi chú của giáo sư Linh Mục Alexis Cras viết cho tôi trong những ngày tôi học Đại học Đalat. Tôi muốn giữ chữ viết của Cha Cras như một kỷ niệm. Có điều là tôi vẫn không tìm thấy cuốn Trần Phong Giao dịch bài diễn văn của Albert Camus.
Mười năm ở lại trong nước tôi chưa một lần gặp lại Trần Phong Giao. Và mặc dù mươi năm sau ngày xa quê tôi có đôi lần gửi quà cho anh nhưng chỉ là những món quà không đáng kể. Mới đây, tôi hỏi nhà văn Trùng Dương có phải chị là người vẫn thường liên lạc và giúp đỡ Trần Phong Giao nhiều trong thời gian anh ấy còn sống không. Chị nói chuyện ấy không sánh gì với lòng tốt anh ấy đã giúp gia đình chị đâu. Chả là Trùng Dương còn một người anh ở lại Sàigòn sau 75, khi nghe tin anh của chị bị stroke, Trần Phong Giao đã đến thăm và giới thiệu bác sĩ Ngô Thế Vinh đến chăm sóc thuốc men. Và khi người anh của Trùng Dương qua đời, chính Trần Phong Giao đã đánh điện báo tin cho gia đình Trùng Dương biết. Chị nói “chính tôi mới là người biết ơn anh ấy. Tuy muộn màng, nhưng tôi vẫn muốn nói ‘tạm biệt Trần Phong Giao!’ và thêm một lời cám ơn bạn Ngô Thế Vinh của chúng ta.”
Tôi nhớ lại thời gian làm báo Người Việt ở Nam Cali dù lương thấp không đủ nuôi sống gia đình, tháng nào tôi cũng trích trong số lương ít oi của mình gửi cho các bạn thuyền nhân ở trại tị nạn Bataan Phi Luật Tân vài ba chục mỹ kim. Những người thiếu may mắn, đến đảo trước tôi cả mấy năm mà vẫn chưa thấy tên trên list định cư. Tôi thấy mình làm như thế là đúng thôi, nhưng bây giờ nghĩ lại thấy mình có phần tệ bạc với Trần Phong Giao. Lẽ ra, tôi phải nên giúp anh nhiều hơn ai hết, mặc dù những thư anh viết cho tôi không hề hé ra một lời than thở.
Cho đến một buổi sớm thức dậy mở email thấy thư Đặng Tiến. Một dòng chữ ngắn trên cái email gửi chung cho các bạn quen. Trần Phong Giao đã ra đi.
Rất ít chi tiết về Trần Phong Giao. Tôi nhờ Trần Thị NgH. – tác giả Nhà Có Cửa Khoá Trái – ở Sài gòn cho một bài về anh. Chị viết một hồi ức về lần đầu đưa sáng tác của mình cho Trần Phong Giao. Một tiếp xúc khó chịu của ông thư ký toà soạn với một người viết mới là một ấn tượng còn ở lại hơi lâu với Trần thị NgH.

3bis.
Mới đây, nhân soạn lại những thùng sách báo cũ, tôi tìm thấy lá thư của Trần Phong Giao. Thư đề ngày 27/1/95, viết từ Sài gòn gửi cho tôi ở thành phố Garden Grove, Quận Cam, California, anh báo cho tôi một tin buồn là nhà anh “bị cháy [nhà] khi đã bước cả hai chân qua tuổi sáu-mươi (ôi cái tuổi tuần thời!) tôi những tưởng bị gục luôn. Nào ngờ còn gượng dậy được. Đi phải chống gậy nhưng vẫn là đi….” Và đồng thời anh cũng báo cho tôi một tin vui là anh đã làm xong cuốn từ điển về thành ngữ tiếng Anh. Nhưng, anh viết thêm “[l]àm từ điển thì, bạn dư biết đấy, đói dài.” Trần Phong Giao cũng nhắc chuyện cũ “[S]ực nhớ, có lần Huỳnh Phan Anh đãi uống bia lon. Hỏi sao sang thế? Đáp, ấy có thằng bạn định về thăm quê, nhưng tới Bangkok lại quay về. Hình như nó rét. Có điều, trước khi về nó có nhờ chuyển cho moa tí tiền còm: chầu bia hôm nay. Khỉ thật, phải chi hắn đãi rượu…”
Trần Phong Giao luôn là người dị ứng với bia. Anh chỉ thích rượu và phải là rượu ngon. Thư anh kể thêm là trên kệ rượu nhà anh mới có ba chai: Cutty Sark, the famous Grouse và Grand Macnish. “Phải chi có các bạn ở đây để ‘nghiêng bầu mà hỏi’ thì vui biết mấy!”
Và Trần Phong Giao nhắc tới bạn bè đang ở Mỹ: “Mà lạ, bạn ạ, hễ uống Chivas Regal là nhớ cụ Mặc Đỗ. uống X.O. là nhớ Thu Vàng*, uống Back and White là nhớ cô Thảo Mai**… cỏ xanh đất mát, nhớ V.K.K***.,…” Trần Phong Giao cho tôi biết anh muốn biên thư và đọc thư của Trùng Dương, Nguyễn Quang Hiện, Ngô Thế Vinh,… nhưng không biết các bạn có còn ở chỗ cũ không?
Cuối thư, anh viết: “Bản thân tôi, viết được cánh thư dài như thế này cũng là chuyện hiếm hoi rồi đấy”, và Trần Phong Giao kết thúc bằng 4 câu thơ:
Sáu mươi lăm tuổi rồi đây hả?
Sóng vỗ chân cầu nghe xốn xang.
Đốt tay ngồi đếm, già? Đâu có!
Một tuổi trời cho: một tuổi vàng….
“Cho dù có sống mòn, sống thêm, cũng vẫn là sống. Và còn sống là còn thương, còn nhớ, còn ‘rót thêm ly nữa’ mà không biết mời ai.”

Trần Phong Giao không quên bạn bè cũ dù trong hoàn cảnh nào, và bạn bè anh khi nhắc tới tờ Văn, không ai là không nhớ tới anh…

4.
Ở Mỹ chuyện mua một tủ sách gỗ có đánh vẹc ni có vân đâu phải là chuyện khó. Tìm cho nó một chỗ để trong phòng khách hay phòng làm việc, thậm chí trong phòng ngủ cũng là chuyện dễ như trở bàn tay. Tôi đã có nhiều kệ sách như thế, nhưng cái linh hồn tủ sách Trần Phong Giao tôi không tìm ra.
Tôi muốn nói lời tạm biệt anh. Và nói lời cám ơn người đã xây dựng cho tờ Văn có một chỗ đứng trong trí nhớ chúng ta!
* Nhạc sĩ Cung Tiến
** Nhà văn Mai Thảo
*** Kịch tác gia Vũ Khắc Khoan

____________

Tạp chí Văn, một thời tôi tới

Cao Thoại Châu

Thơ tôi đăng trên báo khá muộn so với tuổi tôi. Bài thơ đầu tiên lại là một bài lấy cảm hứng từ nghề nghiệp, tâm trạng một thầy giáo thời chiến tranh đang leo thang lấp ló cửa ngõ các thành thị miền Nam. Năm 1963 Tạp chí VĂN đang bài "Chỗ ngồi của nhà giáo thời chiến" đồng thời cũng là VĂN đã bóc tem bút danh Cao Thoại Châu của tôi.
Khi chọn báo để gửi, tôi đã nghĩ tới tờ VĂN lúc đó vốn có tiếng là chọn bài nghiêm ngặt, chọn địa chỉ này tôi nghĩ mình có thể khẳng định được chỗ đứng nhanh chóng hơn nếu mình thật sự có tài và có duyên nợ với thi ca. Và những gì diễn ra sau đó cho thấy suy nghĩ của tôi là đúng. Tất nhiên cảm giác của tôi vào một buổi chiều trong thị xã miền biên giới là rất lâng lâng khi ghé mua tờ VĂN thấy có bài của mình. Cảm tưởng này còn được gia cố thêm khi vài ngày sau đó tôi nhận thư của toà soạn ký Trần Phong Giao. Trong thư, anh Giao tỏ ra chăm sóc tôi và tin tôi có thể đi xa hơn. Và cũng qua thư, tôi hiểu tờ báo này "trọng dụng" những cây bút trí thức và...lính!. Thư đó và những thư sau, Trần Phong Giao hay gọi tên thực của tôi, hình như đó là kiểu của anh.
Điều tôi lưu ý tiếp theo với VĂN lại là cách làm việc giao tiếp phát hiện và trân trọng với cộng tác viên của người thư ký toà soạn. Từ bài thứ hai của mình, tôi không còn nằm trong "Những bài mới nhận được" mà là một vài dòng nhắn riêng của anh Giao, làm cho tôi có cảm giác mình không còn xa lạ với tờ báo nữa. Từ năm 1963 đó cho đến khi miền Nam có chủ mới, bút danh của tôi trở thành quen thuộc của tờ VĂN và điều này có nghĩa một sự quen thuộc của những người viết lúc bấy giờ.
Một tờ báo làm được cây cầu cho một tác giả đi vào nghiệp viết như VĂN đã làm, theo tôi là một tờ báo có trách nhiệm với văn chương.
Có điều là, trong từng ấy năm tôi chỉ gặp anh Giao có 2 lần. Lần thứ nhất vào năm 1972 khi tôi chạy theo đoàn người di tản khỏi Pleiku trong mùa hè đỏ lửa về Sài Gòn. Trần Phong Giao nhắn tôi đến nói là có việc cần. Một người ngăm ngăm đen và to con lúc nào cũng thấy hít dầu gió, tiếp tôi. Là người ít nói không quen những giao tiếp văn nghệ nhưng tôi thấy Trần Phong Giao còn ít nói hơn. Vừa làm việc anh vừa nói dường như chỉ một câu thăm hỏi gia đình ra sao trên đường di tản. Trao cho tôi một phong bì, anh nói "Nhuận bút của cậu đó", tôi hiểu vì thời ấy thơ không có nhuận bao giờ. Có thói quen khi làm việc không chia sẻ nên tôi chào anh mà về sau chỉ khoảng 15 phút.
Lần thứ hai tôi gặp anh là sau 1975, lúc tôi tìm lại những bài thơ trên VĂN để chuẩn bị in "Bản Thảo Một Đời". Quả đúng là con người mẫn cán và ngăn nắp, anh cho tôi coi đủ những số báo mà tôi cần, còn nhắc tôi những bài tôi không nhớ ra. Anh nói "Hai bài Mời em uống rượu" và "Để nhớ lúc Trâm xa" là hai bài thơ hay", đó là lần duy nhất tôi được nghe Trần Phong Giao nói về thơ mình. Hôm ấy hai anh em nhìn nhau hơi có phần tâm trạng khi ngồi ở một cái quán nhỏ tại Đakao, anh đãi tôi thịt dê và lần đầu tiên tôi biết tới thịt của con vật đầy tai tiếng này.
Lúc nhìn tủ sách nhà anh thấy những tờ VĂN xếp thẳng thớm trong tủ tôi thấy lòng mình có một cái gì đó như là bùi ngùi nhận ra đã hết hẳn những ngày tháng cũ trước làn sóng mới trùm phủ lên những người viết gọi là của Sài Gòn cũ. Một tờ báo khẳng định được tôn chỉ của mình, khẳng định được báo cho ai và do những ai viết như tờ VĂN, theo tôi là một tờ báo làm một cách tròn trịa vai trò của nó. Tôi còn nhớ, những lần đi chấm thi ở các tỉnh miền Trung thấy giới trẻ ở đó dường như coi VĂN là một cái đích mà họ phải đến, họ nhìn những ai có bài đăng trên đó như là...người thành công! Những người viết thuở đó còn đến hôm nay chắc sẽ hài lòng khi tôi nói chúng ta hầu như đều đi qua cái "cửa" VĂN này.
Giờ thỉnh thoảng đi qua con đường cũ thấy không còn dấu tích vật chất nào của tờ VĂN, những lúc như vậy tôi tự nhiên nghĩ tới những dấu tích văn chương của nó để lại hết sức lớn lao. Và làm sao mà lòng tôi không khỏi ngậm ngùi! "Thiên niên cự thất thành quan đạo/ Nhất phiến tân thành một cố cung", và "Những người muôn năm trước/ Hồn ở đâu bây giờ". Người xưa viết chẳng có sai một chút nào!./.

_____________

Trần Phong Giao,

người gác cửa văn học, tạp chí Văn

Du Tử Lê

Hiệp định Geneva được ký kết năm 1954, đưa tới sự chia đôi nước đất nước, tôi nghĩ, không chỉ là một dấu mốc lịch sử quan trọng mà, nó cũng là một dấu mốc lớn của nền văn học Việt Nam nữa.
Ở lãnh vực văn học, tính từ thời điểm đó, tới biến cố tháng 4-1975, miền Bắc không hề có sinh hoạt văn học. Cách khác, theo cách nói, của nhà văn nổi tiếng miền Bắc, nhà văn Nguyên Ngọc (1) thì, nó chỉ là một nền “văn chương minh họa;” phục vụ chế độ tùy nhu cầu mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ. Chính vì vậy mà sự xuất hiện (dù rất ngắn ngủi,) của mấy số báo Nhân Văn, Giai Phẩm ở Hà Nội, đã trở thành một biến cố văn học lớn, gây xao xác, chấn động văn giới cũng như chế độ cộng sản miền Bắc. Dư âm của biến cố được gọi chung là “Vụ án Nhân Văn Giai Phẩm” đó, đến nay, vẫn còn được nhắc nhở, cào, xới như một vết thương chưa hề mọc da non, chưa hề liền miệng.
nguyen xuan hoangTrong khi đó, tại miền Nam, sau giai đoạn mở đường, gieo những hạt mầm văn học vạm vỡ của các tạp chí Sáng Tạo, Hiện Ðại, Văn Nghệ, Thế Kỷ 20..., là giai đoạn trồng, gặt những mùa gặt văn học sung mãn, bội thu, với các tạp chí Bách Khoa, Văn Học và Văn (tính từ thời điểm đầu thấp niên 1960 tới tháng 4 năm 1975.) (2)
Trong số 3 tạp chí văn chương vừa kể, thì tạp chí Bách Khoa có niên kỷ cao nhất. Bách Khoa do nhà văn Huỳnh Văn Lang sáng lập. Sau, họ Huỳnh giao toàn quyền việc điều hành cho ông Lê Ngộ Châu. Ông Lê Ngộ Châu không phải là nhà văn, cũng không hề là nhà báo. Ông chưa từng viết một bài báo nào trong suốt thời gian trông nom tờ Bách Khoa. Nhưng theo người sáng lập, nhà văn Huỳnh Văn Lang, thì ông Lê Ngô Châu là người có khả năng điều hành và, dung hòa mọi phe phái (3.)
Phụ trách phần nội dung cho Bách Khoa (tòa soạn ở đường Phan Ðình Phùng,) có thể kể các nhân vật chính như Võ Phiến, lo văn xuôi; Xuân Hiến, chọn thơ, Nguiễn Ngu Í lo phỏng vấn, phóng sự.
Tạp chí Văn Học, (tòa soạn ở đường Lê Văn Duyệt, cũng là nhà in của ông Dương Cự?) do ông Phan Kim Thịnh đứng tên chủ nhiệm, có được sự tiếp tay tích cực về phương diện bài vở của nhà thơ Dương Kiền.
nguyen xuan hoangTạp chí Văn (tòa soạn ở đường Phạm Ngũ Lão, cũng là nhà in Nguyễn Ðình Vượng,) do ông Nguyễn Ðình Vượng đứng tên chủ nhiệm. Phần nội dung, bài vở được giao do nhà văn Trần Phong Giao toàn quyền, trách nhiệm.
Phong cách hay nếp sinh hoạt của ba tạp chí có tuổi thọ đáng kể kia, trong sinh hoạt 20 năm văn chương miền Nam Việt nam có nhiều điểm khác biệt.
Nếu tòa soạn Bách Khoa là nơi lui tới của những nhà văn, nhà thơ đa số lớn tuổi, nghiêm túc, nặng tinh thần công chức, lễ giáo, như các ông Nguyễn Hiến Lê, Tạ Tỵ, Ðoàn Thêm, Nguyễn Văn Trung, Trần Ngọc Ninh...; thì, sinh hoạt tại hai tòa soạn Văn Học và Văn, có phần trẻ trung hơn. Là phụ tá, phụ trách bài vở cho Văn Học, nhưng nhà thơ Dương Kiền, vì công việc tại văn phòng luật sư riêng của mình, nên hiếm khi ông có mặt tại tòa soạn. Chủ nhiệm Phan Kim Thịnh lại thường xuyên... chạy ngoài, nên tòa soạn cũng... thường xuyên vắng người. Khách biên đình, anh em văn nghệ phương xa về Saigòn, ghé thăm Văn Học, nhiều khi đi tới, lui cả chục lần, không gặp ai, ngoài mấy chiếc bàn phía ngoài và, nhóm thợ in với máy móc, bên trong. Lại nữa, họ Phan vốn hiếu khách, nên anh chị em văn nghệ nào gặp hên, “tóm” được chủ nhiệm; thì, ông thường kéo khách qua mấy ngôi quán gần tòa soạn, uống nước.
Ngược với tòa soạn Văn Học, tòa soạn Văn không nhưng luôn luôn có... người mà, còn có tới hai, ba người một lúc, nữa.
Ở Việt Nam trước đây, tất cả các cơ sở thương mại, văn phòng dường như không có thói quen treo bảng ghi giờ mở / đóng cửa. Do đó, tôi không biết giờ mở / đóng cửa của tạp chí Văn. Nhưng kinh nghiệm cá nhân cho thấy, nếu có việc phải ghé lại tòa soạn trong khoảng thời gian từ 8 tới 11 giờ sáng, từ ngoài nhìn vào, tôi luôn thấy thầy cò Gia Tuấn, ngồi nơi chiếc bàn thứ nhất, với cặp kính trắng dày cui, hiếm khi rời mắt khỏi xấp bản vỗ (4.) Kế tiếp, cũng cùng một cung cách cúi xuống, cặm cụi trước đống bản thảo, hoặc dán mắt vào chiếc máy chữ to đùng, là thư ký tòa soạn Trần Phong Giao. (Nếu Gia Tuấn “mảnh khảnh” vóc dáng con... cò bao nhiêu, thì họ Trần chắc chắc, đậm người bấy nhiêu.) Nơi bàn thứ ba, cũng là chiếc bàn trong cùng, trước khi chạm tấm vách ngăn phần nhà in bên trong, là chủ nhiệm Nguyễn Ðình Vượng. Ông là một thứ “bon papa” của nhiều cộng tác viên Văn.
Tứ thời áo len (do suyễn kinh niên,) với nụ cười không bao giờ biến mất trên gương mặt phúc hậu, cởi mở, chủ nhiệm Nguyễn Ðình Vượng là mặt khác của thư ký tòa soạn Trần Phong Giao. “Papa” Vượng tỏ ra nhân từ, dễ thương bao nhiêu, thì với những ai mới gặp “Trần Phóng,” Trần Phong Giao, lần đầu, sẽ thấy ông là hiện thân của một thứ... “Cùng hung, cực ác” bấy nhiêu (5.)

Chú thích:
(1) Nhà văn Nguyên Ngọc, trong thời gian giữ vai trò tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ, tiếng nói của Hội Nhà Văn Việt Nam, ở Hà Nội, là người phát hiện, giới thiệu với độc giả nhiều cây bút mới, sau này nổi tiếng như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Thị Hoài...
(2) Tôi không nhắc tới vài tạp chí văn chương khác, như Nghệ Thuật, Vấn Ðề, Văn Chương... (dù những tạp chí này cũng xuất hiện trong thập niên 1960 ở miền Nam,) vì thời gian hiện diện ngắn ngủi; hoặc không gây được một chú ý đáng kể nào (như tạp chí Văn Hữu - cơ quan ngôn luận của Hội Văn Hóa Á Châu.)
(3) Sinh thời, thi sĩ Nguyên Sa từng kể, cũng như từng viết xuống rằng, tòa soạn Bách Khoa là nơi gặp gỡ một cách “vui vẻ, thoải mái” của các nhân vật chính trị như Phạm Ngọc Thảo, Vũ Hạnh..., khuynh hướng cộng sản, Trần Ngọc Ninh, Ðoàn Thêm..., khuynh hướng quốc gia; Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung..., khuynh hướng trung lập...
(4) Trước khi máy computer ra đời, công việc in ấn rất nhiêu khê! Thoạt tiên, người thợ sắp chữ phải gắp từng mẫu tự đúc chì, to nhỏ tùy size chữ, xếp ngược, rồi đánh đai hay khuôn lại theo khổ ấn định, gọi là bát chữ. Sau đó, người thợ phải dùng những tấm giấy ẩm nước, đập vào bát chữ đã lăn mực, để những dòng chữ hiện ra, xuôi chiều. Những tấm giấy có chữ này, gọi là bản vỗ. Thầy cò sẽ sửa lỗi chính tả trên những bản vỗ đó. Những công đoạn này tái diễn nhiều lần, cho tới khi bản vỗ không còn lỗi chính tả.
(5) Ngoài bút hiệu Trần Phong Giao, thư ký tòa soạn đầu tiên của tạp chí Văn, còn có bút hiệu thứ hai, là Trần Phong. Thời gian Văn ra đời, cũng là thịnh thời của phong trào đọc chuyện chưởng Kim Dung. Một trong những dịch giả được ưa thích là ông Tiền Phong - Từ Khánh Phụng. Ông này gốc người Hoa. Tên ông đọc theo âm Trung Hoa là “Sìn Phoóng.” Và, “Trần Phoóng” mau chóng trở thành “nickname” của Trần Phong Giao, được một số anh em văn nghệ thân thiết với họ Trần, gọi... sau lưng ông.
Tôi mượn hình ảnh một nhân vật “Cùng hung cực ác” trong chuyện Chưởng của Kim Dung, để thậm xưng về “ngoại hình” của nhà văn Trần Phong Giao, Thư ký tòa soạn đầu tiên và, lâu đời nhất của Tạp chí Văn, Saigòn, những năm đầu thập niên 1960. Lý do, với bất cứ anh chị em văn nghệ nào, không biết mặt ông, dù ở đâu về, hỏi gặp ông, ông đều chối ông không phải là Trần Phong Giao. Chẳng những lạnh lùng, đôi khi, ông còn xẵng giọng nữa. Tuy nhiên, một khi đã quen biết, Trần Phong Giao lại cho thấy ông là người rất quý bạn và, quan tâm tới những buồn, vui riêng của mỗi người.
Giải thích cung cách ứng xử lạnh lùng của mình, ông nói, nếu không thế, ông không có đủ thì giờ để hoàn tất công việc của thư ký tòa soạn một tạp chí có số lượng phát hành lớn nhất miền Nam Việt Nam thời đó.
Công việc của họ Trần, không đơn giản trong phạm vi nội dung, bài vở, chủ đề (cho mỗi số.) Nó cũng không chỉ là công việc liên lạc xin bài, đi lấy bài của những tác giả muốn có mà, cùng lúc, mỗi ngày, ông phải đọc hàng trăm thư độc giả, hàng trăm sáng tác, biên khảo, dịch thuật của các tác giả khắp nơi, để quyết định sẽ đăng hay, loại bỏ.
Mỗi số, với bút hiệu Thư Trung, ông phải viết tin sinh hoạt văn học nghệ thuật, tường trình cùng độc giả. Lại nữa, ở lãnh vực sách xuất bản, với bút hiệu Mõ Làng Văn (6,) ông cũng phải chọn ra để điểm một số tác phẩm tiêu biểu.
Công việc cực nhọc, tế nhị nhất (nhưng cho thấy khó có một thư ký tòa soạn nào, có thể làm được một cách bền bỉ, kiên nhẫn hơn,) đó là việc trả lời thư độc giả, thư văn hữu. Tôi cho việc làm này của Trần Phong Giao là sợi dây liên kết thân ái nhất, giữa tòa soạn Văn và bạn văn, độc giả.
Khi báo in xong, chiếu theo danh sách, Trần Phong Giao cũng là người viết tên, đề địa chỉ, bỏ báo biếu vào những phong bì lớn, in sẵn logo, gửi cho các cộng tác viên. Với những tác giả có bài đăng tải trong số báo mới đó, họ Trần chia thành 2 loại.
Loại thứ nhất, những tác giả được trả tiền nhuận bút, dù thơ hay văn. Loại thứ nhì, những tác giả chỉ được biếu báo. (7)
Nếu cư ngụ tại Saigòn, bạn có thể đến thẳng tòa soạn vào những ngày 1 và 15 mỗi tháng, để nhận tiền và báo, mà, không cần phải báo trước. Suốt bao nhiêu năm ở vai trò Thư ký tòa soạn Văn của Trần Phong Giao, tôi chưa thấy một bạn văn nào than phiền, chất vấn ông, về tác quyền của họ.
Song song với 2 số báo Văn, mỗi tháng, nhà văn Trần Phong Giao còn trông nom nhà xuất bản Nguyễn Ðình Vượng và, tủ sách Văn Uyển, sau đổi thành Tân Văn (8.)
Với bề ngoài lạnh lùng, thường xuyên gây bất mãn cho những người tìm kiếm mình tại tòa soạn, nhưng khó ai có thể phủ nhận tấm lòng ưu ái đặc biệt của nhà văn Trần Phong Giao với lớp người viết trẻ, (nhất là những cây bút miền Trung.)
Rất nhiều cây bút trẻ thời đó, sau này nổi tiếng, nhờ hoặc từ ngôi nhà tạp chí Văn mà, người canh cửa chính là ông “mặt sắt, đen sì” Trần Phong Giao.
Trong danh sách dầy, đặc, gồm những người hiện ở hải ngoại, hay quê nhà; những người còn sống, hoặc đã chết, thành danh từ tạp chí Văn, chúng tôi xin kể một số tên tuổi tượng trưng như: Trần Hoài Thư, Hà Thúc Sinh, Hồ Minh Dũng, Trần Dzạ Lữ, Nguyễn Lương Vỵ, Mường Mán, Ngụy Ngữ, Cao Thoại Châu, Lâm Chương, Nguyễn Huy Tưởng, Ðynh Trầm Ca, Phan Nhự Thức, Hà Nguyên Thạch, Lâm Hảo Dũng, Vũ Hữu Ðịnh, Phạm Cao Hoàng, Nguyễn Thị Minh Ngọc, vân vân...
Dù đã trên dưới bốn mươi năm, kể từ ngày nhà văn Trần Phong Giao rời khỏi vai trò Thư ký Tòa soạn bán nguyệt san Văn và, 4 năm sau ngày chết của ông (9,) nhà văn Trần Hoài Thư (10,) trong một bài viết nhan đề “Trần Phong Giao và những người viết trẻ,” in trong tạp chí Thư Quán Bản Thảo (11,) tập thứ 35, đề tháng 2 năm 2009, đã viết như sau:
“Thời ấy, thời những năm 60, nói đến văn học miền Nam là nói đến nhóm, là phải nhắc đến Sáng Tạo, Hiện Ðại, Thế Kỷ 20 v.v... Những đề tài thì quanh quẩn những hiện sinh, nôn mửa, làm mới văn học, hay viết về những kinh nghiệm bản thân về một chủ nghĩa là Cộng sản mà họ đã trải qua... Họ sống ở thủ đô, ít hiểu, ít chất liệu để nói về con quái vật chiến tranh và những hệ lụy của nó (...)
“Riêng những người viết trẻ thì không những lãnh phần đánh giặc, chết thế mà còn tự nguyện lãnh thêm những xấp giấy nhét trong ba lô hay túi áo trận có khi dính đầy máu. Và khác với những quan chức văn nghệ phòng trà, mang bộ đồng phục mà viết về ca sĩ, vũ nữ v.v... thì các người viết trẻ phải viết trong điều kiện:
“Viết thư thăm ông sau cuộc hành quân biên phòng, kéo dài suốt 20 ngày trong rừng đầy muỗi, lạnh và vắt rừng.
“Ở đây thiếu thốn nhiều phương diện. Ngay như báo chí. Ðôi khi tờ báo hàng ngày xuất bản ngày 10 thì đến 20 chúng tôi mới được đọc. Còn nói gì đến những tập san văn học nghệ thuật?”
(T.L. thư từ Dakto ngày 12 tháng 12 - 1970. Vấn Ðề số 45 tháng 4-71.)
“May mắn trong thế giới ấy, chúng ta có một Trần Phong Giao của Văn.
“Có thể nói, trong thời chiến, không một người viết trẻ nào lại không nhớ đến cái công tìm tòi, khai phá những tài năng mới của tạp chí Văn, mà thơ ký tòa soạn Trần Phong Giao (TPG) là người đầu tầu.”
“Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin đề cập đến một đức tính hiếm quý mà chúng tôi đã tìm thấy ở ông, dù ít khi chúng tôi có dịp gần gũi với ông.
“Nhớ lại trong vài lần từ vùng hai về phép, ghé ngang tòa soạn Văn, thăm ông, thấy ông với gương mặt lạnh lùng, họa hoằn lắm mới thốt vài câu thăm hỏi, sau đó, lại tiếp tục cúi xuống bàn máy chữ, thì thấy lòng hơi bất mãn.
“Vậy mà trên tạp chí Văn, ở mục trang Sinh Hoạt Văn Học Nghệ Thuật, dưới bút hiệu Thư Trung, ông luôn viết về chúng tôi, đề cập đến chúng tôi, và cất lời thống thiết vì chúng tôi. Thật khó tìm một tạp chí có người thư ký tòa soạn lại chú tâm về cuộc hành trình của những người mang màu áo đồng phục như chúng tôi như thế. Nhờ Văn mà chúng tôi tìm đến nhau, và biết tin nhau dù chúng tôi luân lạc tứ phương...”

Chú thích:
(6) Bút hiệu Mõ Làng Văn là bút hiệu chung của một số cộng tác viên mật thiết với Văn, khi Trần Phong Giao nhờ những người này, làm công việc điểm sách thay ông. Nhưng ông thường thêm, bớt, trước khi đăng tải.
(7) Dù thơ hay văn, tiền nhuận bút được tính theo trang. Dĩ nhiên, nhuận bút mỗi trang bài, sai biệt tùy theo tên tuổi từng tác giả. Sự trân trọng đối với thi ca của tạp chí Văn, ngày xưa, là một điểm son lớn.
(8) Sự khác biệt giữa nhà xuất bản Nguyễn Ðình Vượng và tủ sách Tân Văn ở chỗ: Sách của nhà Nguyễn Ðình Vượng được in trên giấy trắng, bìa dầy, bất định kỳ - Trong khi sách của tủ sách Tân Văn bìa mỏng, ruột in giấy báo, xuất bản hàng tháng, sách dầy trên dưới 100 trang. Mục đích bán với giá rẻ và, cho thợ in có thêm việc làm.
(9) Nhà văn Trần Phong Giao từ trần tại Saigòn, ngày 12 tháng 4-2005, thọ 70 tuổi, nếu tính theo năm sinh 1935.
(10) Nhà văn Trần Hoài Thư hiện cư ngụ tại tiểu bang New Jersey. Cùng với Phạm Văn Nhàn, ông chủ trương tạp chí văn học nghệ thuật Thư Quán Bản Thảo. Từ năm 2006 đến 2007, sau khi về hưu, có thì giờ, ông đã sưu tập, chủ biên “Tủ Sách Di Sản Văn Chương Miền Nam.” Tới nay, tủ sách này đã ấn hành được những bộ sách như “Thơ miền Nam trong thời chiến,” tập 1 và 2 - Cộng chung dầy trên 1,500 trang quy tụ trên 400 tác giả. Riêng năm 2008, ông sưu tầm và ấn hành các bộ “Thơ Tự Do Miền Nam,” “Thơ Tình Miền Nam,” “Lục bát một thời Việt Nam.” Tất cả những bộ này đều dày trên 600 trang, quy tụ nhiều trăm tác giả miền Nam. Có thể đặt mua qua Tòa soạn Thư Ấn Quán.
(11) Tạp chí Thư Quán Bản Thảo xuất bản 2 tháng 1 lần. Không bán. Muốn có, xin vui lòng liên lạc qua địa chỉ: Thứ Ấn Quán, P.O.Box 58, South Bound Brook, NJ 08880; hoặc E-mail: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Tôi không biết sau tôi, nhà văn Mai Thảo có nói với ai khác, về việc ông bị “khép tội” chủ trương phong trào văn chương “viễn mơ”? Với tôi thì không. Sau lần nói chuyện với nhau ở tiệm cơm Ngọc Hương, đường Gia Long, Mai Thảo dường đã quên, chuyện ấy. Tôi nói, Mai Thảo quên hay không đề cập nữa, vì, sau bài “Văn chương trước những mưu đồ bất chính của hệ thống chiến tranh lạnh,” Thế Nguyên và các bạn ông, tiếp tục “triển khai” trận đánh với cường độ “oanh kích” ngày một gia tăng bom, đạn...
Một trong những bài viết được phổ biến trên tạp chí Ðất Nước, cũng đã tố cáo tác giả “Người đàn bà trong vòng đai trắng” là người nhận tiền trợ cấp từ một bộ phận phụ trách văn hóa thuộc tòa đại sứ Hoa Kỳ, ở Saigòn, để xuất bản tờ Sáng Tạo. Nhóm Sáng Tạo cũng bị lên án là theo đuổi “chủ nghĩa độc đảng!” Xóa bỏ quá khứ. Khoanh vùng. Và, chỉ “suy tôn” nhau mà thôi.
Tuy có phương tiện trong tay, cũng như nếu cần, có thể sẽ có nhiều diễn đàn bạn, sẵn sàng “nhập cuộc” để bênh vực mình; nhưng Mai Thảo đã chọn thái độ thản nhiên, im lặng. Theo tôi, đây là một trong những cung cách ứng xử mà, Mai Thảo đã giữ được suốt đời mình. Chưa bao giờ tôi thấy ông dùng ngòi bút để phản bác hay, tấn công một nhà văn. Ông quan niệm, chữ nghĩa không phải là những mũi dao dùng để đâm anh em, ngay khi phải tự vệ... Quan niệm đó, đã làm thành một nhân cách lớn. Nhân cách Mai Thảo.
Là người khởi xướng một cuộc... “chiến tranh lạnh” trên địa bàn văn học, với ba tờ tạp chí và, một nhà xuất bản (với hàng trăm tác phẩm ấn hành trong một khoảng thời gian tương đối ngắn,) Thế Nguyên đã nhận được sự tiếp tay, cộng tác của khá nhiều văn nghệ sĩ, trí thức thuộc nhiều thành phần, nhiều khuynh hướng...
Không phải tất cả những người đến với Thế Nguyên, đều hoàn toàn đồng ý với chủ trương, quan điểm của hai tạp chí Ðất Nước, Nghiên Cứu Văn Học và, bán nguyệt san Trình Bày... Nhưng, họ đến, nhiều phần vì cá nhân Thế Nguyên, và một vài thành viên nòng cốt khác của ông - Như giáo sư Nguyễn Văn Trung; Linh Mục Thanh Lãng (chủ nhiệm tạp chí Nghiên Cứu Văn Học); Diễm Châu (tổng thư ký); Nguyễn Quốc Thái (thư ký) tòa soạn Trình Bày.
Về những tác giả thành danh cộng tác với Thế Nguyên, chúng ta có thể kể: Nguyên Sa, Thảo Trường, Ðỗ Long Vân, Nguyễn Khắc Ngữ, Trần Thái Ðỉnh, Lê Tôn Nghiêm... Lớp mới, có Hoàng Ngọc Biên, Lê Văn Hảo, Lữ Phương, Nguyễn Trọng Văn, Thái Lãng... Và, dĩ nhiên, Thế Nguyên là nơi “tìm về,” là một “địa chỉ hoa” của những cây bút trẻ, chủ trương “dấn thân” (Ðồng nghĩa với chống chiến tranh, đòi hòa bình cho đất nước!)
Về tính cách cá nhân thì, dù không phải đi lính vì lý do gia cảnh, nhưng Thế Nguyên vẫn tứ thời hớt tóc “đầu đinh/ba phân.” Người mỏng; mắt hơi lồi; nụ cười hở lợi; quần, áo lèng xèng; quanh năm đi dép; phong cách công nhân nhiều hơn một nhà văn (hay một nhà vận động chính trị), Thế Nguyên đã mang lại cho những người tiếp xúc với ông, (ngay lần đầu,) cái cảm giác gần gũi, tin cậy. Chóng vánh. (10)
Với ánh mắt ân cần, với điếu thuốc gần như lúc nào cũng trên tay, Thế Nguyên thuộc loại người một tháng chưa dùng hết một bao diêm-quẹt, (chỉ tốn 1 cây diêm-quẹt đầu ngày?) Ông có thể lắng nghe bạn nói nhiều giờ, không mệt mỏi... Chưa kể, một khi đã là bằng hữu, Thế Nguyên thường tỏ ra rất quan tâm tới đời sống riêng, thói, tật của bạn. Ông luôn cho người đối thoại với ông, cảm tưởng ông là người dễ thỏa hiệp, thậm chí, dễ thuyết phục. Sự thực, ngược lại. Ở những lãnh vực thuộc về niềm tin, lý tưởng thì, ông thuộc loại cực đoan. Dứt khoát. Tàn nhẫn, nếu cần. Tôi nghĩ, ông có nhiều hơn, một con người, trong một con người. (11)
Dù Thế Nguyên có bao nhiêu con người, trong một con người thì, với tôi, những đóng góp của ông ở phương diện báo chí, văn chương, vẫn là những đóng góp đáng kể. Với sự tiếp tay của nhiều người, ông đã khai mở một dòng chảy mới, cho văn chương miền Nam, từ giữa thập niên 1960. Một dòng văn chương sôi sục đối kháng.
Ðặc biệt, với bảng hiệu nhà xuất bản Trình Bày, qua một số dịch giả khác nhau, ông đã giới thiệu với độc giả miền Nam, những nét đặc thù của văn chương Nhật Bản (như tiểu thuyết của Kawabata;) văn chương Ðại Hàn (như truyện của Richard Kim) và, nhất là thi ca của những tác giả thuộc khối thứ ba, thời đó, tương đối còn xa lạ với người Việt, đa phần, do nhà thơ Diễm Châu chuyển ngữ.
Ngay cả khi những tiết lộ mới đây, của tác giả Lữ Phương về Thế Nguyên, trong hồi ký nhan đề “Lữ Phương, Những chuyến ra đi,” (12) có là sự thật, thì, tôi vẫn thấy, tôi gần với ghi nhận của thi sĩ Nguyên Sa về Thế Nguyên. Tác giả “Áo lụa Hà Ðông” thấy con người Thế Nguyên là một... tu sĩ. Một kẻ giang hồ! Muốn “thế thiên hành đạo.”
Chỉ tiếc, Thế Nguyên mất sớm. Ông từ trần tại Saigòn, ngày 15 Tháng Tám năm 1989, ở tuổi 48. Nhà thơ Nguyễn Quốc Thái, một trong vài bạn văn thân thiết với Thế Nguyên, còn ở lại Saigòn, sau biến cố 30 Tháng Tư 1975, kể rằng, một buổi chiều rảnh rỗi, tác giả “Hồi chuông tắt lửa” dùng dao cắt (hay khoét bỏ) một mụn cóc ở chân. Lưỡi dao bị nhiễm độc mà, ông không biết. Ðêm đó, ông lên cơn sốt. Nghĩ, không quan trọng. “Cũng thường thôi!” Nhưng qua hôm sau, ông bị co giật với những cơn sốt trên 40 độ C. Người nhà cầu cứu Nguyễn Quốc Thái. Họ Nguyễn chạy đến, đưa ông vào bệnh viện. Trên giường bệnh, lúc tỉnh táo, linh cảm rằng mình đã bước rất gần cõi chết, ông bảo bạn:
“Chậm rồi! Thái ạ.”
Ðúng vậy! Nguyễn Quốc Thái nói, chứng phong đòn gánh (tetanus,) không phải là một chứng bệnh gì khó chữa. Nhưng thời gian đó, Saigòn gần như thiếu tất cả mọi thứ thuốc! Bác sĩ giỏi mấy cũng... “bó tay!”.
Nguyễn Quốc Thái kể thêm:
“Dù sao thì tôi vẫn tin rằng, cuối cùng, Thế Nguyên đã ra đi trong thanh thản. Trước giờ bạn đi, tôi đã mời được cha đến làm phép xức dầu, xưng tội, giải tội... cùng mọi nghi thức tôn giáo khác...”. Tính đến hôm nay, nhà văn Thế Nguyên từ trần đúng 20 năm. Nó cũng tương đương với 20 năm văn học miền Nam. Nền văn học đã đem đến cho ông những ngày tuổi trẻ “nhập đồng.” Những ngày tuổi trẻ rực rỡ chữ và, nghĩa. Ðường và, lối. Tin và, tưởng...
Nhưng, cũng kể từ 20 năm sau cái chết, ở thế giới khác, tôi không biết ông nghĩ gì về cái chết lãng nhách. Cái chết cũng phi lý như cuộc chiến tranh đối đầu giữa hai ý thức hệ... Tôi cũng không biết, ông có nghiệm ra rằng, nhiệt tâm của một nhà văn như ông, dù “dấn thân” đến đâu, rốt ráo, thực tế đã phũ phàng, cho thấy: Nó cũng giống như một loại... “viễn mơ,” mà thôi!
Và, trong chừng mực nào đó, nếu có cơ hội nhìn lại, tôi nghĩ, ông không thể phủ nhận rằng, miền Nam đã cho ông, cho các bạn ông, cho chúng ta, những người cầm bút, số tự do đủ, để được sống như một nhà văn, với những suy nghĩ, cảm nhận, hành động... Nhưng phải chăng, đôi khi, chúng ta đã lạm dụng nó, một cách vô trách nhiệm?!?

Chú thích:
(10): Thế Nguyên là bút hiệu của Trần Gia Thoại, sinh năm 1942, tại Nghĩa Hưng, Hà Nam Ninh. (Nhà thơ Nguyễn Quốc Thái cho biết, Thế Nguyên sinh năm 1941.) Theo gia đình di cư vào Nam, năm 1954, ông tốt nghiệp Cán sự Công chánh (cùng khóa với nhà thơ Phan Lạc Giang Ðông;) phục vụ tại Cục Công Binh, đường Nguyễn Tri Phương, đối diện Nhà thờ Dòng Ðồng Tiến, Saigòn. Thế Nguyên được miễn dịch vì là con trai duy nhất.
(11): Nguyên Sa, “Hồi Ký,” Ðời xuất bản, Calif., Hoa Kỳ, 1998. Tr. 167.
(12): Lữ Phương, Hồi ký “Những chuyến ra đi;” www.daohieu.com, đề mục chung: “Lề bên trái.”

______________

Văn và Trần Phong Giao

Nguyễn Lệ Uyên

Có thể nói, thập niên 60 là thời kỳ “nở rộ” của các tạp chí văn học miền Nam, với những tên tuổi lớn như Sáng Tạo của nhóm Thanh Tâm Tuyền; Văn Nghệ của Lý Hoàng Phong, Dương Nghiễm Mậu; Hiện Đại của Nguyên Sa và trước đó là Chỉ Đạo của Nguyễn Mạnh Côn, Mặc Đỗ… Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau các tạp chí này lần lượt tự đình bản. Duy nhất chỉ còn ba tờ “sống lâu” là Bách Khoa, Văn và Văn Học, sau đó là những Vấn Đề, Nghệ Thuật, Tiếng Nói, Tin Văn, Thời Tập, Khởi Hành, Ý Thức… và chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn.
Bách Khoa có lối đi riêng: kinh tế, chịnh trị, văn hóa xã hội, phần văn học chỉ chiếm một số trang khiêm nhường. Văn học cũng vậy. Sau khi Dương Kiền ra đi, Phan Kim Thịnh thay thế thì Văn Học trở thành chuyên san về các nhà văn nhà thơ Việt Nam một thời ghi dấu ấn đậm nét cho dòng văn học Việt Nam với những bài nghiên cứu, phê bình và đăng tải lại các tác phẩm của họ.
Giữa “rừng” sách báo thời đó, Văn có cách chọn lựa của riêng mình. Đó là tạp chí chuyên về văn học nghệ thuật. Ngay từ số đầu tiên ra mắt ngảy 1.1.1964, phía dưới logo Văn, nơi trang bìa có ghi Tập san văn chương tư tưởng nghệ thuật. Nhưng đến số 10 (chủ đề Văn hóa Phật giáo) trở đi, tiêu chí ban đầu của tạp chí lại đổi thành Tập san của những người ham đọc, hiếu học, ưa suy nghĩ. Chính tiêu chí này, cả ông chủ nhiệm lẫn thư ký tòa soạn (đặc biệt là ông thư ký Trần Phong Giao) bị nhận nhiều lời chỉ trích khá nặng nề. Và hình như, để cho những chỉ trích kia thêm “nặng ký”, họ lại chế thêm dầu vào mấy dòng chữ Ban tuyển đọc trong mục hộp thư thường kỳ trên các số báo, cho rằng đó là cách làm của kẻ bề trên, ban phát ơn huệ cho anh em mới cầm bút. Sau này có dịp gặp anh Dương Nghiễm Mậu ở Cần Thơ, tôi hỏi một cách tế nhị về cái Ban ấy, và biết thêm thông tin: Một mình ông Giao làm không xuể: vừa trả lời thư, sắp xếp đặt bài, làm thầy cò sửa morasse, phát hành; vừa đọc vừa viết nên phải mời thêm 2 vị nữa để chọn lựa bài vở của những người mới cộng tác lần đầu với Văn. Sau này thân quen, tôi hỏi ông thư ký Văn và chỉ nhận được câu trả lời là một nụ cười; một nụ cười rất “Ca Diếp”!
Từ khi biết đọc, tôi đã đọc rất nhiều sách báo, đủ loại thượng vàng hạ cám, cốt nhét cho đầy cái đầu đói khát, nhưng một cách chủ quan và rất “duy ý chí”, tôi thấy ở đất nước khốn khổ này, cho tới giờ phút này, chỉ có duy nhất hai ông là có tầm cỡ làm báo văn học. Đó là ông Trần Phong Giao trong này và ông Nguyên Ngọc ngoài kia. Cả hai đều có cặp mắt xanh, phát hiện ra những tài năng văn học cho nước nhà. Công lao ấy, tôi nghĩ, sau này những nhà viết văn học sử sẽ dành cho hai vị một chỗ đứng trang trọng nhất!
nguyen xuan hoangRiêng ở miền Nam, trong thời kỳ chữ nghĩa đa chiều bởi tính tự do dân chủ thật sự, Văn đã làm tròn thiên chức của một tờ báo (văn học) lớn nhất nước: giới thiệu các trào lưu văn học phương Tây (có cả văn học Nga La Tư, Mỹ La Tinh…), Châu Á (Ấn Độ, Nhựt Bổn, Nam Triều Tiên…) và bên cạnh những nhà văn tên tuổi, Văn còn có công lớn, khám phá những tài năng mới, có thể kể tên: Y Uyên, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Ngụy Ngữ, Trần thị Ngh, Trần Hoài Thư, Kinh Dương Vương .v.v. và v.v. Chủ đích này, có thể thấy ngay ở số 11 ngày 1.6.1964, với chủ đề NHỮNG CÂY BÚT TRẺ ĐANG LÊN. Trong Thư gửi bạn đọc, có đoạn: “Trong số báo này (…)chúng tôi xin mời bạn đọc những sáng tác mới nhất của những cây bút trẻ đang dồi dào phong độ. Văn nghiệp của những cây bút góp mặt nơi đây mặc dù còn đang được xây đắp bằng rất nhiều công khó, cũng đã có được ít nhiều sắc thái riêng biệt khả dĩ xác nhận sự hiện diện của họ trên văn đàn. Họ đang cố vươn tới, đi lên. Nội sự cố gắng đó thiết tưởng đã đủ để bạn đọc tiếp nhận tác phẩm của họ bằng rất nhiều thiện cảm”. Những “Họ” trong số chủ đề này là: Trần Như Liên Phượng, Dương Nghiễm Mậu, Huy Lực, Luân Hoán, Hoàng Đông Phương, Nguyễn Đức Sơn, Thao Trường, Thế Nguyên, Viên Linh, Thế Uyên, Nguyễn Quang Hiện.
Cứ thế, Văn đều đặn giới thiệu đến độc giả Việt Nam các nhà văn thời danh thế giới: Boris Pasternak, F.Sagan. A. Camus, J.P. Sartre, Hemingway, J. Steinbeck, Lỗ Tấn, Kawabata, Nguyễn Du, Lâm Ngữ Đường, Tản Đà… cùng những tuyển tập thơ văn của các tác giả trong nước, tạo thành một vườn văn đầy hương sắc, tạo được lòng mến mộ của độc giả với tờ báo bởi những thông tin đa chiều, những khuynh hướng văn học trên thế giới được cập nhật đều đặn mỗi nửa tháng.
Riêng với những người viết trẻ, Văn luôn là cánh cửa mở. Tất nhiên mỗi tác giả khi bước qua cánh cửa này luôn phải mất nhiều công khó, như trong thư gửi bạn đọc ở số 11. Đây có lẽ cùng là niềm tự hào của những người viết trẻ khi được Văn chọn đăng tác phẩm của mình, như là bước khởi đầu cho sự thành công sau này. Còn thành công đến đâu, dài hay ngắn thì bản thân mỗi tác giả lại phải cố vươn tới, đi lên.
Trong số những người viết trẻ đến với Văn, duy nhất chỉ có Cảnh Cửu luôn làm ông Trần Phong Giao nuối tiếc và buồn không ít. Không rõ, những anh em cùng lứa với chúng tôi hồi đó, ông có tâm sự về chuyện này hay không, nhưng với tôi, mỗi khi có dịp gặp nhau là ông lại nhắc đến, coi đó là một “tai nạn” nghề văn. Có lần, ông kêu tôi và Trần Hoài Thư đi uống la ve ở đường Nguyễn Kim, Chợ Lớn, gần sân vận động Cộng Hòa, ông nói: “Cảnh Cửu là trường hợp ngoại lệ, độc nhất vô nhị của Văn, lũy gửi truyện đầu tiên, moa mở ra đọc. Chỉ vài đoạn đầu đã làm moa ngạc nhiên, thích thú vì quá hay, và quyết định cho đăng ngay, không cần qua Ban tuyển đọc. Cứ ngỡ rằng sẽ có một văn tài xuất hiện, nhưng sau đó truyện thứ hai lũy gửi đến làm moa vô cùng thất vọng. Nhưng để khuyến khích lũy, moa cho đăng. Khi gửi báo biếu và nhuận bút, moa kèm theo lá thư rất chân tình, đại ý truyện này (truyện thứ hai của Cảnh Cửu) viết quá dễ dãi …”. Điều mà ông gọi là “độc nhất vô nhị” chính là truyện ngắn Thư từ Tuy Hòa của Cảnh Cửu được chọn đăng trên Văn số 45. Đây là truyện ngắn hay, rất hay của anh, viết về nỗi cô đơn của nhân vật nữ xưng tôi. Truyện có vẻ như tự truyện của cô gái trên chuyến tàu hỏa đi qua vùng cát cháy Vạn Giã, Tuy Hòa, lang thang trên các con phố Qui Nhơn để nhớ đến những kỷ niệm nhỏ về “Anh” nào đó vừa “dính men” chen vào ngóc ngách tình cảm của cô. “Anh” chỉ còn là cái bóng bên cạnh khiến cô gái càng thêm “trống”, cô đơn hơn bao giờ. Đọc truyện này, khiến tôi liên tưởng đến truyện Người đàn bà ngoại tình của A. Camus! Một truyện ngắn đầu tiên của một Cảnh Cửu chưa tên tuổi đã khiến người đọc sững sờ vì cái Style rất riêng, cốt truyện rất lạ, thứ truyện không truyện.
Người thứ hai làm cho ông buồn nhiều, đó là Y Uyên. Cái chết của Y Uyên như một nỗi ám ảnh lớn đối với ông và như thể do chính ông gây ra. Sau số Văn (số 129, ngày 1.5.1969) tưởng niệm nhà văn tài hoa mệnh bạc này, ông có nhờ chúng tôi sưu tập lại những truyện ngắn của Y Uyên chưa từng công bố, sau đó xuất bản với tên Có loài chim lạ trong tủ sách Nguyệt san Tân Văn số 44 tháng 12.1971. Trong khi làm công việc sắp xếp, ông hỏi tôi (vừa từ Gò Công lên): Cậu có biết anh Nguyễn Hiếu Học ở Phan Thiết không? Tôi trả lời không. Ông nói, nghe đâu khi đóng quân ở Phan Thiết, Uy viết được gì đều gửi lại ở nhà Nguyễn Hiếu Học không mang theo chỗ đóng quân. Nếu có được thì hay quá! Tôi nói anh có thể nhờ các anh Từ Thế Mộng, Nguyễn Bắc Sơn hay Lê Văn Chính hỏi giúp. Sau đó một thời gian, tôi hỏi có tin gì về những bài lai cảo của anh Uy ở Phan Thiết? Ông lắc đầu tỏ vẻ chán nãn và rủ tôi qua bên Thủ Thiêm uống bia. Uống đâu chừng hai ly, mắt ông đỏ lên, ngân ngấn: “Bao công lao chạy cho được cái giấy thuyên chuyển đều đổ sông đổ bể! Cầm được bưu điệp trong tay rồi còn quay ra đơn vị làm gì để đến nỗi bỏ mạng? Moađã viết thư, gọi điện ra Phan Thiết nhắc rồi: có là đi ngay, về ngay. Tình hình phức tạp lắm… Vậy mà…”.
Người thứ ba đã làm ông lo lắng không ít, đó là trường hợp Người em xứ xương rồng. Anh bỏ đơn vị trốn vào Tuy Hòa, Nha Trang… vì không kham nổi mỗi đêm phải dẫn Trung đội “thám kích” với cặp kính trên 7 độ! Ông lại tìm đủ mọi cách để cứu “Người em” và cuối cùng chính ông cũng toại nguyện: “Người em” được chuyển về viết quân sử ở Quân Đoàn 4, đêm không còn phải đi bằng chân lẫn tay để dẫn Trung đội đi kích như trước ở cầu Bà Gi!
Nhắc đến ba trường hợp này để thấy ông sống với anh em bằng cả tấm lòng, không hề phân biệt lớn nhỏ, đã thành danh hay chưa.
Đúng như nhiều người nhận xét, mới nhìn thấy lần đầu, trông tướng mạo ông cứ lừ lừ như ông Tiêu cầm đại đao trong cửa Phật, nhưng tiếp xúc qua một vài lần, cái khoảng cách trước sau không hề tồn tại trong lối ứng xử của ông. Nếu như chỉ nhìn thấy ông ngồi vừa gõ máy chữ hay sửa bài vừa tiếp khách mà không “cần” ngó mặt khách thì có vẻ ông Trần là con người cao ngạo để người khác chỉ trích. Nhưng đó là cá tính. Con người ông không phải vậy. Vì những khi gửi báo biếu ông luôn viết kèm lá thư dài ngắn với những lời lẽ rất chân tình như thể giữa ông và người nhận thư là anh em thân thiết. Ngay cả khi rời Văn ra riêng với Giao Điểm, sau đó là Chính Văn của Nguyễn Mạnh Côn hay lúc qua làm thủ thư ở Đại Học Cửu Long thì cái sự “chức tước” đối với ông chỉ có ở tấm lòng với nhau: Nhà văn lớn, nhà văn bé ông đều cư xử như nhau. Mọi người quí ông là ở chỗ đó, và trách ông cũng chính ở chỗ đó!
Viết lại những dòng ngắn này như một nén nhang nơi chốn xa xôi, thắp lên để tưởng nhớ ông, như một người anh cả hết lòng với lũ trẻ, luôn mong chúng “nên người”.
(Prey Tonga tháng 2. 2011)

______________

Tạp chí Văn từ lòng đất

Ban Mai

nguyen xuan hoang

Những ngày cuối cùng của cuộc chiến, tháng 4/1975 như vết nước mắt loang dài của miền Trung ngắn dần đi khi dân chúng di tản vào Nam kiệt sức đến không còn nước mắt khóc cho những xác người ven đường. Khóc cho nhà cửa vườn tược bỏ lại bị thiêu cháy, cho ruộng nương hoang tàn, cho trâu bò lạc lõng bơ vơ như thân phận của chính mình giữa dòng người chạy loạn.
Gia đình tôi như số đông dân Quy Nhơn chạy vào đến Tuy Hòa, rồi ráng qua được đèo Cả vào đến Nha Trang, lê lết thêm một quãng nữa đến Cam Ranh là hết sức. Chân phồng lên vì dộp. Mi mắt phồng lên vì mất ngủ, chúng tôi như những bóng ma của chiến tranh mang trong óc trí não phồng lên vì lo lắng. Chiến tranh có quy luật của loạn lạc. Chiến tranh Việt Nam có quy luật riêng: Dân không chạy ngược lên phía Bắc mà luôn chạy vào Nam. Xuôi Nam, là tìm đường sống, là tìm tự do, dù trên danh nghĩa được giải phóng.
Gia đình tôi cũng vậy. Chạy tất tả bờ bụi, ngay sau khi vỡ mặt trận. Mỗi ngày các chuyến xe đò và quân xa dồn dập đổ dồn về bến xe chính thị xã thải những con người lầm than, màn trời chiếu đất. Dân đất Quảng liều chết vượt đèo Hải Vân vô cho được Quy Nhơn. Hải Vân như rặng núi thiên nhiên chống đỡ, biết có ngăn được nguy biến cho chúng tôi? Ba tôi ở Phòng Thông tin về thất thần, tin Đà Nẵng mất như quả bom nổ giữa nhà. Thế là hết, Đà Nẵng, thành phố lớn nhất miền Trung sụp đổ, là vỡ mặt trận. Tuổi mười hai tôi hiểu: Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Đức Phổ liên tiếp vỡ mặt trận. Đức Phổ là đã sát Tam Quan, Hoài Nhơn, Bồng Sơn. Là đã vào đến Bình Định. Dân Quy Nhơn chỉ còn biết chạy. Gồng gánh, bồng bế nhau chạy theo đoàn người lam lũ mà mới hôm qua chúng tôi hãy còn sót thương, gói ghém thức ăn giúp đỡ khi họ lây lất nằm ngồi trên vỉa hè thị xã. Giờ chúng tôi thành họ, bỏ nhà cửa nhập vào cái đuôi rồng rắn dài ngoằn thậm thược bò trườn về phía Nam. Phía Nam… thật xa như biển Thái Bình vỗ sóng. Phía Nam… ở cuối chân trời còn trong xanh như giấc mơ tuổi thơ. Phía Nam mang hình ảnh nhu mì thanh bình của những đồng ruộng miền Tây, của lộng lẫy Sàigòn làm tuổi thơ tôi nô nức. Vâng, tôi hãy còn nhỏ, còn là cô bé đệ thất hóng chuyện người lớn, lo âu theo nỗi lo cha mẹ, sợ hãi theo nỗi sợ hãi của các anh chị, học lóm các danh từ quân sự từ miệng chú bác. Tuổi thơ chiến tranh trong Nam không hực lửa dữ dội như tuổi thơ miền Bắc mà êm đềm dịu lành như miền Nam, tuy chiến tranh xảy ra ở đây, nhưng những người lính Cộng hòa bảo vệ chúng tôi được yên bình. Đến tháng 4/1975, tôi sống trong sự an lành bấp bênh này.
Qua khỏi Nha Trang, gia đình tôi vào tạm trú trong cư xá Cam Ranh. Dừng lại vì đuối sức. Để thở. Để hô hấp. Để kịp nhìn quanh xác định vị trí thân phận gia đình mình giữa dòng loạn lạc, là điều cha mẹ đánh liều, vì các con hết sức, vì không biết làm gì khác. Cả nhà đã đuối. Tôi kiệt sức. Tôi muốn lả. Tôi uống ca nước mưa trong cư xá tìm vị nước mưa của quê hương mát lịm ngọt ngào.
Buổi chiều hôm ấy thật căng thẳng. Tôi còn nhớ tin quân giải phóng bị chận ở đèo M’Drak không cho xuống Khánh Dương tràn xuống miền duyên hải làm cả khu cư xá hân hoan, lên tinh thần. Rồi vụt đến tin lính mình tan hàng. Tôi chưa biết tan hàng là gì, nhưng nhìn gương mặt người lớn âu lo chùng xuống, tôi biết tin không lành. Ba mẹ tôi bằng mọi cách muốn con mình phải sống.
Sống, nên mấy chị em tôi đóng cửa ở trong nhà như ba mẹ dặn. Cả hai đi đâu chúng tôi không được quyền biết, chuyện người lớn, chiến tranh là của người lớn, nhưng chính chúng tôi đang cùng sống chiến tranh với họ. Thỉnh thoảng tôi len lén nhìn qua khe cửa. Cư xá vẫn náo động, nhưng tôi muốn nhìn ra bên ngoài, qua vách tường thấp trông ra mặt hè phố. Chị tôi la, mở cửa sổ cho chị, chị ngộp thở quá. Nhà gì mà kín mít. Được phép, tôi mở toang cửa sổ. Cảnh tượng ập đến như phim chiến tranh. Tôi gọi chị ra xem. Tôi la: Chị ơi, lính của mình vứt binh phục đầy đường rồi, họ quăng giày bốt trên vỉa hè… Chị lao tới, chị cũng sửng sờ, những người lính oai hùng hôm qua, những người lính điển trai sạm nắng, đàn ông tính và hiên ngang làm những thiếu nữ như chị mơ ước…
Tôi giật thót, khi nghe tiếng gõ cửa. Ba tôi trong khung cửa, ba trở về với một người lính trẻ thất thần, hối hả tháo binh phục, gần như muốn lột da anh để không ai biết da anh từng rằn ri lúc trước. Anh tháo hối hả áo trận, áo thun xanh lục bên trong, vứt thẻ bài tiếp tục lấp lánh trong góc tối rồi anh vội vã xin chúng tôi bộ quần áo. Anh còn trẻ lắm, chắc vừa xong tú tài. Tôi ngắm anh xương xương, tóc ngắn, da ngăm nhưng còn tươi nét thị thành, anh không phải là nông dân, mà phải xuất thân thành phố. Tôi luýnh quýnh lấy đồ dân sự đưa cho anh.
Người lính vứt xuống ba lô đầy bụi đất. Bộ sách English for today của Lê Bá Kông rơi ra đất. Trọn bộ 6 quyển và thêm 5 cuốn tập san Văn. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy tập san Văn. Thật ra tôi vẫn trông thấy chúng trong hiệu sách chú Thiện gần nhà, nhưng tôi hãy còn quá nhỏ để vươn tới văn chương của người lớn, tôi hài lòng với nguyệt san Tuổi ngọc của Duyên Anh, nguyệt san Thiếu Nhi của Nhật Tiến, nguyệt san Thằng Bờm và mục Mai Bê Bi trên báo Chính Luận. Tháng 4/1975 làm tôi vụt lớn, giống như trông thấy xác chết làm đứa trẻ lớn lên vì hiểu cuộc đời là khổ đau và chết chóc. Tôi cảm giác cô bé Quy Nhơn hôm qua, đã là thiếu nữ lúc này, ánh mắt tôi nhìn đăm đăm tạp chí Văn và người lính nhìn thấy. Anh nhìn ra ánh mắt tôi trên tập san Văn, như để trả ơn tôi đem quần áo của ba cho anh, anh buồn buồn nói: mấy quyển tạp chí này anh cho em. Hết rồi, không còn gì nữa, anh không cần nữa. Anh không cần chúng nữa. Em hãy giữ lấy.
Tần ngần một lúc, anh đưa cho tôi. Tôi nhìn được vẻ ngậm ngùi trên gương mặt anh, hãy còn bơ phờ và cháy nắng. Bụi đất, thuốc súng, vết đạn bạn anh trúng thương như hãy còn nguyên trên trán anh. Trán của một người lính mang 5 quyển tạp chí Văn trong ba lô mà tôi không hiểu quan trọng đến mức nào khiến anh không vứt suốt đoạn đường lui binh, khiến anh chấp nhận mang ít đạn dược, lương khô để dành chỗ cho bộ English for today của Lê Bá Kông và 5 tập nguyệt san Văn.
Tôi hỏi: Đi lính mà mang theo sách văn chương chi vậy anh?
Anh nói: Đọc cho đỡ buồn để nhấc mình ra khỏi chiến tranh.
Rồi anh kể, anh mơ ước sẽ đi học tiếp. Anh học năm thứ nhất Văn khoa Sàigòn trước khi bị động viên. Anh muốn trở về trường cũ, hy vọng phía chiến thắng xem phía thua trận là anh em, cho phép anh sống bình thường, ước mơ bình thường, tốt nghiệp Văn khoa đi dạy một trường trung học tỉnh lỵ nào đó, đạm bạc mà yên ổn với cuộc đời. Anh không thích chiến tranh, anh không muốn đánh nhau hoài, thua trận nhưng cũng là dịp tốt chấm dứt nội chiến. Anh đưa tay vuốt tóc tôi, bàn tay có những đốt chai của người lính mà tôi cảm được khi lướt qua trán mình, lớp da tay sần có thể vì khuân đạn, vì phải đào công sự, chạm vào da làm tôi hơi giật mình. Da của một người đàn ông lạ, tôi nghĩ. Da của một bàn tay ham đọc sách văn chương, tôi cũng nghĩ. Chúng tôi tiễn anh ra cửa, bóng anh vụng về trong đồ dân sự cố đi bình thản nhưng bước chân như chạy trốn người lính là chính anh vừa ban nãy, còn đồ trận, giờ anh đã bỏ lại và muốn thoát bóng cũ.
Ngày ấy, tôi còn rất nhỏ. Tháng 4/1975 tôi chưa là thiếu nữ, tôi chỉ cảm thấy vô cùng thương tâm, lòng như lửa đốt vì lo lắng khi nghĩ đến người thân. Các anh con bác tôi cũng đi lính, những ngày này, các anh tôi lầm than đang trôi dạt nơi nào.
Rồi thời gian qua như bão sa mạc. Gió tốc tan hoang chỉ còn lại đất, tất cả biến mất khi chúng tôi trở về. Trong cơn bão, tủ sách của gia đình tôi bị đốt sạch, ba nói người ta sẽ vào nhà lục soát và kết án tàn dư chế độ cũ, ai giữ sách là phạm pháp. Ba sợ. Mẹ sợ. Cô chú, thím, bác, dì, dượng sợ. Không ai dám giữ, dám giấu hay cất hộ. Tôi và các chị lén ba, giấu những tập sách mà mình yêu thích nhất trong một hòm gỗ dưới chân cầu thang tầng 2, những quyển sách mà người lính đã tặng tôi cũng để lại không nỡ đốt đi. Ánh mắt anh như còn trên bìa sách. Ánh mắt lấp lánh hy vọng anh có thể theo học Văn khoa tiếp tục phảng phất trên trang giấy ố vàng. Thời gian làm những Tạp chí Văn ấy đã trở thành “di sản” của văn chương Miền Nam. Chính tôi cũng không ngờ tới, và có lẽ anh cũng không ngờ đến. Tôi đã giữ, đã đọc, đã “nhấc mình lên” khỏi cuộc chiến như anh dặn. Bằng văn chương.
Cách đây mấy năm, khi đọc trên online Tạp chí Văn ở Hoa Kỳ của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, thấy trên danh mục thiếu những tập năm 1969, tôi nhớ ngày xưa người lính đã cho tôi mấy cuốn nên lôi ra, sách đã ố màu và mối ăn lỗ chỗ. Tôi khẽ khàng lật từng trang sách vì giấy đã mục nát. Tôi cảm giác kỳ lạ là chính anh cũng đang cùng tôi lật khẽ khàng từng trang sách cũ. Lật từng chữ cũ, với sự hoài niệm của một thời đã mất.
Tôi lật từng trang.
Văn số 140, ra ngày 15 tháng 10 năm 1969, gồm 128 trang. Số đặc biệt về Yasunari Kawabata là một nhà văn nổi tiếng của Nhật Bản được giải Nobel văn chương năm 1968. Hình bìa là bức ảnh nhà văn mặc áo kimono đen với gương mặc thiền tông, do Văn Thanh trình bày. Bài nhận định Yasunari Kawabata cuộc đời và sự nghiệp của Vũ Thư Thanh viết từ Tokyo, tháng 7 năm 1969. Yasunari Kawabata dưới nhãn quang Tây phương của Chu sỹ Hạnh viết từ Melbourne, tháng 3 năm 69. Tiếp theo giới thiệu 5 tiểu thuyết tiêu biểu của Kawabata: Cô đào miền Izu, Tiếng núi rền, Ngàn cánh hạc do Vũ Thư Thanh dịch từ nguyên tác, riêng truyện Thủy Nguyệt do Chu Sỹ Hạnh dịch từ bản tiếng Anh, Nốt ruồi do Mai-Dzam dịch. Văn khi ấy, như thế đã cập nhật văn học thế giới rất nhanh vào miền Nam. Miền Nam, cảnh cửa văn chương mở ra thế giới của toàn Việt Nam. Tháng 4/1975 đã đóng lại phũ phàng.
Bên cạnh đó, Văn số 140 năm 1969 đăng tiếp truyện dài nhiều kỳ Khu rừng hực lửa của Nguyễn Xuân Hoàng. Mục Tin văn… do Thư Trung và các bạn đảm trách: đưa tin Mường Mán cây bút trẻ của Văn vừa ra chiến trường; Lê Bá Lãng thì được biệt phái trở về nghề gõ đầu trẻ; giới thiệu tập sách mới nhất của Nguyễn Mạnh Côn “Hòa bình…nghĩ gì?làm gì?”, tựa mà về sau Phan Nhật Nam lấy lại trong một chương của bi ký Tù binh và Hòa bình; rồi Hội Bút Việt cử phái đoàn tham dự hội nghị Văn Bút Quốc tế, ở Pháp. Tin ngoài nước: giới thiệu giải thưởng văn hóa ở Đại Hàn, Genève vừa tổ chức cuộc gặp gỡ quốc tế lần thứ XXII giữa các nhà văn hóa, để thảo luận về đề tài “Tự do và trật tự xã hội”.
Tiếp theo mục Thư tòa soạn loan báo trước chủ đề của những số báo sắp tới, cuối cùng Hộp thư bạn đọc Tòa soạn Văn giới thiệu những tác phẩm mới do các tác giả và nhà xuất bản gửi tặng.
Bờ sông lá mục của Phan Lạc Tiếp, là một tập bút ký chiến tranh, trình bày cuộc nội chiến Nam Bắc hiện tại qua cái nhìn của một người đi biển.
Nhật ký quân trường của Trần Châu Hồ, viết trong những ngày ở lại quân trường không đi nghỉ phép của nhà giáo Trần Châu Hồ khi thực tập quân sự tại TTHL Quang Trung.
Vực xoáy của Bàng Bá Lân, tập truyện dị thường gồm 10 đoản thiên, dịch từ nhiều tác giả Âu Mỹ nổi danh.
Những giọt đắng của Võ Hồng gồm 7 đoàn thiên, Bìa của Đinh Cường.
Mặt trận miền tây vẫn yên tĩnh của Erich Maria Remarque, Phạm Trọng Khôi dịch từ bản tiếng Pháp Rien de nouveau à l’Ouest, viết về tâm trạng phản chiến của binh sĩ Đức trong Thế chiến Thứ Nhất, đã được chuyển thành phim và dịch sang nhiều thứ tiếng. Bìa do Đinh Cường vẽ.
Văn chương tranh đấu miền Nam của Nguyễn Văn Sâm, khảo sát 24 tác giả quan trọng của văn chương nam bộ thời kỳ 1945-1950, là một công trình nghiêm túc và đáng tán thưởng.
Thơ Lữ Quỳnh, thi phẩm đầu tay gồm khoảng 30 bài. In Thạch bản, trình bày trang nhã, phổ biến hạn chế trong vòng thân hữu.
Viết cho những người còn lại của Lê Trúc Khanh, Hà Huy Khanh và Lệ Thy. Thi phẩm đầu tay của ba tác giả tại Cần Thơ.
Quyển Tạp chí Văn hơn 30 năm trời đã lưu giữ tâm hồn bao con người, như một thước phim quay chậm, từng con chữ, từng con chữ hiện lên những cuộc đời. Số phận những nhà văn Miền Nam này đã ra sao sau biến cố tháng 4/1975, họ còn sống hay đã chết…, với tôi tạp chí Văn như một nấm mồ bí ẩn.
Nhưng chính những trang sách ẩn chứa bao điều bí ẩn đã giúp tôi thoát khỏi nỗi buồn trong những năm dài cay nghiệt của cuộc đời. Văn chương tự do giúp tôi “nhấc mình” lên khỏi thực tế u buồn của xã hội thực tại. Tôi nhấc tôi lên bằng văn chương quá vãng của miền Nam, nhấc tôi lên khỏi cuộc đời thăng trầm trăm nỗi lo toan. Mà vây quanh là khẩu hiệu. Khẩu hiểu trên tranh cổ động không giúp nhấc mình mà nhấn mình xuống vì phải làm theo chỉ thị, theo khẩu hiệu, mà mình không muốn, vẫn phải làm. Làm tối mặt. Tối mắt. Để về nhà buồn bã là đã không sống thật với mình. Tạp chí Văn khi ấy tôi lưu giữ trong nhà rất lạ, không giống những tập san văn nghệ bày bán trên sạp báo bên ngoài, cũng không giống báo văn nghệ hội nhà văn, là một cái gì khác.
Văn chương tự do cho mình cuộc đời khác, sống cùng nhân vật, đem mình bay đến những miền đất lạ và tuy trong khoảnh khắc, nhưng cuộc đời bỗng hạnh phúc biết bao.
Bây giờ tôi đã hiểu vì sao ngày trước, người lính miền Nam ra chiến trường vẫn mang theo trong hành trang Tạp chí Văn cất trong ba lô của mình, như lời anh nói, giúp anh “nhấc mình ra khỏi chiến tranh”. Ra khỏi sắt thép, lửa và tham vọng. Trong văn miền Nam không có thép, nên anh tìm bình an trong Tạp chí Văn Sàigòn ngày ấy.
Tôi cũng vậy, tôi cũng muốn tìm bình an trong văn chương.
Quy Nhơn, 20/01/2011

(còn tiếp)