Print

Trần Doãn Nho
     

Tên thật Trần Hữu Thục.
Sinh năm 1945 ở Huế.
Bút hiệu Trần Doãn Nho và Thế Quân.
Học ở Huế và Sài Gòn. Tốt nghiệp đại học, ngành Triết.
Trước 1975, viết văn viết báo, đi lính, dạy học. Cộng tác với các tạp chí văn học Văn, Vấn Đề, Khởi Hành, Bách Khoa, Tân Văn, Đối Diện.
Sau tháng 4/1975, ở tù cho đến năm 1981.
Năm 1993: định cư tại Hoa Kỳ.
Hiện cùng gia đình sinh sống tại Worcester, bang Massachusetts, làm việc cho Sở Giáo Dục Thành Phố.
Cộng tác với các tạp chí văn học và website hải ngoại: Văn Học, Văn, Hợp Lưu, Việt, Thế Kỷ 21, Phố Văn, Gió Văn, Talawas, Gió O.
(Nguồn: vanngheboston.wordpress.com)

http://www.hocxa.com/TieuSu/TranDoanNho_TieuSu.php



Đọc Trần Doãn Nho

Trần Thúy Phương
                     
Khi mà người người – già trẻ lớn bé — ngày càng xa dần những tờ giấy, những màu mực, những cây viết… thì chị vẫn không hề thay đổi thói quen của mình.  
Mỗi sáng, chồng chị bỏ mấy đồng xu vào thùng báo đặt dọc theo lối đi trong dãy phố, lấy một tờ NV, trước khi vào office làm việc.  Ông liếc qua sơ sài, xong đặt trên bàn giấy của chị.  Không phải ông thích đọc những giòng chữ hay những hình ảnh in trên giấy như vợ - ông nằm trong cái  thế giới “người người” kia: computer, cell phone… với đủ loại thông tin mới nhất, là những gắn bó không thể thiếu trong sinh hoạt hằng ngày.  Ông mua báo chỉ vì muốn “ủng hộ tờ báo của Việt Nam mình”!

Luôn nói với người quen rằng cuối ngày, sau khi xong hết mọi việc trong nhà, thay bộ pyjama sạch sẽ thơm tho, cầm cuốn sách lên tay là thời gian hạnh phúc của mình…  Vài năm gần đây, chị thường nói thêm “Cầm được cuốn sách lên thì cũng vừa buồn ngủ…”  Mặc dù ưu tiên cho sách báo, chị không thích đọc các tờ nhật báo Việt ngữ. Có nhiều lý do khác nhau, thí dụ tin trong nước Mỹ hay tin thế giới thì chậm hẳn so với TV hoặc với tờ The OC Register mỗi sáng tinh mơ đã được ném vào cổng nhà; hoặc các quảng cáo thương mãi ngây ngô như trêu tức, thách thức người đọc…  Dầu sao, tờ báo Việt ngữ mỗi ngày nằm trên bàn giấy, chị vẫn luôn lướt qua đủ mọi bài viết.  Có khi cắt giữ một bài thơ cũ, có khi bần thần nhìn tấm ảnh của một kiếp người gian nan đang la lết trên đất mẹ mà ruột thắt lại…  

Cách đây độ một-hai năm, hay lâu hơn không chừng, khi lướt qua một trang báo của tờ NV, chị ngừng lại ở cái góc có bài viết về cuốn Nineteen Eighty-Four (1984) của George Orwell.  Vui như gặp cố tri, chị đọc vội vã.  George Orwell của Animal Farm.  Đọc Animal Farm dễ dàng chừng nào thì đọc Nineteen Eighty-Four khó khăn hơn chừng ấy…  theo ý của riêng chị. Chị nhớ đã bỏ lững cuốn sách ấy một thời gian trước khi tự nhủ “Cũng như mọi việc khác, mình không thể không hoàn tất”. Chị nhớ mình nói với con gái, “Đọc cuốn này khá chán, dù những điều George Orwell viết rất thấm thía…” Vậy mà cái người viết về cuốn “1984” này, với tư cách là một độc giả, đã làm tròn trịa những góc cạnh sần sùi còn vương trong ký ức, đã làm cho trí nhớ và cảm nhận của chị về “1984” bỗng trơn tru, nhẹ hẫng.  Chị nhìn lên chính giữa bài, đọc tên người viết: Trần Doãn Nho.  Cái tên khá quen thuộc với chị, nhưng đồng thời không để lại dấu ấn sâu đậm nào cho đến hôm ấy…
Từ ngày ấy, mỗi khi gặp một bài có tính cách “điểm sách” hay “phê bình” của ông ta, chị đều đọc cẩn thận, để xem mình có sai lầm không khi có cái ấn tượng rằng đó là một người đọc nghiêm trang và biết cảm nhận sâu sắc…  Hầu như chị chưa hề thất vọng, từ đó đến nay.

Tháng trước anh THT gởi qua email một tác phẩm của Trần Doãn Nho, “Em đọc và cho ý kiến với tư cách là nữ độc giả nghe! Lâu nay toàn mấy ông viết cảm tưởng thôi hà”.  Trời, cuốn sách dày trên 400 trang, dạng ebook.  Anh THT không biết chị là “hai lúa”. Chị dùng computer thành thạo chỉ trong bàn giấy của chị.  Ra khỏi việc làm “kiếm sống hàng ngày”, cầm đến cell phone hay rờ vào computer là “đụng đâu hư đó”.  Chưa kể chị không thích, không có thói quen đọc sách trên computer.  Con gái hỏi, “Mẹ muốn con bỏ vào kindle để đọc cho tiện không?”  Chị ngần ngừ, “Thôi, để mẹ đọc lẹ lẹ xem có viết được gì không…”

Đọc lẹ lẹ, quả thế thật.  Thoạt đầu chị kéo “con chuột” rẹt rẹt, những trang giấy nhảy tới nhảy lui, có khi biến mất khỏi màn hình…  Chị khổ sở bực dọc tìm kiếm, lôi cuốn sách trở lại…  “Dặm Trường”, à, nghe hai chữ đó thôi là liên tưởng ngay tới “thân gái dặm trường”. Chị lướt qua vài trang đầu, biết tên nhân vật chính, nhân vật phụ, bối cảnh xã hội…  Rồi ngưng, trở về với bao thứ phải chu toàn, ở office, ở nhà…  Rồi cũng đến lúc cầm được cuốn Thư Quán Bản Thảo số mới nhất, chị thấy một đoạn truyện đăng trong đó, trích từ Dặm Trường.  Đọc, và chợt thấy một cảm giác gần gũi, thông hiểu, như gặp lại các người quen đã cùng lớn lên với nhau, đã sống qua với nhau những cảnh ngộ rất đặc biệt…  Đã quyết định, chị loay hoay tìm cuốn Dặm Trường trong computer…
Bắt đầu đọc cuốn sách từ mấy trang cuối, chị hoang mang theo nỗi bấn loạn của người tù tên Lục.  Tại sao lại như thế?  Chị kiên nhẫn trở lại những trang đầu, và chỉ cần hai ngày để xong hết cuốn sách dày gần 500 trang.

Dặm trường của Trần Doãn Nho không phải là những “dặm trường” cá biệt trong quá khứ xa xưa, khi mà xã hội còn được luật pháp bảo vệ và đạo đức hướng dẫn trong chừng mực nào đó; cũng không phải là những “dặm trường” cá biệt chỉ đủ để làm nên một thiên tiểu thuyết mà khi buông quyển sách xuống, người ta có thể buồn-vui-thương-giận theo nỗi truân chuyên của một phận đàn bà, nhưng khó lòng tìm thấy một cái gì chung trong bối cảnh của câu chuyện kia.  Thân gái dặm trường.  Phận đàn bà của Trần Doãn Nho trong Dặm Trường là những mảnh đời thực mà chị từng nghe, từng thấy trong hơn mười năm sống dưới sự cai trị của Cọng Sản Bắc Việt sau khi miền Nam sụp đổ.  Đó cũng là mười năm cam go nhất của miền Nam—để người đã từng biết cọng sản càng thêm cay đắng và người ngây thơ chưa biết cọng sản là gì thì lại đắng cay hơn.
Các nhân vật trong Dặm Trường lớn hơn chị nhiều ở cùng những ngày tháng đó, nhưng kỷ niệm của họ cũng là kỷ niệm của các ông anh bà chị trong gia đình, của những người bạn lớn thường xuyên lui tới căn nhà có cánh cổng xám của thời thiếu nữ an nhàn mơ mộng.  Những cuốn sách mà Hồng, Lục… nhắc tới là những tác phẩm chị ưa thích.  Tên một quyển truyện vừa nhác thấy trên trang giấy của Dặm Trường thì đầu chị đã bật ra tên tác giả.  Một câu thơ vừa thốt ra bởi một nhân vật của Dặm Trường thì chị đã nói thầm tên thi sĩ.  Có phải các thứ nhỏ nhặt đó đã làm nên mối tương quan lớn giữa người viết và người đọc?

Đọc lẹ lẹ thật, nhưng chắc không mấy chi tiết trợt qua khỏi mắt chị.  “Chìa tàu” hay “chè tàu”?  Chín năm đầu đời như chồi non nẩy mầm và được vun xới bởi mưa, bởi nắng, bởi sương mù xứ Huế, chị làm sao quên được những hàng rào được cắt xén để che chắn cái thế giới đàng sau nó?  Những hàng “chè tàu”…  Nhưng trong Dặm Trường “chìa tàu” được nhắc lại nhiều lần.  Người sai chắc là chị…  Nếu có dịp, sẽ hỏi.

Đọc lẹ lẹ thật, bởi các câu đối thoại quá thực; các địa danh quá gần gũi, các miêu tả từng nhân dáng-tính tình vẽ rõ từng đường nét trong trí chị, và trang nọ tiếp trang  kia, giữa đống giấy tờ công việc ngổn ngang, chị không muốn ngừng lại bàn tay rà rà “con chuột”…  Thỉnh thoảng nói chuyện với những người đã ra đi trước khi miền Nam sụp đổ, hoặc với những người không phải lênh đênh trên biển để đến “bến bờ tự do”, chị thường chun mũi cười, “À, quí vị may mắn thật đấy, nhưng cuộc đời quí vị thiếu sót nhiều lắm… Bao nhiêu kinh nghiệm chúng tôi có đã làm phong phú thêm đời sống của mình!!!”  Nói, để mà nói thế thôi.  Nói mạnh miệng bởi vì trong vô số sự tàn mạt của đời sống bị đổi thay, chị vẫn luôn được hưởng các ưu đãi của định mệnh--những thử thách của cuộc đời đã ngừng lại ở các giới hạn mà Thượng Đế đã nhân từ vạch ra trên trán chị.  Ung dung, tự tin và kiêu hãnh ngồi giữa những chữ “nhân phẩm và đạo đức”, mỗi khi bắt gặp sự yếu đuối hay sai lầm của người khác, chị vẫn thường tự hỏi , nếu định mệnh không khoan dung, nếu Thượng Đế không rộng lượng với mình, liệu mình có sống khác kẻ kia chăng? Khi đọc Dặm Trường, chị hốt hoảng theo bao lần xuôi tay giữa hoàn cảnh nghiệt ngã của người phụ nữ trong truyện.  Và một lần nữa, chị ý thức được rằng, những đau đớn khốn khổ kia chẳng bao giờ là phân bón làm cho cây trái xanh tươi, chẳng bao giờ là hoa lá cho kiếp người thêm phong phú như mình từng lớn lối. Nạn nhân của chế độ và của lớp người dã man cuồng bạo, cuối cùng chỉ là thân cây bị đốn gục, chồi non bị chà đạp, lót đường cho một thứ chủ nghĩa hoang tưởng, nhảm nhí, và cuối cùng tan nát trong bùn lầy.  Những trang cuối của Dặm Trường không hề có một chút hơi hướm nào của “happy ending”.  Người đàn ông hiền lành thật thà bước vào nhà tù lần nữa cũng chỉ vì sự thật thà vẫn còn tồn tại trong cuộc đời thảm hại của anh.  Ba đứa nhỏ con anh lưu lạc phương nào?  Làm sao để chúng sống còn giữa cảnh nhiễu nhương?  Nhân vật chính, thân gái dặm trường, gặp lại chồng trong tù giữa hoàn cảnh vô cùng lạ lùng, trớ trêu, nhuốm sự tàn khốc của chính bản năng mình.  Chị mơ hồ nghĩ đó là giấc mơ của Lục, nhưng đồng thời nhận ra đấy thật là cảnh thực…   Một sự thực “bàng hoàng, bất chợt và đau đớn…”

Nhân loại đã có bao nhiêu nghệ sĩ đã để lại các tác phẩm của họ như là “nhân chứng của thời đại”.  Ngày nào đó, khi mà thế hệ của tác giả, của lớp người trẻ hơn, trẻ hơn nữa, lần lượt ra đi, thì Dặm Trường sẽ là “nhân chứng của thời đại”--   thời sau biến cố 30 tháng tư 1975.  Từ kiểu nói, ngôn ngữ, cách ứng xử của dân chúng hai miền Nam-Bắc, từ vấn đề tù cải tạo đến đổi tiền, buôn lậu, đánh tư sản, vượt biên… (rất nhiều thứ nữa mà chị không thể nhớ hết) sẽ là những trang sử quí giá cho bất cứ ai muốn tìm thấy những thước phim tài liệu trung thực.

Dặm Trường--có người đàn bà nào chọn lựa bước đường xa xăm mù mịt đầy bóng tối kinh hoàng? Chỉ định mệnh oan nghiệt núp sau lưng mới có thể xô đẩy người ta té nhào vào con đường đó.  Và núp sau lưng cái định mệnh ấy chính là bàn tay dơ bẩn, dối trá, tàn bạo của những kẻ tự nhận mình là anh em, là người “đồng chí hướng”.  Có hy vọng nào cho dân tộc chị vẫn còn phải đi trên con đường mù mịt đó không?  Con đường nào rồi cũng phải chấm dứt, liệu chúng ta có thể thấy một chỗ quẹo sáng sủa hơn ở cuối con đường?

Trần Thúy Phương
(Trích "Thư Quán Bản Thảo" số 82, tháng 11.2018)



ĐỌC “DẶM TRƯỜNG”

Truyện dài của Trần Doãn Nho

Phạm Xuân Đài
 
Trần Doãn Nho là cây bút sắc sảo viết về đời sống ở Việt Nam sau năm 1975. Cuộc sống và xã hội ấy có rất nhiều điều đáng nói, đáng viết, vì sau chiến thắng của phe cộng sản, cả miền Nam phải thay đổi hẳn theo một thể chế chính trị mới lạ. Chế độ toàn trị của một đảng, mọi con người, mọi sinh hoạt phải theo một cây gậy chỉ huy duy nhất, khác hẳn nếp sống cố hữu trước kia.
Nhưng đưa cả một xã hội loài người, nhất là một xã hội đã quen sống tự do và có ý thức về sự tự do ấy, vào một khuôn phép duy nhất quả là một chuyện không dễ. Dĩ nhiên phải sử dụng bạo lực khi muốn thực hiện một việc như thế, nhưng sự sống thực sự của con người - cũng như của muôn loài - vốn có một sức mạnh tiềm tàng mà người ta gọi là bản năng sống còn, lúc nào cũng ngọ nguậy, tìm đủ mọi khe hở để vươn ra mà sống, nên sự trấn áp phải thường trực và cùng khắp. Dặm Trường, 579 trang, là một cố gắng khá dài hơi để mô tả một trận chiến tranh thầm lặng, đơn giản là giữa đời sống và sức mạnh bóp nghẹt đời sống, được cụ thể hóa bằng số phận của một gia đình ở Huế sau 1975, trong đó người vợ vì sinh kế phải xông pha đi buôn bán để nuôi chồng, nuôi con.
Dĩ nhiên tất cả là một bi kịch lớn, chuyện của gia đình ấy, của người đàn bà ấy, hay là hình ảnh của cả xã hội miền Nam, miền Bắc trong bàn tay sắt của chế độ, tất cả là một bi kịch, nhưng có lẽ chúng ta không nên dán trước cho Dặm Trường một nhãn hiệu nào. Vì Dặm Trường phản ảnh đời sống thực, và sự sống thực nào cũng có cái nét sinh động của nó, dù bản chất của nó là bi thảm đi nữa. Từ trang đầu cho đến trang cuối toàn là các hoạt cảnh nối tiếp nhau, cuộc sống liên tục phơi bày ra đấy đủ mọi sắc màu thực của nó, tác giả không làm công việc tô thêm màu của mình cho nó tươi sáng hơn hay đen tối hơn.

Thời đầu thập niên 80, sáu, bảy năm sau chiến thắng, đảng cộng sản bắt đầu siết chặt đời sống của dân chúng vào khuôn phép một nền kinh tế chỉ huy, trong đó việc phân phối hàng hóa phải là độc quyền của nhà nước. Dân chúng thì theo quán tính, phải tự cân bằng đời sống. Đây là giai đoạn mà người ta mô tả là “cả nước đi buôn.” Cơ thể của một xã hội cũng như cơ thể của một con người, có sự tuần hoàn của nó. Nếu trong thân thể chúng ta sự tuần hoàn được song suốt một cách tự nhiên - mà chúng ta thường gọi là “máu huyết lưu thông” - thì cơ thể khỏe mạnh, ngược lại bị nghẽn thì lập tức sinh ra bệnh tật. Trong xã hội sự tuần hoàn ấy là sự luân chuyển hàng hóa để cung cấp cho nhu cầu của con người, một xã hội lành mạnh hàng hóa lan tràn khắp hang cùng ngõ hẻm theo đúng sự cần dùng của người dân, giống như máu đi nuôi châu thân. Nhưng một đặc điểm của chế độ cộng sản là phủ nhận sự lưu thông tự do một cách tự nhiên theo nhu cầu, mà nhà nước phải nắm tất cả đầu mối, theo họ, để tạo ra sự công bằng bằng cách cả nước theo một kế hoạch duy nhất về sản xuất và phân phối. Họ ra sức ngăn chặn các mạch máu lưu thông, họ cấm đoán việc phân phối hàng hóa tự phát của dân chúng. Nói khác đi, họ cấm đoán việc buôn bán, vì đó là công việc hưởng lợi mà không sản xuất, theo họ, không lành mạnh. Đội ngũ công an, thuế vụ của họ là công cụ cấm đoán, ngăn chặn việc buôn bán, đội ngũ người đi buôn là đại diện cho sức sống đích thực của một cơ thể, cố tìm mọi cách cho dòng máu của xã hội được luân lưu.

Hạnh, nhân vật chính trong truyện, là một tế bào máu chạy trong các động mạch của xã hội Việt Nam vào đầu thập niên 80. Nàng thuộc một gia đình trung lưu trước 1975 ở Huế, gồm hai vợ chồng, ba đứa con. Vợ chồng còn trẻ, con còn nhỏ. Câu chuyện bắt đầu khi người vợ bắt đầu những chuyến đi buôn đường dài để kiếm tiền nuôi sống gia đình.
Hạnh đi buôn vì nhu cầu sống của gia đình. Lúc đầu nàng không ý thức được rằng đi buôn đường dài trong điều kiện thời đại nàng đang sống có nghĩa là dấn thân vào một thế giới khác, nó sẽ biến nàng thành một người khác. Ít ra cũng khác hẳn với người đàn bà xứ Huế mà nàng đã là từ trước đến giờ: sống bình dị, hơi bảo thủ, yêu chồng, thương con, thân thiết với đám bạn bè quanh vùng cố đô ấy. Không giống như việc thương mại trong chế độ trước, đi buôn bây giờ là dấn thân vào một việc bất hợp pháp với trùng trùng điệp điệp những khó khăn trở ngại cũng như sẽ khám phá ra hằng trăm hàng nghìn cách để thoát ra. Con người phải giương mọi khả năng cảnh giác ra để đánh hơi, phải vận dụng sự khôn khéo, lắt léo, quỷ quyệt để luồn lách thoát hiểm, và như trường hợp của Hạnh, phải dùng cả những cái ưu thế đàn bà của mình khi cần thiết. Hạnh lao vào trò chơi hàng hóa và tiền bạc như một cơn mê, lúc nào cũng tưởng mình kiểm soát được mình, kỳ thực nàng bắt buộc phải thay đổi hàng ngày theo hoàn cảnh luôn đổi mới mà nàng không hề hay biết.
Chuyến buôn trầm đầu tiên vào Sài Gòn thành công đã đem lại một cái Tết đầy đủ phong lưu cho cả nhà mà những gia đình “ngụy” như gia đình nàng vào thời ấy khó lòng có được. Trầm là loại hàng quốc cấm, mang mấy ký từ Huế vào Sài Gòn trót lọt là có thể tạo nên cả một gia tài. Hạnh thành công vì đã may mắn gặp quới nhơn là một tay tài xế xe tải hàng từ Hà Nội vào, cứu vớt khi đã suýt mất hết, nhưng rồi cũng phải “trả ơn” bằng chính thân xác mình ngay trên chiếc xe ấy, mặc dù dưới hình thức như là bị cưỡng bách. Cái viễn tượng mất hết vốn liếng trong một chuyến đi buôn nó kinh hoàng quá, khiến cho phải trả giá bằng thứ gì cũng coi là nhẹ, nhất là những thứ “lễ nghĩa” còn rớt lại từ xã hội xa vời cũ.

Trần Doãn Nho không lý luận gì về sự biến đổi trong xã hội, ông không phải là một nhà xã hội học. Nhưng ông có khả năng quan sát rất lớn các chuyển biến nơi từng con người, từng cảnh huống của cái xã hội lạ lùng trong đó các giá trị cũ đang phân rã, và con người đang vong thân. Bất cứ nơi đâu, từ cơ quan chính quyền cho đến đường phố, cũng là cái tinh thần chợ búa chụp giựt. Bất cứ lúc nào con người cũng đang vận dụng một khả năng đặc biệt nào đó để ứng phó với bất trắc, và dĩ nhiên, đem mối lợi về cho mình. Lời một người bạn ở Sài Gòn nói với Hạnh có thể minh họa tính
chất “bấp bênh phận người” của thời ấy:
Thời buổi này, cận đâu xâu đấy, gặp đâu làm liền đó. Bà xem, không có thời buổi nào mà mọi sự xoay đổi xoành xoạch như bây giờ. Mới vợ vợ chồng chồng đó, thoắt cái, bỏ nhau. Mới mạ con đó, thoắt cái, ở tù. Mới có mấy cây vàng đó, thoắt cái, mất hết trơn hết trọi. Có nghĩ, có lo cho lắm cũng chẳng thấu đâu, Hạnh à. Bà hiền quá, cứ ru rú với chồng con, lại ở ngoài cái xứ Huế cổ chẳng ra cổ kim không ra kim, nên chẳng hiểu chi sự đời.
Sự phân rã cũng bắt đầu từ trong gia đình. Chưa nói đến ảnh hưởng chính trị chung quanh, chỉ mỗi cái việc người vợ, người mẹ của gia đình phải rời nhà xông pha ra đời kiếm sống với tất cả cái bấp bênh may rủi của những chuyến đi dài ngày không thể định trước ngày về, nền tảng của mái ấm đã bắt đầu lung lay.
Lát sau, cả ba đứa đến vây quanh anh, mặt đứa nào cũng buồn thiu buồn thỉu. Anh ôm ba đứa con, hôn lên những đầu tóc khét nắng. Chúng còn nhỏ quá, rất cần hơi mẹ, cần bàn tay chăm sóc của người mẹ, từ miếng ăn đến giấc ngủ. Là đàn ông, dù có giỏi giang đến đâu, so với bàn tay và tấm lòng của người mẹ, anh cũng không thể nào bằng. Chúng cần người để nép mình, để vòi vĩnh, để làm nũng.Nói cho cùng, tình cảm của người mẹ bao giờ cũng tỏa ra chung quanh, chan hòa với con cái. Tình cảm đàn ông lúc nào cũng thu nén vào bên trong. Sâu sắc thật, nhưng dửng dưng. Đôi khi lạnh lùng, vô cảm. Ngay chính anh, lớn là thế, cũng cần cái dịu dàng của đàn bà, huống gì con anh. Do sinh kế, Hạnh trở thành đàn ông mất rồi. Nàng vắng nhà thường xuyên.
Người đàn ông của thời “ngụy”, hầu như chẳng còn làm được việc gì ra hồn ngoài loại công việc chẻ củi xách nước, nhìn một cách bất lực sự bất lực của mình bên cạnh cái tháo vát, quyết đoán của vợ, sinh ra đủ thứ mặc cảm như những mạch nước ngầm rò rỉ bào mòn dần dần niềm tin yêu và cái tâm lý che chở bảo bọc của một đấng “trượng phu” trước kia. Người vợ cũng thế, càng bương chải khó khăn nơi dặm trường thì càng bản lĩnh trong cách nhìn đời và giải quyết công việc, không thể không dần dần nhận ra cái vô tích sự cộng thêm những mặc cảm vô lý nơi ông chồng. Những chuyển biến tâm lý ấy là tất nhiên và nạn nhân đầu tiên sẽ là những đứa con. Chúng nhớ mẹ, chúng hứng chịu những cơn nóng giận vô cớ không biết trút vào đâu của cha, và dần dần một cá tính mới thành hình nơi chúng, chúng phải trở nên chai lì bướng bỉnh để tự bảo vệ.

Qua thân phận một người và một gia đình, với vô số nhân vật phụ và tình huống xoay quanh, Trần Doãn Nho mô tả được một phần lớn đặc tính xã hội một thời. Trước hết là guồng máy nhà nước liên quan đến mậu dịch và thuế vụ, cách thu mua hàng, cách điều hành các trạm kiểm soát, những chiến dịch quy mô truy quét buôn lậu... Chi tiết về những chuyến đi buôn thì mới là thiên hình vạn trạng, có đủ ai, nộ, hỷ, ái, ố, là phản ảnh các mảng đời sống thực và cả những “quy luật” của cuộc sống quái lạ ấy mà phải là người lăn lộn trong ấy mới có thể lần mò tìm hiểu ra.
 - Hạnh đúng là ngây thơ. Sống giữa thời đại xã hội chủ nghĩa mà không hiểu gì về cơ chế xã hội chủ nghĩa, làm sao mà sống. Nhà nước có cách tính lời lỗ riêng, không giống như mình. Bọn mình buôn lời lỗ thường tính trên giá vàng, có đúng không nào? Còn nhà nước, họ chỉ dựa trên tiền mà thôi. Nếu đầu năm, họ bỏ vốn ra 10 triệu, đến cuối năm tổng kết, họ thu vào được 15 triệu, thế là họ lời 5 triệu, đúng không? Trong lúc đối với mình, đầu năm mình bán, anh giả sử như thế, 20 cây được 10 triệu, đến cuối năm mình thu vào được 15 triệu, nhưng vì vàng cao, mua lại chỉ được 15 cây vàng, vậy là mình lỗ, phải không? Em thấy sự khác nhau chưa? Đó là chưa kể cái chuyện người ta luôn luôn tìm cách làm cho nhà nước có lời, ít ra là trên giấy tờ. Người ta biến lỗ thành lời.Cha chung không ai khóc mà, đâu có hệ lụy gì ai.
- Anh có vẻ rành việc nhà nước quá nhỉ?
- Có gì lạ đâu Hạnh. Mình phải tìm hiểu để làm ăn Hạnh ạ. Biết cách nhà nước làm ăn, mình bám vào đó, dễ khá lắm. Bám được rồi,mình sẽ chẳng còn sợ công an, thuế vụ hay thằng cha căn chú kiết nào cả. Có khi, họ phải lo bảo vệ cho mình nữa. Buôn lậu mà vẫn hợp pháp. Cán bộ có ăn mình cũng có ăn. Nhà nước có thể lỗ. Nhưng nhà nước lỗ, em thấy không, nghĩa là không ai lỗ cả. Thành thử cái quan trọng là mình phải biết cách làm ăn thế nào, nghĩa là cách cùng chia chác với cán bộ. Em hiểu chưa?

Xã hội cộng sản là một xã hội khép kín và bưng bít. Bộ máy truyền thông nhà nước chỉ loan truyền những gì có lợi cho mục tiêu tuyên truyền, và giấu tiệt những gì cho là có hại. Tai nạn xe lửa rất lớn ở Xuân Lộc vào năm 1984 khiến hàng trăm người chết mà người dân trong nước chỉ biết được qua loan báo của đài BBC, Luân Đôn. May thay, tác giả Dặm Trường đã đem tai nạn ấy vào tác phẩm của mình để thêm một chứng cớ xác thực về các thực tế khổ ải của những người đi buôn chuyến. Hạnh cũng đi trong chuyến ấy, nhưng may thoát chết để biết được cái cảnh có người đi lên con tàu đổ để vơ vét tiền bạc nữ trang của người chết, biết được rằng việc cứu trợ tức thời chỉ là do dân chúng chung quanh vùng tự động làm chứ chính quyền thì bất động, và chính Hạnh khi rời một bệnh viện ở Sài Gòn đã bị bắt làm kiểm điểm vì đã trót kể sự thật mà mình đã trải qua cho những người chung quanh nghe.
... Bọn xấu lợi dụng dịp này để tung tin đồn làm hoang mang dư luận, phá hoại uy tín của Đảng và Nhà nước. (...) chúng tôi yêu cầu chị không nên gặp gỡ, kể chuyện linh tinh và nhất là có những lời lẽ phê phán vô trách nhiệm. Tốt nhất là chị không nên để cho người ta biết là chị vừa bị nạn để tránh sự tò mò của người khác.
Không một lời bình luận, Trần Doãn Nho qua mô tả tai nạn xe lửa này đã cho thấy rõ một điều: điều quan tâm hàng đầu - và có lẽ duy nhất - của một chính quyền cộng sản là giữ gìn quyền lực của họ, ngoài ra mọi việc khác chỉ là thứ yếu. Phúc lợi của dân chúng là một thứ ưu tiên quá xa, hầu như không bao giờ họ thực tâm nghĩ đến, ngay trong những hoạn nạn ghê gớm nhất. Giữa đống người chết trong tai nạn xe lửa do nhân viên chính quyền gây ra, điều họ lo đầu tiên là “uy tín của Đảng và Nhà nước” chứ không phải bất cứ một thứ gì khác.

Câu chuyện dài đi buôn chuyến của Hạnh không ngờ lại đi vào một kết cuộc quá bi thảm. Trong một chuyến buôn ra Bắc, nàng mất sạch vốn liếng trong một trận tổng càn quét, trong khi tại Huế, Lục, chồng nàng, vì hay giao du nhậu nhẹt với đám bạn bè cũ, lại bị bắt ra tòa vì “âm mưu chống chính quyền cách mạng,” bị kết án và tống vào trại cải tạo.
Chương cuối, cảnh Lục đi lao động tự giác ở trong rừng, gặp gỡ và làm tình với một người nữ tù mà sau đó mới khám phá ra đó là vợ của mình, là một chương mang không khí siêu thực. Sự việc diễn ra như một tượng trưng, một cô kết thoát khỏi mọi thực tế tàn nhẫn của cả một bi kịch dài, khi thân thể một người nam và một người nữ quấn lấy nhau giữa chốn rừng sâu. Ngay đối thoại của họ sau đó cũng như những lời vang vọng từ đâu đó của hoang dã.
Thế giới bỗng mở ra toang hoác, tan nát. Cả hai người bay từ cõi tiền sử về trần gian khốn khổ. (...) Lục đẩy nhẹ Hạnh ra,hỏi:
- Vào tù khi nào?
- à... mấy năm rồi nhỉ... em không nhớ...
- Sao lại ở tù?
- chắc... là tại vì... vượt biên...
- Ở đâu?
- không nhớ... in thử như là... quảng ninh
- Sao lại về đây?
- họ... họ... chuyển về... ai mà biết
- Có án không?
- có... à mà... mấy năm... quên mất rồi
- Vì sao?
- buôn bán tem phiếu... bị truy nã... cướp tàu vượt biên...
rồi...
- Con đâu?
- không biết...
Trại cải tạo khóa lại mọi chuyện. Từ đó trở về trước là ngọ nguậy để sống. Từ đó trở về sau là tù tội. Tất cả đều tan nát. Và chấm dứt truyện.

Với tư cách một người trong cuộc, tác giả đã mô tả lại xã hội miền Nam sau 1975, đặc biệt những cách kiếm sống phát sinh do hoàn cảnh mới. Điều này không lạ đối với những ai đã đọc Trần Doãn Nho trước đây, những bài đăng trên Thế Kỷ 21 và các tạp chí văn học khác, nói về những chuyến đi buôn dây thép gai, những người đi tìm trầm, về hệ thống buôn bán vé số... bài nào cũng cho thấy tác giả là người hiểu biết rất tường tận vô số cách “làm ăn” tại Việt Nam sau năm 1975. Với Dặm Trường, mọi chuyện được đặt trong một lớp lang dài hơi, cho phép tác giả đi sâu hơn và rộng hơn vào những số phận cụ thể, mà chỉ dưới dạng truyện dài mới lột tả hết cái hãi hùng lẫn cái bi đát của một thời. Chúng ta sẽ được tiếp xúc với rất nhiều hiểu biết của một người có tham dự vào cuộc chơi với vô số cái được lẫn cái mất, nhưng cuối cùng cái được lớn nhất vẫn là những gì ông ghi nhận được từ cuộc sống ấy với một ý thức rất cao và chuyển giao lại cho mọi người bây giờ và mai sau, dưới dạng văn học.

Dặm Trường là một kinh nghiệm. Đó là giai đoạn Việt Nam “tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” sau 1975. Thời đó đã qua, như chủ nghĩa cộng sản rồi cũng bị xóa sạch trên thế giới, như tất cả mọi thứ đi ngược với con người từ trước tới nay đều phải cáo chung. Nhưng dấu vết vẫn còn lại. Dặm Trường đóng góp thêm một lưu giữ, cho riêng Việt Nam, cho riêng miền Nam Việt Nam, về những năm tháng kinh hoàng ấy.

Phạm Xuân Đài
Viết và đăng trên tạp chí Thế Kỷ 21 tháng 10 năm 2001.
Đọc lại và chỉnh đốn tháng 9-2017.
(từ: DĐTK)



DẶM TRƯỜNG (KỲ 1)

Trần Doãn Nho

Nhà xuất bản Văn Mới (California, Hoa Kỳ) xuất bản năm 2001. Thư Quán Bản Thảo tái bản 2018 với nhuận sắc của tác giả để tặng thân hữu.

Lời dẫn:
Sau khi hoàn thành công cuộc “giải phóng” miền Nam, “Bên thắng cuộc” vận dụng triệt để học thuyết “đấu tranh giai cấp” và “chuyên chính vô sản” làm công cụ khống chế, đàn áp người dân “bên thua cuộc”. Say sưa trên đà “chiến thắng”, những người Cộng sản trả thù hàng triệu quân cán chính từng làm việc dưới chính thể Việt Nam cộng hòa bằng cách bắt họ đi “học tập, cải tạo” không thời hạn ở những nơi rừng thiêng nước độc. Rất nhiều người trong số họ bỏ xác tha hương, nếu may mắn trở về cũng thân tàn ma dại. Xuất phát từ nền học vấn và tầm văn hóa thấp, lại sẵn thói kiêu ngạo cộng sản họ bần cùng hóa nhân dân bằng chế độ hộ khẩu, tem phiếu cùng với chính sách cấm chợ ngăn sông, nhà nước độc tài toàn trị theo mô hình Stalin và Mao Trạch Đông đã biến Miền Nam Việt Nam, từ một nền kinh tế phát triển trong khu vực Đông Nam Á trở thành mảnh đất xơ xác, tiêu điều. Ở đấy, những nhân viên công vụ, những nhà giáo từng được đào tạo bài bản trong các trường đại học, cao đẳng hoặc dạy nghề, sau sự kiện 30 tháng 4, bỗng trở thành thất nghiệp.
Vì sinh kế, đội quân thất nghiệp này phải làm đủ mọi nghề mà phổ biến nhất là buôn lậu. Từ buôn lậu đẻ ra lắm hệ lụy, như một vòng luẩn quẩn trêu ngươi số phận và cuối cùng là con đường dẫn đến nhà tù. Vợ chồng Tống Viết Lục và Đoàn Thị Mỹ Hạnh vốn là những công dân lương thiện của Cố Đô Huế được nhà văn Trần Doãn Nho khắc họa rất thành công trong tiểu thuyết Dặm trường. Trần Doãn Nho hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ nhưng có lẽ ông cũng đã nếm trải không ít đắng cay của “nghề” buôn chuyến trên các con tàu Thống Nhất hay tàu chợ nên mới có những trang văn phản ánh một cách sinh động về hiện thực đất nước một thời chưa xa.
Văn Việt xin trân trọng giới thiệu tác phẩm Dặm trường của ông.

CHƯƠNG 1
Hạnh lay vai chồng:
- Anh, anh, dậy nhanh lên. Em bàn việc này cho mà nghe.
Lục đang ngủ say, choàng thức dậy:
- Gì vậy em? Anh đang nằm mơ thấy trời lụt.
Hạnh bật cười:
- Thôi, đừng có mà mơ. Em muốn bàn với anh chuyện thật đây. Anh biết không, ở Sài Gòn, hàng đang “ăn”, hàng công ty cũng như hàng Campuchia. Em tính đi lại một chuyến nữa.
Lục nói, giọng có phần mệt mỏi:
- Lại đi! Mất mấy lần chưa thất kinh sao mà còn muốn đi. Mà giá vàng gần Tết cứ lên ào ào. Em không nghe mới sáng đến chiều  mà vàng “lên” một cây mấy ngàn sao?
- Vàng lên thì vàng lên. Mình đi buôn chứ mình có bán vàng để tiêu mô mà sợ dữ rứa. Có lời thì mình đập vô vàng mua lại. Ai cũng thế mà thôi. Buôn bán mà sợ vàng lên vàng hạ thì sao được.
- Cứ cho là vậy đi. Nhưng đường sá gần Tết, tụi công an với thuế vụ chúng nó chực khắp nơi để kiếm tiền tiêu Tết. Nó chụp một lần nữa thì sao?
Hạnh bụm miệng chồng lại:
- Vợ con thì buôn bán mà cái miệng chuyên môn nói chuyện xui. Vả cái miệng một cái cho hết nói bậy. Có gan mới làm giàu, anh không nghe người ta nói sao? Vợ chồng Song – Tha mới Sài Gòn ra hôm qua trúng đậm, mua sắm thôi thì đủ thứ. Mua cả đầu máy JVC nữa. Ngó cái đầu máy mà phát thèm.
Nàng ôm riết lấy chồng, vuốt ve, giọng nghe càng nũng nịu:
- Em mà trúng chuyến này, sẽ mua cho anh một cái JVC đời mới, mới toanh. Mễ –Tư ra hôm trước, anh nhớ không. Nghe Mễ nói thấy hàng vô là công ty với tụi Campuchia giành giựt nhau chí chóe.
Lục xuống giọng:
- Tùy em. Anh thì anh ngán quá. Em đi, anh ở nhà cứ như ngồi trên bếp lửa. Mà giờ tiền đâu cho đủ để mua hàng?
Nghe giọng chồng có vẻ ưng chịu, Hạnh vội xoè ngay bàn tay ra trước mặt Lục:
- Em còn đây bốn chỉ, nơi anh ba chỉ nữa, vị chi là bảy.  Em tính, anh lên bà nội mấy đứa muợn thêm năm chỉ, em qua dì Xuân xoay thêm ít chỉ. Em định mua một lô hàng khoảng cây rưởi đến hai cây là vừa. Có thiếu chút đỉnh, mình nợ, bán hàng xong ra trả sau.

Thông thường thì Hạnh chỉ hỏi Lục cho vui, vì nàng đã quyết định là nàng làm. Lục biết thế, cho nên, thường chỉ góp ý cho có lệ. Lục không rành chuyện buôn bán, lại nữa, anh nhát gan.  Gặp công an, thuế vụ, không có hàng đã run, huống hồ gì mang thứ hàng thuộc loại “quốc cấm” như trầm. Từ ngày bị giảm biên chế vì thuộc diện dính líu đến chế độ cũ, anh lui về lo việc nhà. Anh săn sóc con cái, nấu nướng, đếm tiền cho vợ. Vợ sai đâu, anh đi đó. Anh thuộc loại không thể thích nghi được với cái xã hội mới  đầy cả mánh mun bên ngoài. Anh dị ứng với cảnh người ta lăng xăng lui tới gạ gẫm, đẩy đưa, mặc cả. Có lúc, anh chăm chú theo dõi, thậm chí thử tìm hiểu mà rốt cuộc vẫn cảm thấy lạ lẫm. Anh nhờ nó để sống, mà y như kẻ đứng ngoài, chẳng dính líu gì.
Hạnh khác. Hồi trước nàng nhút nhát, ít nói, rất sợ phải tiếp xúc. Thế mà đột nhiên, nàng đổi tính. Nàng nhảy một cái vào cái xã hội mới mẻ này, hòa nhập vào nó một cách mau chóng. Nàng nói nói cười cười thiệt thiệt giả giả. Khi tình, lúc lý. Khi giả đò, lúc thành thật. Nàng láo lường, tính toán, thủ đoạn. Nàng biết cách biến từ không đến có, từ giả thành thiệt. Ðêm đêm, sau khi đếm tiền, cất vàng, kiểm hàng xong, nàng mới trở lại một Hạnh của anh, dẫu không toàn vẹn lắm, nhưng cũng đủ để cho anh cảm thấy yên tâm. Nàng tỉ tê tâm sự. Nàng nũng nịu. Nàng chìu. Chỉ đến lúc này, Lục mới phần nào tìm thấy hơi hám quen thuộc của một Hạnh khép nép, dựa dẫm ngày nào. Suốt ngày anh lửng lửng lơ lơ, chờ mong cho đến lúc Hạnh xong mọi công việc làm ăn trong ngày, đổi lốt, trở về với anh.

Dặn dò thêm vài chuyện nữa, Hạnh quày quả lên xe, rú đi. Lục bảo mấy đứa con lo nấu cơm, rồi cũng lấy xe đạp lên mẹ anh mượn tiền. Khi trở về, thấy Hạnh đã ngồi đợi sẵn, vẻ mặt nôn nóng. Nàng trách:
- Anh làm gì cũng lù rù lờ rờ. Em đợi sốt cả ruột. Thế nào? Mạ đưa vàng chưa? Mấy chỉ?
Anh nói:
- Em mượn năm thì mạ đưa năm chứ mấy nữa.
- Thôi thì cũng được. Anh lấy xe lên chợ bán hết cho em. Nhớ bán nơi con Bảo cho được giá. Mà phải hỏi giá cho kỹ rồi hãy bán. Nhanh lên nghe, em hẹn người ta sáu giờ, chồng tiền. Em ở nhà sửa soạn hàng.
Lục đi ngay. Lấy tiền bán vàng về, đợi Hạnh đếm xong, anh hỏi:
- Thế nào? Hàng có khá không?  Mấy kí?
Hạnh vừa cột tiền thành từng cọc một ngàn, vừa trả lời:
- Em sang lại của thằng Quang-nụi. Chấp nhận giá cao một chút cho có hàng đi. Một ít loại “một”, loại “hai”, hai ký còn lại là loại “ba” và “bốn”. Em đã liên lạc được xe rồi, xe chở phế liệu. Khuya này đi. Hàng sẽ lên ở Vỹ Dạ. Lát nữa, thằng Vui-cò xuống báo  địa điểm và xe sẵn sàng, anh đạp xe về Gia Hội, qua ngã bến đò Cồn, quan sát động tĩnh, có gì báo em biết ngay.
Lực dè dặt:
- Mà em này, mạ nói ngày ni đi là xấu lắm. Hôm nay là ngày “sát chủ”, mai là ngày “thọ tử”, cả hai ngày, đi đều không tốt. Chỉ có mốt là được.
Hạnh gạt ngang:
-  Trời ơi, anh biết bữa nay là ngày mấy rồi không? Hai mươi ba rồi. Nếu mốt là hai mươi lăm đi, hai bảy mới đến Sài Gòn. Chẳng lẽ em bán hàng xong rồi ở lại ăn Tết ở đó sao? Mạ thì cứ khi nào cũng ngày tốt với ngày xấu. Ngày tốt mà không có xe cũng đành chịu.
- Thì mạ anh nói sao, anh nói lại vậy.
- Kệ mạ! Mạ có đi buôn mô mà mạ biết. À, may không thôi thì quên. Hôm nay hai mươi ba, phải mua gì cúng ông Táo. Anh xem quét dọn bàn thờ, thay cát trong lư hương, cắt một ít bông phượng. Em đi trả tiền hàng, rồi ghé chợ mua ít đồ cúng.

Nói là làm ngay, Hạnh bước ra sân, rú xe chạy đi. Lục nhìn theo, băn khoăn nghĩ đến mấy cái từ “thọ tử”, “sát chủ”. Cái thì “tử”, còn cái thì “sát”, nghe mà ghê! Anh đứng tần ngần ngẫm nghĩ một lúc, rồi mới sửa soạn bàn thờ.
Hạnh đi một lát là về ngay. Nàng mua chuối, giấy tiền, vàng bạc, và một miếng thịt heo luộc. Nàng xếp vàng mã, sắp lên bàn thờ, lên bếp và lên cái am lộ thiên ngoài sân. Cẩn thận hơn, nàng mở gói trầm, lấy một thanh trầm nhỏ bỏ bên cạnh lư hương.  Nàng cầu Phật, cầu tổ tiên, ông bà, ông táo, cầu các đấng “cô hồn các đảng” phù hộ cho chuyến đi của nàng được xuôi chèo mát mái và hứa là nếu chuyến này có lời, nàng sẽ cúng tạ một cái đầu heo và gà, vịt các thứ.
Khi cả nhà đang ăn cơm thì Vui chạy cò đến báo tin xe sẽ khởi hành vào lúc nửa đêm. Hạnh mừng rỡ, bỏ đũa xuống:
- Thế thì quá tốt. Chiều mốt là đã ở Sài Gòn.
Nàng quay qua chồng:
- Anh tính xem, trễ lắm là hăm sáu em bán hàng. Bán xong, hăm bảy lấy tiền. Như vậy là chiều hăm bảy, em nhảy tàu Thống Nhất ra. Chậm lắm, chiều hăm chín, em có mặt ở nhà. Nói thì nói vậy, chứ anh và mấy đứa cứ lo việc nhà. Ðây, ba trăm, anh liệu làm gì thì làm. Chuyện sắm sửa Tết, em lo.  Giờ còn sớm, dọn dẹp xong, đi ngủ một tí, mười một giờ dậy đi là vừa.

Nói thì nói vậy, nhưng khi dọn dẹp các thứ xong xuôi, nàng vẫn không đi ngủ liền được, ngồi yên lặng tính toán. Như thế là nàng đã mua tất cả bốn ký hàng, hết một cây tám năm phân.  Nàng trả một cây rưởi, còn thiếu nợ ba chỉ rưởi. Nàng giữ một chỉ và ít tiền mặt để phòng thân. Nếu bán được hàng, nàng chỉ mong lời chừng năm, ba chỉ để trang trải một số nợ nần, còn lại thì sắm Tết. Nghĩ đến chuyện sắm Tết, nàng thật mệt mề.  Bánh trái, quà cáp, áo quần, ôi thôi, đủ thứ. Mặc, đến đó hãy hay. Nhưng nếu lỡ bị “chụp” thì sao? Nàng rùng mình. Ðã mấy lần bay hết vốn. Có lần suýt ở tù rồi. Hy vọng lần này không đến nỗi. Chẳng lẽ trời cứ phụ nàng. Nàng đi đâu cũng có cúng có quảy đàng hoàng, ăn ở với chồng con, gia nương lúc nào cũng phải đạo, có đâu cứ bị thiệt thòi hoài. Nhưng ai mà biết được. Phải sẵn sàng, nếu có chuyện gì thì liệu đường lo lót.  Một chỉ, sợ không đủ. Lỡ có chuyện gì, một chỉ  thì làm sao xoay sở được nhỉ, nàng bần thần tự hỏi.
Chợt có bàn tay ai đặt lên mái tóc. Nàng giật mình, quay lại.  Lục đứng sau lưng hồi nào. Anh âu yếm nói:
- Sao em không ngủ một lát cho khỏe để khuya đi. Lo lắng tính toán làm gì nhiều cho mệt. Mọi chuyện đã đâu vào đấy rồi.
Anh cầm tay vợ, mắt long lanh. Nàng im lặng nhìn chồng. Cái nhìn sáng rỡ, tình tứ của anh cho nàng hiểu anh muốn gì rồi. Cái anh này, cứ vòi vĩnh hoài, để cho thân thể người ta tinh sạch, người ta đi, thế mà không chịu. Gì thì gì nhưng Lục của nàng thật tuyệt. Nàng cười tình với anh. Thấy mắt vợ cũng long lanh, Lục thích thú, ôm hôn nàng thật dài, đôi tay ấn xuống, xoa xoa vào khoảng lưng, miệng cắn nhẹ vào vai nàng. Tật Lục vẫn thế, anh thích những cử chỉ vụn vặt. Nàng quen tính chồng, nên chìu. Lúc đầu, nàng không mấy thích. Có lúc bực nữa, vì đau. Nhưng anh làm riết rồi nàng cũng quen. Lần hồi, thấy thích. Không có, thiêu thiếu. Lục kéo nàng xuống:
- Chỉ có lúc này, em mới là Hạnh của anh thôi.
Cảm động, Hạnh vùi đầu vào ngực chồng, hôn lấy hôn để. Lục với tay tắt đèn, tắt radio, sờ soạng tìm nút áo. Nàng nằm im, thật im, mơ màng, rạo rực. Lục nhẩn nha vuốt ve, hôn hít. Hạnh nằm im, chờ đợi cơn lốc cuồng bạo đổ xuống từ chồng. Bỗng nhiên, nàng níu tay Lục lại, giọng hốt hoảng:
- Chết cha! Anh ơi, em nhớ ra, còn một gói hàng em gửi ở dì Xuân chưa lấy về. May mà nhớ kịp, nếu không, thì phiền. Anh ngủ đi, em chạy đi lấy cho rồi.
Nàng vùng dậy, bật đèn. Lục cụt hứng, im lặng nằm nhìn vợ nhanh nhẩu đắt xe ra ngoài. Anh lắng nghe tiếng  nổ xa dần, xa dần trong đêm, ngao ngán thở dài.

***
Xe lên đường vào lúc một giờ sáng. Con đường đi ngang Ðập Ðá vắng tanh. Ánh sáng các ngọn đèn đường dội xuống mệt mỏi, miễn cưỡng, chừng như chẳng muốn soi sáng thêm cái thành phố đang ngủ vùi. Hạnh ngồi ép người sát trong thùng xe phía sau, lòng thấp thỏm, không yên. Thỉnh thoảng, nàng kéo tấm gỗ chắn cái ô trống phía trước để nhìn ra ngoài. Ðường trống trơn, nhưng đầy đe dọa. Một vệt sáng có thể bất chợt lóe lên. Một bóng người  trong bộ đồng phục xanh đậm hoặc trong bộ đồ vàng ở đâu đó, có thể đột ngột xuất hiện ngang giữa đường, vẫy xe dừng lại. Nơi nào cũng là nơi rình rập. Ðâu đâu cũng có thể có ai đó đứng dòm ngó mọi di chuyển của xe và mọi hành vi của nàng. Số hàng bốn ký lô nàng gói rất gọn, được tay tài xế giấu trong cái thùng sắt đập bẹp, chôn sâu dưới đống phế liệu gồm đủ thứ kim loại tạp nhạp, rỉ sét. Kín thì quá kín rồi. Nhưng lo thì vẫn lo. Công an, thuế vụ dường như có mặt khắp nơi. Càng ngày họ càng ranh ma. Nghề dạy nghề, nên dù giấu hàng khôn khéo đến đâu, họ cũng biết để lục ra khiến đám con buôn bể mánh hoài. Người ta làm ăn, họ cũng làm ăn. Tìm ra hàng, họ mới có tiền. Trên tuyến đường huyết mạch bắc nam với hàng chục trạm thuế làm việc ngày đêm, luôn luôn diễn ra một trận chiến thầm lặng, nhưng rất ác liệt.
Xe qua cầu An Cựu, ra khỏi thành phố bình an, bắt đầu chạy chậm lại. Tài xế tính toán giờ giấc để vượt trạm Lăng Cô vào lúc tảng sáng. Kinh nghiệm cho biết vào thời điểm đó, đám nhân viên trực ham ngủ hơn là hăm hở lục hàng. Đúng như dự tính, xe vượt trạm Lăng Cô lúc bốn giờ mười lăm.  Không thấy bóng người. Ba-ri-e buông lỏng, xả trạm. Xe từ từ tiến gần.  Hạnh nín thở nhìn vào ngôi trạm nhỏ nằm bên vệ đường, tưởng chừng như cả thế giới này sẽ nổ tung nếu nó đột ngột thức dậy, thi hành cái chức năng bình thường của nó. May quá, nó yên ngủ. Bên trong, tối. Mọi thứ im lìm. Chỉ có chiếc bóng đèn nhỏ gắn bên ngoài, lặng lẽ nhìn chiếc xe thận trọng, run rẩy bò qua lằn ranh an toàn. Hạnh đăm đăm nhìn thanh gỗ chắn, dùng làm cái ba-ri-e, chổng lên trời. Lúc này, sao trông nó hồn nhiên và đáng yêu đến tệ. Ðừng hạ xuống, đừng bao giờ hạ xuống chắn đường chị đi, nghe em, Hạnh nhủ thầm. Ðuôi xe vừa qua khỏi trạm, xe tăng tốc. Thanh ba-ri-e ngoan ngoãn nằm yên. Hạnh ôm ngực thở phào. Cám ơn trời phật.  Thế là bốn ký hàng vượt qua khỏi cửa ải đầu tiên.

Xe lần lượt qua các trạm Kim Liên, Nước Mặn, An Tân, Cù Mông, Ba Ngòi, Du Long, Căn Cứ Bốn. Nơi nào, xe cũng phải dừng trước trạm đợi tài xế đến trình giấy tờ. Cán bộ thuế lên xe, đảo mắt nhìn, chìa tay nhận xấp tiền từ người chủ hàng phế liệu  kín đáo trao cho, rồi lặng lẽ xuống xe. Chiếc ba-ri-e quyền lực từ từ nâng lên để cho xe chạy qua. Ðể tránh sự chú ý của cán bộ thuế, trước khi đến trạm, Hạnh thường xuống xe khi còn cách trạm một đoạn đường, đi bộ khỏi trạm một quãng ngắn, đứng đợi. Chưa đến trạm là tài xế đã nhắc nhở nàng. Thông thường thì phế liệu là mặt hàng cồng kềnh, được buôn bán hợp pháp. Chủ hàng lo đóng thuế đàng hoàng cả đầu vào lẫn đầu ra. Họ chỉ khai gian trọng lượng để giảm tiền thuế. Qua mỗi một trạm, chủ hàng chỉ cần chung một ít tiền lót tay gọi là “thông cảm” với nhân viên trạm là xong. Ðó là một hợp đồng ngầm, đôi bên đều có lợi.
Nhưng đến trạm Căn Cứ Năm, thì có chuyện rắc rối. Số là anh tài xế quên dừng xe cho Hạnh xuống cách trạm một đoạn đường như thường lệ. Khi sực nhớ ra thì  thì thanh ba-ri-e và tấm bảng “stop” đã hiện ra trước mặt. Lỡ rồi, tài xế làm lơ luôn, không gọi Hạnh, sợ gây thêm nghi ngờ. Nàng nằm im trên thùng xe, nhắm mắt giả vờ ngủ say. Khi nhân viên thuế lên xe, mở cửa ra, thấy nàng, bèn hỏi. Nàng nhướng mắt giả giọng ngái ngủ, trả lời nhát gừng. Nhân viên thuế gọi tài xế và chủ hàng phế liệu vào trạm, mang giấy tờ ra săm soi, hạch hỏi. Hạnh ngồi thu mình trong thùng xe, đầu óc rối tung lên. Nàng lục xách, lấy thanh kẹo cao su bỏ vào miệng nhai, hai tay run bần bật. Một lát sau, tài xế ra, cho biết là xe tải được lệnh vào trạm để kiểm tra. Hạnh xuống xe, nước mắt lưng tròng, đầu óc chọt nghe vang vang hai chữ “thọ tử”và “sát chủ” đáng ghét của bà mẹ chồng. Nàng nhìn theo chiếc xe tải chạy thẳng vào bãi đậu xe, lòng tan nát như ngày nào khi nghe tin Sài Gòn đầu hàng tháng tư năm bảy lăm.

Bãi đậu xe trạm chiếm một khu đất rộng thênh thang, nằm kế khu ruộng lúa, đủ chỗ chứa cho hàng chục chiếc xe đủ loại. Chẳng mấy khi bãi trống. Xe cộ ngược xuôi nam bắc hàng ngàn chiếc mỗi ngày, hiếm có chiếc nào không có “vấn đề”. Thông cảm cho đi thì thôi, chứ nếu đã quyết tâm lục, thì nhất định phải có chứa hàng lậu. Từ xe tư cho đến xe công, không có xe nào không có mánh chở hàng. Lúc đầu, chỉ có xe tư nhân sung công vào hợp tác xã là chủ xe bạo gan, sẵn sàng lao vào cuộc chơi, chấp nhận mọi rủi ro. Nhưng càng về sau, tất cả các tài xế, và qua đó, các thủ trưởng của họ, cũng tham gia. Lúc đầu, thử; sau, thấy ngon, trở thành chuyên nghiệp. Từ đó, cũng như xe tư, các xe thương nghiệp, xe quân sự, xe Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện, xe ngoại giao, và cả xe công an, thuế vụ cũng gia nhập đường dây chở hàng. Các trạm thuế đã từng chận bắt xe tòa đại sứ Liên Xô, Ba Lan  chở thuốc tây, xe Bí thư tỉnh ủy chở trầm, xe Tổng cục an ninh bộ Nội Vụ chở thuốc Jet, thuốc “ba số”…Lúc đầu, bãi chỉ mở ra cho có. Dân dần, không đủ chỗ, bãi cứ nới dần ra, lấn cả vào đất canh tác. Cái văn phòng nhỏ xíu với năm, bảy nhân viên đột nhiên biến thành một trung tâm hàng hóa và dịch vụ, nơi họ thay nhau quản lý đủ loại xe, đủ loại hàng, đối phó với đủ loại tài xế, thủ trưởng qua nhiều tình huống khác nhau. Và khu vực quanh trạm biến thành một khu sinh hoạt náo nhiệt ngày đêm. Quán xá đủ loại mọc lên kéo theo một đám chạy mánh lành nghề: “gỡ” hàng bị bắt ra khỏi trạm.

Hạnh chán nản, vào ngồi ở một quán nước bên vệ đường. Miệng mồm nàng khô khốc, tay chân run rẩy, bụng dạ bồn chồn. Nàng nhìn đăm đăm vào trạm chờ đợi, như tội nhân chờ bản phán quyết cuối cùng của quan tòa trong một phiên xử kéo dài, chưa biết khi nào kết thúc.
Rất lâu sau, anh tài xế từ trong trạm bước ra, mặt mày phờ phạc:
- Không xong rồi. Tụi nó tuôn hết phế liệu và tìm thấy hàng chị.
Hồn vía Hạnh bay bổng. Nàng choáng váng như bị trúng gió. Thân hình lảo đảo, muốn ngã. Nàng bíu chặt  hai tay vào mép bàn, gượng lại, đứng nhìn trân vào khoảng không trước mặt, mắt nhòe đi. Thế là hết. Nàng nhìn tài xế, mếu máo:
- Anh xem có giúp được gì em không?
- Chịu thôi. Tôi đã làm hết sức, mà đành chịu. Chuyện chẳng ra gì mà lại lỡ bể lớn ra rồi.
- Liệu anh chủ hàng phế liệu có xoay chạy gì được giúp em không?
Anh lắc đầu:
- Khổ nỗi, anh ta cũng đang điên đầu vì hàng của anh đang nằm chình ình ra đấy. Tụi nó mà cân lại thì phải biết. Anh ta cằn nhằn, đổ lỗi cho cô và tôi. Còn tôi, lỡ việc lỡ vàng hết trơn. Tụi nó giam ở đây, chẳng biết khi nào mới cho đi.
Thế là hết đường. Cả hai ngồi im, chết đứng.
Hạnh chới với suy tính. Phải đi Sài Gòn thôi, nàng tự nhủ. Nàng nói:
- Cám ơn anh. Bây giờ em phải tự lo lấy thôi.
- Mà cô đi đâu giờ?
Nàng không buồn trả lời, bước đi ngay, không quay lại.

CHƯƠNG 2
Hạnh đón ngay được một chiếc xe Kamaz từ Hà Nội vào.  Ca bin loại xe này rộng, có thêm băng ghế sau. Ngoài tài xế, còn có hai người đàn ông ngồi chung một ghế ở phía cửa trước.  Một người, có lẽ là tài phụ. Còn người kia ăn mặc xuề xòa, con buôn cũng không ra con buôn mà bộ đội cũng không ra bộ đội. Mới thấy nàng leo lên xe, anh ta đã nhìn nàng một cái nhìn xoáy sâu đầy khả ố. Mặc họ. Nàng giữ nét mặt thật nghiêm trang, im lặng gật đầu chào từng người. Nàng được dành cho ngồi ở băng ghế sau. Ghế dài, bọc da, êm ái như một cái giường cá nhân nhỏ. Chạy được một đoạn, người tài xế lên tiếng:
- Sao, người đẹp đi đâu giờ này? Ði chơi hay đi buôn?
Mải đắm mình trong giòng suy nghĩ, Hạnh im lặng, chưa tìm ra cách trả lời. Người tài xế có vẻ phật ý:
- Người gì mà cao đạo khiếp thế! Hỏi chẳng thèm trả lời. Khó nhỉ!
Anh ta kéo dài chữ “nhỉ” cuối câu với một cái giọng nghe rất “bộ đội”. Hạnh đáp, giọng mệt mỏi:
- Tôi đi có chút việc, anh à.
Anh ta cười vang:
- Khá lắm, khá lắm. Tưởng người đẹp không muốn cho kẻ hèn này nghe tiếng oanh vàng chứ.
Tiếng “chứ” dẻo và dài, đầy hơi gió, nghe giễu cợt. Hai người đàn ông kia cùng quay lui, nhìn nàng, cười lớn.  Hạnh nhìn lòng đường trước mặt vùn vụt chạy lùi về sau, cố giữ nét mặt thật bình thản. Người tài xế không hỏi tiếp, im lặng lái tránh một chiếc xe nào đó chạy ngược đường thật nhanh. Ðoạn đường tương đối êm ả. Không ai quấy rầy nữa, nàng tiếp tục vùi mình trong những tính toán vẩn vơ. Nàng cố không nghĩ  đến những điều tệ hại nhất, nhưng những ý nghĩ muộn phiền, cứ như tằm ăn dâu, xâm lấn từng khoảng trống trong đầu óc bề bộn của nàng. Chúng cấu xé, dằn vặt. Môi khô. Cổ họng rát bỏng như trải qua một cơn ho nặng. Hai người đàn ông thỉnh thoảng lại quay lui nhìn nàng, vẻ dò hỏi trân tráo.
Xe chạy khá lâu thì giảm tốc độ, từ từ dừng lại. Người tài xế xem đồng hồ, nói:
- Hai giờ sáng rồi. Ta dừng lại đây nghỉ, tảng sáng đi tiếp.
Hạnh giật thót mình, hốt hoảng:
- Sao thế anh? Dừng lại ở đây sao? Ðây là đâu thế này?
Anh chàng mặc đồ xuề xòa cười ha hả:
- Thế người đẹp không chịu ngủ à? Chẳng lẽ chạy cả đêm. Chạy cả đêm, liệu người đẹp có chịu nổi không?
Anh ta cố ý nhấn mạnh “có chịu nổi không”, hàm ý tục tĩu.  Nàng làm lơ, hỏi tài xế:
- Anh định nghỉ ở đây thật sao? Như thế này thì… thì…
Nàng ấp úng, không biết phải diễn tả thế nào. Người tài xế cười:
- Thế cô chưa bao giờ đi xe đêm sao. Phải nghỉ ngơi, phải ngủ một chút mới tiếp tục được chứ tài xế làm sao chịu nổi.
Giọng anh ta bây giờ nghe đàng hoàng, có lẽ không chứa một ẩn ý bất thường nào. Nàng hơi yên tâm. Nhưng nhìn khung cảnh chung quanh, thấy tối tăm hoang vắng quá, nàng chột dạ. Một ý tưởng bất ngờ xuyên qua trí óc khiến nàng cảm thấy lạnh buốt xương sống. Họ âm mưu gì đây? Nàng xuống giọng van vỉ:
- Các anh ráng chạy đi giùm tôi. Ðừng nghỉ nữa. Tôi cần về gấp Sài Gòn trong đêm nay. Tôi sẽ bồi dưỡng thêm cho các anh xứng đáng. Các anh giúp tôi đi. Tôi nói thật, tôi cần đi gấp.
Người tài xế cười sảng khoái:
- Cô làm như  là thủ trưởng của tôi không bằng. Ðám tài xế chúng tôi vậy đấy. Có chạy, có nghỉ. Luật nhà nước mà.
Anh ta tắt máy xe, quay sang nàng, giọng đầy giễu cợt:
- Hay là cô sợ chúng tôi… ăn thịt cô. Không đâu. Chúng tôi chưa cần đâu.
Nhìn chăm nàng quan sát một lát, anh ta tiếp:
- Nói thế chứ không có gì đâu mà cô lo. Có lẽ cô sợ bọn tôi làm ẩu chứ gì? Không đâu, người đẹp ạ. Nói người đẹp đừng buồn, nếu cần gái, chúng tôi chẳng thiếu đâu. Bây giờ, tôi hỏi thật: cô cần về gấp thành phố để làm gì? Cô đi buôn, phải không? Nói thật đi. Bọn tôi không phải công an, cũng chẳng phải là đầu trộm đuôi cướp đâu nhé. Chúng tôi là dân lái xe có gốc.
Hạnh thừ người, suy nghĩ. Một lát, nàng thú thật:
- Nói thật với anh, tôi buôn trầm. Tôi mới bị bắt một bận hàng tại Căn Cứ Năm, chỗ tôi đón xe anh đấy. Hàng hiện đang giữ ở đó, nên vội đi Sài Gòn, tìm cách chạy ra.
Người tài xế đập tay một cái rõ mạnh trên ghế ngồi, rồi nói:
- À, ra thế. Vậy mà nãy giờ cứ giấu. Cô đi buôn kiểu gì mà lại “lạc hậu” thế! Hàng thì bị dính ở đó, lại vào Sài Gòn để gỡ, thế là thế nào? Khi cô vào đến trong đó, thì ngoài này, hàng đã bị làm thịt thành trăm mảnh rồi, còn đâu. Sao khi nãy, lên xe, cô chẳng cho tôi biết. Cô làm cao, không thèm trả lời.  Bây giờ xa trạm quá rồi.
Anh ta ngưng một chút, rồi hỏi:
- Trầm loại gì, bao nhiêu ký? Ai làm biên bản tịch thu?  
- Trầm từ loại “một” đến “bốn”, bốn ký. Tôi không vào trạm nên chẳng biết ai làm biên bản. Nhưng nghe tài xế nói là trưởng trạm thì phải.
- Ối giời ôi, thằng tài xế nào mà ngu thế, chở có bốn ký trầm mà để bị bắt, thì bỏ mẹ nghề cho rồi. Nói thật với cô, xe này chở hơn một nửa trọng lượng là hàng ngoài luồng đấy, ấy thế mà qua trạm có thằng nào dám hỏi tôi đâu. Trưởng trạm là thằng Bụi đấy chứ ai. Nào, kể anh nghe vụ việc xem.
Hạnh kể lại vắn tắt sự việc. Tài xế đổi giọng, hỏi:
- Em còn bao nhiêu tiền?
Hạnh bối rối, không biết nên nói thế nào. Anh ta khuyến khích:
- Nếu em không cho anh biết khả năng thì anh không tính toán gì được. Nếu em ngại thì thôi.
Hạnh miễn cưỡng đáp:
- Anh liệu có giúp gì được em không? Thú thật, em chỉ còn có một chỉ vàng với vài ngàn thôi à. Vì vậy mà em phải về Sài Gòn gấp.
- Ra thế. Nhưng chừng đó thì rõ là chẳng ăn thua gì. Muốn chuộc ra, phải nhường một nửa vốn. Ðó là nói biên bản chưa ký. Còn nếu ký rồi thì hà… hà…
Hạnh chột dạ. Nàng im lặng nhìn anh tài xế, cố diễn tả nỗi mong mỏi của mình bằng ánh mắt tràn đầy van vỉ và nét mặt tội nghiệp. Anh tài xế gục gặc đầu:
- Nếu không giải quyết đêm nay, thì mai, hoặc là chúng nó tráo hàng hết, hoặc là chúng nó lập biên bản chuyển qua khâu khác. Lúc đó thì hết đường. Ðược rồi, anh giúp  em. Em chịu tin anh không?
Nàng dè dặt gật đầu. Anh ta tiếp:
- Ðược, không tin thì rồi sẽ tin. Này, Phú, cậu ở đây ngủ nhé. Nhớ trông xe cẩn thận. Tớ đi ngược về trạm, gặp thằng Bụi. Liệu mà ngủ ngáy cho tốt vào, đừng có mà “cải thiện linh tinh” nhé. Cái gì cũng phải có ý kiến của tớ trước. Nào, em, ta xuống xe đi ngay, không thì trễ mất, thêm phiền.
Hạnh ngạc nhiên:
- Ði thế nào?
- Ðón xe. Xe này không thể lái ngược trở lại được, vì nhiều hàng hóa linh tinh ở trên. Em gái cứ tin anh đi. Anh sẽ chơi đẹp cho em thấy.
Không đợi Hạnh phản ứng, anh ta cầm tay Hạnh kéo xuống. Nàng hoang mang bước. Thôi thì phó mặc. Có cái phao nào vớ được thì cứ vớ, Hạnh nghĩ thầm.

***
Tin vui đến với Hạnh vào lúc xế chiều, sau khi anh tài xế trải qua một chầu nhậu ba, bốn tiếng đồng hồ. Nàng mừng đến nỗi, khi vào trạm ký giấy nhận hàng về, run rẩy không viết được tên mình. Biên bản đã chuyển lô hàng “xịn” thành hàng “xô” với một số tiền đóng thuế hàng hóa không đáng kể.
Ra khỏi trạm, nàng mở miệng định hỏi han đôi điều, thì anh tài xế xua tay:
- Im lặng. Em nghe anh đi, đừng có hỏi han gì ở đây hết. Ta về xe cho kịp, mất toi gần nguyên ngày rồi.
Chỉ trong thoáng chốc, anh ta đón được một chiếc xe đi công tác, trở về chỗ cũ.
Anh tài xế giấu hàng Hạnh vào một khoảng trống nhỏ trước đầu máy xe, chung quanh đầy dây nhợ lỉnh kỉnh. Anh ta giải thích:
- Không cần thiết phải làm thế, nhưng anh muốn em yên tâm. Tội nghiệp cô em tôi, lo quá mất đi cả nhan sắc. Nào, ta đi.
Hạnh yên tâm leo lên xe. Trời bắt đầu loang loáng tối. Xe bắt đầu lăn bánh lại.  Lần này, anh ta nhường tay lái cho tài phụ, ra băng sau ngồi bên cạnh Hạnh. Hạnh nhích hẳn về phía bên kia. Băng ghế loại xe này chẳng khác gì  một loại  giường ngủ di động dành cho tài xế khi chạy đường trường. Mền chiếu, đồ đạc để lung tung. Anh tài xế dồn mền, gối và các thứ  đồ đạc lại để có đủ chỗ trống cho hai người. Anh ta nói:
- Em đừng phiền nhé. Hôm nay, anh uống nhiều. Cái lệ nó vậy, không uống nhiều, không nói chuyện được.
Hạnh cố ép mình tối đa để nhường chỗ cho anh ta. Anh ta ngả người vào đống mền gối, nhắm mắt. Lúc này, đầu óc nàng hoàn toàn thanh thản. Nàng ngẫm nghĩ đến cái may mắn bất ngờ của mình. Mọi thứ như đã được “ai đó” thiêng liêng sắp xếp cho nàng. Nàng nhớ đến lòng thành khẩn của mình trong khi cúng vái vừa rồi ở nhà. “Họ” đã lắng nghe và chấp nhận lời cầu xin thống thiết của nàng. Nàng liếc mắt nhìn anh tài xế, chất ngất  biết ơn.  Ðúng là các đấng thiêng liêng đã mang anh ta đến cho nàng. Anh ta nhắm nghiền hai mắt. Tội nghiệp, chắc say lắm.  Khi nãy, trên đường trở lại, anh ta trông mệt nhọc, mặt đỏ lừ, ít nói, hơi  thở phả ra toàn mùi bia. Giờ trông có vẻ đỡ hơn. Hơi thở đã nghe đều. Ngủ ngon đi anh, người ân nhân. Không biết phải trả ơn cho anh ta như thế nào đây, nàng băn khoăn tự hỏi. Một chỉ, hai chỉ hay thế nào? Thôi, để đó mai dò ý anh ta rồi tính sau. Nàng quay sang tưởng tượng đến việc bán hàng, chuyện sắm Tết.
Anh tài xế bỗng trở mình, mở mắt, nhỏm dậy:
- Sao, em không ngủ được sao? Yên lòng rồi, ráng ngủ một giấc đi em. Cho khỏe vào.
Hạnh nói:
- Sao mà yên lòng cho được. Còn đến mấy trạm nữa lận mà! Ðâu đã hết lo.
Anh ta cười:
- Anh bảo đảm. Nói cho em hay, trạm nào đối với anh cũng có ăn chịu cả. Em tưởng anh là thứ gì? Dân buôn chính gốc đây.
Hạnh ngạc nhiên:
- Anh giao dịch với họ thế nào? Chung tiền nhiều vào à?
-   Ừ, thì tiền. Có gì mà không có “bác” chen vào, em. Tiền là tiên là phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già…
- Thế vừa rồi, không lẽ anh chỉ tốn một chầu nhậu thôi à?
- Nói cho đúng, chẳng phải là một chầu nhậu mà đủ. Nhưng lần này thì thật là chỉ một chầu thôi. Tụi nó thường tính gộp, chứ không chơi ba cái lẻ tẻ. Nhưng đó là đối với bọn anh thôi nhé. Anh từ cái lò đó ra mà.
- Anh cũng là nhân viên thuế vụ à?
- Báo cáo em, lý lịch anh thế này: bộ đội phục viên, chuyển qua thuế vụ. Lúc đầu anh chê, vì ghét cái món hạch hỏi người khác, lại chẳng chia chác được gì. Nhưng, vào cuộc rồi, tiền tuôn vào như nước. Không lấy chúng cũng chạy vào túi. Ấy, cái nghề nó lạ thế đấy. Anh công tác ở trạm Ngọc Hồi, em biết Ngọc Hồi chứ, ở ngay cửa ngõ vào Hà Nội ta đấy.  Chẳng có con phe con phảy, thằng mánh nào qua mặt được bọn anh đâu. Mệt quá thì tha làm phước thôi, chứ đừng có tưởng bọn anh ngây thơ. Nhưng rồi, anh bỏ nghề. Em biết sao không? Thất đức quá. Hồi xưa, ông nội anh đi tu. Có lẽ anh nhiễm cái món đó chăng. Thấy người ta đau khổ, anh chịu không nổi. Làm bộ đội bắn chết người mà còn ít tổn đức hơn.
Hạnh ngạc nhiên thực sự:
- Anh mà cũng tin phúc đức sao?
- Tin chứ. May rủi, hên xui, họa phúc đều có cả đấy. Ai chưa gặp thì chưa tin thôi. Ði buôn rồi mới thấy. Như em chẳng hạn, hên quá hên. Lô hàng phải tốn cả cây chưa chắc đã xong, thế mà rồi chỉ có một chầu nhậu. Tụi nó lập biên bản tịch thu rồi mà xé đi đó. Em thấy chưa, phúc là vậy. Em mà vô phúc thì không có gặp anh đâu.
Hạnh nhìn anh ta, lòng biết ơn càng thêm sâu nặng:
- Thiệt, em không biết lấy gì để trả cho hết cái ơn này. Anh tài hết ý.
Anh ta cười sung sướng, hàm râu trên giựt giựt:
- Chẳng phải là tài lắm đâu. Nhưng vụ việc là thế này: thằng Bụi, trưởng trạm  có nhờ anh một việc ở Hà Nội. Lấy cớ đó, anh gài qua việc này. Dễ như chơi vậy.
Anh ta rút thuốc châm hút, tiếp tục câu chuyện:
- Khi nãy có hơi say. Tiếp một lúc năm thằng thuế với một tay công an. Bia vào như nước lã. Cái thằng Bụi trẻ mà uống như giặc. Cỡ như anh mà không đấu lại với hắn. Hắn cũng đang muốn chuyển nghành, em biết không. Làm ở trạm bốn năm, no nê, giờ lo nhảy. Thằng nhỏ này khôn hết ý. Ở một nơi như thế là phải biết rút lui đúng lúc.
Nhân cơ hội này, Hạnh muốn đề cập đến chuyện ơn nghĩa. Nàng ngập ngừng:
- Tiền nhậu nhẹt bao nhiêu, anh cho em gửi lại. Còn ơn anh… em… em… anh xem tính giùm thế nào cho phải, em… Vào Sài Gòn rồi, anh ở đâu?
Anh tài xế dứt khoát:
- Em cứ xem như thế là xong. Tiền bia không đáng kể. Còn cái gì khác, thì nói thật, em trả không nổi đâu.
- Nổi. Mấy em cũng trả nổi hết. Ði buôn, tụi em sòng phẳng lắm, anh đừng lo.
Anh ta nhìn nàng cười:
- Em muốn trả ơn lắm à?
- Thì ơn phải đền, nghĩa phải trả. Chuyện thường tình mà anh.
- Anh cho em khất. Lần sau trả. Chịu không?
- Biết có còn gặp lại không mà lần sau.
- Vậy là em không muốn gặp phải không?
- Em không có ý đó.
- Muốn là gặp thôi, em ơi. Khó gì. Dân buôn và tài xế là bạn mà. Em phải tâm niệm như vậy. Em thường hay đi…
Anh ta đột nhiên ho sặc sụa. Cơn ho kéo dài một thôi.  Anh ta nói:
- Xin lỗi, anh nằm chút.
Anh ta nằm xuống, mắt nhắm nghiền. Chỉ một thoáng sau, nàng đã nghe anh ta thở đều. Hạnh dựa đầu vào thành xe, nhắm mắt tưởng tượng lúc đã đến nơi đến chốn, bán hàng suông sẻ, có lời. Ðầu nàng dựa vào thành xe, lắc lư. Chỗ chật, tay chân nàng xoay sở lúng túng. Nàng cựa quậy luôn, vừa để tìm chỗ đặt chân, chỗ dựa tay lại vừa tránh đừng để chạm vào người anh tài xế. Nhưng hễ hơi thiếp đi, người nàng lại  ngả về phía anh ta. Trong mơ mơ màng màng, hình như có ai vừa hôn. Nàng cựa quậy, hé mắt nhìn. Nàng giật mình thấy đang nằm gần như gọn trong vòng tay anh tài xế. Nàng nhắc chân, cảm thấy có gì khang khác. Nàng đưa tay sờ, bắt gặp bàn tay anh ta đang đặt lên đùi. Nàng hốt hoảng rút chân lui, thì anh ta bóp tay nàng, xiết chặt. Nàng nhỏm dậy. Anh ta kéo lại, thì thào:
- Nằm im ngủ đi em. Ngủ cho đỡ mệt.
Nàng nghe lời, nằm yên, lại chìm vào giấc ngủ. Nàng mơ thấy Lục hôn nàng. Rồi tràn cả người lên bụng nàng.  Nàng vùng vằng, ngột thở, rướn người lên. Một bàn tay kéo nàng xuống. Bỗng có gì nhột nhạt trong người. Trong bóng tối nhờ nhờ của buồng lái, nàng thấy bàn tay anh tài xế đặt lên bụng nàng. Bàn tay kia luồn vào ngực. Nàng lấy tay đè lên tay anh ta, giữ lại. Nhưng anh ta dùng một tay giữ chặt tay nàng, còn tay kia tiếp tục sờ soạng. Nàng tỉnh hẳn, vùng mạnh. Anh ta không buông. Ðã thế anh ta ép sát, đặt những nụ hôn táo tợn, nhớp nháp lên người nàng. Mùi đàn ông hừng hực phả vào, khiến nàng nhớ đến Lục. Nàng muốn la lên, nhưng không hiểu sao, không la được. Ðành vùng vẫy trong im lặng. Tay chân anh tài xế bây giờ như những gọng kềm xiết lấy nàng. Hàng nút áo bung ra. Sức nàng yếu dần, ý chí chống cự tan biến. Nàng lơi tay, người mềm đi, phó mặc. Không thể được, không thể được. Nàng kêu lên ú ớ. Anh ta bịt chặt miệng nàng lại. Nàng  nghe vang vang trong đầu: Hạnh ơi, không thể được, không thể được. Lục ơi, Lục ơi, anh ở đâu. Nàng cắn chặt đôi môi để khỏi phát ra tiếng rên. Nàng chao đảo, bồng bềnh. Ghê tởm và biết ơn. Chống trả và buông lơi. Hân hoan và thù hận. Lục ơi, Lục, anh ở đâu! Nàng đột ngột cắn vào vai anh tài xế. Nụ cắn sâu, sâu thẳm.

Xe vẫn chạy đều. Rất đều, như mơ. Anh tài phụ dụi tàn thuốc. Người đàn ông nọ vẫn nằm vắt vẻo trên ghế, ngủ. Mọi chuyện vẫn như thế. Hạnh kéo quần lên, nằm yên lặng, thật yên lặng, mắt nhìn lên trần xe, miên man nghĩ  đến Lục của nàng. Thật tội nghiệp!  Trong ái ân, Lục điệu nghệ, nhẹ nhàng, tỉ mỉ. Như một bài học thuộc lòng, bao giờ anh cũng đi từng bước một, cẩn thận, cố gắng không bỏ sót một chi tiết nào. Dù có nhậu nhẹt, quá chén hoặc có xa vắng nhau lâu ngày, anh vẫn thế, từ đầu chí cuối. Người đàn ông này khác hẳn. Hắn hấp tấp, cuồng bạo. Nàng khẽ thở dài, than thầm, mình hư quá, hư thật rồi. Trong thoáng chốc, mọi chuyện lật qua một trang khác. Nàng ngồi ngay ngắn dậy, vuốt lại áo quần, vòng tay trước ngực, quay nhìn. Anh ta ngủ. Ngủ thật hay giả đò? Anh ta đó, vẫn thế. Tóc lòa xòa trước trán. Hàng râu mép lởm chởm. Ðôi môi dày, thô tháp, không che kín hàm răng. Ðôi môi ấy đã hôn nàng. Những sợi râu loe ngoe chích vào má nàng nhột nhạt.  Trước sau, nàng đã nhìn khuôn mặt anh ta với nhiều cảm giác lẫn lộn. Ngờ vực. Tin cậy. Biết ơn. Căm ghét. Anh ta lương thiện hay lưu manh? Nàng phân vân, không tìm thấy câu trả lời.

Tảng sáng, xe dừng lại ở một thị trấn nhỏ. Anh tài xế thức dậy, hôn nhẹ lên má nàng, và mời nàng đi ăn sáng. Hạnh nằm im làm bộ ngủ. Khi ba người đàn ông trở lại xe, trời đã sáng hẳn. Hạnh ngượng nghịu tránh nhìn họ. Ngưới đàn ông cười:
- Sao, người đẹp ngủ ngon chứ?
Lại cái anh chàng nham nhở này! Nàng làm lơ, không trả lời. Anh tài xế vẫn giao cho tài phụ lái, leo lên ngồi bên cạnh nàng. Nàng nhích hẳn người sang một bên, nhìn thẳng về phía trước. Anh ta nói nhỏ, đủ để cho nàng nghe:
- Anh xin lỗi nếu đã làm em không vừa ý. Nghĩ cho cùng, có gì ghê gớm lắm đâu, phải không em.
Câu nói như một tia chớp lóe ngang trong đầu nàng, gợi lên một ý tưởng hoàn toàn mới mẻ. Ừ, thì đâu có gì ghê gớm nhỉ.  Chỉ là một cách trả ơn thôi. Anh tài xế ngồi xích sát vào người nàng, vòng tay sau lưng, muốn ôm. Nàng cương quyết không chịu, tránh xa.  Anh ta cười, vẻ mơn trớn, nhưng buông tay, ngồi ngay ngắn, đàng hoàng.
Xe chạy nhanh trên xa lộ, qua trạm Ngã Ba Vũng Tàu, trạm cuối trước khi vào thành phố, an toàn. Hạnh thở phào, lòng rộn ràng một niềm hạnh phúc tươi mới. Xem như hàng của nàng đã lọt vào thành phố. Nàng xích lại gần, đưa mắt nhìn anh tài xế, long lanh, tỏ dấu cám ơn. Anh ta nắm chặt tay nàng, bóp lại, đầm ấm. Xe chạy nhanh, tấp vào một khu công sở nằm bên lề xa lộ. Anh ta nói:
- Ðây là trụ sở công ty anh làm việc. Hàng xuống ở đây.  Anh lấy Honda đưa em về. Em muốn về đâu?
- Chợ Bà Chiểu.
- Tốt thôi. Tiện đường. Nhưng cho dù ở đâu, anh cũng đưa em tới.
Anh ta đột ngột ôm lấy nàng, hôn lung tung. Nàng để yên, chịu đựng. Hôn đã, anh ta đẩy nàng ra:
- Ðến rồi. Ta xuống.
Chỉ không tới nửa giờ sau, anh tài xế chở Hạnh cùng hàng về nơi nàng tạm trú gần chợ Bà Chiểu. Nàng bảo anh ta dừng lại trước đầu con đường hẻm. Anh ta quay đầu lui, cười:
- Bộ em không muốn anh vào nhà sao?
Nàng chỉ đại một căn nhà:
- Ðó là nơi em ở. Nhà này em tạm trú, không dám mời khách. Khi nào rảnh, anh cứ ghé.
Anh ta nhìn nàng, cười ý nhị:
- Ðùa em một tí. Anh phải về ngay để giao hàng. Lo chạy hàng cho em, trễ mất rồi. Anh sẽ ghé.
Hạnh im lặng, cúi đầu cột xách hàng, tránh cái nhìn của anh ta. Anh xiết tay nàng một lần nữa rồi vọt xe đi. Nàng ngơ ngẩn nhìn theo, tự hỏi không biết anh ta tên gì.

***
Hạnh bán hàng được giá ngoài cả những dự tính lạc quan nhất. Dù lượng hàng ít ỏi, nhưng gần Tết, hàng hiếm, nên đám thương lái Campuchia nâng giá lên để mua. Họ chầu chực sẵn ở Sài Gòn, gom hàng cho đủ đợi chuyển lậu qua biên giới nhân dịp Tết. Tính ra, Hạnh lời hơn một cây vàng. Nàng vui mừng khôn xiết. Trong những tháng năm xuôi ngược buôn bán, chưa bao giờ nàng có được một chuyến lời to như thế này. Một cây vàng! Chao ôi, cả một gia tài. Chưa bao giờ nàng có thể mơ ước hơn thế. Cầm những khâu vàng óng ánh trên tay, nàng hầu như quên hết bao nhiêu nhọc nhằn, gian truân và dằn vặt. Trong thoáng chốc, hình ảnh tay tài xế và chuyến xe định mệnh như lùi vào quá vãng. Y như thể chúng chỉ là một giấc mộng bất bình thường. Y như thể chúng chỉ nằm đâu đó trong tiểu thuyết. Nàng cảm thấy mình như mới lại, đầy sinh lực.
Mua sắm đã đời, chiều hai mươi bảy Tết, Hạnh nhảy tàu Thống Nhất trở ra. Chuyến tàu cuối năm ít người, sao mà chậm ơi là chậm. Nàng ngồi nhìn những cánh đồng, những rừng cây chạy vùn vụt bên ngoài, nhấp nha nhấp nhỏm tính từng đoạn đường, tính từng giờ, không thể nào ngủ được. Huế kia rồi! Tàu vừa dừng, Hạnh đã bươn bả nhảy xuống, tay xách nách mang, lúng ta lúng túng, nên buộc phải để cho một tay thanh niên bốc vác ở sân ga phụ giúp. Vừa ra khỏi cửa ga, đám xích lô ùa tới, tranh khách. Nàng chọn một thanh niên mạnh khỏe, không cần trả giá, cho chất ngay đồ đạc lên xe. Năm cái túi xách, cái nào cũng đầy, choán hết chỗ, khiến Hạnh phải ngồi hẳn lên trên, ngất ngưởng. Không sao. Nàng vui vẻ nhìn quanh. Đã xế chiều hai mươi chín Tết mà khu vực ga vẫn còn rộn rịp, có lẽ vì người ta đợi chuyến tàu cuối trong năm.

Đến nhà, chưa kịp gọi thì đã thấy Lục và ba đứa con chạy ùa ra, mừng vui tíu tít. Mấy cha con hớn hở chuyền các thứ vào nhà, khiến anh chàng xích lô không có việc, chỉ biết đứng nhìn. Hạnh trả tiền, xua tay không nhận tiền thối, quày quả đi vào nhà. Lục nhìn đồ đạc để ngang để ngửa khắp trên bàn, trên ghế và cả giường, hỏi:
- Lời khẳm lắm sao mà em mua sắm quá trời thế này?
Hạnh hân hoan, khoe:
- Ngoài dự tính, anh ơi. Trên một cây.
Anh sửng sốt nhìn vợ, ngờ vực. Thấy vậy, Hạnh rút ra một xâu nhẫn vàng, xoay xoay trong mấy ngón tay trước mắt anh, như trêu chọc. Những chiếc khâu nhỏ va vào nhau kêu leng keng, nghe thật vui:
- Xem cho rõ này. Đã tin chưa!
Lục reo lên “tin”, “tin” vừa ôm lấy vợ, hôn lấy hôn để. Nàng cười, nói giọng giễu cợt:
- Anh xem, em xuất hành ngày “thọ tử”, với lại “sát chủ” đấy. Có lên bà nội, anh nói cho bà nội biết.
Lục dấu dịu:
- Thì mạ lo, anh lo mới nói vậy. Chuyện buôn bán xưa nay là chuyện của em, anh mô có dám xen vào.
Hạnh dọn trái cây tươi, bánh mứt đặt lên bàn thờ. Nàng dặn Lục:
- Anh thay áo quần vào thắp nhang dùm em. Người em mới về còn nhớp nhúa lắm. Anh nhớ đọc lớn tên con, tên em, tên anh, xin cám ơn tổ tiên ông bà, cô hồn các đảng đã phù hộ cho gia đình mình. Nhớ khấn là mình sẽ cúng tạ cái đầu heo.  Vì hôm trước khi đi, em có hứa với “họ” rồi. Chiều mai, cúng ba mươi và cúng tạ luôn thể. Không có ông bà phù hộ là vốn liếng bay sạch rồi đó, anh biết không?
Lục hỏi:
- Sao vậy?
- Hàng bị bắt, bị tịch thu rồi mà chuộc ra được. Chỉ tốn không đáng kể. Anh biết không, cuối năm mà em được quý nhân phù trợ. Nếu không thì…
Hạnh ngừng nói. Tự dưng, nàng cảm thấy lấn cấn. Lục đợi nàng kể tiếp, nhưng thấy vợ đột nhiên im lặng, anh bỏ đi thay áo quần. Thắp nhang, khấn vái xong, anh đi ra thì thấy Hạnh đã bày đủ thứ đồ đạc trên bàn: mứt, bánh, lạp xưởng, pháo, đồ chơi, đồ cúng, sách báo xuân, băng nhạc xuân… Mấy đứa con hân hoan rờ rịt, trầm trồ, giành giựt nhau. Lục đứng nhìn, không ngờ Hạnh đã mua sắm nhiều như vậy. Hạnh vui vẻ gọi:
- Ðể đó đã. Mấy cha con lại đây.
Nàng mở cái xách nặng nhất. Mấy cha con hồi hộp chờ đợi. Hạnh lần lượt lôi ra từng món. Bọn trẻ đồng loạt reo lên:
- Ðồ Tết!
Chúng xúm lại, đứa nào cũng muốn xáo ra trước. Hạnh rầy:
- Không được đứa nào đụng tới hết, để mạ lấy từ từ.
Chúng thèm thuồng đứng nhìn. Hạnh lấy áo quần phân phát cho từng đứa, mỗi đứa hai bộ đồ mới tinh. Quần jean, áo pull, giày, nịt, mũ. Hạnh rút ra trong túi một hộp nhỏ, cười:
- Bây giờ đến phần anh. Anh đoán thử xem cái gì đây?
Lục lắc đầu. Anh cảm động, run run mở hộp. Chiếc đồng hồ Seiko Five đời mới. Anh nghẹn ngào reo lên:
- Trời, đồng hồ Seiko!
Anh đứng trân trân nhìn vợ. Từ lâu, anh vẫn thèm thuồng cái đồng Nhật hình vuông này. Anh một đôi lần gạ gẫm vợ, nhưng Hạnh tiếc tiền (thật ra, nàng chẳng có tiền, nếu có thì để dành làm vốn buôn bán), hẹn rày hẹn mai. Bây giờ đeo vào tay, anh vui mừng như trẻ con nhặt được tiền rơi ngoài đường. E chừng còn hơn thế nữa. Anh định vào phòng nằm săm soi, ngắm nghía cho đã mắt, thì Hạnh cản lại:
- Khoan đã anh. Còn nữa.
Hạnh lôi ra một cái radio cassette. Nàng nhìn chồng tươi cười:
- Cái này mà anh nghe đài BBC thì hết ý! Còn nghe nhạc nữa.
Lục đứng trần trân nhìn, không tin ở mắt mình nữa. Nó là của anh đấy sao! Hạnh thú vị nhìn chồng, mỉm cười, chỉ một cái thùng nãy giờ nằm ở góc chưa ai để ý:
- Cái đó để anh mời bạn đầu năm. Ðồng, mở ra đi con.
Ðồng vội vàng lôi cái thùng đến, mở ra. Bia Sài Gòn. Trời, bia thiệt. Bao nhiêu năm chỉ được thưởng thức bia rởm, bây giờ anh có bia thiệt, đã biết chừng nào! Anh ngẩn người nhìn. Áo quần con, áo quần anh, vải vóc, cái đồng hồ, cái radio, thùng bia, đồ Tết. Và Hạnh, vợ anh. Nàng đứng đó, dịu hiền, tấm lòng rộng mở, phơi phới như một tiên nữ hiện xuống trần gian. Không, nàng còn hơn tiên nữa. Tiên chỉ hiện xuống rồi đi, còn nàng, nàng ở với anh. Mãi mãi. Nàng là của anh. Mãi mãi. Hạnh nói:
- Em đi tắm rửa tí. Người bẩn quá, ba ngày rồi không tắm.
Lúc nàng đến cửa buồng tắm, Lục đi theo. Hạnh biết ý chồng, cố tránh, nhưng anh ôm đại nàng, hôn tới tấp. Hạnh đẩy nhẹ chồng ra, âu yếm:
- Thì từ từ đã, gì mà vội thế. Trước sau gì thì cũng tới thôi.
Hạnh tắm rửa kỳ cọ thật sạch sẽ, như để tẩy sạch hết những nỗi gian truân, lo lắng dọc đường. Ðể đền bù cho Lục.  Nhưng khi nhìn xuống thân thể mình, nàng bỗng cảm thấy có cái gì thiếu hụt, mất mát. Một cái gì không còn nguyên vẹn nữa. Ừ, thì chẳng có gì ghê gớm lắm. Nhưng tội nghiệp Lục. Anh hồn nhiên, vô tư. Anh không biết gì hết. Sẽ không bao giờ biết. Vĩnh viễn không biết. Hạnh thở dài.
Trên nhà, mấy cha con đang mở băng nhạc xuân rộn rã. Hạnh bước ra nhìn chồng, nói:
- Anh vặn nhỏ lại anh. Băng nhạc hải ngoại đó. Coi chừng công an khu vực vào thì phiền.
Tiếng nhạc và tiếng hát nhỏ dần: “…nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ, tiếng thi ca nét chấm phá tô nên đời mới, bạn hỡi, vang lên, lời ước thiêng liêng...”.

CHƯƠNG 3
Chưa bao giờ gia đình Hạnh có một cái tết vui như thế! Có pháo đốt giao thừa. Có trà ngon đãi khách. Có nhạc xuân. Có bia thứ thiệt để đãi bạn bè. Nhìn mấy đứa con ăn uống chơi đùa vui vẻ, nhìn Lục thoải mái, lòng nàng rộn rã. Nàng có thể sờ mó được từng miếng hạnh phúc, có thể ôm ấp ngay từng nỗi hân hoan. Bao nhiêu năm tháng bươn chải, có lúc tưởng chừng như kiệt lực, nàng vẫn không hề ngừng mơ ước. Ðó chỉ là những giấc mơ  nhỏ nhoi, tầm thường. Bây giờ, chúng hiện thực. Theo lời khuyên của Lục, Hạnh cố gạt chuyện buôn bán ra khỏi tâm trí trong mấy ngày Tết. Phải nghỉ ngơi thoải mái để bù vào những gian khổ mà em vừa trải qua, Lục nói thế.  Nàng sung sướng nghe lời chồng.

Vào lúc giao thừa, sau khi dọn các thứ lên chiếc bàn lớn bày ra ngoài sân, Hạnh thay áo quần chuẩn bị cúng. Công việc thiêng liêng này, nàng vẫn làm hàng năm, vì Lục không mấy thích.  Nhưng khi ra đứng trước bàn thờ, nàng khựng lại. Khấn vái gì đây? Cầu nguyện gì đây? Nhìn khói hương nghi ngút bốc lên, nàng bất giác rùng mình, ớn lạnh. Nàng có thể nói nhiều điều không thật với chồng, với con, với mọi người, nhưng trước đấng thiêng liêng, nàng đâm ra bối rối. Một nỗi sợ hãi mơ hồ đột ngột dấy lên trong lòng. Nàng bước lùi lại, than mệt, gọi Lục thay nàng ra cúng.
Sau đó, nàng cảm thấy bửng lửng bơ lơ. Một vết sẹo âm thầm mọc lên đâu đó trong tâm. Nỗi bất an thầm lặng lớn dần. Các con nàng vô tâm an hưởng. Lục cũng thế, không khác gì các con, hồn nhiên vui hưởng những thành quả mà nàng mang về. Rất rộn ràng. Rất trẻ con. Anh săm soi mãi cái cassette, bỏ băng vô rồi lấy băng ra, vặn hết đài này rồi đến đài nọ. Anh lấy đồng hồ ra ngắm nghía, xuýt xoa nhiều lần. Anh hãnh diện mang bia ra mời bạn bè uống, không bỏ lỡ dịp nào khoe với bạn bè về đức hạnh và tấm lòng của vợ.  Khách về rồi, anh quay sang vui đùa thoải mái với mấy đứa con. Thỉnh thoảng lập lại điệp khúc: mẹ chúng mày là số một, số một, là dzách lầu. Cái cách biểu lộ hạnh phúc tràn trề của anh vô tình làm Hạnh bứt rứt không nguôi. Nàng có cảm giác anh đã vượt quá giới hạn. Những điều anh nói, những cử chỉ biểu lộ nỗi hân hoan của anh có cái gì quá đáng, dường như không thật. Cũng như lần vừa rồi, khi mua sắm, nhất là mua sắm đồ cho anh, hình như cái gì nàng cũng cố ráng thêm một chút, quá đi một chút, nhiều thêm một chút. Trong lúc đáng lẽ nàng phải tiết kiệm, phải để dành. Còn đi buôn là còn bất trắc. Nhưng nàng vẫn không thấy tiếc. Ðồng tiền trong túi nàng có vẻ nhẹ hơn thường lệ.

Sáng ngày mồng ba, vừa thức dậy, nàng bỗng cảm thấy trống rỗng. Người bứt rứt như thiếu cái gì. Tự dưng cái phải ở nhà, tiếp khách, nói vu vơ với hết người này đến người khác những chuyện tầm phào. Rồi chúc nhau lăng nhăng, chẳng có gì thành thật. Ðể làm gì vậy? Vô ích. Nàng thấy quá phí phạm thời gian khi chôn chân ở nhà với những việc vặt vãnh. Ra đầu ngõ ăn sáng, nàng gặp mấy người quen vừa ăn vừa kháo nhau chuyện mua hàng đi Sài Gòn. Câu chuyện của họ khiến nàng thêm sốt ruột.
Trở vào nhà, nàng tìm Lục. Thấy anh vẫn còn đang nằm trong mùng, chiếc máy thu thanh ép sát bên tai, nàng trách:
- Chồng em quá tệ! Giờ này mà còn nằm ngủ.
Lục âu yếm kéo ngay vợ xuống. Nàng la:
- Coi chừng rách mùng kìa. Người gì mà không bỏ sót cơ hội nào hết. Thấy một cái là “chập chộ” liền!
Lục cười khì khì:
- Giờ này mà không ngủ thì làm cái gì. Nói thế chứ anh dậy lâu rồi. Em không thấy anh đang tìm đài sao? Anh đợi nghe đài VOA.
-   Cẩn thận nghe anh. Tụi công an nó tinh lắm. Mà này, em định hôm nay xuất hành mua hàng đầu năm. Lịch nói mồng ba Tết này xuất hành, khai trương đều tốt.
Lục nhỏm dậy:
- Rồi! Chưa hết Tết đã lại tính chuyện đi. Em hứa với anh sau mồng năm rồi tính. Thế mà, bây giờ…Khoan đã, hãy ở nhà với anh đi.
Hạnh xô nhẹ chồng ra:
- Phải mua hàng cho kịp chuyến xe tuần sau. Mễ-Tư mới cho cò ra Hà Nội bắt được một chiếc xe Bộ Nội Vụ, an toàn lắm.
Nghe vợ nói bắt được xe, Lục cảm thấy không xong rồi. Như thế là nàng quyết định đi lại. Anh sững sờ nhìn nàng. Ði, đối với nàng, có lẽ đã trở thành quán tính. Nàng ở nhà không yên. Từ lâu rồi, Hạnh quyết định mọi việc. Lục chỉ góp ý lấy lệ. Thỉnh thoảng nàng hỏi anh là để chứng tỏ nàng có quan tâm đến anh, thế thôi. Giá dụ như nàng có bảo anh quyết định, anh cũng chẳng dám. Anh bất lực.
Thấy anh im lặng, Hạnh hỏi tiếp:
- Sao, anh không bằng lòng hả?
Nàng ngồi xuống cạnh, ôm vai anh. Lục hỏi:
- Nếu không đồng ý thì sao?
- Thì…thì…
Nàng nhéo Lục một cái trên má. Lục để yên, nói:
- Bữa nay, em cũng hơi lạ. Hỏi anh đến mấy lần. Chẳng phải là em đã quyết định rồi sao?
Ờ, mà lạ thật, Hạnh nghĩ. Làm thì mình làm, đi thì mình đi, quyết định thì mình quyết định, mắc mớ gì phải hỏi anh chàng cù lần này. Nghĩ  thế, nhưng Hạnh lại cười:
- Bữa nay khác. Em muốn có ý kiến anh. Không được sao?
Nàng lại ôm Lục, hôn nhẹ. Mùi mồ hôi thân thuộc của chồng tỏa ra từ chiếc áo lót sờn rách khiến nàng bất giác cảm động. Nàng nói:
- Trời, mua lung tung mà em lại quên mất chuyện mua cho anh một tá mai-ô. Tội nghiệp chồng em, áo sờn rách cả.  Tự nhủ mấy lần rồi mà cứ quên. Hôm nào đi lại, nhớ nhắc em ghi vào sổ nhé. Vào Sài Gòn, đôi khi mải lo chuyện mua bán, quên mất.
Lục ôn tồn:
- Ðừng. Áo quần mặc trong đâu có sao. Mình còn bao nhiêu việc phải lo. Mà lại, thời buổi này, ra buôn bán, chuyện lời, lỗ, còn, mất trông như bàn tay sấp ngửa. Em lo cho gia đình, lo cho anh như thế là quá sức rồi. Anh tiếc là anh đầu óc chậm lụt quá, không thích nghi kịp với cuộc sống.
Anh ôm vợ vào lòng. Hạnh nói:
- Thời buổi này là thời buổi của đàn bà, anh ơi. Ðàn ông các anh chẳng còn hợp thời nữa mô!
- Chẳng phải vậy đâu. Dân buôn trầm lui tới với em mười người thì hết bảy là đàn ông, em không thấy sao?
Hạnh cười:
- Ðúng. Nhưng anh biết sao không, hầu như họ đều là dân trước đây đã từng sống va chạm với xã hội nhiều. Anh khác. Anh là nhà giáo, lại là sĩ  quan chế độ cũ. Ðầu óc anh không thể thích nghi được với cái nghề đi buôn thời nay. Gian xảo, lừa lọc, dối trá là chính.
- Em thì sao. Một hai chứng chỉ đại học rồi chứ có phải chơi đâu. Thế mà em…
Hạnh chống chế:
- Ừ, thì cũng có khác. Anh xem, em bất đắc dĩ  mà thôi. Riết thành quen. Mà lại, gặp sự việc gì rắc rối, đàn bà thì dễ…tính, dễ… dễ có cách… giải quyết…
Nói xong, nàng bỗng cảm thấy lấn cấn. Giọng trở nên ngập ngừng. Hình ảnh anh chàng tài xế xe Kamaz bỗng hiện lên, rõ mồn một. Có phải mình đã từng dễ tính? Nàng nói tiếp, loanh quanh:
- Ấy là em nói, em nói…K hông, em muốn nói, anh biết sao không, miệng lưỡi đàn bà nhẹ nhàng, từ tốn, dễ năn nỉ, ỉ ôi, lại dễ khóc. Nếu cần, có bà còn nằm vạ ở sở thuế. Gặp chuyện, chỉ tiền không, chưa đủ. Phải biết, đúng là phải biết… mềm mỏng nữa. Như chuyến hàng vừa rồi…
Hạnh ngừng bặt. Ðã bao phen dặn lòng, đừng nhắc lại nghe, đừng bao giờ nhắc về chuyến xe vừa rồi nghe Hạnh, xem như chuyện qua đường nghe Hạnh. Ðừng nghĩ, đừng nhớ, đừng thắc mắc gì hết nghe. Thế mà không hiểu sao, nó vẫn cứ đến. Ban đêm, nằm cạnh Lục, ôm Lục, nàng cố đánh bạt đi hình ảnh những gì đã xảy ra. Nhưng cái lạ là, bất cứ động tác ân ái nào của Lục cũng đánh thức trong nàng những cảm giác kỳ lạ. Nàng ôm xiết lấy anh. Lục ơi, anh là nhất, anh là số một, nàng kêu thầm trong trí.
Lục tắt máy, vén mùng, ngồi dậy:
- Em độ này trông có vẻ khác.
Hạnh giật mình:
- Em khác à. Khác gì vậy anh?
Anh tát yêu vào má vợ:
- Thì khác. Ðã muốn đi mua hàng thì nói cha cho rồi, còn bày đặt hỏi chồng này nọ. Vừa thôi nghe bà bạn!
Hạnh cười thoải mái:
- Bộ lâu nay không hỏi, giờ hỏi không được sao? Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn. Anh không nghe người ta nói thế à. Vậy em đi nhé, có khách thì tiếp giùm em. Sao? Ðồng ý cho đi không?
- Không!
- Không, em cũng đi.
- Mới mồng ba, ai sẵn hàng mô mà bán cho em. Người ta còn bận khách khứa thăm Tết.
- Anh nói nghe lạ. Không nhớ năm ngoái, sáng mồng một là có người tới nhà mình xem hàng đầu năm sao. Có người giờ này đang còn nằm trên rừng, đợi hàng, đón giao thừa trong láng. Cái nghề này đâu có kể giờ giấc, anh biết rồi. Hễ thuận tiện là mua là bán. Mà thôi, đầu năm, không nên nói nhiều, thành kỳ đà cản mũi, không hay.
- Anh nói cho vui vậy mà.
Nói là làm. Hạnh chạy xe đi.
Lục nhìn theo, thở dài. Trông nàng chẳng khác gì một cái máy. Đúng hơn, như một bộ phận đã được tự động hóa. Nói năng, đi, đứng, đếm tiền, gói hàng và ngay cả khi giao dịch, cười đùa với bạn bè và khách mua hàng, nàng hành động y như thể mọi thứ đã nằm sẵn đâu đó trong người nàng, chỉ bấm đúng nút là nó tự động tuôn ra. Nhanh nhẹn, chính xác, vừa đủ. Dường như suốt ngày, đầu óc nàng chỉ xoay quanh một việc: buôn bán. Ngôn ngữ nàng chỉ xoay quanh trong mấy chữ: hàng, vàng, tiền, lời, lỗ. Nàng là bộ máy chính, còn anh và mấy đứa con như đồ phụ tùng. Khi cần thì nàng kêu, nàng hỏi. Còn không cần thì nàng xem như không có. Biết tính nàng, nên rốt cuộc, chính Lục và mấy đứa con cũng phản ứng với Hạnh như một bộ phận tự động. Không thắc mắc.

***
Hạnh tới nhà Mễ-Tư. Mễ-Tư có nghĩa là chị Mễ, vợ anh Tư. Nhiều lần nàng cười thầm vì cái lối ghép tên của dân buôn. Lúc đầu, người ta ghép tên vợ với tên chồng hoặc ngược lại chỉ để khỏi nhầm lẫn giữa hai người trùng tên. Nhưng khi kêu quen rồi, người ta cảm thấy kêu một tên thôi nghe nó thiêu thiếu sao ấy, nên lần hồi, các bạn hàng đều tìm cách ghép tên để gọi nhau.  Nếu không ghép tên vợ với tên chồng, người ta ghép tên bằng cách nêu một đặc điểm nổi bật nào đó. Như Quang thì là Quang-nụi. Nụi có nghĩa là chắc chắn. Quang-nụi là vì anh chàng này mua bán cái gì cũng thật chắc mới quyết định. Hậu thì là Hậu-ruồi, vì có mốt ruồi khá to ở cằm. Riêng nàng được gọi là Hạnh-khểnh, vì nàng có cái răng khểnh để phân biệt với ít nhất là hai cô Hạnh nữa, người thì là Hạnh-biển (dân ở biển lên) và Hạnh-nói (nói nhiều, hở cái là nói liên tu bất tận). Sau này, răng khểnh của nàng rụng mất, nhưng cái tên xem như đã chết, nên cứ Hạnh-khểnh. Cũng may, cái tên ghép của nàng vô thưởng vô phạt.
Mễ đang bận khách thăm Tết, thấy nàng vào, nháy mắt  bảo đợi. Nhà Mễ phong quang, sáng sủa, đầy đủ tiện nghi.  Quạt trần, quạt bàn, TV, tủ lạnh, tủ buýp-phê. Mễ là loại đàn bà làm ăn khôn ngoan, kín đáo, ít khoe mẻ. Từ một người bán thuốc lá lẻ vệ đường, tập tễnh chạy hàng trầm, dành dụm gầy vốn lên, hùn hạp đi buôn Sài Gòn. Gặp thời, chỉ trong vòng có hai năm, chị ta sửa sang nhà cửa, sắm sửa đồ đạc. Bây giờ chị ta được xếp vào trong hàng ngũ những người có máu mặt, thuộc một bộ ba ưu thế của thời đại mới: công an-thuế vụ- con buôn. Trong thành phố, nơi mà ngay cả cái vẻ bình an bên ngoài cũng bị quyền lực độc đoán ngự trị, thì hoạt động của bộ ba này khiến cho cái xã hội vốn đơn điệu và nghèo nàn trở nên sôi động. Họ khắc chế nhau nhưng ký sinh vào nhau để tồn tại. Đó là hậu quả của chế độ xã hội chủ nghĩa khi đi vào thực tiễn ở xã hội miền Nam sau 1975. Khác hẳn với miền bắc. Sau quá nhiều năm bị kềm chế tối đa, xã hội miền bắc trở nên bị đông cứng trong trật tự và kỷ cương một cách quạnh hiu và buồn thảm.
Khách ra về. Mễ kéo Hạnh vào phòng ngủ. Không đợi Hạnh hỏi, Mễ nói chuyện ngay:
- Mình bắt được chiếc xe Bộ Nội Vụ đi công tác Minh Hải. Bà biết Minh Hải chứ? Minh Hải là Cà Mâu đấy. Xe khởi hành ở Hà Nội thứ bảy tuần này, hy vọng chậm lắm là thứ hai sẽ có mặt ở đây. Ðịa điểm lên hàng chưa có. Tính sau. Bà xem có hàng, gói ghém cẩn thận. Vì xe chở tài liệu mật gì đó, nên không thể dừng lâu ở đây được. Có tin báo là chuyển hàng lên xe, đi ngay. Mình đánh nhanh, rút nhanh.
Hạnh băn khoăn:
- Mình giờ đã có miếng hàng nào đâu mà đi.
- Ai mượn ăn Tết kỹ quá!
- Bà nghĩ xem, về nhà đã hai mươi chín, chạy lui chạy tới lo chuyện tết nhứt bở hơi tai, thì giờ đâu mà nghĩ đến chuyện mua hàng lại. Sáng này đi mà ông xã còn cự nự, chẳng muốn cho đi đấy. Bà xem có “bận” nào thừa, trông được được, sang lại mình một “bận”, trả tiền tươi.
- Ðã đủ hàng đâu mà sang cho bà. Mình cũng đang lo đây.
- Bà mua hàng từ trong Tết sao gọi là chưa đủ?
- Không hẳn là chưa đủ, mà là hàng còn xoàng quá, yếu quá. Muốn mua thêm một bận nào xịn xịn để “kéo” hàng.  Hàng loại “ba” và “bốn” nhiều quá, sợ tụi chạy hàng Sài Gòn chúng nó chê, ép giá.
Hạnh chép miệng:
- Buôn hàng này nhiều vốn cũng sướng. Mình yếu vốn, gặp bận vừa giá là lấy, tiền đâu mà mua thêm hàng kéo.
Mễ khuyên:
- Yếu vốn thì hùn.
Hạnh cười:
- Bà cho tôi hùn đi.
Mễ nhỏ nhẻ chống chế:
- Cũng sẵn sàng thôi. Nhưng bà biết sao không, ông thầy Lộc chấm tử vi mình bảo là cái số mình chỉ nên làm ăn một mình, hùn hạp không lợi cho mình mà cho cả người hùn nữa. Bởi thế mà nhiều khi ưng hùn, đành cắn răng chịu.
Hạnh biết đó chỉ là một cách nói cho qua chuyện, nên lảng sang chuyện khác, nói vẩn vơ vài điều rồi chào từ giã. Rời nhà Mễ, nàng sốt ruột chạy quanh, hết những bạn hàng quen đến những tay chuyên chạy cò. Nơi đâu, nàng cũng gặp con buôn, người nào người nấy, ai cũng ráo riết lùng hàng. Từ ngõ trước đến xóm sau, tiếng Honda nghe rú lên từng hồi. Kẻ chạy ra, người chạy vào, hỏi han, bàn tán ồn ào. Chẳng ai tìm ra được bận hàng nào cả. Chán nản, định quay về, Hạnh chợt nhớ ra, từ sáng đến giờ, nàng chỉ chạy loanh quanh trong thành phố. Sao không thử đi về những vùng xa hơn, biết đâu! Nhìn đồng hồ, thấy đã chiều lắm rồi, nhưng quán tính dẫn dắt, xe nàng cứ chạy ra phía ngoại ô. Đồng ruộng, làng mạc phía xa trông đã mờ. Lỡ rồi, tối thì tối, cứ chạy.
Nàng quẹo vào con đường làng Dương Xuân quen thuộc. Cũng như nhiều vùng khác, ngôi làng ngoại ô này lao vào cơn sốt buôn trầm. Có thương lái, có dân  đi cội, có dân chạy cò. Những con đường làng vắng vẻ nằm bên bờ con sông đào lờ đờ này, thỉnh thoảng lại rộn ràng lên với tiếng xe gầm rú chạy quanh, tiếng người xôn xao cười nói ở các quán thuốc lá bên đường, hoặc người vô kẻ ra tấp nập nơi nhà của một ai đó đang sở hữu một lô hàng. Qua khỏi cầu, rẽ xuống con đường đất, Hạnh chạy quanh co dưới những hàng tre đan nhau rậm rạp thành một  cái vòm dài, che khuất hẳn cả bầu trời. Không khí Tết vẫn còn đậm đà trên đường làng với các em nhỏ mặc áo mới đùa chơi, một vài người đàn ông áo dài khăn đóng đi quanh thăm viếng bà con. Hạnh rẽ vào nhà Tâm, một tay chạy cò lành nghề. Gặp Tâm, Hạnh vỗ vai thân mật:
- Chị cần gấp bận hàng để đi cho kịp chuyến. Em xem có bận nào được, cho chị xem với. Ðầu năm đầu tháng, chị muốn coi hàng, trả giá cái một, lấy hên.
Tâm ra ngay điều kiện:
- Năm trăm dẫn mối. Mua được, thêm năm trăm nữa.  Bận này bảo đảm với chị “xịn”. Nhưng phải kín tiếng. Chủ hàng không muốn qua tay thứ hai. Nó chỉ bán cho ai thật cần, không muốn người ta đến giảo giá. Chị, chứ người khác, em không dẫn đi đâu. Gặp loại lái ưa kỳ kèo, bớt một thêm hai, mất thiêng. Chị liệu chơi được không?
Hạnh cười:
- Nhất trí ngay! Ðây, chú lấy năm trăm trước.
Hạnh móc bóp, đưa ngay tiền cho Tâm. Tâm dẫn xe vào một ngôi nhà gần đó, dựng ngay gốc cây, rồi vẫy tay ra hiệu cho Hạnh theo sau. Cả hai người men theo đường ruộng, vượt qua một cánh đồng trống nhỏ, băng thêm hai khu vườn, đến một căn nhà gạch, nằm khuất dưới tàn một cây nhãn và cụm cây vả, cành lá chen nhau, kín một khoảng vườn. Tâm bảo đứng đợi. Cậu ta tuồn nhanh vào cửa nhà bếp. Hạnh lộn trái quần, lấy ra cái đảy lận quanh lưng, kiểm tra lại chùm khâu vàng.
Một lát, Tâm thò đầu ra khỏi cửa nhà bếp, vẫy tay gọi Hạnh vào. Hai người vào nhà. Chủ hàng, hóa ra là Gò đen, một người nàng đã từng giao dịch. Sau khi đưa ra một vài điều kiện mua bán và được Hạnh đồng ý, Gò đen bươn bả chạy băng qua hai khu vườn bên cạnh.  Cậu ta trở lại với một bịch hàng gói chặt trong vải ni lông, vẫy tay cho Hạnh vào trong buồng sau, sau khi ra dấu cho Tâm ra đứng canh chừng ở bên ngoài. Gò đen đặt hàng trên chiếc giuờng tre chênh chếch gần cửa sổ, đủ để có ánh sáng bên ngoài  lọt vào. Hạnh thận trọng mở hàng. Nhìn thấy màu đen đều trên lô hàng được sắp xếp đều đặn, Hạnh mừng thầm. Hàng khá. Nàng nâng niu từng miếng hàng, xem xét cẩn thận. Mặc cả một hồi, nàng chấp nhận mua lô hàng. Gò-đen bảo:
- Chị nể tình cho em thêm ít ngàn nữa đi. Ði rừng đi núi cực khổ…
Hạnh lắc đầu:
- Ðầu năm đầu tháng, đừng kèo nài làm chi, mất hên em à.
Gò-đen xuống giọng:
- Em đồng ý bán. Cho em tiền tươi nghe.
- Có ngay! Cần tiền có tiền, cần vàng có vàng.
Hạnh mừng rỡ vào kiểm hàng, cân hàng lại cẩn thận, niêm phong, giao cho Tâm:
- Em giúp chị ôm hàng băng vườn, ra phía đường, đợi chị. Chị đi ngã kia, lấy xe nổ máy trước đợi em. Cẩn thận giúp chị nghe.
Nàng đếm khâu, tính ra tiền mặt, giao cho Gò đen rồi vội vã đi.

(Trích truyện dài "Dặm trưởng - tác giả: Trần Doãn Nho)

Blog Trần Hoài Thư
https://tranhoaithu42.com/tran-doan-nho-dam-truong-truyen-dai-2/


Đăng ngày 27 tháng 09.2020