Print

Tác giả & Tác phẩm

tháng 07.2017

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Dẫn nhập: Với cái nhìn chủ quan của người biên soạn, tuyển tập 300 tác giả và tác phẩm đơn thuần chỉ là công việc góp nhặt sỏi đá những tác phẩm tiêu biểu một thời của những tác giả tiền chiến, hậu chiến, trước hay sau 75 của hai miền Nam Bắc, trong nước cũng như ngoài nước, già hoặc trẻ, cũ hoặc mới. Tác giả và tác phẩm được góp mặt mỗi tuần theo thứ tự họ hoặc tên qua mẫu tự A, B, C… Xin thành thực cám ơn những tác giả có mặt trong tuyển tập nhưng vì trở ngại thông tin, chúng tôi đã không thể xin phép quý vị trước khi đăng tải.
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


Phan Tấn Hải

 

Tiểu sử
Bút hiệu: Nguyên Giác. Sinh năm 1952 tại Sài Gòn.
Hiện đang cư ngụ tại California, Hoa Kỳ.

phan tan hai 

Tác phẩm
Vài chú giải về Thiền Đốn Ngộ
Thiền tập
Ba Thiền sư,
Chú giải về Phowa
Lời dạy tâm yếu về Đại Thủ Ấn

Mục lục
Bàn tay trên cao
Khi công án Thiền vào quán nhậu
Mối tình đầu của tôi
Thiếu nữ trong ngôi nhà bệnh
Phan Tấn Hải, người tới như mộng – Nguyễn Thị Khánh Minh
Võ Phiến: Nghìn năm mây trắng lê thê
Nghĩ về nhà thơ Phạm Công Thiện

Phụ đính:
Ngồi bên những bóng đêm và nghe lời hải cẩu trên đá
Dòng đời
Những hành tinh quá khứ
Mầu nắng rực sáng

_______________________

Bàn tay trên cao

Năm tôi lên Đại Học, chiến tranh đã lan rộng khắp nơi. Lúc đó là hai năm sau Mậu Thân, người ta nói về những cuộc động viên và tin tức chiến sự mỗi ngày. Nhà tôi ở cư xá Hỏa Xa, đối diện với Quân Vụ Thị Trấn. Mỗi chiều đều có hàng đoàn xe GMC đưa thanh niên từ đó rời thành phố.
Bạn tôi, nhiều người lên đường và khi về phép thăm nhà đã mang thêm một số ngôn ngữ lạ. Họ nói về những cánh rừng biên giới, về đồn bót, về sình lầy miền Tây, về những cuộc xung phong giữa mưa đạn, về người chết, và đàn bà. Tôi nghe ngạc nhiên và thấy mình không hiểu bao nhiêu về cuộc đời. Bấy giờ tôi vừa mới quen Mai.
Mai học Gia Long lớp đêm. Những năm này thành phố không đủ trường cho học trò. Hàng lượt người đổ xô về Saigon vì chiến tranh. Mỗi chiều tôi đợi nàng trong sân chùa Xá Lợi. Chúng tôi nói chuyện hoặc đi dạo cho tới giờ nàng vào lớp. Em gái Mai là Miên, học sau hai lớp, thường đứng bên kia đường với chúng bạn. Thỉnh thoảng Miên nhìn qua chúng tôi.
Tôi nói vụng về, cứ lắp bắp chẳng ra đâu vào đâu. Cũng không có gì để nói, thường là chuyện học hành thi cử. Có khi tôi hỏi chuyện gia đình nàng. Cứ đứng bên nhau chừng mươi phút thì hết chuyện, nàng lại hỏi về các lớp tôi học. Tôi nhắc lại những tên sách đã đọc tới lần thứ mấy ngàn cho nàng nghe.
Thường khi chúng tôi cũng im lặng, nhìn buổi chiều trôi đi trước mặt và lắng nghe hạnh phúc ngấm vào thịt da. Năm chúng tôi mới quen nhau, trời gió lớn và lá rơi nhiều hơn bình thường. Tóc Mai xỏa chấm vai. Mắt nàng to và lúc nào cũng có vẻ buồn. Có lần tôi nói, điều đó thích hợp với mùa thu và khung cảnh quanh trường. Nàng nói, ừ thì có sao đâu. Tôi thích nghe câu này, nó dùng được cho mọi trường hợp. Và luôn luôn trước khi vào trường, nàng nhìn thẳng vào mắt tôi, cười thật tươi một chặp rồi quay đi.
Chị em nàng đi xe trường. Xe luôn luôn đến sớm khoảng mươi lăm phút. Thời gian nói chuyện của chúng tôi thật ngắn ngủi. Nhưng nếu dài hơn thì cũng vậy thôi, vì có khi cả hai im lặng hằng nửa giờ rồi lại nói bâng quơ về chuyện nhà với lớp.
Những con đường quanh trường trồng cây trắc bá, khổng lồ và cao vút, kêu xao xác khi gió ùa đến và đổ xuống từng đợt lá. Chúng tôi đứng bên hè phố, giữa bao nhiêu người khác, có khi bên xe đậu đỏ bánh lọt, ồn ào nhì nhằng và cảm được một thế giới riêng, trong đó thật vắng lặng như trên phố không có bóng một người và nghe được cả tiếng cựa mình của lá.
Năm đó chúng tôi còn nhỏ quá, không hiểu chuyện gì đang xảy ra, trong cuộc đời và cả trong lòng mình. Những ngày như vậy trôi qua, đó là niềm vui cầm nắm được, nhìn thấy được, trước mặt, bên kia đường, bay lượn trên hè phố và lảng vảng quanh chúng tôi. Đứng bên nhau, đi bên nhau, nói vu vơ hoặc im lặng, hít thở buổi chiều, nhìn lá vàng rồi chia tay. Giữ lại trong tôi giấc ngủ mỗi đêm là mái tóc xỏa ngang vai và đôi mắt to.
Có khi tôi đón nàng tan học, lúc đó là mười giờ đêm, phóng xe đạp đuổi theo xe trường. Mai lại chồm người qua cửa sổ, đưa tay vẫy vẫy và cười thật tươi, cho tới khi tôi chịu thua phải đi chậm lại. Lần nào cũng mệt đừ nhưng lòng vui lắm.
Mùa hè năm đó, tôi tham dự khóa đầu tiên của chương trình Quân Sự Học Đường. Aó quần súng sính, nào có vừa đâu, nhưng cũng chẳng cần vì phải trả lại cuối khoá. Tôi thấy vui vui, hình như mình cũng là người lớn. Biết một tí súng ống, vượt mấy đoạn đường chiến binh, đi tới đi lui trong hàng, hát ca và đùa giỡn. Mỗi khi mệt nhọc tôi lại nhẩm nha câu nói của nàng, ừ thì có sao đâu, và nhớ tới mái tóc xỏa và đôi mắt to.
Mỗi cuối tuần về nhà, tôi lại ra lang thang ở sân chùa Xá Lợi. Khắp các đường quanh đó đều im vắng vì trường đóng cửa mùa hè. Tôi ngồi trên ghế đá đọc sách cả buổi, có khi cả ngày. Khi mệt thì nằm lăn ra hành lang ngủ, đói tôi ra góc đường mua bánh mì ăn. Có khi vào bếp nhà chùa xin cơm nguội, vì trước kia tôi cũng từng chẻ củi hoặc canh thức ở Tang Nghi Quán giúp anh Tư, người coi mọi chuyện công quả trong chùa. Tôi là tên học trò quen mặt ở đây. Nhưng cũng chẳng cần quen mặt hay biết tên, vào những ngày công chuyện bề bộn như thuyết pháp hay hội hè, anh Tư và có khi cả ông cụ bác sĩ Diệp cứ chỉ tay bắt những tên thanh niên đứng gần làm mọi chuyện lặt vặt bất ngờ. Nhưng buổi chiều và tối là của tôi, một mình ngồi nhìn mùa hè và cây lá, và mong có khi nào bất chợt nàng hiện ra trước mặt.
Tôi nghĩ tôi có thể đến nhà Mai để nói chuyện, nhưng thấy có gì cản trở, ngại ngại. Không phải vì bộ áo nhà binh làm tôi xa lạ, chỉ vài tuần thôi rồi trả chứ nào có mặc lâu, nhưng ngay cả lúc thường cũng vậy, như dường chúng tôi chỉ có quyền gặp nhau ở ngoài đường. Thứ nữa nàng có cho biết nhà và không dặn dò gì đặc biệt. Tôi đoán nàng cũng mong tôi đến thăm. Tôi nghĩ, ừ thì có sao đâu, nàng sẽ nói thế với cả ba mẹ nếu hôm nào thấy tôi lừng lững bước vào mặc cho ông bố sĩ quan Hải quân rất mực kỷ luật như nàng thường bảo. Nhưng tôi lại ngồi đây, cô đơn, giữa đất trời vắng lặng.
Tuần cuối cùng của chương trình, Mai đạp xe tới chùa và gặp tôi đang nằm trên ghế đá. Mai mở to mắt ngạc nhiên. Lòng tôi vui vô hạn, cũng mấy tuần rồi không gặp. Lần đầu tiên tôi thấy nàng không mặc áo dài. Trong bộ áo sơ mi hồng nhạt quần tây nỉ xám, nàng lạ hẳn đi, nhanh nhẹn, vững vàng, quyết đoán. Tôi lúng túng giải thích là đang nhìn buổi chiều và chờ đêm tới rồi sẽ ra công trường Dân Chủ đón xe đò lên Quang Trung. Không ngờ Mai tới, tôi nói, Mai có phải là bóng đêm đâu. Nàng hỏi chuyện quân trường. Tôi nói không có gì. Chúng tôi ngồi suốt buổi chiều, không biết làm chi, cứ hết nói bâng quơ rồi lại im lặng.
Đêm xuống. Mai nói phải về, không thì mẹ trông mà anh còn phải đi nữa. Tôi đưa nàng ra cổng tam quan. Bên kia là trường Gia Long với tường vôi vàng ngả xám, loang lổ dưới ánh đèn đường. Mai đứng nhìn thẳng vào mặt tôi. Tôi mới nhớ ra, từ chiều giờ tôi chưa nhìn thẳng vào mắt nàng bao giờ. Mai nói khi người ta nhìn vào mắt nhau, ai thành thật thì không chớp mắt. Tôi nói không biết. Chúng tôi đứng nhìn chăm chăm vào mắt nhau. Tôi cố giữ để khỏi chớp mắt trước. Mắt nàng to, long lanh ánh đèn đường. Mái tóc xỏa vai, bay theo gió đêm.
Tôi ước mơ có thể đứng thêm nghìn năm, bên hè phố, dưới đèn đường, nhìn vào mắt nhau, bất động như hai pho tượng. Khuôn mặt nàng nhợt nhạt vì ánh đèn, chiếc áo hồng nhạt đổi sang màu tím. Nàng lạ hơn mọi ngày, và tôi nữa, tôi đoán thế. Chúng tôi đứng nhìn nhau. Nàng ngước nhìn lên vì tôi cao hơn nửa cái đầu. Không khí chung quanh như đóng băng lại. Tôi cảm được hơi lạnh ở làn da và hơi ấm trong tim.
Tôi không dám cử động sợ làm rạn nứt không gian. Tôi trực cảm rằng hình ảnh này tôi đã thấy từ lâu lắm rồi, có lẽ cả triệu năm trước và theo đuổi cho tới hôm nay. Bây giờ thì gặp lại, cũng mái tóc bay theo gió đêm, cũng đôi mắt to nhìn lên, cũng hè phố dưới ánh đèn đêm, cũng lá đùa xao xác trên cao và tôi cũng bộ quân phục vụng về. Tôi sợ hãi và cũng đồng thời hạnh phúc nhìn thấy từng mảnh tiền định đang ráp lại. Chúng tôi nhỏ bé quá trước những điều không hiểu được.
Tôi không biết ai chớp mắt trước nhưng nàng đưa tay ra và tôi bắt lấy, xiết thật chặt. Lòng cảm động vô ngần, tôi nói thầm, cảm ơn em. Bàn tay nàng nhỏ nhắn và mát lạnh, có lẽ vì gió đêm và sợ hãi. Thôi mình chia tay, nàng nói, để anh còn đi, sao anh không nói gì cả. Tôi nói, phải chi mình cứ đứng như vầy hoài, suốt đời. Tôi vẫn giữ tay nàng, đây là lần đầu tiên chạm vào thịt da nàng. Xiết tay thật chặt rồi buông ra, tôi cảm được những luồng điện chạy trong tay. Tôi thấy bàn tay như lơ lửng trong không gian, không còn thuộc về mình nữa.
Khi nàng đạp xe đi, tôi thấy đời lạ như một giấc mơ. Như một trận gió xô tới rồi bay đi, nhưng sao là không có thật vì cả đất trời, trong tôi và ngoài tôi đã thành lạ khắp. Bàn tay vẫn giữ được cảm giác kia, nhỏ nhắn và mát lạnh, như bị tách rời ra, không còn thuộc về thân xác tôi nữa.
Đêm đó tôi đi lang thang. Chân đi không dừng được, sợ là người có thể vỡ tung ra vì hạnh phúc. Tôi nhớ tới chuyến xe lam cuối cùng lên Quang Trung nhưng thôi, mặc kệ tất cả. Tôi cần có một đêm riêng cho mình, một nơi chốn riêng để giữ lại thế giới tôi vừa bước vào. Tôi muốn đêm dừng lại và ngày đừng tới, để còn giữ được hình ảnh kia trong mắt và còn cầm nắm được bàn tay kia, nhỏ nhắn và mát lạnh. Tôi hít thở gió đêm, hạnh phúc ùa vào người, cả thế giới của trăng sao của cây lá vi vu của đèn đêm phố vắng tan vào da thịt. Tôi đi cho tới nửa đêm thì quay về chùa, còi hụ giới nghiêm rồi. Tôi không muốn về nhà, mẹ sẽ hỏi đủ thứ chuyện rồi lo lắng lung tung.
Tôi leo cổng sắt vào chùa và lên lầu nằm trước thềm chính điện. Cây ngọc lan cao vút ngả nghiêng xào xạc. Phải chi có chút hương hoa, cũng lạ, tôi nghĩ, buổi tối thật đẹp và im vắng. Những cột đèn nê ông chiếu ánh sáng xanh nhợt nhạt trong sân. Chổ tôi nằm hơi tối, hy vọng nếu có ai thức dậy đi dạo cũng không thấy được. Nếu không thì cũng phải kể lể dài dòng. Tôi muốn thức trắng đêm nay, hình dung lại khuôn mặt của nàng, cách đứng nhìn lên của nàng và giữ lấy cảm giác mềm mại và nhỏ nhắn trong tay. Phải chi thế giới ngừng lại, ngày mai ai biết ra sao.
Tôi ngủ quên lúc nào không hay, khi tỉnh dậy trời chưa sáng hẳn. Tôi ra đón chuyến xe lam sớm để lên quân trường. Tôi bị phạt chạy suốt buổi sáng hôm đó, cũng may không có hình phạt dã chiến cho sinh viên. Mồ hôi nhễ nhại, tay ôm súng, chân chạy không thôi nhưng lòng tràn ngập niềm vui. Hình ảnh Mai vẫn hiện trong không gian, trước mắt tôi. Mái tóc lòa xòa bay theo gió đêm, đôi mắt ngước nhìn lên, bướng bỉnh không chớp và bàn tay.
Tôi không gặp Mai những ngày đầu niên khóa kế. Tôi vẫn đứng chờ bên đường và đạp xe vòng các cửa trường Gia Long. Có thể nàng đã đổi trường, nhưng sao không nói với tôi một lời. Tôi mong điều đó đúng, còn hơn là vì lý do nào nàng không muốn gặp lại. Tôi cứ suy nghĩ lung tung với lòng lo lắng. Đường phố vẫn những đám học trò nữ tụ tập. Cũng không thấy cả Miên, tôi đoán cả hai đã chuyển trường cho học phí nhẹ đi hoặc để học ban ngày cho tiện. Tôi ngồi ở tam cấp chùa nhìn qua, có khi nước mắt như ứa ra. Tôi nhớ tới buổi tối hôm đó và nghĩ, phải chi hôm đó ôm hôn nàng. Mình ngốc nghếch quá, dở quá, tệ nhất thế giới đấy, tôi tự trách mình. Nàng không hề biết mình đã bị phạt mệt như gì, chỉ vì một lần cầm tay tôi có thể chịu được mọi thứ tai ương trên đời.
Tôi đạp xe quanh nhà nàng vào những giờ khác nhau mong có khi nào gặp được. Những con hẻm Nguyễn Thiện Thuật xô bồ, đông đúc và quanh co trăm lối rẽ. Tôi đi cả tuần như vậy cũng không gặp hai chị em. Tôi không dám bước vào nhà hỏi, sợ có khi nào nàng sẽ trách. Có thể Mai đã quên mình hoặc không muốn gặp lại hoặc vì bận rộn ở nơi trường mới, ai biết được, tôi nghĩ vậy.
Năm đó tôi đi học một cách buồn nản. Những ngày vừa qua như không có thật, nhưng bàn tay tôi, bàn tay đã một lần cầm nắm hạnh phúc và để vuột đi, vẫn còn đây, trước mặt và lơ lửng trên cao vì đã thuộc về nàng. Tôi vẫn tiếp tục cầm sách vở nhưng bàn tay ấy đã che mất chữ, từng hàng, từng trang. Ngực tôi nhói lên mỗi khi nghĩ rằng có khi nào mình đã làm điều không phải. Cuối năm tôi nhập ngũ theo lệnh Tổng Động Viên.
Tôi đóng quân ở Ban Mê Thuột. Núi rừng buồn và lạnh. Đường phố bụi mịt mờ. Tôi làm Thủ Quỹ cho Công Binh Sư Đoàn 23. Công việc cũng không có gì phức tạp. Có nhiều thì giờ để đọc sách và dạo phố. Thỉnh thoảng nhớ tới nàng, tôi lại đi lang thang. Có chuyện gì bất như ý, tôi lại nghĩ, ừ thì có sao đâu, giọng nói ngang ngang của nàng lại vọng bên tai.
Một lần về phép, tình cờ gặp Miên trên phố, tôi được biết Mai đã lấy chồng. Tôi không dám hỏi thêm điều gì, sợ nghe thêm về nàng. Miên nhìn ái ngại, cho biết Mai thỉnh thoảng vẫn nhắc đến tôi. Tôi bối rối cảm ơn và chúc hai chị em vui. Tôi làm ra vẻ đùa, còn em nữa nhớ học giỏi mau ăn chóng lớn chứ. Tôi quay đi và quên hỏi có phải năm trước hai chị em đã chuyển trường. Đêm đó tôi về nằm ngủ như chết và ước mơ phải chi mình đừng thức dậy. Sáng ra nhớ tới chuyện hôm qua, tôi áy náy vì đã không nói được cách nào suông sẻ hơn để Miên thấy là mọi chuyện rất là bình thường, thật bình thường, không có gì gọi là tội nghiệp. Mà đã có gì đâu, tôi tự nhủ, còn mình phải tỉnh mới được. Phải tỉnh mới được, tỉnh như Tây ấy, tôi lặp lại với chính mình suốt ngày. Đầu váng vất như say, tôi ngồi bên bữa ăn trưa và cứ nhợn nhợn muốn ói.
Chịu thua thôi, tôi đùa với mẹ, ngồi bên cạnh mẹ đủ vui rồi con không ăn nổi gì cả. Mẹ bảo tôi xạo và cười, con gái chúng thích xạo lắm, mày cứ tập kiểu ấy mãi thì được. Tôi mới nhớ trước giờ chưa xạo với nàng bao giờ, mà chỉ toàn lắp bắp với ngu ngơ thôi. Dở lắm, mình dở lắm, tôi tự trách suốt ngày, phải chi hôm trước ôm hôn đại thì tình hình có thể khác đi, nếu không thì cũng có gì để nhớ. Còn chuyện bắt tay thì có sao đâu, đó là phép lịch sự thôi. Tôi giật mình khi nghĩ đó còn là dấu hiệu của chia tay, phải chăng nàng muốn nói điều gì như vậy. Có thể nàng bắt gặp tôi chớp mắt trước nên đã kết luận là tôi không thành thật. Nếu vậy thì thật là bất công, tôi không ưa trò chơi này. Nhưng nếu em muốn, bất chợt tôi gọi tên nàng, chúng ta có thể chơi lại lần thứ nhì, ai biết được trò này quan trọng như vậy. Nhưng trễ rồi, tôi đâu có thể sống lại những ngày đã qua.
Trời lạnh như ri ở Ban Mê Thuột. Người ta phải mặc áo ấm cả vào những ngày nắng. Tôi tập thêm thói quen uống cà phê. Một tên bạn địa phương dạy cách nếm và phân biệt các loại hạt. Tôi luôn luôn lẫn lộn giữa các mùi và vị rất gần nhau. Buổi chiều ra lang thang ở các phố nồng mùi cà phê rồi về một quán quen thuộc ngồi tới thật khuya. Tôi vẫn chưa quen thuộc núi rừng bao nhiêu, cứ loanh quanh mấy vòng là hết phố.
Lần nào đi cũng mệt vì ngõ nào cũng dốc, nhưng ở trại thì chịu không nổi. Khoác áo ấm nhà binh, bước ra ngoài và nhìn hơi thở biến thành khói, coi mấy trận bi da độ ở phố Lý Thường Kiệt rồi tìm một chổ ngồi vắng đọc nhẩn nha, những ngày của tôi trôi qua chậm rãi. Có đôi khi ghé chùa Khải Đoan lạy Phật rồi ngồi tựa lưng ở thềm chính điện kéo mũ che mắt ngủ lúc nào không hay.
Cũng lạ tôi thấy mình cứ ra đường là tỉnh như sáo, còn ghé vào chùa là phải ngủ gục thôi ngay cả khi đang ngồi uống trà với sư trụ trì cũng thấy mắt nhíu lại. Sư bảo đó là do nghiệp, có người bên kia che mắt đấy. Tôi đùa, kiếp trước tôi là Bà La Môn ngoại đạo nên bây giờ cứ vô chùa là buồn ngủ. Nhưng tôi biết điều này chỉ mới xảy ra gần đây, có lẽ những kỷ niệm với Mai đã đưa tới sức phản kháng trong tiềm thức, chẳng hiểu ra sao. Cũng không hẳn vậy, vì chỉ thoảng khi tôi mới nhớ tới nàng và lần nào cũng thấy tội nghiệp cho trần gian này, cho nàng, cho tôi và mọi người trong cuộc đời. Biết sao bây giờ, ai cũng nhỏ nhoi trước những điều không hiểu nổi.
Tháng 3-1975, Ban Mê Thuột là chiến trường đầu tiên. Đơn vị tôi đóng ở cây số 3, cầm cự được vài ngày rồi chạy về Phước An để gặp sư đoàn. Pháo nổ liên tục sau lưng, ít đơn vị giữ được hàng ngũ vì đi trong cả đêm và rừng rậm. Tới đây một tuần lại được lệnh chạy về Khánh Dương, hôm sau thì tôi lạc, cứ nhắm hướng Đông Nam mà đi. Qua bao nhiêu rừng và suối với những đoàn dân và lính tan hợp trên đường, tôi vào được Nha Trang trình diện Trung Tâm 4 Tài Chánh. Có khi nằm trong rừng ngửa mặt nhìn trăng sao và nhớ nhà, hẳn là ba mẹ tôi lo lắm, còn Mai nữa, có khi nào nàng nghĩ tới tôi. Tôi lại nghĩ tới bố nàng, không biết đóng ở đâu, trước giờ tôi vẫn quên hỏi những chuyện như vậy.
Tháng tư, tôi về được Saigon. Cả đất nước hỗn loạn, không ai biết được chuyện của ngày mai. Người ta nói Tòa Đại Sứ Mỹ đã rút đi gần hết. Đơn vị tôi đóng ở Trường Gò Vấp. Được một tuần, tôi quyết định phải thăm Mai, nhỡ có khi nàng lo lắng cho tôi. Nếu không gặp thì nhờ Miên nhắn cũng được.
Tôi bước vào nhà ba mẹ nàng ở Nguyễn Thiện Thuật, lúc đó là buổi chiều. May có nàng ở đây, cũng lạ. Nàng đứng bật dậy đón tôi vào. Mẹ nàng nhìn tôi. Bà cụ đôi khi tôi vẫn gặp hồi đạp xe quanh nhà nàng. Miên chạy ra chào, mới có vài năm mà lạ hẳn, lớn ra. Mai giới thiệu với mẹ rằng tôi có thời dạy kèm cho Mai và Miên ngày xưa. Câu trả lời nhanh nhẹn như được tính toán sẵn tự năm nào. Giữa nhà, một em bé đang nằm tập lật trong nôi. Ngực tôi hơi nhói lên, tôi đoán nàng ẳm con về thăm nhà. Tôi ngồi đối diện với Mai ở bàn giữa. Vẫn mái tóc ngang vai và đôi mắt to, trông Mai tự nhiên và vui hẳn ra. Mẹ Mai lấy ra một cuộn len khổng lồ rồi ngồi đan gần đó.
“Ba em ở đâu, có bình yên không?”
“Ba đang ở ngoài bến Bạch Đằng. Hồi anh ở Ban Mê Thuột làm sao?”
“Thì đánh nhau lung tung, may về đây được.”
Tôi không dám hỏi thăm chồng nàng, hình như có gì không phải lắm trong cuộc gặp gỡ của chúng tôi. Hai tay nàng cứ loay hoay bứt xơ của mấy mẩu vải trên bàn.
Chúng tôi có khi nhìn vào mắt nhau, lần nào nàng cũng quay đi trước. Tôi tự nhủ vậy là chậm rồi, mình nhớ chi cái chuyện chớp mắt trước hay sau.
Nàng cuối xuống bàn, nói giọng thật khẽ.
“Anh có tính chuyện đi ra khỏi nước không?”
“Không, anh không biết. Chưa tính gì cả.”
“Nếu anh muốn đi, chiều mai anh tới đây. Ba sẽ đưa cả nhà cùng với bên chồng em đi,” giọng nàng nghiêm lại,” em sẽ bảo Miên và thằng út đi bên anh. Tại vì ba bảo có bạn nào thân thì gọi đi. May mà hôm nay anh lại.”
Tự nhiên tôi muốn từ chối nhưng không nói được. Mẹ nàng thỉnh thoảng liếc chúng tôi. Nói chuyện một chặp, tôi đứng dậy xin phép mẹ nàng để về. Trời cũng hơi tối. Mai và Miên đưa tôi ra cửa. Nơi ngưỡng cửa, Mai chìa tay ra. Hơi ngần ngừ rồi bắt tay nàng thật chặt, tôi có cảm giác mẹ nàng suýt làm rơi cuộn len. Bên cạnh tôi, Miên mỉm cười. Tôi đứng nắm tay nàng thật chặt và thật lâu, cảm động giữ lấy cảm giác nhỏ nhắn, mềm mại và mát lạnh. Tự nhiên tôi thèm được ôm nàng, nhưng mọi chuyện đều chậm rồi, mẹ nàng có thể la hoảng lên đấy.
“Miên phải gìn giữ Mai đấy,” tôi quay qua bảo Miên, “Mai điên lắm.”
Khi tôi ra phố, đèn đêm lên rồi. Trước mắt tôi vẫn là đôi mắt nàng, mở to nhìn thẳng như chờ coi ai chớp trước. Gió đêm thật lạnh dù bấy giờ mới cuối Xuân. Bàn tay tôi vẫn lơ lửng trên cao, nơi thật xa của những đám mây.

____________________

Khi công án Thiền vào quán nhậu

Trong một quán nhậu, một dân chơi rót rượu vào ly chưa cạn của bạn và ngật ngưỡng bình luận rằng "Trên tuyết thêm sương..." như dường Công án Thiền đã trở thành một túi phi tiêu đeo bên mình của các tay võ hiệp, và khi gặp chuyện là các mũi phi tiêu Công án được phóng ra liền để diễn võ.
Đọc bài Bóng ma của các Công án Thiền(viết tắt: BM) của Nguyễn Bình (talawas, 19.03.2004), tôi đã biết thêm nhiều thông tin hiếm hoi, bất ngờ. Thiền, từ một pháp tu nghiêm ngặt của nhà chùa, rồi trở thành phong thái thời thượng của một số trí thức Việt Nam, và rồi khi cần thuyết phục nhau, thì "dùng công án Thiền dễ hơn nhiều..." Mặc dù tác giả viết trong một văn phong đùa giỡn, châm biếm, cho một đề tài khác - về một quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà tác giả mô tả khó hiểu như "cây bách trước sân" - nơi đây chúng ta cũng có vài điểm cần nói về Thiền, một mảng văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Điều lý thú tác giả Nguyễn Bình nói là "cuối những năm 70, đầu những năm 80 ở Hà Nội có một cơn sốt các Công án Thiền." Đây hiển nhiên là một nhân duyên rất tốt, nhưng lại là một điều hết sức lạ lùng. Lúc đó, thực sự Thiền Tông ở miền Nam cũng vẫn chưa được hưng thịnh như các năm đầu thế kỷ 21. Cuối những năm 1970, đầu các năm 80, tôi bấy giờ là một tên thanh niên miệt mài đi gõ cửa các chùa để tìm học Thiền, và có vẻ như mặt ngoài đã khám phá ra rằng "cơn sốt Thiền Tông" của miền Nam thực sự hầu hết chỉ ảnh hưởng tới phong thái sống của một phần giới trí thức thành thị, và như dường được du nhập phần lớn từ sách vở. Đại đa số các chùa thực sự không theo Thiền Tông. Trừ các chùa Nam Tông theo nghi thức riêng, tương tự như Phật Giáo ở Thái Lan và Cam Bốt, còn hầu hết đều là các chùa Bắc Tông theo nghi thức tổng hợp cả Thiền Tông, Tịnh Độ và Mật Tông - nhưng lại lấy Tịnh Độ làm chính, và Thiền chỉ là phụ thôi, hoặc có thể bỏ hẳn luôn các quan tâm về Thiền. Lúc đó, nhiều người còn nghĩ, có lẽ Thiền Tông thất truyền rồi, hệt như một số môn võ công bí truyền của Chùa Thiếu Lâm.
Vài năm sau, tôi mới biết là Thiền Tông chưa thất truyền ở Việt Nam. Vẫn còn có những vị thầy của môn học khó nhọc này.
Nhưng sách vở để nghiên cứu thì nhiều lắm, đọc tha hồ. Lúc đó, Thầy Thích Thanh Từ đã dịch vài chục cuốn về Thiền rồi; nhưng cứ nghe nói là Thầy đang nhập thất liên tục ở Tu Viện Chân Không, Vũng Tàu. Trong khi đó, các nhà xuất bản khác cũng có nhiều tác phẩm, dịch phẩm.
Khoảng năm 1980, nghe dân tu học Sài Gòn loan tin rằng Thầy Thích Duy Lực sẽ phổ biến bản văn mới dịch của Ngài Trung Phong Bổn, một vị Thiền Sư Trung Hoa của nhiều thế kỷ trước, tôi đạp xe đạp tới Chùa Từ Ân ở Chợ Lớn để tìm mua. Tới vào buổi trưa, chùa đầy người, cúng lạy thành kính, mùi khói nhang và mùi đủ thứ làm ngộp thở. Tôi hỏi, và không ai biết chuyện dạy Thiền hay bán sách Thiền gì cả, may có một chức việc trong chùa chỉ tôi lên lầu 2 để tìm mua. Cuốn này lúc đó chỉ là một xấp giấy, hình như quay roneo hay chụp photocopy, đóng kẹp lại. Như thế thì thấy, Thiền cũng chỉ ở một góc lầu thôi. Nhu cầu quần chúng cần đủ thứ khác, phải có chuông, có mõ, có khói, có nhang, có tụng, có hát, vân vân. Tôi về đọc cuốn Trung Phong Ngữ Lục hoài vẫn không hiểu. Cho tới về sau, khi trực tiếp gặp một vị sư già ở một vùng quê - nhưng đây lại là chuyện khác.
Điều hết sức bất ngờ trong bài viết BM là hiện tượng Thiền Tông bỗng thành môn võ chữ nghĩa, để các cao thủ biến những câu nói đặc dị thành phi tiêu đụng đâu phóng đó nhằm biểu diễn võ công, cho dù ở quán rượu, quán bia... một hiện tượng khó thể hình dung được, cho dù trong cuốn tiểu thuyết giàu tưởng tượng nhất. Có phải đây là sự suy thoái của Phật Giáo, khi được quần chúng hiểu Thiền như một túi phi tiêu để phóng? Thử xem ông Nguyễn Bình mô tả hiện tượng tức cười này như sau trong bài BM:
"Từ chỗ là sở hữu vụng trộm của một nhóm trí thức văn nghệ cấp tiến và a-văng-gác mà phần lớn là không theo Thiền, chúng bước vào văn hoá đại chúng. Ở các quán bia, quán lẩu ngày nay, nơi dân chúng được "vô tư" bày tỏ phong độ anh hùng không thua ai của họ, những lời rút từ các Công án Thiền thứ thiệt (hay thứ rởm, tôi không kiểm tra được, vì tôi không biết hết 1700 Công án) như "Lấy đũa quơ trăng", "Thiền sư qua sông", "Quẳng dao giết lợn xuống là thành Phật", "Một được một mất", "Gãi ngứa trên giày" thành chuyện đầu môi. Ông bạn hàng này dốc thêm rượu vào cái li còn chưa hết của ông bạn hàng khác cũng ngật ngưỡng bình luận rằng "Trên tuyết thêm sương"! Nhưng kì diệu nhất là giới trí thức văn nghệ, kể từ phong trào về nguồn (đúng ra là tái về nguồn vì trí thức văn nghệ miền Nam trước 1975 đã về nguồn trước rồi), cũng cứ đem những "ngón tay trỏ mặt trăng", "mũi tên qua khỏi trời tây"... cùng là "vô minh", "vô ngôn", "vô thường", "vô ngã", "vô sở đắc", "vô sở trụ" dùng như dán bùa chú lên khắp mọi nơi. Cái khổ là bây giờ người ta có thể ít nhiều công khai dị ứng với chủ nghĩa cộng sản, nhưng dị ứng với...Thiền, Phật, minh triết phương Đông thì lại không xong!"
Tuy nhiên, công án Thiền không chỉ để các dân nhậu đem ra đùa giỡn trên bàn rượu, mà còn được nhiều vị trí thức lấy để phóng hỏa mù, để khỏi phải đưa ra các câu trả lời minh bạch. Phóng công án Thiền lên bàn nhậu thường là do cao hứng, để đùa giỡn cho vui. Nhưng khi dùng công án để tránh né trả lời, thì đây không còn là chuyện cao hứng mà chỉ là thủ đoạn đời thường, một thứ khôn lanh đường phố.
Trong bài viết BM, tác giả Nguyễn Bình kể như sau:
"...Việc tụng niệm này tôi thấy đáng khó chịu vì nó tạo "điều kiện sang trọng" cho người ta lẩn tránh lời đáp rõ ràng, sáng tỏ cho những câu hỏi rất cần một lời đáp rõ ràng, sáng tỏ. Hỏi một nhà văn rằng vì sao anh ta cứ mài óc ra mà viết bài cho báo lá cải. Đáp: Phật cũng chỉ là que cứt khô thôi mà! Hỏi tiếp: Sao Phật lại là que cứt khô? Đáp: Anh không biết Công án Thiền à? Thế là người hỏi cứng họng. Trao đổi với một trí thức khác: Bài viết này của anh toàn những nội dung chả nói được điều gì. Đáp: Nói được cũng bị ba mươi hèo, không nói được cũng bị ba mươi hèo thôi ông ạ. Hỏi tiếp: Ba mươi hèo ở đâu ra thế? Đáp: Thế là ông không đọc Công án Thiền rồi!"
Hiện tượng dân chúng đời thường và trí thức văn nghệ sử dụng công án Thiền như thế, vậy thì giới tu hành ra sao?
Tác giả Nguyễn Bình cũng thấy bi quan về các vị sư như sau:
"Lẽ ra các nhà nghiên cứu Phật giáo và giới trí thức tu hành phải có những tiếng nói phản tỉnh rõ ràng trong tình hình này. Tiếc thay, giới nghiên cứu Phật giáo nếu có...nghiên cứu thì chỉ dừng lại ở việc tán dương chung chung, sáo rỗng và nhàm chán những giá trị của Phật giáo như từ thuở nảo thuở nào. Tất nhiên tôi không phản đối các giá trị đó, nhưng tôi cho rằng để Phật giáo có thể sống một cách sinh động, gần gũi và là một bộ phận không thể thiếu trong đời sống hiện đại của thời đại chúng ta thì người ta không thể giảng giải tán dương nó như ở thời Trung cổ được. Còn giới trí thức tu hành từng đóng những vai trò lớn trên phương diện xây dựng ý thức quốc gia và đóng những dấu ấn quan trọng trong diện mạo đời sống tinh thần của xã hội Việt Nam, nay đã mất hẳn vị trí. Ở nhiều chùa chiền hiện nay chỉ thấy những vị sư bận tiếp khách du lịch, chạy sô cầu kinh trong các đám hoặc lo cho nhà hàng cơm chay hơn là lo suy tư nghiền ngẫm kinh kệ. Chính mắt tôi chứng kiến cảnh người đi lễ Phật dâng lên cả con gà luộc mà sư vẫn tỉnh bơ nhận lễ. Chẳng lẽ giới tu hành không nhận ra rằng nền tảng tri thức của Phật giáo tại Việt Nam hiện nay hầu như đã không còn nữa, kinh sách thì bị hiểu lơ mơ, đào tạo tăng lữ thì chỉ mang tính hình thức, Phật giáo đã suy thoái thành một thứ tín ngưỡng dễ dãi và thời thượng, Bồ Tát chỉ còn là một vị thần giúp người ta trúng quả, vào cầu, đẻ con trai, trừng phạt ngoại tình... và thi đỗ đại học? Nói chung chung về những tinh túy của Phật giáo trong một bối cảnh như vậy, liệu có phải là mơ màng về những bóng ma không?"
A ha! Có phải giới tu hành Phật Giáo đang mơ màng về những bóng ma? Có phải Phật Giáo đã suy thoái thành tín ngưỡng dễ dãi và thời thượng? Có phải nền tảng tri thức của Phật giáo tại Việt Nam hiện nay hầu như đã không còn nữa, kinh sách thì bị hiểu lơ mơ, đào tạo tăng lữ thì chỉ mang tính hình thức? Đây mới là những vấn đề lớn, cực kỳ lớn cho cả giáo hội, cho tất cả những người quan tâm về Phật Giáo.
Hiển nhiên, cúng gà vịt rươụ bia thì người cúng đã sai, mà vị thầy nhận lễ còn sai lớn nữa. Nhưng nếu chúng ta nhìn kỹ tình hình Việt Nam, thì thấy đào tạo các vị sư giới luật trang nghiêm, Phật Học uyên bác cho đủ các địa phương thì thật là khó. Và có lẽ sẽ không thể nào làm nổi trong vaì thập niên tới.
Một bản thống kê trên báo Giác Ngộ năm 2003 cho biết có vài ngàn (tôi nhớ, hình như hơn 3.000) ngôi chùa tại Việt Nam thiếu sư trụ trì. Như thế là khủng hoảng thiếu Tăng Ni, ít nhất cũng là cả chục ngàn. Không phải Tăng Ni nào cũng đủ sức làm vị trụ trì. Vì từ chỗ xuất gia, tới chỗ thọ 10 giới sa di là mất vài năm rồi, sau đó tu học thêm vài năm mới thọ 250 giới của tỳ kheo... Còn bên Ni thì tốn thêm vài năm nữa, vì thủ tục phức tạp hơn. Nhưng tu học là một chuyện, còn làm trụ trì lại đòi một khả năng tiếp cận quần chúng phức tạp hơn. Có những vị sư chỉ ưa hạnh ngồi Thiền trong núi, có những vị chỉ thích ngồi tụng đọc kinh điển, có những vị chỉ muốn dịch kinh, và có những vị chỉ thích làm từ thiện xã hội. Và như thế, khi nói thiếu 3.000 sư trụ trì, có nghĩa là cần đào tạo ít nhất 15.000 sư cho công việc toàn bộ của giaó hội.
Trong tình hình thiếu tăng ni như thế, nếu có ai mặc áo nhà sư để dọn vào các ngôi chùa hoang phế kia mà nhận lễ gà vịt thì là bình thường. Chỉ sợ có khi họ còn làm tệ hơn thế.
Nhưng có phải Phật Giáo đã trở thành tín ngưỡng dễ dãi và thời thượng? Thực sự, lời than phiền này không phải là hiếm. Thời nào cũng thế, và ở nước nào cũng thế, vẫn có những mảng Phật Giáo trở thành dễ dãi, có khi được linh động sáp nhập với tín ngưỡng dân gian. Thí dụ, Phật đâu có dạy xin xăm, vậy mà nhiều chùa vẫn cho xin xăm đầu năm, coi như tiếp nhận luôn các nếp văn hóa dân gian, nhưng nên nhớ, các cột trụ của giaó pháp vẫn giữ không đổi. Thế nên các sư mới nói "tùy duyên mà bất biến."
Còn nếu nói "nền tảng tri thức của Phật giáo tại Việt Nam hiện nay hầu như đã không còn nữa, kinh sách thì bị hiểu lơ mơ, đào tạo tăng lữ thì chỉ mang tính hình thức" thì đã là một nhận xét hết sức vội vã. Trong bài viết, tác giả Nguyễn Bình chỉ nêu lên một số chuyện mắt thấy tai nghe, và rồi rút ra kết luận như thế. Đó chỉ là vài chuyện trong môi trường mà tác giả tiếp cận, chứ không phải toàn cảnh Phật Giáo Việt Nam.
Có thật nền tảng của Phật giáo tại Việt Nam hiện nay hầu như đã không còn nữa, kinh sách thì bị hiểu lơ mơ? Tác giả Nguyễn Bình đã đọc những sách nào, báo nào, thống kê nào của Phật Giáo để nhận xét như thế? Hay là chỉ nghe chuyện ở bàn rượu, ở một số nhà văn ưa phóng phi tiêu công án? Tác giả có biết Việt Nam hiện có bao nhiêu trường Phật Học, và chương trình dạy những gì? Tác giả có biết tại một số chùa thuộc các tông phái chuyên biệt, các sư phải tu học ra sao? Có phải là "nền tảng... không còn nữa"?
Còn hiểu kinh sách lơ mơ là sao? Kinh sách nào, và ai hiểu? Nếu mà hấp tấp kết luận như tác giả, thì chúng đã sẽ phủ nhận công sức của quý Tăng Ni đã và đang dày công bồi đắp cho nền Phật Học ở Việt Nam. Và nỗi nguy của nhận xét đó là, đồng bào Phật Tử sẽ hoang mang, biết có còn chịu theo quý Tăng Ni để tu học hay không, một khi "nền tảng Phật Học đã mất... và kinh sách lơ mơ"? Rồi ai sẽ đứng ra hướng dẫn Phật Pháp cho đồng bào nữa?
Thực sự, không hề có chuyện kinh sách lơ mơ gì hết. Hãy thấy, thời nào cũng có các vận động học Phật và tu trì. Cứ nhìn từng giai đoạn cũng thấy.
Như phong trào Phật Học của cụ Tâm Minh Lê Đình Thám thời Pháp thuộc đã đaò tạo nhiều danh tăng hòa thượng, trong đó có những vị xứng đáng thuộc hàng Tam Tạng Pháp Sư như cố Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, hay như Hòa Thượng Thích Minh Châu. Cũng như bầu không khí say mê học Phật mà Đại Học Vạn Hạnh đã thổi bùng dậy trước 1975, đã dẫn tới cái mà có người goị là "thời thượng của Thiền Tông." Nhìn cho kỹ, Thiền chỉ là một mảng của toàn cảnh Phật Học lúc đó.
Hay như gần đây, tạp chí Giác Ngộ đã thực hiện chương trình Phật Học Cơ Bản Hàm Thụ (1998-2002), và in 4 cuốn sách theo thứ tự niên học cho chương trình này.
Chúng ta có thể hỏi, nếu kinh sách lơ mơ và nền tảng đã mất, thì các vị tinh thông tam tạng đã học gì, viết gì, dịch gì và dạy gì? Tương tự, cả một viện đại học không lẽ chỉ đưa sinh viên vào hội trường rồi dạy nhau "phóng phi tiêu công án Thiền"? Tương tự, không lẽ 4 cuốn Cơ Bản Hàm Thụ cũng toàn là chữ lơ mơ, câu lơ mơ, kinh sách lơ mơ... nói là cơ bản, nhưng đâu có dễ đâu.
Đó là nói về học, bây giờ sẽ nói về tu. Có thật là giới tu hành "nói chung chung về những tinh túy của Phật giáo trong một bối cảnh như vậy, liệu có phải là mơ màng về những bóng ma không?" Không phải thế. Vẫn còn rất nhiều người tu hết sức nghiêm túc.
Chỉ nói riêng về những chỗ mà tôi được đọc, được nghe kể, và có khi may mắn được tiếp cận, thì số người tu nghiêm túc nhiều không thể đếm nổi. Thí dụ, tôi được đọc trên trang web về dòng Thiền của Hòa Thượng Thanh Từ với các bản thanh qui, với chương trình học Kinh-Luận-Sử trong 3 năm đầu mới vào, thì thấy rõ phép tu, phép học rất nghiêm. Hay như dòng Thiền của cố Hòa Thượng Duy Lực, với pháp tham thoại đầu yêu cầu hết sức miên mật thì còn thì giờ đâu mà mơ với màng, thời với thượng (tôi may mắn có nhiều pháp hữu bên dòng này, nêu hiểu rõ là không có chuyện gì lơ mơ ở đây cả). Hay như pháp môn Tịnh Mật Song Tu do cố Hòa Thượng Thiền Tâm chủ xướng khi ngài về trụ ở Đại Ninh, Lâm Đồng, nơi tôi từng lên cầu pháp, thì trong 24 giờ mỗi ngày đều là nhập thất cả, đâu có chỗ để phải nói "đào tạo tăng lữ thì chỉ mang tính hình thức"... Hay như Núi Vải ở Bà Rịa, tôi được nghe nói hiện đang có 800 vị sư Nam Tông đang ngồi biệt tu ở các am cốc, hang động quanh núi.
Thêm nữa, khi xét theo kiến giải qua văn tự, trong những bài tôi may mắn đọc về Thiền Tông thì thấy trong nước rất nhiều bậc tôn túc, với những lời lời như châu ngọc của Hòa Thượng Minh Trực, hay Thầy Đại Lãn (tức Thượng Tọa Đức Thắng), cư sĩ Nhuận Bảo... thì ai dám bảo là Thiền Tông thất truyền rồi?
Nhiều nữa, nhiều nữa. Còn rất nhiều chùa, rất nhiều vị tăng ni đáng kính nữa mà tôi chưa biết hết, hoặc có biết nhưng không tiện viết lên giấy.
Bàn xong phần tu học, bây giờ chúng ta bàn qua khía cạnh xã hội của nhà chùa.
Với tấm lòng thiết tha với Phật học, Nguyễn Bình đã nêu lên hiện tượng nổi bật ở nhiều thành phố lớn, "nhiều chùa chiền hiện nay chỉ thấy những vị sư bận tiếp khách du lịch, chạy sô cầu kinh trong các đám hoặc lo cho nhà hàng cơm chay hơn là lo suy tư nghiền ngẫm kinh kệ..."
Sự thật đúng là có như thế, nhưng không phải tất cả như thế, và câu chuyện cực kỳ phức tạp hơn nhiều.
Khách du lịch tới thì tất nhiên phải ra tiếp. Vị sư có nhiệm vụ Tri Khách phải lo việc này. Nhưng không phải tất cả các sư trong chùa cần ra tiếp khách. Cũng không phải chùa nào du khách cũng tới, phải nằm trong danh sách các tour du lịch mới được, còn không thì chỉ có khách quen về tìm thăm thầy cũ thôi. Thêm nữa, việc quản chúng cực kỳ phức tạp ở thời này. Đâu phải vị sư nào muốn xin dời hộ khẩu về thành phố là được, mà có xin nhập chúng vào các chùa trong danh sách du lịch là cũng thiên nan vạn nan chứ.
Còn tình hình "chạy sô cầu kinh trong các đám" chỉ nói lên hiện tượng thiếu tăng ni cho nhu cầu tang lễ của dân chúng. Vì thầy chùa mà không tụng kinh cho đám ma thì nên vaò núi nhập thất là hơn. Khi Phật Tử tới gõ cửa chùa, xin tụng kinh cho ba mẹ vừa từ trần, cho dù có cảm cúm nhức đầu, quý thầy cũng phải đi chứ. Chỉ trừ trường hợp có thầy nào bày vẽ cho tang chủ tốn kém, phức tạp... thì mới là đáng trách. Nhưng hiển nhiên là ở đâu cũng có các vị thầy kỳ dị như thế, ưa bày chuyện.
Đặc biệt, cách dùng chữ "chạy sô" của Nguyễn Bình dễ làm độc giả khởi tâm bất kính với quý Tăng Ni, vì hóa ra việc tụng kinh đám ma cũng là một nghề như ca sĩ. Đây không phải là nghề. Tụng kinh đám ma không phải là nghề nghiệp gì cả, mà đây là việc cứu nguy khẩn cấp. Những hiện tượng này mắt thường đâu có thấy hết, mà chỉ có Phật mới thấy để dạy cho chúng ta thôi. Dù là Nam Tông hay Bắc Tông, đều có nghi thức tụng kinh cho người sắp chết và người mới chết. Quan trọng nhất là giây phút cận tử.
Thí dụ, như Nam Tông, vị thầy sẽ thuyết về tam pháp ấn, tụng các bài kinh ngắn để người bệnh giữ tâm bình an lìa trần, hy vọng kiếp sau có cơ hội tu học Phật nữa. Còn đối với người đã chết, nghi thức Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam ghi là dựa theo Kinh Hồi Hướng Vong Linh, khi vua Bim Bi Sa Ra nằm mơ thấy thân nhân quá cố bị đói lạnh, Phật mới "dạy cách tạo phước hồi hướng vong linh để thoát ly khổ ách."
Còn bên Bắc Tông, khi cận tử, người bệnh sẽ được tăng ni và các ban hộ niệm tới Niệm Phật và tụng Kinh A Di Đà, và có các nghi thức cầu siêu trong hạn 49 ngày sau khi chết với hy vọng vãng sanh về Cõi Cực Lạc.
Nên nhấn mạnh, tụng kinh đám ma không phải "chạy sô." Nói như thế, Phật Tử sẽ hiểu nhầm về nghi thức này.
Còn như việc "lo cho nhà hàng cơm chay" thì hẳn là ít thầy nào có doanh nghiệp như thế vậy. Chỗ này không có gì để bàn, vì giới luật không cho cá nhân quý thầy làm như thế, trừ phi tiệm cơm là tài sản của giáo hội, hay của một hội từ thiện.
Và bây giờ là một vấn đề rất là lớn: vai trò tăng sĩ trong việc xây dựng ý thức quốc gia. Nguyễn Bình viết trong bài BM như sau: "Còn giới trí thức tu hành từng đóng những vai trò lớn trên phương diện xây dựng ý thức quốc gia và đóng những dấu ấn quan trọng trong diện mạo đời sống tinh thần của xã hội Việt Nam, nay đã mất hẳn vị trí."
Các nhà sư xây dựng ý thức quốc gia? Vâng, đó là chuyện của thời Lý, Trần. Đó là chuyện mới hai thập niên trước, người ta còn cấm nhắc tới. Tu là tu đi, đừng bàn chính trị - đó là lời dặn dò của công an khu vực. Nhưng lúc đó tu cũng là vất vả lắm, cứ bị xem như ăn bám, xem như không chịu sản xuất của cải cho xã hội, vân vân... Thậm chí như bây giờ, giấy tạm trú, giấy hộ khẩu vẫn còn làm trở ngại cho việc quý thầy di chuyển, việc tìm nơi tu học mới, việc đổi trường, vân vân.
Phải thấy, nếu chính quyền Việt Nam không thỉnh ý, thì sẽ không một nhà sư nào dám nhắc đến chuyện "xây dựng ý thức quốc gia" nữa - không một nhà sư nào dám nữa. Phật Giáo thực sự đã "mất hẳn vị trí dấu ấn quan trọng" đó rồi. Có phải nhà nước thực sự chỉ muốn các sư chạy sô tụng kinh cho đám ma?
Câu trả lời chắc là kiếm không ra, bởi vì "hỏi ba lần đều bị từ chối mà không chịu tự mình ngộ ra," để dẫn câu cuối trong bài BM của Nguyễn Bình.
3-2004

Nguyên Giác Phan Tấn Hải là tác giả các cuốn:
Vài chú giải về Thiền Đốn Ngộ
http://www.thuvienhoasen.org/u-chugiaithien-00.htm,
Ba Thiền sư
http://www.thuvienhoasen.org/bathiensu-00.htm
Chú giải về Phowa
http://www.thuvienhoasen.org/chuyendithanthuc-00.htm)
© 2004 talawas

__________________

Mối tình đầu của tôi

Tôi chỉ quen cô bé chỉ có hai năm. Những ngày thơ dại đó vẫn còn phảng phất trong trí nhớ như sương khói bây giờ của tôi, nhiều thập niên sau.
Nhớ lại, tôi nghĩ rằng tôi và cô ta bằng tuổi nhau, hay chỉ có thể hơn kém nhau một tuổi thôi. Vào một ngày trong năm học lớp năm, ngày xưa gọi là lớp nhất, tôi quen cô ta. Lúc đó, biết rằng cô học khác trường nhưng cũng ở lớp năm.
Nhà tôi ở một khu gần nhà cô ta, cùng quanh quẩn ở Xóm Chuồng Bò trong các hẻm đường Nguyễn Thông nối dài. Bây giờ, có lẽ đường này đổi tên rồi, vì Sài Gòn đã đổi rất nhiều tên đường, sau khi phân chia lại các quận và phường.
Gọi “cô ta” chỉ là thói quen của chữ viết. Thực ra, lúc đó và bây giờ, cả trong suy nghĩ, vẫn gọi cô ta là “nhỏ Minh.” Đúng kiểu con nít Sài Gòn là thế, nghĩa là con nhỏ tên Minh. Nhưng hồi đó, khi nói chuyện, tôi vẫn không thể nói được ngôn ngữ bình thường như với những người bạn khác, nghĩa là không gọi đúng tên “Minh,” mà cứ phải đệm một chữ nữa, có vẻ như thế mới êm tai hơn, như “Minh này”. Tại sao phải nói thế, bây giờ tôi vẫn không hiểu nổi.
Thí dụ khi nói chuyện, tôi nói, “Minh này, hôm qua đi học thế nào…”. Và không bao giờ tôi gọi đơn giản là, “Minh, hôm qua đi học thế nào”. Có vẻ như, đứng trước con nhỏ Bắc Kỳ gầy nhom đó, tự nhiên tôi trở thành một thằng nhóc khác lạ.
Ngược lại, cô bé cũng không bao giờ gọi đúng tên tôi. Lần đầu tiên gặp, cô bé gọi tôi là “Ơi… ạ ơi,” và thế rồi, gọi tôi mãi với tên đó.
Khác trường là thế này, tuy nhà chỉ cách nhau một hẻm ngoằn ngoèo, vòng qua mấy bụi tre, nhưng trường tôi học là phải đi về hướng đường Kỳ Đồng, còn trường cô bé phải đi về hướng ga xe lửa Hòa Hưng, tức là hướng đường Lê Văn Duyệt. Tôi chỉ biết đường Lê Văn Duyệt đã đổi tên là đường Cách Mạng Tháng Tám, còn các đường khác vẫn chưa rõ còn giữ tên cũ hay không.
Con nít học lớp năm thời đó khù khờ lắm, chẳng biết gì. Tôi nghĩ, cô bé nhanh nhẹn hơn tôi nhiều, vì kiểu con gái Bắc Kỳ bao giờ cũng nhanh, cũng khéo và dĩ nhiên là lúc nào cũng xinh và như dường là ngoan hiền.
Trong sân nhà cô bé có cây lê ki ma khổng lồ. Lần đó, đi ngang gần đó, tôi thấy cô bé đang đứng ở một góc mộ cổ đá tổ ong, nhón chân lên, rồi phóng người lên, mấy lần muốn chụp mấy trái lê ki ma lòng thòng… và đều trượt.
Tôi đứng nhìn, cười – mà không cười sao được, một con bé cỡ mười tuổi, gầy nhom, không dám trèo lên cây mà lại đứng trên mộ cổ cứ phóng hoài, đều trật. Cô bé nhăn mặt, nhìn trả tôi, một chặp lại nói, “Ơi… ạ ơi”. Tôi quay đầu ra sau nhìn, không thấy ai hết. Cô bé bảo, “Ơi… ạ ơi”, trèo lên cây, hái giùm đi, chia nhé.
Trời ạ, giọng nói cô bé nghe như âm nhạc. Thiệt sự, tôi không hiểu gì về nhạc, cũng chưa mê nghe nhạc như sau này, vì trường học lúc đó chỉ dạy mấy bài kiểu hát làm sao cho ồn, cho vui là được, như “Hè về… trời hồng hồng, sáng trong trong, ngàn phượng rung nắng ngoàì song…”, và hoàn toàn không thằng nhóc nào bị than phiền là hát sai, hát trật cả. Nhưng lúc đó, tôi nghe giọng cô bé như từ trời xuống, nghĩa là từ thế giới khác, không dính chút nào với thế giới của bọn con trai chúng tôi, hễ cứ hét lên cho hết bản nhạc là được thầy giáo khen.
Tôi trèo lên cây, hái một loạt trái lê ki ma chín, đem xuống đưa cho cô bé. Cô bé chia đôi, rồi vào nhà, một ngôi nhà có những song cửa cao, kiểu các cột cao gài liền nhau. Loại cửa này bây giờ không ai xài nữa, vì người ngoài có thể nhìn vào trong nhà, và bên trong thường phải tấn thêm những tấm ván để giữ kín đáo và an toàn.
Thế là tôi quen cô bạn đầu tiên trong đời tôi, trong năm cuối bậc tiểu học, vì trường tôi chỉ toàn là con trai. Thời đó, hiếm có trường học chung trai gái, dĩ nhiên trừ bậc đại học.
Cô bé tên Minh. Và tôi cứ mãi được cô bé gọi là “Ơi… ạ ơi”, chẳng hiểu vì sao. Sau này tôi đoán, ba của cô bé thường hát bài gì đấy, thuộc loại dân ca Miền Bắc, hẳn là có nhóm chữ “Ơi… ạ ơi”, và thế rồi tự nhiên cô bé gọi tôi như thế.
Ba cô bé cũng gầy nhom, thỉnh thoảng với tay lấy cây đàn nguyệt trên vách xuống, đàn cho tôi nghe những bản nhạc rất mực lạ lùng. Hình ảnh đó cực kỳ dị thường, in đậm vào trí nhớ của tôi: một gian phòng trên vách có mấy tấm bảng chữ Nho, giữa là một tấm hình Đức Phật có vẻ treo cho nghệ thuật chứ không phảỉ để thờ tự, mấy cây đàn nguyệt và mấy ống sáo treo trên vách.
Tôi biết đó là dân ca Miền Bắc, nhưng chẳng làm sao nghe rõ từng lời ca được. Tôi sinh ra ở Sài Gòn, nghe dân ca Miền Nam cũng không nhận rõ ra từng chữ, nói gì tới dân ca nơi khác. Nhưng tôi nhận ra một bí mật, rằng tên cô bé đặt cho tôi, “Ơi… ạ ơi” thực ra là trong một số bài dân ca bố cô ta hát.
May mà tôi còn nghe rõ mấy chữ đó, chứ còn hát bội, cải lương, hát ví, hát dặm, hát đủ thứ gì gì… thời đó là tôi chịu thua, không thưởng thức nổi. Tới mấy năm sau, khi mới vào đại học là tôi mê liền nhạc Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương… và không bao giờ thắc mắc tại sao thời đó mình không thích cổ nhạc với dân ca.
Mẹ cô ta kẹt lại ở Miền Bắc thời kỳ 1954. Tôi không biết nên gọi bà cụ thế nào, vì chưa bao giờ phải xưng hô trực tiếp, chỉ nói đơn giản là “bác gái” khi nói chuyện với Thầy Ký – tôi quen gọi theo kiểu trong xóm, rằng hễ người làm công việc văn phòng như bố cô bé, là đều được gọi là Thầy Ký hết. Cho tới bây giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao gọi bác là Thầy Ký, mà không phảỉ là Thầy Hai theo lệ thường. Tôi đoán, có lẽ tên Thầy Ký là do bác hớt tóc đầu xóm đặt cho bác, thế rồi mọi người quen tên gọi luôn như thế. Cũng không chắc là bác hớt tóc, mà có thể là một bác nào ưa tới tiệm hớt tóc đánh cờ tướng, rồi gọi thế chăng…
Trí nhớ mù sương của tôi không bao giờ hiểu hết mọi chuyện thời này. Nhưng thỉnh thoảng, tôi vẫn tới nhà nhỏ Minh để ngồi đọc sách. Bố của Minh có tủ sách đặt khắp quanh nhà. Thực ra, lúc đó có thể thuê sách về nhà đọc cũng được. Ba tôi làm ở ngành Hỏa Xa, đi theo xe lửa thường xuyên, nhưng má tôi nghiêm lắm, bắt học liên tục, chỉ tới khi vào lớp mười (lúc đó gọi là lớp Đệ Tam) mới cho tôi đọc sách thoải mái vì trên trường buộc phải tìm đọc sách của Tự Lực Văn Đoàn và thơ, truyện thời tiền chiến.
Thích thú là những khi tôi ngồi trong nhà Thầy Ký đọc sách Tam Quốc Chí, tuy thời lượng không nhiều, chỉ khoảng nhiều là một giờ một ngày, vì còn phải ôm cặp chạy ù về nhà để vòng tay “Thưa má, con đi học về.”.
Khi đọc sách, tôi ngồi trong chiếc ghế gõ gụ màu nâu, bên kia bàn là Thầy Ký có khi ngồi im lặng khảy vài nốt đàn, có khi Thầy Ký cũng đọc những cuốn sách của Thầy – chữ Hán văn (hay chữ Nôm, có Trời mà biết), chữ quốc ngữ, hay Pháp ngữ. Chúng tôi chìm đắm vào thế giới riêng của mình.
Buồi chiều, nắng chiếu nghiêng qua cửa sổ, hắt lên những bàn ghế sách vở trong nhà làm mọi thứ trông y hệt như tranh cổ.
Những lúc đó, cô bé Minh đứng nấu cơm dưới bếp. Chỉ nhìn thoáng dưới bếp hình ảnh cô bé làm bếp, tự nhiên tôi thấy mình, tuy còn là nhóc tì lớp năm, nhưng cũng vào được một giai cấp thầy đồ. Nói giai cấp là không đúng, không chính xác, vì hai đứa là cùng năm học, nhiều phần là cùng tuổi… nhưng cái kiểu như thế là thế, con trai là phải cầm sách đọc.
Thỉnh thoảng, Thầy Ký lấy các bưu thiếp ra xem. Những con tem, những con dấu trên các tấm bưu thiếp, với chừng chục dòng chữ viết… Tôi quen thuộc lắm. Tôi nói với Thầy Ký rằng, ba cháu cũng có mấy tấm bưu thiếp thế này. Như thế, hoàn cảnh tôi cũng một phần tương tự với nhỏ Minh. Ba tôi người Hà Tĩnh, vào Sài Gòn từ lâu rồi, cho nên tôi sinh ở Sài Gòn. Còn cô bé Minh sinh ở Miền Bắc, do bố dẫn vào Nam hồi năm 1954.
Thầy Ký không nói chuyện nhiều, những khi tôi hỏi gì, có khi nhấp tách trà xong, một chặp sau thầy mới nói. Có lẽ, kiểu người Miền Bắc là thế, dĩ nhiên trừ cô bé Minh mới nói nhiều thôi.. Tôi đoán là Thầy Ký ưa thích tôi hơn những đứa trẻ trong xóm, vì không đứa nào được đặc quyền ngồi trong nhà Thầy Ký, để được cầm sách đọc say sưa như tôi.
Nói đọc say sưa là chưa nói đầy đủ. Vì tôi cầm những cuốn sách đó rất trang trọng, lật từng trang rất là khẽ khàng; ngay cả khi đặt sách xuống bàn, cũng đặt từ từ, chậm rãi như sợ những đoàn chiến binh cỡi ngựa của Quan Vân Trường rớt ra ngoài trang giấy. Không ai dạy tôi cách cầm sách như thế, nhưng chỉ là bắt chước Thầy Ký thôi.
Mấy ngày sau lần đầu gặp cô bé, tôi tự động leo cây và hái trái lê ki ma xuống, đưa cả rổ vào cho Thầy Ký. Cô bé đứng nhìn và cười. Tôi thấy hạnh phúc chiếu ngời trong mắt cô bé, dưới làn tóc cắt ngắn, một kiểu tóc được bọn nữ sinh thời đó ưa thích. Thầy Ký bảo rằng, đừng nên trèo cây, nhỡ té là nguy. Hôm sau, Thầy Ký làm một cây tre dài, nơi đầu có móc sắt và giỏ nhỏ, để ở góc nhà. Từ đó, tôi tự thấy có nhiệm vụ, hễ trái chín là ra hái cho Thầy Ký – và dĩ nhiên, cũng là hái cho cô bé.
Đôi khi, Thầy Ký làm những bữa ăn đặc biệt. Nghĩa là, thịnh soạn hơn bình thường. Hễ thấy trên bàn có chai rượu để sẵn, tôi biết hôm đó Thầy Ký có giỗ, hay mới nhận được bưu thiếp mới từ Miền Bắc, hay có chuyện gì đấy trong lòng, nghĩa là khác với ngày thường. Tôi đọc sách chậm lắm, đúng ra, tôi không bao giờ muốn đọc nhanh, vì vẫn lo sợ khi mình đọc nhanh quá, đọc hết sách cần đọc trên các tủ sách của Thầy Ký, rồi lấy cớ gì mà tới thăm nữa.
Sau này, tôi thấy niềm lo sợ đó có gì rất là tức cười, vì làm sao có thể đọc hết sách trong nhà Thầy Ký được.
Sau khi cô bé dọn cơm ra bàn, Thầy Ký bảo con bé, “Con mời anh Hải ăn cơm”. Tôi bây giờ cũng vẫn ngạc nhiên, tại sao Thầy Ký không đơn giản gọi tôi, mà lại bảo cô bé mời tôi ăn cơm.
Nhưng lúc đó, cô bé bước tới gần chỗ tôi ngồi đọc sách, đứng nhìn và cười, nói, “Ơi… ạ ơi”.
Trời ạ, làm thế nào cứ mãi gọi tên tôi như thế. Khi tôi ngẩng đầu khỏi trang sách (có rất nhiều lúc, tôi giả vờ cúi mặt xuống trang sách, vì không lẽ nhìn vào mặt cô bé trước mặt Thầy Ký), và gật gù.
Nhỏ Minh nói, tới bàn ăn cơm nhé.
Tôi đứng lên và nói, ừa, Minh này, phải ăn cơm chứ.
Sau này, tôi vẫn tiếc, những khi đó mình không nói được gì văn chương hơn, lịch sự hơn, đáng nhớ hơn. Cái chữ “ừa” nghe nhà quê thấy rõ. Cách biệt một trời một vực với cái tên cô bé gọi tôi là “Ơi… ạ ơi”.
Trong bữa cơm, cũng như hầu hết mọi khi, tôi rất kiệm lời. Chỉ nghe thôi, thế là đủ. Và bây giờ, cũng không thế nhớ đầy đủ là Thầy Ký nói những gì. Có khi ngâm hai câu thơ, có khi hát vài câu, trong khi cầm chiếc đũa cả gõ vào bàn. Có khi Thầy Ký đem cả ba chiếc đàn nguyệt xuống, để dưới ảnh Đức Phật và ngồi gật gù uống rượu. Lớn lên, tôi biết đó không phải là nghi thức tôn giáo gì hết. Khi Thầy Ký uống rượu xong, là đem treo đàn lên vách trở lại.
Phải chăng đây là nghi thức của nghệ sĩ dân gian Miền Bắc, tôi không hiểu.
Tôi cũng lạ, tại sao mình trở thành người duy nhất có vẻ như được Thầy Ký biệt đãi. Đâu có phải vì nhỏ Minh thích gì tôi. Chúng tôi chỉ là những đứa con nít sắp rời bậc tiểu học thôi. Hay phải chăng, hình ảnh tôi lúng túng bên cô bé làm Thầy Ký gợi nhớ những ngày mới gặp bác gái. Có Trời mà hiểu.
Một lần, tôi thấy Thầy Ký miệt mài đọc một cuốn sách. Tôi không rõ đó là sách chữ Hán hay chữ Nôm, chỉ biết là cổ tự. Lúc đó, tôi thấy mắt Thầy Ký không rời trang giấy, nhưng đưa tay lên cầm như muốn tìm lấy tách trà để nhấp. Gần như cùng lúc với cô bé, tôi bước tới, hai tay cầm tách trà trên bàn trao tận tay Thầy Ký.
Cô bé cười hạnh phúc, cầm bình trà xuống bếp pha thêm. Khi bước lên, cô nói với tôi, “Ơi… ạ ơi, nhớ tiếp trà cho thầy nhé”.
Người tôi bay bổng khi nghe như thế. Hôm đó, cô bé cũng cầm một cuốn sách lên ngồi đọc. Tôi ngửi thấy mùi giấy xưa cổ pha lẫn mùì trà thơm trên bàn, và thoang thoảng lẫn với mùi hương con gái. Nói thế nào cho dễ hiểu nhỉ… Nghĩa là, không khí lạ lắm. Một ông cụ ngồi đọc sách cổ, trong khi tôi đọc tiếp cuốn Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa – và tôi nhận ra rằng, tuy trang nào cũng gay cấn ly kỳ, nhưng ly kỳ gay cấn nhất là khi cô bé cầm sách lên và ngồi đối diện với tôi. Tôi có cảm giác như hình ảnh này không có thực, mọi thứ đều như mơ, từ nụ cười cô bé, cho tới ánh mắt, cho tới dáng ngồi đọc sách.
Khi ánh nắng chiều gần tắt, tôi đứng lên, xin phép về. Thầy Ký chỉ gật gù, mắt vẫn không rời cuốn sách đó.
Cô bé đứng lên, tiễn tôi ra cửa. Bước tới sân, cô bé nói với tôi, “Ơi… ạ ơi. Phải chi mình cứ ngồi đọc sách mãi như thế, thích nhỉ”.
Năm sau, nhà tôi dọn vào Chợ Lớn, để cho gần trường Trung Học Chu Văn An. Truyền thống lúc đó là, con trai vào trung học, phải ráng thi vào một trong hai trường lớn – hoặc Chu Văn An, hoặc Petrus Ký.
Cô bé thi được vào Trung Học Gia Long, kể như tiện đường, vì đi xe đạp trên đường Nguyễn Thông, vượt qua Kỳ Đồng, qua Yên Đỗ là tới ngã tư trường này rồi.
Tới hè, tôi đạp xe về thăm xóm cũ, mới biết Thầy Ký đã dọn nhà rồi. Lúc đó, cây lê ki ma trước sân đang mùa xanh trái. Tôi đứng dươì tàng cây lê ki ma và thấy gió trong sân lạnh dị thường. Tôi ra tiệm hớt tóc đầu ngõ, hỏi xem có ai biết Thầy Ký dọn nhà đi đâu, không ai biết cả.
Từ đó, lâu lâu tôi vẫn đạp xe quanh trường Gia Long để hy vọng có lúc nào tình cờ gặp lại cô bé; nhưng rồi vô vọng.
Tới bốn mươi năm sau, tôi chợt nhớ lại, và mới nghĩ rằng tôi có thể hiểu được câu nói của cô bé hôm đó, “Ơi… ạ ơi., phải chi mình cứ ngồi đọc sách mãi như thế, thích nhỉ”.
Than ôi, hiểu được thì đầu tôi bạc rồi, và người đã xa rồi. Hình ảnh trong trí nhớ chỉ là một cụ đồ gỉỏi nhiều ngôn ngữ, bên những chiếc đàn nguyệt, một bức ảnh Đức Phật, các tủ sách, và một cô bé Bắc Kỳ tuyệt vời.
Cô bé là mối tình đầu của tôi, và tôi là người có tên “Ơi… ạ ơi”.

__________________

Thiếu nữ trong ngôi nhà bệnh

Phải nhiều tháng sau, tôi mới biết cô nàng bị bệnh ung thư. Gần như là không ý thức, tôi từng nhìn những dãy chai thuốc đủ nhãn hiệu, thuốc viên, thuốc nước, thuốc bột trong ngăn tủ phòng nàng và hoàn toàn không thắc mắc hay có ý niệm gì về sự có mặt của chúng. Cũng thường thôi, có nhiều người vẫn thích để đủ thứ thuốc men thu thập nhiều năm ở một góc tủ như thói quen ở Việt Nam mà không bận tâm gì đến ngày tháng có thể hư hao chi cả, và nếu là trụ sinh thì càng dễ tính, cứ gom lại thật nhiều rồi sẽ gởi về nước cho thân nhân. Lại nữa, các loại thuốc mua từ toa bác sĩ thì chẳng ghi chú gì, chỉ có mấy dòng ghi tên thuốc và ngày uống mấy viên thôi, chẳng ai biết nổi là thuốc hay kẹo.
Nhưng càng lúc nàng càng xanh xao, nét mặt tái nhợt đi, buổi sáng, buổi chiều, buổi tối. Nói rõ các buổi như vậy vì thời gian đầu hai đứa gặp nhau, sắc mặt nàng thay đổi theo thời gian trong ngày. Buổi sáng tươi tỉnh, hồng hào, nàng rực rỡ, rạng ngời. Buổi chiều nàng ủ dột, buồn ra mặt. Và buổi tối nàng thường than mệt và đòi về nhà. Ðôi khi tôi chỉ hỏi, tại sao vậy, và rồi thôi. Không bao giờ tôi nghĩ cần phải vặn hỏi ai điều gì. Ðiều gì người ta không nói, thì mình không cần phải thắc mắc. Chơi với nhau là phải tin nhau, tin cả lời nói và phải tin cả sự im lặng, tất cả đều có những ý nghĩa gì đó. Vả lại nếu xét về vai vế thì tôi lớn hơn nàng nhiều chứ, cả về tuổi nữa, và người lớn thì phải có phong cách người lớn, nghĩa là biết tôn trọng cả những điều người thấp vai không nói. Tôi chỉ nói đùa là tôi không cần mua đồng hồ, vì chỉ cần nhìn mặt nàng đã có thể đoán được mấy giờ rồi. Thí dụ đôi mắt rực sáng như vậy, gò má hồng như vậy, nàng xông xáo như vậy, nhất định phải là trong khoảng bảy hay tám giờ sáng. Hay là khi đôi mắt bắt đầu trở nên xa vắng như đang hướng về một chân trời nào đó thì trời hẳn đã về chiều. "Tùy theo mức độ xa vắng của mắt em, anh sẽ gọi được giờ, thí dụ như bây giờ phải ước chừng là sáu giờ chiều," tôi đã nhiều lần nói với nàng như vậy khi ngồi ở quán Baron. Và khi nàng đứng lên đòi về, tôi gấp giấy tờ sách vở lại, thì mặt nàng hẳn đã nhạt ra, có khi những ngón tay còn run run nữa. Bấy giờ tôi lại đoán được là chín hoặc chín giờ rưỡi khuya.
Tôi nhớ, lần đầu tiên gặp lại nàng là ở trong quán Baron. Bấy giờ là chiều lắm rồi, tôi đang ngồi trong quán, lúc đó thật vắng, đọc những xấp bài vở, báo chí đủ loại thì cô nàng đứng ngay trước mặt tôi, gọi tên tôi và hỏi tại sao tôi lại xuất hiện ở vùng thủ đô tị nạn này. Tôi ngẩng nhìn lên, chỉ nhớ mang máng đã gặp nàng đâu đó trên đảo. Nhưng tôi chẳng mấy khi nhớ được những chuyện gì xảy ra hôm qua, huống gì là của nhiều năm trước. Cô nàng tự giới thiệu là có quen tôi khi còn trên đảo, và anh không thể nào nhớ mặt được những kẻ đứng thật xa và nói thật nhỏ. Tôi đã tự trách mình vô tâm và trả lời rằng, ai cũng có thể nhớ được một tên nổi tiếng ở dơ, lười tắm và làm đủ thứ chuyện lung tung cho đồng bào như vậy; tôi hơi ngạc nhiên nghe mình tự nói xấu cách hồn nhiên, và lại xin lỗi về trí nhớ của mình. Sau này tôi có hỏi lại anh Trung, người Ðạo Trưởng của tôi, thì anh cũng chẳng thể nhớ nổi cô bé nào như vậy cả. Có hàng trăm cô bé thế chứ, cậu nói thế làm sao tôi nhớ nổi, anh trả lời nhát gừng. Tôi đã trả lời, chỉ có một thôi, một cô bé kỳ dị như vậy đấy, với cả một pharmacy trong phòng. Có hề gì đâu, cũng như trong phòng cậu là đủ thứ sách thôi, anh Trung đáp. Chịu thua, tôi không bao giờ cãi được với ai.
*
Buổi chiều, khi chạng vạng tối, tôi thường đến Baron ngồi đọc, ghi chú và suy nghĩ về những điều phải viết. Cà phê ở đây thì đậm, uống vào có thể thức tới hai, ba giờ sáng, còn bánh mì thì có thể thay cơm được. Quán thường vắng vào chiều và tối. Ðiều hay nhất là không có nhạc vì quán thuộc loại bình dân. Tôi không ưa những quán nhạc ồn ào, đông đúc, mịt mù khói thuốc. Ngồi ở đây, nhìn qua những khung kính ra đường Brookhurst, nhìn buổi chiều, nhìn đêm, nhìn chiếc xe cà tàng của mình bên ngõ hẻm, rồi cúi xuống đọc trên những trang giấy, rồi có khi chạy tới nhà tên bạn hỏi han đôi chuyện hoặc vào bàn gõ lóc cóc dăm bài thơ cho nó đỡ mệt. Tôi đã có thói quen sống hạnh phúc được trong mọi hoàn cảnh, ngay cả khi bị gây rối vì chuyện tiền bạc hoặc cộng đồng.
Những thời gian về sau, nàng thường ra ngồi với tôi. Có khi hỏi chuyện chán chê, rồi lại im lặng, rồi lại đọc những xấp bài tôi để trên bàn, đủ thứ nhảm nhí, và có khi về Thiền, về chính trị, hoặc thứ gì cũng đôi chút nghiêm trang, vân vân. Rồi lại hỏi những câu không đâu vào đâu. Chẳng hạn như, "Làm thế nào để khỏi bệnh?" Lần đó, tôi đáp, "Tại sao cần khỏi bệnh chứ. Bồ tát bệnh vì chúng sanh bệnh cơ mà." Nàng đáp, "Hôm bữa anh khóc um xùm khi mới bị nhức răng sơ sơ, thì chúng ta đâu cần phải bệnh để hiểu được Kinh Phật." Tới những chỗ lý luận cụ thể về cuộc đời thì tôi lại im lặng, bởi vì thực sự tôi chẳng hề hiểu chi về cuộc đời cả.
Phải nhiều tháng sau, nàng mới nói cho biết có lẽ nàng sắp chết. Bấy giờ tôi mới ngẩng mặt lên khỏi mớ giấy tờ, ngạc nhiên nhìn nàng. Chín giờ tối rồi, một tiếng nữa quán sẽ đóng cửa, không còn ai trong quán trừ chúng tôi. Mắt nàng yếu đi, người nàng trước giờ vẫn gầy bây giờ như gầy thêm hơn. Ung thư à, tôi thắc mắc, lạ nhỉ, cái này cũng giống như xổ số đấy. Mặt nàng xịu xuống, ra dáng bé con hẳn, im lặng hồi lâu. Tôi vẫn không thể hình dung được cô bé đang ngồi trước mặt tôi hôm nào có thể biến mất trên đời này. Ngay cả nếu bây giờ cô nàng ngã xuống, lên cơn sốt trăm độ, ngay giữa quán này, đương nhiên là tôi sẽ ẵm cô nàng đi cấp cứu, nhưng vẫn sẽ không thấy chuyện này có thật tí nào. Tôi đã nói với nàng như vậy, thấy nàng vẫn mở to mắt nhìn như không hiểu, tôi giải thích thêm, từ lâu rồi anh vẫn thấy mọi chuyện trên đời chỉ là những giấc mơ thôi. Tôi ấp úng, thí dụ chúng ta đang ngồi đây, giữa quán cà phê vắng thế này, thì cũng không có gì là thật cả, chỉ là những giấc mơ thôi, thấy được như vậy, đây chỉ là những giấc mơ chúng ta sờ được và bơi lội trong nó thì em sẽ không bao giờ đau khổ, thắc mắc hay bận tâm. Em có đùa bao giờ đâu, nàng gắng gượng nói. Ừ thì không đùa, nhưng em phải tập Thiền và thể dục, anh sẽ dạy cho, dễ lắm, bệnh nào cũng chữa được. Lời tôi nói như tan vào không khí. Nàng không trả lời, nét mặt xanh nhợt nhạt.
Nàng ở trong một căn chung cư góc Brookhurst và Hazard. Buổi chiều nàng đi bộ ra quán ngồi chơi và nói chuyện với tôi, tới khuya rồi lại về. Làm thế nào cô bé sống được trên thế gian này nhỉ, tôi thắc mắc, lại ngay giữa cái thành phố đầy những xô xát, ồn áo, nhảm nhí này. Tôi thích nơi này biết mấy, cũng như mọi nơi trên trần gian này, chỉ vì tôi không thể ý thức được mình có thể ghét bỏ một nơi nào trong cuộc đời. Nhưng còn cô bé, cô nàng mỏng manh như một hơi thở, gầy như một que tăm, ngây thơ như một dòng chữ trong kinh Phật, và có vẻ như không bao giờ biết tới tuổi thành niên, làm sao có thể ngồi ngay giữa quán Baron này mà không hề sợ hãi. Cái món tiền tàn phế đâu có bao nhiêu. Tôi có thể sống được, và cả hạnh phúc nữa với không một xu dính túi, nhưng còn nàng, cô bé gầy gò dúm dó kia làm sao sống nổi giữa trần gian điên dại này.
"Em phải biết trần gian mình lắm bệnh, và đừng thắc mắc gì cả." Tôi giải thích một hôm như vậy và không biết có nên tò mò hỏi thêm về căn bệnh của nàng. Nhỡ như đó là một bệnh khó trả lời, thí dụ như ung thư vú hay tử cung chẳng hạn. "Em phải tập nói chuyện với hư vô hằng đêm, hằng ngày." Tôi băn khoăn không biết mình có đang nói những điều quá xa lạ với nàng chăng. "Cứ gọi tên nó ra mà hỏi chuyện, như một người bạn. Ðừng giận dữ bao giờ cả. Thì thầm to nhỏ. Khi nào nó hành đau quá thì thôi, tìm cách ngủ."
Cô bé mở một tờ báo lá cải và chỉ vào một bài quan điểm. "Sao người ta cứ gọi nhau ra đánh phá lung tung ha. Em thấy cuộc đời mình kỳ dị lắm. Anh đọc bài này chưa. Anh làm báo nữa làm chi."
"Anh chỉ có một điều bận tâm hiện nay thôi. Ðó là làm sao cho em và những người đi sau không bao giờ biết tới bệnh là gì." Tôi thò tay qua bàn, xếp tờ báo kia lại và ném qua bàn bên cạnh. "Cuộc đời lạ lắm. Chúng ta không bao giờ hiểu được. Ðể anh bổ túc một ý kiến hôm trước, chúng ta không những chỉ đang sống trong mơ, mà thực sự tự thân cũng chỉ là những bóng thoáng qua, ẩn hiện trong đó."
Cô bé nhíu trán. Thói quen này tôi không thích lắm. Một lần tôi có phê bình, em đừng tập kiểu nhíu trán cau mày ra dáng đăm chiêu nữa, có vẻ người lớn một cách không tốt. Bởi vì cau mày nhíu trán cũng không thể làm em trở nên nhà bác học được. Thế là suốt cả tuần lễ kế tiếp, cô nàng nhíu trán cau mày liên tục. Cũng may những thói quen như vậy nàng quên cũng rất mau. Lúc đó tôi tự nhủ, phải chi chứng bệnh nàng cũng thế thì hay biết mấy, muốn nhớ thì có, muốn quên thì đi, cuộc đời sẽ vui biết mấy.
"Em muốn anh tới đưa đón mỗi chiều ra quán Baron. Em không còn sống bao nhiêu ngày nữa." Cô bé một hôm nói nghiêm trang như một mệnh lệnh. Khuôn mặt nàng nhợt nhạt, xanh xao, hiện lên đôi mắt sáng nhìn thẳng vào tôi. "Em có thể đi bộ ra ngồi với anh được. Nhưng em muốn từ bây giờ anh phải đón em ra đây."
Tôi không thấy có gì để từ chối. Một hôm nào, cô bé rời khỏi cuộc đời này, rời những hệ lụy trần gian và sẽ vui vì những ngày hôm nay. "Chi vậy nhỉ," tôi vẫn cãi bướng, "em cần phải ngủ nhiều hơn là đi chơi. Nhất là ra đây lại khói thuốc, bụi bặm, có tốt đâu. Nhỡ thằng nào quăng lựu đạn vào đây thì lại hỏng. Cứ gối đầu vào pharmacy của em mà ngủ là tốt nhất."
Người cô bé như nhỏ lại, đôi mắt vẫn nhìn thẳng vào tôi.
"Mỗi ngày em phải hỏi anh khoảng ba câu hỏi về Thiền. Anh sẽ trả lời, em không cần hiểu, nhưng bắt buộc phải nghe và nhớ. Có như vậy anh mới đưa đi chơi, và mỗi ngày sẽ đón em ra đây. OK? Ðược ha." Tôi ra giọng thầy, "Vậy thì hôm nay câu hỏi nào đây?"
"Em đâu biết hỏi gì." Cô nàng giọng nhỏ lại, nhìn ra ngoài những khung kính. Tôi đoán nàng hơi mệt, bây giờ là trễ rồi, trời sụp tối ngoài kia. Tôi cũng không biết phải nói gì. Hình như có gì chận nơi cổ họng tôi. Cô nàng nói, giọng thật nhẹ, rất nhiều khi em buồn ngủ, như bây giờ chẳng hạn, nhưng cứ sợ sẽ không bao giờ thức dậy. Cũng có khi đau, đau cả người chứ, nàng vẫn nhìn ra những ngọn đèn đường. Ðau đớn lắm, như bây giờ chẳng hạn, nhưng em muốn anh thăm em mỗi ngày...
*
Bây giờ thì tôi biết nàng bị ung thư tử cung. Cũng lạ, vì chứng bệnh này thường xảy ra cho người lớn tuổi. Một lần nàng vào nhà thương Anaheim nằm cả tuần lễ. Mỗi chiều tôi đều vào chơi bên giường bệnh với nàng. Tôi đọc đôi tin vớ vẩn về Việt Nam, giả vờ lướt qua vài bài thơ cho có lệ, thơ dở lắm, chẳng thấy bài nào hay cả, tôi cứ gạt qua như vậy. Em tập thở đi, cũng đỡ mệt hay đau đớn chẳng hạn. Nàng gầy hẳn đi, hai gò má nhô xương ra. Giọng nàng thì thầm, anh không nên nhìn em trong hoàn cảnh này. Nàng nói nàng chẳng ưa tí nào bộ đồng phục màu xanh của nhà thương. Tôi ngồi bên cạnh và đọc thầm bài Ðại Bi Chú. Không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra ngày mai, tôi nhìn những ống thuốc bên giường nàng. Tôi siết chặt tay nàng dưới tấm ra giường. Tay em toàn là xương, làm thế nào có lại thịt da như ngày xưa nhỉ, tôi bùi ngùi suy nghĩ. Sau lần mổ này, sức cô bé sẽ yếu hẳn, bác sĩ nói với tôi như vậy. Người bác sĩ già tóc trắng người Mỹ giải thích với tôi về cách gìn giữ sức khỏe hằng ngày cho nàng. Ông ta có vẻ hiểu lầm như chúng tôi là tình nhân, hoặc một kiểu như đang sống với nhau.
"Thuốc ấy à, cô ấy cần cả một pharmacy đấy. Nhưng rồi cũng sẽ chẳng đâu vào đâu." Gibson, người bác sĩ già lắc lắc đầu. Từng mảnh tóc trắng bay trên đầu, ông đứng giữa hành lang sạch bóng và thơm mùi nhà thương giải thích.
Nhà thương cách thư viện công cộng hai block. Suốt ngày tôi ngồi đọc và viết trong thư viện, chờ tới bốn giờ thì vào thăm nàng. Nhưng những ngày này trôi qua thật chậm, tôi không đọc được nhiều và cũng không viết nhiều. Máu lười cũng nổi lên rồi, tôi tự khiển trách như vậy. Nhưng cũng không phải, tôi nghiệm ra mình không tập trung tinh thần được. Tôi nhớ tới những ngày mẹ tôi sắp mất. Những ngày ấy tôi vẫn không bao giờ nghĩ rằng mình sắp xa mẹ. Chuyện gì với mình cũng là chuyện bất ngờ, tôi tự nghĩ. Nhưng còn chuyện này, cô bé hẳn là sắp rời thế giới này rồi, tim tôi thắt lại khi nhớ tới lời bác sĩ. Y học không tiên đoán được gì thêm cho những trường hợp này, cách nói ông dè dặt.
"Mr. Gibson, ông nghĩ rằng bao giờ nàng đi," tôi ngập ngừng hỏi.
"Cứ giả thiết là vài năm nữa chẳng hạn, cũng có thể là vài tháng. Tốt hơn hết là cứ bình tĩnh chờ thôi. Nhưng còn phép lạ nữa chứ. Chúng ta phải tin vào những điều không hiểu được." Ông nói chậm rãi, gật gù, đôi mắt xanh nhìn tôi như chờ đợi một phản ứng.
Tôi đã trả lời rằng tôi tin vào phép lạ, bởi vì cuộc sống tự nó đã là phép lạ. Tôi ngạc nhiên nghe giọng mình rất mực bình tỉnh.
*
Nếu chúng ta không thở nữa
không thấy được bầu trời xanh trên kia
không nắm được tay nhau trong đời này
và câm lặng đời đời dán lên môi
hãy tin vào...

Bài thơ tôi làm được mấy câu, cũng dở dang. Tôi đọc khi nàng ra viện. Căn phòng em tự nhiên thân thiết hơn, nàng nói khi tôi đưa nàng về. Về lại cái pharmacy này vui hơn, tôi kiếm chuyện để nói. Bình thường tôi thuộc loại ít lời. Vài ngày sau, nàng mới nhớ là tôi có đọc bài thơ nào đấy cho nàng. Bài thơ anh làm đó hả, cô nàng hỏi. Ừ, thơ dở lắm, đừng nhớ tới nó nữa, tôi lầu bầu. Anh có cả trăm bài như thế đấy, đừng bắt anh làm thơ, chẳng ai khen cả. Có em khen chứ, em thích những bài thơ như vậy, nàng biện hộ. Ừ thôi quên đi, anh năn nỉ mà.
Khi hơi khỏe khoắn một chút, cô bé lại đòi ra quán Baron chơi mỗi chiều. Chi vậy, tôi tìm lời ngăn cản, ở nhà cho chóng khỏe. Ngoài kia đầy khói thuốc đấy. Em thích ngồi nhìn buổi chiều, vả lại em thật sự không bệnh, nhưng chính là cuộc đời bệnh, cuộc đời làm em bệnh. Tôi đùa, không phải em bệnh, đúng không, mà là ngôi nhà bệnh chứ gì. Cô bé gật đầu, dáng như hiểu mọi lời tôi nói. Chúng tôi bật ra cười. Tôi nói thêm, em không biết rằng buổi chiều làm em mệt sao, mặt mũi cứ nhợt nhạt ra, ai cũng biết là bệnh cả. Vả lại, bây giờ em cần phải mập ra một tí. Nàng xịu mặt xuống, em lúc nào cũng toàn xương cả, làm sao mập nổi. Tôi im lặng. Nàng hỏi sang chuyện khác, lúc này báo chí còn chống phá lung tung nữa không. Có trời biết họ đang làm gì, trần gian mình lắm chuyện lắm, tôi nói trong cách để nàng khỏi suy nghĩ. Anh nhà báo, anh biết chứ, cô bé trở giọng bướng bĩnh. Câu hỏi thứ nhất về Thiền em chưa hỏi mà, tôi vặn lại, thôi ngủ đi nghe chưa. Tôi kéo mền phủ khắp người nàng.
*
Tôi ngồi trên sàn nhà sắp xếp những bề bộn sách vở, áo quần của nàng. Ðôi con búp bế nhựa thò đầu giữa đống lung tung ấy, tóc vàng, mắt xanh, biết nhắm mắt, mở mắt. Tôi nằm lăn ra giữa phòng ngủ vì mệt, tay còn ôm hai con búp bê vào ngực. Buổi sáng thức dậy, nàng đang pha cà phê. Tôi xin lỗi vì ngủ quên, đáng ra anh nên về nhà, những người chung quanh có thể nói những lời không tốt. Nàng bảo không sao, em cũng sắp theo ông Phật rồi, chẳng ai thắc mắc đâu, mắt nàng vẫn nhìn tôi thăm dò. Tôi bảo, cuộc đời nhảm lắm, họ bịa chuyện lung tung cho coi. Nàng bảo, anh cứ giải thích thì họ phải tin thôi. Tin cái gì nhỉ, tôi băn khoăn, nếu đêm qua em thôi không thở nữa, họ sẽ bảo gì đấy, chẳng hạn như anh rape em, hay là lảm nhảm gì đấy. Cô bé đem ly cà phê đặt trước mặt tôi, ẳm lên hai búp bê nhựa, nói như với búp bê, chẳng sao cả các em nhỉ. Tôi không biết nói thêm gì cho rõ hơn, em nghe này, thí dụ đấy, họ bảo là chúng mình làm tình thì chẳng tốt cho em tí nào. Nàng mở to mắt nhìn, nhưng mình có đâu, mà họ nói thì có sao đâu. Tôi nhún vai và đứng dậy ôm nàng vào lòng. Nàng chỉ là một đứa bé không bao giờ lớn. Nàng tựa đầu vào ngực tôi, em không còn bao nhiêu ngày sống nữa. Tôi nói, em chỉ là đứa bé sáu tuổi. Nàng bảo, còn anh là sáu tuổi rưỡi, mắt nàng vẫn ngẩng nhìn lên, tay bấu chặt vai tôi.
Từ đó, thỉnh thoảng tôi đến ngủ phòng nàng mỗi khi lười về nhà hoặc có khi để làm nàng vui. Tôi không nằm trên sàn nhà nữa, nàng dạy tôi mở chiếc ghế sofa ra làm giường. Cũng hơi phiền vì phải dùng một tí sức và sự khéo léo để mở được các lò so sắp rỉ sét bên trong ghế. Nhiều ngày lên được phòng nàng, tôi trải túi ngủ ngay trên sàn nhà và chui vào ngủ. Cách này tiện hơn dù nàng cứ lầu bầu hoài. Tôi ngủ ở đây tiện cho việc ăn uống của tôi. Và đôi phần cũng tiện cho sức khỏe của nàng. Nàng bảo, ngủ một mình em sợ lắm. Sao lại sợ nhỉ, tôi giải thích rằng tất cả những nỗi sợ đều không có thực. Em sợ đau đớn, và đôi khi sợ chết nữa. Nàng nói nàng cảm được nỗi đau len vào từng bắp thịt, thắt các cơ lại và di chuyển qua lại dăm nơi trên cơ thể nàng. Còn sợ chết nữa, nàng nói thật nhanh, em sợ không thấy anh nữa. Nếu em tập được không suy nghĩ gì cả, tôi giải thích, thì sẽ không bao giờ thấy được gì là sợ hãi với lo lắng. Nàng có vẻ không tin bao nhiêu vào những điều như vậy.
*
Có đôi tên nhà báo bắt đầu thắc mắc về hành động của tôi. Họ xì xầm đôi điều và tôi nghe lại từ những nguồn khác. Khi tin này được diễn dịch qua mấy bà vợ của họ thì càng nghiêm trọng nữa. Tôi bảo với một tên bạn thân của tôi, làm sao đính chính bây giờ, tội nghiệp cho cô bé chứ. Tên này thuộc loại cũng chẳng bận tâm chuyện gì trên đời, hắn chỉ gật gù bảo kệ. Tao chỉ ngồi canh bệnh cho cô bé thôi, ai cũng có thể đoán như vậy, tôi nói. Thế mày cũng nghĩ rằng tao làm tình với cô nàng à, tôi có vẻ hơi quạu quọ khi phải nói như vậy. Biết làm sao được, hắn bảo để hắn giải thích cho những nguồn tin kia im đi. Tôi chỉ hy vọng cô bé không nghe gì cả. Nếu tôi biết có ai nói gì với nàng, tôi sẽ vặn cổ hắn ngay.
"Phòng cô bé là một pharmacy, còn tao là người canh bệnh. Hiểu chưa?" Tôi đứng lên và nói gằn với tên bạn như vậy trước khi về.
Thật sự thì như vậy. Tôi đã sống đơn giản như vậy. Tôi chỉ là kẻ săn sóc trần gian này, và trước tiên là cô bé. Thế thôi.
Bệnh nàng càng lúc càng nặng. Mùi thuốc lúc nào cũng bốc lên ngợp cả phòng. Ban đêm nàng thường trằn trọc, bật đèn dậy đọc sách, hoặc pha thuốc uống. Nàng nói, nỗi sợ của nàng càng lúc càng tăng. Tôi nói biết sao bây giờ, cứ thở đều đặn rồi sẽ ngủ quên thôi. Nàng nói có khi đau quá, cứ nhìn thấy những hình ảnh dữ dội hiện ra trước mắt. Tôi hỏi hình ảnh gì. Nàng nói hình ảnh trong những cuốn sách về ma quỷ hay địa ngục gì đấy, đủ những thứ nàng từng đọc hồi nhỏ. Tôi nói, khi nào em sợ cứ bật đèn lên đọc sách, đừng lo anh mất ngủ, vì anh có thể ngủ được trong mọi điều kiện.
Suốt tuần như vậy, nàng than thở về sợ hãi, về sự chết. Tôi cứ nằm vật ra trên sofa, giữa sàn nhà bề bộn đủ thứ, bóp bóp hai con búp bê cho nó kêu những tiếng oa oa cho nàng vui, rồi lại nói lảm nhảm về mọi chuyện trên đời cho tới khi hoặc nàng ngủ quên hoặc tôi gục đầu vào đống sách vở thiếp đi.
Thời gian sau này chúng tôi không ra quán Baron nữa. Lý do chính là không có tiền. Tiền tem thư và điện thoại của tôi còn nhiều hơn tiền chợ. Tôi còn phải tiết kiệm sức khỏe của nàng nữa chứ, đi đứng nhiều chỉ mệt thêm. Phòng làm việc và nơi ăn ngủ của tôi bây giờ là ghế sofa của nàng.
*
Một chiều, nàng bảo tôi đưa nàng đi chơi. Tôi chở nàng ra Laguna Beach, vào các shopping mall và trở về khi đêm xuống. Nàng nói muốn vào Baron uống ly cà phê cuối cùng. Tôi ngạc nhiên hỏi sao lại cuối cùng. Mặt nàng tái xanh, gầy nhợt nhạt. Tôi cũng chìu nàng và nói sẽ làm mọi chuyện trên đời này để làm nàng vui. Khi ngồi trong quán tự nhiên nàng chảy nước mắt. Tôi hỏi sao vậy. Nàng nói buồn ngủ. Em không còn đau đớn nữa, nhưng buồn ngủ lắm, tự nhiên buồn ngủ dễ sợ. Và nàng gục đầu lên bàn, nước mắt còn ngấn mi và nói để em ngủ. Tôi trả tiền và dìu nàng vào xe đưa về. Tôi phải ẳm nàng lên cầu thang. Nàng nhẹ như bông. Ðầu gục vào ngực tôi, mắt nhắm lại, nét mặt dịu dàng. Tôi nghe như tiếng thì thầm khi đặt nàng xuống giường, em không sợ nữa, không sợ gì nữa. Tay nàng vẫn níu chặt ngực áo tôi. Trên khuôn mặt nàng hiện ra một vẻ bình yên làm tôi vui. Nàng trở người và ôm chặt lấy tôi, đầu dúi vào ngực tôi. Tôi kéo chăn đắp và ôm nàng ngủ. Sáng hôm sau nàng không thức dậy nữa. Ðôi mắt nàng không bao giờ mở ra nữa. Giọt nước mắt trên mí đã khô, nhưng nụ cười vẫn còn tươi. Sau này, một người bạn bác sĩ cho biết những người bệnh ung thư chết thường rất là đau đớn, vật vả. Tôi không nói gì về cái chết bình yên của nàng, tôi không thích nói những điều riêng tư. Tới bây giờ thường khi mỗi khi trở giấc, tôi vẫn cảm thấy nàng đang dúi đầu vào ngực tôi, gối đầu vào vai tôi, tóc nàng còn thơm mùi chanel vương vất trên mặt tôi, vòng tay nhỏ nhắn của nàng vẫn ôm chặt tôi. Mỗi khi cảm thấy như vậy, tôi lại đọc thầm ba biến Ðại Bi cho nàng. Chúng tôi chỉ là những đứa trẻ trên trần gian này. Và nàng, cô bé kia đã một thời sợ hãi cuộc đời và nay đã đi xa, thật xa. Còn gởi lại nụ cười. Thật tươi. Ngay cả khi đôi mắt đã khép vĩnh viễn.
*
Nhiều tuần sau, một chiều tôi trở lại Baron, ngồi đúng nơi bàn chúng tôi thường ngồi. Ngoài trời bắt đầu tối. Tôi nhìn qua những bàn trống và chợt nhớ lời nàng một hôm, chúng ta đang trong ngôi nhà bệnh. Nơi này có bệnh? Tôi không biết. Chỉ biết tôi đang nhớ nàng kinh khủng, nắm giẻ rách thơm mùi bệnh viện của tôi. Khi đưa tay vào túi lục tiền, tôi thấy lại mảnh giấy hôm trước ghi bài thơ. Tờ giấy nhăn nheo, rách bèo nhèo. Tôi không dám mở ra đọc lại, chỉ nhét vội vào túi. Và khi đứng dậy ra về, tôi đi như chạy.

__________________

Phan Tấn Hải, người tới như mộng

Nguyễn Thị Khánh Minh

Người Tới Như Mộng. Là tựa một truyện ngắn của Phan Tấn Hải. Tôi mượn để làm đề cho bài viết này. Những truyện ngắn và tản mạn của ông tôi đọc qua báo giấy và các web Việt Báo,Thư Viện Hoa Sen, khi gặp tựa đề này thì thốt nhiên tôi nghĩ rằng, A, đúng rồi, Phan Tấn Hải, Người Tới Như Mộng… Tôi nói thế có gì sai với một người tu hay không tôi không biết, nhưng tôi thấy yên tâm. Vì trong một e-mail gửi cho tôi và nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ, ông có nói, “… Cho nên rồi cũng phải bỏ hết tham sân si (hiểu là sẽ tới lúc bỏ hết truyện, thơ?) để về ngồi tụng kinh, thí dụ ngồi uống café với hai bạn sáng mai cũng là tụng kinh vậy…” Vâng, lúc tôi tập trung nghe ngóng cảm xúc từ không khí lời của ông, tôi thấy mình thật sự lọt vào tợ thiền cảnh. Tôi tan nơi riêng bặt của tâm mình, như thể từ những lời những hình ảnh kia là một tấm gương phản chiếu cho tôi thấy tường tận hơn, cảm xúc sâu thẳm của tâm hồn vắng lặng. Hình ảnh ấy nó thiện mỹ làm sao, ý tứ ấy nó đánh thức cái tâm ban sơ người ta đến vậy. Và lời ấy chính xác là phản xạ của nhịp trái tim, không chút nào là sản phẩm của lý trí. Thế mới nói cảm động được người đọc, như tôi đây. Đó không thể nói được là tôi cũng đang tụng kinh hay sao? Nếu lỡ có gì sai phạm với Chánh Pháp, xin dành cho tôi chút suy nghĩ rằng tôi là người đang chập chững theo ngón tay soi sáng chỉ đường kia…
Tôi không thể cắt nghĩa một cách thật rõ, vì sao tôi gắn cái hình ảnh Người Tới Như Mộng với Phan Tấn Hải. Chỉ trực nhận như thế khi tôi đọc một loạt những truyện ngắn, tản mạn của ông, ở đó chữ ông lấp lánh cái nhìn tinh khiết, những hình ảnh thoắt ẩn thoắt hiện, những con người đến đi như sương khói, rồi tất cả nhập vào phút giây khép nhẹ viền mi, để nhịp tim lắng theo trầm trầm tiếng cầu nguyện, ngày và đêm. Rất đẹp. Nên là Mộng. Đến nhanh. Thiết tha. Tan mau. Ung Dung. Nên là Mộng. Là ông, hay văn ông. Cùng là Mộng. Cái dáng ấy lừng lững đến, ngồi đấy, và như những nhân vật của ông, sống với từng phút giây, rất thực, nhưng rồi sau đó khi ông đứng dậy đi, thì như thể một ảnh ảo xóa nhòa, đến nỗi tôi bâng khuâng, có thực có người ấy đã đến và ngồi đấy không, và những lời của ông đã như nắng biến mất trên mặt thềm, chỉ ly café óng ánh một màu đen có thực. Cảm giác ấy nó tự nhiên mà có, nên mới nói Người Tới Như Mộng. Đúng như ông đã viết “Những người như mộng, như thật. Những người đã tới để cho tôi thấy đời này như mộng, như thật. Họ tới để nói rằng cõi đời này là bất khả nghĩ bàn, nói mộng cũng hỏng, mà nói thật cũng sai.”
Thế nên đầu tiên, tôi xin cảm ơn ông với nghệ thuật ném tất cả vào mộng để nhắc nhớ phù du.
Nhà văn Phan Tấn Hải, cũng là cư sĩ Nguyên Giác. Với tôi, những tác phẩm của cư sĩ Nguyên Giác, tôi chỉ biết dựa cột mà nghe, mà học hỏi. Những tác phẩm ấy đã chứng tỏ được giá trị và lợi ích của nó về cả hai mặt Phật Học cũng như Văn Học. Ở đây tôi chỉ muốn nói đến một Phan Tấn Hải, người nhìn cuộc đời qua lăng kính trái tim mẫn cảm của một nghệ sĩ. Nên những trích dẫn chỉ là bước chân của tôi đi theo những mũi tên chỉ đường của cảm xúc, để tìm đến, có thể là một kho báu, hay một khu vườn có phép mầu của những loài hoa, hoặc giả chỉ là hư ảo một chân trời bao la đang tan dần theo ánh mặt trời lặn…
Phan Tấn Hải có lối cấu trúc truyện hư hư thực thực, không gian lẫn thời gian, cái hấp dẫn của nó là bắt đầu từ mấu chốt thực, rồi lan man đi vào mơ, rồi tan như ảnh ảo. Một bút pháp không bút pháp, chỉ giản dị như nghĩ tới đâu thì kể tới đó, không kỹ xảo, không hoa mỹ, nhưng văn có hấp lực ở chỗ chữ vô cùng bình thường nhưng sức chở thì sâu xa, độc đáo. Nhân vật “Tôi” của ông, nhìn, nghĩ, phản ứng, như có gì ngây ngô, (có một anh bạn của tôi đã dùng chữ này khi nói về ông “ngây ngô một cách khiến người ta phải nhìn lại mình”) Tôi cũng đồng ý cái nhân chi sơ ấy ở ông. Một ngây ngô không dễ gì mà có nếu không có tâm thiện, một tính lành, một nếp nghĩ, biết trong sáng, một lối hành xử của người có trang bị cho mình một sức mạnh của tu tập. Một Ngây Ngô viết hoa mà nghĩa của nó đẹp như nghĩa của Ban Sơ. Cái ngây ngô để chống đỡ với vô cùng giảo hoạt nhiễu nhương cảnh đời. Phải tập vứt bỏ thế nào để có được cái ngây ngô ấy? Thế mới nói Người Tới Như Mộng.
Đọc những truyện như thế của ông, chắc không chỉ mình tôi, đều có cảm giác hoang mang tự hỏi, chuyện đó nó có xẩy ra không trên chính những trang chữ ấy? nói chi đến có thực không ở đời. Giống như thể ông đang vẽ hình trên cát, mỗi hình vừa xong lại xóa đi, rồi lại tiếp một hình khác. Rồi chính người vẽ cũng tự xóa mình, để người xem ngẩn ngơ với cảm xúc, buồn đeo mối cảm hoài, cho nên ngẫm ra đâu cần thiết phải hỏi, có thực chứ? Vậy mà theo thói thường, tôi đã hỏi ông một câu ngu ngu buồn cười như thế. Ông trả lời như có như không, Người Tới Như Mộng…
Ở đây không dính chút gì gọi là “đọc sách” cả, tôi chỉ muốn nói cảm xúc của tôi trước một cái nhìn nhân bản về nhân sinh, những khắc họa rất lạ về hình ảnh, những lời văn đẹp của ông -cái đẹp mặc khải bí ẩn của những vân gỗ không tô chuốt, của cảnh vật hoang sơ, của khuôn mặt mà ánh sáng được tỏa ra từ hòa ái ánh mắt và nụ cười giản dị-. Chính vì thế mà những chuyện, như ông nói là chuyện tình, thì đó dường như là những chuyện tình đẹp nhất máy động đến mấy thức của tâm linh. Mặt khác, nó là một thông điệp về giá trị thực của hạnh phúc, về quí báu phút hiện tiền, phải chăng nó được nhìn, được hành xử bởi tâm của một người tu? Điều này tạo nên một nét khác biệt lạ lẫm ở truyện của Phan Tấn Hải. Đối với tôi, còn có thể học thêm từ đó nghĩa rất gần gũi của Phật Pháp, không phải là điều gì cao xa, là từ chính tâm mình. Trong giới hạn của một người đang từng bước lẫm chẫm học Phật, tôi giản lược mình chỉ với tư cách một người đọc để được tung hoành với cảm xúc riêng khi đọc truyện của ông.
Sáng nay, trong cái vươn mình khoan khoái của cây lá sau trận mưa, trong nỗi phơi phới của tấm lòng chờ đón, tôi trang điểm. Đầu ngày mở ra bằng nụ cười có màu son, mẹ tôi bảo, môi con nhợt nhạt lắm, nhớ tô chút son. A, màu son, nó làm mặt mũi phụ nữ tươi tắn, và không ngờ nó là một vệt sáng lung linh trong dòng sông tâm hồn của ai đó, như trong câu truyện này.

VẾT SON ƠI, QUÊN NHAU LÀ CHUYỆN KHÓ
Có thể nói, kiểu gió thoảng của mối tình -nếu có thể gọi như thế- hai nhân vật trong đó là ngọn gió đầu mùa chứa đầy năng lượng của sự bắt đầu và thốc tới tâm hồn ta với vận tốc ánh sáng. Tôi không nói quá đâu, đó là kinh nghiệm tôi trải qua khi đọc xong đoạn cuối, nỗi cảm động như tiếng chuông ngân nga trong lòng tôi khi tôi tưởng tượng một người ngồi cầu nguyện trong ánh nắng sớm mai. Cái buồn, mất, xa, không tồn tại trong tâm người viết, chỉ là tự nhiên nói về một tâm trạng hiện hữu. Nhưng sao đọng trong tôi một man mác không rời được của nỗi mơ hồ.
… Tôi không nhận được tin gì về nàng nữa, từ đó. Tôi vẫn cầu nguyện cho nàng khi bắt đầu các buổi thiền tập hàng ngày. Và biết rằng, sẽ rất lâu, sẽ còn rất lâu, hình ảnh nàng mới nhạt đi trong tâm mình. Kể cả vết son.
Chuyện của vết son kết thúc như vậy. Nhưng hãy nghe cái ban đầu của họ.
… Hình ảnh cô bé chân trần nhảy cò cò ngoài sân cũng hiện lên trong đầu tôi. Tôi tự nhủ, có lẽ, người ta không cần tới thuyền để qua dòng sông sinh tử đâu, cứ mãi nhảy cò cò trong chiếc sân cát tuổi thơ cũng sẽ qua bờ. Tôi nghĩ thế, nhưng không chắc là Phật pháp có ý nào như thế. Chỉ có điều khó hiểu, vì sao những bước nhảy cò cò cứ mãi in sâu trong hồn mình như thế.
… Thực ra, hễ nghĩ tới Mai, tôi vẫn tự nhiên nhớ mơ hồ rằng hồi nhỏ, từ khi còn rất nhỏ, nàng đã ưa đi chân trần … Suýt nữa là quên nói bí mật này: tôi thích nhất là nhìn thấy hình ảnh “con bé Mai” khi làm xong các thứ, là đứng dậy nơi sàn xi-măng, nghiêng người, một tay túm nơi đầu gối hai ống quần, và tay kia cầm chiếc thau nhỏ múc nước tưới vào hai bàn chân rồi chải hai bàn chân vào nhau cho sạch cát đất.
… Sau này đọc Kinh Phật, tôi nghĩ ra rằng chuyện mình ưa ngó hình ảnh nhỏ Mai nghiêng người rửa chân được sách gọi là “tùy phiền não” – nghĩa là, niệm cứ khởi đi, khởi lại về một thứ gì đó. Những khi nhớ ra như thế, tôi lại như mỉm cười, khi nghĩ rằng, có thể, và có lẽ, nếu một hôm nào đó, tôi đưa tay nắm lấy bàn chân của nàng, và khi tay nhận ra bàn chân nàng đầy xương xẩu gầy gò, hẳn là sẽ không bao giờ khởi lên các thứ hình ảnh như thế nữa. Cũng chẳng biết nữa.
Dường như cũng bằng những bước cò cò ấy, nàng gặp lại chàng. Quá khứ và hiện tại nối nhau chỉ vài bước nhẩy cò cò con trẻ, nắng thời ấy đem cái trong suốt đi theo, cổ tích hóa mọi điều, kể cả không gian một tiệm kem Pasadena,
… Thời đó, cũng cần nói rằng, chưa hề có smartphone gì cả, cho nên mọi thứ bấy giờ đều đơn giản như cổ tích. Đúng vậy, chuyện y hệt như cổ tích: hình ảnh cô nàng ngồi với tôi trong một tiệm kem ở Pasadena, vào buổi chiều vừa nghe pháp từ ngài Đạt Lai Lạt Ma. Tôi nghĩ, chỉ thiếu lá vàng rơi thôi, là thành một cuốn phim lãng mạn…
… Từ pháp hội Pasadena tới khi tôi viết những dòng này cũng đã mười mấy năm rồi, nhưng hình ảnh nàng vẫn đôi khi thoang thoảng hiện trong mơ, trong trí nhớ tôi mơ hồ như khói, phả lên một cặp môi son không đầy đặn, và đôi mắt nàng đầy các nỗi xao xuyến về cuộc đời
…Chưa thấy cái nghe nào đẹp từ một đôi mắt như vậy.
Tôi chợt thấy một sợi tóc bạc bên viền tai bên trái của nàng … Tôi nhìn vào mắt nàng, nói như thì thầm rằng đây là thơ Neruda nhé, “Tình yêu thì quá ngắn, quên nhau lại quá dài …Love is so short, forgetting is so long.”… Tôi lại thấy vài sợi tóc bạc trên đầu Mai. Tôi tự thắc mắc, không lẽ chỉ trong vài phút, tóc bạc mọc nhanh như thế; hay hồi nãy, mình nhìn nàng không kỹ...
Ngẩn ngơ, tự hỏi có không thời gian họ ngồi với nhau, và trong chớp mắt hay dài theo thời gian để sợi tóc bạc đi?Hồi nãy là hồi nào… Chi tiết mang mang vô vi này khiến cả câu truyện lãng đãng mơ hồ như sóng vừa tới xóa những vết chân. Thôi hãy nói về vết son.
… Tấm thiệp chỉ có hình một dòng sông, và chiếc ghe không người đang neo nơi bờ.
Tôi nhìn dòng sông mở ra trên tay nàng. (hình ảnh đẹp, rất lạ trong mô tả này)
Mai đưa tấm thiệp lên môi nàng, in làn son trên môi vào trang trắng trong thiệp, rồi đưa cho tôi. Tôi cầm thiệp, chưa kịp nhìn kỹ, đã thấy nàng quay lưng, bước vội ra ngoài cửa tiệm sách. Tôi nói vói theo, để anh tìm tập thơ cho Mai đã… nhưng nàng đã mất hút ngoài cửa. Tôi cầm tấm thiệp có vết môi son, tới xếp hàng nơi quầy, chờ trả tiền. Khi bước ra, nàng đã như biến vào hư vô.
… nàng đã mất hút ngoài cửanàng đã như biến vào hư vô…, không gian ấy chỉ còn là ẩn hiện của màn sương, và thời gian chỉ còn thỏ thẻ sự hiện hữu của nó nơi vết son…, nhưng tôi biết nó sẽ theo con thuyền trôi dần vào con sông hư ảo kia, … Tôi đặt tấm thiệp môi son, dựng đứng trên bàn, nhìn thấy vết môi son mở ra. Gió từ phố Bolsa tạt từ cửa sổ vào. Người tôi run rẩy, cái lạnh này còn hơn là cái lạnh trăm sông nghìn núi, tôi nghĩ.
… chờ em, chờ em son nhạt môi, ta lạnh buốt bên sông … Hình ảnh nàng hiện lên trong dòng chữ đó. Hiện lên trên vết son môi nàng để lại trên tấm thiệp, trên đó chiếc thuyền không người lặng lẽ bên sông. Và để lại trong hồn tôi. Ngày và đêm.
Câu chuyện luôn gây cho tôi mỉm cười, nhưng cuối cùng, đọc xong tôi chỉ biết ngó lung vào ngõ nhỏ đang cong lên theo con gió lạnh cuối mùa. Cơn gió đầu mùa của họ cũng dường như tiên cảm một điều, tôi và Mai hệt như các nhân vật trong cuốn truyện cổ tích nằm ở các trang cách biệt, khi trang sách này mở ra, là trang sách kia khép lại,nhưng tiếng động những trang sách là âm vang của đời người, và lặn vào trong lời cầu nguyện tĩnh lặng của thời kinh sớm…

MÀU NẮNG RỰC SÁNG
Một ngày chan chứa nắng sau ba hôm mưa dầm, nắng, trông lại càng mới dù lúc nào nó cũng mới, trong một tản văn tôi viết năm 2012 về nắng ở miền nam Calif., “cái mùi nắng ấy… như ngọn rễ non cho tôi bám vào vùng đất còn đầy xa lạ này… ngày đầu tiên tôi đến đây… tôi nhớ mình đã thốt lên, y chang nắng ở nhà, vàng mật trưa Sài Gòn, thơm mùi biển Nha Trang, màu và hương của quê nhà cùng rưng rức trong óng ả mùa hè Calif. hỏi sao mà tôi không ngất ngư bởi cái ấn tượng giữa quen và mới mẻ ấy? Rồi khi đi trên phố Bolsa với những bảng hiệu chữ Việt của hàng quán hai bên đường thì nỗi e dè của tôi đã trở thành một niềm vui rộn ràng, con đường mình đang bước tới là một nối dài từ nơi mình đã chia xa. Và, tâm trạng bỡ ngỡ đã được điểm thêm lòng háo hức của kẻ đang dọn đến một ngôi nhà mới, với những tất bật dự tính, lo toan. Thế có phải nhờ cái buổi ban đầu bén hơi mùi nắng thấy quen quen?
Thật là đồng điệu làm sao khi tôi đọc Màu Nắng Rực Sáng của Phan Tấn Hải, lòng tôi vui kể gì. (mượn câu của ông, cái duyên của chân chất nằm trong những câu kiểu này). Mở đầu chuyện là, Tôi đã ưa thích màu nắng ở quê nhà từ những ngày thơ ấu… Màu nắng Sài Gòn đó vẫn còn rực rỡ mãi trong tôi…Tôi vẫn nghĩ trái tim phải đầy thiên nhiên tính thì mới cảm được trọn vẹn ý tình của nắng mưa trời đất.
Giờ ta theo giọng văn óng ả nắng ấy mà đi.
…Tôi vẫn nhớ màu nắng như dường nghiêm trang hơn trong sân trường, như dường
ngả nghiêng đùa cợt trên các lối đi xe đạp chen nhau khi tan trường, như dường loang vữa tường rêu ở các hẻm Phố Tàu gần nhà tôi, và cũng như dường nhảy múa dịu dàng trên mái tóc mấy cô nữ sinh trường Bác Ái đi xe đạp trên đường Nguyễn Trãi.
…Tôi ngây ngất nhìn màu nắng, và rồi nhìn thẳng vào mặt trời – chói kinh khủng, chẳng thấy gì … Lúc đó mới biết, tôi chỉ có thể nhìn được màu nắng trên mọi thứ khác. Lúc đó, tôi đã thấy rằng có một cái không thấy được, nhưng nó là cái làm cho mọi thứ hiện lên. …Tôi thấy nắng chói thật đẹp trên các tường vôi ngả vàng của tường phố, và thấy lòng mình như chết trong màu nắng. Không hiểu sao lại thấy thế.
…Nghĩa là, một tuổi thơ của tôi ngập nắng, lòng cực kỳ hồn nhiên, và các phố Tàu Sài Gòn - nơi vẫn quen gọi là Chợ Lớn - là một phần đời của tôi, một mảng da thịt tim óc của tôi. Đó cũng là lý do sau này, khi từ Virginia về thăm Quận Cam, nhìn thấy màu nắng trên các hè phố Bolsa, … tôi biết ngay là bằng mọi giá là phải dọn về Quận Cam định cư. Không hoàn toàn vì sợ tuyết lạnh tiểu bang Virginia, nhưng khi tôi nhìn thấy màu nắng nơi này, tia nắng hắt trên những pho tượng nghiêm và buồn kiểu Chợ Lớn như thế, chân tôi đã đứng khựng lại nhiều phút sững sờ.
Tôi biết rằng, tôi yêu màu nắng này. Tôi thấy ngay lúc đó, rằng tôi sẵn sàng ngồi trên ghế đá ở phố Bolsa, chỉ để suốt đời ngồi nhìn nắng thôi.
Giống y cảm giác của tôi lần đầu nhìn nắng ở Bolsa này. Tôi hiểu thấm cái chết trong màu nắng, cái khựng lại sững sờ, nỗi ngây ngất, sẵn sàng suốt đời ngồi nhìn nắng, và tôi bâng khuâng, với ông, có phải trong màu nắng ấy âm ba tiếng guốc lấp lánh nắng tuổi thơ, tiếng chân nhảy cò cò thánh thót nắng? Có lẽ…, nên, lòng cực kỳ hồn nhiên…
…Một lần, tôi có làm một bài thơ, kể về những âm vang tiếng guốc của một cô bé theo tôi vào giấc ngủ, những âm vang này ru tôi ngủ, y hệt như lời ca dao mẹ ru con…
Những âm thanh mà, Không phải tôi nghe bằng tai đâu. Tôi nghe bằng cả da thịt, nghe bằng mắt, nghe bằng mũi, nghe bằng trọn cả gân xương tóc tai da thịt. Có những khi học thi với mấy tên bạn ở sân Chùa Xá Lợi xong, là đi xe đạp về Chợ Lớn, và cứ mải mê thấy cuộc đời ngấm lạnh vào da mình, mà lòng như say hương đời. Tôi yêu thích cuộc đời này biết là bao nhiêu.
Ôi, Người Tới Như Mộng, yêu đời như mộng. Tôi cảm động trước trái tim nghệ sĩ tận hiến này. Tôi mừng kể gì –câu của ông- khi có một đồng điệu, Lúc đó, tôi say mê đọc sách Krishnamurti. Dĩ nhiên là đọc bản dịch Việt ngữ. Thấy khó hiểu kinh khủng, chỉ lờ mờ thấy rằng ngôn ngữ Krishnamurti đầy sức mạnh như Kinh Phật, nghe âm vang như Thiền Tông khi nói rằng chân lý là mảnh đất không có lối đi. Chắc tôi và ông chênh nhau đôi ba tuổi thôi, vì thời ấy tôi cũng đọc Krishnamurti, cũng thấy khó hiểu, điều duy nhất tôi nhớ là hình Krishnamurti in ở bìa 4, một khuôn mặt chở đầy sức nặng của suy tư phiền muộn, và phả ra cái ánh sáng tự tại của cô độc, luôn làm tôi xúc động mỗi lúc nhìn.Suýt nữa là tôi quên kể câu chuyện tình. Vâng xém quên, và đây, xin bạn cùng tôi xem một khúc phim trên tường nắng,
…Một phụ nữ trong trang phục kimono bước ra từ chiếc bàn trưng bày hoa, đưa tay chào trước mắt tôi. Tôi không thể nhớ được rằng đó là ai, chỉ nói một chữ “Hi” để chào.
Tôi thấy ngay hình ảnh như từ thơ cổ Đường thi…
Sao tin là thật được nhỉ. Con người xương thịt đi ra từ trang thơ cổ. Và là nắng trong phút diện bích…
tôi mở mắt ra, nhìn thẳng vào vách tường. Chặp sau, bức tường trong phòng tối có lúc như bật sáng. Tôi nghĩ, đây là màu nắng quê nhà. Nắng hiện rực rỡ trong tâm tôi. Những lúc đó, tôi bật đèn sáng, lấy sách ra đọc, có khi lấy giấy mực ra vẽ. Lúc đó, niệm gì cũng biết là hỏng, niệm thân thọ tâm pháp… niệm gì cũng thấy màu nắng hiện ra trước mắt… Đức Phật đã dạy rồi, khi thấy màu nắng, chỉ là màu nắng thôi… Thế nhưng, bây giờ tôi biết mình bị vướng. Tôi lấy tạ ra, tập thể dục nặng… tới khi mệt thì nằm ngủ.
Ôi, người mà đường tu chỉ mới mon men bên lề như tôi đây, thật khó thấy nắng chỉ là nắng thôi.
Đúng vậy, tôi sợ. Cô là màu nắng hiện ra trên vách tường, khi tôi ngồi thiền mấy hôm trước. Trang thơ cổ hắt ra vạt nắng chiếu lên tường thiền định. Và khi trang thơ khép lại, người cũng biến theo, thì, May quá. Tôi bật cười khi nghe ông nói như một tiếng thở ra nhẹ nhõm, nhưng nhịp tim kia còn rộn rã? …May quá, một chặp sau, cô đứng dậy, nói thôi em về, để anh làm việc. Tôi mừng kể gì.
Chỉ đoạn sau này là kéo tôi về phút của hiện tại, là chi tiết nên thơ nhất của một chuyện tình.
…Tôi vẫn ngồi dưới sàn, liếc thấy mắt cô như buồn ngủ, trong khi bàn tay cô nắm tay tôi, dịu dàng nồng ấm… Tôi siết nhẹ tay cô, rồi đọc tiếp, thật chậm, những trang kinh.
Trong khi lần giở từng trang, tôi thấy rực rỡ màu nắng trên từng trang Kinh Pháp Cú, và rồi tay cô buông tay tôi… Đêm phủ khắp nơi, trên người cô, đang nằm trên giường, và trên cả người tôi, kiệt sức vì đọc kinh và đang nằm gục trên sàn. Đèn nơi cửa sổ vẫn bật sáng.
Và lòng tôi rực sáng, một màu nắng chưa bao giờ tắt.
Câu chuyện tình dài theo con đường nắng từ Sài Gòn về đọng lại trong chớp mắt của giấc ngủ, và lòng “tôi” kia ngân nga từng giọt nắng tỏa ra từ hạt kinh. Điểm bắt đầu rực rỡ nắng khua tiếng guốc trẻ con để rồi lần theo từng câu kinh Pháp Cú mở ra cho người vĩnh viễn ánh sáng Chánh Pháp. Đọc xong tôi thấy màu nắng mình vẫn thích giờ mang một ánh khác nữa, con đường dẫn mình đến tu tập là con đường của nắng soi rọi cho mình thấy tâm mình. Màu Nắng Rực Sáng. Và,

NGƯỜI TỚI NHƯ MỘNG
Tôi đã gặp những người như thế. Những người như mộng, như thật. Những người đã tới để cho tôi thấy đời này như mộng, như thật. Họ tới để nói rằng cõi đời này là bất khả nghĩ bàn, nói mộng cũng hỏng, mà nói thật cũng sai.
Mở đầu câu chuyện là… Tôi còn đứng ngẩn ngơ với mùi hương tóc rất lạ còn phảng phất, nhìn Diệu My bước hẳn vào sương mù nơi chiếc cầu trên đường State Street… Khởi đi đã là một mơ hồ, mùi tóc lạ, và bóng nàng khuất trong sương. Là một cổ tích. Không khí cổ tích làm trôi đi hay ngưng đọng thời khắc hiện tại, hay xóa hết thời gian? Tất cả. Ai biết thời đại bùng nổ internet (cũng là một cái ảo) này cũng có một cổ tích kiểu Bích Câu Kỳ Ngộ, người đẹp bước ra từ trong tranh, hay từ trái thị tỏa hương thơm ngát bếp nghèo? Người đẹp trong truyện này của Phan Tấn Hải bước ra từ điệu vũ của đàn chim sẻ khi nghe Bát Nhã Tâm Kinh.
…Khi tụng bài Bát Nhã Tâm Kinh, giọng của nhỏ út Diệu My nghe như tiếng nhạc trong âm vang hội chúng chỉ mươi người, và ngó ra sân thì thấy đàn chim sẻ sà xuống, nhảy múa hay tụng đọc gì theo kiểu riêng của loài chim. Tôi chợt nghĩ ra một câu thơ, kiểu như hẳn rằng kiếp trước em là chim, hát theo một câu kinh giữa sân chùa, nhưng rồi cũng không dám viết xuống cho thành trọn bài. Lúc nào tôi cũng sợ nghiệp. Nhất là cứ nhớ mãi lời Thầy dạy là hãy như chim bay, không để lại hình ảnh nào trên không.
…Đàn chim sẻ, lung linh trong nắng mặt trời. Sắc bất dị không, không bất dị sắc…
Âm vang lời đọc kinh của nàng từ một ngày xửa ngày xưa, bước thẳng vào thời gian của chàng, hôm nay, với vận tốc của ánh nắng, của một giấc chiêm bao, hay của thời gian này: …đời người ngắn quá, cứ ngồi dúi đầu vào đọc sách, viết sách, ngẩng đầu lên là thấy tóc trắng rồi?
Và những dâu biển nào xô đẩy hai điểm của họ gặp gỡ?
…Tôi không dám hỏi những chuyện đời, kiểu như nàng làm việc gì, lương bao nhiêu… Có vẻ như, tôi sợ những chuyện như thế làm rạn vỡ đi bầu không gian đầy sương khói giữa chúng tôi… Tôi muốn nói một câu, nhưng rồi ghìm lại, rằng sẽ có lúc anh bật khóc vì nhớ em… Tôi nói, tôi muốn thời gian ngừng hẳn lại, muốn điạ cầu đừng xoay nữa, muốn nắng chiều đừng tàn thêm. Nàng cười và hỏi, sao vậy. Trời ạ, tôi muốn ngất đi khi nhìn thấy nụ cười của nàng, y hệt như thời trẻ dại… Trời ạ, đây là nụ cười thỉnh thoảng hiện về trong giấc mơ của tôi, mà tôi không bao giờ nhận ra là ai và từ đâu.
Mấu chốt là ở đây, cái mốc hư ảo của câu chuyện này là giấc mơ…
…Mùi hương tóc nàng vẫn còn theo tôi, về tới Little Saigon. Vào cả giấc ngủ đêm hôm đó. Bàn tay tôi run rẩy, cảm xúc khi ôm nàng nơi bờ biển Santa Barbara vẫn còn mãi, còn nơi hai bàn tay tôi kể cả khi tôi gõ email hỏi Sơn về chuyện các bạn ở quê nhà.
…Còn nhỏ út Diệu My thì đã xuất gia từ lâu, bây giờ là một ni sư, trong hơn hai thập niên không hề bước xuống phố chợ… Tôi kinh ngạc khi đọc như thế…
Trời ạ, nàng đã đi tu và không vào cõi nhân gian đã hai năm. Thế vừa rồi? Santa Barbara ấy ở đâu? Họ là hai cơ thể có thật để nhận cái cảm xúc run rẩy của vòng ôm trao? Chiếc cầu sương mù xóa bóng nàng ở đâu? Hay tất cả chỉ là những hình ảnh hiện lên khi chàng ngồi ngắm nắng và tan hết khi đàn chim bay xa?
Cũng có thể. Họ gặp nhau trong không gian của một vũ trụ bốn chiều như Einstein nói chăng, có điều là làm sao để họ lọt vào cùng lúc cõi thời gian -chiều thứ tư- ấy để được gặp nhau, chắc chắn không phải ngẫu nhiên, phải có sự đồng thanh tương ứng của cái nghĩ về nhau, mới có được phút gặp gỡ diễm ảo ấy: …Những khi bước dọc theo phố Bolsa buổi trưa, dưới nắng ấm mặt trời, lòng tôi lại nhớ tới những tia nắng lung linh với đàn chim sẻ ở sân Chùa Tây Tạng Bình Dương… Cái nhớ đi mãi đi mãi thì ắt một ngày nó bất chợt nghe âm ba phản hồi của tiếng chuông ai gõ từ xa lắm…
Chúng ta có thể chạm vào ảo bằng cảm xúc thực? Người ta có thể đi tới một nơi khác, gặp người khác bằng cái hồn nhẹ tưng, cảm nhận được cảm xúc của hơi thở, của làn da, của nắng gió nơi mà họ bay tới? Tôi có nghe lõm bõm một thứ Thực tế Ảo mà người ta đã áp dụng: “Thực tế ảo hay còn gọi là thực tại ảo (virtual reality, viết tắt là VR) là thuật ngữ miêu tả một môi trường mô phỏng bằng máy tính. Đa phần các môi trường thực tại ảo chủ yếu là hình ảnh hiển thị trên màn hình máy tính hay thông qua kính nhìn ba chiều… Hệ thống này mô phỏng các sự vật và hiện tượng theo thời gian thực và tương tác với người sử dụng qua tổng hợp các kênh cảm giác. Đặc điểm: Tương tác – Đắm chìm – Tưởng tượng.” (Theo Wikipedia)
Hai nhân vật gặp gỡ trong truyện không thông qua máy tính, họ Thấy nhau qua kênh giao cảm của trái tim. Chỉ có thế tôi mới hài lòng với thắc mắc về sự có xảy ra không buổi họ gặp nhau cho tới khi bóng nàng tan vào cầu sương mù…
… Bên tai tôi, vẫn còn âm vang bài Bát Nhã Tâm Kinh nàng tụng đêm qua… nghe như đêm qua ấy là từ bậc thềm chùa nơi đàn sẻ đã cắp những hạt nắng lung linh bay đi khi nàng ngưng tiếng đọc kinh. Mỗi người chúng ta dường như ai cũng có hạt nắng ấy, âm thanh ấy cho riêng mình để khi nó vang vọng sẽ đồng thời mở ra cho mình một cõi khác để mình sống. Sống thực như mơ. Một trải nghiệm, nên ông mới nói, Tôi đã gặp những người như thế. Những người như mộng, như thật. Những người đã tới để cho tôi thấy đời này như mộng, như thật.
Tôi thích đọc những chuyện như vậy của ông. Nhưng ông đã nói thế này,
… Tôi ngạc nhiên, tự nghĩ, sao lại có ai mê đọc mình như thế…
… Tôi đáp, như thế cũng là cái nghiệp. Cô hỏi, sao là nghiệp hả anh. Tôi đáp, không nên như thế, vì mê văn, đọc văn, quyến luyến văn là sẽ ở mãi cõi này; chỉ nên đọc cái gì làm mình không dính vào chữ nào nữa.
Vì mê như tôi thì e … lại bận rộn thêm một đời tương tự…(Đuổi Bắt Một Mùi Hương). Nhưng tôi không biết sao một khi chưa đạt đến trình độđọc cái gì làm mình không dính vào chữ nào,trong khi những truyện như vầy của Phan Tấn Hải thì đang làm mình rất vướng víu như mùi hương kia, làm mình thấy cuộc sống này quá đỗi đẹp, trong khi một đời tương tựkia thì còn mơ hồ quá, … làm sao được, vì mùi hương vẫn bay quanh tôi, thoang thoảng… -mùi hương của cuộc sống này-. Đuổi bắt hay trốn chạy đều sai, đều trật. Thôi thì, hơi thở vào rồi ra, tự nhiên với chuyện đến đi, như câu cuối của Đuổi Bắt Một Mùi Hương: … các pháp tự thân đã là vắng lặng, dù mùi hương có đến hay đi
Trong truyện Vết Son Ơi, Quên Nhau Là Chuyện Khó, ông nói… vì với người phát tâm xuất gia như nàng, có khi chỉ một nụ hôn cũng có thể kéo nàng đi chệch thêm nhiều kiếp sau, tôi chợt nghĩ những lời tôi viết đây có ảnh hưởng gì đến người tu, thì với tất cả lòng chân thành, tôi cầu nguyện, nếu vô tình để người tu kia tạo nên nghiệp, có làm chệch đi thì xin chệch một chút xíu thôi ở ngay kiếp đang sống này, là người Mộng chuyện Mộng sẽ thành Thực đôi ba lúc, để ai đó, như tôi bây giờ, được nương náu chút bình an, được hít thở vẻ đẹp thực trong cõi ta bà đang chìm nổi này…
Santa Ana, 24.3.2016

___________________

Võ Phiến: Nghìn năm mây trắng lê thê

vo phien

Võ Phiến (tranh Khánh Trường)

Trọn đời nhà văn Võ Phiến (1925-2015) là những trang giấy, nơi đó ông đi nhiều hơn ngồi, ông động nhiều hơn tĩnh, ông gây bất ngờ cho độc giả nhiều hơn là lưu giữ sự lặng lẽ trên giấy.
Và chính đời ông cũng đã trải qua những chuyến đi xa, những chuyến đi ảnh hưởng tới trọn văn nghiệp của ông, khi rời thành để tham gia Việt Minh chống Pháp, rời bỏ bộ đội để về thành khi thấy không phù hợp với chủ nghĩa cộng sản, rời Miền Trung để vào Sài Gòn, và rời đất nước năm 1975.
Trong đó, tiền định đã nằm sẵn trong bút hiệu ông chọn: Võ Phiến là cách gọi khác của Viễn Phố, tên người thiếu nữ đã trở thành vợ ông, và rồi đi bên ông trọn đời. Một Phố thật xa đã trở thành chuyến đi dài cho định mệnh của ông, và là một nguồn cảm hứng lớn trong ngòi bút của Võ Phiến.
Không chỉ là những chuyến đi cụ thể, Võ Phiến khi viết văn đã đóng vai người đi thám sát, ông nhìn, ông ngó, ông quan sát, ông đứng dậy để nhìn phía sau nhân vật chính, ông cũng nghiêng người xuống để nhìn cổ tay thon của một thiếu nữ trong truyện hay bước vào bếp một tiệm hủ tiếu để nhìn ông chủ băm thịt, trụng nước sôi… Và ông đi cùng tận các ngõ ngách tâm lý của nhân vật — một cách viết rất là Pháp trong một ngòi bút rất là Việt.
Khi Võ Phiến cầm cây bút lên, với ông đó là những chuyến đi – và kể lại những chuyến đi được ông nhìn bằng cặp mắt xuyên ba cõi.
Nghĩ như thế nào về Võ Phiến? Với tôi, văn nghiệp của ông là những cánh đồng xanh, nơi đó ông dẫn độc giả qua các vườn kỳ hoa dị thảo, và khi đọc ông, chúng ta có thể đọc đi đọc lại một trang, thậm chí một đoạn văn mà vẫn thấy ưa thích và nhận ra có điều để học. Với tôi, văn nghiệp Võ Phiến cũng là một ngọn núi, nơi nhiều nhà văn có thể ngước lên nhìn và tự nhủ, sao cứ mãi thấy bóng mát của ông lẩn khuất trong ngòi bút của mình.
Tôi đã nghĩ như thế, trong buổi chiều, trong ngày cuối đời của nhà văn Võ Phiến hôm Thứ Hai 28-9-2015 khi chở nhà văn Nhã Ca tới một bệnh viện Santa Ana, nơi nhà văn 90 tuổi đang nằm bệnh, với tình thân vợ con ông vây quanh.

nhaca vophien

Nhã Ca, Võ Phiến

Chiều ngả bóng xuống. Tôi chở nhà văn Nhã Ca về tòa soạn Việt Báo. Trên đường First St., nắng chiều chói vào mắt, nhiều lúc không thấy rõ phía trước và mơ hồ cả các đèn ngã tư. Thảng thốt trong lòng tôi tiếng nói mơ hồ, “Nắng sắp tắt rồi.”
Nhiều phút sau đó, bà Viễn Phố điện thoại cho chị Nhã Ca rằng nhà văn xứ Bình Định vừa ra đi lúc 7 giờ tối.
*
Những bài thơ thường được Võ Phiến ưa thích cũng là về những chuyến đi. Đặc biệt là bài thơ ông sáng tác khi họa sĩ Ngọc Dũng bệnh, và ông dùng làm mẫu thiệp từ biệt cho chính ông.

vo phien

Thiệp Tạ Từ, trang 1 và trang 3

Nơi trang đầu thiệp này là chữ “Tạ Từ” — và nơi góc phải, dưới thấp trang này là hình chân dung ký họa Võ Phiến.
Nơi trang ba Thiệp Tạ Từ là bài thơ ngắn và chữ ký, toàn văn là:
Đến
Mải miết ra đi đâu tính đến
Đến nơi nào?
Bảy tám mươi năm rồi cũng đến
Đến rồi sao?
(1998)
Bài thơ dùng trong thiệp cũng là về một chuyến đi. Đi, hay đến, cũng là một hành vi động.
Nhà văn Nhã Ca đã dùng điện thoại chụp ảnh thiệp này, và ghi email giải thích rằng Thiệp Tạ Từ là do chính Võ Phiến thiết kế::
“Tấm thiệp này anh tự làm và trình bày và in sẵn. Hôm nay chị Viễn Phố tìm ra, đã cùng với nhà văn nữ Trùng Dương bỏ vào từng phong bì suốt từ trưa đến mấy tiếng đồng hồ mới xong và để sẵn vào thùng, sẽ đem ra để ở nhà quàn phát cho mọi người như lời từ giã của nhà văn…”
Hóa ra, nhà văn Võ Phiến rất mực chu đáo. Sửa soạn cho một chuyến đi xa, và sẽ để lại cho bằng hữu còn lại một tấm Thiệp Tạ Từ, trong đó ghi lại bằng thủ bút và chữ ký của ông. Hình như, không có gì là bất ngờ đối với Võ Phiến: trọn đời ông là một cuốn sách lạ, được mở ra cho trần gian đọc, và cuối cùng, ông khép lại trang cuối bằng tấm Thiệp Tạ Từ.
*
Chu đáo là thế. Cho nên văn của Võ Phiến cũng rất mực chu đáo, y hệt như không có gì thoát ra khỏi đôi mắt của ông.
Nhà phê bình Thụy Khuê trong một bài bình luận trên Đài RFI đã tin rằng trong mắt Võ Phiến đã có sẵn kính hiển vi, trích:
“Tóm lại, hai yếu tố chính xây dựng nên nghệ thuật của Võ Phiến là con mắt và chi tiết, và những chi tiết nào đáng chú ý nhất đối với ông? Đó là những điểm trên thân thể con người: từ cánh tay nõn nà của đức Phật, hay cánh tay trần của Dung, đến đôi mắt cú vọ của Bình xoáy vào mâm cơm, hoặc sợi lông mũi hay vết nẻ trên gan bàn chân của anh Bốn Thôi… tóm lại, những chi tiết tầm thường nhất trên thân thể con người, không mấy ai chú ý, đều được Võ Phiến chiếu kính hiển vi vào và ông đã làm nên truyện lớn…” (ngưng trích)
Nhà văn Võ Phiến nghĩ gì về đôi mắt nhìn xuyên mấy cõi của ông?
Trong tùy bút tựa đề “Cô Quì còn không” đăng trên Tiền Vệ, hình như Võ Phiến đã tự nói về cặp mắt tinh tế của ông, trích:
“…Thuở thơ ấu ta đã có mắt tinh vi, thấy được con dế trốn dưới cỏ, thấy ổ sáo con nằm sâu trong bộng cây, thấy từng cái kẹo trong túi áo của bà nội bà ngoại… Chớm tuổi đôi mươi thì ta có mắt thần.
Gậy tiên chỉ vào, hòn đất hoá cục vàng. Gậy tiên quí vậy nên cực hiếm, nên huyền hoặc. Mắt thần càng quí hơn, nhưng mỗi người mỗi có. Con bé hàng xóm vẫn gặp nhau hàng ngày, vẫn tranh nhau trái me trái ổi cãi cọ chí choé; lớn lên, một ngày nào đó ta được trao cho mắt thần, trông lại con bé bỗng ngẩn ngơ: Cô Quì đây rồi.
Cô Quì xuất thế, mọi sự đổi thay. Ta vừa mở cánh cửa bước sang một cuộc đời khác. Ta trông ánh sáng cách khác, nghe tiếng gió thổi cách khác. Ta biết những cảm xúc mới lạ, những cảm xúc chưa từng. Nhìn lại từng bộ phận nhân thể của chính mình, ta ngỡ ngàng. Ta không còn nhận ra ta nữa: ta thay đổi từ vóc vạc, giọng nói, cho tới cái hơi thở. Ta như con rắn lột da, thành con rắn khác.
Ta đối với ta còn thế, huống hồ đối với người khác. Cho nên cô Quì là một khám phá: dẫu gần gũi cũng hoá ra mới lạ. Làm ta ngây ngất, mê tơi. Nhờ mắt thần, mỗi chàng trai đều có được một cô Quì tuyệt vời.
Nguyên một sự thay đổi ở ta đã thế, huống hồ lại có sự thay đổi cùng lúc về phía cô Quì. Thì ở cô cũng có chứ sao không? Đến tuổi ấy, cô mở mắt trông ta, bỗng ngạc nhiên, bỗng đắm đuối. Ta đã thành một cậu Quì rồi. Cô ấy với cậu ấy, chao ôi!” (ngưng trích)
Đôi mắt Võ Phiến thần kỳ như thế. Chỉ một thoáng nhìn, cõi trần gian này bỗng hóa thành một cõi đắm đuối dị thường, chao ôi!
*
Đó là nói về một cõi tình. Khi nói về một cõi bếp núc tiệm mì hủ tiếu, Võ Phiến cũng viết rất mực dị thường. Ông vào thẳng trong bếp của tiệm, ông nhìn, ông ngó, ông nghe, ông ngửi…
Trong tùy bút “Rụp Rụp,” Võ Phiến nhìn thấy dàn bếp núc trở thành một sân khấu của một điệu vũ lạ, trích:
“…Một buổi trưa, tại Cần Thơ, trong ngôi quán ở đầu một ngõ hẻm gần bến xe Lam, lần đầu tiên tôi chú ý đến điệu bộ có vẻ ngộ nghĩnh của người chủ quán.
Ngôi quán khá chật và tối. Giữa trưa, trong quán vẫn có ngọn điện vàng cạch thả toòng teng trên đầu người chủ. Người này mặc mai-ô quần lính, đầu đội chiếc mũ địa phương quân rộng vành, chân mang đôi giày da đen, không vớ. Tại sao phải giày và mũ trong một chỗ kín như thế? Có thể chỉ là một thói quen, hay chỉ là một trường hợp ngẫu nhiên nào đó, tức một chi tiết không có ý nghĩa gì. Tuy vậy tôi vẫn ghi lại, vì hình ảnh ấy tưởng còn hiển hiện trước mắt tôi lúc này. Hình ảnh một người khỏe mạnh, nhanh nhẹn, và làm việc hào hứng.
Mỗi người có một cách biểu lộ sự hào hứng. Riêng cái cách của người chủ quán hôm ấy, trời ơi, trông mà mê. Hai tay ông ta thoăn thoắt: chặt khúc xương, xắt lát thịt, gắp mớ ớt, múc vá nước từ trong thùng đổ ra tô, xóc xóc mớ hủ tiếu vừa mới trụng qua nước sôi, rắc một tí tiêu bột v.v. Tất cả bấy nhiêu cử chỉ đều rập ràng, hơi có vẻ nhún nhẩy. Mỗi cái quơ tay, cái nhấc lên hạ xuống đều như có gì quá mức cần thiết một chút. Mỗi cử chỉ bao hàm bảy tám phần cần thiết, lại thêm vài ba phần thừa thãi, chỉ để cho đẹp mắt, để biểu diễn sự thích thú trong công việc. Động tác nghề nghiệp gần chuyển thành sự múa men. Một điệu vũ ca ngợi lao động….” (ngưng trích)
*
Nhà thơ Du Tử Lê trong bài viết “Hành Trình Văn Chương Võ Phiến” đã ghi nhận, trích:
“…Đó cũng là thời gian giới văn nghệ sĩ miền Bắc di cư vào Nam, hiện diện một cách lấn lướt, ồn ào ở hầu hết mọi sinh hoạt VHNT: Từ báo chí tới thơ, văn, âm nhạc, phát thanh, hội họa, kịch nghệ…
Do đấy, tôi không biết vì lý do tế nhị, hay bắt nguồn từ một nguyên nhân nào khác, một số nhà văn có ảnh hưởng lớn thời đó, như Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Khắc Khoan, Trần Phong Giao…đã đồng tình chọn nhà văn Võ Phiến, như một tài năng văn xuôi, đại diện cho những cây bút miền Trung. Và, nhà văn Bình Nguyên Lộc là ngọn cờ đầu của văn xuôi miền Nam…
Sinh thời, cố thi sĩ Nguyên Sa cũng biểu đồng tình với chọn lựa vừa kể, khi ông nhấn mạnh, đó là chọn lựa mang tính “quần bình ba miền đất nước”. Hoặc dí dỏm hơn khi ông dùng cụm từ “nhu cầu cân bằng sinh thái”… (ngưng trích)
*
Đúng rằng Võ Phiến là tài năng văn xuôi Miền Trung. Nhưng sẽ không nói đủ về ông, nếu bỏ qua cái nhìn chính trị của Võ Phiến, người một thời tham gia kháng chiến với Việt Minh, và rồi bỏ về thành khi thấy không phù hợp với tâm hồn nhạy cảm của ông.
Nhà phê bình Nguyễn Quốc Trụ trong bài viết tựa đề “30 Tháng Tư, Đọc Lại Võ Phiến” đã nhìn thấy một mảng đời Võ Phiến rời bỏ, từ bỏ cuộc kháng chiến chống Pháp… vì không chịu nổi bạo lực cuồng tín, nơi đó con người bị tổn thương nhân danh cách mạng.
Nguyễn Quốc Trụ viết, trích:
“…Võ Phiến nhận ra bóng ma ám ảnh, của “cái mã tấu” ở phía sau những người Cộng Sản cuồng tín, như trong phần tiểu sử đã dẫn, “sau Cách Mạng Tháng Tám, ở Huế, Võ Phiến gia nhập bộ đội một thời gian ngắn, rồi vào đội Tuyên Truyền Xung Phong, hoạt động khắp các tỉnh miền Trung. Giữa 1946, từ Bình Định ông ra Hà-nội học trường trung học Văn Lang. Tháng Chạp, 1946, cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Võ Phiến về lại Bình Định, tham gia sinh hoạt văn hóa kháng chiến… dạy học… sinh hoạt chung với lớp cán bộ cuồng tín ấy, càng ngày ông càng chán ngán, cuối cùng thành ‘phản động’ hẳn…”. Chi tiết về phản động hẳn, Võ Phiến chưa từng viết lại, theo như tôi biết, nhưng tác phẩm ông viết trong thời gian này không dính tới “khí hậu chung của thời cuộc”.
Vả chăng, nấp sau chiêu bài kháng chiến chống Pháp, trong không khí bừng bừng của cả nước thời kỳ 1945, ít người nhận ra con quỉ hận thù, nhưng những tác phẩm “không dính đến khí hậu chung của thời cuộc” cho thấy một điều: bằng trực giác của một nhà văn, Võ Phiến đã nhận ra, nơi bạo lực tổn thương con người, cũng tổn thương ngôn ngữ…” (ngưng trích)
*
Nhà văn Ngô Thế Vinh, trong bài “Bốn Mươi năm Võ Phiến Nhà Văn lưu đầy” đã nhắc tới một bài viết — được nhà văn họ Ngô xem như một bạch thư của Võ Phiến, một bài viết dẫn tới cơ nguy có thêå bị Việt Cộng ám sát.
Ngô Thế Vinh kể, trích:
“…Võ Phiến viết Bắt Trẻ Đồng Xanh, đăng trên Bách Khoa tháng 10 năm 1968, tựa đề từ cuốn sách dịch của Phùng Khánh Phùng Thăng The Catcher in the Rye của nhà văn Mỹ J.D. Salinger, nhưng nội dung bài viết thì lại nói về kế hoạch cộng sản miền Bắc đưa trẻ em từ trong Nam ra Bắc huấn luyện rồi sau đó đưa trở về miền Nam. Cộng sản cũng đã làm như vậy sau khi ký hiệp định Geneve 1954. Võ Phiến viết:
“…trong giai đoạn ác liệt sau cùng của chiến cuộc tại miền Nam này, nếu không vì lý do quan trọng, đảng và nhà nước cộng sản nhất định không bao giờ khổ công gom góp thiếu nhi ở đây đưa ra Bắc, trải qua bao nhiêu gian nan khó nhọc… họ đang ra sức thực hiện một kế hoạch bắt trẻ qui mô trên một phạm vi hết sức rộng lớn: đồng loạt người ta phát giác ra trẻ em bị bắt ở khắp nơi từ Quảng Trị, Thừa Thiên, Pleiku, Kontum, đến Mỹ Tho, Cà Mau, người ta gặp những toán trẻ em chuyển ra Bắc Việt bằng phi cơ từ Cam Bốt, hoặc bị dẫn đi lũ lượt trên đường mòn Hồ Chí Minh…”
“Hỡi các em bé của đồng bằng Nam Việt xanh ngát bị bắt đưa đi, từng hàng từng lớp nối nhau dìu nhau ra núi rừng Việt Bắc! Riêng về phần mình, các em đã chịu côi cút ngay từ lúc này; còn đất nước thì sẽ vì những chuyến ra đi của các em mà lâm vào cảnh đau thương bất tận. Tai hoạ xẩy đến cho các em cũng là tai họa về sau cho xứ sở.”(Võ Phiến, Bắt Trẻ Đồng Xanh, Bách Khoa 10/1968)
Bắt Trẻ Đồng Xanh hoàn toàn không phải là tuỳ bút hay truyện ngắn mà là một bài chính luận, một bạch thư tố cáo dã tâm của người cộng sản Việt Nam, chưa bao giờ thực sự muốn có hoà bình, nếu có hoà đàm thì đó chỉ là bước hoãn binh chiến lược, họ vẫn chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh khác. Bài viết như một tiên tri, một báo động đã thực sự gây chấn động dư luận bên trong cũng như ngoài nước, với cái giá Võ Phiến phải trả là bị Việt Cộng lên án, và cả hăm doạ tính mạng tiếp sau cái chết của ký giả Từ Chung tổng thư ký báo Chính Luận, do bị đặc công CSVN ám sát. Theo Lê Tất Điều, đã có lúc Võ Phiến nghĩ tới tạm lánh xuống vùng Hoà Hảo, một khu được coi là miễn nhiễm với mọi xâm nhập của cộng sản. Đó cũng là lý do tại sao, Võ Phiến có thời gian làm giáo sư văn chương trường Đại học Hoà Hảo, Long Xuyên…”
*
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích trong bài viết “Một ngôi sao trên vòm trời văn học, Nhà Văn Võ Phiến (1925-2015)” đã ghi nhận về một hình ảnh Võ Phiến, trích:
“…Mô-tả cách viết của Võ Phiến, Trùng Dương nói khá chính-xác:
“Mặc thời đại vi tính với Internet, anh vẫn viết tay. Tôi còn nhớ có lần nghe anh nói anh phải cảm ơn thấy da thịt của tay mình tiếp xúc với mặt giấy mới yên tâm sáng tác được, hay một ý tưởng tương tự. Tôi hình dung mặt tờ giấy đối với anh có lẽ cũng giống như cái ‘security blanket’ đối với nhiều trẻ nhỏ. Nhưng từ vài năm nay anh không viết nữa. Một đời gắn liền với chữ nghĩa bỗng như hụt hẫng, thừa, chị nói với riêng tôi, nước mắt ứa ra. Anh không biết tại sao mình sống lâu như vậy. Tôi vỗ về cánh tay trái mới té gãy và còn băng bột của chị. Chị rất sợ lỡ phải ‘đi’ trước anh, vì không biết ai sẽ chăm sóc anh được như chị chăm sóc anh. Chị không muốn con cái phải bận tâm nhiều về cha mẹ già. Hôm chị té gẫy tay, mãi sau khi đi bác sĩ băng bó xong, đến tối mấy người con mới hay…” (ngưng trích)
*
Trong khi đó, nhà văn Nguyễn Mộng Giác trong bài viết “Tìm hiểu thế giới nhân vật của Võ Phiến” đã viết, trích:
“…Nhân vật của Võ Phiến, trong suốt thời kháng chiến, chứng nghiệm được ý nghĩa của những cái vụn vặt, tầm thường, tình cờ, bình dị. Chứng nghiệm được ý nghĩa của cuộc sống, và quyền được sống với những cái vụn vặt, tình cờ, bình thường. Họ thức giấc, nên trở thành kẻ nguy hiểm cho chế độ. Nhiều người bị sỉ nhục, bi bêu giễu, bị tù tội. Nhiều người bị khai trừ – Họ thành kẻ lạ, kẻ ở trọ.
…Nhưng đã quá muộn rồi! Chút trần gian mòn mỏi chờ đợi ấy, không thể ở kiếp này cho Bốn Thôi và đám bạn bè của anh, “Tiểu thế giới” của Bốn Thôi, sao mà buồn quá đỗi!” (ngưng trích)
Nhà văn Vũ Đình Minh trong buổi ra mắt “Tuyển tập Võ Phiến” dày 1080 trang xuất bản năm 2006 đã nhận định:
“Yếu tố chính khiến truyện Võ Phiến có chỗ đứng cho đến ngày nay, là giá trị nhân bản thể hiện trong đó.”
Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc đến từ Úc cũng trong buổi ra mắt sách trên đã nói:
“Phong cách tùy bút bàng bạc khắp tác phẩm của ông, bởi đằng sau tuyện hay bài phê bình, có một nhà tùy bút. Và sau lưng nhà tùy bút có nhà nghiên cứu văn học!”
Nơi khác, Nguyễn Hưng Quốc nhận định về Võ Phiến như sau:
“Theo tôi thì Võ Phiến là một trong những nhà văn lớn nhứt của Việt Nam trong nửa sau của Thế Kỷ 20. Xin lưu ý là tôi dùng chữ Việt Nam chớ không phải là miền Nam hay là hải ngoại; trong phạm vi cả nước thì Nam cũng như Bắc, quốc nội cũng như quốc ngoại…”
*
Trong những ngày cuối đời, nhà văn Võ Phiến vẫn tỉnh báo, vẫn vui cười. Trong nhiệm vụ một nhà báo, tôi vẫn quan sát tin tức về nhà văn tiền bối này. Và tôi vui khi được nghe kể về những khoảnh khắc an lạc cuối đời của ông. Và tôi quan ngại, khi thấy có ai ở xa tận quê nhà không có cơ duyên đọc đầy đủ về ông và đưa ra các nhận định phiến diện. Rồi tôi nghĩ, dĩ nhiên, Võ Phiến là một ngọn núi, và rồi cái nhìn nào cũng có thể chỉ là cái nhìn phần mảnh, bất toàn.
Võ Phiến vẫn vui trong những ngày cuối đời, có khi lãng đãng. Những bạn văn thường tới thăm nhà văn Võ Phiến và chị Viễn Phố là GS Bảo Xuyến, ông bà nhà văn Vũ Đình Minh, ông bà nhà văn Ngự Thuyết... Nhà văn Nhã Ca có ghi âm mấy đoạn nói chuyện của vợ chồng nhà văn Bình Định, trong đó có một chỗ chị Viễn Phố kể về đôi hạc bên nhau, trưng bày trên nóc tủ kính… Trong đó, chị Viễn Phố nói rằng, hạc ông sắp đi rồi, chỉ còn hạc bà thôi… Ngậm ngùi.
Nơi đây, xin ghi lại bài thơ tựa đề “Về” của nhà văn Võ Phiến làm năm 1975, khi ông rời Việt Nam, lúc tròn 50 tuổi. Toàn văn bài thơ như sau:
Về
Ra đi tuổi chẵn năm mươi
Năm mươi tuổi nữa nào nơi ta về
Ngàn năm mây trắng lê thê
(1975.)
Tựa đề bài viết này, xin mượn 6 chữ cuối của bài thơ trên.
Xin trân trọng từ biệt nhà văn Võ Phiến. Ông là những cánh đồng xanh, ông là một ngọn núi lớn. Trong tôi.

____________________

Nghĩ về nhà thơ Phạm Công Thiện

Làm thế nào để hình dung về Phạm Công Thiện? Một lần tôi đã tự hỏi mình như thế. Và ngay lập tức trước mắt tôi hiện ra một cặp kính cận dày cộm và chòm tóc trắng phất phơ... Có lẽ, nếu vẽ vài nét trên giấy kiểu tốc hoạ thì thế như dường là đủ. Không, chưa đủ. Vậy thì nghe thêm giọng nói Nam bộ đặc biệt của anh. Hay là thêm khuôn mặt tròn, và đôi mắt thơ ngây...
Nhưng tận cùng, Phạm Công Thiện là một nhà thơ và là một thiền sư – và đó là những phẩm chất rất khó hình dung, vì mỗi nhà thơ và mỗi thiền sư đều có những độc đáo riêng. Và tôi tin rằng, khi nào thân xác anh rời khỏi thế giới đời thường này, rất nhiều người sẽ gọi Phạm Công Thiện là một vị Bồ tát, một danh hiệu tôn quý trong Phật giáo và là một hạnh nguyện để chỉ một người tái sinh từ kiếp này sang kiếp khác để giúp cho mọi người hiểu được thật nghĩa của vũ trụ. Trong những năm qua, rất nhiều tăng ni Phật tử đã gọi nhà thơ Bùi Giáng là một vị Bồ tát, và tôi tin là sau này, Phạm Công Thiện cũng sẽ được tôn vinh như thế, bất chấp những đời thường bất toàn mà chúng ta đôi khi gặp nơi anh.
Thực sự, tôi đã nhìn anh như một vị Bồ tát từ những ngày tôi mới lớn, và ngay khi lần đầu đọc cuốnÝ thức mới trong văn nghệ và triết học. Lúc đó, tôi đang học lớp đệ tứ, hay đệ tam ở Chu Văn An, Sài Gòn. Bây giờ gọi là lớp 9 hay lớp 10. Ðâu đó, khoảng giữa thập niên 1960. Dù là đọc ngấu nghiến, nhưng một ngày không đủ, và đọc một tuần cũng không đủ. Vì có những dòng tôi phải đọc đi đọc lại, không hoàn toàn vì tính bí hiểm triết lý, mà chỉ vì tính thơ mộng dị thường trong ngòi bút của anh. “Ði cho hết những đêm hoang vu trên mặt đất...” Thế đấy, tôi đã đi như thế từ bốn thập niên trước trên các trang sách của anh.
Tôi đã ngồi ở sân Chùa Xá Lợi, dưới các tàng cây ngọc lan và bông sứ lần giở từng trang sách đó. Và rồi lại ngồi trong một quán cà phê cách trường Chu Văn An vài mươi bước, ngay lối vào ký túc xá Minh Mạng của các anh chị sinh viên lớn. Không phải chuyện ngồi đọc cho ra vẻ triết gia, mà thực sự vì có những đoạn văn trong cuốn Ý thức mới làm tôi run rẩy cả người. Từng trang một, giữa các dòng chữ của Phạm Công Thiện toát ra một hơi lạnh của vũ trụ vô cùng vô tận. Và tuy là văn xuôi, hầu hết, nhưng thi tính vẫn dày đặc kinh ngạc.
Lúc đó, tôi chưa từng gặp anh, nhưng lại có cảm giác Phạm Công Thiện phải là một cái gì có màu xanh, phải liên hệ tới màu xanh, thí dụ xanh da trời hay xanh lá cây. Không biết tại sao, nhưng trong trí óc tôi lúc đó, là một thiếu niên say mê đọc sách và cứ nghĩ tới triết gia Phạm Công Thiện là thấy hiện lên một màu xanh. Phải màu xanh mới lạnh chứ. Vì từng trang Ý thức mới đều mang theo hơi lạnh đó. Trong đó, có hơi lạnh Ðà Lạt, có sương mù Paris, có ngồi thiền trên đồi vắng, có chất vấn về triết lý với cái búa của Nietzsche, với hiện sinh Camus, và vân vân, và vân vân. Ðủ thứ mà bây giờ tôi không thể nhớ hết. Cứ mở trang sách ra, là hơi lạnh của vũ trụ vô cùng vô tận lại toát ra từ các dòng chữ của anh. Bất kể lúc đó, tôi đang ngồi trong sân chùa Xá Lợi, hay vài tuần sau nữa tới la cà tại các quán cà phê trên đường Nguyễn Thiện Thuật, nơi đó có khi tôi ngồi ở quán cà phê Bình Minh và có khi bước sang kế cận ngồi ở quán Hoàng Hôn, và nơi đó cứ mỗi chiều trở về đêm là đèn đường hắt xuống màu vàng mờ nhạt làm tôi cứ ngỡ mình đang ngồi giữa Paris đọc sách.
Mới biết, văn chương mạnh như thế. Sau này, nhiều thập niên sau, khoảng đầu thập niên 1990, được cơ duyên gặp nhà thơ Phạm Công Thiện tại Quận Cam, California, tôi ngạc nhiên không hiểu vì sao thời mới lớn mình lại cứ hình dung anh ra một màu xanh. Nhớ lại mới ngạc nhiên. Ðúng ra, nếu phải liên kết với màu sắc, nơi anh phải là một màu trắng. Tóc trắng một chòm, kính trắng dày cộm, đôi mắt cực kỳ ngây thơ, khuôn mặt bầu, lại thường mặc áo trắng hay màu sáng. Và toàn thân Phạm Công Thiện toát ra cả một màu trắng hồn nhiên, thơ ngây. Nhưng tới tuổi trung niên rồi, tôi không còn bận tâm chuyện màu sắc nữa, dù là người hay chữ, hay mực, hay giấy. Thêm nữa, khi đọc lại anh, tôi không còn nhiều rung động mạnh mẽ như thời mới lớn, dù là lòng tôn kính anh vẫn không mờ nhạt trong tôi.
Nếu phải giải thích, có lẽ cảm giác màu trắng sau này nhiều phần tôi có cũng từ một bài thơ của Phạm Công Thiện được nhạc sĩ Lê Uyên Phương phổ nhạc. Trong bài thơ, tôi nhớ có những câu dị thường như:
... Mười năm qua gió thổi đồi tây
Tôi long đong theo bóng chim gầy
Một sớm em về ru giấc ngủ
Bông trời bay trắng cả rừng cây...
Và nhớ nhất là mấy chữ:
...Tôi đứng trên đồi mây trổ bông...
Thực sự, gọi Phạm Công Thiện bằng “anh” là điều không phải lẽ đối với tôi, trên nguyên tắc. Vì tôi đã từng trực tiếp nghe nhiều vị danh tăng gọi Phạm Công Thiện bằng danh xưng “thầy” rất là tôn kính, trong những vị gọi như thế có những thượng toạ hiện là tác giả và dịch giả nhiều sách về Phật học. Dễ hiểu, Phạm Công Thiện đã từng dạy ở Ðại học Vạn Hạnh, nơi đào tạo nhiều thế hệ tăng ni và trí thức Phật giáo.
Ðứng về mặt đời thường, lý ra tôi cũng phải gọi anh là thầy. Vì thực tế, Phạm Công Thiện còn là thầy của vợ tôi – nàng kể lại rằng trong thập niên 1980 vẫn thường mỗi tuần sang Chùa Liên Hoa, trên đường Bixby, thị xã Garden Grove, Quận Cam, để nghe thầy Thiện giảng Kinh Kim Cang.
“Không hiểu gì cả, nhưng ông Phạm Công Thiện dạy hay hơn mấy thầy khác nhiều, kể cả mấy thầy ở Ðại học Vạn Hạnh hồi xưa.” Ðó là lời nàng kể, khi còn nhắc là năm 1974, nàng đã từng học miệt mài ở Ðại học Vạn Hạnh...
Tại sao không hiểu gì hết, mà lại thấy hay? Tôi nghĩ, chỉ có Kinh Phật và thơ mới thế thôi.
Như thế, đúng ra tôi phải gọi nhà thơ Phạm Công Thiện bằng thầy. Nhưng cơ duyên lại là, lòng anh Thiện rất mực thoải mái, không nghi lễ. Và tôi lại là bạn thân của các nhà thơ Lê Giang Trần, Phạm Việt Cường... những người thân tình và thường uống rượu với anh. Nói là uống rượu nghe có vẻ trần gian lắm, nhưng phải nhìn thấy Phạm Công Thiện mới thấy là hoàn toàn không có gì gọi là trần gian nữa. Tất cả thế gian quanh anh đều thoạt hiện ra như thơ, như văn, như nhạc, như hoạ... Và cả đôi khi tôi ghé nhà Lê Giang Trần ở trong một khu mobile home chật chội, u tối, tại Santa Ana và gặp anh Phạm Công Thiện đang ngồi trong nhà Trần với chai rượu trên bàn. Tất cả thế gian đều như mộng, như huyễn, như sương rơi, như điện chớp... Sự hiện diện của anh Phạm Công Thiện như dường để nhắc tới tính vô thường đó.
Khi tôi tới Quận Cam năm 1990, anh Phạm Công Thiện đã tạm ngưng các lớp Phật học ở Chùa Liên Hoa mấy năm rồi, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn cơ may gặp nhà thơ dị thường này. Và nếu sau này có ai muốn biết về các chuyện đời thường của Phạm Công Thiện, tôi nghĩ rằng nhà thơ Lê Giang Trần có thể kể lại trên cả ngàn trang sách, vì cứ hễ anh Thiện về Quận Cam thì chỉ nghe về ở nhà Lê Giang Trần, một nhà thơ cũng thơ mộng lạ lùng và dị thường. Còn thì, khi nghe tin anh đi Úc, khi nghe nói anh lên ngụ ở chùa Diệu Pháp ở Los Angeles, và khi thì nghe đủ thứ địa danh trên địa cầu. Nói thế, không có nghĩa Trần là bạn đời thường của anh Thiện. Thực sự, nhà thơ Lê Giang Trần nhìn nhà thơ Phạm Công Thiện như một vị Bồ tát. Một hoá thân, không thể khác hơn được, trong mắt của Trần.
Người ta không thể hình dung hết những tôn kính mà nhiều người dành cho Phạm Công Thiện. Bất kể là anh đã từng sống rất đời thường, hệt như bao nhiêu người khác giữa phố chợ trần gian. Bất kể là anh cũng viết báo lung tung, cũng một thời tranh luận từ trước 1975 tại Sài Gòn, và rồi lại viết báo tranh luận tại Los Angeles thời 1980 sau này. Và bất kể là anh uống rượu cũng tưng bừng, cũng mấy lần vợ con, cũng thích hút thuốc lá, cũng nhiều thứ rất trần gian... Nên thấy, trong những người tôn kính Phạm Công Thiện có nhiều vị sư, có nhiều nhà thơ, và tôi tin là không thể đếm hết.
Không phải những người đó tôn kính Phạm Công Thiện chỉ vì anh từng là giáo sư Ðại học Vạn Hạnh (nơi này có cả trăm giáo sư chứ), hay vì anh làm thơ hay (trước và sau anh cũng có nhiều nhà thơ xuất sắc chứ), hay vì anh đã hùng biện để bảo vệ Phật giáo (đâu có mấy ai nhớ anh đã gây lộn với ai, và về đề tài gì), hay vì anh có thể vừa mới rời một quán nhậu nơi đường Westminster là bước vào ngôi chùa đường Bixby giảng Kinh Kim Cang mà vẫn dạy hay hơn tất cả các ông sư trên đời này (có thể, nhưng chi tiết này cần phải kiểm chứng, vì các vị giảng sư chưa chắc đã đồng ý là có ai giảng Kinh này hay hơn họ), hay vì anh mỗi lần vào thư viện Mỹ là mượn ra cùng một lúc 30 cuốn về đọc tốc độ còn mau hơn các thiếu niên Sài Gòn đọc truyện võ hiệp Kim Dung (tôi tin có người còn đọc nhanh hơn), và vân vân...
Có thể vì vai trò của Phạm Công Thiện trong sự phát triển Phật giáo cũng lớn lao? Thực ra, có nhiều vị đã đóng góp cho Phật giáo nhiều hơn anh nhiều. Thí dụ, như cư sĩ Tâm Minh Lê Ðình Thám, HT Minh Châu, HT Trí Thủ, HT Thanh Từ, HT Nhất Hạnh, TT Tuệ Sỹ, GS Lê Mạnh Thát... Thực sự, Phạm Công Thiện không viết nhiều về Phật giáo.
Còn nói về các chức vụ chính thức thì Phạm Công Thiện cũng không hơn nhiều vị khác, dù anh từng là “nguyên Giáo sư Triết học Tây phương Viện Ðại học Toulouse, Pháp quốc, nguyên Giáo sư Phật giáo Viện College of Buddhist Studies, Los Angeles, Hoa Kỳ, nguyên Giám đốc soạn thảo tất cả chương trình giảng dạy cho tất cả phân khoa Viện Ðại học Vạn Hạnh từ năm 1966-1968, nguyên khoa trưởng phân khoa Văn học và Khoa học Nhân văn của Viện Ðại học Vạn Hạnh từ năm 1968-1970, sáng lập viên và nguyên chủ trương biên tập tạp chí Tư tưởng của Viện Ðại học Vạn Hạnh, 1966-1970” (theo phần chú thích trong bài “Hai vị thiền sư,” Phạm Công Thiện viết tại California ngày 18.10.1988 về TT Tuệ Sỹ và TT Trí Siêu, vị sau này thường dùng tên là GS Lê Mạnh Thát. BáoNguồn sống số 16-17, 1989, San Jose, California).
Vậy mà, cũng như nhà thơ Lê Giang Trần nói trên, tôi tin Phạm Công Thiện phải là một kiểu hoá thân Bồ tát. Nếu Tây Tạng có các hoá thân Ðạt Lai Lạt Ma, Ban Thiền Lạt Ma, Karmapa, Rinpoche, vân vân... thì Việt Nam mình ngay trong thời này cũng có các hoá thân Bồ tát như các nhà thơ Tuệ Sỹ, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện... Bạn không tin? Hãy hỏi các vị sư Sài Gòn ở thế hệ trung niên trở lên, như dường cũng có nhiều vị sư chia sẻ niềm tin như thế.
Còn nói theo kiểu bây giờ, thì Phạm Công Thiện đã xuất hiện trong Phật giáo một cách “rất là ấn tượng.” Chuyện Phạm Công Thiện trở thành nhà sư Thích Nguyên Tánh thì cũng có nhiều người biết, và vẫn được truyền tụng hoài. Nhưng nơi đây, để nghe tận nguồn, chúng ta hãy nghe nhà thơ Quách Tấn kể lại, trong “Hồi ký về thượng toạ Thích Trí Thủ”, khi giới thiệu anh Thiện với thượng toạ Trí Thủ (lúc giữ chức Giám viện Phật học Viện Hải Ðức, nơi thi sĩ Quách Tấn dạy các tăng ni môn quốc văn), trích:
Khoảng đầu năm 1964, Phạm Công Thiện bị khủng hoảng tinh thần, ở Mỹ Tho ra Nha Trang an dưỡng. Lên chơi chùa Hải Ðức, Thiện ước được sống trong cảnh u tịch trong ít lâu để lấy lại sức khỏe. Tôi liền đến xin thượng toạ, và tỏ thật rằng Thiện là một thiên tài và là người Cơ Ðốc giáo, mọi người trong chùa tỏ ý không bằng lòng. Thượng toạ cười:
“Không hề gì, có bác Quách bảo đảm.”
Nhưng để “đề phòng”, thượng toạ cho dọn một căn phòng dưới xưởng làm hương để Thiện ở, trưa chiều lên chùa ăn cơm.
Ðược nơi ăn chốn ở vừa ý, Thiện bảo tôi:
“Ðể đền ơn ông, tôi xin hẹn trong sáu tháng sẽ đọc và hiểu được kinh chữ Hán.”
Tôi không dám tin, nhưng cũng không dám ngờ.
Ở Trại Thuỷ, cả ngày Thiện nằm đọc sách. Thỉnh thoảng tôi đến thăm Thiện và thượng toạ Trí Thủ. Một hôm thượng toạ bảo tôi:
“Anh chàng có đạo tâm.”
Tôi cười thầm trong bụng: “Ðạo Thiên Chúa hay đạo Phật.”
Ba tháng sau, tôi lên Hải Ðức, không thấy Thiện nơi xưởng hương. Hỏi người làm hương trong xưởng cho biết rằng thượng toạ Trí Thủ đem anh lên ở nơi cốc của thượng toạ hơn một tháng rồi.
Tôi bèn leo dốc lên cốc: một nhà sư trẻ đang ngồi xếp bằng ngay ngắn, mắt lim dim trên chiếc ghế dài nơi cốc. Nhìn kỹ thì là Phạm Công Thiện! Rõ là một nhà sư 100 phần trăm. Thiện ngồi yên, tôi lẳng lặng đi vào cốc. Thượng toạ Trí Thủ mừng rỡ, muốn gọi Thiện. Tôi “xin đừng”. Sau mấy câu hàn ôn như thường lệ, thượng toạ nói:
“Thiện quy y với tôi rồi, tôi đặt cho pháp danh là Nguyên Tánh."
Tôi không tỏ ý tán thành cũng không tỏ ý phản đối. Ðối với Thiện quy y cũng thế mà không quy y vẫn thế.
Mấy tháng sau – tháng 9 năm 1964. Tôi lên Hải Ðức một lần nữa. Cốc đóng—người trong chùa cho biết thượng toạ cùng Thiện vào Sài Gòn, còn lâu mới về. Tôi cảm thấy bùi ngùi như nhớ nhung, như thương tiếc.
Tôi ngẫu chiếm một tuyệt:
Lịu địu
Áo giũ ngày sương gió
Lên chùa thăm cố nhân
Non nghiêng thềm nắng xế
Lịu địu bóng nhàn vân.
Sau nghe tin Thiện dạy học ở Ðại học Vạn Hạnh, rồi đi Mỹ, đi Pháp. Còn thượng toạ Thích Trí Thủ thì trụ trì chùa Già Lam, rồi được phong hoà thượng, thỉnh thoảng mới về Nha Trang thăm chùa cũ và nghỉ ngơi. Thiện thì từ ngày từ giã Nha Trang, tôi không còn gặp lại...”
Bây giờ Phạm Công Thiện không viết nhiều như ngày xưa nữa. Những cuốn sách gần đây đa số là viết về Phật A Di Ðà và Bồ tát Quan Thế Âm. Từ lâu, anh cũng không làm thơ nhiều nữa. Những tác phẩm thời trẻ của anh, khoảng hơn hai mươi cuốn, còn được quần chúng nhớ đặc biệt là vài cuốn, như: Tiểu luận về Bồ Ðề Ðạt Ma, tổ sư Thiền tông (1964), Ý thức mới trong văn nghệ và triết học(1965), Ngày sanh của rắn (1967)... Cuốn được nhớ tên nhất tại hải ngoại của Phạm Công Thiện, có lẽ là cuốn Ði cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất (1988)...
Nhưng đêm hoang vu của anh vẫn chưa hết, cho nên vẫn thấy anh đi liên tục. Ðể theo dõi bước đi một đoạn đời của anh, hãy trích một chút sau đây từ cuốn Những bước chân nhẹ nhàng trở về sự im lặng của Phạm Công Thiện, xuất bản 1994 tại Los Angeles, từ Lời nói đầu:
“Quyển sách này được viết chậm rãi thong dong từ trên 10 năm nay, từ năm 1983 tại Los Angeles và tại những vùng phụ cận Los Angeles, California, Hoa Kỳ. Từ năm 1970 cho đến 1983, tôi đã sống ở Do Thái, rồi ở Ðức quốc và ở lâu dài tại Pháp quốc; đến năm 1983, qua một cơn chuyển động toàn diện của tâm thức viễn ly, tôi đã trở lại Hoa Kỳ, trở lại thành phố Los Angeles sau một thời gian xa vắng gần 20 năm; từ năm 1983 cho đến năm 1994, trên 11 năm nay, lại qua nhiều cơn chuyển động toàn diện liên tục của tâm thức viễn ly, tôi vẫn tiếp tục sống ở thành phố Los Angeles; sau vài chuyến lui về vùng đồi núi im lặng ở Úc châu, tôi vẫn trở lại thành phố Los Angeles như trở về tập sống hồn nhiên tự tại với những cơn động đất thường xuyên của đời mình...”
Bây giờ Phạm Công Thiện vẫn còn đi. Và đôi khi vẫn còn viết – như một nghiệp tiền định của anh.
Nếu bạn nhớ rằng Phạm Công Thiện sinh năm 1941 thì mới kinh ngạc, khi biết rằng anh in cuốn Tiểu luận về Bồ Ðề Ðạt Ma năm 1964, nghĩa là khi mới 23 tuổi. Nơi đây, chúng ta không nói chuyện cuốn sách anh viết đã có giúp gì cho ai về mặt giác ngộ hay không (chuyện này, khó có thước đo), nhưng chỉ nói về đề tài để khảo sát, suy nghĩ và viết xuống thì đã là một điều hết sức dị thường. Tôi từng đọc rằng khi anh còn ở tuổi vị thành niên, anh đã soạn một cuốn Tự điển Anh ngữ tinh âm, nhưng vì tôi chưa bao giờ đọc cuốn này cho nên không dám bàn. Nhưng ở tuổi 23, mà anh viết sách Thiền tông thì phải có một tâm hồn rất mực thơ mộng, một khát khao trí tuệ rất mực mãnh liệt, dù là, đối với Thiền tông, đúng hay sai và mê hay ngộ cũng là chuyện rất mực khó dò...
Nhưng vì sao một người đời thường lại được cả các tăng ni tôn kính? Mà người đời thường này, anh Phạm Công Thiện, lại không hề biết cách kiếm tiền... Tôi nghĩ, nhiều phần là trong các kiếp trước, Phạm Công Thiện đã từng là thầy, từng là bậc tôn túc của các vị tăng ni kia, và của nhiều cư sĩ đời thường như tôi...
Và tôi tin rằng, khi Thiền sư Thi sĩ Phạm Công Thiện từ trần, chắc chắn sẽ có rất nhiều người gọi anh là Bồ tát, một danh hiệu rất mực tôn kính trong nhà Phật, chỉ đứng sau danh hiệu Ðức Phật. Tại sao như thế? Tôi không thể trả lời chính xác. Nhưng nhà thơ Bùi Giáng đã được tôn xưng là Bồ tát, và tôi tin, chắc chắn rằng Phạm Công Thiện cũng sẽ được tôn xưng như thế. Thêm nữa, Kinh Pháp Hoa cũng viết rằng tất cả mọi người đều là Phật – và bây giờ nhiều người trong chúng ta đã quen thuộc với cách Phật giáo Tây Tạng gọi ngài Ðạt Lai Lạt Ma là Bồ tát Quan Thế Âm, gọi ngài Ban Thiền Lạt Ma là Phật A Di Ðà hoá thân...
Ðể trả lời cho bớt vẻ thần bí hơn, có lẽ nên nói rằng nhà thơ Phạm Công Thiện đã đánh thức được nơi rất nhiều người niềm say đắm với cuộc đời. Bất kể là nhân loại thường trực đối diện với biết bao nhiêu là hố thẳm và hoang vu, chính niềm say đắm này đã và đang dẫn chúng ta đi qua biết bao nhiêu là ngọn đồi mây trắng...

Một số tác phẩm gần đây của Phạm Công Thiện có lưu trữ tại:
http://thuvienhoasen.org/index-tacgia-phamcongthien.htm,http://quangduc.com/tacgia/phamcongthien.html,
http://buddhismtoday.com/tacgia/phamcongthien.htm.
Tác giả Phan Tấn Hải còn là một cư sĩ, có các tác phẩm về Phật giáo lưu trữ ở trang:
http://thuvienhoasen.org/index-tacgia-nguyengiac.htm.
© 2006 talawas

__________________

Phụ đính:

 

Dòng đời

Trời chiều, đèn đường vừa lên, anh ngẩng nhìn qua khung kính. Những dòng người xuôi ngược về trạm xe điện. Ly cà phê khen khét còn vương ở cổ. Cuốn sách dày cộm, nhìn muốn nản. Anh gấp lại, những dòng chữ không muốn đọc của ngày níu lại. Bước xuống phố, gió phất lạnh giữa mặt. Ngày đã đi và đêm tới. Thế giới còn bao ngàn năm nữa, anh tự hỏi vừa bước vừa nhìn mũi chân, mà quá nhiều việc để làm, quá nhiều chuyện để vật vã.
Những ngày này tuyết chưa đến, nhưng da săng buốt lạnh. Gió thủ đô bao giờ cũng như đến sớm trước mùa. Còn phải ghé vào tiệm sách đường M để nhìn một tí. Không để làm gì, nhưng chỉ nhìn thôi. Mỗi đêm, cũng cần nhìn một tí gì mới ngủ được. Chữ. Phải là chữ. Để nhìn như nhìn thế giới.
Cũng mươi phút mới tới đường M. Vẳng tiếng nhạc inh ỏi từ các quán rượu. Anh tự nhắc phải nhớ xuống trạm xe điện trước mười một giờ. Nếu trễ lại đợi xe buýt thì mệt hơn. Một phụ nữ tóc vàng đụng vào vai anh. Hai người cùng mở lời xin lỗi. Khuôn mặt cô ta gầy, thanh tú, như quen thuộc. Mắt xanh chớp tia đèn từ các khung kính tiệm bên đường. Anh tự hỏi cô ta có thấy mắt anh đen.
Tiệm sách đông chật người. Anh nhìn vào lưỡng lự. Những dãy sách và người chen nhau. Anh nghĩ đến tiệm sách bên kia đường Wisconsin, phía trên lầu là một phòng triển lãm tranh nho nhỏ. Nghệch ngoạc tranh, lăng quăng chữ, anh đã quen với những tấm treo như quanh năm chưa bán được. Anh đưa chân bước, nhưng tự động đi ngược về rạp xi nê đường M, nơi anh chỉ mới biết khi ở đây chiếu phim về cuộc đời Krishnamurti.
Đêm nay là một phim về bạo lực, có tí khỏa thân. Anh mua vé bước vào. Trên màn ảnh là những dòng chữ đầu phim. Một cặp tình nhân ngồi trước anh. Họ chúi đầu vào nhau. Anh đứng dậy qua hàng ghế bên kia. Tiếng nhạc âm thanh Dolby ầm ầm vào phim. Mắt anh nhíu lại, ngủ như quên.
*
Thành phố Manassas, nơi tôi từng ở, còn một nơi được gìn giữ làm khu lịch sử. Đây là một trận chiến lớn hồi nội chiến Hoa Kỳ. Người ta nói còn những khẩu đại bác từ thế kỷ trước để lại. Tôi chưa bao giờ vào khu này, có lẽ vì sợ. Một bà da đen trên đường Byrd kể lại trong lần tôi gặp bà ở tiệm giặt, về những đoàn quân ma trên cánh đồng lịch sử này. Cũng có mấy ông mục sư, linh mục, da trắng, da đen, từng bày trò cầu nguyện ở đó dăm buổi sáng chủ nhật. Nhưng đều vô ích, bà không giải thích tại sao. Lúc đó, tôi muốn hỏi nhưng không dám, đoàn quân ma kia có mang màu da như khi họ còn trên đời không.
Bà dì tôi thì không tin nhưng vẫn sợ nếu khi nào phải lái xe qua bãi chiến trường cũ đó. Tôi bảo, dì yên tâm, ma cũng biết sợ xe hơi, cứ bấm còi cũng đủ. Thằng em con bà dì thì chẳng bận tâm gì. Nó chỉ lo theo đuổi con Heather cũng hết cả ngày.
Những đêm ngồi học, có khi giật mình nghe táo rơi trong vườn, tôi lại nhìn bóng đêm qua khung kính. Cỏ lá sau vườn phần phật dưới gió. Tôi thường để hé cửa sổ cho thoáng khí trời. Và nghĩ tới đoán quân ma không mệt mỏi hơn một thế kỷ của thị trấn. Người phụ nữ da đen lần đó giải thích, ở thế giới bên kia họ vẫn còn đánh nhau. Tôi đã hỏi vì sao. Bà giải thích, phải chờ tới ngày phán xét cuối cùng. Tự nhiên tim tôi nhói lên. Từ hôm đó, mỗi lần nghe táo rơi, tôi đọc ba biến chú Vãng Sanh và nguyện cho thế giới các cõi bình an. Những giây phút đó, tôi không hiểu mình phải làm gì khác.
Và một hôm, tôi nghĩ phải bỏ mảnh đất này. Cô nàng đã hỏi vì sao tôi đi. Tôi đã đáp rất ngay thật, vì táo rơi nhiều quá. Cô nàng ngẩng mặt nhìn tôi ngạc nhiên, nhưng không hỏi thêm. Tôi quay đi, lúc đó chiều rồi.
*
Có lẽ đây là tiệm sách duy nhất mở cửa hai mươi bốn giờ một ngày của thế giới, hắn nói trong khi nắm tay cậu bé, con của N, len lỏi vào. N theo hắn sát bên, Có gì khác lạ không. Không, hắn nói, không gì lạ cả, chỉ trừ giờ mở cửa và trên lầu là một quán cà phê nhỏ. Có sách tiếng Pháp không, N hỏi. Không, hình như có tiếng Spanish thôi. Tiếng Anh thì dĩ nhiên.
Cà phê thì hơi đắt, cũng khoảng ba đồng một ly, rượu, bánh nữa. Lúc đó Octavio Paz vừa lãnh giải Nobel. Hắn hỏi, N có muốn đọc thơ tay này không, trong khi kéo tập thơ ra kệ. Thôi, thơ gì nữa, lo gần chết, không còn thì giờ gì cả. Ừ, phải để rảnh rang, hắn nói lơ đãng.
Bấy giờ là mười hai giờ khuya, trên phố Connecticut không còn bao nhiêu xe. Hắn hỏi cậu bé thích quyển nào cứ chọn. Hắn chỉ ước mơ phải chi còn bé... Một lần hắn cũng nói như vậy. N đáp, trong khi ngẩng mặt nhìn hắn, nhưng anh chưa bao giờ lớn được cả kia mà. Chuyện chỉ làm sao sống mà không thấy cả trái tim mình bên kia bờ Thái Bình Dương. Hạnh phúc là những người không có quá khứ. N nói, và cả những người biết quên. Hắn cảm động, suýt ôm N. Khi nhớ lại, hắn tiếc phải chi lúc đó mình hôn N. Hắn chọn vài quyển cho N và cậu bé. Thôi về, hắn nói, trời lạnh lắm rồi. Hắn không biết phải làm gì tiếp, ngoài chuyện phải về nhà.
*
Anh thức dậy lúc bốn giờ sáng. Ngoài khung cửa tuyết rơi lất phất, từng nắm. Màn tuyết phủ cây lá sau vườn, mái nhà bên kia đường trắng xóa. Anh vẫn nằm trong giường, cảm được buổi sớm ngấm vào da thịt, vẫn ấm áp trong chăn nhưng không khí ẩn mật, lắng đọng như những hàng hạt nước đọng rèm hiên. Anh nhớ khi còn ở Việt Nam, vị thầy đã khuyên là nên dậy sớm. Dậy sớm làm bất cứ gì cũng được, đi bộ lăng quăng, ngồi đọc sách, hít thở khí trời, hay chỉ để dậy sớm thôi. Lúc đó hai thầy trò đang ngồi uống trà khi trời chưa sáng. Anh hỏi tại sao. Thầy bảo, chỉ dậy sớm thôi, không cần phải làm gì cả. Anh vẫn luôn luôn ngờ vực những gì dễ dãi, nhưng dậy sớm lại có vẻ không dễ tí nào.
Nhưng anh đã sống và quên hẳn thói quen phân biệt ngày với đêm. Chỉ có mỗi quan tâm là giờ nào việc đó. Anh sợ nghĩ tới thời gian, nhìn đồng hồ, thức ngủ theo kim giờ, chồm dậy, nằm xuống, đứng lên, rửa mặt qua loa và phóng lên xe điện đi như ma đuổi. Ngồi lắc lư trên tàu điện, đọc qua loa vài trang sách. Vào sở cắm cổ làm như điên, không còn gì nghĩ ngợi. Và đêm về, lang thang một tí, ghé vài nơi, vài tiệm, và về. Quanh đây toàn Mỹ. Anh sợ người Việt mình. Có cái gì không ổn trong máu dân mình. Một thời anh sống giữa người Việt, và thấy mình không giống một ai. Ai cũng nhìn nhau dò xét kèn cựa. Cứ phải chi như Mỹ, chẳng nhìn nhau làm gì. Anh vẫn hỏi thế nào là tử tế. Có lẽ, vâng có lẽ, tử tế là thức dậy sớm nhìn ra đời và thấy yêu thương cuộc đời hơn. Anh thấy mọi chuyện trong trần gian không dính gì tới anh. Con người thật tội nghiệp, cả khi đang cười hay khóc. Và anh, thấy mình xa lạ với mọi khái niệm về đất nước, dân tộc, hay đủ thứ gì khi nhỏ tập nhiễm. Chỉ có con người, và máu ở đâu cũng đỏ, và nước mắt nào cũng mặn.
*
Hắn đứng dậy. Tiệm Grand Garden không còn bao nhiêu người. Nàng giành trả tiền. Chi vậy, hắn hỏi. Ừ thì trả cho anh, nàng cười. Hắn nói, trong khi nhìn thẳng vào mắt nàng, phải chi tụi mình ngồi đây tới sáng. Mái tóc ngắn, trông nàng lạ hẳn. Thường khi hắn nhìn, nàng không bao giờ nhìn thẳng lại vào mắt hắn. Hoặc làm gì đó, xoay xoay chìa khóa, hay giả vờ nhìn xuống dòng sông. Giả vờ, ừ, nàng cũng ưa giả vờ lắm. Hay bây giờ tụi mình ra bờ sông ngồi chơi, hắn nói. Lạnh chết, nàng so vai lại. Không ngồi đây tới sáng, không ra sông nhìn trời, thì làm gì, hắn cười và hỏi, và chợt nghĩ tới cái giường nhưng gạt ngay ý nghĩ đó. Trước giờ hắn cũng ngay cả chưa dám ôm nàng. Như có những sức mạnh vô hình ngăn cản.
Con đường đưa nàng về phải chi dài vô tận, hắn nghĩ ngợi. Trời đêm, lạnh, gió lộng trên cao. Máy sưởi trong xe vẫn quạt hơi ấm phần phật. Hắn hứa luôn nghĩ tới nàng. Nàng không đáp. Hắn đã chân thật trong mọi lời với nàng, tận thâm tâm, không chút gì khác ngoài sự thật.
Nàng bước xuống xe, đưa tay vẫy chào, chúc ngủ ngon. Hắn bấm nhẹ còi chào và đạp ga. Tự nhiên khóe mắt như cay cay.
Bấy giờ đã thật khuya.

____________________

Ngồi bên những bóng đêm và

nghe lời hải cẩu trên cầu đá

Nơi tôi ngồi, bên kia khung kính là biển. Cát chạy dài, nước liếm từng lượn nhỏ xuống và lên. Cầu tàu đi từng nhịp khẳng khiu. Dăm người đi tới lui dưới ánh đèn vàng tỏa trên vai cầu. Tôi nhìn. Sóng vỗ sủi tăm. Phía trong, người ca sĩ Mỹ đứng nhịp chân hát; mặt nàng thật tươi. Người nhạc công da đen bên cạnh thổi chiếc kèn trumpet, môi phùng lên từng câu. Gã Mỹ trắng gõ hai tay lên dàn organ, người gật gù.
— Ông cần gì?
— Một tí rượu.
Nàng ca sĩ lại tới những nốt nhạc cao. Nàng ngẩng mặt thật cao, đưa tay hướng về khán giả, những gân cổ hiện lên trên làn da thật trắng, hát những lời thê thiết. Khuôn mặt nàng thật trẻ, như vị thành niên, chưa thích hợp với giọng khổ đau trên môi nàng. Chỗ tôi ngồi quá xa nàng để có thể nhìn xem nàng có dùng nhiều phấn son không.
— Thưa ông, rượu gì?
— Thôi, khỏi rượu. Một ly magarita.
Khi cô hầu bàn quay đi, tôi gửi thầm lời cảm ơn. Lí nhí trong miệng.
Ngoài khung kính mờ, ánh đèn vàng trên các vai cầu, và sóng đùa theo ven cát.
Maxwell's. Lần trước tôi tới đây với anh T. Người nhà văn già lúc nào cũng cầm theo chai rượu. Lần trước nữa thì tới với D. Những buổi tối, ánh đèn mờ, lời ca vọng từ xa trên sân khấu, và những người hầu bàn mang nơ đỏ.
Lần trước thì ngồi bên quầy rượu, nhìn trực tiếp vào những hàng chai, ly, tách, và hai người pha rượu luôn miệng hỏi và luôn tay pha.
Anh T. đã say, người ngả nghiêng, tóc gần bạc rồi.
— Phải theo tôi tới sáng chứ. Đòi về cái đếch gì.
Người pha rượu nhìn chúng tôi, miệng mỉm cười.
— Bây giờ là sáng rồi anh ạ.
Tôi ước mơ được nằm trên giường lúc đó. Trùm mền. Cũng đã uống rượu từ chiều.
— Bố nhắng vừa thôi chứ. Mới chín giờ tối thôi.
D. im lặng mỉm cười. Lúc nào cũng mỉm cười. Sóng vỗ ngoài kia, nhưng tôi không nghe được những âm thanh đó. Trần gian quá gần, sờ được, nắm tay được, phả hơi thở vào nhau được. Buổi tối. Những buổi tối. Khung kính đượm sương phía ngoài. Tôi đưa người bên cửa chiếc thẻ xe và chờ. Buồn ngủ lắm.
— Anh có muốn đi một vòng biển rồi về?
— Thôi, về chứ.
*
Tôi và các bạn thường ngồi ở quán Hoàng Hôn, những buổi chiều, và có khi cả đêm, tới khi người đừ ra vì cà phê, vì thuốc lá, vì mệt, vì không còn muốn ngồi nữa, hoặc chẳng vì lý do gì cả. Những chiếc ghế đẩu thấp, nhìn ra phố, nhìn vào nhau, mòn vẹt, sứt mẻ. Cách hai căn bên cạnh là quán Bình Minh. Cũng những tên quen mặt.
Những năm đầu 70, tôi mới tập ngồi nhìn buổi chiều. Không có một khoảng thiên nhiên nào trước mặt, chỉ có phố, trước mặt, sau lưng, và khắp chung quanh. Sài Gòn mịt mù dầy đặc người và phố. Những ngõ ngách quanh khu Bàn Cờ lúc nào cũng đưa về nơi không định. Đất nước nghèo và chiến tranh mệt mỏi đến không buồn ngó tới. Buổi chiều ngồi bên hè. Nắng vàng quạch, thê thiết.
Có đêm tôi ngồi đây tới khi không còn ai khác. Bình trà cạn cũng mấy lần. Mấy tên bạn chuồn về ngủ, tìm chút gì để ăn hoặc lo bài vở từ hồi nào. Cô nàng chủ quán, tôi quên tên rồi, xinh xắn, ưa cười, bước tới và bảo là tới giờ đóng cửa.
Tôi lừng lững đứng lên, phóng lên chiếc xe đạp, lại đạp lang thang một chặp. Rồi mới về. Giai đoạn đó, tôi gặp D.
*
Anh T. thường hỏi tôi về những chuyện vụn vặt loanh quanh. Anh sợ tôi đói, khi không có việc; Và cả khi có việc, thì anh sợ tôi không vui hay bị áp bức. Anh không biết là tôi cũng muốn hỏi anh nhiều điều, nhưng luôn luôn tìm cách ngăn lại những lời. Cũng như tôi lo ngại về sự cô đơn của anh, về lá gan rượu tàn phá từ nhiều năm, về những nét nhăn như dao khắc trên da mặt, về một ngày sẽ thân cận với hư vô. Tôi bảo, lúc nào cũng vậy, mọi chuyện đều OK.
— Cô này có biết nấu ăn món gì không?
— Dạ, chẳng biết nấu gì cả...
— Thì phải học nấu đi chứ.
— Thế thì đảng ta chả có ai nấu ăn được.
— Thì cứ mời anh đi quán thôi.
Những buổi chiều ngồi bên bờ biển, có khi một mình, tôi nhìn ra sóng. Nơi đây nửa thế kỷ trước, người ta nói là chỗ hải cẩu về tắm mỗi chiều trong vài tháng mỗi năm. Bây giờ còn để lại một pho tượng hải cẩu nằm trên cầu đá. Tôi chỉ cho D. con hải cẩu đá, một lần khi gặp lại.
— Người ta thích để lại một cái gì trên dòng thời gian. Bây giờ người ta không biết bầy hải cẩu năm xưa ở đâu. Nhưng họ gọi đây là Seal Beach, và khắc một tượng đá cho hải cẩu.
— Có cái gì vượt thắng được thời gian?
Tôi nhìn D. Hai mươi năm gặp lại. Tôi tự hỏi có cái gì còn tươi mới? Đôi mắt nhìn thẳng, tin tưởng vào cuộc đời. Mái tóc ngắn một lần tôi khen trên phố Lê Lợi vẫn như giữ nguyên nếp. Làn da mặt khéo giữ. Nhưng lưng bàn tay đã có nhiều nếp nhăn hơn.
Tôi muốn nói một câu hơi cải lương, cực kỳ cải lương, chẳng hạn như tình anh với em, nhưng thấy hơi tức cười vì tình tôi với ai cũng như dường bất tử.
— Chẳng hạn như lòng anh đối với cuộc đời. Không tăng không giảm. Chẳng hạn như vậy. Như biển trào, như nước lũ.
Thấy D. có vẻ im lặng, tôi tìm lời thêm.
— Bởi vì không gì có thể so sánh và vì luôn hiện hữu nên mới gọi là không tăng không giảm.
D. giễu thêm, lộ hai chiếc răng khểnh, dùng đúng ngôn ngữ nhà Phật tôi ưa xài đầu thập niên 70. Bấy giờ trời tối rồi, chỉ còn ánh đèn trên các vai cầu và ánh sáng trong mắt nàng.
— Và vì không sạch không nhơ, bất cấu bất tịnh thị cố không trung...
Tôi ôm nàng và xiết chặt. Bờ vai mềm, hơi ấm trong người nàng làm dịu lại gió xa từ biển.
— Em là con hải cẩu của anh...
*
Anh T. bảo tôi và D. chở anh ra phi trường. Anh phải đi Seattle thăm vài người bạn.
Khi rời quán Long Phụng Lầu, anh đã say mèm. Chúng tôi không thích quán này, nhưng chẳng hề nói cho anh biết. Đối với những người đã viết hơn 60 tác phẩm, tôi không thích nói về những chuyện nhảm nhí như ăn ở đâu ngon đâu dở. Anh T. bảo quán này cũng chỉ được thôi, nhưng khỏi mất công đi đâu xa.
— Cũng chẳng lừng lẫy gì lắm.
Kiểu anh nói, hoặc có khi.
— Chưa ghê gớm vào đâu. Ăn tỉm sấm chỉ có vào Chợ Lớn là số một. Hồng Kông, Nhật, Đài Loan gì cũng thua Chợ Lớn mình cả chứ.
D. lại sợ những món Tàu. Nàng nói nhỏ với tôi.
— Mỡ nhiều kinh khiếp quá.
Tôi thì ngồi ở đâu cũng được, ăn món gì cũng ngon.
Anh T. đi dáng ngả nghiêng. Tôi mở cửa xe cho anh vào và hơi quan ngại, tí nữa anh có đủ tỉnh tìm đúng chuyến bay. Đêm trước, lúc gần nửa đêm, chúng tôi ngồi ở Maxwell's, anh T. nói lung tung với người pha rượu và đi không nổi nữa. Tội nghiệp tên kia chẳng hiểu bao nhiêu. Khi anh đứng dậy đã gần như té ngả vào những bàn ghế gần đó. Tôi đã dìu anh vào một ghế ngồi và đứng vòng tay sau lưng anh. D. ngồi đối diện anh và chờ. Nàng vẫn cười như lúc nào. Nụ cười không đổi trong trí nhớ tôi. Hiền, ngoan, và lúc nào cũng vui.
— Chúng mày phải ngồi uống luôn tới sáng chứ.
D. và tôi chỉ im lặng, nhìn nhau cười. Anh lầu bầu, đầu như sắp gục lên bàn.
Khi đưa anh về, anh nói nhiều về cuộc đời. Anh nói, có lần tôi bảo thằng pha rượu là tôi cũng đổ bao nhiêu mồ hôi mới sống còn được, tôi là nhà văn, nhà báo, cũng lao động mềm người ra. Tôi đoán là những khi đó, anh có thể khóc được, nhưng chưa bao giờ tôi gặp anh khóc.
Đường ra phi trường thì tôi quen lắm. Tôi phóng như bay, không suy nghĩ. Anh bảo giọng lè nhè, phải qua trái tí mới vào 405 South. Tôi không trả lời, nhưng nghĩ phải vào mặt mới vào 405 North, đây mới đúng là lối gần nhất vào phi trường Los Angeles.
Đi cũng gần nửa đường rồi, sắp tới chỗ giao đường 91. Anh nói gần như gầm lên, hơi rượu chắc cũng tan lâu rồi.
— Đi sai rồi chứ. Phải đi về 405 South chứ.
— Anh yên tâm. Đây là lối gần nhất về phi trường.
— Nhưng ngược chiều rồi. Chúng ta chỉ cần 15 phút là tới sân bay chứ.
Tôi vẫn rú ga như bay, nhưng lòng hơi ngờ vực.
— Anh nói phi trường Los hay John Wayne?
— John Wayne chứ.
Tôi và D. phía sau cố nén cười. Vậy là tôi nhầm phi trường.
— Em cứ tưởng. Anh chờ chút, em quay đầu ngay tức khắc.
Tôi vòng xe lại, và nghĩ là tôi say dù hôm đó không uống tí nào cả. D. thấy rõ là đang cười.
— Anh lúc nào cũng cứ như say.
— Ừa, không bao giờ anh tỉnh nổi.
Khi dừng trước cửa hành khách, anh nhảy xuống, bước vào, và xua tay đuổi chúng tôi về.
— Tụi em ngồi với anh một tí.
— Về đi chứ.
D. phóng lên ngồi cạnh tôi và cười gần chết.
— Tụi mình như những con hải cẩu.
Tôi vẫy tay chào anh T. và vọt đi.
— Ừa, chỉ có một mùa để đến với cuộc đời, và có thể không một pho tượng bên cầu.
Tôi nhớ, tôi chỉ mới gặp D. ba năm nay, nhưng biển đã có từ nhiều triệu năm rồi.

________________

Những hành tinh quá khứ

Hắn đẩy cửa, bước ra đường. Tiếng nhạc đuổi theo sau lưng, nhỏ dần và im hẳn. Biển Long Beach trước mặt, trải dài, đen thẳm trong bóng đêm, gợn lên những đợt sóng trắng ven bờ, rì rào, chầm chậm, kiên nhẫn. Hắn ngồi lên kè đá, nhìn ra xa. Những điểm sáng trên biển như các vùng sao tụ hội. Tàu bè có vẻ hơi nhiều, hắn nghĩ. Gió lạnh thốc vào ngực buốt giá.
Mấy con nhỏ Mỹ với Mễ đi qua, váy ngắn, quần jeans, chân không, giày cao gót, cười đùa. Hắn tự nhủ, thôi mai về New York vui hơn. Ở đây cái gì cũng nhàn nhạt, không có cái gallery nào khổng lồ cả. Hắn chưa đi hết vùng này và cảm thấy hơi bất công khi suy nghĩ như vậy. Hắn tới Long Beach để thăm một cô bạn cũ vừa qua diện ODP, sau mười mấy năm không gặp.
*
Lần thứ nhất ăn cơm ở nhà Tâm, trong buổi chiều đầu tiên. Có cái gì đang ngượng ngập giữa hai người. Nhà Tâm đầy con nít, lổn ngổn, đứng đi chạy giỡn giữa những người lớn đang ra bộ nghiêm trang và kín đáo theo dõi hắn và Tâm. Hắn đã cố gắng làm ra vẻ tự nhiên như không có gì. Mà thật sự thì không có gì giữa hai người. Tâm là bạn thân một người tình cũ của hắn ở Việt Nam. Hắn tới thăm Tâm cũng để tiện đi chơi cho kỳ nghỉ một tuần.
“Kỳ quá Tâm nhỉ. Cuộc đời rồi lại gặp nhau ở đây.”
“Em đi được cũng là may. Chẳng ai biết số mệnh thế nào. Tội nghiệp Hà, nó ở lại đủ thứ nheo nhóc. Con hai đứa đã thấy muốn chết rồi, lại thất nghiệp nữa.”
Hắn không thích nghe những chuyện đó nữa, nhưng không tiện nói ra. Nhưng mình thích nghe chuyện gì nhỉ, hắn cũng không biết rõ. Có những chuyện thật sự là sợ nghe, hắn thấy rõ điều đó.
Hắn nói lơ đãng, “Có những điều mình phải chấp nhận, cũng như có những điều phải quên đi.”
Tâm ngồi trước mặt hắn, khuôn mặt đánh phấn thoang thoáng trên má. Đôi mắt, hắn vẫn nhớ, ngày xưa thích nhìn thẳng kiểu chất vấn. Bây giờ vẫn vậy, hắn có cảm giác không có gì thay đổi với những người trong nước. Chỉ có mình ngoài này mới đổi nhiều.
“Tâm vẫn có kiểu nhìn tra vấn như vậy. Con nít lắm. Cứ như muốn hỏi điều gì ấy. Đó là kiểu nhìn của khoa học gia. Gái đẹp không nên nhìn như vậy.”
“Hà mới là đẹp. Em chỉ vậy vậy thôi.” Tâm cười, đôi mắt nheo lại những vết chân chim. “Mà bây giờ thì đứa nào như cũng già thêm trăm năm.”
Hắn thấy nhói nơi ngực. Hắn nhìn vào trán Tâm. Chưa có nếp nhăn ở trán, nhưng khuôn mặt khắc khổ, nhiều suy tư. Tiếng TV phòng trong vọng ra lẫn tiếng đùa nghịch của bọn con nít.
“Anh cũng vậy, hẳn là già thêm nghìn năm đấy.” Im lặng một chặp, hắn lại nói cách lơ đãng. Hắn tò mò muốn hỏi tại sao Tâm chưa lấy chồng, nhưng thấy không tiện. Ngày xưa một tên bạn hắn có dạo theo tán tỉnh Tâm nhưng rồi tự nhiên biến mất, không biết là vào tù hay vượt biên.
“Ừ, có bao nhiêu người như vậy nhỉ.” Hắn nói.
“Già nghìn năm... Anh vẫn có kiểu nói như vậy.”
“Ơ, không. Anh đang nói về có những người tự nhiên mất tích trên đời này.” Hắn thấy ân hận khi giải thích như vậy, chẳng nên làm cô nàng gợi nhớ tới chút gì buồn của quá khứ. “Tâm ở đây thử nghiên cứu ổn định rồi đi học lại coi sao. Đó cũng là một giải pháp tốt, và có thể là tốt nhất nữa đấy.”
Hắn đứng dậy, vươn vai cho giãn gân cốt. Nắng chiều chiếu qua khung cửa sổ, vào khắp chỗ Tâm ngồi. Tâm mặc đồ bộ màu hồng điểm hoa cải vàng. Hắn đoán nàng mang theo từ Việt Nam qua, vì nhiều năm rồi hắn chưa thấy ai bên Mỹ mặc đồ bộ cả. Dáng nàng ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế nệm khổng lồ, chân duỗi song song, lộ cặp đùi dài. Hắn nghĩ, đùi nàng mà đi tắm biển thì tuyệt. Hắn thấy có lỗi khi nghĩ đến những chuyện như vậy.
“Thôi, anh về. Mai chiều chắc anh ghé thăm Tâm. Không chừng mình đi uống cà phê hay dạo phố gì đi.” Hắn bước ra cửa. “Cho anh gởi lời thăm ông bà cụ giùm luôn. Chắc không cần anh vô phòng chào cả nhà chứ?”
*
Chiều đó, hắn về nhà một thằng bạn ở Santa Ana, uống cạn hai lon bia rồi lên giường ngủ. Hình như cũng khóc một chặp trước khi ngủ vùi hẳn. Khi tỉnh dậy nửa đêm, hắn lại thấy đôi mắt ngước nhìn của Tâm, đôi mắt của những đứa trẻ nhìn vào cuộc đời lạ lẫm, tò mò, chất vấn và có khi là sợ hãi. Hắn tự trách mình vô tâm vì đã không hỏi Hà có nhắn lời gì không. Cũng không nghe Tâm nói gì, hắn đoán có lẽ không có gì đặc biệt. Vả lại, hắn cũng sợ nghe chuyện quê nhà, thà để tự động nàng nói, còn hơn là mình phải hỏi. Hắn mở mắt nhìn bóng đêm. Lâu rồi hắn cũng không hình dung được khuôn mặt của Hà. Kỷ niệm cuối cùng, ừ, nét mặt của Hà, đó cũng là một cái gì buồn nản.
*
Chiều hôm sau hắn đến mời Tâm dạo phố. Ông bà cụ nàng nhìn dò xét nhưng không nói gì. Cũng cái kiểu của Việt Nam, những kiểu nhìn như vậy hắn đã chán đến tận cổ. Bọn con nít cũng có đứa nhìn theo như thể hắn sắp bắt cóc Tâm. Hắn cười làm thân với bọn nhóc khi theo Tâm ra cửa.
“Ông bà cụ có biết tụi mình là bạn thân từ Việt Nam không,” hắn hỏi Tâm khi hai người rời nhà.
“Em đoán là biết, dù em không kể gì cả. Bạn từ hồi đi học. Thế đủ rồi.”
Hắn mở cửa chiếc Excel thuê cho cả tuần, chờ Tâm ngồi vào mới đóng lại. Chiếc quần Tây nàng mặc còn cả kiểu ống loa của thời 70. Thời đó Hà ưa mặc quần vải xám, áo sơ mi trắng lai bầu có khi bỏ trong quần và có khi bỏ ngoài quần. Hắn không bao giờ đoán được ý Hà dù trong chuyện nhỏ nhặt như mặc áo quần. Con gái lúc nào cũng thích làm mọi người ngạc nhiên, hắn nghiệm thấy như vậy.
“Sài Gòn chắc là đứng lại năm mươi năm, Tâm nhỉ?”
“Em không biết. Nhưng rồi ai cũng phải sống, phải bương chải. Năm tháng rồi sẽ qua đi. Con người cũng vậy.”
Hắn thở dài, lái về phía 405.
“Chẳng ai hiểu được chuyện gì cả. Cuộc đời vùi dập chẳng tha ai. Phải chi mình được hồn nhiên như Mỹ thì sướng biết mấy... Ở đây rồi Tâm sẽ thấy cũng chẳng vui gì.” Hắn ngạc nhiên khi thấy mình cứ nói giọng buồn nản như vậy. “Bây giờ Tâm muốn đi chơi đâu? Ra biển, dạo phố, đi ăn?”
Tâm liếc nhìn hắn, “Đi đâu cũng được, tùy anh.”
“Mình vào một tiệm cà phê Ý Đại Lợi đi. Để Tâm kể hết cho anh nghe chuyện gì phải kể.”
*
Buổi chiều, bên ly cà phê expresso, hắn lơ đãng nghe Tâm nói chuyện. Cánh hoa hồng trên bàn, chiếc gạt tàn và những mẩu tàn thuốc. Hắn nhìn ra cửa kính, đôi khi nhìn Tâm. Đôi khi Tâm ngưng lại. Hắn tìm thêm lời cho Tâm. Mắt nàng vẫn mở to như năm nào. Hắn nói hắn thích vậy, Tâm đừng bao giờ nheo mắt nữa, cứ mở to như vậy đấy, bao nhiêu anh sẽ chết cả cho coi. Phải mở mắt để nhìn cuộc đời chứ, Tâm cãi khẽ khàng. Nói nữa đi Tâm, ừa nói cho hết cả ngàn năm chia cách của dân mình. Tâm cười, lại kể về Sài Gòn.
Khi Tâm nói rằng sắp tới lúc Tâm lười nói, vì nãy giờ Tâm không nhớ Tâm đã kể những chuyện gì, thí dụ như Tâm hạnh phúc, thí dụ như Tâm buồn, thí dụ như Tâm đói rách, thì cũng như bao nhiêu người khác, cũng không phải là chuyện đáng nhớ mà cũng chẳng có gì để giận dữ với cuộc đời. Hắn nói, Tâm có nhu cầu nói và hắn có nhu cầu nghe, thì Tâm muốn nói gì thì nói và hắn muốn nghe gì thì nghe. Ừ, cứ nói nữa đi. Chỉ có một điều Tâm nên nhớ là anh thích nghe Tâm nói.
Có khi Tâm cảm động như sắp khóc. Lúc đó hắn không nhớ nàng đang nói gì, nhưng giọng nàng có thể vỡ ra. Trời đang tối xuống ngoài phố. Thôi Tâm ạ, giọng hắn đùa, không có cách nào cười cho thật to ư. Tụi mình cười thi nhau đi. Ngày xưa Hà..., hắn chợt ngưng lại khi nhắc tới Hà. Tâm quay mặt nhìn ra phía cửa sổ. Chiếc màn che sặc sỡ, đèn phố sáng rực. Người hầu bàn tới đốt đèn cầy cho hai người. Thôi Tâm ạ, tụi mình chắc không còn biết cách cười nữa. Hắn chợt nhìn thấy cổ chân của Tâm, nàng chưa biết mang vớ lưới, lòng hắn chợt xót xa. Tâm ơi, thêm một buổi chiều qua đi rồi, đêm nay Tâm còn muốn đi những đâu nữa không. Tâm không trả lời và nàng giữ im lặng cho tới khi hai người cùng đứng lên ra xe.
“Mình có nên tìm một gallery nào xem tranh không.” Hắn buột miệng hỏi và ân hận ngay sau khi đề nghị. Đó không phải là nơi để đưa Tâm tới, nhất là những lúc này. Hắn cũng chẳng biết hết đất đai thổ ngơi vùng này thế nào. Lạy Trời cho nàng đừng để ý tới đề nghị của hắn. Ở cái đất New York của hắn, có đi mười năm cũng chưa dạo hết các gallery. Câu hỏi hắn đã từ vô thức, một buổi chiều nhiều năm trước, hắn đã đưa Hà và Tâm vào xem tranh ở một phòng triển lãm đường Tự Do. Hắn nhìn Tâm, “Hay mình đi dạo biển một tí rồi về nha.” Tâm gật đầu. Hắn lái xe chầm chậm dọc theo đường số 1.
Khi tiễn Tâm về, hắn bất chợt nắm tay Tâm từ ngõ vào tới gần nhà nàng. Tay nàng mềm, ấm. Tâm để yên một chặp rồi nhẹ nhàng rút ra. Khi nàng loay hoay mở cửa, hắn vẫn đứng nhìn. Thôi anh chuẩn bị đi, hắn nói nhưng chân vẫn không nhúc nhích. Nàng ngẩng lên gật đầu, cười thật tươi.
“Chắc ngày mai anh không tới được. Có thể mốt tới, anh đoán vậy. Cũng nên gặp Tâm thêm vài lần, chứ sau này lại khó gặp.”
Nàng gật đầu, vẫn cái nhìn mở to. Hắn quay đi, ở bên này chẳng ai còn nhìn như vậy nữa. Hắn lại quên hỏi xem Hà có nhắn cần hắn gởi tiền về không, và cũng quên hỏi thằng chồng Hà làm gì. Hắn vẫn ngại hỏi những việc như vậy.
*
Hắn đưa Tâm vào một quán ăn ở Dana Point. Trước mặt là một vùng biển vắng, thưa người đi lại. Những cồn cát nhỏ và hẹp, những kiến trúc khổng lồ im lặng. Bây giờ không phải là mùa người ta ra chơi biển.
“Hy vọng khi về khỏi bị lạc đường. Đây là lần đầu tiên anh tới đây.” Hắn giải thích, “Cứ lái xe đại thì tới được đây, chắc là cứ lái đại thì cũng về được.”
“Em chẳng biết gì đường sá cả. Anh đừng mong em chỉ đường.” Tâm nhìn hắn. Hôm nay nàng mới cắt tóc. Những sợi ngắn lòa xòa trước trán và lộ đôi vành tai xinh xắn.
Tự nhiên hắn thấy mệt mỏi. Có gì như cả thế giới đè nặng trên vai, như muốn ngộp thở. Nhiều năm rồi, hắn đã lang thang một mình trên nước Mỹ và bây giờ gặp một người bạn gái cũ, đúng ra là bạn của người tình cũ, niềm vui cùng đến với kỷ niệm, nhưng lại làm hắn mệt ra. Cái cảm giác của người tự thấy mình xa lạ với những gì trước kia từng thương yêu, từng trân trọng. Sự khám phá này làm hắn mệt mỏi, chán chường. Cả cái đất nước sau lưng kia, với những người bạn thân thiết, nay bỗng dưng hiện ra trước mặt hắn với Tâm là đại diện, khoảng cách thật gần đến có thể đưa tay nắm được, nhưng lại là cái gì thật xa của nghìn năm.
Hình như hắn đang tự trách những gì mơ hồ. Hắn thấy rõ ràng hắn đang thay đổi từng ngày. Hắn cảm nghiệm được thời gian trôi qua trên từng phân vuông da thịt, trong từng tế bào. Hắn sờ được cụ thể lúc này những thay đổi đó như đang bơi lội trong lượn sóng thời gian. Còn Tâm và những người bên kia, những thành phố tuổi trẻ của hắn, những ngôi trường cũ kỹ đổ nát, những con đường đầy bụi và Hà và kỷ niệm, tất cả đều đang đứng lại, chết sửng, trên đường, giữa phố, ngay cả những con chim trên hàng dây điện đường Đinh Tiên Hoàng. Tất cả đứng lại như những pho tượng cổ, ướp bụi của những triệu năm. Chỉ cần hắn bước về, đưa tay chạm tới, thổi một hơi nhẹ, là tất cả đều tan thành tro bụi.
Nhưng Tâm vẫn đang ngồi yên trước mặt hắn, thỉnh thoảng cử động không như một pho tượng. Hắn theo dõi từng cử chỉ của Tâm và ngạc nhiên nghe từng lời nói như vọng từ những hành tinh xa lạ, thật mơ hồ. Nàng cười giọng cũng âm vang những tiếng bước đi của hai mươi năm trước, cũng sột soạt tiếng giấy của thời ngồi sau khung cửa Trung học, và cũng những ngây thơ, những sợ hãi không bao giờ hiểu được. Hắn thấy như đang đứng trong thế giới của ma thuật, có những người và những thành phố hoàn toàn xa lạ với thời gian. Hắn có cảm giác, nếu hắn đứng lên quát thật to vài tiếng, Tâm sẽ tan thành bụi hoặc biến mất ngay trước mắt hắn. Hắn siết tay Tâm thật chặt mà vẫn cảm nghiệm những hư vô trong tay.
Tâm vẫn nói về thành phố. Hắn hỏi về pho tượng Đức Mẹ trước nhà thờ Đức Bà, có một thời hắn nghe đồn người ta tới để chờ nhìn thấy hào quang. Mình già đi thật sự là tới nghìn năm, hắn thở dài, có biết bao nhiêu điều khó hiểu trên đời này.
*

Hắn lái dọc theo South Coast về Long Beach. Dọc đường, Tâm ít nói ra. Cảm giác yên lặng của hai người làm cho hắn càng ý thức mạnh hơn dòng trôi chảy thời gian, trên người, trên xe, trên mặt nhựa đường, trên hàng trăm nghìn tinh tú thật cao.
Hắn chợt nghĩ có thể mời Tâm đêm nay về một khách sạn. Hắn lầu bầu tự trách khi nhìn thấy những ý nghĩ như vậy. Hắn đạp mạnh ga, phải đưa nàng về ngay trước khi hắn nói những gì khác.
“Tâm cắt tóc ngắn hay quá.”
“Để cho thoáng. Không khí ở đây cũng nóng bức quá.”
Khi đứng ngoài ngõ nhà Tâm, hắn ôm chầm, siết chặt người vào nàng và hôn thật mạnh bạo môi nàng. Tâm khẽ đẩy người ra rồi đứng im, để cho môi hắn hôn khắp trên môi rồi trên mặt nàng, rồi lắp bắp, “Đừng, đừng, anh...”
Hắn lùi lại, “Cho anh xin lỗi.” Và ngạc nhiên thấy nàng vẫn đứng đó. Hắn nghĩ đáng ra nàng đã tan thành bụi, kể cả chiếc sơ mi trắng và quần Tây thời 70. “Em vào nhà đi.” Hắn nói giọng thật nhẹ, như thì thầm.
Khi trở về, hắn bước vào một bar rượu, uống cạn liền hai lon Bud và cố gắng không suy nghĩ đến điều gì cả. Đêm khuya lắm rồi, khi hắn đứng lên. Mai phải về thôi, hắn tự nhủ khi đẩy cửa bước ra ngoài.

_________________

Mầu nắng rực sáng

Tôi đã ưa thích màu nắng ở quê nhà từ những ngày thơ ấu. Nó không thực sự là màu gì nhất định. Có thể gọi màu nắng là màu trắng ngà. Không, không hẳn thế. Bạn không thể nói cho đúng, rằng màu nắng là màu gì. Vì bạn chỉ nhận ra màu nắng khi nó chiếu rọi vào một cái gì, và nó không còn là cái mà chúng ta muốn nói nữa.
Tôi đã từng thử nhìn thẳng vào mặt trời. Lúc đó, tôi học xong lớp 9, tức là lớp đệ tứ, đang chờ lên lớp đệ tam ở Chu Văn An. Trong một buổi chiều chủ nhật, đạp xe tới xóm tên bạn ở gần nhà, nhìn thấy màu nắng chói trên các bức tường trên những căn phố người Hoa gần chợ Bình Tây, màu nắng rực rỡ hiện lên màu vàng của tường, dưới những mái ngói đỏ ngả màu cũ kỹ. Tôi ngây ngất nhìn màu nắng, và rồi nhìn thẳng vào mặt trời – chói kinh khủng, chẳng thấy gì. Phải đứng một chỗ, nhắm mắt cả mười phút, mới thấy đường trở lại. Lúc đó mới biết, tôi chỉ có thể nhìn được màu nắng trên mọi thứ khác. Lúc đó, tôi đã thấy rằng có một cái không thấy được, nhưng nó là cái làm cho mọi thứ hiện lên. Thế nhưng, tại sao lại nói chuyện này nhỉ? Tôi chỉ đang muốn kể cho bạn nghe một chuyện tình thôi — nếu gọi được, thì đó là chuyện tình, nhưng nói cho nghiêm túc, cũng chỉ gần gần là một chuyện tình.
*
Màu nắng Sài Gòn đó vẫn còn rực rỡ mãi trong tôi, nhiều thập niên sau. Tôi vẫn nhớ màu nắng như dường nghiêm trang hơn trong sân trường, như dường ngả nghiêng đùa cợt trên các lối đi xe đạp chen nhau khi tan trường, như dường loang vữa tường rêu ở các hẻm Phố Tàu gần nhà tôi, và cũng như dường nhảy múa dịu dàng trên mái tóc mấy cô nữ sinh trường Bác Ái đi xe đạp trên đường Nguyễn Trãi.
Nhà tôi trong một khu chung cư gần Chùa Ông Bổn. Quanh chung cư đầy những hẻm phố, và rồi các hẻm biến thành chợ, có nơi biến thành chợ vải, nơi thành chợ giày, nơi là những ván cờ tướng với các cao thủ thi đấu ăn tiền, nơi là chỗ tụ họp cùa mấy anh thợ làm con dấu và sửa đồng hồ. Những âm thanh quanh các phố thị luôn luôn là khúc nhạc gì bí hiểm, và thường là, khi tôi ngẩng người nghe, hay nhìn, lại thấy một mùi dễ chịu của xe hủ tiếu từ dưới phố thoảng tới. Hay là khi đi ngang Tang Nghi Quán, tiếng kèn đám ma thê thiết, tiếng tụng kinh vang không ngừng, và mùi nhang khói bay ra tận hè phố trong những ngày nơi đây bận rộn.
Trở lại, nói chuyện Chùa Ông Bổn, nơi ai ở Chợ Lớn cũng đều biết ngôi chùa này ở phố Hải Thượng Lãn Ông. Chùa này gọi đúng là miếu, vì thờ Ông Bổn, một vị thần trong tín ngưỡng người Hoa, được tin tưởng là rất mực linh thiêng. Trong những lễ hội hàng năm, chùa này tưng bừng đủ thứ — không kể chuyện cúng lễ, mà tôi chẳng hiểu gì, chỉ ưa chạy theo xem múa lân, xem múa võ, xem rước kiệu… dần dà, lớn một chút mới thôi, khi tới tuổi học thi Tú Tài 1, mới thấy thực ra mình không ưa lễ hội tí nào.
Ngẫm ra, lúc nhỏ ham vui, chỉ là chạy theo mấy đứa trong xóm thôi, trong đó nhiều đứa gốc Hoa, phảỉ tập luyện gian nan và rồi trình diễn trong lễ hội Chùa Ông Bổn — bọn con trai gốc Hoa phảỉ luyện võ, tập múa lân, bọn con gái mặc trang phục thướt tha để múa, hay xếp hàng cúng lễ gì đó. Có những buồi chiều, tôi đứng ở hành lang lầu hai chung cư, nơi bây giờ là đường Trần Hưng Đạo B, nhìn xuống dưới phố, bọn thiếu niên bước đi tung tăng trên phố để sang Chùa Ông Bổn tập luyện, con trai mặc võ phục, có đứa cầm côn, có đứa cầm kiếm… con gái mặc kiểu áo cổ truyền như trong phim Tàu xưa. Có lúc đi nhanh, có lúc như chạy vội, màu nắng lấp lánh trên lưỡi kiếm của mấy cậu con trai, trên các tua kim tuyến trên trang phục mấy cô con gái. Lúc đó, tôi thấy nắng chói thật đẹp trên các tường vôi ngả vàng của tường phố, và thấy lòng mình như chết trong màu nắng. Không hiểu sao lại thấy thế.
*
Kỳ lạ, tôi muốn kể một chuyện tình, nhưng sao cứ mãi nói chuyện nắng, rồi lại kể chuyện lễ hội với chuyện chuẩn bị lễ hội. Nói cho đúng ra, thời thơ trẻ của tôi chẳng hề có cái gì gọi là mối tình. Kể cả khi làm thơ cho báo xuân trường Chu Văn An, cũng chưa từng nắm tay một cô nào, chớ đừng nói gì tới — thế mới lạ.
Một lần, tôi có làm một bài thơ, kể về những âm vang tiếng guốc của một cô bé theo tôi vào giấc ngủ, những âm vang này ru tôi ngủ, y hệt như lời ca dao mẹ ru con. Bây giờ không nhớ được bài thơ này. Mấy tên bạn trong nhóm làm báo xuân cho trường gọi đó là tình chay, vì chẳng có con nhỏ nào thật đâu. Mà, ai lại làm thơ, viết là như mẹ ru con — bộ con nhỏ tưởng tượng của mày là má của mày hay sao. Lúc mấy tên kia giễu như thế, tôi chợt nhớ mấy đứa con gái gốc Hoa trong khu Phố Tàu tôi đang ở. Thực ra, mấy tên bạn tôi nói đúng, vì tôi làm thơ tình là vì đặc san nhà trường cần mấy bài thơ. Lúc đó, tôi chỉ say mê đọc sách, và dĩ nhiên, học thi.
Tôi không nhớ tên nào giễu tôi như thế. Chỉ nhớ mấy tên trong ban biên tập đang ngồi uống cà phê ở quán, nơi lối vào Ký túc xá Minh Mạng, gần trường Chu Văn An. Nơi đó, tôi cũng thích ngồi nhìn nắng trên mái ngói nhà thờ đối diện, giữa một công viên thơ mộng. Nơi đó, gió thổi cây lá xao động, và nắng lung linh trong lá.
*
Cũng nên kể thêm chuyện này. Một thời tôi say mê ngồi thiền. Hồi đó học thi căng thẳng lắm. Tên nào cũng sợ thi rớt, vì tin chiến sự hàng ngày lúc nào cũng sôi động. Lúc đó, tôi say mê đọc sách Krishnamurti. Dĩ nhiên là đọc bản dịch Việt ngữ. Thấy khó hiểu kinh khủng, chỉ lờ mờ thấy rằng ngôn ngữ Krishnamurti đầy sức mạnh như Kinh Phật, nghe âm vang như Thiền Tông khi nói rằng chân lý là mảnh đất không có lối đi. Không hiểu cách nào để tập thiền như thế, lúc đó cũng không rõ rằng ông Krishnamurti có thực sự dạy thiền hay không.
Thế rồi gặp một cuốn sách mỏng dạy Thiền Chỉ Quán, tôi mua từ một tiệm sách cũ. Thời đó, tiệm sách cũ đầy khắp Sài Gòn, và dĩ nhiên, cả Chợ Lớn, nơi tôi ưa thích lang thang đi bộ, và có khi lang thang đi xe đạp quanh phố phường, để nghe đủ thứ âm vang ngôn ngữ và tiếng xe, tiếng hô phủ ky, tiếng gõ hủ tiếu, ngấm vào da thịt tôi.
Không phảỉ tôi nghe bằng tai đâu. Tôi nghe bằng cả da thịt, nghe bằng mắt, nghe bằng mũi, nghe bằng trọn cả gân xương tóc tai da thịt. Có những khi học thi với mấy tên bạn ở sân Chùa Xá Lợi xong, là đi xe đạp về Chợ Lớn, và cứ mải mê thấy cuộc đời ngấm lạnh vào da mình, mà lòng như say hương đời. Tôi yêu thích cuộc đời này biết là bao nhiêu.
Tôi ngồi quay mặt vào vách tường để tập thiền mỗi đêm, và phê biết là bao nhiêu. Những lúc thấy lòng mình lặng như tờ, hạnh phúc vô cùng tận. Thế rồi có một lúc, trong khi chạy nhảy, bị té vấp chân, móng chân cái bên phảỉ văng luôn, đau kinh khủng. Hễ đụng tới là đau. Lúc đó đang học thi, đau chân thế là phiền lắm, vì di động hạn chế. Nhưng tối về, tôi ngồi trên ghế, tập thiền. Và khám phá ra rằng ngồi, đứng, hay đi cũng thế, nhiều khi tâm lặng như tờ. Cái đầu đỡ căng thẳng, đỡ lo âu.
Nghĩa là, một tuổi thơ của tôi ngập nắng, lòng cực kỳ hồn nhiên, và các phố Tàu Sài Gòn – nơi vẫn quen gọi là Chợ Lớn – là một phần đời của tôi, một mảng da thịt tim óc của tôi. Đó cũng là lý do sau này, khi từ Virginia về thăm Quận Cam, nhìn thấy màu nắng trên các hè phố Bolsa, màu nắng chói rực rỡ trên thương xá Phước Lộc Thọ, nơi có tên tiếng Mỹ là Asian Garden Mall, tôi biết ngay là bằng mọi giá là phải dọn về Quận Cam định cư. Không hoàn toàn vì sợ tuyết lạnh tiểu bang Virginia, nhưng khi tôi nhìn thấy màu nắng nơi này, tia nắng hắt trên những pho tượng nghiêm và buồn kiểu Chợ Lớn như thế, chân tôi đã đứng khựng lại nhiều phút sững sờ.
Tôi biết rằng, tôi yêu màu nắng này. Tôi thấy ngay lúc đó, rằng tôi sẵn sàng ngồi trên ghế đá ở phố Bolsa, chỉ để suốt đời ngồi nhìn nắng thôi. Định phận của tôi là ở đây, gần như là một Chợ Lớn thời niên thiếu của tôi. Chỉ thiếu có Chùa Ông Bổn với những thiếu niên võ phục và áo thướt tha phim bộ, chỉ thiếu có sân Tinh Võ với những bích chương dán đầy hình ảnh về các trận võ đài, chỉ thiếu một Tang Nghi Quán thê thiết tiếng kèn đám ma… và thiếu nhiều nữa. Nhưng làm sao bây giờ, cũng đâu có cần nhiều: tôi chỉ muốn nhìn màu nắng trên phố Bolsa này.
*
Suýt nữa là tôi quên kể câu chuyện tình. Đúng ra, chỉ là mặc định thôi, vì trong truyện ngắn, hễ có nhân vật nam và nhân vật nữ, thế nào cũng có chuyện tình xảy ra. Tôi cũng đoán chuyện của tôi như thế.
Đầu tiên là chuyện ngồi thiền. Nơi đây, tôi ở một phòng nhỏ, trên lầu hai, ở một khu chung cư cho người cao niên — định nghĩa cao niên của Quận Cam ở trường hợp này là trên 55 tuổi. Căn phố này nằm ẩn sau lối đi ngang nhà hàng Song Long. Tôi ưa thích những buổi sáng ở đây, cả buổi trưa, buổi chiều, buổi tối. Ngàỳ và đêm là một phần cơ thể tôi.
Nhiều đêm ngồi thiền, trong căn phòng tắt đèn tối mịt. Thỉnh thoảng có tiếng xe chạy dưới phố vọng lên, có khi có hàng xóm nào mở truyền hình vọng tiếng nhạc sang. Tôi không bực dọc với những âm thanh đó từ lâu rồi, một thời tôi xem tiếng động là những gì quấy rối mình, và rồi bây giờ xem âm thanh đó, xem mọi thứ hiện tới đều là một phần than thể mình. Có lẽ, đó là lý do tôi không bực dọc với những tiếng động lạ đó nữa — kể cả, đôi khi, vài người say lướt khướt đi trên phố la om xòm, giọng nhừa nhựa.
Năm ngoái, tức là năm 2013. Liên tục nhiều đêm, hễ ngồi thiền một chặp, tôi lại thấy trước mắt hình ảnh một nhóm thiếu niên đi trong nắng về hướng Chùa Ông Bổn, nghĩa là những hình ảnh nhiều thập niên trước tái hiện trước mắt tôi. Tôi nghĩ, thế là bệnh rồi. Lúc đó, tôi mở mắt ra, nhìn thẳng vào vách tường. Chặp sau, bức tường trong phòng tối có lúc như bật sáng. Tôi nghĩ, đây là màu nắng quê nhà. Nắng hiện rực rỡ trong tâm tôi. Những lúc đó, tôi bật đèn sáng, lấy sách ra đọc, có khi lấy giấy mực ra vẽ. Lúc đó, niệm gì cũng biết là hỏng, niệm thân thọ tâm pháp… niệm gì cũng thâý màu nắng hiện ra trước mắt. Đức Phật đã dạy rồi, khi thấy màu nắng, chỉ là màu nắng thôi. Khi nghe tiếng xe chạy, hay khi nghe bất kỳ tiếng ai dưới phố say rượu om xòm… thì chỉ là tiếng xe chạy thôi, và chỉ là tiếng say rượu om xòm thôi. Thế nhưng, bây giờ tôi biết mình bị vướng. Tôi lấy tạ ra, tập thể dục nặng… tới khi mệt thì nằm ngủ.
*
Mấy hôm sau, tôi tới xem Lễ Hội Vu Lan ở chùa Nhật Bản. Chùa này ở trên đường Dale, thành phố Anahiem. Lễ Hội Vu Lan là nói theo tiếng Việt, chùa Nhật gọi là Obon. Chùa này năm nào cũng làm Lễ Vu Lan thật lớn, có đủ thứ triển lãm cắm hoa, triển lãm cây bonsai, triển lãm kiếm cổ, văn nghệ, vân vân. Năm nào tôi cũng tới chùa này xem lễ hội, và xem kinh sách trưng bày, thường bán với giá rất rẻ.
Một phụ nữ trong trang phục kimono bước ra từ chiếc bàn trưng bày hoa, dưa tay chào trước mắt tôi. Tôi không thể nhớ được rằng đó là ai, chỉ nói một chữ “Hi” để chào.
Tôi thấy ngay hình ảnh như từ thơ cổ Đường thi, một phụ nữ tuyệt sắc từ những chiếc bàn trưng bày cắm hoa bước ra chào bằng nụ cười tươi tắn. Và trong bộ trang phục kimono trắng, điểm hoa đào thêu trên vải.
“Chào anh Hải.”
Trời ạ, cô Nhật Bản này nói tiếng Việt, giọng y hệt dân Sài Gòn.
Trong khi tôi còn đứng khựng người, cô giải thích thêm. Rằng cô là hàng xóm của tôi. Không phảỉ là cùng khu chung cư đâu, nhưng là ở trong ngõ hẻm tôi thường gọi là chợ vải Soái Kình Lâm vì gần đối diện nhà hàng này.
Tôi gật gù, chưa biết nói gì, nghĩ được rằng đây là một cô Tàu hàng xóm. Tôi đoán, với giọng nói này, hẳn là cô chào đời ở Sài Gòn, dĩ nhiên tiếng Việt phải giỏi.
Ờ, lâu quá hen, mấy chục năm rồi, làm sao cô nhớ mặt tôi được. Tôi nói một cách vụng về, hẳn là mặt tôi nghệt ra, kiểu mà mấy tên bạn thời trung học đã từng giễu cợt rằng các nàng thơ của tôi chỉ là “một con nhỏ tưởng tượng” khi cả đám ngồi duyệt lại bài cho báo đặc san.
Không, không hề tưởng tượng đâu, Đứng trước mắt tôi, cô cươì tươi như hoa, lại có mùi hương từ bộ áo kimono cô mặc như áo mới ngoài tiệm.
Tôi hỏi, vậy là cô thường đi tập văn nghệ ở Chùa Ông Bổn, chắc tôi nhớ mang máng như thế.
Cô nói, em đọc bài anh viết hàng ngày, đọc anh đủ thứ bài chính trị, văn nghệ, Phật học…
Tôi ngạc nhiên, tự nghĩ, sao lại có ai mê đọc mình như thế.
Tôi đáp, như thế cũng là cái nghiệp.
Cô hỏi, sao là nghiệp hả anh.
Tôi đáp, không nên như thế, vì mê văn, đọc văn, quyến luyến văn là sẽ ở mãi cõi này; chỉ nên đọc cái gì làm mình không dính vào chữ nào nữa.
Cô nói, anh nói khó hiểu quá.
Tôi hỏi, cô tên gì, sao lại làm việc ở Lễ Hội Obon của Nhật Bản, sao không kiếm Chùa Ông Bổn sinh hoạt như thời nhỏ.
Cô nói, anh biết rồi, thời đó, người Hoa chạy tan tác, mà người Việt mấy anh cũng chạy nữa. Em đi ghe vượt biên, gió thổi sang Nhật, lấy chồng Nhật, bây giờ sang Mỹ, mà… hai vợ chồng em trục trặc rồi.
Tôi ái ngại, không biết nói gì. Nhìn quanh, chỉ ngại chồng cô ta thấy, rồi ngộ nhận.
Người xưa nói, tình cũ không rủ cũng tới. Tôi nghĩ thầm, tôi đã nhận ra cô này rồi, cô là một phần tuổi thơ của tôi, cô là màu nắng, là vạt áo gái Tàu trên đường Đồng Khánh năm xưa. Cô không hề là “tình cũ,” nhưng tôi vẫn sợ.
Đúng vậy, tôi sợ. Cô là màu nắng hiện ra trên vách tường, khi tôi ngồi thiền mấy hôm trước.
Tôi hỏi, cô tên gì.
Cô nói, em tên Michelle Chen.
Tôi nói, vậy là trùng tên với một ca sĩ Đàì Loan.
Cô nói, vâng, trùng tên, mà em cũng thích nghe cô ta hát.
Tôi nói, tôi không hiểu nhạc Đàì Loan, chỉ ngồi dịch tin tức mới biết cô đó… thôi tạm biệt nhen, cô Michelle Chen. Rồi tôi bước đi.
Cô nhìn tôi, cười (trời ạ, tươi như hoa đấy) và vẫy tay chào từ biệt.
*
Hôm sau, cô tới gặp tôi ở tòa soạn. Cô nói, cô muốn xin mấy cuốn sách về Thiền tôi dịch mấy năm trước. Tôi mời cô ngồi, trong khi lục tìm sách để ký tặng. Hôm nay, cô mặc trang phục áo đầm chấm đầu gối, màu xanh trang nhã.
Tôi nói, sách này viết để cúng Phật, nên chủ yếu để tặng, đừng bận tâm gì, hễ anh còn là sẽ tặng tự nhiên.
Tôi bất ngờ nhận ra, ngôn ngữ của mình đổi khác, xưng anh và gọi cô là em. Thực sự, tôi vẫn ngại, không dám nhìn thẳng vào mắt cô ta, vì nhan sắc này hy hữu quá.
Tôi tự nhiên vẫn sợ, không dám hỏi thêm về gia cảnh của cô. Có vẻ như, tôi sợ câu trả lời có thể làm hỏng câu chuyện.
Cô nói, em đọc anh trên mạng rồi, nhưng muốn có cuốn sách có chữ ký, để cầm đọc.
Tôi nói, hễ lúc nào xuống phố Bolsa chơi, cứ tự nhiên vào thăm anh. Tôi ngớ người, không hiểu tại sao mình lại nói như thế. Có cái gì rất là ngu ngốc của tôi đã hiển lộ.
Cô đưa mắt nhìn ra cửa phòng, như sợ có ai nghe, rồi nói, đó là anh nói đó nhen, em đang muốn ngồi đây, ngồi trong văn phòng này, trong tòa soạn này, cả đời em.
Tôi giựt mình, im lặng. Dù cô nói chơi hay nói thiệt, tôi cũng chết thê thảm. Tôi nhìn thấy nụ cười của cô, và đúng là như thơ cổ viết, đó là nụ cười đẹp như hoa nở. Trời ạ, chữ nghĩa của tôi cải lương như thế đấy, nhưng đúng sự thật là thế đấy.
Thiệt sự, tôi chỉ sợ, cô ngồi luôn trong văn phòng này… Em mà ngồi bên bàn làm việc của tôi thế này, sẽ tới một lúc tôi vỡ tim mà chết. Hoặc là, tôi sẽ đứng lên và ngả vào cô.
May quá, một chặp sau, cô đứng dậy, nói thôi em về, để anh làm việc. Tôi mừng kể gì.
*
Thứ Bảy kế đó, cô tới căn chung cư của tôi. Tôi đoán, hẳn là cô hỏi dò địa chỉ từ những người bạn tôi ưa ngồi ở quán Song Long. Hôm nay, cô mặc quần jeans, áo lạnh mấy lớp.
Cô nói, em muốn trọn ngày Thứ Bảy ở đây với anh, nấu cơm cho anh, đọc thơ, ngồi nghe anh nói chuyện, hay bất cứ thứ gì.
Tôi gặp cô, lòng tôi vui biết mấy. Nhưng tự nhiên vẫn lo sợ. Mình sống độc thân trọn đời rồi, xử thế cũng vụng về, chỉ có niềm vui là chữ nghĩa và Phật pháp. Không hể biết xử thế với phụ nữ ra sao. Huống gì, cô này có chồng, tình trạng không rõ ràng vì chữ cô ta nói “trục trặc” có thể không có nghĩa gì cả.
Tôi nghĩ, tôi không dám nói chuyện nhiều với cô, vì sợ lòng tôi sẽ buồn biết mấy khi cô đứng lên ra về.
Thêm nữa, trời ạ, rủi cô đòi ở đây với tôi, đòi ngủ lại đêm nay thì sao. Tôi nghĩ, chỉ có nói lời chánh pháp mới cứu được cô này, cứu được cả tôi nữa.
Chuyện này mà kể ra, sẽ có đứa bạn nói mày là nhà văn mà sao ngu thế, phảỉ hiểu phụ nữ chứ, không lẽ họ nói thẳng ra. Rồi cũng sẽ có tên nói, cô này là đặc công bông hồng đỏ của Bắc Kinh, chắc là có âm mưu chiếm Biển Đông bằng cách chinh phục Bolsa.
Tôi để rộng cửa, để không ai ở ngoài suy nghĩ gì bất minh.
Cô nói rằng cô bệnh nặng lắm, bị ung thư… Thường mệt, gặp anh là giả bộ tỉnh thôi, chứ mệt lắm.
Tôi nói, bác sĩ nói làm sao.
Cô nói, kệ bác sĩ, em tới đây, chỉ muốn nghe anh nói chuyện, chuyện gì cũng được. Em vẫn nhớ hồi mấy chục năm trước, anh đứng ở lầu 2 ngó xuống, trong khi bọn em đi ngang, em con nít mười hai, mười ba tuổi đâu biết gì, nhưng không hiểu sao vẫn nhớ hình ảnh anh đứng. Nhà em bây giờ ở khu Little Tokyo trên Los Angeles, ngày mai em sẽ về, và nhập viện trên đó. Nhỏ em của em sẽ tới chở em sáng mai lên đó.
Tôi hỏi, vậy rồi đêm nay em ở đâu.
Cô nói, em ở trong phòng của anh chớ ở đâu, vì em muốn nghe anh nói – vì người viết về chánh pháp, tất sẽ nói được lời của Đức Phật.
Cô cười tinh quái, như kiểu bắt bí tôi.
Tôi nhìn ra cửa, băn khoăn rằng có thể vài người hàng xóm đi ngang qua, liếc vào hẳn là ngạc nhiên.
*
Chiều tới, rồi đêm tới… Tôi đóng cửa cho khỏi gió, nhưng để cửa sổ mở, kéo màn xuống để người bên ngoài có thể nhìn qua khung kính.
Tôi bật mấy ngọn đèn sáng, để không ai suy nghĩ gì bất thiện. Tôi bảo cô lên giường nằm, và đắp hai lớp mền cho cô.
Tôi ngồi dưới sàn nhà, dựa lưng vào bờ giường, lấy cuốn Kinh Pháp Cú, đọc thật chậm từng chữ, để cô nghe không sót chữ nào. Thỉnh thoảng, tôi ngừng một chút, rồi giảng vài chữ khó.
Khi lật từng trang kinh, tôi nghĩ, ngày mai, ngày mốt, ngày kia… có tên nhà báo nào dám nói tầm bậy về một phụ nữ tuyệt sắc đã tới đây, đã chui lên giường mình nằm ngủ qua đêm, mình sẽ vặn cổ tên nào dám suy nghĩ tầm bậy.
Nghe được mấy trang Kinh Pháp Cú, cô nói, em muốn nắm tay anh, và tự cô chìa tay qua lớp mền, nắm một bàn tay của tôi.
Tôi vẫn ngồi dưới sản, liếc thấy mắt cô như buồn ngủ, trong khi bàn tay cô nắm tay tôi, dịu dàng nồng ấm… Tôi siết nhẹ tay cô, rồi đọc tiếp, thật chậm, những trang kinh.
Trong khi lần giở từng trang, tôi thấy rực rỡ màu nắng trên từng trang Kinh Pháp Cú, và rồi tay cô buông tay tôi, cô có vẻ như ngủ gục rồi. Lúc đó là 1 giờ sáng Chủ Nhật.
Tôi vẫn đọc tiếp, thỉnh thoảng nhìn ra cửa sổ, xem có người hàng xóm nào tò mò nào nhìn vào không. Tôi vẫn đọc, chậm rãi,, rõ ràng từng chữ. Tôi tin rằng, trong giấc ngủ, cô vẫn nghe được Kinh này.
Tôi cố gắng đọc từng dòng chữ, với màu nắng chói sáng rực rỡ từ lời của Đức Phật để lại, cho tới khi tôi ngủ gục trên sàn thảm.
Đêm phủ khắp nơi, trên người cô, đang nằm trên giường, và trên cả người tôi, kiệt sức vì đọc kinh và đang nằm gục trên sàn. Đèn nơi cửa sổ vẫn bật sáng.
Và lòng tôi rực sáng, một màu nắng chưa bao giờ tắt.

Phan Tấn Hải

 

Đăng ngày 20 tháng 07.2017