Chữ nghĩa làng văn

01 tháng 08.2016

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.


Ngôn sử (1)

Khi hắn vừa tốt nghiệp cử nhân văn khoa thì miền Nam thay đổi chế độ, hắn mở một quán cà phê nhỏ để sống qua ngày. Rảnh rỗi hắn nghiên cứu về một môn học mà hắn gọi là môn “ngôn sử”.
Hắn nói ngôn sử tiếng Pháp philologie, tôi chẳng hiểu gì cả. Hắn giải thích đó là môn học nghiên cứu lịch sử, cấu trúc và cách tạo thành của ngôn ngữ. Tôi vẫn mù tịt. Hắn tặng vợ tôi một cái túi xách tay Louis Vuiton và nói đó là là một ti mố. Hắn giải thích “mố” cũng là tiếng mới xuất hiện, dùng thay cho “thời trang”, hay “mốt” trước đây. Hắn cho tôi một sơ-mi lụa và nói đó là lụa thực chứ không phải lụa đểu.
Tôi hỏi lụa đểu là gì thì hắn phì cười :
- Mày lỗi thời quá rồi. Bây giờ trong nước người ta không nói là “giả” nữa mà nói là “đểu”. Hàng đểu, rượu đểu, thuốc đểu.
Tôi, sực nhớ ra hắn là một nhà ngôn sử, bèn hỏi hắn :
- Thế mầy nghĩ gì về những từ mới này ?
Hắn bỗng trở thành nghiêm trang, trầm mặc một lúc rồi nói :
- Ngôn ngữ của dân tộc nó cũng gắn liền với lịch sử. Cái gì thường trực và lâu dài cũng trở thành ám ảnh rồi đi vào ngôn ngữ.
Hắn dừng lại một lúc rồi nói tiếp :
- Nhân loại tiến triển qua các thời kỳ đồ đá, đồ đồng, đồ sắt. Chúng ta cũng có thời kỳ đồ đểu.
(Lượm lặt của thiên hạ - Web: bacdau.wordpress.com)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Đi đâu cho thiếp theo cùng
No thì thiếp ở, lạnh lùng thiếp dzông
Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Ngày tốt ngày xấu
Viết về phong tục cổ truyền không thể không nhắc tới lễ cưới, lễ tang, xây nhà dựng cửa, khai trương, xuất hành.... Đó là một thực tế. Ngặt vì có một số người bài bác hẳn, cho là gieo rắc mê tín dị đoan; một số khác lại quá mê tín, nhất là việc lớn việc nhỏ, việc gì cũng chọn ngày, từ việc mua con lợn, làm cái chuồng gà, cắt tóc cho con... mọi điều may rủi đều đổ lỗi cho việc không chọn ngày, chọn giờ. Ai không tin thì tuỳ "Linh tại ngã, bất linh tại ngã" (cho rằng thiêng cũng đã tự mình ra, cho rằng không thiêng, cũng tự mình ra), "Vô sư vô sách, quỉ thần bất trách" (không biết vì không có thầy, không có sách, quỷ thần cũng không trách).
Thực tế, có ngày nhiều điều may mắn tự nhiên đưa tới; có ngày vất vả sớm chiều mà chẳng được việc gì, còn gặp tai nạn bất ngờ. Phép luận lý giải thích đó là qui luật tất nhiên và ngẫu nhiên. Trong tất nhiên có yếu tố ngẫu nhiên, trong ngẫu nhiên cũng có yêú tố tất nhiên. Lý luận vậy nhưng có bạn đọc cũng muốn biết cụ thể trong tháng này, ngày nào tốt, ngày nào xấu, ngày nào tốt cho việc làm nhà, cưới vợ, tang lễ phải chánh giờ nào...Đa số bà con ta vẫn nghĩ "có thờ có thiêng, có kiêng có lành"...
Thời xưa, mặc dầu có người tin, có người không tin, toà Khâm thiên giám ban hành "Hiệp kỷ lịch", mà số người biết chữ Hán khá nhiều nên phần đông các gia đình cứ dựa vào đó mà tự chọn ngày giờ. Thời nay, rải rác ở các làng xã, còn sót lại một vài người còn biết chữ Hán nhưng sách vở cũ hầu như không còn, các gia đình muốn xem ngày giờ để định liệu những công việc lớn đành mất công tốn của tìm thầy. Khốn nỗi, mỗi thầy phán một cách, chẳng biết tin ai. Để đáp ứng nhu cầu của một số bạn đọc, chúng tôi xin trích dẫn một số văn bài "Xem ngày kén giờ" của học giả Phan Kế Bính đăng trong cuốn "Việt Nam phong tục"xuất bản năm 1915.

Chuyện chữ nghĩa
Trong phần “Giải & Đáp” của Thuần Thảo có câu hỏi: Chị Thảo là người “văn chương quán tuyệt, nhưng để mua vui với em, xin chị trả lời câu hỏi của em như sau:
“…Ở Việt Nam nếu mấy bà mấy cô không rậm rạp thì người Bắc, người Nam gọi là vô mao. Riêng ở xứ Huế, nếu mà cô nào, mụ nào “vô mao” thì người ta gọi là “đoi”. Vậy chữ “đoi” này sao lại dành riêng cho đàn bà xứ Huế? Phát xuất từ đâu?
Trả lời: Vì không quán tuyệt, nên chị phải tra tự điển về chữ “đoi”.
Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức xuất bản viết:
Đoi là “trôn”, trôn là đáy, là đít hay chỗ cuối cùng của cơ thể. Nếu có ai biết hơn, xin cho Thuần Thảo biết với. Vì học thêm tiếng địa phương cũng là điều tốt.
(Thuần Thảo – báo Văn Nghệ Tiền Phong)

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Nét thông thoáng quan trọng của “Tự điển Văn học” là ghi nhận nhiều tác gia miền Nam , ngoài những người trong Mặt trận giải phóng, hoặc ít nhiều quan hệ, còn có những ngòi bút độc lập như Dương Nghiễm Mậu, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Thị Vinh, Nguyễn Đức Quỳnh và nhiều người khác. Thông thoáng đến có lúc làm người đọc choáng ngợp, như đề mục Kim Định dài bốn trang, ngang với Nguyễn Du. Đã đành, lời tựa có nói " số trang không phản ánh tầm quan trọng " nhưng người đọc là khách hàng, mua sách là có phần là mua trang, đòi hỏi tương quan giữa phẩm và lượng. Người đọc không chỉ là khách hàng, lại càng khe khắt hơn.
Một số tác gia ở hải ngoại cũng được đưa vào: Bình Nguyên Lộc hay Nhật Tiến không gây ngạc nhiên. Có Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng, nhưng vắng Võ Phiến, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Khắc Khoan, vắng cả Nguyễn Văn Trung, tác gia có sách trước tác và xuất bản trong nước sau 1975.
Nhưng chúng tôi không chê trách gì ban chủ biên, vì chưa chắc gì họ đã làm chủ đường biên.
(Đọc và phê bình sách từ điển văn học – Đặng Tiến)

Từ hay tự
Từ/tự điển đều dùng được vì từ theo chữ Hán là lời văn.
Cũng theo Thiều Chửu, nói ra thành văn là từ chương.

Ăn mày chữ nghĩa
Ngư Triều Ân là một hoạn quan đời nhà Đường là Thái Bạch Sơn Nhân, am hiểu Phật học và có thể bấm đốt ngón tay tính toán mọi việc, rất được vua tôn kính. Vào thời Đại Tông (năm 768), nhà vua có chiếu mời Thiền sư Tuệ Trung vào cung truyền pháp.
Tuệ Trung là một vị cao tăng nổi tiếng đương thời, ông tiếp thu tông pháp của vị tổ thứ sáu Huệ Năng, núi Bạch Nhai. Khi Tuệ Trung nhận chiếu vào cung, Đại Tông có ý để cho hai vị tuyệt thế cao nhân này gặp nhau. Tục ngữ có câu: Văn vô đệ nhị, vũ vô đệ nhứt. Tuệ Trung và Thái Bạch Sơn Nhân vừa gặp nhau đã thử sức so tài ngay. Tuệ Trung hỏi:
- Chẳng hay Thái Bạch Sơn Nhân có sở trường gì?
Thái Bạch Sơn Nhân đáp:
- Tôi am tường về núi, về đất, hiểu biết về con người, tính toán được sự sống, sự chết và muôn loài. Tôi tinh thông toán pháp, không gì là không biết, không gì là không hiểu.
Tuệ Trung mỉm cười nói:
- Vậy thì xin hỏi ngài, mảnh đất chỗ cung điện này là đất gì?
Thái Bạch Sơn Nhân đáp:
- Để tôi tính xem chút đã.
Tuệ Trung nói:
- Cần gì phải tính, ngài biết chữ, ngài hãy xem tôi viết chữ gì đây.
Nói rồi Tuệ Trung thuận vạch lên nền đất một vạch. Thái Bạch Sơn Nhân trả lời ngay:
- Chữ nhất.
Tuệ Trung nói:
- Vạch một nét lên nền đất, chẳng phải là chữ vương sao? (Chữ thổ là đất, vạch thêm một nét thành chữ vương). Nơi ngài đang đứng là đất của nhà vua, chẳng lẽ phải tính mới biết được ư?

Hạm
Hạm : hổ lớn
(ăn như hạm)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Truyện Kiều bằng chữ quốc ngữ II
Gạt bỏ dịch đúng dịch sai, tại sao truyện Kiều cùng một bản chữ Nôm mà nhiều người dịch khác nhau. Như chỉ một câu “Thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay” người thì vàng hồ, người thì vàng bó…
Thi sĩ Đông Hồ đã đưa ra nhận định thậc xác đáng như sau:
“Chữ Nôm thì tự ý ai muốn đọc ra sao mà không được. Trừ một số ít chữ có định lệ phổ thông, còn thì cứ trài trại, mài mại gần chữ gì thông nghĩa thì cứ theo ý nghĩ của mình mà đọc. Lại thêm kẻ ở một vùng, người đọc ở một cõi thì sự đọc chữ Nôm tai hại cho văn chương không phải là ít”.
(Trần Bích San – Văn Khảo)

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Kể từ khi tiếng Việt được hình thành tới nay biết bao nhiêu nhà ngôn ngữ học và không ngôn ngữ học đề xướng thay đổi nó. Nhiều quá kể ra không xuể.
Tới nay máy điện toán (computer) được phát minh, các nhu liệu tiếng Việt được sáng chế kịp thời vấn đề sắp chữ không còn nữa. Nhưng tới thư điện tử (e-mail) thì không đọc được hết các loại tiếng Việt từ các nhu liệu ở nhiều vùng khác nhau trên trái đất. Người dùng đành tùy tiện gửi cho nhau với nhu liệu tiếng Anh không dấu. Nhưng cũng có trở ngại. Ví dụ đánh thieu phu dam dang ta có thể lầm đảm đang với dâm đãng. Hoăc khi nhận một thư điện tử có câu: Bac Duong cuoi vo cho chau Hung ngay 7 thang 3 vua qua. Tuy o xa nhung cô chu Duong cung ve du dam cuoi. Người ngoài có thể biết có một người tên Duong mới làm đám cưới cho con nhưng chỉ người trong gia tộc mới hiểu được người anh tên là Đường, người em là Dương và chú rể là Hưng chứ nếu đoán sẽ có thể lộn hai tên Duong và Hưng với Hùng hay húng . . . quế.
(Chuyện cải cách tiếng Việt – Đặng Trần Huân)

Chữ nghĩa bói toán
Người ta tuổi ngọ, tuổi mùi
Riêng tôi ngậm ngùi một mình tuổi thân

Năm tao, bẩy tuyết
Nguyễn Khuyến có bốn câu thơ:
Chờ mãi anh sang, anh chả sang
Thế mà hôm nọ hát bên làng
Năm tao, bảy tuyết anh hò hẹn
Để cả mùa xuân cũng bẽ bàng
Tao ở đầy là “lần”, “lượt”, “phen”.
Tuyết là “năm”, “bẩy” hay “nhiều lần”, “nhiều bận”.
Năm tao, bảy tuyết còn nghĩa khác nữa là “nhiều” hoặc “vất vả”.
Nguyễn Tuân trong Sông Đà có câu: “Phần nhiều họ kéo đến đây là hạng tứ bất tử cả đấy. Trốn chúa lộn chồng năm tao, bẩy tuyết, ba chìm năm nổi chín cái lênh đênh, vỡ nợ tam tứ từng”.
(Hà Phương Hoài)

Bát canh hầu
Canh có nhiều nghĩa: sửa đổi, từng trải. Hay là một món canh rau cải, cá thịt.
Tích Hán Bái Công khi hàn vi, tới nhà chị dâu được ăn bát canh ngon. Bái Công ăn hết, muốn đòi ăn thêm. Chị dâu biết ý, lấy cái môi vét, cào cào vào cái nồi sồn sột ra dấu không còn canh, đừng gọi thêm nữa. Sau Bái Công lên làm vua, phong con trai của chị dâu là “Bát canh hầu”. Tức là tước “Hầu vét canh” để đền ơn chị dâu ngày trước.
Vua Tự Đức cũng hay phong tước cho vật dụng, như cái nghiên mực là “Tức Mặc hầu”.

Hám
Hám : hôi thối, bẩn thỉu
(hôi hám)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Mầu sắc…tâm trạng
Loại màu hữu cảm thứ tư không chở thêm cảm giác nào cả, cũng không chứa cảm tưởng về phía trong của đối tượng. Màu kia màu nọ ở đây chẳng qua cái cớ để người nhìn nói lên tâm trạng của chính mình.
Khi Thạch Lam văn "Trời hồng phơi phới...", ai cũng biết trời chẳng làm sao cả, chính Thạch Lam (hay nhân vật của ông) mới đang cảm thấy... lâng lâng. Khi Vũ Hoàng Chương thơ "Màu tím thờ ơ vạt áo ai!", độc giả Việt Nam hẳn dư hiểu thờ ơ có liên hệ với tâm trạng của thi sĩ chứ không phải của vạt áo! Khi Hoàng Cầm chợt hoài cảm "Mắt thời gian càng miên man xanh", Tô Hoài bỗng nhớ giàn đỗ ván nở một đóa hoa tím ngẩn ngơ, nhớ một buổi chiều vàng ngây ngất.
Nguyễn Huy Thiệp tả "lạc đề" những hoa gạo đỏ xao xuyến bồn chồn, những hoa ban trắng khắc khoải, nao lòng v.v., thì đích thị các nhà thơ nhà văn đang miên man cảm xúc, chứ hoa nọ hoa kia, buổi chiều, "mắt thời gian", dù xanh, đỏ, tím, vàng, cũng không hề biết ngẩn ngơ, xao xuyến, bồn chồn...
Trong Miếng ngon Hà Nội, nhân luận về món hẩu lốn thường dùng sau Tết, Vũ Bằng đâm nhớ vợ và cao hứng nhại thơ Ðoàn Phú Tứ: "Màu thời gian tim tím, hương mùa xuân thanh thanh...". Nhạc sĩ Ðoàn Chuẩn sáng tác ít, nhưng nhạc ông có vài bài phổ biến rộng. Chắc nhiều người còn nhớ Gửi người em gái: "Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng (...) Hà Nội chờ đón Tết, vắng bóng người đi..." Cái màu thời gian "hẩu lốn" của Vũ Bằng, cái màu của thứ hoa "bé xinh xinh" của Ðoàn Chuẩn, nó chất chứa nỗi niềm nên dù không bị âm điệu của thơ của nhạc chi phối, nó cũng không chịu viết là tím tím đâu.(*)

(*) Tím tím chỉ là hơi tím, không hữu cảm, nhưng xanh xanh thì có thể chứa cảm xúc, như trong "thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu" (Chinh Phụ), "chân mây mặt đất một màu xanh xanh" (Kiều), "sông Tần một dải xanh xanh" (Kiều).
(Thu Tứ – Tìm tòi và suy nghĩ)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Lời nói không mất tiền mua
Tha hồ mà nói đừng thua câu nào

Truyện cực ngắn: Cái hôn
Mỗi lần chàng hôn nàng, thời gian dừng lại. Lần cuối cùng chàng hôn nàng, thời gian dừng lại rất lâu. Trong khoảng thời gian dừng lại ấy, nàng nộp xong đơn xin ly dị, lau dọn nhà cửa sạch sẽ, giặt xong mớ quần áo dơ cuối cùng của chàng, dời xong tất cả vật dụng lỉnh kỉnh của nàng sang nhà người yêu mới, và để lại cho chàng một bức thư tuyệt tình với lời lẽ dịu dàng và đầy cảm xúc.


Giai thoại làng văn xóm chữ
Trời sinh ông Tú Cát
Một hôm, nhà có giỗ, làm thịt lợn mời khách khứa đông lắm. Thấy Quỳnh hay nghịch, ai cũng chòng ghẹo chơi. Ðương lúc Quỳnh xem làm thịt lợn, có một ông Tú tên lá Cát thường tự phụ hay chữ chạy đến béo tai, bảo ra một câu đối, nếu đối được thì tha cho:
- Lợn cấn ăn cám tốn (1)
Quỳnh đối ngay:
- Chó khôn chớ cắn càn (2)
Ông Tú lại ra một câu nữa, câu này có ý tự phụ mình là ông Tú:
- Trời sinh ông Tú Cát (3)
Quỳnh lại đối:

- Ðất nứt con bọ hung
Ông Tú phải lỡm, tịt mất. Mọt người cười ầm cả lên.
(1) Cấn là quẻ cấn, Tốn là quẻ tốn trong bát quái . Đây lấy nghĩa lợn cấn (chửa) mà ăn tốn cám.
(2) Khôn là quẻ khôn, Càn là quẻ càn cũng trong bát quái, đây lấy nghĩa con chó khôn chớ cắn càn, cắn bậy .
(3) Cát còn có nghĩa là tốt; hung còn có nghĩa là xấu.

(trích Giai thoại về Trạng Quỳnh)

Câu đố
Xét trong quan hệ với vật đố, tức cách biểu thị vật đố ra sao, hình ảnh ở lời đố thường được sử dụng theo kiểu úm ba la. Kiểu úm ba la gồm những âm thanh, hình ảnh gây nhiễu.
Úm ba la là hình thức tung hoả mù. Những âm thanh, hình ảnh này có thể được bố trí ở đầu hay ở cuối lời đố, và có thể độc chiếm một, hai dòng. Thí dụ:
“Thiên bao lao, địa lao lao,
Giếng không đào làm sao có nước,
Cá không ở được, là tại làm sao?”

(Quả dừa)
(Triều Nguyễn - Cách sử dụng hình ảnh trong câu đố)

(còn tiếp)