Chữ nghĩa làng văn

01 tháng 05.2016

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.


Gà, bò
Về gà, bò, vốn từ vựng tiếng Việt rất dồi dào. Không những dồi dào mà còn chi li: gà, bò có nhiều loại khác nhau. Ví dụ:
Gà ác (còn gọi là gà ri), gà ấp, gà cỏ, gà cồ, gà chọi, gà chuối, gà dao, gà độ, gà gô (còn gọi là đa đa), gà giò, gà hoa, gà hoa mơ, gà kiến, gà lôi (còn gọi là gà tây), gà mái ghẹ (hay gà mái tơ), gà nòi, gà nổ, gà ô, gà pha, gà phèn, gà sao, gà tàu, gà tre, gà xước, gà mã lửa, gà kim tiền, gà qué, gà sống, gà tồ, gà xiêm (?), v..v..
Bò cũng thế, tuy không nhiều bằng: bê, bò dái (còn gọi là bò mộng), bò tơ, bò sữa, bò rừng (bò tót), bò u, bò vá, bò vang, v.v…
(Nguyễn Hưng Quốc - Tiếng Việt: Cọp và Chó)

Kiến văn tiểu lục – Lê Qúy Đôn II
“Đa ngôn đa bại - Đa sự đa lự”
(nói nhiều thất bại nhiều, nhiễu sự thì lo nhiều)

Xóm Khâm Thiên
Khâm Thiên trước kia là những xóm nhỏ chung quanh vài ao rau muống, lác đác mấy chòm nhà tranh. Thời đó Ba Voi làm thầu khoán, lấy đất ruộng chùa Thanh Nhàn, dựng lên những nhà hát. Đất từ bi của Phật ấy, mọc lên thứ lầu xanh của những chủ cô đầu. Đất ấy thuộc về đất Hoàn Long, tỉnh Hà Đông. Tổng đốc Hoàng Trọng Phu muốn tỉnh mình nổi danh bèn khuyến khích lập một nơi chốn ăn chơi của tỉnh Đơ mình, ngay sát nách Hà Nội.
Các chủ cô đầu thấy đất mới là nơi “đắc địa” xô nhau về mở nhà hát y hệt nhà của quan lại thời bấy giờ. Giữa nhà phải có tủ cánh cho cong, sập chân quỳ, bình phong hay bộ lư đồng vàng chóe. Trên những miếng đất của hồ ao mới vật lên những cái tên nhà hát của họ như cô Đốc Sao, Chu Thị Bốn, v…v…Những năm mất mùa đói kém, Đốc Sao cho người mua về những em nhỏ mười một, mười hai dạy cho đàn hát. Những cô Tẹo, cái Tý này chẳng mấy lúc mà lớn phổng lên, biết đọc Tố Tâm, hay Tuyết Hồng lệ sử và không còn bao giờ biết mình là gốc gác ở Phủ Khoái, hay Hải Hậu, Duyên Hà nữa. Một ngày “quả chín”, Đốc Sao bắt phải ra tiếp khách. Anh tri huyện, hay anh nghị viên nào phải chi hàng trăm chầu hát rồi Đốc Sao mới cho con em của mình bán cái trinh tiết của đời con gái mình cho khách.
Những căn gác cô đầu chính lại là nơi hò hẹn của lái buôn từ Lao Kay về, từ Hải Phòng lên, xong giá cả của một tiếng hàng là hai bên ngả bàn đèn, hút và uống thâu canh. Khâm Thiên rất nhiều ngõ, như ngõ Văn Chương, Trại Khách, Nam Thái, Sơn Nam, hay ngõ…Thổ Quan. Đến nay ta vẫn gặp những cái ngõ cũ mà gốc gác của tên gọi đánh dấu cả một thời.

Đất lề quê thói
So tuổi
Trước khi đôi trẻ lấy nhau, bố mẹ so tuổi xem có hợp nhau không. Sau đây là tuổi hợp nhau được gọi là tam hợp:
Hợi, Mão, Mùi
Thân, Tý, Thìn
Dần, Ngọ, Tuất
Tỵ, Dậu, Sửu
(Người Việt đất Việt – Toan Ánh)

Tình phộc ngoài rừng Trám
“Linh tinh tình phộc” là một tên gọi của lễ hội Nõ Nường tại làng Trám (Tứ Xã - Lâm Thao - Phú Thọ). Theo phong tục ngoài rừng trám các đôi trai gái và dân làng, cũng thực hiện lễ thức “ tình phộc’’: Người đàn ông cầm linh vật biểu tượng cho nam tính (nõ) lấy đà chọi vào biểu tượng cho phái nữ (nường) ba lần chính xác, tạo nên những tiếng “phộc” chắc khoẻ. Mọi người ai nấy đều hân hoan ra mặt bởi một năm mới hứa hẹn đầy may mắn.
Cô nào có chửa trong dịp đó là lễ “hèm’’ của làng thành công, đem lại điều may mắn cả năm cho gia đình và làng. Làng sẽ đứng ra lo liệu tổ chức lễ cưới cho họ và không phải nộp khoản tiền “cheo’’. Đứa con sinh ra trong dịp “lễ mật’’ này là của quí, vật cưng của gia đình và toàn phường. Ngoài ra, cô gái có chửa ấy, nếu từ chối lấy anh gặp tối qua, mà muốn lấy một anh khác thì dân làng cũng vận động người con trai đó và anh ta cũng rất vui vẻ tự nguyện. Đồng thời những bà mà có chửa trong đêm đó thì gia đình càng vui với câu châm ngôn: Cá ao ai về ao ta, ta được.
Hay lời hát của phường hề pha trò trong đêm hội:
Ước gì em hoá ra trâu
Anh hoá ra chạc xỏ nhau cả ngày
Ước gì em hoá lưỡi cày
Anh hoá thành bắp lắp ngay bây giờ

Độc
Độc : bàn độc, bàn thờ
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Một hôm, Bùi Giáng đi ra đường Tự Do xin tiền. Ông thấy con mụ Liên Sô đứng đang ngắm nghía đồ đạc mặc cái áo để hở cái ngực ra một chút, cặp vú của nó to quá! Thế là ông tiến ngay lại, tự nhiên lấy tay bóp cặp nhủ hoa của bà ta. Con mụ Liên Sô bị ông làm bất thình linh nó hoảng sợ ú ớ kêu. Chồng mụ đi cạnh thấy ông đang bóp vú vợ nó, nó sững sờ và nói gì với ông. Mọi người thấy ông rất bình tĩnh trả lời nó bằng tiếng Anh. Sau khi tên Liên Sô nghe ông nói, nó không còn sừng sộ nữa mà còn cười và bắt tay ông. Xong xuôi nó kéo vợ đi ngay.
Mọi người chứng kiến cảnh đó đều ngạc nhiên. Thật kỳ lạ là ông già chỉ có nói vài câu thôi mà tên Liên Sô chẳng những không nổi giận vì hành động của ông mà còn bắt tay ông vui vẻ, họ thấy lạ bu lại hỏi ông.
- Thưa cụ, cụ nói gì mà tên Liên Sô đó nó cười và bắt tay cụ vậy?
Ông trả lời:
- Nó hỏi tôi là mày làm cái gì thế? Tôi mới trả lời là tao thấy cái vú vợ mày bự quá, nên tao sờ và bóp thử xem đàn bà Liên Sô có đủ sữa nuôi dân tao không? Tôi nói có vậy thôi, thế là nó vui vẻ bắt tay tôi và đi luôn.
(Giai thoại nhà thơ điên Bùi Giáng - Trịnh Hưng)

Ngõ Thổ Quan
Ngoài ngõ Thổ Quan lại có ngõ…Quan Thổ - 3 ngõ Quan Thổ đánh số 1 đến 3. Quan Thổ là Quan Trạm gộp với… Thổ Quan!
Một loạt những ngõ quanh một khu đất phía nam Văn Miếu đều được mang chữ Văn như nhắc nhở về một quá khứ ảnh hưởng sâu đậm của Nho học trên vùng ven kinh thành này:
Văn Chương, Văn Hương, Huy Văn… thêm vào đó còn có Lương Sử (gộp từ Lương Sừ và Ngự Sử, cũng là Nho).
(Nguyễn Trương Quý - Ngoằn ngoèo như ngõ)

Khác biệt giữa Hà Nội và Sài Gòn
Sinh viên và cave
Hà Nội: Nhiều em cave trông như sinh viên.
Sài Gòn: Nhiều em sinh viên trông như cave.

Vua còn, vua mất, vua thua chạy dài
Thời Pháp xâm lược nước ta, người dân không khỏi buồn lòng nhìn thế sự rối reng: “Ðêm đêm chớp bể mưa nguồn, hỏi người quân tử có buồn chăng ai?”.Nhất là cảnh quốc phá gia vong với một triều đại suy tàn:
Một nhà sinh đặng ba vua
Vua còn (Ðồng Khánh) vua mất (Kiến Phúc) vua thua chạy dài (Hàm Nghi)
Tuy thua chạy dài, nhưng vua Hàm Nghi với sự phù trợ của Tôn Thất Thuyết và các trung thần, nghĩa sĩ đã phát hịch kêu gọi nhân dân hưởng ứng chống Pháp, khởi xướng phong trào Cần Vương ở khắp nơi lúc bấy giờ có câu dân gian: “Gẫm xem thế sự thêm rầu, ở giữa Ðồng Khánh, hai đầu Hàm Nghi”, Ở giữa, tức là kinh đô Huế, hai đầu là Nghệ Tĩnh và Nam Ngãi, nơi phát triển phong trào Cần Vương.
(Ca dao lịch sử - Phương Nghi)

Làng trong phố
Thời đại Phạm Đình Hổ, kinh đô Thăng Long vài vạn dân (4 chục ngàn), là một cái thành, vài chục phố phường và làng mạc bao bọc chung quanh. Vua quan sống trong tử cấm thành và hoàng thành, làng mạc chung quang lập thành làng, phố, phường buôn bán được gọi là Kẻ Chợ. Trong đó có làng Yên Thái (còn gọi là Làng Bưởi), làng Kẻ Noi (làng Cổ Nhuế), làng Kẻ Mọc (làng Mọc), Kẻ Mơ (làng Hoàng Mai, Bạch Mai)..
Có một thời được gọi là “làng trong phố”.
Hay nói đúng ra Hà Nội hình thành từ những làng quê, ngày nay, hình như dấu ấn “làng” ấy hiện rõ nét nơi phố nhỏ, nơi ngõ ngang ngõ dọc uốn lượn, quanh co, ngoằn ngoèo như đường làng trong lòng một Hà Nội ngày nay.

Đọn
Đọn : người thấp nhỏ, lũn cũn
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Một hôm khác, ông lang thang ở khu vực chợ trời nơi bán đồ phụ tùng xe máy. Ông dừng chân lại và ngắm xem hàng hóa. Lúc đó ông trông thấy gian hàng đang treo lủng lẳng cái ghi đông ngoài đường. Ông lấy xuống xem. Ông ngắm đi ngắm lại và thản nhiên cắp vào nách đi luôn.
Ông đi được một đoạn khá xa thì mụ chủ phát hiện ra ông đã lấy mất cái ghi đông, thế là mụ chủ la lối om sòm, kêu người đuổi bắt ông già ăn cắp. Mụ chủ và con cái vừa chạy vừa la, ông biết nhưng ông vẫn thản nhiên đi. Khi ông biết họ đã đến gần, ông bỗng nhiên quay lại và chìa cái ghi đông ra trả lại, tay ông cầm cái ghi đông, miệng thì cười và thản nhiên nói:
- Gớm! Mới mất có một cái ghi đông chả đáng bao nhiêu tiền, thế mà cả nhà, cả họ chạy đuổi theo và la làng la xóm ỏm tỏi cả lên. Thế mà nước mất mấy năm nay rồi không thấy ai la được một tiếng, cứ êm re à!
Nói xong ông thủng thỉnh bước đi…
(Giai thoại nhà thơ điên Bùi Giáng - Trịnh Hưng)

Chữ quốc ngữ
Cho đến bây giờ, chúng ta chưa tìm biết được ai là tác giả đã đặt tên cho thứ chữ ghi âm theo mẫu tự La tinh là…“chữ quốc ngữ”.
Thực ra đây là một trường hợp sử dụng từ sai lầm vì “quốc” là nước, “ngữ” là “tiếng”. “Quốc ngữ” là tiếng nói của một nước.
Như thế khi ta dùng từ ngữ “chữ quốc ngữ” để chỉ chữ viết của nước ta là sai hoàn toàn bởi lầm lộn giữa “văn tự” và tiếng nói (ngôn ngữ). Trong Việt Nam Văn học sử yếu, Dương Quảng Hàm đã nêu vấn đề trên, nhưng theo ông thì: “Từ ngữ này mọi người đã quen dùng rồi không đổi được nữa”.
(Trần Bích San – Văn Khảo)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Con mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà?
Chú chuột đi chợ đường xa
Em là cô chuột, vào nhà đi anh!

Làng Cổ Nhuế
Năm Đinh Mão niên hiệu Thuận Thiên (1027), người con trai thứ năm của vua Lý Thái Tổ là Đông Chinh Vương trên đường đem quân đi đánh giặc ở châu Văn Lãng (nay thuộc tỉnh Lạng Sơn) qua làng Noi, được dân làng ra tiếp đón và hậu đãi. Trước khi Vương rời làng ra trận, các cụ trong làng hỏi xin nếu Vương không may hy sinh nơi trận tiền thì cho được lập đền thờ. Vương ưng thuận. Sau khi Vương mất, dân làng theo lời dặn, dựng đền thờ Vương rồi bỏ làng Noi cũ, chuyển đến sinh sống ở khu vực đền thờ. Đấy là Cổ Nhuế (tên Nôm là Kẻ Noi).
Gánh phân ở làng Cổ Nhuế
Từ thời nào không rõ, dân làng có tập quán gánh thúng đi các nơi, nhất là vào nội thành Hà Nội (xe thùng) lấy phân bắc về ủ cho hoai để bón ruộng, nên lúa và hoa màu ở đây rất tốt. Xưa có câu “Đào Nhật Tân, phân Cổ Nhuế” là nói về nghề này.
Khi vua Lê Thánh Tông vi hành qua đây thăm miếu Thành hoàng có thờ quang gánh và đôi đũa cả để gắp phân. Vua đã ban câu đối cho làng Cổ Nhuế:
Khoác tấm áo bào, giang tay gáng vác thiên hạ
Vung ba thước kiếm, tận thu lòng dạ thế gian
Nguyên văn chữ Hán:
Thân trụ nhất nhung y, năng đảm thế gian đa năng sự
Thủ trì tam xích kiếm, tận thu thiên hạ trí nhân tâm

Sự khác nhau giữa Hà Nội và Sài Gòn
Hình thức
Ở Hà Nội, bạn có thể đứng giữa ngã tư tấp nập người qua để nói chuyện điện thoại “cho cả thế giới biết bạn là ai”!
Đến Sài Gòn, bạn hãy dắt xe lên vỉa hè nói chuyện nếu không muốn chiếc điện thoại của bạn…“cuốn theo chiều gió”!
(Cao Tự Thanh)

Nâu sòng
Màu nhuộm bằng củ nâu (mầu nâu) và lá sòng (mầu đen).
Nghĩa bóng những người, đã phát tâm tu niệm, rời bỏ tất cả những xa hoa phù phiếm.
Trong Truyện Kiều có câu:
Nâu sòng từ bén mầu thiền
Sân thu trăng đã vài phen đứng đầu.

Địa danh xưa
- Thọ Xương : là một huyện của thành Thăng Long xưa. Vào thời Lê sơ (Mậu Thân 1428 – Đinh Hợi 1527), Thọ Xương có tên là huyện Vĩnh Xương, đến thời nhà Mạc (Đinh Hợi 1527- Nhâm Thìn 1593) đổi tên là Thọ Xương. Ngày 1 tháng 10 năm 1888 (Đinh Hợi), vua Đồng Khánh ra đạo dụ nhượng hẳn thành Hà Nội cho Pháp, sau đó huyện Thọ Xương đã bị bãi bỏ. Hiện nay, Thọ Xương chỉ còn là tên một ngõ nhỏ (ngõ Thọ xương) thuộc phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm.
- Yên Thái: là địa danh nói về Làng Yên Thái (còn gọi là Làng Bưởi) ở bờ nam Hồ Tây, Hà Nội. Tên cổ là An Thái.

Chữ nghĩa làng văn
Có nhiều nguồn cho rằng câu đối dưới đầy của Cao Bá Quát :
Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa
(Mười năm lặn lội tìm cây kiếm cổ
Một đời chỉ biết lạy hoa mai)
Theo các tài liệu thì đôi câu đối trên có xuất xứ như sau : Theo “Như Thanh Nhật ký” năm Mậu Thìn (1868) vua Tự Đức cử đoàn sứ bộ sang triều cống nhà Mãn Thanh : cầm đầu là chánh sứ Lê Tuấn (đỗ Hoàng Giáp năm 1853); phó sứ là Nguyễn Tử Giản (Hoàng Giáp năm 1884); phó sứ thứ 2 là cử nhân Hoàng Tịnh. Sứ bộ Việt Nam được viên tri phủ Hán Dương là Ngải Tuấn Mỹ đón tiếp và tặng đôi câu đối cho phó sứ Nguyễn Tử Giản :
”Thập tải luân giao cầu cổ kiếm - Nhất sinh đê thủ bái mai hoa “.
Sự kiện trên được chép trong “Yên thiều bút lục” của Nguyễn Tử Giản (1823-1890). Câu đối “... bái mai hoa” của Ngải Tuấn Mỹ tặng Nguyễn Tử Giản là vào năm 1868, trước đó 14 năm, Cao Bá Quát đã mất trong cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương (Giáp Dần 1854)... phải chăng người đời do quá yêu Cao Chu Thần nên cứ thích tương truyền câu “nhất sinh đê thủ bái mai hoa” là của ông như một giai thoại để đời ?
(Nguồn Nguyễn Khôi)

Địa danh xưa
Thái Hà : ở Hàng Giấy có xóm Đào nương, còn gọi là xóm Bình Khang, có trước xóm Khâm Thiên.
Khâm Thiên: xóm cô đầu Ngã Tư Sở.
(Vũ Ngọc Phan – Hồi ký những năm tháng ấy)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Ăn mặc: Không ăn gì cả mà chỉ có mặc không thôi.
(Nguồn: từ sổ tay của một người Mỹ học tiếng Việt)

Cư dân Hà Nội
- Thời Lý khoảng 15.000 người.
- Thời Lý Trần có lúc lên tới 40.000 người.
- Thời vua Lê chúa Trịnh vì Thăng Long bị
lụt lội và cháy nên còn khoảng 20.000 người.
- Thời Phạm Đình Hổ nhà Nguyễn 40.000 người.
- Năm 1950, Hà Nội có khoảng 300.000.
- Năm 2000, Hà Nội dân số lên đến trên 3 triệu.

(còn tiếp)