Chữ nghĩa làng văn

01 tháng 01.2016

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.


Sông Tương
Đó là dòng sông cổ tích, dòng sông huyền thoại của:
Ngày xưa có anh Trương Chi
Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay

Với cảm hứng "Ai về Kinh Bắc", nhạc sỹ Văn Cao đã sáng tác bài "Trương Chi" réo rắt bổng trầm bất hủ "ai có về bên bến sông Tương, nhắn người em gái tôi thương...".
Ấy là con sông Tiêu Tương, làng Cổ Pháp xưa nằm ngay bên bờ sông Tiêu Tương. Tương truyền xưa vua Lý Thánh Tông thường đi thuyền rồng từ quê theo sông Tiêu Tương lên chùa trên núi Phật Tích (Tiên Du) nghỉ mát và đọc kinh vào mùa hè. Những địa danh núi Tiêu, những khúc sông ở Đình Bảng, Phù Lưu đổ vào sông Cầu là dấu vết của sông Tiêu Tương thơ mộng ngàn xưa.
Thời xưa ấy Nguyễn Du đã bao lần lội qua sông Tiêu Tương về thăm quê mẹ ở làng Hoa Thiều (Từ Sơn). Chùa Tiêu được xây bên trên sườn núi Tiêu, xã Tương Giang nhìn xuống dòng Tiêu Tương uốn lượn gắn với câu chuyện tình Trương Chi - Mị Nương đã đi vào huyền thoại. Chùa chỉ có một cổng ở chân núi phía tây, trên cổng có ba chữ đại tự "Bất nhị môn" (không 2 cửa) để người đời ngẫm nghĩ: đi theo đạo Phật chỉ có một đường.
Đến Tiêu Sơn Tự, ai đó chắc còn nhớ "Tiêu Sơn tráng sĩ" của Khái Hưng? chính là đây: Nơi chàng Phạm Thái yêu Trương Quỳnh Như (thời Lê mạt) thất tình bạc mệnh đã về…"tu”.
(Nguyễn Khôi – Sông Tiêu Tương)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Tình chỉ đẹp khi tình dang dở .
Cưới nhau về tắt thở càng nhanh.

Chữ nghĩa làng văn
(trích lục lại)
Trong một cuộc hội thảo về thời sự văn học của Khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội, nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến đặt vấn đề phân biệt hai cách viết văn xuôi : “kể lại nội dung” và “viết nội dung”. Ông đưa ra một nhận xét thú vị:
90 phần trăm nhà văn “kể lại nội dung”, chỉ có 10 phần trăm “viết nội dung”. Theo ý riêng của ông, sự phân biệt hai phạm trù “ kể lại nội dung”, “viết nội dung” là một mặt quan trọng trong sự đánh giá tình trạng văn xuôi hiện nay.
- “Kể lại nội dung” chỉ quan tâm đến việc: kể cái gì.
- “Viết nội dung” còn quan tâm đến mặt : kể như thế nào.
“Kể lại nội dung” dễ đưa văn xuôi trôi trượt theo văn đưa tin, nếu đưa tin những chuỵện lạ, sẽ được người đọc rộng rãi mến mộ.
Trong văn xuôi “viết nội dung”, sự kết hợp “viết cái gì” và “viết như thế nào” tạo ra sức căng cho câu văn, mạch văn, làm cho câu văn có giọng, có hồn, không bị “bẹt”, bị ỉu sìu.

Phố có chữ “Hàng” không nằm trong khu phố cổ
Hàng Bột, Hàng Bún, Hàng Cháo, Hàng Muối, Hàng Cỏ, Hàng Cơm, Hàng Đẫy, Hàng Lọng, Hàng Vôi.

Đất lề quê thói
Trong hôn lễ
Hôm cưới lúc đưa rể đón dâu bao giờ cũng có một cụ già cầm hương đi trước. Người ta tin rằng cụ già sẽ để tuổi thọ lại cho cô dâu, chú rể.
(Người Việt đất Việt – Toan Ánh)

Ðem vò nước đục lại vần lửa rơm
Dưới đời vua Trần Anh Tông, vì lý do chính trị, đã gả em gái là Huyền Trân công chúa cho vua Chiêm là Chế Mân để đổi lấy 2 châu Ô, Lý Về sau, Chế Mân chết, vua Trần sai Trần Khắc Chung sang Chiêm tìm cách đưa Huyền Trân về nước để khỏi bị hỏa thiêu theo chồng (theo tục lệ Chiêm). Dư luận quần chúng có vẻ khắc nghiệt khi nghi ngờ về tình cảm của Trần Khắc Chung đối với công chúa Huyền Trân trên chặng đường thủy dài ngày đưa công chúa về nước. Người ta xót xa thân phận Huyền Trân, một lần nữa, qua tay Trần Khắc Chung.
Tiếc thay hột gạo trắng ngần
Ðem vò nước đục lại vần lửa rơm
(Ca dao lịch sử - Phương Nghi)

Dầy dầy
Dầy dầy : cây cỏ tươi tốt
(dầy dầy hoa nở tốt hoàn tươi)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Ướt như chuột lột
Tại sao lại nói “ướt như chuột lột?”, chuột lột thì có liên hệ gì đến sự ướt át?
Theo dạng đích thực của thành ngữ phải là “ướt như chuột lụt”. Trời mưa lụt, nước ngập trắng đồng, chuột phải lóp ngóp bơi trong nước trông mới tang thương thảm hại làm sao! Người chạy lụt đã khổ, nhưng chuột chạy lụt lại càng khốn nạn hơn. Bởi vậy, nói “ướt như chuột lụt” mới lột tả được sự gian truân vất vả của tất cả những ai phải chịu cảnh dầm mưa dãi nắng.
Nhưng tại sao từ chuột lụt lại chuyển sang chuột lột? Có lẽ do vần “uột” và “ụt” đứng kề tiếp nhau khó phát âm; theo nguyên tắc đồng hoá trượt, ụt được trượt sang ột dễ đọc hơn.
(Nguồn: Tìm hiểu điển tích thành ngữ)

Khác biệt văn hóa
Dân Sài Gòn ghét dân Hà Nội
Dân Hà Nội thích dân Sài Gòn

Chữ nghĩa làng văn
Tiếng Việt khó nhai thật, có nhiều chữ ghép với “ăn mặc” dầu nó chẳng “ăn nhập” đến chuyện bỏ đồ ăn vào miệng để nhai và nuốt gì cả. Nói ăn nhậu, ăn tiệc, ăn mừng, ăn cưới, ăn giỗ còn có nghĩa lý. Còn ăn nằm, ăn hút, ăn tiền, ăn cắp, ăn mày, ăn diện, ăn quỵt, ăn đòn, ăn năn, ăn hiếp, ăn khách, ăn ảnh…thì đúng là chẳng …“ăn nhập” đến…ăn cả
Xưa, bịa tạc ra chữ ăn, thật đúng các cụ ta…ăn không ngồi rồi.
(Lê Anh Tuấn – Báo Sài Gòn Nhỏ)

Quá trình hình thành khu Phố Cổ Hà Nội
Dưới thời nhà Lý, nhà Trần, phố cổ Hà Nội gồm 61 phường thời đó. Dưới thời Lê, đầu thế kỷ XVI, Hà Nội trở thành Đông Kinh, khắp nơi đổ về buôn bán làm ăn trong 36 phường lúc bấy giờ, và dần dần, nơi đây chính là khu Phố Cổ ngày nay.
Phạm vi khu Phố Cổ ngày nay được ấn định bởi Phố Hàng Đậu ở phía Bắc. Hàng Bông hàng Gai, Cầu Gỗ ở phía Nam. Đường Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật ở phía Đông. Đường Phùng Hưng ở phía Tây.

Tiếng Việt trong sáng
Quốc giỗ: Tôi có đọc được câu nầy: “Ngày giỗ tổ Hùng vương là ngày quốc giỗ”. Nói như vậy là sai. Giỗ là tiếng Nôm chứ không phải là tiếng Hán Việt nên không thể đặt sau tiếng quốc được. Hãy bỏ tiếng ngày quốc giố mà dùng tiếng thuần Việt là ngày giỗ cả nước, vừa đúng, lại vừa dễ hiểu. Ta nên dứt khoát chỉ dùng từ Nôm là ngày giỗ để cho thống nhất toàn quốc.
(Triêu Thanh tạp chí)

Sự khác nhau giữa Hà Nội và Sài Gòn
Văn hóa
Ở Hà Nội, sáng ra bạn vào cửa hàng quần áo chọn hàng mà không mua, bạn sẽ được nghe người bán hàng văng một tràng tiếng Đan Mạch và họ còn đốt vía sau khi bạn đi!
Đến Sài Gòn, không kể sáng trưa chiều tối, nắng mưa gió bão, bạn chọn thoải mái, nếu bạn không mua, người bán hàng nói: “Cám ơn anh. Lần sau lại ghé em nha”!

Chữ nghĩa làng văn ba miền
Người Việt ở Bắc thì ưa viết văn, người Trung thì làm thơ, người Nam thì viết báo.
Người Bắc viết văn mang cái bệnh đểu, “sâu sắc”, “ẩn dụ”, bóng gió, nói cay, nói đắng, lấy cái gia vị của gừng, của ớt làm cái ngon miệng. Vì thức ăn chả có gì, như một chén cơm sống trộn tỏi với nghệ. Vậy mà người đọc cứ ào lên khen hay.
Dân Trung mang cái thi ca vớ vẩn biến thành cuộc đời với ý chí đi làm cách mạng hay đi tu. Các nhà tu, chính trị gia chỉ là các nhà thơ thất chí với cuộc đời. Xứ càng khổ càng nhiều thi sĩ hiện sinh.
Bây giờ nhìn đâu cũng thấy “văn học”, kể cả những gì rất là “vô văn học”. Trở lại để trích dẫn Nietzsche: “Con gà mà đẻ nhiều thì trứng sẽ nhỏ đi”. Cái dở của văn chương ta là nhiều chữ quá mà chẳng nói lên được điều gì!.

Tiếng Việt mới
Những kiểu nói như “hơn ai hết”, “lúc này hơn lúc nào hết”, hoặc “hơn bao giờ hết” vốn không có trong lối văn cũ.
Cách nói “một Nguyễn Du, một Tản Đà” hay “những Phan Chu Trinh, những Phan Bội Châu” khi không biến danh từ riêng thành danh từ chung là cách nói của người Tây phương,
(Đỗ Quang Vinh - Tiếng Việt tuyệt vời)

Tên Hà Nội (2)
Các địa danh như Hà Nội, Sơn Tây, Hà Đông, Trường Sa tại nước ta đã được dùng tại Trung Quốc, và được dùng trước ta lâu đời, về sau ta bắt chước?.

***
Có người cho rằng chữ Hà Nội lấy từ câu sách Mạnh Tử (Thiên Lương Huệ Vương):
"Hà Nội hung tắc di kỳ dân ư Hà Đông, chuyển kỳ túc ư Hà Nội" (Hà Nội bị tai họa thì đưa dân về Hà Đông, đưa thóc từ Hà Đông về Hà Nội). Nguyên ở Trung Quốc thời Mạnh Tử (thế kỷ thứ III tr.CN) phía bắc sông Hoàng gọi là đất Hà Nội, phía nam là Hà Ngoại. Vùng đất Hà Nội ấy nay ứng với tỉnh Hà Bắc. Lại do sông Hoàng khi tới địa đầu tỉnh Sơn Tây ngày nay thì chạy theo hướng Bắc-Nam, trở thành ranh giới của hai tỉnh Thiểm Tây và Sơn Tây. Sơn Tây ở phía Đông sông Hoàng nên thời cổ có tên là đất Hà Đông, còn Thiểm Tây là Hà Tây.
Thực sự cũng có việc dùng câu sách Mạnh Tử nói trên. Nhưng đó là trường hợp năm 1904 khi muốn đổi tên tỉnh Cầu Đơ cho khỏi nôm na, người ta mới dùng để gọi tỉnh Cầu Đơ là tỉnh Hà Đông dựa vào cái tên Hà Nội đã có từ trước.
(1000 Năm Thăng Long - Tô Hoài, Nguyễn Vinh Phúc)

Dẽ dàng
Dẽ dàng : bất chợt, trớ trêu
(dẽ dàng lại gặp cơn mưa tối trời)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Chữ nghiêng IX
Một số trường hợp dùng chữ nghiêng:
1. Từ vay mượn từ tiếng nước ngoài.
2. Trích dẫn một câu nói hay nguyên văn một tác phẩm
(nếu không viết giữa hai ngoặc kép)
3. Tên của một cuốn sách, một bản kịch, một cuộn phim, tác phẩm... (nếu không viết giữa hai ngoặc kép)

(nguồn Wikipedia)

Quá trình hình thành khu Phố Cổ Hà Nội
Xưa kia phố cổ Hà Nội là khu vực tập trung nhiều nghề thủ công. Đó là các loại thợ thêu (làng Quất Động - Thường Tín - Hà Tây), thợ làm trống (gốc làng Đọi Tam - Hà Nam), thợ tiện (làng Nhị Khê - Hà Tây), thợ làm mành (làng Giới Tế - Bắc Ninh), thợ làm quạt (làng Đào Xá - Hưng Yên), đúc đồng (làng Đại Bái – Bắc Ninh), vàng bạc (làng Định Công)...

Bồ chữ

cao bá quát

Vì Cao Bá Quát tuổi trẻ đỗ sớm nên mắc tật kiêu ngạo. Để chứng tỏ tính nết kiêu ngạo của ông, người ta thường kể ông từng nói : "Thiên hạ có bốn bồ chữ, riêng tôi giữ hai bồ, anh tôi giữ một bồ" (có chỗ chép "Anh tôi là Bá Đạt và bạn tôi là Nguyễn văn Siêu giữ một bồ) còn một bồ chia cho kẻ sĩ khắp thiên hạ".
Song theo cụ Lãng Nhân, Giai thoại làng Nho toàn tập, thì câu này phỏng theo ý của Tạ Linh Vận (Trung quốc):
"Trong thiên hạ tài có một thạch (mười đấu), Tào Tử Kiến (Tào Thực, con Tào Tháo) được tám đấu, riêng tôi giữ một đấu còn một đấu phân phát cho khắp kẻ sĩ cổ kim".
Như vậy rõ ràng là chuyện bắt chước Trung Quốc, liệu có phải Cao đã "cóp" người xưa thật hay vì thấy ông mang tiếng kiêu ngạo mà có người đã đem chuyện này gán ghép cho ông? Bởi vì đã có khá nhiều chuyện người ta nói chắc như đinh đóng cột mà xét ra lại không đúng vì người đời gán ghép hai câu ấy cho ông, tưởng làm tăng giá trị của Cao Bá Quát lên nhưng lại không nghĩ rằng vì thế khiến họ Cao mang tội "đạo văn".
(Nguyễn Thị Chân Quỳnh - Một số truyền thuyết…)

Tiếng Việt trong sáng
Thống nhất: Thống nhất là làm biến mất tình trạng chia rẻ bắng cách gom các thứ về một mối. Ngày nay người ta lại thường dùng từ thống nhất để diễn tả sự đồng ý, cùng chung quan điểm.
Thí dụ, người ta đã nói: “Để thực hiện tốt chỉ thị, tôi cần thống nhất đồng chí chủ tịch”. Nói như vậy là sai.
(Triêu Thanh tạp chí).

(còn tiếp)