Chữ nghĩa làng văn

15 tháng 12.2015

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.


Thành ngữ trong "Tự điển thành ngữ tiếng Việt"
Từ điển phải là khuôn vàng thước ngọc cho người tra cứu nó, vì vậy người làm từ điển phải sàng lọc mà loại bỏ những hình thức «ăn theo» của người làm từ điển trước những hình thức dị dạng đã thấy (và chưa thấy hết) như Từ điển thành ngữ Việt Nam do Nguyễn Như Ý. Những thành ngữ sai này đã cho thấy thái độ thiếu trách nhiệm của các nhà biên soạn Từ điển thành ngữ Việt Nam đối với ngôn ngữ.
– «Cơm cao gạo kém» gốc là thóc cao gạo kém.
Các nhà biên soạn cũng có ghi chú: «như thóc cao gạo kém». Nhưng «như» thế nào cho được khi mà thóc là chuyện ngoài thị trường còn cơm thì đã là chuyện trong cái nồi của mỗi gia đình? Câu thành ngữ gốc chỉ nói về giá cả mà thôi nên không thể đưa «cơm» vào được.
– «Chia duyên rẽ thuý» gốc là chia uyên rẽ thuý.
«Uyên» mới đối với «thuý» còn «duyên» thì đối không chỉnh nên trở thành vô … duyên!
– «Dựa thừng dựa chảo» gốc là lộn thừng lộn chảo.
Đổi thành «dựa» thì vô nghĩa.
– «Đường dây mối rợ» gốc là đầu dây mối rợ.
Đầu và mối là những chỗ cốt yếu còn đường thì … tràn lan, tùm lum nên đâu có thể nào tuỳ tiện thay «đầu» bằng «đường» !
(Phan Trọng Hoa – Thành ngữ, tục ngữ khó hiểu)

Chữ nghĩa hiện thực
Giữa đường nhặt cánh hoa rơi.
Lượm lên phủi phủi: “Cũ người mới ta”.

Những địa danh trong ca dao Hà Nội
"Khu phố cổ" chỉ là khu vực có dăm con phố cổ, còn "36 phố phường" được nhắc tới là con số để mà nói nhiều phố, nhiều phường mà thôi! Trong bài ca dao về "36 phố phường" ghi chú đầy đủ tên gọi của các con phố nằm ngoài khu vực "phố cổ"!
Rủ nhau chơi khắp Long Thành
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai.
Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai
Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Bài, Hàng Khay
Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giầy
Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn
Phố mới Phúc Kiến, Hàng Ngang
Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Than, Hàng Đồng
Hàng Muối, Hàng Nón, Cầu Đông
Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè
Hàng Thùng, Hàng Bát, Hàng Tre
Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà
Qua đi đến phố Hàng Da
Trải xem phường phố thật là cũng xinh
Phồn hoa thứ nhất Long Thành
Phố giăng mắc cửi đường quanh bàn cờ.

Dây
Dây: kéo dài thời gian
(lây dây nửa năm cơm cháo chẳng ngon)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Chữ nghĩa không hay…chết liền III
Báo Tuổi Trẻ Sài Gòn có nhặt ra một số hạt sạn của các báo ở trong nước. Xin mượn vài hạt sạn trình làng. Báo Thanh Niên số 219 viết: “TFS đã không ngần ngại lao vào làm phim những nhân vật lịch sử dài tập như phim Hàn Quốc. Bộ phim là:
Chúa Tầu Kim Quy trong truyện Lục Vân Tiên.
Chúa Tầu Kim Quy là nhân vật tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Còn Lục Vân Tiên ai mà chẳng biết là nhân vật chính của truyện bằng thơ của Nguyễn Đình Chiểu.
Chưa hết: Chúa Tầu Kim Quy không là…nhân vật vật lịch sử!”.
(Chữ nghĩa ngày nay: báo Ngày Nay)

Logic
Khoảng những năm 60 hay 70 tôi đọc một cuốn sách xuất bản ở Hà-nội "Dậy tiếng Việt ở Ðại học", tôi đã bắt gập chữ lô-gích ngay trong mấy trang đầu mà không đặt trong dấu ngoặc kép, không in nghiêng, cũng không dịch, coi như ai cũng hiểu.
Tôi thử đem ra dùng với một bà cụ đã sống ở Pháp từ lâu, am hiểu một số Pháp ngữ thông dụng, nhưng bị cụ chặn lại hỏi ngay "Lô-gích là cái gì ?", tôi nói là "hợp lý" thì cụ thôi không hỏi nữa. Tôi thử đặt mình vào địa vị một người không học ngoại ngữ Tây phương, không hiểu "lô-gích" là gì, tất nhiên phải giở tự vị ra tra.
Trong cuốn Từ điển Pháp Việt, do Ủy ban Khoa học xã hội xuất bản năm 1981, tôi thấy dịch "logique" là: 1) logic học, 2) sách logic, 3) lôgic..v..v.. chẳng thấy sáng nghĩa hơn, người ta không hiểu mới tra tự vị, giảng "logique" là "lôgic" thì có khác gì không giảng? Phải giở tự vị Ðào Duy Anh ra mới được biết "logique"…là "hợp lý".
(Nguyễn Thị Chân Quỳnh – Dân “Bách Việt”, tiếng “Bách ngữ)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Quân tử đắn đo là quân tử dại.
Quân tử...làm đại là quân tử khôn.

Chữ nghĩa làng văn
Tiếng Việt khó thật, ngoài 24 chữ cái của vần Latin rồi. Còn bày thêm ra a, â, ă, d, đ, ơ, u, ư…nữa. Lại còn thêm 5 dấu sắc (‘), huyền (`), hỏi (?), ngã (~), nặng (.).
Thế nên có câu thơ về dấu cũng hay:
Chị huyền (`) mang nặng (.) ngã (~) đau
Sau không sắc (‘) thuốc, hỏi (?) sao cho lành
Nhưng không hay ho bằng 1 chữ với 5 dấu, 5 nghĩa khác nhau…
le, lé, lè, lẹ, lẻ, lẽ….
(Lê Anh Tuấn – Báo Sài Gòn Nhỏ)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Ðã gần bẩy chục năm trời
Ðắng cay, chua chát, ngọt bùi có nhau
Bây giờ: Mày trước tao sau
Kiếp sau hẹn gặp: Lại tao với mày!
(Bài thơ vịnh về già với cái răng rụng của tác giả Nguyễn Bá Trạc)

Đất lề quê thói
So tuổi
Trước khi đôi trẻ lấy nhau, bố mẹ so tuổi xem có xung khắc nhau không. Sau đây là tuổi xung khắc được gọi là tứ hành xung:
Tý, Ngọ, Mão, Dậu
Thìn, Tuất, Sửu, Mùi
Dần, Thân, Tỵ, Hợi
(Người Việt đất Việt – Toan Ánh)

Khôn cho người ta rái, dại cho người thương
Ẩn kín đằng sau nó là trong cuộc sống “đừng dở dở ương ương cho người ta ghét”! Theo phép đối lời, “rái” phải trái với thương. Lần vào kho từ vận tiếng Việt, từ rái với nghĩa là sợ, hãi. Đó là một từ cổ còn được bảo tồn trong phương ngữ.
Từ rái này cũng còn xuất hiện trong câu tục ngữ đối khác là “yêu như chị em gái, rái như chị em dâu”. Xác định được nghĩa của từ rái, thì tất cả mọi từ trong câu tục ngữ “khôn cho người ta rái, dại cho người ta thương” đều trở nên sáng rõ và dễ hiểu.
(Nguồn: Tìm hiểu điển tích thành ngữ)

Giai thoại Mạc Đĩnh Chi
Chuyện kể, trong lần Mạc Đĩnh Chi đi sứ năm 1308, do đường xa, mưa gió nên sứ bộ đến cửa ải Nam Quan chậm mất một ngày. Viên quan giữ cửa ải không cho mở cửa để sứ bộ qua. Mạc Đĩnh Chi nói mãi chúng cũng không chịu cho qua. Sau đó họ ném từ trên cửa ải xuống một vế câu đối, bảo hễ đối được thì sẽ mở cửa cho qua, còn nếu chưa đối được thì hãy ở tạm bên dưới qua đêm, đợi đến sáng hôm sau..
Vế ra đối viết :
- Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan.
Nghĩa là :
- Qua cửa quan chậm, cửa quan đóng, mới khách qua đường qua cửa quan.
Thật là một câu đối hiểm hóc, nội dung nói lên việc Mạc Đĩnh Chi đang cần qua cửa quan để sang Yên Kinh. Song khó ở chỗ trong 11 chữ của vế đối mà có tới bốn lần nhắc lại chữ quan. Mạc Đĩnh Chi nghĩ vế ra quả là khó đối lại nhưng im lặng thì mất thể diện.
Ông ứng khẩu đọc lại vế đối :
- Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối.
Nghĩa là :
- Ra câu đối dễ, đối câu đối khó, xin tiên sinh đối trước.
Đang bí nghe Mạc Đĩnh Chi đọc vế đối lại. Quan nhà Nguyên phải chịu và mở cửa ải để ông đi qua. (Vế đối cũng có bốn chứ đối).

Thành ngữ từ bàn nhậu trước 75
Nếu trước 75, miền Nam có những câu “thành ngữ” một thời một thưở về thuốc lá như Lucky, Salem, Captain, Pall Mall..v..v..thì nay miền Bắc có câu vè về thuốc lá:
Sa-pa : Nói ba hiểu một
Sông Cầu : Nói đâu hiểu đấy
Sa-mít : Nói ít hiểu nhiều
Ba số : Chửi bố cũng làm

Dấu
Dấu: yêu
(chúa dấu vua yêu – yêu dấu)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Tên Hà Nội (1)
Đời Tây Sơn đóng đô tại Phú Xuân (Huế) gọi Thăng Long là Bắc Thành. Đến năm Minh Mạng thứ 12 (1831), vua này liền tiến hành đợt cải cách hành chính lớn, xóa bỏ Bắc Thành gọi là Hà Nội. Danh từ Hà Nội bắt đầu có từ bấy giờ. Hà Nội nghĩa là phía trong sông. Vì thực tế tỉnh mới này trên đại thể được bao quanh bởi hai con sông Hồng và sông Đáy.
Tỉnh Hà Nội gồm bốn phủ đó là: phủ Hoài Đức (Thọ Xương, Từ Liêm, v.v.), phủ Thường Tín (Thanh Trì, v.v.), phủ Ứng Hòa (Thanh Oai., v.v.), phủ Lý Nhân (Bình lục, v.v.). Như vậy, tỉnh Hà Nội lúc đó gồm thành phố Hà Nội, nửa phía đông Hà Đông và toàn bộ tỉnh Hà Nam. Rõ ràng, tỉnh Hà Nội đại bộ phận nằm kẹp giữa hai sông Hồng và sông Đáy.
(1000 Năm Thăng Long - Tô Hoài, Nguyễn Vinh Phúc)

Khác biệt văn hóa
Hà Nội: Nặng về lời nói.
Sài Gòn: Nặng về cử chỉ.

Chữ nghĩa làng văn
“Sắm sanh nếp tử xe châu”.
(Truyện Kiều - câu 77)
“Có khi gốc tử đã vừa người ôm”.
(Truyện Kiều - câu 1046)
“Ðoái thương muôn dặm tử phần”.
(Truyện Kiều - câu 2235)
Cụ Ðào Duy Anh hiểu cây tử là cây thị trong Tự điển Truyện Kiều. Thật ra, cây tử (Catalpa) cao trên 10m, mọc ở Bắc Mỹ, Trung Hoa và ở châu Âu hay trồng làm cảnh. Cây thay lá hàng năm, lá lớn hình tim, hoa hình loa kèn màu vàng nhạt lấm tấm đỏ tía tụ thành chùm nơi đầu cành, quả hình đũa dài 30 cm, khác với cây thị (Diospyros) trồng nhiều ở Việt Nam, chỉ cao vừa phải, chừng 5-6 m, phiến lá hình trứng thuôn, nhỏ, hoa màu trắng, họp thành xim, quả tròn hơi dẹt, khi chín màu vàng, rất thơm.
(Trần Văn Tích - Cỏ cây trong truyện Kiều)

Truyện cực ngắn: Truyện văn chương
Nói cách khác, truyện thật ngắn thì ngắn hơn truyện ngắn; truyện cực ngắn lại càng ngắn hơn truyện thật ngắn. Ngắn đến độ không thể ngắn hơn được nữa. Như truyện thật ngắn sau:
”Hắn viết chưa xong câu thơ, một thế kỷ đã trôi qua. Khi bài thơ hoàn tất, hắn đã hoá thành người tiền sử”.

Chữ nghĩa lai Tầu
Hồ Chí Minh ôm tập Luận cương của Lenin về vấn đề dân tộc và dân tộc thuộc địa, được huấn luyện tại Nga, nhưng thực tập áp dụng tại Tàu. Trọn bộ chữ nghĩa như đấu tố, quy thành phần, xét lại, trăm hoa đua nở, cách mạng văn hóa, hộ khẩu, hộ chiếu, biên chế, điểm và diện, tam cùng, cục, phân cục, chủ nhiệm, sự cố, khắc phục v.v. đều là sao chép chữ tiếng Tàu.
Ðến một lúc họ nhớ mình là người Việt, bớt chữ Hán. Nhưng chỉ Việt hóa những chữ liên quan tới “địch,” như “máy bay lên thẳng,” “lầu năm góc,” “Nhà Trắng.” Ngược lại, trong nội bộ đảng thì ngôn ngữ càng ngày càng lệ thuộc Trung Quốc vỹ đại nhiều hơn.
Sự ấp úng giữa tiếng Tầu và tiếng Việt đưa tới hiện tượng ngôn ngữ lai căng: “cơ cấu lại vốn,” trong đó “cơ cấu” là Hán, “lại” và “vốn” là Nôm. Cùng ý niệm kinh tế này, miền Nam đã dùng năm âm tiết toàn Hán, nhưng quen thuộc, “tái tổ chức tư bản”. Miền Nam lại theo nguyên tắc tự do, cả trong ngôn ngữ, do đó một ý niệm có thể có nhiều cách phát biểu, như có thể nói “xếp đặt lại vốn liếng,” ai cũng hiểu cả.
(Tâm Thanh – Chiêu hồi ngôn ngữ)

Tên đường phố Hà Nội hiện không còn
Hàng Áo, hàng Bừa, hàng Cam, hàng Chè, hàng Cuốc, hàng Đàn, hàng Gạo, hàng Giò, hàng Hài, hàng Kèn, hàng Khóa, hàng Lam, Hàng Màn, hàng Mây, hàng Mụn, hàng Nâu, hàng Sắt, hàng Sơn, hàng Trứng.

Nhũn như con chi chi
Trong hồi ký Thi tù tùng thoại, của Hùynh Thúc Kháng ở Côn Đảo 1915 có ghi thú chơi tổ tôm, chắn với 120 quân bài. Trong đó có bốn quân bài:chi chi, nhị sách, bát sách và cửu vạn.
Vì cây bài “chi chi” có giá trị thấp nhất trong 120 quân bài. Nói “nhũn như con chi chi“ là nói thái độ của người biết mình hèn kém. “Nhũn” đây là nhũn nhặn, không phải là mềm nhũn như con “chi chi” là một loài cá mềm nhũn.
(Hoàng Hải Thủy – báo Văn Nghệ Tiền Phong)

(còn tiếp)