Chữ nghĩa làng văn

15 tháng 09.2015

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.


Sửa ca dao
Gần đây người trong nước sửa "tháng giêng" thành "tháng một"! Sửa như thế chỉ gây rắc rối thêm nếu chúng đọc đến bài ca dao :
Tháng giêng là tháng ăn chơi,
Tháng hai cờ bạc, tháng ba rượu chè
Những thành phố cổ, nhà cửa so le, đường xá quanh co, khuất khúc, nhưng nó có cái đẹp riêng, ta có nên nhân danh hai chữ "tiện lợi" san bằng tất cả để xây dựng những thành phố mới đường ngang, lối dọc, thẳng tắp nhưng... "giống nhau như hai giọt nước" ? Hay là ít nhất ta cũng chừa lại một vài khu vực cổ kính để lưu niệm ? Ngôn ngữ phản ánh con người, con người không "lô-gích" thì ngôn ngữ cũng không "lô-gích". Tôi nghĩ chẳng có một thứ ngôn ngữ nào trên thế giới lại hoàn toàn "lô-gích" cả.
Vậy thì thế nào là "bảo tồn", thế nào là "làm giầu" cho tiếng Việt, thế nào là "bảo thủ"? Ðâu là ranh giới?
(Nguyễn Thị Chân Quỳnh – Dân “Bách Việt” nói tiếng…)

Dan
Dan : nắm tay nhau
(chị em thơ thẩn dan tay ra về - Kiều)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Giai thoại làng văn
Nguyễn Tuân rất thích truyện tiếu lâm hiện đại nhằm giễu cợt những sự việc, những nhân vật đương thời. Có lần ông kể tôi nghe một truyện về Phạm Tuân:
“Cái hôm người ta phóng con tầu đưa Phạm Tuân lên vũ trụ, Võ Nguyên Giáp có tới dự. Một điều lạ khi nhiên liệu nổ rầm rầm mà con tầu không thấy bay lên. Các công trình sư Liên Xô chạy đôn chạy đáo kiểm tra kỹ thuật mọi mặt đều chẳng có gì trục trặc cả.
Nguyễn Giáp ngẫm nghĩ một lát rồi đề nghị cho mình đến gặp Phạm Tuân. Tuy biết Võ Nguyên Giáp không hiểu gì về kỹ thuật, nhưng vì nể nên họ đồng ý. Võ Nguyên Giáp vào gặp Phạm Tuân một lát, vừa quay ra thì con tầu đã vọt thẳng lên trời. Các vị có mặt hôm ấy hỏi tướng Giáp đã làm thế nào. Giáp không nói, chỉ tủm tỉm cười. Khi về nước, Lê Duẩn triệu ngay Giáp đến để hỏi. Giáp vẫn không chịu nói. Duẩn nghiêm mặt: “Anh giữ bí mật quốc gia là đúng. Nhưng tôi là tổng bí thư mà anh cũng giữ bí mật sao?
Võ Nguyên Giáp đành phải nói thật:
“Có gì đâu, tôi thọc tay ngay vào túi quần nó. Quả nhiên thấy có mấy cái đinh ốc nó vừa xoáy ở con tàu. Tôi quát: “Muốn sống lắp trở lại ngay!” Thế là con tàu bay vọt lên trời”.
(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)

Tại sao gọi là người Tàu
Theo Lê Quý Đôn: “…Tàu buôn từ Quảng Đông đến Hội An thuận gió mùa thì chỉ ở hai, ba ngày thôi. Tàu từ Phước Kiến đến thì nạp 2.000 quan, lúc tàu trở về thì chỉ nạp 200 quan.
Có lẽ vì người Quảng Đông, Phước Kiến, Triều Châu, thêm người Hải Nam đến tấp nập, đông đảp trên các tàu buôn lớn nên dân ta gọi họ là “dân Tàu” cho tiện…”.
(Lê Văn Lân – Đặc san Phù Sa Sông Cửu)

“Quan họ” là gì
Chúng tôi giả thiết rằng “quan” và “họ” của đất Bắc Ninh là hai từ cổ được dùng để chỉ một dân ca có từ lâu đời. Về sau, người ta không hiểu nghĩa của nó, nên hiểu ra nhiều cách khác nhau.

Ta hãy tìm quy luật chuyển âm, theo chúng tôi, “ho là một âm cổ mà sau này đã chuyển ra ta hay tao trong tiếng Việt hiện đại. Ngôn ngữ Việt - Mường để chỉ một tập hợp người nào đó, họ dùng những từ bon, buôn, buan. Theo chúng tôi, chữ “quan” trong “quan họ” chỉ là sự chuyển âm từ "bon, buôn, buan” mà thành.
Quan họ chỉ có nghĩa là…bọn ta,
Có dân ca nào trên đất nước ta đặt tên như vậy chăng? - Người Nùng Phàn Sình ở cách đất Quan họ vài mươi ki-lô-mét có cách đặt tên cho dân ca như vậy. Ðó là lối hát “Xoong hau”. Xoong hau nghĩa là đôi chúng ta. Chữ hauchúng ta, là ta.
Chúng tôi đã so sánh dân ca quan họ với Xoong hau, và đặc biệt đã nhấn mạnh sự giống nhau giữa hai cách kết bọn, cách hát đôi; và nếu đi sâu vào cách ăn mặc ngày hội Quan họ, ta sẽ thấy bộ quần áo ấy là bộ quần áo Xoong hau thường mặc. Nó giống từ bộ xà tích đeo hông, đến cái nón bằng che nửa miệng, đến câu chào hỏi, đến lối hát giữa chợ và mời bạn về nhà, và kết nghĩa.
"Bọn ta" có nghĩa là gì?
Cả hai bên quan họ đều gọi nhau là quan họ, tức đều gọi nhau là bọn ta. Chính là vì họ đã có quan hệ về kết nghĩa. Như vậy từ quan họ có liên quan đến nguồn gốc quan họ.
(Ðặng Văn Lung - Quan họ: Nguồn gốc và quá trình phát triển)


Nói lái trong tiếng Việt
Nói lái trong tiếng Việt có tự nghìn xưa, phong phú và đa dạng. Riêng phần chén chú chén anh thôi đã đầy rẫy, đếm không hết kể không xuể như: mộc tồn (con cầy), hạ cờ tây (cầy tơ). Rồi tới lai rai ba sợi thì có “lỳ một lam (làm một ly).
Đang nhậu tới bến mà được hỏi thì: “ít lắm, chỉ mới lai rai “ít ly” thôi. “ít ly” thôi nên tạm hiểu là mới uống đúng “y một lít”.
Vậy là…ít lắm!

Chữ nghĩa tiếng Việt
Tiếng Bắc:
- Ai vấy.
Tiếng Nam:
- Ai vá.

Ngược dòng địa danh miền Bắc qua sử phẩm
Trấn Kinh Bắc (1)
Năm 1490, vua Lê Thánh Tông cho định lại bản đồ cả nước, gồm 13 đạo, xứ, thừa tuyên. Trong đó, trấn (xứ) Kinh Bắc gồm 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh.
Năm 1831 thời Minh Mạng thứ 12, đổi trấn Kinh Bắc thành tỉnh Bắc Ninh. Bắc Ninh là cửa ngõ của cố đô Thăng Long, là vùng đất trung chuyển giữa kinh đô xưa với miền địa đầu giáp giới Trung Hoa. Do có đường quốc lộ lên ải Bắc chạy qua, nên vị trí quân sự của Bắc Ninh cực kỳ hệ trọng. Chính vì thế, mùa xuân 1884, Pháp đánh thành Bắc Ninh hoàn thành gấp công cuộc bảo hộ nước ta.
Thành Bắc Ninh

Đất lề quê thói
Trẻ đi học phải kiêng
Không ăn trứng vịt, trứng gà ấp dở vì sợ…tối dạ.
(Người Việt đất Việt – Toan Ánh)

Rách như tổ đỉa
Về ý nghĩa, tổ đỉa là cái tổ của con đỉa ở dưới nước với vẻ tớp túa, lỗ chỗ, xác xơ chăng? Giả thiết này không hợp lý, bởi vì “tổ” con đỉa dưới nước thì mấy ai thấy được, quan sát được để làm đối chứng so sánh với các con vật quen thuộc như áo quần, tơi nón,...Hơn nữa, trong tiếng Việt, tổ thường được dùng để chỉ nơi che chắn kín đáo để ở, đẻ và nuôi con của một số loài vật như chim, chuồn chuồn (1), ong, chứ ít nói đến tổ con đỉa.
Thực ra, “tổ đỉa” là tên của một loài cây thường mọc ở bờ nước. Lá của tổ đỉa trông có vẻ xơ xác, dễ gây liên tưởng tới sự rách nát lỗ chỗ, tớp túa của quần áo, vải vóc... Và, dần dần tổ đỉa cũng góp phần biểu hiện nghĩa khái quát, hàm chỉ sự nghèo đói. Có lẽ nhờ nghĩa này mà trong tiếng Việt, tổ đỉa có thể đi vào thành ngữ…”nợ như tổ đỉa” nữa.
Gần nghĩa với rách như tổ đỉa, trong tiếng Việt còn có “rách như tàu lá khô”, “rách như xơ mướp”.
(1) Chuồn chuồn không có…tổ.
(Nguồn: Tìm hiểu điển tích thành ngữ)

Chữ nghĩa làng văn
Nhân đọc cuốn Từ và vốn tiếng Việt hiện đại và tác giả Nguyễn Văn Tu, giáo sư ngôn ngữ học ở Hà Nội cho là hai từ “vua” là chữ Hán cổ. Theo tôi (Thiếu Khanh) thì “vua” là tiếng Việt mà âm cổ từ chữ “vương”. “Vương” là chữ thuần Việt .
Trong khi “vương” viết theo lối Tầu với ba vạch ngang và một vạch dọc ở giữa nối liền ba vạch ngang tượng trưng cho “người” nối liền “thiên – địa – nhân”. “Người” đây là hiền giả chứ không phải là vua theo nghĩa Tầu.
“Vua” của họ từ nhà Chu lớn, bé đều xưng là “đế”, không ai xưng vương. Đế phong cho con thứ là vương, như vua Đường phong cho con út là Đường vương
(Thiếu Khanh – Văn hóa Việt Nam)

Bố cái đại vương
Danh từ Bố Cái Ðại Vương, Cái là danh từ Mã Lai, có nghĩa là ông cha hùng mạnh, ông cha thủ lãnh. Hiện nay Mã Lai vẫn còn có danh từ Ibu La'ki, đúng nghĩa Bố Cái, vì Ibu=bố, La'ki=Cái, Ibu La'ki có nghĩa là nhà lãnh đạo.

Tục bóp vú trong một số lễ hội xứ Kinh Bắc
Cổ tục xứ Kinh Bắc
Những tài liệu dưới đây được viết bằng chữ Hán – Nôm, là những ghi chép về dân tục của vùng Kinh Bắc, năm Khải Định thứ 5 (1920), do Viễn Đông Bác Cổ thu thập:
Tài liệu viết: Lại hỏi, xã ấy vào ngày 11 tháng 2 có lệ nhập tịch tế thần…Tế xong, toàn dân cùng ăn uống ở đình. Đến chiều tối, ca kỹ đến hát ở chính giữa đình. Hai bên đình là chỗ trai gái đến xem hát. Nếu con trai thấy con gái đứng chỗ nào thì người con trai cũng đến chỗ đó đứng, con trai thân áp sát vào giữa đám con gái, thân người con trai sát thân người con gái, tay người con trai điểm vào ngực người con gái.
(*Điểm ngực: Bóp vú. NXDiện chú thích)
Đêm ấy từ lúc ca kỹ bắt đầu đến lúc thôi hát, đôi trai gái nào thuận tình, thì người con trai dẫn người con gái ra chỗ nào tối ở ngoài đình, hai người giao dâm với nhau, không dám làm việc đó ở trong đình, vì đôi trai gái sợ có uế khí với thần. Trai gái sát người vào nhau điểm ngực ở trong đình thì được, nhưng nếu đã giao dâm với nhau thì không được ở trong đình. Nếu như đêm ấy xã thuê ca kỹ hát thờ thần, không có con trai con gái trong xã ra đình xem hát, không có người con gái nào để đánh chen điểm ngực, thì đêm đó, mọi người dân xã trong đình tự nhiên sinh ra cãi nhau, hoặc người ca kỹ gây sự với người trong xã, hoặc người trong xã gây sự với nhau, mọi người sinh ra ẩu đả. Cho nên, năm nào vào đêm hôm đó, ca hát hầu thần cũng có nam nữ ra đình xem hát, đánh chen, điểm ngực thì mới tránh được nảy sinh những chuyện bất bình.
(Nguồn: *Nguyễn Xuân Diện)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Bom nguyên tử là phát minh để chấm dứt các…phát minh khác!

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Những sai lầm mà chúng tôi (Lê Mạnh Chiến) đã phát hiện được trong Từ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.
giám quốc
監國
Soạn giả cho biết: giám nghĩa là trông coi, quốc là nước. Đúng. Nhưng ông định nghĩa rằng giám quốc là người đứng đầu một nước cộng hoà tư sản thì sai to. Càng sai nữa khi ông viết rằng Ngày nay người ta dùng từ “tổng thống” để thay từ “giám quốc”. Thực ra, giám quốc là người cầm quyền tạm thời khi vua vắng mặt hoặc khi vua còn nhỏ. Ví dụ, năm 1908, Phổ Nghi lên ngôi khi mới hai tuổi, đình thần nhà Thanh đã cử cha của ông ta là Tải Thuần làm giám quốc. Cuối năm 1787, tướng của Nguyễn Huệ là Vũ Văn Nhậm ra Bắc giết Nguyễn Hữu Chỉnh rồi lập Sùng Nhượng Công Lê Duy Cận (chú của Lê Chiêu Thống) làm giám quốc vì Lê Chiêu Thống đã chạy khỏi kinh thành để cầu cứu quân Thanh. Khi Nguyễn Huệ ra Bắc giết Vũ Văn Nhậm, ông vẫn để Lê Duy Cận làm giám quốc.

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Học hành như cá kho tiêu .
Kho nhiều thì mặn học nhiều thì…ngu!

Dàm
Dàm : lời ướm thử
(nói dàm: nói xa gần)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Váy Đình Bảng
Bài Lá diêu bông có câu “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng”.
Mẹ tôi (Hoàng Cầm) xưa vốn là một cô gái Kinh Bắc (Bắc Ninh) có nhan sắc, óng ả, kiều diễm, có đôi mắt “lúng liếng” thật tình tứ, đôi mắt rất quan họ, có dáng đi đài các, uyển chuyển khi mẹ tôi mặc chiếc váy lụa kiểu Ðình Bảng, mép váy buông chùng cửa võng xuống mu bàn chân, ai trông thấy phía trước mặt đều tưởng như người con gái này đang đi trên sóng rập rờn, nhất là khi biết cách mặc cho đúng “mốt Ðình Bảng”, nghĩa là biết chếp nếp thế nào đó trên thắt lưng để ở phía dưới càng có nhiều pli càng đẹp. Cô nào giỏi chếp nếp thì từ mép váy lên có đến bốn pli. Nói rằng cô gái đang đi trên sóng, là một cách nói chuẩn xác
(Lại Nguyên Ân - Hoàng Cầm tác phẩm – Thơ)

(còn tiếp)