Chữ nghĩa làng văn

tháng 10.2017

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.


Chữ quốc ngữ
Chữ dùng viết bài thơ ba chữ dạy trẻ mẫu giáo của Tản Đà:
Chữ quốc ngữ
Chữ nước ta
Con cái nhà
Đều phải học
Miệng thì đọc
Tai thì nghe
Đừng ngủ nhè
Chớ láu táu
(Trần Bích San – Văn Khảo)

Chữ Việt cổ
cái trậng : cái trạn
(Phạm Xuân Độ)

Cải tạo tiếng Việt
Sống ở Mỹ ảnh hưởng lối viết cắt xén chữ nghĩa trong ngôn ngữ nên đã có khá nhiều người lên tiếng hoặc tự cải cách viết tiếng Việt theo một lối riêng mà mạnh mẽ nhất là viết tắt. Nhà thơ Du Tử Lê sau những sáng kiến về thơ gạch chéo cũng đã cho in hẳn ngoài bìa sách của ông cái tên với chữ thật lớn K. Khúc Của Lê mà không viết ca khúc như thường lệ. Báo Văn Nghệ Tiền Phong lên tiếng châm biếm lối viết tắt này khi đưa ra những “dự phóng“:
K nhac, H hong, C xich
Chan minh nhung lam b b
Lai cam bo đuoc ma d chan nguoi.
Những người ủng hộ lối viết tắt lý luận rằng người Mỹ viết Toys R Us (chữ R viết ngược), BBQ,U R here, Open on Nite thay cho Toys are us, Barbecue, You are here, Open all night mọi người vẫn hiểu. Không những viết mà khi đọc họ cũng bỏ những khuôn mòn sáo cũ. Nước Mỹ là cường quốc bậc nhất thế giới tại sao ta không bắt chước họ cho tiện lợi?
Nghĩ cho cùng thì những cách viết lạ lùng khác thường ở Mỹ cũng thường chỉ thấy trong những bảng hiệu, trong những quảng cáo. Ở một quốc gia tư bản tự do, cạnh tranh kịch liệt thì một số chuyên viên quảng cáo chỉ nghĩ làm sao cho mọi người chú ý, làm sao lôi kéo được sự tò mò, lôi kéo nhiều khách hàng nghĩa là mang lại nhiều lợi lộc bằng mọi cách.
Nếu đúng như vậy có lẽ ta chẳng nên du nhập vào văn chương chữ nghĩa tiếng Việt để coi như một cải cách tân kỳ.
(Đặng Trần Huân - Chuyện cải cách tiếng Việt)

Thiền lơ mơ lỗ mỗ

Lúc bé, vẫn nghĩ rằng tình yêu là mãi mãi, tình yêu là thứ quan trọng nhất trong cuộc đời. Giờ thì biết yêu đến đó, rồi đi đó, như mưa bóng mây, hay dù có như chớp bể mưa nguồn thì cũng vậy, có đó rồi mất đó. Và thật sự cũng chẳng biết thứ gì là quan trọng nhất

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền
Vái lạy
Vái lạy là phép xã giao thời xưa, không chỉ dùng khi cúng tế mà người sống cũng lạy nhau..."Đời xưa vua đối với bày tôi, bố vợ đối với chàng rể, người tôn trưởng với kẻ ti ấu đều phải lạy đáp lễ... Đến đời nhà Tần mới đặt ra lễ "tôn quân ti thần", nên thiên tử không đáp lạy bày tôi nữa... Ngaỳ xưa từ quan khanh sĩ trở xuống đều theo cổ lễ mà đáp lễ kẻ ti ấu, nếu kẻ ti ấu (bề dưới) chối từ, mới dùng lễ túc bái đáp lại. Còn vái là nghi thức lúc đã lễ xong....Nước ta xưa kia có chốn công đường có lễ tông kiến, kẻ hạ quan cũng vái bậc trưởng quan... Gần đây những kẻ hiếu sự không biết xét đến cổ điênr lại cho là lễ của tôn trưởng đối với kẻ ti ấu, còn kẻ ti ấu đối với tôn trưởng không được vái, chỉ lạy xong là cứ đứng thẳng và lùi ra..."
(Trích Vũ trung tuỳ bút của Phạm Đình Hổ trang 174).
Xem đoạn văn trích dẫn trên ta thấy không chỉ vái lạy người trên mà người trên cũng vái lạy đáp lễ. Từ lạy nhau chuyền sang vái nhau trong buổi tương kiến. Theo phong tục lễ giáo của ta, bề dưới phải chủ động chào bề trên trước, trẻ chào già trước, trò chào thầy trước. Nếu bề trên không chào lại người dưới, thầy không chào lại trò, tức là không đáp lễ, thì cũng không làm cho người ta ngượng ngùng và bất bình.
Xin trích kể lại câu chuyện "Tam nguyên Tổng đốc lạy ông Nhiêu".
Ông Nhiêu Chuồi người cùng làm ăn mừng lên thọ 80 Cụ Tam Nguyên cũng tới mừng. Khi làm lễ chúc thọ, cụ Tam cũng như mọi người lễ ông Nhiêu hai lễ rất kính cẩn. "Ai đời cụ Tam Nguyên Tổng Đốc lại lạy một người dân thường. Ông Nhiêu vội vàng sụp xuống lạy tạ. Cụ Tam đỡ ông Nhiêu dậy, ôn tồn nói: Ta lễ là lễ cái thiên tước của ông Nhiêu đấy...".
(Trích Nguyễn khuyến và giai thoại)

Ca dao tình tự
Nói đến bỏ vợ, mất chồng
Chồng em như cột đình xiêu
Như cây gỗ mục còn yêu nỗi gì
Em về, bỏ quách nó đi
Hết bao nhiều bạc, anh thì trả cho
Cưới lợn, thì anh trả bò
Cưới tiền, đền bạc còn lo nỗi gì
(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao dân ca)

Tại sao gọi là rượu ngang và rượu quốc lủi
Tại miền Bắc người dân đã tự đặt tên cho loại rượu mình nấu lậu là rượu ngang vì rượu nấu và tiêu thụ theo kiểu đi ngang về tắt.
Rượu cuốc lủi vì vừa bán vừa lủi như con chim cuốc; hoặc để so sánh với rượu “quốc gia” khi các cụ nhà nho xưa nhại tiếng ngoại bang nationale spirit gọi rượu quê của người Việt là rượu quốc hồn quốc túy. Tiếng là quốc hồn quốc túy mà phải nấu chui nấu lủi, uống chui uống lủi thì gọi là rượu quốc lủi.
(Nguồn: Bách khoa toàn thư)

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Năm 1983, trong một buổi đi chơi ở Los Angeles, tình cờ Phạm Duy gặp Phạm Công Thiện ở khu China Town, Phạm Công Thiện cho biết người con gái trong kịch thơ Người Điên ở gần đây và dẫn nhạc sỹ đến thăm mẹ con Kiều Loan, Phạm Duy quá bất ngờ như gặp lại người bạn cũ ngày xưa nhiều kỷ niệm khi ông vác ba lô đi tìm gặp Hoàng Cầm.
Trong căn gác nhỏ chung cư nghèo Los Angeles, Phạm Công Thiện nghe lại những bài thơ của Hoàng Cầm và tận mắt nhìn lại hình bóng Kiều Loan ngày nào trong vở Người Điên. Bà Tuyết Khanh đọc lại những bài thơ mà thi sỹ tặng bà năm 1945 và thưởng thức giọng ngâm của cô con gái Hoàng Cầm:
Anh đã về đây gặp lại mình
Cõi đời thiên hạ giấc u minh
Níu tay cười xuống hoàng hôn cũ
Vớt mắt em về bến hoá sinh…
Cô ngâm tiếp:
…Khanh ơi!
Thể xác hiu hiu bụi
Nắng dãi hoe vàng
Em ở đâu?
Khi Hoàng Cầm làm thầy giáo ở Bắc Giang còn có những câu thơ tình tặng bà khi hai người phải chia tay trong kháng chiến mà hoạ sỹ Tạ Tỵ sưu tầm đăng trên tờ nguyệt san Virgina:
Nếu anh còn trẻ như năm trước
Quyết đón anh về sống với em
Những buổi chiếu vàng phơ phất lại
Anh đàn em hát níu xuân xanh
(Đi tìm người con gái trong vở kịch thơ của H. Cầm – Ngữ Yên)

Chữ Việt cổ 
Qua các hiện vật khảo cổ được phát hiện ở nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam, giáo sư Lê Trọng Khánh đã phát hiện:
“Hệ thống chữ viết ấy xác định quá trình ra đời có nguồn gốc sâu xa từ những yếu tố tiền văn tự. Với thời gian dài tiến triển thành hệ thống chữ viết hình vẽ phát triển cao, được khắc trên đá ở Sa Pa, vào giai đoạn văn hóa đồng thau Gò Mun. Trên cơ sở đó chuyển lên loại hình chữ viết cao hơn. Và cũng chính ngay bản thân hệ thống chữ viết cao đó, cũng có cứ liệu vững chắc để thấy sự đi lên của nó, từ thấp đến giai đoạn hoàn chỉnh của chữ viết với nguồn gốc riêng”. Theo giáo sư: “Sự phát hiện chữ viết góp phần hiểu sâu hơn văn hóa, văn minh thời đó, tất nhiên không giống các nền văn minh cổ khác đã ra đời ở các dòng sông lớn trên thế giới như sông Nil, Lưỡng Hà và Ấn Hà”
Bản đá thứ nhất, hình khắc dài 3,36m, cao 2,73m, chữ viết hình vẽ Sa Pa đã vượt qua giai đoạn vẽ hiện thực nguyên thủy và đã tiến tới chữ biểu ý đầu tiên. Vì vậy có thể coi là là thuộc loại hình chữ viết hình vẽ biểu ý (pictogramme)
Bản thứ hai, bản khắc dài 4,35m, cao 3,54m có hình mái nhà cong là một tuyến phát triển từ thấp đến cao. Như vậy cũng rõ ràng có một xu hướng phát triển chữ viết, hình vẽ tiến lên giai đoạn cao hơn.
(Trần Vân Hạc – Chữ Việt cổ)

Tiếng lóng mới ở trong nước
- Phơ : là "phê".
- Bà cố: có nghĩa là nhiều, quá.
Ví dụ như: con nhỏ đó đẹp bà cố luôn.
- Củ chuối: (tiếng Bắc) có nghĩa là "đểu”.
Ví dụ: thằng đó củ chuối chết mẹ!

“Hư từ” với… “mới”
"Hư từ", theo Hồ Ngọc Đức là những: "Từ không tiêu biểu cho sự vật, hành động hoặc không có đối tượng và chỉ biểu thị những mối quan hệ giữa các thực từ trong câu."
Chẳng hạn như từ "mới", khi nói đến từ "mới", người Việt chúng ta đều nghĩ "mới là hình dung từ, trái nghĩa với “cũ". Đúng thôi. Ấy mà, khi mẹ nhắn nhủ con gái: "Con ạ, cái thằng X tuy xấu trai học dốt, nhưng là con nhà danh giá, giàu tiền lắm của. Con lấy được nó, tình nghĩa mới bền, mới thật sự là duyên tiền định, con ạ!", thì "mới" lại mang nghĩa "có như vậy".
Không như, trong:
"Khôn ngoan đến cửa quan mới biết.
Giàu có ba mươi Tết mới hay",
"mới" hàm ý "sẽ rõ, sẽ vỡ lẽ".
Ngoài ra, "mới" cũng còn có nghĩa "thoạt, thoáng, vừa".
Thí dụ như hai câu ca dao tân thời sau đây:
"Nàng thủ thỉ, tháng này em chưa có.
Chàng mới nghe, muốn cuốn vó chạy cho rồi."
(Ngô Nguyên Dũng - “Ảo từ” hay “biến từ” trong tiếng Việt?)

Lật bật
Lật bật : chẳng mấy chốc
(lật bật đã thấy hết ngày)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Những sai lầm tai hại trong hai quyển Từ điển từ và ngữ Việt Nam và Từ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.
Cường điệu 疆調 Cường điệu nghĩa là nhấn mạnh quá mức để được chú ý đến. Soạn giả đã định nghĩa đúng. Nhưng chữ “điệu” ở đây lại được giải thích là “chuyển qua chỗ khác”, như thể là “điều động”, hẳn là không đúng. Tuy, chữ “điệu” 調 còn có âm là “điều” và cũng có nghĩa là chuyển qua chỗ khác, nhưng nó còn có nghĩa là sắc thái của giọng nói và của cử chỉ, như trong các từ âm điệu, thanh điệu, ngữ điệu, nhạc điệu, hay như ta thường nói, điệu múa, điệu hát, v.v. Ðó chính là nghĩa của từ tốđiệu trong từcường điệu, và nên hiểu là “phong cách diễn đạt”. Phải cắt nghĩa như thế thì mới thoả đáng.
(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
(…trích lục lại)
Nhà tôi: Không phải là cái nhà để tôi ở mà là người bạn đời của mình hay theo tiếng Mỹ mình là… ”một nửa kia”.
(Nguồn: từ sổ tay của một người Mỹ học tiếng Việt)

“Từ điển” của một người Bắc vào Nam sau 75
(Chữ nghĩa làng văn giữ nguyên chữ và câu cú, không…”nát bàn” với lời bàn Mao Tôn Cương)
Bề hội đồng = hiếp dâm tập thể
Biết đâu nà, biết đâu nè = biết đâu đấy
Biết sao hôn!
(Nhớ đâu viết đấy… - Nguyễn Văn Trường)

Dịch thuật
Gần đây có nhiều nhà phê bình văn học cho là Nguyễn Huy Tự, đã dịch nôm Hoa tiên truyện nguyên bản Hoa tiên ký tiếng Hán của Trung Hoa. Và cũng có rất nhiều học giả thất vọng với bản dịch Truyện Kiều-Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du. Hiểu theo nghĩa là Nguyễn Du kém sáng tạo về “truyện dài” và chỉ giỏi “chuyển hóa” truyện dài Trung Hoa qua Việt ngữ. Nghĩa là, chỉ giỏi về nghệ thuật ngôn từ.
Gần đây, một học giả ta sang tận Trung Hoa tìm tài liệu và làm thống kê so sánh Kim Vân Kiều truyện với Đoạn trường tân thanh để chứng minh Nguyễn Du đã lược bỏ 2/3 truyện của Thanh Tâm tài nhân (giữ 142/214 trang) và 1941 câu còn lại của Đoạn trường tân thanh là do công của Nguyễn Du viết ra.
Học giả ta kết luận: Truyện Kiều không phải là tác phẩm dịch.
Để bổ sung, thêm một tác giả lập luận: “Dịch và viết bao giờ cũng là hai chuyện khác nhau. Bản dịch bao giờ cũng là tác phẩm (thứ hai) và dịch giả (giỏi) vẫn là đồng tác giả: Nghĩa là vẫn là một người sáng tạo”.
(Trần Quốc Vượng – Văn hóa Việt Nam)

Đã tới ngày tàn của sách
Cứ tưởng tượng một ngày nào đó: Một ngày nào đấy, trên đường phố không còn, hoặc nếu còn, còn một cách vô cùng họa hoằn, các hiệu sách. Và ngay trong nhà cũng không còn những phòng sách hoặc kệ sách nữa! Buồn không?
Chắc chắn là buồn. Và hoàn toàn bất lực!
(Nguyễn Hưng Quốc – Chuyện sách)

Triết lý củ khoai
Tôi (Tràm Cà Mau) cứ yên chí là hạnh phúc không có thật trên đời nầy, và không tội gì uổng công tìm kiếm. Dù sách vở, thơ văn, có nói nhiều đến hạnh phúc, tôi e rằng đó là chuyện mơ mộng hão huyền, chuyện bánh vẽ của những người chuyên làm thơ văn. Nhưng khi lớn lên, được đọc kinh Phật, kinh Thánh, và nhiều sách triết lý Âu Á như Khổng, Lảo, Chu... và luôn cả kinh Koran và kinh đạo Bahai nửa, thì tôi tìm cho tôi được một triết lý đơn sơ, mộc mạc, là cái món hổ lốn vắt ra từ tinh túy của các triết lý khác.
Tôi tạm gọi là “Triết lý củ khoai”. Vì nó đơn sơ như củ khoai, rẻ tiền, mộc mạc, và dễ tìm thấy như củ khoai trong đời nầy. Triết lý đó được đơm gọn lại trong một câu ngắn ngủi :
“Nếu chỉ có một củ khoai thôi, thì hãy nướng nó cho thật thơm mà đớp”. Ý nghĩa của câu đó cũ mèm, hình như ai cũng biết, và có nhiều câu nói tương tự . Cái triết lý đơn giản nầy giúp tôi thấy được rằng, hạnh phúc là cái rất cụ thể, rất gần gủi, bất cứ ai, và bất cứ lúc nào, cũng có thể tìm dược hạnh phúc rất dễ dàng. Ai cho rằng hạnh phúc là cái xa vời, thì vì họ chưa nắm hết phần tinh túy của các triết lý khác, hoặc chưa từng nghe một phần của triết lý củ khoai. Nhiều sách vở khác cũng có nói đến, nhưng người đọc vô tình hoặc cố ý làm ngơ, hoặc biết rất rõ nhưng chẳng bao giờ thực hành.
(nguồn Tràm Cà Mau)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Em yêu anh suốt đời...
Nàng gục đầu vào vai tôi và khóc: “Em yêu anh suốt đời”. Tháng sau, nghe tin nàng lấy chồng, tôi muốn khóc lên vài tiếng cho mùi nhưng đành phải cười giả lả vì lúc ấy người vợ mới cưới của tôi đang ngồi bên cạnh và thì thầm bên tai tôi: “Em yêu anh suốt đời”.

Vũ phu đôi (1)  Đá cuội trắng (2)
Đường ngang cũ bỏ lâu xuống cấp
Đá Cuội xưa núi lấp đường đi...
Làng bên phụ nữ lắm khi
Xoắn quần tới háng lầm lì bước qua...
Ông Cuội thấy cười xòa khóai chí,
Mầy giấu chi:" trắng hếu trong quần" (2)
Quý bà xanh mặt vái khan
"Vô tình sơ sẩy, mong Thần bỏ qua!"
Cuội cười phán: "lòng Ta... chớ lọ (3)
Chỉ giận Mầy, thằng nhỏ cứng ngay ,
Mầy về bảo cả làng mầy,
Sắp hàng lấy giống "ông Thầy" ...nghe chưa!
Giờ đây, làng nước... cú lừa!
Cháu con mầy cuội? Cuội "ừa!", hơn Qua!,

(1) "Vũ phu" thứ đá giống như ngọc. Đôi là đống, Vũ phu đôi là các từ Hán xa lạ. Đừng lầm từ đồng âm Vũ phu, người chồng (đàn ông ) hay hành hạ vợ con.
Cụ Nguyễn Khuyến chơi chữ: Mình cầm viên "đá Vũ phu" tưởng là ngọc mà đâu phải ngọc, nghe lời Cuội nói tưởng là lời nói thât mà có bao giờ đúng sự thật đâu. Trong tiếng Việt ta viết dưới dạng chữ quốc ngữ thì vũ phu là người đàn ông hung bạo với vợ của mình. Quả thật cuội không đánh vợ nhưng cuội ta cấy giống cuội cho người phụ nữ mà y chung đụng còn tàn nhẫn hơn triệu lần là Cuội ta hành hạ vợ . Một nỗi đau ám ảnh đến cuối đời người đàn bà khiến họ không thể yên tâm nhắm mắt; nhìn giòng giống này do chính mình sinh ra nay đang bị thoái hóa mà mình là kẻ vô tình tiếp tay. Mình đã bị lừa? Cuội con là con của mình, bọn chúng đều do mình đẻ ra cả. Biết nó là Cuội, hại giống hại nòi vậy mà họ không nỡ nhẫn tâm bóp mũi nó ngay từ khi bọn nó lọt lòng. Đau quá, và tội nghiệp cho giống nòi này quá! Với người đàn bà, tụi nó là con mình. Với người Việt, bọn cuội đang là đồng bào của mình. Đau quá! và Nan giải quá!

(2)  Mầy dấu chi: "trắng hếu trong quần"
dịch từ câu thơ nguyên tác là
Nhĩ hữu hà vật như thử
Tạm dịch : Mầy có cái gì mà trắng nõn như thế!

(3)  Lọ là: không cần phải ...
Mộc mạc ưa nhìn lọ điểm trang (Nhị độ mai)
Dẫu rằng đá cũng nát gan lọ người (Kiều)
(Nguồn: Lại Quảng Nam)

(còn tiếp)

 

Đăng ngày 19 tháng 10.2017