Tác giả & Tác phẩm

01 tháng 04.2016

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Dẫn nhập: Với cái nhìn chủ quan của người biên soạn, tuyển tập 300 tác giả và tác phẩm đơn thuần chỉ là công việc góp nhặt sỏi đá những tác phẩm tiêu biểu một thời của những tác giả tiền chiến, hậu chiến, trước hay sau 75 của hai miền Nam Bắc, trong nước cũng như ngoài nước, già hoặc trẻ, cũ hoặc mới. Tác giả và tác phẩm được góp mặt mỗi tuần theo thứ tự họ hoặc tên qua mẫu tự A, B, C… Xin thành thực cám ơn những tác giả có mặt trong tuyển tập nhưng vì trở ngại thông tin, chúng tôi đã không thể xin phép quý vị trước khi đăng tải.
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


Nguyễn Văn Lục (II)

Tiểu sử:
Hiện định cư tại Montréal, Canada

nguyen van luc

Tác phẩm:
Văn học miền Nam những năm 1964/1975

Mục lục:
Dì Xinh

Một góc văn học bị bỏ quên: hai nhân vật Lý Toét và Xã Xệ
Văn học miền Nam những năm 1964/1975
Diện mạo văn hóa, văn học miền Nam
20 năm triết học Tây phương ở miền Nam Việt Nam 1955/1975

Phụ đính:
Hiện trạng lão hóa nơi các nhà văn Hải ngoại
Thư gởi ông Nguyễn Văn Lục, tác giả bài viết Hiện trạng lão hóa
Nhật ký của im lặng
Trường hợp Hoàng Phủ Ngọc Tường
Hiện trạng văn học miền Nam sau 1975 ở miền Nam và ở hải ngoại

_______________

Dì Xinh

Thời bấy giờ, tôi khoảng chừng 14 tuổi. Nhưng ở nhà quê nên tôi vẫn có thói quen tắm truồng, nhất là lúc trời mưa... Mẹ tôi mỗi lần nhìn thấy tôi thường rêu rao: trông nó kìa, tổng ngổng tồng ngồng, lớn phổng phao như thanh niên rồi đấy. Rồi bà cười khanh khách. Chị tôi chêm vào: mẹ đừng khen hão, chừng tý tuổi nữa, khối cô chanh cốm ngấp nghé đấy. Mỗi lần nghe như thế, tôi đã bắt đầu biết ngượng.
Thật ra chị và mẹ tôi chẳng phải chỉ hãnh diện về cái thân xác tổng ngổng, tồng ngồng mà thôi đâu. Từ cái thân xác ấy, họ còn ngưỡng vọng về một đứa con trai sau này học thành tài, đem lại tiếng thơm cho gia đình. Con đường mà hai anh lớn của tôi đã đạt được. Trong cả làng, Ngoài Tú Thịnh, anh cả tôi đã đậu tú tài và đang chuẩn bị đi du học bên Pháp. Anh thứ hai đang học ở bậc thành trung. Còn tôi, từ năm chưa được 10 tuổi đã được gửi lên tỉnh học.
Hè năm nay, không khí gia đình tôi có vẻ khác thường, không giống như mọi khi. Tôi thấy các chị và mẹ tôi đang chuẩn bị sắm sửa, may quần áo mới cho tôi. Ai cũng có vẻ chiều tôi một cách khác thường. Tôi có nghịch ngợm, phá phách, thầy mẹ tôi cũng bỏ lơ đi. Các chị chăm bón, gắp đủ thứ vào bát cơm của tôi. Chị giáp tôi lấy hai tay ôm cái đầu tôi nói như rên rỉ: chị nhớ em, chị thương em. Cha xứ cũng ra vào nhà tôi khác thường, thầm thì to nhỏ. Tôi biết nhưng cũng chẳng hỏi. Tôi chỉ linh cảm là đời sống của tôi sẽ có những thay đổi lớn trong nay mai. Tôi chờ đợi. Chỉ mãi đến tối hôm trước khi lên Hà Nội. Thầy tôi gọi vào buồng bên cạnh khay đèn thuốc phiện nói vài lời: Mai con đi Hà nội với thầy lên Hà nội học. Thầy tôi chỉ nói có thế. Tôi chỉ ậm ừ. Thế là đời tôi đã được định xong.
Sáng hôm sau, lễ xong, tôi và thầy tôi ngồi xe tay kéo lên Phủ Lý, cách đó chừng 7 kilômét. Rồi từ Phủ Lý lấy xe hàng lên Hà nội.
Xe hàng thời bấy giờ còn chạy bằng hơi nước nên mỗi xe ở đằng sau có một nồi súp to lớn đun bằng than đá. Chẳng may nếu có trời mưa to, than trong nồi tắt ngúm, thế là xe không chạy phải chờ.
Lên đến Hà nội, hai bố con ngủ lại một đêm tại nhà ông Nghị Năm. Hôm sau thuê xe lên Bắc Ninh. Địa phận Bắc Ninh là nơi tôi sẽ nhập học để đi tu làm các chú. Nhưng khốn thay, trước đó 5 hôm, máy bay Mỹ đã đến bỏ hai quả bom làm sụp tòa nhà 3 tầng của nhà xứ. Nó rơi đúng vào nhà chủng viện. Chủng viện phải giải tán. Người ta kháo nhau rằng, bom nổ như thế, căn nhà 3 tầng sụp đổ với bao nhiêu người chết, vậy mà pho tượng thánh giá ngoài sân vẫn không hề hấn gì. Nhiều người xì xầm: ”Chúa làm phép lạ đấy”. Phần tôi, chỉ thất vọng tự nhiên mà không có chỗ học. Tôi và thầy tôi bắt buộc phải ghé về làng Bâm Thanh Giả để cùng đi với mấy chú khác cũng đang tập trung ở đấy. Họ chuyển tất cả chúng tôi lên mạn ngược. Tôi theo thầy tôi chẳng còn biết mình đi đến đâu nữa, buồn vui lẫn lộn. Đến làng Bâm thanh Giả ngủ trọ qua đêm để chờ sáng đi tiếp.
Sáng sớm ngày hôm sau, đã đến lúc bố con phải chia tay nhau ở đây. Thầy tôi về lại làng. Còn tôi tiếp tục đi nữa... Cuộc chia tay trong im lặng. Chả ai nói câu nào. Thói quen của thầy tôi vẫn thường ít nói với con cái. Mãi đến lúc tôi cùng với mấy các chú khác lên xe, thầy tôi nói với được một câu:
Thôi con đi đường bằng an. Nhớ viết thư về cho thầy mẹ.
Bọn tôi gồm mấy người trẻ với một thầy già ra ga Xép, rồi từ ga Xép lấy Ô tô ray đi Lạng Sơn. Ông thầy già ít lời. Bọn trẻ cùng đi cũng im lặng, chỉ liếc mắt nhìn nhau. Cho đến lúc đến Lạng Sơn mà chưa ai nói với ai một lời nào. Nhưng tự thâm tâm, cả bọn đều nghĩ từ nay cùng chung một con đường và cùng chung một số phận. Đến Lạng Sơn, lại phải lấy xe kéo tới Mỹ Sơn. Đoạn đường từ Lạng Sơn đến Mỹ Sơn có ba cây số, nhưng đầy cam go và nguy hiểm, vì đường đi vắng vẻ ít ai qua lại. Hai bên đều là rừng, cây cối rậm rạp. Đầy đe dọa. Lại còn phải đi qua Bãi Trận. Ở đọan đường này, ngoài cái sợ cọp vồ, lại sợ bọn cướp thường ẩn nấp thừa dịp bắt cóc thanh niên đưa sang biên giới bán sang Trung Quốc. Cọp từ sau đám lau sậy hay cỏ tranh, nấp sẵn đâu đó, chỉ nhẩy xổ là tha đi một mạng người. Rồi mất tăm, mất dạng. Vốn lì lợm,nhưng lúc này tôi cũng lẩm nhẩm đọc kinh. Nhìn mấy chú khác, anh nào anh nấy đều run như cầy sấy. May quá, mọi người đến nơi bình an. Tạ ơn Chúa. Ông thầy già đã thốt lên như thế khi đến nơi.. và đây là câu nói đầu tiên trong ngày trong suốt đọan đường ba cây số này...
Chúng tôi ở tạm nhà xứ Mỹ Sơn được mấy bữa. Chưa biết phải làm gì. Lại có lệnh cha xứ bắt đi xa nữa. Cho mãi đến sau này, bọn tôi vẫn không hiểu lý do tại sao không được ở Mỹ Sơn mà quyết định gửi tạm bọn tôi lên Quảng Uyên, cách Cao Bằng ba mươi hai cây số.
Bọn tôi ngồi xe khách đi lên hướng Quảng Uyên. Xe chật ních người ì à, ì ạch phun khói bò lên những con dốc ngược lượn quanh. Xe cứ thế đi qua hết động Tam Thanh, rồi Kỳ Lừa, đến Đa Sầm, rồi dừng lại ở Đông Khê như thể cho xe nghỉ mệt, sau đó độ một tiếng đồng hồ thì đi Thất Khê. Càng đi lên, phong cảnh càng thêm hoang vu. Dân cư thưa thớt dần. Có những đoạn đường hằng vài cây số không thấy một bóng người. Đôi khi xa xa, phía triền núi thấy bóng dáng những người dân sơn cước đi một hàng dài lượn quanh ven triền núi. Bóng họ in lên triền núi như một cái đuôi dài.
Tôi cảm thấy thèm bóng người qua lại. Cái thiếu duy nhất ở rừng núi là thiếu bóng dáng người, cộng thêm thiếu tiếng động quen thuộc. Đường đi nay mỗi lúc một quanh co, leo núi lên dốc, xuống lủng. Mây bay là là trước mặt. Có lúc mọi người có cảm giác vừa đi qua khỏi một làn mây mỏng như sương khói. Đến Thất Khê cả bọn nghỉ lại chờ xe khác. Tôi và mấy người bạn lại vào trọ ở nhà xứ Thất Khê chờ xe khách. Mỗi tuần chỉ có vài chuyến xe từ Thất Khê đi Quảng Uyên. Buổi chiều hôm đó, mấy anh em rủ nhau ra tắm ở con sông Kỳ Cùng. Đã mấy ngày không tắm nên dơ dáy, ai cũng vui thích rửa dáy và nay mới nghe thấy tiếng cười đùa. Nhưng khi về lại nhà xứ thì được tin Cha Đệ, cha xứ ở đây đã bị Việt Minh bắt dẫn đi thủ tiêu ở núi Bò Mã. Nghe tin cả bọn rụng rời vì sợ hãi chẳng biết số phận mình ra sao ? Mấy người bàn tính muốn bỏ về. Buổi tối chỉ biết ngồi ôm nhau khóc.
Từ Thất Khê lên Cao Bằng còn bảy mươi cây số. Lại đi xe khách. Trong xe, phần lớn hành khách đều mặc quần áo mầu chàm, có người lưng đeo thêm gù ở đằng sau. Trời đã lành lạnh. Cái lạnh của vùng cao biên giới. Trong xe, chẳng ai nói với ai một tiếng nào, cả đám người dân vùng cao cũng giữ im lặng như thế. Họ câm lặng như núi rừng. Họ bí ẩn như những rừng cây âm u. Từ Cao Bằng đến Quảng Uyên còn 30 cây số. Xe phải mất hai tiếng đồng hồ mới leo nổi con đèo Mã Phục hay còn gọi là đèo ngựa quỵ.
Quảng Uyên là một vùng lòng chảo chung quanh dựa vào những dãy núi đá cao bao bọc dựng đứng như những bước trường thành. Con người bị vây bọc tứ phía, thu nhỏ lại. Mặt trời mọc trễ, lặn sớm. Mãi chín giờ sáng mới nhìn thấy mặt trời hiện lên đằng sau các dãy núi, nhưng đến khoảng bốn giờ thì đã lặn mất tiêu rồi. Ngày thì ngắn, đêm thì dài. Không khí ở đây đã lạnh lạnh mặc dầu là mùa hè. Châu Quảng Uyên chỉ còn cách biên giới Trung Quốc khoảng hai mươi lăm cây số. Tại đây cũng có đồn Tây là Phủ Trùng Khánh. Ở đó có Quan Châu Việt Nam và lính khố xanh giữ đồn.
Đến nơi thì bọn tôi được cha Báu, một cố Tây râu xồm và chú Klâu, người Mương Khao là Mán Trắng ra đón tiếp. Thoạt nhìn thấy cố Tây cao lớn dềnh dàng trong chiếc áo thâm trùng cụt lửng mà gấu áo chừng như muốn bò lên đến tận đầu gối để lộ hai ống quần tây kaki. Trông đến buồn cười mà không dám cười. Chiếc áo của ông bạc mầu đến muốn rách. Sống đạm bạc đến dơ bẩn. Hình như ông đã quen với lối ăn mặc đó rồi. Hàm râu dài đến ngực, đầu lốm bạc, phất phơ mái tóc phong sương. Cố có hai con mắt to, xanh trong, tròn như hai hòn bi ve lộ ra dáng uy nghiêm, nhưng chất phác. Bằng vào vóc dáng bề ngoài như thế làm bọn tôi tin tưởng và có cảm tình, dù vẫn còn e dè sợ hãi. Thử thách đã đến.
Thời bấy giờ, người ta quan niệm tu là phải chịu khổ, phải vâng lời. Càng chịu nhiều khổ sở như ăn uống thanh đạm túng thiếu cộng với cái lạnh của núi rừng thì việc tu trì càng có cơ tốt đẹp. Đi tu mà sướng thì còn tu nỗi gì, ở ngoài đời cho xong.
Tiếng là lên để đi học, nhưng học được một hai tuần, sau đó cố Tây không dậy học nữa. Chắc cố quên béng lời hứa với cha Lãng rồi. Chúng tôi phải trông mấy chục bò sữa cộng thêm một con bò đực giống, cả hơn trăm gà đẻ, mấy chục gà Nhật, hằng trăm gà trắng lê gốp, loại gà đẻ hai trứng một ngày rồi một đàn ngỗng, một đàn mấy chục con dê để lấy sữa cho hai cha. Một ngày từ bốn giờ rưỡi sáng tới tối nào cắt cỏ, cắt lá cho bò sữa, rải muối cho dê và bò liếm để ngừa bệnh. Sau đó đã hết đâu, còn vắt sữa, gom trứng để bán cho đồn tây, lượm xương bò đốt rồi tán hoà vào cháo cho gà lê gốp ăn để đẻ nhiều trứng, sau chót là chăn đàn bò đi ăn cỏ.
Vài chú mà chừng đó công việc như của một đồn điền nhỏ nên vất vả vô cùng. Làm việc tối tăm mặt mũi còn bị cha Báu mắng chửi. Vừa vất vả, vừa nhục, vừa đói. Tôi cũng không biết than thở với ai. Vì mọi người đều khổ sở, đều cùng hoàn cảnh. Tối về vừa mệt, vừa đói lăn ra ngủ để mai dạy sớm đi làm. Tình cảnh này không phải là đi tu, mà là đi đầy. Đôi lúc, tôi chẳng còn có thì giờ nghĩ đến gia đình nữa. Nhiều đêm, tôi lén lút khóc thầm. Tối và mấy anh em chùm chăn ôm nhau khóc nhớ nhà, nhớ đời sống dưới miền xuôi.

Nhà xứ có gần hai mươi dì phước số phận cũng chẳng hơn gì. Chúng tôi hằng ngày, chỉ biết có dì Xinh nấu bếp. Dì người dân tộc Mán, tuổi áng chừng 17 được gửi đi học làm bếp Tây hai ba tháng ở Cao Bằng. Vì thế, dì đuợc sang nhà xứ nấu bếp hầu hai cố. Từ sáng sớm đến tối mịt, dì lo hầu ba bữa cơm cho các cố, rồi cơm cho các chú và cơm nước cho các dì trong nhà dòng. Chẳng mấy lúc thấy dì rảnh tay, cứ hết việc nọ lại đến việc kia. Phần các dì khác có phần vất vả nặng nhọc hơn. Các dì phải làm ruộng, làm rãy, nuôi heo, gà, trồng mía, khoai lang, trồng rau. Làm quần quật mà không được hưởng. Tiền bán trứng, rau trái đều nộp cho cha xứ. Mỗi năm các dì lấy ra một số tiền nhỏ để mua cá khô, mắm muối dành ăn cả năm...
Trước khi ăn, phần cơm các chú phải đợi cố đến kiểm soát bằng cách khoắng lên xem dì Xinh có bỏ thêm đồ ăn gì không rồi mới dơ tay làm phép. Nhìn cố vén tay áo lên đến tận khủy, hai bàn tay với những ngón như chuối lùn mũm mĩm thịt với một lớp lông tơ vàng rậm rạp cầm cái môi khuấy một cách cẩn trọng, nghi ngờ dơ cái môi lên xoi. Có vẻ chưa tin hẳn vào mắt mình. Khoắng lần nữa mới thôi. Chậu canh lõng bõng nước trong lơ như có thể soi thấy mặt cố khi ông cúi xuống. Cố dơ tay làm phép như Chúa thời xưa biến nước thành rượu. Chỉ khác là nay nước hoàn nước. Nhưng đói khổ thòm thèm nên chú nào cũng mắc bệnh ăn vụng. Ăn vụng từ củ khoai đến xương gà rô ti do dì Xinh dúi cho. Đói quá nên gặp gì ăn nấy, cái gì có thể ăn cắp được thì ăn cắp chẳng còn biết sợ cha, sợ tội là gì nữa. Trong bốn chú, hầu như người nào cũng bị phù thũng, mặt xanh bủng, hơi thở nặng nhọc, hai mắt nhấp nhánh liên hồi như có châm kim, lửa đốt.
Dì Xinh đặc biệt thương tôi nên thường dúi vào tay tôi khi miếng thịt gà, hoặc bò, khi nắm xôi. Gặp tôi là Dì Xinh nhoét ra cười, nghẻo cái đầu một cái rồi mới đi. Những khi rỗi rảnh, dì đòi xem bàn tay tôi vì thấy mịn trắng và đẹp. Dì ngây thơ kêu” Gì mà trắng ngần”. Rồi lại cười. Dì thích hát bài Mà u sơ kưa, U sưa ku la. Giọng trong và lơ lớ, ngứt đọan nửa chừng. Những lúc đó, tôi thấy dì thật sung sướng. Đến bữa ăn, các chú hì hụp húp lấy húp để. Cháo nóng, chộn với mồ hôi hay nước mắt hay cả hai vô tình rơi xuống bát cháo để rồi vô tình cũng nuốt chửng vào bụng. Bao nhiều ưu phiền, tủi nhục, cố nuốt cho qua trong sự im lặng cùng cực. Nói cho cùng các chú chả có tội gì, người có tội là cố. Tội của cố là vì để có kẻ no nguời đói. Mà cố cũng chẳng có tội, vì cố nghĩ rằng đói no là thân phận chúng tôi rồi. Được thế đã là may. Có thể, trong bụng cố nghĩ rằng, cố đã đầy lòng tử tế và thương người
Các dì phước có trồng một vườn rau, nhưng trồng mà không được ăn. Thật ra thì có đủ thứ cả gà vịt, thịt heo, thịt bò, sữa bò. Chỉ có tội là không được ăn. Dư thừa mà vẫn đói. Các chú buộc lòng phải lội bộ vào chân núi hái rau tầu bay về luộc chấm muối ăn.
Có lần, tôi lân la nói chuyện với dì Xinh hỏi dì có buồn không:
Dì chỉ cười. Nụ cười đến đôn hậu. Thì cũng buồn chứ. Dì thêm, nhưng đã chót dâng mình cho Chúa rồi. Rồi dì hỏi ngược lại: Thế còn chú thì sao? Tôi trả lời. Sao trên giời. Dì ạ, của đáng tội em buồn chẳng còn thiết gì sất. Chỉ mong về xuôi thôi. Càng sớm càng tốt. Dì như đánh rơi giọt nước mắt nói nhỏ nhẹ: chú còn có cơ để về lại, còn tôi chả biết đến bao giờ? Có khi sống và chết ở đây. Tôi bạo dạn nắm lấy tay dì, dì để nguyên. Bàn tay mụ mẫm, nhưng chai sạn hơn tay tôi. Bàn tay của núi rừng từ nhỏ đã cầm dao, cầm dựa phát lá, phạt cây. Dì ngước nhìn tôi, đối mắt trong láy mà lòng chẳng nói. Tôi thầm nghĩ trong bụng: Dì Xinh nói đến là gở. Tại sao, trong bấy nhiêu người đi tu, từ các chú đến dì Xinh đều có tâm trạng buồn như vậy? Việc đi tu để làm gì, có ích gì, chỉ để chuốc vào mình nỗi buồn như đá đeo cả đời sao? Tự nhiên, trong đầu tôi đặt ra những dấu hỏi không có câu trả lời. Tôi cũng không muốn nghĩ tiếp nữa.
Cuộc đời trong nhà xứ có lẽ chỉ có ngày chúa nhật là được thong thả. Vì đó là ngày của Chúa. Mọi người được nghỉ ngơi, trừ công việc phải chăm nuôi cho gia súc. Sau lễ sáng chúa nhật là các chú có quyền đi chơi quanh quéo tùy ý như đi câu, bắt cá hay vào rừng kiếm rau tầu bay về luộc ăn thêm vv. Vào lúc gần trưa, tôi đang ngồi trước vỉa hè thì thấy dì Xinh đi qua về hướng nhà thờ. Tôi tò mò lẽo đẽo theo sau. Dì vào nhà thờ quỳ gối đọc kinh một lát thì chèo lên gác chuông. Chắc là để hóng mát hay sao đó. Tôi cũng lóc cóc leo lên theo. Lên đến nơi thấy dì đang đứng ở phía cửa sổ nhìn xuống phía triền núi. Dõi mắt ra xa, dì nhìn không chớp mắt như mơ tưởng về cuộc sống nơi ấy. Tôi yên lặng đứng nhìn dì. Chập sau như có linh tính, dì giật mình quay lại thấy tôi đứng đằng sau dì từ hồi nào. Dì cười không nói. Tôi im lặng đến sau lưng nhẹ cầm tay dì. Dì để yên. Chúng tôi cùng quay ra nhìn xuống phía chân đồi. Cả một miền cỏ xanh rì trải ra trước mắt. Trên gác chuông im ắp không tiếng người. Cạnh nhà thờ như có ai hờ khóc. Tiếng chó tru ở một chỗ xa nữa chắc tận xóm trong. Hình như bên trong và bên ngoài gác chuông là hai thế giới khác nhau. Mùi tóc của dì. Như mùi cỏ dại, ngai ngái quện vào mũi tôi. Chúng tôi đứng sát gần như gang tấc. Tôi ngây dại. Đúng lúc đó có tiếng kẹt cửa và tiếng người bước chân lên gác chuông. Tự nhiên không ai bảo ai, tôi và dì đều hốt hoảng. Tôi nắm tay dì nấp vào một xó kẹt. Hoá ra là Bõ Tâm. Bõ lên kéo chuông nguyện 12 giờ.
Cả hai chúng tôi nay dõi mắt nhìn bõ Tâm như xem một tấn tuồng. Vô tình, dì đứng sát vào người tôi mà không hay. Thoạt đầu, bõ dợm người đu cái giây xuống, vừa ghìm đủ để quả chuông đánh một tiếng chuông. Một tiếng bỏ lửng. Sau đó, như lấy tấn, bõ ghì dây chuông để đừng có tiếng phản hồi. Bõ sửa sọan tiếng thứ hai. Cũng một cách thức như thế. Lại du dây chuông, lại ghìm, lại lấy tấn giữ quả chuông nằm im. Rồi tiếng thứ ba. Dứt tiếng ba. Bõ như nghỉ lấy sức và hếr sức bình sinh giật giây chuông thật mạnh. Quả chuông lắc như điên cuồng, va bên này phản hồi bên kia. Lúc này bõ như con nhái bén, chỉ cần giữ dây chuông cho chặt, đu đưa theo đà chuông, lúc bên này, lúc văng sang bên kia. Bõ như chấp nó. Người và chuông đọ sức. Trên gác chuông tiếng kính coong inh ỏi đến điếc tai, mà hưng phấn. Tôi và dì đưa mắt đảo qua đảo lại theo nhịp qua lại của bõ Tâm không chớp mắt.
Kéo một hồi như thế thấy đủ, bõ từ từ tuột xuống sàn gác. Chân dính sàn, bõ ghì dây chuông. Chuông tiếp tục lôi thếch bõ lên, bõ theo đà chuông nhún lên, nhưng cũng ráng ghì xuống. Vài lần như thế, chuông như kiệt sức không đụng đậy nữa. Người bõ vã mồ hôi sau cuộc đọ sức. Bõ trở lại là bõ, hiền lành đến yếu đuối trong tấm thân gầy guộc chỉ còn xương. Có lẽ ý nghĩa đời sống của bõ chỉ ở những lúc này, lúc đọ sức, lúc đu đưa vật vã. Hết đọ sức, bõ trở thành con người tầm thường. Bõ nghỉ một chút, chậm rãi, nặng nề, đầu cúi gặp như thể đã tiêu hao hết sức lực. Quẹt trán lau mồ hôi, bõ xuống thang gác chuông từ hồi nào.
Để cho bõ đi xa, tôi và dì Xinh dời tay nhau, lặng lẽ đi xuống.
Như thể chúng tôi từ một thế giới khác trở về. Như thể chúng tôi vừa phạm một tội không tên. Dì đi bên cạnh tôi mà không nói một lời. Phải chăng giữa hai người đã có gì đổi khác? Nói về bữa cơm của các dì thì có phần sang hơn của các chú một chút, vì các dì được ăn thêm món thịt bò bạc nhạc. Số là có một gia đình người Thổ mỗi tuần làm ba bốn con bò, họ lấy thịt xấy làm thịt bò khô gửi từng bao tải xuống Hà nội. Phần xương, họ cho các dì lấy về nạo ra được tý thịt, tý gân , phần còn lại xương xẩu tán ra làm đồ ăn cho gà. Nhưng cuối cùng so ra các chú, các dì còn thua bầy chó tây của cha, vì chó còn được ăn thịt bò.
Các cha là Tây nên ăn theo lối Tây. Sáng có bánh mì, sữa tươi, các loại mứt, hoa trái. Trưa tối thịt gà rô ti, thỏ heo, thịt bò phi lê tùy bữa. Thứ tư, thứ sáu các cha kiêng thịt chỉ ăn trứng hoặc cá. Chả có gì để trách các cố được. Bên nước họ, các cố có thể cũng ăn uống như vậy. Họ cũng chịu cảnh xa nhà, xa quê hương xứ sở của họ để lên tận miền Sơn Cước đèo heo hút gió này? Đối với họ, thế cũng là khổ lắm rồi. Nhưng bài kinh buổi sáng đọc ra rả nào là cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho khách đỗ nhờ? Tại sao đọc thì như vậy, sống thì như vậy? Tôi mất hẳn hướng đi chẳng còn tin ai nữa...Thấm thoát, tôi đã ở đây được hơn nửa năm trời. Nhiều lúc không khỏi ngạc nhiên. Núi rừng làm da dẻ tôi xạm lại. Công việc vất vả biến tôi thành một thanh niên cường tráng lúc nào không hay. Tôi hết là trẻ con. Chẳng những thế, trong tôi như có một sức lực hoang dã khác hẳn trước đây. Tôi không còn là tôi nữa.

Nhân dịp tết trên mạn ngược, cả bọn chúng tôi gồm 5 người, 4 chú với thầy Được đã được các cố cho xả trại xuống Chợ Châu Quảng Uyên xem họp chợ. Trong dịp này, cha Báu phát cho mỗi cậu năm đồng bạc, số tiền chỉ đủ ăn quà vặt. Đó là tiền công cả năm làm việc quần quật. Các chú nay được dịp ăn no đến lòi kèn ra. Ở chợ Châu, nay nghe có tiếng pháo nổ. Tiếng trống chim vỗ bập bùng vào hai đầu trống phá vỡ cái u tịch thinh lặng của núi rừng. Lều quán được dựng lên sơ sài với vài thân cây chỏng chơ, mái lá gồi nghiêng ngả. Rải rác đâu đây cũng có những quán hàng ăn, có chỗ bán nước, uống rượu. Gọi là quán cho sang, có khi chỉ có một cái chõng với mấy ghế đẩu kê thấp. Khung cảnh họp chợ, ăn uống, quần áo đủ mầu sắc là những ngày hội khó quên, sau đó trả lại cho núi rừng cái thầm lặng mỗi ngày của nó chờ đợi đến dịp khác. Dân miền Sơn cước đều đi chân đất. Mùa đông sơn cước, gió lạnh từ khe núi chung quanh thổi ra lạnh buốt tay chân. Vì vậy, mỗi người dân ra khỏi nhà đều xách theo một cái giỏ, trong có để một bát ăn lớn có đựng than hồng để thỉnh thoảng hong tay chân cho khỏi cóng. Họ sống cực khổ như thể số phận họ từ khi sinh ra đã như thế rồi. Hình như họ không biết buồn. Gương mặt họ phẳng lặng không buồn cũng không vui. Gió núi, sương mờ lạnh căm. Lòng người cũng lặng câm.
Ơ dưới chợ Châu Quảng Uyên, thôi thì đủ các sắc dân từ người Thượng, Mường Mán, Mèo, Lô Lô, Nùng , Nùng an, Mán sơn đầu, người Mông Đen, Mông Hoa, Đào Đỏ rủ nhau về họp chợ. Tuy họp chợ chung như thế, nhưng người Mông thì lấy người Mông, người Dao lấy người Dao. Họ không thích cung đ5ung với người Kinh. Không biết từ đâu qua các khe núi họ lũ lượt túa ra đi hàng một, lưng đeo gù, hoặc đội một cái rổ tre cao lênh khênh ở trên đầu. Nếu chim bay từng đàn để cản sức gió, người sơn cước đi hàng một để tựa nhau mà đi. Họ không rảo bước, vì đi mau sẽ kiệt sức giữa đường. Cứ thế, họ kéo về đây với đủ cách ăn mặc với đủ sắc mầu phân biệt các sắc dân. Đàn ông thì ăn mặc sơ sài. Các cô, các bà thì diêm dúa hơn. Các cô váy đến gót chân có thêu chỉ mầu sặc sỡ. Aùo thì chẽn bó lấy ngực, mầu trắng hoặc mầu đen, có thêu tua từ trên cổ xuống dưới thắt lưng bụng trông đến đẹp mắt. Họ ăn mặc có phần đẹp và sặc sỡ hơn gái Kinh nữa. Sự phân biệt sắc dân chỉ dựa vào quần áo. Như người Mông Đen thì mầu đen, người Dao mũ đỏ, người dáy mặc áo ngắn, Xã phó thì thêu hoa văn. Họ gù về đây đủ thứ thổ sản để trao đổi với sắc dân khác.
Và dù khác sắc tộc, họ đều nói chung tiếng nói Thổ Tầy. Người dân thiểu số mừng ngày Hội Rượu vào khoảng tháng hai một cách tưng bừng náo nhiệt. Cả năm mới có một ngày. Họ ăn uống ca hát cả ngày cho tới đêm khuya. Họ ăn thứ cơm lam, món cơm nếp đặc biệt của người miền núi. Gạo đã ngâm được nhồi vào trong những ống nứa non có mùi của cây nứa. Ngoài cơm Lam còn có Xôi Tổ kiến cũng đặc biệt lắm. Các ổ kiến làm tổ trên những tàng cây cao đẻ ra trứng như tổ ong. Họ lấy bùi nhùi hun cho kiến sợ bò đi nơi khác. Sau đó trèo lên cây gỡ những trứng kiến mầu trắng đem trộn với cơm rồi hấp lên. Xôi tổ kiến ăn vừa bùi, vừa thơm. Ngoài ra họ cũng ăn lợn quay ướp với lá cây mác mật. Người ta có thói quen gọi là lợn cắp nách (thứ lợn ăn cỏ ở rừng, màu da đen xịt, nhỏ thịt). Loại cây mác mật này chỉ thấy ở trên rừng của dân thiểu số. Dịp này, dì Xinh cũng được phép ra trại cùng mấy dì khác. Dì là nữ tu duy nhất thuộc sắc dân thiểu số. Chắc là Dì vui như mở cờ trong bụng chẳng khác gì chim về tổ. Chỉ tiếc là dì không còn bà con thân thuộc nữa. Tôi chỉ thấy lấp loáng bóng dì giữa những đám đông. Tôi nghĩ bụng trong dịp này thể nào dì cũng lén uống rượu. Và uống đủ loại trà như trà mã điển, trà cảo sơn, trà hạ thảo v.v... Tôi tự nhiên mỉm cười.
Gọi là họp chợ, nhưng cái chính vẫn là gặp gỡ để vui chơi và để uống rượu. Rượu là chất súc tác của ngày lễ hội. Họ uống hết vò rượu này đến vò rượu khác cho đến say mèm. Cả trai lẫn gái, đàn ông đàn bà đều thi nhau uống cho đến đêm. Trai gái được dịp gặp gỡ, tỏ tình. Họ hẹn nhau chỉ chờ đến dịp lễ hội để được gần gũi, để ôm hôn nhau và để ngồi lên đùi nhau...
Đối với người dân thiểu số, vấn đề trinh tiết được coi là nhẹ khác hẳn người kinh. Các cô được dịp chọn người nào thích hợp thì tự nhiên đưa nhau lên núi tìm chỗ vắng, chỗ lùm cây để làm tình. Nếu hai người hợp nhau thì họ tính đến chuyện cưới hỏi, nhược bằng không thì thôi. Người con trai, con gái lại tìm dịp khác để gặp gỡ quen biết. Vì thế, gái thiểu số thường đã ăn ở với người nọ, người kia trước khi chính thức cưới nhau. Ngay cả những trai gái đã có vợ có chồng rồi không ưng ý nhau cũng tìm dịp này để hẹn hò với người khác. Thế là có cảnh thay đổi vợ chồng xảy ra. Lại có màn ghen tuông. Đôi khi có đâm chém, đổ máu...
Cuộc sống người dân thiểu số vui buồn gói trọn trong những ngày lễ hội. Sau đó là những ngày tháng dài vất vả làm nương rãy, săn bắn. Ai cũng trải qua những ngày tháng hạnh phúc mà cả năm mới có một lần. Sau này, họ sẽ có dịp hồi tưởng lại những ngày tháng đã qua như một giấc mơ hạnh phúc chả bao giờ có thể quên được.
Đó là tất cả đời họ.

Đến buổi chiều, tôi định trở về nhà xứ. Tôi rảo một vòng dáo dác tìm dì Xinh. Dì đang ở giữa một đám trai tráng uốn éo nhảy múa theo nhịp trống. Cả một đám đông mà như thể là một. Như có một sức sống. Một linh hồn. Khung cảnh núi rừng hùng vĩ, tiếng bập bùng của trống chim, những hình hài múa nhảy uốn éo chập vào nhau dưới ánh lửa, những cô gái áo quần xô lệch, những bộ ngực thanh niên căng cứng. Phải chăng đó là thế giới của dì, thế giới của cội nguồn, của căn tính dì? Dì đã ở đó mà ra, đã lớn lên từ đó và sẽ mãi mãi là thế không rời. Chia cắt dì Xinh ra khỏi thế giới ấy, dì sẽ mỏi mòn, khô cạn.
Biết như thế, nhưng lòng tôi tự nhiên tức sôi lên như có lửa giận. Tôi xồng xộc xông vào đám đông tới chỗ dì Xinh. Chẳng nói chẳng rằng, mắt long sòng sọc, tôi giật mạnh cánh tay dì. Dì nhìn sửng tôi, trố mắt ngạc nhiên, ngơ ngác đến như không hiểu được.
Nhưng rồi đôi mắt dì dịu lại, ẩn nhẫn và khuất phục.
Tôi lôi bừa dì như lôi một con súc vật ra khỏi đám đông người. Dì thuận theo đà tay kéo mạnh của tôi ngã chúi xuống rồi gượng đứng dạy đi theo. Mặt dì tái nhợt, hoảng sợ. Tội dì, nhưng tôi mặc kệ. Tôi bước như chạy, kéo dì xềnh xệch theo sau. Nhiều lúc vướng vào bụi cỏ hay bụi gai làm dì ngã dúi, sướt cả tay chân. Kệ, tôi cứ lôi dì đi. Vừa đi tôi vừa lầu bầu mắng chửi điều gì không nhớ nữa. Dì im lặng không nói.
Cứ đi như thế mà chưa biết mình đi đâu. Ánh nắng chiều đã chiếu xiên khoai, chỉ còn một dải nhỏ le lói như sắp tắt. Sương mù đã xuống. Đã khá xa những tiếng trống bập bùng nghe như tiếng vỗ tay. Cái không gian của đám người ăn uống nhảy múa mỗi lúc mỗi lùi xa. Trời như tối sập xuống. Trên vai thấm sương lạnh. Tôi đã kéo lê dì đi như thế cho đến khi không còn nghe tiếng trống hay tiếng người nói nữa. Đã xa thật xa. Tôi kéo dì, ôm sát lại gần kiếm chỗ ngồi nghỉ mệt. Đến một gò đất không xa, tôi đẩy dì ngồi xuống như ném một bao rác. Dì ngồi bệt xuống thở dốc ra. Tay chống cằm. Chiếc khăn chùm đầu xô lệch xõa tóc. Chiếc áo chùng thâm của dì bê bết đất, nhiều chỗ đã rách. Trông dì như một con vật bị thương. Nghĩ mà thương. Rồi tự nhiên dì ngả đầu lên vai tôi như hết còn muốn chống đỡ. Tay tìm tay, rồi mắt môi miệng và cứ thế cuốn lốc, cuộn tròn.
Dì Xinh như chợt tỉnh cái giấc mơ gần 10 năm tu trì của khắc nghiệt và bạo liệt. Dì như vừa trút bỏ được một sức nặng trì kéo của những huấn lệnh ngàn cân đè dí lên dì từ bao lâu nay. Dì tìm lại được nguồn cơn của bản ngã núi rừng, của nguyên sơ cội nguồn. Cái cội nguồn trong như tiếng suối reo, ngọt như mật ong vừa gỡ trong bọc, đầm đậm như mùi bắp nướng hay mùi măng tre vùi trong bếp lửa. Nó tự nhiên, trong sáng tròn đầy, viên mãn mà chứa chan. Nơi dì, tiềm năng của tuổi dạy thì với những ham muốn lâu ngày tưởng đã bạo liệt cùng lúc trỗi dạy như tiếng réo gọi của tuổi đôi mươi. Dì sống lại cái tuổi dậy thì nguyên sơ và chân thật đã từng bị nén chặt bởi những khuôn vải trắng quấn chung quanh ngực. Dì tháo gỡ thật nhanh, vứt tung toé những khuôn vải như tháo những dây xiềng xích lòi tói. Hình như thể, đây mới là lúc Dì tìm được lại được mình.. Núi rừng như che chở, gió như vuốt ve vỗ về, không gian như bao bọc. Mầu đen của đêm tối như đồng lõa biến cái không gian nhỏ bé đó thành một thế giới thần tiên.
Dì ngụp lặn trong tôi, ấn sâu chan hòa như một cuộc hoá thân giải phóng mình.
Vào một lúc nào đó trong cái cõi người, dì rú nhẹ gọi: chú ơi, em thấy như có sóng đang cuồn trong bụng của em. Dì mê man, dại cuồng. Chập sau, nghe tiếng dì nức nở. Lòng tôi man man sung sướng, chen lẫn sợ hãi và hối hận. Tôi ôm dì vỗ về qua cơn thổn thức. Một mặt, tôi muốn trả dì về với núi rừng của dì. Nếu không, dì sẽ chết khô trồi như cây không có nước trong những lời kinh nguyện, bên cạnh những con người cứng khô sơ xuội như xác ướp, hay như băng đá thiếu tính người. Tôi là người đã đưa dì trở về trên một dòng sông lai láng, tuôn trào của hạnh phúc, lênh đênh tới bến bờ mê. Cơn mê hoang dại của kiếp người như tiếng réo gọi muôn thuở. Một mặt tôi sợ hãi. Tôi nằm đấy. Ngửa mặt nhìn lên cõi không trung bao la không mảnh vải. Dì Xinh bênh cạnh với quần áo đen nhà tu xô lệch nguyên thủy. Có gì cần phải che đậy nữa. Tôi như muốn kéo dài cái phút giây cảm giác đầu đời vừa đi qua. Chóng vách đến không kịp cảm nhận là điều gì thực sự đã xảy ra. Cũng chẳng biết gọi tên nó là gì. Chỉ có một điều rõ rệt là, thoáng qua một chút hoảng sợ, tôi cảm thấy một an vi, một nỗi bình an nội tại từ chốn thâm sâu của bản thể, từ cõi lòng đến thân xác.
Ngửa mặt lên nhìn trời, thấy trời đất bao la. Không gian như vút lên cao, trải dài ra như vô tận, cất nhẹ thân xác tôi lên, bồng bềnh trôi nổi đem so với hình hài bé nhỏ li ti xác thân người với cõi bao la vô tận. Nghe đâu đây, có tiếng người lao xao không rõ. Nghe xa xôi mà văng vẳng. Tiếng rú bâng quơ của một tên say rượu. Tiếng trống bập bùng như tiếng của loài ma quái..Thế giới như gần gũi là là mặt đất, đôi lúc lại bay bổng đến chóng mặt. Đôi lúc, tôi có cảm giác không thuộc về thế giới người nữa. Thế giới người với bon chen, ty tiện và phiền đa. Tôi đang ở một nơi nào vô định đến quên lối về. Gò đất chúng tôi vừa nằm như một ngọn núi cao sừng sửng, bụi cây gần đó tưởng như một rừng cây um. Tôi bất động, lãng đãng, thần trí lâng đâng trôi dạt nhấc tôi lên, dâng cao, đậu trên những đám sao trời, bồng bềnh theo những đám mây. Thế giới con người, thế giới của các dì như những bóng đen khốn khổ, thế giới của ông cố đạo với những bủn xủn ngặt nghèo như sụt dưới chân tôi. Lòng lâng lâng, thảnh thơi. Đời như một giấc mơ- huyễn hoặc và quyến rũ- xa dời tất cả. Quên tất cả, hình hài đến thể xác, đến tinh thần. Thời khắc như đọng lại không trôi nữa. Chẳng biết khoảng thời gian đã trôi qua bao lâu...
Mảnh trăng đổ xuống những vệt sáng loang loáng trên những phần thân thể dì Xinh trắng nhễ nhãi ma quái, trên những phần đùi trắng bạch còn để lại dấu vết của những giọt hạnh phúc đã bắt đầu khô cứng như lớp vẩy cá. Chiếc áo chùng thâm nay đã nham nhở như những vết tích tủi nhục cả một thời con gái. Tôi lấy mảnh vải áo chùng đắp lên phần đùi của dì và nói nhỏ: em ơi, hãy ngủ đi. Ngủ để quên cái quá khứ đọa đầy tuổi trẻ. Chúng tôi thiếp đi một giấc dài giữa cảnh trời đất bao la. Chả biết là bao lâu nữa như giữa cõi tiên và cõi tục. Mấy con kiến bò lên bụng dì Xinh cắn nhồn nhột làm dì tỉnh thức. Dì Xinh ngơ ngác tỉnh dậy, cúi xuống phủi lại quần áo, kéo lại những vết nhăn do chứng tích đêm qua còn để lại. Dì như tiếc nuối quãng giây vừa qua. Cảm nghiệm siêu hình như vừa chợt đến nay mất đi không còn nữa. Dì không dám ngẩng mặt lên nhìn thẳng vào tôi như mọi khi. Sự hốt hoảng thức dậy của thực tế trước mặt trở về. Dì cuống cuồng lo sợ. Chúng tôi lẳng lặng trở về nhà khi trời đã chạng vạng sáng.
Dì Xinh trở lại cái trạng thái đời thường, như thể vừa bị bắt gặp quả tang vừa đi ăn trộm.
Tôi thở dài chép miệng. Phải chăng câu truyện trở về cội nguồn của Dì Xinh chỉ là một giấc mơ? Tôi buồn nghĩ rằng: Bao giờ chúng ta ra khỏi chốn lưu đầy này? Dì hối hả rảo bước như thể muốn rút ngắn lại con đường từ cánh rừng về nhà xứ. Tôi để mình Dì Xinh đi trước và thong thả bước về nhà. Hình như, nùa xuân của chúng tôi vừa đi qua và mùa đông ngặt nghèo đã trở lại. Chẳng biết bị tra vấn làm sao, dì Xinh đã đổ vấy câu truyện vắng nhà suốt đêm qua lên đầu thầy Được. Tại sao dì đã không thú thật khai ra tôi? Tôi chẳng biết nữa. Câu chuyện Thầy Được, dì Xinh thành lớn, có một đồn mười. Thầy Được có muốn cãi cũng vô ích. Ai cũng tin chắc rằng truyện tồi bại đó do thầy Được quyến rũ dì Xinh mà ra. Thầy Được không duyên, không cớ trở thành con chiên gánh tội thiên hạ. Hồi chuông tắt lửa (Hồi chuông buổi tối báo hiệu mọi người trong làng đến giờ tắt đèn đi ngủ) cũng là hồi chuông báo nghiệp chấm dứt cuộc đời tu trì của thầy.
Cố Báu hay tin, không hỏi không rằng, đã quyết định gửi thầy Được về lại tỉnh Lạng Sơn cho Đức Cha Minh quản lý. Đức Cha bèn sai thầy đi coi họ Bản Đầy mà chữ đầy ở đây ứng với trường hợp đi đầy của Thầy Được. Quá buồn, đúng hơn là quá nhục nhã và quá cực khổ. Vài tháng sau, thầy Được xin Đức Cha cho hồi tục, nghĩa là tu xuất và xin được chân gác cầu Kỳ Lừa. Nghe nói sau này, thầy Được đã lập gia đình ở đó.
Dù sao thì số phận thầy Được vẫn còn may mắn hơn dì Xinh.
Phần dì Xinh, bề trên quyết định gửi dì về lại bên nhà dòng để ăn năn, sám hối. Từ nay, cái điều tồi tệ đó sẽ theo bám suốt cuộc đời còn lại của dì. Bám cho đến lúc chết. Nước nào rửa cho sạch. Bà Nhất đã phạt dì phải chăn nuôi một đàn lợn. Đến bữa ăn, dì không được ngồi cùng bàn với các dì khác, mà phải quỳ dưới đất, lấy tay vốc cơm ăn với muối trong vòng 3 tháng. Đã nhiều lần, tôi tính lên thú tội hết với cố Báu, nhận hết trách nhiệm về mình. Nhưng tôi không đủ can đảm. Mỗi chiều thứ sáu xưng tội với cố Báu, tôi đổ hết cái tội thuộc điều răn thứ sáu đó lên đầu cái Mơ, một cô bạn gái tại quê tôi. Mỗi thứ sáu, vô bằng vô cớ, tôi tưởng tượng ra những điều phạm tội với Mơ, đưa cố Báu vào một sa mù. Cố thắc mắc, cố nghi ngờ, cố hỏi vặn vẹo. Tôi gian dối, bịa chuyện ra nặng nhẹ tùy lúc như một thứ trò chơi đuổi bắt... Cố càng muốn biết rành rõi, tôi càng lếu láo.
Phần dì Xinh, có nhiều hôm, trời nắng chang chang, dì đang cúi rạp mình trên chiếc thuyền thúng vớt bèo về băm cho lợn. Tôi ái ngại mà lòng thấy phẫn hận không yên. Một lần, tôi đã bơi ra phụ vớt bèo cho dì. Dì sợ mà vẫn ham muốn, nở nụ cười héo hắt từ mấy tuần nay. Bèo vớt xong, đầy thuyền thúng. Tôi bất chợt một tay kéo thật mạnh dì ngã dúi xuống nước, tay kia đẩy chiếc thuyền thúng vào bờ. Dì chới với sợ hãi ghì chặt lấy tôi. Dì sửng sốt, ngạc nhiên, nhưng lại hứng phẫn quá đỗi để tụt cái quần xuống lúc nào. Hai tay dì bá chặt cổ tôi, chân quặp lấy ngang người. Và đến một lúc nào đó, dì lại rên rỉ: chú ơi, em bị sóng nhiều ở bụng. Suốt đời tôi sau này, không bao giờ tôi có thể quên được cái cảnh hôm ấy.
Sau cái lần ấy, thấy không thể tiếp tục ở cái nhà xứ khốn khổ này lâu hơn nữa, tôi tìm cách gửi thư cho thầy mẹ tôi gửi tiền lên để tôi hồi tục. Tôi nguyện với lòng là sau khi về lại nhà, sẽ tìm cách cứu dì Xinh ra khỏi cái nơi ấy. Tôi đã nói với dì và đã hứa chắc với dì như thế.
Nhưng rồi chiến tranh mỗi ngày, mỗi lan rộng, tôi đã không có cơ hội nào thực hiện cái lời hứa ấy. Sau này, gặp lại được hai dì cùng lứa tuổi dì Xinh tỵ nạn sang đây. Họ đã không biết gì về số phận dì Xinh nữa..

_______________

Một góc văn học bị bỏ quên:

hai nhân vật Lý Toét và Xã Xệ

Văn chương trào phúng là một thứ dị ứng, đố kỵ với cái mới quá và nhất là cái cũ mà rích. Văn chương đó gắn liền với thực tế xã hội nhất định của một thời đại. Nó phản ánh xã hội đó, nó phóng chiếu và đưa ra cái nhìn soi mói, giễu cợt về thực tại xã hội, nhìn ra được những nét thô kệch, dị hợm đã quá đát, hoặc quá tải của một thời.
Nhiều người nói nó là tấm gương phản chiếu xã hội cũng không xa lắm đâu. Nhưng nó vẫn nhằm mục đích tối hậu là vui đùa, là diễu cợt, dí dỏm hóm hĩnh. Không đạt được điều đó, nó thành thứ văn chương phê bình có đao thớt, có đâm chặt mất vui. Cái khó là ở chỗ đó. Vì thế, thời xưa Aristote đã nói một câu đáng đời: hài ước là biểu tỏ một trình độ khôn ngoan và tri thức cao.

1. Trào phúng dị ứng với cái rởm
Mỗi khi cười là cười cái rởm, cái ngờ ngệch, cái khác người, cái không giống ai. Không ai lại đi cười cái bình thường. Trong cuộc sống nối tiếp cái cũ cái mới, cứ thế nối đuôi nhau, hết cũ rồi mới và mỗi lần có thay đổi tạo ra những xung đột liên tục. Đó là vấn đề xung đột mới cũ muôn thuở. Cái mới hôm nay sẽ trở thành cái cũ ngày mai và cái cũ đó tạo cớ cho một cái mới sẽ hình thành. Nhưng khi có những người lụt đụt đi tụt hậu, hoặc bảo thủ về đời sống, về cách suy nghĩ, ăn mặc của họ khác người, lúc đó nó trở thành cái rởm và trở thành đối tượng của trào phúng. Cái rởm nhiều khi có thể tha thứ đuợc vì là chuyện nhỏ, chuyện cá nhân, chuyện của một người. Trào phúng nhân kích nó lên, phóng to thêm, tô đậm thêm, trở thành chuyện xã hội. Bao giờ trào phúng cũng là cái quá tải của cái rởm. Nghĩa là có một nó xít ra mười. Chẳng hạn sống bên này mà ăn xong cứ xỉa răng vung vít như múa gậy. Từ chỗ xiả răng nói quá thành múa gậy, chỗ đó là trào phúng. Nhưng mới quá đôi khi cũng trở thành quá tải, chướng mắt mọi người, cũng trở thành trào phúng. Nhớ hồi ngoài Bắc, trước 1954, tôi thấy phụ nữ nào mặc quần sa tanh hay lụa trắng để hằn cái quần lót bên trong, tự nhiên bản thân tôi đánh giá thấp về phẩm giá đạo đức người đó. Đúng là rởm. Nhất là tóc phi dê thì đích thị là me tây rồi. Người ta gọi giiễu là "đội rế" trên đầu. Đội rế là hài ước đấy. Vào đến trong Nam, chỗ nào cũng thấy các cô mặc quần trắng, tóc uốn quăn lại thấy đẹp, cái ống quần trắng lốp, ống rộng đến một người chui vô lọt đến ham nuốt nước bọt muốn chui vô cho rồi, lại nổi hằn cái mông lên. Lúc đó lại không cười, vì ai ai cũng mặc giống nhau. Và nghĩa là chỉ thành trò cười, dù nó rởm khi nó là thiểu số. Chẳng hiểu nếp sống xã hội thay đổi hay cái đầu tôi thay đổi. Biên giới tốt xấu, giá trị đạo đức nằm ở chỗ nào trong tôi ở hai thời kỳ mà trước là xấu, sau là tốt. Rầy rà thật.

Khi người ta tiếp xúc với cái mới thì cái cũ trở thành rởm, quê mùa cổ lỗ. Cái búi tó củ hành của đàn ông vào thời 1930 trở thành cái rởm, trò cười cho thiên hạ. Hiểu thế, cũ đồng nghĩa với xấu, gàn dở hủ lậu cần bỏ. Mới đồng nghĩa với tốt, tiến bộ, đẹp, đáng theo. Chính trong cái lúc giao thời đó, lúc mới cũ còn trong vòng tranh cấp mà trào phúng có mặt. Trào phúng của Tự Lực Văn Đoàn (TLVĐ) là nhằm bêu giiễu cái cũ, cổ súy cái mới. Cái cũ qua hình ảnh Lý Toét, Xã Xệ mà đặc điểm là thủ cựu, quê mùa, dốt nát, gàn dở, ăn mặc lôi thôi, lếch thếch. Quần ống cao, ống thấp, đi đâu cũng cắp cái ô. Cái mới được nâng cao qua hình ảnh Loan và Dũng trong Đoạn Tuyệt, trong Nửa Chừng Xuân hayHồn Bướm Mơ Tiên.
Nhưng như trên đã nói, mới cũ là chuyện tương đối, mới đó rồi cũ đó, mới hôm nay cũ ngày mai.. Cuộc sống mỗi ngày mỗi thay đổi, mới cũ đan vào nhau tạo thành những khủng hoảng tiến bộ đến độ không bao giờ có mới cũ rõ rệt. Cái rõ rệt là cái giao thời đến nỗi có thể nói thời nào cũng là giao thời cả.

2. Lý Toét Xã Xệ, biểu tượng xã hội mới cũ của một thời
Ngày nay, nói đến Lý Toét, Xã Xệ nhiều người không nhớ nữa. Hoặc có còn nhớ cái tên là cùng. Bài này, xin cùng với độc giả gợi lại cả một thời, dựa vào một số hình ảnh tài liệu cũ mà tôi nuối tiếc gọi bằng một tên: Một góc văn học kể từ 1930 đến 1945 đã bị bỏ quên. Quên thật. Sách văn học sử từ Dương Quảng Hàm đến Phạm Thế Ngũ, tài liệu giáo khoa, tài liệu báo chí, gần như chẳng còn ai nhắc nhở đến thời kỳ văn học mang bóng dáng Lý Toét, Xã Xệ nữa.

Về nguồn gốc của Lý Toét và Xã Xệ
Nhiều người có thể lầm cho rằng hai nhân vật này có mặt đầu tiên trên tờ Phong Hóa trước khi có tờ Ngày Nay của TLVĐ. Không phải vậy. Tưởng thế là lầm. Hai ông có mặt trong một vở gọi là Chèo cải luơng vào khoảng năm 1930. Lúc đó Lý Toét lại đóng vai ông Lý Đình Dù. Lý Đình Dù tức là ông lý trưởng làng Đình Dù. Chức lý trưởng, xã trưởng chỉ thuộc tổ chức hành chánh miền Bắc mà thôi, trong Nam không có chức như thế. Ông lý trưởng đại diện trung gian giữa chính quyền cấp trên và dân làng ở dưới, dưới lý trưởng có phó lý, có mộc triện và có bọn khán thủ, trương tuần lo việc tuần phu, canh gác an ninh và đề phòng trộm cướp. Cứ như thế thì mọi việc trên làng, trên dưới một tay lý trưởng, trên đội dưới đạp. Từ việc ăn uống an ninh, nhất là thuế má, một tay lý trưởng cả. Trên là bọn chánh phó tổng đến các ông tiên chỉ, thứ chỉ. Chức xã trưởng chỉ là chức vị mà người ta có thể bỏ tiền ra mua, mua rồi thì miễn phu phen tạp dịch. Làng có đình đám thì được ngồi chiếu trên.
Đến thời Pháp thuộc thì có cải tổ hành chánh, có hội đồng xã với xã trưởng, bên cạnh có ông hương sư lo việc dạy học và ông thủ bạ lo việc sổ sách. Câu hỏi đặt ra ở đây, thế thì hà cớ gì người ta lại mang ông ra làm trò giễu cợt. Thói thường dân chỉ biết có ông, thu thuế cũng ông nên cứ ông mà ghét mà oán mà thật ra ông chỉ là tà lọt cho ở trên chỉ đâu đánh đó. Ông là thiểu số so với dân làng. Không có thiểu số một bên, đa số một phía, không có trào phúng. Ông trở thành đối tượng cho người ta chê cười, đùa nghịch giễu cợt cũng như anh mõ. Cho dù thế nào đi nữa, cũng phải tìm ra một nhân vật tế thần. Chọn ông là phải, vừa được nhiều người biết và nhất là nhiều người ghét, đồng thời ông là biểu tượng cuối cùng của cái còn sót lại như cái gai cần phải nhổ. Ông chạy đi đường nào được. Không chọn ông thì chọn ai.
Trong dân gian nói chung, người ta thường chỉ nói tới hai ông Lý Toét và Xã Xệ làm ta mường tượng đến Laurel, Hardy về cái vẻ bề ngoài. Một anh mập phì, một anh gầy bé. Cũng đúng đấy. Nhưng thật ra, thời đó còn một nhân vật nữa mà đại đa số chúng ta đã quên, quên đứt mất. Tôi xin giúp ông đội mồ sống lại và phục hoạt danh giá cho ông. Ông là ai, thưa là ông Bang Bạnh. Trong ba người thì Bang Bạnh khốn khổ nhất, vì bị người đời ghét cay ghét đắng. Thứ nhất bởi gốc gác của ông. Theo một số người xấu mồm đồn thổi thì ông chỉ là thứ tà lọt, thứ lính canh. Nhưng ông có cái tài chỉ mình ông có được là thức khuya không buồn ngủ, hay có ngủ thì ông ngủ đứng. Để ông canh gác, ông vẫn đứng mà ngủ thành không anh trộm nào dám ló mặt ra. Làng nước được yên. Chỉ nhờ cái tài đó mà ông được thăng trương tuần và đến năm sau được bầu làm chánh tổng. Nào đã xong. Có lần trời mưa tầm tã kéo dài ngày này qua ngày khác đến nước sông dâng lên muốn lụt. Ông ra hộ đê cứ đứng trông mà thật ra ông vẫn ngủ. Ông sứ tình cờ đi quan sát vào lúc tờ mờ sáng vẫn thấy ông tận tụy đứng ở đó, ông sứ cảm động quá khi nhìn thấy một người chức sắc tận tụy với dân, khi về bèn tức khắc phong ông lên chức bang tá. Ông có cái tên Bang Biện từ đó. Bang Biện mà người ta gọi chệch ra Bang Bạnh thì xỏ lá quá. Người đời bắt đầu xầm xì ghen với ông, ghét ông từ đó. Ông cũng mập chả thua Xã Xệ. Nhưng người ta ghét ông nên từ cái khăn vuông đội đầu, đến ánh mắt nhìn của ông, người ta cũng xếp loại: đồ ti hí mắt lươn, giai thì trộm cướp, gái buôn chồng người. Không có cái mắt mở ti hí đó làm sao ông ngủ đứng được, làm sao ông leo lên chức bang tá được. Rồi cứ thế, miệng người đời, có một đồn mười: nào ông ăn mặc chẳng khác một ông quan, đi xem diễn binh thì chèo mẹ nó lên cột đèn cho thoải mái, chẳng giống ai. Đi tắm biển thì ông sai vác một cái ghế cao cẳng, cao đến hơn thước, ngồi chễm trệ trên đó. Dưới là đám thị dân tắm. Thật chẳng giống ai. Tắm ông không xuống biển, cứ mặc cả quần áo, rồi sai người làm xuống biển múc nước rồi ngồi trên đó dội nước kỳ cọ. Một lô cái không giống ai nữa, chướng nữa, lố nữa. Chừng ấy cái không giống ai, chừng ấy cái chỉ mình ông dám làm. Bị mang ra làm trò cười là cái chắc. Chỉ có thế mà người ta ghét cay, ghét đắng ông. Nay đã thành danh, theo thói đời, ông cũng mượn tay một anh nhà nho viết cho cái câu đối treo giữa nhà. Ông gặp một anh thâm nho xỏ lá (pince-sans-rire) viết tặng câu sau đây: Vạn lý trưởng thành. Câu đó đã được anh đồ nho giải nghĩa cho ông là muốn ví ông có công đức chẳng khác gì bức trường thành ở Trung Hoa bảo vệ cho dân lành khỏi giặc giã cướp bóc. Có lý lắm. Đắc ý ông treo bức trướng lên giữa phòng khách. Có biết đâu, anh nhà nho có thêm dấu hỏi vào chữ "trường" thay vì dấu huyền. Hai chữ đó nhắc nhở cái gốc gác của ông trước đây chỉ là chân lý trưởng quèn chứ hay ho gì. Dĩ nhiên, quý vị cũng hiểu là chế Bang Bạnh cũng là để giễu những chức sắc trong chính quyền, vốn xuất thân chả ra gì nay một bước lên cao... Nhưng dù sao, cũng vẫn thấy tội nghiệp cho Bang mà còn Bạnh nữa.

Vai trò của Lý Toét Xã Xệ trong văn chương trào phúng
Kể từ khi Lý Toét đóng vai ông Lý Đình Dù, bỗng nhiên ông trở thành nổi tiếng như một tài tử màn bạc. Ông bắt đầu xuất hiện trên một số lớn báo chí miền Bắc đạo mạo như Nam Phong, Phong Hoá rồi nhất là Ngày Nay... Đặc biệt nhất, nhiều tranh giễu của ông được dân Pháp ưa chuộng nên ông lại xuất hiện thường trực trên báo Tây nữa, mà xuất hiện ngay trang bìa. Lý Toét, Xã Xệ chễm trệ trên báo Tây. Thật là kỳ lạ. Ông Lý Toét chuyên môn chửi Tây lại được báo Tây đăng mới đáng nói chớ. Chửi mà được người ta thích, người ta mê.
Cái sự nổi tiếng trong suốt mười mấy năm, báo chí đăng mỗi ngày đã hơn hẳn những Út Trà Ôn, Thành Dược, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Khánh Ly, Thái Thanh và thêm Nguyễn Cao Kỳ nữa cộng lại. Mặc dầu Thái Thanh, Khánh Ly còn đó, tôi vẫn phải mạo muội xúc phạm đến danh tiếng của hai bà. Mặc dầu ông Nguyễn Cao Kỳ được cả trong lẫn ngoài nước nói qua nói lại. Tôi vẫn giữ lời, tôi nói không sai, nói có sách mách có chứng. Đã có lần trong một kỳ thi, chẳng biết thi gì, tiểu học, hay tú tài, ông giám khảo đã hỏi thí sinh: Sau khi vua Lý Thái Tổ băng hà, trò cho biết ai đã lên kế vị Lý Thái Tổ. Câu hỏi có vẻ bắt bí, hơi khó, anh học trò còn đang ậm oẹ thưa: Lý... Lý... Lý gì thì anh chưa nhớ ra. Ông giám khảo không kiên nhẫn, thấy bực nhưng nhắc khéo... Lý này bắt đầu bằng chữ T... Anh học trò sướng quá, phá ra cười, nhớ ra được rồi nói thật to: Thưa ... Lý Toét! Nhưng hình các ông Lý Toét thì đều có gương mặt, điệu bộ như tuồng giống nhau cả. Đúng thế, thật ra chỉ có mình họa sĩ Mạnh Quỳnh vẽ thường xuyên cho các báo, rồi sau này, nhiều báo theo cái nét chính đó để mô phỏng hình Lý Toét Xã Xệ. Các ông được phổ biến rộng rãi đến độ không biết ai là tác giả các hình vẽ nữa. Vì báo nào cũng đua nhau vẽ hoặc thuê vẽ. Người ta thích các ông đến độ mở tờ báo là lật ra xem trước hình vẽ tếu về Lý Toét Xã Xệ. Mua báo là để mua đọc và xem hình Lý Toét và Xã Xệ chẳng khác gì bây giờ, nhiều người mở tờ báo mỗi tuần ra là xem cáo phó, xem ai chết và nhất là xem ai còn sống. Anh chết đã đành, anh sống thì muốn nhắc nhở mọi người: ta còn đây này. Đó là nền văn học hải ngoại phúng điếu.
Nói đứng đắn ra thì có thể nói, bên cạnh cái nội dung văn chương viết, có một chỗ đứng không nhỏ cho một loại hình văn học dựa trên các hình phóng họa hài ước, như sau này có hoạ sĩ Choé chẳng hạn. Không có nó, tờ báo kém hấp dẫn, bớt độc giả. Nó là cần câu cơm của tờ báo. Đồng thời nó biểu thị bộ mặt xã hội của một thời kỳ. Thời kỳ từ 1930 đến 1945. Nhìn Lý Toét, Xã Xệ là nhìn một xã hội của thời kỳ đó thu gọn lại.

Về nội dung trào phúng
Hình ảnh Lý Toét, Xã Xệ là hình ảnh xã hội những năm 1930-45 thu hẹp lại với hai thế giới. Thế giới của xã hội cũ và mới. Hai ông là điển hình cho cái xã hội cũ đang suy thoái với những vụng về, lố bịch, buồn cười qua cái bề ngoài khăn đóng áo dài, cắp cái ô, người ốm tong teo, lưng khòm... Đeo kính xệ xuống, râu ria mọc bừa bãi, nói nhăng nói nhít, ngớ ngẩn, nhận xét dấm da dấm dớ đến lố bịch buồn cười. Nó có cái gì quá đáng, nó có cái gì quá tải, có cái gì vượt quá cái bình thường, cái chưa chắc đã có thật ngoài đời. Nhưng đó lại là điều kiện ắt có và đủ của nghệ thuật trào phúng. Trào phúng mà như tả chân, nói thật, có cái gì nói cái đó thì ai cười cho được[1].
Vì thế, hình ảnh Lý Toét đã được kích xấu lên nhiều lần, thô kệch hoá cả con người từ hình dáng, điệu bộ, cử chỉ, tính nết. Thuộc đến đâu xin viết đến đó:
Ông Lý Toét mà cắp cái ô
Ði ra phố gặp lúc mưa to
Có bác Xã Xệ mà muốn đi nhờ
Tay thì vời vợ, miệng thét bô bô
Kìa ông Lý, thục nhĩ ha sao.
Gọi như thế mà chẳng xem sao
Giá có cúp rượu thì đến chơi liền
Ði nhờ một tý thì cứ vênh vênh
Ô ông Xã thật rõ lôi thôi
Ô tôi năng cụp mà bất năng xòe
Năng dựng đầu hè mà bất năng treo.

Nội dung chê cái quê mùa của Lý Toét
Theo tôi, có lẽ đây là điều mà các nhà văn, nhà báo nhắm vào Lý Toét. Họ muốn khai thác triệt để cái dốt, cái quê mùa, cái không thích ứng không theo kịp đà tiến của văn minh xã hội bấy giờ. Chê thì dễ rồi, nhưng làm thế nào chê mà vẫn thấy lố bịch buồn cười mới được. Tài là ở chỗ đó. Cái đề tài "tỉnh" với "quê" cũng là một trong những đề tài được sử dụng nhiều lần, nhiều trường hợp. "Tỉnh" đồng nghĩa với văn minh, tiến bộ, theo mới. "Quê" đồng nghĩa với chậm lụt, dốt nát. Khi người ta gọi ai là "nhà quê" là theo cái nghĩa đó.

*Và đây là câu chuyện thứ nhất
Một hôm cụ Lý Toét đi ra tỉnh. Cụ có cái ý định ra nhà bưu điện để gửi một điện tín về cho cụ bà mà nội dung vỏn vẹn có mấy chữ: "Tôi đã đến nơi". Thâm ý của cụ không phải là muốn báo tin đi đến nơi bằng an cho bằng muốn nhắn gửi cho vợ và người làng người nước biết rằng: Tôi cũng văn minh, tiến bộ, tôi cũng ra tỉnh đây, đừng có coi thường tôi. Cái cắc cớ là thằng cha bưu điện đã hỏi một điều không cần hỏi là: "Thế cụ bà ở nhà có biết đọc không, thưa ông?" Cụ Lý hơi sững sờ trước câu hỏi móc méo đó. Cụ nghĩ thầm. Ừ nhỉ, mụ vợ nhà mình có biết đọc quái đâu. Mù chữ mà lỵ. Nhưng cụ đã ứng đáp mau lẹ và trả lời lão thư ký tỉnh bơ: Đâu có sao, cứ để đó có gì mà vội. Khi nào tôi về làng sẽ đọc cho bà ấy nghe. có gì mà vội. Trả lời tuyệt vời.

*Câu chuyện thứ hai:
Cụ có cái tật là rất thích lên tỉnh. Tại sao thì không biết. Nhưng mỗi lần lên lại có chuyện để nói và có chuyện để cụ nhận xét về lối sống văn minh thành thị. Quan sát để thấy cái hay, cái dở và dĩ nhiên dưới nhãn quan của cụ thì nó thường là dở, không nói đến ngu xuẩn. Cái buồn cười là cụ tin những nhận xét của cụ là đúng mà thực sự không phải như vậy. Lần này cụ đang đi trên hè phố, cụ thấy một chiếc xe trải nhựa đường. Cụ tưởng lầm là là tài xế đã quên, để cho nhựa chảy ra đường. Phản ứng tự nhiên, cụ vội vã đuổi theo xe, kêu réo đòi tài xế ngừng xe lại. Hắn đã chẳng ngừng mà còn tiếp tục lái xe đi, ném cho cụ cái nhìn khinh bỉ. Cụ không tài nào hiểu được sao lại có thứ người ngu xuẩn đến thế, nhựa chảy kêu ngừng, cứ tiếp tục để chẩy. Cụ thất vọng lủi thủi đi và lẩm bẩm một mình: Văn Minh gì đâu không thấy, đồ ngốc để xe chảy nhớt ra đường như vậy mà vẫn cắm đầu chạy. Tôi thì thấy thằng cha ngốc thật. Muốn biết tại sao, cứ hỏi cụ Lý.

*Câu chuyện thứ ba:
Câu chuyện này mới thật lý thú và dĩ nhiên, tôi đồng quan điểm với cụ. Lần này, cụ không đi một mình mà rủ thêm cụ Xã Xệ nữa. Các cụ nghe nói trên tỉnh có trò chơi đá banh mà thiên hạ rủ nhau đi coi đông lắm. Các cụ cũng muốn đi một lần cho sáng mắt. Hai cụ vào mua vé, ngồi vào chỗ rồi thấy lạ quá. Có mỗi một trái banh mà hai mươi mấy cầu thủ đá banh cứ giành nhau, tranh qua tranh lại. Cụ xem chán mắt và rất bực mình. Cụ quay sang cụ Xã Xệ nói: Cụ xem có vô lý không, có mỗi một trái banh mà cứ tranh qua tranh lại. Tại sao không phát cho mỗi người một trái để đá thì hết tranh giành, lại giữ được hoà khí không? Phải, tại sao không phát cho mỗi người một trái banh? Viết đến đây, hồi nhỏ, tôi nhớ có đọc nhà văn Duhamel (Georges), hình như trong Chronique des Pasquier thì phải không nhớ rõ. Ông có nhận xét rất ngộ là dân chúng Pháp cứ nói tới tinh thần thể thao, chuộng thể thao, nhưng thực ra có ai chơi thể thao đâu, tinh thần thể thao cũng không nốt. Hằng trăm ngàn người ngồi ra đấy la hét ồn ào trong khi thực sự chỉ có hai mươi mấy cầu thủ thực sự chơi thể thao mà thôi. Câu chuyện và nhận xét của Duhamel vì thế còn nhớ mãi cho đến bây giờ. Vậy thì nhận xét của cụ Lý đã chắc gì là sai, phải không ạ?

*
Câu chuyện thứ tư, diễu cái dốt Tây học:

Lý Toét người ốm toong teo thế ắt là có bịnh. Lần này cụ thử đi đốc tờ thay vì đến cụ lang ở làng. Xin nói thêm về bệnh trạng của cụ. Thường ngày, hai cụ thường ngồi trước chai rượu Văn Điển chứ không phải thứ dấm dớ Hennesy đâu. Cứ thế, hết chén này đến chén khác bàn về thế sự, chỉ trích tây ta, lối sống mới các cụ cho là rởm.
Các cụ không có cái lối than vãn giống một cụ bà thời xưa đã gửi thư cho con cái đi du học, đăng trong Nam Phong số 142, tháng 9, năm 1929. Câu chuyện xảy ra cách đây 75 năm: "Trong lá thư gửi cho mẹ ở Singapore, con có nói ở trên tầu, con được nghe các bà Pháp chơi Piano vui lắm. Tới Paris, thể nào con cũng học. Đờn Tây, mẹ không muốn con học. Khiêu vũ mẹ lại còn không muốn cho con tập, một người đàn bà Annam, nhảy đầm dưới mắt mẹ chẳng những là không đẹp mà lại dơ nữa." Chết thật, cụ bảo dơ nữa. Cụ nặng lời quá. Hay là một tâm trạng tuyệt vọng như trong nhận xét sau đây trong lời đề tựa cuốn Thi Nhân Việt Nam:"Chúng ta ở nhà Tây, đội mũ Tây, mặc áo Tây. Chúng ta dùng đèn điện, đồng hồ, ô tô, xe, lửa, xe đạp... còn gì nữa. Nói làm sao xiết những điều thay đổi vật chất đã đưa tới giữa chúng ta, cho đến những nơi hang cùng ngõ hẻm, cuộc sống không còn giữ nguyên hình ngày trước. Nào dầu Tây, điện Tây, nào vải, nào chỉ Tây, kim Tây, đinh Tây. Đừng tưởng tôi ngụy biện. Một cái đinh cũng đem theo nó một chút quan niệm của Phương Tây về nhân sinh, về vũ trụ và có ngày sẽ thấy thay đổi cả quan niệm về Phương Đông. Những đồ dùng kiểu mới, chính là dẫn đường cho tư tưởng mới."
Đọc xong hai đoạn văn vừa trích dẫn, không biết độc giả nghĩ thế nào, tôi thì cứ lịm đi. Khiếp thật, cũ mới đối nhau chan chát, lời lẽ các cụ như dao chém thớt, không dung nhượng. May thay có Lý Toét, người cùng thời với các cụ đã lý giải sự việc thanh thoát hơn nhiều. Trở lại câu chuyện đi khám bác sĩ của Lý Toét. Quan đốc tờ đưa ra một tràng lý thuyết, rồi nói đến cái hại của rượu đối với lục phủ ngũ tạng sau đó răn đe nói với Lý Toét: Gan, phèo phổi của cụ sắp hư ráo trọi rồi. Tôi chỉ cho phép cụ uống tối đa một ngày hai lỵ rượu thôi. Cụ Lý Toét vâng dạ, hứa vâng theo. Một bữa nọ, hai cụ lại ngồi uống rượu. Cụ Xã Xệ thấy cụ Lý Toét uống đến cốc thứ sáu thì ngạc nhiên hỏi cụ. Xã Xệ: "Đốc tờ chỉ cho phép bác uống mỗi ngày hai cốc rượu mà thôi, sao bác lại làm tới sáu cốc rồi?" Lý Toét:"Thì tôi vẫn vâng lời quan đốc tờ đấy chứ. Vì tôi đi khám ba ông đốc tờ, mỗi ông đều cho phép uống hai cốc, thế chẳng phải ba ông là sáu cốc sao?"

Chuyện các cụ kéo dài hơn chục năm, gần như mỗi ngày một chuyện, người viết xin tạm ngưng về phần này.

3. Vài nhận xét của người viết
Trước đây, đã có cụ quở người Annam trong một bài có nhan đề: Người Annam, cái gì cũng cười. Sự chê trách đó tỏ ra bất công quá. Người Annam nếu quả thật cái gì cũng cười thì mới còn sống nhăn răng cho đến ngày nay. Đó là nét quý, nét đẹp của người Annam. Riêng các cụ Lý Toét, Xã Xệ thì quả là vốn văn học không thể chối bỏ được. Tôi xin chứng dẫn một nhận xét của một người Tây vào thời đó, ông G. Pisier đăng trong Indochine, không nhớ số, ngày: "Tels sont les types populaires annamites les plus célèbres. Ils ont diverti toute une génération et à ce titre ont bien mérité de la patrie. En récompense des éminences services rendus à la cause de l!umour et en souvenir de leur inépuisables exploits, le peuple d!Annam reconnaissant leur a décerné, par une assimilation flatteuse et une dernière pointe d!humour, le qualificatif rituel et symbolique de Tam Da (Les trois abondances)"
Nói cho cùng, hình ảnh trào phúng của Lý Toét, Xã Xệ chỉ nối tiếp cái lối trào phúng qua các câu vè, trong ca dao truyền khẩu, khi mà nghề in chưa được thịnh hành. Nó mở đầu cho một loại hoạt kê mới mẻ không phải bằng thơ mà bằng hình ảnh hí hoạ.Muốn hiểu được nó, đôi khi phải vận dụng một chút trí óc và nhất là tinh thần hài ước. Và chỉ trong một vài năm, hình ảnh Lý Toét, Xã Xệ đã xâm chiếm toàn bộ báo chí miền Bắc (Tôi có hỏi những anh em trong Nam Kỳ, trong đó có ông chủ bút báo Đi Tới, ông cho biết chỉ có nghe về Lý Toét, Xã Xệ mà không biết rõ) và toàn thể các giai tầng xã hội thời đó từ trí thức đến dân giã... Mặc dầu chế giễu cái cũ, nhưng không có chứa ác tính nên giễu mà vui vẻ cả làng, người đi giễu đến người bị giễu đều chỉ cười xòa. Trong cái câu chuyện của thầy giám khảo, dĩ nhiên vua triều Lý chẳng phải là Lý Toét như anh học trò trả lời. Chả biết anh được mấy điểm. Nếu tôi là giám khảo, tôi cho anh đủ điểm. Nhưng mặc dù chính sử không nói Lý Toét lên ngôi năm nào, đã hẳn là thế thì ít ra hai cụ cũng là vua không ngai rồi.. Nhưng một nước không thể có hai vua. Lý Toét là Hoàng Đế, còn Xã Xệ là phó vương (Vice- roi). Thế còn Bang Bạnh? Rầy rà nhỉ. Xin nhờ độc giả phong một tước gì đó cho Bang Bạnh kẻo tội nghiệp ông.
Phần cảm nghiệm thuở bé của tôi khi đi học ở cái thời đó, cũng xin được nói ra: Thứ nhất về giáo dục, ai trong chúng tôi thời đó cũng đều nằm lòng sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp đồng ấu. Những câu chuyện rành mạch, nghĩa lý đơn giản và có giá trị giáo dục cao, cao lắm. Chả biết có thua gì Thánh Kinh hay Coran không. Ngày nay, nhiều người lớp đàn anh của tôi chắc cũng cùng một cảm nghiệm đó. Cảm nghiệm thời đi học mà mỗi chữ, mỗi câu chuyện kể trong sách Quốc Văn là kim chỉ đường cho chúng tôi vào đời.
Thứ đến là Lý Toét, Xã Xệ mà ít lắm cũng là nhân tố đem lại một chuỗi cười bổ béo cho cả một dân tộc lầm than. Họ những Lý Toét, những Xã Xệ, những Bang Bạnh và sau này những bọn đàn em Tùng Lâm Tùng Liếc, Trần VănTrạch xổ số mau lên sống để làm đẹp cho đời, đem reo vui vào nơi bất hạnh, đem ánh sáng vào nơi tối tăm, đem an bình vào nơi tranh đấu, đem tiếng cười vào nơi khóc than, để lau mắt an ủi mẹ già, trẻ thơ khi mà bom đạn bắt đầu cầy xéo quê hương. Họ, cả ba đã chết khi tiếng súng bùng nổ mở đầu cho một giai đọan liên quan đến số phận, đất nước con người. Họ đã chết lúc nào và chôn ở đâu không ai biết. Riêng tôi và chắc một số người còn nhớ đến họ.
Trước đây năm sáu năm gì đó, tôi đã viết bài tựa đề: Tôn vinh các ông Lý Toét, Xã Xệ. Nay viết lại lần nữa và thầm cảm ơn cái người chủ bút đã cho tôi múa bút mà cây bút còn vụng về non dại. Vì thế mà có bài viết lại này.
Một câu hỏi vẫn còn vướng mắc trong tôi liên quan đến văn học: chẳng hiểu Vũ Trọng Phụng có chịu ảnh hưởng gì khi viết về anh chàng Số Đỏ? Bang Bạnh có phải là thứ hồn ma nhập vào Số Đỏ như là nguồn gợi hứng cho ông không? Dĩ nhiên, câu hỏi chẳng bao giờ có câu trả lời. Nhưng hỏi thì cứ hỏi.
© 2004 talawas

[1]Vì thế xin nhân tiện đây góp ý với nhà văn Hoàng Hải Thủy viết trên tờ Văn Nghệ Tiền Phong khi ông phê bình cuốn Giông Tố của Vũ trọng Phụng kéo dài cả năm nay. Nhà văn HHT đã mang cuốn Giông Tố của Vũ Trọng Phụng ra in từng đọan, rồi lý giải, rồi phê bình cái sai, cái dở của Vũ Trọng Phụng. Xin trích dẫn đoạn văn trích dẫn của nhà văn HHT: "Nghị Hách nằm gối đầu vào bụng Thị Tin, cô nàng hầu được yêu nhất. Sau lưng cặp này, Thị Lễ nằm khẽ phe phẩy cái quạt lông vào gáy quan." Và đây là nhận xét của nhà văn HHT: "Tả cảnh người nằm hút thuốc phiện thế là không đúng. Gối đầu lên bụng Thị Tin, Nghị Hách không hút thuốc phiện được. Bụng đàn bà mềm, bập bồng, có hơi thở ra vô nên dập dềnh lên xuống, lại cao hơn khẩu đèn thuốc phiện quá nhiều. Rồi nhà văn đề nghị với VTP: Nghị Hách phải gối lên gối, thường là gối sứ, thứ được chế tạo riêng cho người dùng gối đầu để hít tô phe". (Trích báo VNTP, số 671, trang 85) Quả thực, xét về mặt lý luận, mặt thực tế, có thể thấy nhà văn HHT có lý, vì rất nhiều chi tiết viết quá tải, không đúng sự thật, mâu thuẫn nữa. Nhưng có cái thực tế nào áp đặt Nghị Hách phải gối đầu lên cái gối sứ mới được. Hứng chí, mượn cái bụng, dù có không tiện vẫn hào hứng, vẫn cảm giác hơn nhiều... Ở địa vị tôi, tôi cũng làm giống Nghị Hách và có thể làm hơn thế nữa. Nhưng nói chung, người đọc khi đọc đã bỏ qua tất cả những chi tiết đó mà chỉ có những người như nhà văn HHT mới có thì giờ mổ xẻ vạch ra. Người đọc đi tìm cái vui và bị cái tếu, cái lố bịch, cái buồn cười kéo tuốt đi đến chẳng ai để ý đến những chi tiết đó làm gì. Mà có biết cũng bỏ qua, xính xái đi hết, không chấp. Vấn đề còn lại là câu chuyện hấp dẫn từ đầu tới cuối. Buồn cười với rất nhiều cái rởm. Cái rởm không thực mà có chứa cái thực hơn cả cái thực. Thị Mịch, Nghị Hách, thị Tín, thị Lễ rất là rởm không thực, nhưng người đọc vẫn nhận ra một nhân vật sống động linh họat là thật đằng sau những nhân vật đó. Văn tài ở chỗ đó. Cũng vậy, những nhân vật trong Số Đỏ như Min đơ, Min toa, bà Phó Đoan, Xuân tóc đỏ đều là những nhân vật rởm, hành động rởm đến vô lý, rởm đến không chịu được, không thực. Nhưng tất cả cái lố lăng đến buồn cười lại là những nhân vật được Vũ Trọng Phụng nưng chiều và người đọc thích thú. Nhà văn HHT đã phê bình cái khiếm khuyết của văn chương VTP, chỉ vì ông quá biện bạch về một thế giới thực và thế giới giả. Nhận xét của HHT đúng mà hóa ra chẳng đúng gì cả. Bỏ cái đoạn nằm gối đầu lên bụng đàn bà đi thì mất hay rồi. Nhưng chính cái đó lại làm cho sự nghiệp văn chương của VTP lớn lên từ đó. Có thể cũng cùng một nhãn quan như thế, cùng một lối nhận định về tính chất của văn chương trào phúng như thế, nhóm TLVĐ đã bỏ rơi một văn tài. Thật là uổng. Rất may, nay có người Mỹ thưởng thức văn ông chứ không phải văn Nhất Linh. Thế mới lạ, cái hay một thời vị tất đã hay mãi. Bây giở cứ mang một cuốn Đọan Tuyệt và cuốn Số Đỏ hay Giông Tố, tự nhiên biết độc giả chọn cuốn nào để đọc... Vả lại nói đến cái lý, cái có thực trong văn chương thì nói đến bao giờ cho đủ. Truyện của tác giả Kim Dung là những truyện hoang tưởng nhất, đẩy trí tưởng tượng đến chỗ không ai tin nổi, hư cấu đến hoang đường nếu không gọi là nói phét... Vậy mà hấp dẫn từ đầu đến cuối, tình lý, đạo nghĩa, triết lý, tâm lý, sinh lý, kiếm pháp, lịch sử, địa lý, khoa hoc, y khoa, cái gì có chữ khoa là được đưa vào hết. Bấy nhiêu thứ trong một câu chuyện. Cái thực của thế giới văn chương và cái thực của đời sống đôi khi chả biết cái nào thực hơn cái nào. Nếu nói đời sống là thực thì tại sao độc giả lại bỏ cái thực đi tìm đọc cái giả. Rồi biết thế giới văn chương là giả, tại sao lại mê coi nó là thực. Hẳn là người đọc không đến nỗi ngu muội đến thế. Vì thế, điều mà nhà văn HHT chê lại là cái làm nên tác phẩm, cái lớn của nó, đến có thể nói thiếu nó tác phẩm còn gì nữa. Cũng vì thế đã có hàng tỷ người đọc ông Kim Dung. Riêng Vũ Trọng Phụng mới đây, cuốn Số Đỏ của ông đã được dịch sang tiếng Mỷ và thành một thứ Best-seller. Các nhà phê bình văn học chỉ biết ngả mũ vì nó lạ quá, buồn cười. Họ vừa khám phá ra một thế giới mới chưa bao giờ họ biết tới. Mới mà hấp dẫn, mà buồn cười. Buồn cười không thể tả được. Và không cười sao được. Người Mỹ có đủ mọi thứ, có thiếu thứ gì. Ngay trong lãnh vực giải trí, lãnh vực chọc cười, họ thua gì ai. Vậy mà họ khám phá cái lối cười, cái lối giễu rởm của Vũ Trọng Phụng, cái cách nhìn sự vật, nhìn thực tại xã hội của hơn nửa thế kỷ về trước vẫn có một cái gì đáng đọc. Một cái anh nhà văn thời đó bị coi là văn chương ngoại biên, chả đáng nói. VTP cách đây hơn nửa thế kỷ, lúc chết chả biết có manh chiếu che thân, bị coi thường, nay được người ngoại quốc trân trọng. Thật là vinh hạnh cho ông, cũng tội cho ông.

______________

Văn học miền Nam những năm 1964-1975

Xã hội nào thì văn chương ấy.
Khởi đầu là giai đoạn 1955-1964. Đó là 9 năm của ổn định, xây dựng và và phát triển. Văn học cũng theo cái đà ấy mà tiến lên.
Đó là không khí tưng bừng như mở hội với rất nhiều báo chí, nguyệt san cũng như những nhà văn từ Bắc vào, từ Âu Châu về, từ miệt vườn tiến lên. Doãn Quốc Sĩ từ Bắc vào viết kịch: Một mùa xuân tin tưởng. Có những nhiệt tình quá độ như một nhân vật truyện trong Loạn của Chu Tử nói rằng: Một người di cư không có quyền ngán điều gì. Mai Thảo nói tới Một thủ đô Văn hóa thay thế Hà nộị khi tờ Sáng tạo ra đời… Nhưng càng về cuối thời điểm 1963. Đã có dấu hiệu trì trệ, điều gì khựng lại trong văn học.
Năm 1963, cuộc lật đổ ông Diệm không những lật độ một chế độ mà còn kéo theo liên tiếp những hệ luỵ của cuộc lật đổ ấy mà ta có thể tóm gọn là kể từ sau 1963: Đó là những năm xáo trộn. Khi chọn thời điểm 1964-1975 cho giai đoạn hai của văn học miền Nam là chọn một thời điểm chính trị đánh dấu những thay đổi, xáo trộn lớn về mặt chiến tranh, chính trị, xã hội, kinh tế và tôn giáo ở miền Nam.
Tất cả các sinh hoạt vừa nêu trên tóm gọn vào trong mấy chữ: Xáo trộn và bất ổn.
Những xáo trộn đó thể hiện rõ nét trong thứ văn chương phiếm, viết để giễu, để chọc, để chích và cả để bôi bẩn nữa. Ồn ào, náo nhiệt như chợ chữ nghĩa. Đứng đắn, nghiêm chỉnh cũng có, diễu cợt có, sa đích châm chích có. Nghiêm chỉnh như Hiếu Chân, Mai Nguyệt, Hà Thượng Nhân. Đi một bước nữa có Kha Trấn Ác, Đạọ cấy, ký giả Lô Răng, Tú Kếu, Sức Mấy, Thương Sinh, Kiều Phong. Nhất là Chu Tử với Ao thả vịt, Nói chuyện với đầu gối.
Chiến tranh leo thang với sự có mặt ồ ạt của người Mỹ, chính trị bất ổn một năm thay ba lần thủ tướng, kinh tế với vật giá leo thang. Về mặt tôn giáo, các sinh hoạt chính trị nay phải đi qua cổng nhà thờ và nhất là cổng chùa. Tôn giáo và chính trị vốn tách biệt, một cái thuộc trần thế, một cái vượt trần thế nay ngồi chung lại nên gay ra những xáo trộn đủ loại nhân danh tôn giáo.
Cho nên, năm 1964, có thể nói là thời của TT Thích Trí Quang và TT đã được chọn đăng trang bìa của tờ báo Time..
Từ một khung cảnh chính trị như thế của 1964 mà văn chương, văn học có nhiều ngã rẽ, nhiều đổi hướng. Ngã rẽ đó khởi đầu bằng sự xuất hiện một loạt các tờ báo ra đời như Lập Trường, Hành Trình, Đất nước, Trình bày, Thái độ, Tin Văn, Vấn đề (1967), Đối diện (1969), Ý thức (1970).
Về sách truyện thì có đủ loại, từ sách dịch, truyện chưởng, tiểu thuyết Qưỳnh Dao, sách triết học, sách Thiền, sách sử học. Trong cái đống hỗn tạp đó, có một dòng chảy văn học phản ánh thời cuộc, phản ánh chiến tranh, phản ánh tâm tình của giới thanh niên thành thị.
Những truyện sáng tác sau đây cũng như những bài viết khảo luận nhằm giới thiệu dòng Văn học ấy mà nhiều sáng tác của các tác giả, nhà văn, nhà thơ đã bị bỏ quên. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả những dấu tích của một xu hướng văn học thời kỳ 1964-1975.
Nếu văn chương, tiểu thuyết của thời điểm 1954-1963 thường nói về mình, viết về cá nhân, một thứ chủ nghĩa cá nhân, một thứ hiện sinh chủ nghĩa lấy cái tôi làm đối tượng. Cái văn chương tiểu thuyết chỉ nói về mình đuợc Nguyên Sa gọi là “Văn chương trú ẩn”. Và ông khẳng định phải khước từ, phải biết nói không với nền văn chương đó. Nhưng nói không thì không có nghĩa là cực đoan, không phải là xoá bỏ tất cả, không phải lập dị.
Xem ra về điểm này, Nguyên Sa có ý chê trách gián tiếp những người của nhóm Sáng tạo muốn xoá sạch văn nghệ tiền chiến. Nhiều người hiểu lầm Nguyên Sa thuộc nhóm Sáng Tạo. Chắc là không phải. Đã thế, lúc đầu có thể Nguyên Sa còn bị nhóm Sáng Tạo “tránh né”. Đặc biệt là Thanh Tâm Tuyền. Bởi vì Thanh Tâm Tuyền có vẻ không ưa gi lối thơ lục bát của Nguyên Sa. Một chi tiết nữa là khi nhóm Sáng Tạo có tổ chức một buổi Hội thảo Văn Học bàn về thi ca do Thanh tâm Tuyền tổ chức. Người khách mời không thể thiếu được trong những buổi thảo luận này là thi sĩ Nguyên Sa..
Ông đã không có mặt vì không được mời. Sau này, tôi có hỏi thi sĩ Cung Trầm Tưởng có tham dự các buổi thảo luận này, cũng xác nhận là không có mặt Nguyên Sa.
Phần Nguyên Sa viết: “Tôi đã nói là một số các anh em (ám chỉ Sáng Tạo) đã nói không với tiền chiến. Nhưng thật ra tiếng nói ấy, lời phủ nhận đó mơ hồ lắm, chẳng có gì là rõ rệt cả. Chúng ta vẩn nói là ra đi và vẫn nằm yên trong nơi ở mùa đông đó. Chúng ta nói không mà vẫn có. Sự thể nó như thế này:
Văn nghệ những năm năm mười, sáu mươi đã cất tiếng, mà tôi gọi là ồn ào phủ nhận văn nghệ tiền chiến, nói lên ý muốn làm mới, làm khác tiền chiến. Vì ồn ào cho nên không rõ rệt. Ta hãy nghe kỹ lại những tiếng nói đó
Ông gọi chung sinh hoạt thập niên 60 là ồn ào. Cũng đúng chứ không phải sai.
Ồn ào lên tiếng phủ nhận cái này cái kia, ồn ào đề xướng lên đường, khai phá, sáng tạo. Nhưng phỏng đã làm được điều gì rõ rệt như một trường phái văn chương?, trường phái cách tân?
Nếu thời báo Sáng Tạo, với Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, họ đã biết nói không với tiền chiến. Nói không những với Huy Cận, Xuân Diệu, Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam..
Thì nay, những nhà văn cũng một lần nữa nói không với văn học trước 1963.
Cho nên sau 1963, thế giới truyện của các nhà văn là viết từ một hoàn cảnh như viết về đất nước, về chiến tranh, về thân phận nhược tiểu, da vàng, v.v... Và truyện của nhà văn sẽ viết từ những hoàn cảnh đất nước ấy. Cho nên nhân vật truyện lúc đó chỉ là phụ. Viết nhằm nêu lên một hoàn cảnh, một vấn đề. Viết như thế, tiểu thuyết trở thành tiểu thuyết có chủ để, nhằm nói lên một điều gì (roman à thèse).
Trong bài viết ngắn của Nguyên Sa như một tuyên ngôn Văn học với bài: Rời bỏ nền văn chương trú ẩn. Nội dung bài viết của Nguyên Sa khá minh bạch: thứ nhất, phê phán thứ văn chương, văn học, thi ca từ 1954 đến 1963. Ông đặt cho nó một cái tên là nền văn chương trú ẩn. Mà có thể chính ông cũng là thành viên của thứ văn chương đó. Gỉải nghĩa rạch ròi ra thì đó là thứ văn chương phòng trà, văn chương trà dư tửu hậu. Nếu nói cao hôn một tý nữa. Đó là thứ văn chương hiện sinh buồn, cô đơn, đi tìm hiểu xem cuiộc đời có đáng sống hay không đáng sống.
Tiếp đến là một chứng từ của Thế Nguyên. Ông cho rằng trong cuộc chiến tranh này, kẻ tội phạm là Mỹ. Vậy phải lên tiếng. Không lên tiếng, im lặng là đồng lõa. Ông đã dẫn chứng vở kịch Người đại diện Chúa của Rlof Hochhuth, trong đó một linh mục trẻ dòng tên đã khan khoản yêu cầu Giáo Hoàng Pio 12 phải lên tiếng tô cáo tội ác của Đức Quốc Xã phạm tội ác tàn sát những người Do Thái. Sự so sánh giữa chiến tranh Việt-Mỹ và việc diệt chủng của Hitler có điều gì giống nhau? Sự so sánh có thích hợp không? Đó là chuyện khác.
Chứng từ thứ hai của Thế Nguyên để mô tả khung cảnh tranh cử độc diễn của Liên danh Dân chủ độc diễn của TT Nguyễn Văn Thiệu. Phải nhận rằng, đó là một cuộc tranh cử buồn thiu đúng như tựa đề: Một đám rước buồn tênh.
Chúng tôi vui mừng và cảm động được đọc và giới thiệu lại những truyện ngắn đã được đăng trong Hành Trình, Đất nước, Trình bày. Có những tên tuổi có thể độc giả quen biết, nhưng có những tác giả mà tên tuổi hòan toàn xa lạ.
Dù quen hay xa lạ. Họ đều viết với tấm lòng. Đọc thấy xót xa, thấy buồn, thấy thông cảm, thấy ngơ ngẩn. Cả một thời chiến tranh, xáo trộn. Nhưng cũng cả một thời văn chương ấy.


Im lặng là đồng loã
Thế Nguyên
Đó là một ngày Chủ nhật buồn bã. Đường phố vắng như ngày 30 Tết. Giở tờ nhật báo ra chiều hôm qua, tôi đọc tin 2 tu sĩ Công giáo Việt-Mỹ, tất cả đều là linh mục, kéo nhau tới Tòa Khâm sứ với tấm biểu ngữ “Im lặng là đồng lõa với bạo quyền và tội ác” để trình một thỉnh nguyện thư nhờ chuyển lên Đức Giáo hoàng và Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới.Trong thỉnh nguyện thư này, 2 linh mục Việt-Mỹ đã công khai lên tiếng tố cáo thái độ im lặng đồng lõa của Giáo hội trước những mưu toan của Hoa Kỳ nhằm duy trì và kéo dài chiến tranh tại miền Nam Việt nam qua một cuộc bầu cử “ly kỳ” nhất thế giới.
Mẩu tin trên gợi lại cho tôi rất mau tới môt kịch bản của Rolf Hochhuth, vở Người đại diện Chúa, môt vở kịch mà vào những năm sáu mươi, tại Châu Âu đã tạo nên một sự ầm ĩ không một kịch bản nào có được từ sau Thế chiến. Vở Người đại diện Chúa được xây dựng với những chất liệu lịch sử là khung cảnh kinh hoàng của Âu châu vào những năm bốn mươi, và những cố gắng của một linh mục trẻ tuổi Dòng Tên trong việc thúc đẩy Giáo hoàng Pio XII lên tiếng tố cáo trước toàn thể thế giới những tội ác khủng khiếp của bọn phát-xít Đức quốc xã trong việc tàn sát những người Do thái.
Vở kịch này được in thành sách dầy trên 250 trang đã được tác giả kết thúc bằng hai lời khai. Lời khai thứ nhất nói rằng ngày 28 tháng Mười 1943, Von Weizsacker, đặc sứ của Hitler bên cạnh Tòa Thánh, đã viết điều này cho vị Tổng trưởng Ngoại giao Đức quốc xã ở Bá-Linh:
“Theo nguồn tin của chúng ta, mặc dù Giáo hoàng đã bị thúc đẩy từ nhiều phía, ngài đã không để bị lôi cuốn vào môt tuyên ngôn minh bạch nào chống lại việc lưu đầy của những người Do-thái. Mặc dù ngài phải xét tới sự kiện là thái độ này chắc hẳn sẽ bị những kẻ thù địch của chúng ta trách móc, nhưng ngài đã làm hết mọi sự trong vấn đề gai góc kia để không gây trầm trọng thêm cho những quan hệ giữa Tòa thánh với chính phủ Đức...”
Lời khai thứ hai phát biểu:
“Cũng vì thế mà những buồng hơi vẫn tiếp tục làm việc trong suốt một năm nữa. Chính trong mùa hè 1944 là lúc mà “số lượng hành thích mỗi ngày” như người ta thường gọi lúc đó, đạt tới một mức cao nhất. Ngày 26 tháng 11, Himmler đã cho nổ những lò thiêu người. Hai tháng sau, những tù nhân cuối cùng của trại tập trung Ayschwitz đã được giải phóng bởi các binh sĩ Nga”. (1)
Vở kịch của Hochhuth tôi đọc cách đây cũng đã khá lâu, dễ cũng đã cả sáu bảy năm, và nhớ là hồi ấy mình đã viết một bài báo khá dài về vở kịch này. Đó là lúc tôi còn tin rằng dầu sao thì đấy vẫn chỉ là kịch, mà kịch thì không hẳn là đời. Thật là một điều bất hạnh thay cho những ai, trong một lúc nào đó, chợt khám phá ra rằng, cuộc đời chẳng qua cũng chỉ là sự diễn lại của một vở kịch mà thôi !
(1) Le Vicaire, Rolf Hochhuth, bản Pháp văn của F. Martin và J. Amsler, Le Seuil, Paris 1963

Một đám rước buồn tênh
Nguyễn Nguyên
Buổi sáng Sài Gòn âm u giữa cơn bão rớt. Một ông cảnh sát công lộ cỡi xe máy dầu đi mở đường. Ông cảnh sát ngồi hiên ngang lẫm liệt, nhưng máy xe nổ không phải với cái tốc độ đi hộ tống một đám rước thần hay môt đám ma, mà khá mau, nghĩa là gần gần với tốc độ khi rược được bọn cướp giật hoăc xe của kẻ đi đường trái luật. Nối đuôi xe của ông cảnh sát là một cái honda, hai cái honda, rồi ba cái honda, bảy tám chín mười cái honda rồi một cái xe “lam”. Tổng cộng chừng sáu bảy xe lam và dăm chục honda. Tất cả chạy cùng tốc lực với xe máy dầu của ông cảnh sát. Tất cả cùng kéo theo môt hàng dọc để cho có vẻ dài dài. Trên mỗi xe “lam” ngồi lơ thơ vài ba người được bao phủ bởi bích chương của liên danh “Dân chủ” và cờ vàng ba sọc. Còn trên những honda thì từng cặp, từng cặp; kẻ ngồi phía sau thì từng nếu chẳng vác biển thì lại vác cờ. Phần nhiều là vác biển, những cái biển có dán bích chương. Cờ và biển, biển và cờ, những người lái xe cũng như những người vác biển vác cờ thuộc đủ loại lứa tuổi, đàn ông cũng có mà đàn bà cũng có. Họ ăn mặc không hẳn theo một lề lối. Kẻ thì quần áo kiểu “nhân dân tự vệ”, người thì trông tựa hồ như một công chức nghèo. Chẳng ai giống ai, nhưng vẻ mặt của họ thì rất giống nhau, ấy là cái vẻ công bộc không có vẻ gì hào hứng, ấy là những nụ cười ngượng nghịu gửi lại đám dân chúng lác đác đứng bên lề đường. Dân chúng từ nhà cửa hai bên đường nhìn theo, trong khi bầy trẻ nít ngẩn ngơ, ngơ ngẩn vì chưa nghe hết được bản nhạc “ta đi bỏ phiếu...” oang oang từ cái loa phóng thanh chở trên xe hơi nhà nước, chúng đã phải hoa mắt vì cái đầu lân múa mênh trên một chiếc cam-nhông. Có đến hai cái đầu lân hỳ hục múa mênh trên hai chiếc cam-nhông giữa những tiếng trống và tiếng thanh-la chập choạng. Cái đám rước ấy ruổi mau trước những con mắt lạnh lùng của người lớn và cái nhìn ngớ ngẩn của trẻ nít...
Viết đến đây tôi sực nhớ hồi còn nhỏ, học lớp nhất, một hôm thầy giáo ra bài luận bắt tả một đám rước thần ở trong làng. Làng tôi năm nào cũng mở hội đền bà chúa Liễu, rước thần linh đình. Trúng tủ. Tôi mải miết tả anh đĩ Hĩm vác cây cờ đuôi nheo bước đi dềnh dàng. Bác xã Toe cầm cái biển “Thượng đẳng” nét mặt trang nghiêm trịnh trọng... Cố hết sức rút ngắn mà bài luận văn đặc hai trang giấy khổ lớn. Thầy giáo cho là tạm được nhưng khổ nỗi hơi rườm. Cái được hơn hết của bài luận mà thầy giáo khen là câu kết. Tôi đã viết câu kết với cái cảm tưởng chân thực, rằng: “Đám rước kéo dài, tuy đã đi qua đầu ngõ mà tôi vẫn còn muốn chạy theo những cờ những biển, lòng vẫn náo nức với những tiếng kèn, tiếng sáo, tiếng trống, tiếng chiêng.”
Tôi muốn viết dài dài môt chút, nhưng cây bút sao quá nặng nề khiến tôi không sao vẽ vời được để có thể kéo dài. Tôi đã nghiền ngẫm cả giờ lâu về câu kết, nhưng nghĩ nát cả óc mà vẫn chẳng sao tìm ra được một câu kết sáng giá cho cái đám diễn hành, cái đám rước buồn tênh...

______________

Diện mạo văn hóa, văn học Miền Nam

Những năm 1954, đối với nhiều người-cả miền Bắc lẫn miền Nam- chắc hẳn là một hồi ức khó quên. Miền Nam lúc bấy giờ đã rộng tay mở một sinh lộ cho những thân phận tối tăm nhờ đó có cơ may tìm lại được cuộc sống con người. Những người di cư năm 1954 đa phần đều là dân quê ít học nên xa lạ với những vấn đề chính trị, vấn đề ý thức hệ hay chủ nghĩa. Vậy mà họ là nhân tố chính của cuộc di cư này. Sự thành tựu của cuộc di cư chẳng những về mặt chính trị, xã hội an sinh, kinh tế như một phép lạ Hy Lạp mà còn phải nhờ vào lòng quyết tâm của đôi chân họ. Sự quyết tâm ấy thể hiện nơi một thanh niên mệt mỏi kiệt sức sau chuyến vượt thoát nằm ngủ mê man, nhưng tay vẫn nắm chặt cây Thánh giá đặt trên ngực. Và một bức ảnh gây ấn tượng nhất trong cuộc di cư: đó là hình ảnh một người tàn tật bước lên tầu bằng hai tay với lời ghi chú: Để có tự do thì dù đi bằng tay vào Nam vẫn cứ đi.
50 năm Bắc Kỳ di cư, 1954-2004, trang 70
Hai triệu đôi chân trần, phần lớn chưa hề biết xỏ vào đôi giầy, đôi dép. Phần nhỏ là nhửng tiểu thư, trai gái Hà Nội. Họ đã làm thay đổi hẳn diện mạo của miền Nam về mặt văn hóa và con người sau này. Nghĩ lại phải thấy đó là điều may mắn và kỳ diệu. May mắn dĩ nhiên cho kẻ mới tới mà cho cả người tại chỗ. Và cho đến năm 1975, biên giới khác biệt giữa các miền về mọi mặt đã nhoà đi. Nó chỉ còn là Một. Một miền Nam-.
Nhớ lại, lúc bấy giờ trong một tình thế chính trị bất ổn, nhiều phe phái, nhiều khuynh hướng trái chiều, nhiều áp lực ngoại quốc từ nhiều phía, lòng người còn bất định chia rẽ.. Đó là một tình thế xã hội, chính trị, tính địa phương cực đoan vậy mà nó lại có cơ may tạo thành những nhân tố tích cực cho một miền Nam đầy triển vọng như một miền đất hứa sau này.
Do những hoàn cảnh Địa-Chính trị(géo-politique) cực đoan trái chiều, thật khó tin là 1954 lại là cơ may miền Nam lại thừa hưởng một không khí văn hóa, văn học mở rộng chưa từng có- Như gió bốn phương- của nhiều dòng văn học chính thống cũng như không chính thống.
Bài viết này nhằm trình bày lại sự hội nhập văn hóa của bốn dòng chảy đó. Bốn dòng chảy đó bao gồm : Văn hóa bản địa miền Nam. Văn Hóa từ Bắc du nhập vào sau cuộc di cừ từ 1954. Văn hóa du nhập từ phương Tây do các trí thức 99% du học chọn về Miền Nam thay vì về miền Bắc. Và cuối cùng không kém phần quan trọng là dòng văn học vắng mặt .. Xử dụng cụm từ này, tôi muốn nhắc nhở đến phần đông giới văn nghệ sĩ còn ở lại miền Bắc bị đảng cộng sản dẹp bỏ, loại trừ thì ngược lại họ được đón nhận bằng cả hai tay ở miền Nam.
Tất cả đã làm nên sự đa dạng, sự phong phú và tính tự do và nhân bản của miền Nam VN trước 1975..
Việc tìm hiểu này dĩ nhiên không thể nào chỉ bó chặt vào phạm vi văn học, văn hóa. Nhưng còn cần tìm hiểu các vấn đề trên liên quan đến vấn đề ngữ học, xã hội học, địa lý thiên nhiên và địa lý nhân văn cũng như tôn giáo, triết học. Đó là một tìm hiểu có tính cách liên ngành (interdisciplinaire) và nhờ đó hiểu được dòng giao lưu văn hóa giữa hai miền Nam-Bắc cũng như với văn hóa du nhập từ Tây Phương chảy về.

Phần một: Dòng chính thống bản địa
Trước khi có sự hội nhập các dòng văn hóa, văn học các nơi đổ về miền Nam thì miền Nam đã hình thành một dòng văn hóa, văn học bản địa xử dụng chữ quốc ngữ, vốn đã có mặt, ít lắm cũng trên trăm năm rồi.
Theo tài liệu của văn khố Pháp để lại cho thấy ở Nam Bộ các vị đề đốc, thống đốc, giám đốc nội vụ đã áp dụng triệt đề việc cưỡng bách dừng chữ Quốc Ngữ qua các Nghị định còn để lại từ năm 1869, ký tên lần lượt các ông G.Ohier, Béliard, Le Myre de Vilers, Lafontvv..Việc cưỡng bách thi hành ấy được dùng trong các thông tư, thông cáo trong hành chánh. Làng nào viết được những công văn bằng Quốc ngữ sẽ được thưởng. Công chức, nhân viên biết xử dụng tiếng Annam được thưởng.
Nó còn còn áp dụng cho các kỳ thi trong học chánh, trong việc cho xuất bản báo như tờ Gia Định báo. Tờ Gia Định báo được tài trợ dưới quyền ông Potteau và đương sự được nhận lãnh thêm 1200 quan nột năm.
(Nguyễn Văn Trung, Chữ, Văn Quốc Ngữ, thời kỳ đầu Pháp thuộc, trang 25-47).
Và người Pháp Pháp phải mất bốn năm để hỗ trợ chính sách này trên toàn cõi Nam Kỳ…
Thật ra đây chỉ là một giải pháp chính trị nhằm loại trừ ảnh hưởng của người Tàu trên các thành phần Nho sĩ còn sót lại và thực hiện chính sách trực trị và đồng hóa. Người Pháp hiểu rõ về sự cần thiết phải loại bỏ ảnh hưởng văn hóa của người Tàu và mối lo ngại ấy là có thực. Vào năm 1905, người Tàu đã đào tạo một cách bài bản một đội quân với hơn 200.000. 200.000 binh sĩ dưới cờ này đã do các sĩ quan Nhật huấn luyện.
Binh đội này trở thành một mối đe dọa cho láng giềng phương Nam.
(Xem Annam et Indochine Francais: Esquisse de l’histoire Annamite II. Rôle de la France en Indochine trang 161-164).
Giải pháp chính trị của người Pháp lại có tác dụng ngược lại là nhờ chữ Quốc Ngữ đã tạo dựng nên một nền văn học chữ Quốc ngữ ở Nam Kỳ thay thế cho chữ Nho và ảnh hưởng cùa người Tàu..
Về điểm này, Nam Kỳ đã đi trước Bắc kỳ một bước về sự phát triển báo chí và số người đọc được chữ quốc ngữ. Số người mù chữ có lẽ ở miền Bắc nhiều hơn miền Nam. Sau 1954, người ta còn thấy những bác đạp xe xích lô, ngồi gác chân thoải mái đọc « Bà Bút Trà » trong khi chờ khách. Phải có tiền mới mua báo được. Và phải biết chữ mới đọc được báo. Cả hai yếu tố đó miền Nam trội hơn miền Bắc một bực.
Tuy nhiên, ảnh hưởng văn hóa của người Pháp chĩ giới hạn ở một số thị dân giàu có ở Sài gòn và một vài thành phố lớn.
Nửa thế kỷ đô hộ của người Pháp chưa đủ độ chín mùi. Nó còn thiếu một chất xúc tác để chan hòa vào nếp sống bản địa. Đa số dân Nam Bộ vẫn sống nếp sống dân giã từ bao đời nay để lại. Chẳng những thế, nó chia ra hai bộ mặt xã hội trái chiều: một bên là nếp sống của đám dân thị thành-nếp sống theo Tây Phương-. Bên kia là nếp sống của người dân vùng lục châu đặm cá tính miền. Và chính nếp sống nảy làm nên cá tính của miền Nam tử giọng nói, cách ăn mặc, cách sinh hoạt làm ăn đến nếp sống văn hóa tín ngưỡng. Nó giàn dị mà thực tiễn, nó vượt khỏi khuôn khổ mẫu mực, nhưng vẫn có một khuôn mẫu cấu trúc đặc sản của người đất vùng đất mới.
Và đây là những nét đẹp văn hóa đặc thù, khởi sắc của con người vùng đất mới.
Vì thế, văn học, văn hóa với chữ Quốc Ngữ của vùng đất mới mang tính thực dụng nên còn sơ sài, còn nhiều mảnh đất hoang chưa khai phá về mặt thi ca, tiểu thuyết, kịch nghệ. Nó chưa tinh luyện, chưa đạt tính nghệ thuật cao. Nó không có cơ hội cọ sát, giao lưu với dòng chảy chính cho ngang tầm với người ta-. Người ta đây là phía Bắc.
Cùng lắm chỉ có một thứ văn hóa được gọi một cách thân thương quen thuộc là văn hóa miệt vườn hay vùng Lục Châu(chữ dùng của Nguyễn Văn Trung), đủ dùng cho nhu cầu trao đổi, giải trí cho bản địa.
Vì thế, nhiều người đã võ đoán vội vã, nhiều người chế nhạo chữ nghĩa miền Nam chưa đầy một cái cái lá đa!!
Nhận xét đó cũng có phần đúng. Miền Bắc dù không chịu trực tiếp sự cai trị của người Pháp xem ra lại tiếp thu khá nhanh về văn hóa Pháp.
Sự hội nhập nhanh hay chóng tạo ra cái tâm lý so đo hơn kém, cao hay thấp- do mặc cảm tự tôn cũng có, do truyển thống thi cử tồn tích từ trước một phần, do vị trí địa lý trước đây coi Hà Nội là vùng trung tâm cũng có.
Từ đó, phía Bắc vẫn tự xếp mình vào vị trí ưu tiên về văn hóa, văn học ngay từ trước khi người Pháp có mặt.
Và một điều trớ trêu là ngay người dân miền Nam cũng tự nhận thế yếu của mình về văn học. Người đầu tiên nhận ra cái thế yếu về văn học giữa hai miền lại là một người miền Nam. Ông Đông Hồ Lâm Tấn Phác, người gốc Hà Tiên, gốc gác truyền đời của họ Mạc. họ Lâm từ di dân bên Tầu sang nước ta từ thế kỷ XVII. Ông là người người miền Nam đầu tiên có thơ đăng trên Nam Phong, ở miền Bắc lúc mới 20 tuổi.
Vì thế, ông quá hãnh diện và coi việc đó như một đặc sủng. Ông cho rằng cần học hỏi văn học xứ Bắc, thống nhất ngôn ngữ- một thứ ngôn ngữ xứ Bắc bóng bảy, trau chuốt, du dương, ý nhị và trang trọng- thay cho ngôn ngữ Nam Kỳ giọng thẳng đuột, tự nhiên lại còn hơi thô của các cây bút Nam Kỳ mà tiêu biểu là Hồ Biểu Chánh.
Hồ Biểu Chánh trở thành nạn nhân của những thành kiến văn học kể từ đó đến nay!!! Vị tất ngày nay đã hết!!!
Nguyễn Hiến Lê viết lại về giai thoại về Đông hồ như sau:
“Đọc những sách báo quốc ngữ miền Nam xuất bản khoảng từ 1900 đến 1920, chúng ta thấy có một lối viết lỏng lẻo, hời hợt, mất hẳn văn hóa cố hữu, tế nhị, cổ truyền của hai miền Trung Bắc.
Mãi cho đến sau thế chiến thứ nhất 1914-1918, nhờ cuộc giao thông tiện lợi, phong trào sách báo ở Hà Nội truyền được vào Nam, tình trạng bế tắc này mới thay đổ. Bắt đầu là Nam Phong tạp chí ( 1917-1934) rồi đến Phong Hóa, Ngày Nay ở Hà Nội (1932-1940 báo Tiếng Dân ở Huế ( 1927)…
(Nguyễn Hiến Lê, Mười câu chuyện văn chương, nxb Văn Nghệ, trang 99).
Sau này, nhiều người miền Nam coi Đông Hồ như một thứ con hoang của Nam Kỳ. Vương Hồng Sển- một người miền Nam tiêu biểu nhất về sự hòa trộn sắc tộc- Ông mang ba dòng máu trong người là Việt, Tàu và Campuchia. Ông cũng mang trong mình ngoài dòng máu còn tính chất Nam Bộ đặc sệt trong chữ nghĩa của ông và thường gọi đùa ông Đông Hồ Câu chuyện Đông Hồ: "Đông Hồ là nhà văn Bắc Kỳ".
Nguyễn Văn Trung cũng trích dẫn những bài báo của Đông Hồ đăng vào năm 1935 như sau:
Đông Hồ đã lên tiếng về việc phát âm và việc xử dụng hỏi ngã không đúng của các nhà văn Nam Bộ. Ông viết trong báo “ Sống” của ông, số 19, Mars 1935 về Dấu hỏi dấu ngã như sau:
“Báo chí in trong Nam mà in được dấu hỏi, dấu ngã là một sự rất khó khăn. Chúng tôi hết sức thu xếp với nhà in và nhiều công phu xem xét để từ đây báo “Sống” cũng in được đúng dấu hỏi dấu ngã như ở Bắc”.
Đặc biệt Đông Hồ không ưa văn của Hồ Biểu Chánh đến độ không chịu được. Ông thú nhận đọc Hồ Biểu Chánh phải nhận là ông tả đúng đời sống xã hội của Nam Kỳ lục tỉnh… nhưng “đọc thì cũng đọc”, thích thì cũng thích, duy chúng tôi cứ không chịu được lời văn viết trơ tru thẳng tuột hời hợt của ông.
Ông viết tiếp:
“Thời kỳ đó, theo quan niệm của chúng tôi viết là làm văn chương mà văn chương thì phải sửa sang gọt dũa, phải điêu luyện chải chuốt. Đâu là tả thực đâu là tả chân, câu văn cũng phải xếp đặt lại hơn ngôn ngữ thường dân. Tối thiểu phải có một kỹ thuật… Tôi không chịu được văn chương Hồ Biểu Chánh.. Như tôi bây giờ vẫn không chịu nổi văn chương hát cải lương với văn chương của những tiểu thuyết “chưởng” hiện đang thịnh hành”. (Lục Châu học , Nguyễn Văn Trung, chương đầu, Một mảng văn học bị bỏ quên)

Những nhận xét của Đông Hồ ngày nay cho thấy tính “nông cạn” của ông. Cái hay bản sắc của mình thì chối từ, đi nhận vơ vay mượn cái hay của người. Phải đợi đến Lê Xuyên với Chú Tư Cầu, sau này bản thân người viết bài này mới nhận thức thấm thía được cái ngôn ngữ Nam Bộ nó hay như thế nào!!!
Phải chăng vì thế mảnh đất trống văn học Nam Bộ sau này đã được bổ sung bởi một số nhà văn, nhà báo từ miền Bắc vào tăng cường gồm những “ mũi nhọn” suất sắc như Tản Đà, Ngô Tất Tố, Phan Khôi, Đào Trinh Nhất, Bùi Thế Mỹ, Thiếu Sơn .. Đặc biệt Phan Khôi đã trong nhiều năm trời đã làm mưa làm gió với những bài viết phê bình đủ loại của ông trên Phụ Nữ Tân Văn. Phải coi đây là sự hội nhập, tiếp xúc đầu tiên giửa hai miền.
Và thừa nhận rằng đây là những sứ giả văn hóa đầu tiên từ Bắc được gửi vào.
Tuy nhiên cây khế ngọt miền Bắc trồng ở trong Nam vị tất đã ngọt. Và cây vú sữa miền Nam mang ra tặng “Bác”, bác chăm bón, tưới mỗi ngày mà cây vú sữa cứ thế mà còi cọp, teo dần nay không còn ai nhắc tới nữa.
Phải chăng văn hóa nhập cảng rất dễ bị rơi vào tình trạng bị dư thừa - không được đón nhận - (Unwanted) nếu không khéo chọn?
Vậy mà nay -1954- trong phút chốc lịch sử, miền Nam đang phải chuẩn bị đối đầu chờ đón một đội ngũ hàng loạt những văn nghệ sĩ đến từ phương Bắc. Cái khó chịu phải nhường đất đai, chia xẻ cơm áo để sống chung đã dành. Sự khó chịu, bất nhẫn có thể do sự khác biệt về lối sống, lối nghĩ, tiếng nói như những kẻ xa lạ.
Đó là sự phân biệt Nam-Bắc khó tránh khỏi.
Cứ xét bề ngoài, đa số những người miền Bắc lúc bấy giờ trông quê mùa, chất phác, sùng đạo, vận áo nâu, răng thì nhuộm đen, chân thì đi đất-ngón chân cái và chân chỏ xẻ ra để bám chặt trên đất bùn trơn trượt, răng thường hô ra ngoài và chưa bao giờ biết đánh răng bằng bàn chải, chưa bao giờ biết đến bánh mì, kẹo tây, xà phòng. Phụ nữ thì chít khăn mỏ quạ như phụ nữ Hồi giáo - xa lạ, ngơ ngác, quê mùa - so với người dân miền Nam mặc áo đen, hoặc bà ba rộng thong thả ngồi trên xe thổ mộ hay xe máy ba bánh chạy như bay trên đường phố Sài Gòn.
Cả một sự khác biệt về mầu đen - mầu nâu, về tiếng nói, về y phục. Và sự khác biệt lớn nhất là sự giàu và ngèo.
Cho nên trong công việc hội nhập, trăm ngàn khó khăn, khổ đau không thiếu các uẩn khúc, sự tị hiềm, sự hiểu lầm, ngôn ngữ xa lạ va chạm khó tránh nổi của cái mà ngày nay ta gọi là những cú sốc văn hóa.(Choc culturel). Sốc cho cả hai bên. Sốc cho kẻ phải đón nhận và sốc cho kẻ mới tới.
Kẻ đón nhận thì khó chịu, kẻ mới tới thì ngỡ ngàng.
Mặc dầu vậy, nhiều người di cư từ miền Bắc sau này vẫn coi mảnh đất miền Nam là miền đất hứa, coi là quê hương của mình. Miền đất ấy tóm gọn trong một vài chữ là: chỗ nào cũng có, chỗ nào cũng thừa, gần như ăn thật làm chơi, tự nhiên người dân nghèo miền Bắc trở thành trung nông mà mỗi gia đình được tặng không ba mẫu đất.
Chỗ nào cũng hứa hẹn một ngày mai tươi đẹp. Đó là cái thừa của miền Nam, cái thiếu của miền Nam nó nằm ở chỗ khác.
Chính cái thừa, cái thiếu này đã gây ra biết bao sự tranh luận!
Tuy nhiên không mấy ai lưu tâm đến một thiểu số những thanh niên, thiếu nữ, gốc gác Hà Nội đã đem theo họ những tinh hoa đất Bắc làm đẹp miền Nam..
- Thứ nhất là tiếng Bắc Hà Nội - được gọi lạ giọng nói Hà Nội đã trở thành iếng nói chuẩn trên các đài phát thanh và truyền hình sau này. Các xướng ngôn viên, các ca sĩ bất kể là giọng Nam hay Huế bắt chước nói tiếng Bắc. Các giáo sư dạy trung học người Bắc được trọng dụng hơn vì giọng Bắc. Và một số nhà văn miền Bắc viết trong các nhóm Sáng Tạo, Hiện Đại, thế kỷ 20 sau này được nhiều giới trẻ ưa đọc.
Tuy nhiên sự Hội nhập thường hai chiều. Chiều nhận và chiều thải loại. Giọng Bắc được ưa chuộng. Nhưng một số lớn từ thông dụng, các tiếng xưng hô theo chức tước, danh phận, các lối nói láy, nói mát, nói bóng nói gió, các câu chửi đủ loại có vần điệu, hầu như biến mất khi vào miền Nam. Tôi đã viết một bài tham khảo nhan đề: Cuộc di cư chữ nghĩa của miền Bắc để phân tích hiện tượng văn hóa, xã hội này. (Nguyễn Văn Lục, Lịch sử còn đó, trang 105)
- Thứ hai cách ăn mặc của Hà Nội- nhất là áo dài của tiểu thư Hà Nội- đã có một ảnh hưởng toàn diện trên toàn thể miền Nam sau này. Miền Nam đẹp, tươi sáng, mát mẻ với những tà áo trắng nữ sinh trên khắp miền đất nước... là thứ văn hóa kế thừa, nhập cảng từ đất Bắc. Áo bà ba, quấn ống loe, rộng của người Miền Nam chui đầu vào cũng lọt, chỉ còn thấy xuất hiện ỡ người dân ở dưới ruộng. Nhưng ngược lại mầu nâu của người miền Bắc cũng tuyệt chủng, vì trong Nam chắc không có củ nâu để nhuộm. Răng đen cũng biến mất. Khăn mỏ quạ hay chít khăn cũng dần bị thay thế.
(20 năm tuổi trẻ miền Nam, trên dcvonline.net Nguyễn Văn Lục)
- Thứ ba, tinh thần chịu đựng, sự chăm chỉ học hành cũng như làm ăn đã là chất kích dộng thanh niên thiếu nữ miền Nam cố gắng chăm học, tranh đua với đời.
Đó là ba nhân tố tích cực trong sự giao lưu giữa hai miền Nam-Bắc.


Vùng đất Nam Bộ bị bỏ qua hoặc bị bỏ quên
Đó là ngữ từ được Nguyễn Văn Trung dùng khi ông viết cuốn Lục Châu Học, một cuốn sách xử dụng nhiều tài liệu để biện minh và phục hoạt lại dòng Văn học vùng đất mới.
Công việc phục hoạt này là chính đáng bởi vì từ nhiều năm, nhiều thế hệ nhà văn có tiếng tăm vẫn có thói quen dễ dãi không nhìn ra được cái cá tính, cái đặc sản của văn học, văn hóa của miền Nam.
Ngay bản thân người viết bài này, sau 1954 thường không đọc tờ báo Sài Gòn Mới của bà Bút Trà, không đọc truyện của nhà văn Hồ Biểu Chánh, không đậm đà với hát Cải Lương, đi coi Hát Bội thì chỉ thấy như phường tuồng của Tàu, la hét om sòm, ăn mặc, bôi vẽ mặt quá lố…
Sự ngộ nhận ấy bắt đầu bằng việc các trí thức miền Bắc cho rằng: Truyện ngắn và tiểu thuyết xuất hiện sớm nhất ở miền Bắc.
Vũ Ngọc Phan cho rằng Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách là cuốn tiểu thuyết đầu tiên. Ông viết:
“Bởi thế cho nên Tố Tâm là quyển tiểu thuyết đầu tiên được mọi người chú ý đến một cách đặc biệt, và như thế, ta phãi nhận là dư luận cũng nhiều lúc công minh”.
Vũ Ngọc Phan, Nhà Văn Hiện đại, trang 141
Còn truyện ngắn thì dành vinh dự ấy cho Phạm Duy Tốn:
“Nói về truyện ngắn viết theo lối Âu Tây, Vũ Ngọc Phan cũng khẳng định Phạm Duy Tốn là người đi trước nhất…” (Vũ Ngọc Phan, Ibid, trang 176).
Nói chung, dư luận miền Bắc đánh giá cao vai trò của Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh đối với quốc văn và học thuật..
Nhưng ông Nguyễn Văn Trung đã đặt ngược vấn đề bằng cách đưa ra bằng chứng là trong Nam có truyện ngắn xuất hiện sớm nhất ngay từ năm 1887. Truyện có nhan đề: Truyện thầy Lazarô Phiền của JP.J.B. Nguyễn Trọng Quản. Truyện in thành một cuốn sách không phải đăng trên báo .. Cuốn sách được ghi là tại Libraire-éditeur, rue Catinat, 1887( do nhà bán sách và xuất bản J.Linage, đường Catinat, 1887.
Tôi phải viết ra điều này, vị nhiều vị làm nghiên cứu từ miền Bắc vào không đủ điều kiện tra cứu tài liệu miền Nam đã tự nhận họ có tác phẩm đó trong tay và viết bài phê bình.. Đây là một điều rất đáng tiếc không thích hợp cho tư cách lương thiện trí thức của người làm công việc nghiên cứu.
Như thế, công bằng mà nói, Vùng Lục Châu thì từ bao giờ đến nay, nó vốn có sẵn một dòng văn học bản địa vốn tự nó có sắc thái riêng- sắc thái miền-. Họ tự hào gọi cái sắc thái đó là cá tính miền Nam.
Cái vấn đề là một bên đặt nặng cán cân phê phán trên tính chất văn học, một bên đặt nặng đến cá tinh văn học. Sau này, tôi mới nhận thức được cái đúng cái sai khi tiếp xúc với nhiều sắc thái miền của các chủng tộc trên thế giới. Khi học Nhân Chủng học, tôi mới nhận thức được rằng cá tính văn học ở trên và ở rất cao so với cá tính văn học. Và nói một cách công bằng thì không thể mang sự cao thấp ra để so sánh hoặc đánh giá cao thấp..
Có điều gì cho phép người ta đánh giá thấp các văn hóa các dân thiểu số so với các chủng tộc được coi là văn minh? Phải nhìn nhận có nhiều văn hóa và nhìn nhận sự đa tạp và tính chất bản địa của mỗi nền văn hóa ấy. Ngày nay ai mà còn cho rằng văn hóa Tây Phương “cao hơn” văn hóa Đông Phương thì họa là điên rồ.
Và đề xuất ra một nguyên tắc bất di bất dịch cần thiết nhất: Đó là tinh thần biết tôn trọng cái cá biệt, cái địa phương tính và từ đó mới cảm thức và nhận ra vô vàn cái đẹp của văn hóa và văn học.
Và về mặt Nhân chủng học, cái văn minh miệt vườn đó đã bao lần trở thành lời mời gọi quyến rũ, thúc dục người ta cuốn gói ra đi tìm một bình minh mới cho tương lai mình và con cháu mình.
Đã gọi là cá tính thì không ai giống ai và sự khác biệt là chính.
Trong số những tác giả coi nhẹ giá trị văn học của miền Nam cách này cách khác có những tên tuổi lớn như các cụ: cụ Dương Quảng Hàm, Trần Trọng Kim, Vũ Ngọc Phan, Đào Đăng Vỹ. Đặc biệt Phạm Duy Tốn, ( thân Phụ Phạm Duy), tác giả truyện ngắn: Sống chết mặc bay chê dân Nam Kỳ không có văn minh.
Lời chê trách này gây nên một làn sóng phẫn nộ và một số tác giả đã lên tiếng phản bác: Thế nào là Văn Minh như quý ông Lương Khắc Ninh, Trương Duy Toản, Nguyễn Kim Đính, Trần Chánh Chiếu, Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn Ngọc Ân..
Hầu như cả Sài gòn- lục tỉnh chỗ nào cũng bàn chuyện ông Tốn.
Chưa cần bàn đến nội dung, đến giá trị văn học. Sự phê phán, nhận xét của văn giới Bắc Kỳ kể lá quá quắt lắm nên tờ Nông Cổ Mín đàm đã phải lên tiếng vào ngày 26-6-1919 như sau:
- Xưa rầy bổn báo thường xem báo giới Bắc Kỳ thấy luận nhiều bài thiệt là khinh bỉ Nam Kỳ thái quá; như Trung Bắc Tân Văn bàn luận về quốc văn thì cho văn Nam Kỳ là hát bội; còn Nam Phong bài của M. Phạm Quỳnh, Một tháng ở Nam Kỳ thì cho người Nam Kỳ có lượng mà không có phẩm; người Nam Kỳ những nhà giàu có phần đông toàn là ngu ngốc cả ..
Và lời nhận xét được coi là chuẩn mực nhất là của Phạm Quỳnh với một lời lẽ trịch thượng cho rằng:
- Trí thức Nam Kỳ mất gốc: Dự tiệc thấy có người vào dân Tây nói toản tiếng Tây. Như thế cho thấy các bậc thượng lưu trong Nam Kỳ không còn chút gì là cái phong thể Annam nữa.
- Sinh hoạt văn hóa nhiều về lượng, nhưng kém về phẩm” Kể đến báo ở Nam Kỳ thì nhiều hơn báo Trung, Bắc Kỳ về cái lượng, nhưng còn cái phẩm có được xứng đáng với cái phẩm hay không?
- Về sách thì cái tệ dịch sách của Tàu.. (..) Thứ nhất là các bản dịch cũ của tàu như Tam Quốc, Thủy Hử, Chinh Đông chinh Tây, Đông Châu, Phong thần…Những chuyện Tàu tự tám mươi đời, triều ấy văn chương đã chẳng ra gì mà truyện thì toàn những chuyện huyền hoặc, quái đản, của mấy bác cuogn62 nho bên Tàu đời xưa ngồi không bịa đạt ra để khoái trá những bọn hạ lưu vô học. Thế mà dịch nhiều như vậy, thịnh hành như vậy, nghĩ cũng khả kính thay..
Áy là các tệ tiểu thuyết cũ dịch của Tàu. Đến cái tệ của phần nhiều các tiểu thuyết mới ngày naym thì lại thậm hơn nữa, vì cách đ0ặt để đủ lảm cho bại hoại đủ làm cho bại hoại phong tục, điên đảo luân thường vậy. Tôi biết có bộ cực là dâm bôn mà lại rất là thịnh hành trong phụ nữ coi đó thì thì biết cái hại sâu đến chừng nào.
(Nguyễn Van Trung, Lục Châu Học, chương mở đầu)
Cả một thế hệ văn học, cả một lô “ đỉnh cao trí tuệ” cũng rập theo một luận điệu lối mòn, chủ quan, hời hợt… Nói gì bây giờ. Nhưng qua kinh nghiêm này, tôi trở thành người viết “ dặt lại vấn đề” về mọi lãnh vực từ triết học, văn học, nhất là sử học và chính trị. Tôi thú nhận đốn ngã nhiều cây cổ thụ trong rừng và trở thành người viết ngược dòng..gây nhiều ân oán..
Đó là nỗi thiệt thòi của kẻ hậu sinh muốn đi tìm sự thật
Việc bỏ quên hay bỏ qua có một nền văn học ở miền Nam kể ra cũng khó trách, bởi vì đôi khi chính dân miền Nam cũng tự nhận mình như thế.  Hãy nghe ông Phan Văn Hùm trong bài Văn miếu ở Nam Kỳ viết về giới trí thức miền Nam.
“Dưới triều Nguyễn ở Nam Kỳ có đỗ đạt chỉ lưa thưa vài bốn tiến sĩ mà Phan Thanh Giản là được sự nghiệp hiển hách hơn cả.. Rồi trường cao đẳng, rồi trường cao học, rồi trường đại học, lần hồi thiết lập đề ở cả tại Hà Thành. Người đỗ cao ở bên Pháp về như các ông Ngụy Như Kô Tum, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Văn Nguyên, Ngô Đình Nhu… cho đến văn thi sĩ, ngệ sĩ sau buổi ra trường cao tiểu học hoặc trung học, cũng không phải ở Nam Kỳ mà có. Tôi muốn nói vô duyên với sự học thời kim như thời cổ”. (Tạp chí Tri Tân, số 144, ngày 01-05-1944)
(Nguyễn Van Trung, Lục Châu Học, chương mở đầu)
Không biết cụ Phan Văn Hùm nghĩ thế nào về trí thức chứ bản thân cụ cũng có bằng cao học triết học- Diplôme d’Études Suprieures de philosophie- nào có thua kém ai. Và nếu hiểu trí thức là người dấn thân nhập cuộc tranh đấu thì đất Nam Kỳ thiếu gì. Đó là những Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh, Trần Văn Thạch, Hồ Hữu Tường, Lê Bá Cang, Trần Văn Chiêu, Phạm Ngọc Thạch, Hồ Văn Ngà, Phan Văn Chánh, Huỳnh Văn Phương, Trần Văn Sĩ, Đào Hưng Long, Lư Sanh Hạnh, Nguyễn Văn Lịnh,, Lương Đức Thiệp, Lý Vĩnh Khuôn, Lê Quang Lương, Nguyễn Văn Quá, Nguyễn Văn Tiền vào các thập niên 1930-1935..
Những thiên kiến đối với văn học miền Nam còn được tiếp sức bởi những nhà phê bình khác như Phan Khôi, Thiếu Sơn, Lê Văn Siêu. Sau này có thêm Phạm Thế Ngũ và luật sư Trần Thanh Hiệp của nhóm sáng Tạo. Trong số trên, Phan Khôi là cây bút tranh luận đanh thép nhất, trận địa nào cũng có mặt ông đi hàng đầu, nhất là về vấn đề văn học và phụ nữ.
Phan Khôi trong Phụ nữ Tân Văn số 32 viết: Vấn đề viết chữ Quốc ngữ cho đúng”. Có chỗ ông khuyên các cô kén chồng là: hễ các cậu nào viết chữ Quốc ngữ không đúng thì không lấy. Và ông cũng không ngần ngại đem mấy ông cố đạo, các ông Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của ra mà kết án… Còn gì bất công hơn mang Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của- những người thợ nề xây dựng cái nền nhà miền Nam lúc khởi đầu ra mà phê phán-.
Sau 1955, trong một bài nói chuyện tại Câu lạc bộ Văn Hóa đường Tự Do nhan đề “Viễn tượng văn nghệ miền Nam", ngày 12-8-1960 , ông Hiệp khẳng định "Văn nghệ miền Nam không có quá khứ..."
Ông Nguyễn Phủ đã phản biện lại bài viết của ông Trần Thanh Hiệp đăng trên tạp chí Bách Khoa như sau: số 88 ngày 1-9-1960.
Lời tuyên bố của ông Trần Thanh Hiệp gián tiếp phủ nhận văn học cổ truyền miền Nam, cô lập và tách rời miền Nam ra khỏi dòng văn học nói chung một cách nông nổi và vô bằng. Không có quá khứ là điều đáng tiếc, nhưng có may mắn là tiến mau lẹ”.
(Bách Khoa, số 88 ngày 1-9-1960, trang 96-99).

Câu chuyện phê phán văn học miền Nam tưởng rằng là văn học, nhưng thực chất là là vấn đề Nam-Bắc. Sự đố kỵ giữa hai miền là một thực trạng thường trực, có lúc đậm, lúc nhạt, lúc công khai, lúc âm ỉ.
Nhờ có cuộc hội nhập của các dòng văn học từ miền Bắc, hoặc từ các nước Tây Phương mà sự ngộ nhận dần dần được khai thông..
Nhưng kể từ sau 1954, khi có sự va chạm giữa hai nền văn học cho thấy Văn học miền Nam đã tự khẳng định bản chất văn học miền Nam như thế nào. Dòng Văn Học bản địa miền đất mới được xây dựng dựa trên địa lý thiên nhiên, địa lý nhân văn và hoàn cảnh chính trị, xã hội thời bấy giờ

Về địa lý thiên nhiên
Trong một bài viết của tôi nhan đề Sông nước với con người, tôi cho rằng miền Nam có thể có một nền văn minh sông nước( Civilisation de l’eau) chăng? Nước phải chăng là một tiền đề cho sự xác lập một nền văn hóa mà sau này Sơn Nam gọi là Văn minh sông Rạch ?
Người Pháp khi đặt chân lên đất Nam Kỳ có lẽ hơn ai hết đã nhận thức rõ được điều ấy. Trong những tài liệu mà nay còn được lưu trữ, người ta thấy có những nhật ký về Đàng Trong như trong Nhật ký du hành bằng Tàu của ông D Richery đến đảo Côn Sơn ( Poulor Condor) còn được biệt danh là đảo Isle d’Orléans và từ đó đề ra những hoạt động thương mại với Đàng Trong.
Mà mục đích của các công cuộc khảo sát là:
“ Dự án chỉ thị liên quan đến sự thám thính bờ biển Đàng Trong và đặc biệt nhất về Đà Nẵng.
Xem Victor Tantet, Chef au burerau au Ministère des colonies nhan đề : Mục lục tóm lược văn thư tổng quát về Đàng Trong/Nam Kỳ, người dịch Ngô Bắc, trong Gio-o.net
Sự quan tâm của người Pháp cho thấy họ nhìn từ Đà Nẵng đến đảo Phú Quốc có một thuận lợi không chối cãi được về sự giao thông đường biển. Nhất là Lyautey đã có cái nhìn viễn kiến về Sài Gòn. Theo ông, nó không chỉ là nơi thuận tiện cho việc giao thông và buôn bán làm ăn, mà trong tương lai nó còn là “ tiền đồn” của Viễn Đông.
Và công của Lê Văn Duyệt là dựng lên một Sài Gòn, cho người ngoại quốc đến làm ăn buôn bán và dựng nên một bến cảng trù phú, sầm uất.
Sài gòn lúc ấy được gọi là Gia Định Kinh (một thứ kinh đô của miền Nam). Nguyễn Ánh do úy kỵ và do chính sách Trung ương tập quyền đã đổi thành ly sở của Thành Gia Định.
Không lạ gì, Nguyễn Ánh đã từng trú chân ở miền đất này và lập nên sự nghiệp thì cuối cùng khi lên ngôi đã gọi miền Nam là miền đất xa xôi ấy. Điều đó cho thấy ông chỉ coi mảnh đất miền Nam như mảnh đất tạm dung. Tầm nhìn tương lai và điều ông âp ủ là mảnh đất Phú Xuân quen thuộc. Chọn lựa ấy là đúng hay sai? Nhưng giả dụ thay vì chọn Phú Xuân, Nguyễn Ánh chọn đất Gia Định với bày tôi là Tổng trấn Lê Văn Duyệt thì tương lai Việt Nam chắc hhẳn là khác. Khác theo nghĩa tiến bộ và giàu mạnh hơn?
Mặc dầu bị Trung ương hạn chế quyền hạn, nhưng cả hơn 100 năm trước đây, Sài gòn đã có Hoa Luân thuyền công ty với thủy trình đi khắp nơi như xuống Mỹ Tho, Cái Bè, Vĩnh Long, Sa Đéc, Cù lao Gien, Châu Đốc, Long Xuyên…
Đường sông, kênh đào, rạch là mạch máu chính nối liền các lưu dân. Nay ở U Minh Thượng, tháng sau đã ở U Minh Hạ. Lúc sông Tiền, lúc sông Hậu, lúc ẩn nấp ở lung vào láng hoặc len lỏi vào các con kinh rạch..
Và cũng không lạ gì, trong một bài viết trên tờ Indochine, Louis Malleret ngạc nhiên khi thấy người Việt Nam di chuyển khắp nơi chỉ bằng thuyền.. Người ta di chuyển bằng đủ thứ thuyền. thuyền có người chèo, thuyền có mái che có nhà để ở, thuyền nan, thuyền buồm, tam bản, thuyền thúng. Đặc biệt ở Huế có thuyền rồng ( Galères du roi), sơn nhiều mầu, trạm trổ rực rỡ, có con rồng có vẩy và đầu ngổng cao.
Đặc biệt ở vùng lục châu- Văn hóa miệt vườn- 100% do đất phù Sa bồi từ sông Cửu Long người ta di chuyển chủ yếu bằng chiêc tam bản. Trong khi miền Đông thuộc- Văn Hóa miệt Giồng-, đất phù sa pha trộn với sỏi- người ta dùng xe bò, xe ngựa để di chuyển.
Như thế, nước và đất xác định cách sinh sống làm ăn và nếp sống vật chất cũng như văn hóa của một vùng đất nước. Chẳng khác gì các xứ Âu Châu hay các nước có sa mạc như Mông Cổ thì sự di chuyển của họ bằng ngựa.
Sông nước với miền địa lý ưu đãi như thế đã biến những người lưu dân miền Nam, lúc ban đầu, một phần không nhỏ là những dân du mục, những khu dân cư di động. ( Quartier mouvant.) khó phân biệt vùng nào với vùng nào..
Ngôn ngữ thông tục gọi là nếp sống Hạ Bạc.( population flottante). Đơn vị làng xã như đơn vị kinh tế xã hội khép kín ở miền Bắc không có ở trong Nam.
Cho nên họ có giọng nói riêng, không giống Trung cũng không giống Bắc mặc dầu phần đông họ đến từ dân Ngũ Quảng.( như Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức((Thừa Thiên), Quảng Nam, Quảng Ngãi. Ngôn ngữ nay đầy phương tính du nhập thêm tiếng Trung Hoa, tiếng Chàm, tiếng Cao Mên. Tiếng nói của họ dần mất đi cái vẻ hào nhoáng, chau chuốt bên ngoải và nhất lá dụng ý hàm ẩn. Do cọ sát thực tế, tiếng nói trở thành bộc trực đơn giản, một chữ một nghĩa, cái hiểu sao nói vậy của thuở bình minh đầu đời.
Đó là thứ tiếng nói và viết như một, nói sao viết vậy.
Trong Nam không có lủy tre, không có cổng làng, không có đơn vị kinh tế biệt lập nên những giá tri xã hội , tôn giáo, phong tục đều cũng khác biệt, thông thoáng, thực tiễn và mở rộng.
Đó là một xã hội mở. Mở theo mọi nghĩa.. Luật pháp nếu có là luật giang hồ. lấy lời nói làm trọng, trọng chữ tín. Cho dù có đi ăn cướp, ăn trộm thì cũng nhuốm sắc thái anh hùng Lương Sơn Bạc, trọng điệu nghệ giang hồ, hào hiệp bốc trời.
Nếu có luật thì là thứ luật bất thành văn. Nếu có thứ luân lý thì lấy đạo lý giang hồ làm trọng. Nếu có văn hóa thì có thứ văn hóa đa tạp, kế thừa và chọn lọc, thải loại. Nếu có tôn giáo thì là thứ tôn giáo pha trộn-tổng hợp- điều tiết.
Bỏ thứ luân lý cầu lợi cho bản thân, bỏ thói giả hình, bề ngoài thơn thớt.. Nếu có luân lý thì đó là thứ luân lý khi thấy hoạn nạn thì tương cứu, đùm bọc, sống chết có nhau. Trong tình nghĩa bạn bè, khinh miệt bọn lòng lang dạ sói, bọn phù thinh hay xu nịnh. Tánh nết cương trực, bảo có là có, bảo không là không.
Chẳng hạn đạo Phật có đấy, nhưng không phải theo Đại thừa « thuần túy » mà ảnh hưởng tiểu thừa tử người Miên, pha một chút, bớt một chút, gia giảm, nặng phần tổ chức, có xu hướng chính trị và được võ trang vừa thỏa đáng nhu cầu tâm linh, vừa thích hợp với tình thế..
Đặc biệt vắng bóng hiếm hoi sư sãi trung gian.. mà chỉ có hàng Chức sắc trung gian lãnh đạo..
Và nói như Vilmont( quan đầu tỉnh ở Tây Ninh), viên chức cao cấp người Pháp nhận xét rằng :
Il est strictement Cochinchinois.. Nó là một hiện tượng tôn giáo thuần túy Nam Kỳ.. Nhận xét trên càng đúng khi áp dụng vào trường hợp đạo Cao Đài.
Đạo Cao Đài thờ Lão Tử, Khổng tử, Thích Ca, Giêsu, Lý Thái Bạch, Quan Vân Trường, Khương Tử Nhavv.. Thờ tất tần tật…
Người Pháp lại một lần nữa lấy làm khó chịu nhận xét một cách chế tiễu là « Thứ đạo tạp hóa » ( La religion de bazar).

Về địa lý nhân văn
Vùng đất mới này, dân số hỗn tạp với sắc dân từ nhiều nguồn đổ về. Từ miền Trung đổ vào vì lệnh cấm đạo, từ phía Bắc tới trong tiến trình Nam tiến. Và nói dại không có cuộc Nam tiến này thì tất cả chúng ta đều ngồi bó gối trên dẻo đất hẹp của đồng bằng sông Hồng. Cộng thêm là số người Trung Hoa tỵ nạn. Đó là những di thần bài Mãn, phục Thanh với các tên tuổi như Trần Thắng Tài, Dương Ngạn Địch đã đến Cù Lao phố Biên Hòa.
Tưởng đến ở tạm để nuôi chí phục thù hóa ra ở luôn.
Dân số vì thế tăng lên đến 20%. Dưới triều Nguyễn, tỉ lệ thi đỗ cử nhân ở Nam Kỳ chỉ chiếm 2% so với cả nước. Tinh hoa dồn cục ở đất Bắc Kỳ nên thường được coi hay tự nhận là đất văn học. Trong khi Nam Kỳ- do những người đi khẩn hoang- thì chữ nghĩa không đầy một cái là me. Họ không rành câu cách ngôn thánh hiền. Người dân miền Nam sống gần sông nước nên chủ yếu di chuyển bằng thuyền. Nhìn lên là Trời, nhìn xuống là nước như một thứ sân khấu thiên nhiên do trời đặt để. Cho nên người ta còn gọi đó là nền văn minh sông rạch. Nhiều người lưu dân sống lang bạt, rầy đây mai đó. Làm ăn không khá cũng bỏ đi, gặp rắc rối với pháp luật cũng bỏ đi.. Lại còn bọn “ Gia Long tẩu quốc”, bọn bị Tây Sơn xua đuổi, sau này lại đến bọn giặc theo Lê Văn Khôi thời Minh Mạng bỏ trôn.
Tát cả những đám dân đó trở thành lớp người lang bạt, rầy đây mai đó, đâu cũng là nhà, vui thì ở, không vui thì bỏ đi.. Và người Pháp đã có lý khi gọi bọn họ là Population flottante. Người ghét thì gọi bằng đủ thứ tên như dân « trốn xâu lậu thuế », bọn « trôi sông lạc chợ ».
Trường hợp Phan Thanh Giản đỗ tiến sĩ nói huỵch tẹt ra chỉ là món quà Huế tặng cho dân miền Nam. Biên niên sử triều Nguyễn tỏ ra bận tâm về kết quả thi cử kém cỏi của miền đất lạc thổ này.
Nhưng cũng phải thừa nhận rằng có nhiều con đường khác đi đến thành công giàu có ngoài con đường cử nghiệp. Huế khoa cử, Huế lễ nghĩa, vậy mà ở đó sự nghèo đói, túng thiếu có thể sờ thấy, có thể đụng mặt mỗi ngày. Vậy mà lại thừa khả năng dấy lên những cuộc bạo loạn đủ loại..Huế cộng sản, Huế Mậu thân, Huế đấu tranh đủ thứ.
Huế chỉ tắt tiếng khi có cộng sản.
Tất cả đều đã dấy lên từ đó như một miền đất nhiều bất hạnh. Ở nơi ấy chỉ có hận thù đủ loại và những giọt nước mắt thầm lặng (The silent tears). Trong khi miền đất đồng bằng sông Cửu Long nhiều dìa cá, cá nổi lên như mù u chín rụng chẳng ai thèm bắt.
Cho nên giữa một điền chủ và một ông Huyện, người dân hẳn đã biết chọn tương lai của mình về phía nào.
Nếu đã hãnh diện gọi đất Bắc là đất văn học thì cùng một lẽ ấy, gọi mảnh đất miền Nam là miền đất hứa.
Nó hứa đủ thứ. Hứa cho mảnh đất lành chim đậu, hứa cho cơm no áo ấm đến cả giàu sang thức ăn thức uống ê hề. Nhưng điều quan trọng hơn cả, nó hứa cho một tương lai con người được giải thoát ra khỏi những ràng buộc xã hội phong kiến của mảnh đất cũ với lũy tre, với tục lệ làng xóm và với chèn ép con người.
Nó không có nổi một Vũ Trọng Phụng, một Nam Cao chỉ vì nơi đây nó không có cuộc sống đọa đầy mà ở nơi đó con người không có cơ may làm người. Thêm nữa nó hứa cho một mảnh đất tình nồng lấy tình bạn, tình nghĩa xóm làng lam mạch sống luân lý.
Và như nói ở trên xin được nhắc lại một lần nữa: Và ở đâu có nhiều bạn là quê hương ta ở đó.
Nó không cần một cuộc cách mạng xã hội, một cuộc tranh đấu giai cấp với bạo lực và chém giết như những tên đồ tể giết người. Nó trọng cái đạo lý giang hồ, trọng nghĩa khí, lấy chữ tín làm đầu. Nó biết khinh miệt bọn lòng lang dạ sói, khinh miệt bọn xu nịnh, bọn phù thịnh.
Đó là sự khác biệt rõ nét giữa Bắc và Nam. Đó cũng là sự giải phóng con người để không còn những Thị Nở và Chí Phèo căn bản dựa trên một xã hội lý gay gắt. độc đoán, phi nhân và tàn bạo..
Nhưng ngược lại nó một biểu tượng cho một xã hội tình lấy tình nghĩa làm gốc. Nó không chỉ vì mình mà còn vị người. Hoạn nạn thì tương cứu đùm bọc, sống chết có nhau, làm ơn mà chẳng kêu cầu ơn nghĩa, trả tiền thì không ai chịu nhận lại nói rằng ”có chi mà gọi rằng ơn” ( chữ dùng của Sơn Nam). Cuộc chiến vừa qua nó thể hiện đúng mức và trọn nét văn hóa giữa Nam và Bắc.
(Xem Lịch sử còn đó, Nguyễn Văn Lục, trang 24)
(Xem Thế kỷ XXI nhỉn về...)
Dòng văn học bản địa lục châu dù còn có những thô thiển, nó vẫn là nơi hội tụ thuận lợi nhất tiếp nhận nhiều dòng văn học khác và nhờ đó sau 20 năm, miền Nam đã tự hình thành một nền văn hóa, văn học đa dạng, tự do và nhân bản..
Dưới chính quyền bảo hộ nó đã khởi đầu với những tài năng xuất chúng như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của và Trương Minh Ký. Trong ba người ấy chỉ duy nhất có Trương Vĩnh Ký được nhắc tới nhiều mà có vị đã không ngần ngại viết:
Ở Trương Vĩnh Ký, ở điểm thứ nhất, là quá cỡ, quá khổ. Có lẽ số phận đã dành cho ông một trí thức quá cỡ so với mặt bằng kiến thức lúc ấy và ngay cả với người đồng đạo đương thời.
(Xem Thế kỷ XXI nhỉn về Trương Vĩnh Ký, trang 80)
Ngày nay, nhìn lại thì quả là cơ hội may mắn cho miền Nam lẫn cả miền Bắc.. Và chỉ đến khi nó đụng chạm, tiếp xúc với văn học miền Bắc sau 1975, người ta mới nhận chân ra được những giá trị của nó.
Rất tiếc, lại một lần nữa, Miền Bắc phạm phải một lỗi lầm lịch sử là đã phủ nhận nó, quét sạch, tiêu hủy toàn bộ cái nền văn học ấy, đầy đọa những nhà văn, nhà báo, nhà văn hóa đã góp phần hình thành nền văn học ấy.

Hoàn cảnh chính trị, xã hội
Hiệp định Geneve một cách nào đó gián tiếp xóa bỏ miền Trung về mặt địa lý chính trị vốn đã có từ thời Pháp thuộc. Lãnh thổ thuộc triều đình nhà Nguyễn mặc dầu chỉ còn là danh hiệu cũng không còn nữa. Việc Bảo Đại ngồi lì ở Pháp để điều khiển một phần đất nước là điều chưa từng xảy ra đến một lúc nào đó tự nó phải cáo chung.
Ngày nay, về mặt địa lý, chính thức chỉ còn có hai miền: miền Bắc và miền Nam lấy vĩ tuyến 17 làm lằn ranh chia đôi lãnh thổ. Miền Bắc nay cộng thêm một phần đất phía Nam cũa miền Trung và được gọi là miền Bắc XHCN. Miền Nam kể từ sông Bến Hải với Huế, Quang Trị, Quảng Ngãi vào đến miền Nam chạy dài xuống đến mũi Cà Mâu thuộc chính phủ VNCH.
Từ nay là hai lãnh thổ, hai thể chế với hai nền văn hóa, văn học.
Miền Trung bị cắt ra làm hai mảnh chẳng những về mặt địa lý mà còn về mặt chính trị và cả một di sản văn hóa, văn học cuốn trôi theo nó.
Người dân miền Trung bỗng chốc có thể trở thành người của bên này hay bên kia tùy theo sự phân chia địa lý ấy. Sự chọn lựa đôi khi không dễ dàng gì nhất là những đồng bào Thanh, Nghệ Tĩnh- nạn nhân trực tiếp của cộng sản- phải liều thân vượt thoát ra Bắc để vào miền Nam, hoặc trực tiếp vào miền Nam bằng đường biển.
Sau này còn cho thấy rõ là đồng bào miền Trung thuộc phía cộng giản chiếm giữ trước đây như Bình Long, Phú Bổn, Quảng Trị không phải chỉ trốn cộng sản một lần mà nhiều lần. Thật vậy cứ mỗi lần cộng sản tới tới nơi nào thì nơi đó đồng bào miền Trung bỏ nhà, bỏ cửa trốn chạy tới đó.
Trong tập Bút ký: Quảng Trị đất đợi về, Dương Nghiễm Mậu kể lại rằng đồng bào Quận Gio Linh dân số 30 chục ngàn người mà đến 28 ngàn người chạy tản cư về phía Đà Nẵng.
Điều này cho thấy rõ là khi những điều kiện Địa-chính trị-nhân văn không còn thì khó có thể định hình một Văn Học hay Văn Hóa miền. Khi triều đình Huế còn trên ngai vị, các khoa thi, nhất là tiến sĩ đều mở ra tại Huế, thiên tài tứ phương đổ về. Huế quả thực là trung tâm văn hóa gần như của cả nước. Nay thì hiển nhiên không còn những điều kiện khách quan để nói về một dòng chảy văn hóa. Mặc dầu danh sách liệt kê dưới đây cho thấy có nhiều người tài giỏi phát xuất từ miền Trung.
Chẳng hạn, những người như Thanh Lãng, linh mục, tên thật Đinh Xuân Nguyên, vốn gốc gác miền Trung nay được coi như người từ miền Bắc di cư vào miền Nam. Ông đã hòa nhập vào dòng chảy những người di cư từ miền Bắc vào miền Nam và đã đóng góp không nhỏ vào sinh hoạt văn học miền Nam với các tác phẩm như Văn chương bình dân, Hà Nội, 1954, Biểu Nhất Lãm Văn học cận đại, 1957, Sài gòn và13 năm tranh luận văn học.
Trường hợp ông Hoàng Văn Chí, bút hiệu Mạc Định người Thanh Hóa, thuộc khu tư trước đây dưới quyền kiểm soát của cộng sản nay được kể là những người di cư, nạn nhân của cộng sản, di cư từ Bắc vào Nam. Với tính cách nhân chứng và sự trưng dẫn bằng tài liệu, ông đã có những đóng góp lớn chẳng những về mặt văn hóa mà nhất là về mặt chính trị như Trăm Hoa đua nở trên đất Bắc, Sài Gòn 1959, Từ thực dân đến cộng sản, viết bằng anh ngữ và tác phẩm cuối đời Duy Văn Sử quan, do con trai là Hoàng Việt Dũng san định và xuất bản.(Tôi có cuốn sách này được in dưới dạng photocopy).
Thanh tâm Tuyền gốc Nghệ An, về Hà Nội rồi di cư vào Nam năm 1954, được kể là người di cư miền Bắc và ông là một trong những thành viên sáng giá của nhóm Sáng Tạo với tập thơ Tôi không còn cô độc, 1955, Bếp lửa, truyện 1966.
Chỉ cần tạm kể ba người vốn gốc gác người miền Trung, nay trở thành những người di cư từ phía Bắc góp công sức khá lớn vào sự hội nhập Văn Hóa miền Nam.
Bên cạnh đó, người ta thấy những nhà văn, nhà thơ có tên tuối, gốc miền Trung, nhưng lại sinh sống ở Huế, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Nha Trang không được kể là người di cư và được coi như người miền Nam.
Không thuộc dòng di cư cũng không hẳn chính thức là dòng văn học miền Nam bản địa. Họ là những người như linh mục Sảng Đình Nguyễn Văn Thích, giám đốc viện Hán học, cụ Nguyễn Huy Nhu, nhà nho cuối cùng, cụ Võ Như Nguyện, giám đốc viện Hán học, Thái Văn Kiểm, Cung Giữ Nguyên.
Và một số nhà văn có tên tuổi như Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Bùi Giáng, Quách Thoại, Quách Tấn, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, nhạc sĩ Châu Kỳ, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, thi sĩ Tô Kiều Ngân, nhà sử học Tạ Chí Đại Trường, Phùng Khánh, tên thật Công Tằng Tôn nữ Phùng Khánh, Hoàng Trọng Miên (theo cộng sản lọt vào miền Nam), nhà biên khảo Phan Khoang, Phan Du (em ruột Phan Khoang), nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương, nhà biên khảo Nguyễn Văn Xuân, nhà văn Lưu Nghi, họa sĩ Khánh Trường, các nhà biên khảo như Bửu Cầm, Bửu Kế, Linh mục Bữu Dưỡng, Bửu Lịch, Tạ Ký, Hoàng Xuân Sơn, Lữ Hồ, Đặng Tiến, Đào Trinh Nhất. Nguyễn Ngu Í, tên thật Nguyễn Hữu Ngư viết cho tờ Bách Khoa, Cung Tích Biền, Đào Hiếu, Diên Nghị, nhạc sĩ Duy Khánh, Trần Thiện Thanh, luật sư Dương Kiền, Đào Đăng Vỹ, Đỗ Tấn chủ tương tờ báo Mùa Lúa Mới, giáo sư Hà Như Chi, Nguyễn Văn Xuân, Trần Doãn Nho, Trần Hoài Thư, Nhã Ca, Đoàn Kế Tường, Nguyễn Kinh Châu, Thục Viên, Ngy Thanh, Nguyên Hương Nguyễn Cúc, Lệ Khánh, tên thật Dương Thị Khánh, Hà Thúc Sinh, tác giả Đại Học Máu, Nguyễn Liệu, Trần Lê Nguyễn, Huỳnh Hữu Ủy, Hoàng Văn Giàu và nhiều bút hiệu khác, Nguyễn Đức Sơn, Tuệ Sỹ, Luân Hoán, Thái Tú Hạp, Trương Thìn v.v...
Họ nhiều lắm kể sao cho hết. Tài năng và sự ngiệp văn chương nào thua kém ai. Nhưng lại là nơi không có đất dung dưỡng người tài.
Cụ Nghè Ngô Đức Kế ra báo báo Tiếng Dân được bao lâu rồi cũng phải đóng cửa? Những dự định của nhóm nhà văn, gốc miền Trung, tập họp chung quanh Tờ Mùa lúa mới với Đỗ Tấn và Võ Phiến, rồi tờVăn Nghệ Mới với Nguyễn Văn Xuân cũng vậy. Sau này Võ Phiến vào Sài Gòn và chỉ nổi tiếng khi viết trên tờ Bách Khoa.
Nếu miền Bắc đầu thế kỷ 20 có 4 người tài là: Vĩnh, Quỳnh, Tố, Tốn(Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Văn Tố) thì phần đất khô cằn sỏi đá cũng có bốn đại diện ngang tầm. Đó là Anh, Hãn, Huy, Mai. (Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Cao Xuân Huy, Đặng Thái Mai).
Ở bên Pháp họ có thói quen nêu ba người tài giỏi nhất, gọi là Les trois H. Đó là Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Hà, Tạ Trọng Hiệp. Phía cộng sản thì đề cao các ông họ Trần là Trần Đức Thảo, Trần Văn Giàu và Trần Bạch Đằng..

________________

20 năm triết học Tây phương

ở miền Nam Việt Nam 1955-1975

Từ năm 1918 bắt đầu chấm dứt thi Hương. Nhưng mãi đến năm 1950 mới bắt đầu có kỳ thi tú tài 2, tiếng Việt. Có nghĩa là chỉ trong vòng 25 năm, môn triết Tây mới chính thức được giảng dạy ở Bắc và nhất là miền Nam VN. Thời gian kể là ngắn. Vậy mà sức tác động và ảnh hưởng của nó trên giới thanh niên trí thức miền Nam thật lớn lao đến không ngờ được. Chúng tôi đã gặp lại bạn bè cùng trang lứa đều cảm thấy hãnh diện về điều ấy.
Bài viết này viết với tâm thành của một người trong cuộc nhìn lại mình, nhìn lại bạn bè, nhìn lại thế hệ mình, nhìn lại tầm ảnh hưởng những tư tưởng ấy trên mỗi cá nhân. Nó đã cuốn lốc theo cả một thế hệ như cơn lũ, kéo theo những bè mảng, những "ngộ nhận", những "huyền thọai" từ nhiều phía, ngay cả những om sòm nếp sống chán chường buông thả. Nhưng nó cũng nâng lên tầm cao ý thức trách nhiệm, "dấn thân", "nhập cuộc", "lên đường" và đưa đến những quyết định chọn lựa, những thái độ trước thời cuộc của từng người.. Nó cũng ảnh hưởng trên những xu hướng chính trị, những xác lập về một thái độ cần phải có trước hiện tình đất nước như chống chiến tranh, khát vọng hòa bình, mong mỏi đất nước không còn chiến tranh, cho Cây rừng còn xanh lá. (tựa đề sách của Nguyễn Ngọc Lan)
Ðã có biết bao nhiêu đổi thay, biết bao ngã rẽ, chọn lựa, cảm thức về sự thành bại hay thất vọng, nhưng chúng tôi cảm thức được rằng chúng tôi đã nhận được từ một nền giáo dục ấy những hành trang cho tuổi trẻ lên đường. Chúng tôi hãnh diện về điều ấy. Bài viết sau đây muốn đi lại từ đầu về những vị đã đóng góp cho ngành triết học Tây Phương ở miền Nam Việt Nam, đồng thời nêu bật những đặc tính cũng như tinh thần giảng dạy của môn học này tác động trên giới trí thức thành thị như thế nào. Chúng tôi sẽ giải thích thế nào để chúng tôi có quyền hãnh diện. Và đó là mục đích chính của bài này.

1. Những người mở đường
Trong giai đoạn đầu tiên, vì thiếu người có bằng cấp chuyên môn về triết học nên việc giảng dạy hầu như do các linh mục ngoại quốc cũng như Việt Nam đảm nhận. Ở ngoài Bắc, vào những năm 1950-1952, có các linh mục Vũ Kim Ðiền, thường được gọi là Ðiền Rôma, Trần Văn Hiến Minh, Bửu Dưỡng, Ðỗ Minh Hồng (Papineau) nhất là cha Ðỗ Minh Vọng (Cras) (1)
Giáo sư Trần Văn Hiến Minh sau đó đã di cư vào miền Nam, tiếp tục dạy triết những năm 1955 cho học sinh Trưng Vương và Chu Văn An. Giáo sư Bửu Dưỡng chỉ còn dạy ít giờ ở Viện Ðại học Ðàlạt. Trong sách : Các nhân vật ở Huế có bài viết riêng về giáo sư Bửu Dưỡng. Cha Papineau tiếp tục giảng dạy ở các trường trung học do các bà sơ đảm nhiệm như Couvent des oiseaux, Régina Pacis và sau hết dạy tại Viện Ðại Học Ðà lạt. Riêng cha Ðỗ Minh Vọng đã là thầy dạy của rất nhiều thế hệ sinh viên từ Bắc vào Nam. Cha đã có công xây dựng, sáng lập clb Phục Hưng và trước tác về triết học. Cha cũng đứng về phía dân tộc VN chống lại người Pháp, và đã có thời kỳ, ngài đã không được phép quay trở lại Việt Nam.(2)
Hiện nay, tôi còn giữ được một số những bài viết của cha như các bài : Nhân vị trong tác phẩm Hồn bướm mơ tiên. Bài thuyết trình đã được cha Ðỗ Minh Vọng viết bằng Tiếng Việt và thuyết trình vào năm 1956, tại Câu lạc bộ Phục Hưng Sàigòn. Trẻ già, hai thế hệ đối lập. Bài này đã được thuyết trình tại Ðại Học Hè 1960. Ðàlạt trong khuôn khổ chủ đề : Tìm hiểu người thanh niên VN ngày nay. De la mort d’un combattant Vietnamien (Bài này chứng tỏ cha yêu dân tộc VN như thế nào) những văn bản học tập chữ Nho và cuối cùng bài viết Khánh thành clb Phục Hưng năm 1940, ở Hà nội viết bằng tiếng Pháp. Có lẽ đấy là clb sinh viên đầu tiên ở Việt Nam do cha Vọng sáng lập và sau này tiếp tục duy trì ở miền Nam Việt Nam (3).
Ngoài Bắc lúc trước năm 1954, đặc biệt còn có Giáo sư Nguyễn Thiệu Lâu dạy triết tại trường Trưng Vương.
Sau 1954, ở trong Nam có thêm các giáo sư Nguyễn Khắc Kham, Lữ Hồ, Phạm Mạnh Cương, Nguyễn Bá Cường, cha Trần Ðức Huynh. Ngoài Nha trang có giáo sư Cung Giũ Nguyên. Ngoài Huế, cha Cao Văn Luận là giáo sư đầu tiên dạy triết tại trường Quốc Học. Tiếp theo đó có giáo sư Phạm Văn Hương, và sau thêm giáo sư Văn Ðình Hy.
Trong giai đoạn khởi đầu này, cần phân biệt 3 thành phần giáo sư đã góp công sức trong việc giảng dạy triết học Trung Học. Thành phần thứ nhất chiếm đa số là các lm phần đông tốt nghiệp đại học ở ngoại quốc hoặc có đủ trình độ để giảng dạy như các lm Cao Văn Luận, Nguyễn Văn Lập, Ðỗ Minh Vọng, Papineau, Bữu Dưỡngvv. Thành phần thứ hai là một số giáo sư không có tốt nghiệp đại học về ngành triết học.. nhưng vì nhu cầu giảng dạy lúc đầu đã đảm trách việc giảng dạy như các giáo sư Cung Giũ Nguyên, Phạm Văn Hương, Văn Ðình Hy, Nguyễn Bá Cường, cụ Nguyễn Khắc Kham, Bùi Hữu Sủng. Mặc dầu vậy, không thiếu những quý vị đó sau này trở thành những nhà văn hoá của miền Nam như các giáo sư Nguyễn Khắc Kham, Cung Giũ Nguyên (4), Bùi Hữu Sủng. Cả hai vị, giáo sư Nguyễn Khắc Kham và Cung Giũ Nguyên cho đến lúc này vẫn còn sống, mặc dầu rất cao tuổi, sắp sửa tiến tới con số trăm tuổi.
Việc giảng dạy lúc này còn có nhiều khó khăn vì danh từ triết học chưa có đủ để diễn tả những khái niệm triết học. Theo anh Phạm Mạnh Cương, sau này cũng là một nhạc sĩ, sáng tác bản Thu ca, năm 1953, lúc mới 19 tuổi, một trong những học trò đầu tiên của cha Cao Văn Luận ở Quốc Học Huế. Anh cho biết là nhiều khi vừa giảng dạy bằng tiếng Việt, cha vừa phải chêm tiếng Pháp. Nhưng có cái may mắn là học trò giai đoạn đó đều thông thạo Pháp ngữ cả.
Thành phần thứ ba, tương đối trẻ lúc đó là các giáo sư tốt nghiệp trường Sư phạm Cao Ðẳng Ðông Dương. Trường này chỉ có hai khoá, rồi sau đó bãi bỏ, vì có cuộc di cư từ Bắc vào miền Nam. Thật ra mà nói, các sinh viên thời kỳ này chỉ học có hai năm. Trong hai năm đó lại học đủ thứ như sử địa, văn học, triết học. Ðó là những người như các anh Lữ Hồ, anh Phạm Mạnh Cương, khóa hai ra trường về dạy tại Mỹ Tho, sau đó đổi về dạy Pétrus Ký. Các giáo sư giảng dạy trong các lớp Cao đẳng sư phạm Ðông Dương thì có Cha Cras, cha Bửu Dưỡng, cha Papineau và cha Nguyễn Văn Lập ( dạy ngữ học).
Ðể giải quyết tài liệu giáo khoa triết trong việc giảng dạy trong giai đoạn này thì cũng có một số giáo sư như Trần Văn Hiến Minh, Cao Văn Luận, Nguyễn Văn Khiết, Trần Ðức Huynh và Phạm Mạnh Cương, Trần Bích Lan viết sách giáo khoa. Trong số đó, bộ sách giáo khoa của cha Cao Văn Luận được coi là bộ sách giáo khoa căn bản nhất, khá gọn, dễ hiểu và còn được học sinh dùng trong những năm sau này.
Những người đi mở đường đã hẳn là gặp nhiều khó khăn của thuở ban đầu. Cái khó khăn lớn nhất vẫn là trắc trở ngôn ngữ, làm sao chuyển dịch được những danh từ triết học sang tiếng Việt. Tỉ dụ các danh từ như thuộc tính, bản chất, bản tính, bản thể, hữu thể, hữu thể tính, tiềm thể, vô tính, hiện hữu, hiện sinh, hữu hạn, thực tại tính, thực tại tính khách thể, thực tại tính mô thể...
Và có thể nói việc học triết khởi đầu là biết đọc, hiểu được các thuộc tính của mỗi từ triết. Không nắm được ý của mỗi từ thì kể như không nắm được triết thuyết và nhất là hiểu sai lệch triết thuyết ấy
Nếu nói như thế thì cái công của cha Cao Văn Luận, Trần Văn Hiến Minh không phải là nhỏ đối với môn triết dạy ở trung học.. cũng như sau này của Nguyên Sa Trần Bích Lan, Vĩnh Ðễ, Trần Ðức An.
Có thể có một nhận xét chung là các vị thầy thời kỳ này đều là những vị thầy khả kính về đức độ, về nhân cách một người thầy và ý thức trách nhiệm của một người thày.
Tôi xin được phép ghi lại đây một vài hồi ức của anh Nguyễn Trọng Văn về thầy Gaultier chứng tỏ tinh thần học Triết Tây Phương lúc bấy giờ như thế nào. Trong kỳ thi concours vào ngành Ðại Học Sư Phạm triết với đề thi : Triết học là một thái độ luôn luôn đi trên đường ( en route). Và vì thế, những câu hỏi thường quan trọng hơn những câu trả lời. Anh nghĩ gì về tư tưởng trên.
Tôi không biết anh Văn đã viết gì về đề tài trên. Chỉ biết rằng anh đã viết ngược với chiều hướng chung, đi ngược với quan điểm của phần lớn các triết gia hiện sinh thời bây giờ. Thầy Gaultier là người đã chấm bài của anh và đã cho anh đỗ cao. Nhưng trong giờ đầu tiên học thầy, thầy đã hỏi ai là người đã viết bài đó. Sau đó thầy cho biết anh viết như thế là không có một chút nào compatible giữa anh và tôi. Và bình thường tôi có quyền cho anh rớt. Nhưng tôi tôn trọng quan điểm của anh và cho anh đậu cao. Thái độ của ông thầy đã hẳn trở thành tấm gương cho sinh viên và sau này Nguyễn Trọng Văn đã trở thành một giáo sư Triết xuất sắc, đồng thời anh vẫn giữ thái độ, lối viết phê phán ngược dòng đối với nhiều vấn đề triết học.

Những cuốn danh từ triết học đầu tiên
Như đã nói ở trên. Học triết trước hết là học và hiểu danh từ triết học.. Không nắm được danh từ sẽ không nắm được tư tưởng của Triết gia. Vì thế, các giáo sư thời bấy giờ đã có một nỗ lực đáng kể là soạn ngay một bộ sách về danh từ triết học. Theo Cha Trần Văn Hiến Minh, trong lời mở đầu cuốn Từ Ðiển và Danh Từ Triết học, ngày 21 tháng 1, 1956 đã viết : Ngay từ năm 1952, xuất bản tại Hà nội cuốn Danh từ Triết Học do một nhóm Giáo sư dạy Triết Học trong một số trường công tư.. Mục đích của những người biên sọan ra nó là muốn đáp lại nhu cầu Việt hóa môn Triết Học, một môn quan trọng trong chương trình tú tài phần hai Việt Nam lúc đó vừa mới manh nha. Năm 1956, tại Sàigòn, nhóm họp Hội nghị thống nhất ngôn ngữ từ 5-9 tớỉ 10-9. Trong Hôi Nghị này được thiết lập một ban từ ngữ chuyên môn mà chúng tôi hân hạnh được bầu làm Trưởng Ban. Riêng chúng tôi giữ Tiểu Ban danh từ Triết Học và đã cống hiến độc giả một số danh từ làm mẫu in trong Ðặc san về Hội nghị thống nhất ngôn ngữ tháng 11-1956 của Văn Hoá nguyệt san, số đặc biệt 16.. Năm 1959, một nhóm Giáo sư Ðại Học Huế với sự hợp tác của nhiều nhân sĩ đã cho xuất bản cuốn Danh từ Triết Học mới để thay thế cuốn Danh Từ Triết Học 1952 đã không còn bán trên thị trường. Từ đó tới nay đã hơn 6 năm, sau bao nhiêu chờ đợi và lưỡng lự, chúng tôi đánh bạo xuất bản cuốn Từ Ðiển và Danh từ Triết học này, nhằm tiếp tục và bổ xung cho các cuốn trước...
Có một vài điều đáng tiếc trong lời nói mở đầu này. Cha Trần Văn Hiến Minh đã không cho biết tên các tác giả là ai đã có công làm bộ sách Danh từ Triết Học đầu tiên này vào năm 1952, tại Hà nội. Tôi chỉ có hai cuốn sau, cuốn đầu tiên không có và có thể không còn ai có. Ðến cuốn Danh từ Triết Học của Viện Ðại Học Huế một lần nữa cũng hẹp hòi không ghi tên các tác giả đó. Thật ra họ là những người như Cao Văn Luận, Luật sư Ðào Văn Tập, Giáo sư Nguyễn Văn Trung, Cha Xuân (Corpet) và ông Trần Văn Tuyên. Họ cũng muốn làm một bộ Tự Ðiển Triết Học như cuốn tự điển nổi tiếng Lalande. Nhưng bất hạnh là người chủ trương và bỏ tiền như ông Ðào Văn Tập chẳng may mất. Thế là dự định soạn một bộ Bách khoa tự điển cũng tiêu tan theo.
Trong việc dịch danh từ Triết học thì vấn đề quan trọng không phải là dịch danh từ mà là giải và định nghĩa danh từ. Thật vậy, chẳng hạn chữ Philosophie existentialiste của Sartre đã khác với chữ Philosophie exixtentielle của Gabriel Marcel và Karl Jaspers và cũng khác với Philosophie existentiale của Heideigger.
Có những chữ đã được dịch tùy tiện, thử nghiệm, thăm dò hoặc như một đề nghị như từ Aliénation, extranéation và extéorisation. Và đã có nhiều cách để dịch từ đó. Có người như Trần Ðức Thảo trong cuốn Triết lý đi đến đâu dịch là phóng khí. Chữ Phóng khí sau đó đã được nhiều giáo sư dùng theo. Nhưng chỉ một thời gian khi cuốn Danh từ Triết học của nhóm Cao Văn Luận dịch là phóng thể (Hégel) (5) . Chữ phóng khí gần như không được ai dùng nữa. Trần Văn Hiến Minh cũng dùng chữ Phóng thể. Nhưng kèm theo đó, ông nói có người dùng chữ Vong Thân. Một số bài viết của Nguyễn Văn Trung đôi khi lại dùng chữ con người bị tha hoá. Và đến Trần Văn Toàn trong cuốn Tìm hiểu Triết Học của Karl Marx, ông đã dành hẳn chương hai, từ trang 58 đến trang 122 để chọn dịch là Vong Thân. Tôi dành trọn vinh dự này cho Trần Văn Toàn. Chữ Vong Thân của Trần Văn Toàn sau này được dùng nhiều hơn như Vong thân trong Cần lao, Vong Thân trong Chính trị, hay ý thức về Vong Thân. Từ đó diễn giải ra người nô lệ vong thân, người dân bị trị vong thân, người cùng khổ, kẻ làm đầy tớ vong thân, cô gái điếm cũng là vong thân v.v...
Và chữ Vong Thân trở thành một từ quen thuộc đến không còn ai thắc mắc về ngữ nghĩa của nó nữa.
Phải nhận rằng trong sách Tự điển và danh từ Triết học của Trần Văn Hiến Minh đã khá hơn, đầy đủ hơn vì đã khai triển thêm các từ được dùng trong Triết học Cổ, Triết Học kinh viện, triết học cận và hiện đại, cộng thêm các danh từ triết học Ðông Phương trong tam giáo: Phật, Lão, Khổng.
Nhưng kể từ sau cuốn Tự điển và danh từ Triết học của Trần Văn Hiến Minh.. đã không còn có cuốn nào khác bổ xung cho đến 1975.

2. Những giáo sư triết đại học tiêu biểu
Những vị giáo sư Triết tiên khởi chưa thực sự có ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt triết học Tây Phương ở miền Nam. Cùng lắm ảnh hưởng của họ giới hạn trong các học sinh thi tú tài hai và khuôn viên đại học. Chưa có ảnh hưởng rõ nét trong sinh hoạt văn học như trong tiểu thuyết, trong nếp sống, nếp nghĩ, nếp hành động của giới thanh niên trí thức..
Ðó là điểm khác biệt then chốt giữa hai thời kỳ.. Giữa triết học và đời sống thực tế có ranh giới rạch ròi. Triết lý chỉ là lý thuyết, suy tưởng. Cuộc đời là một thực tế mà triết lý đôi khi trở thành vô bổ theo nghĩa Primum vivere. Phải đợi đến một lớp giáo sư trẻ từ ngoại quốc mới về, phần lớn là từ Pháp, Bỉ hay Thụy Sĩ, sau 1954 mới thực sự gây được một bầu khí sinh hoạt triết, gây thành một phong trào triết mà chủ yếu là triết hiện sinh. Không hẳn là họ giỏi, dù thực tế họ giỏi, nhưng chắc chắn tầm nhìn và tầm hiểu biết không như trước nữa. Ðã có cái gì vượt qua chính các bậc tiền bối. Ðọc lại bài Nhân vị trong Hồn bướm mơ tiên của cha Vọng thấy có chút gì ngây ngô, đôi chút buồn cười. Bài Già và trẻ : hai thế giới đối lập thì xưa quá rồi.
Nếu các giáo sư trẻ này gây được tiếng vang gì, chính bởi vì họ đang truyền bá một thứ triết học nổi bật nhất thế kỷ 20. Ðến có thể nói, nhờ triết lý hiện sinh đã làm nên thân phận họ. Như Trần Thái Ðỉnh, trong lời nói đầu cuốn Triết học hiện sinh ông viết : " Âu Châu đã trải qua những năm sinh hoạt triết học trầm trầm và buồn tẻ. Triết học hiện sinh đã xuất hiện rầm rộ, gần như tiếng sóng vang động cả trời đất, lay động xã hội Tây phương cách mạnh mẽ như chưa từng thấy trong lịch sử... Ðiểm son của nó là đã tạo nên được cả một phong trào rộng lớn và sôi nổi trong giới văn học (6).

A. Nguyễn Văn Trung, người gây một phong trào triết lý hiện sinh kéo theo một thế hệ giới trẻ với đám con hoang trong triết học và văn học.
Miền Nam lúc bấy giờ có khá nhiều giáo sư triết dạy đại học. Tuy nhiên có những người chỉ có ảnh hưởng giới hạn trong giới Sinh Viên như Lê Tôn Nghiêm, Thân VănTường hoặc có ảnh hưởng một phần vừa trong giới sinh viên, một phần ngoài đại học vì họ có các bài báo, hoặc sách in như Trần Văn Toàn, Trần Thái Ðỉnh. Có những người khác thì hầu như chẳng có ảnh hưởng gì ngay trong giới Sinh Viên của mình như Lê Thành Trị, Lâm Ngọc Huỳnh. Hoặc ít viết về triết học, nhưng ngược lại, qua những bài báo, tham luận về chính trị, xã hội lại có ảnh hưởng khá lớn đối với nhiều giới như thanh niên, trí thức. Ðó là trường hợp Lý Chánh Trung.
Nhưng Nguyễn Văn Trung là trường hợp đặc biệt. Sau đây, chúng tôi chỉ xin dẫn chứng ý kiến của anh Nguyễn Trọng Văn coi như tiêu biểu trong một bài viết gây chấn động và gây tiếng vang thời đó. Anh có hai bài viết nổi cộm thời đó vì đụng đến những nhân vật tiêu biểu trong giới văn học là bài : Phạm Duy đã chết và bài đăng trên Bách Khoa, số 264, ngày 1-1-1968 nhan đề : Những người con hoang của Nguyễn Văn Trung.
Trong đó Nguyễn Trọng Văn nhận định rằng :"Ông Trung là người có công trong việc giới thiệu những trào lưu tư tưởng mới của Tây Phương... Ông trình bày một cách gọn gàng, mạch lạc. Những triết học hiện sinh, những danh từ có tính cách văn nghệ, triết lý dần được du nhập và phổ biến. Những Hiện tượng luận, đối thoại, tha nhân, phản kháng, vong thân, ngụy tín, huyền thoại, thông cảm, những Alain Robbe Grillet, Nathalie Sarraute, Michel Butor, Sartre, Camus... đã được Nguyễn Văn Trung trình bày hàng chục năm trước trong Sáng Tạo, Bách Khoa, Thông Cảm, Thế Kỷ 20 7 .
Nguyễn Trọng Văn viết tiếp :" Dù muốn dù không, ai cũng phải nhìn nhận rằng có những tư tưởng, những danh từ và những cách lập luận mà trước ông không ai dùng đến, nhưng sau ông thì người ta dần dần quen biết và nhắc tới (tính cách quyến rũ và ám ảnh của hiện tượng luận, tính cách thú vị bất ngờ của vấn đề huyền thoại, cách thức lý luận về vấn đề cách mạng xã hội).
Theo như Nguyễn Trọng Văn ảnh hưởng của Nguyễn Văn Trung trên giới trẻ có thể là ảnh hưởng thuận chiều, hay chống đối, ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp, ảnh hưởng ngay cả trên bình diện triết lý chính trị. Không thiếu người người trân trọng và cũng không thiếu người đố kỵ.
Theo Nguyễn Trọng Văn, cách trình bày dễ hiểu, cách đặt vấn đề, cách tra vấn, khả năng thuyết phục cao đã đặt giới trẻ vào tâm thức tra vấn, thức tỉnh, xao xuyến. Ðồng thuận hay phản đối là quyền của họ, nhưng ảnh hưởng vẫn là ảnh hưởng, trong đó có ảnh hưởng lật ngược cũng là đích nhắm của NVT. Chẳng hạn, Nguyễn Trọng Văn đã dẫn chứng có những người chịu ảnh hưởng trực tiếp như Trần Văn Nam trong tập thơ của anh. Hay trong bài viết : Văn chương tìm về viễn mơ hay hiện thực. Trần Nhật Tân với : Mơ về Mỹ thể. Nguyễn Văn Bảy với bài viết : Phê bình quan điểm cách mạng xã hội của hai ông Nguyễn Văn Trung và Lý Chánh Trung. Báo Sinh viên, số 6. Tạp chí sinh viên các số 3,5 và 6 với quan điểm : Hiện tượng hủ hoá của Sinh viên, những ảo tưởng của đàn anh cùng phê bình quan điểm cách mạng xã hội của ông Nguyễn Văn Trung và Lý Chánh Trung. Trần Văn Hảo với : Những ảo tưởng của đàn anh, SV, số 5. Nam Trung với : Con đường cách mạng xã hội. Trách Nhiệm, số 3. Nguyễn Ðăng Trừng với Một nền tảng phù hợp cho chế độ chính trị tại Việt Nam, Văn Học số 75, trang 9. Tiếp theo, có thể là những ảnh hưởng gián tiếp của một số trí thức, nhà văn.. Thế Uyên với Nghĩ trong một xã hội tan rã . Nguyễn Khắc Hoạch với Ði vào đoạn đường hôm nay. Thế kỷ 20, số 1, tháng 7-1960. Lữ Phương với Mấy vấn đề văn nghệ, xb Trình bày 1967, trg 140,141.
Cộng vào đó, có những ảnh hưởng theo đuôi, bắt chuớc, làm dáng trí thức đã đưa đến chỗ Nguyễn Trọng Văn gọi đó là : Những người con hoang của Nguyễn Văn Trung. Nguyễn Trọng Văn viết :"Chính những sinh viên chịu khó đi học và học bài, 100 người đã chắc gì 10 người hiểu được tới nơi, tới chốn Dasein, Hư vô, dự phóng, Ngụy tín, Hiện hữu.. là gì, nhưng khi họ viết văn thì làm như mình đã hiểu hết, đã nắm mọi vấn đề. Họ dùng chữ một cách chát chúa để vượt mặt người khác và chính họ, coi việc làm dáng là làm văn nghệ, là sáng tác đích thực.".
Nói cho cùng, ảnh hưởng của triết lý hiện sinh qua cách trình bày gợi hứng của Nguyễn Văn Trung, qua những giới thiệu tư tưởng của Sartre theo tiến trình Sartre - Nguyễn Văn Trung- giới trí thức trẻ đã tạo ra những sản phẩm có thể quá tải, có thể là bắt chước, làm dáng trí thức như những nhận xét như kết án của Nguyễn Trọng Văn trong các thành phần xã hội sau đây. Cách đánh giá của Nguyễn Trọng Văn có thể đã từ một góc độ nhìn chính trị từ một quan điểm cách mạng xã hội theo hướng chủ nghĩa Mác Xít. Có thiên lệch không? Phần chúng tôi, đã nhìn lại trong một chừng mực có thể chấp nhận được ảnh hưởng qua lại, có phần của Nguyễn Văn Trung như gợi hướng, mở đường thôi. Phần còn lại, có thể là ảnh hưởng trực tiếp từ các trí thức miền Nam đã đọc thẳng tài liệu từ các triết gia hiện sinh bằng ngoại ngữ.

a. Trong giới giáo sư dạy triết
Trong giới giáo sư thời đó, thế hệ thứ hai với những người như Ðặng Phùng Quân, Nguyễn Quốc Trụ, Huỳnh Phan Anh, Trần Nhựt Tân, Trần Văn Nam.. Phải chăng họ cũng là những người mang những thông điệp của của triết lý Hiện sinh vào Việt Nam? Và kết quả họ đã đạt được gì?
Và hầu như tất cả các luận án cao học Triết thời đó đều đề cập đến các Triết gia Hiện sinh. Nhưng cũng đặc biệt chỉ có một luận án Triết của những người trong số họ đề cập đến Triết Hiện Sinh của Sartre? Làm sao cắt nghĩa được điều này?
Sau đây là một số luận án: Mối liên hệ người với người trong triết học G. Marcel. Nguyễn văn Phiên.L’existence d’autrui et la fidélié dans l’oeuvre de G. Marcel.Ðặng Phùng Quân. Từ Hiện tượng luận Husserl đến Hiện tượng luận Heidegger. Trần công Tiến. Vấn đề thân xác trong triết học Merleau Ponty. Nguyễn Học Sĩ.. vvv
Huỳnh Phan Anh viết Văn chương và kinh nghiệm hư vô. Nguyễn quốc Trụ viết Văn chương và sự khả hữu. Văn chương với Simone de Beauvoir của Ðặng Phùng Quân. Viết về J.P sartre của Huỳnh Phan Anh. Simone de Beauvoir và những hình ảnh đẹp của Huỳnh Phan Anh. Hành trình của S. de Beauvoir của Huỳnh Phan Anh. Nguyễn Nhật Duật với Kinh nghiệm và vực thẳm. Trần Nhựt Tân với Ði tìm hiện hữu hay quyên sinh. Văn chương viễn mơ với Trần Nhựt Tân, Trần Văn Nam.
Ðã có bao nhiêu độc giả đã đọc họ và đã có bao nhiêu người hiểu họ? Tôi chỉ có thể hỏi mà không đủ tư cách để trả lời thay cho những người khác. Sự trình bầy khó hiểu và đôi khi khúc mắc đến tối tăm lại là dấu tỏ một sự hiểu biết ngoại hạng và một sự ưu vượt tài trí hơn người.. Họ đẩy người đọc vào tâm trạng cảm thấy một mặc cảm thấp kém của mình khi đọc những bài viết như thế.. Không ai dám truy vấn chính mình đến ngọn nguồn về trình độ đọc sách và truy vấn người viết về khả năng hiểu biết và diễn đạt? Người đọc không lẽ mang cái dốt của mình làm thước đo người khác? Người viết tự đồng hóa mình vào sự hiểu biết mà không cần biết người đọc hiểu được bao nhiêu? Nếu người đọc không hiểu thì phần lỗi về họ. Phải chăng những trí thức trẻ trên đúng là những kẻ truyền thừa của Sartre và cái triết lý ấy? Nguyễn Trọng Văn đã nhấn mạnh tới điểm này, nói tới một hình thái theo đuôi, bắt chước, thời thượng? Phê phán như thế có oan cho họ không? Với thiện chí của người trẻ, người trí thức, cố gắng đeo đuổi nghiên cứu triết lý Hiện sinh, họ bị xếp ngang hàng với những cậu choai choai Hippie? Thế nào là thời thượng, thế nào là không thời thượng? Thế nào là theo đuôi, thế nào là học hỏi, cầu tiến? Phải nhìn nhận như Nguyễn Trọng Văn là thế hệ những người trẻ thế hệ thứ hai đã không đóng nổi vai trò tiếp nối của lớp đàn anh. Không kế thừa và triển khai được những gì mà lớp đàn anh đã làm. Phải chăng chính vì triết học hiện sinh đã đi vào thoái trào? Hay là đã không còn gì để nói nữa, nói đến nhàm chán rồi. Những bài viết của Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Quốc Trụ, Trần Nhựt Tân, Trần Văn Nam, Ðặng Phùng Quân không đạt được những điều mà giới độc giả trông đợi ở họ như Nguyễn Trọng Văn đã nhận xét trong bài" Những con hoang của Nguyễn Văn Trung". Và cho đến bây giờ, điều đó vẫn là sự thực khó lòng biện minh... Nhận xét như thế này, có thể các anh có thể giận và bực bội. Giận thì tôi đành chịu. Ngay cả một số anh chị ra nước ngoài, ít lắm là có khoảng 10 người có điều kiện học lại, có bằng tiến sĩ cũng vẫn không đảm đương nổi vai trò tiếp nối. Chưa có một cuốn sách triết học nào được xuất bản có tầm cở và có ảnh hưởng đáng kể. Chưa có một cuốn sách nào giới thiệu trào lưu tư tưởng triết học cho đến nơi đến chốn. Chưa có một nghiên cứu chuyên sâu vào một triết gia nào. Và sau 30 năm mới có cuốn sách dịch Phê phán lý tính thuần túy của Kant, do Bùi văn Nam Sơn dịch. Trừ phần Triết đông, đã có một số người viết thành đạt. Có cuốn được in ra cũng không ai hiểu viết gì. Không ai đọc nổi... Ðiều này phải cắt nghĩa thế nào?

b. Trong phê bình văn học
Trong nghiên cứu văn chương, người ta cũng đọc thấy những đề tài như: Chinh phụ ngâm với tâm thức lãng mạn của kẻ lưu đầy. Lê Tuyên. Nguyễn Công Trứ với cảm thức Hư vô. Tản Ðà với khát vọng vĩnh Cửu. Thời gian Hiện Sinh trong Ðọan Trường Tân Thanh của Lê Tuyên. Gặp gỡ giữa Ôn Như Hầu và Camus của Ðặng Tiến ( tôi chưa được đọc). Những tiếp cận như thế là một cố gắng đào sâu các tác giả VN bằng cách so sánh với các tác giả ngoại quốc. Cố gắng đó có đạt được điều mà chúng ta mong muốn. Hay chỉ là gán ghép gượng ép. Chưa thể có được một tiêu chuẩn xác minh chứng thực. Nhưng phải nhìn nhận những thiện chí ấy.
Tự nhiên Chinh phụ ngâm, Nguyễn Công Trứ, Tản Ðà trở thành những triết gia bất đắc dĩ. Ðiều mà trước đây không ai đã có cơ hội truy cứu xem Tản Ðà chỉ khát rượu, khát bạn, khát làm thơ ngông nay có thêm khát vọng vĩnh cửu? Cái hư vô của Nguyễn Công Trứ là cái gì? Có phải là một cảm nghiệm siêu hình giữa hữu hạn và vô hạn? Giữa có và không? Giữa Hữu Thể và Tuyệt Ðối Thể? Hay chỉ là một cảm giác chênh vênh bên bờ, một chân gác bên này của Hữu Thể, chân kia chạm phải Hư Vô? Hay chỉ là ý thức về cái yếu đuối của cuộc nhân sinh, của tuổi xế chiều? Hay là một một xao xuyến trước cái mong manh của thời gian với cái Vĩnh Hằng? Ðã có rất nhiều nhà văn ở tuổi già mơ hồ cảm được cõi người và cõi bên kia, cái hiện hữu khô trồi và cái mù khơi xa vời vợi? Từ một lúc nào đó nhận thấy hình hài ta là cát bụi, ta là có đấy rồi không đấy, là thực thể đang đối đầu với cái vô minh hay cõi chân không? Không biết bao nhiêu ngữ từ và cách thế diễn đạt về vấn đề này.
Có thể có rất nhiều điều mà cả hai phía, Ðông và Tây cùng một một cảm thức, nhưng ngôn từ diễn đạt làm ta có cảm tưởng họ khác biệt, xa nhau. Phải chăng vì thế, nay nó trở thành một khám phá trong văn học? Từ cảm thức người thiếu phụ ngồi bên song cửa chờ đợi trong sự bất lực trở thành người đàn bà mang cảm thức lưu đầy.. Tâm trạng đó có thực chứng được không? Có cái gì vượt quá nhãn thức của người đàn bà? Có cái gì là gán ghép, ép uổng không? Hiện thực văn chương và phẩm bình văn chương có một chuẩn độ chung nào cho phép đi quá cái dự phóng của chính tác giả?Cứ như thế, các tác phẩm văn chương ở mức độ bình thường của người dân giả bỗng chốc mang vóc dáng người khổng lồ, được nâng cấp thành những tác phẩm lớn với tầm nhận thức và suy tưởng vượt xa tầm nhìn của chính tác giả. Phải chăng, phê bình trở thành một sự sáng tạo lần thứ hai? Lại còn vấn đề phóng chiếu cái quan điểm, cái nhìn hiện sinh vào nhân vật truyện như thể triết thuyết Hiện Sinh đã có từ rất lâu trong Văn Học Việt Nam? Cách này cách khác, người ta có thể tìm thấy bóng dáng cái triết lý ấy trong Nguyễn Công Trứ, Tản Ðà và ngay cả Nguyễn Du nữa. Nếu cứ như thế thì tại sao người ta lại không thể tìm thấy triết lý đó nơi câu chuyện Thằng Cuội. Ai cấm chú Cuội một lúc nào đó tự hỏi tại sao mình lại ngồi gốc cây đa? Mà ngồi làm gì mới được chứ? Có phi lý không? Ðến một lúc nào đó, Cuội sẽ đặt câu hỏi căn cơ và rốt ráo, câu hỏi cuối cùng của mọi câu hỏi là cuộc đời có đáng chán hay không đáng chán. Nếu cứ ngồi mãi ở gốc cây đa như thế này? Ðể chờ? Chờ cái gì mới được? Chờ bao lâu?.
Những bài viết này phóng chiếu cái nhìn Hiện sinh vào những cảnh đời thường đến làm chúng ta ngạc nhiên tự hỏi đó chỉ là sản phẩm từ J.P Sartre không ?

c. Trong giới Phật giáo
Ðến Phật giáo, Lão giáo cũng nhập cuộc. Người ta đọc được khá nhiều bài dùng kính chiếu Hiện sinh vào Phật Lão. Có những bài như Vào đạo Phật qua lối ngõ của J.P. Sartre hay : Từ lăng kính Nho, Phật, Lão đến lăng kính Hiện Tượng Luận. Tam Ích. Phật Giáo và chủ nghĩa Hiện Sinh.. Quang Minh. Từ Biện chứng Hiện sinh đến Biện chứng tương quan Tuệ Sĩ . Tác phẩm La nausée dưới con mắt Phật tử. Vấn đề giải thoát con người trong Phật Giáo và tư tưởng J.P. Sartre. Heidegger, Jaspers và bối cảnh Phật Lão Trang. Tam Ích. Tự Do hay Ðau Khổ. Triết lý Ấn Ðộ dưới mắt các triết gia Hiện sinh. Tác phẩm La nausée dưới con mắt Phật Tử. Vào đạo phật qua lối ngõ Phật giáo. Thích đức Nhuận. Vị trí của vô thể của Heideigger trong tư tưởng Ðại thừa. Ngô Trọng Anh. Trầm tư về cái chết trong tư tưởng Heideigger và Phật giáo. Chơn Hạnh.
Với rất nhiều bài viết như thế, người ta nghĩ một cách nghiêm chỉnh phải chăng có một cái diểm Oméga, điểm hội tụ nào giữa Triết lý Hiện sinh và triết lý Phật, Lão Trang.. Những quan niệm về thời gian, về tự do, về đau khổ, về ý nghĩa cuộc đời có cái gì có thể chia sẻ được, so sánh được hoặc trùng hợp giữa hai triết thuyết? Những người viết về những vấn đề này đã hẳn có suy nghĩ cẩn trọng và đã tìm ra được yếu tính chung của hai phía.
Một dạo nét sơ thảo lịch sử tư tưởng con người cho thấy có thể có có những tiếp cận, những trao đổi giữa các triết thuyết. Sự tiếp cận của Phật Giáo đối với triết thuyết Hiện Sinh như bước thăm dò đã đi đến đâu? Ðã đem lại được giải pháp hay tín hiệu gì? Không ai trả lời được câu hỏi đó. Chỉ biết sau này, ít còn ai đặt mối quan hệ giữa triết Hiện Sinh và Triết lý Phật giáo.

d. Trong giới công giáo
Có một số dư luận cũng như một số người có thói quen cho rằng chính giới công giáo cổ võ và truyền bá triết thuyết hiện sinh. Ðó là một ngộ nhận thô thiển. Có thể có một vài giáo sư gốc công giáo đã có công trình bầy triết thuyết đó. Nhưng giới thẩm quyền công giáo thì chống kịch liệt triết thuyết này. Sự ngộ nhận đó thấy rõ rệt trên Giao Ðiểm số tháng 8, năm 2004 có cho đăng bài của Ðào Trung Ðạo nhằm phê phán bài viết của tôi. Tôi cũng lấy làm buồn vì ông chủ báo cũng trong chỗ quen biết mà tôi cũng có bài cộng tác... Ông đã cố tình không cho đăng bài của tôi, chỉ đăng bài phê bình... Ông chủ bút trong lời mở đầu đã ám chỉ xa gần đến vấn đề đó.
Phải nói giới công giáo có một ảnh hưởng dội ngược, đối đầu.. Làm sao, giới thẩm quyền công giáo ở Việt Nam có thể chấp nhận một chủ thuyết hiện sinh vô thần? Cho nên, những ai muốn gán ghép triết thuyết Hiện sinh vô thần với công giáo quả thực là một gán ghép thiếu luận chứng.
Tại Pháp, có các triết gia hữu thần như Mounier, G. Marcel, thuộc cánh hữu, lập ra một trường phái Hiện sinh Hữu Thần với tờ Esprit làm cơ sở hoạt động.. Thay vì chê trách, phê phán cánh tả hay triết lý hiện sinh vô thần, họ đề ra đường lối Hiện hữu với tha nhân, tương giao con người, huyền niệm, tình yêu và sự trung thành. Nhưng tiếng nói của họ không đủ mạnh và thuyết phục. Tại Việt Nam, công giáo cũng đi theo đường lối đó. Chủ nghĩa nhân vị ra đời mà mục đích là cho những mưu cầu chính trị không nhằm đối đầu với chủ nghĩa Hiện sinh vô thần mà để đối đầu với chủ nghĩa Cộng Sản miền Bắc. Còn đối với chủ nghĩa Hiện sinh ở trong miền Nam, họ phê phán , công kích thậm tệ nhóm Hiện sinh kiểu Sartre.
Công giáo bảo thủ nhập cuộc bằng cách: hạ bệ và nguyền rủa thứ triết lý này. Ðại loại có những bài sau đây như : Chúng tôi tố cáo mầm phản loạn trong Văn Nghệ. Lại một trạng thái cuồng loạn phơi bầy trong tiểu thuyết .Chúng tôi cực lực phản đối cái thuyết dã thú hóa ra con người của ông Thạch Chương. Tiểu thuyết Nguyễn thị Hoàng, sự buôn lậu tư tưởng trong một con bịnh dân thành phố
Ðấy là những bài viết nhằm phê phán triết học ấy ở bình diện luân lý. Họ không nhằm phê phán triết Hiện Sinh của Sartre, họ chỉ nhằm phê phán những sản phẩm xã hội mà họ nghi ngờ là từ Sartre mà ra... Những sản phẩm được coi là những đứa con hoang của Sartre... Cho dù theo hay không theo, phải chăng cũng là sản phẩm của Sartre?

e. Trong lĩnh vực chính trị
Hết văn chương, tôn giáo lại thêm chính trị nhập cuộc. Những người anh em theo phía bên kia nay chửi thứ triết lý Hiện sinh với ẩn ý chính trị với Lữ Phương( Lữ Phương ở thời điểm đầu 75, không phải là Lữ Phương bây giờ)., Khải Triều.. Chẳng hạn, Ðọc các tác phẩm của Chu Tử. Hiện tượng dâm ô, đồi trụy trong Văn học hiện nay. Từ Văn Hóa cải lương đến văn chương đồi trụy và thứ cần sa của ngoại bang. Họ phê phán những sản phẩm xã hội đồi trụy cho những mưu cầu chính trị. Ðã hẳn những bài viết như thế thì không cần đòi hỏi bất cứ một chút kiến thức nào về chủ nghĩa Hiện sinh cả. (phần bài viết này trích lại trong bài: Về những người con hoang của JP Sartre của chính tác giả)
Và để kết luận về phần nhận định, đánh giá về Nguyễn Văn Trung. Xin trích nhận xét của Nguyễn Trọng Văn như phần kết:"Có nhiều người cho rằng uy tín văn hóa của ông Trung là do giọng văn sáng sủa, mạch lạc cùng những tư tưởng tiến bộ mới mẻ của Âu Tây mà ông đã có công đem vào Việt Nam. Nhận xét như vậy không phải là sai lầm, nhưng chưa nói được điều đáng nói vì có nhiều người viết sáng sủa mạch lạc, mặt khác mọi tư tưởng mới mẻ của Tây Phương chưa hẳn đã là tiến bộ đáng bắt chước. Thật ra uy tín của ông là ở tính cách biện chứng của tư tưởng.. nó thể hiện bằng ý chí muốn cọ sát tư tưởng với thực tế, muốn vượt mớ kiến thức thông ngôn để bắt đầu lại từ hoàn cảnh của Ðất nước. So với Nhận Ðịnh 1, Nhận Ðịnh 2 thì Nhận Ðịnh 4, chủ nghĩa thực dân, ca tụng thân xác.. là những bước tiến rõ rệt. Chính vì vậy, dù có một thời kỳ đã từng là con hoang của văn nghệ và quê hương hiện nay, ông vẫn là khuôn mặt đáng kể trong văn học miền Nam.

B. Trần Thái Ðỉnh, người gieo trồng triết hiện sinh cùng với vô số trí thức ở bên ngoài đại học.
Nhắc tới Trần Thái Ðỉnh, người ta nghĩ tới ông như một nhà giáo hơn là một nhà tư tưởng hay một triết gia. Ông có lối viết dản dị hoá vấn đề mà không trở thành thông tục, thêm có mạch lạc và có sư phạm. Ðọc ông, người ta có thể hiểu được những vấn đề triết học khúc mắc và cao diệu. Ðó là một thứ sách giáo khoa triết học như nhận xét của Bùi Văn Nam Sơn khi viết về Trần Thái Ðỉnh: Những tác phẩm của giáo sư Trần Thái Ðỉnh là những cuốn sách có tính chất giáo khoa để người đọc dễ dàng đi vào lãnh vực triết tây.Ðó là những cuốn sách gối đầu giường cho những ai muốn tìm hiểu một cách căn bản và hệ thống các tác giả và các chủ đề về triết học".
Ðọc ông là nắm bắt được cái gì. Ông là người có công đầu trong việc gieo trồng, giới thiệu một số triết gia như Descartes với Triết Học Descartes, Những suy niệm Siêu Hình Học và Phương pháp luận, rồi đến Triết học Kant, Triết học Hiện sinh, Triết học nhập môn, Khái niệm bản ngã trong tư tưởng Triết học Phật giáo nguyên thủy ( Luận án tiến sĩ, 1958.). Ðặc biệt cuốn Triết học hiện sinh xuất bản năm 1969 do nhà xuất bản Thời Mới, mà theo ông Tràng Thiên (tức Võ Phiến), cho biết cuốn sách bán hết ngay 2500 cuốn, trong khi đó cuốn của Lê Thành Trị bán không được vì viết khó hiểu. Xem ra như thế thì triết không phải lúc nào cũng tối tăm khó hiểu đâu. Nó cũng tùy thuộc vào người viết. Có người viết dễ đọc, có người viết khó đọc.
Ông còn ký dưới bút hiệu Trần Hương Tử gồm một số bài được đăng liên tục trên Bách Khoa như:
Bộ mặt của Triết học Hiện sinh. Bách Khoa, số 114/1961
Những đề tài Triết học Hiện sinh, số 115
Hai ngành chính của 3 Triết Học Hiện sinh, số 16
Kierkegard, ông tổ Triết Học Hiện sinh chính thức, số 117-118
Nietzsche, Hiện sinh vô thần, số 119-120
Husserl, ông tổ văn chương Triết lý Hiện Tượng Học, số 121
Phương pháp Hiện Tượng Học, số 122
Sartre, Hiện sinh và Siêu Việt, số 123
Triết Gia và Hiện Sinh, số 124
Siêu Việt thể của Jaspers, số 125-126-127
Marcel Hiện sinh và Huyền Niệm, số 129-130-131
Sartre hay là thuyết Hiện sinh phi lý, số 132
Nhân sinh quan của Sartre, số 133-134/1962
Tổng kết về Phong Trào Hiện Sinh, số 135-136
Heidegger và bản chất của thi ca, số 169
Triết Hiện sinh và chính trị số 264.
Yếu tính của tha nhân. Trần Thái Ðỉnh, tạp chí Ðạo Học Huế
Giới thiệu triết học Merleau Ponty. Tạp chí Ðại học Huế.
Heideigger và bản chất của thi ca.
Những bài báo trên đã giúp độc giả bên ngoài giới sinh viên đại học ít lắm hiểu được những đường nét chính của chủ nghĩa hiện sinh. Và cũng nhờ vào những bài báo đó giúp người đọc hiểu rằng triết hiện sinh vỉa hè đã không cùng chỗ đứng với triết học hiện sinh trường ốc.
Ngày nay, nhìn lại những công trình trước tác của ông không khỏi nghĩ rằng, ông là người trực tiếp góp phần phổ biến triết thuyết ấy đến tay một số độc giả thuộc giới trung lưu thành thị. Cùng với ông có một số những người không thuộc giới chức đại học chuyên ngành, nhưng đã đóng góp bằng rất nhiều bài báo dưới hình thức khảo luận hay dịch thuật. Ðó là quý ông Trần Bích Lan, Vũ Ðình Lưu, Trần Phong Giao, Trần Thiện Ðạo, Tam Ích, Ðỗ Long Vân, Lê huy Oanh, Ðặng Tiến, Lê Tuyên, Lữ Phương, Khải Triều, Cao Thế Dung, Phùng Thăng, Phùng Khánh, Cô Liêu, Ðặng Phùng Quân,Thích Ðức Nhuận, Nghiêm Xuân Hồng... Trong số trên, có người viết ít, chỉ một hoặc hai bài, có người viết nhiều, có người viết chỉ để chống đối, đả phá như Cao Thế Dung, Lữ Phương, Khải Triều. Những trường hợp đả phá như thế, một cách vô tình cổ xúy cho phong trào phổ biến triết thuyết ấy. Gây thêm sôi động là một hình thức cổ xúy gián tiếp. Có người dùng các tư tương của các triết thuyết đó soi dõi cho những nhận định về văn học hay triết lý Dông Phương như Lê Tuyên,Tam Ích, Ðỗ Long Vân, Tuệ Sĩ. Những người viết đều, viết nhiều có ông Trần Thiện Ðạo ở Pháp, Trần Phong Giao, Vũ Ðình Lưu.
Phải nói họ đã làm đầy đủ chức năng gây trồng của một người trí thức.
Sự đóng góp qua báo chí đã giúp vào việc phổ biến rộng rãi triết học hiện sinh, nhất là hiện sinh của J P Sartre.
Nguyễn Văn Trung với các bài sau đây:
- Vấn đề giải thoát con người trong Phật giáo và tư tưởng của J.P Sartre.
- Những tình bạn dang dở.
- Văn chương và siêu hình học.
- Thi ca và triết học.
- Văn chương hiện sinh.
- Luân lý và văn học.Trở lại vấn đề luân lý và văn học.
- Sartre trong đời tôi.
- Cái nhìn hay đám cưới với cuộc đời.
- Tưởng niệm Camus.
- Vài cảm nghĩ về tình cảm phi lý của kẻ lưu đầy.
- Cuộc đời như một tra hỏi.
- Ðọc vũ trụ chữ nghĩa của J.P Sartre.
- Quê hương và lưu đày, giới thiệu Camus. Người phản kháng.
- Những tình bạn dang dở.
- Triết học hiện sinh, giờ thứ 25 của của triết học Tây phương.
- Dịch và giới thiệu: Người đàn bà ngoại tình của Camus.
- Chủ nghĩa hiện sinh ( trả lời phỏng vấn) của Trần Thái Ðỉnh.
- Triết học hiện sinh. Ðiểm sách của Trần Thái Ðỉnh.
- Quê hương và lưu đày. Nguyễn Văn Trung giới thiệu
- Người phản kháng.
Như đã trình bày ở trên, những bài báo của Nguyễn Văn Trung gây ra khá nhiều tranh luận và là cái đích duy nhất để nhiều tác giả khác nhắm vào. Nhiều bài báo có tính cách truy chụp, viết dưới góc cạnh chính trị hay luân lý và cho thấy chẳng có chút hiểu biết gì về triết lý hiện sinh. Hoặc là đã không phân biệt được loại triết lý hiện sinh vỉa hè vốn chẳng có liên quan gì đến Sartre hay Heideigger. Hoặc là chỉ lưu ý tới phần văn chương tiểu thuyết mà không cần biết đến triết thuyết ấy. Nhiều bài có tính cách diễu cợt bên lề. Theo Trần Phong Giao, nhờ những bài báo đó, báo bán chạy, có lúc được 15 ngàn số hồi 1967-1968 đến chẳng cần quảng cáo hay tài trợ của chính quyền.
Nhưng cũng cho thấy được rằng, có một không khí sôi động tạo ra những tranh luận đôi khí hăng say quá đà, nhưng nó cũng chứng tỏ tinh thần tự do phát biểu, tranh luận công khai ở thời kỳ đó. Sau đây là một số bài viết trong thời kỳ đó:
- Nhân đọc bài Luân lý và văn học của ông Nguyễn Văn Trung, từ thái độ cởi mở đến sự phủ nhận luân lý trong lĩnh vực văn học. Bùi Tuân.
- Một thái độ khó hiểu của ông Nguyễn Văn Trung. Văn Ðàn số 23, 12-11-1960
- Chúng tôi tố cáo mầm phản loạn trong văn nghệ. Bút Nhọn
- Tán thành hay phản đối văn chương hiện sinh. Anh Chức.
- Lẳng lặng mà nghe. Kính dâng hương hồn sống của các đồ đệ JP. Sartre. Sa Nhăng.
- Cười nụ. Hiện sinh. Nam Phương Sóc
- Chúng tôi cực lực phản đối cái thuyết dã thú hóa ra con người của ông Thạch Chương. Cô Thùy Dương.
- Thanh niên hư hỏng và thuyết hiện hữu của J.P Sartre. Vô Vi
- Theo dõi một cuộc tranh luận(về luân lý và văn học). Quốc Minh.
- Giải đáp thắc mắc những con của Sartre, Nguyễn Văn Trung. Nguyễn Mạnh Côn.
- Ðặt lại giá trị và giới hạn của triết lý J.P Sartre. Phạm Công Thiện
- Nghĩ về văn chương hiện sinh . Thế Nguyên
- Tiểu thuyết Nguyễn Thị Hoàng, sự buôn lậu tư tưởng trong một con bịnh dân thành phố. Cao thế Dung.
- Văn nghệ, văn hóa qua những hình thái thông ngôn nô dịch. Cao Thế Dung.
- Từ văn hoá "cải lương" đến văn chương đồi trụy và thứ cần sa của ngoại bang. Khải triều.
- Mại bản văn hoá và mấy hình thái văn chương nô dịch. Cao thế Dung
- Hiện tượng dâm ô đồi trụy trong văn học hiện nay. Tin Văn
- Ðọc tác phẩm của Chu Tử
- Văn học Hiện tượng luận có phải là văn học khiêu dâm không. Tam Ích
- Sartre và Heideigger, các ông là ai, và bây giờ các ông đi đâu. Tam Ích.
- Sự thất bại toàn diện của Heidegger và con đường tư tưởng VN. Phạm Công Thiện.
- Triết học hiện sinh và những người cầm bút ở VN. Nguyễn Trọng Văn, phê bình dưới quan điểm nhìn từ chủ nghĩa Mác xít
- Hoàn cảnh những người cầm bút miền Nam trước và sau 1963. Nguyễn Trọng Văn.
- Từ Hiện sinh đến tính dục.
- Những con hoang của Nguyễn Văn Trung. Nguyễn Trọng Văn.
- Triết lý ảo tưởng hay ảo tưởng triết lý. Nam Hà Trung.

C. Trần Thiện Ðạo
Ông Trần Thiện Ðạo, một trí thức ở Pháp là một cây bút viết nhiều, nhằm giới thiệu trào lưu hiện sinh với những bài viết dịch thuật có giá trị . Nhưng rất tiếc lại ít được người trong nước lưu ý tới.
- Camus, J.P Sartre.
- Cuộc tranh luận về Văn nghệ giữa Sartre, Y. berger, Simone.
- Sartre tỏ rõ thêm về quyển "les mots" bài của J.Piatier do Trần Thiện Ðạo dịch.
- Tìm hiểu Ðạo đức Sartre.
- J.P Sartre và giải Nobel
- Tiền Phong là gì của JP Sartre do Trần Thiện Ðạo dịch.
- Gió về Djémila. Camus
- Kín cửa ( Huis clos).
- Tìm hiểu về kịch LES MOUCHES của J.P Sartre

D. Trần Phong Giao
Cũng như Trần Thiện Ðạo, ông đóng vai trò giới thiệu triết học hiện sinh bằng cách dịch thuật phần triết lý hiện dưới dạng tiểu thuyết, nhất là dịch các truyện của Camus.
- Camus. Thân thế và tác phẩm.
- Những người trung thực ( dịch Les Pestes) của A.Camus.
- Tại sao tôi dịch cuốn " Guồng máy".
- Không một nấm mồ ( Morts sans sépultures)
- Guồng máy ( L’engrenage)
- Sự Ðã rồi ( Les Jeux sont faits). Trần Phong Giao và Nguyễn Xuân Hoàng dịch.
- Les séquestrés d’Altona
Cũng xin trân trọng nhắc đến tác giả TPG, một người đã cống hiến cuộc đời cho việc viết báo và giới thiệu văn học nước ngoài. Cũng như giáo sư Trần Thái Ðỉnh, nay ông cũng không còn nữa ở trên dương thế này.
Những bài báo như trên được đăng mỗi tháng như những món ăn tinh thần không thiếu được của giới sinh viên trí thức thành thị. Người ta chờ đợi, tìm đọc, nghiền gẫm, tranh luận với say mê thích thú.

E. Trần Văn Toàn, người trình bày triết học Mác xít, Lý Chánh Trung, người xử dụng triết học Mác cho những xu hướng chính trị cách mạng về một một chủ nghĩa xã hội không Cộng Sản.
Mới đây, có một tranh luận nhỏ giữa anh Nguyễn Quốc Trụ và Trần Trung Ðạo về sách của chủ nghĩa Mác ở miền Nam. Theo như tôi được biết thì các sách căn bản về chủ nghĩa ấy đều có trong thư viện Ðại học Ðàlạt. Có thể mượn và đọc thoải mái, chỉ không có sức mà đọc. Nói như thế đế thấy tinh thần tự trị, tinh thần tự do tư tưởng ở miền Nam như thế nào. Nó khác miền Bắc và ưu việt hơn miền Bắc vì nó tôn trọng sự tự do tư tưởng. Riêng Trần Văn Toàn thì có ba cuốn sách bàn về chủ nghĩa ấy là : Hành trình đi vào Triết học, Xã hội và con người và cuối cùng là cuốn Tìm hiểu triết học của Karl Marx.
Cuốn đầu, dù chỉ là cuốn triết học nhập môn dùng cho sinh viên năm dự bi văn khoa ở Huế, vào năm 1961-1962. Có năm chương thì chương hai với tựa đề Hiện thân con người ở đời dựa trên cơ sở học thuyết Karl Marx. Với những đề tài như hiện thân trong vật giới, hiện thân trong nhân giới, xã hội lý với tương quan ông chủ-thằng ở. Chính là những khởi điểm suy nghĩ đi vào triết học Mác.
Trong cuốn Xã hội và con người, một lần nữa ông đào sâu thêm về thân phận làm người với những giao ngộ, tư do rồi cạnh tranh sinh tồn giữa ta và người khác. Từ chỗ đó đi đến kết quả tha nhân, kẻ làm mất bản thân tôi đến ý thức nô lệ và vấn đề ý thức hệ.
Cuốn thứ ba dặt vấn đề trực diện với việc:Tìm Hiểu triết học của Karl Marx. Trong đó chương hai quan trọng nhất nói về Vong Thân với các loại vong thân và ý thức vong thân cũng như vấn đề ý thức hệ Cộng Sản.
Cần nhấn mạnh để tránh hiểu lầm là Trần Văn Toàn trình bày học thuyết Mác như một triết lý Mác Xít khác hẳn lối trình bày kinh điển hay nhìn nó như một chủ nghĩa Mác- Lênin. Vì thế, cách trình bày của ông không có tính cách giáo điều, tính áp đặt. Tất cả những sách trên dù chuyên môn, nhưng theo tôi, đọc khá dễ hiểu và lý thú. Khi những cuốn sách đó được in ra, tôi đã đọc và bắt được những nội dung, những thème chính cũng như những ý tưởng mà tác giả muốn trình bày. Hơn nữa, những sách trên đã kịp thời đáp ứng tình thế xã hội và chính trị lúc bấy giờ vào cuối thập niên 60. Tóm lại, Trần Văn Toàn đã trình bầy cặn kẽ, mạch lạc, hệ thống tư tưởng Mác ở phạm vi triết học và cũng tránh đi vào những phạm trù lôgích như định đề của chủ nghĩa ấy.
Cho đến nay, đọc lại những sách đó, tôi vẫn cảm thấy thích thú và tâm đắc hơn những cuốn sách do chính những người Cộng Sản viết. Ông là một trong những người duy nhất giúp trí thức miền Nam hiểu được một phần triết lý của Mác như thế nào. Về điểm này, không ai hơn ông được.

F. Lý Chánh Trung
Nói đúng ra, Lý Chánh Trung là người duy nhất dạy triết mà không dạy triết. Ông dạy triết hay viết triết chỉ để biện minh cho những tư tưởng xã hội chính trị mà ông cưu mang ấp ủ. Vì vậy, chẳng bao giờ ông có tham vọng giảng dạy triết thuần túy theo lối trường ốc. Ông cũng chẳng trình bày mạch lạc bất cứ triết thuyết nào, ngay cả học thuyết của Mác. Trong các bài giảng của ông như Bạo Ðộng và lịch sử trong môn Ðạo Ðức học hay Nhiệm Vụ học cho các lớp dự bị Chính trị kinh doanh thì đều bàng bạc tư tưởng triết học của Mác. Những bài viếr đó đề cập đến vấn đề bạo động giữa con người, vấn đề đạo đức và cách mạng, vấn đề biện chứng giữa ông chủ-thằng ờ, vấn đế giai cấp tư bản và vô sản, vấn đề bất bạo động theo quan điểm của Gandhi và sau cùng quan trọng nhất là vấn đề làm cách mạng xã hội không cộng sản. Tư tưởng chủ đạo của ông là thực hiện một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa không Cộng Sản.
Có nhiều khuynh hướng khác nhau về một cuộc cách mạng không Cộng Sản như nhóm của thầy Nhất Hạnh với trường Thanh niên phụng sự xã hội, nhóm của Mỹ với Phong trào học đường mới v.v... Ở đây chỉ trình bày nhóm Hành Trình với Nguyễn Văn Trung và Lý Chánh Trung.
Thật ra, danh từ Cách mạng Xã Hội chủ nghĩa Không Cộng Sản chỉ xuất hiện từ năm 1964. Dựa vào tình thế bế tắc lúc bấy giờ, với cuộc nội chiến tương tàn, không lối thoát. Vấn đề ai thắng ai chẳng giải quyết được gì? Người trí thức bấy giờ thất vọng cả hai phía. Phía Cộng Sản thì chủ thuyết Mác xít với Duy vật sử quan đã tỏ ra lỗi thời. Những kinh nghiệm quá khứ cho thấy chủ nghĩa đó quá tàn bạo và khắc nghiệt như đã xảy ra ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Nội bộ các nước đó chia rẽ như trường hợp Liên Xô và Trung Quốc. Về kinh tế cho thấy các nước theo XHCN đều rơi vào tình trạng lạc hậu, thụt lùi. Ðối với phe Tự Do cho thấy chế độ tư bản chỉ là duy trì cơ cấu bóc lột chuyển từ hình thức thực dân cũ sang thực dân mới. Tư bản Mỹ duy trì tình trạng chiến tranh ở VN mà nguy cơ là chắc chắn không thể thắng được.
Quan điểm này cho rằng có thể có một đường lối thứ ba. Ðường lối không chấp nhận cả hai khối Tự Do và Tư bản. Vì cả hai đều có những nhược điểm. Vì thế, người ta có thể thực hiện một cuộc cách mạng xã hội bên ngoài đường lối Cộng Sản. Theo Lý Chánh Trung, Các nước Châu Phi, Châu Mỹ La Tinh chỉ có thể thoát khỏi tình trạng tủi nhục của sự lệ thuộc, đói rách, thối nát, bất ổn khi nào có can đảm thay đổi toàn diện những cơ cấu mục nát do chế độ thực dân để lại, dám thắt lưng buộc bụng để tạo dựng những cơ sở vững chắc hầu có thể tự mình giải quyết những vấn đề của mình. Nghĩa là phải phá bỏ cơ cấu bạo động bóc lột do thực dân để lại. Trong lời nói mở đầu cuốn Cách Mạng và Ðạo Ðức, Lý Chánh Trung viết : “Tại các nước chậm tiến, cách mạng xã hội là một vấn đề sinh tồn, một vấn đề danh dự’’. Tại miền Nam, thay vì làm cách mạng xã hội, người ta chống Cộng. Nhưng thực ra chỉ có một cách chống Cộng hữu hiệu là làm cách mạng xã hội. Các đảng phái, nhà cầm quyền chỉ biết chống Cộng, nhưng lại duy trì cơ cấu thối nát thay vì làm cách mạng cơ cấu. Không thể tin vào những những giải pháp quân sự hay sự can thiệp của Mỹ vào miền Nam. Miền Nam chỉ còn một lối thoát là làm cách mạng xã hội. Muốn có một chính quyền mạnh, vừa phải đối phó với Cộng Sản, vừa với Mỹ thì điều kiện tiên quyết là phải được lòng dân. Muốn có hậu thuẫn trong dân chúng, phải làm Cách mạng Xã Hội. (Lý Chánh Trung CMVÐÐ, trang 103).
Ðặc biệt về điểm này, Lý Chánh Trung đã để hết tâm huyết khai thác, trình bày quan điểm của ông trên tờ Trình Bày thời đó. Người ta biết đến Lý Chánh Trung rất nhiều, chính là ở giai đoạn này. Ðặc biệt, ông viết cuốn Tìm về dân tộc mà mụch đích chỉ là cổ xúy cho một cuộc cách mạng xã hội, lấy dân tộc làm căn bản.

G. Lê Tôn Nghiêm : Kẻ gieo trồng không được mùa
Lê Tôn Nghiêm có một đời sống thật dản dị và có một tấm lòng say mê triết học đến khó ai sánh bì. Cả đời ông lăn lộn, sống với nó. Ông đọc và say mê mỗi khi khám phá ra điều gì mới. Ông hăng say nói ra. Nhưng trong cách đọc, cách viết, gần như ông đánh vật với chữ nghĩa. Ông trăn trở, ông kiếm tìm, mày mò, tra cứu học hỏi. Nhưng cách trình bày lan man, không nắm rõ khiến ông lúng túng vụng về khi giảng dạy cũng như khi viết. Ông đã dịch và giới thiệu Karl Jasper với cuôn Triết học nhập môn, Trung tâm văn hóa Ðông tây xuất bản. Cuốn sách rất hay như thứ sách gối đầu giường của giới sinh viên. Ông cũng là tác giả cuốn sách mỏng : Ðâu là căn nguyên tư tưởng. Hay con đường triết lý từ Kant đến Heidegger. Nxb Trình Bày, 1970. Rồi Heideigger trước sự phá sản của tư tưởng Tây phương. Lá Bốí 1970. Triết gia người là ai. Thế nào là tính thể con người.Tư tưởng với Nghệ thuật. Vấn đề con người trong tư tưởng K. Jasper. và sau đó là bộ Lịch sử triết học Tây phương 3 cuốn, nxb tp Hồ Chí Minh. Rất tiếc, bộ sách lịch sử này mới xb được 3 cuốn, đi hết được phần triết học thời Trung cổ với triết học các giáo phụ và triết học kinh viện. Viết cho đầy đủ cả bộ, chắc cần cả 10 cuốn như thế nữa nữa. Ông mất đi coi như đứt gánh giữa đường, dang dở nhiều truyện, hiểu lầm, ngộ nhận đến phiền muộn cũng không thiếu.
Trong số các triết gia hiện sinh, ông say mê thần phục và cũng một lẽ đó ông nhìn thấy tính cách phá sản trong tư tưởng của Heidegger. Nhưng ông đã không thành công mấy trong việc chuyển tải những ý tưởng hay những chủ đề nòng cốt của Heidegger đến giới sinh viên. Ảnh hưởng của các triết gia này vì thế cũng không dược chú trọng đúng mức và bản thân ông cũng không gây được tiếng tăm gì nơi giới Sinh viên.

3. Các giáo sư triết dạy trung học
Nói đến triết học Tây Phương ở miền Nam không thể không nói đến đội ngũ các giáo sư triết ban tú tài 2. Họ là thế hệ thứ hai được đào tại tại ba trường là Văn Khoa Sàigòn, Ðại Học sư phạm Ðàlạt và Ðại học Huế. Số lượng các giáo sư này cứ thế lớn lên mỗi năm, thay thế dần thế hệ đàn anh thứ nhất và đồng thời môn triết học Tây phương được trải rộng tại các tỉnh phía Nam cũng như miền Trung. Chỗ nào có trường Trung Học đệ nhị cấp là có họ. Họ đi gieo trồng môn triết trên khắp miền Nam, đem những tư tưởng, trào lưu triết học đến thế hệ học sinh khắp nước. Công việc làm của họ có thể âm thầm. Nhưng hậu quả thật lớn, vì nhờ đó cả một thế hệ thanh nhiên được truyền thụ tinh thần tự do tư tưởng, được tiếp xúc với những nhà tư tưởng lớn của thế giới.
Họ là những người như chim đầu đàn, đáng lý phải xếp vào thế hệ hàng đầu như Nguyên Sa Trần Bích Lan. Thật ra, ông viết về triết không nhiều. Ngay tờ Hiện Ðại do ông làm chủ bút chỉ có hai bài về A. Camus của Trịnh Viết Thành. Riêng ông sau này viết như một phủ nhận triết thuyết ấy với bài : Rời bỏ nền văn chương trú ẩn, đăng trên tờ Ðất nước. Ngay trong phạm vi dạy triết trung học, ông chú trọng vào việc luyện thi hơn là truyền bá một loại kiến thức triết sâu xa gì. Tiếp theo là những Nguyễn Vĩnh Ðễ, gs triết tại Collège de Trois-Rivières với : Le problème de l’homme chez Jean-Jacques Rousseau. Considérations actuelles, essais philosophiques với nhiều tác giả. Trần Ðức An, tác giả sách giáo khoa, Trương Toàn, Lê Thanh Hoàng Dân, dịch triết học hiện sinh. Dịch Bức tường, Le Mur. Nguyễn Xuân Hoàng, nhà văn trrước 75 và chủ bút báo Văn. Có dịch chung với Trần Phong Giao như đã nói ở trên. Ðinh Văn Hải, Phạm Việt Cường, cao học triết Ðại học Văn khoa, Sàigòn, chị Hoàng Mỹ Hiền, chị Chu Kim Long, rồi Nguyễn Trọng Văn, Nguyễn Ða, Bùi Ngọc Dung. Anh Bùi Ngọc Dung có viết một số bài như Camus và nền văn chương triết học. J.P Sartre , từ hiện sinh đến biện chứng.Trần Công Tiến với luận án Từ Hiện tượng luận Husserl đến hiện tượng luận Heigeigger, 1969. Anh cũng có viết bài từ Heideigger 1 đến Heideigger 2. Ðặng Phùng Quân, cao học Triết là một trong những người viết nhiều nhất, năng nổ và dài hơi nhất. Hiện hữu tha nhân với G.Marcel. Triết học và Khoa học. Chân dung triết gia. Triết học và văn chương. Hành trạng tư tưởng giữa hai thế kỷ. Phê phán hệ tư tưởng Mác xít, tập truyện ngắn Miền Thượng Uyển, ... Thụ Nhân, tác giả cuốn sách dịch L’existentialisme est un humaniste và cuốn L’existentialisme. Huỳnh Thanh Tâm, trước đây với nhiều bài viết về triết học như đã nói ở trên, nay chuyển sang dịch thuật. Trần Văn Nam, Trần Nhựt Tân phân tích các chủ đề văn chương trong đó có : Tập thơ độc nhất với luận án Quan niệm của Sartre về hữu thể., Nguyễn Nhật Duật, viết phê bình văn học. Ngô Ðức Diểm, nhà thơ với Tập thơ Cõi người ta.. Nguyễn Vy Khanh, viết Văn học Việt Nam thế kỷ 20 dịch Ngô Ðình Diệm và nỗ lực hoà bình dang dở, dịch Lỗ Tấn và truyện xưa viết lại. Bốn mươi năm văn học chiến tranh 1957-1997, Văn Học và thời gian. Phạm Phú Minh, chủ bút tờ Thế kỷ 21. Nguyễn Ðồng, Lê Mạnh Thát, học ở Ðà Lạt, sau đi du học ở Mỹ và nay là phó viện trưởng thừng trực Học Viện Phật giáo VN. Thày viết Lịch sử Phật giáo VN ( ba tập) Triết học thế thân Vasubandhu. Trần Thái tông toàn tập, Trần Nhân Tông toàn tập. Nguyễn Tử Lộc, đã mất, anh có dịch : Thi sĩ da đen,. J.P. Sartre. Tô Văn Lai, Nguyễn Văn Vũ, Trương Ðình Tấn, Nguyễn Văn Thuộc, Nguyễn Hữu Dư, Ðặng Thần Miễn, với bài thơ tiếng hát da mầu, được Nguyễn Ngọc Lan và Lê Hảo dịch ra : Chant de louange pour la peau d’ébene trong tập : Le crépuscule de la violence, nay là nhà dịch thuật. Vũ Chí Hùng, Uông Ðại Bằng, Lê Tấn Lộc, Võ Văn Bé, Phạm Minh Quý, Võ Túc, Nguyễn ÐăngTrúc với Sinh hoạt cảm xúc trong Hiện Tượng luận M. Scheler. Hiện nay, anh là giáo sư phân khoa thần học NH Strasbourg, Pháp, tác giá các sách : Văn Hiến, nền tảng của minh triết. Tiếp cận tư tưởng VN : vấn đề triết học. Và anh đang sắp sửa cho in cuốn sách triết học trong đó trình bày thời kỳ tiền triết học gồm : Eschyle, Sophocle, Héraclite, Parménide, Socrate.. đồng thời làm chủ nhiệm tờ Ðịnh Hướng. Ðỗ Phương Anh, Phạm Ngọc Ðảnh, Nguyễn Ngọc Phách với Tương quan giữa tư tưởng và tượng trưng. (Hiện tượng luận thông diễn của Paul Ricoeur) Trương Toàn, Nguyễn Thanh Tùng, Hoàng Minh Khánh, Vĩnh Phiếu, Nguyễn Văn Thuộc, chị Phan Thanh Gia Lai, chị Ðoàn Phi Loan, chị Thanh Tân, Nguyễn Duy Diệm, Nguyễn Văn Lan, Nguyễn Mẫn, Nguyễn Nhật Duật, đã mất, viết phê bình văn học. Hồ Công Hưng, Bùi Văn Nam Sơn, có đi học thêm Triết ở Ðức với công trình đồ sộ là dịch cuốn Phê phán Lý tính thuần túy của Emmanuel Kant, nxb Văn Học, dày 1261 trang. Hồ Công Danh, Võ Doãn Nhẫn, làm thơ. Nguyễn Văn Lục, viết phê bình Văn học. Bành Ngọc Quý, Dương Văn Ba, Nguyễn Quốc Tuấn, Phùng Quyên.
Ngoài Huế có thêm các chị Phương Chi, Diệu Trang, Thái Kim Lan, dịch giả Huệ Tím của Hermann Hesse và kịch Người hảo tâm thành Tứ Xuyên của B.Bretch. Tập Chức năng của cảm giác tính trong việc phê phán lý tính thuần túy. ( luận án tiến sĩ) Tống Thị Lan, Nguyễn Châu, viết nghị luận. Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà văn với bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông. Thơ với Người hái hoa phù dung. Hoàng Văn Giầu, với Phồn Hoa kinh, hiện nay chủ bút mạng Chuyển Luân, bên Úc. Lê Tử Thành, Nguyễn Nguyên Phương, Trần Xuân Kiêm, dịch thuật triết học cùng với Trần Công Tiến, Phạm Công Thiện, Trương Ðăng Dung cuốn Martin Heideigger.
Không có những người thợ gieo gặt này, ở khắp nơi trên mảnh đất miền Nam, từng ngày, từng năm, âm thầm truyền đạt, cấy niềm tin, cấy những luồng tư tưởng mới, mỗi người mỗi cách truyền đạt, mỗi người mỗi thái độ chọn lựa, gieo vào đầu óc thế hệ thanh thiếu niên miền Nam những giá trị tinh thần với sự xác tín. Nói rộng ra, từ các cô giáo viên tiểu học đến Trung Học, trong đó có các giáo sư Triết, giáo sư Việt Văn.. ít nhiều đều có sự xác tín như thế. Dạy học mà không có xác tín, không cấy được niềm tin thì không có giáo dục. Nhưng cũng xin nhấn mạnh ở đây, xác tín ở đây là sự ưng thuận tự nguyện, không do nhồi sọ, tuyên truyền, áp đặt.
Trong số những giáo sứ này, điều chính mà tôi muốn nhấn mạnh là sự đóng góp của họ trong thời gian 20 năm triết học Tây Phương ở miền Nam. Phần còn lại sau này có viết được gì không nằm trong khuôn khổ của bài viết này nữa. Chỉ xin lược kê mà không có ý kiến.
Phần cá nhân tôi, dù rằng chẳng học được bao nhiêu ở các thày. Nhưng cái tính thần học hỏi, cơ hội học hỏi trau dồi hiểu biết thì không thiếu. Ðiều đó buộc tôi nghĩ rằng, tôi đã may mắn được sống ở miền Nam, được lớn lên, được nuôi dưỡng, được giáo dục trong cái môi trường đó, được trở thành giáo sư Triết ở đó. Tôi không có gì để hãnh diện hơn nữa. Càng nghĩ đến xã hội hôm nay, niềm chua xót càng lớn... Thật tiếc cho giới trẻ hôm nay ở miền Việt Nam, chúng đã không có cái may mắn như chúng tôi, mặc dầu có thể chúng tôi đã mất hết.
Có thể tôi đã quên nhiều người... Xin tạ lỗi. Ðiều đó không tránh được. Nhưng xin nói với các bạn đồng hành, tinh thần học hỏi của triết học Tây Phương, đó là tính ưu việt của miền Nam mà mỗi người phải tự hãnh diện và giữ lấy về những năm tháng ấy.

4. Tinh thần học Triết và dạy triết Tây phương ở miền Nam
Trước vài giờ lên máy bay về lại Canada, tôi nghĩ cần phải nói những điều tôi đang suy nghĩ với một người bạn. Tôi kêu xe Honda ôm lên nhà Nguyễn Trọng Văn để chỉ muốn bày tỏ với anh ta một điều: cái gì là đặc điểm của triết học Tây phương ở miền Nam. Tôi đã nói cái ý đó ra, chúng tôi cùng phá lên cười, cười nghiêng ngả vì trúng ý nhau, rồi cảm động đến ứa nước mắt. Những dòng sau đây viết để tặng tất cả những người bạn thời tuổi trẻ.

A. Tinh thần tự do suy nghĩ, phát biểu, giảng dạy
Ở miền Nam trước đây, người ta cứ nói tới độc tài Ngô Ðình Diệm, độc tài trong tôn giáo, độc tài Nguyễn Văn Thiệu. Nhất định là có đấy không phải không.. Nhưng xin nhắc mọi người rằng, độc tài chính trị không có chỗ trong các giảng đường đại học. Quyền tự trị Ðại học là tuyệt đối trong phạm vi tư tưởng. Nó có thể bị o ép trong phạm vi hành chánh, quản trị nhân viên trong việc bổ nhiệm và điều đó có thể đã xảy ra. Về tư tưởng, chưa bao giờ mà chủ nghĩa nhân vị có thể lọt vào các giảng đường. Nó có thể len lỏi vào Suối lồ . Nhưng giảng đường thì không. Ở nơi đây, các trào lưu triết học cổ, trung cổ, cận đại, hiện đại đều có chỗ. Triết học Phật giáo, Ấn độ giáo, Trung Hoa, triết học hiện sinh hữu thần và vô thần và triết học Mác Xít cũng được giảng dạy trong cours Triết sử. Tự do đến thế. Ðiều ngạc nhiên đến không ai ngờ tới là khoa thần học công giáo lại không có mặt. Nhưng những vụ án như Galilée thì lại có. Ðiều đó muốn nói lên điều gì. Những giáo sư dạy triết sử như Raguin dạy Ấn Ðộ giáo, Phật giáo đến độ say mê tưởng lầm đâu rằng ông là một tỳ kheo, hay khất sĩ. Larre cũng thế. Tchen1, Tchen 2 cũng không khác. Và tôi đã hỏi các bạn tôi, dù một lần thôi, họ có nói đến tôn giáo của họ cách này này cách khác. Không. Nguyễn Trọng Văn, Lý Chánh Trung, Trần văn Toàn bê khệ nệ ông Mác vào giảng đường, nào có ai nói gì không. Bê Sartre, bê Heideigger hoặc vác G. Marcel vào thao diễn nói hay làm luận án là tha hồ. Tư tưởng nghịch chiều nhau, tư tưởng tả khuynh, hữu phái, cấp tiến hay bảo thủ đều có thể có mặt.
Trong những lúc tình thế sôi bỏng bên ngoài với sự xáo trộn chính trị, tôn giáo đủ loại, chúng ta thử nhìn xem những phản ứng thái độ của các viện trưởng, khoa trưởng như thế nào. Trong khuôn viên trường Ðại Học Văn khoa, Sàigòn, trải qua nhiều thời kỳ biến động chính trị. Nó vẫn giữ được phong cách của mình. Phong cách đại học, vị thế nhìn, vị thế đối đấu và thường chọn lựa vị thế đó. Vẫn tự lập, tự chủ. Vẫn có bản sắc, có tiếng nói riêng, chọn lựa cho mình. Tiếng nói đó là tiếng nói của tuổi trẻ, của lý tưởng và không muốn khuất phục, cúi đầu. Tiếng nói trung thực, không xu nịnh, bè phái, không nghiêng ngửa. Về chính trị thường là tiếng nói khuynh tả, đi ngược lại chính quyền đương đại. Ðó là niềm tự hào của giới trẻ. Khánh Ly, Trịnh Công Sơn, các phong trào phản chiến cũng từ nơi đó cất cao lên tiếng hát của mình.
Và đó là sự khác biệt sâu xa, khác biệt nền tảng tận cùng bản chất giữa miền Nam, miền Bắc trong thời kỳ đó. Bên đây giới trẻ ngửng đầu, bên kia cúi, bên đây nói không, bên kia nói dạ. Bên đây mỗi người mổi khác, bên kia tất cả là một. Bên đây đa dạng, bên kia đồng phục.

B. Tinh thần học triết học : ý thức ưu tư và thức tỉnh
Bài học vỡ lòng cho các môn sinh bước vào ngưỡng cửa triết học là biết ưu tư, biết xao xuyến, biết thức tỉnh hay biết vươn lên ( theo nghĩa của Kierkegaard). Tinh thần đó giúp con người vượt cái hiện hữu tự thân ( en soi), ù lì, nhàm chán tiến tới hữu thể tự quy ( être pour soi). Từ đó phải kiếm tìm. Phải thao thức, đặt lại vấn đề đưa đến thái độ hoài nghi, phủ nhận mọi hệ thống, chủ nghĩa giáo điều, chống lại cái nghiêm chỉnh ( esprit du sérieux) cái đã hình thành có sẵn. Chống nên lúc nào cũng như thể bắt buộc đi lại từ đầu trong một cuộc tìm khiếm không ngừng, như thể đang đi trên đường (en route). Cũng từ đó nảy sinh khái niệm con người hoàn cảnh, nhập cuộc, dấn thân, trách nhiệm, tự do chọn lựa...
Học triết trong cái tinh thần đó nên dễ có thái độ đặt lại vấn đề, ráo riết triệt để dễ đi đến cực đoan, phủ nhận, hư vô hóa.
Nhưng một mặt khác tinh thần triết lúc đó như một lời thúc dục say mê, mới mẻ, khám phá. Cứ cả đời như thế miệt mài, câu hỏi sẽ quan trọng hơn câu trả lời, đi tìm quan trọng hơn là tìm thấy.
Hình ảnh người học triết như kẻ suốt đời lang thang, chẳng bao giờ ngưng nghỉ, chẳng bao giờ bằng lòng với chính mình, phủ nhận cái tôi đang là tiến tới cái tôi sẽ là.
Tinh thần đó đã giúp nhiều sinh viên, giáo sư đứng trước mỗi tình huống, trước mỗi ngã rẽ, biết chọn lựa, biết dấn thân, biết trách nhiệm trong mỗi hoàn cảnh để cho cuộc đời một ý nghĩa.
Coi như thế, triết học không hẳn chỉ là một kiến thức nữa mà là kẻ hướng dẫn soi đường cho mỗi người thanh niên, nhất là trí thức khi vào đời. Bài viết này, dù đã dài, nhưng vẫn chưa đủ, vì vẫn chưa trình bày đầy đủ được mọi khía cạnh, mọi đóng góp của nhiều trí thức trong 20 năm (1955-1975) vừa qua.

C. Ý thức trách nhiệm và thái độ dấn thân nhập cuộc bằng hành động
Triết học với ý hướng trách nhiệm đã mở đường cho những thái độ dấn thân, những chọn lựa nhiều thứ mà quan trọng nhất là con đường thứ ba. Quan điểm của giới trí thức thiên tả giúp soi sáng một lối ra cho Việt Nam. Ngoài giải pháp quân sự, còn có một con đường thứ ba để có thể thoát khỏi guồng máy chiến tranh đã nghiền nát bao nhiêu thế hệ thanh niên vào cái chết vô ích. Người ta không thể đánh nhau mãi. Phải tìm một giải pháp mới. Phần đông giới trí thức Việt Nam ở Âu châu, do chịu ảnh hưởng của thành phần thứ ba này, chủ trương một lập trường trung lập (Position neutraliste), không Cộng sản (non communiste).
Vào năm 1968, Liên đoàn Sinh viên và Thợ thuyền ở Paris tuyên bố:
“Le peuple Vietnamien ne veut pas la paix que les communistes voudraient lui imposer. Il veut la paix dans la dignité humaine. Il veut, en même temps, une profonde révolution sociale pour assurer l’avenir de la République Vietnamienne.”
(Tạm dịch: “Người dân Việt không muốn có một nền hòa bình do người Cộng sản muốn áp đặt. Họ muốn có một nền hòa bình trong sự tôn trọng phẩm giá con người. Ðồng thời, họ muốn có một cuộc cách mạng xã hội sâu rộng để bảo đảm tương lai nền Cộng hòa của Việt Nam.”)
Tình hình chiến sự thời đó đã đến hồi quyết liệt. Lòng người dao động. Viễn ảnh một cuộc thua trận gần kề.. Có người trông vào hòa giải như một thứ giấy triển hạn, kéo dài một niềm hy vọng đã không còn hy vọng nữa.
Các trí thức thành phần thứ ba đưa ra một giải pháp Cách mạng Xã hội không Cộng sản trong tình huống lúc bấy giờ là một điều khó thực hiện được. Cộng sản một bên, Mỹ một bên với một chính quyền dựa hoàn toàn vào Mỹ. Liệu họ có thể dựa vào điều kiện khách quan nào, dựa vào nhà lãnh đạo nào để có thể có điều kiện thực hiện một cuộc Cách mạng cho người nghèo? Một cuộc cách mạng không Cộng sản? Lý Chánh Trung đã trả lời về vấn đề này cho nhà báo Pháp khi được hỏi về sách lược của các nhóm thành phần thứ ba. Ông nói:
“La troisième force, C’était une grande aspiration plutôt qu’une force réelle. Seules quelques centaines de personnes étaient organisés. Ces groupuscules étaient ouverts à tous les vents, à toutes les influences. Ils n’avaient aucune idéologie précise”.
(Tạm dịch: “Lực lượng (hay thành phần) thứ ba cuối cùng chỉ là một khát vọng hơn là một thực lực thực tế. Tổ chức vỏn vẹn có vài trăm người. Nhóm người đó mở ra mọi phía và đón nhận nhiều ảnh hưởng. Vì thế, họ không có một ý thức hệ chính xác nào.”)
“Et cette dernière raison explique pourquoi certains Vietnamiens pensent que Thiệu ne constituent pas la dernière carte Américaine dans le Sud. Cette dernière carte, c’est la Troisième Force et les Américains seront sans doute amenés à la jouer, sans doute mal ou trop tard
(Tạm dịch: "Và nguyên nhân cuối cùng giải thích tại sao một số người Việt Nam cho rằng Thiệu không phải là lá bài cuối cùng của người Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Lá bài cuối cùng, chính là lực lượng thứ ba mà chắc người Mỹ muốn sử dụng, chắc chắn đã quá muộn hoặc sẽ có kết quả không hay.”)
Nhìn theo viễn tượng đường dài, ảnh hưởng của thứ triết học với ý thức trách nhiệm, dấn thân, nhập cuộc và ngay trong tình huống của sự thất vọng thua cuộc đi nữa, giới trí thức miền Nam vẫn trở thành nhân chứng của một giai đoạn và trở thành kẻ tố cáo, kẻ tiên tri cho giai đoạn sau 30 tháng 4. Bởi vì, cho đến bây giờ, những khát vọng tự do và dân chủ, những khát vọng xóa bỏ bất cứ thứ độc tài cá nhân, đảng trị, hay toàn trị, những khát vọng về công bình xã hội, những khát vọng về một cuộc cách mạng xã hội cho người nghèo, vì người nghèo, thiết nghĩ, vẫn còn là một khát vọng của đất nước Việt Nam chúng ta. Do vậy, trí thức miền Nam, thông qua các trào lưu tư tưởng triết lý Tây Phương với những cao trào chính trị, những cuộc đấu tranh đòi tự do, bình đẳng, tìm về dân tộc..., thay vì là một thất bại, sau 30 tháng 4, bỗng nhiên trở thành một thực chứng, một đòi hỏi cần thiết.
Sau hơn 30 năm nhìn lại, chúng tôi nhận thấy rằng các trào lưu tư tưởng triết lý Tây Phương, nhất là triết lý Hiện sinh thông qua J.P Sartre đã có những ảnh hưởng nhất định đến đời sống sinh hoạt trí thức miền Nam. Ảnh hưởng không chối cãi được cũng là niềm hãnh diện không chối cãi được khi so với nền giáo dục độc đoán và toàn trị của miền Bắc. Dù thế nào đi nữa, nền giáo dục miền Nam bảo đảm cho tinh thần tự do, dân chủ, tôn trọng ý kiến người khác và có tính cách nhân bản.
Sau hơn 30 năm nhìn lại, so sánh giữa hai miền.. Ðiều đó là một khẳng định khó mà nói khác được.
(Canada)

Chú thích:
1. LM Alexis Cras (1909-1962), tu sĩ dòng Ðaminh, qua VN từ 1932, đã sáng lập CLB Phục Hưng (cercle renaissance) tại Hà nội 1941 và Sàigòn 1955, giúp giới SV Ðại học. Giáo sư trường Louis Pasteur từ 1938-1944. Cha giữ chức vụ Bề trên phụ tỉnh Ðaminh chi Lyon từ 1954-1961, đồng thời là giảng viên tại Ðại học Văn Khoa Sàigòn (1956-1962) và Ðàlạt (1958-1962). Tháng 5-1962, ngài trở về bên Pháp nghỉ ngơi thì bị bệnh đau tim và mât ngày 07-7-1962, tại Lyon, Pháp, thọ 53 tuổi.
2. Xin xem thêm luận án Les Catholiques Vietnamiens pendant la guerre d!indépendance 1945-1954 entre la reconquête coloniale et la résistance communiste. Tran thi Liên. 1996
3. Những tài liệu liên quan đến cha Ðỗ Minh Vọng là do lm Ðỗ xuân Quế, Phục Hưng, cho phép tôi được sao chụp lại. Ðây là vết tích cuối cùng còn để lại của cha Vọng, những trước tác, tài liệu khác, chắc đã bị phát tán, thất lạc ngay từ sau 1975.
4. Giáo sư Cung Giũ Nguyên vốn chỉ là một trợ giáo tập sự tại trường Nam tiểu học Nha trang. Bài thơ đầu tiên là bài Le Mot, đăng trong tập san France-Adie, 1948. Tiếp theo là Một người vô dụng, 1930. Nhân tình thế thái, 1931. Nợ văn chương, 1934. Volontés d!existence, 1954. Le fils de la baleine, 1956. Le daumaine maudit, 1961 và Thái Huyên, 1995.
5. Xem danh từ Triết học Cao Văn Luận, Ðào văn Tập, Nguyễn Văn Trung, Linh Mục Xuân, Trần Văn Tuyên, trang 17.
6. Trích Triết học Hiện sinh, Trần Thái Ðỉnh, nxb Văn Học, trang 7.
- Văn chương hiện sinh. Thế kỷ 20, số 3 tháng 9, 1960.
- Văn chương và Siêu hình học Thông cảm, 9-57
- Tiểu thuyết mới trong văn chương Pháp, TK 20, số 6, tháng 12
- Nhận Ðịnh 1 với những bài như cái nhìn, hối hận, thông cảm, e lệ, tự tử.Tất cả những bài viết trên đã dùng phương pháp Hiện Tượng Luận để mô tả.
- Sau hết, có lẽ cũng nên kể đến những đóng góp trong việc giới thiệu những vấn đề cơ cấu, huyền thoại, tha nhân, hiện tượng luận, dục tính, thân xác vong thân, ngụy tín, những vấn đề mà bất cứ một sinh viên văn khoa nào cũng ít nhiều biết đến
7. Tất cả những nhan đề bài viết của Trần Thái Ðỉnh, Nguyễn Văn Trung hay của Trần Thiện Ðạo, Trần Phong Giao thì đều trích dẫn từ cuốn sách, in photocopie tựa đề : Nhìn lại những chặng đường đã qua. Người cầm bút, kẻ làm chứng, Montreal 2000, của Nguyễn Văn trung. Trong đó, đặc biệt chương 3 với Văn chương hiện sinh, từ trang 323 đến trang 392.

* * *

Phụ đính:

nguyen van luc

Hiện trạng lão hóa nơi các nhà văn Hải ngoại

Trong văn học, người ta thường chỉ đưa ra những nhận xét hoặc đánh giá về vấn đề trì trệ hay phát triển, vấn đề suy thoái hay hưng thịnh của một thời kỳ văn học. Nghĩa là những đánh giá thuần túy về bản chất văn học. Nhưng hiện trạng lão hoá thì mới lắm. Bởi vì hiện trạng này chỉ thực sự xảy ra trong hoàn cảnh xã hội của người di dân ra nước ngoài. Nếu trước đây trên dưới 15 năm, có ai dám cả gan tiên đoán về có hay không một văn học của người di tản, hay sự lão hoá trong giới nhà văn thì điều đó được hiểu là một xúc phạm tinh thần, một bôi nhọ cộng đồng người Việt. Với gần 3 triệu người Việt, với hằng trăm tờ báo đủ loại, với một số nhà văn uy tín hàng đầu trong nước di tản ra nước ngoài, với sự tiếp nối của một số cây viết trẻ, nhiều người nghĩ đến một mảng văn học lưu vong so ngang tầm với mảng văn học trong nước. Niềm tự hào và ước vọng đó nay mỗi ngày mỗi suy giảm đến độ, sau 30 năm, người ta tự hỏi còn có hay chăng một mảng văn học của người Việt ở nước ngoài? Và nếu có thì có như thế nào? Có trong bao lâu nữa?
Nói về sự lão hóa, người viết bài này nhằm đưa ra những chứng liệu sát thực, những quy luật xã hội về sự hội nhập để thấy rằng hiện trạng lão hóa là điều tất yếu dẫn đưa đến sự suy tàn. Sự lão hoá không phải chỉ nhắm vào tuổi tác mà còn nhắm vào hoàn cảnh sáng tác, vào đề tài sáng tác của các nhà văn nữa.

1. Lão hoá về đề tài hay nguồn cảm hứng
Stanley Karnow, một nhà báo kỳ cựu ở Việt Nam khi đến Little Saigon đã nhận xét: ”Tôi không bao giờ kỳ vọng được trở lại trông thấy Sài Gòn một lần nữa. Nhưng bây giờ tôi đã thấy trở lại, ít nhất là về mặt tinh thần”. Và nhận xét về cuộc sống của người di tản, Karnow đã đưa ra một biểu tượng cây cầu “Vietnamese try to bridge two worlds in Orange County’s Little Saigon” (trích Stanley Karnow 1992: 29). Cây cầu đó nối liền hai thế giới Việt Nam và Mỹ, nối liền quá khứ với hiện tại. Mỗi người Việt Nam bỏ nước ra đi đều mang theo một quá khứ, phần lớn là đau thương, tủi nhục và mất mát. Họ chả quên được. Như nhà báo trẻ Andrew Lam viết trong một bài tựa đề: Viet Nam after normalization: Vietnamese in America Bid Farewell to Exile Identity (Jinn Home Page). Ông cho biết, cha ông là một cựu tướng lãnh trong quân đội miền Nam. Trong lúc ăn, các câu chuyện quá khứ thường bao trùm. Sau một vài ly rượu, cha của ông bắt đầu kể lại hồi ức về những trận chiến mà cụ tham dự và đã thắng trận. Kể riết rồi cậu bé Andrew Lam có thể nhìn thấy những trận mưa bom Napalm thắp sáng trên bầu trời đen tối. Chính những hoài niệm quá khứ này là cái căn cước của người Mỹ gốc Việt. Cái đã làm nên vinh quang của họ. Không có nó, họ còn là gì nữa? Ký ức về chiến tranh đã đưa con người Việt lưu vong vào một thế giới không còn nữa. Nó bầy tỏ một cảm thức sâu xa về một cái gì đó đã mất, rồi được huyễn hoặc về quá khứ cũng như cội nguồn của mình nhằm xoa dịu những nỗi đớn đau ấy. Ðó là một hội chứng sau 1975.
Người Việt lưu vong thế hệ đầu tiên 1975-1978, sau khi đã hội nhập vào đất nước tạm dung thường tìm cho mình một căn cước Việt tính (origin identity) như một lẽ sống còn, một chỗ trú ẩn. Hồi tưởng lại cuộc chiến là một cái trục xoáy (pivotal place) để từ đó người Việt lưu vong nhìn ra gốc gác (racial identity) của mình. Những buổi lễ, những câu truyện bên chén trà, ly rượu, những buổi diễu binh như ở Boston với những người lính Việt Nam Cộng hoà đồng phục đủ loại, với cờ quạt nghi lễ, những buổi ca nhạc kịch… Tất cả như muốn vực dậy cái quá khứ mà nay dần chỉ còn là những huyền thoại như Jean Baudrillard viết: “When the real is no longer what it used to be nostalgia assumes its full meaning. There is a proliferation of myth of origin and signs of reality, or second-hand truth… And there is a panic-ctricken production of the real and the referential” (Trích Recognizing Vietnamese Loss 1983#402 12-13).
Nhưng thường thì người ta không dửng lại ở đó. Người ta thường chuyển hoá những kỷ niệm, những hoài niệm quá khứ thành một lý tưởng, một chủ trương, một đường lối, một chỉ hướng soi đường để hành xử và phê phán. Biến cái quá khứ thành hiện tại, biến cái không thực trở thành hiện thực. Họ tự đánh rơi chính mình, biến những đau thương đó thành vũ khí chính trị, thành bạo lực đàn áp, thành một Holocauste nhắm vào những nguời cùng thân phận, những người cũng từ đó mà ra. Những năm tù cải tạo không phải là một bảo chứng hay một thứ văn bằng cho phép họ độc quyền tư tưởng và khống chế những người di tản khác. Cũng đừng vì lý do gì hạ thấp mình, nấp sau những khẩu hiệu, những lý tưởng đã cùn đã rỉ để chụp mũ bôi nhọ vô bằng. Mỗi một lời chụp mũ vô bằng cớ là những viên đạn thù tự giết chính mình. Cả hai chữ Cộng sản và Quốc gia thực ra đều đã bị sài mòn cả rồi. Ðó là những món hàng ế ẩm đã mất giá. Người Mỹ, cha đẻ sản xuất ra những món hàng đó đã quên và đã bán những món hàng mới mẻ khác rồi. Có ai còn nghe đâu đây tiếng rao hàng của người Mỹ về Thế giới Tự do nữa không?
Chỉ có đất nước và con người. Chỉ có dân tộc và quê hướng xứ sở. Chỉ có tình đất nước và tình người. Chỉ có lịch sử và giống nòi. Chỉ có tôi và anh nói cùng thứ tiếng, cùng cội nguồn. Chỉ có đất nước Việt Nam và con người Việt Nam dù ở đâu, dù ở trong hay ở ngoài.
Người Mỹ hơn ai hết hiểu rõ tâm trạng đó nên ngay từ 1975 đã có chủ trương phân tán người Việt di tản đi khắp nơi trên toàn nước Mỹ như lời bà Ellen Mathews đã viết trong cuốn Culture Clash của bà. Chính phủ Mỹ đã tìm cách phân tán mỏng những người Việt di tản để tránh cái tình trạng: “một sự nhắc nhở quá lộ liễu về chiến tranh”.
Cho nên cũng chẳng lạ gì, những nhà văn di tản lớp đầu đương nhiên lấy nguồn cảm hứng hay đề tài về cuộc chiến đã qua. Lê Tất Ðiều với bút ký Ngưng bắn ngày thứ 492 (1978). Bài thơ Cảm khái sau đây với những hoài niệm bi phẫn về cuộc chiến đã qua:
Hỡi thằng chiến binh một đời dũng cảm
Mày lang thang đất lạ đến bao giờ
Ôi trong ví mỗi người dân mất nước
Còn một oan hồn mặt mũi vu vơ.
Ôi trong trí mỗi anh hùng thuở trước
Còn dậy trời lên những buổi tung cờ. (1977)
Ông còn viết chung với Võ Phiến tùy bút Ly hương (1977). Võ Phiến bắt đầu viết Thư gửi bạn (1976), Ðất nước quê hương, Lại thư gửi bạn (1979). Thanh Nam với bài thơ Xuân đất khách:
Ðổi ngược họ tên cha mẹ đặt
Tập làm con trẻ nói ngu ngơ
Muốn rơi nước mắt khi tàn mộng
Nghĩ đắt vô cùng giá Tự Do.[1]
Giai đoạn di tản đợt hai từ đầu thập niên 80 tới đầu 90 với những người đã có kinh nghiệm từng sống dưới chế độ cộng sản, từng đã đi tù, từng đi cải tạo, từng nếm mùi bo bo, từng phải liều mạng trên biển mà thế giới gọi họ là “những thuyền nhân” (boat people). Nay thì đề tài chống cộng là phổ biến. Các nhà văn lớp di tản thứ hai lên án trực tiếp chế độ cộng sản bằng chính kinh nghiệm xương máu của họ qua các truyện dài, nhất là những bút ký, hồi ký đủ loại. Nguyễn Chí Thiện với tập thơ Tiếng vọng từ đáy vực gây chấn động một thời. Trần Huỳnh Châu với Những năm cải tạo ở Bắc Việt (1981). Hà Thúc Sinh với Ðại học máu (1985). Tạ Chí Đại Trường với cuốn hồi ký Một khoảnh Việt Nam cộng hoà nối dài, theo tôi, đây là một cuốn hồi ký đắt giá. Cao Xuân Huy với Tháng Ba gẫy súng (1986), rất trung thực, lên án các cấp chỉ huy của mình hèn nhát bỏ lại đồng đội. Cuốn sách đã gây được sự chú ý của nhiều người đọc. Tiếp theo đó là các nhà văn như Nguyễn Mộng Giác, Duyên Anh, Nhật Tiến, Hoàng Khởi Phong, Nguyễn Khắc Ngữ, Lê Văn Phúc, Nguyễn Đức Lập, Tưởng Năng Tiến, Võ Hoàng, Nguyễn Bá Trạc, Xuân Vũ, Phan Nhật Nam, Nguyễn Ngọc Ngạn, Võ Kỳ Ðiền.
Tuy vậy, cái hội chứng 75 cứ được nhắc đi nhắc lại đến ngấy, đến không còn gì để nói nữa. Tạm gọi đó là thứ văn chương H.O. Viết như thế một điệp khúc nháy đi nháy lại năm này qua năm khác thành cháy cả đám, các nhà văn ấy trở thành những người tuyên truyền lão hoá và xuống cấp mà không biết.
Nhưng khi tình hình chính trị ở Việt Nam cũng như thế giới đã có nhiều biến động, nhất là từ khi có sự sụp đổ các nước cộng sản Ðông Âu, cộng thêm đường lối cởi trói và mở cửa ở trong nước từ năm 1986. Dần dần có một số nhà văn, qua trải nghiệm thực tế, có xu hướng đặt lại những quan điểm phê phán chế độ cộng sản. Bắt đầu với Nguyễn Mộng Giác, Nhật Tiến và Duyên Anh. Các nhà văn này xét lại những ý thức hệ cộng sản, tư bản; thực chất cuộc chiến tranh bị coi là phi nhân, phi nghĩa như một cuộc nội chiến. Ði xa hơn nữa họ nói tới tình nhân loại, con người Việt Nam không phân biệt Nam Bắc, tới quê hương dân tộc. Nhật Tiến với Một thời đang qua (1985) Mồ hôi của đá (1988). Duyên Anh với Ðồi Fanta, Nhìn lại những bên bờ. Nguyễn Mộng Giác với Ngựa nản chân bon. Sự nhìn lại mình, duyệt xét lại một quan điểm chính trị thức thời là một thái độ chân thật và can đảm của nhà văn, nhưng lại dễ bị chụp mũ và bị bôi bẩn.
Hoặc như Nguyễn Ngọc Ngạn thay vì tiếp tục viết với xu hướng chống cộng như trong truyện đầu tay The will of Heaven (1982), Biển vẫn chờ đợi đã chuyển hướng viết những truyện tình vô thưởng vô phạt, nhằm đáp ứng thị hiếu một số độc giả trên các báo chợ. Và quả thực, ông trở thành một tác giả khá ăn khách cho một giới người đọc nào đó. Một giới độc giả mà thời nào cũng có.
Kể từ đầu thập niên 90, vẫn còn một số nhà văn khai thác lại những chủ đề quen thuộc về chiến tranh, cuộc sống người tỵ nạn, kiếp lưu vong, pha trộn những khắc khoải băn khoăn của tiến trình hội nhập vào xã hội mới. Ðó là các nhà văn như Trần Diệu Hằng, Phan Thị Trọng Tuyến, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Hồ Trường An, Hồ Đình Nghiêm, Phạm Quốc Bảo v.v. Nhưng trước một cuộc sống đã quá nhiều thay đổi với một đa số là giới trẻ mới lớn, thuộc thế hệ thứ hai của người di tản, những đề tài của các nhà văn trong các tiểu thuyết của họ hầu như không còn đáp ứng kịp, hoặc đã trở thành cũ mòn. Viết mãi một đề tài, nó dễ trở thành cliché, chuyện hay mấy cũng là chuyện nói rồi… Phải chăng đó là tình trạng già nua, cũ mòn, lão hoá, thiếu sáng tạo của một số nhà văn di tản?
Ngoài một vài tác giả như Nguyễn Mộng Giác, Cao Xuân Huy, Tạ Chí Đại Trường, Xuân Vũ hay một Hồ Trường An…, những nhà văn lớp trước như Nhật Tiến, Duyên Anh, Phan Nhật Nam... sức viết không còn được như trước nữa. Ấy là chưa kể đến những người như Nguyên Sa, Mai Thảo, Doãn Quốc Sĩ. Người thì đã không còn nữa, người còn ở lại cũng ngưng viết.
Những nhà văn với những đề tài đã được nhiều người viết nên mất hẳn sức căng, sức quyến rũ. Nó như những lối mòn không khéo một chút dễ đi đến chỗ nhàm chán. Xa tý nữa, đi vào chỗ khép lại như những ghetto văn nghệ, bất chấp thực tế xã hội, bất chấp cuộc sống sinh động hiện tại, tự xếp mình vào hàng ngũ những nhà văn lưu vong. Những truyện viết như thế dần mất chỗ đứng, không có người đọc. Vì thế, mấy ai còn chịu khó đọc những tác phẩm xuất bản ở ngoài nước như Một người Nga ở Sài Gòn, Bầy sư tử lãng mạn, Nhà tù, Nhìn lại những bến bờ, Một người tên là Trần Văn Bá của Duyên Anh? Còn đâu những Hoa thiên lý, Thằng Vũ, Dấu chân sỏi đá, Vết hằn trên lưng ngựa hoang? Mấy ai đã đọc và biết đến Mồ hôi của đá, Gặp gỡ cuối năm, Tiếng kèn của Nhật Tiến? Những truyện vừa kể lấy chi để so với những Thềm hoang, Những người áo trắng, Truyện bé Phượng hồi trước 1975? Có cái gì của Phan Nhật Nam viết hiện nay có thể so sánh được với Dấu binh lửa, Dọc đường số 1, Ai trần gian, Dựa lưng nỗi chết, Tù binh và Hoà bình và nhất là Mùa hè đỏ lửa?
Nhưng cũng trong thời gian này, người ta thấy những đóng góp đáng kể và khởi sắc của một số nhà văn trẻ viết truyện ngắn như Lê Thị Huệ, Vũ Quỳnh Hương, Trần Vũ, Kiệt Tấn, Trân Sa, Mai Ninh v.v và một số nhà văn mới như Phùng Khánh Minh, Ðỗ Lê Anh Ðào v.v.

2. Tình trạng lão hoá nơi các nhà văn

Lớp nhà văn từ 70 tuổi trở lên
Ðây là dấu hiệu đáng lo ngại nhất, vì những nhà văn này đã thành danh, đã có chỗ đứng trong văn học và hiện nay không ai thế vào chỗ của họ được. Mỗi một người trong số họ mất đi, thêm một chỗ trống. Ai có thể thay thế cho Mai Thảo, Nguyên Sa, Duyên Anh? Mặc dầu Mai Thảo của thập niên 1954-1960 cũng giống Mai Thảo của thập niên 1963-1975 và cũng không khác bao nhiêu với 1979 về sau. Ông vẫn thế, bất kể những biến thiên, xáo trộn của thời cuộc đang rúng động, trụt lở dưới chân ông. Những nhà văn còn sót lại của lớp tuổi trên 70 có thể đếm trên đầu ngón tay. Chẳng hạn thế hệ nhà văn sau 1954 như Doãn Quốc Sĩ (1923), với một văn nghiệp gồm những Sợ lửa, Gìn vàng giữ ngọc, Hồ thùy dương, Cánh tay nối dài, Dòng sông định mệnh, Trái cây đau khổ và trường thiên tiểu thuyết Khu rừng lau được kể là đồ sộ. Sau 1975, ở hải ngoại, ông cho xuất bản Mình lại soi mình (1981), Người vái tứ phương (1982), Dấu chân cát xóa, Cỏ đùm (1997).[2] So ra, văn nghiệp thời kỳ sau 75 của ông kể là sút giảm. Nhưng người ta vẫn tìm thấy ở Doãn Quốc Sĩ một tấm lòng đôn hậu, lạc quan tin vào người, tin vào đời. Phải chăng, đó là nét đẹp nhất của một nhà văn, một nhà giáo? Bình Nguyên Lộc(1914-1987) với các tác phẩm Ký thác, Tâm trạng Hồng, Tình đất, Cuống rún chưa lià, Quán tai heo, nhất là cuốn Ðò dọc. Ông sang Hoa Kỳ, ở Sacramento và mất ở đó năm 1985. Ông là nhà văn tiêu biểu của văn chương miền Nam, đồng thời vừa là nhà văn, nhà báo, nhà thơ, nhà biên khảo. Duy Lam(1932) với Chồng con tôi, Gia đình tôi, Cái lưới, Lột xác, Nỗi chết không rời. Sau 1975 cho xuất bản tuyển tập Truyện mới (1995), Em phải sống (1996)... Ai đã có dịp đọc Duy Lam trong các tác phẩm đầu tay như Gia đình tôi sẽ nhận thấy ông viết rất dí dỏm, rất vui tươi lành mạnh. Minh Ðức Hoài Trinh (1930) với các tác phẩm như Lang thang, Bơ vơ, Thiên nga, Tử địa, Trà thất cũng đã ngưng sáng tác. Ðặc biệt chỉ có Võ Phiến (sinh 1925) đã xuất bản nhiều tác phẩm ở trong nước cũng như khi ở ngoài nước. Trong nước như Mưa đêm cuối năm, Ðêm trăng sáng, Giã từ, Tạp luận, Tạp bút. Sau 1975 với Văn học miền Nam tổng quan, Thư gửi Bạn, Lại thư gửi Bạn… Giai đoạn sau 75 ở Hải ngoại, ông thiên về khảo luận nhiều hơn là sáng tác. Ðiều đó cho thấy có sự suy giảm trong sáng tác. Thanh Nam (1931-1985) với Người nữ danh ca, Buồn ga nhỏ, Còn một đêm nay, Bầy ngựa hoang, Những phố không đèn, Mấy mùa thương đau, Trăng đất khách. Kể như ông đã không sáng tác được gì từ khi ra Hải ngoại, ngoại trừ một số bài thơ cảm khoái về số phận. Xuân Vũ với Ðường đi không đến, từ 1973 đến 1996 gồm 5 tập, rồi 2000 ngày đêm trấn thủ Cử Chi, Văn nghệ sĩ miền Bắc như tôi đã biết, đã in được 3 tập Cách mạng tháng 8, Cha đẻ còng số 8, Sông nước Hậu Giang, Bùn đỏ, Kẻ sống sót, Con người vốn quý nhất, Thiên đàng treo. Một số hồi ký như Tấm lụa đào, Quê hương yều dấu, Trăng kia chưa xế, Vàng mơ bông lúa, Những độ gà nòi, Xóm Cái Bần, Buồng cau trổ ngược… Ngoài ra, còn có một số truyện viết liên quan đến Cộng đồng người Việt Hải ngoại như Ngọc vùi, Hột xoàn là của Trời cho, và cuối cùng là The survivor (Kẻ sống sót) [3] . Có lẽ ít có nhà văn chống cộng nào viết một cách đầy đủ muôn mặt từ bên trong chế độ ấy như Xuân Vũ, với một trí nhớ kỳ diệu và một cái nhìn nhân bản soi rọi vào cái chế độ thiếu nhân tính ấy. Ngậm ngùi và đau xót với phong cách của một người miền Nam đã từng đi theo khánh chiến, từng là kẻ ở trong cuộc. Những tác phẩm của Xuân Vũ trước 75 trình bầy những mảnh đời, những câu truyện bên trong của xã hội cộng sản và được độc giả trong Nam đón nhận một cách nồng nhiệt. Hoàng Hải Thủy (1930) có khoảng 30 chục tác phẩm như Bạn và vợ, Môi thắm nửa đời, đi tù cộng sản ngay từ tháng 5. 1975, sau đó ra Hải ngoại. Ông vẫn viết cho các báo chợ và mới cho xuất bản cuốn Những tên biệt kích cầm bút, (2000). Chuyện không có gì đặc biệt, chẳng nhắn gửi được gì, cũng chẳng nói lên được gì, hoặc gây một ấn tượng đặc biệt nào. Người đọc cũng thấy rõ sức viết của ông không còn nữa. Viết như thể cho xong, tàm nhàm giống như thể một số sách dịch của ông trước 1975. Cuốn sách Những tên biệt kích cầm bút có thể nói là tầm thường, điển hình cho một loại sách viết đã hết chất, hết lửa. Người đọc ông lấy làm thất vọng. Với những năm trong tù với vốn sống như thế được viết ra như thế kể là chưa tới. Võ Ðình (1933) với Xứ sấm sét (1987), Ðóa sen và nụ cười (1990), Sao có tiếng sóng (1991) được kể là một trong số những nhà văn viết muộn ở Hải ngoại, nhưng viết có chất lượng, khá hay với một văn phong riêng, chải chuốt và đặc sắc. Vị Khuê (1931) với Ngựa hồng trên đồi cỏ (1986), Những ngày ở Virginia (1991), Vẫn chờ xe thổ mộ (1993), đều được in và xuất bản ở Hải ngoại. Nhưng không mấy đặc sắc.
Nói chung trong số tất cả những nhà văn vừa nêu trên, sức sáng tác vừa có sự sa sút rõ nét vể phẩm cũng như về lượng. Bình Nguyên Lộc, Minh Ðức Hoài Trinh, Thanh Nam kể như tắt tiếng. Hoàng Hải Thủy sa sút đến chẳng còn gì để nói. Trừ Võ Phiến và Võ Ðình có những tác phẩm được kể là sáng giá. Dù vậy, nó cũng không đủ gây một cú sốc đặc biệt trong văn học Hải ngoại. Nó vẫn chưa có được tầm vóc như độc giả mong đợi, nhất là trong trường hợp Võ Phiến. Một mặt khác, nó báo hiệu một thời kỳ suy tàn khó tránh khỏi.

Những lớp nhà văn từ 60 đến 70
Ðây là lớp tuổi nhà văn chiếm số lượng đông đảo nhất ở Hải ngoại. Họ là những Nguyễn Mộng Giác, (1940) với Nỗi băn khoăn của Kim Dung, Bóng thuyền say (1974) Tỵ nạn sang Hoa Kỳ, ông có các tác phẩm Ngựa nản chân bon, Xuôi dòng, nhất là trường thiên Mùa biển động (1989) và Sông Côn mùa lũ (1991). Duyên Anh (1935) với 50 tác phẩm xuất bản trước 75. Có lẽ số lượng đầu sách xuất bản đó chỉ thua có một Bình Nguyên Lộc mà thôi. Ðó là các truyện Hoa thiên lý, Thằng Vũ, Dũng Dakao, Vết hằn trên lưng ngựa hoang, Tuổi mười ba, Áo tiểu thư, Em đã yêu anh. Ngựa chứng trong sân trường. Ông là nhà văn của tuổi thơ với những thằng Côn, thằng Khoa, thằng Vũ, con Thúy đến Dzũng Dakao, Chương Còm, Bồn, Hưng mập… Ðó là thứ tuổi trẻ bụi đời và du đãng. Thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam mang ơn ông rất nhiều về những cuốn truyện của ông viết về họ. Trang Châu với Y sĩ tiền tuyến và ở Hải ngoại với bút ký Về Biển Ðông, Dì Thu. Không có gì đặc biệt. Thế Uyên (1935) với các tác phẩm Hạt cát, Mười ngày phép của một người lính, Những ý nghĩ của bọt biển, Nỗi chết không rời, Bản tình ca, Nghĩ trong một xã hội tan rã. Kiệt Tấn (1940) tên thật là Lê Tấn Kiệt với Nụ cười tre trúc (1987), Lớp lớp phù sa (1988), Nghề múa (1989), Em ơi biết đâu tìm (1994). Phan Nhật Nam với Dấu binh lửa, Ải trần gian, Dựa lưng nỗi chết, Tù binh và Hoà bình, Dọc đường số 1 và nhất là Mùa hè đỏ lửa (1972); sau 1975 với Những chuyện cần được kể lại, Mùa đông giữ lửa, Ðường trường xa. Nhật Tiến (1936) với Những người áo trắng, Những vì sao lạc, Tay Ngọc, Chuyện bé Phượng, Người kéo màn, Chim hót trong lồng, Quê nhà yêu dấu, Lá chúc thư, Theo gió ngàn bay. Ông được nhìn nhận như một nhà văn viết cho tuổi thơ bất hạnh, viết về những mảnh đời của trẻ em mồ côi với những tên Phượng, Dung, Cúc, Alice, Hạnh. Sau 75 có Mồ hôi của đá, Tiếng kèn, Gặp gỡ cuối năm, Một thời đang qua. Ngô Thế Vinh (1941) với Mây bão, Vòng đai xanh, Mặt trận văn nghệ ở Sài Gòn, Gió mùa, Vòng đai xanh. Sau 1975, ông viết Cửu Long cạn dòng, Biển Ðông dậy sóng. Nguyễn Văn Sâm (1940) với Ngày tháng bồng bềnh, Câu hò Văn Tiên, Miền Thượng Uyển xưa. Nhã Ca, tên thật Trần Thị Thu Vân (1939) với Ðêm nghe tiếng đại bác, Ðêm dậy thì, Sống một ngày, Giải khăn sô cho Huế, Tình ca trong lửa đỏ, Một mai khi hoà bình, Lăn về phía mặt trời... Thảo Trường, tên thật Trần Duy Hinh (1939) với Thử lửa, Người đàn bà mang thai trên kinh Ðồng Tháp, Vuốt mắt, Cánh đồng đã mất, Bên đường rầy xe lửa, Người khách lạ trên quê hương. Sau 75 có Tiếng thầm trong bụi tre gai (1995) Ðá mục (1998). Túy Hồng, tên thật Nguyễn Thị Túy Hồng, vợ nhà văn Thanh Nam, (1938) với tác phẩm Thở dài, Vết thương dậy thì, Bướm khuya, Eo biển đa tình, Tay che thời tiết, Tôi nhìn tôi trên vách, Những sợi sắc không. Hoàng Khởi Phong (1943) với Ðại Nam văn hiến, Trong hoàn cảnh khác, Thư không người nhận. Sau 1975 với những sáng tác như Ngẩng mặt nhìn trăng sáng (1978) và nhất là Ngày N.+ (1998), Thư không người nhận (1991), Người trăn năm cũ (1994), Những con chuột thời thơ ấu (1995). Nguyễn Ngọc Ngạn (1946): Mầu cỏ uá, Nước đục, Lúc gần sáng, Sân khấu cuộc đời, Biển vẫn đợi chờ, Sau lần cửa khép, Ðếm những mảnh đời, Trong sân trường ngày ấy, Ngày buồn cũng qua mau, Dung nhan người goá phụ, Chút ân tình mong manh, Quay trong cơn lốc, Dấu chân xưa, Xóm Ðạo, Dòng đời lặng lẽ… Lâm Chương với Ðoạn đường Hốt Liệt (1998), Ði giữa bầy thú, Lâm Chương truyện và những đoản văn (2004). Lê Tất Ðiều hay là Cao Tần, với Khởi hành (1961), Quay trong gió lốc. Nguyễn Quốc Trụ (1937) với Những ngày ở Sài Gòn (1970), Lần cuối, Sài Gòn (1998), Nơi người chết mỉm cười (1999). Hồ Trường An (1938) với Lớp sống phế hưng, Nửa chợ nửa quê, Giai thoại hồng, Cõi ký ức xanh, Ðồng không mông quạnh, Chuyện miệt vườn, Tạp chủng, Chân trời mộng đẹp, Chuyện ma đất Tân Bồi, Trang trại thần tiên, Vùng Thôn Trang diễm ảo. Nguyễn Thị Hoàng Bắc với Long lanh hạt bụi, Bên lở bên bồi, Nhện, và có thể sắp in Kéo neo mà chạy. Phan Lạc Tiếp (1933) với Bờ sông lá mục, viết ở Hải ngoại: Quê nhà 40 năm trở lại. Song Thao, tên thật Tạ Trung Sơn (1939) với Bỏ chốn mù sương (1993), Ðong đưa cuộc tình (1996), Còn đó bóng hình (1997), Chân mang giầy số 6, Bên lưng những con chữ, Cuối này, một lần ngồi lại. Trần Doãn Nho, tên thật Trần Hữu Thực (1945) với Vết xước đầu đời (1995), Căn phòng thao thức (1997), Dặm trường (2001). Trần Long Hồ với Ngày quanh quẩn (1991), Niềm vui ung thư (1992), Cõi mù sa, Kẻ đào mồ (1993), Mưa không ướt đất (1967), Cơn hồng thủy và bóng hoa quỳ (1969), Một cuộc tình (1972), Lập đông (1973). Nam Dao, tên thật Nguyễn Mạnh Hùng, với Ðất trời (2002), Khoảng chơi vơi (2001), Trong buốt pha lê (2001), Tiếng còng (2000), Gió lửa (1999). Võ Kỳ Ðiền (1941) với Kẻ đưa đường (1986), Miền đất lạ (1992). Mai Kim Ngọc với Một chút riêng tư, Một kiếp cô liêu, Thuyền nhân. Vĩnh Hảo với Thiên thần quét lá…
Trong số những nhà văn lớp tuổi từ 60-70, có những nhà văn rơi vào sự sa sút so với thời kỳ còn ở trong nước như Nhật Tiến, Duyên Anh, Túy Hồng, Thảo Trường, Thế Uyên, Phan Lạc Tiếp và nhất là Phan Nhật Nam. Họ viết mà như thể không tới được nữa. Vốn sống nghiệt ngã tù đầy vẫn không đưa tác phẩm của họ lên cao được. Có những người thay đổi thái độ chính trị đã đành, như Duyên Anh, Nhật Tiến. Những người như Phan Nhật Nam, Thảo Trường vẫn một lòng, vẫn kiên trì, nhưng tác phẩm của họ không gửi được một message nào cho độc giả. 14 tuổi đời làm lính viết của Phan Nhật Nam đã làm nên sự nghiệp văn chương của ông. Nhưng 14 năm tù lại chẳng nên cơm cháo gì.
Có những nhà văn sáng tác không nhiều ở cả hai thời kỳ, thật khó mà đánh giá như Lâm Chương, Nguyễn Quốc Trụ, Trần Hữu Thực, Lê Tất Ðiều.
Có những nhà văn viết sau này có những đóng góp tích cực mà không thể so với thời kỳ còn ở trong nước như Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Song Thao, Võ Kỳ Ðiền, Trần Long Hồ, Mai Kim Ngọc.
Có những nhà văn tạo được một bề nổi, có một số độc giả ưa chuộng nhất định như Hồ Trường An, Nguyễn Ngọc Ngạn. Cả hai đã gặt hái được những thành quả lớn nhất định, trội vượt hơn bất cứ nhà văn nào về số người đọc. Cả hai viết khá nhiều và cũng thành công ở một mặt nào đó, vì họ có một số độc giả ái mộ. Nhưng văn phong, cốt truyện, cách xây dựng nhân vật truyện thì có khác nhau. Nguyễn Ngọc Ngạn thiên về việc tả những tình tiết tâm lý rất gần với những nhà văn của thời Tự Lực Văn Đoàn. Trong cuốn Nhìn lại một thập niên, ông đã bầy tỏ không muốn trở thành một nhà văn lớn theo nghĩa có tầm kích cho bằng một nhà văn được nhiều độc giả ưa chuộng. Kể ra ông có cái lý của ông. Hồ Trường An với những ám ảnh tình dục, với những câu truyện bình dân, đời thườn,g rất gần với văn chương miệt vườn, với Hồ Biểu Chánh.
Có những tác giả tạo được một thế giá, truyện có bản sắc cá biệt nhưng lại ít được độc giả biết tới như Nam Dao với một cuốn duy nhất là Gió Lửa hay Ngô Thế Vinh với Cửu Long cạn dòng, Biển Ðông dậy sóng. Sách của cả hai tác giả này đều không hẳn là dễ đọc, dễ lôi cuốn.
Nguyễn Mộng Giác được coi là sáng tác mạnh so với thời kỳ trước 75 và thành công nổi bật nhất ở Hải ngoại với Mùa biển động và Sông Côn mùa lũ. Ðịa vị của ông trong văn học được đánh giá dựa trên những tác phẩm này với thành quả lớn so với các nhà văn đồng thời.
Trong số những nhà văn lớp tuổi này, có những người khởi đầu sự nghiệp văn chương khá trễ như Nguyễn Thị hoàng Bắc, Mai Kim Ngọc, Nguyễn Ngọc Ngạn và Nam Dao. Nguyễn Thị Hoàng Bắc chỉ bắt đầu viết truyện ngắn Mặt trận dài khi ở trong trại tỵ nạn. Nguyễn Ngọc Ngạn cũng thế. Nam Dao bắt đầu văn nghiệp vào tuổi 60, tuổi của xế chiều. Nhưng quả thực, ông viết rất có nét với một văn phong, thứ của riêng ông trong cấu trúc, hành văn và nhân vật truyện trong truyện dài Gió lửa. Ðây là cuốn truyện lịch sử đánh dấu sự thành công nhất của ông. Cũng thành công như thế là Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác và Mùa mưa gai sắc của Trần Vũ. Kể cũng là chuyện lạ, nếu không nói là hiếm hoi. Ba tác giả, cùng viết về một giai đoạn lịch sử với ba cái nhìn hoàn toàn trái nghịch. Nhưng đều gây cho người đọc một thích thú đến lạ lùng. Dĩ nhiên, truyện của Nam Dao cũng không phải dễ đọc cho bất cứ ai.
Cứ giả dụ rằng, nếu không có biến cố 75, nếu không có cuộc đời di tản thì những Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Mai Kim Ngọc và có thể cả Nguyễn Ngọc Ngạn sẽ không có dịp cầm đến cây viết. Nguyễn Thị Hoàng Bắc sẽ suốt đời là cô giáo dạy văn tỉnh lẻ như cô đã tâm sự trong một bài phỏng vấn của Nguyễn Mạnh Trinh, trên Hợp Lưu số 21. Mai Kim Ngọc sẽ chỉ biết cầm ống nghe, chích thuốc và cho toa. Kể ra cuộc đời cũng nhiều chỗ chồng chéo éo le, thua thiệt có bù khuyết khó mà nói hết. Nhưng điều đó cũng cho thấy có một khoảng trống lớn trong sinh hoạt văn học Hải ngoại. Ðó là sự thiếu vắng những nhà văn trẻ. Không có trẻ nên già phải thế chỗ và Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Mai Kim Ngọc mới xả thân vào chỗ trống đó. Nhưng những người như hai tác giả trên còn có viết lách ra trò, vô số những kẻ tưởng việc viết lách như một trò chơi nhảy vô cả đám, in ấn hà rầm, múa bút trên các báo chợ đi đến chỗ lọan văn, lọan chữ. Ðó là dấu hiệu không bình thường, dấu hiệu cá biệt chỉ có trong cộng đồng người Việt di tản. Dấu hiệu lão hoá, thiếu tuổi trẻ và dấu hiệu suy đồi bát nháo. Ðiều đó cũng cho thấy, việc viết văn ở Hải ngoại có tính cách nghiệp dư rõ nét. Một thứ nghề tay trái thêm vào, có cũng được mà không cũng được. Người ta chỉ bắt đầu nghĩ tới chuyện viết văn sau khi đã ổn định chuyện cơm áo, chuyện gia đình. Viết như thế trong hoàn cảnh và tâm trạng như vậy khó mà nổi đình nổi đám, khó trở thành những nhà văn lớn, có tầm cỡ.
Hãy nhìn lại thế hệ các nhà văn miền Nam sau 54, họ đều là những người cầm bút rất trẻ và rất sớm như Mai Thảo, Nguyên Sa, Quách Thoại, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sĩ. Tô Thùy Yên làm thơ lúc 17 tuổi, Nguyên Sa làm thơ tình lúc 22 tuổi. Chưa người nào vượt quá tuổi 30. Ðã thế, họ còn là những nhà văn có máu chuyên nghiệp. Họ cũng giống như lớp nhà văn tiền chiến Vũ Trọng Phụng, Trần Tiêu, Nam Cao và những nhà thơ như Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu hay những nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn như Nhất Linh, Thạch Lam, Khái Hưng… Họ bắt đầu sự nghiệp văn chương với nhiệt huyết, với tâm hồn của một người trẻ tuổi. Một hành trình sáng tạo, ấp ủ một giấc mộng văn chương như một văn nghiệp theo họ suốt hành trình nhân thế. Họ là nhà văn theo nghĩa thân phận hơn là một nghiệp dư.
Những nhà văn lớp tuổi từ 45-60
Ðó là Ðặng Thơ Thơ (1962), tên thật là Thơ Thơ, với Khi phong linh vỡ. Hoàng Mai Ðạt (1960) với Cánh đồng cho emGiữa hai miền mưa nắng. Hồ Đình Nghiêm (1957) với Nguyệt thực, Tờ mộng rách rờiVầng trăng nội thành. Khánh Trường (1948( với Cho tiếp giáp với cánh đồng, Có yêu em không, Chung cuộc, Buồn ơi, tôi bỏ tôi chìm đắm. Lệ Hằng (1948) với 14 tác phẩm trước 75 như Thung lũng tình yêu, Tóc mây, Bản Tango cuối cùng, Tình yêu như băng sơn, Chết cho tình yêu, Kinh tình yêu, Sóc nâu, Mầu xanh đang lên, Như sương long lanh;ở Hải ngoại với Sa tăng dịu dàng, (1992), Nghề làm vua (1992), Bên kia là núi và tập truyện ngắn Nói thầm với đá (1998), Hạnh phúc quanh đây, Bình nguyên xanh. Lê Minh Hà (1962) với Trăng góa, Gió biếc, Thương thế, ngày xưa. Lê Thị Huệ (1953) với Bụi hồng, Lũy tre xanh, Rồng rắn, Văn hoá trì trệ nhìn từ Hà Nội, đầu thế kỷ 21. Lê Thị Thấm Vân (1961) với Xứ nắng, Mùa trăng, Âm vọng. Nguyễn Thị Ngọc Lan (1957) với Một chút hạnh phúc nhỏ (1993), Trăng đất khách. Nguyễn Thị Thảo An với Bức phù điêu chắc cạn gồm 12 truyện ngắn. Nguyễn Ý Thuần (1953) với Tối thứ năm tại quán ăn đường Fifth, Người lính còn lại, Chốn không quên. Phan Thị Trọng Tuyến(1951) với Mùa hè, Một nơi khác, Một trang đời. Trần Diệu Hằng (1952) với Vũ điệu của loài công (1985), Mưa đất lạ (1986), Chôm chôm yêu dấu (1990), Niềm im lặng của mây. Trần Vũ (1962) với Ngôi nhà sau lưng Văn Miếu, Cái chết sau quá khứ, Mùa mưa gai sắc. Bên cạnh đó, có một số đông các nhà văn chuyên viết truyện ngắn như Phùng Khánh Minh, Phạm Thị Ngọc, Nguyễn Nguyên Phước, Phạm Thị Minh Thư, Thúy Hằng, Lê Quỳnh Mai, Nguyễn Danh Bằng, Thuận, Mai Ninh, Ðỗ Lê Anh Ðào, Nguyễn Hương, Kiệt Tấn.
Nhận xét chung về những nhà văn lớp tuổi này là họ không còn viết như trước nữa. Gần như mỗi nhà văn, mỗi cách thể hiện, độc đáo và khác người: Ðó là cách nói và nhận xét đầy đủ nhất. Chẳng hạn như trong Tôi, Anna và Thu của Nguyễn Danh Bằng, người đọc nhận thấy có điều gì đặc biệt trong câu chuyện, trong nhân vật, nội dung truyện mà chưa bao giờ tôi có cảm nghiệm được. Cũng như thế trong truyện Hai công dụng mới của máy sấy tóc của Phan Nhiên Hạo, câu chuyện xây dựng trên những tình tiết làm người đọc ngạc nhiên và ngỡ ngàng. Thời hậu chiến của Nguyễn Hương càng đưa ta lạc lõng vào những hình thức, thể loại, dựng truyện, dựng nhân vật đến không dễ nắm bắt được. Nhà văn Nam Dao đã giới thiệu Thời hậu chiến: “Ðây là một truyện ngắn kỳ lạ qua cấu trúc thời gian và không gian, đi từ lịch sử này đến một lịch sử khác, từ một văn hoá này đến một văn hoá khác, nhưng rồi tụ lại ở thân phận người, một con người bất cứ ở đâu cũng cứ treo lửng lơ nối giữa trời và đất bằng một sợi dây đong đưa định mệnh”. Nhiều lúc đọc mà cảm thấy hụt hẫng, sút chân không theo kịp, không nắm bắt được tác giả. Ðọc Ðêm nghi ngại của Cổ Ngư, chẳng khác gì người đi trong đêm, không tìm được lối ra. Các tình tiết câu truyện xoắn sít vào nhau như những mảnh rời nối kết lại một cách rời rạc không thuận lý. Hình như người đọc chưa kịp chuẩn bị đủ để đọc họ, hay ngược lại, tác giả thiếu chuẩn bị để tiếp cận người đọc? Hình như phải có con mắt thời đại để dõi mắt theo kịp thế giới truyện của các nhà văn hiện nay. Có khoảng cách xa lìa giữa mỹ học cũ với những tầng tầng lớp lớp bụi thời gian quá khứ với lịch sử đặc và dầy che phủ kín một lối nhìn thông thoáng thông lộ ra một tia sáng lạ? Tình trạng xa cách giữa lớp người đọc cũ và những nhà văn mới, có giống cảnh quan những con người đứng nhìn vào một hang động và chỉ thấy chiếc bóng mình và thế giới từ bên ngoài chiếu lung linh trên vách tường? Có sự chậm lụt trong tầm nhìn vì sự khép lại, lội bì bõm trong quá khứ đau thương và tủi nhục không rút chân ra được của lớp người di tản trước? Bấy nhiêu câu hỏi để tự tra vấn chính mình vẫn chưa có lời giải đáp.
Nay nhìn lại sinh hoạt văn học, trong nước thì xô bồ như chợ vỡ, tạp nhạp đủ thứ... Ngoài nước thì vắng hoe như buổi chợ về chiều. Cố mà vực dậy, cố mà vươn lên với những cố gắng của một số tập san, nhà xuất bản. Thế kỷ 21, Gió Văn, Văn, Văn Học, Hợp Lưu nằm trong số đó. Cứ giả dụ không có những tập san vừa nêu trên thì số phận sinh hoạt nhà văn Hải ngoại có còn nữa không? Nhưng người ta cũng nhận thấy hiện tượng lão hóa trong số những nhà văn trẻ trên đây. Rất nhiều nhà văn cầm bút muộn hay đã quá tuổi 40. Họ được coi là trẻ trong văn nghiệp, nhưng già tính theo tuổi đời. Nam Dao bắt đầu cầm bút năm 1999, khi tuổi đời sắp bước vào tuổi 60. Miêng, Mai Ninh bắt đầu sự nghiệp viết văn lúc trên 40 tuổi. Nguyễn Thị thanh Bình nay 46, Lê Thị Thấm Vân 43, Lê Quỳnh Mai 42, Nguyễn Hương 42, Phạm Chi Lan 42, Phạm Thị Ngọc 41, Ðinh Linh 41, Cổ Ngư 41, Nguyễn Quý Ðức 42, Hoàng Mai Ðạt 41, Thận Nhiên 42, Ðặng Thơ Thơ tên thì rất trẻ, nhưng nay cũng 42. Thật trẻ họa may còn có Ðỗ Lê Anh Ðào mới 25 tuổi. Lớp người đọc bây giờ cũng từ lớp tuổi 49 đến 70. Ðiều đó cảnh báo một tương lai không sáng sủa gì cho văn học ngoài nước. Ðã thế sự nghiệp văn chương thì nhiều người còn mỏng. Và vẫn là thứ văn chương nghiệp dư... Cứ nhìn những nhà văn trẻ viết văn bằng tiếng ngoại quốc không khỏi làm chúng ta suy nghĩ. Những người như Linda Lê, Monique Trương, Lê Thị Diễm Thúy, Pedro Nguyễn, Valerie Tống Cường... Phải chăng, muốn trở thành nhà văn chuyên nghiệp thì chỉ có con đường chọn viết văn bằng ngoại ngữ?
Nhưng những nhà văn trẻ vừa và thật trẻ vẫn là niềm hy vọng của sinh hoạt văn học di dân Việt Nam như những đóm lửa của hy vọng còn chờ đợi. Bên nhà, niềm hy vọng đặt vào những người thật trẻ như Ðỗ Hoàng Diệu (công bố tác phẩm bên ngoài), bên này thì ai? Do dự một giây lát, những người lớp trước như Lê Thị Huệ, Trần Vũ, Mai Ninh, đã là một lẽ... nay trọng trách đó đặt trên vai một số nhà văn có tiềm năng như Ðỗ Lê Anh Ðào, Nguyễn Danh Bằng, Nguyễn Nguyên Phước, Nguyễn Hương, Ðặng Thơ Thơ, Lê Quỳnh Mai và Phùng Khánh Minh? Bao giờ niềm hy vọng cũng vẫn chỉ là hy vọng?

3. Tình trạng lão hóa ngay chính nơi độc giả
Xin trích dẫn câu trả lời cho một nữ độc giả trên tờ Hợp Lưu cách đây mười năm: “Sách báo hiện nay vẫn đang trong giai đọan thoi thóp. Người đọc cạn dần, mãi lực yếu. Ðiều này nguy hiểm nhất: độc giả càng ngày càng già đi, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, lớp thay thế hầu như không có. Ðiều này cũng xảy ra cả với người viết. Vì vậy, văn chương Việt Nam ngoài nước hầu như không thể ”trẻ” được. Một tác phẩm nào ra ra ngoài cái khuôn mòn đã được định trong vài ba thập niên qua, là lập tức bị phản bác, chê bai, chửi mắng. Vì thế, chúng ta chẳng hy vọng gì có được ”một bứt phá ngoạn mục”, như trên dưới 40 năm trước, cuả Sáng Tạo với văn chương tiền chiến...”
Ðộc giả cũng là những người lưu vong, bỏ nước ra đi. Cũng mang tâm trạng và hội chứng sau 75. Câu truyện văn chương bị chính trị hóa thành một thứ tòa án nhân dân. Người đọc có những đòi hỏi thúc bách người viết phải viết thế này, phải viết thế kia nhân danh một quan điểm, một lập trường. Lập trường đó trở thành ý kiến của quần chúng, của đa số như thể một cao trào quần chúng. Ðiều đó phản ánh tâm tình của đa số độc giả. Nó đúng chứ không phải là sai. Nhưng từ những yêu sách, những mong muốn biến thành bạo lực áp đặt, khống chế, vu khống chụp mũ, mạ lỵ, triệt hạ uy tín một cá nhân là chuyện nay thành cơm bữa. Chỗ nào có tụ hội, chỗ nào có phe nhóm, chỗ đó có cảnh chụp mũ, bôi bẩn. Sinh hoạt cộng đồng trở thành bát nháo, chửi lộn đến chỗ ai cũng trở thành nạn nhân. Thật đáng tiếc. Văn học bị vạ lây và đốt cháy. Viết từ nay phải dòm trước, dòm sau, tránh né trước một bóng ma, một thế lực vô hình. Chỉ cần một cá nhân lên tiếng, nhân danh tập thể, cộng đồng thì tiếng nói của vị ấy trở thành có trọng lượng, một thứ công lý một chiều. Chưa bao giờ độc giả lại có cái thế phán quan, vai trò xét xử đến như thế. Ðã có lần, một nhà văn tôi quen biết kể lại việc mình đem một cuốn truyện có nội dung rất tốt, chống cộng là đằng khác, đem bầy bán trong một buổi họp cộng đồng. Chỉ cần một viên cựu đại úy lên cầm micro tố cáo nhà văn về chuyện mượn tiền in cuốn sách của đám di dân Hải Phòng (di dân Hải Phòng không phải người Quốc gia), cuốn sách đột nhiên phải cuốn gói, rút lui. Văn chương trở thành một thứ tuyên truyền lúc nào không hay, nhàm chán và lão hoá. Ðến một lúc nào đó thì chả ai muốn đọc những cliché đó nữa. Và càng ngày số người đọc một giảm đi theo năm tháng. Số người trẻ lớn lên, càng chiếm đa số, nhưng lại thờ ơ với sách vở viết bằng tiếng Việt. Cuối cùng văn học chỉ là sản phẩm dư thừa, ế ẩm và thiếu chất lượng. Nhà văn Hoàng Khởi Phong đã để ra 10 năm không viết, không đụng đến chữ nghĩa, chỉ vì thấy sách báo tác phẩm văn học được xếp lẫn lộn với tiêu muối hành.
Sự ra đời của báo chợ đã đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người đọc. Từ chỗ đó, bất cứ ai cũng có thể viết, cũng có thể trở thành nhà văn. Tác giả ngày một hiếm, độc giả ngày một cạn là cớ cho một thứ văn chương bèo bọt, bát nháo, mạnh ai nấy viết. Và trong tương lai, phải chăng chỉ còn có một nền văn học báo chợ ở Hải ngoại?

Ðể tìm hiểu người đọc ngày hôm nay, tôi thử làm một thăm dò một số độc giả để xem họ nghĩ gì, thái độ ra sao đối với các nhà văn đang chiếm lĩnh văn đàn hay đang lên hiện nay. Sự chọn lựa 19 độc giả chỉ có tính cách tượng trưng, hướng dẫn, không có nghĩa đại diện. Trong số 19 độc giả, có 7 cặp và có 5 người ở tình trạng độc thân, một phụ nữ chủ báo có chồng, nhưng chồng không tham dự. Tuổi từ 49 đến 70. Có hai người trình độ tú tài, còn lại 17 người đã tốt nghiệp đại học. Trong số tốt nghiệp đại học, có 10 người tốt nghiệp đại học Âu Mỹ.
Có chín người từ lớp tuổi 49 đến 55 có đọc truyện tiếng Việt.
Với 19 độc giả vừa nêu trên, chúng ta có thể đưa ra một vài kết luận như sau: Lớp độc giả từ 60 trở lên ít đọc và ít theo dõi sinh hoạt văn học, nếu không nói có nhiều vị có bằng cấp, học vị, từ khi ra nước ngoài chưa hề cầm đọc một cuốn sách tiếng Việt, nhất là đọc các nhà văn lớp mới (từ 55 tuổi trở xuống).
Sự đánh giá tốt xấu tùy thuộc vào phái tính, nam hay nữ và hoàn cảnh gia đình.
Ðối với một số cây viết trẻ, họ không có con đường nào khác là chọn viết truyện bằng tíếng Anh, tiếng Pháp thay vì tiếng mẹ đẻ. Và chẳng bao lâu nữa, sẽ có một nền văn học của người gốc Việt viết bằng tiếng ngoại quốc? Hiện nay, xin được liệt kê tên tuổi của lớp nhà văn trẻ này mà trong số họ, có những người đã thành danh, có tên tuổi, có thế giá đối với ngay xứ sở tạm dung của họ. Linda Le ở Pháp là một trong 3 nhà văn nữ nổi tiếng hàng đầu của Pháp hiện nay. Cô đã có hơn 10 đầu sách xuất bản tại Pháp. Cạnh đó có Kim Ðoan, Kim Lefèvre, Jean-Michel Truong. Những nhà văn trẻ gốc Việt viết bằng tiếng Mỹ thì đông đảo hơn, với Monique Truong, Kien Nguyen - đặc biệt hai nhà văn này, sách có thời gian là Best seller ở nước Mỹ -, Mong Lan, Duong Van Mai Elliott, Dao Strom, Andrew Lam, Cathy Yardley, Lan Cao, Le Thi Diem Thuy, Tran Thi Nga, Le Ly Hayslip, Nguyen Quy Duc, Dinh Linh, Lee Minh McGuire. Aimée Phan, Andrew Wells-Dang, Anna Moi, Barbara Tran, Pham Andrew X, Surai Michele M, Nathalie Huynh Chau Nguyen, Ly Ho, Thuong Vuong-Riddick.
Cứ nhìn vào sự việc trước mặt, phải chẳng trong tương lai chỉ còn hai hình thức sinh hoạt sách báo ở nước ngoài: Hoặc viết báo chợ để đọc quảng cáo và tin phúng điếu, hiếu hỉ cho người Việt đọc. Hoặc nhà văn gốc Việt viết bằng tiếng Anh Pháp cho người ngoại quốc đọc?

___________

Thư gởi ông Nguyễn Văn Lục,
tác giả bài viết "Hiện trạng lão hóa nơi các nhà văn hải ngoại"

Lương Thư Trung

Ngày 22 tháng Giêng năm 2005
Kính chào Ông,
Tôi là một người đọc bình thường, không phải là người viết văn, nên chỉ có khả năng viết được những lá thư để chia sẻ với các tác giả thôi ông à! Thành ra, sau khi đọc bài viết Hiện trạng lão hoá nơi các nhà văn hải ngoại của ông, tôi xin mạo muội viết lá thư này mong chia sẻ với ông vài cảm nghĩ riêng của mình hơn là tranh luận cùng ông về một đề tài mà tôi nghĩ nó quá lớn lao so với vốn hiểu biết của một người đọc già nua như tôi, đó là bàn về nhà văn và văn chương nơi hải ngoại này.
Thưa Ông,
Trong bài viết của ông, nếu tôi không lầm, thì có ba vấn đề chính mà ông nêu lên nhằm chứng minh cho nhận định của mình, đó là “đề tài”, “tuổi của nhà văn” và “tuổi của người đọc”. Và tôi cũng xin được nương theo đó mà giãi bày cùng ông vài ý nhỏ của mình.
Trước hết “lão hóa về đề tài”. Về tiêu đề này không có gì mới ông à! Thời nào, đời nào, các văn nhân thi sĩ cũng ca ngợi về các đề tài chung quanh mình. Cũng tình yêu, trăng sao mây nước. Ði xa hơn họ còn phản ảnh về những bức tranh xã hội mà họ đã trải qua. Bởi một lẽ hết sức giản dị là trước khi trở thành nghệ sĩ, các tác giả của những tác phẩm góp mặt với đời đólà một con người. Nhà văn hơn ai hết là chứng nhân của thời đại mà họ đang sống. Tác phẩm của họ nếu không phản ảnh được xã hội mà họ trải qua thì tốt nhất họ chớ nên quấy rầy văn chương và người đọc làm gì. Chắc ông cũng đồng ý với nhiều người là “trái đất thì xưa”, không có gì mới; nhưng có ai hiểu nổi cơn động đất sóng thần vùng Nam Á châu vừa rồi với bao nỗi kinh hoàng không? Và rồi sẽ còn bao nhiêu biến động khác của trời đất và lòng người nữa đây? Và ai sẽ là người ghi lại hết những biến dịch của vũ trụ này, nếu không là các văn nhân nghệ sĩ?
Các tác giả mà ông nêu trong bài viết, tôi nghĩ chắc ông có lẽ chưa đọc hết những gì các nhà văn ấy viết. Bởi một lẽ giản dị là tôi chỉ nhẩm tính, với số lượng trang giấy in của hằng trăm, hằng ngàn cuốn sách đó, nếu một người đọc chăm chú có lẽ cả đời đọc chưa hết nổi, mặc dù ông chưa ghi hết các tên sách khác. Ông làm tôi nhớ, có một người bạn kể lại là có người khoe với anh là ông ta có trên mười ngàn cuốn sách, mà đa phần là sách bằng tiếng Tây, tiếng Mỹ. Tôi nghĩ trong bụng, ông chủ của hơn mười ngàn cuốn sách ấy là một vị hoàng đế tái sinh và các trang sách là hằng trăm, hằng ngàn nàng cung phi mỹ nữ cả đời ủ dột. Nếu chúng biết cất tiếng kêu, có lẽ nhân loại này sẽ có hằng trăm, hằng ngàn bản “cung oán ngâm khúc tân thời” .
Xin được lấy một thí dụ, bộ Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác dày gần 3.000 trang, một người đọc bình thường như tôi phải mất hai năm; còn cuốn Cửu Long cạn dòng Biển Ðông dậy sóng của Ngô Thế Vinh in lần đầu 649 trang, lần tái bản 724 trang, tôi đọc rất mê vì tác giả viết về con sông mà tôi uống nước, vùng đất mà tôi cày ruộng nuôi mình, nhưng tôi cũng phải mất ba tháng trời nghiền ngẫm mới xong trang cuối; còn những cuốn sách dày khác của Nam Dao, Hoàng Khởi Phong, Trần Doãn Nho, Nguyễn Xuân Hoàng... thì ôi thôi muốn đọc xong phải lâu lắm, không phải vì tuổi tác, vì chán đề tài, vì không hay mà vì không có nhiều thời gian để đọc cho kịp ông à! Mà khi mình đọc chưa hết hay chỉ điểm qua cái tựa không thôi mà nhận định rằng “lão hoá về đề tài”, có lẽ người đọc đòi hỏi nhà văn nên đi xa hành tinh này may ra mới có đề tài mới. Chừng đó, ông và tôi, có lẽ cũng nên sang thế giới bên kia mà tìm đọc những tác phẩm mới và lạ của họ.
Thứ đến là tuổi của nhà văn. Về phần này ông làm tôi nhớ sau những năm chạy giặc Tây, lúc bấy giờ nhà cửa vườn tược ở làng quê tôi rất tiêu điều, khi tía má tôi bồng chống đàn con trở lại làng quê xưa, thì ôi thôi ruộng hoang đồng trống. May sao, trong vườn cam nhà tôi còn sót lại một gốc cam Tàu, năm ba gốc dừa lão cao lêu nghêu giữa trời. Lúc bấy giờ tôi còn rất nhỏ, tuổi thơ nhà quê khờ dại lắm ông, tôi hay chạy theo chân tía tôi và hỏi: “Sao tía không đốn cây cam lão đó đi tía?” Tía tôi trả lời rất hiền: ”Cam của ông nội con trồng. Cam lão nhưng trái ngọt lắm con.” Rồi tôi lại hỏi về mấy cây dừa. Tía tôi cũng trả lời: “Những cây dừa lão ấy của ông nội con trồng. Giờ trái nó không lớn nhưng nước dừa lão ngọt lắm!”Lúc bấy giờ nghe tía tôi nói vậy mình hay vậy vì cái thời của tôi cha mẹ nói là nói trúng, con cái chỉ nghe và vâng lời, không đứa nào dám cãi lời. Nhưng về sau, khi tuổi đời lớn thêm chút nữa, rồi vào đời qua những năm tháng lận đận giữa dòng đời nhiều sóng vỗ nước dâng, tôi càng nghĩ câu trả lời của tía tôi ngày xưa vô cùng thâm thúy. Và tôi hiểu tại sao miền quê tôi người ta vừa trồng dừa tơ, vừa trồng cam chiết nhánh, cam sành nhưng người ta vẫn giữ những hàng dừa lão, những gốc cam trồng bằng hột giống, những gốc cau lão cao lêu nghêu in bóng xuống dòng sông nước ngọt bốn mùa.
Khi ông viết về tuổi đời của nhà văn, ông có thấy lòng mình tàn nhẫn quá không khi ông phải dùng những chữ “không làm nên cơm cháo gì”.
Thêm vào đó, ông lại nhận định một phần nhà văn hải ngoại bắt đầu viết văn quá trễ, có người khởi đầu ở tuổi 60, trung bình tuổi cũng trên 40; nhưng ông cũng quên một điều là tuần trăng mật của đôi tân lang và tân giai nhân mới cưới nhau năm 20 tuổi và tuần trăng mật của một đôi uyên ương ở tuổi 50, chắc gì ai hạnh phúc hơn ai. Trăng mật thì không mới nhưng niềm hoan lạc chắc cũng nồng nàn không thua gì nhau. Tuổi trẻ có cái lợi là nhìn đời theo nhãn quan trẻ và người già giàu có ở chất liệu mà họ đã tích lũy được nhiều năm. Tựu trung tác phẩm hay không phải do nhà văn bắt đầu sớm hay muộn, mà do cách diễn đạt của họ, vì viết vốn dĩ là một cách diễn đạt ý tưởng, không hơn không kém.
Thứ ba là “tình trạng lão hóa ngay chính nơi độc giả” mà ông nêu ra như một lý do chính đáng, theo ông văn học hải ngoại không khá. Thật ra, điều mà ông nêu ra về tuổi tác của người đọc, chúng tôi nghĩ nhà văn chắc họ không chỉ viết cho người đọc hải ngoại này không thôi ông à; mà các văn nhân còn kỳ vọng một ngày nào đó các trang sách của họ sẽ được đến với người đọc trong nước. Bởi lẽ, chúng tôi tin văn học hải ngoại còn là những trang sách còn rất mới và rất hấp dẫn với người đọc trong nước và văn học sử Việt Nam sẽ không là văn học sử Việt Nam nếu các nhà viết văn học sử bỏ quên mảng văn học quý báu này.
Sau cùng tôi xin được phép kể cùng ông câu chuyện vui hồi năm 1970, nhớ lại năm tôi mới cưới vợ, một hôm về quê vợ ở Tân Châu thăm bà dì, năm ấy bà dì bảy mươi tuổi, đã hơi lẫn. Mấy đứa cháu đến chơi mới nói như một lời hỏi thăm: “Dì Hai năm nay già quá rồi”. Bà dì nghe cháu nói vậy, rồi bà cười cười, tay mân mê vạt áo trả lời: ”Tôi không biết thế nào gọi là già?”.
Trân trọng,
Lương Thư Trung
© 2005 talawas

_____________

Nhật ký của im lặng

1. Nỗi vui một nửa
Bọn trí thức bốn tên
Có những nỗi vui, cái thích chả cắt nghĩa được. Nhớ lại có một lúc nào đó xuất hiện các tên Trung-Tr rồi Chung-Ch đồng loạt. Nhất là sau 1963. Thật khó cùng một lúc có những tên tuổi như thế nổi lên cùng thời. Đến nỗi, ông Thiên Hổ, chủ bút báo Xây Dựng đã viết chửi gom cùng một lúc bốn tên Trung, Chung như sau: Tất nhiên rồi. Những Lý Quí Chung, Nguyễn Hữu Chung, Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung và các anh em có tên Chung hay Trung cũng như các đứa con chỉ được quen mồm gọi thằng Cu như Thiên Hổ, nghĩa là đại đa số con dân Việt Nam ở ba miền Trung Nam Bắc, vẫn muốn là (những người ở giữa) thì câu đó nông a lê ù, mà còn tổ làm cớ cho Cộng sản nó khai thác. Nhà dân biểu hăng say Lý Quí Chung vì dân tộc, với dân tộc hẳn đã nghĩ đến điều đó. Dù sao Thiên Hổ cũng xin phép nói trước, sợ đàn anh quá sốt sắng đến thành ngây thơ. Chết cho dân tộc chúng em đấy.[1]
Có điều cả bốn người họ đều nổi cộm lên, đều viết được. Phải nói họ đều viết hay mới đúng. Trong hồi ký của Lý Quí Chung cũng đã có lần nhắc đến cái cụm bốn Trung, Chung rất là lạ, rất là kỳ cục như thế. Trong cả bốn, Nguyễn Hữu Chung sau này ở cùng chỗ với tôi, lại có viết chung trên tạp chíĐi Tới. Anh viết ít. Nhưng nhiều lúc anh hạ một con chữ, tôi đọc thấy cũng đã lắm.
Đến lúc Lý Quí Chung cho ra cuốn Hồi ký không tên, rồi talawas cho đăng lại, tôi theo dõi mỗi ngày với sự thích thú. Nay đã đọc xong, xin ghi lại một số cảm nghĩ của mình.
Thể văn hồi ký tự nó có sắc thái đặc biệt. Đó là thể văn cho người đã xế chiều. Viết để nhớ lại và gửi gắm. Đọc nó, giúp ta hiểu đời sống một người, đồng thời hiểu một giai đoạn mà tác giả sống, nhất là về phương diện chính trị, xã hội hay văn học. Nhưng theo tôi, đó là một thể văn gay go nhất, vì nó đòi hỏi người viết một nguyên tắc khá quyết liệt: viết thật thà, viết với lòng trung thực, viết không phải để tô son đánh bóng mình. Hầu hết các cuốn hồi ký từ trong nước đến hải ngoại đều phạm phải lỗi lầm này, đến không thể kể ra cho hết được. Những hồi ký như vậy trở thành vô giá trị, cùng lắm đọc chơi, đọc để giải trí.
Riêng cuốn hồi ký của Lý Quí Chung, tôi nghĩ nó đạt được nửa điều trung thực, nửa điều thật thà. Nửa kia phải nín thở qua sông. Lỗi không phải ở tác giả. Bởi vì nó che giấu nhiều thứ. Có những điều cần nói đã không nói ra. Bắt đầu từ chương: Sau ngày 30.4.1975. Đến ngót nghét 30 năm mà như thể không có điều gì để nói.
Tôi tự hỏi mình, ông viết vào cái lúc sắp sửa bước chân vào cõi bên kia. Còn gì để ông vướng bận? Còn gì để ông e ngại mà không trải lòng mình ra? Cái chúc thư mà ông gửi đến người đọc là chúc thư gì? Nội dung nhắn gửi có đủ chưa, có còn gì để nói nữa? Ðiều gì đã làm ông phải lựa lời, lách chữ, để ít ra còn được lên tiếng?
Nhưng dù gì đi nữa, tôi cũng vẫn đọc ông với niềm trân trọng, nhất là khi ông viết những dòng trăn trối như thế này:
Tôi có ý định viết lại phần đời sau 30 tháng Tư 1975 này, thành một tập hồi ký riêng. Nhưng tôi hoài nghi mình sẽ không còn thời gian đủ để làm việc đó. Tôi vừa thoát qua cơn bệnh hiểm nghèo, không biết thời gian tạm ứng tiếp cho tôi sẽ được bao lâu. Phần một của tập Hồi Ký tôi mất một năm rưỡi để viết. Tôi đã bắt đầu ngay khi vừa phục hồi sức khỏe từ cuối tháng 12.2002. Khi viết những dòng này, ngày 01.3.2004, tôi được tin người bạn thân và đồng hành với tôi trước 1975 trong thời gian chống Mỹ-Thiệu, cựu dân biểu Nguyễn Hữu Chung, đã mất ngày 26 tháng 2 năm 2004.
Có thể thời gian còn lại quá ít để ông không có thì giờ viết nữa?
Nhân tiện đây xin trích dẫn người bạn thân Nguyễn Hữu Chung của ông. Lối viết rất Nam Kỳ, rất Nguyễn Hữu Chung, rất trung thực, trong một lá thư trước khi ông mất:
Anh Hóa.
Bác sĩ cho "moi" 12 tháng, "moi" xài hết 6 tháng rồi. Anh kêu tôi viết, tôi cám ơn anh, nhưng tôi nghĩ mình viết cái gì bây giờ?
Mình viết về một dân tộc mà mình biết có một phân nửa. Mình viết về một đất nước mà mình biết có phân nửa. Mình viết về thế hệ tương lai, tính từ 75, đã một thế hệ sanh ra và lớn lên mà cả hai thế hệ này... nó không biết mình là ai, mà mình cũng không biết nó là ai.
Anh thấy không, anh kêu tôi viết về tuổi trẻ, về tương lai, về một thế hệ mà đã hơn một phần tư thế kỷ mình không ở đó, cái điều đó có thể cũng không sao, nhưng quan trọng hơn, là mình không dự phần, mình không chia sẻ, thì bây giờ viết cái gì bây giờ. Tôi đi năm 75, ở cái tuổi sung mãn nhứt của đời người thì… chỉ để kiếm cơm. Bây giờ về hưu rồi, hết rồi "toa" (…) Nhưng anh cứ nói cho tôi biết, tôi phải viết cái gì bây giờ?
Nguyễn Hữu Chung,
Montréal,một ngày tháng Tư 2003
(Trích từ một thư gửi Đoàn Minh Hóa, chủ nhiệm, chủ bút tạp chí Đi Tới, Montréal, Québec, Canada)
Trích dẫn cả hai đoạn văn trên để nhớ cả hai người đã một thời tuổi trẻ, đã có mặt, đã tham dự một phần vào lịch sử miền Nam trong những ngày trước 30.4.75.

Những trí thức trẻ tạo nên thời cuộc
Dựa theo Hồi ký không tên của Lý Quí Chung, tôi nhớ lại sau 1963 xuất hiện một loạt những khuôn mặt chính trị non trẻ, không có một tý bề dày kinh nghiệm chính trị gì cả. Vốn liếng chính trị rất mỏng. Kinh nghiệm sinh hoạt nghị trường, v.v... cũng không có. Kể như là những tay mơ. Họ là giới thanh niên trí thức trẻ của cả một thời, đánh dấu một thời kỳ của ho. Họ là những Ngô Công Đức, Lý Quí Chung, Nguyễn Hữu Chung, Hồ Ngọc Nhuận, Phạm Thế Trúc (sau trốn sang Nhật không dám về) Nguyễn Hữu Hiệp, Hồ Văn Minh, Hồ Ngọc Cứ, Hoàng Ngọc Biên, Dương Văn Ba, Dương Minh Kính, Nguyễn Văn Châu, Bành Ngọc Quý, Nguyễn Hữu Thái, Huỳnh Tấn Mẫm, Hồ Ngọc Cứ, Nguyễn Văn Binh (đại tá). Dĩ nhiên, phải nhìn nhận rằng, họ có mặt là do sự hỗ trợ đằng sau của Công giáo hay Phật giáo, hoặc do nhãn hiệu Nam, Bắc hay Trung. Thời cuộc thay đổi, tình hình chính trị thay đổi. Họ thay thế các khuôn mặt chính trị lớp cũ, nhiều khuôn mặt quá quen thuộc tỏ ra lỗi thời. Họ thiếu kinh nghiệm nhưng xông xáo, học bài rất nhanh. Cộng thêm họ có lý tưởng, có một tấm lòng. Nhiều người trong số họ - với kinh nghiệm thu tập trong nghị trường, trong mặt trận báo chí, trong các phong trào phản chiến - đứng giữa hay thành phần thứ ba. Chẳng mấy chốc, họ trở thành những khuôn mặt chính trị đại diện giới trí thức trẻ khuynh tả của miền Nam lúc bấy giờ.
Đại diện trong đám họ, tiêu biểu có thể là mẫu người như Lý Quí Chung, vừa là nhà báo như các người trẻ khác như Trương Lộc, Trần Trọng Thức, Nguyễn Vạn Hồng, Nguyễn Bá Thành, vừa là nhà chính trị như một số dân biểu vừa nêu trên. Ông là mẫu người lý tưởng, hăng say, dấn thân nhập cuộc.
Những điều mà ông Lý Quí Chung viết về giai đoạn ấy khá trung thực. Trung thực khi viết về chính bản thân mình như học dở dang, chưa ra ông ra thằng, vào đời vỏn vẹn có mảnh bằng Tú tài 1, chương trình Pháp; tay nghề làm báo kể là số không, lăn vào chính trị như một tình cờ, một dun dủi; đi từ trí thức khuynh tả nhảy sang đứng giữa rồi thành phần thứ ba.
Nhưng qua những điều ông kể, đánh giá người này, người kia, đánh giá sự việc, đánh giá một tình huống, phải nhận ông là người có tài, người có một tấm lòng, người thẳng thắn, tạo cho mình một bản lãnh, một thế đứng chính trị, phản ứng ăn nhịp với xu hướng chính trị, thời cuộc. Đó là trí thức khuynh tả, thành phần thứ ba.

Chập chững vào nghề: hứa hẹn vóc dáng một tên tuổi
Tôi còn nhớ vào những ngày trước biến cố Phật giáo 1963, một số tờ báo vẫn có thói quen ca tụng chế độ Ngô Đình Diệm. Tờ Sài Gòn Mới là một trong số những tờ đó. Nhưng khi ông Diệm, ông Nhu bị thảm sát xong, diện mạo, cung cách, giọng điệu một số tờ báo đã khác. Họ đổi chiều, trở giọng nhanh như chớp đến đáng khinh. Vô số những bài phóng sự mới ra lò bôi nhọ chế độ ông Diệm. Không ai cấm họ làm như thế với điều kiện trước đây họ đừng có khen hay nịnh bợ. Khinh họ là ở chỗ đó. Chỉ trong một đêm, giọng điệu đang rỉ rả ca tụng thành chửi bới, bôi nhọ. Tôi cảm thấy ngầy ngật về nhân cách của một số tờ báo thời đó.
Vì thế, khi đọc hồi ký của Lý Quí Chung, chương Chập chững vào nghề báo, tôi nghĩ rằng ông là nhà báo trẻ và duy nhất không nói và về hùa theo đám đông. Bài báo viết về vụ ông Cẩn của ông có cách nhìn riêng, khá nhân bản và can đảm. Có lẽ điều đó nói lên nhân cách của Lý Quý Chung sau này.
Lý Quí Chung vượt trên cái nhãn thức bình thường của các ký giả viết chạy theo thời cuộc, viết a dua, viết chạy theo đám đông, viết bôi bác lem nhem, nhãn thức thiển cận hẹp hòi không có trình độ, thiếu một cái nhìn sắc bén về cá tính ông Ngô Đình Cẩn. Lý Quí Chung biết nhận ra ở ông Ngô Đình Cẩn lúc ra tòa, lúc ở cái thế kẻ thua cuộc, vẫn tỏ cho thấy một con người có bản lãnh, có cá tính, có uy lực, coi thường những kẻ đang xử án mình và coi khinh những nhân chứng trước đây ra vào nhà ông qụy lụy. Từ tư thế một tội nhân, bị xử án, ông Cẩn ở tư thế một người biết chấp nhận thua được một cách bình thản. Khó chứ không phải dễ.
Lý Quí Chung viết: Tôi vẫn nhớ thái độ ông Cẩn trước tòa án rất ngạo mạn, ông chẳng quan tâm gì đến diễn tiến phiên tòa. Chẳng chú ý tới các lời buộc tội ông. Ông mặc bộ đồ bà ba lụa mầu trắng, mắt nhắm nghiền như ngủ qua suốt các phiên xử. Nhiều lúc còn có cử chỉ tỏ vẻ khinh khi các tướng tá đang ngồi xử mình... Và lúc bị đưa ra hành quyết, Lý Quí Chung viết: Ông bị trói chặt vào cột hành quyết và lúc sắp sửa bị bịt mắt bằng vải đen thì ông ta phản ứng. Ông nhất định không để bị bịt mắt, muốn được nhìn tận mắt cuộc hành quyết mình. Nhưng người thi hành án giải thích với ông rằng luật lệ không được phép cho họ làm khác. Người ta vẫn bịt mắt ông và một loạt súng kết liễu mạng sống của người thứ ba và là em út trong dòng họ Ngô từ sau cuộc đảo chính 1.11.63. Bài tường thuật của tôi nhấn mạnh hai điểm: ông Cẩn không sợ cái chết và tỏ vẻ khinh khi những người xử ông tại tòa.[2]
Bài viết này làm nên vóc dáng Lý Quí Chung sau này trong nghề làm báo và chính trị, khởi đầu một cuộc hành trình trí thức trẻ, dấn thân và nhập cuộc. Đó là bài báo như bước chân khổng lồ vào đời, xác định được thế đứng, góc nhìn và vóc dáng của một nhà báo trẻ. Bài báo đó báo hiệu tương lai một người tuổi trẻ lý tưởng và hăng say, can đảm và trung thực.
Vào lúc đó, ngoài Lý Quí Chung, còn có tờ Tiếng Nói Dân Tộc, số kỷ niệm ngày 1.1.63 có ghi lại cảm tưởng như sau: Vô cùng kinh ngạc vế thái độ dửng dưng và thật trầm tĩnh của con người được mệnh danh là Ut Trầu, lúc mà Cẩn biết bị bác đơn ân xá.
Khoảng gần 30 năm sau, trong Nghề hay Nghiệp, hồi ký về vụ án này đăng trên tờ Thế giới Ngày nayở Kansas, Hoa Kỳ, năm 1992, Luật sư Võ Văn Quan viết: Ông Cẩn im lặng nghe đọc bản án bác đơn xin ân xá. Quá cảm động, tôi chỉ biết nói câu an ủi tầm thường: "Thôi ông cố vấn đừng quá đau buồn. Trên cõi đời này sớm muộn gì rồi cũng phải ra đi." Ông nhìn tôi điềm tĩnh nói: "Luật sư đừng có buồn cho tôi. Tôi đi theo mấy ông anh của tôi. Tôi trở về cõi Chúa. Tôi không sợ chết đâu, nhưng tôi lo cho luật sư. Luật sư đụng chạm tới họ không biết luật sư ở lại có bi họ làm khó dễ hay không.." Tôi ứa nước mắt nói không sao đâu, ông cố vấn đừng lo cho tôi. Xin cầu chúc ông cố vấn được vào nước Chúa". Người lính đem khăn vải đen bịt mặt ông. Tới lúc đó, ông không còn giữ im lặng lắc đầu nói lớn, tôi không chịu bịt mắt đâu, tôi không sợ chết, nhưng người ta vẫn buộc. Bị bịt mắt, ông Cẩn vẫn lên tiếng phản đối vùng vẫy cái đầu. Một tiếng hô, một loạt súng nổ. Đạn bắn mạnh vào làm cho thân hình người tử tội bật ngược lên, giãy nảy rồi rũ xuống như một người máy bị đứt dây thiều. Viên sĩ quan chỉ huy đội hành quyết bước tới cọc, lạnh lùng bắn phát đạn ân huệ. Đầu ông Cẩn giãy lên rồi gục xuống. Hoàng hôn chụp xuống ảm đạm tang tóc".
Ông kết luận: Tối hôm xử bắn, tôi đã uống thuốc để cố gắng tìm giấc ngủ, vẫn trằn trọc thao thức suốt đêm vì bao hình ảnh vụ án cứ dồn dập quay cuồng trong tâm trí,và ông nhận ra tình cảm của ông đối với bị cáo đã thay đổi: lúc đầu ác cảm phẫn nộ, nay khâm phục và thương tâm.

Con đường làm chính trị thông qua cửa ngõ nhà Thờ hoặc nhà Chùa
Hồi ký không tên giúp tôi tìm lại quá khứ của những sinh hoạt chính trị sau năm 1963. Tôi còn nhớ đến ngạc nhiên là tự mọi nơi chốn, những người trẻ quen cũng như không quen, như một lớp sóng trào nhảy vào chính trị rất là ngang xương, rất là "blanc bec". Nguyễn Hữu Hiệp, dáng thư sinh học trò, con cháu của Molière và học trò của Aristote, Platon đã dùng cú đá song chảo đá văng những nhà chính trị lão thành tăm tiếng như bác sĩ Hoàng Cơ Bình. Châu ở Đà Lạt cũng vậy. Dưới tỉnh, những Bành Ngọc Quý, Dương Văn Ba đã có lá bài "Miền Nam" hay "Liên Trường". Những Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận, Nguyễn Văn Binh, Lý Quí Chung, Dương Minh Kính thì đúng ra mỗi người có những lá bài "tẩy", những lá dù che của thời kỳ đó.
Họ muốn lọt vào sinh hoạt chính trị, không có con đường nào khác qua cổng chùa hay cổng nhà thờ. Một điều bắt buộc, không làm khác được. Cha Cố, sư sãi có giá. Ðiều đó chứng tỏ một chính quyền, một chế độ non nớt. Uy quyền quốc gia không có. Tôn giáo, thần quyền dính vào thế quyền, chia xẻ quyền lực rất tay ngang và không bình thường. Cổng chùa, cổng nhà thờ nay ra vào không phải là những Phật tử hay con chiên ngoan đạo nữa. Thay vào đó là những nhà chính trị, trẻ có, già có, đi tìm một tấm giấy thông hành chính trị. Không ai có thể ra vào Hạ viện, Thượng viện mà thiếu một tấm giấy thông hành. Hạ viện thì đám người trẻ như tác giả Lý Quí Chung, rất năng động, rất xôm trò. Hoặc như các dân biểu Đinh Văn Đệ, Nguyễn Phúc Liên Bào, Phan Xuân Huy, Đinh Xuân Dũng, Kiều Mộng Thu, Trần Ngọc Châu trong vai trò dân biểu đối lập. Hoặc có những người ít xuất hiện công khai như Dương Văn Tòng, Trương Lộc, Hoàng Ngọc Biên, v.v... Hoặc trong bóng tối với tư cách người Cộng sản như Trương Bá Cần (hay Trần Bá Cường), Vương Đình Bích, Huỳnh Công Minh, Phan Khắc Từ. Bốn người này đều có thẻ đảng và nắm tờ Công giáo và Dân tộc từ sau 75 cho đến hiện nay.
Thượng viện thì thầm lặng hơn với đám sồn sồn. Họ bỏ nhà thương, bỏ tòa án, bỏ quân ngũ, bỏ trường học để ra ứng cử và xếp hàng dưới hai nhãn hiệu: Liên danh của Công giáo hay Phật giáo. Chỉ cần người đứng đầu có tên tuổi như Trần Văn Lắm, Vũ Văn Mẫu, Dương Văn Minh v.v…, gắn thêm cái mác tôn giáo. Thế là xong. Ngay cả những liên danh quân đội của các tướng như Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính thì cũng không thoát nổi cái dù che của Cha cố, Sư sãi. Chín người còn lại đều có nghề nghiệp chuyên môn, có tuổi, có tên, nhưng mà chưa có tên tuổi. Họ là những nhà chính trị giả hiệu, thiếu tay nghề, thiếu kinh nghiệm nghị trường. Những nghị gật.
Và đây là lời xác nhận của ông Lý Quí Chung về điểm này: Trong khi chuẩn bị cuộc vận động cho liên danh Dương Văn Minh với tư cách đại diện báo chí cho liên danh này, tôi đã tiếp cận với Phật giáo Ấn Quang tìm sự ủng hộ của lực lượng Phật giáo có hậu thuẫn quần chúng lớn nhất. Hình như dân biểu đơn vị Huế là Trần Ngọc Giao cũng có giới thiệu tôi với Thượng tọa Trí Quang lúc này đang ở chùa Ấn Quang
Dân biểu Lý Quí Chung nhận xét tiếp: Lần đầu tôi gặp "Người làm rung chuyển nước Mỹ", Báo Newsweek đã gọi Thượng tọa Trí Quang như thế. Khi đã tiếp xúc thì con người ấy đã toát lên một thứ thần sắc khác thường. Ánh mắt như sao băng, chiếu thẳng vào người đối thoại như nhìn thấu những suy nghĩ của họ. Tôi nhớ mãi ấn tượng đầu tiên ấy khi lần đầu gặp nhà tu hành nổi danh.
Khi ra Huế, dân biểu Lý Quí Chung đưa ra một nhận xét khá đặc biệt khi gặp Đức Tăng Thống:Trong chùa Bảo Quốc chỉ treo một bức ảnh chân dung duy nhất trên tường. Đó là chân dung Thượng tọa Trí Quang. Như thế đủ thấy ảnh hưởng của thầy Trí Quang với người lãnh đạo tinh thần cao nhất Giáo hội Phật giáo là như thế nào.
Nay thì quyền lực thế trần nắm trong tay các vị lãnh đạo tôn giáo, thay cho quyền lực siêu nhiên. Hay có thể là cả hai, mà tự bản chất của các tôn giáo, hai quyền lực đó không thể dung hợp nhau được. Hoặc có cái này thì không có cái kia, có loại trừ, không làm một tôi hai chúa được. Đó cũng là lựa chọn đau xót mà mỗi người tu hành bước qua ngưỡng của tôn giáo phải tuân thủ. Bước đầu của việc tu trì là rũ áo, bỏ đời mà đi trong tấm lòng thanh thản, không còn nuối tiếc trần thế nữa.
Cho nên, đừng ai nói hay. Tôn giáo mà đi đôi với thế quyền, cộng thêm tiền bạc thì khó tránh khỏi nguy cơ của sự sa đọa. Sa đoạ quyền lực. Chúa, Phật chỉ có nước bỏ chùa, bỏ nhà thờ mà đi lang thang.

Một hồi ký đọc lý thú, viết đầy đủ người và sự việc
Tôi cũng nhận ra rằng, trong cuốn Hồi ký không tên, phần viết về những năm hoạt động báo chí và làm dân biểu, Lý Quí Chung viết rất thong dong, thoải mái, rạch ròi từng sự việc, từng người, phê phán thẳng thắn theo cái kiểu "Có sao nói dzậy". Từng nhà báo, từng tờ báo, từng nhân vật như ông Thiệu, ông Kỳ. Nêu bật được cá tính, cái hay lẫn cái dở của họ. Về những hoạt động chính trị của ông với tư cách một dân biểu đối lập, về các đồng sự, về các cuộc chống đối biểu tình.
Ông không ngại nói hết, kể hết, cho thấy vai trò của ông trong các biến động ấy. Đấy là những trang hồi ký đọc lý thú, ít lắm cũng có thêm những chi tiết mà phải là người trong cuộc mới biết được. Chẳng hạn như ở chương 25, Thời khắc Lịch sử: Đầu hàng, ông đã tận dụng ngòi bút để nhấn mạnh vai trò nhân chứng của mình, từng chi tiết nhỏ một. Dù là nhân chứng một vụ việc rất là nhỏ, chẳng đáng nói. Chẳng hạn chi tiết hướng dẫn một người lên sân thượng để treo lá cờ Giải phóng, thay lá cờ Quốc gia.
Chi tiết lá cờ Giải Phóng, nửa xanh nửa đỏ treo lên ở Dinh Ðộc Lập khá quan trọng và mang nhiều ý nghĩa. Những ngày sau 30-4, Sài Gòn rợp bóng cờ màu xanh. Phố phường, nhà nhà màu xanh, màu đỏ. Xe cộ chạy rần rật trên đường phố phất phới màu xanh. Trẻ con cầm lá cờ đi phất phới khắp nơi. Cũng màu xanh và đỏ. Cũng lá cờ của Mặt trận giải phóng miền Nam. Vậy mà, chẳng bao lâu sau, trong vài tuần lễ, không kèn không trống, những lá cờ màu xanh và đỏ đó biến đâu mất. Vậy là, miền Nam có hai lần giải phóng cờ: 30-4, giải phóng cờ Quốc Gia, cờ màu vàng ba sọc đỏ. Sau một tháng, giải phóng cờ một lần nữa. Lá cờ màu xanh đỏ thay thế bằng lá cờ đỏ sao vàng. Cùng với sự biến mất lá cờ màu xanh, cũng dần biến mất những nhân vật đã từng nhân danh chiến đấu dưới nhãn hiệu lá cờ xanh, đỏ đó.
Cũng qua cuốn hồi ký, mặc dầu chỉ trong vài dòng, ông cũng lột mặt nạ một số trí thức theo đuôi, không khỏi có những nhố nhăng chướng mắt mọi người. Ta hãy nghe ông kể: Ông Minh và ông Mẫu được đưa đến đài phát thanh Sài Gòn trên chiếc xe Jeep của bộ đội. Còn tôi đi theo trên một chiếc xe jeep khác của các nhà báo Đức. Khi tôi đến đài phát thanh thì hai ông Minh và Mẫu đã vào bên trong. Tôi vừa bước vào sân thì anh Nguyễn Hữu Thái và một hai thanh niên khác đứng ở cổng nói với tôi: "Anh về đi, khi nào có bộ phận chính trị vào sẽ liên lạc lại.” Lúc này thật khó biết ai là ai, ai có đủ thẩm quyền quyết định chuyện này chuyện nọ. Ai cứ bảo là Lý Quí Chung ra đòn không thâm?
Cũng qua cuốn hồi ký, tôi nhận ra một điều là trí thức miền Nam như những Lý Quí Chung chủ trương chống Mỹ và chống Thiệu. Chống Thiệu thì rõ ràng rồi, không có gì để phải nói. Chống Mỹ thì có hai mặt: chống đường lối, chính sách của Mỹ chung chung, nhưng mặt khác lại giao du khá thân mật với các ký giả và chính trị gia Mỹ, coi họ như những người bạn tâm giao, nếu không nói là hãnh diện về những mối liên lạc này. Trong suốt hồi ký, tác giả đã không quên nhắc đến người này, người kia trong sự trân trọng và quý mến. Họ như thể nằm trong cái vốn chính trị của tác giả như một thành quả trong những năm hoạt động chính trị của mình. Chống Mỹ mà vẫn yêu Mỹ, tin Mỹ, mà vẫn chơi với người Mỹ… Không có chỗ nào cho thấy trực diện chống Mỹ, nếu không nói là để cho Mỹ giật dây.
Nó có một cái gì đấy cho thấy việc chống Mỹ chưa đủ căn cơ, mức độ. Nhiều lúc tự hỏi, ông đã viết được một bài báo hay một cái gì đó tương tự trong đường lối chống Mỹ? Chống cái gì? Chống chung chung? Từ đó dẫn đưa đến những ngờ vực.
Ông để ra hai chương nói về những ngày cuối cùng của Tổng thống Thiệu và cuộc "trốn chạy" của Nguyễn Văn Thiệu. Có những điều thật sự không phải là hồi ký của chính ông kể lại hoặc do nghe được, chứng kiến. Có nhiều đọan, ông trích dẫn lại hồi ký của Nguyễn Cao Kỳ hoặc trích dẫn Christian G. Appy trong The Vietnam War Rememberd From All Sides hay của Frank Snepp trong Interval Decent (đã được dịch ra tiếng Việt), hay của Henry Kissinger trong Ending The War, hoăc của Tiziano Terzani trong Three Days and Three Months. Những trích dẫn nhiều như thế làm mất cái đặc sắc trong vai trò nhân chứng của ông.
Nhưng nói chung, nếu nhìn toàn diện những chương viết về giai đoạn trước 30.4, cuốn hồi ký của tác giả ít ra đã nêu bật được những điểm quan trọng sau đây:

  • Vai trò của trí thức trẻ miền Nam Việt Nam.
  • Bộ mặt thật của sinh hoạt chính trị miền Nam dưới thời Đệ nhị Cộng hoà.
  • Vai trò chủ động không chối cãi được của người Mỹ trong những yếu tố quyết định số phận miền Nam.
  • Tính cách con rối của toàn bộ sinh hoạt chính trị ấy.

2. Một nửa buồn
Nửa phần bài viết này sẽ được trình bày về chương Sau ngày 30.4 và chương Phụ lục.

Cuộc đời làm báo, làm chính trị của tác giả chia ra hai giai đoạn. Dứt khoát và rõ rệt. Giai đoạn 13 năm trước 30 tháng Tư mới đúng là con người Lý Quí Chung. Một thanh niên lý tưởng, hăng say, dám nói, dám làm, dấn thân, nhập cuộc. Không ai chối cãi điều đó. Rất trân trọng. Nhưng gần 30 năm sau ngày 30 tháng Tư, tác giả dù cố gắng cũng không viết nổi, vỏn vẹn chưa tới 20 chục trang. Với lời thú nhận thận trọng lúc này là cần thiết, đó không phải là Lý Quí Chung. Đó là ai khác. Đúng như tác giả viết: Nói cách nào đó, tôi có hai cuộc đời. Trước và sau năm 1975. Chỉ không quyện vào nhau như tác giả nghĩ.
Trước hết, hãy nói về những gì Lý Quí Chung viết về giai đoạn sau ngày 30.4. Nói chung, đó là những lời lẽ khá tâng bốc, quá nhún nhường, quá bài bản đến không thật, như:
Thật là mãn nguyện khi được tham gia Hội nghị Hiệp thương Thống nhất… sự kiện đó có một ý nghĩ lớn… có mặt trong một hội nghị như thế là một sự thỏa mãn tinh thần cực kỳ lớn… tôi vô cùng thỏa nguyện được sống trọn vẹn với nghề này.. và tôi không thể tưởng tượng được ở đó tôi còn cơ hội gặp lại lần lượt tất cả những nhân vật huyền thoại mà tôi cứ ngỡ rằng đã thuộc về lịch văn học xa xôi, chỉ tồn tại trong sách vở như Văn Cao, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận... Cái nghèo, cái cực khổ của Hà Nội mà tôi chạm mặt lần đầu không hề gây sự thất vọng cho tôi, mà trái lại là sự cảm phục. Những ngày làm báo từ Tin Sáng 75-80 sang Tuổi Trẻ 80-90, tôi vẫn không một ngày nào thiếu hăng hái hay mất niềm tin… đồng lương thì chỉ đủ ăn sáng, nhưng cống hiến thì vẫn hết mình. Vợ con tôi chịu đựng cũng rất giỏi, nhung bán mãi rồi cũng không còn gì để bán nữa... nay chỉ còn cái đàn piano, niềm vui sau cùng của các con tôi cũng không thể giữ nổi… để lo cuộc sống hằng ngày, chúng tôi đành phải bán nó đi. Tại tòa báo vào thời điểm đó, tôi tuyên truyền cho các cuộc cải tạo tư sản mại bản, công thương nghiệp tư sản, tư doanh… vậy mà chính nhà ba của ông bị đóng chốt để cuối cùng ông cụ bị lên huyết áp và đột qụy, cụ gặp đứa con đã giận dữ nói: "Tao không muốn gặp mày nữa. Gia đình mày đã ra thế này, cha mày đã ra thế này, mà mày còn viết báo cho Cộng sản. Cha mày từ mày". Còn các em trai của tôi thì không tin vào người anh trai của mình nữa. Chỉ làm thinh để chuẩn bị vượt biên. Như vậy, cùng một lúc, tôi "mất" bảy đứa em.
Không phải là một đảng viên Cộng sản nhưng tôi tin vào những lý tưởng xã hội tốt đẹp cho bất cứ xã hội nào muốn tiến lên công bằng xã hội và nhân bản hơn. Tôi vẫn giữ niềm tin đó ngay cả sau khi chế độ Cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu bị xụp đổ… nhìn đất nước nối liền từ Nam chí Bắc hiện nay, đến bây giờ, tôi vẫn tưởng nằm mơ… Hà Nội bây giờ như một thiếu nữ đẹp, duyên dáng và tràn đầy sức sống. Và Sài Gòn mạnh mẽ hơn nhiều và tự tin hơn nhiều trong cuộc hành trình mới, bởi sự tồn tại của thành phố này không còn nhờ vào sự "tiếp máu" của người khác.
Đọc những dòng chữ trên của ông, tôi cũng tưởng mình đang nằm mơ tự hỏi có phải đó là Lý Quí Chung hay không? Dù sao, cũng rất may, ở vào thời điểm đó, các trí thức miền Nam gặp được một người như ông Võ Văn Kiệt. Ông là cái dù che chắn cho trí thức miền Nam khỏi phải bị dập vùi thê thảm. Không có ông, số phận nhiều trí thức trẻ miền Nam đã không được như ngày nay. Họ sẽ phải đi học tập, tệ nữa là bị kiểm soát, canh chừng hoặc tù đầy, bắt cóc, hành hạ, tra hỏi, trục xuất khỏi nhà.
Vì thế, không thể không nhắc tới tấm lòng ưu ái của ông Võ Văn Kiệt đối với trí thức miền Nam.

Về tờ Tin Sáng
Đây là một niềm hãnh diện của ông và một số bạn bè của ông. LeTin Sángest le seul journal non communisme dans une société communiste. [3] (Tờ Tin Sáng là tờ báo duy nhất không Cộng sản trong một xã hôi Cộng sản). Từ đó ông hết lời tán dương: Comme la plupart de mes amis ici, J'ai vécu l'experience des deux régimes de presse. Tu connais le mot de Đuc, notre directeur: auparavent, nous étions des bucherons, aujourd'hui, des menuisiers. Le comportement est radicalement différenr. C'est dans la construction que nous nous sommes lancés. Aujourd'hui, je me sens beaucoup plus utile pour la société Vietnamienne, pour mon peuple, plus lié à la vie de la nation, plus responsable, oui, c'est le mot (Sđd).
Câu nói trên cho thấy ông phủ nhận toàn bộ gia tài làm báo, làm chính trị dưới thời Đệ nhất Cộng hoà của chính ông. Ông còn cho rằng trước đây cùng lắm ông làm thợ bửa củi. Đi biểu tình, tranh đấu trước diễn đàn Quốc hội, họp báo, tiếp xúc, diễn thuyết, phân phát truyền đơn, chống luật báo chí, chống tham nhũng, chống đối bầu cử độc diễn, chống độc tài, chống dân biểu gia nô, nghị gật, chống Nguyễn Văn Thiệu, chống Mỹ, nằm trong lực lượng thứ ba đòi hỏi chấm dứt chiến tranh. Tất cả công việc vừa nêu trên chỉ là đáng được coi là công việc bửa củi thôi sao? Bẽ bàng thế? Có thể phủ nhận chính mình, tự hạ thành con giun, con dế? Bây giờ làm thợ nề, thợ nề để tán tụng, để cúi đầu, để vâng phục. Thử hỏi ông đã làm được gì trong suốt 30 năm làm thợ nề? Kể là đau xót. Có ai bắt ông phải hạ mình nói như thế đâu?
Viết như thế, tôi không hề có ý chê trách ông, vì một lẽ dễ hiểu, ông đang sống trong một xã hội toàn trị, với khủng bố và đe dọa tinh thần. Đúng như ông vẫn nói, cái ung thư bướu là người của chế độ cũ luôn luôn vẫn còn đó, ám ảnh và gây phiền hà cho ông. Chả lúc nào ông được yên.
Cho đến năm, 1980, lúc mà tờ báo sắp đóng cửa theo ba nguyên tắc đề ra ở thời kỳ đó: để cho làm, phạm sai lầm thì đóng cửa, dùng cho đến khi nào thấy không cần thiết thì vứt kiểu vắt chanh bỏ vỏ. Ba nguyên tắc tạo một tương quan, tin tưởng tốt vào nhau.
Rõ ràng việc đóng cửa là dựa vào nguyên tắc thứ hai. Đã không có quý ông nào dám lên tiếng. Trong khi đó, tôi đọc được như sau: Cinq années se sont passés. Le Tin Sáng de Ngô Công Đức et de ses amis parait toujours. Le test est il positif? (Sđd). Hỏi là trả lời. Cái test cho thấy một thất bại ê chề của trí thức cũ làm việc dưới chế độ mới. Chả nhẽ nói bị lừa, bị bội phản. Dù sao, 5 năm cũng là thời gian khá dài so với tờ Đứng Dậy của Nguyễn Ngọc Lan. Số phận nó chỉ thoi thóp chưa tới một năm. Sau 5 năm, tất cả trí thức cũ chỉ còn là những quả chanh chắt đã vắt vỏ. Quả chanh Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận, Huỳnh Tấn Mẫm (sau Huỳnh Tấn Mẫm bị quản chế cùng với những người như Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, vì cái tội đã tiếp xúc với báo chí ngoại quốc, hay phê bình và đòi hỏi cải tổ nhanh guồng máy kinh tế và chính trị. Những vụ quản chế này không được loan báo công khai và nơi quản chế cũng vậy[4]. Quả cóc Nguyễn Hữu Thái. Quả bưởi Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín. Quả đu đủ Lý Chánh Trung. Quả dừa Huỳnh Công Minh, Trương Đình Hoè, Phan Khắc Từ. Quả ổi Dương Văn Ba.
Các ông chẳng còn gì để vắt nữa. Rồi cuối cùng phải nhìn nhận như Ngô Công Đức thôi: Nous avons surmontés les difficultés, mais non sang certains dégats. Quelque-uns, parmi nous, sont partis à mi chemin, d'autres ont vacillé. Và đây cũng là yếu tố góp thành vào sự đóng cửa tờ Tin Sáng, vì có nhiều người trong đám trí thức thành phần thứ ba thất vọng, chao đảo hay bỏ ra đi.
Nhưng vì lý do gì nó phải ngừng bản và chuyển một số bộ phận sang tờ Tuổi Trẻ? Ông đã cố giấu kín. Ông đã viết một cách úp mở như sau: Với các anh em trong Tin Sáng cũng có nhiều quan điểm, thái độ khác nhau đối với hướng đi và cách quản lý tờ báo. Tại sao ông không dám nói thẳng ra là có sự bất đồng quan điểm về hướng đi tờ báo kể từ khi có biến cố Đông Âu cũng nhu sự sụp đổ bức tường Bá Linh?

Về lá thư Lettre aux amis d'occident
Trong lá thư này, có hai điểm gửi cho giới trí thức Âu châu mà tôi không đồng ý, đó là việc học tập cải tạo và vấn đề thuyền nhân.

  • Về các trại học tập: Các ông phủ nhận đó không phải là nhà tù, không phải trại tập trung thì nó là gì? Là trung tâm cải tạo? Người đi tù cải tạo không phải người tù chính trị, cũng không phải kẻ bị khổ sai (Forcats). Đó chỉ là những lý lẽ tiểu xảo rẻ tiền, chơi chữ. Thực tế họ là những người tù khổ sai, không có ngày về. Nhiều người đã chết vì bệnh tật, đói ăn ở đó. Các ông biết rất rõ. Không nên nhắm mắt bênh vực chế độ để bằng cách cúi mặt nói láo giùm chế độ.
  • Về người di tản: Các ông cũng không nên đổ cho chế độ cũ, đổ cho sự tuyên truyền của Mỹ, đổ cho chính sách người Hoa của Trung Quốc. En fin, comme il a été dit plus haut, ce sont les dirigeants de Pékin qui ont provoqué l'exode massif des résidents Chinois pour pouvoir nous accuser ensuite de 'terroriser et de chasser les Hoa', justifie ainsi leur polique inamicale (cessation de L!aide économique) puis ouvertement agressive à l'égard du Viet Nam (Sđd).
    Đây là một điều nói dối đến trơ trẽn. Tất cả những người Việt Nam vượt biển (chánh thức và bán chánh thức) đều biết rõ là phải đóng tiền cho chính quyền địa phương để được phép rời Việt Nam.
  • Về 13 trang Phụ lục
    Về chương Phụ lục, thật ra phải cám ơn talawas. Đối với tôi, đây là chương quan trọng nhất. Tôi dành phần còn lại của bài để nói về chương này và để thấy rằng có nhiều điều Lý Quí Chung đã không dám nói thật, nói hết, nói đủ.
    Phụ lục là 13 trang bị cắt ra khỏi bản thảo. Chẳng khác khối ung thư của Lý Quí Chung được Đảng Cộng sản cắt giùm. Nó nói lên nhiều điều lắm. Ta muốn biết sự thật thì phải tìm đọc từng dòng của những điều bị cắt bỏ, những điều non-dits. Đọc 13 trang này, ta mới hiểu thấu được chế độ và thương xót cho những người như Lý Quí Chung.
  • Trước hết, phần lời giới thiệu của nhà xuất đã bị sửa, bị cắt kể như toàn bộ, trong đó có đoạn khá ý nghĩa sau đây:
    Ngày toàn thắng của năm 1975, với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử: thần tốc-táo bạo-bất ngờ-chắc thắng, qua 55 ngày đêm chiến đấu (từ 9.3 đến 30.4.1975), quân và dân ta đã tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn quân đội ngụy, đập tan bộ máy chính quyền tay sai của đế quốc Mỹ… Là hồi ký cá nhân, không phải một biên niên sử, tất nhiên, nên không tránh khỏi cách nhìn, cách phân tích chủ quan…
    Phần mở đầu cuốn sách cho thấy họ vẫn huyênh hoang đến nhàm chán, không biết ngượng. Vẫn giọng điệu mạ lỵ miền Nam Việt Nam. Rồi cũng bài bản chê nhẹ tác giả không khỏi cách nhìn chủ quan. Cũng vì phần giới thiệu quá huyênh hoang trống rỗng, họ đã viết lại cho chừng mực hơn.
    Bản lời giới thiệu mới bớt huyênh hoang, nhưng vẫn cái bệnh phải dạy đời một tý: Hồi ký là một góc nhìn…, đánh giá mang tính chủ quan cũng là điều có thế chấp nhận. Xét cho cùng cũng là việc mà người đọc nên "rộng rãi" khi đọc.
  • Phần lời giới thiệu của Trần Bạch Đằng bị cắt bỏ vì nói sai: Cách mạng Việt Nam đa dạng. Góp phần vào bức tranh đa dạng ấy những đường nét riêng… Làm gì có đa dạng được, chỉ có một đường lối cách mạng thôi, vì thế, cũng cắt kiểm duyệt phần nói về các hồi ký của Dương Văn Ba, Hồ Ngọc Nhuận.
  • Chương 14 đã bị cắt khá nhiều, khá dài về việc trích dẫn hồi ký của Hồ Ngọc Nhuận và bà Ngô Bá Thành. Vấn đề tìm hiểu xem các nhân vật đó có còn có trong mắt đảng hay không?
  • Chương 17: Lý Quí Chung nhắc tới thành phần thứ ba, hay lực lượng thứ ba. Thế là phạm giới, phạm quy rồi. Đối với nhà nước Cộng sản, chỉ có lực lượng của phong trào đô thị là lực lượng nòng cốt trong sự sụp đổ của nền Đệ nhị Cộng hòa. Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng mắc phải sai lầm này khi đề cao và đánh giá lực lượng thứ ba trong vai trò dứt điểm miền Nam. Ông Nguyễn Khoa Điềm đã kiểm duyệt và cắt bỏ những lời tuyên bố của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đề cao vai trò của thành phần thứ ba là đặt lại vai trò của Mặt trận Giải phóng miền Nam trong công cuộc chấm dứt chiến tranh ngày 30.4.
  • Chương 19: Lý Quí Chung lại vướng mắc vào cái bướu ung thư thành phần thứ ba - mà đảng muốn cắt bỏ, khi viết: Từ 1973, đâu đâu cũng thấy những cá nhân tự xưng mình là thành phần thứ ba. Với Hiệp định Paris, tình hình miền Nam mở ra nhiều khả năng khác nhau. Khi ấy, tôi nghĩ, lạc quan nhất lúc này là giải pháp một chính phủ hòa giải, hoà hợp gồm ba thành phần. Nhưng không ai mường tượng cái chính phủ vận hành thế nào… còn thành phần thứ ba thì không biết sẽ lựa chọn như thế nào
    Ông vẫn còn ngây thơ quá, chưa nắm được ý đồ của đảng muốn gì. Thành phần thứ ba là một quả chanh đã vắt vỏ, đã vắt kiệt. Riêng các ông trong tờ Tin Sáng thì được vắt thêm 5 năm nữa. Đã quá đủ, quá nhiều. Đóng cửa tờ Tin Sáng là phải. Đã đến giờ rồi.
  • Chương Sau ngày 30.4.1975:
    Cái hớ hênh của một Lý Quí Chung sau 30 năm sống dưới chế độ mới vẫn chưa đủ. Thận trọng, gạn lọc, ngó trước dòm sau mới viết mà vẫn có kẽ hở. Ông vẫn muốn nhắc đến ngày Đại hội Hiệp thương Thống nhất. Đây cũng là điều Đảng không muốn nói tới nữa. Có hội nghị hay không thì Việt Nam cũng đã thống nhất rồi. Muốn thống nhất thì phải xoá tan những chiêu bài trước đó đã đặt ra như Mặt trận Giải phóng miền Nam, v.v… Thật là không có gì là khó hiểu.
    Đảng cũng kiểm duyệt những tình cảm sau giải phóng trong gia đình ông như: Những chuyện trong gia đình tôi đã biến cha tôi từ một người hồ hởi đón nhận chào cách mạng, biến thành một người ác cảm với Cộng sản.
    Một đoạn văn như thế thì cắt là phải rồi. Còn kêu ca nỗi gì nữa.
  • Phần Gia đình thân yêu:
    Trong phần này lẽ ra không cần đọc, vì không có gì đụng chạm đến chính trị. Nhưng dù thế, nó cũng bị cắt đi ngót nghét một trang. Trong đó có một câu vài chữ không đáng gì nhưng nếu suy ra thì viết một cuốn sách cũng không đủ: Các em tôi đều thành đạt tại Mỹ, Canada.Thế là cả đoạn văn sau đành cắt hết, đục bỏ hết cái chữ thành đạt. Nói thành đạt là nói ngược lại Nhà nước Việt Nam thất bại. Cẩn thận lắm mới được. Viết thật cẩn thận.

Ngòi bút của Lý Quý Chung có lệch cũng chỉ vì 13 trang cắt bỏ này. Ðiều mà Lý Quý Chung không dám nói, điều mà Lý Quý Chung bị cắt trong 13 trang một cách không ngờ trở thành lời tố cáo chế độ ngoài cả ý muốn của người viết cuốn hồi ký. Cuốn Hồi ký không tên, do vậy trở thành một chúc thư gửi lại cho đời. Tôi xin được mạn phép đổi lại tên cuốn Hồi ký không tên: Nhật ký của im lặng vì im lặng cũng là một cách nói.
© 2005 talawas
[1]Trích Hồi ký không tên,Chương 9,
[2]Trích: nguyễn Văn Trung, Vẽ đường cho hươu chạy.
[3]Trích: Alain Ruscio, Vivre au Viet Nam, nxb Notre Temps, tr. 175
[4]Trích: Chân Tín, Nói cho con người (1975-2001), Thư nhà Australia.

________________

Hiện trạng văn học miền Nam

sau 1975 ở miền Nam và ở hải ngoại

(Nguyễn Văn Lục)

Nhà phê bình văn học Nguyễn Tà Cúc

Ngày 6 tháng 2, 2015, Diễn đàn Học Xá cho đăng bài "Hiện trạng văn học miền Nam sau 1975 ở miền Nam và ở Hải ngoại" của ông Văn Lục bàn đến rất nhiều vấn đề, trong đó có liên quan đến tạp chíKhởi Hành và tôi. Tôi xin trân trọng cảm ơn Diễn đàn Học Xá đã cho chúng tôi được lên tiếng. Chính ra tên họ tác giả vẫn xuất hiện như ngay trên bài này là "Nguyễn Văn Lục"-nhưng độc giả theo dõi sau đây sẽ biết tại sao tôi gọi "trống không" chỉ có tên lót và tên gọi là "Văn Lục".
Từ xưa đến nay, tôi chưa bao giờ chỉ trích khi nhận ra sự cố gắng và thiện ý của tác giả nhất là khi nhận ra người ấy không may mắn có đủ tài liệu; cũng từ xưa đến nay, tôi ít khi nào tranh luận vì tôn trọng quyền tự do phát biểu của người khác. Nhưng vì đặt vấn đề chính xác của tài liệu lên hàng đầu, tôi phải làm một việc mất thì giờ và đáng lẽ không cần làm, là vạch ra những sai lầm trong bài của ông Văn Lục có đoạn liên quan đến danh dự nghề nghiệp của chính tôi để công bằng, không phải cho tôi, mà cho bổn báo Chủ nhiệm&Chủ bút Viên Linh, Tạp chí Khởi Hành VÀ độc giả của nó. Không những thế, những tài liệu này sẽ phản ảnh được chính xác hơn tình hình văn học Việt Nam ngoài nước mà, theo tôi, ông Văn Lục đã căn cứ trên những sai lầm do chính ông tạo dựng để xuyên tạc hay phỉ báng, không những tôi và tạp chí Khởi Hành, mà còn về một vài nhân sự khác có khi đã qua đời, nghĩa là không thể tự vệ được từ dưới mồ.

Trong bài thượng dẫn, ông Văn Lục đã viết về tôi và Khởi Hành như sau:
Khởi Hành của Viên Linh mới thật sự là cố gắng một mình một chợ, theo nghĩa sống ‘dai’ trước 1975 và sống ‘mòn’ sau 1975 ở Hải ngoại. Chắc hẳn có sự tiếp tay của bà Tà Cúc. Viên Linh quả là người ôm đồm, ôm trách nhiệm cả văn học miền Nam trong một căn phòng nhỏ. Chưa bao giờ có dịp để được ông chia sẻ tại sao ông lại còm cõi suốt ngày trong căn phòng nhỏ làm việc quên mệt. Ông đã thay đổi đủ kiểu báo, lúc khổ lớn như báo nhật trình, rồi cứ thun lại dần, thun nữa, mỏng nữa. Chỗ làm việc cũng là chỗ ăn ngủ, bên cạnh sách báo bừa bộn đến không chừa một lối đi theo - cái kiểu- tòa soạn- một người- chỉ có ở dân Việt Nam và nay thì Khởi Hành, nó mỏng như thể không thể mỏng hơn được như người mắc bệnh trầm trọng, chỉ còn thoi thóp sống còn[...] Viên Linh dùng kích thước nhỏ (vài chục trang), khổ nhỏ để nói về những chủ đề thật lớn. Hầu như số báo nào của Khởi Hành cũng là số chủ đề, hay ít lắm cũng hé lộ cho người đọc một số thông tin văn học trước 1975 mà hầu như chỉ mình Viên Linh biết được. Nhưng ông kỹ lắm, không bao giờ tiết lộ hết, cứ từng số một nhả ra chút ít như con tầm nhả tơ- một thứ câu khách mà tôi là người bị cắn câu. "(Văn Lục, sđd-Người viết gạch dưới)
Không cần phải tinh tế, một người khi đọc đoạn trên của ông Văn Lục cũng có thể hình dung Khởi Hành, qua những tĩnh từ thô bỉ chọn lựa một cách cố tình ("thun lại dần", "câu khách"), tới một tờ báo không bao giờ sống vững ("sống mòn"), từ việc thay đổi "đủ kiểu báo" đến việc càng lúc càng mỏng, càng co lại một cách thảm hại ("thun nữa, không thể mỏng hơn được") chờ ngày chết ("thoi thóp sống còn"). Tờ báo này được hình thành trong "một căn phòng nhỏ" mà người chủ nhiệm kiêm chủ bút Viên Linh LÀM VIỆC, ĂNVÀ NGỦ ("Chỗ làm việc cũng là chỗ ăn ngủ") cùng trong một chỗ. Chính vì hoàn cảnh tệ hại này cho nên Viên Linh phải "ôm đồm" đủ thứ và sử dụng lối viết "câu khách" để bán báo. Viên Linh có lẽ được giúp đỡ bằng một người đàn bà tên là Tà Cúc ("Chắc hẳn có sự tiếp tay của bà Tà Cúc")...
Nhưng có thực thế không? Trên thực tế, trong văn sử hải ngoại, từ tháng 11. 1996, Khởi Hành là tạp chí văn học duy nhất ngoài nước đã đạt được những thành quả đặc biệt do một sự tiếp tay cũng rất đặc biệt có một không hai của độc giả. Giả sử nếu có một người nghiên cứu trẻ hơn, 100 năm sau đi tìm dấu vết Khởi Hành thì họ sẽ kết luận ra sao? Nhất là sau khi họ được đọc đoạn này cũng trong bài trên của ông Văn Lục.
Tháng 8,1995, Nguyễn Văn Trung trong Văn Học hải ngoại xác định rõ ràng "Văn học Việt Nam hải ngoại là một hiện thượng bất thường mà chính những người làm ra nó không mong gì hơn là càng chấm dứt nó mau chóng bao nhiêu càng hay bấy nhiêu."[...] Những điều dự đoán của Nguyễn Văn Trung năm 1995 nay càng ngày càng trở nên hiện thực...
và:
Chính những hoài niệm quá khứ này là cái căn cước của người Mỹ gốc Việt. Cái đã làm nên vinh quang của họ. Không có nó, họ còn là gì nữa? Theo Nguyễn Mộng Giác, vứt bỏ quá khứ ấy đi, nhiều người sẽ phát điên lên. Ký ức về chiến tranh đã đưa con người Việt lưu vong vào một thế giới không còn nữa. Nó bầy tỏ một cảm thức sâu xa về một cái gì đó đã mất, rồi được huyễn hoặc về quá khứ cũng như cội nguồn của mình nhằm xoa dịu những nỗi đớn đau ấy. Đó là một hội chứng sau 1975. Hội chứng thua cuộc.
Tôi không cần phản bác sự trình bày của ông Lục về "lão hóa" hay "hội chứng thua cuộc của người Mỹ gốc Việt" vì theo tôi, nếu người ta có thể bị lão hóa thì người ta cũng rất có thể bị ấu (nhi) hóa mà lý luận một cách sai lầm và cái "mặc cảm thua cuộc" ấy có khi chỉ phản ảnh riêng lẻ tâm sự và hoàn cảnh của người phát biểu. Nhưng để giúp người nghiên cứu tương lai ấy, mà cũng để chứng minh đoạn viết trên của ông Văn Lục là một sự cố ý xuyên tạc hay phỉ báng tạp chí Khởi Hành và hai nhân sự điều hành cùng sự hỗ trợ đặc biệt của độc giả, những tài liệu sau đây tự nó --từ chính tôi hay từ các văn hữu khác--sẽ là lời phản bác hiệu quả nhất.

I- Nguyễn Tà Cúc, Thư ký Tòa soạn tạp chí Khởi Hành-Bộ Mới, Hoa Kỳ

Nhẽ ra thì khi nhắc đến tôi, ông Văn Lục cần viết thế này mới đúng: "Chắc chắn có sự cộng tác của Thư ký Tòa soạn Nguyễn Tà Cúc..." Trước hết, nếu không nhầm, tôi là người cầm bút duy nhất trong bài thượng dẫn mà ông đã nhắc đến một cách xách mé và phi văn nghệ với không đầy đủ tên họ rồi lại có một chữ "bà" đi trước trong khi nếu quả ông là độc giả từ lâu như ông từng thú nhận thì chắc chắn ông phải biết Nguyễn Tà Cúc là người phê bình kiêm Thư ký Tòa soạn Khởi Hành. Tôi dùng chữ "xách mé và phi văn nghệ" vì-- như ông Lục và độc giả đã chứng kiến-- nếu chỉ dùng mấy chữ "ông Văn Lục" để chỉ một người ít ra cũng mang tiếng nghiên cứu như ông thì tôi đã thất lễ không những với chính ông Lục mà còn với độc giả. Sau nữa, tôi dùng chữ "chắc chắn" là vì, như chính bổn báo chủ nhiệm đã từng phát biểu nhiều lần ngay cả trên Khởi Hành, ngoài mục thường xuyên, tôi còn giữ mục Điểm Sách, Tin tức và có khi trả lời Thư tín. Sau khi báo in xong, tôi là người cùng Viên Linh phát hành. Trừ 3 năm đi học lại ở Pennsylvania, tôi chia sẻ mọi việc với người chủ nhiệm của tôi. Như thế, cái thói viết trống không chỉ dành cho "bà Tà Cúc" và sử dụng từ ngữ không chính xác ("tiếp tay") từ một người như ông Văn Lục, phải hàm ác ý: người đọc sẽ không biết được thân thế của "bà Tà Cúc" khiến từ đó có thể suy diễn sự "tiếp tay" với nhiều phương cách khác nhau nhưng chắc chắn phương cách văn học nhiều phần sẽ không phải là một trong những suy diễn đó. Chữ "tiếp tay", hơn thế nữa, trong riêng trường hợp này, còn có hàm ý xấu. Theo mạch văn trên thì sẽ hiếm ai nói: "Hai người ấy cộng tác với nhau đi vu khống người khác" nhưng người ta rất có thể nói: "Kẻ đê hạ đó tiếp tay cho bọn ngậm máu phun người".
Bởi thế, nếu nhận xét một cách nhẹ nhàng thì Nguyễn Văn Lục đã xuyên tạc mà nếu chính xác hơn thì Nguyễn Văn Lục đã phỉ báng thanh danh nghề nghiệp Nguyễn Tà Cúc, một người không những đảm nhận trách nhiệm Thư ký Tòa soạn của tạp chí Khởi Hành mà còn là người phê bình chuyên về Văn học Miền Nam và các vấn đề Phụ nữ. Tôi là người đầu tiên tổ chức Diễn đàn Phụ nữ Hải ngoại và cũng là người đầu tiên phân tích Áo dài Lemur trong bối cảnh kỳ thị của Tự lực Văn đoàn với Phụ nữ Tân văn rồi sau đó trình diễn chiếc áo Lemur được tái tạo này tại Saigon Performing Art Center, tháng 8.2011. Các bài viết của tôi về công việc dịch thuật Kinh thánh của Phan Khôi và thái độ tiêu cực về nữ quyền của Tự lực Văn đoàn đối với nhóm Phụ nữ Tân văn cũng đã xuất hiện tại Việt Nam qua lời mời của cố học giả Đào Hùng, con trai cố học giả Đào Duy Anh; nhiều bài khác xuất hiện trên blog VOA thuộc nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, Diễn đàn trên mạng Da màu, Học Xá, Gió-o vv...Mới đây, loạt bài kỷ niệm hai cuộc di cư văn học của người Việt tỵ nạn Cộng sản đã được đăng thành nhiều kỳ trên Diễn đàn Da màu. Tất cả những hoạt động này đều dễ dàng tìm thấy vì không những được tường trình đầy đủ trên Khởi Hành - như Nguyễn Văn Lục thú nhận là một độc giả đều đặn "từ nhiều năm nay" (sđd)- mà lại còn phổ biến rộng rãi trên các Mạng Internet. Tôi thực không tin một người như độc giả Khởi Hành Nguyễn Văn Lục - từng có thời cư ngụ ngay tại Quận Cam, từng nhận việc (mượn ngôn ngữ thô lậu của ông Văn Lục thì là "tiếp tay") cho một tờ báo ở đây - rất quen thuộc với sinh hoạt Mạng Internet lại chỉ biết đến "bà Tà Cúc" mà không biết đến Thư ký Tòa soạn hay người phê bình/ diễn thuyết Nguyễn Tà Cúc?!
Viết về mình là một điều khả ố nhưng tại sao tôi phải chưng bằng cớ, cả bằng cớ về chính tôi? Là một người phê bình được chứng kiến tận mắt sự thất thoát tài liệu và nhân chứng của Văn học Miền Nam, tôi học được một kinh nghiệm đắt giá: một khi nhân chứng qua đời thì sẽ có những sự thật theo họ xuống mồ khiến gây không biết bao nhiêu là khó khăn cho người nghiên cứu đi sau. Cứ tưởng tượng một người sau chúng ta chừng 100 năm, không có đủ Tạp chí Khởi Hành-Bộ Mới để nghiên cứu thì cái câu "Chắc hẳn có sự tiếp tay của bà Tà Cúc..." không thể rõ nghĩa và đầy đủ bằng câu "Chắc chắn có sự cộng tác của Thư ký Tòa soạn Nguyễn Tà Cúc..."
Bởi thế tôi cần viết cho đầy đủ để "công bằng, không riêng cho tôi, mà còn cho Chủ nhiệm&Chủ bút Viên Linh và độc giả Khởi Hành". Dầu sao chăng nữa, chúng ta cũng phải công nhận Viên Linh đã có đủ bản lĩnh (dám) giao cho một phụ nữ đảm trách vừa công việc phê bình vừa công việc Thư ký Tòa soạn của một tạp chí văn học mà các bỉnh bút của nó toàn là những tay kiệt hiệt. Chẳng phải tôi dám hợm mình giữa bao nhiêu anh hào, nhưng văn sử hải ngoại mà chúng ta đang sống đây không thể không công nhận quyết định ấy của Viên Linh, một quyết định chứng tỏ không những ông có mắt xanh, mà còn bầy tỏ sự tin cậy vào khả năng của phụ nữ, cũng là nửa số độc giả Khởi Hành. [Vâng, chúng ta hay rất văn hoa khi nhắc đến phụ nữ nhưng có tranh đấu hay công bằng với họ hay không lại là chuyện khác. Khác xa lắm].
Mà viết lách (ấm ớ) như thế về Thư ký Tòa soạn của một tạp chí thì khác chi xúc phạm hay gây thiệt hại cho tạp chí VÀ độc giả của nó? Có thể nói không ngoa rằng sở dĩ tôi chọn viết về Văn học Miền Nam là vì kinh nghiệm đảm nhận trách nhiệm Trưởng Ủy ban Văn nghệ sĩ -Bị cầm tù (tạm thời thay thế Trần Tam Tiệp, Văn bút Việt Nam Hải ngoại) và mối liên lạc với độc giả Khởi Hành. Điều gì khiến độc giả-- trong số đó có rất đông phụ nữ làm nhiều nghề ngành khác nhau, từ lao động [thợ"nail", thợ may] đến chuyên môn [bác sĩ, dược sĩ]--hỗ trợ Khởi Hành trong mọi hoạt động của nó? Câu hỏi này sẽ được trả lời trong phần II dưới đây, nghĩa là trả lời những xuyên tạc hay phỉ báng khác của Nguyễn Văn Lục trong bài thượng dẫn liên quan đến hoạt động và nội dung của tạp chí Khởi Hành.

II- Tòa soạn & Tạp chí Khởi Hành & Bạn hữu & Bạn đọc

A- Tòa soạn Khởi Hành:
Nguyễn Văn Lục đề cập đến hình thức và nội dung của Khởi Hành cùng miêu tả khung cảnh của tòa soạn Khởi Hành như sau:
Viên Linh quả là người ôm đồm, ôm trách nhiệm cả văn học miền Nam trong một căn phòng nhỏ. Chưa bao giờ có dịp để được ông chia sẻ tại sao ông lại còm cõi suốt ngày trong căn phòng nhỏ làm việc quên mệt[...] Chỗ làm việc cũng là chỗ ăn ngủ, bên cạnh sách báo bừa bộn đến không chừa một lối đi theo - cái kiểu- tòa soạn-một người- chỉ có ở dân Việt Nam... (Nguyễn Văn Lục, sđd)
Mới đọc thì người ta khó nhận ra ác ý của tác giả: ông khen Viên Linh ôm trách nhiệm cả Văn học Miền Nam và làm việc quên mệt, rồi dùng "vài chục trang" để nói về những chủ đề thật lớn vv... Nhưng chỉ cần đọc lại lần thứ hai thì người ta, nhất là bạn hữu hay độc giả Khởi Hành từng đến tòa soạn thăm viếng hay mua báo, thấy ngay sự xuyên tạc hay phỉ báng cả người chủ nhiệm&chủ bút Viên Linh [sau khi đã xuyên tạc hay phỉ báng Thư ký Tòa soạn Nguyễn Tà Cúc] lẫn tạp chí này qua những tin tức sai lầm diễn đạt bằng những tĩnh từ tiêu cực như "còm cõi", "chỗ làm việc cũng là chỗ ăn ngủ [...]" và luôn cả " rồi cứ thun lại dần, thun nữa, mỏng nữa", "nay thì Khởi Hành, nó mỏng như thể không thể mỏng hơn được, như người mắc bệnh trầm trọng, chỉ còn thoi thóp sống còn" vv và vv.
Trái với sự phỉ báng của Nguyễn Văn Lục, ngoài gần một năm người chủ nhiệm lâm trọng bệnh rồi phục sức, Khởi Hành đã thay đổi tòa soạn khoảng 4 lần nhưng không lần nào giống một "Chỗ làm việc cũng là chỗ ăn ngủ" và "cái kiểu tòa soạn-một người" cả. Tôi chỉ cần trưng những tấm ảnh chụp với nhiều văn hữu như cố họa sĩ Thái Tuấn từ Pháp sang, nhà văn Nguyễn Đình Toàn, nhà thơ Nguyễn Quốc Thái (người sống sót cuối cùng của nhóm Trình bày) từ Sài gòn qua, nhà thơ Tô Thùy Yên, hoặc nhà phê bình hội họa Huỳnh Hữu Ủy và giáo sư Nguyễn Văn Trung vv... để độc giả thấy bên trong tòa soạn hầu chứng minh sự thật. Đó là chưa nói tới việc tôi thường xuyên phải đến tòa soạn làm việc [điểm sách, viết tin tức, phát hành...] như thế là hơn 16 năm, trừ 3 năm về PA học lại. Còn một chứng cớ chắc chắn nữa, không thể phản bác được, là khoảng hơn một năm, từ tháng 8. 2010 đến gần cuối năm 2011, chúng tôi phải thuê một người đến tòa soạn đánh máy khoảng trên dưới 10 giờ một tuần vì công việc lúc ấy quá bận rộn mà sách và tài liệu của tòa soạn thì không thể cho mang về nhà. [Người này hiện vẫn còn sống tại Santa Ana và chúng tôi hiện còn lưu giữ hồ sơ trả tốn phí cho họ.]
Như vậy thì làm sao mà ông Văn Lục dám gọi tòa soạn Khởi Hành là "Chỗ làm việc cũng là chỗ ăn ngủ...- cái kiểu tòa soạn-một người-..." nhất là vào thời ông tới mua báo? Chính vì nó là một tòa soạn mà chúng tôi có thể mở cửa từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều để tiếp khách thập phương theo đúng nguyên tắc và luật lệ về thương mại của tiểu bang California. Hay khi viết "Chỗ làm việccũnglà chỗ ăn ngủ", Nguyễn Văn Lục còn có hàm ý phỉ báng nào nữa mà chúng tôi chưa đoán kịp hết vì không thấy ông đề cập đến chi tiết này khi đề cập đến vài tạp chí khác? Tôi biết rõ tạp chí Văn học nghệ thuật [thời Võ Phiến], Văn Học [nhiều chủ bút khác nhau], rồi Văn [cả thời Mai Thảo đến thời Nguyễn Xuân Hoàng] và tạp chí Hợp Lưu [thời Khánh Trường rồi thời Đặng Hiền] đều không có tòa soạn chính thức nhưng xá gì những tiểu tiết ấy? Lẽ ra còn phải kính phục sự hy sinh của họ (và gia đình) họ là đàng khác mới phải. Đó là trường hợp điển hình của Đặng Hiền và Hợp Lưu. Tuy Hợp Lưu nay duy trì chính là trên mạng nhưng Đặng Hiền vẫn giữ được sự phong phú và nghiêm chỉnh từ khi tạp chí này chuyển sang tay ông. Làm một tạp chí trên mạng cũng không phải là một chuyện dễ: ngoài tài kỹ thuật còn phải có sự hỗ trợ của tác gia góp mặt.
Hơn thế nữa, tuy tôi từng phê bình Nguyễn Mộng Giác về những phát biểu của ông liên quan đến Văn học Việt Nam Biển-ngoài, tôi rất bất nhẫn khi thấy Nguyễn Văn Lục viết về tạp chí Văn Học như sau: "Nghĩ tiếp đến trường hợp tờ Văn Học mà thương hại, sống dở chết dở, thay hết chủ bút này đến chủ bút khác, cố gắng cầm cự một cách trôi nổi." (sđd)
Một số những người trọng yếu khác -hay hơn Nguyễn Mộng Giác - của Văn Học là nhà văn Hoàng Khởi Phong và nhà thơ/dịch giả Trịnh Y Thư, Châu Văn Thọ và Thạch Hãn mà không thấy ông Lục nhắc đến. Tôi dành quyền lên tiếng (hay không lên tiếng) cho họ. Nhưng tôi phải dùng chữ "bất nhẫn" vì chính tạp chí "sống dở chết dở, thay hết chủ bút này đến chủ bút khác, cố gắng cầm cự một cách trôi nổi..." ấy lại là tạp chí chịu đăng bài của Nguyễn Văn Trung (anh ông Lục). Tôi đưa hai thí dụ: Văn Học số 174, tháng 10. 2000 đăng bài "Tưởng niệm Việt Nam Cộng hòa" (trang 3-32) và Văn Học số 179, tháng 3. 2001 đăng bài "Văn học trong vòng tay chính trị" (trang 15-41) của Nguyễn Văn Trung. Dĩ nhiên ông Lục có quyền trả lời rằng chuyện ông anh của ông không dính dáng gì đến ông cả, nhưng như thế thì có phải là ông "trọng ...mĩ kim" mà "khinh tài" không khi ông nhắc đến một tạp chí khác với cái vẻ thập phần khâm phục chỉ vì nó sống được là khả năng tài chính của tờ tuần báo khác! Ông còn hoan nghênh nhiệt liệt, kiểu Phạm Quỳnh, rằng còn tờ tuần báo ấy thì tạp chí này còn. Than ôi, thế mà chỉ câu trước câu sau, ông đã quên ngay để than vãn rằng "không biết số phận" tờ báo này sẽ đi về đâu khi chủ nhân của nó "gặp nạn". Tôi phải bật cười với cái lối viết-và-lách của ông Lục: quả là khôi hài ở chỗ ông Lục tý toáy, kể ra vanh vách danh sách nhân sự của các tạp chí khác - do các nhà văn điều hành--"sống mòn" hay "sống dở chết dở" một cách rất chi tiết thế nào nhưng không "hé lộ" - dùng chữ ông Lục - cho bạn đọc biết, bản thân Nguyễn Văn Lục trước đây đã có lúc khăn gói từ Canada đem tinh hoa sang đây làm việc cho chủ nhân của tờ báo ấy! Ông còn tự mâu thuẫn khi nói mỉa ban điều hành của Thế Kỷ 21, như sau:
Tờ Thế Kỷ 21 của Người Việt, đàng sau có chỗ tựa lưng vững chãi về tài chánh là công ty Người Việt. Làm ăn khấm khá như vậy, bề thế như vậy. Tưởng là tờ báo văn học sẽ vững vàng quá đi. Tưởng sẽ trở thành Trùm Văn học ở Thủ Đô tỵ nạn. Vậy mà cũng chẳng hiểu sao loay hoay hết chủ bút này đến chủ bút khác, bài vở cũng làng nhàng, nội dung làm sao mà đến một lúc nào đó cũng gõ lên hồi chuông báo tử. Sự mất mát của Thế Kỷ 21 cũng là một thiệt thòi cho văn học Hải ngoại giống như trường h ợp tờ Văn, Văn Học sau này. Nhưng biết đâu với số tiền lời, từ trời rơi xuống 4 triệu rưởi đô la sẽ giúp công ty Người Việt làm trùm Văn học và tờ Thế Kỷ 21 lại có cơ sống lại (sđd)
Bỏ qua cái lối ghen tỵ ra mặt kiểu hàng quýt nguýt hàng cam: "Làm ăn khấm khá như vậy, bề thế như vậy. Tưởng là tờ báo văn học sẽ vững vàng quá đi. Tưởng sẽ trở thành Trùm Văn học ở Thủ Đô tỵ nạn..." dù ông vớt vát để tránh tiếng ["cũng là một thiệt thòi cho văn học Hải ngoại"], rõ ràng là ông Lục lại tự mâu thuẫn một cách trầm trọng: tại sao Thế Kỷ 21 không có quyền sống nhờ một nguồn tài chính khác [từ nhật báo Người Việt] tương tự như trường hợp cái tờ báo mà ông hết sức ca ngợi?! Đó là chưa kể đến lý do mà Thế Kỷ 21 phải đóng cửa: theo sự hiểu biết của tôi, nó đóng cửa SAU KHI nó ra khỏi sự tài trợ của nhật báo Người Việt và nhất là sau đó, khi nó mất luôn sự hợp tác của chị Phan Mỹ Sương, người góp phần rất lớn vào cả tổ chức VNCR và đồng thời phụ trách phần quảng cáo tức phụ trách một phần rất lớn về sự sống còn của tạp chí này. Ông Lục lại - có lẽ cố tình - quên rằng Thế kỷ 21 là một tổ chức thuộc một công ty, cho nên việc các nhân viên toàn thời gian hay bán thời gian như Lê Đình Điểu, Nguyễn Xuân Hoàng, Vương Hữu Bột [tức Đỗ Quý Toàn] hay Phạm Xuân Đài là chuyện đương nhiên, chứ không phải "loay hoay" như ông tưởng tượng. Cũng như trường hợp Văn Học, tôi sẽ dành quyền lên tiếng cho những người còn sống như Vương Hữu Bột [tức Đỗ Quý Toàn] hay Phạm Xuân Đài, nhưng tôi bắt buộc phải có vài lời cho hai người đã khuất, là Lê Đình Điểu và Nguyễn Xuân Hoàng, hai người coi như tạo ra diện mạo lúc đầu của Thế Kỷ 21. Cả hai đều là những người nhiệt huyết và thiết tha với văn học Miền Nam. Lúc sinh tiền, Lê Đình Điểu từng nói chuyện với tôi về cái tệ nạn dùng phương tiện truyền thông để mạ lỵ về đời riêng và nhất là chụp mũ người khác là Cộng sản mà người bị vu khống không có cách nào đỡ được vì không có diễn đàn chống trả.
Còn về hai chữ "còm cõi" trong câu [Viên Linh] "còm cõi suốt ngày trong căn phòng nhỏ" thì quả người viết có ngần ngại khi muốn đề cập đến. Số là cách đây vài năm, khi nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng còn sinh tiền, có một cô tọc mạch hỏi thẳng tôi: "Giữa Viên Linh và Nguyễn Xuân Hoàng, ai đẹp trai hơn?" Tôi tặc lưỡi rồi đáp: "Nói về bạn mình, thế nào chả mang tiếng bênh bạn. Còn bình phẩm về một người đàn ông có gia đình thì thế là coi thường vợ người ta, có ngày chết không oan." Nay tôi cũng xin áp dụng cái tiêu chỉ miễn-bình-phẩm ấy vào đây mà chỉ cần có lời bàn La Sát rằng: nếu tôi cũng được "còm cõi" như Viên Linh nghĩa là nếu tôi vẫn có thể làm việc không ngơi nghỉ dù đã trọng tuổi, điều hành kiêm trình bày một tạp chí văn học, lại mới qua một cơn bạo bệnh suýt chết mà vẫn giữ được mức viết càng lúc càng sắc sảo và mức hoạt động văn nghệ như cũ vv thì tôi xin chân thành tự chúc tôi (và cả ông Văn Lục nữa) được "còm cõi" chỉ nửa phần như thế. Như-thường-lệ, tôi cũng xin kèm một tấm ảnh mới đây của chủ nhiệm&chủ bút Viên Linh cho rõ ràng.
(kèm ảnh mới nhất của Viên Linh)

B- Mua báo văn học hay đi câu cá, bỏ ít mồi nhưng mong bắt được cá lớn?
Đoạn văn của ông Nguyễn Văn Lục, nhất là đoạn trong ngoặc, ông đã dùng mấy chữ được xếp đặt trước theo chủ ý của ông là "ít lắm cũng," "hé lộ," "một số thông tin", "chỉ mình Viên Linh biết được," "kỹ lắm, không bao giờ", "một thứ câu khách", "tôi bị cắn câu," vv... Đó là đoạn văn có quá nhiều mệnh đề, quá nhiều loại từ, trạng từ, động từ như "ít, hé, chỉ, kỹ, nhả" …thay vì có thể chỉ cần một câu giản dị là ông mua dài hạn báo Khởi Hành vì số nào cũng có các thông tin về văn học miền Nam. Ông mua dài hạn Khởi Hành và từng đến nhà báo để mua một xấp những số chủ đề mà ông cần, vì ông lưu tâm đến Văn học miền Nam, chẳng lẽ ông không lưu tâm gì đến nó, mà chỉ vì bị Viên Linh câu vào tròng cho nên mới theo dõi nó? Viên Linh có thể chỉ lôi cuốn được những độc giả thật sự yêu văn học miền Nam mà không hề tính toán thời gian. Hơn thế nữa, chả nhẽ Nguyễn Văn Lục chỉ muốn bỏ ra dăm bẩy mỹ kim mà lại muốn đòi cái quyền được đọc hết một cuốn hồi ký của bất cứ ai, chứ khoan nói tới Viên Linh vội?!

C- Tạp chí Khởi Hành
Kể ra, nếu Nguyễn Văn Lục chỉ xuyên tạc hay phỉ báng cá nhân tôi, cũng dễ bỏ qua. Trong quá khứ tôi đã từng tha cho cái loại phi văn nghệ ấy kể cũng đã nhiều lần. [Nhân đây, tôi xin được công khai cảm ơn chị Chủ nhiệm Nông Kim Ấn và ban biên tập - gồm toàn Cựu Sinh viên Sĩ quan Trường Võ Bị Quốc gia Việt Nam, Đà lạt - của tuần báo Con Ong Việt, San Diego, cách đây gần 15 năm, đã hào hiệp đứng ra bênh vực cho các con tôi lúc ấy còn vị thành niên, từ 7 đến 17 tuổi, đã bị loại phi văn nghệ ấy đem lên báo lá cải] Khốn thay, ông lại đề cập đến Khởi Hành với những thông tin sai lầm không thể bỏ qua hay tha thứ được. Nếu quả thật Khởi Hành là một tạp chí "sống mòn sau 1975", "cứ thun lại dần, thun nữa, mỏng nữa[...] và nay thì Khởi Hành, nó mỏng như thể không thể mỏng hơn được như người mắc bệnh trầm trọng, chỉ còn thoi thóp sống còn" v.v ... thì ai dại gì mua, đến nỗi mua dài hạn trước cả năm năm như trường hợp một độc giả mới đây?
Bởi thế, vấn đề cần đặt ra tại đây là tại sao Nguyễn Văn Lục lại tung tin một tạp chí đang xuất bản như Khởi Hành - được độc giả tin cậy và đang có sự hợp tác của nhiều người cầm bút uy tín hàng đầu của Miền Nam về nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến Văn học Miền Nam - rằng:"nó... như người mắc bệnh trầm trọng, chỉ còn thoi thóp sống còn"? Nguyễn Văn Lục cần nên lưu ý rằng, ngoài vấn đề văn học, khi viết như thế, ông còn đụng chạm đến sinh mạng của một tạp chí mà Viên Linh, người sáng lập và điều hành, là người sống hoàn toàn bằng nghề cầm bút. Trong giới báo chí, không có gì giết một tờ báo mau hơn là phao tin nó sắp chết, nhất là phao tin một cách chính thức-và- công khai cùng với nhiều thông tin sai lầm mà đầy bất lợi về nhân sự của nó (như đã phân tích) trong một bài "nghiên cứu". Thông thường, chỉ vì lý do cạnh tranh, người ta mới phao tin thất thiệt nhắm triệt hạ đồng nghiệp. Nguyễn Văn Lục không có báo, tại sao lại làm như vậy? Một trong những thông tin sai lầm quan trọng do Nguyễn Văn Lục tung ra là số trang của Khởi Hành. Có phải nó đã "cứ thun lại dần, thun nữa, mỏng nữa[...] và nay thì Khởi Hành, nó mỏng như thể không thể mỏng hơn được..." không? "Không thể mỏng hơn nữa" gây cho người đọc một cảm tưởng "rất mỏng" nhưng Nguyễn Văn Lục không nói rõ là bao nhiêu trang để làm chứng và cho người ta dễ hình dung hơn.
Ngay từ số 1 năm 1996 tới năm 2009, gần hai trăm số báo, Khởi Hành luôn luôn là một tờ báo văn học có nhiều hình ảnh, hoàn toàn khác các báo văn học hồi cuối thế kỷ chỉ có chữ là chữ. Hình ảnh tranh vẽ lại rất lớn. Trung bình một số báo có 48 trang khổ 10 x 13.50 phân Anh . Một trang Khởi Hành xuýt xoát bằng 4 trang báo loại Văn, Văn Học, Hợp Lưu (5 x 8”), mà lại nhẹ hơn khi gửi qua bưu điện, vì báo Khởi Hành in bằng giấy báo (news print – giấy cuộn) khác với các tạp chí khổ nhỏ in giấy trắng (20lb – giấy xén rồi, để in máy nhỏ từng tờ). Cho nên nói nó mỏng hay nó dầy là vô nghĩa khi một tờ dầy có khổ như khổ sách, mà một tờ mỏng một tờ bằng 4 lần khổ sách. Lẽ ra, chỉ nên nói nó có nhiều độc giả và đã sống qua hai thế kỷ (từ năm 1996 đến nay, 2015), hay nó không có độc giả và đã phải đóng cửa.
Nếu Khởi Hành thu nhỏ lại hơn một cm mỗi bề vào năm 2009 không phải vì nó ít độc giả đi, mà vì nó bắt đầu in offset 4 màu. Một nhà in khác đã chịu in Khởi Hành bìa offset 4 màu trên giấy láng và bớt đi hơn 10 trang thì họ sẽ không tăng giá in nếu Khởi Hành chịu chuyển nhà in về với họ. Ông Lục viết “càng ngày càng mỏng đi” là chỉ nói ít hơn một nửa sự thật. Nửa sự thật khác ông không nói về Khởi Hành là nó mỏng đi để in offset 4 màu trên giấy láng. Do đó chưa có tờ tạp chí văn học nào thường xuyên in hình các nhà văn nhà thơ ra bìa 4 màu như Khởi Hành. Hai năm gần đây, bổn báo chủ nhiệm chủ bút, cũng là người trình bày thực hiện tờ báo, lâm trọng bệnh - ông trải qua một cuộc "open heart surgery" dài hơn 5 giờ đồng hồ vào tháng tư, 2014 - nên Khởi Hành ra 2 tháng một số và số trang từ 112 tới 164 trang mỗi kỳ, nghĩa là trung bình khoảng 140 trang. Khởi Hành mới nhất số 215-216 & Tháng chạp 2014 &Tháng giêng 2015- Chủ đề Phan Khôi dầy 140 trang. Nhưng vấn đề vẫn không chỉ là dầy hay mỏng mà còn là nội dung nữa. Chỉ cần đơn cử vài thí dụ về các chủ đề của Khởi Hành trong 2 năm nay: Sài gòn Văn nghệ 1954-1975, Phan Khôi và Bản dịch Kinh thánh Tin lành: Từ Việt Nam, ông Phan Nam Sinh phúc đáp bài của Nguyễn Tà Cúc, Các nhân vật nữ&Các nhà văn nữ, 60 Năm Thơ Xuân Việt nam 1954-2014, Phê bình ba cuốn Hồi ký tiêu biểu của văn giới Miền Nam hay Tưởng niệm Phan Khôi (số mới nhất)...
Bởi thế, ông Lục có vẻ cố tình không đề cập đầy đủ đến nội dung và hoạt động của một tạp chí khi chỉ dè bỉu về chiều dầy của nó để tiên đoán như một ông thầy bói mù khi ông thông tin Khởi Hành "như người mắc bệnh trầm trọng, chỉ còn thoi thóp sống còn". Phải chăng ông cố tình quên không cho độc giả biết rằng thứ nhất, Khởi Hành là tạp chí GIẤY duy nhất giờ này vẫn còn hiện diện chuyên về Văn học Miền Nam tại Hoa Kỳ do các bỉnh bút danh tiếng của miền Nam hay những người có sở học đáng tin cậy cộng tác; và thứ hai, sống hoàn toàn nhờ tiền độc giả mua báo và thân hữu quảng cáo chứ không phải nhờ đến thiện chí của bạn hữu hay từ một nguồn hoàn toàn khác như ông đã từng phải công nhận về vài tạp chí khác trong bài này? Bởi thế, tôi sẽ nói tới một nhân tố không kém phần quan trọng đã giúp Khởi Hành có mặt gần 20 năm nay, vượt lên mọi hoài nghi về sự sống còn của một tạp chí giấy chỉ nghiên cứu về văn học, Văn học Miền Nam và lịch sử [sau khi các tạp chí khác cùng dạng và cùng thời như Văn học Nghệ thuật, Văn, Văn học, Thế kỷ 21, Hợp Lưu vv] đã đóng cửa hay chỉ còn xuất hiện trên mạng: đó là độc giả Khởi Hành.

D- Độc giả Khởi Hành
Nguyễn Văn Lục xem ra rất chú ý đến những tiểu tiết như sách chất không có lối đi trong tòa soạn (mà tòa soạn thì phải có sách chứ chẳng nhẽ lại có cái gì?!), đoán già đoán non về một "bà Tà Cúc" mà không nhắc đến quá trình văn học nghệ thuật của Khởi Hành được hỗ trợ hoàn toàn bằng độc giả. Tôi rất không muốn nhắc đến chuyện này. Là một người hiểu rõ việc làm một tạp chí văn học nghệ thuật tiếng Việt ở Hoa kỳ và khó khăn dường nào, lại quen biết hầu hết anh em văn nghệ xa gần [Hoàng Khởi Phong (Văn học) , Nguyễn Xuân Hoàng (Văn) rồi Khánh Trường, Đặng Hiền (Hợp Lưu) vv...], tôi hiểu đến tận cùng nỗi nhọc nhằn của anh em cũng như của chính tôi trong công việc đôi khi xem như đội đá vá trời ấy. Nhưng có lúc vẫn phải viết ra vì đây là một phần lịch sử của người Việt tỵ nạn Cộng sản Hoa Kỳ mà sự khiêm nhượng không còn cho phép tôi im lặng trước đoạn viết xuyên tạc của Nguyễn Văn Lục.
Trước hết, nếu không có độc giả Khởi Hành thì chúng tôi sẽ không trao được 3 giải"Văn chương toàn Sự nghiệp" cho nhà văn Nguyễn Thụy Long, nhà thơ Hữu Loan và nhà văn Văn Quang. Chính Nguyễn Văn Trung đã nhắc đến Nguyễn Thụy Long như sau:
Ông Nguyễn Linh, Phó giám đốc nhà xuất bản Sự Thật có kể cho tôi hồi 1975, ông là cán bộ của Tuyên huấn Trung Ương vào miền Nam tiếp thu về văn hóa. Ông rất phục Nguyễn Thụy Long và ca tụng quyển truyện “Loan Mắt Nhung“ của tác giả. Ông hỏi tôi đã đọc chưa, tôi nói chưa vì thực ra ở miền Nam trước đây không thể đọc, biết hết những sáng tác vì rất đa dang, riêng Nguyễn Thụy Long tôi có nghe tiếng nhưng chưa đọc. Ông khuyên tôi nên đọc. Ông trở ra Hà Nội, gặp ông Tố Hữu, đưa cho ông đọc và xin ý kiến. Gặp lại ông Tố Hữu, ông Tố Hữu có nói với ông: “miền Bắc đã không thể có người viết văn như thế này…” Đánh giá trong nội bộ thì như vậy, nhưng một cách công khai, chính thức vẫn kết án, vùi dập. Hầu như toàn bộ nền văn học miền Nam kể như không có. Và những người như Nguyễn Thụy Long trở thành những kẻ sống bên lề xã hội, thồ xe chở củi từ Long Thành về Saì Gòn bán kiếm sống.[Nguyễn văn Trung, "Tưởng niệm Việt Nam Cộng hòa, Văn Học số 179, trang 19-20, tháng 3. 2001]
Sau nữa, việc trao giải cho nhà văn Văn Quang [Trung tá Quản đốc Đài Phát Thanh Quân đội, Việt Nam Cộng hòa] là một sự chứng minh rằng, khác với một giai đoạn rất dài trong văn sử Miền Bắc 1954-1975, một nhà văn ka-ki của Miền Nam đã được công nhận (hay tán thưởng) vì họ là nhà văn nghĩa là anh có thể viết về bất cứ cái gì nhưng anh phải viết cho hay. Khi Cộng sản nằm vùng như Vũ Hạnh tấn công các nhà văn Miền Nam chỉ vì họ viết về các đề tài không - chiến tranh là đã cho thấy tại sao các anh cộng sản bị dậm chân tại chỗ trong bao nhiêu năm, chỉ có lùi mà không tiến chỉ vì họ xuất thân hay tác phẩm của họ chỉ giới hạn trong khung cảnh chiến trường. Nghệ thuật không dung thứ hay giảm khinh cho những tác phẩm "đậu vớt" vì lý do chính trị hay hoàn cảnh xuất hiện. Từ việc trao giải cho nhà văn Văn Quang, tôi muốn nói thêm một chút về các nhà văn trẻ sau này - dĩ nhiên có nhiều người xuất thân từ quân đội - mà Khởi Hành - Bộ Mới đã bắt đầu đăng tải tài liệu về họ từ lâu nay. Viên Linh, Thư ký Tòa soạn Khởi Hành Bộ Cũ, Sài gòn và Chủ nhiệm& Chủ bút Khởi Hành Bộ Mới, Hoa Kỳ - theo Phan Nhiên Hạo là một "tên tuổi lớn" thuộc Văn học Miền Nam:
Viên Linh là một tên tuổi lớn của văn chương miền Nam trước 1975. Ông đã in cả chục tác phẩm truyện, thơ. Nhưng Viên Linh cũng là một người làm báo kỳ cựu, có lẽ kỳ cựu nhất trong giới nhà văn từ trước đến nay. Ông theo đuổi nghề báo đã hơn năm mươi năm, từ trong nước ra đến hải ngoại, làm chủ bút nhiều tờ báo văn chương quan trọng, có được sự cộng tác của hầu hết các cây bút nổi tiếng trong văn giới miền Nam.
Chính vì thế, Viên Linh có một kho tài liệu mà chỉ ông mới có: đó là những bài viết hay phỏng vấn những nhân vật trong chính quyền hay văn giới Miền Nam trước 1975 phản ảnh tình hình lúc bấy giờ. Ông từng là Thư ký tòa soạn hay Chủ nhiệm chủ bút của nhiều trong những tạp chí văn học nghệ thuật lừng danh nhất của Miền Nam. Khi làm Thư ký Tòa soạn Khởi Hành Bộ Cũ, ông đã cho đăng sáng tác của một loạt nhà văn [quân đội] trẻ (1). Khởi Hành đã có ít nhất là 3 số với 3 chủ đề dành cho các nhà văn trong cuộc để viết về chính họ nhắm lưu lại tài liệu một cách chính xác: Nguyễn Lệ Uyên viết về "Các tạp chí văn nghệ Miền Trung thời chiến tranh: Tuy hòa và Sóng" (Khởi Hành số 145, trang 24-26, tháng 11.2008), Phạm Văn Nhàn viết về "Các tạp chí văn nghệ thời chiến: Tạp chí Ý thức" (Khởi Hành số 146, trang 24-26, tháng 12.2008), Ngô Nguyên Nghiễm viết về "Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở Miền Nam" (Khởi Hành số 151, trang 18-22, tháng 5.2009). Sau đó không lâu, Khởi Hành số 155, tháng 9. 2009 có chủ đề "Khởi Hành Bộ Cũ - Tạp chí văn chương của nhiều thế hệ nhà văn Miền Nam trước 1975".
Kế đó, ngoài các vấn đề văn học, Khởi Hành còn tổ chức diễn thuyết trong các buổi Diễn đàn Phụ nữ hay về Ban Tao đàn, Miền Nam vv...Khởi Hành cũng là tạp chí chuyên có chủ đề, từ di sản Văn học Miền Nam tới những vấn đề văn học chưa ai khám phá ra. Từ Khởi Hành khổ lớn qua tới Khởi Hành khổ nhỏ, từ lúc bổn báo chủ nhiệm khỏe mạnh cho tới khi có lúc lâm trọng bệnh rồi phục sức, Khởi Hành vẫn đến tay bạn đọc. Khởi Hành số 207-208, tháng 3&4. 2014 là một số đáng nhớ vì Viên Linh vừa đưa bản thảo sang nhà in là lên đường vào bệnh viện. Ông đặt Khởi Hành số này vào tay anh Kim Khôi [chủ nhà in Number One Printing, Garden Grove] và Thư ký Tòa soạn Nguyễn Tà Cúc để in ấn rồi phát hành. Nhưng dù có thế nào, độc giả Khởi Hành không bao giờ đếm trang dầy mỏng "đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành" mà vẫn đợi và tiếp tục mua dài hạn để chúng tôi có thể tiếp tục cho tới nay.
Độc giả của Khởi Hành biết rất rõ tại sao họ mua báo mà không như độc giả Nguyễn Văn Lục nhận xét rằng "Nội cá nhân tôi mua đều đặn Khởi Hành từ nhiều năm nay cho thấy hẳn Khởi Hành phải có cái gì chứ. Cái gì đó chỉ mình Viên Linh biết". Cách đây hơn năm năm (tháng 8. 2009), nhà thơ Phan Nhiên Hạo phỏng vấn Viên Linh có câu hỏi liên quan đến độc giả Khởi Hành như sau:
Ra hải ngoại đến nay, anh vẫn là người làm báo văn nghệ. Bên này dĩ nhiên không còn lượng bạn đọc đông đảo như Việt Nam. Những năm gần đây lại thêm hiện tượng internet khiến các báo in hải ngoại, nhất là báo văn nghệ, rơi vào tình trạng bế tắc. Nhiều tạp chí đã đình bản. Tuy vậy, tờ Khởi Hành anh làm từ nhiều năm nay vẫn tiếp tục ra báo đều đặn. Đọc giả chính của Khởi Hành là ai, và làm thế nào anh giữ được sự tồn tại của tờ báo trong hoàn cảnh hiện nay?
Viên Linh đáp lại:
[...] Khởi Hành còn đi, đi không ngừng nghỉ, vì chúng tôi có lương thực đủ ăn, con đường trước mặt thanh quang, bạn đồng hành thân ái, những bàn tay chờ đợi bên đường.
[...] Đương nhiên cũng có những tờ phải đình bản vì lý do khác. Các vị chủ báo ấy chưa từng làm báo bao giờ, tuy có viết văn xuôi, làm văn vần, và mặc dầu các vị ấy ra hải ngoại viết rất nhiều, nhưng viết gì thì viết cũng không phải là làm báo. Viết không phải là làm, nhất là làm báo. Nhà văn Trần Phong Giao, khoảng hơn mười năm làm thư ký tòa soạn tạp chí Văn ở Sài Gòn, nói: Một tờ báo không phải là một tuyển tập thơ văn. Hải ngoại có hằng hà sa số những tuyển tập thơ văn, nhưng lác đác có dăm ba tờ tạp chí. Và câu nữa của anh: làm thế nào tôi giữ được sự tồn tại của tờ báo trong hoàn cảnh hiện nay? Câu trả lời của tôi là: Tôi có giữ đâu, độc giả giữ Khởi Hành tồn tại đấy chứ.
Đúng thế, độc giả là nhân tố quyết định nếu một tạp chí chỉ sống vào tiền bán báo. Còn loại báo chỉ sống trên lưng một tờ báo khác như Nguyễn Văn Lục nói đến thì không đáng bàn đến tại đây. Từ năm 1996, Khởi Hành ra mắt độc giả với một sứ mạng rõ ràng: phổ biến, lưu giữ, phê bình và san định những sai lầm trong việc nghiên cứu Văn học Miền Nam, văn học thời tiền chiến và các vấn đề thời sự văn học nghệ thuật chính trị và xã hội. Khởi Hành vẫn là tạp chí đầu tiên và duy nhất đăng loạt bài phân tích manh tâm kỳ thị và triệt hạ của Võ Phiến nhắm vào các nhà văn Miền Bắc di cư hay các nhà văn thuộc quân lực Việt Nam Cộng hòa. Nguyễn Văn Lục hẳn cũng chưa quên Khởi Hành là tạp chí đầu tiên tính luôn cả trong nước báo động về việc chúng ta mất Ải Nam Quan trong số 58, tháng 8.2001 qua chủ đề "Ải Nam Quan không còn nữa" [nhạc sĩ Việt Dzũng đã phỏng vấn Viên Linh trên Đài Little Saigon Radio và xác nhận Khởi Hành là tờ báo đầu tiên loan tin Ải Nam Quan không còn nữa]. Khởi Hành cũng là nơi xuất hiện loạt khảo cứu của Nguyễn Tà Cúc về bản dịch Kinh thánh Tin lành của Phan Khôi vv...
Như thế, Khởi Hành Bộ Mới, Hoa Kỳ có mặt để đóng góp vào việc duy trì và tiếp tục Văn học Miền Nam và nối tiếp công cuộc khảo cứu về Văn học Tiền chiến. Cùng với sự cộng tác của hầu hết các tác gia danh tiếng của Miền Nam [Mặc Đỗ, Trần Ngọc Ninh, Hà Thượng Nhân, Trần Trọng San, Tuệ Sỹ, ký giả Nguyễn Tú, Thái Tuấn, Duy Thanh, Lê Huy Oanh, Xuân Vũ, Trần Hồng Châu, Cung Trầm Tưởng, Văn Quang, CHÓE, Huỳnh Hữu Ủy, Trần Tuấn Kiệt vv...] cho tới nay, gần 220 số báo là 220 chủ đề hay loạt bài về một tác gia, một tạp chí, một nhóm hay một vấn đề đặc biệt thuộc hai nền văn học này. Không những thế, Khởi Hành, từ năm 2000, dành một số (tháng ba) đặc biệt cho những vấn đề Phụ nữ. Cho tới nay, Khởi Hành vẫn là tạp chí duy nhất kết hợp được những yếu tố ấy vì có sự cộng tác của nhân chứng và tác gia kỳ cựu của Miền Nam. Gần đây, nhờ loạt bài "Phan Khôi đã dịch Kinh thánh Tin lành như thế nào" mà giáo sư Phan Nam Sinh, thứ nam của Phan Khôi từ Biên Hòa-Việt Nam, đã cho phép chúng tôi được công bố lần đầu tiên bản sao của các trang Kinh thánh thuộc quyển Kinh thánh do chính dịch giả Phan Khôi sử dụng cách đây gần trăm năm (1925) khi còn sống để xác định một nghi án văn học thế kỷ XX đã xẩy ra tại Miền Nam trước 1975.
Sự vu cáo của Nguyễn Văn Lục càng rõ ràng hơn khi viết về các chủ đề mà Khởi Hành đã làm: "Viên Linh dùng kích thước nhỏ ("vài chục trang"), khổ nhỏ để nói về những "chủ đề thật lớn." Ông Lục có mua báo thì chắc chắn phải biết tới chủ đề "Văn học Việt Nam & Văn học Miền Nam: Những con người hào hoa của Cõi Tự do" (Nguyễn Tà Cúc, KH số 209-210, Tháng 5-7. 2014) dài 112 trang (trang 51-163) chứ không phải chỉ "vài chục trang" như ông đã viết. Nguyễn Văn Lục còn không nhắc tới các loạt bài của các tác gia khác, toàn là những tên tuổi hàng đầu trong lãnh vực của họ.

III- Về các nhà văn và tạp chí khác

Nếu người đọc nghĩ rằng tôi khắt khe với Nguyễn Văn Lục về vấn đề Khởi Hành thì tôi xin đưa ra thêm hai chứng cớ để chứng minh thứ nhất, ông Lục viết sai cả về một số nhân sự và tạp chí khác; thứ hai, ông Lục viết sai như thế phải chăng để cố gò vào cái tiền đề do ông nêu ra về vấn đề "lão hóa"? Một lần nữa, tôi hoàn toàn tôn trọng sự phát biểu của ông Lục nhưng từ nay trở đi, sau khi tôi đã chứng minh cụ thể bằng tài liệu và nhân chứng, ông Lục sẽ không thể tiếp tục những sự xuyên tạc và phỉ báng này nữa đối với tôi và Khởi Hành.

A- Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng và Tạp chí Văn
Ông Nguyễn Văn Lục viết như sau: "Nguyễn Xuân Hoàng ôm lấy tờ Văn chẳng khác ôm một người tình nhân già, bỏ thì thương vương thì tội. Vừa ôm, vừa xót xa, chẳng sướng gì...." Cũng lại một thứ chữ nghĩa sỗ sàng! Sau đây là nguyên văn của cố nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng phát biểu về tạp chí Văn hồi ông còn sinh tiền cho thấy ông có niềm vui chứ không chỉ "xót xa" như ông Lục khẳng định:
Khi anh Mai Thảo bệnh, giao cho tôi tờ Văn, tôi đang là tổng thư ký tờ Người Việt. Làm hai tờ báo một lúc, khủng khiếp, tôi không hiểu tại sao mình làm được? Làm báo Văn là một niềm vui và cũng là một nỗi khổ. Tờ báo nuốt hết thì giờ của tôi sau khi ở toà soạn Người Việt về, nó không nuôi nổi một người sống hết mình với nó đã đành, mà ngược lại nó bắt người làm ra nó phải nuôi nó. Khi tôi vào làm tờ Việt Mercury, may mắn hơn, đời sống thường ngày đã nhẹ, nhưng việc nuôi tờ Văn thì vẫn tiếp tục. Ðấy là tôi chỉ nói phần vật chất, tôi chưa nói chuyện bài vở, chuyện độc giả, chuyện đóng gói, bỏ bì đem ra bưu điện cho mỗi số báo, chuyện đau nhói của một ngưòi làm báo văn học. Khó khăn thì nhiều thứ lắm. Còn phần thưởng tinh thần hả? Ðó là tôi tìm lại được bạn bè cũ, và quen biết thêm bạn bè mới. Ðó là mỗi khi tờ báo ra, cầm tờ báo trên tay, tuy không còn ngửi được mùi mực in như ở Sài Gòn ngày nào, nhưng sao lòng vẫn bồi hồi. Bao giờ tôi cũng trân trọng những người viết mới. Cứ mỗi lần đọc được một sáng tác mới của một người viết mới tôi nghĩ chắc tờ báo vẫn còn có người đọc. Ðời sống vẫn không ngừng chảy.
[Phan Nhiên Hạo thực hiện: "Nguyễn Xuân Hoàng, Ðời sống vẫn không ngừng chảy", 27.4.2005, http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=4371&rb=0102]

B- Nhà văn Nhật Tiến và hoạt động văn nghệ sau 1975, tại Hoa Kỳ
Tôi gửi đoạn viết trong bài thượng dẫn có liên quan đến nhà văn Nhật Tiến và mời ông lên tiếng. Ông trả lời như sau, qua điện thư đề ngày 13. 2. 2015:
"Tôi đã được đọc “bài viết mới đây” của ông Nguyễn văn Lục đăng trên website “Học Xá” ngày 6-2-2015. Bài viết có tựa đề 'Hiện trạng văn học miền Nam sau 1975 ở miền Nam và ở Hải ngoại', mà nội dung chứa đựng nhiều vấn đề bao quát về tình trạng Văn học của miền Nam VN trước, sau 1975, và ở hải ngoại. Đây là một đề tài lớn, đáp ứng được sự trông đợi của nhiều thế hệ độc giả ở cả trong lẫn ngoài nước. Tuy nhiên đáng tiếc thay, khi thực hiện công việc nghiên cứu một đề tài lớn như thế, ông Lục đã đưa vào quá nhiều thiên kiến, chủ quan, hàm hồ và thậm chí có chỗ chứa cả những câu văn đầy ác ý như khi ông đề cập đến tạp chí Khởi Hành hoặc khi nhận xét về Nhất Linh, về Mai Thảo, về Nguyễn Xuân Hoàng... Những vị này đều đã khuất núi, đâu còn cơ hội để phản biện những lời bôi bác về mình.
Đã thế ông Lục còn vẽ lên một hình ảnh thảm hại của nền văn chương hải ngoại với những nhận xét như: 'Trong cái tình hình èo uột trên của văn học hải ngoại như vừa trình bày trên, một số người cho rằng không thể có hay không nên có một dòng văn hải ngoại.'
Hay trích lại lời nhận xét của Nguyễn văn Trung: 'Nguyễn Văn Trung trong Văn Học hải ngoại xác định rõ ràng 'Văn học Việt Nam hải ngoại là một hiện tượng bất thường mà chính những người làm ra nó không mong gì hơn là càng chấm dứt nó mau chóng bao nhiêu càng hay bấy nhiêu.' Để rồi ông Lục đi tới kết luận: 'Những điều dự đoán của Nguyễn Văn Trung năm 1995 nay càng ngày càng trở nên hiện thực.'
'Hiện thực' như thế nào thì ông Lục chỉ nêu những luận điệu kiểu như:
'Phần các nhà văn lớp đầu di dân sang Mỹ, khả năng hội nhập gặp nhiều khó khăn, trở ngại về tuổi tác và nhất là hành lý mang theo khá kềnh càng về nếp sống, nếp nghĩ nên rất khó hội nhập như tâm trạng tiêu biểu của các nhà văn như Thanh Nam, Lê Tất Điều. Họ hội nhập cũng không dễ mà đưa ra một cái gì mới cũng không xong. Hầu như có một sự ngưng trệ, tắc nghẽn, bất động để động não. Đó là hiện trạng bế tắc sáng tạo hiểu được cũng như sự bế tắc sáng tạo vì những lý do cá nhân như nghiện ngập, suy thoái tinh thần và nhiều nguyên do nội tại khác...'
Đã thế ông Lục còn bôi bác thêm về những cảm hứng sáng tác của nhà văn hải ngoại bằng luận cứ: 'Chính những hoài niệm quá khứ này là cái căn cước của người Mỹ gốc Việt. Cái đã làm nên vinh quang của họ. Không có nó, họ còn là gì nữa? Theo Nguyễn Mộng Giác, vứt bỏ quá khứ ấy đi, nhiều người sẽ phát điên lên. Ký ức về chiến tranh đã đưa con người Việt lưu vong vào một thế giới không còn nữa. Nó bầy tỏ một cảm thức sâu xa về một cái gì đó đã mất, rồi được huyễn hoặc về quá khứ cũng như cội nguồn của mình nhằm xoa dịu những nỗi đớn đau ấy. Đó là một hội chứng sau 1975. Hội chứng thua cuộc...'
Viết như thế là sổ toẹt trên những công trình tim óc của nhiều người, là nhạo báng hay dè bỉu lên những tấm lòng còn thiết tha đến quê hương, đất nước. Tất nhiên ông Lục có quyền nêu những ý kiến của ông ta, nhưng theo tôi những ý kiến ấy chỉ nên nghe qua rồi bỏ. Nó không phản ảnh trung thực môi trường sáng tác cũng như những nỗ lực của nhiều người trong 40 năm qua đã dầy công vun xới cho nền văn học hải ngoại. Sau đây, tôi xin nêu vài điều cụ thể trong bài viết của ông Lục, khi ông đề cập đến chính tôi.
1) Ông Lục viết: 'Ông được nhìn nhận như một nhà văn viết cho tuổi thơ bất hạnh, viết về những mảnh đời của trẻ em mồ côi với những tên Phựơng, Dung, Cúc, Alice, Hạnh. Tôi nghĩ đó cũng đủ làm nên văn nghiệp của ông.' Ô hay ! Tại sao văn nghiệp của tôi lại chỉ được gò bó trong 'tuổi thơ bất hạnh, viết về những mảnh đời của trẻ em mồ côi' ? Bộ tôi không còn được phép xây dựng văn nghiệp của mình trên những loại đề tài khác hoặc xã hội, hoặc chiến tranh hoặc những thảm kịch xẩy ra ở VN sau 30-4-1975 …v. v… hay sao ? Đây là lý do mà tôi cho rằng ông Lục đã viết lách một cách hàm hồ và đầy thiên kiến.
2) Rồi ông lại viết: 'Sau 75 có Mồ hôi của đá, Tiếng kèn, Gặp gỡ cuối năm.. Một thời đang qua. Ông là người có khả năng tài chánh để in ấn... Tôi cũng có đủ những sách của ông Tiến sau này ở Hải Ngoại. So với chính ông thì tự nó ông cũng thấy có sự sút kém nhiều.'
Không phải là chính tôi mà tại sao ông Lục lại dám kết luận giùm tôi rằng: 'So với chính ông thì tự nó ông cũng thấy có sự sút kém nhiều' ?! Thưa ông Lục, nói thẳng ra thì hơi kỳ và mang tính tự mãn, nhưng dù vậy, tôi cũng phải nói lên rằng: Tôi chẳng thấy có sự 'sút kém nhiều' như ông nghĩ giùm tôi! Lý do: Sau 1975 chân trời sáng tạo của tôi như mở rộng thêm ra trước bao nỗi trầm luân của đồng bào trên khắp mọi miền của đất nước. Điều này mở ra cho tôi một chân trời sáng tác mới để tôi không chỉ gò bó trong những đề tài hạn hẹp trước đó nhiều năm. Vì thế, khi ra hải ngoại tôi cũng tiếp tục viết và in được nhiều tác phẩm mà tôi tự đánh giá rằng tôi đã thực thi được phần nào nhiệm vụ của người cầm bút trước hiện tình đất nước. Và qua những sáng tác ấy, tôi cũng đã rất hãnh diện với những gì tôi đã viết và in trong thời gian cư trú hải ngoại. Kết luận chắc nịch của ông Lục như thế là có tính chủ quan, là bôi bác, và cả là nhảm nhí nữa khi ông ấy còn nói: tôi là người có khả năng tài chánh để in ấn !!! Ủa! Chuyện tiền nong có hay không có là chuyện cá nhân riêng tư, sao ông lại mang vào một bài nghiên cứu về văn học, nghệ thuật như thế !! Vậy không phải là nhảm nhí ư ?
3) Ông Lục còn viết rằng: 'Sau này, nhà văn Nhật Tiến đã dành cả nửa cuốn sách để viết về ông Khai Trí. (20) Nhật Tiến, Một thời như thế'
Đâu có phải như vậy! Trong cuốn Một Thời Như Thế tôi chỉ dành 86 trang trong tổng số 262 trang để viết về tờ Thiếu Nhi do ông Khai Trí làm chủ nhiệm. Nội dung phần này tuy có nhắc đến ông Khai Trí nhưng chủ yếu là nói về nội dung của tờ tuần báo này, có sự đóng góp công sức của rất nhiều nhà văn, nhà báo thời đó, cùng là tường thuật những sinh hoạt giáo dục của Gia đình Thiếu Nhi với nhiều chi nhánh trên một số tỉnh thành ở miền Nam, hoặc tổ chức các cuộc thi sáng tác, thành lập thư viện cho mượn sách giáo dục…v..v...Khi viết rằng tôi dành cả nửa cuốn sách để chỉ viết về ông Khai Trí thì tôi dè chừng ông Nguyễn văn Lục không hề đọc tác phẩm của tôi kỹ lưỡng trước khi ông hạ bút viết. Không đọc kỹ mà đòi viết phê bình. Thế thì còn nói gì được nữa !!!" [Nhật Tiến, "Trả lời Nguyễn Tà Cúc về bài của Nguyễn Văn Lục, ngày 13.2.2015]
Ngoài ra, Nguyễn Văn Lục cũng tiếp tục cái lối viết tiểu tâm, soi mói vào những điều chẳng liên quan gì đến văn chương hay đề cập đến một tập thể chỉ để bêu xấu nó: "Còn nếu cứ viết cùng một cung điệu, nó sẽ rơi vào trình trạng nói rồi, cứ nói mãi. Lúc đó bắt buộc tạm gọi đó là thứ văn chương H.O. Viết như thể một điệp khúc nháy đi nháy lại năm này qua năm khác thành cháy cả đám. Các nhà văn ấy trở thành những người tuyên truyền hơn là vai trò nhà văn." (Nguyễn Văn Lục, sđd) Đúng là viết lách...nhi đồng hóa thiệt! Nguyễn Văn Lục nói ai là "văn chương H.O"?! Vì cái Đảng H.O này [vốn xuất thân từ Đảng ka-ki] đông lắm đấy nhé! Xin kể ra sơ sơ: (Trung tá) Tạ Tỵ, (Trung tá) Lô-răng Phan Lạc Phúc, (Trung tá) Hà Thượng Nhân, (Đại úy) Thanh Tâm Tuyền, (Thiếu tá) Tô Thùy Yên, (Hải quân Đại úy) Hà Thúc Sinh, Bác sĩ Quân Y Ngô Thế Vinh, vv...Nếu nói cho cùng thì đa số nhân sự trong tập thể H.O là các sĩ quan hay các viên chức của chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Họ là những người có học hay/ và trí thức và có khi đã từng cầm súng đối diện với người Cộng sản tại tiền tuyến. Chính tập thể H.O. này cũng là một phần độc giả trung thành giúp duy trì các tạp chí văn học đã dẫn.
Chỉ qua mấy thí dụ nêu trên cũng đã đủ thấy tư cách viết của Nguyễn Văn Lục. Cho nên, cuối cùng tôi muốn lập lại câu hỏi đã nêu lên từ ngay đầu bài: tại sao Nguyễn Văn Lục xuyên tạc và phỉ báng Khởi Hành là "sống mòn" và "như người mắc bệnh trầm trọng, chỉ còn thoi thóp sống còn" trong khi nó là một tạp chí văn học giấy duy nhất còn hoạt động để vừa chống người Cộng sản vừa đi tiên phong trong việc bảo vệ và nghiên cứu Văn học Miền Nam cùng lúc không ngừng tìm tới các tác gia tài giỏi để công việc này càng lúc càng tốt đẹp hơn với sự hỗ trợ thiết thực của độc giả? Động cơ nào đã thúc đẩy Nguyễn Văn Lục xuyên tạc hay phỉ báng Chủ nhiệm&chủ bút Viên Linh cùng Thư ký Tòa soạn Nguyễn Tà Cúc, hai người chủ trương và thực hiện Khởi Hành (2)? Tôi có thể không thể trả lời được những câu hỏi trên nhưng tôi có thể nhân danh Thư ký Tòa soạn Khởi Hành để trình bày về sự xuyên tạc hay phỉ báng quá ấu trĩ và lộ liễu đã dẫn. Tôi không phải hạng người vỗ tay khi người khác rơi xuống vực hay bước qua Cầu Vòng cho dù người ấy có xứng đáng với sự trừng phạt của cả Trời đất lẫn Con người hay không. Chỉ có thể nghĩ tới hai chữ "nhân quả" thôi. Bao nhiêu lâu nay tôi vẫn lặng yên quan sát những trò vân cẩu xẩy ra chung quanh và quả cổ nhân nói rất đúng: "gieo nhân nào, gặt quả nấy" hay "quả báo nhỡn tiền". Gieo nhân ác càng sâu càng lâu thì quả độc càng thấm càng đậm. Về phần Nguyễn Văn Lục, thiển nghĩ, ông cũng đang gieo mầm cho một thứ cây mà cái quả tốt xấu thế nào, rồi ra một ngày nào đó ông cũng sẽ phải nhận, mà cái mùa bội thu ấy nếu tốt đẹp thì quả là vạn hạnh mà nếu ác nghiệt thì thật hậu quả khôn lường.

Nguyễn Tà Cúc

_______________

Trường hợp Hoàng Phủ Ngọc Tường

“Không hiểu sao đến giờ vẫn có kẻ xấu miệng cứ tìm cách buộc chặt tôi vào vụ Mậu Thân Huế. Đúng, Mậu Thân Huế đã trở thành một bi kịch đời tôi. Tôi đành xem họ như những kẻ vu khống bẩn thỉu thế thôi.”
Hoàng Phủ Ngọc Tường, (Trích trả lời phỏng vấn với Thụy Khuê)
“ông là một tên đồ tể Mậu Thân ở Huế thì đó là một sự bịa đặt mang ý định vu khống hoàn toàn. Sự thực là tôi đã từ giã Huế lên rừng tham gia kháng chiến vào mùa hè năm 1966 và chỉ trở lại Huế sau ngày 26 tháng 3 năm 1975.“ Điều quan trọng còn lại, tôi xin tỏ bày ở đây, với tư cách là một đứa con của Huế, đã ra đi và đã trở về; ấy là nỗi thống thiết tận đáy lòng mỗi khi tôi nghĩ về những tang tóc thê thảm mà nhiều gia đình người Huế đã phải chịu cho hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế vào năm Mậu Thân.
Đó là một sai lầm không thể nào biện bác được, nhìn từ lương tâm dân tộc và nhìn từ quan điểm chiến tranh cách mạng.” Như thế nghĩa là trong thời điểm Mậu thân 1968, tôi không có mặt ở Huế.”
Được hỏi về những lời tuyên bố trên truyền hình Mỹ, Hoàng Phủ Ngọc Tường chối,
“Hồi đó, ông Burchett và đoàn làm phim Lịch sử Truyền hình tới Huế, chọn tôi để chất vấn về chuyện tang tóc ở đây. Lâu rồi, trả lời ứng khẩu thôi. Tôi không nhớ thật cụ thể những điều đã nói và càng không có dịp xem lại chuyện phim như nó được chiếu ở ngoại quốc.”
(Trích Thụy Khuê, “Nói chuyện với Hoàng Phủ Ngọc Tường về biến cố mậu thân ở Huế”, RFI, 12 tháng 7, 1997.)

*
Giọng điệu năm 1997 của Hoàng Phủ Ngọc Tường khi được chị Thụy Khuê phỏng vấn thật khác xa với giọng điệu “khát máu” trong con người Hoàng Phủ Ngọc Tường năm 1982. Điều này tạo thành một vấn nạn, có ai tin được những điều Hoàng Phủ Ngọc Tường nói không?
Nếu quả thực Hoàng Phủ Ngọc Tường đã quên thì đây là dịp để ông nhớ lại từng câu, từng chữ một qua cuộc phỏng vấn của Burchett.
Lên tiếng kết án nặng nề nhất Hoàng Phủ Ngọc Tường có thể là tác giả Liên Thành.
Bên cạnh đó, còn có những người cảm tình viên như Đặng Tiến, Tiêu Dao Bảo Cự, Ngô Minh tìm cách lái câu chuyện Hoàng Phủ Ngọc Tường sang chuyện văn học và đặt nhẹ vấn đề trách nhiệm của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong vụ thảm sát dân Huế dịp tết Mậu Thân.
Nhưng mọi chuyện bao che, dối trá của Hoàng Phủ Ngọc Tường trở thành sự trơ trẽn đáng xấu hổ khi chúng ta cùng nhau nghe lại cuộc phỏng vấn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong bộ phim tài liệu 13 tập nhan đề “Viet Nam: A television History”. (Published as a companion volume to “Vietnam: A Television History.” a 13–part documentary film series for the PBS network produce by WGBH Boston, in cooperation with Central Independent Television/ United Kingdom and Antenne–2/France, and in association with LRE Production).
Trong bộ film này, Hoàng Phủ Ngọc Tường xuất hiện như một tên đao phủ sắt máu, ngôn ngữ hận thù, thái độ của một người cộng sản chính hiệu, hơn cả người cộng sản có thẻ đảng.
Hoàng Phủ Ngọc Tường lộ nguyên hình là một kẻ dối trá khi kể rằng chính anh ta chứng kiến cảnh dội bom của Mỹ vào một bệnh viện gần chợ Đông Ba làm chết và bị thương 200 người mà đêm tối anh ta đã dẫm lên đám đất bùn hòa lẫn máu người chết.
Hoàng Phủ Ngọc Tường lộ nguyên hình đương nhiên xác nhận ông có mặt ở Huế. Như một nhân chứng?
Thế là đủ rồi. Còn có mặt ở Huế để làm gì lại là chuyện khác. Nhưng vai trò của Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Đắc Xuân cũng như bà bác sĩ Phạm thị Xuân Quế (xem thêm phần trích dẫn tóm tắt hoạt động của bà bác sĩ Quế) phải chăng là dẫn đường và làm điểm chỉ viên trong việc giết hại những giáo sư đại học, tu sĩ, sĩ quan, sinh viên và công chức VNCH?
Ai đã cung cấp danh sách những nạn nhân có thể bị giết hại như trong nhận xét của John Prados sau đây?
“At Hue, too, the uprising failed, the populace horrified by the massacre of betwen 2,500 and 3500 persons, mostly civilian or families of Saigon government officials. The VPA and its NLF cadrers systematicallly took away people named on lists that had been prepared by local networks. (Both sides could play at that game: The CIA’s chief for Hue escaped with a radioman, exphiltrating through ennemy lines in James Bond style, dressed in black and carrying exotic gear. He went immediately the the command post of the Marine general leading the response force and handed him a list that, according to a witness, contained thousands of names of NLF sympathizers in the Hue area.)”
(Trích John Prados, Viet Nam, The History of an Unwinnable war, 19445–1975, trang 240.
Đoạn văn này một cách công bằng bắt buộc phải xếp Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Phạm Thị Xuân Quế vào những thành phần tay sai chỉ điểm cho cộng sản Bắc Việt xâm nhập vào Huế dễ dàng.
Chú Thích: Khi nghe lại đoạn băng phỏng vấn, có thể có một đôi chỗ, người viết bài này nghe không rõ, ghi không kịp, mặc dầu phải ghi đi ghi lại nhiều lần. Người viết cũng không thể căn cứ trên bản dịch tiếng Anh của Ngô Vĩnh Long vì ngôn ngữ tiếng Anh không tương đồng với nọi dung tiếng Việt.
Xin ghi lại chính những điều mà Hoàng Phủ Ngọc Tường trực tiếp trả lời phỏng vấn. Vì thế, có thể có đôi chỗ có ghi thiếu sót nhỏ nhặt, xin độc giả hiểu cho.

Hỏi: Ông có thể mô tả biến cố nổi dậy ở Huế, đặc biệt liên quan đến vụ thảm sát. Ở đây. Xin đề nghị ông trả lời cho biết những gì xảy ra bấy giờ ở Huế, có những vụ trả thù, đàn áp?

Hoàng Phủ Ngọc Tường: Ông muốn nói đến vụ thảm sát Mâu thân ở Huế? Đó là một chiến công vĩ đại của nhân dân Huế. Nhưng nhân dân Huế đã phải trả một giá đắt đắt cho chiến thắng này. Đó là là một sự trả thù chưa từng thấy của Mỹ và ngụy sau đó. Vì thế nhân dân Huế đã phải trả giá đắt nhất so với các thành phố khác của chúng tôi. Cũng chỉ vì ở đây người Mỹ đã chịu sự tổn thất nặng nề về sinh mạng, về vật chất và chính trị tại Huế.
Sự trả đũa đã vô cùng khủng khiếp. Nhưng tôi nghĩ rằng tôi là một người đã từng sống qua các thời kỳ chiến đấu chống lại người Pháp và thời chiến tranh chống lại người Mỹ, Tôi nghĩ rằng bọn chủ nghĩa thực dân mới thì khôn hơn bọn thuộc địa cũ. Bọn thuộc địa cũ nó chơi franc jeu hơn là thực dân mới. Nói cách khác, bọn chủ nghĩa thực dân mới thường bạo tàn hơn thực dân cũ. Và điều đó là chắc chắn đúng như vậy trong suốt cuộc tổng công kích tết MậuThân vừa qua.
Bởi vì tội ác do Mỹ tạo ra được toàn thể thế giới bên ngoài quan tâm, chúng chuyển tất cả tội ác của chúng và đổ lỗi cho những người làm cách mạng chống lại nhân dân của họ. Tôi ám chỉ việc chúng đã dùng vụ thảm sát như một bửu bối đặc biệt để bôi nhọ cách mạng Việt Nam trong cuộc hòa đàm Pari.
Đây là điều tôi muốn nêu rõ vì tôi biết như là một chứng nhân.
Tôi sẽ nói cho ông mọi sự cho ông một cách khách quan nhất.
Thứ nhất riêng những người bị giết, có nhiều người đã bị giết chắc chắn là do chúng tôi phải thi hành bản án tử hình. Bởi vì khi chúng tôi đến nhà họ, họ đã bắn đến cùng vào những chiến sĩ của chúng tôi làm bị thương khi chúng tôi kêu gọi họ đầu hàng.Vì thế những người này đã bị chúng tôi bắn chết tại chỗ. Trong đám những người này có tên phó tỉnh trưởng, lúc đó hắn đang sống ở Huế.
Trong một ít trường hợp, một số bị giết vì đã từng tra tấn các cư dân, gây cho toàn thể gia đình phải tù tội và đầy ra Côn Đảo. Chính nhân dân căm thù quá lâu, họ bị tra tấn, gia đình họ phải trả thù. Vì thế, khi cách mạng bùng lên và lấy lại được thế kẻ mạnh, nhân dân bùng lên đi lục soát tìm cho ra những tên bạo ngược này để trừ khử chúng như trừ khử những con rắn độc mà nếu như để chúng sống sót, chúng sẽ tiếp tục gây ra tội ác hơn nữa trong chiến tranh.
Mặc dầu chính sách của chúng tôi chỉ là nhằm cải tạo và không bao giờ giết bất cứ ai đã đầu hàng chúng tôi, song khi dân của thành phố đã nắm công lý trong tay của chính họ, thì các cấp lãnh đạo cách mạng của chúng tôi không còn có thể kiểm soát dân chúng trong suốt thời kỳ đang diễn ra. Nhưng tôi phải nói cho ông biết rằng mỗi một tên bị giết thì chúng đã giết ít nhất mười người khác trong các gia đình bị nạn.
Chúng giết mười người bây giờ giết một người bọn chúng, cái giá đó là rất nhẹ. Giết một người là công bằng. Nợ máu đó, căm thù và thi hành bản án như vậy là rất là nhẹ và công bằng.
Theo tôi nghĩ, bất cứ ai từng theo dõi hoàn cảnh chiến tranh, sự thể có thể chỉ là một sự trả thù nhỏ nhoi. Sự căm thù và sự thi hành bản án như vậy là nhẹ. Và theo tôi, mọi cuộc cách mạng đều giống nhau. Bởi vì đó là một cuộc chiến tranh mà sức mạnh quân sự và trang bị cực kỳ chênh lệch. Nhân dân chúng tôi không sở hữu được những thứ vũ khí như đế quốc Mỹ có. Song điều ấy cũng chẳng sao cả.
Còn đa số đã đầu hàng do chúng tôi giữ lại thì được đưa lên rừng ở trại cải tạo. Hầu hết đã được trở về. Vài người tôi biết chịu đựng không nổi vì khí hậu. Nhưng họ đã trở về với gia đình cả. Nhưng có một số bị giết.Thật không đáng kể, còn lại sau ngày giải phóng đã được trở về.
Phần lớn sự chết chóc đã xảy ra. Một khối lớn những xác chết đó là ai? Chính nhân dân bị bọn Mỹ làm chết không biết bao nhiêu trong các đợt phản kích này. Những người này bị giết và được chôn trong thành phố rồi sau đó được khai quật bởi Mỹ và quay phim tuyên truyền cho Mỹ.
Chẳng hạn, nó đã bỏ bom rơi vào một bệnh viện nhỏ, gần chợ Đông Ba. Nó thả bom làm 200 người vừa chết vừa bị thương. Tôi đã đi trên con đường hẻm vào ban đêm, và tôi tưởng rằng tôi đang dẫm trên đống bùn. Thế mà khi tôi bật cái đèn pile lên, máu khắp mọi nơi. Cả một khu vực bị bỏ bom bởi bom đạn Mỹ bắn phá. Và thế rôi, những ngày cuối cùng khi chúng tôi triệt thoái ra khỏi thành phố, kẻ thù của chúng tôi đã thâu lại và đem đi chôn.
Lý do thứ hai, những ngày cuối cùng khi chúng tôi rút ra thì có nhiều người đã tham gia cách mạng. Những người này theo lực lượng cách mạng, vào rừng sau cuộc tấn công tết ậu Thân. Và khi kẻ thù trở về vào thành phố, chúng đã giết những người thân của các gia đình này rồi đem chôn trong các hầm tập thể. Những xác chết của lính giải phóng, những người mà chúng tôi không thể thu nhặt được xác cũng bị chúng đem bỏ vào những hố chôn tập thể.
Cộng thêm vào những tù nhân đi theo chúng tôi vào rừng cũng bị giết hại bởi máy bay Mỹ chết chung với các đồng chí của chúng tôi. Máy bay Mỹ cũng tập kích và giết chết các đồng chí của chúng tôi. Những giải phóng quân của chúng tôi cũng bị hy sinh.
Trong những năm 1975 đến 1977, trong khi đào các đường mương và kênh dẫn thủy, chúng tôi khám phá ra ra được rất nhiều hố chôn tập thể, cái được gọi là nạn nhân bị thảm sát thì chỉ toàn là những người mang đồng phục quân Giải phóng và nón tai bèo của lực lượng giải phóng.
Điều này nói lên mưu mô quanh co, sảo quyệt của bọn tân thực dân. Cuộc chiến này là ranh mãnh của chủ nghĩa thực dân mới. Chúng giết hai con chim bằng một hòn đá. Trước hết là vì chúng muốn tìm cách che dấu tội ác của chúng.
Hơn nữa là chúng muốn đổ lên đâu bộ đội cách mạng những tội ác của chúng. Đây là điều mà tôi đã chứng kiến. Và một sử gia người Mỹ sau đó viếng thăm Huế đã nói cách công khai rằng đây là kế hoạch tuyên truyền vĩ đại của Mỹ, một chiến dịch tuyên truyền chiến thuật đã làm hao tổn tiền bạc của Hoa Kỳ cho cân xứng với cái giá về tiền bạc mà tên Kissinger nhằm bôi nhọ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam về tết Mậu thân.
Tôi muốn nhấn mạnh là cả một bộ máy tuyên truyền của Mỹ với thế giới đã cố dùng tất cả bộ máy tuyên truyền để đổi trắng thành đen để lừa bịp nhân loại.
Sự thực là có một số xác chết nạn nhân bị giết là do sự giận dữ của dân chúng.
Những con số này quá nhỏ so với con số quá lớn kẻ thù còn sống sót và chúng nó đã chạy ra nước ngoài, chúng tiếp tục nói xấu Việt Nam. Giờ đây họ đã vu khống có tổ chức nhằm chống lại cách mạng Việt Nam. Thế nhưng, ông phải nhìn nhận rằng mặc dù chúng tôi được sự ủng hộ của khắp thế giới khi chúng tôi chiến đấu chống lại kẻ thù của chúng tôi, mà chỉ có dân chúng tôi bị bịt mồm và chịu đổ máu trước họng súng của kẻ thù. Chúng tôi đã phải đổi máu của chúng tôi một cách đơn độc.
Trong suốt cuộc chiến đấu, chúng tôi đã phải đem lại công lý chống lại kẻ thù không đội trời chung của nhân dân – những kẻ mà thế giới đã nhìn nhận như những tội phạm chiến tranh. Dân chúng thế giới đã có một phiên tòa của Bertrand Russell là một thí dụ cho rằng nếu đã có tòa án kiểu Nuremberg, thì đã có hàng ngàn người đã được tha chết trong trận Tết Mậu Thân là những kẻ đáng bị treo cổ sau khi chiến tranh chấm dứt.
Theo như Bertrand Russsell đã dẫn chứng, công lý chẳng bao giờ được thi hành. Vì vậy mà một sĩ quan Mỹ như trung úy William Calley đã giết nhiều người ở Sơn Mai mà nó không bị lên án treo cổ.
Và để nhằm mục đích gây chú ý trong trường hợp tội phạnm này, chúng đã ngụy tạo một cuộc thảm sát tết Mậu Thân để bôi bẩn cách mạng. Điều này chứng tỏ Mỹ không quan tâm đến vấn đề danh dự của nước lớn đi đánh một nước nhỏ bé. Chính quyền Mỹ đã nói láo về trận tấn công Tết Mậu thân.

Tiếp tục phỏng vấn liên quan đến ông Ngô Đình Diệm
Hoàng Phủ Ngọc Tường: Ngô Đình Diệm là một tên Phát Xít rất đúng nghĩa. Tôi sống ở đấy dưới thời Ngô Đình Diệm. Tôi đã thấy được Diệm muốn trở thành một ông vua. Trước đó Diệm đã là một ông quan lớn. Thí dụ về gia đình của Diệm sống gần cầu Phủ Cam ở Huế, nó đã bắt ép các nhà trí thức, các công chức, giáo sư đại học ăn bận theo kiểu xưa để đến quỳ trước sân nhà Ngô Đình Diệm và tung hô chúc tụng Diệm và cả gia đình trường thọ vào mỗi năm nhân dịp tết đến.
Diệm ngồi trên ngai vàng (golden throne) để quan sát buổi lễ. Chỉ chuyện này thôi cho ông thấy chế độ dân chủ của Diệm là gì. Thực sự mà nói, dân chủ thì không có những điều như thế. Đấy là một tổng thống phát xít và phong kiến. Đấy là gia đình của Diệm. Và chính sách của Diệm, nó muốn triệt tiêu mọi tự do dân chủ của người dân bình thường. Thí dụ như ông ta đã đã ban hành một đạo luật gọi là …
Mục đích của Diệm là triệt hạ hết người cộng sản. Và đấy là những gì người Mỹ muốn ông ta làm. Vì thế nó đã diệt trừ mọi ảnh hưởng của cách mạng tháng tám trong thành phố này, một thành phố đã lật đổ chế độ vua chúa và trương ngọn cờ cách mạng tháng 8.
Trên hết tất cả, các gia đình có con em tập kết ra Bắc, sau hiệp ước Giơ neo, từng người một bị tù, lưu đầy và tra tấn cho đến bao giờ họ quên được đứa con và họ phải tố cáo người thân của mình.
Có rất nhiều gia đình cố gắng che dấu tung tích là họ có con em và người thân tập kết ra Bắc. Đấy là thứ chống Cộng áp bức người dân quên đi hẳn màu cờ của cách mạng tháng 8. Và thế rồi sự đàn áp gia tăng với bất cứ phương cách nào có thể áp dụng được. Một trong những biện pháp là dùng các gia đình lao động có chồng tập kết ra Bắc đang có bầu, dẫm lên bụng cho đến lúc cái thai phải vọt văng ra ngoài, vì chúng nói rằng dù chỉ một giọt máu cộng sản cũng không thể để lại trong bụng những phụ nữ miền Nam.
Mọi phương tiện khác được thực thi đã làm tràn lan như vậy với cái luật tên là đạo luật 10/59 mà Diệm đã ban bố. Ở Huế trong thời gian này là một nơi thật bỉ ổi giam cầm người dân gọi là “Chín hầm”. Nó đã nhốt những người yêu nước giam giữ ở đó. Khi chế độ Diệm bị lật đổ, chúng tôi đến coi những tù nhân bị nhốt trong các hầm đó và thấy họ như những người rừng rú. Tóc và râu họ mọc dài chỉ còn xương với da.
Những tù nhân này bị bắt đứng suốt khi những nước mưa nhỏ xuống khe hở thì chân của họ ngập trong nước năm này qua nằm khác. Phần hậu môn, đàng lưng hoàn toàn bị nhiễm trùng. Họ không còn là con người và họ bị giam giữ cho tới khi chết. “Chín Hầm” là phương tiện đàn áp bỉ ổi chưa từng có được áp dụng cho những người bị coi là cộng sản.
Không biết chế độ Hít Le tàn bạo như thế nào, nhưng tôi có thể nói chắc rằng chưa có một tội ác chống nhân loại nào mà có thể so sánh với chế độ Diệm sau thời Hít Le. Càng lúc, sự tự do tôn giáo càng được quan tâm, Ngô Đình Thục, anh của Diệm và là Tổng giám mục ở vùng này đã bắt tất cả các phật tử và không tôn giáo phải xử sự và sống như người công giáo. Họ phải thờ tự như người công giáo. Vào dịp lễ Phật Đản chúng quyết phải hạ cờ quạt, biểu ngữ Phật giáo xuống. Điều đó dẫn tới sự nổi dậy của Phật tử và sự chống đối khắp các thành phố dẫn tới sự sụp đổ chế độ Ngô Đình Diệm.

Phần phụ thêm chứng từ trả lời phỏng vấn của bác sĩ Phạm Thị Xuân Quế
Rất ít người được biết bà Phạm Thị Xuân Quế là ai? Tôi được biết bà Quế và một số nhân vật nằm vùng khác qua Thái Thị Kim Lan. Bà Quế sống ẩn tích từ trước 1975 và cả sau 1975.
Hiện nay bà Quế làm công tác từ thiện trông nom các người già yếu. Nhưng đọc những lời bà trả lời phỏng vấn trong “Interview with Viet Nam Museum Guide”, 1981, WGBH, Open Vault thì thật sự ngỡ ngàng đến không hiểu được. Bà có thể viết bịa đặt nhiều điều như thế về chế độ Đệ nhất Cộng hòa được chăng? 40 phụ nữ có chồng tập kết bị Diệm cho vào rọ, rồi thả trôi sông? Ai cho phép lương tri của một phụ nữ viết về thân phận những người đàn bà có chồng đi tập kết bị phóng chiếu, cường điệu một cách tàn bạo như vậy?
Kỹ thuật cho vào rọ, rồi thả trôi sông là kỹ thuật sáng chế “độc quyền từ thời Cách mạng tháng 8”; ông Diệm e rằng học chưa tới kỹ thuật đó!
Tuy nhiên qua bà Quế, người ta có thể hiểu được phần nào những hoạt động của những người nằm vùng, của một sinh viên, trí thức Huế. Những kẻ được goị là Huế giết Huế. Nay chạy tội và sẵn sàng nói rằng trong vụ Tết Mâu Thân, 99% các nạn nhân đều do bom đạn Mỹ. Căn cứ vào đâu, bà Phạm Thị Xuân Quế có thể xác quyết như thế? Nếu tin rằng có oan hồn, có kiếp sau, có nhân quả, Bà bác sĩ Quế sẽ ăn nói làm sao với các vong linh những người đã chết?
Những lời vu cáo trắng trợn và ác độc như thế thì có làm bao nhiêu công đức, có ăn chay nằm đất, có không quan hệ tình dục cũng không cứu vãn nổi.
Hóa cho nên cả bọn chỉ học được một sách của cộng sản là: Sẵn sàng nói láo, sẵn sàng vu cáo, dối trá bất kể sự thật ra sao. Trong khi đó có những chuyện bịa đặt trắng trợn của những người “đồng chí” của bà thì bà lại che dấu? Bà đã nợ tôi, ngươi viết, một món nợ khi tôi hỏi về câu chuyện phái đoàn sinh viên Huế vào thăm dinh “ngụy” sau 1963, có thấy phòng bà Ngô Đình Nhu kế cận phòng ông Diệm không, có thấy bốn bức tường phòng bà Nhu đều gắn gương soi không? có thấy cái “ghế khoái lạc” của bà Nhu thường nằm không? Bà và người bạn gái của bà đã thử nằm chưa và cảm giác thế nào? như Nguyễn Đắc Xuân mô tả không? Cả hai chị em, Thái Thị Kim Lan và Phạm Thị Xuân Quế đều đồng loạt tránh né, bao che cho Nguyễn Đắc Xuân nói không nhớ gì cả.
Thật chán cho các bà.
Trong bài viết này, chỉ xin tóm lược vài ý nghĩ rời về những điều bà đã trả lời phỏng vấn trên.
– Bọn chó săn, mật vụ nó bắt đổ bàn thờ và đi theo họ. Nó tra tấn dã man. Nó bắt con phải tố giác cha mẹ.
– Nhất là các chị có chồng đi bộ đội. Nó đánh đập, tra tấn, bắt ly dị chồng, xúc phạm đến nhân phẩm phụ nữ. Nó bắt phải lấy bọn chó săn, bọn mật vụ. Tôi cho là vô nhân đạo. Điển hình là ở Quảng Nam, những người phụ nữ có chồng đi tập kết. Nó lấy bao bố, cột lại, thả xuống sông. Chúng cột 40 người, rồi trôi sông ở đập Vĩnh Trinh.
– Và chính mắt tôi trông thấy.
Về tết Mậu thân, bà cho biết:
– 1960, phong trào bắt đầu gây dựng, phát triển năm 1963. 1968, phong trào rất phát triển rất mạnh. 90% thành viên của phong trào hướng về cách mạng. (Huế tang tóc vì những tổ chức và những thành phần nội tuyến như bà Quế này.)
– Được tin ở trên cho biết sẽ tấn công ở Huế. Mạng lưới nội thành – mạng lưới của chúng tôi – đã bí mật hoạt động hợp pháp từ 1961. Có rất nhiều cơ sở.
– Từ 23 tháng 12 đến 29/1968 các cơ sở đã đi ra ngoài vùng và gánh vũ khi dấu trong những gánh rau. Do địch chủ quan, chị em qua mặt chúng và đã đưa được vũ khí vào thành phố. (Ở Sàigon, Việt Cộng tổ chức nhiều đám ma, trong quan tài chứa vũ khí – NVL).
– Phần tôi đang ở trường trung cấp y tá, đã in một số truyền đơn. Nội dung đưa ra chính sách khoan hồng đối xử thế nào với địch.
– Mặt khác lo chuẩn bị bánh tét cho thật nhiều. Chuẩn bị cứu thương. Và may rất nhiều cờ. Trong số cán bộ 1/3 vẫn không ra mặt, tôi ở trong số đó nên chúng không biết tôi là Việt Cộng.
– Không khí những ngày đầu tết Mậu thân: Dân chúng có bàng hoàng. Nhưng không thiếu niềm vui phấn khởi, họ đóng góp nào bánh chưng, bánh tét, yêu cầu ngụy quân, ngụy quyền ra hàng. Tôi đi xem văn nghệ.
– Đặc điểm là bộ đội giải phóng dễ thương quá, thân tình khác hẳn thái độ hách dịch của lính ngụy.
– Đến ngày mồng 7, một số đông ngụy quân, ngụy quyền ra hàng. Nhờ các anh bộ đội đã đào hộ các hầm trú ẩn nên ngụy bắn đại bác, dội bom đã có chỗ núp.
– Tôi cũng lo bảo vệ các giáo sư ngoại quốc người Đức, đang ở số 2 Lê Lợi. Nhờ đó, bộ chỉ huy đã mời các ông ấy đến ở chỗ quân đội trú đóng để bảo vệ họ. Nhưng địch đã dội bom làm chết các giáo sư ấy cũng như cả bộ đội. Địch phản tuyên truyền, bao nhiêu người chết đều là do Việt cộng tàn sát. Nhưng có thể nói 99% là do bom đạn Mỹ sát hại.

Xin hết ý. Hãy đọc để nhận dạng Hoàng Phủ Ngọc Tường là ai?

(còn tiếp)