Khuất Đẩu tên thật là Trương Đẩu. Sinh năm 1940. Hiện sinh sống ở Việt Nam.
Truyện vừa "Lão Tiền Bối" , hợp cùng truyện dài "Những Tháng năm cuồng nộ" và truyện vừa "Người giữ nhà thờ họ", là một bộ Trio về cùng một chủ đề. Qua 3 tác phẩm này, người cùng thời và các thế hệ mai sau sẽ có cơ hội hiểu và biết thêm nhiều điều về những tháng năm cuồng nộ của một giai đọan lịch sử não lòng . . .

 

TỪ HÌNH ẢNH EM BÉ SYRIA

NGHĨ ĐẾN NHỮNG EM BÉ MIỀN NAM VIỆT NAM

clip_image002Ảnh: Independent

Một bức ảnh gây xúc động thế giới. Xúc dộng vì mái tóc đen mướt của em. Vì chiếc áo đỏ, quần xanh em mặc. Vì đôi giày em mang. Cứ như em vừa ăn mừng sinh nhật thứ ba cùng bố mẹ. Và nhất là cái dáng em nằm nghiêng nghiêng trên bờ cát. Nếu không có những ngọn sóng lừng lững đang tiến vào bờ, cứ tưởng như em đang nằm ngủ.
Mà em đang ngủ thật, một giấc ngủ dài không bao giờ thức dậy nữa.
Từ bức ảnh này, người ta ồn ào lên tiếng nguyền rủa bọn buôn người, kết án chính phủ các nước giàu có châu Âu đã không tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ. Đài truyền hình Việt Nam cũng lớn tiếng, bảo phải tìm cho ra cội nguồn của cuộc khủng hoảng nói trên, truy tìm thủ phạm của những kẻ đã khiến hàng vạn người liều chết vượt biên.
Bọn buôn người thì đã rõ. Đó là hai tên Syria, chở đến 18 người trên chiếc thuyền chỉ vừa đủ chỗ cho 12 người. Khi sóng to gió lớn, chúng đã đeo áo phao nhảy khỏi thuyền bơi vào bờ, bỏ mặc cho thuyền chìm.
Còn thủ phạm chính là tổng thống Al- Assad của Syria, kẻ đã dùng quân đội, pháo binh, máy bay và cả vũ khí hóa học để đàn áp các cuộc biểu tình đòi phải hắn từ chức. Tòng phạm là Nga, chồng lưng trong bao nhiêu năm và giờ đây đang lén lút gửi quân sang trợ giúp. Man rợ hơn nữa là phiến quân Hồi giáo IS với những cuộc thảm sát kinh hoàng.
Biết đi là chắc chết, nhưng không thể không đi. Cũng như những thuyền nhân Việt Nam 40 năm trước. Những năm ấy, trên các bãi biển Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippine… biết bao nhiêu xác những em bé miền nam Việt Nam đã phải trôi dạt như em bé Syria. Những xác trẻ thơ bụng ỏng xanh xao, áo quần rách rưới khiến người ta kinh hãi chứ không thương cảm.
Em bé Syria, dẫu sao em cũng được mặc quần áo đẹp, được mang giày chỉn chu chứ không đi chân đất. Em chết như nằm ngủ vì trước đó em không cùng cha mẹ trốn chui trốn nhủi, không phải nhịn đói nhịn khát, không kinh hoàng khi thấy bọn hải tặc hãm hiếp mẹ, cắt cổ cha trước khi ném em xuống biển.
Em bé Syria được ví như thiên thần, còn những em bé Việt Nam, giống như em bé châu Phi đói lã bên cạnh con diều hâu đang chờ xé xác.
Đài truyền hình bảo cuộc di cư hiện tại là đông đảo nhất sau thế chiến thứ hai. Có thật vậy chăng? Hay đó chính là cuộc di cư của hai triệu người miền nam Việt Nam vượt biển sau mùa xuân đại thắng?
Những người Lybia, Syria, Liban và cả châu Phi nghèo đói chẳng ai phải trốn tránh công an, chẳng ai phải vào tù nếu đi không lọt, chẳng ai phải bị lấy mất nhà cửa ruộng đất, chẳng ai bị nguyền rủa là phản quốc. Họ ra đi giữa ban ngày ban mặt, mang theo tiền bạc mà không bị trấn lột. Khi may mắn dạt vào các đảo ở Hy Lạp, dù nước này suýt vỡ nợ, vẫn không cho quân đội và cảnh sát xua đuổi như ở các nước Malaysia, Thái Lan…Họ được tiếp tế lương thực, được cho tạm trú trước khi từng đoàn lũ lượt sang các nước Serbia, Croatia để vào các nước Áo, Đức.
Họ bỏ nước mà đi vì chiến tranh, trong khi những người miền nam Việt Nam lại ra đi vì hòa bình. Khác lạ là ở đó. Mà cũng cay đắng là từ đó.
Tôi không chối cãi họ là những kẻ khốn khổ. Nhưng được bỏ nước mà đi như họ, đi một cách tự do cùng vợ con, chắc miền nam chỉ còn lại những trụ đèn*.
Em bé Syria ơi, thật tội nghiệp cho em, nhưng dẫu sao em cũng đã được chết để lên nước Trời, ở đó em sẽ bay lượn giữa muôn ngàn vì sao. Nơi bãi cát em nằm sẽ có những bó hoa yêu thương để sóng mang đi. Tối đến sẽ có hàng trăm ngọn nến được thắp lên để sưởi ấm cho linh hồn em.Trong khi đó, những đứa bé miền nam Việt Nam, nếu không vào trong bụng cá tối tăm thì cũng thối rữa trong các hố rác dơ bẩn, không có được một nấm đất để yên nghỉ. Suốt 40 năm qua những linh hồn bé bỏng mong manh ấy vẫn lang thang giữa muôn ngàn sóng gió trùng khơi mịt mùng.
Không một cánh hoa!
Không một ngọn nến!
Ngay cả một bài kinh siêu độ cũng không, dù là đang rằm tháng bảy!
Thương thay!
4/9/2015

Khuất Đẩu

* Trụ đèn đi không được, chứ đi được nó cũng đi (vượt biên). Trần Văn Trạch
______________

Người chồng một đêm

Khuất Đẩu

Năm ấy, tôi mười bảy tuổi. Ở đất Bình Định, tuổi đó đã có người đi lấy chồng. Như mẹ tôi, như cô tôi. Tệ lắm cũng đã có người đi dạm. Nhưng tôi thì chưa. Tôi đang học lớp bảy nên có nhiều mộng ước hơn mẹ và cô. Tôi chưa nghĩ ra người chồng tương lai của mình sẽ như thế nào, nhưng ít ra cũng hơn cha tôi và dượng tôi. Đó là những người đen đúa, tuy không đến nỗi xấu xí, nhưng ai cũng già trước tuổi. Quanh năm gần như chỉ mặc quần đùi để lộ đôi chân khẳng khiu mốc thếch. Đó là chưa nói tới cái bệnh sốt rét họ mang về từ rừng núi xa xôi sau khi đi làm nghĩa vụ dân công, tức là đem gạo muối tiếp tế cho bộ đội, hay đi tải đạn. Người nào mặt cũng tái mét, da dẻ vàng vọt như không còn một hột máu.
Thực ra, mẹ và cô tôi cũng chẳng hơn gì. Ai cũng một bộ đồ đen bạc phếch, cũng một búi tóc thiếu chải gỡ, trông xơ xác như một mớ râu bắp. Lũ con gái chúng tôi có khá hơn vì đang là tuổi dậy thì, tự nhiên da thịt hồng hào dù phải ăn uống kham khổ.
Năm lớp bảy là năm cuối cấp hai, bọn tôi được chọn đi dự trại liên hoan mừng chiến thắng ở Bồng Sơn. Cùng đi với chúng tôi còn có các cô gái chưa chồng trong hội phụ nữ. Vì đã hòa bình, chúng tôi được phép ăn mặc đẹp. Nghĩa là được đội nón trắng không phải quét bùn, được khoe chiếc kẹp mạ bạc óng ánh trên mái tóc. Ai khá hơn được mặc áo in hoa cổ tai bèo hay áo trắng khoét cổ trái tim. Chúng tôi ngắm lẫn nhau, khen lẫn nhau. Biết mình đẹp hơn khi nhìn vào mắt người khác, chứ cái gương tròn nhỏ như chiếc bánh bèo chỉ đủ để soi mặt thôi, làm sao thấy được toàn thân như khi đứng trước gương. Nhưng thế cũng đủ vui quá rồi, nhất là lần đầu tiên được đi xe cam nhông ray, chạy trên đường sắt êm như lướt đi trong gió.
Chúng tôi được bố trí ở những trại đã được dựng sẵn dưới bóng dừa. Cơm nước cũng đã có người lo. Trước mặt trại là một đống củi gộc xây hình tháp, hứa hẹn một đêm lửa trại cháy đến tận sáng. Phía bên kia, cũng là một dãy trại đã được dựng sẵn dành cho bộ đội. Họ cũng là những người chưa vợ được chọn từ các tiểu đoàn.
Thế là chúng tôi cứ việc vui chơi, nhảy múa, hát ca. Chúng tôi làm quen nhau thoải mái, cứ ưng ý là bắt cặp nhau mà không sợ bị phê bình này nọ. Ai, chứ với bộ đội trẻ trung mà được thân quen với họ, là ước mơ thầm kín của lũ con gái thời ấy.
Chúng tôi ở đó ba ngày vừa đủ cho trai gái bén hơi nhau. Rồi sau những màn nhảy xôn đố mì chân nọ đá chân kia, nhảy sạp cắc cắc bụp bên đống lửa hồng, tất cả lặng lẽ kéo nhau vào rừng dừa, nơi ánh sáng không còn rõ mặt, cứ mỗi gốc dừa là một cặp ngồi tỉ tê tâm sự. Rồi chúng tôi làm cái việc gọi là yêu nhau tại chỗ. Nếu ai đó không muốn thì cũng đành chịu, chứ biết thưa kiện ai.
Khi Mỹ đến, sau những trận đánh khốc liệt, bọn họ tràn vào các quán bar cũng là để mừng chiến thắng hay trút nỗi buồn thua trận trên thân xác của các gái bán bar mà thôi. Có điều họ phải trả tiền, mà tiền đô, còn bộ đội thì không ngay cả tiền tín phiếu như giấy vàng mã!
Rồi họ xuống tàu đi tập kết, mang theo những chiếc khăn do chúng tôi thêu làm kỷ niệm. Còn họ để lại cho chúng tôi một thứ nhiều hơn chiếc lược nhôm hay lược gỗ được cắt gọt công phu, một thứ có thể họ không ngờ là cái bào thai trong bụng mỗi đứa.
Rất nhiều đám cưới được tổ chức chớp nhoáng. Không hai họ, không đón đưa, chỉ có thủ trưởng đứng ra tuyên bố hai người là vợ chồng. Thế là xong, như cha đạo thay mặt Chúa Trời. Dẫu không mang thai họ cũng đã là những thiếu phụ mòn mỏi đợi chồng dù chỉ một đêm, nhưng có nghĩa vụ lo cho cách mạng ròng rã suốt hai mươi năm sau đó.
Tôi được mẹ cha hiểu ra cái trò mừng chiến thắng bằng cách cướp đi cái phần trinh trắng nhất của đời con gái họ, sau khi đã cướp lúa gạo vòng vàng bảo là để cho cuộc kháng chiến thành công, nên đã nén cái đau cái nhục xuống đáy lòng, cho tôi vào trốn ở Sài Gòn.
Từ một xứ nhà quê, lại là vùng Việt Minh, đến một thành phố giàu có đông đúc, tôi hết sức ngỡ ngàng. Nhưng rồi tôi cũng quen dần, người Sài Gòn xởi lởi, tốt bụng, có đủ chỗ cho tôi kiếm sống. Chỉ khổ là cái bụng mỗi ngày một to, lắm khi cũng phải lao đao vì nó. Tuy vậy, đến ngày sinh, cũng có người sốt sắng đưa tôi vào sinh ở nhà thương thí.
Bao nhiêu cực nhục rồi cũng qua đi. Ơn Trời, tôi sinh được một cháu gái. Đó là kết quả của mối tình một đêm bên gốc dừa!
Ngồi ngắm con ngủ, tôi cố nhớ chút gì gợi lại hình bóng của người đã cùng tôi tạo ra nó, nhưng không tài nào nhớ nổi. Tôi chỉ nhớ cái mùi mồ hôi anh ta, nhớ tiếng thở hào hễn và nhiêu đó cũng đủ làm cho tôi cảm thấy xấu hổ, tủi thân. Chiếc lược mà anh ta tặng tôi trở thành một kỷ vật đắng cay. Tôi không trách anh, cả tôi cũng không tự trách mình, tôi chỉ trách ai đó đã lợi dụng tình yêu cho dù là xác thịt để đạt tới những mục đích sâu xa của họ.
Cùng một lứa với tôi, những cô gái tươi non khi ấy, sau này đã là những người nuôi giấu cán bộ, đào hầm vót chông, mua thuốc trụ sinh, chuyển vũ khí bằng cách khoét rỗng ruột bí bầu nhét đạn hay lựu đạn vào, khi bị bắt dù bị đánh đập tra khảo đến thừa sống thiếu chết vẫn không chịu khai…Để đến khi hòa bình, nhiều người cũ hoặc làm ngơ coi như không biết, hoặc có biết cũng chỉ lén lút mà gặp nhau một lần rồi thôi, vì sau lưng họ còn có những người đàn bà xứ Bắc không dễ gì trả lại chồng. Thì thôi đành vậy, vui chỉ một đêm mà buồn khổ suốt cả một đời!
Sau ngày 30 tháng tư, như bao người miền Nam, hai mẹ con tôi cố sống lây lất qua ngày, chạy chợ trên bán chợ dưới, bị quản lý thị trường rượt đuổi như chó săn chuột.
Một lần tôi bị bắt, bị tịch thu mấy bao gạo mua từ ga Biên Hòa. Nếu tôi bỏ hết hàng họ mà “xéo đi” theo lệnh họ, thì tôi đã không phải bị giam ở trụ sở phường. Đằng này tôi gào khóc, chửi rủa, cào xé mũ áo nên họ tống tôi vào như một mụ điên. Sau cùng, họ bảo tôi phải viết kiểm điểm thành khẩn nhận lỗi đã xúc phạm cán bộ, họ mới chịu thả ra.
Thì viết!
Nhưng cái nỗi đau mất của, cái đói đang chực chờ khiến cho tôi cứ ngồi mãi mà chẳng viết được dòng nào, ngoài mấy chữ: Tôi tên là…
Lúc ấy có một người mặc đồ bộ đội không biết cấp bậc gì đi ngang qua, thấy tôi ngồi bên bàn với tờ giấy ở trước mặt liền chồm tới xem thử. Bỗng người ấy hỏi, chị tên thật đó à? Tôi nói, chứ chẳng lẽ tôi viết tên giả. Lại hỏi, chị quê ở Bình Định phải không? Tôi nói, ông định tống tôi về ngoài đó chứ gì? Ừ, tôi là gái Bình Định, theo chồng vào đây không được sao? Người ấy nói, đó không phải là việc của tôi. Giờ đã tối rồi chị về đi. Nhưng ngày mai chị nhớ đến đây gặp tôi. Có thể chúng tôi xét mà trả lại hàng cho chị. Nhớ nhé, chị phải tới không thì hỏng cả đấy.
Thế là sáng hôm sau tôi lại tới dù hy vọng rất mong manh. Lại thấy ông ta đứng đợi lù lù ở trên thềm. Ông ta ra hiệu cho tôi vào phòng. Dẫu sao nói chuyện với những người đứng tuổi như ông cũng dễ chịu hơn là với bọn lau nhau mới hùa theo cách mạng. Ông ta chỉ ghế mời ngồi, nhìn tôi, rồi kéo từ hộc bàn ra một quyển sổ. Ông đặt lên bàn, lại nhìn tôi kèm theo một nụ cười khá tử tế. Ông lấy từ trong sổ ra một tấm hình ố vàng đẩy về phía tôi. Đó là tấm hình chụp một anh bộ đội và một cô gái đứng bên gốc dừa.
Trông thấy tấm hình, tôi xây xẩm mặt mày, toàn thân lạnh cóng. Tôi nhớ lại những đêm ở Bồng Sơn, nhớ cái phút giây điên cuồng dại dột. Và sau đó là thấp thỏm lo cha mắng mẹ chửi. Rồi kinh hoàng khi nghĩ tới lúc Tây tiếp thu, chúng sẽ thọc lưỡi lê vào bụng những người vợ Việt Minh mà lôi đứa nhỏ ra ngoài!
Tôi nghe ông ấy hỏi: chị có biết hai người trong tấm hình này không? Tôi bặm môi một lúc rồi nói: không biết. Chị không nhớ cái đêm liên hoan trong rừng dừa hồi đó sao? ông lại xoáy thêm vào nỗi đau của tôi. Thế là bao nhiêu uất ức, bao nhiêu đắng cay, cô độc trong hơn hai mươi năm như một con sóng lớn sắp đập vào bờ, tôi muốn đứng dậy chồm qua bàn, nhìn sát vào mặt ông mà gào lên: nhớ chứ, nhớ ông đã làm gì tôi, đã hứa hẹn thề thốt rồi bỏ tôi mà đi đến hơn hai mươi năm, giờ về đây cướp mấy bao gạo của mẹ con tôi. Ông có biết tôi đã khổ như thế nào mới có được nó không? Ông biết tôi là ai sao không bảo lũ lâu la kia đem trả gạo lại cho tôi. Ít ra con ông cũng còn có được hột gạo mà ăn. Các ông vào đây cướp thì có chứ quản lý thị trường cái nỗi gì.
Tôi tức nghẹn, nhưng vẫn cố giữ bình tĩnh nói với`giọng rắn rỏi chính tôi cũng không ngờ: nếu tôi đến đây chỉ để ông tra hỏi như thế này thì tôi thấy không cần phải ở lại nữa! Khoan đã, ông cũng đứng lên nói, giờ, chị có thể đem mấy bao gạo về! Nhưng tôi trở nên cay nghiệt: đó không phải là gạo của tôi, mà là của cướp giựt. Các ông cứ nhập kho rồi chia nhau!
Tôi ra khỏi trụ sở phường, người lảo đảo cứ như say. Tôi đi tới đi lui, đi hoài cho đến khi mệt lã mới nằm dài trên một ghế đá ở công viên. Tôi nghĩ đến ngày mai, đến con tôi. Đã có lúc tôi muốn chạy đến trụ sở phường gặp ông ta, bảo rằng tôi biết hai người trong tấm hình đó. Tôi hình dung ra cảnh ông ôm choàng lấy tôi và cả hai cùng khóc. Ông sẽ bảo với mọi người trong cơ quan, đây là người vợ ông đã tìm lại được. Còn tôi sẽ bảo với con, đây là cha của con. Và cuộc đời của chúng tôi sẽ khác.
Nhưng chút tự trọng của một người đàn bà níu chân tôi lại. Ông hẳn đã biết tôi là ai vậy mà cứ vòng vo hỏi tới hỏi lui. Ngày ấy tôi đã mê muội đem dâng hết cả đời con gái cho ông. Giờ đây ông còn muốn tôi quỳ xuống nữa sao? Ông kiêu ngạo hay sợ đảng đến nỗi không dám nhận một con buôn làm vợ?!
Tôi đứng lên, lủi thủi một mình đi về nhà. Con gái tôi hỏi, không xin lại được sao mẹ? Tôi lắc đầu. Tôi nghe nó thở dài giống như tôi cách đây hơn hai mươi năm.
Từ đó tôi thôi chạy chợ, kiếm nghề khác để khỏi phải gặp ông. Lúc đó tôi 39 tuổi, con gái tôi 21. Cũng đã đến tuổi lấy chồng. Cầu trời cho nó không lấy phải người chồng một đêm!
11/11/2014

Khuất Đẩu

http://t-van.net/


 Cậu bé Aylan & làn sóng di dân 

Tác giả ảnh 'cậu bé di dân chết thảm' nói gì ? - ảnh 1Nữ phóng viên ảnh Nilufer Demir đã chụp những bức ảnh về "cậu bé di dân" 

Tác giả của bức ảnh “cậu bé di dân” là một phụ nữ tên Nilufer Demir. Nữ phóng viên trẻ này đang làm việc cho hãng thông tấn Dogan của Thổ Nhĩ Kỳ, theo Express ngày 5.9. Những bức ảnh của cô sau đó được nhiều hãng thông tấn quốc tế khác sử dụng lại.

Cô cho biết cô thực sự xúc động khi nhìn thấy cậu bé nằm chết trên bãi biển. Cô chụp bức ảnh để nói lên "tiếng kêu cứu thay cho đứa trẻ đáng thương đó" cũng là tình cảm xót thương của cô dành cho đứa trẻ.
Phát biểu trên kênh CNN Turk ở Thổ Nhĩ Kỳ, Demir nói cô chẳng có thể làm gì khác lúc đó bởi quá xúc động và cô cũng không thể cứu, mang lại sự sống cho đứa trẻ ngoài việc cầm máy và chụp.
“Chẳng có gì có thể làm cho cậu bé. Cũng không thể mang lại sự sống cho cậu bé, tôi đã chụp ảnh và đó là điều tôi đã làm”, Demir kể lại. “Tôi biết đó là cách duy nhất tôi có thể nói hộ cái xác đang nằm bất động”.
Số phận đã đưa đẩy nữ phóng viên trẻ Demir đến với Aylan Kurdi. Cô kể cô đang đi dọc bãi biển để tìm cái gì đó cô chưa rõ sau khi được nói là có nhiều xác chết trôi dạt vào bờ sau một vụ đắm tàu ở ngoài khơi. Demir bất ngờ phát hiện một cái xác nhỏ nhắn của một đứa trẻ, nằm sấp.
Tác giả ảnh 'cậu bé di dân chết thảm' nói gì ? - ảnh 2Nilufer Demir chính là tác giả của những bức ảnh "cậu bé di dân" được Reuters sử dụng lại - Ảnh: Reuters
 
Cậu bé mặc chiếc áo thun đỏ, quần ngắn màu xanh đậm và chân vẫn còn mang giày. Cậu bé nằm trong tư thế như đang ngủ. Demir chụp một vài tấm hình, rồi sau đó đi tiếp một quảng thì phát hiện xác một đứa trẻ khác cùng lứa tuổi với Aylan mà sau này cô mới biết đó là Galip, anh trai của Aylan.
Galip chỉ mới 4 tuổi, xác của cậu bé cũng nằm trên bãi biển trong tư thế như em trai, bộ quần áo và đôi giày vẫn còn nguyên trên người cậu bé, cho thấy tai nạn vừa mới xảy ra.
“Bọn trẻ chẳng có gì, không có áo phao, không có cả phao cứu hộ để giữ chúng an toàn khi đi trên biển”, Demir nói. “Đó quả là bi kịch cho chúng”, cô nói tiếp. Demir cho biết cô còn phát hiện một đứa trẻ thứ 3 ở độ tuổi 11, được nói là đi chung trên con tàu định mệnh đó. Trong khi xác người mẹ của Aylan được tìm thấy cách xa hơn 240 km cũng trên bờ biển của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tác giả ảnh 'cậu bé di dân chết thảm' nói gì ? - ảnh 3Những tấm ảnh "cậu bé di dân" đã làm "thức tỉnh" cộng đồng thế giới về tình trạng di dân - Ảnh: Reuters
“Điều duy nhất tôi nghĩ có thể làm lúc đó là đưa hình ảnh này cho cả thế giới nhìn thấy nhưng không ngờ bức ảnh gây sự chú ý đến như vậy”, cô Demir tâm sự, theo Express.
Trong khi đó phát biểu trên tờ báo của mình, Demir mô tả vào giây phút ấy, cô thực sự như bị hóa đá khi cùng lúc nhìn thấy xác của những đứa trẻ. Cô nói rằng đã thực hiện nhiều bài và chụp nhiều bức ảnh về di dân với nhiều thảm kịch đau thương mà họ phải đối mặt nhưng lần này cảm xúc của cô thật khác.
“Tôi đã chụp nhiều bức ảnh và chứng kiến nhiều bi kịch của tình trạng di dân từ năm 2003. Nhưng kể từ hôm nay, tôi tin nó sẽ thay đổi”, cô phát biểu. Cô mong rằng những thảm kịch đó sẽ không bao giờ xảy ra, chuyện của người tị nạn sẽ được giải quyết để không còn người nào, đứa trẻ nào phải trốn chạy, trở thành di dân và đối mặt với cái chết như Aylan.
____________

Bắt 4 kẻ gây ra cái chết cho cậu bé di dân đáng thương

Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt 4 người Syria được cho đã gây ra cái chết cho cậu bé di dân 3 tuổi, một sự kiện gây bang hoàng cho thế giới mấy ngày qua.

Bắt 4 kẻ gây ra cái chết cho cậu bé di dân đáng thương - ảnh 1
Cậu bé Aylan được đưa về quê nhà chôn cất - Ảnh: Reuters
 
AFP hôm 4.9 trích nguồn tin từ báo chí địa phương cho hay, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt 4 người Syria, buộc tội những người này với tội danh tổ chức buôn người và đã gây ra cái chết cho 12 người, trong đó có cậu bé Aylan Kurdi.
Trong số 4 người bị bắt, có thuyền trưởng con tàu chở gia đình cậu bé. Một tòa án ở thị trấn Bodrum đã ra lệnh bắt giam những người này để chờ ngày xét xử với hai tội danh chính “tổ chức buôn người” và “gây ra cái chết cho nhiều người” vì sự tắc trách, theo AFP.
Ngày 4.9, thi thể cậu bé Aylan cùng với thi thể của mẹ và anh trai cậu bé đã được người cha đem về quê nhà ở Kobane, Syria, nơi đang bị lực lượng khủng bố IS kiểm soát để an táng. Gia đình Aylan trốn chạy khỏi Kobane vì sợ hãi sự tàn bạo của lực lượng khủng bố IS nhưng họ lại gặp bi kịch khác trên đường trốn chạy đó.
Bắt 4 kẻ gây ra cái chết cho cậu bé di dân đáng thương - ảnh 2Ba khu huyệt dành cho 3 mẹ con của cậu bé ở quê nhà - Ảnh: Reuters
 
Hôm 2.9, một chiếc thuyền chở những người di dân bị đắm Aegean khiến 12 người bị chết đuối, trong đó có Aylan, mẹ và anh trai của cậu. Xác của cậu bé Aylan sau đó trôi dạt vào bờ biển Bodrum (Thổ Nhĩ Kỳ) và được nhiều người dân ở đây phát hiện.
Hình ảnh cậu bé đáng thương nằm chết trên bãi biển được các cơ quan truyền thông đăng tải và nhanh chóng tràn ngập trên các trang mạng xã hội, gây xúc động cho cả thế giới. Hình ảnh đó đã trở thành một biểu tượng cho cuộc khủng hoảng di dân đang là vấn đề nóng ở châu Âu.
Nguồn: Internet
 
 
Đăng ngày 18 tháng 09.2015